Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2677 / 74
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
hiều hôm đó, chúng tôi đến với tư cách đại biểu chính thức của tổ văn là tổ đứng ra tổ chức buổi tiễn đưa này. Theo qui định của anh Hai Lý thì mỗi đại biểu đều mang khẩu phần thường lệ của mình đến bữa tiệc. Giữa nền đất trơ khấc là hai cái nồi, nồi cháo loãng như Biển Hồ, trên mặt lềnh bềnh mấy vệt mỡ vàng nhạt lấp lánh mặt trời chiều không có tí hành nào bập bềnh biểu hiện tư tưởng bấp bênh của cán bộ trong lúc này.
Còn chú gà luộc thì có lẽ tự biết bản thân mình quá bé bỏng trước miệng những con hổ đói nên lẩn tránh đâu đó. Đây là con gà tự túc còn sót lại của tiểu ban: Ba con trước, một con bị chồn tha, một con phải hy sinh cho bữa người ốm cần bồi dưỡng, một con thì lại sầu tình cứ đứng cú rũ nên tiểu ban quyết định xử trảm sớm để ăn thịt tươi trước khi nó chết. Còn con có khả năng sản xuất trứng mà tôi là một trong những người được hưởng hôm mới về đây, thì được vinh dự hi sinh cho buổi tiễn đưa quan trọng này...
Mỗi người đưa bát lại cho anh nuôi múc cháo và bỏ vào đó một tí thịt có thể để dành ngửi như dầu Nhị Thiên Đường chứ không phải để ăn.
Đối tượng được đãi tiệc hôm nay là nhà báo Thép Mới cũng nhận lãnh số cháo và thịt y như mọi thực khách, không hơn không kém.
Phải nghĩ rằng có những người trong tiểu ban không được hân hạnh đến dự buổi tiệc này thì mới hiểu được giá trị của bát cháo thịt. Có người húp cháo “nguyên chất” để tìm lại hương vị của nó ngày xưa ở vỉa hè SàiGòn hoa lệ hay thời đi học ăn sáng: bát cháo gà có rau ghém bắp chuối. Nhưng có những người cho rằng ăn như thế là phí. Nên trộn cơm nhà bếp vào mà lua. Như vậy cũng vẫn biết mùi cháo đồng thời no bụng hơn là húp cháo rồi ăn cơm hai phần rời ra.
Hình như không ai nghĩ đến việc phát biểu cảm tưởng đối với cuộc từ giã của đồng chí mình. Nó không có ý nghĩa như cuộc sang Tần mạo hiểm của Kinh Kha, nhưng kể ra nó cũng nguy hiểm lắm.
Đồng chí Thép Mới nhà mình vào đây chưa quá ba tháng nhưng vì là Bêka nên Bộ Chỉ huy (toàn là dân Ba kê) ưu đãi đặc biệt. Lệ thường nhà văn nhà báo của R đi công tác thì cứ đi như dân thường, không có cần vụ bảo vệ gì cả, nhưng Thép Mới đi thì có “gạc-đờ-co” và bây giờ trở về Hà Nội thì ba-lô của đồng chí đầy những vải vóc đồng hồ, bút máy và các thứ xa xỉ phẩm khác của Bộ tặng hoặc các đồng chí ấy nhờ mang về cho gia đình ở ngoài xứ mạt rệp Bắc Kỳ.
Không phải một ba lô mà cả chục. Một tiểu độ giải phóng quân, mỗi người đeo một ba lô đầy ém. Đó cũng là công tác cách mạng chớ sao. Những thứ này được nhân viên công tác thành mua ngoài Sài Gòn chuyển vô đây qua đường dây cách mạng đấy ạ. Nhìn đồng chí Thép Mới đi, tay chống gậy, lưng còng xuống vì chiếc ba lô quá nặng, anh em xì xầm với nhau: “nhà báo bị gậy thật vinh quang.”
(Có lẽ vì chuyên công tác chí công vô tư này mà sau này trung ương không tín nhiệm Thép Mới nên đã xách chóp hai tên Hồng Hà và Hà Đăng qua đầu y vứt vào Ban Chấp Hành Trung ương đó chăng?)
Tư Mô không đến dự buổi tiệc bi đát này. Thấy tôi cầm chén không trở về, anh hỏi:
- Xong rồi hả?
- Xong rồi!
- Lo ba cái lương khô để sửa soạn hạ san! – Tư Mô bảo – Vô đây coi bản đồ để thấy đường đi.
- Ở đâu mà anh có?
- Ở đâu có thì thôi, không nên hỏi.
Đi trên đường Trường Sơn, giao liên bảo đi đâu đi đó, bảo đứng thì đứng, bảo nằm thì nằm, không hề biết thắc mắc cũng không hề hỏi đi đâu, bữa nay là lần đầu tiên tôi được xem tấm bản đồ lớn có rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt. Anh trải dưới đất. Mới nhìn vào tôi tối tăm mày mặt, phải nhờ anh chỉ mới dần cảm nhận ra.
- Đây là vùng Tam Biên. Đây là những buôn của dân tộc ít người. Chú phải đi qua các tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng, băng qua sông Đồng Nai Thượng hai lần mới tới Đồng Nai Hạ, vượt qua một dãy núi tới suối Mã Đà. Mã Đà Sơn Cước anh hùng tận là ở đây! Nó nằm ở giữa tỉnh Long Khánh và Phước Long. Dân Nam Kỳ mình bò tới đây là kiệt sức, chỉ còn lết chớ đi hết nổi. Nhiều người nằm luôn tại đây. Nghỉ dưỡng sức ở đây rồi lại phải băng qua sông Bé thuộc tỉnh Bình Long lội qua sông Sài Gòn đi hết bề ngang của tỉnh Tây Ninh. Đây là Kà Tum. Đây là Cầu Cần Đăng. Lúc chú về ngang chiếc cầu còn đó không?
- Sập rồi.
- Hiện mình đang ở đây, trên xứ con Mên. Hễ có động tịnh là vọt vô sâu nữa.
Tôi nhìn lại con đường mà ớn cho cặp giò. Vậy mà vẫn lội suốt.
- Bây giờ mình phải đi dọc sông Vàm Cỏ Đông. Có lẽ phải qua cả Vàm Cỏ Tây nữa. Lội băng hai tỉnh Kiến Phong Kiến Tường tức là Đồng Tháp Mười, qua Mỹ Tho rồi mới đến tỉnh mình. Còn cả chục con sông phải qua, vài ba khúc lộ Đông Dương phải vượt.
- Tôi tưởng về đến R coi như là tới nhà chớ!
- Chưa đâu chú em. Còn lội tóe phở ra đấy. Coi trên bản đồ thì chẳng mấy gang tay nhưng ngoài thực địa thì vạn lý trường chinh. Mấy cậu đi miền Trung miền Tây về nói lại, găng lắm, không có dễ như hồi kháng chiến trước đâu. Đi rồi sẽ biết. Bây giờ thì phải chuẩn bị cặp giò. Ở Trường Sơn thì núi đá tai mèo, mang dép cao su leo được, nhưng ở đây dép cao su thọc xuống là dính luôn. Ở Đồng Chó Ngáp, biết không? Củi tràm lục dưới bùn đâm thủng gan bàn chân.
Tôi ngán ngẩm vô cùng. Đường về quả là khó khăn.. Đến đây chỉ mới nửa đường. Nhưng chẳng lẽ lại không về. Không về thì vượt Trường Sơn làm cái gì? Bao nhiêu người bỏ mạng trên đỉnh Trường Sơn, bên bờ suối Mã Đà, giữa dòng sông Bé cũng là vì một chữ “nhà” – Về Nhà – chứ nào có phải vì lý tưởng giải phóng giải phiếc gì. Ngoài ra còn có một lý do khác, chán ngán ê ẩm cái xã hội chủ nghĩa quái gở. Có phải vậy không? Ba trăm ngàn hồi chánh viên trong đó có trên một trăm ngàn người Bắc, còn lại là dân Nam Kỳ tập kết hoặc dân giải phóng Nam Kỳ tại gốc – ngày nay sống rải rác khắp trong nước và ở nước ngoài, hãy xác nhận điều tôi nói. Riêng tôi tôi đã chán đến cùng cực cái xã hội mọi rợ do một lũ ngố dựng lên. Ai về được sẵn sàng về, như thoát địa ngục, ai không về được thì ráng ở lại chờ. Chẳng có quyến luyến chút nào với cái gọi là xã hội chủ nghĩa.
Một hôm tôi nằm buồn bèn đi theo một cậu thanh niên lao động đến địa điểm của tiểu ban Văn Nghệ để tìm sách đọc. Sách đây là sách “phản động Sài Gòn.” Người có “trách nhiệm” mới được quyền mó tới nhưng vì trong lúc loạn lạc, cái kho sách chẳng còn ai trông nom nên mạnh ai nấy tìm đọc. Trước khi tôi về, tiểu ban Văn Nghệ R đã bị một trận B52. Khi tôi về đến R thì được biết ông Trần Hữu Trang, thường được gọi là bác Tư Trang, chủ tịch hội Văn Nghệ Giải Phóng, ủy viên trung ương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Nguyễn Hữu Thọ đã chết trong trận bom B52 đầu tiên. Ngoài ra còn có bảy người khác gồm diễn viên hạng bét ở Sài Gòn chui ra rừng và một soạn giả cải lương ở miền Bắc về: Ngọc Cung. Tôi quen anh ta hồi kháng chiến chống Pháp, ở Bắc không viết được vở nào khả dĩ diễn được trên sân khấu lớn, nhưng không hiểu sao Hà Nội cho anh về để chết vô lối như vậy. Về đến R, lội luôn một mạch đến nhà ở tận Bạc Liêu gặp vợ con cha mẹ. Gia đình buôn vàng ở thị xã Bạc Liêu, giàu lắm. Anh được tiếp tế cả chục lượng vàng, giắt lưng lội trở về R để nghỉ ngơi, sáng tác gởi ra Hà Nội nhưng chưa kịp xài tí vàng cũng chưa viết được vở nào thì bị B52. Thanh Loan, Thanh Hùng và Ngọc Lan là những người sống sót trong trận B52 kể trên nên tôi được gặp mặt, còn Bảy Thinh và những người khác thì chết đã lâu nhưng tên tuổi được giấu rất kín. Ngay cả vợ con ngoài thành hỏi tin tức thì R chỉ trả lời rằng các anh ấy đi công tác ở tỉnh, nhưng tỉnh nào thì không chịu nói ra. Ai mà khống biết cái kiểu ấm ớ của tụi đầu bò.
Bây giờ ngồi viết lại những chuyện xưa (hai mươi tám năm qua, ít ỏi gì) tôi thấy những người chết hồi đó quả thật khỏe hơn là đồng đội của họ bây giờ. Chết đi, khỏi phải trông thấy những cảnh hỗn man mọi rợ của Sài Gòn đỏ, cái Sài Gòn tươi vui phồn thịnh đã nuôi họ lớn đã tạo cho họ tiếng hát để cuối cùng bị họ phản bội. Họ chết đi để khỏi phải nhìn thấy đào kép bây giờ xơ xác trơ trụi khốn nạn bần cùng đi hát với cái bụng lép với cái đầu đội mão nhà Hồ nặng cụp cổ. Họ chết đi để khỏi phải ân hận thấy rằng mình đã ngu dại đi tìm cái mà mình đã có thừa trong tay nhưng đã quăng đi để tìm cái không. Họ chết đi để khỏi phải trông thấy những đồng nghiệp tài ba của họ rụi dần và không có mầm non nào mọc lên dưới sự cai quản của lũ xạo ke gọi là đảng ủy và công đoàn. Họ chết đi để khỏi bị dân Sài Gòn chửi vào mặt, như đã chửi vào mặt một tên nào đó ăn cơm quốc gia thờ ma Việt Cộng bằng mấy câu thơ tuyệt vời:
“Thằng nhạc sĩ vàng
Ôm cây đàn đỏ
Âm nhạc từ đó
Trở thành màu cam. ”
Màu cam là sự pha trộn đỏ với vàng. Màu cam là màu chết người. Thằng nhạc sĩ vàng là thằng nào? Bảy Thinh, Tư Trang, Ngọc Lan, Thanh Hùng hay thằng nào khác mà bài thơ không chỉ trán ra? Họ chết đi là họ đã tránh được cái địa ngục chính họ góp công sức và tiếng hát xây đựng và ca ngợi. Đời cô Lựu xưa hãy còn đẹp gấp vạn lần đời các cô Lựu ở Sài Gòn ngày nay.
Ngày nay nếu lão Tư Trang còn sống ắt là sẽ được đám đầu bò Hà Nội quăng cho cục xương giò bò để đền ơn đã ra công vận động nhiều nghệ sĩ hạng bét Sài Gòn tham gia Mặt Trận Giải Phóng của một tên lưu manh mang tiền án nhơ nhớp chưa rửa sạch.
Tôi theo chân cậu thanh niên đến vùng bom B52 cũ bên đất Tây Ninh để tìm sách đọc giải sầu.
Cậu thanh niên miền Bắc giải thích:
- Chỗ mình ở hiện nay là đất Miên anh ạ.
- Đất Miên?
- Vâng. Sau khi bị B52 cơ quan mình vượt biên giới.
- Làm bừa như vậy tụi Miên nó không nói gì sao?
- Họ thấy mình có súng họ chạy bỏ bố chớ nói gì!
Tôi gặn hỏi:
- Nhưng làm sao cậu biết rằng mình đã vượt biên giới?
- Em nghe ở trên nói vậy thì hay vậy, chớ có biết biên giới là cái gì.
Tôi không thấy dấu vết gì có thể gọi là ranh mức cả: một lạch nước hoặc một làn cỏ khô nằm giữa một vạc đất trống cũng không.
Nhưng tôi hiểu sự đào tẩu sang đất Miên dù chỉ cách đất Việt non cây số là sinh lộ. B52 của Mỹ nó biết tôn trọng luật quốc tế còn “chúng ta” dùng cái sai để đáp lại cái đúng. Cộng sản luôn luôn như thế. Chúng sống để làm bậy và bịp người. Và không bao giờ dám công nhận lỗi lầm.
Vùng đất bị B52 nay đã hồi sinh. Cành cây đã nảy tược, những lỗ bom đang cạn dần. Tôi hỏi cậu thanh niên:
- Các đồng chí mình nằm ở đâu?
- Dạ, rải rác mỗi người một nơi.
- Em vô đây hồi nào? Đột nhiên tôi hỏi ngoặc lại để tìm hiểu thêm.
Cậu thanh niên đáp:
- Em vừa đút đầu vô vài bữa thì bị.
- Bom tới vào buổi sáng hay buổi chiều?
Cậu bé đứng hẳn bên một gốc cây bị vết đạn gãy cúp như một cánh tay xụi và nói:
- Thường thường nó đến buổi sáng. Mỗi buổi sáng đều có vài vụ ở chung quanh mình. Lúc đó anh em trong cơ quan bàn rằng nó đánh các cơ quan khác quan trọng hơn như Bộ Chỉ Huy, Cục Tham Mưu và Mặt Trận, còn mình là văn hóa chẳng quan trọng gì nên nó không cần đánh. Thế nhưng đùng một cái nó đánh, cho nên không trở tay kịp. Em đang nấu cơm sáng. Lúc đó chừng chín giờ Bỗng nghe rầm rầm rầm. Em đâu có biết là tiếng gì. Nếu bom thì phải có máy bay tới, nhưng em không nghe tiếng động cơ. Chỉ nghe tiếng bom nổ, mà nổ hằng loạt như liên thinh. Em lăn xuống đất. Rồi bò bạt mạng.
- Không có hầm à?
- Có chứ, nhưng đâu còn nhớ đầu đít gì. Nếu có ai hỏi mình tên gì cũng không nhớ nữa là! Em co mình phóng vào gốc cây. Cây run như bão, đất lắc như sàng gạo còn miểng đạn thì rít như sáo thổi anh ạ. Dứt loạt đầu em lóp ngóp bò dậy không thấy gì hết. Khói đen nghịt và lửa cháy từng cụm, em không còn nhớ lều của ai ở đâu nữa vì tất cả cây cối đều gãy cụp xuống hết.
- Nó bỏ trúng ngay trân à?
- Chứ còn gì nữa anh! Trúng ngay cơ quan! Chẳng những thế lại trúng ngay đầu não. Bác Tư chết ở loạt đầu và ngay trong hầm. Cậu bé nuốt ực và kể tiếp – Lúc đó em nghe văng vẳng tiếng chú Sáu Lăng kêu: Bác Tư bị thương các đồng chí ơi! Bác Tư bị thương.
- Chỉ một mình bác Tư thôi à?
- Cả chục người chứ đâu một mình được anh. Em định chạy tới coi sự thể ra làm sao. Nhưng em vừa đứng dậy thì lại té ngửa ra rồi rầm rầm rầm.
- Nó tới nữa à?
- Vâng, nó tới nữa. Nó tới đợt thứ hai.
- Ác thế!
- Chỉ cách nhau chưa tới năm phút. Anh Cung chết ở đợt này. Còn chú Tư Siêng thì bị đất lấp. Cũng may nó chỉ bỏ có hai đợt. Nếu nó thêm đọt nữa chắc tiểu ban không còn người nào.
Tôi viết đến đây thì chiến tranh mặt đất bắt đầu diễn ra ở Kuwait. Tôi có dịp xem sự tàn phá của B52. Đứng ngoài vòng nguy hiểm để xem sự nguy hiểm thì còn thích thú nào bằng. Lửa cháy như biển. Một chiếc B52 qua, một loạt bom rắc như trấu vẫy. Sinh mạng con người dưới cánh B52 quả là mong manh hơn mạng con kiến.
Không gì chịu nổi với B52. Nhưng quân Iraq thì có thì giờ đào hầm hố và đúc bê tông công sự để cố thủ hoặc có pháo phòng không để chống trả. Hơn nữa khi cần di động thì chúng có xe thiết giáp. Còn cái gọi là tiểu ban Văn Nghệ và các cơ quan R không có gì hết. Ban đêm thì nằm phình bụng hứng còn ban ngày thì dùng đầu để đội như cầu thủ đội banh da. Trên thế giới này không có ai tàn nhẫn bằng bọn lãnh đạo Hà Nội. Chúng ở trong dinh thự hưởng lạc, xua đám thanh niên miền Bắc ngây thơ đi giải phóng miền Nam và đốt đít bọn Nam Kỳ nhẹ dạ cả tin Trung ương thừa thắng xông lên chơi với Mỹ để sau này lãnh thêm một cái huy hiệu Thành Đồng Tổ Quốc.
(Khi kết thúc cuộc chiến tranh ăn cướp, dân Nam Kỳ lãnh khúc xương không có tí thịt để cạp chơi đỡ buồn).
Cậu bé thanh niên lao động này vượt Trường Sơn bốn tháng vào đến tiểu ban Văn Nghệ lãnh chức hỏa đầu quân và chết hụt B52. Cậu ta nói tiếp:
- Chúng em phải moi đất kéo chú Tư Siêng lên. Chú vừa thở dốc vừa nhìn cái cây bên miệng hầm bị xén đứt ngọt vừa hổn hển nói: “Trời cứu tôi.”
Cậu thanh niên trỏ cho tôi cái mả của Bác Tư Trang, cái mả của Ngọc Cung, của Bảy Thinh và mấy cái nữa. Mấy mô đất nằm không có hàng lối gì, cũng không gần nhau… Bởi vì khi chôn còn tùy địa hình địa vật. Chỗ nào đất mềm mới đào huyệt được, theo cậu bé nói. Đâu có ai ngó ngàng gì. Vì chúng nằm bên Tây Ninh. Về bên đây lơ mơ lại ăn phát nữa.
Đột nhiên tôi hỏi:
- Chỗ mình đang đứng đây là đâu, tên gì?
Cậu bé đáp vừa đủ cho tôi nghe:
- Tà Nốt! Cậu ta ngập ngừng một lúc rồi nói – Đây là sát biên giới Miên. Nếu mình nhảy một cái qua là đất Miên rồi. Đây là Tà Nốt. Còn chỗ mình đang ở là “phum” gì đó cháu quên rồi. “Phum, sóc” là làng người Miên. Tà Nốt đâu phải là tiếng Việt Nam. Có lẽ đất Tây Ninh ở vùng này trước đây thuộc về Cam Bốt.
Những địa danh khác cũng nghe như tiếng Miên: Kà Tum, Lò Gò, Trảng Bàng, Củ Chi, Nàng Rà, Chà Ruột…
Cậu bé bảo tôi:
- Chú có lấy sách vở gì thì lấy mau đi rồi về! Vừa nói nó vừa trỏ tôi cái hầm.
Tôi chui xuống và moi tất cả vứt lên mặt đất. Một số ướt ẩm, một số bị mối ăn.
Mặc kệ, tôi liếc những tên sách báo rồi tìm một tấm ni-lông rách túm lại tất cả quảy lên vai.
Thằng bé nói:
- Chờ cháu một chút.
- Để làm gì?
- Cháu cắm mấy cái bia.
Lúc ra đi tôi thấy nó xách hai ba tấm gỗ bó vào nhau. Tôi không hiểu nó dùng để làm gì. Té ra đó là những tấm bia. Nó đi sang đây công tác đặc biệt chứ không phải chỉ xung phong dắt tôi đi lấy báo.
- Chú Sáu Lăng bảo đem cắm mấy cái bia cho bác Tư, ông Bảy Thinh và ông Ngọc Cung.
- Ừ thì cắm nhanh nhanh đi rồi về.
- Nhưng cháu không biết bác Tư nằm đâu còn hai ông kia nằm đâu.
Tôi hơi cáu:
- Sao hồi nãy nói rõ vậy?
- Chú Sáu Lăng có dặn cái mả cao nhất là mả bác Tư nhưng bây giờ cả ba cái đều tụt thấp bằng nhau cả, cháu không biết cái nào là của bác Tư.
- Thôi vác bia về để kỳ sau hỏi cho kỹ rồi hãy đem cắm. Chẳng lẽ bia ông này lại cắm mả ông kia.
Thằng bé bảo:
- Cháu ớn đi qua bên này lắm. Cháu không dám đi nữa đâu. Chú coi đó toàn là mồ mả, hố bom giữa hoang tàn, không có một bóng người.
Tôi thông cảm với thằng bé:
- Vậy thì làm sao?
- Thôi cháu cứ cắm đại, bia nào mộ nào cũng được chớ sao!
- Làm như vậy tủi vong linh người chết quá cháu ạ!
Thằng bé đáp ngay, không suy nghĩ:
- Nếu tủi vong linh thì những đồng đội của cháu chết dọc Trường Sơn tủi hơn nhiều. Họ chết có được chôn cất gì đâu! Toàn dập, lòi cả tay chân nói chi đến mộ bia. Thằng bé nói vậy rồi dựng mấy thanh gỗ vào một gốc cây – Thôi để kỳ sau…
Chúng tôi trở về trên vết mòn cũ. Thiệt là hãn hữu. Bất ngờ tôi có một tủ sách con con để giải sầu.
Tư Mô thấy tôi về thì mừng rỡ:
- Chú đọc hết mớ sách báo đó thì mình đi là vừa.
- Anh có viết cho những tờ báo này lúc ở Sài Gòn không?
Tư Mô soạn qua và đáp:
- Tôi có viết cho mấy tờ thôi.
- Anh thấy những tờ văn nghệ Sài Gòn so với tờ Văn Nghệ Hà Nội thì sao?
- Ai có trí thức nấy chú ơi.
- Vậy cũng tốt chứ sao? Mình có lý luận phủ nhận công trình của người ta thì người ta cũng có lý luận phủ nhận công trình của mình. Anh viết truyện ngắn hay gì?
- Truyện ngắn. Ý mà thôi bỏ đi chú ơi! Tôi khổ vì ba cái truyện ngắn đó.
- Viết là khổ chứ sao!
- Không phải thế đâu. Khổ công sáng tạo nói làm chi! – Tư Mô ngó quanh, không thấy có ai nên tiếp – Khổ này là khổ ngồi còng lưng kiểm thảo. Người ta kiểm thảo tôi ba ngày ba đêm về tư tưởng sáng tác đó chú ạ!
- Con mẹ gì lắm thế?
- Ác lắm. Tôi chỉ nhận sai lầm thôi; còn sửa chữa thì không cần thiết.
- Tại sao vậy?
- Vì tôi không định viết cái gì nữa hết.
- Thì đó cũng lại là sai lầm. Hì hì. Tiểu ban có mấy ngoe, anh không viết thì ai viết.
- Có thiếu gì!
Tôi trải sách báo ra một vệt nắng tròn tròn méo méo mà phơi. Tôi gỡ ra từng trang rời cho mau khô. Tôi tự chế diễu mình: Một thứ Cống Quỳnh phơi sách nhưng không có bà công chúa nào đi ngang qua để xin “đá bèo” một phát.
Trong tiểu ban có một anh ban rất dễ thương. Đó là nhà văn Thủy Thủ, thân hình gầy nhom, tay chân lòng khòng. Đã vậy lúc nào cũng mặc quần cụt và áo bà ba ngắn tay không cài cúc để hở cái cổ cao nhòng và bộ ngực lép như tấm các-tông. Anh có giọng nói khàn khàn. Thủy Thủ thân với Tư Mô nên đến chơi luôn. Do đó gặp tôi ở trong lều với Tư Mô. Thủy Thủ hay nói chuyện trời mây mưa nắng chứ không nói chuyện Sài Gòn (sợ các đồng chí nghi là còn dính đáng với chế độ cũ!) cũng không nói chuyện rừng rú hoặc xã nghĩa, vì không biết nhiều. Anh là một thủy thủ – từng sống trên đại dương… hơn trên đất liền. Tôi có nghe anh em nói anh làm chủ bút tập san Hải Quân Sài Gòn. Ngoài ra tôi còn biết anh qua truyện ngắn “Chiếc Guốc Xinh Xinh” đăng trên báo văn học Hà Nội, là cơ quan cuối cùng của tôi trước khi tôi đi B.
Thủy Thủ lận lưng một gói “chè” Chính Xuân. Anh đưa cho Tư Mô và nói:
- Của anh Sáu Lăng cho tôi.
Sáu Lăng, cũng như anh em, trên răng dưới dế, có cái gì khác đâu Anh đặc biệt chú ý đến Thủy Thủ như một người bạn lầm đường biết ăn năn hối ngộ, và với Tư Mô là đồng chí bị kỷ luật đảng (một cách oan uổng hay không oan uổng) và đang buồn rầu. Có lần đi hội nghị ở đâu “trên,” anh giấu đem về được một tí rượu Mao Đài Tửu trán đít chai để tặng Tư Mô, cái thứ rượu thừa của các ông bà thủ trưởng vô sản, nhưng rất quí với đám cắc ké này.
Tư Mô luôn luôn nhắc lại tấm ân tình nồng mặn đó. (Ngay cả lúc xuống Bến Tre với tôi, hai đứa chạy vắt giò lên cổ, anh cũng vẫn nhắc cái hớp rượu Mao Đài).
Tư Mô nhóm lửa nấu nước và bộ ba ông táo uống trà khan. Tư Mô khen:
- Ngoài Bắc chỉ có trà Chính Xuân là uống được thôi. Nó đậm đà, pha nhiều nước vẫn còn cốt. Còn các thứ khác như Hoa Nhài, Ba Đình thì không bằng.
Tôi nói:
- Tôi không phải là chuyên gia uống trà, nhưng xin cho anh biết Chính Xuân là trà hạng bét miền Bắc ta đấy!
- Còn trà nào hạng nhất?
- Anh đoán thử coi! Thiết Quan Âm Kỳ Chưởng của Chợ Lớn, Vũ Di Sơn, Trảm Mã Trà của Tàu không sánh nổi đâu.
Tư Mô ngẩn ngơ:
- Có thể là tôi chưa biết.
Tôi nói:
- Đó là trà “cau khô”.
- “Trà cao” à? Trà nấu thành “cao?”
- Không!”Cau,” trái cau của mấy bà cụ ăn trầu.
- Rồi làm sao thành trà?
Tôi điềm nhiên nói:
- Trà khó mua lắm. Cán bộ và dân ghiền phải treo mõm chờ đầu tháng để mua một gói. Lúc lên cơn ghiền thì đi quán uống trà cau khô. Nói tắt một cái là chủ quán phơi xác trà rồi tẩm với nước cau khô đem sấy. Châm nước vào rót ra cũng nước nâu nâu, uống thì chát chát nhưng không có bao nhiêu vị trà. Tụi quán này tìm được sáng kiến đó nên làm được khối tiền.
Tư Mô hỏi:
- Khách vẫn uống à?
- Không có chất chát nào khác thì đành chịu uống nước cau khô thôi.
Tư Mô nghe tôi nói thế lắc đầu ngồi im.
Tôi rót cho anh và Thủy Thủ mỗi người một cốc và nói:
- Đây không phải là nước cau khô đâu. Uống đi cho bổ khỏe.
Tư Mô bỗng bật qua rượu:
- Tại sao quốc doanh ta lại cho rượu Đồng Tháp cái màu bao nhang như vậy chú?
- Tôi đâu có hiểu được anh!
- Nó giống như xi-rô gờ-rờ-nát-din trong này chớ không phải rượu. Hơn nữa nó ngọt quá đi. Uống gắt cổ tưởng như ăn chè.
- Anh uống hồi nào mà anh biết rõ vậy?
- Hôm nọ thằng gì ở bên Tuyên Huấn gởi cho tiểu ban nửa chai. Sáu Lăng đưa tôi nếm thử để phê phán!
- Rồi anh phê phán làm sao?.
-Trước mặt vài ba người khác, tôi đành phải né. Tôi nói nó ngon như Anis của Pháp nhưng phải cái màu đỏ bao nhang, nhà quê quá! Giống như Marie Sến trong văn học vậy.
Không muốn để cho đồng nghiệp Thủy Thủ nghe nhiều chuyện miền Bắc nên tôi quay sang “Chiếc guốc xinh xinh”. Tôi hỏi một câu đáng lý ra là một nhà văn không nên, nhưng tôi muốn biết câu chuyện chứa đựng bao nhiêu sự thực hay chỉ là một sự tưởng tượng hoàn toàn.
- Anh viết “Chiếc guốc xinh xinh” trong trường hợp nào?
- Tôi viết ngay ở đây, trong cái lều của tôi kia kìa.
Tư Mô nhắp hớp trà rồi nói:
- Chú nó muốn hỏi anh là chuyện đó có “baser sur une vérité” (căn cứ trên sự thực) hay chỉ sáng tạo?
Thủy Thủ cười:
- Chắc anh cũng tưởng tượng ra được câu trả lời. Nhân vật chính trong truyện là tôi. Tức là một sĩ quan trong cuộc hành quân ở An Hóa ấy mà. Tôi đã dùng một chiếc guốc có cái gót nhọn đập đầu tên chỉ huy trưởng cuộc hành quân và chạy sang hàng ngũ cách mạng. Ở tại mặt trận đang nổ súng, có viên chỉ huy trưởng nào để cho sĩ quan thuộc cấp đánh mình trước mặt ba quân như vậy không? Càng lạ lùng hơn nữa là viên sĩ quan vẫn chạy thoát và…
- Và bây giờ ngồi chong ngóc ở đây uống trà Chính Xuân. – Tôi nói tiếp – Và nghe cán bộ miền Bắc kể chuyện uống trà cau khô!
Cả ba cùng cười, Tư MÔ nói:
- Chú ấy hỏi cho vui vậy thôi, chớ ai không biết đó chỉ là sự tưởng tượng quá phong phú của tác giả.
Thủy Thủ cười khoe hàm răng trên vàng ệnh khói thuốc.
Cuộc uống trà chỉ xoay quanh năm mẩu chuyện vặt. Rồi trà nhạt, chuyện cũng nhạt theo. Sắp sửa tan hàng, bỗng tôi sực nhớ câu chuyện cắm mộ bia cho bác Tư Trang. Biết rằng cả hai người Thủy Thủ lẫn Tư Mô đều là những kẻ sống sót Sau vụ B52, nên tôi hỏi thẳng Tư Mô
- Bác Tư bị thương ở đâu anh Tư?
- Ở đầu và cổ.
- Nặng không?
- Nặng chớ. Anh Sáu Lăng kêu y tá. Nhưng tiểu ban đâu có y tá y tướng gì. Chỉ có chị Hai Lý (tức vợ anh Lý Văn Sâm) giữ một mớ kí-nin và thuốc đỏ thôi. Ngoài ra khi ốm đau thì mỗi người là y tá của chính mình. Kêu khản cổ chẳng có ma nào chạy tới. Nhưng nếu có thì cũng không kịp.
- Tại sao vậy?
- Chú ơi! Bị một trận rồi mới biết B52 là ma quỷ. Nó rải thảm một loạt rồi chú thấy trời đất đều thay đổi, không biết đường nào mà đi. Chân tay như xụi lơ, đầu óc trống rỗng không còn hoạt động và suy nghĩ gì nữa. Nhưng chỉ trong vòng ba, bốn phút là đợt hai lại tới. Tất cả lại thụt xuống hầm chớ làm sao mà băng bó. Nhưng băng bó cũng vô ích vì bác đã chết rồi.
- Không có trối trăn gì à?
- Bác chết trên tay Sáu Lăng. Sáu Lăng bảo bác không có nói gì hết. Ngáp ngáp rồi đi xuôi.
- Còn Ngọc Cung?
- Ngọc Cung chết ở đợt hai.
- Nghĩa là…
- Hồi sau đợt một Ngọc Cung chỉ bị sụp hầm nên bò sang hầm Bảy Thinh. Do đó mà chết cả hầm sáu, bảy người – Chậc! Tư Mô ngồi thừ ra một hồi rồi tiếp – Con người có cái số hay sao đẩy chú ạ! Nếu nó không bò sang hầm Bảy Thinh thì nó đã không chết.
- Tại sao ảnh lại bò sang đó?
- Đã bảo là hầm của nó bị sụp mà! – Tư Mô lại ngồi thừ ra, không giấu được sự xúc động. – Mấy người chui trong hầm chữ L là cái hầm lớn nhất của tiểu ban đều văng mất hết. Sau đợt hai, anh em đi nhặt nhạnh. Bảy Thinh còn sót có cái đầu, nhờ mớ tóc xám tro mà anh em nhận ra. Còn Ngọc Cưng thì anh em chỉ nhặt được có cánh tay đeo đồng hồ. Lạ thay người chết mà cái đồng hồ vẫn chạy. Cái đồng hồ vàng của vợ mới mua cho. Chỉ có bác Tư là còn nguyên xác thôi.
- Rồi chôn cất làm sao?
- Chịp! Điêu đứng, hoang tàn và khốn nạn lắm chú ơi. Ở trong nhà chỉ có một người chết là tang gia đã bối rối lắm rồi. Đằng này sáu, bảy người. ủa… đâu phải sáu, bảy mà…
Thủy Thủ tiếp:
- Mười một người anh ạ!
- Mười một người chết một lúc, chôn một lúc. Và “tang gia” không có món gì hết ngoài chiếc cuốc cùn. May sao còn được món binh khí đó. Nếu không thì phải đào huyệt bằng răng. Ba lô ba liếc bay mất hết, võng màn lều trại không còn chút nào. Anh em đi quơ được miếng ni-lông, mảnh võng nào đem đắp điếm chứ không đủ gói ghém đâu. Cứ để nguyên xác vậy cho xuống huyệt rồi lấp đất. Chôn xong mười một cái xác là đến nửa đêm. Chưa kịp đắp nấm đã phải dời cơ quan. Vì sợ sáng mai nó chơi phát nữa là rụng hết tiểu ban. Thằng yếu hóa ra ốm, thằng mạnh thì dật dờ như sắp chết. Cả một lũ khật khừ kéo nhau đi giữa đêm tối. Đâu có biết đường hướng gì. Cứ nhắm chừng mà vượt biên giới, qua đất Miên để lánh nạn. Cũng may nó không vượt biên ẩu cho nên mình mới tìm ra chỗ bắc cái bếp nấu lon nước uống. Nếu nó đuổi theo thì chẳng biết chạy đi đâu. Chịp! Chú biết không, tôi nằm ở giữa hai hố bom chú ạ. Nếu thằng phi công “bấm nút” sớm hoặc muộn một cái nháy mắt thì tôi văng xương rồi. Chú có nghĩ rằng có trên một trăm trái bom rơi xuống khu vực tiểu ban mình không?
- Một trăm?..
- Sợ còn hơn. Số chết tôi vừa kể là người của tiểu ban Văn Nghệ thôi, còn các bộ phận khác thì không tính. Có một cặp vợ chồng ôm nhau mà chết. Đó là một cặp đào kép trẻ mới tập sự. Hai đứa yêu nhau nhưng tổ chức lại ngăn cản. Sợ rằng cô đào mang bầu thì không lên sân khấu được ngoại trừ một nhân vật trong kịch có bầu. Chúng nó vẫn kiên trì yêu nhau… Hôm đó có lẽ chúng chui chung một hầm để có dịp tâm sự hoặc hôn nhau. Đúng vậy, khi bom dứt anh em đào lên, thấy cô trong tay cậu. Không vết tích gì hết nhưng chết tươi. Sức ép của không khí làm đôi tim ngưng đập. Hai đứa nó sẽ yêu nhau trên thiên đàng.
- Mặc dù hết sức bối rối, anh em vẫn làm hô hấp nhân tạo cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng tim vẫn không đập trở lại. Có lẽ mạch máu nào đó bị đứt. Trái bom nổ cách có ba thước tây.
- Có ai làm thơ về cái chết đó không?
- Ở đó mà thơ. Thơ văn ở đâu chớ ngay trong tiểu ban Văn Nghệ thì lại không.
Đến Mà Không Đến Đến Mà Không Đến - Xuân Vũ Đến Mà Không Đến