Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: Tuấn Anh Nguyễn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1012 / 3
Cập nhật: 2015-10-20 00:53:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
ối nay đình làng Thượng có phường Lê hát - Bà Trương tất tả bước vào sân, vừa nói vừa đặt rổ bèo xuống miệng cối đá dưới cây na.
Mai mừng rỡ reo lên:
- Thực ư u? Để con sửa soạn gánh hàng xuống bán, u nhớ.
Dứt lời, cô ném mấy quân tam cúc xuống chiếu, nhặt lấy đồng tiền trinh bỏ túi, đứng lên.
- Đáng lẽ ván này em kết tốt đen vì em có tướng điều.
Một cô, là chị họ Mai, đập đùi cô bên cạnh, nói đùa:
- A, phải rồi, nó còn có ông tướng Sinh ở phường Lê thì làm gì mà chẳng kết.
Tảng lờ không nghe thấy, cô chỉ mỉm cười chạy lên nhà.
Các cô tan cuộc, chào bà Trương, kéo nhau ra cổng. Trăng đã lấp ló đầu ngọn tre. Bọ bèo ẩn trong những bè rau muống, bè rau rút dưới ao đã dần dần hóa thành đom đóm, lập lòe bay lên. Chúng lượn chơi dưới ánh trăng rằm vằng vặc vút lên ngọn cau, khóm chuối, sà xuống bờ rào dâm bụt, xuống đầu các cô gái tơ nói cười ríu rít.
Các cô nghịch tinh như trẻ, đón bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng gài lên tóc, đeo vào cổ yếm, dắt nhau ra ngồi bên bờ giếng đá hát trống quân, quan họ với nhau, mãi tới lúc trăng khuya đã bơi qua dải Ngân Hà các cô mới rủ nhau về ngủ.
Những cuộc vui chơi chỉ có trong những đêm trăng ấy, tối nay Mai không được hưởng cùng các bạn, vì cô còn bận sửa soạn gánh hàng để kịp xuống đình làng Thượng bán trước khi phường hát lên trống giáo đầu.
Cô bảo cái Ba mang dao ra vườn chặt vội mấy cây mía, đẵn thành tấm xếp vào hai bên thúng, còn cô thì ra giàn trầu không bứt vài chục lá đem bỏ lẫn vào tráp đựng diêm, thuốc lá, thuốc lào. Giúp đỡ con, bà Trương vác chiếc thang tre ra vườn sau nhà trẩy buồng cau, mươi trái bưởi vội đem vào. Bà luôn miệng dặn dò con gái:
- Phải có ý tứ, nghe chưa? Con trai họ chòng ghẹo thì không được híp mắt cười, mà cũng chớ nên gắt gỏng. "Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu". Tiền nong phải cẩn thận, con gái mà lơ đễnh thì ruột cũng không còn.
Bà vặn cao ngọn đèn hoa kì, ngắm nghía Mai.
- Vào mở hòm lấy cái thắt lưng sồi mới của u mà thắt. Mà phải mặc cái quần lĩnh vào chứ, mặc váy trong đám hội nhỡ ngồi vô ý thì mày bỏ xác mày, con ạ.
Mai thẹn đỏ mặt, cãi bà Trương:
- U đến hay nói! U đã thấy con vô ý bao giờ chưa?
Cô vui vẻ cầm cây đèn con vào buồng sắm sửa.
Một lát, Mai bước ra, bẽn lẽn như cô dâu mới. Thấy con xinh đẹp, gọn gàng, mặt bà Trương hình như tươi lên một chút. Bao giờ bà cũng muốn giữ trọn câu "Giấy rách giữ lấy lề" của ông tú, chồng bà, căn dặn lúc lâm chung. Bà không dám để làng xóm khinh rẻ bà về nỗi sa sút cửa nhà; chỉ vì việc làm ma cho ông tú bà đã bán ruộng, giết bò thết đãi khắp mặt dân. Đã nhiều bữa, ba mẹ con gài chặt cửa ăn khoai, húp cháo trừ cơm. Cũng có khi khoai, cháo chẳng đủ mà ăn nữa. Cùng hai con gái cố tần tảo tháng ngày, bà nuôi lợn, trồng dâu, làm đậu phụ bán cho người trong làng. Mai dành dụm được chút vốn, sắm đôi tráp sơn đựng thuốc lào, thuốc lá rồi chờ phiên gánh ra chợ bán. Công sức tần tảo ấy, bình thường cũng tạm đủ, song những lúc không may gặp phải chuyện gì, hoặc cái Ba ốm, hoặc Mai hay bà Trương ốm, lại thiếu ăn.
Bao nhiêu năm sống như vậy, bà Trương đã mất nhiều nước mắt mà Mai cũng vì cảnh nhà mà sắc đẹp giảm dần đi. Song cô được cái tính ít lo buồn. Sầu khổ mấy cũng chỉ khiến cô ngồi thừ ra một lát rồi chợt thấy đôi chó mèo cắn nhau ngoài sân, hay thấy cô bạn thân nào đến trò chuyện, đùa bỡn, tức thì cô lại cười giòn giã, lại nói liến láu, át cả tiếng thở dài của bà Trương ở trong buồng. Vô tư lự như thế, cô luôn bị mẹ mắng. Cô không chừa được, tuy đã thử cố buồn, cố khóc. Có lúc bị mắng xong, Mai dớ dẩn hỏi bà Trương: "U nhỉ, có lẽ kiếp trước con là con chim sáo sậu, là con chích chòe cho nên kiếp này ông trời cứ bắt con phải nói cười luôn, chạy nhảy luôn. U có tin thế không? Nếu tin thế thì từ rày, u đừng mắng chửi con nữa nhé".
Mai nhí nhảnh thế nên bà Trương mắng mỏi miệng, rồi cũng phải bật cười.
- Thôi đi đi, kẻo chưa đến nơi, tuần đinh họ đã đóng cổng đình thì khốn đấy.
Cô nhai miếng trầu cho đỏ miệng, soi vội mặt vào mảnh gương vỡ cài trên liếp rồi đặt gánh lên vai.
Hai chị em ra khỏi nhà mấy bước, cô dừng chân đổi gánh sang vai, quay đầu nhìn bà Trương đang lích kích chèn chốt cửa. Lòng cô tự nhiên chua xót, cô thương mẹ già suốt đời vất vả, không bao giờ được an nhàn như các bà lý, bà bá trong làng. Chợt nghĩ đến những vụ trộm, vụ cướp xảy ra luôn trong hàng tổng và cũng thường xảy ra ở chính làng mình, cô băn khoăn lo cho mẹ. Cô toan dặn bà Trương soi đèn kĩ dưới gậm giường gậm phản, nghe ngóng tiếng chó cắn, tiếng chân đi ngoài xóm, nhưng bà Trương thấy chị em cô chậm chạp, đã nhìn ra khe cửa mắng:
- Hai con ranh kia không đi, còn nhí nhảnh gì nữa đấy?
Cô khẽ "vâng" rồi rảo bước qua bờ giếng đá, lũ bạn cô gọi lại, cô chẳng trả lời. Các cô chế Mai ban nãy, giờ lại chế:
- Cái Mai hãy ngồi chơi ván tam cúc nữa để chờ kết tốt đen. Mày đã có ông tướng điều thì làm gì mà chẳng kết.
Họ cười vang lên. Cô cũng vừa cười, vừa rảo cẳng.
Ra khỏi cổng làng, men theo bờ một dải sông đào rất rộng nước lên cao gần mấp mé bờ, chị em Mai đi mải miết. Dưới ánh trăng, đôi bóng mờ mờ in ngang xuống mặt nước sông lấp loáng đậu chỗ này, chỗ khác mấy con thuyền. Đi hết một ngọn đồi, chợt cô lắng nghe tiếng trống văng vẳng trong gió, cô bồn chồn cả dạ, rối rít giục cái Ba:
- Người ta đã hát rồi. Em chạy đi trước xem có phải đúng phường Lê, nhìn kỹ xem có Tư Sinh không nhé!
o O o
Tới sân đình, Mai đặt gánh, xuống cầu ao sen rửa chân. Lúc nãy, trăng lẩn vào mây, cô vô ý dẫm phải vũng nước, bùn bắn ướt cả ống quần.
- Kìa, cô hàng thuốc! Từ tháng Giêng năm ngoái, đến tháng Tám năm nay mới gặp. Chúng tôi buồn, tưởng cô đã lấy chồng.
Cô ngẩng lên nhìn bọn trai làng đứng đông trên cầu sắp sửa ghẹo mình thì đã thấy tức nhưng vụt nghĩ tới lời mẹ dặn, cô lại dịu dàng đáp:
- Thưa các bác, em đã lấy chồng dạo tháng trước rồi.
- Nhà tôi đấy, các anh em chớ có trêu vào.
Cậu con trai ông Chánh trâng tráo gạt bọn kia ra, rồi đỡ hộ quang gánh của cô vào thềm đình, đắc chí. Mai khó chịu, song lời mẹ dặn trước khi đi cứ vẳng bên tai, nên cô chỉ lẳng lặng ngồi bày hàng ra mẹt, cầm dao têm trầu mời khách.
Lòng xốn xang, mấy lần cô định đứng lên nhòm vào bên trong đình, kiếm người cô vẫn nhớ vụng yêu thầm. Cô chỉ còn trông cậy vào sự che chở của Sinh, mặc dầu Sinh với cô vẫn chưa có dịp nào ngỏ tình. May lúc đó trong sân đình, đám xóc đĩa vừa tụ họp, bọn trai kia kéo cả vào. Thoát nợ, cô mừng quá, đứng phắt ngay lên, toan xán vào chỗ buồng trò, nhưng cái Ba, nắm áo cô lôi lại.
- Chị không bán hàng ư?
- Chị ngó xem có đúng phường Lê không đã.
- Xem làm gì. Ngồi đây cố bán cho u lấy tiền trả nợ còn hơn...
Nghĩ đến cảnh quẫn bách của nhà, Mai thừ người ngồi xuống. Càng về khuya, trò hát càng hay, mọi người đều ở trong đình nghe hát, hàng cô không ai ra ngồi nữa. Cô dỗ cái Ba nhờ nó coi hàng hộ, rồi cô đến dãy chấn song gỗ nhòm vào buồng trò.
Mai thấy kép Sinh, chính thực kép Sinh, đội chiếc mũ lông công dài vút, mặc bộ áo giáp vàng, trước ngực tết bông hoa to bằng lụa trắng, đang ngồi trước gương vẽ lại cặp môi son. Cô tấm tắc khen thầm:
- Sao lại có người đẹp trai đến thế kia! Ước gì mình được...
Nhưng thầm thẹn với ý nghĩ của mình, cô mỉm cười, đôi mắt bỗng long lanh sáng, nhìn Sinh. Còn Sinh thì vô tình không để ý đến cô đứng ngoài bóng tối. Ngay lúc đó, một cô đào cũng xinh đẹp cầm chiếc quạt Tầu đập vào má Sinh, nhí nhảnh:
- Này anh Lã Bố! Tí nữa Điêu Thuyền này chuốc rượu nằm ngả vào lòng anh, thì cấm anh không được ghì chặt lấy ngực đấy nhé. Tôi dặn trước, kẻo lại như năm ngoái, làm thằng chồng tôi nó ghen đến hộc máu tươi ra.
Nghe những câu cợt nhả ấy, lòng cô tựa hồ như nổi lên một cơn ghen. Cô rít răng rủa thầm:
- Đồ đĩ dại! Đồ đĩ dại!
Mai chú ý xem kép Sinh có trả lời cô đào ấy không, nhưng Sinh nín lặng. Cô đánh bạo khẽ gõ con dao têm trầu vào chiếc chấn song gỗ. Sinh ngẩng lên nhìn. Thấy cô, Sinh có vẻ mừng, gật chào cô, liếc nàng rất đa tình. Cô sung sướng, cơ hồ ngất lịm đi.
Lát sau, đến lượt Lã Bố ra trò. Người ta diễn tích "Phụng Nghi Đình", tích hát cô chưa có dịp nào xem. Cuống quýt, cô len vào bên trong coi cho rõ. Giọng hát trong, điệu bộ khéo, lại giỏi trai, kép Tư Sinh tối nay trổ hết tài nghệ hiến vui công chúng, nhất là trong số công chúng ấy có cả cô hàng thuốc xinh đẹp, cô hàng thuốc mà đã bao nhiêu năm lăn lóc trong nghề chèo hát, đã gặp bao nhiêu thôn nữ trong bước giang hồ, anh chưa từng thấy cô nào xinh đến thế.
Người ta khen Sinh không ngớt miệng. Roi chầu điểm đến vỡ cả tang trống cái, bọn gái làng ngắm Sinh ngây ngất. Mai vui thích, má ửng hồng. Chưa từng có một cảm xúc nào say sưa, mơn trớn rung động tâm hồn cô như lúc ấy.
Đây là lớp Điêu Thuyền chuốc rượu cho Lã Bố, theo mật kế của Vương Tư Đồ, cha nuôi. Điêu Thuyền với cái bộ điệu lẳng lơ, khi ngửa mình, khi áp má, lúc quàng vai, lúc nũng nịu, lúc lả lơi trên đùi Lã Bố, làm cho mọi người phải đê mê, nhất là các cặp trai gái trong làng đã có tình ý sẵn, lúc này, đưa mắt nhìn nhau cười khúc khích.
Vai đào đã có nhan sắc, lại có tài, ưỡn ẹo trong lòng anh kép đẹp trai, thực là xứng lứa. Cảnh ấy khiến Mai khó chịu. Có khi cô nhắm mắt không thèm nhìn, có khi hậm hực ngoảnh trông chỗ khác, rủa thầm:
- Con đĩ! Con đĩ!
Càng đến những lúc Lã Bố ôm Điêu Thuyền nằm ngửa mình trên lòng chàng mà uốn éo, hoặc Lã Bố hôn hít Điêu Thuyền một cách thành thật miên man, Mai càng lồng lộn, càng điên tiết, lắm lúc cô muốn nhảy xổ ra túm đánh Điêu Thuyền một trận mới hả lòng ghen. Cô mê Sinh quá mất rồi. Cô không muốn một cô đào nào trong gánh hát tranh đoạt nỗi yêu thương thầm vụng ấy. Lòng ghen đã khiến Mai quên phắt đi rằng kép Sinh với cô đào kia ôm ấp nhau như thế cần trong lúc đóng trò, là chuyện nghề nghiệp mà thôi.
Tiếng cười rinh rích của những cặp trai gái xung quanh càng như châm chọc Mai. Cuồng lên, cô đẩy mọi người, chạy xô ra ngoài sân đình, ngồi ôm mặt. Cô ngồi một mình dưới ánh trăng, tấm tức như một người đau khổ nhất đời.
Cái Ba đã thu dọn gánh hàng cất đi một chỗ. Nó cũng vào đình xem hát tự lúc nào.
Khóc hồi lâu, nỗi đau dường như dìu dịu, cô đứng dậy ra ngoài bến sông. Dưới bến có vài con thuyền không biết ở ngả sông nào chở khách đến xem chèo. Tình cờ gặp một người lái thuyền quen sắp nhổ sào đi, cô gọi:
- Bác lái Năng cho thuyền đi đâu đấy?
- Tôi qua Sơn Tự, cô có về nhân thể thì về.
Để trốn cảnh làm mình đau đớn, cô muốn về nhà tìm sự an ủi của mẹ già, nên cứ liều mặc em ở lại xem hát, gửi gánh hàng, cô bước xuống thuyền.
Dưới trăng, thuyền trôi lững lờ. Lòng cô còn vương vấn với Tư Sinh. Đến ngã ba sông, thuyền bác Năng vừa rẽ thì cô chợt nghe rõ tiếng ai gọi tên mình. Cô vội vàng ngoảnh lại. Một người đàn ông đứng trên một chiếc thuyền đuổi vừa sát tới. Người ấy nhanh nhẹ nhảy tót sang bên thuyền cô và nắm chặt tay cô:
- Cô làm tôi giục bác lái chèo hết hơi đuổi theo mới kịp. Tôi tưởng tôi đang đóng tích "Triệt Giang phò A Đẩu" mà tôi là Triệu Tử Long.
Đấy là kép Tư Sinh. Mai hả lòng, hả dạ nguýt dài:
- Ôm ấp con Điêu Thuyền đã sướng chưa? Cái con Điêu Thuyền ấy, tôi ghét cay ghét đắng...
Tư Sinh cười vang:
- Thì ra cô ghen à? Đó là đóng trò chứ có thật đâu mà ghen. Rõ thật đàn bà!
Cô khẽ tát má Tư Sinh:
- Cả cái mặt này cũng đáng ghét lắm kia.
Hai người ngồi xuống đầu thuyền.
Thuyền qua bến Vị tự lúc nào mà cô không biết. Mãi đến lúc gà xao xác gáy trong xóm bến, cô mới khẽ gỡ tay Sinh, rùng mình rũ những giọt sương khuya bám trên mái tóc.
o O o
Bọn con gái chiều nay lại ngồi bên đống rạ chơi tam cúc như mọi buổi chiều, khi công việc đồng áng xong rồi.
Một cô vỗ đùi Mai:
- Con này lại kết tốt đen à? Ván nào nó cũng có tướng điều giữ kết.
Một cô khác chêm vào:
- Nó có nhân tình làm tướng mà lại. Chả thế, mấy tối nay đình Thượng có hát, nó đều chịu khó bò lên bán hàng.
Bị các bạn chế giễu, Mai không giận, vì lần này cô cho là lần cuối cùng cô vĩnh biệt các bạn ra đi.
Nhưng cứ bị giễu mãi, cô mượn cớ dỗi ra về.
Đi rất chậm trên các con đường nhỏ trong xóm vắng, cô lẩn thẩn đếm từng chiếc hoa dâm bụt, ngắt từng chiếc lá bờ rào, đếm từng ngọn cau, ngọn chuối trong các vườn lân cận. Trong khi ấy, cô đang mải suy nghĩ một việc quan trọng nhất đời: Cô sẽ liều, cô sẽ nhắm mắt giữ một lời nguyền, nó có thể làm đau khổ linh hồn ông tú, phá hoại danh giá của gia đình.
Về đến nhà, Mai đi thẳng ra chuồng lợn. Cô cúi xuống vuốt ve con vật mà cô đã mất công giã bèo, quấy cám nuôi cho nó lớn, từ đây cô sẽ không còn được nhìn nó nữa. Cô rẽ vào vườn, ngẩn ngơ nhìn những luống rau, bồn cỏ, những cây chanh, cây bưởi, cây cam mà hai mẹ con cô bấy lâu nay vun xới để sinh nhai lần hồi. Bây giờ, cô bỏ ra đi, mẹ cô sẽ phải làm lụng một mình, khó nhọc một mình. Nhưng biết làm sao được! Tình mẹ với tình chàng, cô còn đang cân nhắc bên nào nặng hơn.
Cô xuống cầu ao đứng. Hết nhìn trời, cô lại nhìn bóng mình rung rinh trên nước. Rồi tẩn mẩn, cô vén quần đưa một chân xuống nước, khỏa mấy đám bèo trang từ bụi duối phía bên kia lềnh bềnh trôi tới. Bị sóng, những đám bèo dạt ra xa.
Mai chua xót ví thân mình rồi đây sẽ như đám bèo trôi nổi ấy. Cô nghĩ đến những ngày, khi đã làm vợ Tư Sinh, sẽ thành một kẻ lang bạt kì hồ, lẽo đẽo đi theo phường hát, với một bó giáo, gươm bằng gỗ, đôi hòm vuông cũ kĩ, cùng một bọn người lang thang kéo nhau đi khắp làng này, tổng khác kiếm ăn. Nhưng tuy vậy, mặc lòng, cô vẫn khao khát được vào nghề. Chẳng đã bao lần, Mai được trai gái làng, khi làm việc ngoài đồng, thường khen cô có giọng hát chèo rất trong, rất đúng là gì? Lời khen ấy đã từ mấy năm nay khiến cô mơ ước được theo một phường hát nào để đóng vai Thúy Kiều, Cúc Hoa, Thị Kính... tiếng tăm cô sẽ lẫy lừng.
- Chị ơi, u đã xếp xong gánh hàng rồi. U giục chị đi xuống Thượng, kẻo muộn như hôm kia đấy.
Mai chậm chạp bước lên bờ. Tần ngần nhìn em một lúc, ruột như thắt lại, cô ôm em vào lòng thổn thức. Lại nghe tiếng bà Trương gọi, cô vội cởi nút thắt lưng bao dốc ra mấy đồng xu nhét vào tay cái Ba, đoạn chạy lên sân. Cô dừng chân bên đống rạ, não nùng nhìn bà Trương cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, đang đổ bèo vào cối giã một cách nặng nề, yếu ớt. Cô cảm thấy lòng mình như tan vỡ. Nước mắt lại chảy xuống ròng ròng.
Bà Trương ngạc nhiên, gắt:
- Cái con ranh này lại làm trò gì đấy. Cứ như con điên ấy, lúc khóc, lúc cười. Khăn áo nhanh lên mà đi chứ, còn chù tchừ gì nữa?
Để mẹ giục mấy lần, Mai mới vào buồng, lục hòm lấy mấy cái quần áo cũ giấu xuống đáy chiếc quả sơn đựng thuốc. Cô vấn khăn, chải tóc qua loa, rồi quảy gánh hàng ra.
Mai rụt rè không dám bước qua ngưỡng cổng. Cái ngưỡng cổng mà hồi bé, Mai vẫn ngồi cùng các bạn đánh chuyền, đánh chắt, đánh rải ranh, ngồi mãi đến nỗi khúc tre bương đã lên nước bóng. Cái ngưỡng cổng ghi bao kỷ niệm sâu sa ấy, cô bước qua tức là đi hẳn, không bao giờ còn trở lại. Cô ngần ngừ đứng sững, ngoảnh đầu trông mẹ. Cô cố nén tiếng khóc để giã từ:
- U ở nhà, con đi! Em Ba ở nhà, chị đi!
"Đi" đây là "chết", là vĩnh biệt. Nước mắt lại trào xuống như mưa. Mai phải cắn môi dưới cho đau, phải kéo khăn vuông mỏ quạ xuống che kín mặt cho mẹ khỏi ngờ.
- U làm nhớ... con đi! Em Ba hầu u cho ngoan ngoãn... em giã bèo giúp u nghỉ tay một lát...
Bà Trương gắt mấy lần nữa, Mai mới ngập ngừng bước qua ngưỡng cửa ra đường. Những con dơi trên các ngọn cau bắt đầu tới tấp bay ra săn muỗi trong bóng tối. Cái Ba lúi húi thổi mồi rơm châm đóm đốt đèn. Nặng nề, bà Trương gạt mồ hôi, giơ hai cánh tay chỉ còn da bọc xương cố nâng chiếc chày nặng giã bèo. Tiếng chày đâm thình thịch xuống lòng cối đá, âm thầm.
o O o
Có lúc bước nhanh như người chạy trốn, có lúc đi chậm, đổi gánh nặng sang vai, Mai buồn rầu nhìn lại phía làng Trung Tự đã mịt mờ. Nhưng hình ảnh bà Trương với cái Ba, hình ảnh mái nhà gianh với vườn rau cải, vũng ao bèo phảng phất hiện ra trước mặt. Mấy lần, cô đặt gánh ngồi bệt xuống bãi cỏ rìa sông, bưng mặt khóc. Cô cảm thấy lúc này mình là người đau khổ nhất đời. Khóc như vậy hồi lâu mà nỗi đau khổ ở lòng sao chẳng vơi được ít nào. Cô bực tức nhổ cả một mảng cỏ lên ném xuống nước sông; sau cùng, cô nắm tay đấm vào ngực, vào mắt, tự mắng mình như hóa dại: "Tại sao mày nỡ bỏ mẹ già, em dại, theo trai? Mày là con đĩ, con đĩ!...".
Khóc chán, Mai gục đầu xuống cánh tay, nhắm mắt, mặc cho lòng chết lịm trong cơn đau đớn. Rồi bàng hoàng, cô tưởng tượng mình là một đứa trẻ thơ ngồi đây chờ ông Bụt, ông Tiên nào đó hiện thành ông lão ăn mày, tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc sắp đi qua. Ông lão ấy sẽ an ủi, hoặc khuyên can cô phải trở về với mẹ già, em dại, y như trong truyện cổ tích mà thuở bé cô đã vòi bà Trương kể đi kể lại biết bao lần. Thực vậy, chỉ có ông Tiên, ông Bụt mới khuyên nhủ cô trở lại được thôi. Chứ chính cô, cô đã chịu thua lòng, chịu thua sức cám dỗ của tình yêu, của Tư Sinh.
Gió đồng thổi lộng chợt đưa đến bên tai Mai những tiếng trống chầu khoan nhặt ở phía đình làng Thượng. Như bị ma run rủi, cô đứng phắt dậy, lau nước mắt, đặt gánh hàng lên vai, bước rất nhanh. Cô không quay đầu ngoái lại, rặng tre xanh mờ mịt lùi dần, xa dần sau bước chân.
o O o
Con gà trên đầu thuyền bác lái Năng đã ba lần gáy sáng.
Mai ra mạn thuyền nhúng chiếc khăn xuống nước sông rửa mặt, rồi cô đứng ngoài khoang rũ tóc, cầm lược chải. Gió sớm mai hây hây mát, thổi tóc bay phất phất. Cô nghiêng mình soi bóng trên mặt nước trong, vội vấn khăn, vuốt lại thân áo nâu non bị nát nhầu. Bẽn lẽn, cô cảm ơn bác đĩ Năng đã cho ngủ đỗ một đêm, đoạn cô bước lên bờ.
Cô bỡ ngỡ đi sâu mãi vào các xóm làng Sơn Thượng. Gặp anh mõ, cô nhờ hắn chỉ bọn phường Lê ngụ ở chỗ nào sau đêm hát. Hắn chỉ lối cho cô đến điếm canh cuối xóm Đông.
Mai rảo chân tìm tới. Đấy chỉ là một túp lều gần đổ nát, bốn bề vách thủng bịt bằng lá chuối xác xơ. Đấy chỉ là một túp lều quá tồi tàn mà ngày thường dùng cho ăn mày trú nấp, ngày làng đình đám thì dành cho phường chèo tạm trú để chờ đến tối lại dắt díu nhau gánh hòm mũ áo ra đình làm tướng, làm vua.
Rón rén đứng ngoài vách nhòm vào, cô thấy cả phường Lê trong đó.
Ôi chao lúc này, cô cảm thấy vùng trời xanh đổ xuống đầu cô, cũng như một thế giới đầy mộng đẹp mà mấy ngày nay cô ôm ấp bỗng nhiên vụt biến đi, tàn nhẫn, bất ngờ.
Mai lặng người trước một cảnh tượng mà cô cầu rằng nó chỉ có trong giấc mộng hãi hùng mà thôi.
Cô giương mắt nhìn mấy người đàn bà da mặt nhăn nheo xanh như bọc một lớp rêu, đang bắc nồi cơm lên ba hòn gạch, chúi đầu xuống thổi cho củi cháy. Thỉnh thoảng một người lại chạy ra chỗ ổ rơm vỗ đứa trẻ gày còm khóc thét lên vì đói. Cạnh đấy, cạnh đôi hòm vuông nước sơn bong gần hết, dăm ba người đàn ông, kẻ cởi trần trùng trục da đen thui thủi, kẻ quần nâu, áo vải rách rưới, nằm co quắp lấy nhau, há miệng ngáy khò khè. Bên trong, một người mà Mai trông ngờ ngợ: một người gày guộc, bộ mặt hom hem, da nhợt như chàm, thâm trứng cá, tóc rũ rượi dính mấy sợi rơm, bọt mép chảy lầy nhầy xuống dưới cằm, nằm ép sườn bên khay thuốc phiện tắt đèn, ngoẹo đầu bên chiếc gối gộc tre mà ngủ.
Liền bên cái "xác chết" ấy một cô gái mà Mai trông cũng quen quen: một cô gái mặt phù, da sần sùi gần như da cóc, cởi trần, yếm tuột hở cả đôi vú sữa, nằm gối đầu lên cánh tay ghẻ lở của một lão già, còn hai chân thì gác cả lên bụng anh chàng nghiện ngập kia.
Mai hồi hộp nhìn thật kĩ. Cô đau lòng nhận ra hai người đó chính là chàng... Lã Phụng Tiên Lã Bố với ả Điêu Thuyền. Hai người đã làm cho cả phường Lê nổi tiếng. Hai người đã khiến bao nhiêu già trẻ, gái trai đều yêu tài, mến sắc! Hai người đã làm cho cô ghen và cảm, đã làm cô bỏ mẹ, lìa em để đi theo mà yêu, để chiếm đoạt mà thắng, để nhập nghề... lang thang khắp nơi, khắp chốn, theo chàng cùng say kiếp bèo mây...
Hoài vọng tan như huyễn mộng. Bây giờ đây, Mai chỉ còn một tấm lòng nguội lạnh, một cảm giác chán chường, ghê tởm. Cô nhẹ như chiếc bóng, đi giật lùi mấy bước, rồi vội vã quay mình chạy vụt ra ngoài xóm. Đến bờ sông, thấy thuyền bác đĩ Năng vừa nhổ sào về Trung Tự, cô cuống quýt đuổi theo, vẫy gọi, nhờ bác cho đáp trở về làng.
Khi bước được xuống thuyền rồi, Mai tựa hồ mới thoát được một tai nạn gì ghê gớm. Cô siết chặt tay bác đĩ Năng, nhìn bác bằng đôi mắt sáng:
- May quá! Chậm chút nữa thì cháu bị nhỡ chuyến đò!
Tiểu thuyết thứ Bẩy, số 210/1938
In lại trong Cô gái làng Sơn Hạ, NXB Văn học, 1989
Đời Tư Lã Bố Đời Tư Lã Bố - Ngọc Giao Đời Tư Lã Bố