In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Higashino Keigo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phương Nam
Biên tập: Chung Nguyễn
Upload bìa: Chung Nguyễn
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1022 / 415
Cập nhật: 2019-11-10 14:19:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3.1 Ở Trong Xe Civic Đến Sáng
úc ra khỏi cửa soát vé, hai kim của chiếc đồng hồ trên tay anh chỉ hơn tám rưỡi tối. Cảm thấy lạ, anh đưa mắt nhìn quanh. Đúng như anh nghĩ, đồng hồ gắn trước bảng giờ tàu chạy chỉ tám giờ bốn mươi lăm phút. Namiya Takayuki hơi nhếch môi rồi tặc lưỡi. Cái đồng hồ cùi bắp này lại trở chứng rồi.
Dạo gần đây, chiếc đồng hồ anh được bố tặng khi đỗ đại học cứ lăn ra chết bất thình lình. Dùng hai chục năm rồi nên chuyện này là đương nhiên chăng. Anh cũng đã tính chuyển sang loại Quartz. Loại đồng hồ dao động tinh thể mang tính đột phá ấy trước đây có giá tương đương với một chiếc xe hơi cỡ nhỏ nhưng gần đây đã xuống giá nhanh chóng.
Anh ra khỏi ga, đi bộ vào phu phố chợ. Anh ngạc nhiên khi thấy vẫn còn cửa hàng mở vào giờ này. Từ ngoài nhìn vào có thể thấy cửa hàng nào cũng nhộn nhịp. Anh từng nghe nói kể từ khi có thị trấn mới, dân cư tăng lên, nhu cầu của khu phố chợ trước cửa ga cũng tăng theo.
Tuy ngạc nhiên vì cái thị trấn buồn tẻ ở tỉnh lẻ này mà cũng nhộn nhịp vậy nhưng Takayuki cũng vui khi thấy sinh khí đã trở lại với mảnh đất nơi anh sinh ra và lớn lên. Thậm chí anh còn nghĩ giá như tiệm nhà mình cũng nằm trong khu phố chợ này.
Từ con đường san sát cửa hàng, anh rẽ vào một con hẻm rồi đi thêm một lúc nữa. Con hẻm dẫn anh tới một khu vực toàn nhà ở. Mỗi lần qua chỗ này anh lại thấy cảnh vật thay đổi thêm đôi chút. Bởi các căn nhà mới cứ lần lượt mọc lên. Chuyện người sống ở đây hằng ngày đi làm ở Tokyo không còn hiếm nữa. Đi tàu cao tốc chắc mất chừng hai tiếng. Takayuki nghĩ mình không thể. Chỗ ở của anh hiện nay là một căn chung cư đi thuê trong nội đô. Tuy chật nhưng có bếp, phòng ăn, hai phòng ngủ, một phòng khách, đủ để anh cùng vợ và cậu con trai lên mười sinh sống.
Nhưng rồi anh nghĩ lại. Hằng ngày đi lại từ đây thì không thể nhưng xét về điều kiện vị trí thì có lẽ vẫn cần phải thỏa hiệp ở mức độ nào đó. Đời người là phần lớn những việc không như mong đợi. Cũng nên chấp nhận nếu mất thêm thời gian đi lại.
Đi hết khu nhà ở là tới giao lộ hình chữ T. Anh rẽ sang phải rồi tiếp tục đi bộ. Một con dốc lên thoai thoải. Đến chỗ này thì nhắm mắt anh cũng đi được. Phải đi bao lâu, đường quanh co thế nào, cơ thể anh nhớ được hết. Bởi đây là con đường anh đã đi cho đến khi học hết cấp ba.
Cuối cùng anh cũng nhìn thấy căn nhà nhỏ ở đằng trước bên phải. Đèn đường sáng nhưng chữ trên biển hiệu bám đầy bồ hóng nên rất khó đọc. Cửa cuốn đang hạ xuống.
Anh dừng trước tiệm, ngước lên nhìn biển hiệu lần nữa. Phải đến gần mới đọc được dòng chữ "Tiệm tạp hóa Namiya".
Có một lối đi nhỏ rộng chừng một mét ở giữa tiệm và nhà kho bên cạnh. Takayuki đi vào lối đó để vòng ra đằng sau. Hồi còn tiểu học, anh vẫn dựng xe đạp ở đây.
Đằng sau tiệm có cửa để vào nhà. Hộp nhận sữa được gắn ngay cạnh cánh cửa. Cho đến khoảng mười năm trước, vẫn có người giao sữa tươi cho nhà anh. Mẹ anh mất một thời gian thì nhà anh không nhờ giao sữa nữa. Nhưng hộp nhận sữa thì vẫn còn đó.
Ở bên sườn hộp nhận sữa có một cái nút. Ngày xưa nếu ấn cái nút thì còi sẽ kêu. Nhưng giờ thì không.
Takayuki kéo tay nắm cửa. Quả nhiên cửa mở được luôn. Lúc nào cũng vậy.
Ở bậc thềm có đôi dép quen thuộc cùng đôi giày da cũ. Cả hai đều cùng một chủ sở hữu.
"Xin chào." Anh khẽ gọi. Không có tiếng đạp lại nhưng anh vẫn vào mà chẳng ngần ngại. Anh cởi giày, bước hẳn vào nhà. Đầu tiên là bếp, tiếp đó là phòng kiểu Nhật, sau nữa là cửa hàng ở mặt trước.
Ông Yuji đang ngồi bên cái bàn thấp trong phòng kiểu Nhật. Ông mặc quần chẽn dài với áo len, ngồi quỳ gối. Vẫn trong tư thế ấy, ông từ từ quay mặt về phía Takayuki. Cặp kính lão trễ xuống đầu mũi.
"Hả, con đấy à?"
"Hả với hử gì bố. Cửa không khoá kìa. Con đã dặn cửa giả lúc nào cũng phải cẩn thận cơ mà."
"Không sao đâu. Ai đến bố biết ngay."
"Bố đâu có biết. Vì bố có nghe thấy tiếng con gọi đâu."
"Bố có nghe thấy gì đó nhưng đang mải nghĩ nên ngại trả lời."
"Bố lại lấy lý do." Takayuki đặt túi giấy nhỏ mang theo lên bàn rồi ngồi khoanh chân. "Đây, bánh nhân đậu đỏ của cửa hàng Kimura mà bố thích đây."
"Ồ." Mắt ông Yuji sáng lên. "Cảm phiền con nhé."
"Mua bánh thôi mà bố, có gì đâu."
"Hây da." Ông Yuji lấy đà để đứng dậy rồi cầm cái túi lên. Cửa bàn thờ cạnh đó vẫn đang để mở. Ông đặt túi bánh lên kệ bàn thờ, rung chuông hai lần rồi trở lại vị trí cũ. Vóc người nhỏ và gầy nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn dù đã gần tám mươi.
"Con ăn tối chưa?"
"Trên đường đi làm về con ăn mì soba rồi. Vì tối nay con sẽ ngủ lại đây."
"Hừm. Con đã nói với Fumiko chưa?"
"Rồi ạ. Vợ con cũng lo cho bố lắm. Sức khoẻ bố thế nào rồi?"
"Ơn trời là không sao cả. Không đến mức con phải cất công đến thăm đâu."
"Con đã về đây rồi, bố đừng nói thế chứ."
"Bố chỉ nói là con không cần lo lắng. À, phải rồi. Bố vừa tắm xong, nước vẫn còn trong bồn đấy. Chắc chưa nguội đâu, con cứ tắm lúc nào tùy thích nhé."
Trong lúc nói chuyện, mắt ông Yuji vẫn nhìn xuống bàn. Trước mặt ông là tờ giấy viết thư. Bên cạnh là một chiếc phong bì. Ngoài phong bì ghi "Gửi tiệm tạp hoá Namiya".
"Mới đến tối nay ạ?" Takayuki hỏi.
"Không, đến khuya hôm qua. Sáng nay bố mới thấy."
"Vậy đáng lẽ bố phải trả lời trong sáng nay rồi chứ."
Thư trả lời những băn khoăn cần tư vấn gửi tới tiệm tạp hoá Namiya sẽ được bỏ trong hộp nhận sữa vào sáng hôm sau. Đây là quy định do ông Yuji đặt ra. Chính vì vậy mà ông luôn thức dậy lúc năm rưỡi sáng.
"Không đâu, người gửi có vẻ cũng biết ý vì đã gửi lúc nửa đêm. Trong thư viết là có thể trả lời chậm một ngày."
"Hừm, thế ạ."
Đúng là chuyện buồn cười. Tại sao chủ tiệm tạp hoá phải đi giải đáp băn khoăn của người khác chứ. Dĩ nhiên anh biết nguyên nhân dẫn đến cơ sự này. Là tại tờ tuần san đến đưa tin. Bởi ngay sau đó thư nhờ tư vấn đã tăng vọt. Cũng có thư nhờ tư vấn nghiêm túc nhưng phần nhiều là trêu đùa. Không ít thư rõ ràng là để quấy rối. Đỉnh điểm có một tối, hơn ba chục thư nhờ tư vấn được gửi đến. Tất cả đều là của một người. Nội dung toàn chuyện vớ vẩn. Vậy nhưng ông Yuji vẫn định trả lời. Takayuki còn nhớ lần đó anh đã nói với ông Yuji: "Bố đừng làm thế. Nghĩ thế nào thì đó cũng là trò đùa mà. Bố mà trả lời hết thì rõ là dở hơi."
Nhưng ông bố già cả của anh chẳng có vẻ gì là rút được kinh nghiệm. Đã thế, ông còn nói với đầy vẻ cảm thông: "Con đúng là chẳng hiểu gì cả."
Khi Takayuki nghiêm giọng chất vấn "Con không hiểu cái gì nào?" thì ông Yuji buồn rầu đáp:
"Dù mục đích là quấy rối hay trêu đùa thì người gửi thư cho tiệm tạp hoá Namiya về cơ bản cũng giống như những người nhờ tư vấn bình thường khác. Tâm hồn họ hé mở ở đâu đó, những thứ quan trọng theo đó mà chảy ra. Bằng chứng là những người như vậy thế nào cũng đến lấy thư hồi âm. Sẽ đến kiểm tra hộp nhận sữa. Họ rất muốn biết ông già Namiya này sẽ hồi âm thế nào với bức thư của mình. Con thử nghĩ xem. Dù chỉ là những câu hỏi vớ vẩn nhưng nghĩ ra được đến ba mươi câu cũng là cả vấn đề đấy. Nhọc công làm vậy thì không có chuyện không muốn nhận hồi âm đâu. Vì thế nên bố mới trả lời. Suy nghĩ rất nhiều để trả lời. Không thể phớt lờ tiếng lòng của người khác được."
Trên thực tế thì ông Yuji đã trả lời từng câu hỏi của ba mươi bức thư do cùng một người gửi ấy và để vào hộp nhận sữa. Quả nhiên lúc tám giờ, tức là trước khi tiệm mở cửa, toàn bộ thư hồi âm đã được lấy đi. Sau đó không thấy trò này tái diễn nữa. Đổi lại một tối nọ, một tờ giấy được nhét vào khe nhận thư với nội dung "Cảm ơn tiệm. Cho tôi xin lỗi." Nét chữ giống với nét chữ của chủ nhân ba mươi bức thư kia. Takayuki không thể quên gương mặt đầy vẻ tự hào của bố lúc đưa cho anh xem tờ giấy.
Có lẽ đây chính là động lực sống của bố. Khoảng mười năm trước, khi mẹ Takayuki mất vì bệnh tim, bố anh hoàn toàn suy sụp. Con cái đều đã ra ở riêng. Cảnh sống vò võ một thân một mình có lẽ quá đủ để lấy hết ham muốn sống của ông già sắp bước sang ngưỡng thất thập.
Takayuki có một chị gái tên Yoriko hơn anh hai tuổi. Song chị đang sống cùng bố mẹ chồng nên chẳng thể nhờ vả được gì. Nếu phải chăm sóc ông Yuji thì chỉ có mỗi mình Takayuki. Nói vậy chứ hồi đấy anh cũng mới lập gia đình, vẫn sống trong căn nhà chật chội của công ty nên không thể đón ông Yuji về ở cùng.
Có lẽ hiểu được hoàn cảnh của các con nên ông Yuji dù không còn khoẻ nhưng tuyệt nhiên không có ý định đóng cửa tiệm tạp hoá. Takayuki cũng chiều theo sự gắng gượng đó của bố.
Cho đến một hôm, anh nhận được cuộc điện thoại bất ngờ từ chị gái Yoriko.
"Chị ngạc nhiên lắm. Bố khoẻ hẳn ra. Có khi còn hoạt bát hơn cả lúc mẹ chưa mất ấy. Thôi thế cũng tạm yên tâm rồi. Chị nghĩ trước mắt không sao đâu. Hay em cũng thử về thăm bố đi? Thế nào cũng ngạc nhiên cho xem."
Giọng người chị gái lâu lâu mới tới thăm bố cứ lanh lảnh. Bằng giọng rất phấn khích, chị hỏi Takayuki: "Em có biết tại sao bố lại khoẻ hẳn ra thế không?" Khi Takayuki bảo không biết, chị liền bảo: "Phải rồi phải rồi. Em làm sao mà biết được. Đến chị nghe xong còn giật mình hai lần cơ mà." Sau đó chị kể sự tình cho anh biết. Chuyện là bố anh đang làm công việc giống như người chuyên gỡ rối tơ lòng vậy.
Nghe xong, Takayuki chẳng tài nào hình dung nổi. Anh chỉ nghĩ: Đó là cái gì thế? Anh thu xếp về nhà ngay ngày nghỉ sau đó. Và quang cảnh anh nhìn thấy lúc về nhà thật không thể tin được. Một đám đông đang tụ tập trước tiệm tạp hoá Namiya. Chủ yếu là trẻ con, song cũng có cả người lớn. Hình như họ đang nhìn bức tường của tiệm. Trên tường dán rất nhiều giấy, họ nhìn những tờ giấy đó và cười.
Takayuki tiến lại gần, ngó qua đầu bọn trẻ để nhìn bức tường. Trên đó dán những tờ giấy viết thư và giấy viết báo cáo. Có cả những mẩu giấy nhớ bé xíu nữa. Anh đọc thử, một trong số đó có nội dung như sau:
"Đây là câu nhờ tư vấn của cháu: Cháu muốn 100 điểm bài kiểm tra mà không phải học hay làm trò gian lận như quay cóp. Cháu phải làm thế nào?"
Rõ ràng là nét chữ trẻ con. Câu trả lời được dán ngay bên dưới. Nét chữ thân quen mà Takayuki biết rõ, chữ của ông Yuji.
"Cháu hãy xin cô giáo cho làm bài kiểm tra về cháu. Bài kiểm tra về cháu nên lời giải của cháu sẽ đúng hết."
Cái gì thế này, Takayuki nghĩ. Cái này là "hỏi nhanh đáp gọn" chứ đâu phải "gỡ rối tơ lòng".
Anh liếc qua các câu hỏi khác nhưng toàn là nội dung trêu đùa kiểu như "Cháu muốn Ông già tuyết đến nhà cháu nhưng nhà cháu lại không có ống khói" hoặc "Khi hành tinh này biến thành hành tinh khỉ thì mình phải học tiếng khỉ từ ai ạ?" Song câu hỏi nào ông Yuji cũng trả lời rất nghiêm túc. Có vẻ điều này đã gây cười. Cạnh đó đặt một cái hộp có khe để nhét thư, trên hộp dán tờ giấy ghi "Hộp giải đáp tâm tư. Nhận tư vấn mọi băn khoăn. Mời liên hệ tiệm tạp hoá Namiya."
"Chà, một thú vui thôi mà. Bố bị lũ quỷ sứ hàng xóm khích bác, trót đâm lao thì phải theo lao thôi, nhưng ai ngờ lại được hưởng ứng nhiệt tình thế, có cả người lặn lội từ xa tới đọc nữa. Bố cũng chẳng biết vì sao như vậy. Nhưng mà dạo này lũ quỷ sứ ấy bắt đầu gửi những câu hỏi hóc búa rồi nên bố cũng phải suy nghĩ lắm đấy. Mệt phết chứ con tưởng à."
Nét mặt ông Yuji lúc vừa nói vừa cười trông thật rạng rỡ. Hoàn toàn khác với thời gian khi vợ vừa mất. Chị Yoriko đã không nói quá.
Công việc giải đáp tâm tư, động lực sống mới của ông Yuji, ban đầu chỉ giống như trò giải trí, nhưng sau đó có nhiều câu hỏi nghiêm túc được gửi tới hơn. Lúc này, hộp nhận thư tư vấn để bên ngoài không còn thích hợp nữa nên ông chuyển sang dùng khe nhận thư ở cửa cuốn và hộp nhận sữa như bây giờ. Tuy nhiên, khi có câu hỏi thú vị, ông vẫn sẽ dán lên tường như trước.
Ông Yuji ngồi quỳ gối, khoanh tay trước bàn. Tờ giấy viết thư đã mở sẵn nhưng chưa thấy ông định cầm bút lên. Môi dưới ông hơi trề ra, nếp nhăn hiện ra giữa hai chân mày.
"Bố có vẻ nghĩ ngợi nhỉ." Takayuki nói. "Nội dung khó quá ạ?"
Ông Yuji chậm rãi gật đầu.
"Thư nhờ tư vấn từ phụ nữ. Chuyện này là bố kém nhất."
Takayuki hiểu ra đó là chuyện về tình yêu. Ông Yuji lấy vợ theo kiểu mai mối, đến tận hôm cưới ông vẫn không biết nhiều lắm về vị hôn thê của mình. Takayuki trộm nghĩ, nhờ một người trải qua thời kỳ ấy tư vấn chuyện tình cảm thì thật lạ.
"Bố cứ trả lời đại khái thôi."
"Con nói gì? Làm vậy sao được?" Giọng ông Yuji có vẻ giận.
Takayuki nhún vai, đứng dậy. "Bố có bia chứ. Cho con xin nhé."
Không thấy ông Yuji đáp nhưng Takayuki vẫn mở tủ lạnh. Chiếc tủ lạnh hai cửa kiểu cũ là đồ thừa hưởng từ cô con gái cách đây hai năm khi nhà cô mua tủ lạnh mới. Trước đó ông dùng tủ lạnh một cửa mua từ năm Chiêu Hoà ba mươi lăm, tức năm 1960, khi Takayuki còn là sinh viên.
Trong tủ có hai chai bia cỡ trung đang được ướp lạnh. Người thích nhậu như ông Yuji không bao giờ có chuyện hết bia trong tủ. Ngày xưa ông không bao giờ để mắt tới đồ ngọt. Bánh nhân đậu của tiệm Kimura trở thành món khoái khẩu là khi ông đã ngoại lục tuần.
Takayuki lấy ra một chai và mở nắp. Sau đó anh tự động lấy hai cái cốc từ chạn bát ra rồi quay lại bàn ăn.
"Bố cùng uống nhé?"
"Không, giờ chưa cần."
"Vậy ạ. Lạ nhỉ."
"Chưa viết xong thư hồi âm thì bố chưa uống. Lúc nào bố cũng nói vậy mà."
"Hừm." Takayuki vừa gật đầu vừa rót bia vào cốc của mình.
Đang nghĩ ngợi, chợt ông Yuji chậm rãi quay sang Takayuki.
"Hình như ông bố đã có vợ và con." Đột nhiên ông nói.
"Dạ?" Takayuki há hốc miệng. "Chuyện gì thế ạ?"
Ông Yuji cầm chiếc phong bì đặt bên cạnh lên.
"Người xin tư vấn. Là phụ nữ, nhưng ông bố lại có vợ và con rồi."
Takayuki vẫn không hiểu. Anh nhấp một ngụm bia rồi đặt cốc xuống.
"Thì đúng là thế rồi. Ngay cả bố cũng có vợ và con mà. Vợ tuy đã mất nhưng con thì vẫn còn. Là con đây."
Ông Yuji nhăn mặt, lắc đầu với vẻ bực dọc.
"Bố không nói chuyện của bố. Ý bố không phải vậy. Ông bố ở đây không phải là bố của người xin tư vấn mà là bố của đứa con."
"Đứa con? Con ai cơ?"
"Thì là," ông Yuji xua tay với vẻ nóng nảy, "là đứa con ở trong bụng. Của người xin tư vấn này này."
"Hả?" Đến đây thì Takayuki hiểu ra. "À, ra là thế. Nghĩa là người xin tư vấn đang mang bầu. Còn người đàn ông kia thì đã có vợ con."
"Đúng thế. Bố nói vậy từ nãy mà."
"Cách bố nói không rõ ràng. Nghe bảo là 'ông bố' thì ai cũng nghĩ là bố của người xin tư vấn."
"Cái đó gọi là cầm đèn chạy trước ô tô đấy."
"Vậy ư." Takayuki nghiêng đầu, tay với lấy cốc bia.
"Con nghĩ sao?" Ông Yuji hỏi.
"Gì cơ ạ?"
"Từ nãy con nghe cái gì thế hả? Người đàn ông đã có vợ và con. Cô gái mang trong mình giọt máu của người đàn ông đó. Theo con thì phải làm sao?"
Cuối cùng thì anh cũng hiểu nội dung xin tư vấn. Takayuki uống bia rồi thở dài.
"Con gái con đứa thời nay thật chẳng có liêm sỉ gì hết. Đã vậy còn ngốc nghếch. Dây vào người có vợ thì hay ho nỗi gì cơ chứ. Không biết mấy cô đó nghĩ gì trong đầu."
Ông Yuji sa sầm mặt mày, đập tay xuống bàn.
"Con không cần phải lên lớp. Trả lời xem phải làm thế nào đi."
"Câu trả lời rõ như ban ngày rồi. Chỉ còn cách bỏ cái thai thôi. Làm gì còn câu trả lời nào khác."
Ông Yuji khịt khịt mũi rồi gãi phía sau tai. "Thật sai lầm khi đi hỏi con."
"Là sao, bố nói thế có ý gì?"
Ông Yuji liền bĩu môi ngán ngẩm, tay gõ cộp cộp lên phong bì của người xin tư vấn.
"Chỉ còn cách bỏ cái thai thôi. Làm gì có câu trả lời nào khác. Đến con mà cũng nói vậy. Việc đó thì người nhờ tư vấn hẳn đã nghĩ tới đầu tiên rồi. Con không hiểu là vì vậy nên cô ấy mới phải trăn trở sao?"
Trước lời chỉ trích sắc bén của bố, Takayuki chỉ biết im lặng. Bố nói đúng.
"Thôi nào." Ông Yuji nói tiếp. "Người này viết là cô ấy biết nên bỏ cái thai đi. Cô không mong người đàn ông sẽ chịu trách nhiệm, cô ấy cũng nhận thức rõ phụ nữ nuôi con một mình sẽ rất vất vả. Biết vậy nhưng cô ấy không thể từ bỏ mong muốn được sinh con, không thể nghĩ tới việc phá bỏ cái thai. Con hiểu vì sao chứ hả?"
"Chà. Con chịu. Bố thì hiểu ạ?"
"Vì bố đã đọc bức thư. Theo lời cô ấy thì đây có lẽ là cơ hội cuối cùng."
"Cuối cùng?"
"Nếu bỏ lỡ cơ hội này thì có lẽ cô ấy sẽ không bao giờ có con nữa. Trước đây cô ấy đã từng kết hôn, vì mãi không có con nên cô ấy đi khám và được biết cơ địa mình khó sinh con. Bác sĩ còn bảo cô ấy là nên từ bỏ hy vọng có con đi. Cũng bởi lý do này mà đời sống vợ chồng không suôn sẻ."
"Nghĩa là bị vô sinh à..."
"Tóm lại hoàn cảnh là như thế, với cô ấy đây là cơ hội cuối cùng. Nghe đến đây chắc con cũng hiểu không thể trả lời đơn giản là chỉ còn cách bỏ cái thi đi phải không?"
Takayuki uống cạn bia trong cốc rồi với tay lấy chai bia.
"Con hiểu điều bố nói, nhưng chẳng phải vẫn nên từ bỏ ý định sinh con sao? Tội nghiệp đứa bé lắm. Chắc chắn sẽ vất vả đấy."
"Cô ấy viết là đã chuẩn bị tinh thần rồi."
"Kể cả thế đi nữa." Rót bia vào cốc xong, Takayuki ngẩng lên. "Nhưng như thế thì chẳng có vẻ gì là nhờ tư vấn hết. Cô ấy nói vậy tức là muốn sinh con rồi. Bố có trả lời thế nào cũng chẳng can hệ gì đâu."
Ông Yuji gật đầu. "Có lẽ vậy."
"Có lẽ gì cơ ạ..."
"Sau nhiều năm đọc các thư nhờ tư vấn, bố đã hiểu ra một điều. Đó là đa số các trường hợp người nhờ tư vấn đã có sẵn câu trả lời. Họ nhờ tư vấn chẳng qua chỉ muốn xác nhận điều đó là đúng mà thôi. Vì thế có những người sau khi đọc thư hồi âm thì lại gửi thư đến tiếp. Có lẽ vì nội dung thư hồi âm khác với những gì họ đang nghĩ."
Takayuki uống bia rồi khẽ nhăn mặt. "Chuyện phiền hà vậy mà bố cũng theo được bao nhiêu năm."
"Việc này cũng là giúp người đấy. Phiền hà nên mới có ý nghĩa."
"Bố đúng là thích mua việc. Nhưng mà, nếu đúng như bố nói thì đâu cần nghĩ làm gì cho mệt. Người ta đã muốn sinh con thì bố chỉ việc viết hãy cố gắng để sinh ra đứa con khoẻ mạnh, thế thôi."
Nghe vậy, ông Yuji nhăn mặt nhìn cậu con trai, môi ông trề ra và chậm rãi lắc đầu.
"Con vẫn chẳng hiểu gì cả. Đành là mong muốn muốn sinh con của cô ấy thể hiện rất rõ trong bức thư. Nhưng vấn đề ở chỗ, tình cảm và lý trí là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Rất có thể cô ấy viết bức thư này khi quyết tâm đi bỏ cái thai vì hiểu là chỉ còn cách đó, cho dù rất khao khát có con. Nếu vậy câu trả lời hãy sinh con đi sẽ có tác dụng ngược lại, càng khiến cô ấy đau khổ hơn."
Takayuki đưa ngón tay day day thái dương. Anh bắt đầu thấy đau đầu.
"Nếu là con thì con sẽ viết cô muốn làm gì thì làm."
"Con không phải lo, chẳng ai nhờ con giải đáp đâu. Bố chỉ muốn con hiểu được tâm lý người nhờ tư vấn qua những gì họ viết thôi." Ông Yuji lại khoanh tay.
Mệt thật đấy, chuyện của người khác cơ mà, Takayuki nghĩ. Song dường như việc suy nghĩ câu trả lời lại khiến ông Yuji vui nhất. Thành thử ra Takayuki cảm thấy khó thưa chuyện. Tối nay anh về đây không chỉ đơn giản là thăm ông bố già.
"Bố à, phiền bố một chút được không. Con có chuyện này muốn nói với bố."
"Gì cơ? Con xem này, bố đang bận."
"Không mất thời gian đâu ạ. Bố bảo bận nhưng thực ra chỉ là bố đang suy nghĩ thôi mà. Nghĩ tới chuyện khác biết đâu bố lại nảy ra ý gì hay."
Có lẽ cũng thấy Katayuki nói đúng hay sao mà ông Yuji hướng bộ mặt cau có về phía con trai. "Chuyện gì nào?"
Takayuku ngồi thẳng người.
"Con có nghe chị Yoriko nói, tình hình tiệm nhà mình khá bi đát."
Ông Yuji lập tức nhăn mặt. "Cái con Yoriko này thật lắm chuyện."
"Chị lo nên mới báo cho con biết. Đương nhiên rồi, vì chị là con gái bố mà."
Trước kia Yoriko làm việc tại một văn phòng thuế. Có sẵn kinh nghiệm hồi đó nên mọi việc quyết toán thuế của tiệm tạp hoá Namiya đều do một tay chị làm. Thế nhưng mới đây, khi làm xong quyết toán năm nay, chị đã gọi điện cho Takayuki.
"Tiệm nhà mình bê bết lắm. Không phải là lỗ đâu. Mà là siêu lỗ. Tình hình đấy thì ai quyết toán cũng giống nhau cả thôi. Chẳng cần đến chính sách giảm thuế đâu. Nếu khai thật thì có khi còn chẳng phải đóng một xu tiền thuế ấy chứ."
Khi Takayuki hỏi bê bết đến thế sao thì chị gái đáp: "Bố mà tự đi khai có khi còn được gợi ý xin trợ cấp sinh hoạt cũng nên."
Takayuki nhìn thẳng vào bố.
"Bố à, chắc phải đóng tiệm thôi. Khách quanh đây giờ đến khu phố chợ trước cửa ga hết rồi còn gì? Trước khi có nhà ga đó, chỗ này gần trạm xe buýt nên còn buôm bán được, giờ thì chịu rồi. Con nghĩ mình nên nghỉ thôi."
Ông Yuji xoa cằm với vẻ mặt chán nản:
"Đóng tiệm rồi tính sao?"
Takayuki hít một hơi rồi nói. "Bố có thể đến chỗ con."
Lông mày của ông Yuji khẽ nhướng lên. "Con bảo sao?"
Takayuki nhìn một lượt quanh căn phòng. Một vết nứt trên tường đập vào mắt anh.
"Nếu không buôn bán nữa thì bố cũng không cần phải sống ở nơi bất tiện thế này. Hãy sống cùng chúng con. Fumiko cũng đồng ý rồi."
Ông Yuji khịt mũi. "Ở cái nhà chật chội đó hả?"
"Dạ không, thực ra bọn con đang tính chuyển nhà. Cũng sắp đến lúc phải mua nhà rồi."
Mắt ông Yuji mở to sau cặp kính. "Con? Mua nhà?"
"Có gì lạ đâu ạ. Con cũng xấp xỉ bốn mươi rồi. Giờ con đang xem nhà. Vậy nên bọn con mới tính hỏi ý bố."
Ông Yuji quay mặt đi, khẽ xua tay. "Không cần phải lo cho bố đâu."
"Tại sao?"
"Chuyện bố, bố sẽ tự xoay xở. Không cần các con phải lo."
"Sao thế được ạ, bố sao mà cố được. Không có thu nhập, bố định sống kiểu gì?"
"Con lo xa quá. Bố bảo sẽ xoay xở được mà."
"Xoay xở ư..."
"Thôi, con nói nhiều quá." Giọng ông Yuji đanh lại. "Mai con đi làm thẳng từ đây đúng không? Phải dậy sớm đấy. Đừng nói huyên thuyên nữa, mau tắm rồi ngủ đi. Bố đang bận có việc phải làm nốt."
"Phải làm nốt, viết mỗi cái này thôi mà." Takayuki hất hàm.
Ông Yuji không nói gì, nhìn đăm đăm vào tờ giấy viết thư. Có vẻ như ông không muốn đáp lại nữa.
Takayuki thở dài rồi đứng dậy. "Con dùng nhờ nhà tắm nhé."
Vẫn không có tiếng đáp.
Phòng tắm của gia đình Namiya rất chật. Ngồi theo kiểu bó gối trong chiếc bồn tắm bằng inox, Takayuki nhìn ra ngoài cửa sổ. Cạnh phòng tắm có một cây tùng to, anh có thể nhìn thấy chút cành của nó qua cửa sổ. Khung cảnh quen thuộc anh đã nhìn từ nhỏ.
Có lẽ ông Yuji thấy lưu luyến với việc giải đáp tâm tư hơn là với tiệm tạp hoá. Ông nghĩ nếu tiệm đóng cửa, ông rời khỏi đây thì sẽ chẳng còn ai nhờ tư vấn nữa. Takayuki cũng nghĩ như vậy. Với khiếu hài hước, ông có thể dễ dàng tư vấn cho người khác.
Giờ tước mất niềm vui đó của bố thì kể cũng quá đáng, Takayuki nghĩ.
Sáng hôm sau, anh dậy lúc sáu giờ. Chiếc đồng hồ báo thức loại dây cót vẫn dùng từ ngày xưa đã phát huy tác dụng. Đang thay quần áo trong phòng ở tầng hai thì anh nghe thấy có tiếng động bên dưới cửa sổ. Anh nhẹ nhàng mở cửa, nhìn xuống dưới, vừa lúc có người rời khỏi chỗ hộp nhận sữa. Một cô gái tóc dài, mặc quần áo màu trắng. Anh không nhìn rõ mặt.
Takayuki ra khỏi phòng, đi xuống tầng một. Ông Yuji cũng đã dậy, đang đứng trong bếp đun nồi nước.
Anh cất tiếng chào bố.
"Ồ, con dậy rồi đó hả." Ông Yuji liếc nhìn đồng hồ trên tường. "Con định ăn sáng thế nào?"
"Không cần đâu bố. Con phải đi ngay đây. Mà chuyện đó sao rồi bố? Chuyện thư nhờ tư vấn ấy."
Ông Yuji dừng tay đang lấy cá ngừ bào khô ra khỏi hộp, nhăn mặt nhìn Takayuki.
"Bố viết rồi. Đến nửa đêm mới xong đấy."
"Bố trả lời thế nào ạ?"
"Cái đó bố không nói được."
"Tại sao?"
"Đương nhiên. Đó là quy định rồi. 'Privacy' mà."
Hừm, Takayuki gãi đầu. Không ngờ ông Yuji cũng biết cả từ "privacy", tức "sự riêng tư".
"Cô gái đã mở hộp nhận sữa rồi đấy."
"Con bảo sao? Con nhìn thấy à?" Nét mặt ông Yuji như trách cứ.
"Vô tình thôi ạ. Con thoáng thấy từ cửa sổ tầng hai."
"Ôi trời, chẳng phải cô ấy đã nhận ra sao?"
"Con nghĩ không sao đâu."
"Chỉ nghĩ thôi hả?"
"Không sao mà. Chỉ trong tích tắc thôi."
Ông Yuji trề môi dưới ra, lắc lắc đầu.
"Không được rình xem người nhờ tư vấn. Đó cũng là quy định. Nếu biết bị nhìn, họ sẽ không bao giờ nhờ tư vấn nữa."
"Con đã bảo là con không cố tình, chỉ là tình cờ trông thấy thôi."
"Lâu lắm mới vác mặt về đây mà toàn làm chuyện không đâu." Ông Yuji lẩm bẩm trong lúc bắt đầu nấu nước dùng từ cá ngừ bào khô.
Takayuki lí nhí nói xin lỗi rồi đi vào nhà vệ sinh. Sau đó anh đánh răng, rửa mặt rồi thay quần áo. Trong bếp, ông Yuji đang làm món trứng rán. Có lẽ sống một mình quá lâu nên nom tay ông rất thành thạo.
"Trước mắt thì không vấn đề gì." Takayuki nói từ phía sau lưng ông Yuji. "Bố chưa cần phải đến sống với bọn con đâu ạ."
Ông Yuji im lặng. Có vẻ như ông thấy không cần trả lời.
"Con hiểu rồi. Vậy con đi đây."
"Ừ." Ông Yuji khẽ nói, vẫn không ngoảnh lại.
Takayuki ra khỏi nhà từ cửa sau. Anh thử mở hộp nhận sữa thì thấy trong đó trống trơn.
Anh hơi, mà không, phải nói là khá tò mò muốn biết bố đã trả lời thế nào.
Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya - Higashino Keigo Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya