When they asked me what I loved most about life, I smiled and said you.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2677 / 73
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thay Lời Tựa
ỘNG SẢN HÀ NỘI TRUY NÃ MỘT NHÀ VĂN: XUÂN VŨ
(Trích Hồi ký của Phạm Thành Tài)
Hồi còn ở quê nhà, sau tám năm “cải tạo học tập” về, tôi có mở một phòng mạch chữa bệnh cho bà con để kiếm sống qua ngày. Chữa bệnh bằng Tây Y kiếm cơm hơi khó vì thuốc hiếm, mắc quá, bệnh nhân mua không nổi nên tôi chuyển sang chữa bằng Đông Tây Y kết hợp. Nhờ trời cũng đắp đổi bữa có bữa không. Nhưng tôi quyết không bỏ nghề, không chỉ vì sợ mất cần câu cơm, mà còn vì tôi không thể bỏ ngang thân chủ mình. Bà con lành được bệnh tôi cũng có niềm an ủi, hơn nữa cái thế giới quen biết của mình ngày càng rộng khắp với bao nhiêu tâm sự vui buồn trong thời ly loạn nhân tâm. Trong số đó có một người con gái tên Thư. Cô gái này hình như là sinh viên cũ của Sàigòn không được vô Đại Học Nhà Nước, rất thích đọc sách. Lạ một điều là cô ta chỉ thích loại tiểu thuyết lịch sử. Cô kể cho tôi nghe gần như thuộc lòng nào là “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng, nào là “Chiến Tranh và Hoà Bình”, nào là “Ana Karenina” của Tolstoi. Cuốn này cô kể thật hấp dẫn, đây là cuốn có tình tiết rất tinh tế, rất khó kể sao cho hấp dẫn, thế mà tôi nghe phải mê luôn các nhân vật trong ấy. Có một lần nghe cô kể, không hiểu sao tôi buột miệng hỏi:
- À mà lâu nay cứ nghe chuyện ngoại quốc. Còn truyện trong nước Thư có đọc nhiều không?
- Chuyện nào em cũng đọc. Hễ thấy là em mua ngay. Hết tiền vì đọc, má em la hoài… Em đọc cả sách “chui” nữa.
- Cả sách “chui” nữa, sách “chui” thì Thu thích cuốn nào?
- “Một Ngày của Ivan” và “Quần Đảo Ngục Tù” của Solzenitsyne, nhất là cuốn “Tầng Đầu Địa Ngục” cũng của Solzenitsyne.
Tôi lấy làm ngạc nhiên, nhưng ra mặt tỉnh bơ.
- Còn sách chui trong nước?
- “Đường Đi Không Đến” của Xuân Vũ!
Thư trả lời trơn tru, gọn lỏn làm tôi tá hỏa và có cảm giác ớn lạnh... Tôi nghe như ai lấy cục nước đá chà vào lưng đốt sống nhất là nhắc đến cái tên mà tôi chứng kiến đã từng bị truy nã. “Xuân Vũ! “ Ngay lúc ấy tôi như không còn nghe Thư nói gì nữa. Sở dĩ mà cô dám đường đột nói như vậy là vì cô biết cái gốc của tôi không phải là cán bộ Cộng Sản. Hơn nữa, tám năm sau “giải phóng” người dân đã khinh nhờn Cộng sản rất xem thường vì chúng tỏ ra quá nham nhở, thua kém Sài Gòn cũ xa.
Cô hỏi:
- Sao mà thầy đờ ra vậy?
- Chả có gì!
(Chả lẽ tôi dám cả gan buột miệng. - Xuân Vũ là người tôi từng ‘biết”!)
Tôi còn hỏi lại:
- Cô thấy nói gì trong sách đó?
Thư không trả lời thẳng câu hỏi:
- Cái ông xuân Vũ mà còn ở lại thì phải “ăn đạn đồng” “đền tội trước nhân dân và Đảng.” – Thư nhấn mạnh và bĩu môi ở từng lời.
- Làm gì mà ghê thế? – Tôi nói.
Như chuẩn bị hồi nào, Thư tuôn ra một hơi không có vẻ sợ sệt e dè gì hết.
- Thầy coi viết như vầy có ‘độc” không? Mở đầu câu chuyện ông ta ví Đảng là người chủ ngựa, nhân dân là ngựa. Con ngựa gầy còm mỏi mệt nai lưng ra kéo xe. Đảng nói: Cố lên, đấy năm cỏ đằng trước mặt… rồi sẽ no nê… “ở đó thiên đường, gắng lên... “
Lại thêm một lần nữa, tôi nghe Thư nói mà “rởn ” gây. Tôi đã đọc cuốn “Đường Đi Không Đến” quả là có câu đó, Xuân Vũ có viết nhưng khi nghe Thư kể lại thì cái hồn của ý đó nó sống động hơn, nó ma mãnh hơn…
Tôi suýt buột miệng kêu lên:
- Chao ơi, cô bé kể chuyện hay quá, tôi nghe mê quá. Còn cái ông Xuân Vũ kia quả là tôi…
Tôi tự chế kịp thời ngay trong tâm trí. Vì không thể nói ra một câu có thể làm cho tôi trở lại trại cải tạo mục xương.<
° ° °
Tình thế đẩy đưa làm sao mà tôi lại xin đi theo diện HO và được đi. Sang Hoa Kỳ tôi bơ vơ lắm không biết tìm ai? Đất nước mình sống bỗng nhiên phải bỏ đi để lại cha mẹ già trên tám mươi tuổi. Có thảm cảnh của dân tộc nào bằng thảm cảnh dân tộc Việt Nam? Thâm tâm tôi quyết tìm Xuân Vũ, người tôi có “quen ” từ lâu. Tôi hỏi các báo có tên Xuân Vũ trong ban biên tập, chủ báo nói biết nhưng không được phép cho số điện thoại và địa chỉ.
Một hôm buồn quá, tôi dạo nhà sách Tú Quỳnh ở đường Bolsa. Có hai điều làm tôi chú ý bàng hoàng. Thứ nhất là cuốn sách “Đường Đi Không Đến” và thứ hai là một người con gái giống Cléopâtre.
Sự chú ý của tôi chợt hướng hẳn vào những tên sách đập vào mắt tôi: “Tự Vi Thế Kỷ” truyện ngắn Xuân Vũ, “Xương Trắng Trường Sơn”, hồi ký tập hai Xuân Vũ, “Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết,” hồi ký Xuân Vũ và v.v….. Đột nhiên, buổi thẩm vấn tại của tên công an cách nay hơn mười năm hiện lên trong đầu tôi như một thoáng ác mộng.
Tóc hắn húi ngắn. Đầu hắn hơi bờm xờm, điều làm tôi chú ý là hai chân hắn đi như lướt nhẹ làm lất phất hai cái ống quần rộng, chân hắn như không xương… lại một điều nữa làm tôi để ý là da mặt hắn trắng hồng và râu xanh mờ ở mép qua các đường cạo thật nhẵn, chắc là phải dùng loại dao cạo râu nổi tiếng Reles. Tôi mường tượng như gặp hắn đâu đó thuộc ngày 30 tháng 4 năm 1975 và hình như hắn đã từng gặp Xuân Vũ trong một dịp vô tình nào đó… chắc chắn hẳn không phải là một trong những nhân vật đi trên đường mòn Trường Sơn “đường đi không đến “… nhưng không thể không là một trong những tên mật vụ nhà nghề…
Trong bản thảo đầu tiên bài “Truy nã một nhà văn: Xuân Vũ “ tôi viết:
Năm 1973, nhà văn Xuân Vũ được giải nhất trong cuộc thi văn học giải Tổng Thống. Tác phẩm được giải là cuốn truyện “Đường Đi Không Đến.” Vô tình tên tuổi một nhà văn gắn liền với tên tuổi một Tổng Thống. Nhà văn Xuân Vũ và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng hai năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày khai tử Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta mất nước, cố nhiên mất Tổng Thống và mất luôn Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng không mất “Đường Đi Không Đến” và không mất Xuân Vũ, vì tác phẩm thì vào lòng người và nhà văn thì không phải là một chức sắc.
“Thằng Thiệu đã mất chức Tổng Thống. Còn thằng Xuân Vũ nó không mất chức vì nó là thằng Nhà Văn. Thằng Thiệu phải trả lại Việt Nam sau bao năm nó “bán đứng cho Mỹ. ” Còn thằng Xuân Vũ nó “bán hồn” cho Thiệu, nó cũng bỏ tác phẩm mà chạy. Thằng Thiệu trốn, bỏ lại đất nước, ta còn có thể sửa lại còn thằng Xuân Vũ bỏ lại tác phẩm thì chả ai sửa lại được vì nó là chất độc, cực độc. Đất nước bị tàn phá Đảng ta sẽ làm lại nghìn lần đẹp hơn. Con người Miền Nam bị hư hỏng Đảng ta thừa sức cải tạo thành con người mới, con người Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng những tác phẩm văn học phản động như kiểu “Đường Đi Không Đến” của thằng Xuân Vũ thì làm thế nào sửa lại cho đẹp, làm thế nào cải tạo nó… Cái nguy hiểm độc hại là ở chỗ đó… Chắc anh, một người trí thức, anh hiểu điều ấy hơn tôi… Vì vậy mới có hôm nay, chứng ta gặp nhau… “
Đó là câu nói hằn học của tên công an thẩm vấn sơ khởi thuộc Sở An Ninh Nội Chính thành phố, nhưng tôi không được đến sở mà đến một biệt thự ngay trước cổng trường Gia Long…
Hôm nay tôi chép lại nhữg dòng đầu tiên trong bản thảo đầu tiên viết theo thứ tự thời gian và sự kiện mà tôi còn nhớ về cuộc thẩm vấn.
- Anh có biết Xuân Vũ liên hệ với cơ quan Thông Tin Mỹ hồi trước 30 tháng 4 năm 75 không?
- Có lẽ anh nên gặp Xuân Vũ thì rõ hơn.
- Làm sao gặp được nó?
- Các anh cho tôi biết Xuân Vũ còn “kẹt” lại đâu ở Phú Quốc hay Bến Tre gì đó mà!
Tên công an như lỡ lời, liền bào chữa.:
- Rồi tôi sẽ bắt nó! Nhân dân là lưới trời mà.
Viên công an cho tôi biết.: Xuân Vũ vì liên hệ với một cô ca sĩ nào đó muốn xin đóng một vai trong cuốn phim dự định dựng lại từ cuốn truyện “Đường Đi Không Đến. ” Cô ca sĩ mê Xuân Vũ vì tài…, còn Xuân Vũ mết cô ta vỉ sắc. Tài sắc “đố kỵ” nên Xuân Vũ để gia đình đi trước, còn Xuân Vũ ở lại đón người đẹp theo sau. Đâu ngờ cách mạng như “vũ bão ” làm nhà văn và mối tinh vỡ mộng. Cô ca sĩ thì chẳng biết mô tê, còn Xuân Vũ thì chui rúc đâu ở miệt Hậu Giang.
(Tôi cũng có tin đồn Xuân Vũ chạy theo tàn quân về Bến Tre. Cũng có người nói Xuân Vũ đang “ấp” người đẹp tại một ngôi nhà “bí mật” ở ngay “Hòn Ngọc Viễn Đông” đầy dấu dép râu và chập chờn mũ cối…)
- Anh có biết tên cô ca sĩ đó không nhỉ? Tên công an hỏi.
- Tôi không hề gặp cô này.
- Anh nên thành thật khai báo! Chính cô ca sĩ này gặp Xuân Vũ tại văn phòng Trung Tâm Chiêu Hồi Trung Ương do anh làm Giảm Đốc.
- Cô ca sĩ nào nhỉ?
- Anh Tài à, việc này chả có gì quan trọng, anh cho tôi biết tên cô đó là mọi việc êm xuôi. Chúng tôi chả làm phiền anh, mà tôi cũng xong việc.
- Có thể là Hoài Hương chăng? - Tôi ngập ngừng đáp.
Người thẩm vấn viên như tìm được một cái “đầu mối”. Mắt anh ta sáng rỡ, nhưng còn đề phòng.
- Đúng là Hoài Hương không?
Thực ra, có một cái tên Hoài Hương. Hình như cô này là xướng ngôn cho đài Tiếng Nói Tự Do, rồi sang đài Mẹ Việt Nam. Tôi thoáng nhớ một cái tên như cậy và phịa ra cho xong chuyện. Nào ngờ “trúng tủ ” tên công an, nhưng hắn neo lại đó, không hỏi vội. Hắn bọc một vòng rộng chung quanh tôi:
- Anh quen với Xuân Vũ vào dịp nào nhỉ?
Hắn vừa hỏi vừa chìa tay trao tôi một điếu thuốc Điện Biên.
- Thưa anh, hồi ảnh mới về Sài Gòn.
Tên công an hít một hơi dài phà khói thuốc chạy dài thành một đường cong queo phía trước mặt hắn. Tôi đoán hắn đang mơ màng hình dung một câu hỏi tiếp:
- À Xuân Vũ tên thật là gì anh Tài nhi?
- Thưa, hình như, nếu tôi không quên, là Bùi Quang Triết.
- Chắc hắn có họ hàng với tên phản động tư sản Bùi Quang Chiêu thời Pháp đô hộ…
- Thưa có thể.. cùng là Bùi Quang… mà không rõ có bà con không? Chắc các anh rõ hơn tôi!
- Chuyện ấy không quan trọng, hỏi cho vui thôi. Nhưng nguồn gốc giai cấp thường quyết định lập trường. Bùi Quang Triết là cây bút thực tài dù chưa viết nhiều, nhưng tiếc là hắn đã quay về giai cấp của hắn, chống cách mạng…
Thốt nhiên tên công an như trực nhớ ra câu trả lời đầu tiên của tôi và hắn hơi có vẻ vội vàng:
- Hồi anh quen Xuân Vũ lúc nó mới về là hồi nào nhỉ?
Hắn nhìn thắng vào như tôi. Tôi đang giả vờ dụi điếu thuộc vào cái gạt tàn bằng sứ để có chút thời gian đoán hắn muốn gài mình vào bẫy gì nếu câu trả lời hớ hênh, thì hắn như chớp lời:
- Chắc là hồi nó ở Phủ Đặc ủy Trung Ương Tình Báo đưa về Trung Tâm của anh phải không anh?
- Thưa phải!
Và tên công an như buộc tôi đồng ý với hắn:
- Hắn là công tác viên của Phụ Đặc Ủy Tình Báo ngụy chớ gi?
- Theo tôi biết thì chắc là không có.
Tôi trả lời tiếp:
- Trước khi anh Xuân Vũ về Trung Tâm do tôi làm Giám Đốc có một người tự giới thiệu là Phụ Tá Phủ Đặc Ủy hỏi tôi bằng điện thoại xem thử Xuân Vũ có phải là Nhà Văn không? Tôi khẳng định là phải, dù chưa hề quen ông ta. Người phụ tá ấy hỏi tôi rằng tại sao không thấy Xuân Vũ khai báo gì cụ thể để kết thúc hồ sơ. Tôi nói rằng, nếu đúng anh ta là nhà văn thì việc khai báo đối với họ là vất đi vì họ làm việc bằng hư cấu, tượng trưng, điều cần thiết là tác phẩm của họ. Tôi còn nhớ tiếng nói của người phụ tá Phủ Đặc ủy trong dây nói: “Thế à.!” Chuyện ấy bẵng đi một thời gian mấy tháng thì từ Phủ Đặc Uỷ Tinh Báo có gởi đến tôi một bì thư rất lớn và ghi là “tuyệt mật” khi mở bì ra, tôi thấy một xấp bản thảo trang đầu viết chữ thật lớn “Xương Trắng Trường Sơn.” Nét chữ gọn sắc, bản thảo ở dạng phát thảo bố cục, có đoạn viết thành văn, nhiều đoạn còn bỏ dở…
- À ra thế!… Cuốn này hắn chưa cho in…
- Cuốn đó chính là “Đường Đi Không Đến” tập một… Tôi ngưng một chút rồi tiếp - Theo tôi, hắn bắt đầu bất mãn các anh hồi Cách Mạng tháng 8!
Tôi hơi mỉm cười làm tên công an thẩm vấn nhìn chăm chăm vào tôi. (Hồi đó hắn chưa ra đời!)
- Anh nói sao tôi chưa hiểu?
- Thưa anh tôi có ý nói. “Đường Đi Không Đến” là cuốn sách mang tư tưởng “phản động ” ngay từ lúc Xuân Vũ đi kháng chiến thuở Cách Mạng Mùa Thu.
- Tôi vẫn chưa hiểu?
- Xin lỗi anh tôi nói không được rõ. Tôi muốn nói là “Đường Đi Không Đến” chính là tác phẩm đã viết bằng tư tưởng chống cách mạng ngay từ lúc Xuân Vũ không bằng lòng cách mạng thuở còn kháng chiến chống Pháp. Từ ấy tích tụ đến nay và thể hiện ở “Đường Đi Không Đến. “
Tên công an hiểu ra, mắt hắn nheo cười, mỉa mai:
- Nếu nó để cái tên cũ “Xương Trắng Trường Sơn” thì còn có lý. Phải có “Xương Trắng” khắp “Trường Sơn” mới có ngày hôm nay. Nó vô tình nói lên sự hy sinh vô bờ bến của Đảng và Nhân Dân. Đằng này nó viết đường Đi Không Đến là nó nói “phét. Nếu không đến thì sao nó còn trốn lẩn quất đâu đây và làm sao tôi có thể gặp anh hôm nay được?
Tôi thầm nghĩ tên công an này thật là tráo trở nên tôi giả vờ:
- Thưa anh, tôi nghĩ là Xuân Vũ rất “phản động”, y còn viết một cuốn nữa…
- Cuốn gì anh nhỉ?
Hắn vừa hỏi vừa còn giữ nụ cười mỉm.
Tôi nói
- Thưa cuốn “Đến Mà Không Đến”!
- Thật à...?
- Thưa có thật như vậy…
- Anh có đọc chưa?
- Thưa chưa… nhưng đã có dư luận độc giả rầm rộ lắm!
Nụ cười mỉa trên môi tên công an chợt tắt ngấm, hắn có vẻ lúng túng và dằn giọng:
- Rồi chúng tôi bắt nó và sẽ hỏi: “Đến Chưa”? Nó còn trốn đâu đây. Làm sao thoát khỏi lưới trời… Thôi ta tạm dừng câu chuyện này ở đây. Bây giờ tôi muốn gặp anh để nhờ anh giúp một việc khác, cũng là chuyện Xuân Vũ Bùi Quang Triết…<
° ° °
Sau cuộc thẩm vấn nhậm nhầy kể trên, tôi lại bị mời theo kiểu “bắt nguội”. Lần này chúng chở tôi đi. Ngồi trên xe giữa hai họng súng cặp bên cạnh sườn. Tôi không dám nhúc nhích lỡ nó lãy cò thì bỏ mạng. Tôi không sợ nó bắn chết mình ngay trên xe. Muốn hành quyết thì phải đem ra bãi trống hoặc trong vườn hay là ở một sườn núi hoặc tiện hơn là ở một băi sông… Bắn cho xác trôi sông… Tôi chỉ sợ súng cướp cò, súng Rouleau rất nhạy. Tôi đành ngồi như phỗng. Chiếc Volkswagen quẹo qua góc chợ Thái Bình, phía rạp hát Khải Hoàn rồi thắng ra đường Hồng.Thập Tự. Người đi đường vẫn thản nhiên nào biết có một người vừa bị “túm gọn” đang bị giải đi. Một chiếc Com-măng-ca chạy sau. Trên xe toàn là lính Bắc Việt. Họ đội mũ cối và nói giọng trọ trẹ. Còn trên chiếc Volkswagen thì là lính người Nam, chỉ có một người ngồi cạnh tài xế đội mũ cối là lính Bắc, mang cấp bực thiếu úy. Sau này tôi mới rõ: Người tài xế là nhân viên của Phủ Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương sài Gòn. Còn hai anh chàng lực lưỡng như hộ pháp ngồi hai bên chia súng vào mạn sườn tôi là nhân viên cảnh sát đặc biệt làm việc thời ông Thiệu. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, những nhân viên cấp thừa hành của chế độ cũ đều được An Ninh Nội Chính Cộng Sản huy động đi ruồng bố bắt bớ những sĩ quan trốn trình diện học tập và các tổ chức “chống đốì chế độ”. Bọn An Ninh Cộng Sản tuy sử dụng họ nhưng luôn luôn cảnh giác: Cứ một nhân viên tình báo chế độ cũ thì kèm theo hai hoặc ba tên An Ninh Cộng Sản trong khi hành sự. Cộng sản có cấp súng cho họ, nhưng hết giờ bố ráp thì thu lại. Họ được về nhà, nhưng cho tới tháng 10 năm 1975, nghĩa là sáu tháng sau ngày mất nước, toàn bộ nhân viên thuộc các tổ chức Tình Báo chế độ cũ đều trình diện và lãnh còng USA đều ra Tân Cảng để lên tàu ra Bắc.<
° ° °
Dựa lưng vào nệm xe tôi thấy nhẹ nhõm và bắt đầu chú ý cuộc hành trình… Chiếc Wolswagen dừng khá lâu ở ngã tư đường Cống Quỳnh và Hồng Thập Tự đợi cho hàng đoàn xe tải quân đội Bắc Việt đi qua toàn là xe Molotova cũ kỹ và đầy bụi đường. Nếu chiếc Wolswngen quẹo sang phải là chắc nó đưa mình lên đề lao Gia Định, nơi nổi tiếng nhốt tù chính trị từ thời Pháp, còn nếu quẹo trái thì mình nằm ấp Chí Hòa. Chợt trong đầu tôi thấy tiếc, nếu nó bắt tại nhà là mình mang được “đồ nghề” theo, nào bộ tadi, cái mũ rộng vành, dép, bàn chải đánh răng…, giá như giờ nó đưa minh về nhà để “xét nhà” thì hay quá, mọi thứ chuẩn bị cho việc ở tù sẽ như ý, chỉ sợ cái cuốn ” Tầng đầu địa ngục” nó tìm thấy thì hơi rắc rối… Nhưng tôi nghĩ lại, tụi nó bắt kiểu này là bắt “nguội”, giống như nó bắt nhà văn Solzenitsyne vậy, sức mấy mà nó đưa mình về nhà. Nghĩ vậy nên tôi chờ cho đoàn xe Molotova qua hết xem nó quẹo trái hay phải.
Đoàn xe quân đội vừa qua chiếc cuối cùng thì chiếc Wolswagen quẹo trái. Thế là đi hướng Chí Hòa rồi. Nhưng khi xe chạy đến ngã tư Lý Thái Tổ thì nó vòng theo bùng binh quay ngược lại đường Hồng Thập Tự. Không hiểu tại sao nó đi vòng vo như vậy. Xe bon bon chạy đằng sau là chiếc Com-măng-ca. Sắp ngang qua đường Lê Vă Duyệt. tôi nghĩ, nếu nó quẹo phải là đưa mình về nhà để xét nhà và đọc lệnh bắt giam. Nhưng ý nghĩ này không vững, nêu vậy thì nó đến nhà bắt mình chứ. Nó cố ý bắt ” nguội” mà. Nếu quẹo trái thì chắc nó cho mình nằm ấp “Trung tâm thẩm vân Việt Mỹ” đường Tô Hiến Thành. Đây là một trung tâm khá lớn để thẩm vấn tù binh Việt Cộng thời trước. Mọi dự đoán đều sai. Chiếc Wolswagen chạy thẳng trên đường Hồng Thập Tự. Đường vắng ngất, 8àigòn sau hai tháng “giải phóng” như thất thần. Chiếc Wolswngen lại chạy, nó như không định hướng. Cứ mỗi ngã tư thì người tài xế ngoảnh sang tên thiếu tá Bắc Việt như xem thử hắn muốn đi đâu. Tên thiếu tá lạnh lùng cứ mỗi ngã rẽ được thì hắn hất hàm hướng về phía trước, xe tiếp tục lăn bánh trên đường Hồng Thập Tự qua cứ ngã tư Duy Tân, Hai Bà Trưng, rồi qua cầu Thị Nghè, vậy là mình bị cho nằm ấp ở Biên Hòa rồi… Chiếc xe qua khỏi dốc cầu đổ xuống thật nhanh nhưng đến ngã rẽ ngang chợ Thị Nghệ thì tên thiếu tá ngồi ở ghế trước giơ cánh tay ra hiệu. Xe quẹo mặt, chạy thật chậm ngang qua chợ, buổi chiều vắng. Vừa qua khỏi chợ Thị Nghè thì gặp một con đường ngang, con đường tôi từng đi hằng ngày mà nay quên tên rồi. Vừa đến ngã ba thì tên thiếu tá Bắc Việt lại giơ tay ra hiệu: Quẹo phải. Xe tiếp tục chạy, tên thiếu tá giơ bàn tay đập đập vào cửa xe bảo chạy thật chậm…
Xe từ từ qua cổng trước không còn lính gác như xưa. Hồi trước cổng được linh gác cẩn mật, bên ngoài có cảnh sát đặc biệt theo dõi bọn đặc công cộng sản có thể tổ chức phá hoại. Tổng Nha Cảnh Sát đã từng phát hiện đặc công đem mấy kí chất nổ để phá hoại. Âm mưu bị phát giác và chúng bị bắt. Nay cổng không còn lính gác. Còn cái bảng thật lớn “Trung Tâm Chiêu Hồi Trung Ương” cũng không còn. Xe chạy qua sân lớn của Trung Tâm rồi thắng qua văn phòng của tôi, cạnh đó là văn phòng của ông Phó Giám Đốc Xuân Vũ.
Tôi thầm nghĩ: Nhà văn chống Cộng khét tiếng lại làm Phó Giám Đốc cái Trung Tâm này thì Việt Cộng làm sao tha được. Vậy mà không lo mà chạy còn ờ đó “bay bướm”.
Xe chở tôi ngừng ngay trước bậc thềm vào văn phòng chính của Trung Tâm, còn chiếc com-măng-ca theo sau thì chạy thẳng vào garage. Từ trên cao bậc thềm, hai người đàn ông tuổi trung niên bước xuống. Tên thiếu tá Bắc Việt mở cửa xe bước lên. Ba người tụm lại nói đôi câu rồi tên thiếu tá đến phía sau xe nói:
- Mời anh Phạm Thành Tài nào…
Tôi vừa bước xuống chưa kịp khép của xe, thì hai người đàn ông trờ tới bắt tay chào và nói rất nhỏ: “Anh Tài “
- Chào hai anh! – Tôi đáp.
Hai người đàn ông lạ hoắc, má cóp, một người có con mắt mở sáng và cặp chân mày đậm hơi xếch, nói giọng Bắc, còn người kia thì hơi thấp, có vẻ xuề xòa, đôi mắt mệt mỏi, nói giọng Nam…
Tôi chưa bao giờ đoán trước rằng họ có thể đưa tôi vào Trung Tâm này vì đây không phải là cơ quan mật vụ, cũng không phải là nơi lưu trữ hồ sơ gián điệp. Nó chỉ là một Trung Tâm trung ương tiếp nhận những người tìm tự do, những người yêu nước bị cộng sản mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc hoặc đã lầm lẫn giữa cộng sản và dân tộc. Toàn bộ ngân sách chi tiêu của Trung Tâm do Hoa Kỳ viện trợ. Người Hoa Kỳ rất thích thú và vui vẻ chi tiền cho Trung Tâm điều hành công việc. Đó là nghĩa cử mở rộng vòng tay đón nhận những người tìm tự do.
Ho đưa tôi vào trong phòng rồi lên lầu. Tôi vẫn chưa rõ họ đưa tôi vào Trung Tâm này với mục đích gì?
- Anh Tài, anh là Giám Đốc Trung Tâm này trước đây phải không? – Người Bắc hỏi.
- Thưa trước ngày 30-4-75, tôi có làm giám đốc ở đây…
Người nói giọng Nam tiếp:
- Hỏi vậy thôi chứ chẳng dính dấp gì chức vụ cũ của anh đâu! Anh yên tâm. Tụi mình gặp nhau là điều đáng mừng. Anh em nhau cả…
Người Bắc đến ngồi phía sau bàn ngày xưa Xuân Vũ ngồi làm việc, tôi còn nhớ cái bàn sắt của Mỹ bị quẹt ở phía trước một lằn dài. Hắn đứng dậy khom người ra phía trước mời tôi một điếu thuốc Đại Tiền Môn của Trung Cộng. Cách mời rất lịch thiệp, anh ta vỗ điêu thuốc ra rồi đưa bằng hai tay.
- Mời anh… Thuốc này chắc không hợp “gu ” anh…
- Cám ơn anh… Tôi hút thuốc gì cũng được!
Người Nam ngồi trước bàn đối diện với tôi liền bật chiếc Zippo.
- Cảm ơn anh…
- Không có xăng Zippo nên lâu cháy...
- Dạ…
Người Bắc tiếp:
- Mời anh dùng trà, nước trà Bắc Thái đấy. Anh thử xem, anh cứ tự nhiên.
Tôi cầm cốc nước ực một cái rất ngon lành vì cũng đã khô cổ. Hình như thấy tôi tỉnh táo và chàng e dè mấy, người Nam nhìn vào mắt tôi:
- Xin tự giới thiệu, chúng tôi là nhà văn ở R về…
Tôi ngỡ ngàng. Nhà văn mà gặp mình ở đây làm gì, có kèm theo thật vụ đi bắt người. Thế là sao? Tôi nghĩ đây chắc là hai tên Anh Đức và Nguyễn Quang Sáng, vì trước đây tôi có nghe Xuân Vũ tâm sự là bạn của hai tên này. Tụi nó đều là dân Nam kỳ tập kết. Vậy chỉ một tên, có thể là Đức hoặc Sáng
- Xin lỗi, xin quý anh cho biết bút hiệu? Tôi hỏi.
Hai người nhìn nhau, người Bắc nhanh nhẩu:
- Rồi chúng tôi sẽ tặng sách cho anh. Anh sẽ biết, muộn gì!
Tôi chưa kịp nói gì thêm thì người Nam phân bua.
- Anh không biết bút hiệu tụi tui, chứ tụi tui biết anh. Hồi anh còn Phụ giảng ở Đại học có làm thơ, tôi có đọc và còn nhớ. Đó là bài “Chim Yến” đăng ở báo Văn Nghệ Quân Đội và bài thơ “Thăm hang” đăng ở báo Văn học… Mỗi số bài tùy bút viết ở báo Sinh Viên… Tưởng là gặp anh ở chỗ khác nào ngờ lại gặp ở đây… Trái đất tròn ở đâu cũng gặp… miễn có gặp là vui vẻ là tốt rồi!
Người Bắc hỏi:
- Anh Tài, anh cũng là người viết văn, anh có nhận xét gì về nền văn học cách mạng không?
- Thưa anh, tôi chưa có dịp đọc nhiều, thành ra không thể có ý kiến gì về nền văn học cách mạng.
- Còn tụi Ngụy, theo anh nó có một nền văn học không?
- Xin lỗi hai anh, cái đó để cho lịch sử phán xét… Tôi không rành về văn học.
Người Nam nói:
- Mình nói vui thôi mà, đâu nhằm tới cái lớn…
- Tôi bỏ viết lâu rồi, nên không lưu tâm…
- Anh khiêm tốn quá, tôi có đọc nhiều bài được ghi âm lại lúc chưa giải phóng. Anh có viết trên báo Khởi Hành, báo Diễn Đàn và rất nhiều tùy bút được phát thanh trên Đài Tiếng Nói Tự Do. Chắc anh còn nhớ các bài “Đoạn tuyệt danh vọng”,”Hình của nước”… Anh viết suốt cả năm này qua năm khác, hàng tuần, hàng tháng Đài Tự Do phát thanh bài của anh đều đều.
- Sau đó thì tôi không viết nữa…
Tôi tự hỏi tụi này muốn cái gì đây mà nó cứ đi vòng vòng
- Đúng, một năm gần đây không nghe Đài Tự Do phát thanh các bài tùy bút của anh nữa… Nhưng theo anh Tài, nhà văn nào viết khá nhất trong thời ngụy…
Tôi không ngần ngại:
- Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Duyên Anh và… định nói thêm một tên nữa nhưng cái bàn đang ngồi dựa tay vào là cái bàn của chính người tôi phải giả vờ quên: Xuân Vũ… nên lặng thinh không đáp.
Hình như hắn muốn tự tôi đưa tôi vào tròng, hắn vội hỏi:
- Và ai nữa anh…?
Tôi chưa kịp nghĩ ra một tên khác thì người Nam cướp lời:
- Xuân Vũ, Xuân Vũ Bùi Quang Triết.
Đến lúc này tôi mới hiểu ra. Chúng nó gặp tôi chỉ có một mục đích: hỏi về Xuân Vũ. Nhưng hỏi về cái gì, điều gì? Chả lẽ hỏi về sự nghiệp văn học chống cộng của Xuân Vũ sao? Tôi chợt nghĩ: Hay Xuân Vũ bị bắt, nó đem mình ra để điều tra Xuân Vũ. Vô lý! Xuân Vũ đã ra Phú Quốc một tuần trước ngày 30-4-75. Dường như đi trước cả mười ngày, nửa tháng nữa. Xuân Vũ có hẹn tôi nếu cần, cứ chạy ra Phú Quốc rồi tính sau…’ Tôi lại nhớ: Ngày vừa mất Sài gòn chừng một tháng, nhà văn Sơn Nam có đến nhà chơi và có nói: “Hình như thằng Xuân Vũ bị tụi nó bắt. “ Tôi cãi lại: “Làm sao bắt được Xuân Vũ hẳn đi từ khuya. “ Sơn Nam: “Nghe tụi nó nói là thằng Xuân Vũ đeo con nào đó, nên mới bị túm. ” Tôi lại đính chính “Xuân Vũ không phải loại đàn ông dại gái. sao có thể bị túm được. “ Nhà văn Sơn Nam: ” Ngựa sinh chứng thì sao. Nó nổi tiếng với “Đường đi không đến ” rồi mà, ông không thấy sao?”. Tôi không tin, nhưng thoáng chút ngậm ngùi: “Biết đâu chừng đó là sự thật. “
Tay tôi giả vờ rót liền hai các nước và còn định rót thêm để có thì giờ suy nghĩ.
Người Bắc nhìn chằm chằm vào tôi từ nãy, ngón tay trỏ gõ nhẹ trên mặt bàn, buông một câu:
- Anh có đọc Xuân Vũ chứ?
- Thưa có đọc.
- Anh mới đọc hay đọc lâu rồi?
- Nói là có đọc, nhưng nghe người ta nói nhiều hơn là đọc! – Tôi trớ ngang.
Hắn nhấn mạnh cụt ngủn:
- “Đường đi không đến.”
- Nghe người ta nói chứ tôi chưa đọc được hết…
- Sách đoạt giải nhất giải Tổng Thống mà anh chưa đọc à…? Tay nghề khá vững, tiếc rằng nội dung… Hắn tiếp luôn:
- Xuân Vũ là bạn của tôi đó… bạn từ thuở chưa viết văn, từ hồi còn đi học.
- Tôi tiếc cho nó… Nhưng con người đâu phải là thần thánh, ai mà chẳng lầm lạc... – Người Nam cắt ngang.
Tôi thầm nghĩ thằng này là thằng Sáng hay thằng Đức?
Người Bắc hỏi tiếp:
- Anh Xuân Vũ hình như có làm việc chung với anh?
- Thưa anh ấý có làm việc chung với tôi.
- Phó Giám Đốc - Người Bắc gật gù.
Người Nam:
- Cũng lạ, nhà văn Ngụy nó đưa qua làm hành chánh…
Người Băc cười:
- Đâu có gì lạ. Tụi nhà văn Ngụy không đi làm công chức, hoặc có một nghề gì tay trái thi cho có rách. Nên Ngụy nó đưa Xuân Vũ vào làm ở đây cũng phải. Để có chút tiền rồi tha hồ viết chửi… Mỹ Ngụy nó độc lắm….
Hai người nhìn nhau như trao đổi ý kiến bằng mắt rồi người Nam nhìn sang tôi:
- Phải không anh Tài?
Giật mình nhận ra nãy giờ hai “nhà văn ” có vẻ lịch sự, giờ thì bắt đầu lòi cái đuôi công an của chúng ra. Tôi nói:
- Thưa, không hẳn thế!
- Đúng thế chứ sao không hẳn thế, anh Tài!
Thấy không nên tranh luận với hắn, tôi giả vờ:
- Thế à!
Tôi linh cảm nhận ra, tụi này không thể bắt mình đến đây để nói chuyện suông. Rõ là chúng muốn nhắm vào Xuân Vũ. Đã biết vậy mà tôi vẫn chưa rõ mục tiêu cụ thể. Nhắm vào Xuân Vũ để làm gì? Phải chăng đây là thời gian thử nghiệm để lần ra đầumối.. Nhưng cái đầu mối đó là gì? Chúng vẫn còn giữ kín…
Đang nói thì có một người mặc áo đen, khăn rằn đã bạc màu đến bên cạnh người Bắc. Nói gì không rõ, nhưng sau đó người Bắc hất hàm hướng về người Nam:
- Chúng ta xuống dưới một chút đi! Xin lỗi anh Tài, ngồi xơi nước, thuộc đây cứ tự nhiên.
Rồi hai người bước ra chỉ còn lại mình tôi trong gian phòng thênh thang xưa kia là phòng làm việc của ông Phó Giám Đốc Xuân Vũ, ngoài cửa là một nhân viên an ninh đi qua đi lại.<
° ° °
Một mình ngồi giữa gian phòng thênh thang không có bất cứ một vật gì khác ngoài cái bàn của Xuân Vũ xưa kia ngồi làm việc và ba cái ghế gỗ cái cao cái thấp, tôi nghĩ đúng là cuộc đời ‘bể dâu”. Mới chỉ hai tháng “giải phóng” mà gian phòng của ông Phó Giám Đốc đã đổi khác quá thể: cái bàn sắt khá đẹp nay đã phai màu, mà không còn một ngăn kéo nào cả, nó trống hếch như lỗ mắt đầu lâu. Xưa những ngăn kéo này đầy chật bản thảo của Xuân Vũ. Tôi còn nhớ, trên mặt bàn này, Xuân Vũ ngồi viết tùy bút “Nắng và Tuyết” sau chuyến Xuân Vũ đi Bắc Âu về, 1973. Cái bàn thật nhiều kỷ niệm: Ngày sắp về làm việc với tôi, Xuân Vũ nói: “Tôi chỉ cần xin anh một cái bàn đặt ờ bất cứ góc nào cũng được và một xấp giấy “. Tôi đã cho Xuân Vũ một lúc ba ram giấy pelure, một bó bút và cái bàn này.
Theo tôn ti chức sắc, trên bàn ông Phó bao giờ cũng có cái bảng nhỏ màu xanh bằng nhựa với mấy chữ “Phó Giám Đốc “. Cái bảng này có từ trước. Nhưng khi Xuân Vũ về thì một hôm tôi thấy cái bảng biến mất. Tôi hỏi Xuân Vũ. Nhà văn đáp: “Tôi quăng nó đâu quên mất”. Tôi phải giải thích: “Đó là nguyên tắc hành chánh“. Xuân Vũ: “À thế!”
Sau ngày 30-4-75 là “trải qua một cuộc bể dâu ”. Chàng nhà văn Phó Giám Đốc giờ không biết trôi dạt phương nào… hay đang ngồi trong phòng tối nào? Xuân Vũ thì nhất định chúng không cho ở chung trong trại cải tạo thường. Mắt đảo qua phòng khách, anh nhớ lại không biết bao nhiêu là khách bốn phương đến thăm trung tâm, không một tuần lễ nào không có phái đoàn quốc tê.
Khách kinh ngạc vì những người tìm tự do ngày càng đông trong khi ngày chiến thắng cộng sản chỉ còn là thời gian. Người ta đến đây đê tìm hiểu một vân đề chính trị từ gốc rễ của nó: Tại sao những người trong hàng ngũ kẻ sắp “chiến thắng lại bỏ về ”? Đúng ra họ phải ở lại để ngày vinh quang ngực sáng huân chương. Hay có chết đi bia mộ sẽ còn ghi: “Tổ quốc ghi công. ” Người Mỹ đã tìm ra câu giải đáp ấy: đó chính là cái nguồn gốc độc tài bạo chúa của chế độ cộng sản đã thúc đẩy những ai ở trong quỹ đạo của nó hễ có dịp là tìm mọi cách để thoát ra, vì họ đã nhìn thấy trước cái mặt trái của chiếc huân chương và những bộ xương khô dưới những nấm mồ đắp vội. Người Mỹ thấu rõ điều ấy cho nên ngân sách giúp cho người tìm tự do cũng chẳng thua kém gì ngân sách giúp cho người tỵ nạn sang Hoa Kỳ hôm nay. Và Xuân Vũ, cũng như những người tìm tự do khác, cũng chỉ nhận nhúm xương còm không phải tận tay người Hoa Kỳ trao, mà từ tay những người Việt Nam phải chịu trách nhiệm ngày mất nước: 30-4-75. Thật tội nghiệp cho các nhà văn… Nhưng Xuân Vũ chấp nhận đối đầu với cuộc sống khắc nghiệt. Anh không bẻù bút, anh vẫn viết và đã giúp cho chúng ta được biết cái con đường mang tên một lão già ” tự cho mình là “cha già dân tộc. ” Con đường ấy, con đường của lão già râu bạc cầm gậy hướng dẫn ấy đã không bao giờ đến: Cái gậy đã gãy – “Đường đi không đến. “<
° ° °
Một người bước nhanh vào phòng:
- Chào anh Phạm Thành Tài!
- Kính anh… Tôi nghĩ ngay: thường ít ai gọi mình cả tên lẫn họ, chỉ các chức sắc khi giao thiệp công tác, một là họ lịch sự “tôn vinh” mình, hai là họ sợ lầm lẫn với người khác… Tôi lọt vào trường hợp thứ hai… công an sợ nhầm.
- Khỏe không anh Tài?
- Cám ơn anh, tôi vẫn khỏe.
- Chắc là anh chưa gặp tôi lần nào?
- Thưa chưa!
- Nhưng tôi gặp anh hoài, hồi trước giải phóng.
- Dạ, vậy là tôi quên, xin lỗi anh.
- Khi thì gặp anh ở đài phát thanh Tự Do, khi thì ở khu nhà Nguyễn Mạnh Côn và Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh.
- Thế à… vậy mà tôi không được vinh hạnh biết anh.
- Tôi làm văn nghệ thành ra hay giao du với các cơ quan truyền thông báo chí và các anh em nghệ sĩ…
- Thưa anh, tôi có viết ở đài Tự Do, viết không nhiều. Thỉnh thoảng có đến thăm anh Côn và anh Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh.
- Anh viết khá nhiều ở ĐàiTự Do đấy chớ, nhưng không sao đâu, tôi biết “ở với ma phải mặc áo giấy” mà. Tôi có đọc bài anh viết ờ báo Văn Nghệ Sài gòn. Chắc anh còn nhớ bài “Mấy vấn đề tự do trong văn nghệ, ” “Nhật ký cuối năm”, “Vấn đề đảng tính trong văn nghệ cộng sản. “ Những bài đó, thật sự xin lỗi anh, là “độc địa” không có lợi gì cho cách mạng. Nhưng… chuyện ấy đã qua rồi… Tôi mừng là anh còn đây cho dù có “kẹt” tại… Lịch sử đã sang trang, tụi mình đừng “quánh nhau” giờ bắt tay nhau được rồi… (Vâng, lạy Chúa, bắt tay hết tám cuốn lịch!! Nếu không bắt chắc thêm vài cuốn)
- Cảm ơn anh.
- Giờ tôi muôn anh giúp tôi. Nói thẳng ra cũng không hằn là giúp tôi, mà giúp tôi để tôi giúp bạn anh!
- Thưa anh, nếu được, tôi xin sẵn sàng…
- Chúng tôi muốn hiểu thêm về anh Xuân Vũ Bùi Quang Triết. Nếu ảnh còn ở lại thì chẳng sao cả. Chúng tôi sẽ mời anh ấy viết lại, cố nhiên là phải thay đổi lập trường… Lúc nãy, hai anh ấy có gặp anh phải không? Một anh ở Hà Nội, một anh ở R.
Chúng bỏ tôi ngồi một mình, rồi đột nhiên trở lại, đến người Bắc hỏi tôi:
- À mà thằng Trưởng có đến đây thăm thằng Xuân Vũ không, anh Tài hả?
- Tôi không thấy Trưởng đến đây. Nhưng tôi nhớ lại hình như Trưởng có mời anh Xuân Vũ đến nhà chơi – Tôi bình tĩnh đáp, mặc dù chúng chuyển đề tài một cách đột ngột.
- Hồi nào, anh Tài hả?
- Hồi nó là Tướng Tư Lệnh Vùng I chiến thuật.
- Làm đến Tướng Vùng mà còn nhớ đến bạn cũ cũng hay…
- Tôi muốn biết thằng Trưởng vì tình bạn mà mời Xuân Vũ đến chơi hay là nó có mục đích gì? Chắc là Xuân Vũ nó nói chuyện với anh chứ?
- Xuân Vũ chỉ kể tôi nghe là có gặp Ngô Quang Trưởng ở Đà Nẵng.
- Với ai nữa?
- Chỉ có Tướng Trưởng và Xuân Vũ…
Mắt hắn hơi nhíu lại, nghĩ ngợi…
- Anh Tài có nghe thằng Xuân Vũ cho biết Ngô Quang Trưởng bàn gì với nó không?
Tôi chưa kịp trả lời, thì hắn tiếp:
- Anh Tài, anh cứ nói thật đi. Tôi biết anh là người “có tình” với Xuân Vũ, anh không muốn nói hết những gì liên quan về nó, sợ cắn rứt lương tâm. Đó là “chất ngọc” rất là “con người” trong anh… – hắn ngưng ngang một hồi lại tiếp – Trong số các Tướng nguy, có lẽ thằng Trưởng là Tướng vừa “sạch ” vừa có “lý tưởng”. Hình như thằng này không xuất thân từ “lính tẩy” vừa không ăn cắp tiền Mỹ, vừa có “lý tưởng” chống cộng, lại vừa “có tình” với bạn thì thật là hiếm có trong hàng ngũ “tai to mặt lớn” của bọn ngụy. Xét cho cùng thì thằng Tướng này cũng nguy hiểm không kém cuốn “Đường đi không đến ” của thằng Xuân Vũ, dù tác phẩm văn học nó táchại sâu xa hơn, Mỹ bây giờ tìm một thằng Tướng để dân chúng “chưa giác ngộ cách mạng” ngưỡng mộ như mò kim đáy giếng...
Hắn đột ngột nhấn mạnh:
- Cho nên thằng Trưởng và thằng Xuân Vũ là một cặp bài trùng Tôi không tin chỉ vi “tình bạn” cũ mà tụi nó gần nhau. Còn cái mục đích lớn hơn. Mục đích đó là mục đích chống phá cách mạng.
Rồi hắn nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Anh Tài, tôi cần anh cho chúng tôi biết tất cả những gì anh có thể biết được giữa thằng Ngô Quang Trưởng và thằng Xuân Vũ...
Nói xong, hắn bỏ lửng rồi bước ra ngoài…
Tôi nghĩ hắn đang nghi Xuân Vũ đã trốn thoát vào “mật khu” của Tướng Ngô Quang Trưởng và đang cùng Ngô Quang Trưởng tổ chức “chống phá cách mạng. ” Nghe đâu Tướng Trưởng có lần đã bí mật về Sài gòn… Cả Sài gòn xì xào về tin này và có người nhận rằng mình đã gặp Tưởng Trưởng. Có người tung tin họ vào mật khu của Ngô Quang Trưởng đâu ở vùng IV và có gặp nhiều nhân vật trong bộ tham mưu của ông ta… Tôi nghĩ, biết đầu trong số này cô Xuân Vũ? Song tôi lại nghĩ, tôi là người thấu rõ nhà văn này. Xuân Vũ là con người “phi chính trị. ” Ngay như chuyện tính toán mưu sinh hằng ngày, hắn vẫn là con người của cảm tính. Chuyện lớn mà bàn với hắn thì rốt cuộc hắn sẽ cho ta một hư cấu văn chương.
- Sao anh Tài? Anh nhớ gì nói nấy. Chúng tôi cần biết rõ quan hệ giữa thằng Trưởng và Xuân Vũ càng chi tiết càng tốt.
- Thưa anh, tôi chỉ nhớ toàn chuyện lặt vặt…
- Chúng tôi cần…
- Thưa anh, theo Xuân Vũ kể lại, nó gặp Trưởng lần đầu tiên ở Chương Thiện nhân dự lễ gì đó tôi cũng quên. Ngô Quang Trưởng bấy giờ là Tư Lệnh vùng IV chiến thuật. Trong buổi lễ, Trưởng bất ngờ bỏ bàn tiệc đến nhìn chăm chăm vào mặt Xuân Vũ rồi hỏi: “Phải Bùi Quang Triết không?” Xuân Vũ đáp: “Phải!”. Ngô Quang Trưởng ôm chầm Xuân Vũ làm cả buổi lễ ngạc nhiên, kể cả các tai to mặt lớn, như các Bộ Trưởng, phó Thủ Tướng. Xuân Vũ giải thích cho tôi: “Ông biết sao mà Ngô quang Trưởng với mình gặp nhau mừng đến muốn rơi nước mắt vậy không? Vì mình với Trưởng - Xuân Vũ không nói họ và chữ lót – có quá nhiều kỷ niệm thời thơ ấu… Trưởng đã từng đá banh với tôi mà. Lúc ấy đang học lớp nhất sơ học ở Mõ Cày Bến Tre. Nó giữ “gôn” cũng khá. Chơi cho lọt lưới không phải dễ, vì nó dong dõng cao, tay lại hơi dài, người gầy nên nó “trùm” được cả khoảng cách hai hòn đá trụ gôn. Hôm đó tôi tức qua nghĩ ra một cách có thể đá “thủng lưới, ” thằng “gôn ” Trưởng này một cú. Tôi lừa banh sang góc trái. Trưởng dạng hai chân thủ ờ góc đối diện. Tôi nhá chân như sắp “sút” một “sấm sét “, Trưởng đem hết “thần lực” để ôm banh, không ngờ tôi “hất ” nhẹ bóng vào góc phải. Trưởng phóng tới nhưng bóng không dính vào đôi tay “nhựa” mà túng trán làm đôi kính cân thị của Trưởng văng ra… Thế là lọt lưới “…
Tôi kể vòng vo để có thì giờ suy nghĩ.
- Anh thử cố nhớ Xuân Vũ nó có nói gì không. Có thể Xuân Vũ có nói mà anh không để ý, nên cố nhớ xem nào! – Hắn càng siết vòng vây.
Nhưng tôi chợt nghĩ là nó muốn tìm điều đó mình cứ phịa ra may thì hắn không hỏi mình nữa, lại nữa còn có cái lợi là “gạt ” nó để nó nghĩ là thực sự Xuân Vũ và Ngô Quang Trưởng đang kết hợp với nhau làm một “việc lớn”. Tôi nói:
- Thưa anh, tôi thực sự không nghe Xuân Vũ nói gì chuyện này, nhưng nghe đâu như hắn nói xa, nổi gần gì đó…
- Chúng tôi cần chuyện đó.
- Hình như Xuân Vũ có nói Ngô Quang Trưởng tương lai sẽ được Nguyễn Văn Thiệu cho lên làm Tổng Tham Mưu Trưởng rồi dần dà sẽ cho làm Thủ Tướng…
- Như vậy thì thằng Trưởng phải chuẩn bị “quản lý” chính phủ ngụy.
- Thưa tôi không nghe, chỉ nghe khi mất Đà Nẵng, Ngô Quang Trưởng có bị kỹ luật nhẹ. Nhưng Tướng Trưởng còn được Tổng Tư Lệnh Nguyễn Văn Thiệu tin cẩn và có giao công tác mới, vì cho đến lúc mất Đà Nẵng, tướng Trưởng vẫn còn uy tín trong quân đội và dân chúng.
Hắn nhảy tưng lên:
- Công tác mới gì?
- Thưa tôi chỉ nghe vậy thôi. Dư luận nói là sau khi mất Đà Nẵng, Tướng Trưởng có được phân công công tức mới. Còn mới như thế nào thì tôi không nghe.
- Vậy sau mấy lần gặp Ngô Quang Trưởng, Xuân Vũ không cho anh biết gì sao?
- Tụi nó chỉ nhắc chuyện xưa… hồi ở Bến Tre.
Hắn hỏi vội:
- Bây giờ tình hình như “nước sôi lửa bỏng” mà tụi nó lại còn bình tĩnh nhắc chuyện quê hương… chắc là thằng Xuân Vũ giấu anh những việc nó bàn với Ngô Quang Trưởng?
- Thưa tôi chỉ biết đến đó, không còn gì hơn…<
° ° °
Tên công an mật vụ này hỏi tôi về vụ “Xuân Vũ liên hệ với Tướng Trưởng” đúng một tuần lễ. Hắn trở đi trở lại hỏi ngoặc hỏi ngoéo để gài tôi vào tròng. Nhưng hắn đâu có kinh nghiệm về Cộng sản bằng tôi. Tôi đáng tuổi bố nó mà. Cho nên nó càng hỏi nhiều tôi càng có cơ hội “sáng tạo” nhiều tin tức lạ tháu cáy nó chơi.
Có điều tôi thấy rõ nhất là chúng nó sợ văn chương chữ nghĩa không kém gì súng đạn.
Phạm Thành Tài
Hoa kỳ tháng 4-1992
Đến Mà Không Đến Đến Mà Không Đến - Xuân Vũ Đến Mà Không Đến