Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Tác giả: Quỳnh Dao
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6850 / 43
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ười bảy tuổi, Thu Trân tốt nghiệp Sơ Trung.
Vóc dáng phát triển đầy đặn, cơ thể nẩy nở kiều diễm và trí tuệ, tâm tình cũng tăng trưởng, kể chung Thu Trân đã "thành nhân chi mỹ", đã là một "đại cô nương".
Xuân Châu tuy kém một tuổi rưỡi nhưng thể chất nẩy nở sớm, cũng cao lớn suýt soát Thu Trân.
Cả hai đều xinh đẹp duyên dáng hơn người.
Càng lớn khôn, chị em càng thêm thân thiết gắn bó.
Có lẽ vì thấy Thu Trân không còn khờ dại gì nữa, nhất là lúc nào cũng có Xuân Châu bên cạnh nên kế mẫu đâm ra dễ dãi đôi phần và chẳng mấy khi giở đến trò gậy gộc đòn vọt như trước.
Song le, như thế chẳng phải là hảo ý, mà bên trong nụ cười của bà ta lại chứa đầy gươm đao. Bà ta đang rắp tâm cắt ngang đường học vấn của Thu Trân.
Mùa khai trường sắp đến. Trong khi chị em Thu Trân nôn nao, hí hửng chuẩn bị nhập học cấp Cao Trung thì, một hôm, nhân bữa cơm chiều, kế mẫu cố ý gợi chuyện, hỏi thân phụ Thu Trân:
- Gần đây người bạn thân của ông có liên lạc thư từ gì với ông không?
Thình lình bị hỏi, thân phụ Thu Trân không hiểu là vụ gì, phải hỏi lại:
- Bà muốn nói người bạn thân nào?
- Thì là vị bằng hữu sui gia của ông chớ còn ai nữa.
- À... anh Lương Minh Đăng! Hai năm nay chẳng được tin tức gì. Từ ngày xảy cuộc chiến tranh Trung Nhật, mọi sự đi lại thư từ đều gián đoạn.
Sáu năm trước, Thu Trân đã từng nghe đến danh tánh Lương Minh Đăng, nhưng không có cảm tưởng gì đặc biệt. Giờ đây, chợt nghe nhắc lại, không hiểu tại sao quả tim nàng đập loạn lên. Đồng thời đôi má nàng cũng tự dưng đỏ bừng.
Xuân Châu có vẻ nhớ ra ngay câu chuyện "chỉ phúc vi hôn" thuở nọ, liền ngó Thu Trân, nheo mắt mỉm cười.
Bà kế mẫu lại lên tiếng:
- Nhà họ Lương ấy đã tính định cư lâu dài tại Thượng Hải, bằng không thì mấy năm trước đã trở về Đài Loan rồi. Như thế, xem chừng người ta chẳng tha thiết gì đến vụ chỉ phúc vi hôn. Nay cuộc chiến Trung Nhật lại kéo dài không biết tới bao giờ mới kết thúc. Nếu cứ phải gián đoạn liên lạc, phải chờ đợi hàng chục năm nữa thì sao? Chẳng lẽ bắt con Thu Trân nhà này phải đóng vai Hòn Vọng Phu, trở thành gái già lỡ thời?
Lời lẽ của bà ta thật khôn khéo, khiến không ai lường được là hảo ý hay ác ý.
Thân phụ Thu Trân trầm ngâm chẳng nói gì.
Bà kế mẫu lại tiếp:
- Theo tôi thì "chỉ phúc vi hôn" là một lệ tục, không thể áp dụng ở thế kỷ hai mươi này được, bởi vì nó vừa vô lý vừa kém văn minh. Ai đời, chỉ căn cứ vào hai cái bụng chửa mà hứa hôn bừa. Lấy gì bảo đảm? Hai trẻ khi lớn lên, liệu có vừa ý nhau không? Ái chà!... đủ thứ vô lý. Chẳng hạn như hiện giờ, Thu Trân với cái cậu Lương Tường Phương gì đó, chẳng hề biết mặt mũi nhau ra sao cả chớ đừng nói là tư cách, tính tình. Hai bên xa cách hoàn toàn, không ai hiểu ai tí ti gì hết mà cứ coi như là vợ chồng, thật đáng tức cười. Huống chi, cậu Lương Tường Phương nay đã là chàng trai mười bảy tuổi, nếu đã chọn người yêu rồi và không thừa nhận Thu Trân là vị hôn thê nữa, thì sao? Hừ... ông làm cha mà định việc hôn nhân cho con gái một cách hồ đồ như vậy ư?
Bị vợ cho là hồ đồ ngay trước mặt con cái, thế mà thân phụ Thu Trân chẳng chút bất bình. Dường như ông tự cảm thấy cái tuổi năm mươi của mình có bổn phận phải nhịn nhục, càng nhiều càng tốt, đối với bà vợ mới ba mươi ngoài tuổi cho yên cửa yên nhà. Ông chỉ ôn tồn biện bạch:
- Hồi đó, tôi làm sao biết trước được là anh ấy dời nhà sang Thượng Hải? Nhưng mà... không hề chi. Dù sao anh Lương Minh Đăng cũng là một người bạn tốt, nhất định giữ chữ tín. Anh ấy vẫn giáo dục con cái rất nghiêm. Tôi tin anh ấy không khi nào quên vụ chỉ phúc vi hôn này, cũng không khi nào để cho cậu Phương tự ý chọn người yêu... Bà khéo lo thì thôi, tuổi con Thu Trân hãy còn nhỏ, dẫu có chờ đợi năm ba năm nữa sẽ thành hôn cũng đâu muộn.
Kế mẫu hất hàm, nghinh mặt:
- Tôi hỏi ông, lúc ông với người ta chỉ phúc vi hôn gì gì đó, ông có nhận được một chút tiền bạc, vật dụng nào của người ta, gọi là làm sính lễ không?
- Ồ! Cần gì vấn đề đó. Tôi với anh Minh Đăng đã là chỗ kết bái huynh đệ, chỉ một lời hứa với nhau cũng đủ rồi.
Kế mẫu cười lạt:
- Chiếu theo lời ông nói thì cuộc hôn nhân ấy chả có giá trị, không nghĩa lý gì hết. Đã không có người mai mối, giới thiệu, cũng không có sính lễ, tức chẳng một nghi thức nào ràng buộc, thật y như một trò đùa.
Thu Trân tuy không dám nói ra, song quả tình cũng cảm thấy việc hôn nhân trọng đại mà tính sơ sài như thế thật là bất ổn. Nàng chỉ tán thành phụ thân một điểm, là nàng hãy còn trẻ, dù năm ba năm nữa sẽ bàn tới việc hôn nhân cũng chẳng muộn. Đúng ra, nàng không hề nghĩ đến chuyện kết hôn gì cả, mà tâm nguyện của nàng là tiếp tục được học, tốt nghiệp cao trung, rồi lên đại học. Nàng muốn có sức học khá, để dễ tự lập, chớ không thích ỷ lại vào người khác.
Nãy giờ, thấy phụ mẫu kém hòa hợp về chuyện của mình, Thu Trân chẳng an tâm, nàng lựa lời góp ý:
- Thưa ba má, xin ba má đừng bận tâm tới vụ đó làm chi bởi vì hiện tại điều cần ích nhất cho con là học tập, còn chuyện gì khác, xin thủng thẳng sẽ bàn sau ạ.
- Sao lại thủng thẳng? Con gái đã mười bảy, mười tám tuổi rồi, đâu phải còn nhỏ. Xưa nay, hễ con trai lớn thì phải cưới vợ, con gái lớn phải lấy chồng, lẽ đương nhiên như vậy. Nếu có chỗ xứng đáng, đàng hoàng, thì cô nên ưng người ta phứt cho xong, còn hơn bám mãi vào nhà này, thêm nặng gánh, nghe chưa?
Nghe qua lời kế mẫu, Thu Trân không khỏi đau xót, buồn tủi, vì rõ ràng bà ta coi nàng là một kẻ ăn bám, chỉ muốn gả phứt đi cho rồi.
Nàng toan nói mấy tiếng phản kháng, nhưng không dám, đành nuốt nghẹn, cúi đầu lặng thinh.
Nhưng Xuân Châu lại lên tiếng:
- Má! Sao má nói vậy? Chị hai ở nhà này là lẽ tự nhiên, chớ sao gọi là gánh nặng?
Kế mẫu lạnh lùng:
- Hừ, con gái lớn rồi mà lúc nào cũng dàu dàu cái bản mặt như đưa ma. Như thế, không phải có bất mãn, ta thán vì không được ăn ngon, không được mặc đẹp dó sao? Ai mà lo cho nổi. Tốt hơn nên đi lấy chồng, có bên chồng nó lo cho.
Thu Trân làm gan mở miệng:
- Thưa má, có lẽ má đã hiểu oan cho con rồi. Con chẳng bao giờ mơ tưởng ăn ngon mặc đẹp chi hết. Con chỉ mong có sách vở học, là đủ lắm rồi.
- Nhưng con gái không cần học cao. Bổn phận của phụ nữ là săn sóc chồng, dạy con. Người con gái nào lớn lên cũng phải lấy chồng, sinh con, thử hỏi cứ lo đọc cho đầy bụng sách vở kinh luân để làm gì, có phải là uổng tiền ăn học không? Nói thật đấy, ngay như con Xuân Châu, vài ba năm nữa, cũng cần kiếm chỗ gả chồng như thường.
Xuân Châu nhún vai, lắc đầu:
- Khỏi có chuyện đó! Con cho má hay, nếu không lên tới đại học thì dù má có chặt đầu con, thì cũng đừng hòng bắt con lấy chồng.
Được Xuân Châu nói lên thay cho lời của chính mình muốn nói, Thu Trân lấy làm hả dạ. Nào ngờ kế mẫu chẳng lý gì đến Xuân Châu, mà quay sang thân phụ nàng, hí hửng kể:
- Sáng nay, bà Tư ở nhà bên cạnh có đến nói chuyện với tôi về con Thu Trân. Bà ấy làm mai một chỗ rất xứng đáng, đàng trai là một người Nhật rất giàu, đang làm chủ nhiều cửa tiệm lớn; lại có địa vị cao trong xã hội đương thời... vừa rồi, vợ ông ta bị tai nạn hàng không, chết tan xác, nên ông ta muốn tục huyền, để có người phụ lực trông nom sự nghiệp.
Phụ thân Thu Trân hỏi:
- Đã lớn tuổi chưa? Đời vợ trước còn để lại đứa con nào không?
- Ba mươi tám tuổi. Dường như chỉ có đứa con trai bốn tuổi. Con Thu Trân nhà mình mà lấy được người chồng Nhật như thế là vô cùng vinh hạnh, rất có lợi cho nhà mình.
Thu Trân không ngờ câu chuyện lại đi đến chiều hướng như thế này.
Kế mẫu quan niệm có một ông chồng ngoại nhân dường ấy là vinh hạnh. Nhưng Thu Trân lại cho là điều sỉ nhục.
Nàng cắn chặt răng, nén tức giận, cố lấy giọng bình tĩnh:
- Thưa má, con hy vọng học đến tốt nghiệp Cao Trung xong, sẽ tính vấn đề hôn nhân.
Kế mẫu quắc mắt:
- Cô chê người ta lớn tuổi chớ gì? Cô ghen với đời vợ trước của người ta, phải không?
Thu Trân uất ức đến run cả tay chân lẫn tiếng nói:
- Không! Con không... không hề có ý đó.
Thấy Thu Trân sắp khóc, phụ thân nàng không đành lòng, liền can thiệp:
- Thu Trân mới mười bảy tuổi, lại còn đang đi học, đã có kinh nghiệm gì mà tự dưng về nuôi con nhà người ta đã bốn, năm tuổi. Không tiện đâu. Chuyện ấy hãy gác lại, thủng thẳng sẽ bàn sau.
Kế mẫu giở giọng đanh đá ngay:
- Ông nói vậy mà nói được ư? Thế hồi đó, lúc ông lấy tôi thì sao? Tôi mới mười chín tuổi, ông lớn hơn tôi những mười sáu tuổi, mà ông cũng chả giàu có gì, thế sao tôi vẫn ưng về làm vợ ông, lo nuôi cả con ông cho tới ngày giờ này? Bây giờ tôi đã cậy cục tìm được cho con Thu Trân gặp chỗ xứng đáng dường ấy, sao ông lại ngăn cản? Bộ ông cho là tôi làm hại nó chăng?
Tình thương cha trỗi dậy, Thu Trân chẳng nhịn được, nghiêm trang ngó kế mẫu, nói bằng giọng cương quyết:
- Thưa má, được má quan hoài đến việc tương lai đời con, con rất cảm kích. Thật ra, con không chê người ta lớn tuổi hay gì gì hết, mà chỉ nghĩ hơi khác má một điểm, nói ra xin má bỏ qua cho, là con không thích có chồng ngoại nhân, thế thôi.
Như bị tạt vào mặt gáo nước lạnh, kế mẫu Thu Trân nổi hung, vỗ bàn đánh "rầm" một cái, khiến chén dĩa ngã nghiêng, vừa chồm lên, la ó:
- Người ta tu chín kiếp, cầu có chồng ngoại quốc, giàu có, cho sướng cái thân, còn không được. Còn mày, mày là cái thá gì mà bày đặt chê bai? Nói! Nói cho trôi, mày là cái thá gì mà chê người ta, hả?
Thân phụ Thu Trân giận tái mặt, chân tay run lẩy bẩy, nhưng hình như không muốn chuyện bất hòa thêm rùm beng, ông gắng gượng ôn tồn khuyên:
- Bà làm gì mà dữ vậy? Bề nào cũng đang bữa cơm, hãy ăn xong cho vui vẻ cái đã, rồi chuyện đâu còn có đó, sẽ bàn thêm sau, muộn màng gì!
- Không có cái gì phải bàn thêm nữa hết. Nó là con. Tôi đã khổ cực nuôi nó từ nhỏ tới lớn, tôi có quyền định đoạt việc dựng vợ gả chồng cho nó. Nếu nó cãi lời thì mau mau cút khỏi nhà này, đừng có ăn hột cơm nào của tôi nữa.
Thu Trân ứa nước mắt, vì cố nén nhịn uất hận. Nếu không kịp nghĩ thương cha già, nàng đã đứng phắt dậy, sẵn sàng cho kế mẫu biết là nàng chấp nhận thoát ly gia đình và nàng sẽ ra đi lập tức. Nàng sợ gì; cùng lắm thì nàng đến ở với bà cô như tổ mẫu nàng đã dặn dò lúc lâm chung, chớ có bơ vơ đâu. Tuy nhiên, bấy lâu này nàng không đủ can đảm làm thế, vì không muốn gây cảnh thương tâm trầm trọng cho thân phụ.
Xuân Châu chẳng kiên nhẫn được nữa:
- Má! Không phải con có ý chống đối má, nhưng... con nghe sao kỳ quá. Theo con nghĩ thì mỗi người có một ý thích, không thể cưỡng bách vô lý được. Nếu má thực tâm thương yêu, lo lắng cho chị hai con, thì má cũng nên để cho chị hai con được bày tỏ ý kiến với chớ? Trái lại, má cứ khăng khăng ép buộc, là tại sao? Má cho việc lấy chồng ngoại quốc là vinh dự, nhưng tụi con không nghĩ như má. Riêng con, xin nói thật, con cũng phản đối, một ngàn, một vạn lần phản đối!...
Bị Xuân Châu dồn cho một hồi, bà ta vừa giận vừa thẹn, cơ hồ phát run. Nhưng Xuân Châu quả nhiên lợi hại, chẳng đợi bà ta kịp phản ứng, đã bồi thêm một đòn đúng vào chỗ yếu của bà ta:
- Má! Má khỏi nổi nóng, con hiểu ý má rồi, má sợ chị em tụi con ăn hại, hết cơm hết gạo nhà này đi, phải không? Được rồi, không sao đâu, tụi con đã có cách cho vừa bụng má!... Chị hai, chúng ta đi thôi! Chúng ta xin vô công xưởng, làm thuê dù dở gì cũng không đến nỗi chết đói!
Vừa nói, Xuân Châu vừa đặt chén đũa xuống, nắm tay Thu Trân kéo đứng dậy.
Kế mẫu Thu Trân không còn đủ sức giận dữ nữa, mà tự dưng ôm mặt khóc ròng.
Phụ thân Thu Trân lộ vẻ khoan khoái. Nhưng ông ta vẫn muốn cho yên cửa yên nhà, bèn ngăn giữ Xuân Châu lại và giả bộ trách mắng.
- Xuân Châu! Mới mười mấy tuổi đầu mà con đã bắt chước ai, ăn nói vô lễ. Má của con chỉ nói thế chứ đã ép buộc gì chị hai con đâu, sao con lại phản đối lăng nhăng quá vậy? Có mau xin lỗi má con hay không hả?
Xuân Châu lãnh hội ngay dụng ý của thân phụ, liền tuân lời, đến bên thân mẫu, tuy xin lỗi nhưng vẫn còn câu thòng đe dọa:
- Má! Con đã có lỗi, xin má nguyên lượng cho. Có điều, từ này về sau, yêu cầu má để yên cho chị hai với con cùng đi học, đến tốt nghiệp Cao Trung; nếu không thì... bất cứ lúc nào tụi con cũng có thể rời khỏi nhà mà tự do liệu lấy.
Bà ta không nói năng gì, cứ khóc, chứng tỏ đã... chịu thua.
Cảm thấy thương hại, Thu Trân nảy ý gỡ thể diện phần nào cho bà ta, nàng bước đến xin lỗi.
Nào ngờ bà ta bỗng ngẩng phắt dậy, vung tay tận lực giáng cho Thu Trân một cái tát như sấm sét.
Đau đớn thì Thu Trân có thể chịu đựng nổi, nhưng sự buồn tủi lại dâng lên, khiến nàng không còn làm cách nào hơn là chạy vụt vào buồng, nằm vật xuống giường, úp mặt vào gối, khóc nức nở.
Không biết đã trải qua bao lâu, đột nhiên Xuân Châu đến ngồi ở mép giường, âu yếm vỗ vỗ vai Thu Trân:
- Chị hai! Đừng buồn! Gặp hoàn cảnh này, chị ráng nhẫn nhịn cho xong...
Thu Trân choàng dậy, ôm chầm lấy Xuân Châu, đầy cảm kích:
- Em! Chị không biết nói sao cho vừa với lòng tốt của em đối với chị. Em đã vì chị mà dám đắc tội với má thì chị dù có nhẫn nhịn một chút, nào đáng gì.
Tự dưng Xuân Châu cũng đầm đìa nước mắt, nghẹn ngào:
- Chỉ hận là em còn nhỏ tuổi, nếu khôn lớn hơn, em nhất định không thể chấp nhận cái lối sinh hoạt nghẹt thở ở trong cái nhà này. Tất cả đều do má gây nên. Má càng thiên vị, cưng chìu em mà ngược đãi chị, khiến em càng xấu hổ, khổ sở! Thật chả hiểu nổi, trong nhà này có đông đảo gì cho cam, má đâu có năm bảy người con mà cứ đem dạ hẹp hòi đối xử với chị, sao chẳng lấy tình thương tạo yên vui chung?
- Có lẽ do má với chị không hạp tuổi. Mà thôi em ạ! Miễn có em bên cạnh, một người em gái thiện lương, nhân từ bác ái, một tâm hồn vĩ đại... là vô vàn an ủi cho chị rồi.
- Chị hai đừng nói vậy. Sở dĩ ngày nay em tương đối biết đạo lý làm người là đều nhờ chị cả. Chính chị mới vĩ đại, đã cảm hóa em...
Xuân Châu bỗng đổi buồn làm vui, đưa tay xoa lên má Thu Trân, nhoẻn miệng cười:
- Mặc dù bữa nay chị bị bả tặng cho cái tát trời giáng, nhưng kể ra chúng ta đại thắng lợi. Cái vụ bả lập tâm bán đứng chị cho ông phú thương ngoại nhân, cầm bằng như hư bột hư đường mà vãn sớm rồi; không còn phải lo ngại gì nữa. Ngoài ra, từ nay chị có quyền yên chí lớn, sẽ tiếp tục lên Cao Trung, học với em như thường.
- Xuân Châu! Cho tới ngày giờ này chị vẫn còn được cấp sách đến trường và trong những tháng năm sắp tới, chị lại được tiếp nối cuộc đời một nữ sinh, đều nhờ ơn em.
- Nhưng ngày giờ này em trở nên một nữ sinh tốt, là hoàn toàn nhờ ơn chị.
Hai chị em cùng cười mà nhìn nhau, trong khi lệ nóng vẫn chan hoà.
Thu Trân và Xuân Châu lại tiến thêm một quãng nữa trên đường học vấn, vừa trải qua niên khóa thứ nhất cấp Cao Trung, tức học xong lớp mười.
Thành tích về mọi môn học Xuân Châu đều theo gần bằng chị, cuối năm Thu Trân đứng hạng năm còn Xuân Châu đứng hạng bảy.
Thu Trân rất mừng cho em và cực lực khuyến khích:
- Niên học tới, lên lớp Mười một, em gắng lên tí nữa, hy vọng sẽ vượt qua chị đấy. Ráng nhé!
Xuân Châu bật cười, thật chân thành:
- Trừ phi chị cố ý xao lãng học, còn thì, bất luận như thế nào, em cũng vô phương qua mặt chị nổi.
Nhằm lúc thím Trương bệnh, xin nghỉ việc, kế mẫu Thu Trân nhất định không chịu thuê người làm mới, mà dồn tất cả gia vụ vào Thu Trân, bắt nàng phải chu toàn mọi công việc lớn nhỏ trong nhà.
May là nhà chẳng đông người. Thu Trân lại cũng khôn lớn rồi nên liệu lý các việc đâu vào đấy, không đến nỗi cực nhọc thái quá.
Gặp dịp nghỉ hè, hằng ngày Thu Trân làm xong hết công tác nội trợ, vẫn còn dư thì giờ để đọc sách, ôn tập bài vở và thêu thùa may vá. Gia dĩ, lúc nào cũng có Xuân Châu trợ lực, công việc càng chóng tươm tất.
Kế mẫu vẫn đi đánh bài suốt ngày, thành thử không rảnh để làm khó dễ gì Thu Trân. Đúng ra thì tự Thu Trân cũng chẳng có sơ xuất gì cho bà ta kiếm chuyện được. Mỗi khi bà ta từ sòng bài về đến nhà, là Thu Trân dâng trà tận tay, dọn cơm tận miệng và cả đến nước nôi tắm rửa, nàng cũng lo sẵn. Như vậy, so ra còn hơn thuê đầy tớ nhiều, bà ta còn đòi chi hơn...
Chiều nay, thân phụ Thu Trân từ phố trở về nhà với dáng điệu vội vàng, đầy hoan hỉ.
Ông lấy trong túi ra một phong thư, đựng một bức thư khá dài và bốn tấm ảnh, tươi cười bảo:
- Thu Trân, con lại đây xem thử cậu thiếu niên trong ảnh này, có anh tuấn không nào?
Thu Trân ngơ ngác như con nai vàng. Đầu óc nàng không khỏi suy đoán, phải chăng "anh chàng" Tường Phương của nhà họ Lương từ Thượng Hải gởi ảnh tới?
Tự nhiên nàng nóng mặt, đỏ bừng đôi má, rồi không dám bước tới xem ảnh nữa.
Xuân Châu đã nhanh chân sấn lại, cầm lấy tấm ảnh, ngắm nghía một hồi, bỗng vỗ tay nhảy choi choi như con chim sẻ, hỏi:
- Ba, đây là ảnh của Tường Phương, anh rể của con, phải không ba?
Phụ thân nàng gật đầu. Nhiều năm nay, nàng nhận thấy đây có lẽ là lần ông cao hứng nhất. Ông cười như hoa nở:
- Phải rồi! Tiểu nha đầu, mau đem lại cho chị con coi đi!
Xuân Châu nhăn mặt nheo mắt ngó Thu Trân một cái, vừa cầm tấm ảnh mang qua, nhưng khi Thu Trân mới vừa chìa tay ra, chưa kịp tiếp lấy, thì Xuân Châu bất thần rụt lại và ngoẹo đầu, cười khanh khách:
- Chị hai! Không được vội... bồ! Úi chu choa! Trông ảnh mà còn thế này, nếu là con người thật thì phong lưu anh tuấn biết chừng nào. Đúng là một mỹ nam tử. Chị phải hứa đãi em một chầu kem thì em mới cho xem.
Thu Trân bị em làm cho lỡ bộ, còn trêu ghẹo thêm, đâm ra thẹn chín người, đến hai vành tai cũng bừng đỏ. Nàng không biết đối đáp ra sao cho xuôi, chỉ có nước nhìn em gái mà cười trừ.
Phụ thân nàng cũng cười rộ, vừa la Xuân Châu:
- Tiểu nha đầu! Giỡn gì mà giỡn lãng vậy nè! Có mau đưa ảnh cho chị con hay không? Rồi ba đãi ăn kem, mặc sức mà ăn.
Xuân Châu lại làm bộ bước chậm chậm một hồi, mới đặt bức ảnh vào tay Thu Trân. Nàng phải "làm gan" cầm ảnh lên xem.
Đây là ảnh bán thân một thiếu niên mặc âu phục, đầu hớt cao, mặt mũi khôi ngô, tề chỉnh, mi thanh mục tú, vừa phong lưu tiêu sái, vừa hiên ngang khí khái.
Nói cho công bình thì bất luận người con gái nào cũng mong có người chồng anh tuấn cả, cố nhiên tâm lý Thu Trân không vượt ngoài thông lệ ấy. Cho nên, khi xem bức ảnh này, nàng không khỏi ngấm ngầm vui mừng. Nàng không ngờ vị hôn phu do việc "chỉ phúc vi hôn" lại là một chàng trai khí độ bất phàm như thế này.
Tuy nhiên, theo với nỗi vui mừng nàng lại cảm thấy man mác hoài nghi, buồn buồn, vì chợt nghĩ:
- Một thiếu niên anh tuấn có học như chàng lại có thể dễ dàng tán thành cuộc hứa hôn mơ hồ, mù mờ của cha mẹ. Đành rằng phụ mẫu chàng phải giữ đúng lời giao kết, nhưng phần chàng, liệu có thực tâm tuân theo hôn ước chăng? Néu chàng chẳng tán thành hay chỉ miễn cưỡng tuân theo, thì sao? Chàng đang sống ở một dô thị hoa lệ như Thượng Hải, lại là một sinh viên tuấn tú, dễ gì chẳng giao du với ít nhiều bạn gái cùng lứa tuổi, thiếu chi người đẹp và sang giàu? Nếu chàng đã có người yêu thì sao?
Thu Trân mãi thầm tự vấn đến quên lửng đi Xuân Châu hiện diện bên cạnh, đang chú mục nhìn nàng, trong khi nàng cứ sững sờ ngắm bức ảnh.
Xuân Châu bật cười ha ha, gọi lớn:
- Ba ơi! Ba coi chị hai con xem xong vị như ý lang quân rồi đâm ra tương tư, không chịu rời mắt khỏi tấm ảnh.
Thu Trân như sực tỉnh cơn mộng, hấp tấp đặt bức ảnh lên mặt bàn và nguýt Xuân Châu một cái để chữa thẹn.
Ngay lúc ấy, thình lình bà kế mẫu xuất hiện, hỏi:
- Chuyện gì mà Xuân Châu cười thích thú quá vậy?
Xuân Châu vốn ngay thẳng thật tình, liền lấy bức ảnh đưa cho bà ta và tươi cười khoe:
- Má! Đây là anh Lương Tường Phương, vị hôn phu của chị hai con, má xem, thật đẹp trai, có vẻ người lớn ghê chưa?
Bà ta coi ảnh một hồi, sắc diện dửng dưng chợt quay sang ông chồng, cất giọng lạnh lùng:
- Cái này là gì? Hình của ai vậy?
- Hôm nay tôi ra văn phòng công ty, nhận được thư của anh Minh Đăng từ Thượng Hải gởi đến, trong thư có kèm theo bốn tấm ảnh, chụp một kiểu, tức là ảnh này. Anh Minh Đăng cho biết đây là con trai anh ấy, cậu Lương Tường Phương năm vừa rồi đã tốt nghiệp Cao Trung, đang theo Đại Học Luật, năm thứ nhất. Anh Minh Đăng ngỏ ý muốn tôi cũng gởi ảnh của con Thu Trân đến cho anh ấy và gia đình biết mặt nhất là để đôi trẻ nhận thức diện mục nhau. Sau đó, sẽ cho phép hai đứa nó thường xuyên liên lạc thư từ, đặng tìm hiểu tánh ý nhau, xây dựng tình cảm dần dần.
Nói tới đây, ông càng rạng rỡ nét mặt, bật cười ha hả một loạt, lại tiếp:
- Tôi đã biết chắc mà, ai chớ anh Minh Đăng thì tín nghĩa chắc nịch, đã hứa cái gì là nhất định giữ lời. Anh ấy làm việc đều có phương pháp kế hoạch chu đáo, cứ từng bước, từng bước tiến hành không thất bại bao giờ!
Thu Trân xem chừng kế mẫu càng lúc càng lộ nét bất bình. Bà ta chỉ cười lạt chớ chẳng thèm nói một tiếng.
Phụ thân nàng đang cao hứng, không buồn để ý đến nét bất bình của bà ta, cứ thao thao:
- Về cái vụ người thương gia ngoại quốc cầu hôn Thu Trân năm ngoái, may là Xuân Châu ngăn cản được, nếu không thì không biết bây giờ tôi lấy lời lẽ nào mà giải thích cho trôi với anh Minh Đăng.
- Hả? Ông nói cái gì? Bộ ông cho rằng cái vụ hứa hôn kẻ chân trời người góc biển này là chắc chắn lắm sao? Hừ, nếu thực tâm giữ lời, sao người ta không thân hành đến đây, mà cứ mãi ngàn trùng đâu đâu, cả chục năm mới gởi một lá thư? Còn vị phú thương Nhật ấy, ai mà cần cưới con gái cưng của ông? Người ta đã có vợ khác rồi, vừa trẻ đẹp, hiền thục vừa giàu có. Ha ha... bộ muốn làm một bà chủ dễ lắm sao? Đi lạy người ta chưa chắc đã được.
Bầu không khí vui vẻ đang tràn đầy trong nhà bỗng trở nên u ám, nghẹt thở vì lời lẽ của bà ta.
Ánh mắt thân phụ Thu Trân long lên. Nhưng ông kịp nén cơn giận, cho đúng truyền thống "vui cửa vui nhà", nên chẳng nói gì hết, mà cứ rít liên tiếp hết hơi thuốc này tới hơi thuốc khác, nhả khói mù mịt.
Xuân Châu bực tức ra mặt, toan lên tiếng. Thu Trân vội láy mắt ra hiệu khuyên ngăn. Xuân châu không nói được, phải cắn chặt vành môi và mắt rơm rớm lệ.
May thay giữa cơn căng thẳng ấy, chợt có một bà hàng xóm đến rủ kế mẫu Thu Trân đi gầy sòng.
Nghe nói tới đánh bài, bà ta tươi rói ngay sắc diện và hăng hái đi liền.
Đợi bà vợ trẻ đi khuất dạng rồi thân phụ Thu Trân vung tay ném mạnh mẩu tàn thuốc, thở dài, dàu dàu:
- Không biết trái tim của bả bằng đá hay gỗ?
Xuân Châu lắc đầu, giọng chán nản:
- Chắc là bằng đất sét! Thật không tưởng tượng nổi!... Nếu không có bà khách kêu má đi đánh bài, chắc phen này thế nào má cũng đánh con vì hồi nãy, con nhịn hết kham, suýt tí nữa là đã nói hỗn rồi.
- Xuân Châu! Con thì nhân từ, lương ái, còn má con thì hẹp lượng, khắc nghiệt, ba thật không ngờ người đàn bà như thế lại sinh ra đứa con gái như con.
- Bởi vì con là con gái của ba!
Xuân Châu quả là một thiếu nữ thẳng thắn, hồn nhiên, đang buồn bỗng nhớ đến một chuyện, liền tười cười liến thoắng:
- Ba! Thôi đừng nhắc tới chuyện chán như cơm nguội đó nữa. Bây giờ tía con mình bàn về vụ chụp hình chị hai con, để gởi cho bác Đăng...
- Để ba viết thư hồi đáp, lấy mấy tấm ảnh của Thu Trân gởi kèm theo. Đơn giản như thế thôi có gì mà phải bàn tính?
- Ơ! Ba thiệt là lẩm cẩm! Hai năm nay chị hai con đâu có chụp hình, chẳng lẽ ba lấy hình cũ ba bốn năm trước mà gởi cho người ta? Chị hai con hiện giờ cao lớn như vậy, xinh đẹp như vậy, ba lại nhè lấy hình cũ gởi đi, không khéo người ta tưởng là một tiểu nha đầu nào, thì "kẹt" quá. Anh rể của con sẽ... khóc ròng đấy.
Ngẫu nhiên Xuân Châu đã nói trúng phóc tâm trạng Thu Trân. Vì mắc cở, Thu Trân không tiện đưa ý kiến, chớ thật ra nàng vốn đang băn khoăn điều đó, chẳng lẽ gởi ảnh cũ mấy năm trước cho vị hôn phu, coi "kỳ" quá.
Được Xuân Châu đề nghị hộ như thế, nàng vừa khoan khoái, vừa cảm động, nhưng chẳng biết nói sao cho ổn, chỉ đưa mắt hàm ý biết ơn nhìn em gái.
Phụ thân nàng kêu "ủa" một tiếng:
- Đúng! Có con tiểu nha đầu này nhắc, ba mới nhớ. Hay lắm! Bây giờ hai con mau vào thay đổi y phục, nhất là Thu Trân, hãy trang điểm cho đàng hoàng, rồi ba dẫn đi chụp hình ngay.
Thu Trân vô cùng hứng khởi, vì đã lâu lắm rồi, mới được cùng đi với ba ra phố. Nàng vội kéo tay Xuân Châu:
- Đi, em! Em phải theo "hộ tống" chị chứ!
Xuân Châu bỗng lắc đầu:
- Em khỏi cần đi. Em phải ở nhà, coi chừng nhà chứ.
Người cha già nua như bừng trẻ hẳn lại:
- Ấy! Xuân Châu cũng phải đi mới được. Ba phải cho chụp sẵn hình con, để mai kia mốt nọ có ai cầu hôn con, ba sẽ có hình mà dùng liền chứ. Nhà khỏi coi chừng cứ khóa cửa lại là xong.
Xuân Châu đi theo chị, vừa ửng hồng sắc diện quay lại nũng nịu:
- Con hỏng chụp hình đâu. Con hỏng thích nghe ai nói tới chuyện cầu hôn đâu!
- Cái gì cũng không chịu hết, nhưng chắc chắn là chịu ăn kem! Ban nãy con đã chẳng đòi Thu Trân đãi con một chầu kem là gì? Được rồi, hãy cùng đi, chụp hình xong, ba sẽ mời hai con đi ăn kem, rồi đi xem xi nê luôn. Chịu chứ?
- Ha ha! Hoan nghênh bốn tay! Vạn tuế ba!
Xuân Châu vỗ tay reo hò và kéo Thu Trân vào buồng thật nhanh.
Thân phụ Thu Trân bỗng gọi:
- Thu Trân! Con lấy tấm ảnh của Tường Phương mà cất giữ đi chứ!
Thu Trân còn đang ngập ngừng e thẹn thì Xuân Châu đã chạy trở lại bàn, lấy bức ảnh, dúi vào tận tay chị, rồi lại đưa nhau về buồng thay đổi y trang...
Điệp Khúc Màu Xanh Điệp Khúc Màu Xanh - Quỳnh Dao