A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Dark Arena
Dịch giả: Nguyễn Hoài Thu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 648 / 72
Cập nhật: 2019-11-19 14:36:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
osca cúi thấp người xuống chiếc Jeep để tránh gió lạnh đầu tháng mười. Sàn xe tiết ra khí lạnh làm chàng rùng mình.
Đằng xa, tại một ngã tư lớn. Các xe buýt chạy quanh co, cái xe quân sự ngừng lại một chút chờ người lái xem hàng chỉ dẫn. Cảnh hoang tàn chạy dài bốn phía, ở đằng xa, nơi còn một nhóm nhà nhỏ, một rạp xi nê Đức mở cửa, một hàng dài khán giả nối nhau từ từ bước vào.
Mosca đói và sốt ruột. Chàng nhìn ba xe ô tô chở đầy tù binh Đức ngừng lại tại ngã tư. Có lẽ họ là những tội phạm chiến tranh. Một chiếc xe Jeep với hai lính võ trang theo sau. Leo từ trong hiệu may bước ra. Mosca xoay người trên ghế.
Cả hai thấy người đàn bà chạy băng ngang đường trước khi rú lên. Bà ta bỏ lề đường, chạy lạng quạng về phía ngã tư, qươ tay gọi to một cái tên. Vì giọng quá xúc động nên không ai nghe được cái tên đó. Từ chiếc ô tô chạy sau cùng, một người đưa tay lên vẫy chào. Chiếc xe tăng tốc độ. Chiếc jeep theo sát như chó săn theo đàn cừu.
Người đàn bà tuyệt vọng đứng lại. Bà quỵ xuống, nằm dài ra làm lưu thông bị tắc nghẽn.
Leo bước xuống xe. Máy nổ khiến cho họ có cảm tưởng ấm áp. Chờ người đàn bà kia được khiêng vào hè, Leo cho xe chạy. Hai người không nói gì về việc vừa trông thấy. Nhưng từ bên trong Mosca nhớ tới một câu chuyện xa xưa.
Trước khi chiến tranh chấm dứt, chàng ở Pari. Bị kẹt giữa đám đông không thoát ra được, chàng bị lôi cuốn vào giữa. Một đoàn xe chở tù binh vừa được phóng thích, lao công và những kẻ bị xem như đã chết chạy qua.
Tiếng hoan hô của dân chúng át hẳn tiếng reo cười của những người trên xe. Bỗng một người từ trên xe nhảy xuống, rơi lên đầu đám đông rồi té nằm trên đất.
Một người đàn bà rẽ đám đông chạy ra ôm hôn say sưa. Từ trên xe. Người ta ném xuống một cây nạng và la lên những câu chúc mừng tục tĩu. Nhưng người đàn bà vẫn thản nhiên cười với đám đông không chút thẹn thùng.
Niềm đau xót, bất mãn và mặc cảm tội lỗi xa xưa ấy ngày nay trở lại với Mosca.
Lúc Leo đậu xe trước Rathskellar, Mosca bước xuống nói:
— Tôi không đói. Mình sẽ gặp lại nhau ở nhà.
Leo bận khoá xe, ngửng đầu lên ngạc nhiên:
— Có việc gì?
— Nhức đầu. Tôi đi bộ cho tỉnh táo lại.
Cảm thấy lạnh, Mosca đốt một điếu thuốc, khói thuốc làm ấm da mặt. Chàng chọn con đường nhỏ, vắng người, xe không chạy được, vừa bước vừa tránh các tảng đá ngổn ngang.
Về đến phòng, chàng có cảm tưởng như ốm thật. Mặt chàng nóng lên như sốt. Không vặn đèn, chàng thay đồ, ném quần áo lên đi văng rồi lên giường. Dưới chân chàng hãy còn lạnh và ngửi thấy mùi xì gà chàng vừa bỏ lên bàn. Co người lại cho ấm, nhưng vẫn thấy lạnh, Mosca thấy miệng khô, đầu nhức như búa bổ.
Chàng nghe tiếng chìa khoá xoay trong ổ khoá cửa và Hella bước vào. Đèn bật sáng. Nàng đến ngồi bên giường lo lắng hỏi:
— Anh mệt à?
— Chỉ lạnh thôi. Cho anh vài viên Aspirine và ném điếu xì gà ra ngoài.
Hella vào phòng tắm lấy một ly nước. Lúc trao cho chàng, nàng nói:
— Lâu lắm mới thấy anh ốm. Em có phải ngủ trên đi văng không?
— Không. Anh lạnh run. Lên đây nằm với anh.
Nàng tắt đèn, đến bên giường thay quần áo.
Trong bóng tối. Mosca có thể thấy nàng treo áo lên lưng ghế. Người chàng đột ngột nóng ran lên, tràn ham muốn. Lúc nàng lên giường, chàng ôm thật chặt. Ngực, đùi và miệng cũng lạnh như đôi má.
Lúc ôm gối dài nằm nghỉ, Mosca nghe mồ hôi nhỏ ra ở đùi và lưng. Cơn nhức đầu đã qua, nhưng tứ chỉ mỏi nhừ. Chàng nhoài tới bàn tìm ly nước.
Hella sờ tay lên da mặt nóng hực của chàng:
— Em sợ anh ốm nhiều.
— Không, đỡ rồi.
— Anh có muốn em ngủ trên đi văng?
— Không. Ngủ đây với anh.
Chàng với tay lấy thuốc lá, nhưng sau vài hơi chàng lại dụi đầu thuốc vào tường, nhìn các tia lửa rơi xuống sàn.
Nàng bảo:
— Cố ngủ đi anh.
— Anh không ngủ được. Hôm nay có gì đặc biệt không?
— Không. Em ăn tối với bà Meyer. Yergen thấy anh về, cho em hay. Hắn bảo anh không được khỏe và khuyên em về ngay lo cho anh. Hắn là người tốt.
Mosca kể chuyện vừa thấy ngoài đường cho Hella nghe. Kể xong, chàng chỉ thấy sự im lặng. Hella nghĩ thầm: “Nếu lúc đó mình có trên xe Jeep, mình sẽ chở người đàn bà đó chạy theo chiếc xe kia để an ủi nàng. Đàn ông quá thiếu tình cảm!”
Nhưng nàng không nói gì. Nàng từ từ lướt ngón tay dài trên lưng chàng, vuốt nhẹ lên vết sẹo ở đó.
Mosca ngồi dậy, khoanh tay sau gáy, tựa đầu và thành giường nói:
— Thật may mắn. Không ai thấy vết sẹo đó.
Hella đáp:
— Em thấy.
Mosca tiếp:
— Anh muốn nói là vết sẹo trên lưng chứ không phải trên mặt.
Hella tiếp tục sờ vết sẹo:
— Với em thì không thành vấn đề.
Cơn sốt làm Mosca khó chịu. Mấy ngón tay của Hella giúp chàng bớt đau.
— Đừng ngủ. Để anh kể cho em nghe một chuyện…
Và chàng lấy một điếu thuốc trên bàn bắt đầu kể.
Kho đạn chạy dài mấy dặm. Đạn chất đống như củi. Mosca ngồi trên ô tô trông coi tù binh cho đạn lên xe ở phía trước. Tù binh mặc áo xanh lá cây, đầu đội mũ vải cũng màu xanh. Họ có thể lẫn vào rừng nếu không có chữ sơn trên lưng áo và hai ông quần.
Từ trong rừng, ba tiếng còi vang lên. Mosca nhảy xuống xe, hét:
— Frit, lại đây!
Người tù được Mosca chọn làm đại diện chạy đến.
— Có đủ thì giờ làm xong không?
Người Đức độ bốn mươi tuổi, nhún vai, nói một thứ tiếng Anh ngượng ngùng:
— Về không kịp bữa ăn.
Hai người kia nhăn mặt cười. Nếu là những tù binh khác thì họ sẽ bảo là có thể xong để được Mosca giữ lại ở chức đại diện.
Mosca nói:
— Thôi được. Cứ làm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Chàng cho người này một điếu thuốc. Anh ta nhét vào túi vì có lệnh cấm hút thuốc gần kho đạn, mặc dầu Mosca và các lính gác vẫn cứ hút.
— Cho tất cả lên xe và báo cáo các con số cho tôi.
Người đại diện ra lệnh cho tất cả tù binh lên xe.
Đoàn xe chạy từ từ trên con đường đất trong rừng. Đến ngã tư, đoàn xe sắp hàng một. Đối với lính gác cũng như đối với tù binh, chiến tranh đã là chuyện xa xưa. Hai bên, kẻ chiến thắng và người chiết bại đều cảm thấy an toàn. Từ kho đạn họ lại trở về trại tập trung có rào kẽm gai chung quanh.
Lính canh Mỹ là những người bị thương nặng, không thể trở về đơn vị tác chiến. Còn tù binh thì nhớ đến thời oanh liệt. Mỗi khi thấy lính gác lên xe Jeep đi phố vào buổi tối. Sự thèm muốn lộ hẳn lên mặt đám tù binh ở sau rào kẽm gai, giống như trẻ con nhìn cha mẹ sắp sửa đi dạo.
Vào sáng sớm, họ lên xe vào rừng. Đến giờ nghỉ, họ ngồi trên cỏ ăn bánh mỳ để dành từ bữa ăn sáng. Mosca cho tù binh nghỉ nhiều hơn. Frit ngồi cạnh chàng bên đống đạn.
— Khổ lắm không, Frit?
— Ở đây yên. Ra ngoài có thể khổ hơn.
Mosca thích người đại diện nhưng không nhớ tên. Hai người có vẻ thân thiện nhưng vẫn có sự phân biệt giữa kẻ chiến thắng và người chiến bại. Mosca vẫn cầm súng cho có lệ, trong ổ đạn không có viên nào. Đôi khi chàng quên mang đạn theo.
Người đại diện đang trong tâm trạng buồn. Đột nhiên, anh ta nói một tràng tiếng Đức, Mosca không hiểu gì cả.
— Ông có ngạc nhiên khi thấy chúng tôi không trốn? Trước đây chúng ta bắn giết nhau. Để làm gì? Nếu Đức chiếm Phi châu và Pháp, tôi có được thêm một đồng nào không? Nếu Đức chinh phục thế giới, tôi sẽ được gì? Nếu chúng tôi thắng, tôi chỉ có thêm một bộ quân phục đến ngày tàn. Lúc còn nhỏ, chúng tôi thích đọc thời kỳ vàng son của đất nước, lúc Pháp, Đức, Tây Ban Nha ngự trị châu Âu và thế giới. Người ta đúc tượng những kẻ đã gây ra cái chết cho cả triệu đồng bào. Tại sao? Chúng ta thù nhau. Chúng ta giết nhau. Sau này, nếu người ta chia đất các nước cho chúng tôi chừng ấy tôi mới thấy chiến tranh là hữu lý. Còn ông, chúng tôi biết các ông là kẻ chiến thắng, ông thấy ông được gì?
Dưới mặt trời ấm áp tù binh nằm dài nghỉ trên cỏ. Người đại diện nói lên lời lẽ của kẻ chiến bại, không oai quyền. Hắn từng đi bách bộ trên đường phố Paris và Prague, các thành phố ở bắc Âu với niềm hãnh diện vui tươi.
Lần đầu tiên, người đại diện Đức đặt tay lên cánh tay Mosca.
Trừ những lúc này, người đại diện tù binh Đức rất vui vẻ. Ông ta cho Mosca xem ảnh vợ và hai con cùng một bức ảnh ông chụp riêng tại xưởng thợ. Ông đề cập đến đàn bà:
— Xưa tôi ở Italia và Pháp, đàn bà ở đây thật xinh đẹp, dù cho ông Quốc Trưởng nói gì cũng mặc, tôi thích họ hơn đàn bà Đức. Đàn bà không bao giờ để chính trị xen vào các việc quan trọng. Đó là nề nếp đã có trăm năm. - Đôi mắt sáng ngời, anh ta tiếp. - Rất tiếc là chúng tôi không qua tới Mỹ. Tôi thấy trên báo các cô gái Mỹ thật đẹp với đôi chân dài. Thật không thể tưởng tượng. Tôi nhớ các cô nàng tôi đã xem trong phim và tạp chí.
Mosca nói đùa:
— Các nàng không thèm ngó tới các anh đâu.
Người Đức lắc đầu:
— Đàn bà tàn nhẫn lắm. Đừng nghĩ là họ chịu chết đói vì họ nhất định không chịu ăn ngủ với kẻ thù. Đàn bà có những ý nghĩ thực tế hơn đàn ông. Nếu được chiếm đóng New York thì thật là một điều kỳ diệu.
Mosca và người Đức cùng cười với nhau. Một lúc, chàng bảo:
— Cho họ đi làm!
Vào đêm cuối cùng, khi tiếng còi huýt lên, tù binh tập hợp lên xe. Người lái cho nổ máy. Không thấy Frit, chàng đi tìm. Đi vài bước đến xe đầu, nhìn ánh mắt một người, chàng biết ngay có chuyện không hay.
Lập tức chàng cho đạn vào ổ súng, thổi sáu tiếng còi ngắn chờ một lúc rồi thổi sáu tiếng nữa.
Trong khi chờ đợi, chàng ra lệnh cho tất cả tù binh xuống xe, ngồi xếp hàng trên cỏ. Chàng đứng ra xa trông chừng dù biết họ không chạy trốn.
Xe Jeep an ninh từ trong rừng chạy ra. Viên trung sĩ để râu mép theo kiểu người Anh, nhảy xuống xe, từ từ tiến về phía Mosca. Hai quân cảnh nhảy xuống hai bên chàng. Người lái cũng thử khẩu tiểu liên, một chân thò ra ngoài, chạm đất.
Trung sĩ đứng trước Mosca, chờ đợi, Mosca bảo:
— Có một người trốn. Hắn là đại diện. Tôi chưa kiểm điểm con số.
Trung sĩ tiến đến đám tù binh, ra lệnh xếp hàng mười. Có năm hàng, hàng thứ sáu chỉ có hai người. Hai người này có vẻ lúng túng như có trách nhiệm trong vụ trốn chạy của những người kia.
Trung sĩ hỏi Mosca:
— Mất mấy người?
— Bốn.
Lần đầu tiên Mosca lo ngại và xấu hổ vì việc để tù binh trốn được, nhưng chàng không bực. Trung sĩ thở dài:
— Tổ chức vượt ngục vẫn còn. Bây giờ mình phải làm sao với mấy thằng chó đẻ này? - Rồi hét to, - Achtung! (coi chừng). - Y đi tới đi lui trước những người Đức đứng nghiêm. Vài phút sau, trung sĩ nói tiếng Anh. - Các anh được đối xử tử tế, ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi đàng hoàng. Các anh làm việc cũng vừa phải. Có ai than phiền điều gì không? Nếu có cứ bước ra nói.
Trung sĩ ngừng một lúc, chờ đợi. Rồi tiếp:
— Có ai biết những kẻ trốn và địa điểm trốn? Hãy mạnh dạn khai, chúng tôi sẽ ghi công.
Trung sĩ đứng lại, nhìn thẳng vào mặt mọi người. Đám tù binh bàn tán với nhau. Một lúc sau, không có ai bước ra. Trung sĩ nói:
— Được! Mấy người muốn sao cũng được! - Hắn quay lại bảo lái xe, - Trở về trại, lấy hai mươi cuốc và hai mươi xẻng. Lấy thêm bốn người và một xe Jeep. Nếu người có sĩ quan nào biết vụ này thì chúng ta vô sự. Nếu tên trung sĩ cằn nhằn về xẻng thì bảo là tao sẽ đập đầu nó!
Y khoát tay cho tài xế chạy, ra lệnh tù binh ngồi xuống cỏ. Lúc hai xe Jeep đến với bốn người và một xe rờ-moóc chở cuốc xẻng, trung sĩ ra lệnh cho tù binh xếp thành hai hàng đối diện. Y ra lệnh phát cuốc, xẻng. Những người không có lệnh nằm ngửa trên cỏ.
Không ai nói gì. Tù binh đào một phòng tuyến dài. Hàng cầm cuốc hì hục cuốc một lúc rồi nghỉ. Hàng cầm xẻng xúc đất đổ đi. Họ làm việc từ từ. Đám lính gác tụm vào thân cây có vẻ lơ là.
Viên trung sĩ nói nhỏ với Mosca:
— Thủ đoạn này luôn có kết quả. Để rồi mày coi.
Để họ đào một lúc, trung sĩ ra lệnh ngừng, nói:
— Ai chịu khai nào?
Không ai trả lời:
— Được! Tiếp tục đào!
Một tù binh để rơi xẻng xuống. Đó là một thanh niên.
— Tôi xin khai!
Hắn tách ra đám đông, đứng trước trung sĩ. Trung sĩ ra lệnh:
— Nói đi.
Thanh niên Đức ấp úng, nhìn về phía tù binh, áy náy. Trung sĩ thông cảm, nắm tay gã, dẫn đến chiếc Jeep. Hai người nói nhỏ với nhau. Trung sĩ nghiêng đầu, chăm chú lắng nghe, một tay thân mật choàng qua vai thanh niên rồi gật đầu làm hiệu cho thanh niên lên xe.
Tù binh Đức được lệnh lên xe. Đoàn xe chạy về trại. Viên trung sĩ lái xe Jeep đi sau cùng, râu phất phơ trước gió. Họ rời khu rừng ra đồng trống. Trung sĩ quay lại nói với Mosca:
— Bạn của mày bàn tính vụ này từ lâu. Nhưng hắn không may.
— Hiện hắn ở đâu.
— Trong thành phố. Tao biết nhà.
Đoàn xe vào trại. Hai xe Jeep đánh một vòng chạy vào thành phố. Đến nhà thờ ở đại lộ chính, họ rẽ phải, đậu trước một ngôi nhà đá nhỏ. Mosca và trung sĩ đến cửa trước, hai người lính đi vòng ra cửa sổ. Các binh sĩ khác ngồi trên xe. Cánh cửa mở trước khi trung sĩ gõ. Frit đứng trước mặt họ, quần nỉ xanh nhăn nhún sơ mi trắng không cổ và một áo nâu sậm.
Y mỉm cười:
— Mấy người kia trên lầu, họ không dám xuống.
— Bảo họ xuống. Không việc gì đâu.
Trung sĩ ra lệnh. Frit đến chân cầu thang kêu lên mấy tiếng Đức:
— Đi xuống. Đừng sợ.
Có tiếng mở cửa, ba tù binh xuống lầu. Họ mặc thường phục nhàu nát. Mặt tái lại.
Trung sĩ ra lệnh:
— Lên xe! - Rồi hỏi Frit. - Nhà của ai đây?
Frit ngước lên, lần đầu tiên y nhìn Mosca:
— Một người đàn bà quen với tôi. Xin tha cho y. Y rất cô đơn và không liên hệ gì tới chiến tranh.
Trung sĩ ra lệnh:
— Lên xe!
Tất cả lên xe. Trung sĩ huýt còi gọi hai người lính ở cửa sau. Lúc chiếc xe chạy, một người đàn bà xách một gói giấy thật to màu nâu đi tới. Thấy bốn tù binh ngồi trên xe Jeep, bà quay lại đi ngược chiều.
Trung sĩ cười với Mosca:
— Đồ đàn bà hư.
Trên con đường vắng nửa đường tới trại, chiếc Jeep đi đầu của trung sĩ ngừng lại. Một bên đường là đồng cỏ đầy sỏi đá, phía sau là rừng.
Trung sĩ ra lệnh:
— Đưa bốn người này xuống xe.
Tất cả xuống xe, đứng giữa đường lo lắng.
Trung sĩ đứng suy nghĩ rồi vuốt râu nói:
— Hai người đưa ba tên này trở về trại. Cho cuốc xẻng xuống rồi lái xe rò-moóc lại đây. Còn tên này ở lại - y chỉ Frit.
Mosca nói:
— Để tôi về.
Trung sĩ nhìn Mosca từ trên xuống dưới với vẻ khinh bỉ:
— Đồ chó! Mày phải ở lại đây. Nếu không có tao thì bọn này trốn mất rồi!
Hai lính đưa ba tù binh lên xe, Frit quay lại nhìn ba bạn lần chót.
Bốn người mặc quân phục xanh đứng đối diện với người Đức và đồng cỏ ở phía sau.
Trung sĩ vuốt râu, mặt người Đức xám lại.
Trung sĩ chỉ về khu rừng ra lệnh:
— Chạy đi!
Người Đức không cử động. Trung sĩ xô anh ta:
— Chạy. Cho mày chạy trước.
Hắn đẩy người Đức lần nữa, xoay người anh về khu rừng. Mặt trời đã lặn, không còn màu sắc, trừ một màu xám. Khu rừng như một vách sạm và dài. Người Đức quay lại nhìn họ lần nữa. Bàn tay anh cho vào áo sơ mi không lâu, như tìm một thứ gì. Anh nhìn Mosca rồi nhìn những người khác. Anh bước một bước, hai chân run run, nhưng giọng vững vàng:
— Tôi có một vợ và mấy con.
Nét mặt viên trung sĩ lộ vẻ căm thù.
— Chạy đi, đồ chó!
Hắn đẩy người Đức và đập vào mặt. Lúc người Đức ngã xuống trung sĩ đỡ lên rồi đẩy về phía rừng.
— Chạy đi, đồ Đức chó đẻ, - hắn hét ba bốn lần.
Người Đức ngã xuống rồi đứng lên, nhìn mặt họ, lẩm bẩm:
— Tôi có một vợ và mấy con.
Một lính bước tới, dùng báng súng đập vào lưng rồi một tay cầm súng một tay vả vào mặt người Đức.
Máu chảy từ trên mặt. Trước khi băng qua đồng cỏ, về phía rừng, người Đức nhìn họ lần chót. Một cái nhìn tuyệt vọng, rùng rợn hơn cái chết. Đó là kinh hãi, như anh trông thấy một cái gì ghê gớm và nhục nhã quá sức tưởng tượng. Đám lính nhìn anh đi từ từ trên đồng cỏ, chờ anh chạy nhưng anh chỉ đi thật chậm. Mỗi bước, anh quay lại nhìn. Họ chỉ thấy chiếc sơ mi trắng của anh.
Mosca nhận thấy mỗi lần quay lại là anh rẽ thêm về phía phải, và con đường dốc đưa đến khu rừng. Người Đức cố ý đi về phía đó. Bốn người lính quỳ xuống, đưa súng lên vai. Mosca chĩa họng súng về phía con đường đất.
Lúc người Đức bất ngờ chạy, trung sĩ nổ súng, người Đức ngã xuống đúng vào lúc các binh sĩ bắn.
Xác người Đức ngã xuống hố nhưng hai chân còn ở trên. Đám binh sĩ hãy còn trong tư thế bắn, khói súng bay trong không khí.
Mosca nói:
— Vào đi. Tôi chờ xe rờ-moóc.
Không ai chú ý đến việc Mosca không bắn. Chàng quay lưng về phía họ, đi mấy bước trên đường.
Nghe tiếng xe Jeep, chàng tựa vào thân cây nhìn đồng cỏ, sỏi đá và khu rừng đen tối. Chàng cố ý không nhìn hai chân người chết. Mosca đốt thuốc, lòng thanh thản, chỉ buồn nôn một chút. Chàng chờ đợi, hy vọng xe rờ-moóc tới trước khi quá tối.
Trong bóng đêm, Mosca chồm qua người Hella, tìm ly nước trên bàn. Chàng uống rồi tựa vào thành giường. Chàng muốn thành thật với chính mình:
— Vụ ấy không ảnh hưởng gì tới anh. Cũng như anh thấy người đàn bà chạy theo chiếc quân xa. Anh nhớ những lời hắn nói, nói đến hai lần “tôi có vợ và nhiều con” lúc ấy, lời nói đó chẳng có nghĩa gì. Cũng như anh tiêu hết mỗi khi có tiền, vì để dành chẳng có nghĩa gì.
Chàng chờ Hella lên tiếng, rồi tiếp tục:
— Về sau, anh cố suy nghĩ, em biết không, anh sợ phải trở lại tác chiến, anh sợ tên trung sĩ tàn nhẫn đó. Người đại diện là người Đức và người Đức đã làm nhiều điều bậy. Anh không thấy thương hại khi hắn bị đánh, khi hắn xin xỏ, bị bắn chết, về sau anh thấy xấu hổ và kinh ngạc nhưng anh không thương hại. Anh biết như vậy là xấu.
Mosca cúi xuống nhìn mặt Hella, đưa tay rò má nàng và thấy ướt. Trong giây phút, chàng buồn nôn. Thế rồi cơn sốt bốc lên. Chàng muốn nói cho nàng biết chuyện ấy, giống như một giấc mơ một cơn ác mộng. Trong thành phố hoang vắng, ngổn ngang người chết. Các trận đánh tiếp diễn trên các nấm mồ, khói đen bốc lên từ các ngôi nhà có dấu sọ người. Ở đâu cũng đầy dấu phấn báo hiệu những khu vực chưa được gỡ mìn. Những dấu phấn vẽ chung quanh một chiến xa cháy đen, trước cửa những ngôi nhà như trò chơi trẻ con, chung quanh nhà thờ. Chung quanh các xác chết chồng chất trên công trường, chung quanh các thùng rượu trong nông trại. Những dấu sọ người với hai khúc xương chéo báo hiệu xác thú chết như bò, ngựa đạp nhầm mìn trên cánh đồng, banh ruột dưới ánh nắng mặt trời. Rồi một sáng thành phố mới kỳ lạ trở nên thật yên tĩnh. Thế nhưng chàng bỗng thấy kinh sợ, dường như các trận đánh chỉ cách có vài dặm. Đột nhiên chuông nhà thờ đổ, quảng trường đầy người… Chàng nhận ra hôm ấy là Chủ nhật…
Hella xoay người nằm sấp, vùi mặt vào gối. Chàng kéo nàng dậy thật tàn nhẫn:
— Qua đi văng ngủ đi.
Chàng lăn vào tường để được mát trong khi thân thể nóng ran.
Trong mơ, Mosca thấy đoàn xe chạy qua nhiều nơi. Đàn bà từ đất nhô lên nhiều vô kể. Họ đứng nhón gót trên đường, tìm kiếm những khuôn mặt đói khát. Những người đàn ông gầy nhom, múa may quay cuồng như những hình nộm trong khi đám đàn bà trước mắt họ khóc và cúi xuống để được hôn. Những đường phấn trắng vẽ lên những chiếc xe, vẽ lên người họ, vẽ lên thế giới. Tội lỗi lan tràn khắp nơi. Những bông hoa trắng tàn úa rồi chết.
Mosca giật mình. Bóng đêm vẫn bao phủ gian phòng. Chàng trông thấy bóng mờ mờ của tủ áo. Không khí lạnh giá nhưng cơn sốt đã qua. Chàng thấy bải hoải nhưng dễ chịu và đói bụng. Chàng nghĩ đến bữa ăn sáng và với qua tìm Hella. Biết nàng không ra đi văng, Mosca áp má vào lưng ấm của nàng ngủ tiếp.
Đấu Trường Đen Đấu Trường Đen - Mario Puzo Đấu Trường Đen