Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Quỳnh Dao
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6850 / 43
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 -
uân phiệt Nhật đầu hàng, chiến tranh kết thúc. Đài Loan không còn bị Nhật chiếm trị nữa,mà được giao hoàn Trung Hoa Dân quốc. Đại chúng nhiệt liệt ăn mừng thái bình và tự do...
Thu Trân cố nhiên cũng lạc quan trong niềm hoan lạc chung của đồng bào.
Đồng thời, nàng còn tràn trề hy vọng về cuộc tình duyên của mình. Đã hết chiến tranh, tức mọi sự đi lại dễ dàng, nàng tin rằng không bao lâu nữa ắt Tường Phương sẽ tái liên lạc thư từ, hoặc về Đài Bắc tìm gặp nàng.
Tuy nhiên, nàng lại không khỏi băn khoăn lo ngại. Mấy năm chiến loạn, chàng vẫn bình thường hay đã có điều gì khác lạ? Chàng với gia đình an toàn hay bất trắc? Con người chàng có thay đổi nào chăng? Và, trong thời gian lâu dài vắng bặt tin tức nhau, liệu chàng còn thương nhớ nàng, hay đã có bạn gái khác rồi?
Lấy bức ảnh Tường Phương ra xem, nàng bồi hồi nghĩ ngợi.
- Năm năm qua, mình đã ngắm xem ảnh này cả ngàn, cả vạn lần rồi; có lẽ chàng đối với bức ảnh mình cũng vậy. Mặt mũi của nhau đã nhớ nằm lòng. Nhưng, thuở trao đổi ảnh cho nhau, cả hai đều mới mười bảy tuổi, đến nay tuế nguyệt đã chồng chất năm năm dài, tự nhiên diện mạo mỗi người đã thay đổi chẳng ít, nếu bất đồ gặp nhau ngoài đường liệu còn nhìn ra được nhau không? Chao ôi! Về danh nghĩa đã là chồng vợ, mà sao thực tế lại trớ trêu thế này!
Những tâm sự buồn vui, khoắc khoải bâng khuâng của chị, Xuân Châu đều thông cảm. Đêm đêm, nằm chung giường, Xuân Châu thường an ủi chí tình. Tối nay, kề bên gối chị, Xuân Châu lại thân thiết gợi chuyện:
- Chị hai! Sao chị cứ âu sầu hoài? Mặt mày chị hốc hác hơi nhiều rồi đấy. Em thấy chị nên lạc quan lên, bởi vì chiến tranh đã chấm dứt, đường giao thông đã thuận tiện, anh Tường Phương nếu thật sự yêu chị, tất sẽ đến Đài Bắc tìm chị. Bằng không chị cũng chẳng hơi đâu mà lo nghĩ. Một người con gái đầy đủ điều kiện tài sắc, đức hạnh như chị, chẳng lẽ không kiếm được một tấm chồng xứng đáng sao? Nếu chị đồng ý, em sẽ giới thiệu với chị một bạn trai rất tốt, trong số các bạn đồng học của em, nhé?
Thu Trân khẽ nạt:
- Đừng có nói xàm!
Xuân Châu le lưỡi, cười hì hì:
- Chị đối với anh Tường Phương thật là si tình! Chẳng qua đó chỉ là một cuộc chỉ phúc vi hôn. Chàng và nàng chưa từng chạm mặt cầm tay nhau, dù chỉ một lần, thế mà chị vẫn vĩnh viễn không lãng quên, em xin phục chị sát đất.
Chực nhớ đến chuyện cũ, Thu Trân cười khúc khích:
- Nầy... Cô bé! Bộ cô bé quên là chính cô bé đã từng đề nghị làm đám cưới chung với chị và anh Tường Phương rồi đó sao? Vậy mà bây giờ cũng chính cô bé, lại cho là người ta si tình.
Xuân Châu mắc cở, nhủi vào ngực chị:
- Chị cứ nhắc chuyện cũ! Lúc đó em còn nhỏ đã hiểu biết gì đâu.
Thu Trân thở dài:
- Mặc dù chị với Tường Phương được kết hợp bằng một cuộc chỉ phúc vi hôn mù mờ buổi đầu, nhưng về sau giữa nhau từng trải qua một năm thay đổi thư từ, hình ảnh và trong một năm liên hệ ấy, đã nẩy nở biết bao nhiêu thiện cảm chân tình. Như vậy, tức là sự thể đã đi qua từ cựu tới tân; có thể nói là với Tường Phươngcũng đã tạo dựng cuộc giao cảm trên cơ sở tự do luyến ái hẳn hoi, chớ đâu phải chỉ bị chi phối vì một cổ tục. Cho nên đôi bên đã yêu nhau thật sự. Chị tin rằng, Tường Phương chỉ cần còn sống trên thế gian này, là nhất định sẽ không khi nào quên chị. Đáng ngại chăng là... nếu chàng đã xấu số, chết đi rồi trong thời cuộc chiến loạn thì... âu đành kiếp nầy hai đứa chẳng tương phùng...
- Chị hai! Không nên nghĩ quẩn, dại miệng. Thế nào anh ấy cũng trở về đây tìm chị mà!
- Chỉ sợ, chừng Tường Phương về tới Đài Loan rồi, sẽ không biết chị ở đâu mà tìm, vì nhà cũ của chúng ta đã bán, còn địa chỉ hiện nay Tường Phương đâu rõ.
- Cái đó không hề chi, em có cách. Ngay ngày mai em đi đăng báo, nhắn tin tìm người. Chị đồng ý chứ?
Thu Trân lặng thinh, coi như mặc nhiên tán thành, Xuân Châu lấy làm cao hứng, bèn cố ý lái câu chuyện sang hướng khác, kể lại những vụ luyến ái tréo cẳng ngỗng, buồn cười giữa một số nam nữ sinh viên đồng học trong trường, cốt cho chị khuây khỏa nỗi buồn.
Nhân đây Thu Trân lại quan hoài đến lứa tuổi đôi mươi của em, hỏi:
- Nếu chị đoán không lầm, hẳn em cũng đã lọt mắt xanh một chàng rồi, phải không?
Xuân Châu lên giọng đạo mạo:
- Úi chao!... Khó ai đáng lọt mắt xanh! Các "ông" các "bà" nam nữ sinh viên trong trường em, cái gì chớ chuyện luyến ái, cứ y như trò đùa, lông bông hết can nổi. Ba hồi chàng A với nàng B, ba hồi lại thấy nàng B bắt bồ với chàng C, ba hồi chàng C lẹo tẹo với nàng D, rồi lại thấy nàng D đi chơi chung với chàng A. Không biết họ quan niệm tình yêu như thế nào nữa. Cứ lung tung beng, tam tứ, ngũ lục giác kiểu đó, nghĩ mà ngán ngẫm cho tuổi trẻ đời nay.
Ngừng một chút Xuân Châu lại tiếp:
- Bởi thế, em chẳng dám để ý tới một đồng học nào cả, mặc dầu có khá đông anh chàng đua nhau chạy theo em, nhưng em cứ cho từng người, từng người... trơ mắt ếch ra. Họ ức em lắm mà chẳng biết làm sao hơn gọi lén sau lưng em là "Hoa hồng rừng đầy gai".
- Không lẽ tuyệt đối chẳng một nam đồng học nào vừa ý em?
Xuân Châu thành khẩn:
- Đúng ra thì chuyện luyến ái chưa thành vấn đề với em trong lúc này. Như đã nói, em chẳng dám để ý tới một nam đồng học nào cả. Chị hai! Làm sao em quên được em là một "học trò khó"? Làm sao em quên được hoàn cảnh chúng ta? Chị hai đã khổ mọi bề, đã tốn hao bao nhiêu mồ hôi nước mắt và nhịn cả cái ăn cái mặc để cho em còn theo đuổi con đường học vấn đến ngày nay. Bổn phận em là phải dốc công học tập, cho xứng đáng với chị, chớ không lẽ đi phí lãng thời giờ bàn chuyện luyến ái với bạn trai?
Thu Trân ghì chặt lưng và hôn lên má em:
- Em đúng là một hảo cô nương! Chị rất sung sướng có được một em gái chăm học như em.
Xuân Châu cũng hôn chị:
- Chị hai! Em yêu chị lắm! Em hãnh diện được làm em của chị.
Thu Trân ôn tồn:
- Chị thấy, dù sao thì em cũng đã hai mươi tuổi rồi, thiết tưởng chẳng nên quá khắt khe với con tim mình, nếu có một nam đồng học nào đầy đủ tư cách và thực tâm yêu em, chị đề nghị em cũng đừng để người ta phải thất vọng.
Xuân Châu dụi đầu vào ngực chị:
- Thôi đi! Em hỏng chịu đâu! Chị ghẹo em hoài!
- Chị nói thật đấy em ạ. Nếu gặp người tài đức khá, tánh tình tương hợp, lại có thời gian học chung bốn năm năm để tìm hiểu nhau, thì trong tương lai, khi thành tài, ra trường, kết duyên vợ chồng, quả là điều lý tưởng.
- Em lại nghĩ khác chị. Đang đi học mà có người yêu, thì khó mà học giỏi được, nếu có may thi đậu đi nữa, cũng chỉ là hư danh thôi. Em không chống tình yêu, nhưng vì quan niệm như vậy, nên không dám vướng vào tình yêu trong khi còn đi học.
o0o
Hai hôm sau, Xuân Châu mang về một tờ báo cho chị xem.
Thì ra, Xuân Châu đã đăng báo "nhắn tin tìm người", như đã bàn với Thu Trân bữa trước.
Ba chữ "Lương Tường Phương" được in đậm nét, nổi bật dưới mắt Thu Trân, khiến nàng nghe lòng rộn rã hẳn lên.
Xuân Châu hí hửng:
- Chị hai! Anh Tường Phương nếu có về Đài Loan nhất định đọc thấy mục nhắn tin này và thế nào cũng sẽ đến tận y viện tìm chị ngay.
Thu Trân nắm tay, nhìn em mỉm cười, tỏ ý cám ơn. Nàng thầm khấn nguyện Phật trời phù hộ cho Tường Phương bình an trở về Đài Bắc.
Nào ngờ, mục nhắn tin được đăng cả tuần rồi cả nửa tháng, nhưng vẫn không thấy Tường Phương tìm đến y viện gặp Thu Trân như chị em nàng kỳ vọng.
Như vậy, nghĩa là chàng không có về Đài Loan?
Thế từ ngày chấm dứt chiến loạn đến nay, chàng làm gì, ở đâu?
Tâm tư rối bời lên, nhưng Thu Trân vẫn gắng giữ vẻ bình thường và càng chăm chú vào công tác hàng ngày hơn nữa để cố quên.
Nàng ăn không biết ngon, ngủ rất ít, mà trong giấc ngủ lại thường thấy ác mộng.
Đêm nay, nàng chiêm bao thấy Tường Phương mặt mày đầy máu me, đang bị một lũ người hung ác điệu đi giết. Nàng kinh hoàng kêu cứu và giật mình tỉnh dậy, xuất hạng mồ hôi đầm đìa.
Xuân Châu cũng tỉnh giấc vội hỏi:
- Chị hai! chị lại thấy ác mộng! chị thấy chuyện gì mà sợ hãi quá vậy?
Thu Trân không thể nói thật với em – mà nàng cũng không muốn ác mộng trở thành sự thực – nên kiếm cớ cho qua.
- Chả có gì rõ rệt hết, chỉ thấy lăng nhăng ma quỉ, có lẽ do ban ngày làm việc mệt quá nên sinh ra như vậy.
- Em thấy sức khỏe chị sa sút lắm rồi đó. Hay chị xin phép nghỉ bồi dưỡng vài ngày, nghe? Thường ngày chị cũng chả đi đâu giải trí hết, để chủ nhật này em đưa chị ra ngoại ô du ngoạn cho thoải mái, nghen?
- Ồ! Sức khỏe chị vẫn bình thường, em đừng lo. Mà thôi, chuyện gì rồi sáng mai sẽ tính, bây giờ nên ngủ lại cho khỏe, kẻo nói chuyện hoài là bắt thức luôn đấy.
Xuân Châu đành không dám nói gì thêm.
Gian phòng lại trở vào bầu khônng khí trầm tịch giữa khuya.
Dù bảo em như thế, nhưng Thu Trân thật ra chẳng tài nào nhắm mắt được.
Hàng loạt câu hỏi "đáng sợ" không sao giải đáp được, lại dồn dập đùn lên trong tâm tư nàng.
Nếu Tường Phương chưa chết thì sao chẳng thấy tin tức gì hết? Chàng đã không còn trên thế gian này nữa chăng?
Nếu chàng bận việc gì thì còn cha mẹ, gia quyến hoặc bạn bè thân của chàng, cũng có thể thay chàng mà liên lạc tin tức với nàng chứ, sao cứ bằng bặc tăm hơi?
Nghĩ quanh nghĩ quẩn hồi lâu, tự dưng nàng khóc lúc nào không biết.
Không dè Xuân Châu cũng chưa ngủ. Chợt nghe tiếng chị thút thít, Xuân Châu liền kề đầu qua chung chiếc gối Thu Trân, băn khoăn khẽ hỏi:
- Lần này chị đâu có ác mộng, mà sao lại khóc? Chị hai! Chị đang thương tâm điều gì?
Không nghe chị trả lời, Xuân Châu lại nằm sát vào lòng Thu Trân, lau lệ cho nàng, hỏi khẽ:
- Chuyện buồn gì, sao chị hai cứ ôm ấp riêng chẳng cho em biết với? Dầu chị chẳng nói, nhưng em cũng đoán hiểu tâm sự u ẩn của chị từ năm sáu năm nay. Chị nhất tâm hy vọng một khi chiến tranh kết thúc, tất là ngày đoàn tụ với anh Tường Phương. Thế mà, cuộc chiến đã chấm dứt mấy tháng rồi chúng ta lại đăng báo nhắn tin hổm rày, nhưng vẫn chưa thấy tâm hơi anh Tường Phương, nên chị bi thương thất vọng, phải hôn?
Thu Trân vẫn lặng thinh.
- Chị hai, theo em thấy có hai trường hợp: một là vì còn bận, anh Tường Phương chưa về đến Đài Loan, hai là anh ấy có thể đã có vợ khác rồi. Với cả hai trường hợp ấy, đều không đáng cho chị phải thống khổ thương tâm làm gì. Nếu chưa về Đài Loan được ngay lúc này, thì rồi anh ấy sẽ có một ngày phải trở về. Bằng như anh ấy đã có vợ khác rồi, thì phần chị, cũng có quyền kiếm chồng, vì đúng ra chị đã từng làm đám cưới với anh ấy hồi nào đâu? Chị hai! do đó, em khuyên chị không cần khổ tâm làm chi. Em không xúi chị làm người vô tình, nhưng ít ra cũng có quyền từ bảo vệ bản thân một cách chánh đáng. Dù sao thì cuộc tình duyên của chị vẫn chưa có gì rõ ràng, không hề bị sự ràng buộc nào hết kia mà!
Thu Trân im lặng lắng nghe chớ chẳng phát biểu ý kiến gì cả.
- Chị hai! Chị đừng giận em ăn nói lỗ mãng nhé. Em khuyên chị như thế, cũng đâu phải xúi chị vô cớ bỏ rơi anh ấy. Thực tế, chị đã từng chờ đợi anh ấy bao nhiêu năm rồi. Bây giờ, chị vẫn còn trẻ, nếu nhận thấy có lý lẽ vững chắc, chị cũng có thể tiếp tục chờ đợi vài ba năm nữa, em vẫn tán thành. Nghĩa là, nói tóm lại, em chỉ mong muốn chị được yên tâm, hạnh phúc, chớ không đành nhìn chị buồn khổ. Em cầu xin trời phật, ban phép mầu, chuyển tất cả sự phiền não từ tâm tư, thân thể chị, qua hết cho em, em sẽ cảm thấy sung sướng mà được thay thế chị gánh chịu mọi điều gian nan, bất như ý.
Nói đến đây, Xuân Châu bỗng nghẹn lời, và khóc.
Thu Trân ôm em, sụt sùi:
- Chị xin nghe theo lời em khuyên, sẽ ráng bảo trọng thân thể. Em an tâm, có một em gái chí thiết cốt nhục như em bên cạnh chị đã cảm thấy an ủi lắm rồi.
Còn mấy hôm nữa thì mãn kỳ nghỉ hè. Thu Trân trao cho em số tiền cần thiết, để đóng học phí và sắm sửa các vật dụng nhập học, nhưng Xuân Châu lắc đầu:
- Em không định đi học nữa.
Thu Trân sửng sốt.
- Ô hay! Tại sao vậy?
- Vì chị đã quá tận khổ. Phần lớn số lương của chị đã phải tiêu vào những tốn kém cho em ăn học, em cảm thấy không đành. Chị càng ngày càng hốc hác, khiến em càng xót xa. ý em muốn, một mặt em đi làm, một mặt sẽ học thêm buổi tối. Nếu cả hai chị em mình đều có đồng lương thì ít ra mức sinh hoạt sẽ khá hơn, chị hai sẽ có điều kiện để bồi dưỡng cơ thể, ắt sẽ khang kiện trở lại.
- Coi! Sức khỏe chị vẫn khang kiện như thường chứ có sao đâu? Bốn mùa, tám tiết, em thấy chị có bệnh hoạn gì không? Còn như hơi gầy một chút, chẳng hề chi cả. Gầy, đâu phải là bịnh. Vả lại nữ giới chúng ta, nếu mập phì thì xem sao được?
- Chị nói vậy chớ... không được đâu! Vì em mà chị khổ nhọc quá nhiều, em không chịu nổi.
Thu Trân trầm hẳn sắc diện, có vẻ giận:
- Tại sao thình lình em lại nảy ý nghỉ học? Em nghĩ rằng chị lo không xuể tiền ăn học cho em chăng? Em cho rằng chị tiếc rẻ công lao với em chăng?
- Không phải thế đâu. Không đời nào em dám nghĩ như thế, đây chẳng qua là em muốn chia gánh nặng với chị phần nào...
- Nhưng em quên rằng đó là một chủ ý làm chị buồn phiền. Bất quản chị có tân khổ cách mấy, bất quản chị em mình có nghèo túng như thế nào đi nữa, chị vẫn nhất định muốn em phải học đến tốt nghiệp đại học. Xuân Châu, em là nguồn hy vọng duy nhất của đời chị, cũng là người thân thiết nhất, đem đến cho chị nhiều khích lệ, an ủi nhất... Vậy mà hôm nay tự dưng em nảy ý như thế, thật chị hết sức đau lòng...
Thu Trân nghẹn ngào ứa lệ. Xuân Châu vội ôm chị nức nở.
Một lát, Thu Trân vỗ nhẹ vào lưng em:
- Em! Mặc dầu về mặt vật chất chúng ta có phần thanh đạm thật, nhưng về tinh thần chúng ta lại dễ chịu, phấn chấn, nhất là suốt mấy niên khóa qua, em luôn luôn đứng ở ba hạng đầu, khiến chị vô vàn hãnh diện. Nếu em thật tình yêu thương chị, thì điều tốt nhất là em phải tiếp tục hăng say học tập, chớ sao lại có ý nghĩ bâng quơ, chùn bước?
Xuân Châu gục đầu vào vai chị, không thốt lời nào, cứ nức nở khóc.
- Xuân Châu! hãy vâng lời chị, đừng bi quan tiêu cực! Chị muốn rằng em cũng như chị, dầu gặp cảnh trạnh thế nào, cũng phải tích cực phấn đấu, đừng bao giờ ngã qui. trước nghịch cảnh.
- Chị hai em nguyện xứng đáng là em của chị.
Xuân Châu cố nín khóc, dùng tay áo quệt ngang nước mắt, mục quang long lanh sáng, đầy cảm kích, nhìn chị.
Thu Trân nhét số tiền vô túi em và ghé vào trán em, hôn một cái...
Đây là niên học cuối của Xuân Châu. Tức là hết niên khóa này, nàng sẽ hoàn tất chương trình đại học.
Thu Trân thường dọ thử ý em, xem khi tốt nghiệp đại học định sẽ làm gì. Xuân Châu muốn sẽ tìm một sở làm hợp xứng khả năng và hy vọng đồng lương sẽ khá, chừng đó, sẽ đề nghị Thu Trân nghỉ việc một thời gian dài, để bồi bổ sức khỏe, tìm sự thảnh thơi thoải mái. Vì lẽ, luôn hai năm nối tiếp rồi, tin tức của Tường Phương vẫn mịt mù bằng bặc, khiến tinh thần Thu Trân càng ưu sầu và quả nhiên cơ thể nàng vàng võ, gầy yếu thấy rõ.
Nghe tâm ý chân thành của em, lúc nào cũng quan hoài đến mình, Thu Trân lấy làm an ủi. Nhân thể, nàng lại nghĩ tới vấn đề chung thân của em.
- Còn về hôn nhân, em tính như thế nào? Dù sao em năm nay cũng đã hăm hai tuổi rồi, khi ra đại học, sẽ hăm ba, tưởng cũng nên quan tâm đến chuyện thành gia thất chứ. Theo chị thấy, đợi đến khi ra đời em mới nghĩ tới vấn đề lứa đôi, đặc biệt là ở cương vị một phụ nữ có bằng Đại học, có chức nghiệp cao như em, thực tế sẽ rất khó tuyển chọn được một người chồng như ý. Bởi vậy, chị nhắc lại đề nghị cũ, ngay lúc còn đang học này, nếu có bạn nam đồng học nào xứng đáng mà thực tâm yêu em, thì em cũng nên bắt đầu vun quén dần tình ái đi, để khi ra trường em sẽ kết hôn. Đó là một vấn đề thực tế, người con gái khác hẳn con trai, không thể để lỡ tuổi thanh xuân quý giá.
- Ý kiến chị đều hữu lý cả. Nhưng tại sao chị cứ lo chuyện hôn nhân của em, mà tự quên đi vấn đề chung thân hạnh phúc của chị? Nói tới hôn nhân, đáng lý phải bàn về chị trước, rồi mới tính đến em chứ. Chị vừa bảo rằng người con gái không để lỡ tuổi xuân quý giá, thế hiện nay chị đã hăm bốn tuổi rồi, chẳng lẽ chị còn đợi chờ anh Tường Phương một cách vô vọng, cả tám năm, mười năm nữa hay sao?
Thu Trân thở dài:
- Ngày nào còn chưa biết đích xác tin tức của Tường Phương ra sao, thì ngày đó chị vẫn không thể phụ bạc anh ấy được, bởi vì anh ấy là vị hôn phu của chị, chớ đâu phải chỉ là người yêu hay "bạn trai" thông thường.
- Nhưng nếu anh ấy đã có vợ con rồi, thì sao? Không lý chị cứ "thủ tiết" mờ mịt hoài?
- Chính vì chưa biết rõ nguyên nhân vì sao Tường Phương chưa trở về Đài Loan, nên chị mới kiên quyết giữ vẹn lòng yêu nhớ, đợi chờ... Mấy năm qua, nhờ theo đuổi nghề cán sự điều dưỡng, chị càng ngày càng thấm thía bổn phận yêu và giúp giữa con người với nhau, nên đâm ra say mê nghề nghiệp phục vụ bệnh nhân. Bởi vậy, cho dù chị với Tường Phương sẽ có ngày tương phùng hay không, đối với chị cơ hồ chẳng coi là gấp rút nữa, vì chị đã có sự an ủi vô biên trong nghề nghiệp, khả dĩ giúp chị đủ kiên nhẫn đợi chờ anh ấy bao lâu cũng được. Cũng do đó, chị thấy dự kiến của em là muốn khi em đi làm, chị nên nghỉ dưỡng sức ít lâu, tuy làm chị cảm kích lắm, nhưng chắc chị không thể rời bỏ công tác thần thánh ấy được đâu em ạ.
Xuân Châu trân trối nhìn chị reo lên:
- Chị hai! Chị vĩ đại, phi thường lắm!
Thu Trân mỉm cười:
- Ồ, chị chỉ mong làm một người con gái bình thường thôi, đâu dám tiếp nhận lời xưng tụng của em.
- Nhưng làm một người bình thường như chị không phải dễ. Em nghe nói, vẫn có không ít những cán bộ điều dưỡng, với cả các bác sĩ nữa, chẳng những không coi nghề nghiệp là một bổn phận thần thánh như chị nghĩ, lại chỉ thích làm khổ bệnh nhân thêm. Chị vĩ đại hơn họ nhiều.
o0o
Xuân Châu liến thoắng, lớn tiếng đề nghị:
- Bữa nay chủ nhật, cô hai không đi dạy học ở Cô nhi viện, chị hai cũng nghỉ, tưởng cả nhà nên đi chơi một chuyến, cho thoải mái. Chị hai! em đã bàn chương trình với cô hai rồi, ăn cơm trưa xong, chúng ta cùng đi Bích Đàm bơi thuyền nghe.
Thu Trân quay sang cô Hai:
- Cô hai cũng đồng ý đi Bích Đàm chứ?
- Hèn lâu rồi chẳng có dịp ra ngoại ô, hồi nãy Xuân Châu cao hứng đưa ý kiến đi Bích Đàm, cô cũng thấy thích, nên đã đồng ý, ha ha... mà lại đồng ý cả hai tay nữa.
Mặc dù thường lệ cô Hai vẫn đạo mạo, thân thiết với chị em Thu Trân, nhưng hôm nay, nàng nhận thấy ở bà có vẻ đặc biệt cao hứng, như trẻ hẳn lại mấy tuổi, khiến nàng không khỏi ngấm ngầm lấy làm lạ, vừa rất mừng. Lẽ dĩ nhiên nàng tán thành ý kiến Xuân Châu ngay.
Bữa cơm trưa hôm nay thật thịnh soạn, thức ăn nhiều và ngon hẳn hơn mọi ngày, dọn đầy cả bàn.
Thu Trân ngạc nhiên:
- Cô Hai, sao bữa nay chúng ta lại ăn sang thế này?
- Bữa cơm trưa này là do Xuân Châu chuẩn bị đấy. Tất cả các món đều do tự tay nó nấu nướng hết.
- Ái chà! Con ngủ ráng một giấc mà Xuân Châu đã trổ tài làm xong một "đại yến" thế này, giỏi thật.
Nguyên Thu Trân trực đêm thứ bảy ở bệnh viện, nên hầu như sáng chủ nhật nào nàng cũng ngủ đến hơn mười giờ mới dậy.
- Hồi sáng này, Xuân Châu thức thật sớm, thân hành xách giỏ đi chợ rồi về nấu bếp luôn, cô chỉ lặt rau xắt thịt phụ nó chút đỉnh thôi, còn thì nó làm ráo.
Thu Trân trố mắt ngó Xuân Châu:
- Cô bé! Ngần này thức ăn, không phải là ít tiền, cô bé nói thật đi, bộ trúng số hay sao mà cô bé xài sang vậy?
Xuân Châu cười dài, dựng mặt, giương mày:
- Trời đất! Chờ trúng số thì biết đời nào mới có tiền. Đặc biệt bữa nay em đãi cô Hai, đãi chị, là do tiền của em kiếm được đấy.
- Tiền do em kiếm được? Bằng cách nào?
- Đừng nóng, để em nói cho nghe. Tháng trước, em có mua xem một tạp chí phụ nữ. Mua chớ hổng phải đọc cọp hay mướn báo đâu nhé! Em thấy trong báo ấy có mở mục "Văn tuyển" đăng bài của bạn gái trẻ thích viết văn, có trả nhuận bút. Em mới viết một bài, được đăng ngay và em lãnh được hai ngàn đồng nhuận bút. Em dùng số tiền ấy tổ chức bữa ăn hôm nay, chánh yếu vẫn là mời cô hai và đặc biệt là để chị hai mừng cho thành tích đầu tiên của em kiếm được tiền.
Thu Trân thích thú rạng rỡ sắc diện, nhưng lại cảm thấy bâng khuâng:
- Chị rất mừng về thành tích ấy của em, song cũng nghe như em xài hơi sang. Sao lại cần phải đãi chị? Phải chi em để số tiền kiếm được bằng tim óc đó mà mua thêm một ít sách học thì càng có ý nghĩa, đúng thế không?
- Lâu lâu "ưu đãi" một bữa, cho nó thích mà. Chị hai đừng lo, em đã có con đường kiếm ra tiền rồi đấy, cứ viết là có nhuận bút. Các lần sau em sẽ mua sách.
Cô Hai vẫn quen coi Xuân Châu như đứa bé thơ dại, quên lửng đi cháu gái mình đã hăm hai tuổi, lại là nữ sinh viên sắp tốt nghịêp đại học, nên vọt miệng hỏi:
- Viết văn viết báo kiếm được tiền, phải là những vị từng trải sự đời, kiến thức quãng bác, chớ như con ăn tiền người ta đâu phải dễ?
Xuân Châu phưỡn ngực ra:
- Trời đất! Người ta đã mình cao năm trượng lưng lớn ba vừng thế này mà cô Hai cứ coi thường hoài. Để rồi con sẽ đọc bài của con cho cô Hai nghe, cũng khá lắm chớ bộ.
Dùng cơm xong, Xuân Châu giục Thu Trân sửa soạn lên đường, lại đích thân phụ lực trang điểm cho chị.
- Ồ, Đi chơi hồ bơi thuyền thì cần gì trang điểm tươm tất? Em khéo vẽ vời thì thôi.
- Con gái ra ngoài cũng phải điểm trang phần nào chứ. – Xuân Châu cười hóm hỉnh nhìn chị, lại tiếp - huống chi là giai nhân như chị mà không làm đẹp cũng uổng.
Cô hai bỗng bước vào buồng. Thấy chị em Thu Trân quấn quít bên nhau, mỉm cười mắng yêu:
- Hai đứa bây làm gì cũng đeo dính nhau như là sam không bằng. Tao sống đã gần sáu mươi tuổi rồi, mới thấy cái tình tỷ muội khắng khít như tụi bây là một. Mai kia mốt nọ, khi lấy chồng, phải xa cách nhau, tụi bây sẽ nhớ nhau đứt ruột cho mà xem.
Xuân Châu mau mắn:
- Cô hai không biết mới lo như vậy, chớ tụi con tính sẽ kết hôn chung một chồng, làm sao xa cách nhau được.
- Nói xàm!
Cô hai không nhịn được, cười ngất một hồi đoạn tiếp:
- Chừng đó, tao sợ tụi bây chẳng còn khắng khít thương yêu nhau nổi nữa, mà lại hóa thành kẻ thù truyền kiếp đấy.
Những năm trước Xuân Châu đã từng nói như vậy, Thu Trân không lấy làm lạ, vì bấy giờ Xuân Châu vẫn chưa biết sự đời bao nhiêu. Nay, lại chợt nghe em nhắc lại, tự dưng nàng cảm thấy lời nói như có một ý nghĩa đặc biệt. Nhưng rồi nàng lại nghĩ bất quá Xuân Châu vui miệng nói đùa với cô Hai cho vui, thế thôi...
o0o
Bích Đàm, một thắng cảnh nổi tiếng, cách Đài Loan vài mươi cây số, đáp hỏa xa chỉ nửa giờ là tới nơi, nếu đi xe nhà thì càng thuận tiện, vì đường giao thông rất dễ dàng. Du khách đều nhìn nhận, dù đến chơi Bích Đàm đến lần thứ mấy đi nữa, vẫn không nhàm chán, mà mỗi lần trở lại viếng cảnh cũ lại cảm thấy sự thích thú mới.
Hôm nay nhằm chủ nhật, lại đang mùa Xuân, nên du khách viếng Bích Đàm thật đông, dập dìu nam thanh nữ tú.
Ba cô cháu Thu Trân đứng bờ đê đá, nhìn ra xa xa là mặt hồ xanh biếc như tấm gương bích lục. Đối diện là dãy núi thấp chạy dài, với những ngôi nhà mái ngói đỏ chói, những túp lều vải đủ màu, nổi bật trên nền cây cối cỏ hoa đang độ xuân quang tươi tốt. Lại có mấy chiếc cầu đá, như những móng trời ngũ sắc, và du khách qua lại trên cầu trông tựa hồ đang bay lên cõi tiên.
Ngó lên mặt hồ, lềnh bềnh những chiếc thuyền tụ năm tụ bảy, hoặc xuyên dọc, lướt ngang tợ thoi đưa, thật ngoạn mục.
Xuân Châu đứng bên cạnh cô hai, cứ không ngớt trông tả nhìn hữu, dòm tới ngó lui, sắc diện đầy vẻ bồn chồn, hiển nhiên không phải đang ngắm thưởng phong cảnh, dường như chờ đợi, tìm kiếm ai vậy.
Thu Trân nắm cánh tay cô Hai:
- Chúng ta đứng mãi đây không thú bằng xuống thuyền ngoạn hồ.
Cô Hai và Xuân Châu tuy đầu gật, miệng nói là đồng ý với Thu Trân nhưng cứ đứng yên chẳng đi dâu hết.
Thu Trân lấy làm kỳ.
Thình lình Xuân Châu tách ra, vội vã đi như chạy về mé hữu.
Thu Trân nhìn theo, chợt thấy Xuân Châu đến trò chuyện với một thanh niên vận âu phục.
Cô Hai nói:
- Chắc Xuân Châu gặp bạn đồng học.
Cùng lúc ấy, Xuân Châu đưa thanh niên vận âu phục lại và giới thiệu đôi đàng, Thu Trân mới biết chàng thanh niên tên gọi Cao Gia Kỳ, là sinh viên bạn cùng lớp với Xuân Châu.
Cao Gia Kỳ tầm vóc cao cao, diện mạo khôi ngô, anh tuấn, thái độ thật văn nhã, lễ độ. Chàng chấp tay khom lưng ra mắt cô Hai, rồi gật đầu chào và hồn nhiên bắt tay Thu Trân.
Xuân Châu lên tiếng:
- Gia Kỳ, anh có hẹn với bạn bè, cùng đến du ngoạn ở đây chứ?
Cao Gia Kỳ lắc đầu và không hiểu vì lẽ gì lại hơi ửng hồng mặt.
Xuân Châu mau mắn tiếp lời:
- Tức là chỉ có một mình anh du ngoạn thôi? Vậy nhân tiện anh nhập bọn với chúng tôi, cùng bơi thuyền nhé?
- Ồ, hân hạnh! Vâng để tôi đi thuê thuyền ngay.
Vừa đáp chàng vừa nhanh nhẹn rời bờ đê đá tiến thẳng ra bờ hồ, chỗ cho thuê thuyền.
Thu Trân ngó em mỉm cười. Xuân Châu cũng nhìn chị, mỉm cười, nhưng nụ cười đấy hóm hỉnh.
Thu Trân hỏi:
- Em với Cao tiên sinh hình như đã thân nhau lắm?
- Đâu có! Đối với các bạn nam đồng học, ai em cũng coi như nấy, chả đặc biệt thân với ai cả. Anh chàng Cao Gia Kỳ này năm nay hăm mươi bốn tuổi, tức đồng tuổi với chị hai đấy. Trong trường, chàng ta học giỏi, lại có tư cách, nên em có ý muốn giới thiệu kết bằng hữu với chị.
- Ái chà! Nói vậy em cố tình rủ chị du ngoạn Bích Đàm bữa nay, là vốn đã có sẵn kế hoạch trước?
- Không! Đâu có! Chị đoán không đúng rồi. Chỉ bất ngờ gặp Gia Kỳ ở đây thôi.
Thu Trân ngó em mỉm cười và ngó sang cô Hai, bỗng nhiên nhận thấy bà đang cười khác thường. Nàng chợt hiểu ra.
- A! Con biết rồi! Vụ nầy cô Hai cũng biết trước. Cô Hai với Xuân Châu tính toán với nhau để đánh lừa con đây mà.
Cô Hai cười thật tươi, thật từ ái:
- Thu Trân, bộ giận lẫy hả? Sở dĩ cô đồng ý với Xuân Châu, vì nhìn nhận là em con thật tình quan hoài, yêu giúp con. Co còn có thể làm cái gì thấy là tạo được vui sướng cho đời con, thì làm ngay.
Lời của cô Hai khiến Thu Trân cảm động sâu xa. Nàng vội xiết chặt tay Xuân Châu:
- Em! Chị không trách em đâu. Em quá tốt với chị.
Xuân Châu rạng mặt nở mày:
- Cô Hai đã nói rồi đó, em cũng chẳng dám dấu nữa, thật tình là em đã có hẹn trước với Gia Kỳ, để giới thiệu làm quen với chị.
- Nhưng chị đã có vị hôn phu Tường Phương, chị không nên kết giao với nam bằng hữu thì hơn.
- Chị hai không nên vĩnh viễn chờ đợi anh ấy như vậy, tàn phai cả tuổi xuân. Vụ này em đã thỉnh ý cô hai và cô hai cũng có ý muốn chị nên nghĩ đến chuyện tái lập cuộc đời, dù sao chị đã hăm bốn tuổi rồi.
- Hăm bốn, thì đã sao? Chị chẳng thấy có gì phải vội vàng hấp tấp.
- Thu Trân! Con không nên cố chấp, kết giao với một người bạn thì có hề chi. Mấy lúc gần đây cô thấy con cứ ưu sầu, gầy héo, cô thật xót xa, nên nghĩ rằng con nên có bạn để thỉnh thoảng đưa nhau đi dạo, đàm đạo, cho khuây khỏa. Con thử nghĩ, từng tuổi như cô còn ham vui gì mà đến Bích Đàm này? Chẳng qua là vì Xuân Châu nó ngại, nếu cô không đi thì con cũng không chịu đi, nên nó yêu cầu đến cô...
Nghe chưa hết lời cô Hai, đôi mi Thu Trân đã trào lệ.
Xuân Châu nắm tay chị:
- Chị Hai! Dầu gì chị cũng làm vui hôm nay, cùng du ngoạn cho trọn vui, kẻo kẹt cho em. A kìa! Gia Kỳ đã thuê được thuyền, đang vẫy tay gọi chúng ta kìa, chúng ta đi thôi.
Thu Trân thoáng một chút nghĩ ngợi, bỗng thái độ tươi hẳn lên:
- Đi, cô Hai! Con cảm thấy rất cao hứng. Để con trổ tài bơi thuyền tài tình cho cô Hai xem nhé! Nào, đi Xuân Châu, kẻo Gia Kỳ đợi lâu!...
Điệp Khúc Màu Xanh Điệp Khúc Màu Xanh - Quỳnh Dao