Books are a uniquely portable magic.

Stephen King

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Dark Arena
Dịch giả: Nguyễn Hoài Thu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 648 / 72
Cập nhật: 2019-11-19 14:36:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ọ đi qua Neustadt rồi qua cầu để vào thị trấn Bremen. Trên đoạn đường này, Mosca nhớ lại được những cảnh cũ. Cảnh đầu tiên mà chàng nhận ra được là mặt trước và toà tháp chuông của nhà thờ này, toà giáo đường nham nhở như một bộ mặt bị lở loét vì bệnh tật. Một bức tường xây bằng đá và vôi mong manh còn giữ được tháp chuông đứng nghiêng trên nền trời. Rồi xe họ đi ngang toà nhà Bộ chỉ huy Cảnh sát, vết sẹo trắng của vụ nổ năm xưa, vụ nổ làm cho Mosca gặp Hella, vẫn còn rõ trên mặt đường xám thẫm. Sau đó, chiếc xe đưa Mosca vào đường Schwach Hauser Hee Strasse để sang khu bên kia của thị trấn Bremen, khu trước kia là khu gia cư sang trọng, quý phái của thị trấn. Nhà cửa trong khu này gần như không bị hư hại gì hết vì chiến tranh. Hiện nay, những căn nhà trong khu vực này được dùng làm nhà tập thể và cư xá cho lực lượng chiếm đóng.
Eddie cho xe rẽ vào đường Metser. Chiếc xe chạy trong bóng chiều tà giữa hai hàng cây cành lá um tùm rồi đứng trước cửa một toà nhà bốn tầng có một sân cỏ đằng trước. Eddie nói:
— Tới rồi. Nhà tập thể tốt nhất cho đàn ông Mỹ độc thân ở Bremen.
Ánh nắng mùa hạ nhuộm đỏ những viên gạch trước toà nhà và phố xá chìm trong bóng tối. Mosca xách cả hai chiếc vali và chiếc túi vải xanh, chàng đi theo Eddie Cassin vào nhà. Một thiếu phụ người Đức đứng chờ họ trên bục cửa.
— Đây là bà Meyer. - Eddie Cassin nói, tay ôm ngang lưng thiếu phụ.
Bà Meyer trạc gần bốn mươi với mái tóc gần như bạch kim. Bà ta có một thân hình cân đối tuyệt vời do nhiều năm làm huấn luyện viên bơi lội ở Bunddeutscher Maedel. Khuôn mặt bà có nhiều nét thiện cảm nhưng mệt mỏi, chán chường, vẻ chán chường được tô đậm thêm bởi đôi mắt to, sâu và hàm răng lớn có chiếc viền vàng trắng.
Mosca gật đầu và bà ta nói:
— Xin chào ông, ông Mosca. Eddie đã nói với tôi nhiều về ông.
Họ đi lên cầu thang để lên từng thứ ba, bà Meyer lấy chìa khoá mở cửa một căn phòng rồi đưa chìa khoá cho Mosca. Đó là một căn phòng rộng. Trong một góc phòng kê chiếc giường nhỏ một người, góc phòng kia kê tủ quần áo bằng gỗ sơn trắng. Hai khung cửa sổ lớn để cho ánh nắng tàn và ánh hoàng hôn đầu tiên của những buổi hoàng hôn mùa hạ đổ dài vào trong phòng. Ngoài hai thứ đó ra, căn phòng rộng không còn đồ vật gì khác.
Mosca đặt hai chiếc vali lên sàn, Eddie đến ngồi lên giường, anh nói với bà Meyer:
— Gọi giùm Yergen.
Bà Meyer nói:
— Tôi đi lấy khăn trải giường và mền.
Hai người đàn ông ở lại trong phòng nghe rõ tiếng chân người thiếu phụ đi lên tầng lầu trên.
— Có vẻ không được khá lắm. - Mosca nói.
Eddie Cassin mỉm cười:
— Đừng lo. Chúng mình có một bàn tay phù thủy trong nhà này. Hắn tên là Yergen, người tôi bảo đi gọi hắn đến gặp anh. Hắn sẽ lo cho anh có đủ mọi thứ anh cần có hoặc anh muốn có.
Trong khi chờ đợi, Eddie nói cho Mosca biết về tình hình nhà này. Họ có tám chị hầu lo việc ăn uống, quét tước, giặt ủi; bà Meyer lo cho họ lúc nào cũng có nước nóng, điện; Yergen phụ tá cho Meyer. Hắn làm đủ mọi thứ việc trong nhà, nghĩa là hắn lo từ cái đinh cho đến cái máy radio. Tất cả đều là người Đức, bà Meyer sống trong hai căn phòng trên tầng cao nhất của khu nhà. Eddie nói:
— Mỗi khi về nhà, tôi gần như ở tịt trong căn phòng đó với bà chị, nhưng tôi nghĩ ngoài tôi ra, bà chị thỉnh thoảng tiếp thằng cha Yergen trên giường. Phòng của tôi ở dưới tầng này, nhờ vậy tôi với bà chị ít khi nhòm ngó vào phòng nhau. Đỡ mệt.
Cùng với bóng tối xuống dày đặc hơn, càng thấy nóng ruột chàng lơ đãng nghe Eddie nói về nhà tập thể này như nhà riêng của anh vậy.
— Yergen rất được việc và là một người rất cần cho những viên chức Mỹ độc thân sống trong nhà này. Hắn sửa ống nước để tất cả mọi người đều có nước nóng để tắm, kể cả những người ở trong những phòng trên tầng cao nhất. Hắn làm những chiếc thùng gỗ nhẹ nhưng vô cùng chắc chắn để cho người Mỹ dùng gửi những bộ bát đĩa về Hoa Kỳ, hắn xếp đồ sứ vào thùng khéo đến nỗi chưa bao giờ có ai ở Hoa Kỳ than rằng đồ bị vỡ. Yergen và Meyer là một cặp làm việc rất kết quả và ăn ý. - Nhưng Eddie biết rằng ban ngày, trong lúc những người Mỹ đến sở làm, cặp này cũng cộng tác với nhau trong việc lấy trộm đồ trong các phòng. Họ lấy trộm rất thận trọng, phòng này họ lấy cái quần, phòng kia lấy đôi tất hoặc chiếc khăn tắm, phòng khác năm sáu gói thuốc lá. Người Mỹ thường vô ý và không nhớ kỹ những đồ lặt vặt của mình có. Những bọn chị hầu vào phòng quét dọn bị cặp này kiểm soát gắt nên không thể lấy cắp được một món đồ gì đáng tiền.
— Trời đất! - Cuối cùng Mosca kêu lên, - anh biết tôi còn có việc phải làm mà. Bảo bọn Kốt đến gặp tôi cho xong đi.
Eddie đi ra cửa phòng, gọi lớn:
— Ê… Meyer… Mau lên chứ. - Quay lại, anh nói với Mosca. - Bà chị dám làm gấp với thằng cha Yergen lắm. Bà chị ưa chớp nhoáng như thế.
Họ nghe tiếng chân người thiếu phụ vội vã xuống thang.
Bà Meyer vào phòng, tay ôm một sấp khăn trải giường, gối, mền, theo sau bà là Yergen. Tay người đàn ông Đức này cầm cây búa, miệng hắn ngậm mấy cây đinh. Hắn là một người Đức trung niên, thấp nhỏ nhưng rắn chắc, mạnh khoẻ, bận áo kaki nhà binh Mỹ và cái quần công nhân màu xanh. Hắn có vẻ bình thản và dáng điệu tự trọng làm cho người khác phải tin tưởng. Chỉ có những nếp nhăn ở đuôi mắt làm hắn có vẻ gian tham, giảo hoạt.
Yergen bắt tay Eddie Cassin rồi bắt tay Mosca. Muốn tỏ ra lịch sự, Mosca đưa bàn tay ra trước chờ đợi. Chàng nghĩ bọn chiếm đóng hồi này thân thiện với bọn bị chiếm đóng.
— Tôi là người làm đủ mọi thứ việc ở đây, thưa ông. - Yergen nói. - Bất cứ ông cần gì, xin cứ cho biết.
— Tôi cần cái giường lớn hơn, - Mosca nói, - cần bộ bàn ghế, một chiếc radio, chắc còn vài thứ nữa nhưng tôi sẽ nghĩ đến sau.
Yergen mở túi áo kaki lấy ra cuốn sổ tay và cây bút chì.
— Thưa vâng. - Hắn nhanh nhảu nói, - mấy thứ đó là những thứ cần trước mắt. Theo điều lệ, những phòng này không có radio, gần như chẳng có gì hết nhưng tôi xin giúp ông, cũng như tôi đã từng giúp nhiều ông ở đây. Ông cần radio lớn hay nhỏ.
— Bao nhiêu? - Mosca hỏi. - Đô la Mỹ hay tiền quân đội?
— Tùy cỡ chiếc máy ông cần. Từ năm đến mười bao thuốc lá. Để tôi nói ông nghe. - Yergen chậm rãi nói như người vừa nói vừa tính toán. - Tôi nghĩ ông cần một radio vài cây đèn bàn bốn hoặc năm cái ghế, một cái bàn viết, một cái salon để tiếp khách hay ngồi uống rượu, cái giường lớn hơn. Tôi sẽ mang cho ông đủ những thứ đó, chúng ta sẽ nói đến tiền sau. Nếu ngay lúc này ông không có sẵn thuốc lá, tôi có thể chờ được. Tôi là người kinh doanh, tôi biết lúc nào nên bán chịu. Hơn nữa, ông lại là bạn của ông Cassin.
— Thế thì tốt. - Mosca nói. Chàng cởi áo ngoài, cởi luôn cả sơ mi và cúi xuống mở cái túi vải xanh lấy khăn tắm và xà phòng.
— Ông có đồ cần giặt, xin cứ bỏ trong phòng tắm, tôi sẽ bảo các chị giúp việc giặt giũ cẩn thận cho ông. - Bà Meyer mỉm cười.
— Tất cả bao nhiêu? - Mosca hỏi. Chàng mở chiếc vali, lấy quần áo mới ra để lên mặt giường.
— Ô! Không tốn kém gì cả. Chỉ xin ông mỗi tuần cho tôi vài bánh chocolate. Tôi sẽ chia cho mấy chị bồi và mọi người sẽ hài lòng.
— Ô kê… Ô kê… - Mosca sốt ruột nói. Rồi chàng quay lại nói với Yergen, - lo cho tôi những thứ tôi cần nội trong ngày mai.
Khi hai người Đức đã ra khỏi phòng. Eddie Cassin lắc đầu nói bằng một giọng chán nản, chế nhạo:
— Tình hình đổi khác rồi, Walter ạ. Cuộc chiếm đóng đã đi vào một giai đoạn mới. Bây giờ mình đối xử với những người như bà Meyer một cách lịch sự, mình bắt tay họ vào lúc này cũng vậy, mỗi lần mình nói chuyện với họ là phải mời họ hút thuốc. Họ có thể giúp mình được nhiều việc lắm đó, Walter.
— Mặc xác họ. - Mosca bực dọc nói. - Phòng tắm ở đâu?
Eddie Cassin đưa chàng tới phòng tắm ở cuối hành lang. Phòng tắm rộng như một căn phòng nhỏ, có ba bồn rửa mặt, một bồn tắm bằng sứ có thể dùng cho người khổng lồ. Mosca chưa từng nhìn thấy cái bồn tắm nào lớn đến thế. Trong lúc chàng tắm, Eddie ngồi trên bồn tiểu nói chuyện với chàng.
— Anh sẽ đưa cô bạn của anh về ở đây à? - Eddie hỏi.
— Nếu tôi tìm được nàng và nếu nàng muốn trở về. - Mosca đáp.
— Anh đi tìm nàng trong đêm nay à?
Mosca lau mình và lắp lưỡi dao cạo vào cổ dao.
— Ừ! - Chàng nói vừa nhìn ra cửa sổ. Làn ánh sáng cuối cùng của hoàng hôn đang tan biến rất nhanh. - Đêm nay tôi đi tìm nàng.
Eddie đi ra cửa phòng.
— Nếu không gặp khi trở về anh nên lên phòng bà Meyer, chúng ta uống với nhau cho vui. - Anh vỗ nhẹ lên vai Mosca. - Nếu bắt được nàng, sáng mai tôi sẽ lại gặp anh ở căn cứ.
Còn lại một mình trong căn phòng vắng và xa lạ, Mosca cảm thấy phân vân là bỏ dở cạo râu để trở vào chui lên giường nằm hay là đi thẳng lên phòng bà Meyer để giết thì giờ trọn đêm nay vào cuộc say sưa với Eddie. Chàng cảm thấy sự do dự kỳ lạ khi nghĩ đến chuyện chàng sắp phải rời toà nhà này để đi lang thang trong thành phố tìm kiếm Hella, chàng lại nghĩ đến tên nàng nhưng rồi cuối cùng, chàng cũng cạo xong bộ râu và đứng trước gương để chải lại mái tóc. Rồi chàng đi tới đẩy rộng cánh cửa sổ phòng tắm để nhìn xuống đường, con đường ngang gần như hoàn toàn không có người. Nhưng dọc theo dãy nhà đổ nát xa kia chàng nhìn thấy bóng tối đang xuống. Người đàn bà đang lúi húi nhổ những cọng rau, lá cỏ mọc giữa những kẻ vôi gạch. Cánh tay người đàn bà ôm một bó rau khá lớn. Ở gần chàng hơn, gần như ở ngay dưới khung cửa sổ chàng đang đứng, Mosca nhìn thấy một gia đình bốn người, một người đàn ông, chị vợ cùng hai con trai nhỏ đang bận rộn xây một bức tường, gạch chưa cao quá một thước. Hai đứa con nhỏ đẩy một chiếc xe ba bánh đi lượm những viên gạch còn lành lặn trong những đống gạch ngói đổ nát cao như núi quanh đó đem về, người vợ ngồi lựa chọn từng viên, cạo cho sạch vữa rồi đưa cho ông chồng. Bộ khung của căn nhà đang được xây dựng đóng khung gia đình này và đặt họ vào trong tiềm thức của Mosca. Ánh sáng cuối cùng của buổi hoàng hôn lạnh lẽo tắt đi, vài bóng người chàng nhìn thấy chỉ còn là những bóng đen cử động trong một khối lớn đen đặc hơn. Mosca đi trở về phòng.
Chàng lấy chai rượu trong vali ra và uống một hớp lớn ngay từ miệng chai. Chàng cẩn thận mặc quần áo, vừa làm việc này chàng vừa nghĩ: “Đây là lần thứ nhất nàng nhìn thấy mình không bận quân phục.” Chàng bỏ mọi vật nguyên trong phòng - hai chiếc vali mở rộng trên giường nhưng đồ vật bên trong vali chưa được đưa vào tủ, bộ quần áo bẩn vứt trên sàn, bộ đồ cạo râu vứt bừa bãi trên giường. Chàng uống một hớp rượu lớn nữa trước khi chạy xuống thang, đi ra vỉa hè đêm ấm áp.
Chàng lên xe buýt, người bán vé nhận ra chàng là người Mỹ hỏi xin chàng điếu thuốc. Mosca đưa cho y điếu thuốc, chàng cẩn thận nhìn sang những chiếc xe buýt chạy ngược chiều nghĩ rằng rất có thể có nàng đã ra khỏi nhà để đi đâu đó. Có vài lúc thần kinh chàng căng thẳng, đó là những lúc chàng tưởng đã nhìn thấy nàng, một bờ vai, một nét mặt của một thiếu nữ Đức nào đó làm cho chàng tưởng đó là nàng, nhưng dù cho chàng có nhìn thấy nàng thật đi chăng nữa, chàng cũng không biết chắc có đúng là nàng hay không.
Xuống xe buýt và đi bộ trên đường phố ngày xưa, chàng không còn nhớ rõ toà nhà cũ và chàng phải đứng đọc kỹ bảng ghi tên những người ở trong nhà dán trên cửa toà nhà. Tuy nhiên chàng cũng chỉ nhầm có một nhà mà thôi. Qua bản danh sách thứ hai, chàng thấy có tên nàng. Chàng gõ cửa, chờ vài giây rồi gõ lần thứ hai.
Cửa mở, trong ánh đèn hành lang, chàng nhận ra bà già chủ nhân toà nhà này. Mái tóc hoa râm cằn cỗi của bà già được búi lại cẩn thận sau gáy, với bộ áo đen, chiếc khăn choàng tóc bạc màu. Bà ta có vẻ già nua, mòn mỏi, buồn rầu của tất cả những bà già ở bất cứ đâu.
— Chào ông, - bà ta hỏi, - ông hỏi gì ạ?
— Cô Hella có nhà không? - Mosca hỏi bằng tiếng Đức và ngạc nhiên khi thấy chàng nói tiếng Đức dễ dàng và trôi chảy đến như thế.
Bà già không nhận ra chàng là người bạn cũ của Hella, bà cũng không biết chàng là người Mỹ.
— Mời ông vào, - bà nói và chàng đi theo bà ta qua hành lang sáng mờ, đến một cửa phòng. Bà gõ nhẹ lên cánh cửa và nói. - Cô Hella, cô có khách, có ông nào đến thăm cô.
Sau cùng, chàng nghe thấy tiếng nàng, giọng nói thản nhiên nhưng có âm thanh ngạc nhiên:
— Có ông nào đến tìm tôi à? - Rồi nàng tiếp, - làm ơn chờ một chút.
Mosca mở cửa và bước vào phòng. Nàng đang ngồi quay lưng về phía chàng, hai tay đưa lên vội vàng cài mấy chiếc kẹp tóc vào mái tóc vừa mới gội. Trên một chiếc bàn nhỏ cạnh nàng có một ổ bánh mỳ màu xám. Chiếc giường nhỏ đặt sát tường, cạnh đó là cái bàn ngủ.
Trong lúc Mosca đứng nhìn, Hella kẹp xong mái tóc, nàng đứng lên cầm ổ bánh đem đến bỏ vào ngăn tủ áo. Rồi nàng quay lại, mắt nàng gặp mắt Mosca đứng bên khung cửa.
Mosca nhìn thấy khuôn mặt có gò má cao đến gần như xương xẩu, thân mình nàng còn mảnh dẻ, gầy gò hơn là thân mình nàng mà chàng còn nhớ. Mặt nàng không lộ qua một chút ngạc nhiên nào trong khoảnh khắc chàng tưởng như thấy trên mặt nàng vẻ bực dọc và thoáng chút bất mãn. Rồi nét mặt nàng mờ đi trở thành một chiếc mặt nạ buồn rầu và khổ sở. Chàng đi đến với nàng và khuôn mặt nàng răn rúm lại, ưu phiền, những giọt nước mắt chảy dài trên má nàng, rơi xuống tay chàng đang nâng cằm nàng. Nàng để đầu nàng ngả xuống, gục vào ngực chàng.
— Để anh nhìn em, - Mosca nói, - để anh nhìn em. - Chàng định nâng mặt nàng lên như nàng vẫn gục đầu vào ngực chàng. - Có gì đâu mà em phải khóc, anh chỉ muốn làm cho em bất ngờ.
Nàng khóc nghẹn ngào và chàng chỉ còn có thể ôm nàng, chờ đợi, chàng ôm nàng và nhìn quanh gian phòng hẹp, chiếc giường nhỏ, tủ áo cũ kỹ và trên mặt chiếc bàn phấn, tấm ảnh chàng phóng lớn chàng cho nàng trước khi đi. Ánh đèn duy nhất trên mặt bàn phấn toả ánh sáng mờ, một thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt sầu thảm. Bốn bức tường và cả trần nhà cong vào, trũng xuống vì sức nặng của những đống vôi gạch vụn chất đống bên trên.
Hella ngửng mặt nhìn nàng vừa cười vừa khóc.
— Ồ… Anh… Anh… - nàng nói. - Sao không viết thư? Sao không cho em biết trước?
— Anh muốn em ngạc nhiên, - chàng nhắc lại.
Chàng âu yếm hôn nàng, khi nằm sát cạnh chàng, nàng nói, giọng yếu ớt hổn hển, ngắt quãng:
— Khi em quay lại và nhìn thấy anh, em tưởng là anh chết rồi hay là em đang nằm mơ, hay là em phát điên, em không biết lúc ấy em ra làm sao nữa, và em vừa mới gội đầu xong, chắc trông em… khiếp lắm. - Nàng nhìn xuống bộ áo bạc màu không còn hình thù gì cả được nàng dùng để bận trong nhà, rồi lại ngước lên nhìn chàng.
Bây giờ, chàng trông thấy hai quầng thâm dưới mắt nàng, như tất cả những sắc tố đen trong da dẻ nàng đều tụ hội hết cả và hai nơi ấy để làm cho nơi ấy trở thành gần như đen. Làn tóc dưới tay chàng vô hồn, ẩm ướt, thân thể áp vào chàng xương xẩu, gầy gò.
Nàng mỉm cười và chàng nhìn thấy một bên má nàng, chỗ bên cạnh miệng nàng hóp xuống. Chàng vuốt ve má nàng và hỏi:
— Sao vậy?
Hella có vẻ bối rối:
— Đứa nhỏ, - nàng nói. - Em mất hai cái răng. - Nàng lại mỉm cười với chàng và hỏi, như một đứa trẻ. - Trông em có xấu lắm không?
Mosca chầm chậm lắc đầu:
— Không, - chàng nói, - không. - Đến lúc đó mới nhớ ra, chàng hỏi. - Đứa nhỏ sao, em cho nó ra hả?
— Không. - Hella đáp vội, - em đẻ non. Nó ra quá sớm. Nó chỉ sống được có vài tiếng đồng hồ. Em mới ra khỏi nhà thương cách đây một tháng.
Rồi, bởi vì nàng đã biết tính đa nghi, không tin của chàng, nàng trở dậy đi đến mở tủ, lấy ra một tập giấy tờ được buộc vào bằng một sợi dây. Nàng lật tìm trong đó, lấy ra bốn tờ giấy đưa cho chàng.
— Đọc đi, - nàng nói. Không hờn giận cũng không buồn phiền nàng hiểu rằng trong cái thế giới mà họ đang sống nàng phải có bằng chứng, nàng hiểu rằng thế giới không có sự thật hoàn toàn.
Những con dấu Nhà nước và những con tem dán trên bốn văn bản đó làm cho sự nghi ngờ trong chàng tiêu tan. Gần như bất đắc dĩ và tiếc hận chàng đành phải nhận rằng nàng không nói dối.
Hella đi tới mở tủ áo lấy ra một xấp quần áo trẻ con và tã lót. Mosca nhận thấy trong đống quần áo có nhiều màu vải quen thuộc. Và chàng hiểu rằng vì không còn có cách nào khác, nàng đã phải cắt những bộ áo cũ của nàng, cắt cả những quần áo lót của nàng, để may thành quần áo, tã, lót cho đứa con của họ.
— Em biết trước con mình là con trai, - nàng nói.
Và bỗng dưng Mosca cảm thấy bực. Chàng bực tức vì nàng đã cho màu hồng trên má nàng, cho những thớ thịt trên vai nàng, trên mông nàng, cho hai chiếc răng của nàng, cho công lao cắt và may những bộ quần áo nhỏ này nhưng nàng không nhận qua được, một cái gì trả lại, đền đáp. Và chàng biết rằng nguyên nhân đưa chàng trở về đây chính là vì chàng, vì chàng cần trở về, không phải vì nàng.
— Thật là vớ vẩn, - chàng lẩm bẩm, - vớ vẩn đến chịu không nổi.
Mosca ngồi trên giường và Hella ngồi cạnh chàng. Trong một lúc khá lâu, cả hai cùng cảm thấy lúng túng, ngượng ngùng, mất tự nhiên, họ cùng nhìn ngây lên mặt bàn nhẵn thín, chiếc ghế cô đơn, vách tường rạn nứt, trần nhà trũng xuống. Rồi chầm chậm, từ từ, như hai người tham dự một cuộc hành lễ cổ của bộ lạc, như những kẻ vô đạo, kết hợp với một vị Trời mơ hồ đáng sợ nào đó, hành lễ mà không biết chắc rằng cuộc lễ sẽ đem đến cho mình tai họa hay phúc lộc. Họ nằm ngả xuống chiếc giường hẹp và yêu nhau, chàng yêu với sự nồng nàn gây ra bởi rượu, tội lỗi hối hận, nàng yêu với sự nồng nàn tạo nên bằng tình yêu, trìu mến, bằng niềm tin tuyệt đối rằng cuộc phối hợp này là tốt, là đúng, nó sẽ đem hạnh phúc đến cho cả chàng và nàng. Và nàng chấp nhận cảm giác đau đớn giáng lên thân thể chưa lành hẳn của nàng, chấp nhận sự tàn nhẫn trong nồng nàn của chàng, chấp nhận việc chàng không tin nàng không tin cả chính chàng, không tin tất cả mọi người, mọi việc. Nàng hiểu sự thật cuối cùng là trong tất cả những người mà chàng biết ở cõi đời này, chàng cần nàng, cần lòng tin của nàng, cần thân thể nàng và cần tình nàng yêu chàng.
Đấu Trường Đen Đấu Trường Đen - Mario Puzo Đấu Trường Đen