If you have never said "Excuse me" to a parking meter or bashed your shins on a fireplug, you are probably wasting too much valuable reading time.

Sherri Chasin Calvo

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2353 / 62
Cập nhật: 2015-07-18 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
Ở Miền Bắc tôi từng gặp nhiều người Bến Tre trong đó có những chú bác từng lãnh đạo cơ quan đoàn thể ở tỉnh nhà trong chín năm Nam Bộ Kháng Chiến như ông Mười tức bác Mười Huệ chủ tịch tỉnh, ông Đỗ Phát Quan đại biểu Quốc Hội năm 46, người Bình Khánh; ông Nguyễn Tẩu, Ty Trưởng Công An; ông Nguyễn Văn Kinh Tổng Thư Ký Ủy Ban; Phan Thêm, chủ nhiệm Việt Minh; Nguyễn Thanh Thế, Giám Đốc trường tư thục Duy Minh; ông Tư Minh, ủy viên huấn luyện Thanh Niên Cứu Quốc tỉnh v.v…
Trừ ông Phan Thêm là được Hà Nội coi trọng. Ông này được cho làm Phó Ban Tổ Chức Trung ương dưới quyền Lê Đức Thọ vì hắn không phải là dân Nam Kỳ!
Tôi xin nói thêm về những điều mắt thấy tai nghe mà không một ai có thể tưởng tượng nổi. Ở trong Nam cứ cắm đầu lạy “ơn Bác ơn Đảng” và bỏ vợ bỏ con nhảy xuống tàu ra Bắc để:
Mười năm dồn lại một ngày
Là ngày tay mẹ cầm tay Bác Hồ!
(Thơ Xuân Vũ năm 1954 đăng trên báo Văn Nghệ Hà Nội).
Khi ra đó vài tháng rồi, chàng thanh niên tên Xuân Vũ này lại cũng mần thơ, nhưng không dám đăng báo.
Mười năm rõ mặt bác Hồ
Là con quái vật miệng hô mắt lồi.
Một trong những người Bến Tre tôi kính phục và gần gũi nhất là ông Mười Huệ. Lúc bấy giờ có lẽ ông đã sáu mươi, râu tóc bạc phơ, bệnh hoạn và bị hất hủi như con chó già. Xin lỗi ông Mười, cháu xin nói thật, nói thẳng bằng một danh từ không mấy thanh cao. Bọn lưu manh có thanh cao gì!. Nhưng đó là cảm nghĩ thật mỗi khi tôi gặp ông Mười. Tôi hết biết nói gì. Ông Mười là Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh suốt chín năm của tỉnh nhà. Lúc đó tôi chỉ là Thiếu Nhi Cứu Quốc nhưng mê kháng chiến vô cùng vì tưởng là nước mình sẽ được như nước Pháp mà tôi đang học lịch sử ở trường.
Vinh quang thay, những kẻ hi sinh cho Tổ Quốc…
Tình yêu thiêng liêng của Tổ Quốc…
Miền Bắc Việt Nam mà tôi đụng vào đã thành một cái tổ Cò, mà con cò già bất hạnh nhất là ông Mười. Ông được phong cho chức “Tổng Thư Ký Hội Việt Pháp Hữu Nghị” trụ sở ở đường Lý Thường Kiệt gần ngã tư Phan Bội Châu. Cái hội này “quan trọng” đến nỗi không có ai tới lui hết, không làm gì hết và cũng không biết ai lập nó ra. Nếu có làm gì chăng nữa thì ở đâu làm không phải ông Mười. Vì ông chỉ là Tổng Thư Ký thôi. Chủ Tịch hình như là Phạm Huy Thông một thạc sĩ làm tay sai cho một trưởng ban tuyên huấn học chưa hết trung học để được yên thân. Nhưng ông Mười cũng cứ ở đó như một loại ông Từ giữ chùa. Ông không ở nhà chính mà lại ở trong cái ga-ra. Hai bác cháu tập kết sao mà giống nhau như hệt: ở ga-ra. Tôi ở cách đó không xa, cũng trong một cái ga-ra nhưng cái của tôi thì quá đỗi tồi tàn, dột nát và gần sát một cầu tiêu thùng. Tôi ở chung với Nguyễn Quang Sáng, bây giờ là Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn. Hằng ngày tôi đến Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam làm việc ở 54 Quán Sứ trước Viện Ung Thư, bên cạnh Chùa Quán Sứ, thì đi ngang số 7 Phan Bội Châu. Đây là một cái quán hai tầng của một gia đình người Tàu. Tầng dưới thì buôn bán, tầng trên gia đình cư ngụ và cho mướn. Ông Mười vẫn thường đến đây uống trà, hoặc sáng hoặc chiều, không thành cữ nhất định.
Cái quán này là nơi thân mến của dân Nam Kỳ quốc. Phía bên kia đường là nhà máy nước đá của một bà tư sản góa chồng rất đẹp. Đó là mục tiêu rửa mắt của khách ẩm trà trong quán này. Bà tư sản hình như cũng bén lắm nên mỗi lần chúng tôi uống trà và nói chuyện râm ran bên này thì bà ra đứng ở cửa bẹo hình bẹo dạng. Sau này có thằng bạn tôi trẻ hơn bả có mười tuổi bị dính vô và bị kiểm thảo trần ai suýt tụt lon thiếu tá.
Khi nào ngồi quán mà thấy tôi đi ngang, ông Mười cũng ngoắc:
- Xuân Vũ, vô làm vài chung cho ấm rồi đi làm, cháu!
Râu tóc ông Mười đã bạc phơ, mắt không lúc nào rời cặp kiếng trắng, quần áo vải ta trắng bèo nhèo, chân mang guốc vông mòn hết gót, tay không có đồng hồ, túi không có bút máy, không có gì ráo trơn, ngoài tấm thân già bệnh hoạn. Tay trái của ông bị “chuột rút” đơ đơ không cử động bình thường được nhưng khổ thay, ông lại không có tiêu chuẩn vào Bệnh Viện Việt Xô. Cho nên rót nước châm trà, hay rót trà ra chung ông Mười chỉ dùng một tay.
Ba hào một bình trà. Nói cho ngay trà ở quán chị Hai không phải trà cau khô. Có lẽ chị ưu đãi tụi dân Nam Kỳ này nên đem ra trà thiệt thì không rõ. Ở các quán cà chớn thì xác trà ngâm nước cau khô phục vụ khách. Dân ghiền, lúc đờm sắp trào lên cổ thì thứ gì chát chát là nuốt càn, sá gì nước cau khô? Một bình trà năm, sáu mạng uống như quỉ sứ cả giờ đồng hồ, ba bốn “phuých” nước sôi. Chị Hai vẫn vui vẻ không sốt ruột như các chủ quán khác. Do đó dân Nam Kỳ chúng tôi coi đây như là trụ sở của mình. Có chuyện gì vui buồn cũng ra đó nói cho nhau nghe. Còn ông Mười thì coi đó như văn phòng thứ hai của Hội Việt Pháp Hữu Nghị vậy. Lắm khi bọn tôi kiếm được gói trà Chính Xuân, Ba Đình, Hồng Đào, nhớ ông Mười thì cũng đi thỉnh ông đến chủ tọa ở quán chị Hai.
Có lần Phan Vân, nhạc sĩ của đài phát thanh, một chàng thanh niên tuấn tú khôi ngô của Sài Thành không biết theo ai mà ra Khu 8 của Trần Văn Trà rồi lọt xuống miền Tây ở chung với tôi trong phòng chính trị. Hắn làm nhạc, tôi làm lời, lấy làm tâm đắc lắm. Thỉnh thoảng hai đứa lén ra rừng, hắn sô-lô cho tôi nghe bản “Những Cánh Hoa Đời” của hắn làm ở Sài Gòn.
- Ê, mày Xuân Vũ, ngã mặn vậy đủ chưa? Mai mốt ra đồng tao hát bài “Tiếng Còi Trong Sương Đêm” Tango Melodic của Lê Trực cho mày rụng rún.
Phan Vân cộng tác chung với tôi ở Phòng Chính Trị Khu 9 mấy tháng rồi cùng về Cần Thơ vài năm. Hắn là người chỉ hợp với đường phố, những vũ trường và sân khấu nhưng không hiểu sao hắn lại đi kháng chiến. Tôi với hắn thường hợp tác đi lao động sản xuất để chui vô chòi vịt làm nhạc. Có lần cơ quan được lệnh sản xuất thêm để lấy tiền cứu trợ miền Đông bị bão lụt. Tôi và hắn đi cắm câu ở gần Kinh Xáng Cụt. Hai đứa tìm nơi ngủ cho đã rồi sáng ngày thức dậy mua cá của nông dân về nộp cho cơ quan bán lấy tiền cứu trợ. Và được chấm điểm cao.
Trong số bản nhạc của Phan Vân-Xuân Vũ có một bài được giải nhất Giải Cửu Long năm 1950. Ngoài ra còn một bài thơ của tôi được hắn phổ nhạc và rất được phổ biến trong hai khu 8 và khu 9 lúc bấy giờ.
Em lớn lên
Em ăn rau và cải
Trồng trên đống tro tàn
Trên nền nhà rụi cháy
Hàng cột ngã thành than.
Cơm em ăn mỗi ngày
Đều có dính máu Tây
Vì mùa khô mùa nước
Tây phơi xác ruộng này.
Nhà em Tây nó đốt
Em ra ngủ ngoài vườn
Khác gì anh chiến sĩ
Quen lạnh lẽo gió sương.
Bây giờ em còn bé
Em gắng tập súng cây
Ngày mai em sẽ lớn
Cầm súng thiệt đánh Tây.
Em lớn lên trong kháng chiến.
(1947)
Ra Hà Nội, nhớ bà vợ lai Nhựt Bổn đẹp quá trời, Phan Vân phát khùng lên. Một hôm hắn vô đại Văn Phòng Ban Giám Đốc Đài Phát Thanh do ông Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Giám Đốc, sừng sộ:
- Ê! Anh Tư, anh cho tôi về Nam đi! Tôi chán quá rồi.
- Đi sao được mà đi đồng chí!
Lúc đó tôi vừa bị kiểm thảo xong về vụ lên Ủy Ban Quốc Tế xin về Nam.
Phan Vân liền rút con dao rọc giấy ở trên bàn, vung lên. Huỳnh Văn Tiếng vốn phục phịch to con nên không chạy kịp, cũng không la. Nhưng Phan Vân không chơi anh Tư mà cởi nút áo sơ-mi tay manchette, đưa trước mặt anh Tư, đâm một phát, rút dao ra ném trên bàn rồi để cho máu nhỏ giọt xuống gạch và bảo:
- Anh coi nè!
Huỳnh Văn Tiểng ớn quá nhưng lúng túng không biết phải đối phó cách nào còn Phan Vân thì trợn mắt nói tiếp:
- Vợ các anh là l… người ta còn vợ tôi là 1… bò hả?
- Đừng nói vậy đồng chí… Cách Mạng…
Phan Vân không nói gì thêm bỏ đi xuống và cuốc một mạch tới quán chị Hai, cánh tay còn ròng ròng máu. Tôi là người thân nhất của Phan Vân ở đây nên hỏi ngay. Phan Vân kể lại câu chuyện đã xảy ra. Có mặt ông Mười ở đó. ông khuyên can:
- Cháu không nên làm vậy, chẳng có ích gì.
Ông luôn luôn tỏ ra là bậc cha chú và là một trí thức đã từng trải trong cuộc sống với tụi Hà Nội. Không bao giờ tôi nghe ông nói một câu bất mãn hoặc góp vào những chuyện bất mãn. Nhưng tôi biết ông chán ngán, ê ẩm vô cùng. Đã lỡ tay trót đã nhúng chàm. Dại rồi còn biết khôn làm sao đây. Bô bô cái mồm sẽ bị cắt phiếu.
Những người cùng làm đốc học trường quận với ông, thấp hơn ông ở lại đều đã vinh thăng như ông Đốc Ninh ở Thanh Phú, ông Đốc Trinh ở Ba Tri, ông Đốc Chỉ ở Mỏ Cày. Ông Mười là một bậc trí thức đâu phải là có “nhiều lắm” trong kháng chiến và trong hàng ngũ Cách Mạng. Mà chúng nó khinh miệt bỏ bê làm vậy?
Một hôm ông Mười có ý tốt đối với tôi. Ông có đứa con gái tên là Vân Thanh rất duyên dáng mặn mòi, bọn Nam Kỳ gấm ghé nhưng không đứa nào dám vì ông nghiêm khắc lắm. Hơn thế nữa, ông đã rào trước:
- Con nhỏ còn đang học trường Miền Nam. Nó còn nhỏ!
Nhưng ông Mười có trông thấy chỗ khác và nhờ người ta làm mối cho thằng cháu đồng hương. Do đó mà tôi có dịp đến căn nhà “Việt Pháp Hữu Nghị” của ông. Đó là cái ga-ra bên cạnh cái villa nhỏ mà người ta căng tấm bảng ở cửa ngỏ “Association Vietnam-France”. Trong cái ga-ra của ông có một cái giường nát và cái bếp ở xó hóc lạnh tanh. Tường cũ loang lỗ, gạch dưới nền mòn khuyết lồi lên những gân xi măng.
Ngậm ngùi, chua xót quá đỗi, tôi cũng tạm ngồi uống trà và hỏi thăm ông:
- Bác ăn cơm ở đâu bác Mười?
- Đằng hợp tác xã công nhân xe lửa.
Tôi cũng đã từng ăn ở đó nhưng đông quá, món ăn kém, không thể ăn được nên chuồn đi chỗ khác. Bạn ơi! Bạn đừng tưởng có tiền là xách đít đi đâu ăn cũng được nghe. Muốn ghi tên vào Hợp tác xã bạn phải được xét lý lịch như trước khi vô đảng đấy.
- Chen lấn lãnh cơm có bữa muốn rách áo cháu à!
Đó là câu nói nặng nề nhất về chế độ mà tôi được nghe từ miệng ông Mười.
- Rồi bác ăn ở đâu?
- Bác nhờ con Hai chủ quán nấu. Con nó đem lại cho bác ở đằng đó.
Tôi nhìn cánh tay yếu của ông mà ái ngại vô cùng. Già vậy mà ở một mình, rủi đau ốm bất thường rồi lấy ai mà cậy nhờ? Đọc được ý nghĩ đó của tôi ông nói:
- Bác có thằng cháu y tá. Lâu lâu nó có ghé qua.
Tôi tưởng rằng nhà của ông Tổng Thư Ký Hội Việt Pháp khá hơn nhà tôi, nhưng khi ngó lên nóc thấy một lỗ lớn, tôi chưa kịp nói gì thì ông cắt nghĩa:
- Bác đã dời chiếc giường tránh chỗ dột. Mưa nho nhỏ không sao. Còn mưa lớn thì bác mở cửa lên nhà trên ngồi chờ hết mưa thì xuống.
Tôi không dám hỏi tới: “Sao bác không ở trên nhà trên.” vì sợ câu trả lời sẽ làm đau lòng cả bác lẫn cháu, nên thôi, bèn nói lảng:
- Nhà của cháu hễ trời mưa thì cháu với thằng Sáng ngồi trùm ni-lông chong ngóc.
- Kệ nó cháu, ráng ráng thử coi.
Ý bác nói là ráng sống để lết về xứ. Tôi tìm hiểu thử xem những người trụ cột của tỉnh Bến Tre có ai được trọng dụng không?
- Chú Hai Sách bây giờ ở đâu bác?
Hai Sách là Trưởng Ty Công An sau cùng của Bến Tre.
- Nó làm Phó Ty Thái Bình. Mà hình như là Phó Ty Thương Binh thì phải.
- Còn chú Mười Kinh?
- Nó làm gì ở Bộ Nội Vụ. Chết rồi, cháu không hay sao? Nó đi đón Việt kiều ở Tân Đảo về, trật chân trên tàu rơi xuống biển. Không hiểu sao tại Cảng Hải Phòng mà không vớt được?
- Còn bác Nguyễn Tẩu?
- Làm cái gì ở Sở Nhà Cửa. Ôi thôi tản lạc hết cháu ơi! Bây giờ cháu đang viết cái gì?
- Dạ đi cà nhỏng chớ có viết được cái gì đâu bác. Một năm ba bài bút ký đăng báo thôi.
- Chuyện kháng chiến mình hay quá không viết được sao?
- Dạ không..
- Tại sao vậy cháu?
- Dạ không hiểu tại sao nữa. Cứ ngồi lại thì nhợn rồi buông bút bỏ đi đạp xe chạy rong ngoài đường bác à!
- Vừa rồi thương binh Nam Bộ làm loạn ở tỉnh Thái Bình không biết thằng Sách có đối phó nổi không?
Vâng, chuyện kháng chiến chống Pháp đẹp quá mà không ai muốn nhắc lại. Vì nhắc lại chỉ thêm đau lòng. Tôi nhớ hồi còn ở tỉnh nhà, cán bộ được coi như thần thánh, kháng chiến chống Pháp là một vinh quang. Thanh niên không ai ở nhà. Không bộ đội thì cán bộ, không cán bộ này cũng cán bộ kia, đến đỗi con cháu Hội Đồng, Cai Tổng cũng bỏ nhà đi. Không đi là có tội. Còn bây giờ thì ai cũng thấy “giá đừng đi”!
Thời đó ông Mười cũng đã trên năm mươi. Ông là Chủ Tịch Tỉnh, không có Phó Chủ Tịch và cũng không có ai thay thế nếu ông hi sinh. Ông mặc bộ đồ lụa Ba Tri cổ đứng đi dép cao su, đội nón mây rộng vành, loại nón của người Tàu, ông đi bộ khi dời cơ quan, tự mang ba lô lấy, nếu trời mưa thì ông chống gậy. Thanh Niên Cứu Quốc của anh Mạch Văn Tư, Phụ Nữ Cứu Quốc của chị Ba Định, Nhân Dân Cứu Quốc của ông Trọng Già đều bu chung quanh Ủy Ban Tỉnh để dễ bề ăn ké máy đánh chữ, pơ-luya hoặc nhờ nhỏi ghe xuồng cùng các thứ khác.
Hồi đó chị Ba Định cũng khờ ịt chớ đâu có trí óc gì bao nhiêu, nhờ ông Mười dạy dỗ cho nên được làm Đoàn Trưởng Phụ Nữ Cứu Quốc tỉnh. Chỉ đâu có nói chuyện được trước đám đông. Hễ có mít tinh thì chị Hồng Yến vợ anh Phan Minh Triều viết diễn văn cho chỉ đọc vậy mà còn đọc trật lất: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ đọc thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hào, còn “thân ái chào quí đồng chí” thì chỉ rặn ra là “thâm ấy chà quí đồng chí“.
Thấy cậu tôi ngồi nghe mà sắc mặt không vui nên tôi không muốn kể thêm. Cậu thở dài, chê trách Cách Mạng thì có lẽ cậu không nỡ. Vì cuộc kháng chiến chống Pháp tự nó là một cuộc chiến đấu đẹp đẽ và cao quí. Nào ai có biết đảng là gì. Cho nên cứ nhắm mắt đi theo, đến khi mở mắt ra thì đi đã quá sâu, không có can đảm trở lại nữa.
Cậu ngồi đó, có lẽ trong đầu cậu hiện lên những nẻo đường kháng chiến từ Cù Lao Minh sang Cù Lao Bảo, Sóc Sải, Thành Triệu, bang Tra, Ba Vát, Mỏ Cày, Phước Hiệp, Định Thủy, Bình Khánh, An Định, Tân Trung, Minh Đức, Hương Mỹ, Thành Phú, Giồng Luông, Giồng ớt, Giồng Bãi, An Qui, Thành Phong, Cồn Chim, Cồn Diệp…
Thanh niên trai tráng tới đâu, ông Mười đi tới đó. Chữ ký của ông chân phương có những vòng bán nguyệt bao bọc chung quanh như mây khói.
Mà mây khói thật, như cuộc đời của ông. Đi với Pháp quyền cao lộc cả xe hơi nhà lầu, lại bỏ đi theo “Cách Mạng” để được phát cho cái ga-ra nát.
Đó là ông Mười Huệ ở Miền Bắc. “Giải Phóng” MiềnNam rồi, ông cựu Chủ Tịch Tỉnh từ Hà Nội trở về làng, về tỉnh nhà, không phải với chiếc áo gấm như những ông Nghè bái tổ vinh qui mà với chiếc áo bà ba bạc màu, gậy chống đi từng bước, bàn tay chuột rút treo trên cổ như một mối hận chưa trả xong. Ông lần về tận quê. Không còn gì, ngoài một quả núi tro trong lòng mà cách mạng đã dựng lên cho ông từ ngày ra Bắc. Không có gì ngoài dăm ba nụ cười gượng mà bọn tỉnh ủy – một lũ con nít khi ông đã là lãnh tụ tối cao của tỉnh này – dành cho ông như cái hạnh phúc hồi hương tưởng không bao giờ có.
Về tới xứ hôm trước, hôm sau ông ra chợ Mỹ Lồng ngồi chồm hổm tự thường cho mình, cũng còn có nghĩa là cám ơn cách mạng bằng một tô cháo lòng heo. Đúng là cháo lòng heo! Nhưng thôi, so với hằng trăm người Bến Tre khác đã nằm lại nghĩa trang Mai Dịch, Văn Điển, thì ông Mười còn sướng hơn nhiều.
Một ông chủ tịch tỉnh đi tập kết về ăn cháo lòng ở tại nơi mình từng làm đốc học. Trí thức bị hạ xuống làm dân phu phen kéo xe, quét chợ, còn những tên kéo xe quét chợ, thợ hồ, chăn trâu chăn vịt, cạo mủ cao su thì lại đóng vai trò chủ tịch quận, chủ tịch tỉnh thậm chí chủ tịch nước. Ông Mười về được xứ chắc là thỏa nguyện rồi. Vì lúc ở ngoài Bắc ông có ước mong gì nữa đâu. Nhưng bi kịch của ông Mười không dừng lại ở đó.
Màn cuối còn thê thảm hơn nhiều.
Số là ông có một chàng rể tên là Phát, có lẽ tên Tây nên gọi là Phát Nề (René). Trong kháng chiến Phát Nê đã làm đến đại đội phó. Có lẽ vì thành phần không cơ bản nên không được tiếp tục cuộc đời binh nghiệp, bị lột áo lính ngay khi ra Bắc và làm một việc gì không khá lắm ở Bộ Công Nghiệp. Thỉnh thoảng tôi có gặp anh ta ăn mặc đỏm dáng phóng xe đạp Bờ Rô đến thăm ông già vợ. Khi về Nam, con trai của Phát Nê đã lớn và làm tới đại úy Hải Quân (Ngụy). Phát Nê tỏ ra mình rặc với Cách Mạng nên về Bến Tre gặp dòng họ thì kênh mặt như một ông Nghè đỏ. Ông đại úy con trai của Phát Nê đang chuẩn bị cưới vợ, con gái của một dân biểu hay tư sản gì đó của tỉnh nhà. Phát Nề về tới là “ách” lại cái rụp. Không có “hòa hợp hòa giải” gì với thằng con đại úy Ngụy cả..
Thằng bé mang dòng máu “Ngụy” không thèm cãi lập trường với ông bố giải phóng mà vào buồng khóa trái bắn súng lục vào đầu. Kết quả như thế nào cho ngoại nó, các dì, các cô nó và cả gia đình bên vợ nó, nhất là đối với vợ sắp cưới của nó, ai cũng có thể đoán ra.
Nhưng đối với mẹ ruột của nó, người đã nuôi nó, cho nó ăn học thành tài, trong lúc bố nó cà nhỏng xây dựng xã hội chủ nghĩa Bắc Kỳ rỡm, chắc khó ai đoán được.
Bà vợ Phát Nê điên. Bà làm sao đẻ được nữa mà không điên. Bà đi lang thang ngoài chợ kêu tên con suốt ngày. Bà đã trở thành một người mất trí sau phát súng của thằng con trai duy nhất. Còn ông Mười sau cái tai nạn trời giáng đó, ông càng rủ xuống. Và qua đời.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc