Having your book turned into a movie is like seeing your oxen turned into bouillon cubes.

John LeCarre

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 62
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
úc mặt trời sắp lặn thì có một cậu thanh niên tới. Ông Nhứt tôi nói ngay:
- Đó là thằng Dụng, rể của cậu Ba mày.
Dụng chào tôi rồi nói:
- Em nghe nói anh về! Em công tác thông tin ấp nhưng bữa nay chắc em giao lại cho xã. – Dụng giơ cái loa thiếc tang thương lên – Vì đồng bào không còn nghe em loa nữa. Họ chỉ nghe đài Hà Nội, đài BBC thôi anh à. Anh có cách nào giúp em không?
Tôi cười:
- Anh không rành công tác thông tin em ạ.
Hai anh em nói chuyện một lát rồi tôi bảo Dụng dắt tôi đi thăm nhà ông Cụ bà Cụ ngoại của tôi cũng là của Dụng.
Dụng lắc đầu:
- Còn cái gì đâu mà thăm anh!
- Sao vậy em?
- Làm sao tìm ra cái nhà?
- Bộ nhà ăn bom à?
- Phá hoại hồi 1946 anh không nhớ à? Hồi đó em chưa làm cháu rể của cụ.
- Anh nhớ cái nhà hồi đó còn đứng mà.
- Đứng nhưng bốn vách trống lổng hết rồi. Ông Chín dừng vách lá ở đỡ. Nhưng sau Đồng Khởi thì máy bay bắn dữ lắm. Đi qua nó ria một loạt. Đi lại nó làm vài loạt. Cột kèo bị thương bấy hết. Nếu nó nhỏ cỡ nhà nội em thì còn hạ xuống, cột kèo đem ngâm xuống mương được nhưng nó lớn quá. Cột bằng cột đình, kèo chạm, lại lợp ngói âm dương trét xi măng cứng ngắt. Thời buổi này làm sao tìm ra người mà hạ nó xuống? Hễ hạ xuống thì hư nát hơn phân nửa, thì hạ làm chi!
Tuy nói vậy nhưng Dụng vẫn dắt tôi đi thăm. Trong tâm trí tôi có sẵn ngôi nhà, nền cao ngang ngực, nóc xám rêu phong lổ chổ dấu đạn, nhưng khi Dụng bảo:
- Đó chỗ cụm cây rậm đó!
Tôi mất vía, la hoảng:
- Hả?
- Cái nền nhà ở chỗ đó. Nhưng nay cũng không còn cục đá nào. Anh đứng đây nhìn một chút đi rồi về. Chớ anh lội vô đó thì cũng vậy thôi.
Từng ở ga-ra ngoài Bắc, ở lều ni-lông trong rừng Cao Mên, bây giờ đứng trước một ngôi nhà đồ sộ của ông bà đã biến đi, tôi mới thấm hết nỗi đau đớn khi con người mất nhà. Và hiểu câu nói: Sống cái nhà, thác cái mồ! Cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng này tâm trí tôi vẫn còn in trong trí hình ảnh ngôi nhà ông Cụ ngoại tôi. Một ngôi nhà mà ông Cụ tôi làm lụng vất vả trong vài chục năm mới có đủ tiền để cất. Thợ thầy và người nhà chung sức làm trong ba năm mới xong.
- Ông Chín bán nó có 700 ngàn rồi đi lên Bến Tre ở đậu anh ạ. (Chừng 70 đô la).
Tôi chỉ còn biết kêu trời.
- Trời ơi!
Mỗi lần bãi trường các cậu con ông Chín tôi về nhà phải lau chùi bằng một cách đặc biệt. Bắc thang leo lên tận đầu cột quấn giẻ quanh thân cột rồi ôm cột tuột xuống. Mỗi cây cột phải tuột cả chục lần. Dòng họ nội ngoại của tôi ủng hộ cách mạng, con cháu đi theo cách mạng, hi sinh cho cách mạng để mất trên hai chục ngôi nhà lớn.
Đó là chưa tính những ngôi nhà nho nhỏ cỡ nhà của bố tôi. So với những đại điền chủ thì sự “cống hiến” của dòng họ tôi cho “cách mạng” không nhiều lắm, nhưng cũng không phải là nhỏ. Dụng bảo tôi:
- Thôi đi về anh. Buổi chiều pháo hay bắn bậy lắm.
- Còn nhà ông Hai, ông Ba, ông Năm thế nào?
Dụng cười:
- Anh muốn thăm thì em dẫn anh đi thăm luôn để không có dịp.
Rồi Dụng đưa tôi đi. Thuở tôi còn bé, mỗi lần tôi lên đây tôi đi trên một con đường nhỏ từ ngoài đường làng rẽ vào bên phải là nhà ông cụ tôi, bên trái là nhà ông Hai tôi tức con cả ông Cụ. Tôi sợ ông Hai đến nỗi không dám ngó sang tay trái. Nếu bất ngờ mà nghe tiếng lạc ngựa sau hàng tre vì ông cỡi ngựa đi Nhà Việc, thì tôi và cậu tôi lẩn trốn trong bụi, chờ ngựa chạy qua rồi mới dám ra đi tiếp. Ông khó tính đến nỗi con cháu trong nhà cũng phải sợ. Nhất là sau khi ông tranh chức Cai Tổng bị thất bại thì tôi càng không dám ngó sang nhà ông nữa. Bà Hai tôi bảo cháu đem tiền cho tôi bên nhà ông Cụ.
Bây giờ tôi hết sợ ông, tôi dám ngó nhà ông vì cả ông lẫn cái nhà không còn nữa. Tôi hầu như không nhớ mặt ông, vì tôi chỉ thấy ông vài ba lần ở từ xa. Dụng bảo tôi:
- Anh còn nhớ cái bờ mẫu ngày trước không?
- Nhớ chớ. Ven bờ có một hàng me. Mùa me chín gió khua nghe lộp bộp rất vui tai, anh lượm ăn me rụng đã đời!Về nhà uống nước mưa rồi tha hồ “chạy”.
Dụng dừng lại bảo:
- Nhà ông Năm ở đây. Cậu Nhì con ông Năm ở ngoài chòi gần ngoài Ba Phó.
- Còn Dì Út đâu?
- Dì Út là vợ Cai Tổng Minh Đạt bị xử bắn cả hai vợ chồng hồi xửa hồi xưa kia mà anh quên rồi sao?
Tôi tưởng mọi việc cứ như hồi xưa. Dì út rất đẹp, đánh tứ sắc. Hồi tôi học trên quận, có lần dì đi xe ngựa lên nhà trọ cho tôi tiền. Như vậy cách mạng đã “trả công” cho tôi bằng cách giết một người dì, một người cậu và một người cô còn ai nữa thì tôi chưa có dịp tính sổ. Dụng bảo:
- Láng te hết vậy đó. Ba cái nhà ngói lớn một dãy không còn một cục gạch! Có gì mà thăm. Anh có lên Sài Gòn thì thăm cậu Tám.
- Cậu Tám nào?
- Cậu Tám Trỗi con của ông Ba đang làm cảnh sát trưởng trên đó.
- Vậy à? Anh nhớ ra rồi. Cậu Tám giỏi nghề võ hồi xưa, anh biết. Cậu có xuống nhà ngoại anh. Lần đó cậu có đi một đường roi và một đường quyền cho cả nhà coi.
Dụng dắt tôi đến nhà lớn của cậu Ba ở trong vườn. Tôi cũng từng đến ngôi nhà này trước kia. Tôi lại không thấy gì hơn một cái nền nhà và một đống ngói vụn.
Nhưng sau khi đã chứng kiến một lúc bốn ngôi nhà biến mất chỉ còn nền trơ trọi, có cái không còn cả nền, thì lần này tôi không còn xúc động mạnh nữa. Sự đổ nát trở thành bình thường đối với quân giải phóng. Dụng không nói gì, dắt tôi ngay đến mé mương đầy cỏ rác rong rêu, rỉ tai tôi:
- Hầm cá trê của em ở đây.
- Vậy à?
Dụng lôi tay tôi đi loanh quanh và giải thích:
- Nếu có động tịnh gì thì em lông rông xuống mương chui vô hang rồi trồi lên cái đống ngói kia.
- Ngồi trong đó à?
- Dạ, không. Em có trổ lỗ hơi. Em ngửa mũi em lên đó mà thở. Cái đống ngói kia chỉ là vật nghi trang thôi.
- Rủi nó đóng quân trong vườn rồi em làm sao?
- Em cũng không biết nữa. Em chưa bao giờ chui. Cực chẳng đã, nếu không còn đường chạy thì mới chui thôi. Chớ chui như vầy năm ăn năm thua lắm anh ạ. Có người chui rồi chết ngộp dưới đó. Lính rút thì đã chết từ lâu, không chữa kịp. Ba em bảo nếu có chuyện gì thì em dắt anh chạy ra ngọn Tầm Bức gần ngoài mé sông cái Cổ Chiến (tức là một trong các ngành sông Cửu Long). Từ đó mình có thể chạy xuống Ba Phó, tạt vô Tân Huề về Minh Đức hoặc ngược lại trổ lên An Thới ra rạch Bào Hang qua Cải Chát Lớn, Cải Chát Nhỏ.
- Chạy đâu mà chạy dữ vậy?
- Phải chuẩn bị cặp giò anh ạ. Nó chụp bạt mạng lắm. Mình không đoán nổi. Gần đây nó lại hay nhảy cóc chớ không có chụp từng vùng kế cận nhau đâu. Có thể bữa nay nó chụp An Định, mai nó phóng qua bên Bảo, mốt nó lại chụp Tân Trung, bữa kia nó bủa lưới An Thới anh ạ. Còn cái mửng nó thanh đông kích tây nữa. Hoặc đang chụp chỗ này, nó lại chụp luôn chỗ kia cùng một lúc. Cho nên ở nhà vợ em cứ thủ sẵn cho em một bộ đồ trắng và một gói lương khô. Có khi bị rượt chạy ba bốn ngày liền không về nhà được thì dùng lương khô. Còn đồ trắng thì cũng như mình đầu hàng. Lính thấy đồ trắng thì không bắn.
Dụng tiếp:
- Anh ở chỗ nào thì phải có hầm hố ở đó. Mà phải tự đào lấy không nhờ mấy ông du kích lếu láo. Ngoài ra phải có căn cứ phụ, tức là ngoài An Định ra anh phải nhắm trước một vài nơi khác. Nếu nó chụp An Định thì anh chạy vô An Thới, xuống đây, hoặc ra Bình Khánh. Em nghe phong thanh nói tụi nó sắp lấy Cầu Mống làm tỉnh lỵ mới.
- Tỉnh nào?
- Dạ nó chia tỉnh Biến Tre mình ra làm hai tỉnh. Kiến Hòa và Kiến Tân. Kiến Tân sẽ đặt tỉnh lỵ ở Cầu Mống vì ở đó có cả đường bộ lẫn đường thủy ăn thông lên Sài Gòn và Trà Vinh.
Tôi gượng gạo bảo:
- Nó tác động tinh thần đồng bào chớ làm gì nổi! Mình đâu có để cho nó tung hoành.
- Anh ơi! Tụi lính ruồng không có nguy hiểm bằng quân Bình Định. Tụi này đi đâu cũng ca hát, phát thuốc, phát vải, phát gạo. Mặt Trận bảo em loa giải thích cho đồng bào đó là âm mưu của giặc nhưng đồng bào đâu có nghe. Âm mưu gì không thấy chớ gạo, vải, thuốc toàn thứ tốt. Có nhiều gia đình bỏ ra thành luôn, mình kềm lại không được.
Dụng ngưng một chút rồi tiếp:
- Nghe anh tới em mừng lắm. Em muốn anh giúp em kinh nghiệm để tuyên truyền chặn đứng mấy vụ đó lại. Thí dụ như em sẽ tập họp đồng bào lại rồi anh đứng ra nói chuyện về nhân dân miền Bắc sung sướng, làm ăn phát đạt như thế nào, được Đảng và Bác cho học hành, mỗi người dân xã hội chủ nghĩa phải có trình độ trung học bắt buộc (?) v. v.. cho đồng bào mình không còn hướng về thành nữa. Được không anh?’
- Ờ… ờ … được chớ! Sáng kiến của em hay lắm!
Tôi hứa sẽ nói chuyện về Bác Hồ, về đời sống dân Miền Bắc hai ba đêm liền cho bà con nghe. Dụng mừng như bắt được vàng.
Tối lại Dụng lại mời tôi và Tám Không qua chòi của nó. Hai ông cán Mùa Thu lại được ăn gà xé phay, uống la-de Sài Gòn. Ông Nhứt và cậu Ba tôi được Dụng thông báo cũng có ý đến nghe. Riêng ông Nhứt cho tôi năm trăm đồng, có thể mua được hai chục lít gạo. Thời buổi này mà ông cho tôi số tiền đó là lớn lắm.
Thừa lúc Dụng chạy đi quán mua trà và bánh ngọt, tôi mới thuật lại việc Dụng yêu cầu nói chuyện với đồng bào cho Tám Không nghe. Tám Không cười:
- Nói vòng che thôi, đừng nói cái “trung tim” cũng như Chế Lan Viên và Xuân Diệu làm tình vậy. Yêu trên báo thì rất dữ dội còn thực tế thì vậy đó.
- Ông ráng diễn thuyết đùm một buổi được không?
- Úy chu chưa! Anh cò mày “nàm” đi, chúng tôi không quen ạ!
- “Nàm” thì “nàm” mấy buổi cũng được, nhưng kẹt đề tài lắm, ông “kịch xĩ” ơi!
- Bộ ông “dăng xĩ” sợ mắc nghẹn hả?
- Chớ còn gì nữa.
- Vậy thì đánh bài “chuồn”. Bảo tỉnh ủy có hẹn gặp để nói về Đồng Khởi. Xin đình lại, kỳ sau mình sẽ tới.
Dụng chắc ba bó một giạ nên vác loa đi quanh các xóm chòi thông báo ngay.
- Allô! Allô! Xin mời đồng bào đúng bảy giờ tối đến nhà ông X... để nghe cấp trên phổ biến công tác quan trọng. Không nên vắng mặt.
Tôi nói nhỏ với Tám Không:
- Rêm quá cha nội ơi!
Tám Không bảo:
- Mày cứ nói về “cây vú sữa miền Nam trên đất Bắc” hoặc về “nữ anh hùng Tạ Thị Kiều’” Đừng nói gì tới phiếu phiếc, mậu dịch “bán hàng mẫu” và các thứ hợp tác xã ăn uống, hợp tác xã sản xuất thì đâu có bị mắc nghẹn.
- Vậy ông nói đi.
- Được rồi, để đó tao làm một “ván” cho mày coi.
Tám Không có khiếu đóng kịch từ thuở thiếu nhi. Hắn “cương” rất tài. Một mình đóng luôn bốn vai trong tuồng Sơn Tinh Thủy Tinh, buổi lửa trại nào cũng có mặt hắn. Vai nghiêm cũng đóng, vai hề cũng làm luôn. Vậy kỳ này hắn sẽ diễn cái hoạt cảnh “cây vú sữa” thì chắc đồng bào thích lắm. Tôi dặn thêm:
- Đừng cho đồng bào biết là cây vú sữa không có trái nghe tía nó!
- Tao cho cây vú sữa có trái luôn bốn mùa mày coi. Vẫn ngọt như thường.
May quá, chúng tôi không phải diễn thuyết vì ngay sau đó chúng tôi lại được đàn bà đi chợ cho hay ngày mai sẽ có chụp vùng này nhưng không biết chính xác xã nào nên Dụng cho đình cuộc diễn thuyết.
Sáng sớm, vợ Dụng, dọn cơm cho chúng tôi ăn bỏ bụng để sửa soạn chạy ra ngọn rạch Tấm Bức cho bảo đảm. Vừa
lội được một quãng thì đụng đầu một đoàn người lôi thôi lếch thếch do một cán bộ dẫn đầu. Tôi kêu lên:
- Má! Má đi đâu đây?
Má tôi khựng lại một hồi rồi với vẻ suy nghĩ chớp nhoáng, bà trả lời một cách ngập ngừng:
- Ờ, ờ… má đi thăm bà con!
Anh cán bộ thấy hai “ông thần” mang colt, lại có một ông kêu bà già bằng má thì rất đỗi ngạc nhiên, bèn hỏi tôi:
- Đồng chí là con của bác Hai?
- Dạ, tôi đây.
Má tôi không nói gì. Một người đàn bà trong đoàn, tôi không biết là ai, buột miệng nói:
- Bà già của chú Triết. Chú ở ngoài Bắc mới về.
- Ủa vậy hả.
Anh cán bộ liền nói với má tôi:
- Vậy bác khỏi phải đi. Từ rày bác không phải đi nữa.
Má tôi cảm ơn anh ta rồi theo tôi. Thấy má tôi lo lắng tôi bèn kiếm chuyện nói cho vui. Tôi giới thiệu Tám Không với má tôi:
- Bạn con quê ở Giồng Luông, cũng đi tập kết với con’.
- Cháu là con của ai?
- Dạ cháu con của bà Năm Khánh nhà ở gần Thầy Cai Tôn (là suôi gia với ông Nội tôi).
- Tôi có nghe nói nhưng không quen. Chú về tới đây mà có gặp cha mẹ chưa?
- Dạ, chưa. Cháu định rủ thằng Vũ đi về thăm Giồng Luông một chuyến mà chưa đi được.
Đi một quãng xa, Tám Không bèn hỏi má tôi:
- Họ bắt bác đi đâu mà càn rừng càn rú vậy bác?
Má tôi nói nhỏ:
- Mấy ổng bắt bác đi học tập chánh sách.
- Trời đất, từ dưới Cầu Mống bác lội lên tới đây à?
- Mưa gió nắng nôi cũng phải đi, không đi đâu có được chú em. Lúc nãy tôi không muốn đi theo con tôi vì sợ nay mai nửa đêm nửa hôm mấy ông lại tới đập cửa mời đi. Tôi ở nhà có một mình. Thỉnh thoảng mới có mấy đứa cháu kêu bằng bác tới chơi.
Tám Không phát cáu:
- Mấy thằng ở xã làm bậy là do mấy thằng tỉnh và quận. Chắc tụi nó cũng mời bà già cháu như vậy chớ không khỏi đâu.
Tôi hỏi má tôi:
- Ông cán bộ này con coi mặt quen quen. Má biết là ai không má?
Má tôi lắc đầu:
- Thôi hỏi làm chi con!
Sau này tôi gặp lại em Dụng, Dụng mới cho tôi biết là tên Trâu tên Bò gì đó cốt ở đợ cho ông Hai tôi, chuyên môn cắt cỏ cho ngựa ăn. Một bữa nó dắt ngựa đi quần chân, nó mê chơi bỏ ngựa vô chùa thọc mỏ vô uống khạp nước của Sư Cụ. Nước giếng của chùa quý lắm. Cái giếng sâu thảy cục đá rơi hồi lâu mới nghe cái bõm. Miệng giếng này do ông Cụ tôi cúng tiền để xây nên. Cả một vùng đều đến lấy nước ở đây. Có người mách cho ông Hai tôi về vụ ngựa vô khuôn viên chùa. Ông Hai tôi cho hắn một trận đòn nên thân. Do đó hắn thù cả dòng họ ngoại tôi.
Chúng tôi phải tất tả trở về An Định là nơi vừa bị chụp xong. Ít khi chúng chụp một vùng hai ngày liền, nên trở lại đó là có thể yên ổn tám chục phần trăm.
Tôi về đến nhà thì nghe căn cứ của tỉnh ủy bị chụp. Không có người dân nào bị bắt, bị thương nhưng tất cả hầm hố và tài liệu của văn phòng, một hầm súng bị khui. Chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ cuộc “bủa lướt phóng lao” kết thúc. Chú Nhứt mặt mũi xanh lét, nói nhỏ với tôi:
- Không biết mấy ông bị bắt.
- Không chạy à?
- Chạy nhưng không kịp!
- Hồi đầm già xách đuốc xuống thì còn đủ thì giờ.
- Nó bao vòng rộng cậu ạ. Thành ra mấy ổng bỏ hang định vọt nhưng không kịp. Chỉ hai tiếng đồng hồ sau đầm già lại trở lại. Nó loa rùm trời và rải truyền đơn.
- Loa cái gì? Truyền đơn cái gì?
Chú Nhứt không nói mà ra bờ rút trong bụi chuối một tấm giấy đem vô đưa cho tôi. Tôi đọc qua rồi đưa cho Tám Không. Hắn xem xong, cười:
- Đem vô bếp đốt gởi về Ngọc Hoàng đi.
Tôi hỏi chú Nhứt.
- Tụi nó chơi cái mửng trên Trường Sơn! Nghe giọng loa có quen không chú?
- Tôi không rõ. Vì tôi đâu có quen mấy ổng đâu mà biết giọng.
Đêm nằm nghe như có gai dưới lưng. Cái thế của Giải Phóng là cái thế của anh chàng trong Mảnh Da Lừa của Balzac. Cái miếng da teo lại dần cũng như khu giải phóng càng ngày càng hẹp dưới cánh trực thăng. Việt Cộng có tài bịt tai bịt miệng con người. Nhưng rốt cuộc rồi ai cũng hay cái căn cứ tỉnh ủy bị đánh phá và một số bị bắt. Khi ở Trường Sơn tôi chỉ nghe những vụ hành quân chớp nhoáng của trực thăng, nay mới thấy trước mắt.
Tám Không bỗng đưa cái “Đài” cho tôi, bảo:
- Nghe này. Đã có tin. BBC đấy!
- Tin gì?
Tôi chỉ nghe được có khúc đuôi nhưng cũng biết là tin gì rồi.
- Tụi mình chắc cũng phải dông, hôi ổ rồi, nằm lại đây sẽ vô lưới. Thằng Bảy Quế nói rất đúng. Nó thả chà nuôi cá cho mập rồi xúc!
- Mày định đi đâu?
- Xứ của mày mà mày lại hỏi tao!
- Xuống Cẩm Sơn Ngãi Đăng được không?
- Ở đó gần Cầu Mống lắm. Có bốn cây số thôi! Biệt kích bây giờ là bố của tụi Commando hồi trước. Mày nhớ trên Trường Sơn thằng trung đoàn phó bị biệt kích Kangoroo bắt êm ru không?
- Vậy về Minh Đức.
- Ở đó chỉ cách đồn Giồng Lưông có cánh đồng Cái Bần, càng ớn.
- Đúng là tính tới tính lui thân cá chậu. Lo quanh lo quẩn phận chim lồng. Bất cứ ở chỗ nào cũng không khỏi trực thăng và pháo.
Hai đứa nằm kiểm điểm lại diện tích giải phóng của tỉnh gồm có mấy xã sau đây. Bên Cù Lao Minh có Minh Đức, Tân Trung, Cẩm Sơn, Ngãi Đăng, An Định, An Thới, Định Thủy, Phước Hiệp. Bên Cù Lao Bảo có các xã Tân Hào, Thạnh Phú Đông, Phước Long, diện tích hẹp hơn bên Cù Lao Minh, trong lúc toàn tỉnh có hơn một trăm hai chục xã.
Tuy vậy Bến Tre là tỉnh có vùng giải phóng rộng hơn các tỉnh Mỹ Tho và Long An. Thế nhưng đài Giải Phóng la quang quác là Mặt Trận Giải Phóng kiểm soát ba phần tư dân chúng và bốn phần năm đất đai. Tội nghiệp cả Miền Bắc đần độn, cả thế giới ngây thơ và bọn trí ngủ Thầy Gòn mù quáng, chổng khu tin bằng thật và đua nhau ủng hộ Mặt Trận. Nguyễn Văn Vịnh là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, Chủ Nhiệm Ủy Ban Thống Nhất, có hai vợ, cho chúng tôi biết cái phân số bịp kể trên. Chưa về được quê hương thì nôn nao thao thức, nhưng khi về đến thì bực bội vô cùng. Cảm thấy dân Nam Kỳ bị xỏ mũi, bị tế thần với những danh hiệu mỹ miều nhất: Thành Đồng Tổ Quốc, Đi Trước Về Sau, Lá Cờ Đầu Đồng Khởi v. v...
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc