Books are embalmed minds.

Bovee

 
 
 
 
 
Tác giả: Viktor Frankl
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: sach123
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 6 - chưa đầy đủ
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6908 / 834
Cập nhật: 2016-02-04 20:53:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ự thiếu ăn là mối quan tâm hàng đầu của các tù nhân, đó cũng là lý do của sự thiếu vắng yếu tố tình dục ở đây. Ngoài những tác động từ cú sốc ban đầu, suy dinh dưỡng có lẽ là lời giải thích duy nhất cho điều mà nhà tâm lý sẽ quan sát được trong các trại toàn đàn ông này: đó là, tỷ dụ như trại lính, thì ở đây hầu như không xảy ra các lệch lạc về tình dục. Ngay cả trong những giấc mơ, người tù dường như cũng không quan tâm đến tình dục, mặc dù các cảm xúc tuyệt vọng, cai đẹp hoặc các cảm giác hưng phấn vẫn thể hiện rõ ràng trong những giấc mơ.
Với phần lớn tù nhân, mọi nỗ lực của họ được dùng để chống chọi với cái đói, cái rét và để tập trung giữ lại phần da thịt còn lại đã khiến họ không còn quan tâm đến những việc không phục vụ cho các mục đích ấy, và điều này giải thích sự thiếu thốn tình cảm hoàn toàn của người tù. Trên đường vận chuyển từ Auschwitz đến trại Dachau, tôi đã có cơ hội nhìn lại mái nhà xưa yêu dấu của mình. Chuyến xe lửa chở chúng tôi - khoảng 2000 tù nhân - đi ngang qua Vienna. Vào khoảng giữa đêm, chúng tôi đi ngang qua một trong những trạm xe lửa ở thủ đô. Tàu sẽ đi ngang qua con đường có ngôi nhà đã gắn bó với tôi từ thuở lọt lòng cho đến lúc tôi bị bắt.
Trong khoang tàu chở 50 người chúng tôi có hai lỗ thông hơi nhỏ. Chỉ có đủ chỗ cho một nhóm ngồi xổm trên sàn, còn những người khác phải đứng hàng giờ liền, chen chúc quanh cái lỗ thông hơi. Tôi kiễng chân nhìn qua đầu những người khác qua chấn song cửa sổ và bắt gặp một cái nhìn kỳ lạ của thị trấn quê nhà. Chúng tôi cảm thấy mình đang đi đến gần cái chết hơn bao giờ hết bởi vì chúng tôi nghĩ rằng chuyến xe đang đi đến trại ở Mauthausen và chúng tôi chỉ còn một hoặc hai tuần để sống. Tôi có cảm giác kỳ lạ rằng mình đang nhìn những con đường, quảng trường và các ngôi nhà thời thơ ấu qua đôi mắt của một người đã chết, đang trở về từ một thế giới khác và nhìn xuống thành phố ma.
Sau nhiều giờ trì hoãn, xe lửa rời khỏi trạm. Và rồi xuất hiện một con đường - con đường của tôi! Những thanh niên đã ở tù nhiều năm xem chuyến đi là một sự kiện tuyệt vời, họ nhìn chăm chú thông qua cái lỗ thông hơi. Tôi khẩn khoản xin họ cho tôi đứng trước lỗ thông hơi một lúc thôi. Tôi cố giải thích việc nhìn thấy hình ảnh đó có ý nghĩa với tôi như thế nào. Nhưng lời khẩn nài của tôi đã bị từ chối một cách thẳng thừng với giọng điệu đầy chế nhạo: "Ông đã sống ở đây nhiều năm rồi sao? Vậy thì ông đã ngắm nhìn đủ rồi!".
Có thể nói rằng trong trại cũng có "sinh hoạt văn hoá". Trong đó, hai vấn đề được các tù nhân quan tâm nhất là chính trị và tôn giáo. Tình hình chính trị được bàn tán khắp nơi trong trại; các cuộc nói chuyện giữa các tù nhân chủ yếu xoay quanh các tin đồn. Tin đồn về tình hình chiến sự thường trái ngược nhau. Các tin đồn liên tục được truyền đi nhanh chóng và khiến nhiều tù nhân lo lắng hơn. Nhiều lần, những tin đồn lạc quan về việc chiến tranh sớm kết thúc đã thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng trong các tù nhân để rồi sau đó họ lại thất vọng não nề. Một vài người đã mất hết lòng tin vào ngày trở về, nhưng chính những người lạc quan là những người dễ bị kích thích vì những tin đồn nhất.
Niềm tin tôn giáo của những người tù - cho đến chừng nào họ còng giữ được niềm tin ấy - là điều chân thật nhất. Sự mộ đạo và sức mạnh trong niềm tin tôn giáo từ những tù nhân mới nhập trại khiến những người khác ngạc nhiên và xúc động. Ấn tượng nhất là hình ảnh những người cầu nguyện trong góc nhà, hoặc trong bóng tối của chiếc xe chở gia súc dùng để chở chúng tôi về từ chỗ làm việc xa, khi tất cả chúng tôi đều mệt mỏi rã rời, đói và lạnh cóng tron bộ quần áo rách nát của mình.
Vào mùa đông và mùa xuân năm 1945, dịch sốt phát ban bùng nổ, hầu hết mọi tù nhân đều nhiễm bệnh. Đa số những người ốm yếu đều không thể chống chọi lại căn bệnh, thế nhưng họ vẫn phải tiếp tục công việc nặng nhọc của mình chừng nào còn có thể. Không có đủ chỗ ở cho người bệnh, thiếu thuốc men và người chăm sóc. Một vài triệu chứng của căn bệnh cực kỳ khó chịu: bỏ ăn (triệu chứng này tất yếu càng đe doạ mạng sống của họ) và những cơn mê sảng. Một người bạn của tôi bị mê sảng nặng, đã nghĩ rằng mình sắp chết và muốn cầu nguyện. Trong cơn mê, anh ấy không thể tìm được ngôn từ để cầu nguyện. Để không bị mê sảng, tôi và những người khác cố gắng thức suốt đêm. Trong nhiều giờ, tôi tự tạo nên một bài diễn văn trong đầu. Cuối cùng, tôi bắt đầu tái cấu trúc bản thảo mà mình đã làm mất trong phòng tẩy uế ở Auschwitz, và nguệch ngoạc ghi lại những từ chính lên một mẩu giấy nhàu nát.
Thỉnh thoảng, trong trại có một cuộc thảo luận khoa học. Có lần, tôi đã chứng kiến một việc mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây, mặc dù nó gần với lĩnh vực chuyên môn của tôi: đó là lễ cầu cơ. Vị bác sĩ trưởng của trại (cũng là tù nhân) mời tôi tham dự bởi ông biết rằng tôi là một chuyên gia tâm lý. Sự việc này diễn ra ở căn phòng nhỏ trong bệnh xá. Những người tham gia quây lại thành một vòng tròn nhỏ xung quanh một viên sĩ quan từ đội vệ sinh.
Một người bắt đầu gọi hồn bằng một loạt thần chú nào đó. Thư ký của trại ngồi trước tờ giấy trắng, không có ý định viết gì cả. Trong suốt mười phút tiếp theo (sau khi buổi lễ bị gián đoạn vì không thể gọi hồn) cây viết chì của ông ấy bắt đầu vẽ những đường thẳng khắp mặt giấy thành chữ "VAE V". Cần phải khẳng định rằng người thư ký này chưa bao giờ biết chữ Latin và anh ấy chưa bao giờ nghe thấy từ "vae victics" - có nghĩa là "khốn cho kẻ thua trận". Theo tôi, trước đây anh ấy chắc hẳn đã nghe thấy những từ này một lần trong đời nhưng anh không để ý đến chúng, và "các linh hồn" ắt hẳn đã nắm bắt được các từ này (linh hồn ngự trị trong tiềm thức của anh ấy) vào lúc ấy - chuyện này xảy ra một vài tháng trước khi chúng tôi được tự do và chiến tranh kết thúc.
Bất kể tình trạng bị quản thúc về thể xác và áp lực căng thẳng về tinh thần, đời sống nội tâm của các tù nhân trong trại tập trung vẫn rất sâu sắc. Những người xuất thân là trí thức có thể cảm thấy rất đau đớn về thể xác (do thể chất ốm yếu), nhưng thế giới nội tâm của họ lại rất kiên cường. Họ thường có thể tự rút mình ra khỏi hoàn cảnh khủng khiếp xung quanh để đến với cuộc sống nội tâm phong phú và sự tự do về tinh thần. Chỉ có cách này mới giải thích được nghịch lý tại sao một số tù nhân trông bề ngoài yếu đuối lại có thể tồn tại trong trại tốt hơn những người cường tráng khác. Để làm rõ sự việc, tôi buộc phải nhớ lại trải nghiệm của cá nhân mình. Hãy để tôi kể điều gì đã xảy ra vào những buổi sáng sớm khi chúng tôi phải đi bộ đến công trường.
Tên lính hét vang hiệu lệnh: "Toàn đội, đi thẳng! Trái 2-3-4! Trái 2-3-4! Trái 2-3-4! Trái 2-3-4! Người đứng đầu bước sang trái, trái, trái, trái và trái! Cởi nón ra!". Những câu hiệu lệnh này vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Ngay khi hiệu lệnh "Cởi nón ra!" được thét lên, chúng tôi bước qua cổng trại, ánh đèn pha chiếu xuống đầu chúng tôi. Những ai không đi đều hàng sẽ bị đá. Người nào đội nón trùm tai lại cho đỡ lạnh trước khi được cho phép sẽ càng thê thảm hơn.
Chúng tôi dò dẫm trong bóng tối, bước qua những tảng đá lớn và đi qua nhiều vũng nước, dọc theo con đường dẫn từ trại. Bọn lính canh đi cùng không ngừng la hét với chúng tôi và hướng dẫn bằng báng súng. Bất cứ ai bị đau chân đều phải nhờ vào cánh tay của người đi bên cạnh giúp đỡ. Hầu như không ai nói câu nào; những cơn gió rét buốt không có lợi cho việc nói chuyện. Giấu đôi môi sau chiếc cổ áo dựng lên, người đi bên cạnh tôi bỗng thì thầm: "May mà vợ chúng ta không thấy chúng ta như thế này! Tôi hy vọng họ sống khá hơn ở trại của họ và không biết việc đang xảy ra với chúng ta".
Điều này khiến tôi nhớ đến người vợ thân yêu của mình. Chúng tôi bị dẫn đi hàng dặm, nhiều lần bị trượt té trên những chỗ đóng băng, mọi người giúp nhau đứng dậy và lại tiếp tục, tuy không ai nói gì, nhưng cả hai chúng tôi biết: mỗi người đang nghĩ về người bạn đời của mình. Thỉnh thoảng, tôi ngước nhìn bầu trời, những ngôi sao đang mờ dần và ánh sáng hồng của bình minh bắt đầu trải dài đằng sau những đám mây u ám. Những khi ấy, hình ảnh về người vợ yêu dấu chiếm trọn tâm trí tôi, tôi nhớ hình dáng của nàng, mường tượng đang trò chuyện cùng nàng, giọng nói của nàng dường như vang vọng đâu đây. Tôi nghe nàng trả lời, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt đầy khích lệ của nàng. Dù thức hay hư thì ánh mắt ấy nhìn tôi còn sáng hơn cả ánh bình minh đang hé rạng.
Một ý nghĩ loé lên trong tôi: lần đầu tiên trong đời tôi đã nhìn thấy chân lý mà loài người từ bao đời nay đã ca tụng qua những vần thơ, cũng là chân lý tối thượng của các bậc học giả, rằng: Tình yêu là mục đích cuối cùng và là mục đích cao cả nhất của nhân loại. Rồi tôi hiểu được ý nghĩa huyền diệu nhất trong các vần thơ, tư tưởng và niềm tin của nhân loại truyền lại: Linh hồn của con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu và trong tình yêu. Tôi hiểu được làm sao mà một người không còn gì trên thế gian này vẫn biết thế nào là hạnh phúc dù chỉ thoáng qua, đắm chìm trong suy nghĩ về người mình yêu thương. Trong lúc cảm thấy cô độc, khi không thể làm gì tích cực, khi điều duy nhất một người có thể làm là nhẫn nại chịu đựng thì nỗi nhớ về những người yêu thương là niềm hạnh phúc duy nhất của các tù nhân. Lần đầu tiên trong đời, tôi có thể hiểu được ý nghĩa của câu nói: "Các thiên thần chìm đắm trong suy tư bất tận về một chiến thắng xa xôi".
Phía trước tôi có một người bị trượt chân, khiến cho những người đi sau té nhào theo. Tên lính gác nhanh chóng chạy tới và quất roi vào họ. Vì vậy, suy nghĩ của tôi bị gián đoạn một vài phút. Nhưng chẳng mấy chốc tâm hồn tôi lại tìm thấy lối đi đến một thế giới khác, và tôi tiếp túc nói chuyện với người vợ thân yêu: tôi hỏi cô ấy vài câu, cô ấy trả lời; cô ấy hỏi lại tôi vài câu, và tôi đáp trả.
"Dừng lại!".
Chúng tôi đã đến công trường. Mọi người hối hả vào khu lều tối với hy vọng tìm thấy dụng cụ tương đối tốt. Mỗi người lấy một cái thuổng hoặc một cái cuốc.
"Lũ lợn chúng bây không thể nhanh chân lên được à?".
Chẳng mấy chốc chúng tôi quay lại vị trí làm việc trong hào của mình. Dưới mỗi nhát cuốc, mặt đất đông cứng bị nứt ra và toé lửa. Mọi người đều im lặng, dường như mọi suy nghĩ của họ đều bị tê cóng.
Hình ảnh về người vợ thân yêu chưa lúc nào phai mờ trong tâm trí tôi. Bỗng nhiên tôi chợt nhận ra: Tôi thậm chí không biết nàng có còn sống hay không. Tôi chỉ biết có một điều mà giờ đây tôi hiểu rất rõ: Tình yêu không chỉ gắn liền với sự hiện hữu của thể xác. Tình yêu tìm thấy ý nghĩa sâu sắc nhất trong tâm trí, trong chính nội tâm của con người. Cho dù người ấy có thực sự tồn tại, có còn sống hay không cũng không quan trọng.
Tôi không biết vợ mình có còn sống hay không, và tôi không có cách nào để biết được điều đó (trong suốt thời gian ở tù, các tù nhân không được trao đổi thư từ); nhưng điều đó cũng không quan trọng vào lúc ấy. Tôi không cần phải biết, bởi không gì có thể vượt qua sức mạnh tình yêu, không gì có thể chạm vào tình cảm thiêng liêng tôi dành cho nàng. Nếu sau này tôi có biết rằng vợ mình đã chết đi nữa thì tôi nghĩ điều đó cũng không quấy nhiễu bản thân tôi cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh nàng trong lòng tôi, những cuộc trò chuyện trong tâm trí giữa chúng tôi vẫn sẽ sống động, viên mãn. "Hãy khắc tên tôi trong trái tim của em, tình yêu cũng mạnh như cái chết".
Sức mạnh bên trong giúp cho người tù tìm thấy sự cứu rỗi trong nỗi cô đơn, trống vắng và buồn chán trước cuộc sống. Những lúc rỗi rãi hiếm hoi, trí tưởng tượng của người tù thường trở về sống với quá khứ. Những điều họ nhớ nhiều nhất không phải là những sự kiện quan trọng mà là những sự việc bé nhỏ, vặt vãnh. Không gian hoài niệm tô điểm thêm cho những sự việc rất đỗi bình dị ấy một ý nghĩa đặc biệt. Thế giới của những mảnh ký ức chắp nối ấy dường như rất xa xăm, và tâm trí phải cố hết sức mới có thể tái hiện chúng: Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh tôi đi xe buýt, mở cửa căn hộ, trả lời điện thoại và bật đèn. Suy nghĩ của tôi thường tập trung vào những chi tiết như thế, và những ký ức này có thể khiến tôi bật khóc.
Cuộc sống nội tâm của người tù có khuynh hướng sâu sắc hơn nên giờ đây cái nhìn của họ về nghệ thuật và thiên nhiên cũng khác trước - họ có một cảm nhận mà trước kia họ chưa từng biết đến. Nhờ đó mà đôi khi họ quên mất hoàn cảnh tồi tệ của mình. Nếu có ai đó nhìn thấy khuôn mặt của chúng tôi trên chuyến đi từ Auschwitz đến trại Bavaria, lúc chúng tôi đang nhìn qua những song chắn cửa sổ chiêm ngưỡng những ngọn núi ở Salzburg in hình trên nền trời lồng lộng ánh chiều tà, thì người đó sẽ không bao giờ nghĩ rằng đấy là khuôn mặt của những người đã từ bỏ hy vọng về cuộc sống và tự do. Cho dù điều đó là sự thật đi chăng nữa thì chúng tôi cũng không thể rời mắt khỏi khung cảnh thiên nhiên trước mắt, những cảnh vật mà bao lâu nay chúng tôi không còn được nhìn thấy.
Ở trong trại cũng vậy, một người có thể phát hiện và gọi người bạn tù làm việc bên cạnh cùng ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp khi mặt trời xuyên qua những tàng cây cao trong khu rừng Bavaria (giống như bức vẽ bằng màu nước nổi tiếng của hoạ sĩ Dürer) - nơi chúng tôi đã xây dựng một kho đạn bí mật khổng lồ. Một chiều nọ, khi chúng tôi đang ngồi nghỉ trên sàn của khu lều, mệt lử, trên tay là những chén xúp, một người tù vội vã chạy vào và gọi chúng tôi ra ngoài để ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Đứng bên ngoài lều, chúng tôi nhìn những đám mây u ám ửng hồng ở phía Tây và cả bầu trời sống động với những đám mây thay đổi hình dạng và màu sắc, từ màu xanh thép đến màu đỏ thắm như máu. Màu xám hoang tàn của khu lều trại hoàn toàn tương phản với hình ảnh rực rỡ của bầu trời phản chiếu trong vũng nước trên mặt đất. Sau vài phút lặng im vì xúc động, một người tù đã nói với người bên cạnh: "Thế giới này sao có thể đẹp đến thế!".
Đi Tìm Lẽ Sống Đi Tìm Lẽ Sống - Viktor Frankl Đi Tìm Lẽ Sống