I've never known any trouble that an hour's reading didn't assuage.

Charles de Secondat, Baron de la Brède et de Montesquieu, Pensées Diverses

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2677 / 74
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
êm khuya lạnh lẽo như trong khám tù. Gió không thổi nhưng ngọn cây xao động vì thú rừng chuyền qua lại trên cành. Và những tiếng cú rúc nhọn hoắc như những chấm than, như những lưỡi dao găm cắm vào tim mình. Ngổn ngang trăm mối tơ vò. Nợ nước tình nhà.
Qua một đêm trằn trọc tôi như ốm nặng. Sáng bét từ lâu nhưng tôi cứ trăn trở không thoát ra khỏi chiếc mùng túm rụm.
Nhưng lại có một tin vui. Hoạ sĩ Anh Đức đến bảo:
- Chuẩn bị nghe nhà “dăng”.
- Cái gì chớ vác gạo thì cho tôi miễn.
- Biết rồi. Ai mà bắt người mới dzô vác gạo sớm vậy? Chuẩn bị đi liên hoan tiễn ông Thép Cũ về Hà Nội.
- Thép Cũ nào?
- Thép Mới ấy mà. Chú nên phỏng đoán chữ nghĩa của ông hoạ sĩ nầy. – Tư Mô bảo.
- Dịp may rất hiếm, bỏ qua rất uổng.
- Liên hoan to lắm hả?
- To vô cùng.
- Sao ổng về Hà Nội vậy?
- Ổng lấy hết đề tài của mấy ông rồi cho nên về nhanh Hà Nội để sáng “toác” chứ sao!
Đức cười hí hí rồi đi. Tư Mô bảo tôi:
- Cũng một vụ tính nhầm, như tôi và chú.
- Nhầm gì?
- Tôi nhầm kháng chíến chống Pháp, tù xong lại nhầm giải phóng. Còn chú thì nhầm tập kết hai năm. Nhầm kháng chiến là nhầm bài thơ:
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.
- Tết sau hay là Tết mười năm sau? Bây giờ thì hai chục năm sau. Sum vầy đâu? – Tư Mô cười khẩy – Thì cũng như chú xuống tàu ở bến Chắc Băng để ra Bắc vậy. Giơ hai ngón tay phải không? Bây giờ thì mấy chục ngón? Hai chục phải không?
Tôi càu nhàu:
- Đ…bà mấy thằng Tây nói ẩu mà đúng.
- Nó nói gì?
- Hồi đó tôi làm phiên dịch ba ngù cho Ủy Ban Liên Hiệp Đình Chiến tỉnh. Mấy thằng sĩ quan Tây láu cá bảo thằng với tôi: “Hai mươi năm chứ không có hai năm đâu!” Tôi quát trả lại: “Chúng ta tin tưởng cách mạng sẽ thành công!” Tụi nó chỉ cười và mời tôi hút thuốc Camel.
Khi tôi xuống tàu, bọn thủy thủ lại trêu lần nữa. Chúng không nói gì, chỉ ngồi trên mui tàu. Nhìn đồng bào đứng trên bờ gạt nước mắt tiễn chồng con ra đi, chúng xòe mười ngón tay và giơ cả hai bàn chân lên nữa. Vậy mà đúng mới thấy mẹ chứ.
- Cách mạng có nghĩa là dã man và nói láo! – Tư Mô nói bằng tiếng Pháp. Anh thường nói bằng tiếng Pháp với tôi vì sợ mấy anh bần cố nông nghe được, đi báo cáo. Anh tiếp: – Mình tin cách mạng một lần đã tiêu tùng rồi bây giờ lại tin lần thứ hai.
Tôi tiếp:
- Ai biểu ở Sài Gòn yên thân rồi mà lại vọt ra đây chi?
- Thì lại cũng “tin” chớ còn sao nữa?
- Bộ người “ngoéo” anh ra khu cũng hứa “hai năm”
- Không! Họ không hứa gì cả.
- Vậy họ có hứa là năm sau ta sẽ sum vầy không?
- Sum vầy! Tôi cưới vợ đã hai mươi năm! Chẳng bao giờ gần được vài tháng, ngoại trừ lúc tản cư xuống khu 9 làm kẹo dừa bán.
- Thằng Lê nay đã bao lớn rồi?
- Mười bốn. Cô nó nuôi chứ tôi có nuôi ngày nào. Con Thi cũng vậy. Đi làm cái gì ở đây? Nhiều lúc nghĩ mà tự thẹn một mình. Không hiểu hồi đó sao mình ham vui và dễ nghe lời người ta vậy.
Mặt trời đã lên cao, những tia nắng yếu ớt của một bình minh tối om lởn vởn trên vòm lá. Tôi vừa rũ áo đi khỏi cái xã hội chủ nghĩa oái oăm để về Nam mong hưởng lại không khí thời kháng chiến chống Pháp, nhưng bây giờ lại thất vọng. Chẳng có cái gì mình ước mơ mà thành sự thực cả. Ngay cả những giấc mơ nhỏ nhất của đời mình. Cách mạng là gì? Đó là một mớ tà thuyết được tiêm vào đầu óc những lãnh tụ mù quáng coi dân tộc và mạng người như cỏ rác. Mười năm ở miền Bắc tôi chẳng thấy một điều gì nhân dân chấp nhận một cách vui vẻ. Về đây lại cũng y như thế.
Đột nhiên Tư Mô hỏi tôi:
- Già Tuế bị đụng xe mô tô chết ở Liên Xô phải không?
Tôi giật mình, không hiểu tại sao Tư Mô lại biết tới chuyện đó. Ở Hà Nội tôi có nghe phong phanh anh ấy đã chết vì tai nạn. Nhưng tôi nói trớ qua:
- Tôi không hay gì cả.
- Giả đỗ Phó Tiên sĩ triết học rồi. Ngày mai lên đường về nước thì ngày nay cỡi xe máy dầu ngoài đường Mốt-cu bị xe đụng chết tươi. Tôi biết hắn hồi còn làm cán bộ tuyên truyền quận Mỏ Cày.
- Sao anh rành vậy?
- Thì cũng do mấy cha ngoài đi về nói lại chớ ai. Còn Nguyễn Xuân Ôn nghe nói làm nghề huấn luyện trong quân đội phải không? Hai đứa nó học một khóa với nhau, sau tôi hai năm.
Chỉ tiếng “Mỏ Cày” làm tôi nhớ lại tất cả khung cảnh kháng chiến chống Pháp. Hồi đó tôi mới mười bảy tuổi đã mang ba-lô đi tuyên truyền cho Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc và các quyền Dân Chủ dưới chế độ Dân Chủ Cộng Hòa. Vui thiệt là vui. Đi đến đâu cũng được đồng bào tiếp đón và lắng nghe nồng nhiệt. Tuế là một cán bộ tuyên truyền rất sáng chói (người xã An Định cùng quê với vợ tôi), có bằng Tú tài trước 45. Trưởng ban tuyên truyền là ông Nguyễn Văn Ngọc, thầy học của tôi ở trường quận.
Tôi rất mê nghe tuyên truyền và tập làm cán bộ tuyên truyền vì thấy người ta vỗ tay hoan nghênh dữ quá. Tư Mô là người thâm trầm không thích nghề ăn nói, mà chỉ làm thơ văn và ở trong Đoàn Văn Hóa Kháng Chiến Tỉnh.
Giới trí thức đã tham gia nhiệt liệt cuộc kháng chiến chống Pháp. Cả các tôn giáo cũng thế. Khắp thôn quê rộn rịp. Ai không tham gia kháng chiến là tự thấy mình lạc lõng, không hợp thời.
Tôi buột miệng hỏi Tư Mô:
- Họa sĩ Đức là cháu của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm phải không anh?
- Đúng vậy!
- Sao hắn ra đây làm gì?
- Đi học Liên Xô! Nó đang học Bô-da Gia Định, không biết ai móc nó ra khu để đi Liên Xô.
- Sao còn ở đây?
- Nghiên cứu nguồn gốc loài khỉ!
- Chừng nào sang tới bên đó để học tiếp?
- Còn chờ ý kiến ban tổ chức Trung ương.
- Trời đất!
- Chúa hài hước đó! Nó nói lái, nói xiên, nói xéo, nói móc nói ngoéo tối ngày vì cay cú việc đi học. Nhưng nó được cái là dễ dãi và ai cần gì nó cũng giúp, một tay bắn khỉ cho cơ quan ăn, chỉ thua Ba Mực tí thôi, nhưng nó siêng bửa củi hơn Ba Mực.
- Bửa củi mà cũng được chấm công à?
- Chú đừng tưởng chuyện đó là tầm thường. Đó là lý tưởng cao nhất đấy.
- Nghĩa là sao?
- Củi trên Trường Sơn dễ kiếm chứ ở đây khó lắm.
- Ở Trường Sơn không dễ đâu anh.
- Tôi không biết ở đó chuyện củi lửa ra sao chứ còn ở đây phải đi xa khu vực đóng quân đốn cây rồi cưa khúc bổ ra vác về nhà bếp. Nếu đốn cây ngay trong khu vực thì chẳng bao lâu tụi mình bị lòi lưng hết. Ban chỉ huy An Toàn Khu đã cảnh cáo nhiều cơ quan rồi. Bây giờ ngay cả vấn đề bắn khỉ cũng bị hạn chế nên sự cải thiện sinh hoạt gặp khó khăn.
- Tại sao hạn chế bắn khỉ?
- Tại vì bắn mãi, tiếng động sẽ lọt vào tai gián điệp.
- Trong rừng mà cũng gián điệp?
- Phải đề phòng từ muỗi đòn xóc đến B52 mới sống được chú ơi!
Đó là câu chuyện lót lòng vớ vẩn buổi sáng. Tư Mô bao giờ cũng có một cữ trà tiếp theo để trụng cái bao tử trong lúc chờ cơm. Đồ nghề của anh đã có sẵn. Anh như một chuyên gia về môn uống trà. Ai có trà muốn uống cho ngon cũng mang đến lều của anh để uống. Trà dở uống ở đây cũng trở thành ngon. Anh chẻ củi rất tỉ mỉ. Mớ nào để làm đóm, mớ nào để đun, mớ nào mới chẻ còn tươi mớ nào đã gác trên giàn bếp đã khô anh đều xếp có thứ tự hễ nhóm thì lửa cháy chứ bếp không tắt câm khói bốc mịt mù bị an ninh cơ quan cảnh cáo như những lều khác. Ngoài sự uống trà chuyên nghiệp, Tư Mô còn là một ông “Chủ Tịch Liên Việt” – nghĩa là với ai anh cũng đoàn kết thiệt tình, bất cứ thành phần nào anh cũng chơi thân.
Nước sôi anh quay ra bốn phía hô lên: “Uống trà nghen!” vài ba lần, thế là có khách tới. Khách thứ nhất là ông Bảy Cò, khách thứ nhì là Ba Mực, thứ ba là Sáng, thứ tư là Tám Thủy Thủ, thứ năm là họa sĩ Đức v.v…
Đề tài các buổi uống trà là săn khỉ, vác gạo, móc gia đình, mua trà loại nào uống ngon mà rẻ, anh nuôi nấu cơm sống chín, ai bửa củi, ai sẽ đi tản khai trong lúc CZ Johnson City sắp mở màn, ai sẽ ở lại thủ trại. Và cuối cùng là đề tài muôn thuở: Các tiên cô của đoàn Văn Công Giải Phóng dưới quyền cai quản của nữ chúa Thanh Loan!
Đây là chuyện “Cấm trẻ con dưới hai mươi lăm tuổi.”. Vì ở đây trẻ con ít nhất cũng đã trên hai mươi lăm nên không cần phải cấm ai, tha hồ ngả mặn.
Họa sĩ Đức mở màn câu chuyện bằng cách nhắc lại:
- Uống trà nước suối này không sớm thì muộn phải câm!
Sáng là nhà văn cùng đi một chuyến với tôi vô đây, ngơ ngác một cách thật tình:
- Bộ suối ở đây độc lắm hả ta?
- Độc nhất vùng, đồng chí ạ! Họa sĩ Đức nghiêm chỉnh đáp.
Ba Mực nói:
- Thôi, để các ông mới tới uống cho ngon miệng mà!
- Khi các ông biết sự thực thì uống càng ngon miệng hơn!
Bảy Cò cười khậc khậc. Sáng tiếp:
- Trên đường Trường Sơn có lúc tôi cũng được giao liên cho biết là có con suối độc, lội xuống rụng hết lông chân, có con suối thì nước uống vô bị sốt rét hoặc thương hàn. Nói thì nói vậy thôi chứ có con suối nào là chúng tôi không múc nước uống đâu mà rồi có rụng cái lông nà…ào!
Họa sĩ Đức xua tay:
- Đó là suối hiền ông ơi! Còn đây mới là suối độc!
- Sao các cha ở đây hồi nào tới giờ, uống nước đó mà chưa câm?
- Chậc, cái thằng! Bảy Cò lên tiếng – Mày không biết thằng Đức à? Nó nói vậy là mày phải ngẫm ra cái kiểu biểu tượng hai mặt.
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là nó nói chuyện này phải hiểu chuyện kia.
- Suối hiểu ra cái gì?
- Thì vẫn là suối nhưng suối này…
- Có bảy con nhền nhện tắm giặt hằng ngày – Bảy Cò tiếp – Rồi cá leo xuống đó, hiểu chưa?
Sáng vốn là anh chàng thích chuyện hiện đại, không bao giờ mó tới truyện Tàu nên không hiểu cá leo là cá gì. Cho nên cả bọn cười rộ mà Sáng vẫn ngơ ngác.
Thấy thế, Bảy Cò bèn rỉ tai Sáng. Sáng kêu lên và vỗ đùi:
- Biết rồi. Tôi biết rồi! Nhưng dù có nhền nhện tắm thì nước càng ngọt chứ sao uống phải câm?
- Ai biết đâu! ông Ba Mực đang nói ngọng, nhạc của ổng toàn dấu “xị” bémol không thôi.
Bảy Cò nói:
- Ở ngoài Hà Nội thì dễ, nhưng vô đây cây nhà lá vườn mà khó. Ngó thấy đó mà không bỏ ngón được, hả các em?
- Bên Bung-gia-ca-ri khó hay dễ anh Bảy?
Bảy Cò cười:
- Tao tu rồi. Không nên nhắc chuyện trần thế nữa nghe.
- Nói cho mấy em nghe rút kinh nghiệm.
- Mày có đi thì đi Liên Xô chứ đâu có sang xứ Bungari của tao.
- Sao vậy?
- Hội họa thì phải sang Liên Xô chứ Bungari đâu có truyền thống về hội họa.
Mặc ai nói gì thì nói, Tư Mô thủ phận chủ nhà nấu nước pha trà đều đều. Cốc uống trà thì tự túc. Ai muốn uống trà thì phải mang dụng cụ theo – đúng ra là cái để đựng nước và cho vào mồm chứ không phải chung uống trà. Nếu cái ông ăn mày trong “Những chiếc ấm đất” của Nguyễn Tuân thấy cảnh này chắc phải khóc ròng chứ chẳng chơi đâu.
Ba Mực nói:
- Tôi không hiểu bà cụ Thanh Loan giữ mấy con nhền nhện để làm mắm hay sao mà ai động tới bả cũng bắt kiểm thảo cả. Bữa nào tụi mình phát thinh lên tổng ruồng thộp hết cái đám nhền nhện đó về bó… óp gỏi nhẹc một bữa thử coi bả làm gì?
Họa sĩ Đức cười, tiếng bể nghe cạch cạch:
- Ai làm nguyên soái, tôi xin lãnh ấn tiên phuông ngay.
Bảy Cò chêm vào:
- Ở ngoài đó có cô em Miên lai “đầu gà đít vịt” coi khó khủm! Thằng nào muốn hết đau lưng thì quơ lấy.
- Đọ anh Bảy mở đầu giao… hưởng rồi đó nghe! Anh làm nguyên soái đi anh Bảy!
Tôi hỏi gặn:
- Anh cũng chân ướt chân ráo sao anh biết có cô em “đầu vịt đít gà?”
- Tao ra dượt cho đám đồng ca, tao liếc thấy chớ sao mậy.
Tư Mô nói:
- Tài thật. Mới ra vườn đã biết ngay hoa thược dược giữa đám cỏ hoang. E he! Nhưng mà coi chừng đó. Nó có chủ rồi nghe ông Bảy!
- Có chủ thì có chớ, tao đâu có mó vào!
- Chuyện rắc rối lắm ông Bảy ơi! Đừng có ham. Ông mới về nên không rõ. Vì là chuyện của ông lớn nên người trong cơ quan cố ém đấy thôi. Nếu của tụi nhãi nhép thì kiểm thảo trắng đờ con mắt rồi.
Tám Thủy Thủ chỉ ngồi khoanh tay rế uống trà và thỉnh thoảng cười mỉm chi cọp, không nói tiếng nào. Tôi hơi giật mình. Vốn luôn luôn bị những cú sét ái tình ở mọi hoàn cảnh nên tôi nghe mà lo. Nhưng vẫn tính trước khi đi đồng bằng thế nào cũng tìm cách gặp em “ba-lết” một đôi lần. Kỷ luật chặt chẽ đến như ở trường đi B mà tôi cũng còn hoạt động hữu hiệu, sá chi cái khu rừng mênh mông không có hàng rào và cửa ra vào với ông Liên khu 5 xét giấy rất gắt này.
Bảy Cò bấm trúng tim đen của tôi:
- Bữa nào tao ra dượt cho tốp đồng ca, chú em theo để tìm đề tài nghe! Tao sẵn sàng làm bình phong cho.
- Coi chừng trâu buộc ghét trâu ăn! Tụi cải lương ngoài đó cũng gắm ghé từng mục tiêu cả rồi. Tụi nó sẵn sàng báo cáo bất cứ kẻ lạ mặt nào dám xâm nhập vào vương quốc “Cặm-bù-chìa” của chúng nó. Nhưng tụi nữ ca nhạc mới lại không thích cải lương.
Họa sĩ Đức vừa dứt lời thì Bảy Cò tiếp:
- Không nên nghĩ như vậy. Túng quá thì cái gì cũng được nữa là cải lương.
Sáng nói:
- Ngoài đó còn có kịch nói, ca múa nhạc nữa chớ bộ một mình cải lương thôi sao!
- Ông thầy “vũ đạo” tu rồi. Các em giỡn mặt, xách… hồ lô múa qua múa lại ổng vẫn không quăng cây tru tiên kiếm ra.
- Ổng đâu có kiếm tru tiên tru tiếc gì mà quăng!
Cả mâm trà cười ré lên, ngã nghiêng ngã ngửa. Bảy Cò nói:
- Ông trời thiệt là bất công. Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra. Ổng có dư của ăn của để mà không biết làm gì Không khéo mấy em bất mãn bỏ ca múa, vô trong này hợp xướng với mình hết cho coi.
- Nói vậy thôi chớ có những cú ngầm mình đâu có hiểu nổi chú em! Quy luật cách mạng là “Sức ép mạnh sức bung càng mãnh liệt” mà!
Câu chuyện đang hào hứng thì bỗng có tiếng “rùng rùng” giây lâu làm rung rinh mặt đất. Trà trong chén cũng xao động khe khẽ. Mọi người ngó nhau, lặng ngắt.
Chờ cho dứt tiếng rung, Ba Mực nói:
- Kỳ này “dưa hấu” bán hơi gần đó nghe các cha.
- Độ chừng ở đâu ta?
- Bình Dương, Tam Giác Sắt, Củ Chi gì đó.
- Là ở đâu?
- Vài chục cây số thôi! Ba Mực tiếp: Mấy lúc gần đây sáng nào nó cũng cho mình điểm tâm dưa hấu. Cái trận vừa rồi, mình thiệt hại to, nên mới dời qua đây. Các cha mới về không biết đâu. Nó đánh ngay chóc. Hai đợt. Mỗi đợt cách nhau năm phút.
Thật tình tôi không nghe gì hết về cái vụ Ban Tuyên Huấn R bị B52, mà điểm nặng nhất là tiểu ban Văn Nghệ. Ngay cả trong nội bộ cái tin này cũng được giấu kỹ và những ai biết hoặc, sống sót sau trận đó phải thủ khẩu như bình, không được bàn ra tán vào gì hết. Nó đã vậy thì cứ cho nó vậy luôn, không được bới móc ra.
Sau khi dư âm của trận giao hưởng tan đi, buổi uống trà gượng hào hứng trở lại. Theo ông chuyên gia Ba Mực thì buổi sáng nó chỉ chơi một cú thôi. Nếu hợp tác xã văn nghệ mình mà thất thu cú sáng thì kể như yên ổn được hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nghĩa là tới sáng mai. Cuộc đời được tính như thế, nếu không có việc mưa đêm cây rừng ngã đè chết, không bị rắn chàm oạp gặm, không bị sốt ác tính v.v…
Ba Mực nói với Tư Mô:
- Anh cho chúng em xin bình trà mới đi anh Tư. Tụi em phải ăn mừng mới được!
- Ăn mừng gì?
- Ăn mừng chết hụt chớ ăn mừng gì! Há há há! Mỗi đêm trước khi ngủ, em đều chắp tay lên ngực cầu xin ông thần Chà Gạc phù hộ cho chúng em tai qua nạn khỏi.
Tôi hỏi:
- Thần Chà Gạc là thần gì?
Bảy Cò vọt miệng đáp:
- Đây là đất Miên, hiểu chưa chú em?
- Đây là đất Miên? Mình đang ngồi trên đất Miên?
- Vậy chứ còn đâu nữa!
- Tôi tưởng là Tây Ninh chớ!
- “Tây” bất an “Ninh” của mình… không ổn nữa nên mới dời qua đây.
Tôi ngơ ngác:
- Vậy sao ở ngoài Bắc tôi nghe “la-diô” nói là Mặt Trận đã giải phóng ba phần năm đất đai và ba phần tư dân chúng?
Bảy Cò chép miệng:
- Cái thằng! Mày ngây thơ quá mậy.
- Ai cũng tin vậy chớ phải mình tôi đâu!
Họa sĩ Đức cười hắc hắc:
- Giải phóng năm phần năm đất đai và bốn phần tư dân chúng của mình xong rồi nhưng Miên chưa giải phóng cho nên mình mới qua đây giải phóng Miên chớ sao!
Tư Mô moi ba lô lấy trà mới. Nhưng lại hết nước.
Những cái bao tử lép đã tiêu thụ hết cả thùng nước anh lấy dưới suối lóng trong hôm qua. Cái thùng con vốn đựng thịt nạc heo của Mỹ gởi qua tiếp tế cho lính Mỹ lại chạy tọt vào nuôi sống bọn ốm đói chúng tôi qua tay các con buôn Sài Gòn. Dung tích của nó chừng bốn, năm lít. Một cái thùng không như thế không dễ gì kiếm trong rừng. Tư Mô là người được kính trọng lắm lắm nên nhà bếp mới dành cho một cái, để chứa nước nấu trà. Tư Mô hỏi họa sĩ Đức:
- Chú em giỏi giò đi xuống suối lấy nước đi!
- Ừ được! Ai có đồng hồ coi giùm mấy giờ rồi?
Bảy Cò vừa được phu nhân trang bị cho một cái Movado, giơ tay lên xem và bảo:
- Mười giờ bốn mươi chín phút mười lăm giây rưỡi!
Họa sĩ Đức cười ha hả:
- Vậy thì tôi xin xung phong ngay.- Rồi rỉ tai tôi và Sáng.
Chúng tôi cười. Tôi hỏi:
- Nhưng có chắc không?
- Chắc chớ. Giờ này là giờ đại lợi mà ta.
- Ông có kinh nghiệm lần nào chưa?
- Cả chục lần rồi. Hễ mắt mũi tôi hơi kèm nhèm là tôi đi ra suối rửa ngay.
- Sao bảo nước suối độc, uống nước sẽ bị câm? Bảy Cò gắt.
- Uống thì câm nhưng nhìn thì sáng! Nói vậy rồi họa sĩ kéo tay tôi lẫn Sáng – Đi hai cha! Mới leo dốc Trường Sơn, bây giờ phải nên tẩm bổ.
Đức lôi hai đứa tôi. Tôi và Sáng cũng hăm hở đi theo.
Ba Mực nói:
- Các tiên hay xuống suối vào buổi sáng. Trời thanh tịnh và suối còn trong.
Bảy Cò nói:
- Mỗi ngày tắm hai lần còn gì là suối?
- Vậy nước uống trà mới ngọt chớ anh Bảy!
Bỗng nối tiếp theo câu nói của Ba Mực, một tràng “rùng rùng.” Ba Mực kêu lên:
- Coi bộ nó làm gần hơn anh Bảy. Mấy cái chén nhảy tưng tưng.
Tư Mô nói với tôi:
- Nó sửa soạn mở màn chiến dịch Johnson City. Mình phải đi gấp. Ở đây không có lợi đó chú Hai.
- Muốn đi cũng không phải dễ đâu anh Tư. Còn phải chuẩn bị lương khô chớ. Ít nhất phải vài ba tuần mới đi được. Hồi đi Trường Sơn tụi tôi không có chuẩn bị gì hết ráo nên dọc đường khan thức ăn phải vô buôn đổi gà đổi chó nguy hiểm vô cùng.
Tư Mô nói:
- Ở trên đường mình sẽ đi, đâu có buôn bản gì mà đổi gà đổi chó, chú em.
Đúng ra tôi cũng không còn có gì để đổi. Vừa đến đó thì ông Tổng Thư Ký Văn Nghệ Giải Phóng Lý Văn Sâm đến. Tôi có cảm tưởng đó là một con ma sốt rét hiện hình, trông thảm não vô cùng. Ngó anh mà tôi hiểu tôi. Chắc tôi cũng không hơn gì anh. Chỉ khác là tôi trẻ hơn đâu chừng mười tuổi thôi. Anh nói giọng khàn khàn:
- Chiều nay mình tiễn đồng chí Thép Mới về Bắc. Dự trù của anh nuôi là giết con gà mái cuối cũng để làm tiệc, ngoài ra thì ai bưng cơm thường nấy đến ăn chung một bữa.
Ba Mực vọt miệng hỏi:
- Đi tất cả hả anh Hai?
- Ý quên! Mỗi tổ cử một đại biểu thôi. Tổ văn thì được ưu tiên ba đại biểu.
- Tại sao?
- Vì đồng chí Thép Mới là nhà báo. Hai Lý tiếp – Còn tổ thơ thì Giang Nam đi, tổ họa…
- Tôi xin nhường cho người khác! Tư Mô nói – Tôi mệt lắm không dự nổi.
- Họa sĩ Đức đâu rồi, nãy giờ tôi đi tìm mà không thấy!
- Nó đi coi tiên… ủa, nó đi lấy nước uống trà!
Hai Lý thủ thỉ:
- Đồng chí Thép Mới vô cũng đã gần ba tháng lại có đi đến cả Củ Chi lượm đề tài nữa. Hà Nội đâu có đồng chí nào gan dạ bằng đồng chí ta. Vậy chiều nay trong buổi tiệc tiễn đưa, các đồng chí nên phát biểu vài cảm tưởng cho ngọt để đồng chí mình về ngoài đó giữ những cảm tình tốt đẹp với miền Nam.
- Có thể bảo thằng Xuân Vũ nói cảm tưởng! Bảy Cò vọt miệng nói liền.
- Nó ở ngoài Bắc mới vô, để cho nó phát biểu thì chẳng khác nào mèo khen mèo dài đuôi.
- Anh đừng lo! Nó có đọc Tùy bút của Thép Mới và quyển “Thời Gian Ủng Hộ Chúng Ta” của Ilya Erhembourg do Thép Mới dịch, nó khen hay lắm. – Bảy Cò nói.
Tư Mô cãi lại:
- Cái chúng mình phải khen là những gì Thép Mới viết về miền Nam, chớ còn mấy cái kia thì đã cũ rồi, vả lại khen Thép Mới như là một dịch giả thì không cần thiết lắm anh Hai ạ.
Hai Lý lẩm nhẩm một hồi rồi nói:
- Vậy thì thôi, trong bữa tiệc, tự do cảm tưởng, nhưng đường hướng chung là đề cao đồng chí ta.
Vừa đến đó thì lại một loạt “rùng rùng” khác tiếp theo, gần hơn hai lần trước.
- Mẹ kiếp! Ba Mực kêu lên: Bữa nay nó thím xực ba lần. Coi bộ nó muốn chơi qua ranh giới Cao Miên nữa đó anh Hai.
Hai Lý lắc đầu:
- May rủi tại trời, mình sống như những con kiến dưới những lỗ nẻ vậy. Một gáo nước sôi, một mồi lửa là rụi tèng heng hết ráo.
- Anh nói vậy làm sao “Nắng Bên Kia Làng” nổi, anh Hai!
- Nắng đã tàn rồi, chú em!
- Nhưng nắng được thì cứ nắng chứ anh Hai!
Tuy cà rỡn với nhau vậy chớ trong bụng, người nào cũng hoang mang cực độ. Chiến dịch Johnson City đã mở màn ở xa xa rồi đó. Nhưng bọn tôm tép này thì cứ ở đây chờ lệnh trên. Có lẽ nó khía Củ Chi trước rồi đến các cơ quan R chung quanh biên giới Việt Miên. Nó không cần đổ quân, chỉ chơi B52 là đủ.
Vài người rút lui. Mấy người còn ở lại lơ láo mất hồn. Sáng, tôi và họa sĩ Đức lấy nước xong trở lại thì chỉ còn có ông chủ lều ngồi chong ngóc một mình.
- Gặp tiên không? Tư Mô hỏi.
- Đi sớm quá, tiên chưa đáp xuống.
Họa sĩ Đức cười:
- Coi hát đã đời rồi còn bảo là chưa. Hề hề… bầy tiên cảnh giác nên rút lui không phơi cánh nữa. Nếu bây giờ mà trở lại thì gặp chắc.
- Thôi đi cha non, dưa hấu sắp rụng tới nơi rồi kìa ở đó mà coi tiên.
Hai Lý là người lãnh đạo tiểu ban về mặt chánh quyền nên anh cũng chỉ làm hụ hợ vì đã có đảng bao sân, chánh quyền giải quyết xong rồi cũng phải thông qua đảng. Đảng không đồng ‘ý thì cũng vô ích thôi. Ngay như việc hi sinh con gà mái để tiễn nhà báo về quê cũng phải có ý kiến của đảng.
Đến Mà Không Đến Đến Mà Không Đến - Xuân Vũ Đến Mà Không Đến