What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2677 / 74
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
hờ Tám Nghĩa trưa hôm sau tôi gặp Nguyệt ở phòng thường trực. Kể từ ngày tái hợp Nguyệt trên Trường Sơn với hai ông bạn nhạc sĩ của tôi đến nay có trên ba tháng. Nguyệt cho tôi biết sau chuyên công tác phục vụ bộ đội trên đường dây, nàng về Bộ Tư lệnh Sư đoàn 330 xin đi Nam ngay. Nàng được đi con đường đặc biệt có nhiều quãng đi bằng xe hơi nên vào đến đây một cách bất ngờ. Bất ngờ nhất là nàng không có màu da xanh vàng bủn beo như dân Trường Sơn.
Bây giờ nảy ra trước mắt tôi rất nhiều chuyện phải giải quyết: Cưới hỏi? Chia tay? Chừng nào gặp? Nếu cưới thì chừng nào đi đồng bằng? Nếu ở lại rừng thì đóng đô ở đâu, bên này hay đem nàng về tiểu ban Văn Nghệ? Rồi ăn ở với nhau cách nào? Vợ chồng là điều mơ ước của tôi từ lâu, nhưng khi đụng vào thực tế thì cả một trời khó khăn. Đây tôi kể ra một vấn đề thôi: Cái mùng? Làm sao có được cái mùng và cái giường để vợ chồng ngủ với nhau. Chả lẽ lại treo võng nằm gần nhau thôi ư? Chẳng có ai yêu vợ trên võng cả. Tôi đã từng mục kích một anh Huyện ủy làm tét võng chết một cô bé ở Trường Sơn. Đá nhọn đâm gãy đốt xương sống ở lưng quần. Anh chàng dông mất bỏ cô gái nằm quằn quại rồi chết.
Ngoài cái mùng còn cái giường, ngoài cái giường còn cái nhà, ngoài cái nhà còn túi tiền. Cả hai đứa đều là vô sản hoàn toàn. Và nếu nàng có thai thì đẻ con ra ai nuôi. Tôi đã từng thấy hai cặp vợ chồng ở tiểu han Văn Nghệ. Nó không ra làm sao cả. Nhếch nhác, lãng xẹt!
Nhưng mà đã đến đây rồi, tôi không thể trở lui nữa.
Sau một ngày chờ đợi sự duyệt y của bên trên, tôi mới được Tám Nghĩa cho vào khu ngoài của Bộ Chỉ Huy và được phép mắc võng gần Nguyệt.
Ở khu này có khá đông người: Những cán bộ từ sơ cấp đến trung cấp từ Bắc vào đây nằm chờ đợi sự phân công của Bộ để đi các tỉnh hoặc các cơ quan.
Đúng như lời Tư Mô nói: “Ít nhất cũng phải ở chơi một tuần.” Nhưng vừa mắc võng gần bên Nguyệt là tôi đã thấy một tuần lễ không dài hơn một cái chớp mắt. Câu đầu tiên tôi nói với Nguyệt là:
- Chúng ta nên thành hôn em ạ!
Nguyệt làm thinh. Tôi không biết Nguyệt không đồng ý hay đồng ý, bền rấn tới:
- Có lẽ anh phải xin phép hoãn lại chuyến đi đồng bằng.
Nguyệt vẫn làm thinh. Tôi không biết phải nói gì nữa. Đang nhúm bếp nấu hai chiếc cà mèn cơm, Nguyệt quay lại nói:
- Rồi làm sao anh. Làm sao sống?
Làm sao sống?
Bây giờ tới lượt tôi làm thinh. Tôi nằm trên võng thò đầu ra nhìn những ngọn lửa nhảy múa dưới đít cà mèn. Quả thật nàng có những suy nghĩ giống tôi. Cuộc sống ở rừng, ngoài bom pháo ra còn một ngàn vấn đề khác phải giải quyết trước khi lấy nhau. Hoặc cứ lấy nhau rồi tới đâu hay tới đó. Vợ có bầu sắp đẻ, làm sao? Nhà bảo sanh đâu? Đi bằng cách gì để tới đó nếu có một nơi gọi là nhà bảo sanh như những cái chòt vịt trong kháng chiến chống Pháp chẳng hạn. Cuộc sống ở đây dã man không thể tả hết.
Tôi ngồi dậy để lấy một mớ khô nai mà Tư Đồ cho tôi bữa trước.
- Chúng mình ăn bữa cơm đầu tiên với nhau.
Nguyệt thút thít khóc. Tôi không biết sợ gì hết, chỉ sợ đàn bà khóc.thôi. Nàng khóc là vì sung sướng được gặp lại tôi hay vì sắp phải chia tay?
May quá vừa lúc “tắc nghẽn” tình cảm đó thì Lập và Sử tới.
Lập là nhạc sĩ nổi tiếng Hà Nội với chiếc clarinette. Anh ta chỉ thổi một tiếng “đô” là rúng động lòng người. Không có nhạc sĩ nào thổi tiếng “đô” bằng Lập. Nó nhỏ thó lại gầy, hai con mắt như hai trái dầu u. Cổ cao như cổ con cò ngảng. Không rõ người ở đâu. Còn Sử là bạn tôi từ lúc ở Cần Thơ, tôi làm trưởng tiểu ban Văn Nghệ và đã làm lời cho nhiều bản nhạc rất phổ biến của nó. Anh của Sử là Thanh Cao không về vì vợ đã lấy chồng trong Nam. Sử và Lập đều ở chung đoàn Văn Công với Nguyệt.
Thấy hai người tới, Nguyệt đon đả:
- Hôm nay tôi đãi anh Sử và chú Lập một món.
- Món gì?
- Thịt nai khô.
- Ở đâu mà chị có? – Lập hỏi.
- Anh Vũ mới kiếm ở đâu đó không biết.
- Vậy để tôi đi lãnh cơm đem lại hùn vô!- Nói vậy rồi Lập chạy đi.
Sử bảo tôi:
- Thôi, mày lo xong cho rồi. Đây là màn chót đó. Ông Cao ổng bảo tao vô nói với mày đừng có xụt xịt nữa. Già ngắt cả đám rồi! Nó vô đây là vì mày.
- Tao biết rồi. Nhưng mày tính, làm sao sống?
- Kệ mẹ! Trong chiến tranh ai mà tính trước được những gì sẽ xảy ra. Sống ngày nào hay ngày ấy. Bây giờ ở Hà Nội còn loạn xà ngầu lên kia, trong này thế mà khỏe hơn đó.
- Giỡn hoài mày!
- Tao về đây đâu có từ giã được vợ con. Mẹ con chúng nó di tản đâu lên Bắc Ninh Bắc Giang gì đó. Tao chỉ gởi ít chữ rồi đi.
- Thế cơ à!
- Ngay Bộ Tổng Tư Lệnh cũng đã rời khỏi Hà Nội.
- Mày bảo tao làm gì bây giờ?
- Làm cái gì thì tùy mày nhưng chuyến này nếu lôi thôi nữa là tại mày.
Sử nói thẳng với tôi trước mặt Nguyệt. Sử biết Nguyệt từ lâu và rất thương tôi. Hồi 1952 đã có lần Thanh Cao có ý định bắt em vợ ở Nữ Học Đường Sài Gòn về gả cho tôi, nhưng hồi đó tôi lại không muốn vợ con gì hết để nhẹ gót “lãng dư” theo kiểu Dũng trong Đoạn Tuyệt. Lãng bây giờ trở thành lãng nhách, du bây giờ thành du hí.
- Sao, Nguyệt tính thế nào? – Sử quay sang Nguyệt.
- Em đâu có tính sao. Mọi việc đều do ảnh hết cả.
- Đó thấy chưa. Tao sẽ vô báo cáo với tổ chức dùm mày. Rồi thì tiến hành.
Tôi bảo:
- Mày muốn làm gì đó mày làm.
Chúng tôi ăn bữa cơm khá thịnh soạn. Vì là đi đường đặc biệt, nên nhạc sĩ Lập còn mấy cặp lạp xưởng mang đi từ Hà Nội. Nguyệt còn nhiều ruốc thịt. Sử góp vào mâm cơm một mớ bột ngọt. Vừa ăn vừa nghe tin đánh máy bay Mỹ ở Hà Nội từ chiếc radio Lập mượn của bạn trong Bộ Chỉ Huy.
- Mai mày vẽ dùm tao cái khẩu hiệu nghe Lập!
Sử bảo.
- Khẩu hiệu gì anh?
- “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ.”
- Chà! Oai vậy hả?
Cơm xong Sử và Lập nằm võng của tôi và Nguyệt nói chuyện khào trong lúc tôi và Nguyệt đi xuống suối rửa gà -mèn và lấy nước lên nấu trà.
Tôi hỏi Nguyệt:
- Em còn giận anh hết?
- Em đâu có giận gì anh.
- Vụ cải cách ruộng đất, thành phần không cơ bản v.v… mà không giận à?
- Ôi thôi, ba cái vụ đó, bỏ đi anh ạ.
- Em hứa là không giận anh chớ.
- Cũng tại em một phần. Tự ái to quá, nên mới như thế đó.
Tôi thấy Nguyệt rất chân thành. Nếu không có ba cái vụ chỉnh huấn Cải cách Ruộng Đất, thì đã không có sự xích mích nhau vì thành phần… Cải Cách Ruộng Đất đã phá nát không biết bao nhiêu tình duyên cán bộ tiểu tư sản và địa chủ.
- Nay mai anh phải đi đồng bằng. Anh muốn có một tấm ảnh của em để đem về gia đình.
- Em đâu có máy ảnh.
- Anh có nhưng không còn. Khi anh đi qua khu 6, đói quá, anh đổi lấy nửa con chó ăn mất. Bây giờ cần thì lại không có.
- Máy ảnh mà đổi cho ai ở khu 6?
- Một ông nhà mình đổi được con chó. Anh ném cho ổng cái máy ảnh đi được ổng chia cho một nửa. Chịp! Lúc đó đổi tán đường hay lạng thịt anh cũng đổi. Nhờ thịt chó ăn liên tiếp mấy bữa và mớ thịt nạc làm ruốc mà anh băng qua nổi vùng Mã Đà. Để anh bảo thằng Lập vô trong đó tìm họa may có.
- Thôi anh ạ! Để em đưa cho anh cái ảnh của em.
- Anh muốn ảnh hai đứa kia chớ!
- Phải rồi nhưng không có thì làm sao bây giờ.
Chúng tôi trở lên với bốn chiếc gà-mèn đầy. Tôi thổi lửa đun nước. Lập chạy về lều lấy gói trà Ba Đình và gói mứt dừa mứt hột sen đem tới.
Sử nói:
- Bữa nay coi như đám tuyên bố của tụi bay luôn. Không cần phải có sự chứng kiến của tổ chức gì cả. Kể từ bây giờ tụi bây thành vợ chồng. Không có cặp tình nhân nào tiến tới vợ chồng gian nan và hằng chục năm như tụi bây vậy.
Nguyệt không nói gì. Nâng ngồi trông chừng lửa, không quay mặt lại. Lập rót một nắp gà mèn trà đưa cho nàng và nói:
- Em chúc mừng anh chị.
Sử lấy một nhúm mứt đưa cho Nguyệt:
- Ăn đi cô nữ sinh. Kẹo này là kẹo ngọt không còn đắng cay nữa.
Sử và Lập cũng làm vậy đối với tôi. Uống vài tuần trà, hai đứa từ giã ra về. Bây giờ tôi nghĩ tới chuyện làm một chiếc giường dã chiến, nhưng không có dao rựa bén. Với con dao găm Hàng Mã tôi không thể đốn nạng và số cây đủ để làm một chiếc giường. Cho nên tôi đi gom lá rải dưới đất rồi trải hai chiếc võng lên. Chiếc lều không có vách. Chúng tôi dùng hai cái mùng giăng khít nhau làm vách nhà. Tuy giăng hai chiếc nhưng chỉ một chiếc có người nằm còn chiếc kia bỏ trống. Tôi nhớ lần gặp Nguyệt trên Trường Sơn. Nhờ có bàn tay của thằng bạn dược sĩ mà chúng tôi có chỗ kín đáo để yêu nhau. Lần đó đã trở thành bước quyết định cho cuộc đời chúng tôi. Cái đêm vừa hạnh phúc vừa hãi hùng. Chúng tôi bị bom trộm suýt chết. Đại úy Mật đã hi sinh vì trận bom đó, không xa chúng tôi mấy.
- Em nhớ lần vừa rồi không?
- Em không nhớ gì khác ngoài anh. Kỳ đó trở ra đến Bộ Tư Lệnh, em xin đi vô với anh liền. Ban tổ chức cho ngay. Mấy ổng cũng biết vụ anh với em, nên trước khi em đi ông Xuân Ôn có gởi lời thăm anh. Ông Xuân Ôn ở phòng Chính Trị ấy mà.
- Ừ, ông ta học trước anh hai lớp, dân cùng quê.
- Với ông Dương Thông nữa.
- Dương Thông nào?
- Ông Phó ban Tuyên Huấn sư đoàn, người Bắc.
- Anh không ngờ em vô nhanh vậy. Nếu em vô trễ chừng hai tuần chắc chúng mình hết gặp nhau. Sẽ có chừng vài ba năm hôn nhau trên giấy nữa.
- Em ngại quá. Chúng ta sẽ sống cách nào?
- Thôi đừng tính lui, chỉ nên tính tới.
- Chừng nào anh đi đồng bằng?
- Đang chuẩn bị đi thì được thư em. Từ đây qua đó mà thư đi mất cả tháng.
- Em vô sau anh chỉ một tháng thôi.
Tôi hôn Nguyệt trên má và trên môi rồi chúng tôi ôm nhau. Chúng tôi sẽ thành vợ chồng đêm nay không có dè dặt không có nhín nhúc gì nữa. Câu nói của Sử và Lập đã xe duyên chúng tôi. Tôi cảm thấy không cần có mặt của tổ chức. Chính tổ chức đã phá suýt hỏng tình duyên của chúng tôi. Ôi cái thứ lập trường rởm!
Nguyệt không phản đối bất cứ cử chỉ nào của tôi. Tôi ngồi dậy cúi hôn hai bàn chân nàng và thầm thì:
- Hai bàn chân em đã đạp lùi những dãy núi đá tai mèo để đến với anh. Tôi hôn lên tóc nàng và nói: – Tóc em dù có trổ bạc như hoa rừng cũng sẽ mãi mãi đẹp như một bài thơ bất tận của anh...
Tôi không muốn nhìn quần áo hay bất cứ thứ gì che khuất thân thể chúng tôi.nữa. Da thịt của người con gái trên ba mươi tuổi thơm như hương rừng đọng đặc. Tôi ôm choàng lấy nàng. Nàng kêu lên khe khẽ:
- Anh! Anh! Em yêu anh!
- Anh yêu em, Nguyệt!
- Anh đừng giận em nữa nghe. Em xin lỗi anh.
- Không phải lỗi của em.
- Em không bao giờ yêu ai khác.
Tôi hôn môi nàng như uống những tiếng nàng vừa thốt vào trong hồn. Chúng tôi quấn riết lấy nhau. Những đầu núi nhọn, những con dốc trút người, những ngọn suối chảy như điên, những đói rét, những cơn sốt mưa, những chiều nắng cháy những ngọn gió Lào khét man rợ,… tất cả, tất cả đều tan biến trong đôi cặp môi của cô gái và chàng trai Trường Sơn. Chứng tôi sống ngoài trái đất không biết bao lâu.
Độ lúc nửa đêm, tôi bỗng nghe gió ù ù thổi đến. Nàng quay đầu ra lắng tai nghe rồi thầm thì:
- Gió to quá anh ạ!
- Bên em, anh không nghe gì hết! – Tôi càng ôm riết lấy Nguyệt và hôn lên hai đóa hoa lan liên tục.
Nàng vặn vẹo người và đưa tay sờ lên mặt lên cổ rồi đưa dài xuống ngực tôi.
- Anh với em ghi thêm một kỷ niệm nơi đây nhé? – Tôi thầm thì.
Nguyệt trả lời bằng một cái hôn môi rất dài rồi làm một cử chỉ hiến dâng hoàn toàn.
Tôi không ngờ tôi còn nhiều sức lực đến thế. Khi tôi vừa dứt khúc cuối cùng của bản nhạc tình ái thì Nguyệt lại thầm thì:
- Mưa anh ạ.
- Kệ nó. Mưa thì mưa.
- Lều của mình dột hết.
- Anh yêu em giữa mưa, giữa bão, giữa trời long đất lở.
Mặc cho nàng tỏ vẻ lo lắng, tôi vẫn cứ tiếp tục cấn thêm lên con đường hạnh phúc.
Bỗng mưa đổ rào rào trên lưng tôi. Nước trút như ai xối từ ngọn cây. Cả hai đều phải ngồi dậy. Nền đất ướt, rồi nước xâm xấp lớp lá khô. Mưa càng lúc càng to không phải một trận mưa thường. Chúng tôi ngồi đợi nhưng mưa đã không tạnh lại càng lúc càng to thêm.
Những cơn mưa như vầy tôi có lạ gì trên Trường Sơn, nên tôi vẫn phớt lờ, tỉnh khô. Tôi mò lấy trong ba lô ra những tấm ni-lông mà chúng tôi dùng làm áo che mưa dọc Trường Sơn, quấn quanh mình chúng tôi. Nguyệt như chú gà con rút vào cánh gà mẹ. Nàng rủ rỉ:
- Em ước được trốn mưa mãi như thế này.
Tôi hôn lên tóc lên má ướt đẫm của nàng. Chúng tôi ngồi, tay quàng tay nhau lâu lâu lại ngửa mặt nhau ra mà hôn, không thấy sợ sệt gì hết.
Hóa công bất chấp hạnh phúc của đôi trai gái rừng, cứ trút nước xuống mặt đất.
Bỗng Nguyệt kêu lên:
- Nước ngập hết rồi anh ạ!
Tôi lấy đèn pin bấm lên thì thấy những chiếc lá trôi lềnh bềnh trên mặt đất và mép mùng thì phập phều và nhòe ra những phẩm nhuộm xanh cả vùng nước.
- Để anh qua bên lều thằng Sử chút.
- Chi vậy?
- Coi nó có ni-lông dư không anh lấy đem về che thêm lều mình và mắc võng nằm.
- Ảnh làm gì có ni-lông dư?
- Nếu không anh bảo nó sang lều thằng Lập ở.
- Anh có đi thì mau lên. Ngồi một mình, em sợ lắm.
Tôi cầm đèn rọi trên mặt đất và lội lõm bõm. Đến nơi thấy Sử đang ngồi chong ngóc trên võng trong lều.
- Vũ hả? – Nó hỏi. Đi đâu vậy ông nội?
- Đi qua mày mượn một ít ni-lông về che lều.
- Nóc lều bay hết trơn rồi đâu còn tấm nào. Còn một tấm tao đang choàng đây, có lấy thì lấy. – Nói xong nó quăng tấm ni-lông cho tôi. – Tao đi qua ké lều thằng Lập.
Tôi chụp lấy rồi đi qua lều của thằng Lập. Tôi không ngờ là tôi đi lạc vì nước ngập không còn đường mòn. Tôi đi loanh quanh mãi mới tới lều của Lập để lấy thêm ni-lông.
Lập ở khá xa Sử, nên lúc trở về tôi lại đi lạc. Mưa vẫn trút ào ào. Tôi cố tìm lối về nhưng vẫn cứ đi lang thang. Chiếc đèn pin hết điện lu dần trong màn mưa dày đặc. Tôi cất tiếng gọi to nhưng không có tiếng đáp lại.
Sấm sét nổi lên trên đầu. Lưng trời rách ra bởi những tia chớp. Gió xoáy. Những ngọn cây quay ù ù như những cái đầu tóc của người điên.
Tiếng cây đổ ầm ầm. Một gốc cây to nằm ngổn ngang trước mặt. Tôi hoàn toàn mất hướng về. Tôi sốt ruột muốn về với Nguyệt ngay tức khắc. Tôi ân hận đã bỏ Nguyệt mà đi trong lúc giông gió. Dù có một ít kinh nghiệm ở rừng, nhưng tôi cũng chưa từng lâm vào cái cánh hãi hùng như đêm nay: lạc lối hoàn toàn.
Mãi đến lúc tạnh mưa tôi cũng vẫn không về được lều. Tôi bắt đầu thấy ánh đèn xa xa lấp loáng trong màn đêm. Đó là những toán an ninh đi cứu cấp. Họ biết trận mưa đã làm bật gốc cây rừng. Đã có nhiều người chết vì bị cây ngã đè. Tôi đã từng trông thấy một anh lính bị một nhánh cây gãy phóng ngay bụng như một lưỡi kiếm khổng lồ, trên Trường Sơn.
Toán an ninh đến gần. Tôi kêu cứu. Họ đi tới và chập sau chúng tôi về lều. Nhưng tôi đã không tìm ra chiếc lều hạnh phúc của tôi nữa. Loay hoay mãi lúc lâu tôi mới tìm ra gốc cây và dưới những nhánh cây khổng lồ, chiếc lều mong manh của chúng tôi nằm bẹp dí. Tôi thét lên:
- Nguyệt! Nguyệt!
Không có tiếng đáp. Một nhân viên an ninh trèo lên thân cây bò theo những nhánh cây mà đu người xuống đất. Từ trong những nhánh cây ngổn ngang, anh ta gọi:
- Chết rồi!
- Ai chết?
- Không biết ai trong này.
Tôi đứng lặng ngắt, không còn biết nói gì làm gì nữa. Phải đợi tới sáng người ta mới đem cưa đến cắt những nhánh cây để lôi xác Nguyệt ra. Nó bẹp dí như nghiền. Tôi không còn nhận ra Nguyệt nữa.
Năm tấm linh hồn đã qui tiên trong đêm mưa bão hãi hùng đó. Gã nhạc sĩ clarinette cũng chung số phận của Nguyệt!
Áo quan làm bằng thân nứa đập dập đan lại với nhau và huyệt mộ là cái hố dưới gốc cây bật rễ.
Tôi chôn người yêu ở nơi rừng đất nước người mà không còn một giọt nước mắt nào để khóc.
Nàng quyết chí về. Nàng đã đến. Hạnh phúc đã chụp bắt được. Nhưng chính nàng lại biến đi. Thành ra đến rồi cũng như không. Do đó tôi đặt tên cho tập hồi ký này cái tên “Đến Mà Không Đến” để kính viếng hương hồn Trương Thị Nguyệt, quê ở Cần Thơ. Cũng như tôi, nàng đã đến mà không đến.
Ba mươi năm tấm thảm kịch xảy ra, bây giờ ngồi viết thấy rõ lại như in.
Thế là trên đường Trường Sơn về tới R, tôi mất hai người yêu, người nào cũng suýt làm vợ tôi cả. Phương chết ở khu 5 tôi chỉ nghe Thiệp kể lại mà không thấy trước mặt, còn ở đây tôi nhìn tận mắt thi thể của Nguyệt bị đè bẹp dưới thân cây. Sọ đầu bẹp nát quến với bùn và tóc lầy nhầy. Phải mất năm sáu tiếng đồng hồ một tiểu đội công binh của Bộ Chỉ Huy mới cưa thân cây từng khúc và lôi xác nàng ra. Mới vừa là một người con gái xinh xắn mà bây giờ đã trở thành một vật kỳ cục nhìn mà phát kinh hãi. Ruột gan lòi cả ra hai bên hông, lưỡi thè ra một bên mồm và đôi chân nhừ nát, be bét máu me.
Thân cây đã ngã đè nguyên trên người nàng nên không bộ phận nào còn nguyên. Nhưng trong cái rủi có cái may: ở đây có một đội công binh xây cất nhà cửa và đào hầm hố, cho nên có sẵn dụng cụ cắt cây. Nếu ở tiểu ban Văn Nghệ thì phải mất một ngày mà chưa chắc đã đem xác nàng ra được.
Bạn thử tưởng tượng, trước đây một giờ, nơi đấy là giường cưới của chúng tôi. Bây giờ là mộ nàng. Còn nỗi đau đớn nào bằng?
Khi đem được xác nàng ra thì trời cũng hừng đông. Ở chỗ lều kia, một toán công binh khác cũng đã đem được chàng nhạc sĩ clarinette ra. Cây ngã đè lên mình nó như một ngọn roi to vắt ngang. Cái cây nhỏ hơn cây của Nguyệt. Lập không còn ngáp ngáp, mi mắt hết run run, còn tay chân đã tím xanh.
Kẻ mất hồn là Sử. Nó sắp chui vô lều thằng Lập thì cây ngã. Nó chỉ bị nhánh cây quất tét trán. Nếu hai đứa nằm chung võng thì nó sẽ lãnh nguyên thân cây với thằng Lập.
Nó với tôi đi đốn nứa vác về, chẻ ra rồi với sự chỉ dẫn của đội công binh chúng tôi đan thành những tấm liếp rồi ghép lại thành chiếc hộp nứa thay cho hòm. Xác của Nguyệt nát ngớu mềm nhũn. Tôi phải lấy tay hốt những mảnh phổi văng ngoài đất cho vào tấm ni-lông rồi gói lại..
Xong, bốn đứa nắm bốn góc nhấc lên để lọt vào lòng chiếc hòm rồi đậy nắp, ràng bằng dây mây.
Tử đâu táng đó: nơi nàng vừa hưởng hạnh phúc cũng là nơi nàng thọ nạn. Tôi và Sử đắp mộ cho hai kẻ bạc mạng. Xong lại đẽo cây làm mộ bia. Tôi dùng cái lưỡi dao công binh mà khắc có một chữ “N” trên gỗ tươi.
Không có nhang để đốt trên mộ cho ấm lòng người chết. Cũng không có một đóa hoa. Sau cơn bão, tất cả đều điêu tàn. Tôi còn ở đây làm gì nữa. Đi cho khuất mắt.
Tôi thầm nhủ:
- Thôi, nằm đây em nhé. Anh đi! – Miệng run run nói mà chân đi không đành.
Gia đình nàng có hai chị em. Chị tên là Loan, có chồng là y sĩ trong kháng chiến. Chị Loan thương tôi lắm. Chính chị đã xe sợi tơ duyên cho chúng tôi. Khi ra miền Bắc, chị thấy chúng tôi tự ái rồi chia tay, chị buồn nhưng không biết làm gì để hàn gắn. Tự ái giai cấp thì khó mà dẹp được. Thành phần bóc lột.
Khi tôi vác chiếc xe đạp trở ra đường lớn thì gặp Tư Thêu. Hắn cũng đang đánh xe bò không về hướng cơ quan tôi để ăn gạo. Hắn hay mọi chuyện bên trong Bộ Chỉ Huy. Hắn chỉ thở dài rồi ném chiếc xe đạp lên xe bò.
Tôi ngồi nghe bánh xe lăn nghiến mà đứt từng đoạn ruột. Có ngờ đâu một chuyện lạ lùng như vậy lại có thể xảy ra. Mà lại xảy ra cho tôi. Rốt cuộc cưới vợ rồi vẫn không có vợ ngay sau đó. Tôi không còn ham muốn gì nữa. Nhưng vẫn phải về cơ quan để đi đồng bằng. Cứ chốc chốc tôi quay lại ngó cái ngàn cây um tùm mỗi lúc một xa dần.
- Thôi, em nằm đấy nhé. Anh phải đi. Anh sẽ trở lại xây mộ cho em!
Tôi biết chắc chắn là tôi không đời nào còn có dịp trở lại đây nữa mà miệng thì nói thế để tự an ủi mình và vỗ về linh hồn người xấu số.
Trên đường Trường Sơn tôi cũng đã chôn một thằng bạn đồng hành với tôi và cũng hứa như thế. Tôi cũng đã gặp những cái xác chôn vội bên đường không biết thuộc đơn vị nào. Giải phóng Miền Nam là một sự hi sinh quá đáng, vô ích nữa. Những cái chết thấy mà thương tâm. Dù có chết, người cán bộ hoặc chiến sĩ không phải chết như vậy. Con cái gì của họ mà họ thương xót?
Đến chỗ rẽ, Tư Thêu dừng xe, nhấc chiếc xe đạp bỏ xuống đất cho tôi rồi bệu bạo nói:
- Thôi, anh đi nhé.
- Ừ, tao đi. Mạnh giỏi nhé.
Hai thằng đàn ông ôm nhau khóc. Nó khóc thay cho tôi.
Và đến bây giờ tôi mới khóc được. Khóc cho nàng và khóc cho tôi.
Khóc trong hờn đau. Hai khoé mắt như hai hốc suối cạn.
Đến Mà Không Đến Đến Mà Không Đến - Xuân Vũ Đến Mà Không Đến