Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: John Le Carré
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1462 / 23
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20 -
ác màn ảnh của chúng tôi cho biết lúc 18 giờ Barley bước ra khỏi văn phòng Nhà xuất bản Tháng Mười. Có một lúc chúng tôi đã kinh hoàng nghĩ rằng, có thể là Barley say, vì Zapadny cũng là một bợm rượu như ông ta, và rất có thể hai người đã cùng nhau làm một chầu Vodka trong cuộc thăm viếng từ giã này. Zapadny tiễn Barley ra tận cửa. Ở đó, hai người ôm hôn nhau thắm thiết, Zapadny có những cử chỉ như bị kích động, còn Barley thì trái lại, cứng đơ như một cái cọc. Vì vậy, các trinh sát sợ rằng Barley say, nên đã quyết định chụp hình ông ta trong lúc ấy, với ý nghĩ kỳ cục rằng như thế sẽ có thể làm cho ông ta bớt say. Tấm hình ấy là tấm hình chót trong hồ sơ, và tôi đã nghiên cứu kỹ tấm hình ấy. Barley ôm lấy Zapadny trong vòng tay mình. Người ta có thể nói Barley nâng đỡ Zapadny để truyền qua cho anh chàng tội nghiệp này lòng can đảm để anh ta giữ lời hữa. Và màu hồng có vẻ lạ lùng. Trụ sở của Nhà xuất bản Tháng Mười nằm tại đường Bolchaia Bronnaia ở trung tâm thành phố Matxcơva, trước kia là một ngôi trường cũ được xây cất từ đầu thế kỷ, với những cửa sổ lớn và một mặt tiền bằng thạch cao, năm nay được sơn lại màu hồng nhạt. Trên tấm ảnh màu này đã chuyển thành màu cam rực rỡ, chắc là vì có những tia mặt trời đỏ chói chiếu vào. Do đó, quanh đầu của Barley và Zapadny có một vòng hào quanh đỏ thắm và sáng lên một cách lạ lùng. Một trong những người trinh sát đi vào tiền sảnh với lý do đến quầy giải khát, để tìm cách chụp hình cảnh tượng ấy dưới một góc độ khác, nhưng không chụp được, vì có một người đàn ông cao lớn đứng che tầm nhìn của anh ta.
Barley trở về khách sạn của mình. Ở đó ông uống một ly rượu với một nhóm bạn bè đều là những nhà xuất bản, trong đó có Henziger. Henziger đã khẳng định rằng Barley không say rượu, trái lại ông ta rất bình tĩnh và có vẻ trầm tư. Điều ấy làm cho êkíp ở Luân Đôn cảm thấy nhẹ nhõm.
Vào lúc bảy giờ tối, Barley kêu đói bụng. Henziger và Wicklow dẫn ông ta đến nhà hàng Nhật Bản cùng với hai thiếu nữ xinh đẹp làm việc cho Nhà xuất bản Simon and Schuster. Trong bữa ăn tối, Barley tỏ ra hấp dẫn đến nỗi hai cô gái này mới ông ta tháp tùng họ đến nhà hàng National, nơi đó một nhóm nhà xuất bản Mỹ có tổ chức một cuộc tiếp tân, Barley trả lời rằng ông ta có một cuộc gặp mặt đã hẹn trước rồi. Đúng 20 giờ theo đồng hồ của Wicklow, có người muốn gặp Barley nơi máy điện thoại của nhà hàng và Barley đến bắt máy chỉ cách bàn ăn chưa đầy năm mét. Wicklow và Henziger dỏng tai nghe, theo phản xạ nghề nghiệp. Bây giờ Wicklow nhớ lúc đó đã nghe: “Đó là tất cả những gì đáng kể”, và Henziger tin rằng lúc đó đã hiểu “đồng ý” hay “không đồng ý”, hay ngay cả “còn chưa đồng ý”.
Barley trở lại bàn ăn với vẻ tức giận, và nói với Henziger rằng bọn khốn nạn ấy luôn luôn đòi quá nhiều tiền. Henziger cho rằng phản ứng của Barley là một dấu hiệu căng thẳng thần kinh của ông ta về dự án cộng tác xuất bản giữa Nhà xuất bản Potomac and Blair và Nhà xuất bản Tháng Mười mà họ gọi là dự án Transiberien.
Mười lăm phút sau, Barley lại được mời đến nghe điện thoại, và lần này ông ta trở lại bàn ăn với vẻ mặt tươi cười. “Xong xuôi rồi, mọi sự đều trôi chảy”- ông ta vo cùng hớn hở nói với Henziger. – “Chúng tôi đã cầm chắc việc này như lấy đồ vật trong túi. Những người này không bao giờ thất hứa” Henziger và Wicklow vỗ cả hai tay. Henziger nói: “Chúng ta cần có thêm những người như thế ở Matxcơva!”
Trong đầu họ không hề thoáng có ý nghĩ rằng trước đây chưa bao giờ Barley tỏ ra hân hoan đến như thế vì một hợp đồng xuất bản. Nhưng cũng phải miễn thứ cho họ, và phải công nhận rằng lúc đó tất cả sự chú ý đều được huy động vào một mục tiêu duy nhất: việc lớn tối hôm ấy.
Những lời nói chuyện của Barley trong bữa ăn tối hôm ấy, sau này được dựng lại một cách tỉ mỉ, và người ta đã không thấy có những dấu hiệu gì khả nghi. Barley đã nói chuyện nhiều, nhưng tỏ ra rất điềm đạm. Ông ta đã nói về nhạc jazz nhiều nhất. Thần tượng của ông ta là Slim Gaillard.
Đến 21 giờ mười phút chỉ còn chưa đầy hai tiếng đồng hồ để tiêu phí, Barley nói rằng ông ta đi về phòng để nghỉ ngơi đôi chút. Ông ta có vài bức thư phải viết và vài việc phải sắp xếp, Wicklow và Henziger đề nghị để cho họ lên giúp ông ta một tay, vì họ được lệnh, trong chừng mực có thể làm được, thì đừng để Barley một mình. Nhưng Barley từ chối sự giúp đỡ của họ và họ đành phải nhượng bộ.
Thế là Henziger canh chừng ở phòng bên cạnh phòng của Barley, và Wicklow thì canh chừng ngoài hành lang, trong lúc Barley nằm dài trên giường, tư thế mà ông ta chỉ giữ trong một giây, vì những gì mà ông ta phải làm cho xong trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy quả thật là một phép lạ.
Ông ta viết năm bức thư – đó là những gì sau này chúng tôi mới biết – và hai lần gọi điện thoại nói chuyện với các con của ông ở nước Anh. Các cú điện thoại ấy bị nghe lén ở Luân Đôn, nhưng chẳng dính dáng gì đến chiến dịch.
Ned là người duy nhất nhận xét rằng Barley đã không đá động gì đến việc ông ta sẽ trở về nước Anh vào ngày mai, nhưng vào lúc này thì Ned chỉ còn là một tiếng nói trong sa mạc, và Clive đã dự tính một cách nghiêm chỉnh, cho Ned rút hoàn toàn ra khỏi công việc này.
Barley cũng có viết hai bức thư ngắn, một bức thư cho Henziger và một bức cho Wicklow. Rõ ràng là hai bức thư ấy không bị mở ra xem trộm, và - điều còn lạ lùng hơn nữa – văn phòng giám đốc khách sạn cho người đưa thư đến phòng của Henziger và Wicklow ngay vào lúc tám giờ sáng hôm sau. Sau này người ta mới nghĩ ra rằng nội dung các bức thư này cũng đã được bàn bạc giữa Barley và Zapadny trong lúc hai người gặp nhau tại trụ sở Nhà xuất bản Tháng Mười ngày hôm ấy.
Hai bức thư ấy báo cho Henziger và Wicklow biết rằng nếu họ rời Liên Xô để trở về nước ngay trong ngày mà không làm gì sinh chuyện, đem theo cả Mary Lou về nước luôn, thì họ sẽ được ra đi một cách yên ổn. Barley còn viết thêm cho Wicklow: “Wickers, quả thật anh có tài nằng làm nhà xuất bản. Hãy dấn thân vào công việc ấy, anh sẽ tiến bộ rất nhanh”.
Với Henziger, Barley viết: “Jack, tôi hy vọng ông sẽ không về hưu non ở Salt Lake City vì chuyện này. Hãy nói với họ rằng ông không bao giờ tin cậy tôi. Chính tôi đây, tôi cũng không bao giờ tin cậy chính mình, thế thì...”.
22 giờ, Barley rời khách sạn cùng với Henziger và đi đến vùng ngoại ô phía bắc của thành phố, nơi đó Cy và Paddy đã đợi họ trong chiếc xe cam-nhông bảo đảm. Lần này, Paddy cầm lái và Henziger ngồi cạnh bên. Barley lên băng sau cùng với Cy, cởi áo măng tô ra, để cho Cy buộc máy ghi âm vào, và điểm qua tình hình: máy bay của Goêth từ Saratov đã tới Matxcơva đúng giờ đã định, và một người đàn ông mà Cy đã thấy, đúng như người ta đã tả cho Cy biết hình dạng của Goethe – đã đi vào nhà của Igor bốn mươi phút trước đây.
Một lát sau đó, các cửa sổ của căn nhà mục tiêu có ánh đèn.
Lúc ấy Cy mới trao cho Barley một quyển sách, trong đó có bản liệt kê các câu hỏi.
22 giờ 45 phút, Barley rồi xe cam-nhông, ông ta đưa cho Paddy một phong bì và nói: “Thư này tôi gởi cho Ned. Hãy giao tận tay ông ta trong trường hợp có điều gì xảy đến cho tôi”. Paddy đút phong bì vào túi trong áo vét. Ông ta nhận thấy phong bì khá nhiều trang và ngoài bì không ghi tên người nhận. Jack Henziger đi theo Barley đến tận cửa nhà Igor. Barley không nói một tiếng nào, và Henziger cũng thế. Hai người bắt tay từ giã.
Chín mười giây đồng hồ sau, khi họ chuẩn bị ra về, Cy và Paddy thấy có mọt bóng người nơi cửa sổ nhà Igor, mà họ nhận ra đó là Barley. Bàn tay phải đưa lên để kéo màn cửa sổ, đó là dấu hiệu đã quy định để nói rằng mọi sự đều tốt đẹp. Êkíp của Henziger lên trở về, giao cho các điểm chỉ viên thay nhau canh gác suốt đêm bên ngoài căn nhà của Igor. Cửa sổ của căn nhà vẫn luôn luôn có ánh đèn, nhưng Barley không đi ra.
o O o
Sáu giờ rưỡi sáng, giờ Luân Đôn, Henziger và Wicklow nhận được thư của Barley viết cho họ. Wicklow lập tức gọi taxi đi đến Sứ quán Anh ở Matxcơva. Kết quả: một điện tín có quyền ưu tiên của Paddy gửi cho Ned. Cy cũng gửi một điện tín tương tự cho Langley cho, Sheriton.
Sheriton chịu đựng cái tin dữ ấy với tính lạ lùng quen thuộc của ông ta. Đọc xong bức điện tín của Cy, ông ta đảo mắt nhìn quanh và thấy mọi người đang đăm đăm nhìn ông ta: các thiếu nữ xinh đẹp, các thanh niên đeo cà vạt, Bod, Jonny, Ned, Brock và cả tôi nữa. Clive liền lánh mặt với lý do có việc khẩn cấp. Cũng như Henziger, Sheriton có tài đóng kịch và nhân dịp này ông ta thi thố tài năng. Ông ta đứng dậy, kéo nịt thắt lưng lên, đưa bàn tay xoa xoa cằm như thể cảm thấy cần phải cạo râu, rồi dõng dạc tuyên bố:
- Thôi, được rồi, bây giờ các cô các cậu chỉ còn việc xếp các ghế dựa lên trên bàn đi.
Ông ta bước tới phía Ned, vẫn luôn luôn ngồi nơi bàn giấy của mình, mắt đăm đăm nhìn bức điện tín của Paddy. Ông ta đặt một bàn tay lên vai của Ned và nói:
- Ned, tôi phải đãi ông một bữa ê hề mới được.
Nói xong, Sheriton đi đến cửa, lấy chiếc áo khoác mới toanh của mình trên giá, mặc vào, cài nút cẩn thận và đi ra, theo sau có Bod và Jonny.
o O o
Một lần nữa, người ta lại lập một uỷ ban điều tra.
Phó giám đốc Clive là chủ tịch uỷ ban và Palfrey là thư ký.
Vấn đề lớn đầu tiên là xét đến những gì sắp xảy ra. Sẽ có những cuộc trục xuất không? Không. Paddy và Cy đã không bị trục xuất. Không có ai bị trục xuất cả. Cũng không có ai bị bắt hết.
Việc Liên Xô không có những hành động trả đũa, được xem là một điều có ý nghĩa lớn.
Phải chăng đó là một cử chỉ hoà giải của thời kỳ mở cửa?
Hay là một dấu hiệu rõ ràng để làm cho chúng ta hiểu rằng các tài liệu ấy là xác thực, nhưng họ không thích công nhận điều đó?
o O o
Thông cáo báo tin Chim Xanh từ trần đã làm chậm lại các cuộc thảo luận của uỷ ban điều tra. Tờ Pravad đã đăng tin: Giáo sư Yakov Saveleviev, nhà vật lý học danh tiếng ở Leningrad đã qua đời sau khi dự một hội nghị quan trọng tại Đại học đường quân sự ở Saratov. Trước đó, giáo sư đã bị bệnh trong một thời gian dài.
Được tin ấy, Ned xin nghỉ một ngày, rồi ba ngày, vì bệnh cúm. Nhưng các nhà lý luận thì thừa dịp này để đưa ra đủ thứ giả thuyết:
Saveleviev không chết.
Ông ta đã chết ngay từ lúc đầu, và chúng ta đã nói chuyện với một kẻ giả danh Saveleviev.
Ông ta làm những gì ông ta đã luôn luôn làm: chỉ huy bộ phận thông báo tin tức khoa học sai lệch của cơ quan KGB.
Những thông tin của ông ta là xác thực, là không xác thực.
Đó là một thông điệp hoà bình thành thật của phái ôn hoà trong êkíp cầm quyền ở Matxcơva để chứng tỏ với chúng ta rằng lưỡi gươm hạt nhân của Liên Xô đã rỉ sét trong cái vỏ của nó, và một cái khiên hạt nhân của Liên Xô còn thủng lỗ hơn cả một cái rá chà.
Đó là một âm mưu để thuyết phục những người Mỹ nhát gan đừng bấm nút hạt nhân.
Nói tóm lại, đã có được những gì để thoả mãn tất cả mọi khát vọng.
o O o
Trong suốt thời gian ấy, chúng tôi tích cực tìm kiếm Barley, mặc dù có một số người trong chúng tôi mong muốn không tìm được ông ta nữa, vì cho rằng, như thế có lẽ hay hơn. Các đường dây của chúng tôi có lúc đã gần như tiếp cận với ông ta, nhưng sau đó lại mất hút. Nhưng chúng tôi là những người có lương tâm. Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc.
Barley đã ký kết được với Zapadny một thứ hợp đồng nào? Người Nga đã sẵn sàng mua cái gì ở Barley?
Rốt cuộc, Barley đã bị lột mặt nạ. Hoàn toàn bị lột mặt nạ là một tên gián điệp, đội lốt nhà xuất bản để bắt liên lạc với Yakov qua trung gian của Katia. Và Barley biết rõ điều đó trước khi đến tiếp xúc với Zapadny.
Vậy thì Barley có cái gì để cung cấp cho họ, cái mà họ không thể có được một cách dễ dàng bằng các phương pháp của chính họ? Ở đây chúng tôi nói đến các phương pháp như tra tấn, làm cho chết đi sống lại chẳng hạn.
Câu trả lời đầu tiên và hiển nhiên hơn hết là: bản liệt kê các câu hỏi của người Mỹ. Barley có thể nói thẳng thừng với người Nga rằng cấp trên của ông không chịu giao cho ông bản liệt kê nếu không nhận được một số điều kiện đảm bảo. Và ông sẵn sàng chịu bị tra tấn cho đến chết, hơn là trao cho họ bản liệt kê ấy mà không có cái gì đổi lại.
Và người Nga tin Barley nói là làm đúng như lời đã nói! Họ hiểu rằng họ sẽ không có được bản liệt kê các câu hỏi của người Mỹ, nếu họ không nhận các điều kiện của Barley. Và khi các người mặc đồ xám trong cả hai chiến tuyến đều sợ lòng hy sinh quên mình bằng với sợ kế mỹ nhân, lẽ đương nhiên KGB muốn thương lượng với Barley si tình hơn là với một Barley gián điệp.
Họ biết Barley có thể từ chối, có thể nói với họ: “Không, tôi sẽ không đi lấy bản liệt kê các câu hỏi của người Mỹ, và tôi sẽ không đi vào trong căn nhà của Igor, nếu các ông không lấy danh dự mà hứa với tôi rằng các ông sẽ giữ lời hứa”.
Sau khi nghe Barley nói, họ biết ông ta có sức mạnh tinh thần cần thiết.
Barley – ông ta đã tâm sự với Henziger và Wicklow trong bữa ăn tối cuối cùng với nhau – không hề biết một người Nga nào không giữ lời hứa danh dự của mình. Chắc chắn là ông ta không nói về vấn đề chính trị, mà về vấn đề áp-phe.
Và đổi lại? Barley đã mua được gì với cái giá những gì ông ta đã bán?
Katia.
Matvei.
Hai đứa con sinh đôi.
Một hợp đồng mua bán tuyệt vời. Một tờ giấy cứu được bốn mạng người.
Và cho bản thân ông ta? Không gì cả. Không gì cả, rõ ràng để khỏi giảm bớt sức mạnh của những đòi hỏi của ông ta liên quan đến những người mà ông ta che chở.
Lần hồi, rồi chúng tôi nhận thấy rõ ràng là Barley đã ký kết được một hợp đồng bằng vàng. Katia vẫn còn làm việc tại Nhà xuất bản Tháng Mười, người ta thấy nàng thỉnh thoảng có mặt tại các cuộc tiếp tân, nàng đích thân trả lời bằng điện thoại tại nhà riêng và tại cơ quan. Hai đứa con sinh đôi của nàng vẫn luôn luôn đi học và hát những bài hát ngây ngô của chúng.
Bản hợp đồng do Barley đã ký kết với Cơ quan KGB đã được tôn trọng. Katia không mất các ân huệ của nàng, thẻ đỏ, căn hộ, việc làm. Ngay cả nhan sắc của nàng cũng không suy giảm.
o O o
Và Barley thì sao?
Đứng dậy tìm kiếm tung tích Barley lần lượt có được những tin tức sau.
Vài ngày sau hội chợ triển lãm sách ở Matxcơva, các bà cô của Barley nhận được các bức thư chính thức của Barley nói từ chức Giám đốc Nhà xuất bản Arbercobie and Blải ở Luân Đôn. Các bức thư ấy được gửi đi từ Lisbonne. Lời lẽ trong các bức thư ấy mang đặc điểm của con người Barley trước kia: một sự chán nản đối với nghề xuất bản, kỹ nghệ đã bùng nổ quá nhanh, đã đến lúc ông ta phải làm những việc khác trong khi chỉ còn vài năm trước mắt.
Về những dự định tức thời, ông ta nói “biến đi một lúc” và du lịch thám hiểm các vùng xa xôi ở ngoài. Rõ ràng là ông ta không còn ở Liên Xô nữa.
Ít ra là tương đối rõ ràng.
Nói cho cùng, đó là những gì chính ông ta khẳng định, cũng như cô nhan viên xinh đẹp của hãng hàng không Barry martin có chi nhánh tại Meidounarodnaia khẳng định. Cô ta nói: “Ông Scott Blair đã quyết định di Lisbonne thay vì đi Luân Đôn. Một nhân viên của cơ quan VAAP đã đem vé của ông Blair đến, tôi đã đổi cho ông ta một vé trên chuyến bay của Aeroflot rời Matxcơva vào ngày thứ hai lúc 11h20, và đáp xuống Lisbonne lúc 15g30, sau khi dừng lại ở Prague”.
Quả thật, cái vé ấy đã được một người nào đó dùng. Một người cao lớn, không nói chuyện với ai hết, và giống Blair như hai giọt nước, hay gần như thế. Có thể đó là một trong hai người đàn ông mà các trinh sát viên của chúng tôi đã trông thấy trong tiền sảnh của cơ quan VAAP. Dù sao thì đường dây cũng đã được kiểm tra và đi thẳng đến Tina, nữ quản gia của Barley ở Lisbonne. Trả lời các câu hỏi của Merridew, Tina đã nói: “Có, có! Tôi có nhận được tin của ông ta. Một bưu thiếp rất đẹp gửi cho tôi từ Matxcơva nói rằng ông Barley đã gặp một bà quý phái và đi du lịch với bà ta”.
Trong các tháng tiếp theo sau đó, đường dây của chúng tôi lại có được những tin tức mơ hồ như sau:
Một người Tây Đức buôn lậu ma tuý, trong lúc bị giam tại một nhà lao gần Kiev nói rằng ông ta có biết một người mà theo ông ta tả thì giống như Barley. Người ấy có biệt tài làm cho người ta vui nhộn, rất được lòng các tù nhân khác. Tuy ông ấy cũng bị giam giữ, nhưng rất được tự do. Ngay cả các cai ngục thỉnh thoảng cũng phải mỉm cười với ông ấy.
Một cặp vợ chồng người Pháp sống cuộc đời phiêu bạt, nay trở về nước, đã nhận được sự giúp đỡ của một “người Anh cao lớn, khả ái”. Người Anh ấy đã nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp, sau khi xe của họ đụng một chiếc limusin Nga, gần Smolenk. Không có ai bị thương. Người Anh ấy cao một mét tám mươi, tóc nâu bờm xờm, rất nhã nhặn, tiếng cười vang dội. Có những người Nga cao lớn và lực lưỡng bao quanh người Anh ấy.
Và một ngày, gần đến lễ Noel, một ít lâu sau khi Ned chính thức từ chức, một điện tín đánh đi từ La Havane cho biết, theo một nguồn tin từ Cu Ba, một người Anh bị biệt giâm tại một nhà lao chính trị gần Minsk, và người Anh ấy luôn miệng hát nhạc Jazz theo cách của Satchmo.
Barley biệt tăm biệt tích một thời gian dài cho đến khi một bức điện có quyền ưư tiên của người kế nhiệm Paddy báo rằng, một người Anh cao lớn, tóc nâu đã được thấy chơi kèn saxophone tại một câu lạc bộ ở Matxcơva, một năm, tính đúng từng ngày, sau khi Barley mất tích.
Ngày hôm sau, lại có một bức điện thứ hai, lần này của Merridew đánh đi từ Lisbonne. Tina, nữ quản gia của Barley mà Merridew vẫn giữ liên lạc, đã nhận được lệnh phải chuẩn bị nhà cửa để đón chủ nhân của bà ta về.
- Nhận được lệnh bằng cách nào? – Merridew hỏi.
- Bằng điện thoại, - Tina trả lời. – Ông Barley đã điện thoại cho tôi.
- Ông ta đã gọi điện thoại từ đâu? – Meridew lại hỏi.
Nhưng Tina đã không hỏi chi tiết, và Barley cũng không cho biết chi tiết. Vả lại, vì sao bà ta lại hỏi chủ của bà ở đâu, bởi vì ông ta sẽ đến Lisbonne trong nay mai mà thôi.
Merridew kinh hoàng, và ông ta không phải là người duy nhất bị cú sốc ấy làm cho choáng váng. Chúng tôi báo cho người Mỹ biết, nhưng Langley sửng sốt đến nỗi mọi người đều đột ngột mắc bệnh mất trí nhớ. Dường như họ hỏi chúng tôi: “Barley nào?” Thông thường người ta nghĩ rằng những cơ quan như cơ quan của chúng tôi trừng phạt đích đáng những điệp viên phản bôi, tiết lộ những bí mật cơ quan. Đôi khi cũng đúng như vậy. Nhưng trong trường hợp này, rõ ràng là ngay từ lúc đầu, không một ai, nhất là êkíp Langley, muốn đưa ra ánh sáng một người mà họ thiết muốn quên đi. Họ đã đông thanh tuyên bố: Tốt hơn hết là mua sự im lặng của Barley. Và để người Mỹ ra ngoài việc này.
o O o
Tôi bước chân lên cầu thang với sự lo ngại vô cớ. Tôi đã từ chối sự bảo vệ của Brock cũng như của Merridew. Cầu thang tối mờ, dốc đứng, không có vẻ gì là mời mọc và quá lặng lẽ. Lúc ấy đã xế chiều, và chúng tôi biết Barley đang có mặt ở nhà. Tôi bấm chuông nhưng không nghe tiếng chuông reo, tôi gõ cửa gỗ. Tôi nghe có tiếng chân ở bên trong, và lập tức tôi thụt lùi, không có lý do chính đáng, nếu đó không phải là một sự sợ hãi tự nhiên của những con thú dữ. Barley sẽ tấn công, giận dữ hay nồng nhiệt? Ông ta sẽ xô tôi xuống hay sẽ ôm tôi vào vòng tay của ông ta?
Tôi mang theo một cái cặp da, và tôi nhớ lúc đó tôi đã chuyển nó từ tay phải sang tay trái để sẵn sàng chống cự nếu cần. Mặc dù tôi không phải là một người hung dữ. Tôi ngửi thấy một mùi sơn còn mới. Vì không có lỗ để nhìn qua cửa gỗ đóng kín, Barley không biết ai là người đến thăm ông ta. Tôi nghe tiếng then cài cửa chuyển động và cánh cửa mở vào phía bên trong.
- Chào Harry, - Barley nói.
- Chào Barley, - tôi đáp lại, mong thấy ông ta mỉm cười khi trông thấy tôi mặc bộ comlê màu xanh sẫm thay vì màu xám.
Barley đã gầy nhiều, nhưng đứng thẳng, trông có vẻ cao hơn trước. Barley đã không còn có những cử chỉ vô trật tự, chắc là vì phải làm quen với những chỗ chật hẹp. Ông ta có vẻ nhanh nhẹn trong một cái quần Jean và một cái áo sơmi cũ mà ông đã xắn tay áo lên quá cùi chỏ. Cánh tay và trán ông có những vết sơn trắng. Sau lưng ông, tôi thấy có một cái thang và một bức tường mới sơn lại được một nửa. Ở giữa gian phòng, có những chồng sách và những đĩa hát cũ được che sơ với một tấm vải dầu.
- Harry, ông đến để chơi với tôi một ván cờ, phải không?
- Thay vì đánh cờ, chúng ta nói chuyện với nhau một chút, được không?
- Một cách chính thức à?
- Đúng.
Barley nhìn tôi đăm đăm, tôi tưởng tượng như thể ông ta quan sát những bạn tù bị giam chung một phòng kín với ông ta.
Tôi không thấy trong nét nhìn ấy có gì là ngượng nghịu, xấu hổ, là ngạo mạn, là dễ bị kích động, mà trái lại nét nhìn ấy có vẻ sáng ngời trong ký ức của tôi, nét nhìn ấy hướng mãi tới những chân trời xa xăm, nơi đó ông ta thỉnh thoảng tìm cách giải sầu trong quá khứ.
- Tôi có một ly rượu vang đỏ đây, xin mời ông dùng với tôi một ly.
Mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi, Barley đứng tránh ra để tôi bước vào, trước khi đóng cửa và cài then lại.
Ông ta vẫn không mỉm cười. Khó mà biết tâm trạng của ông ta. Tôi cảm thấy tôi không thể hiểu được ông ta, nếu ông ta không chịu bộc lộ với tôi.
Ông ta rút các áo phủ trên ghế salông ra và gấp lại cẩn thận.
- Ông muốn nói gì với tôi? – Ông ta vừa hỏi vừa rót cho chúng tôi mỗi người một ly rượu.
- Người ta giao cho tôi thanh lý hợp đồng với ông. Ông hãy cho chúng tôi những câu trả lời và những sự bảo đảm. Đổi lại, chúng tôi cũng cho ông những điều như thế.
- Tôi đã mất thói quen về việc thương lượng điều đình công việc thuộc loại ấy rồi.
- Chúng tôi có thể giúp đỡ ông. Có lẽ ông cũng cần điều gì đó. Chúng ta cũng có thể thoả thuận với nhau về con đường phải theo, về tương lai v.v...
- Cám ơn, tôi đã có tất cả những sự bảo đẩm mà tôi cần có rồi. – Barley trả lời một cách lễ phép, nhấn mạnh hai chữ “bảo đảm” là mấy chữ duy nhất trong câu nói của tôi mà ông ta đã chú ý. - Họ sẽ làm những công việc theo nhịp độ của họ. Còn tôi, tôi đã hứa không nói gì hết.
Cuối cùng ông ta đã mỉm cười và nói tiếp:
- Harry, tôi đã theo lời khuyên của ông. Cũng như ông, tôi đã trở thành một tình nhân yêu người tình của mình từ xa.
- Tôi đã đi đến Matxcơva. Tôi đã gõ tất cả các cửa có thể gõ được. Tôi đã gặp tất cả những người có thể gặp được. Tôi đã dùng tên thật của tôi.
- Tên gì? Barley hỏi, giọng vẫn luôn luôn nhã nhặn.
- Palfrey, - tôi đáp.
Barley lại mỉm cười với vẻ thân thiện và tán thưởng.
- Cơ quan đã phái tôi sang bên ấy để tìm kiếm ông. Một cách bán chính thức. Tôi đã hỏi người Nga về vấn đề của ông. Dàn xếp công việc đôi chút. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc khám phá những gì đã xảy ra với ông. Để xem chúng tôi có thể giúp đỡ ông được những gì. Và để xem đối phương có theo đúng nguyên tắc của cuộc chơi không. Để xem họ có thể áp dụng những biện pháp trả đũa không.
- Tôi đã nói với các ông những gì đã xảy đến cho tôi rồi mà.
- Ông muốn nói những gì ông đã viết trong các bức thư gửi ch o Wicklow, cho Henziger và cho các người khác, phải không?
- Phải.
- Nếu thế thì lẽ đương nhiên là chúng tôi cho rằng họ bắt buộc ông phải viết các bức thư ấy, hoặc là họ đã nguỵ tạo các bức thư ấy. Tương tự như bức thư của Goethe gởi cho Katia do Igor trao cho bà ta.
- Các bức thư của tôi là do đích thân tôi viết và không có ai ép buộc tôi cả.
Tôi cố đi đến mục đích của mình là thuyết phục Barley ký văn bản mà tôi đã để sẵn trong cặp da của tôi.
- Chúng tôi công nhận ông đã hành động với một tinh thần trọng danh dự cao – tôi vừa nới vừa lấy ra một hồ sơ và mở ra trên đầu gối của tôi. - Cuối cùng rồi tất cả mọi người phải khai khi bị tra tấn, và ông đã không là ngoại lệ. Chúng tôi biết ơn ông về những gì ông đã làm cho chúng tôi. Chúng tôi biết cái giá ông phải trả về phương diện nghề nghiệp và về phương diện cá nhân. Chúng tôi thiết tha mong ông nhận được tối đa những sự đền bù. Lẽ dĩ nhiên là có những điều kiện.
Barley lại nhìn tôi đăm đăm với vẻ thản nhiên, không chút xúc động.
Tôi đọc các điều kiện, giống như các điều kiện đã áp đặt cho Landau, nhưng đảo lại: cư trú ở ngoài nước Anh và chỉ được về nước Anh nếu được chúng tôi chấp thuận trước. Đây là sự dàn xếp tối hậu và dứt khoát, về sau không được khiếu nại gì nữa. Cam kết giữ im lặng vĩnh viễn. Ký vào đây và nhận được rất nhiều tiền.
Barley không ký. Ông ta đã tỏ vẻ bực mình khi nghe tôi đọc các điều kiện. Ông ta gạt cây bút máy đẹp đẽ của tôi ra và nói:
- Sự thật các ông đã làm gì với Walt? Tôi có mua cho ông ta một cái mũ. Nhưng tôi đã không thể trao tận tay cho ông ấy.
- Ông hãy giao cho tôi. Tôi sẽ sắp xếp để chuyển tiếp cho ông ấy.
Nghe giọng tôi nói, Barley mỉm cười một cách buồn bã.
- Tội nghiệp cho già Walt. Họ đã nghiêm trị ông ta, đã thải hồi ông ta, phải không?
- Người ta không bao giờ ở lại lâu trong cái nghề này, - tôi đáp, nhưng không thể chịu đựng nổi ánh mắt của Barley, tôi chuyển nhanh sang đề tài khác.- Này Barley, tôi tin là ông đã được biết tin các bà cô của ông đã bán lại nhà xuất bản cho Lupus Books?
Barley phá lên cười, không phải tiếng cười vang dội như xưa, nhưng dù sao cũng là tiếng cười của một con người tự do.
- Thằng khả ố Jumbo! Thằng quỷ sứ ấy đã chơi khăm bà cô tôi.
Rồi ông ta nói qua chuyện khác.
- Katia sắp đến đây, - ông ta vừa nói vừa nhìn ra hải cảng. - Họ đã hứa với tôi rằng họ sẽ cho cô ấy đến đây. Không phải ngay lập tức. Ngày giờ sẽ do họ định, chứ không phải tôi. Có thể trong năm nay, có thể trong năm sau. Nhưng chắc chắn cô ấy sẽ đến. Vì họ không bao giờ không giữ lời hứa danh dự.
Đứng trước một sự tín cẩn như vậy, tôi im lạng vì nghĩ rằng có nói gì trong lúc này cũng không đúng lúc.
Tôi mời Barley đi ăn tối với tôi, nhưng hình như ông ta không nghe tôi nói. Ông đứng trước cửa kính nhìn các ánh đèn của hải cảng, còn tôi thì nhìn vào lưng ông ta. Đột nhiên tôi tưởng tượng ông ta nói cho tôi biết: Ông ta đã thấy chiếc tàu từ Leningrad tới. Ông đã thấy Katia và hai đứa con của nàng đi xuống cầu thang và chạy tới phía ông ta. Ông ta đã thấy mình ngồi với Matvei dưới gốc cây to bóng mát trong vườn trước nhà ông ta. Ông ta đã nghe Katia dịch chuyện kể của Matvei về các thành tích anh hùng của ông ấy.
Để cho tôi khỏi trở về tay không. Barley cương quyết tặng cho tôi câu chuyện của ông ta. Ông ta đưa tôi về căn nhà của ông, năn nỉ tôi uống với ông một ly rượu cuối cùng, và khẳng định với tôi rằng trong việc này tôi không có lỗi gì hết.
Và Barley kể cho tôi nghe. Cho chính ông ta nghe. Ông ta kể, kể mãi. Ông ta kể như tôi đã cố gắng kể lại đây để hầu quý vị độc giả. Ông ta kể cho đến bình minh, và khi tôi từ giã ông ta vào lúc năm giờ sáng, ông ta còn tự hỏi hay là ông ta nên sơn cho xong bức tường trước khi đi ngủ. Ông ta giải thích với tôi rằng còn biết bao việc phải làm, sửa soạn cho xong để chuẩn bị đón nàng. Nào nệm, nào giường, nào màn, nào tủ, kệ...
- Harry, tất cả sẽ tốt đẹp thôi, - Barley tuyên bố với tôi khi tiễn tôi ra cửa. – Hãy nói với tất cả mọi người.
Hoạt động gián điệp là chờ đợi.
Đợi Chờ Đợi Chờ - John Le Carré