To sit alone in the lamplight with a book spread out before you, and hold intimate converse with men of unseen generations - such is a pleasure beyond compare.

Kenko Yoshida

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 62
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
hưng than ôi, người muốn còn trời cho. Kế hoạch đã sẵn nhưng tình hình không yên. Chúng tôi ra chòi năm kể cũng khỏe thân lắm. Ngôi nhà cất dưới những tàng cây sum suê máy bay không thể nào trông thấy được. Nhưng chẳng khác gì nếm mật nằm gai. Vì hằng ngày trực thăng bay rần rần không lúc nào yên. Rõ ràng là chúng mở đường cho quân Bình Định tới.
Thạnh Phong càng ngày càng hiện ra là cái “rọ” mà các loại cá một khi đã lọt qua chiếc hom thì không có cách nào chui ra được. Một bữa chúng tôi đang ăn cơm thì cậu Tám ra bảo:
- Có người tìm!
- Ai vậy cậu?
- Không biết!
- Sao họ biết cháu ở đây?
- Cũng không biết!
- Đâu cậu chịu khó vô hỏi đùm họ là ai vậy?
Cậu đi vào một lát rồi trở ra đưa cho tôi một bức thư nhầu nát, trên bì thư có dòng chữ: “Gởi Xuân Vũ” bên cạnh còn một dòng khác với chữ ký Năm Cảnh.
Tôi nói với Tư Mô:
- Thơ của Năm Cảnh anh ạ.
Năm Cảnh là Chánh Văn Phòng của Khu Ủy Khu IV tức khu Sài Gòn Chợ Lớn do Trần Bạch Đằng làm bí thư. Trần Bạch Đằng là người rất quan tâm đến đám văn nghệ sĩ R. Anh gặp mặt thằng nào, bất kỳ ở đâu thì việc đầu tiên là móc túi cho tiền cái đã rồi sau đó mới hỏi gì hỏi.
Tôi và Tư Mô đã từng gặp Năm Cảnh ở Tân Hào. Chúng tôi thật không ngờ rằng Văn Phòng của Quân Khu IV lại bị đánh văng xuống tới đây. Tuy tróc gốc tróc rễ nhưng vẫn chỉ đạo công tác ở Sài Gòn bằng nhiều đường dây giao liên hợp pháp. Năm Cảnh cho biết anh Tư Ánh tức Trần Bạch Đằng cho đi tìm chúng tôi để đưa về R gấp. Cũng giống như Tư Ánh, Năm Cảnh thường cho tiền chúng tôi. Nhờ vậy mà hai đứa khỏi đi làm mướn dài ngày.
Khi gặp tôi và Tư Mô đi gánh lúa mướn ở Tân Hào một cách bất ngờ thì anh la lên:
- Bộ mấy thằng Tỉnh Ủy này đui hết rồi sao mà chúng nó để các cha đi làm như vậy?
Tư Mô nói:
- Không phải tại Tỉnh Ủy đâu anh à. Đó là do trên R kêu về, mà chúng tôi không về được nên họ cắt sinh hoạt phí của chúng tôi.
Năm Cảnh nói:
- Đường đi bây giờ, một bước là chết trước mắt làm sao mà đi?
Năm Cảnh là dân ở Cồn Ốc thuộc xã Thạnh Phú Đông, là em trai chị Nương, bạn học của tôi, thuộc tuổi đàn em của Tư Mô, kêu Tư Mô bằng chú. Do trách nhiệm đối với chúng tôi, mà co tình cảm riêng cũng có, nên Năm Cảnh cho người đi tìm chúng tôi và gặp ở Tân Hào.
Đó là một tình cảm rất quí báu đối với chúng tôi. Giữa lúc cán bộ lấm lét trốn chui trốn nhủi không ai còn muốn nhìn mặt ai, còn chúng tôi thì bị cắt sinh hoạt phí mà Năm Cảnh cho đi tìm để đùm bọc thì thiệt vô cùng cảm kích đối với chúng tôi lúc bấy giờ. Nếu không có Năm Cảnh thì Xuân Vũ và Tư Mô không còn sống đến ngày nay. Dù bây giờ mỗi người một ngã nhưng tôi vẫn còn mang cái ơn đó đối với Năm Cảnh. Tư Mô nói:
- Nói vậy thì các chả cũng lọt xuống đây rồi. Mình phải cấp tốc “đeo vè” mới được.
Tôi quay lại định hỏi cậu Tám xem người đem thơ còn ỡ đó không thì cậu Tám đã vào nhà. Tôi theo vào nhà thì anh ta đã biến mất. Cậu Tám nói:
- Thằng đó tên là Hai Dân giao liên xã này, cậu biết.
- Ảnh có dặn gì không cậu?
- Nó bảo cháu ở đây, khi cần ở trên tới rước.
- Cậu biết chỗ ở của Hai Dân không cậu?
- Cứ vài hôm nó ghé đây một lần. Nó không chịu ai tìm đến chỗ của nó đâu.
Tôi yên trí và trở ra chòi khui thơ xem. Trong bao có hai lá. Một của Trần Bạch Đằng một của Năm Cảnh.
Lá thư của Trần Bạch Đằng dài bốn trang pelure chữ viết tay. Vẫn cái tuồng chữ loạn ngoằn xoắn tít thời kháng chiến mà tôi thường đọc khi tôi làm ủy Viên Thiếu Nhi Cứu Quốc tỉnh Bến Tre còn anh thì làm Xứ Đoàn Phó Thanh Niên Cứu Quốc Nam Bộ.
Đại khái anh hỏi thăm sức khóe hai đứa tôi, thuật lại việc Tết vừa rồi, trước Mậu Thân, có ra Hà Nội và được Tố Hữu mời ăn cơm tối. Sau đó anh bảo chúng tôi thu xếp về R ngay.
Lá thư thứ hai của Năm Cảnh nói ba điều bốn chuyện và dặn hãy ở đây, sẽ cho người đến rước. Ngoài ra còn sáu tờ giấy bạc tổng cộng ba ngàn đồng, mỗi đứa được ngàn rưởi bó đầu gối chạy chụp dù đỡ mệt lắm.
Vậy kể như ổn rồi. Nằm ở cái Ngọa Long Cung này chờ thời như Khổng Minh. Một đêm nằm trên giường tôi nghe tiếng xuồng bơi nhè nhẹ dưới rạch. Tôi bấm anh Tư. Anh bấm lại tôi. Bấm qua bấm lại rồi hai đứa cùng im.
Sáng ra hay tin một ổ cán bộ xã huyện bị biệt kích đột nhập bắn chết một số, bắt sống một số, cách đây không xa. Tôi và Tư Mô nhìn nhau mặt mày xanh lét. Nếu chúng “làm siêng” ghé lại nhà mình hồi hôm thì sao?
Tư Mô nói:
- Chú có nghe tụi nó bàn với nhau không?
-Có chứ! Một thằng bảo “có”. Một thằng nói “không” nên chúng nó đi thẳng đó chớ!
- Do đó tôi bấm chú.
- Tôi hiểu rằng anh bảo: Nếu chúng lên thì đừng chống cự chớ gì?
- Đúng?
- Tôi nhớ lúc xuống xuồng ở Thạnh Phú Đông, anh cũng dặn: Không chống cự, nếu đụng ho-bo.
- Tôi nghe chú bấm lại tôi cũng hiểu là chú đồng ý nên yên tâm nằm mím. Chứ chạy là chết. Thường thường chúng đi được sông thì cũng đi trên bờ, cặp đôi như vậy, hễ mình bị động ổ chạy loạn là dính.
Sau vụ chết hụt của chúng tôi, cậu Tám khuyên chúng tôi nên dời chỗ. Chưa biết dời đi đâu, nhưng phải dời: Vì ở đây không chắc sống nữa.
Cậu tìm cho chúng tôi một cái chòi khác ở giữa đồng, không có bụi rậm chung quanh: Đó là chòi của những người chăn vịt bỏ đi. Vào đến nơi thấy có những ống trùm đặt lươn thì biết là nơi cư trú của những người sống bằng nghề bắt lươn rắn. Chúng tôi thương lượng và được họ cho dung thân tạm một thời gian. Chợ Cồn Chim bây giờ đã trở thành một cái chốt lớn. Bần Mít, Cồn Lớn là những cái chốt nhỏ. Từ những cái chốt đó, đêm ngày lính tỏa ra đi xục xạo, tối cụm lại. Cứ như thế, cán bộ không còn chỗ trốn nên phải chạy dồn lên miệt Rạch Vẹt nhưng ở đây cũng không ổn. Tất cả cán bộ như chuột mất hang chạy lùng tung, tấp vô chỗ này ở vài buổi, chỗ kia vài ngày. Vùng đất cát khả dĩ đào hầm bí mật được thì đã bị chốt, còn những nơi khác thì sình lầy có thể dùng để chém vè tạm bợ một vài giờ đồng hồ thôi. Vì nước mặn không thể ngâm mình lâu được. Tôi và Tư Mô ở trong cái chòi vịt kể trên. Ở đây chúng tôi gặp một người kháng chiến cũ tên là Ba Vĩnh. Ông đã trên sáu mươi nên tự xưng là “Hội ông nội chiến sĩ” chớ không phải là cha chiến sĩ mà thôi. Ông cho chúng tôi ăn món lươn um lá cách nước cốt dừa tuyệt diệu. Uống vài chum rượu rồi ông khoa tay nói oang oang:
- Tôi là tiểu đội phó bộ đội anh Măng, anh Tỷ. Con tôi đi bộ đội ông Cống, chết ở Khu 9, để lại cho tôi hai thằng cháu nội, bây giờ chúng đã mười bốn, mười sáu tuổi rồi. Tôi không phải là ông nội chiến sĩ hay sao?
Ông cười ha hả mà mắt đỏ hoe, cái cười chất chứa một sự chua cay. Ông bảo:
- Vừa rồi trung đội địa phương quận đến rủ thằng cháu lớn đi tổng tấn công. Tôi không cho. Họ có ý bất mãn cho tôi là thằng cha già sọc dưa. Tôi nói thẳng: Kể về cái vụ chơi với súng ống, tôi đã chơi từ hồi 45. Tôi đánh 25 trận bị thương ở gót không chạy được nên mới quảy gói về làng đó mấy chú à. Con trai tôi chết vì nước, tôi còn hai đứa cháu nội để nối dòng chớ. Đi nữa, cụt làm sao? Họ bảo đi dân công chiến trường. Tôi cũng không cho. Bảo đi cứu thương tôi cũng lắc luôn. Nói không là không tuốt. Hai chú nghĩ thử hồi trước chúng tôi kẻo cả hai đại đội đánh cái đồn Giồng Lưông có chục rưỡi lính mà không hạ được, bây giờ họ có non một trung đội mà đánh cả cái quận Thạnh Phú thì đánh cách nào? Quả thật có đánh được đâu, chỉ làm cho tụi nó chửi om lên.
Tôi không muốn đụng chạm với địa phương, cũng như mối thương tâm của chính mình nên hỏi chuyện cũ:
- Bác có tham gia trận đánh Giồng Luông à?
- Có chớ. Thằng Vĩnh này đánh Cầu Mống, Giồng Luông, Cổ Cò rồi qua Trà Vinh đánh trận Ba Động, Năng Gù. Rồi trở về Bến Tre đánh trận Phước Long bị thương.
Dường như bị khơi đúng mạch lòng, ông Ba Vĩnh uống rượu liên miên và nói liền miệng:
- Hồi đó trong trung đội Đoàn Trần Nghiệp của anh Hai Phải có hai tay bắn FM cự phách là Ba Kích và Vĩnh Địa là tôi. Hồi đó tôi to lớn nên được kêu là Vĩnh Địa. Tôi nặng trên 80 kí lô nên bị thương phải hai người một đầu đòn mới khiêng tôi nổi. Nhờ vậy mà tôi bắn FM nổi danh. Tôi không đặt xuống đất mà ôm bắn một hơi chín băng. Nòng súng đỏ như nướng, rủi ở trận đó nhằm đất giồng cát không có mương vũng nên tôi kêu chiến sĩ đái lên cho nguội để bắn tiếp.
Tư Mô thọc gậy bánh xe một cách vui vẻ.
- Ở giữa trận ai rặn cho ra chú Ba!
Ông Ba Vĩnh cười giơ cả nướu:
- Vậy mà cũng rặn ra chú em à!
Tôi lại chêm vào:
- Trong bộ đội anh Hai Phải còn có một tay nữa bắn FM cũng ớn lắm. Đó là Năm Hà em anh Ba Kích.
Ông Ba Vĩnh xua tay:
- Phải! Nhưng Năm Hà mới tấn lên sau khi tôi bị thương và nổi tiếng là ông “Chín Băng”. Ba Kích chết, Hà lên thế.
Ông Ba Vịnh hỏi ngoặc lại tôi.
- Sao chú em biết Năm Hà?
- Dạ, hồi đó cháu còn là thiếu nhi cứu quốc ham coi súng lắm. Mỗi lần bộ đội anh Hai Phải từ Cái Mít qua đóng ở nhà ông Sáu cháu ngoài Vàm Tân Hương hoặc nhà ngoại cháu gần chợ thì cháu ở tuốt trong Cầu Mống cũng chạy ra coi súng. Cháu biết anh Hai Phải Ba Kích và Năm Hà. Và còn biết vụ Năm Hà xách súng rượt Trần Văn Trà chạy suýt chết vì ông ta đòi sát nhập bộ đội Đoàn Trần Nghiệp vào bộ đội Lê Hồng Phong để ông ta thống nhất chỉ huy.
Ông Ba Vĩnh hỏi:
- Nói vậy chú ở Cầu Mống à?
- Dạ phải, ở ấp Thạnh Đông giáp ranh xóm Cổ Cò.
- Chú có biết trận Cầu Mống không?
- Dạ có, cháu có tham gia nữa mà. Trận Giồng Luông cũng có mặt cháu. Còn trận Cổ Cò cũng có cháu luôn.
- Chú đi bộ đội à?
- Dạ không. Nhưng vì mấy trận này đều ở gần nhà nên cháu chạy tới xem. Riêng trận Cổ Cò thì xảy ra ngay trước cửa nhà cháu. Bữa đó trong nhà có đám giỗ. Bộ đội của anh Rô Măng và anh Tỷ đang ăn cơm, bỗng nghe tin Tây ở đồn Cầu Mống ra xóm bắt gà. Anh Tỷ bảo: “ê, ê…bu… buông đủ… ả xuống, đánh rồi hãy ăn?”
Tôi nói cà lăm nhại anh Tỷ. Ông Ba Vĩnh cười gật đầu:
- Chú em nói đúng đó. Thằng cha Tỷ có tật cà lăm. Nên gọi là “Tỷ cà lăm”. Riêng mấy thằng già tụi tôi thì kêu “Tỷ cà lạp”. Anh ta lại có tật chửi thề. Mở miệng là chửi thề. Ra trận anh ta nạt: Đ… mẹ… xu…. xung pho…ong nghe tụi bây! Xu… xu pho…ong! Thằng nào nằm miết, bắn bỏ!” Anh em thương chả lắm. Thằng chả còn có tật chải đầu bảy ba bằng bi-ăng-tin, rẽ đường ngôi thật thẳng ở giữa, thường mặc áo bờ-lu-dông xanh đeo cây colt xề xệ bên hông. Còn anh Rô Măng thì to con như Tây lai.
- Dạ đúng. Anh Rô Măng (gọi tắt là anh Măng) học chung với chú của cháu ở Mỹ Tho, người ở Tân Thành Bình, có cô em gái đẹp lắm tên là Romaine biết đờn ghi-ta.
- Còn một tay chỉ huy nữa cũng gan dạ lắm. Đó là Hồng Minh Quang, có tánh mủ mỉ nhu mì, da trắng môi son, thân hình mảnh mai như con gái.
- Dạ đúng. Ảnh cũng có một trung đội, quân số bằng một đại đội, đồng bào gọi là bộ đội anh Quang. Ảnh có đánh trận Cầu Mống với anh Hai Phải.
- Nhà chú ở Cổ Cò mà ở lối nào?
- Dạ gần nhà thờ Thiên Chúa. Nhà thờ đó là do ông cụ của cháu đựng lên cho con cháu học hành và thờ Chúa.
Ông Ba Vĩnh vỗ đùi đánh bốp:
- Vậy là tôi có đóng trong nhà ở bên cạnh nhà thờ.
- Đó là nhà ông cụ cháu, nhà cháu thì ban chỉ huy đóng.
- Té.ra mình quen nhau hơn hai chục năm rồi sao?
Chúng tôi ngồi nhìn nhau như những người bạn cố tri.
- Thôi làm miếng nữa đi hai chú rồi dẹp để coi có tình hình gì mà chạy cho nhanh. Mấy chú thì chạy chớ tôi trâu già đâu nệ dao phay. Lính gặp tôi biết bao nhiêu lần rồi. Có thằng kêu tôi bằng ông nội. Nè, làm cái đuôi lươn đi. Con lươn ngon nhất là cái cạnh đuôi. Nó vừa có xương có nạc lại có gân nhai đòn đòn béo béo. Còn khúc mình chỉ có nạc và xương cứng gặm rồi vứt, không nhai được.
Bỗng ông Ba ngưng đũa hỏi:
- Mấy chả chắc ra Bắc làm lớn lắm hả chú?
- Dạ mấy cha nào?
- Thì cha Măng, cha Tỷ Cà Lăm, cha Quang, ủa quên nữa, còn cha Nhàn Râu.
- Dạ làm lớn lắm, nhưng lớn nhất là anh Nhàn Râu.
- Lớn cỡ nào, chú nói cho tôi mừng!
Tôi nghẹn ngào không biết trả lời cách nào thì Tư Mô cười nhếch mép:
- Không biết cỡ nào nhưng nhà ổng ở có song sắt và lúc nào cũng có lính canh, vợ con cũng không tới thăm được.
- Lớn dữ vậy à?
Bỗng một thanh niên từ trong vườn lom xom chạy ra, mặt mày hớt hãi:
- Hai chú về nhà cháu. Mau để không kịp!
Tôi và Tư Mô quơ đồ đạc dồn vô ba lô và từ giã ông Ba Vĩnh, chạy bạt mạng theo thằng bé. Về đến nhà cậu Tám mệt muốn đứt hơi. Đó là thằng con trai của cậu Tám.
Cậu đang đứng ở bến, vẻ mặt âu lo. Chiếc đuôi tôm đã nổ máy. Cậu khoác tay:
- Xuống ngay. Các ổng đang đợi ngoài vàm.
Chúng tôi vừa ngồi yên trên xuồng thì cậu vọt. Chạy một khúc cậu mới móc đưa cho tôi mẩu giấy. Chỉ có mấy chữ: “Theo người cầm giấy ngay! – Năm Cảnh. “
Tôi hỏi cậu Tám:
- Người cầm giấy đâu cậu?
- Anh ta sợ chờ lâu, đoàn đi mất nên về trước kêu họ đợi.
- Cậu biết đường tới đó không?
- Ngoài vàm.
Đuôi tôm chạy trên con rạch âm u rợp lá dừa nước ngoằn ngoèo, nếu là người không rành đường chắc phải lủi vô bờ. Rong rêu rác rến dày đặc, lâu lâu cậu phải bật đuôi tôm lên lắc lắc cho rác rơi xuống rồi mới chạy tiếp.
- Quân Bình Định xuống chợ Cồn Chim rồi.
- Vậy là nó chiếm trọn Cù Lao Minh và Cù Lao Bảo.
- Tụi này hiền mà ác, ác mà hiền.
- Là sao cậu?
- Hiền là nó không bỏ bom bắn phá, nó chỉ dựng sân khấu hát xướng và đi phát thuốc men, gạo vải cho bà con. Cho nên bà con ở yên không ai chạy đi đâu hết. Lại còn đi coi hát của tụi nó. Quán xá chợ búa còn y nguyên. Nhà ai nấy ở. Chỉ vài ngày nó đã lập được chánh quyền, biến vùng giải phóng thành vùng quốc gia, vậy không phải hiền là gì? Cán bộ không phương gì giải thích tuyên truyền về “sự tàn ác” của chúng nó. Chúng điều tra rất kỹ những chuyện làm bậy bạ của cán bộ địa phương. Ông nào có vợ bé, ông nào mò vợ chủ nhà đóng quân, ông nào rượu chè be bét, cô nữ cán bộ nào có chữa hoang, chúng đều nói trúng ngay trân. Cuối cùng chúng nó hỏi: như vậy giải phóng để làm gì? Chưa hết, chúng còn phân phát một cuốn sách nói về cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc bị đày đi phá rừng đi đập đá làm đường, rồi trên đường Trường Sơn ốm đau chết chóc như thế nào, cuối cùng chúng lại hỏi: giải phóng để làm gì? Ở cuối quyển sách có in hình mấy chục cán bộ chiến sĩ Nam Bắc hồi chánh. Trong đó có nhiều ông chức lớn lắm. Ở ngoài bìa sách chúng vẽ hình Cụ Hồ ốm o, chống gậy và đề một câu: Hồ Chí Minh đã ngủm.
- Cậu có cuốn sách đó không?
- Coi xong tao đốt liền.
- Nếu cậu giữ cho cháu thì hay quá.
- Tao đâu có dám giữ trong nhà. Rủi cán bộ bắt gặp thì nó cho tao mò tôm ngay.
Xuồng chạy ra tới Vàm khá rộng. Tôi không biết đây là đâu cả. Địa danh là gì cũng không cần hỏi. Xã Thạnh Phong mảnh đất cuối cùng của Cù Lao Minh gồm những vùng rừng hoang, những xóm thưa dân làm những nghề nghiệp đặc biệt với những tên đất tên làng vừa nghe đã thấy sự hoang vu: Láng Cát, Cồn Điệp, Cồn Ngao, Cầu Ván, Sân Trâu, Giồng Chanh, Giồng Ớt, An Quí…
Đất nâu, mặn, đi dính chân rít rít. Nước đục lềnh bềnh. Người dân nước da ngâm, yên phận hưởng thú thiên nhiên trời đất dành cho. Cái thời gián điệp Phạm Ngọc Thảo chui vô chánh quyền quốc gia, được giao cho giữ chức Tỉnh Trưởng Bến Tre, Cồn Chim đã trở thành một trong những bến đỗ của tàu vũ khí từ Bắc vào, và rừng Láng Cát chứa nghẹt những súng đạn Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp, Hung… để rồi tỏa ra khắp miền Nam đánh phá đô thị mà vụ lớn nhất lịch sử là Tết Mậu Thân vừa qua.
Phạm Ngọc Thảo là em ruột phạm Ngọc Thuần. Tôi biết Thảo hồi tôi làm phóng viên cho tờ Tiếng Súng Kháng Địch ở miền Tây, đi chiến dịch Long Châu Hà II, nằm trong đơn vị của hắn. Tiểu đoàn 410, trong trung đoàn chủ lực Tây Đô do Huỳnh Thủ làm trung đoàn trưởng. Thảo người gầy ốm, mắt lé, còn có tên là Thảo lé. Trong quyển “Mười Năm Mưa Phùn Gió Bấc” tôi đang viết cho nhà xuất bản Xuân Thu, tôi sẽ kể chuyện về bàn tay lông lá của Thảo đã mở cửa tù thả hằng trăm tên Việt Cộng và mưu hại một người bạn của tôi hiện ở ngoại quốc. Người bạn này đã mở đường Trường Sơn vượt qua Lào trốn về Sài Gòn trước khi có con đường Hồ Chí Minh. Chính người bạn này đã hợp tác với chánh quyền Cụ Diệm ngay sau khi về Sài Gòn năm 1958. Chuyện ba mươi năm cũ viết tới đâu lòi ra bao nhiêu điều u ẩn bị Cộng Sản giấu nín nhẹm tới đó. Vô cùng ngán ngẩm, nhưng tôi vẫn cố viết cho hết những điều tôi biết.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc