I have learned not to worry about love;

But to honor its coming with all my heart.

Alice Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 62
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ột buổi sáng thức dậy bỗng nghe chú Nhứt nói:
- Có hai, ba ông cán bộ R ở nhà bà Má Bảy.
Tôi và Tám Không lập tức chạy ra, thì đúng thật. Đó là tổ quay phim của Xưởng Phim Giải Phóng, trưởng tổ là Hai Nghi đã từng du học bên Đức về. Hắn được giao trách nhiệm giàn dựng câu chuyện Binh Biến Bình Dương (!). Sau một lúc hỏi han nhau, tôi và Tám Không ra về. Tám Không rỉ tai tôi:
- Mày biết thằng Nghi xuống đây làm gì không?
- Thì xây dựng bộ phim “Binh Biến” chớ làm gì nữa.
Tám Không cười:
- Mày ngây thơ bỏ bố đi!
- Sao?
- Nó xuống theo dõi mày đó.
- Theo dõi tao?
- Chớ còn gì nữa. Mày còn cái án trên “Lên Ủy Ban Quốc Tê xin về Nam” hồi năm 56, nhớ không? Mày quên chớ Ban Tổ Chức Trung Ương không có quên cho mày. Nó ghi trong lý lịch mày, cạo rửa không sạch đâu!
Tôi rùng mình khi nghe Tám Không nhắc lại vụ lên Ủy Ban Quốc Tế xin về Nam của tôi. Lúc đó tôi làm biên tập viên Phòng Văn Học Đài Phát Thanh. Ngây thơ nên cứ tưởng cái Ủy Ban ôn dịch này thi hành Hiệp Định Genève, và Hà Nội cũng sẽ theo đúng những điều khoản đã ký kết. Chỉ vài tháng sống ở Hà Nội tôi đã không chịu nổi, nên lên đó xin trở về Nam. Chẳng ngờ tên bộ đội gác cổng là công an. Hắn hỏi tôi muốn gặp Gia Nã Đại, Ấn Độ, hay Ba Lan? Tôi nói ai cũng được. Hắn hỏi để làm gì? Tôi nói thật. Hắn bảo bữa nay không có ông nào ở nhà hết, mai đồng chí trở lại gặp. Tôi tin bằng thật, có nghĩa là chúng nói láo như nhà xuất bản Sự Thật (Pravda) vậy. Nào ngờ về tới cơ quan thì Ban Giám Đốc Đài, Trần Lâm, Huỳnh Văn Tiếng và Nguyễn Kim Cương, cho mời lên liền.
Rồi kiểm thảo. Rồi lên đài đọc bảo tuyên bố “Xuân Vũ không có về Nam!”. Chỉ vài ngày sau báo Sài Gòn đã đăng tin “Xuân Vũ lên Ủy Hội Quốc Tế xin về Nam bị Hà Nội bắt, đày đi nông trường” cho nên việc nhỏ trở thành quan trọng. Tôi bị “ghim” rất nặng. Tôi mới biết Ủy Ban Quốc Tế chỉ là một lũ ăn hại, nên bên ngoài tôi tích cực công tác “để chuộc tội” nhưng ngấm ngầm tôi bí mật tìm cách chui rừng về Nam. Có cả ý định nhảy tàu ngoại quốc ở Cảng Hải Phòng. Mười năm trời, một mặt viết văn viết báo nhưng một mặt tìm đường chui. Có cả một lần chui đến tận sông Bến Hải nhưng không dám bơi qua.
Họ chưa quên cái vụ mất lập trường trên của tôi thật. Bằng chứng là trước khi vô lò quay Trường Sơn, tôi được tên tổ chức của Lê Đức Thọ, người Khu Nam, kêu lên cảnh cáo:
- Anh nên nhớ cái sai lầm đó! Về Nam phải tích cực công tác và giữ vững lập trường!
Tôi vâng dạ ngoan ngoãn như con mèo con. Ngoài ra tôi còn tặng hắn ta bộ đồ com-lê độc nhất và đôi giày da cũng độc nhất của tôi. Thấy chưa đủ để hắn “quên”, tôi còn bảo hắn lấy xe của Ban Thống Nhất đưa tôi về nhà. Tôi trỏ tay:
- Đồng chí muốn lấy món nào lấy.
Quả thật hắn chỉ lấy được vài món lặt vặt, vì trước đó tôi đã cho thiên hạ hết rồi.
Án tích còn ràng ràng đó, tuy đã cũ, nhưng nhắc lại thì y như mới. Câu nói của Tám Không chưa chắc đã đúng nhưng làm tôi rùng mình. Lúc nào tôi cũng bị mật thám theo dõi mà không biết. Mãi về sau khi tôi đã về Sài Gòn và đang làm Phó Giám Đốc Trung Tâm Chiêu Hồi Trung Ương, lúc bấy giờ tôi có được một đứa con trai, một buổi sáng chủ nhật, tôi bồng thằng con sang Sở Thú coi cá vàng. Thằng bé ba tuổi không thích cọp gấu mà lại thích coi cá vàng. Đang chỉ trỏ cá cho con coi bỗng tôi ngước lên như có ai mách. Tôi bắt gặp Hai Nghi. Hắn cũng trông thấy tôi. Tôi chưa định phản ứng như thế nào thì hắn cun cút lủi đi, rồi lẩn vào đám đông.
Thì ra câu nói của Tám Không hồi mấy năm trước rất đúng. Hai Nghi sang bên Đức ngoài việc học nghề quay phim còn học ngón do thám. Khổ thay nó lại là thằng bạn thân của tôi trong kháng chiến chống Pháp.
Thực tình, tôi không có ý định kêu cảnh sát. Chứ nếu tôi kêu thì cảnh sát bao vây Sở Thú có thể tóm được nó. Đến bây giờ tôi vẫn không chắc rằng Hai Nghi được cử xuống Bến Tre để theo dõi tôi.
Trở lại câu chuyện với Tám Không. Tám Không bảo:
- Gia đình mày có hai phe. Một phe là mày. Một phe là gia đình mày. Hai phe đối nghịch nhau về lập trường. Tụi nó không có tin mày đâu. Vì thế đến bây giờ mày mới về Nam được.
Hai phe: đúng vậy! Tía tôi không thích Tây mà cũng không ưa Việt Minh. Tôi không hiểu tại sao vì lúc kháng chiến bắt đầu tôi còn là thiếu nhi, nhưng tôi có những bằng chứng. Cống, Trà và những tên khu tỉnh đều đến ở nhà tôi và được tía tôi tiếp đãi rất trọng hậu, nhưng khi mời ông đi công tác thì ông từ chối với một lý do rất tức cười “Tôi không ngủ nhà ai được ngoài nhà tôi thì là m sao tôi xa nhà... “
Tây đến đóng đồn Cầu Mống. Tên xếp đồn bắn tiếng mời tía tôi ra làm việc. Ông trốn biệt trong lúc nhiều vị ra mặt hợp tác. Tên xếp đem lính tới nhà vây bắt nhưng ông không có ở trong nhà. Chúng bắt má tôi. Tôi phải “thế mạng”. Tên đội bảo:
- Nếu ông ấy không ra, tao bắn mày bỏ.
Vào đồn chỉ một đêm, sáng hôm sau tôi trốn thoát. Rồi cuộc kháng chiến tràn lan. Lính của Một On lấn chiếm. Nhiều gia đình tản cư xuống khu 9. Nhưng gia đình tôi thì không. Ông không cho tôi đi kháng chiến nhưng tôi trốn theo cậu tôi.
Sau Hiệp Định Giơ Neo, ông biểu má tôi vô khu 9 tìm bắt tôi về cưới vợ, không cho đi tập kết. Tôi năn nỉ má tôi cho tôi đi “hai năm” rồi về. Má tôi biết không cho tôi cũng trốn đi vì tôi đã làm kháng chiến rồi.
Câu nói của Tám Không chọc trúng ngay tim tôi. Có lẽ chi ủy xã Hương Mỹ được chỉ thị ở trên theo dõi tôi kẻo tôi vù ra bót Cầu Mống, mà tôi không biết.
Hai Nghi xuống đây theo dõi tôi để báo cáo về R? Điều đó cũng có lý lắm nhưng tôi không chắc! Còn chuyện quay phim “Binh Biến” thì như sau:
Ở ngay bên cạnh nhà Bà Bảy, chúng gọi là Má Bảy nhưng thực ra bà không vô Hội Mẹ, là nhà của Trung Sĩ Bùi, một người lính VNCH mà ở trên nhận định là “một thành viên của cuộc Binh Biến Bình Dương”. Tôi không để ý đến công việc của tổ quay phim này, nhưng tôi khuyên họ nên mua thùng đạn đại liên để bỏ máy vô đề phòng có chụp chạy mang không nổi thì đạp xuống sình. Tuy mới chạy có một cuộc chụp dù nhưng đối với đám này thì tôi là bậc tiền bối. Tha hồ mà cố vấn về việc chạy, việc giấu đồ, việc quan sát con đầm già cầm đèn buổi sáng, việc đào hầm cá trê v.v…
Tụi nó phục tôi và Tám Không bằng sư phụ. Chúng tôi bắt đầu hợp tác xã để liên hoan “mừng chiến thắng đồng chó ngáp và thoát một trận chụp dù”. Chợ An Định, cũng có tên là Chợ Cái Quan, sau cuộc chụp chúng tôi họp lại như thường, chẳng khác một hòn đất ném xuống ao bèo, tan rồi lại hợp ngay. Cũng thịt heo, cá, tôm, dầu nước xanh, dầu Nhị Thiên Đường, đuôi tôm, máy may… bày ra bán như một thiên đàng mặt đất. Nghĩ mà thương cho các chợ ngoài Miền Bắc xơ xác, nghèo nàn vô cùng.
Tôi và Tám Không lại gặp Bảy Quế. Vẫn với bộ râu cá chốt và cái mũ phớt rất thành thị trên đầu. Hắn hất hàm.
- Kỳ rồi chạy đâu?
- Cẩm Sơn, Ngãi Đăng, còn mày?
- Xuống hang trầm.
- Dóc hoài, mày chạy ra Ngã Ba Ống Quần(*)núp ở đó!
(*) Tức là thị xã Bến Tre
Bảy Quế nháy mắt. ý bảo đừng làm lộ bí mật công tác quân báo của hắn. Hắn dắt tôi vô tiệm cô sẩm lai mua sắm. Rồi bảo:
- Tụi mày có muốn đọc sách báo tụi Sài Gòn không?
- Ở đâu có mà đọc?
- Nhờ cô em này mua dùm cho, bây giờ coi đỡ vài tờ!
Bảy Quế bảo cô sẩm lấy đưa cho tôi vài tập san và báo hằng ngày. Giở vài tờ là thấy bài của Vũ Hạnh. Cái bài tôi đã từng đọc trên R trong chồng báo mục bỏ dưới hầm của tiểu ban Văn Nghệ. Quái nhỉ! Tôi lại ngạc nhiên về cái tài lòn trôn của bọn văn sĩ theo đóm ăn tàn. Tụi này luồn qua ống cống nào mà ra Hà Nội nghe lóm Tổng Bí Thư Trường Chinh nhanh vậy? Lão này nói chuyện ở Câu Lạc Bộ Quân Nhân ở đường Cột Cờ. Mãi về sau tôi mới biết tên Vũ Hạnh bị sơn đầu đỏ bởi bàn tay sáu ngón của Trần Bạch Đằng với sự hứa hẹn ngầm:
- Cách Mạng thành công cho ngồi ghế cao đội mão rộng!
Chẳng ngờ xôi bỏng hỏng không như bọn Lữ Phương, Thanh Nghị. Chúng coi bọn này như nùi lau chân. Tôi nghi cô sẩm này là cơ sở quân báo của Bảy Quế, một cơ sở đặt ở đây thì thế nào cũng có một cơ sở ở đầu cầu trong thành, không biết Bến Tre Mỹ Tho hay chỗ nào khác?
Bọn này thường là đòn xóc hai đầu. Nó vừa đưa tin cho Bảy Quế vừa đưa tin cho gián điệp thành, mình mó vào đấy có ngày chết không kịp ngáp. Do đó tôi chạy luôn, không mượn sách báo cũng không mua đồ ở tiệm này nữa.
Vụ chụp căn cứ tỉnh ủy vừa qua làm cho tôi cảnh giác tối đa. Một lần em gái tôi lặn lội tới thăm, tiếp tế tiền bạc, thức ăn, quần áo, giấy bút cho tôi. Lựa cơ hội, cô em bảo:
- Về phức cho rồi anh ạ! Đi gì hai mươi năm rồi không tới đâu hết. Tía má già rồi!
Tôi làm thinh. Lòng xúc động cực độ. Nhưng tôi vẫn cố kềm mình ở lại. Chờ một thời gian nữa. Cô em nói tiếp:
- Ở nhà má đã tìm cho anh mấy chỗ rồi. Người ta chờ anh không được lần lượt đi lấy chồng hết. Mấy chị đó không làm dâu được nhà mình, họ tiếc lắm. Anh đi như vầy ở nhà “mấy ông” ấp cứ làm khó dễ má hoài. Mấy ổng xin gì má cũng cho, vậy mà cũng không nhơn tay chút nào. Vừa rồi họ bắt má đi học. Bộ họ không biết anh tập kết về sao?
Tôi thật tình không đám nói ý định trốn Cộng Sản của tôi. Càng không lộ cho ai biết những “thành tích” ở Miền Bắc của tôi. Tôi không nói gì hết.
Mặc dầu vậy tôi vẫn tâm ngẩm tìm đường trốn. Phải trốn cho được. Nếu đổ bể thì hại cả dòng họ bên ngoại lẫn bên nội chứ không phải chuyện nhỏ đâu.
Gia đình tôi ít người. Cha mẹ chỉ có hai đứa con, một trai một gái. Em gái tôi có nhiều nơi xin cưới, nhưng nó đều từ chối, ở vậy nuôi cha mẹ. Tôi về đây là phải kê vai vào cái gánh nặng gia đình mà nó đảm trách mấy chục năm nay. Tôi không còn suy nghĩ cân nhắc gì nữa. Đã từng lội tới vĩ tuyến 17 để phóng qua bờ Nam. Bây giờ đã về Nam. Còn gì cản trở tôi được nữa? Vấn đề là thời gian và cơ hội. Tuy không tin rằng Hai Nghi theo dõi tôi, nhưng tôi vẫn gờm gờm, cảnh giác. Một bữa Hai Nghi hỏi tôi:
- Việc vợ con tính sao thì tính đi chớ. Su hào không cấy, nay ao nhà cũng chê nữa sao?
- Tính gì được mà tính? Mày thấy đó, trong khu mình đâu có con gái?
Hai Nghi cũng như Tám Không, không úp mở:
- Để tao gả em gái tao cho!
Nói xong Hai Nghi móc bóp lấy hình.
- Đây coi đi. Chịu tao gả liền.
Tám Không lên tiếng:
- Tao hứa gả em gái tao cho nó rồi nghe mậy!
- Thì hễ nó chịu đứa nào nó cưới đứa nấy.
Tôi tưởng hai thằng bạn nói chơi nhưng cả hai đều làm thiệt. Hai Nghi nhờ bà vợ của ông Xã ủy đi lên Châu Đốc móc dùm gia đình. Nghi đã móc gia đình từ trên R ngay sau khi lội Trường Sơn về tới. Bây giờ nó chỉ đường cho bà Xã ủy rành rọt từng bến xe, con lộ và lối vào nhà. Bà Xã ủy rất tích cực. Được phân công xách gói đi liền.
Tám Không cười ngất:
- Rủi hai đứa chịu cả rồi làm sao?
Hai Nghi cũng cười:
- Cho hai cô nương đấu boa nha, bắn tên hoặc lội đua, chạy bộ thi nhau. Cô nào thắng thì được.
Trong khi chờ đợi tin hồng, Hai Nghi kể cho nghe về nàng và thân thế gia đình. Hai Nghi là con cả trong nhà. Cô em thứ Năm và tên Năm. Cha làm giáo học đã qua đời. Có nhiều nơi gắm ghé nhưng Năm không ưng nơi nào. Vì lấy chồng thì phải là người quốc gia, như vậy là “chỏi” với anh Hai, làm sao ngồi ăn cơm chung được? Riêng bà già thì rất thương thằng con trai. Bà nguyện rằng chừng nào Hai Nghi về nhà được ngồi ăn cơm với ông già thì bà xuống tóc đi tu. Như vậy là hòa hợp với nhau rồi. Về sắc diện, Năm trên trung bình, nếu không nói là đẹp. Con gái thành dầu hèn cũng thể. So với gái Hà Nội thời xã nghĩa thì… Hà Nội ôi, đau thương điêu tàn.
Cô Năm mặc áo dài trắng đứng bên bụi mai trước nhà. Bông mai nở vàng tươi càng làm cho cô giáo duyên dáng. Ông cán Mùa Thu thấy chịu quá trời. Hai Nghi phụ nhĩ:
- Con nhớ rất khó tính nghe mậy. Ngoài ra nó đòi hỏi chồng nó phải có tài. Nó không chịu hạng thanh niên hoặc những giáo viên ngang hàng với nó.
Tôi cười:
- Vậy thì kể như tao không dự nổi rồi.
- Sao?
- Tao có tài gì đâu ngoài cái tài trèo núi và sốt rét?
Tám Không chen vô:
- Giỡn hoài may. Mày còn tài nhịn đói nữa chớ. Nếu lấy nhau mà nhà thiếu gạo nấu thì mày nhịn cho nó ăn.
Hai Nghi hỏi Tám Không.
- Còn em gái mày thì sao?
- Hễ bên trai đồng ý thì bên gái gật liền.
- Nó có giống mày không?
- Không! Nó không giống tao chút nào!
- Sao vậy?
- Giống tao thì ế làm sao? Đây coi hình nó nè. Đâu có xấu gì cho lắm.
Suốt ngày ba đứa mắc võng dụm đầu nhau nói chuyện trên trời dưới đất. Hai thằng đều xưng anh và gọi tôi bằng “dượng”. Nhờ vậy mà cuộc sống cũng đỡ nhàm. Đâu có đề tài gì để sáng tác. Cải cách ruộng đất theo đảng nhận định là cuộc cách mạng nông thôn long trời lở đất, nhưng đâu có tác phẩm văn học nào coi cho được. Kể cả ông văn sĩ thượng thặng Tô Hoài cũng còn không viết được truyện nào nữa là ai! Rồi bây giờ đến cách mạng Giải Phóng Miền Nam, có tác phẩm nào thể hiện được nó không? Dăm bài thơ cóc gặm, và quyển truyện táp nham, sau này tôi có đọc thấy mắc cỡ, toàn chuyện láo. Do đó mà tôi vứt cả thùng đại liên đựng tác phẩm của tôi viết về Đồng Khởi mà về Sài Gòn, không tiếc rẻ.
Tám Không chưa dựng được vở kịch nào. Còn tôi ráng phịa một số chuyện. Không biết bộ phim “Binh Biến” của Hai Nghi sẽ thực hiện ra sao? Đây xin nói luôn để sau khỏi mất công. Sau một năm đóng đô ở nhà Má Bảy và điều tra từ trung sĩ Út Bùi đến ông già bà già của trung sĩ, rồi nghiên cứu luôn cả vợ con của anh ta, Hai Nghi vác máy không về R với cái kịch bản còn nằm trong bụng.
Hai hôm sau bà Xã Ủy đi về mang theo vô số đồ ăn và quà cáp. Nhìn đó thì biết sự sung túc của Miền Nam và nền văn hóa của nó, cái nền văn hóa mà Hà Nội luôn luôn chửi rủa là “cao bồi, lai căng, phi dân tộc phản khoa học v.v… “
Tôi nhìn những gói mứt me, mứt ổi, mứt bí, bánh tét, bánh gai, bánh bông lan của gia đình Hai Nghi gởi cho thì tôi biết được nền văn hóa Miền Nam không cần phải đọc sách. Rồi những cái túi ni-lông đựng hàng, những chiếc áo thun, áo sơ mi, những cây bút bi, những bánh xà bông thơm, những túyp kem đánh răng, những thùng xà bông bột giặt đồ, tất cả đều mang nhãn hiệu Việt Nam. Ngoài ra tôi còn để ý đến cả cách gói, cách đựng. Những chiếc túi ni- lông có quai xách cẩn thận.
Khi ở Hà Nội, tôi có tiếp xúc với nhà bác học Lương Định Của, người Sóc Trăng đã từng du học Nhật. Đỗ bằng tiến sĩ nông học xong về Sài Gòn làm Bộ Trưởng Canh Nông (?) thì êm đời rồi. Không biết nghe lời ai lại dắt bà vợ Nhật nhảy ra Hà Nội. Tưởng thiên đường ai dè rơi xuống địa ngục. Bất mãn đầy mình nhưng đã muộn. Sau 1975, đi tàu bay về Sài Gòn. Vỡ mộng cày cấy đồng ruộng quê nhà. (Tôi sẽ viết rõ ràng hơn vụ này trong truyện “Mười Năm Mưa Phùn Gió Bấc” đang soạn). Chính ông Của nói về cái “văn hóa gói đồ” của tư bản cho tôi nghe. Gói đồ cũng là văn hóa ư? Mà thật đó là văn hóa.
Văn hóa gói đồ của Hà Nội thì sao? Bạn vô mậu dịch Đại Bách Hóa Tổng Hợp ở phố Tràng Tiền, sau khi xếp hàng mỏi rụng giò mới mua được món hàng, nếu may mắn không bị cảnh “hết hàng”. Thí dụ mua cục xà bông. Cô mậu dịch viên lấy cục xà bông nguyên xi được cắt tay góc cạnh méo mó ném cái “cộp” trên mặt quày, rồi lặng lẽ vùa tiền. Ai mua được món hàng đều cũng cảm thấy mất nửa kí lô thịt trong người, hoặc vừa đầu thai kiếp khác.
Đó là văn hóa mua đồ và gói đồ của Miền Bắc xã nghĩa mà tôi phải nhớ lại khi nhìn thấy những gói đồ của tụi tư bản đế quốc Sài Gòn. Thế nhưng nhờ đài Phát Thanh Hà Nội và báo Nhân Dân mà dân Miền Bắc và thế giới đều “hiểu” rằng dân Miền Nam đang bị Mỹ Ngụy bóc lột tận xương tủy và.. đói.
(Chuyện lòng thòng nói hoài không hết, quờ đâu đụng đó độc giả ơi. Tôi sống ở Miền Bắc có mười năm mà nói cả đời không hết.)
Xin trở lại việc móc gia đình của ông bạn tôi.
Bà Xã Ủy tự coi như mình đã lập được một chiến công. Bà mở các món ăn: nem, giò, thịt quay, bánh hỏi, bánh bò, cả keo tương ớt và tỏi hành ngâm dấm, nói chung là một bữa tiệc đã nấu sẵn. Chỉ cần dọn ra… ván.
Cả bọn cán Mùa Thu chúng tôi được ăn ngon, ăn nhiều, ăn đã đời. Nhưng chưa hết. Bà Xã Ủy còn để lại một phần dành cho ngày mai. Ăn xong chúng tôi được hủ hóa bằng nhiều thứ bánh khéo. Vì gấp rút gia đình thằng bạn không làm kịp. Đây chỉ là bánh bà mua ở bến Bắc Vàm Cống. Các thứ này ở toàn Miền Bắc chỉ có một hiệu bán thôi. Đó là hiệu bánh Bodega ở Tràng Tiền, khu phố văn minh nhất Hà Nội. Nhưng vẫn xếp hàng rã giò mới mua được… cái bánh kem! Còn đây là các thứ bánh mà bà Xã Ủy mua ở bến Bắc trong lúc gấp rút lên xe xuống xe chớ không phải ở thủ đô Sài Gòn. Màn la-sét bánh xong đến lớp cà phê, thuốc lá Cotab, Ruby Queen, Nestcafé v.v…
Ăn uống no nê, chúng tôi lên võng lắc lư tìm hứng với khói thuốc thơm nghe đài BBC hoặc “vọng cổ của ủy mị của Sài Gòn phản động”. Bà Xã Ủy mới tới tỉ tê với tôi:
- Nhà không giàu lấm, nhưng thiệt sang. Đồ đạc bóng lộn. Mấy chục năm nay mình toàn ở chòi nên tưởng ai cũng ở chòi như mình. Cô giáo ngộ như Tiên Nga. Tui thấy tôi còn muốn nữa là cậu. Tui tới một lát thì cổ đi dạy đạp xe đạp về. Người ta mặc áo dài trắng, guốc cao gót, gò má thoa son chớ không phải còi cọc như con gái vùng mình. Ở đây cậu có đốt một chục cây đuốc lá dừa cũng không tìm ra một người như thế.
Cùng với tấm ảnh của Hai Nghi đưa cho tôi xem, những lời mô tả của bà Xã Ủy làm tôi nôn lắm. Già khú rồi ở đó mà trông núi này núi nọ. Em út tôi đều trách tôi như thế. Tôi có trông núi nào đâu, nhưng phải có một sự tương đồng và giao cảm. Có những người con gái vừa gặp nhau là yêu nhau liền, có những người sống chung cả đời cũng vẫn như hai thanh sắt đường rầy xe lửa, chạy song song mà chẳng bao giờ gặp nhau. Phải không cô? Lần này chắc là may mắn. Bà Xã ủy nói liên miên rồi bảo:
- Cậu thiệt khôn!
- Sao vậy chị?
- Cậu biểu tôi lên tới nhà thì xin phép bác gái đốt một cây nhang trên bàn thờ bác trai. Tôi làm y như lời cậu. Bà già ngạc nhiên hết sức. Tôi thưa thiệt rằng đó là do cậu dặn, chớ không phải tôi tự động. Bà già chịu lắm, khen cậu biết lễ nghĩa, đi xa nhà mấy chục năm mà vẫn còn giữ được phong tục của ông bà. Bác nói hễ anh nó chịu thì bác chịu. Vậy thì chắc được rồi chớ gì.
Tuy bà mẹ nói vậy mà Hai Nghi vẫn nhờ bà Xã Ủy đi rước mẹ xuống để coi tôi rồi sau đó mới cho phép Hai Nghi rước em gái xuống. Thì đã biết ở miền Nam khác miền Bắc xã hội chủ nghĩa như thế nào. Không phải một tô nước vối là nên vợ nên chồng. Cuối cùng cô giáo Năm được bà Xã Ủy rước xuống. Lúc này tình hình còn yên ổn, nghĩa là độ một tháng mới có chụp lớn một lần. Nhờ vậy mà chúng tôi có thì giờ nói chuyện với nhau. Ban ngày vợ chồng ông Xã Ủy đi làm ruộng. Tám Không đi “tìm đề tài”. Hai Nghi đi nghiên cứu vụ “Binh Biến”, chỉ còn tôi và cô giáo ở nhà ông Xã Ủy.
Năm nói chuyện rất có duyên. Nàng nói liên miên. Tôi cũng vậy. Dường như tương tri với nhau từ kiếp trước bây giờ mới gặp nhau. Năm thích làm thơ và biết làm thơ nữa. Đêm cuối cùng chúng tôi thức gần tới sáng, đêm ngắn tình dài. Chúng tôi làm chung những bài thơ, vẽ chung những tấm bản đồ… Nghe tiếng đò mở máy, tôi xốn xang trong lòng. Đây là giờ biệt ly.
Tôi và Hai Nghi đưa nàng ra bến. Hai Nghi nhường cho chúng tôi đi trước. Chúng tôi đi song song trên những bờ ranh ướt sương, lòng se lại trước phút chia tay.
- Em có lạnh không?
- Không? Cảm ơn anh.
Khi ra đến đường lớn chúng tôi dừng lại dưới một tàng cây cháy trụi. Tôi ngồi xuống với cớ sửa quai dép cho nàng để sờ bàn chân của nàng. Đôi bàn chân nhỏ xíu, gót hồng như một cánh sen. Tôi khẽ bảo.
- Chân em lạnh đây nè!
Nàng vuốt tốc tôi. Tôi bỗng cúi xuống hôn bàn chân lạnh ngắt của nàng. Chúng tôi đứng lại rất lâu. Đò máy đã rúc còi lần thứ ba. Không còn thì giờ nữa. Bỗng nhiên Hai Nghi quay lại bất ngờ bảo:
- Bữa nay khách đông quá, trở lại. Mai mốt sẽ đi.
Chúng tôi ngoan ngoãn nghe theo, quay lại chòi. Bà Xã Ủy nói oang oang:
- Tui có ý kiến như vầy. Cậu Nghi có nghe thì nghe, không nghe thì thôi đừng rầy tội nghiệp nghen.
- Chị nói đi.
- Tôi thấy hai bên xứng đào xứng kép quá chời rồi. Một bên là cô giáo một bên là nhà báo. Thời buổi chiến tranh này, có nhiều ông Mùa Thu về tới nơi bà già cưới vợ dắt xuống cho chớ không có coi tới coi lui gì hết. Vậy mà cũng vui vẻ chớ có sao đâu. Cậu Vũ và cô Năm đã tìm hiểu mấy ngày rồi. Bên cô Năm thì có anh trưởng nam gia đình, còn bên cậu Vũ thì có ông nhà tôi đại diện đảng chủ hôn. Lấy chòi tôi làm địa điểm đám cưới. Vợ chồng tôi sẵn sàng tản cư cho vợ chồng mới muốn ở mấy ngày thì ở.
Hai Nghi nói:
- Tụi tôi thì dễ rồi, nhưng phải có ba má đôi bên cho phép.
- Nếu vậy thì tôi lên Châu Đốc rước bà già cậu xuống, xuống Cầu Mống rước bà già cậu Vũ lên, khó gì!
- Vùng tôi ở khó đi lắm chị ơi!
- Tại sao?
- Má tôi ở ngoài vườn, chị đi vướng lựu đạn gài của mấy ông mãnh chết!
- Cậu sợ chớ tôi thì lên trời tôi cũng không ngán. Hai cậu có ý kiến gì nữa không? Hay là tôi dắt cô Năm xuống Cầu Mống rồi mời bà già vô. Hai cậu muốn cách nào tôi phục vụ cách đó. Tôi không đòi ăn đầu heo đâu mà sợ, chỉ xin uống một hớp rượu đám cưới thôi.
Hai Nghi nói:
- Để tôi tính. Chị làm nôn quá tôi rối trí!
Đêm đó tôi và Hai Nghi bí mật bàn với nhau. Cuối cùng hai đứa thống nhất ý kiến: ngày mai dắt cô giáo về quê ngoại tôi ở Cẩm Sơn trình diện.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc