Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Higashino Keigo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phương Nam
Biên tập: Chung Nguyễn
Upload bìa: Chung Nguyễn
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1022 / 412
Cập nhật: 2019-11-10 14:19:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5.5 Cầu Nguyện Từ Trên Trời Cao
au khi tiễn nhóm khách thứ ba, Harumi bị Maya kéo tới phòng vệ sinh dành cho nhân viên. Maya hơn Harumi bốn tuổi.
Vừa vào phòng vệ sinh, Maya lập tức túm tóc Harumi.
"Này, đừng cậy trẻ mà húng lên nhá."
Nhăn mặt vì đau, Harumi hỏi lại: "Chị nói gì thế?"
"Nói gì à? Ý tôi là đừng có liếc mắt đưa tình với khách của người khác đó." Maya nhếch cặp môi đánh son đỏ rực lên.
"Với ai cơ ạ? Em không liếc ai cả."
"Đừng có giả vờ giả vịt. Cô chả ra chiều thân thiết với bố Sato còn gì. Bố Sato là khách tôi kéo sang từ tiệm ngày xưa đấy."
Sato? Liếc mắt với cái lão béo ục ịch đấy ư? Chị đùa à?
"Ông ấy bắt chuyện nên em trả lời thôi."
"Nói điêu. Chính cô đã ve vãn ông ấy."
"Là tiếp viên đương nhiên phải tỏ ra thân thiện rồi."
"Không nói nhiều." Maya thả tay túm tóc ra, đồng thời đấm vào ngực Harumi. Lưng Harumi đập vào tường. "Lần tới còn làm thế thì đừng trách. Nhớ đấy."
Maya thở hắt ra đằng mũi xong liền đi ra khỏi phòng vệ sinh.
Harumi nhìn vào gương. Tóc cô đang rối bù. Cô lấy tay sửa lại tóc và cố đưa vẻ mặt khó chịu tươi tỉnh lại như cũ. Không thể nhụt chí chỉ vì mấy chuyện thế này.
Ra khỏi phòng vệ sinh, cô được bảo tới chỗ khách mới. Đó là một bàn có ba khách trông có vẻ hào phóng.
"Ồ, lại có cô em trẻ trung tới này." Gã đầu hói ngẩng lên nhìn Harumi, nở nụ cười dâm đãng.
"Em là Miharu. Rất hân hạnh được tiếp đón các anh." Cô nhìn gã đàn ông và ngồi xuống bên cạnh. Chị tiếp viên đến trước miệng cười giả lả nhưng không quên liếc ánh mắt sắc lạnh về phía cô. Harumi cũng từng bị chị này nhắc nhở là đừng tỏ ra nổi bật quá. Mặc kệ chị ta. Làm công việc này mà không được lòng khách thì có ý nghĩa gì nữa.
Lát sau, Tomioka Shinji xuất hiện một mình. Anh mặc bộ vest màu xám, thắt cà vạt đỏ. Bụng chưa bị phệ khiến không ai nghĩ anh đã bốn mươi sáu tuổi.
Đương nhiên Harumi được gọi đến bàn của anh.
"Ở Osaka có quán bar này sang trọng lắm." Nhấp một ngụm whishkey đã pha thêm nước, Tomioka thấp giọng. "Quán đó mở cửa đến năm giờ sáng, có đủ mọi loại rượu trên thế giới. Hôm nay quán nhập trứng cá tầm hảo hạng về nên họ bảo anh đến. Làm xong em đi được không?"
Harumi rất muốn đi. Song có chắp hai tay trước mặt.
"Em xin lỗi. Ngày mai em không thể đi làm muộn được."
Tomioka nhăn mặt, buông tiếng thở dài.
"Thế nên anh mới bảo em mau bỏ việc đi. Mà đó là công ty gì nhỉ?"
"Công ty sản xuất văn phòng phẩm."
"Em làm gì ở đó? Chắc chỉ mấy việc văn phòng thôi chứ gì?"
Vâng, Harumi gật đầu. Thật ra còn không được làm việc văn phòng cơ. Chỉ là tạp vụ.
"Em định sống sao với đồng lương chết đói ấy. Tuổi trẻ chỉ đến một lần thôi. Phải sử dụng thời gian hiệu quả, vì cả ước mơ của em nữa."
Vâng, Harumi gật đầu lần nữa rồi nhìn Tomioka.
"Nhắc mới nhớ, lần trước anh bảo sẽ dẫn em tới nhà hàng ở Ginza nhỉ. Nhà hàng mà hồi mở anh giúp chuẩn bị nhiều thứ ấy."
"À, nhà hàng đó hả. Ừ, lúc nào cũng được. Em muốn đến lúc nào?" Tomioka nhoài người tới.
"Nếu được anh dẫn em tới ngoài giờ mở cửa nhé."
"Ngoài giờ mở cửa?"
"Vâng. Em muốn nói chuyện với nhân viên ở đó. Em cũng muốn xem công việc đằng sau một nhà hàng là như thế nào."
Ngay lập tức, mặt Tomioka sa sầm lại. "Việc đó thì..."
"Không được ạ?"
"Anh là người luôn tách bạch chuyện công tư. Cậy là chỗ thân thiết mà cho người ngoài xem chuyện bếp núc thì nhân viên họ không thích đâu."
"À... ra vậy. Em hiểu rồi. Em xin lỗi vì làm khó anh." Harumi cúi đầu.
"Ừ, nhưng đến với tư cách là khách thì không vấn đề gì. Mấy hôm nữa đi nhé." Mặt Tomioka rạng rỡ trở lại.
Đêm hôm ấy, hơn ba giờ sáng Harumi mới về căn hộ ở Koenji. Cô được Tomioka đưa về bằng taxi.
"Anh sẽ không bảo em cho anh vào nhà đâu." Ngồi trong xe, Tomioka nói lại câu mọi khi. "Em cứ suy nghĩ về việc đó đi nhé."
Là chuyện hợp đồng tình nhân. Harumi cười lấp lửng.
Vừa vào nhà, Harumi uống ngay một cốc nước. Một tuần cô đi làm ở quán bốn buổi. Thường là giờ này cô mới về đến nhà. Thành thử ra cô chỉ đi nhà tắm công cộng được ba lần mỗi tuần.
Cô tẩy trang, rửa mặt rồi mở sổ tay kiểm tra lịch ngày mai. Sáng mai có cuộc họp nên cô phải đến sớm ba mươi phút để chuẩn bị trà nước. Vậy là cô chỉ có thể ngủ chừng bốn tiếng.
Cô nhét sổ tay vào túi, tiện thể lấy một phong bì thư ra. Cô mở bức thư rồi thở dài. Cô đã đọc nó không biết bao nhiều lần nên giờ nội dung ở cả trong đầu. Nhưng mỗi ngày cô đều xem lại. Đó là bức thư thứ ba của tiệm tạp hoá Namiya.
Người đặt vấn đề hợp đồng tình nhân với cháu có thực sự đáng tin cậy không?
Đây là câu hỏi mà bản thân Harumi vẫn canh cánh trong lòng. Tuy nghi ngờ nhưng cô cố không nghĩ đến nó. Nếu những lời của Tomioka là dối trá thì ước mơ của cô vẫn còn xa vời lắm.
Nhưng bình tĩnh suy xét thì câu hỏi của tiệm tạp hoá Namiya rất xác đáng. Giả sử Harumi trở thành tình nhân của Tomioka, trường hợp mối quan hệ đó bị vợ anh ta phát hiện thì liệu anh ta có còn giúp đỡ Harumi không? Hẳn ai cũng sẽ nghĩ là khó lắm.
Cả thái độ của Tomioka tối nay nữa. Chuyện tách bạch công tư chẳng có gì lạ nhưng chính Tomioka là người đề xuất muốn dẫn cô tới nhà hàng đó để cho cô xem công việc của anh cơ mà.
Cô bắt đầu nghĩ có lẽ không thể trông cậy vào anh ta. Nhưng nếu vậy thì cô phải làm sao đây?
Harumi nhìn xuống bức thư. "Giả sử ngoài nghề tiếp viên ra có cách khác giúp cháu có đủ tiềm lực kinh tế và tiệm tạp hoá Namiya sẽ chỉ cho cháu cách đó thì cháu có chịu tuân theo mọi chỉ dẫn của tiệm tạp hoá Namiya không?" "Tùy thuộc vào câu trả lời của cháu mà bác sẽ giúp cháu thực hiện ước mơ."
Cái gì thế này. Cô không thể không nghi ngờ. Chẳng khác gì lời lẽ của kẻ lừa đảo đang dùng chiêu thức bất lương. Bình thường thì cô sẽ quên bức thư đi ngay.
Nhưng người gửi lại là "Tiệm tạp hoá Namiya". Đó là người đã giải quyết băn khoăn của chị Shizuko. Mà không, kể cả không phải vậy thì qua các trao đổi trước đó, Harumi cảm giác người này rất đáng tin. Cái kiểu không bóng gió xa xôi, cứ nói thẳng toẹt chẳng cần giữ ý tứ ấy khiến cô có cảm giác người đó thật vụng về nhưng rất chân thành.
Đúng như trong thư viết. Tiệm chẳng có lợi gì khi lừa Harumi. Nói vậy chứ cô cũng không thể tin ngay. Nếu có cách gì đó nhất định thành công thì trên đời này chẳng ai phải vất vả cả. Chủ tiệm tạp hoá Namiya không thành đại gia mới là lạ.
Vì hết kỳ nghỉ lễ Obon nên Harumi quay về Tokyo mà không hồi âm lá thư này. Cô lại tiếp tục với công việc tiếp viên. Trở về với cuộc sống hai mặt, vừa làm nhân viên văn phòng vừa làm tiếp viên. Thành thật mà nói thì đó là chuỗi ngày lao lực. Cứ độ ba ngày là cô lại nghĩ tới chuyện nghỉ việc ở công ty.
Còn một việc khác nữa khiến Harumi phải bận tâm. Cô nhìn vào cuốn lịch bàn. Hôm nay là thứ Tư, ngày 10 tháng Chín.
Việc trao đổi thư chỉ diễn ra đến ngày 13 tháng Chín. Sau ngày đó thì không thể liên lạc được. Thứ Bảy tuần này là ngày 13. Tại sao lại chỉ đến ngày đó? Hết ngày đó tiệm sẽ dừng tư vấn chăng?
Cô nghĩ có lẽ mình cứ theo tiếp câu chuyện. Trước mắt cô sẽ bảo tiệm nói chi tiết hơn. Nghe xong cô mới quyết định có thực hiện hay không. Không nhất thiết phải làm theo chỉ vì đã hứa. Giả sử Harumi không giữ lời, vẫn tiếp tục làm tiếp viên thì chưa chắc tiệm đã biết.
Trước khi đi ngủ, Harumi soi gương và phát hiện ra bên cạnh môi nổi mụn. Gần đây cô thường xuyên thiếu ngủ. Cô tự nhủ khi nào nghỉ việc công ty, cô sẽ ngủ đến tận trưa.
Thứ Sáu ngày 12, xong việc công ty, cô về nhà ông bà Tamura. Hôm đó cô xin nghỉ ở câu lạc bộ Shinjuku.
Chưa đầy một tháng sau kỳ nghỉ Obon mà Harumi lại về khiến ông bà Tamura có vẻ bất ngờ. Dĩ nhiên là họ thấy vui. Lần trước về cô không nói chuyện được nhiều với ông nên hôm nay trong lúc ăn tối, cô kể sơ qua về tình hình của mình. Đương nhiên cô không nói cho ông bà biết chuyện mình làm tiếp viên.
"Cháu trả được tiền thuê nhà, tiền nước các thứ chứ? Không đủ thì cứ nói với ta, đừng ngại." Ông Tamura khó nhọc nói. Chuyện chi tiêu trong nhà ông giao cả cho bà Hideyo nên bản thân ông không biết tình hình tài chính của gia đình.
"Không sao đâu ạ, chịu khó tằn tiện thì cũng đủ. Với lại cháu bận đến nỗi chẳng có thời gian đi chơi nên cũng không tiêu gì đến tiền." Harumi đáp. Đúng là cô không có thời gian để chơi thật.
Ăn xong, cô đi tắm. Cô ngước nhìn bầu trời đêm qua cửa sổ lưới của nhà tắm. Trăng tròn vằng vặc. Mai có lẽ trời vẫn nắng.
Không biết tiệm sẽ trả lời thư cô thế nào...
Thật ra trên đường về nhà Tamura, cô có tạt qua tiệm tạp hoá Tamura. Cô đã gửi bức thư đại ý rằng không phải là cô muốn làm nghề tiếp viên, nếu có cách gì đó để thực hiện ước mơ thì cô sẽ không làm tình nhân, sẽ bỏ nghề tiếp viên và tin tưởng tiệm tuyệt đối.
Mai là ngày 13. Dù thư hồi âm thế nào thì đây cũng sẽ là lần cuối. Cô sẽ nghĩ tiếp sau khi đọc thư hồi âm.
Sáng hôm sau cô tỉnh dậy trước 7 giờ sáng. Nói đúng hơn là cô uể oải ngồi dậy vì không ngủ được sâu, cứ chập chà chập chờn.
Bà Hideyo cũng đã dậy và bắt đầu chuẩn bị bữa sáng. Có mùi thối thoang thoảng bay ra từ phòng kiểu Nhật. Chắc là mới vệ sinh cho ông xong. Ông không thể tự đi vào nhà vệ sinh được.
Harumi bảo cô ra ngoài hít không khí buổi sáng rồi rời nhà. Cô leo lên xe đạp, đi theo cung đường giống như hồi nghỉ lễ Obon.
Cô đến trước tiệm tạp hoá Namiya. Cửa tiệm nhuốm không khí xa xưa ấy nom như thể đang đợi Harumi tới. Cô đi vào lối đi bên cạnh.
Cô mở hộp nhận sữa cạnh cửa ra vào thì thấy có một phong bì thư trong đó. Hy vọng xen lẫn bất an, tò mò xen lẫn nghi ngờ, những cảm xúc ấy xâm chiếm cô. Cô với tay lấy bức thư trong lúc chưa thể sắp xếp lại tâm trạng mình.
Cô không thể đợi tới lúc về nhà. Lúc đi ngang qua công viên, cô dừng xe. Cô đưa mắt kiểm tra xung quanh không có người rồi mở bức thư khi vẫn ngồi trên xe đạp.
"Gửi chó nhỏ lạc lối.
Bác đã đọc thư của cháu. Bác thấy nhẹ người khi cháu đã tin tưởng tiệm tạp hoá Namiya.
Về phần bác, bác không biết cháu có nói thật hay không. Bởi có khi cháu viết thế chỉ vì muốn biết câu trả lời của bác. Nhưng mà thôi, cứ coi như là cháu tin tưởng bác đi.
Cháu cần làm gì để biến ước mơ thành hiện thực à?
Là phải học. Và dành dụm tiền.
Năm năm tới đây, cháu hãy học hết mọi thứ về kinh tế. Cụ thể là về giao dịch chứng khoán và mua bán bất động sản. Để học những thứ đó, bác nghĩ cháu sẽ buộc phải nghỉ công việc ban ngày. Trong thời gian đó, cháu vẫn có thể tiếp tục làm tiếp viên.
Việc dành dụm tiền là để mua bất động sản. Cháu hãy cố gắng mua ở khu gần trung tâm. Mua đất, chung cư hay nhà nguyên căn đều được. Nhà cũ hay nhỏ không thành vấn đề. Hãy cố gắng mua trước năm 1985. Có điều, số bất động sản này không phải để cháu sống.
Sau năm 1986, nền kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng bất ngờ, giá bất động sản kiểu gì cũng tăng. Khi đó, cháu hãy bán ngay số bất động sản đã mua và mua tiếp loại giá cao hơn. Số bất động sản đó chắc chắn sẽ lại tăng giá. Số tiền kiếm được sau khi mua đi bán lại bất động sản, cháu hãy đầu tư vào chứng khoán. Để chuẩn bị cho ngày đó, cháu cần có kiến thức về giao dịch chứng khoán. Trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến 1989, cháu có mua mã chứng khoán nào đi nữa cũng không lo bị lỗ đâu.
Thẻ hội viên sân golf cũng là một kênh đầu tư triển vọng. Mua càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên,
Hãy nhớ rằng cháu chỉ kiếm được bằng cách đầu tư này trong khoảng từ năm 1988 đến 1989 mà thôi. Đến năm 1990, tình hình sẽ bất ngờ thay đổi. Vì vậy, hãy rút hết các khoản đầu tư ra dù giá có vẻ vẫn lên tiếp. Đó là khúc ngoặt để quyết định kẻ thành người bại. Hãy tin và làm theo lời bác.
Sau thời gian đó, kinh tế Nhật sẽ suy thoái. Đừng nghĩ tới chuyện đầu tư gì cả vì sẽ chẳng có gì tốt đẹp đâu. Kể từ đó về sau, chỉ có cách nỗ lực kiếm tiền bằng công việc gì đó thôi.
Hẳn là cháu đang thắc mắc sao bác có thể khẳng định như đinh đóng cột chuyện của mấy năm tới. Lại còn dự đoán cả tương lai nền kinh tế Nhật Bản nữa.
Tiếc là bác không thể giải thích cho cháu được. Bác mà giải thích thì cháu sẽ không tin bác nữa. Vì vậy, cháu hãy coi đây như một quẻ bói chắc chắn trúng.
Tiện đây, bác cũng dự đoán thêm một chút về tương lai.
Tuy bác viết rằng nền kinh tế Nhật sẽ suy thoái nhưng không hẳn là không có hy vọng. Thập niên 90 cũng là thời gian cho những cơ hội làm ăn mới.
Máy tính sẽ phổ biến khắp thế giới. Sẽ tới thời kỳ mỗi nhà, à không, mỗi người có một chiếc máy tính. Các máy tính sẽ được kết nối với nhau, mọi người trên thế giới sẽ chia sẻ thông tin cho nhau. Xa hơn nữa, mọi người sẽ có những chiếc điện thoại có thể mang theo mình. Những chiếc điện thoại đó cũng sẽ kết nối với mạng máy tính.
Tóm lại, việc sớm tham gia ngành kinh doanh sử dụng mạng lưới đó sẽ là điều kiện để đi tới thành công. Chẳng hạn như sử dụng mạng lưới đó để quảng cáo cho mặt hàng của công ty hoặc bán hàng. Đảm bảo là có triển vọng.
Tin hay không là tùy cháu. Nhưng bác mong cháu đừng quên. Như lúc đầu bác đã viết, bác chẳng được lợi gì khi lừa cháu. Đây là bức thư bác viết sau khi suy nghĩ nghiêm túc xem con đường nào là tốt nhất cho cuộc đời cháu.
Thực sự bác muốn giúp cháu nhiều hơn nữa. Nhưng không còn thời gian. Có lẽ đây sẽ là bức thư cuối cùng. Bác cũng không thể nhận thêm thư của cháu.
Tin hay không là tùy cháu. Nhưng hãy tin bác. Bác cầu mong cháu sẽ tin bác.
Tiệm tạp hoá Namiya."
Đọc xong bức thư, Harumi bần thần cả người. Nội dung bức thư khiến cô sửng sốt.
Đây chẳng khác gì bức thư tiên tri. Chưa kể còn rất chắc chắn nữa.
Ở thời điểm năm 1980 hiện tại, nền kinh tế Nhật không thể nói là tốt đẹp. Thiệt hại sau khủng hoảng dầu mỏ vẫn còn, sinh viên tốt nghiệp đại học cũng không dễ kiếm được việc.
Nhưng chỉ mấy năm tới thôi, nền kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng chưa từng có.
Không thể tin nổi. Chị có thể nghĩ rằng cô đang bị trêu.
Nhưng đúng như trong thư viết, tiệm tạp hoá Namiya chẳng được lợi gì khi viết ra chuyện này để lừa Harumi.
Vậy những gì viết trong này là thật ư? Sao tiệm tạp hoá Namiya có thể tiên đoán được chuyện đó?
Không chỉ tiên đoán về kinh tế Nhật Bản, bức thư còn tiên đoán cả về khoa học kỹ thuật trong tương lai. Mà không, khẳng định chắc chắn chứ không phải là tiên đoán nữa. Cảm giác như tiệm đang viết chuyện đã được định đoạt trước.
Mạng máy tính, điện thoại có khả năng mang theo người... toàn những chuyện cô không có chút ý niệm nào. Còn khoảng hai mươi năm nữa là sang thế kỷ 21. Chẳng có gì lạ khi nhiều kỹ thuật trong mơ sẽ trở thành hiện thực. Mặc dù vậy, Harumi vẫn nghĩ những thứ viết trong thư chỉ có trong phim hoạt hình hay tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Harumi nghĩ ngợi suốt cả một ngày. Tối đến, cô ngồi trước bàn học. Cô lấy giấy ra và bắt đầu viết thư. Tất nhiên là thư gửi tiệm tạp hoá Namiya. Tiệm nói là không thể trao đổi thư nữa nhưng giờ vẫn là ngày 13. Biết đâu vẫn còn cơ hội trước 0 giờ.
Cô hỏi là dựa vào đâu mà tiệm có những lời tiên đoán đó. Dù có thể là chuyện khó tin, cô vẫn muốn biết, nghe xong cô sẽ quyết định con đường của mình.
Gần 11 giờ tối, cô lặng lẽ rời nhà. Cô đạp xe hướng về phía tiệm tạp hoá Namiya.
Lúc đến trước tiệm, Harumi kiểm tra đồng hồ. 11 giờ 5 phút. Vẫn còn kịp. Nghĩ vậy, cô lại gần tiệm.
Nhưng ở giây tiếp theo, cô khựng lại.
Bởi khoảnh khắc nhìn căn nhà ấy, cô cảm giác như mọi thứ đã kết thúc.
Bầu không khí kỳ lạ bao trùm căn nhà trước đây đã biến mất. Trước mặt cô chỉ là một tiệm bình thường đã đóng cửa. Cô không thể giải thích tại sao mình có cảm giác ấy. Chỉ là Harumi tin chắc như vậy.
Cô không thể nhét bức thư vào khe nhận thư. Harumi đạp xe về nhà.
Cô biết mình đã quyết định đúng là khoảng bốn tháng sau đó. Vào dịp Tết, Harumi về thăm nhà và cùng chị Shizuko đi lễ đầu năm tại một ngôi đền gần nhà. Chị Shizuko đã xin được việc, từ mùa xuân sẽ vào làm tại một siêu thị lớn. Đương nhiên là công ty đó không có đội đấu kiếm. Chị bảo có lẽ chị sẽ không thi đấu nữa.
Harumi bảo vậy thì phí quá nhưng chị Shizuko chỉ mỉm cười, lắc đầu.
"Với đấu kiếm như vậy là chị hài lòng rồi. Chị đã dốc hết sức vì Thế Vận Hội ở Moscow. Trên thiên đường, có lẽ anh ấy sẽ tha thứ cho chị." Nói rồi chị ngước nhìn bầu trời. "Giờ chị sẽ tính chuyện sắp tới. Đầu tiên là phải cố gắng làm việc chăm chỉ. Sau đó thì tìm một người tốt."
"Một người tốt?"
"Ừ. Phải lấy chồng và sinh ra đứa con khoẻ mạnh chứ." Shizuko mỉm cười tinh nghịch, mũi chun lại. Mặt chị không hề có vẻ gì là u buồn của người mất người yêu một năm trước. Harumi thấy khâm phục sự mạnh mẽ của chị.
Trên đường từ đến về, chị Shizuko bảo "À, phải rồi" như thể sực nhớ ra điều gì.
"Em còn nhớ chuyện hồi hè chị kể với không? Chuyện tiệm tạp hoá kỳ lạ chuyên giải đáp thắc mắc ấy."
"Em nhớ. Tiệm tạp hoá Namiya phải không ạ?" Harumi đáp, lòng thấy hơi bồn chồn. Cô không kể với Shizuko chuyện mình gửi thư nhờ tư vấn.
"Tiệm đó giờ đóng cửa hẳn rồi. Nghe nói ông chủ tiệm đã mất. Thấy có người đứng chụp ảnh trước tiệm, chị đến hỏi thử thì hoá ra đó là con trai ông ấy."
"Vậy à. Bao giờ vậy ạ?"
"Chị gặp anh con trai là hồi tháng Mười. Anh ấy bảo là ông mất tháng trước."
Harumi nín thở. "Vậy là ông ấy mất tháng Chín..."
"Đúng rồi."
"Ngày bao nhiêu tháng Chín ạ?"
"Cái đó thì chị không hỏi. Sao hả em?"
"Dạ không... Em hỏi vậy thôi."
"Ông ấy nghỉ bán hàng là vì không được khoẻ. Nhưng vẫn nhận tư vấn. Người nhờ tư vấn cuối cùng chắc là chị rồi. Nghĩ thế, tự nhiên chị thấy rưng rưng." Shizuko hồ hởi nói.
Harumi cố kiềm chế để không bật ra: Không đâu, em mới là người cuối cùng. Rồi cô hình dung có lẽ ông chủ tiệm mất vào ngày 13 tháng Chín. Ông biết mình chỉ sống đến ngày 13 nên mới viết việc trao đổi thư chỉ có thể kéo dài tới ngày đó.
Nếu vậy thì ông chủ tiệm có khả năng tiên tri thật đáng kinh ngạc. Có thể đoán trước được cả cái chết của mình.
Không thể nào, nghĩ vậy nhưng cô cũng mơ mộng rằng biết đâu đó...
Biết đâu nội dung bức thư đó lại đúng.
Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya - Higashino Keigo Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya