He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 62
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
ũng may chuyến đi trót lọt. Lên bờ mạnh ai nấy vọt. Vợ chồng tôi đi theo vợ chồng Ba Sơn. Bà bầu đi lệt bệt. Vợ tôi thông cảm nữ giới với nhau nên đi kèm. Đây là đất Thạnh Phú Đông-Tân Hào quê hương của lực lượng võ trang tỉnh thời đầu kháng chiến chống Pháp do các vị tiền bối Hai Phải, Ba Kích, Năm Hà, Bảy Cống nhen nhóm và phát triển thành bộ đội lớn sau này thành trung đoàn 99.
Về đến nhà ông nhạc của Ba Sơn thì trời tối. Ông già làm gà đãi con gái, con rể trở về nhà và vợ chồng tôi. Sáng hôm sau Ba Sơn lên giồng tìm cho vợ chồng tôi một cái nhà bỏ hoang cách đó chừng hơn một cây số. Như vậy cũng ấm cúng. Có chạy thì chạy chung không đến đỗi cô đơn.
Đây là nhà của anh Ba Dành. Cũng như ông Ba Còn bên An Thới, anh Dành bỏ nhà lớn ra ngoài đồng ở chòi. Anh có ba đứa con nhỏ, chị lại có bầu. Xóm ấp không có trường trại gì hết nên anh gợi ý cho vợ tôi mở lớp dạy học.
Một sáng kiến vĩ đại. Anh đứng ra sửa soạn lại ngôi nhà lớn cho vợ chồng tôi ở, phần còn lại thì dùng làm trường học. Thiệt là đơn sơ đến mức tối đa. Phòng của vợ chồng tôi dừng bằng vài tấm lá xé trống hốc không có cửa buồng. Bên trong chỉ có một bộ vạc tre, dây mây bện đầu đứt hết. Tôi phải sửa chữa lấy, nhưng cũng may, bốn chân còn rất chắc. Đó là điều căn bản. Ngoài ra tôi đi tìm miếng ván làm cái kệ, ban đêm đốt đèn để lên đó cho bớt hoang vắng.
Nhà còn một cái cũi chén và cái bếp có chân cao khá tốt. Vậy là đủ. Cần gì hơn? Chiếu? Anh Ba cho một chiếc cũ. Gạo? Mỗi đứa học trò đóng một lít mỗi tháng. Có hơn ba chục em trai lẫn gái. Phân chia làm ba, bốn lớp. Đứa nào biết tới đâu dạy tới đó. Tôi hết sức lấy làm lạ, vợ tôi không tỏ vẻ phiền hà buồn bực chút nào. Nàng nấu cơm, xách nước, dạy học như công việc đã quen từ lâu.
Bà con lối xóm thấy cô giáo siêng năng, dễ thương thì cho dừa khô, mắm, rau ăn thêm. Tôi ít khi giúp vợ tôi phóng bài cho các em. Tôi chuyên trách một công việc khác vĩ đại hơn nhiều. Đi chọp cá tép để ăn hằng ngày.
Dễ lắm. Tôi đi tìm một miếng lưới rách, chặt bốn cành tre suông và một khúc tầm vông. Lúc còn nhỏ ở nhà tôi vẫn thường đi chọp tép ở các ao mương. Bây giờ tái hành nghề chẳng khó khăn gì. Gần nhà anh Dành có rất nhiều ao. Tối tối, tôi đi giăng lưới bén, sáng dậy sớm đi gỡ cá rô đem về cho vợ làm rồi vác chọp đi công tác. Gặp đàn bà đi chợ về, tôi xin vài nắm cám. Tôi vò vào đất sét quăng xuống ao. Một chốc giơ chọp lên, tép nhảy tưng bừng coi mê mắt.
Ăn không hết đem phơi khô đập lấy ruột bỏ vô keo lâu lâu rủ cán bộ địa phương tới rai rai lấy cảm tình. Xã Tân Hào đặc biệt có một ông phó bí thư không đi được mà chỉ lết tục gọi là Mười Lết. Chính Mười Lết cho phép tôi đóng đô ở đây và cũng tới lui giúp đỡ tôi việc này việc khác.
Anh kể rằng thuở bé anh cũng khỏe mạnh như trẻ con khác nhưng y tá của bộ đội Bảy Cống tiêm thuốc ở mông anh nhè trúng nerf sciatique nên anh bị xụi luôn chớ không phải bẩm sinh. Tuy kém “cái bề chân đứng” nhưng lại rất đắt mèo. Một cô y tá và một cô con gái bà má Hai đeo y và có lúc ghen tương suýt choảng nhau. Người ta đồn rằng y có bùa hoặc ngón nghề gì đặc biệt, không rõ.
Nhờ gạo của học trò và cá tép trời cho mà vợ chồng tôi sống cũng qua ngày đoạn tháng. Một hôm vợ tôi nhớ nhà đòi về bên An Định. Hai đứa bàn rằng lính đóng đồn ở dọc lộ đá mình về sẽ lên vùng An Huy đồng rộng mênh mông tá túc ở nhà cô Hai của vợ tôi sống cũng được. Lính không bao giờ đi tới đó.
Hành lý đã gói ghém xong, vợ tôi chờ tôi đi móc với đường dây là lên đường hồi hương. Sự thực tôi không muốn đi vì liên lạc chỉ đưa mình đi tỉnh đi R chớ không dắt tới các xã. Hơn nữa đồn bót mới không biết lối nào mà tránh. Ngoài ra còn biệt kích nghều như trấu. Cũng may hôm ấy trời mưa. Cô giao liên Tỉnh Ủy ghé nhà tôi đụt mưa một cách bất ngờ.
Tôi đi tìm trạm giao liên không kết quả nên trở về nhà. Gặp cô ta, tôi hỏi thăm tình hình bên Cù Lao Minh. Cô cho biết quân Bình Định đã chốt Cầu Sập, Cầu Ông Ngò, Ngã Tư Giồng Võ, chợ An Thới, sắp sửa bỏ vòi xuống Tân Trung, Giồng Cui, Tân Huề. Như vậy là Mõ Cày và Hương Mỹ được nối liền nhau bằng một hệ thống đồn bót đóng dọc trục lộ giao thông chính của anh. Vợ tôi nghe vậy bảo:
- An Huy chưa bị đóng thì không sao!
Cô liên lạc bèn cho biết:
- Kỳ này nó chơi ác, đóng luôn An Huy, tại nhà bà Hai Sâm.
Vợ tôi giật mình lặng thinh hồi lâu. Tôi biết đó là nhà cô Hai, ngôi nhà lớn nhất vùng, có lần nhạc phụ tôi chở tôi lên đó ăn giỗ. Cô giao liên còn quơ tay:
- Tụi Bình Định ác thiệt. Nó đã làm xong con lộ từ An Thới lên Thành Thới nối liền Thom. Con lộ này được đắp cùng một lúc với ông Diệm xây ấp Chiến Lược. Mình phá ấp Chiến Lược xong phá luôn lộ. Bây giờ đã sửa lại xe máy dầu chạy rầm rầm. Nó vừa tổ chức chạy đua cả mấy trăm chiếc từ Mõ Cày xuống Ngã Tư Cái Quao, vô An Thới lên Thành Thới lên Thom rồi trở về Mõ Cày.
Tôi nghĩ bụng vậy là nó chiếm trọn Mõ Cày rồi! nhưng không dám nói ra.
Cuộc hồi hương đành hủy bỏ. Nếu lơn tơn về, dám bị biệt kích bắn chết. Trước đó có một cán bộ của tỉnh đội tên là Phan Thảo vì hiềm khích nội bộ nên bị cơ quan cho nghỉ việc. Phan Thảo bèn về quê vợ ở An Thới. Về chưa tới nhà đã bị bắn chết.
Tình hình càng ngày càng bi đát. Một bầu không khí xám xịt bao trùm lên thôn xóm. Ai nấy đều tìm đường ra thành hoặc vùng Quốc Gia mới kiểm soát. Tôi cũng nghĩ tới việc đưa vợ về quê, không phải quê An Định mà là chợ Mõ Cày. Ở đó vợ tôi có rất đông bà con bên ngoại.
Một bữa, Tư Mô lại ghé nhà tôi. Tôi hỏi chân đầu ngay:
- Lại công điện R nữa hả bác nó?
Tư Mô giới thiệu một người tóc tai chân mày bạc phếu:
- Đây là anh Hai Liêm trưởng ban Giáo Dục tỉnh.
Hai Liêm có vẻ hóm hỉnh. Anh nhìn quanh rồi nói:
- Ở đây nó thường đổ quân bốn chỗ. Giồng Đồng, Bào Sen, Giồng Chùa và Thạnh phú Đông, chú em phải định
trước con đường thoát. Đừng đợi nước tới trôn mới nhảy.
- Dạ tôi có nghiên cứu rồi anh Hai.
- Nghiên cứu cách nào?
- Dạ sáng sớm tôi ăn cơm xong thì lên quán bà Mười “đóng quân” lóng ngóng chờ chụp đặng chạy.
Thấy vợ tôi không có ở nhà, Tư Mô hỏi:
- Ủa, thím Hai đâu? Bộ chú gởi về nhà rồi hả?
- Cổ tanh cơm tanh cá nằm trong buồng!
Tư Mô cười:
- Chú giỏi lắm! ông già bà già chú có tương lai rồi. Chú muốn trai hay gái?
- Trai gái gì cũng được miễn tía má tôi có cháu bồng thì thôi.
- Tôi cả thảy năm đứa. Mậu Thân vừa rồi mất một thằng đực, mà chết cháy thế mới đau!
Ba ông táo ngồi uống trà nói toàn chuyện trốn, chạy, lủi, chém vè… Tư Mô nói:
- Lúc trước ở Thành Thới, tụi tôi bị một trái rốc kết cá lẹp phóng sém miệng hầm.
Hai Liêm xua tay:
- Cá lẹp bắn dai như trâu đái, còn phóng rốc kết thì một phát bốn trái. Vô phước kẻ nào bị nó phóng thì không còn miếng xương. Ở An Thới, anh út chủ quán gần chợ bị chụp bốn quả. Thấy ớn quá trời.
Nhìn quanh nhà, chiếc võng lát rách nát mắc ở gần cửa sau, anh đi tới lấy chân đá đá và cười nhếch mép:
- Đây là cái võng Mậu Thân. Hì hì… vì nó chỉ còn có hai cái đầu, còn mình thì nát hết.
Bỗng nghe đầm già “khảy đờn cò” trên trời. Hai Liêm lại pha trò:
- Buổi trưa mà hòa nhạc kiểu đó chắc không ổn đó hai chú ơi!
Trông ra cửa nhìn lên trời và nói:
- Nó không liếc phía nào mà chỉ bay thẳng xuống Sơn Đốc.
- Nó quay lên rồi “cáo… đùng” mấy hồi.
Bỗng nghe oang oang từ trên trời vọng xuống:
Nghe đây! Hồ Chí Minh Đã Chết!
Nghe đây! Hồ Chí Minh Đã Chết!
Ba người dòm nhau, không hiểu, không tin ở lỗ tai mình.
Hồ Chí Minh Đã Chết!
Tiếng loa giữa không trung làm rỡn tóc gáy. Hai Liêm sửng sốt:
- Chuyện gì vậy kìa?
Tư Mô bảo.
- Để nghe vài ba lần nữa coi!
Tôi lắc đầu:
- Rõ rồi, còn gì nữa?
Ba người ngồi êm rơ, dãn tai nghe. Vẫn một giọng đó. Vẫn những tiếng đó vang vang cả bầu trời. Bỗng vài tờ giấy trắng lắc lư loạng choạng rơi xuống trước sân. Tư Mô hỏi.
- Giấy gì vậy?
Tôi chạy vụt ra lượm rồi đưa lên mắt đọc. Cũng những chữ đó. Nhưng bây giờ không chỉ nghe mà đọc cụ thể hơn: “Hồ Chí Minh Đã Chết!” Bên cạnh những chữ đó còn có tấm hình lão già bị cái gạt tréo lấp cả mặt. Và những dòng chữ li ti. Tôi vào nhà đưa cho Tư Mô. Hai Liêm vừa xem vừa lắc đầu:
- Có lý nào?
- Để chiều nay nghe BBC thì biết.
Tôi không nói gì, lấy đài ra mở liền. Tiếng nói quen thuộc vang ra từ đài Hà Nội, giọng buồn rầu kể lể:
- Đây là bản tin liên tục phát thanh từ Đài Tiếng Nói Việt Nam! Hồ Chủ Tịch bị cảm nặng từ lâu, Trung ương Đảng đã hết lòng chạy chữa. Các lương y Trung Quốc, Liên Xô và các nước anh em cũng được mời sang để chẩn mạch cho thuốc cho người nhưng vì tuổi già sức yếu cùng với những năm tù đày bôn ba liên tục, nên người đã từ trần hồi… giờ… phút ngày 3 tháng 9 năm 1969.
Một ủy Ban Tang Lễ đã được thành lập do đồng chí Lê Duẩn Tổng Bí Thư Đảng làm trưởng ban, gồm có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,... làm ủy viên. Linh cửu của Chủ Tịch Hồ Chí Minh sẽ quàn lại Phủ Chủ Tịch để các đoàn thể nhân dân và đại biểu các Đảng CS anh em trên thế giới tới phúng điếu…
Tôi vặn nhỏ lại và nhìn Hai Liêm. Hai Liêm nói:
- Như vậy là có thiệt rồi hai chú.
Thấy tôi và Tư Mô không phản ứng gì hết, anh tiếp:
- Mình bị một cái Mậu Thân vừa rồi, bây giờ bị cú này nữa, thiệt là mậu hẩu.
Tôi nói:
- Kẹt cái là ổng “đi” gần trùng ngày Quốc Khánh.
- May mà ổng còn chịu nổi một ngày nên rơi vào ngày 3 tháng 9, nếu “đi” vào ngày 1 hoặc ngày 2 thì càng mậu hẩu nữa.
Tư Mô hờ hững:
- Trước sau gì cũng vậy thôi!
Hôm đó trở đi, ngày nào đầm già cũng ở trên mây loa xuống, “Hồ Chí Minh đã chết”. Lâu lâu lại đổi dĩa kêu gọi “Anh em cán binh VC hãy quay về với chánh nghĩa Quốc Gia” kết thúc lời kêu gọi là cái điệp khúc “Chiêu Hồi hoặc là tử thần!”
Nghe mà run từng miếng thịt chớ không phải chơi!
Tư Mô và Hai Liêm ở lại tổng hành chòi của tôi chơi hai ba ngày luôn tiện cùng nghe đài Hà Nội và BBC về cái chết của ông Hồ. Trước khi từ giã chúng tôi, Tư Mô cho tôi một tin giật gân. Tư Mô hỏi tôi:
- Chú có người cậu nào làm ở Ban Tài Chánh Tỉnh không?
- Tôi chỉ có một người cậu đi kháng chiến với anh đó thôi!
- Ấy tôi gặp ổng, ổng bảo ổng là cậu của chú. Quê ổng ở Cẩm Sơn.
Tôi lẩm nhẩm một lát rồi gật:
- Nếu vậy ông là… con của mấy ông bà bên họ ngoại tôi nhưng các cậu đông lắm tôi không biết là ai.
Tư Mô rỉ tai tôi rồi cười vang:
- Nếu vậy thì có lý lắm. Hiện giờ mình đang cạn “nguồn sống”. Trên R chơi vậy là hết đường tương chao!
- Chó chơi! Tôi ở luôn dưới này coi lão Tư Siêng làm gì?
Tôi vào buồng nói gạt vợ tôi là Tỉnh Ủy gọi đến có chuyện gấp. Vợ tôi vốn không muốn cho tôi đi đâu. Chỉ trừ buổi sáng đi lên giồng nằm khểnh trong quán bà Mười chờ chụp thì nhảy. Ngoài ra tôi cũng không muốn bỏ vợ ở nhà một mình, rủi có chuyện gì biết nhờ ai?
Tôi xách chiếc túi con, giắt súng trong lưng rồi đi với hai ông già.
Hai Liêm rất rành đường đi nước bước nên dắt tôi và Tư Mô một buổi thì tới bờ sông Long Mỹ. Cây cầu sắt bị đánh gãy gục xuống sông, mấy cái trụ đứng chôn chân giữa sông ngóng cổ kêu trời không thấu. Hai bờ sông đầy những lá dừa nước như rừng. Hai Liêm trỏ qua bên kia sông bảo:
- Mấy giả đóng bên đó. Đi vòng thì xa lắm. Nhưng nếu bơi qua sông thì đụng ngay. Các chú muốn hành thuyền hay kỵ mã?
Tư Mô ngó tôi. Tôi hiểu ý, nói ngay:
- Nếu mấy ổng đóng bên kia sông thì để một mình tôi “hành thuyền” cũng được.
Tư Mô móc trong túi ra con dao sáu lưỡi rất bén luôn luôn bất ly thân cắt một cái bập lá ném cho tôi.
- Thuyền nè!
Tôi tự hào một cách cảm tử:
- Không cần!
Nói xong tôi giao đồ tế nhuyễn cho anh, cởi trần bận quần tiều tay cầm quần áo rồi phóng xuống sông bơi như đua… kiểu sải, kiểu chó và kiểu trẻ con đập tầm vũng trong mương. Lâu quá không có dịp trổ tài ráy cá, nay mới gặp sông. Tư Mô thấy tôi bơi khá nhưng sợ tôi bị “vọp bẻ” nên ném cái bập lá chận đầu.
Quả thật, anh hiểu sức khỏe của tôi đã bị Trường Sơn róc gần hết rồi Đồng Chó Ngáp cạp cũng bộn bàng, về đồng bằng chạy đua mấy chục trận với trực thăng, nay gặp con sông Lưu Sa Hà này sợ e khó vượt.
Tôi chỉ cảm thấy điều đó khi ra đến giữa sông, nước chảy mạnh. Nếu không có cái bập lá chắc phải vất vả và có thể bị tắp vào chân cầu. Nhưng cuối cùng nhà thể thao vẫn tới mé bờ. Tôi quay lại vẫy tay rồi bươn lên bãi lá lội lên bờ đi theo sự chỉ vẽ của Hai Liêm.
Quả thật tôi tìm được ông cậu tôi. Nhờ xưng tên tuổi mà hai cậu cháu nhận ra nhau chớ không ai biết mặt ai cả. Cậu hỏi tôi có về thăm quê cụ ngoại không? Tôi mô tả sự hoang tàn của các ngôi nhà ở Cẩm Sơn. Cậu nói:
- Tao biết lâu rồi. Nhưng làm gì được! Cách mạng là như thế cháu ơi!
Tôi hiểu sở dĩ người ta cho cậu giữ tiền của tỉnh là vì cậu thuộc thành phần phi vô sản. Không phải người ta sẽ lấy đất đai nhà cửa của cậu, vì còn đâu mà lấy, nếu cậu thụt két, nhưng đây là vấn đề tâm lý. Các ngài địa chủ đã quen giữ tiền bạc nên khi ôm một bao đầy ắp không bị lóa mắt, còn các ông bần cố thì khó chưa từng thấy của, gặp bao bạc là ôm nhảy ra thành liền. Kinh nghiệm phổ biến cho thấy là thành phần bần cố tham ô bạt mạng cô hồn vượt các thành phần khác gấp năm lần.
Cậu hỏi tôi:
- Mày cần bao nhiêu?
- Biết bao nhiêu mà nói, cậu?
- Mày có biết là ở R ra lệnh cắt sinh hoạt phí của mày không?
- Dạ biết, đó là chuyện lâu rồi.
- Mới đây nữa ở trên vừa tống thêm một cái công điện gắt gao hơn.
- Nói gì trong đó cậu?
- Trên đó bảo Tỉnh Ủy không cho mày ở trong tỉnh nữa.
Tôi cười phì. Cậu hỏi:
- Mày mới cưới vợ mà có được tiếp tế của gia đình không?
- Cháu có gởi người về nhưng lính bao vây ngặt quá nên không ai đi tới nhà cháu cả...
Cậu nói:
- Tình hình này ôm tiền nhiều không có lợi, nên Tỉnh ủy bảo phân tán. Do đó tao nghĩ tới mày. Mày cầm bấy nhiêu đây về chia cho mấy ông bạn mày với. Nên đi hai người. Có bề gì giúp nhau, mày đi một mình nguy hiểm.
Cậu đưa cho tôi một gói bạc và hỏi:
- Vợ con mày bỏ ở đâu?
- Cháu dắt theo chớ An Định bị đóng bót rồi. Ông nhạc cháu cũng chạy, cháu đâu có gởi vợ cháu được.
- Bây giờ nó ở đâu?
- Dạ ở bên Tân Hào.
- Tân Hào mà ở ấp nào?
- Dạ không biết ấp nào mà ở gần Giồng Đồng.
- Sao lựa chỗ nó hay chụp mà ở vậy cháu?
- Đâu có chỗ nào khác nữa cậu! ở đây đâu có bà con dòng họ gì mà trú ngụ.
- Mày tới đây bằng cách nào?
- Dạ bơi qua sông.
- Trời đất! Rủi chết hụt làm sao? Để tao biểu tụi nó lấy xuồng đưa cho về.
Tôi đứng dậy tự hào lần nữa:
- Dạ cháu dư sức bơi qua cậu à.
Tôi trở về bờ bên kia và được hai lão tướng đón tiếp như một anh hùng thắng trận.
Hai Liêm cười móm mém:
- Mẹ kiếp ngồi buồn lại gặp chiếu manh!
Chúng tôi biếu ông bạn già một ít như một cách trả ơn chỉ đường, còn bao nhiêu chia đôi. Mỗi đứa được 16 ngàn trong khi gạo 30 đồng một lít. Trên đường trở lại nhà, tôi ghé quán ở Ngã Ba Giồng Chùa mua đủ thứ vừa thức ăn, thức nhẩm xà, thức uống trà, thức phì phà và dầu Nhị Thiên Đường, cù là, kí nín…
Tư Mô không quên mua một chục ống Tranquinol để hằng đêm xoa dịu thần kinh. Còn anh Hai Liêm thì mua một chục rê thuốc giồng rọc cọng để thủ sẵn trong ba lô.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc