Sự khác biệt giữa thất bại và thành công là giữa làm gần đúng, và làm thật đúng.

Edward Simmons

 
 
 
 
 
Tác giả: Thuỳ An
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1363 / 8
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 -
hanh sửa soạn khung vả, tôi đứng tựa vào gốc cây cau, chăm chú nhìn anh. Anh làm việc cẩn thận đâu ra đó, không dư một động tác nào, xong xuôi, anh chỉ chiếc ghế, bảo tôi:
- Em đến ngồi đây, Hương.
- Ơ, anh không lấy cảnh sông à?
- Không, anh chỉ vẽ khuôn mặt em thôi, em có thể tháo dây buộc tóc ra chứ?
Tôi ngoan ngoãn như con cừu non:
- Dạ.
Cây bút chì trong tay Khanh đưa lên xuống trên khung vải, mắt anh hướng nhìn về phía tôi tha thiết, đam mê. Không phải Quỳnh Hương trong mắt anh mà là hình bóng người thiếu nữ anh muốn đem vào trong tác phẩm của anh, đó là mái tóc, làn môi, vẻ dịu dàng thanh khiết cùng dáng dấp mềm mại thướt tha của cô con gái Huế. Tôi ngồi im như tượng đá, thời gian rơi theo từng đợt gió chiều lên, trời thẫm dần.
- Thôi, chúng ta dừng ở đây.
Khanh lên tiếng, anh đến bên tôi:
- Em có mệt lắm không?
Tôi không dám nhìn vào mắt Khanh, bao nhiêu mệt mỏi tan biến, tôi đứng dậy:
- Dạ không.
- Em ngoan lắm.
Lời khen tặng như dành riêng cho đứa trẻ khiến tôi thoáng buồn. Ba me giữ Khanh ở lại ăn cơm nhưng anh từ chối. Khanh đi rồi, ba khen:
- Anh họa sĩ nầy đàng hoàng thật.
Tôi đem cơm lên phòng ông nội, ông cười với tôi:
- Sao, anh chàng họa sĩ đó đã làm việc với con chưa? Định vẽ tranh chỗ mô?
Tôi ngồi xuống bên ông:
- Dạ chiều nay mới vẽ sơ, ngoài bến nhà mình.
Ông gật gù:
- Ừ, ngoài đó cũng đẹp lắm, đâu có thua gì danh lam thắng cảnh khác. Nì, nói chi thì nói, năm ni con thi rồi, phải gắng học nghe, đừng có ham mấy cái tranh ảnh mà xao lãng đèn sách là ông giận đó.
- Dạ con đâu dám.
- Thôi, để cơm đó cho ông, xuống nhà học bài đi.
Tôi ngồi vào bàn, giở thời khoá biểu, mai nghỉ hai giờ sau tôi định về Truồi với bà ngoại, chiều chủ nhật lên. Sau khi bàn bạc, ba me cho phép Khanh đến nhà tôi làm việc một tuần ba lần, thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Như vậy là trúng vào chiều học nhóm của chúng tôi, có đề nghị các bạn trong nhóm đổi lại nhưng không ai chịu cả, vì những ngày khác tụi nó bận đi học thêm lung tung nào Toán, Lý, Hóa, Sinh ngữ... Còn tôi thì bận gì? Cái bận "làm người mẫu" của tôi chắc không ai thèm chấp nhận vì nó không có trong chương trình thi cử. Hình như Hưng đã biết, anh không nói gì với tôi nhưng lại phàn nàn với Minh Ngọc, con nhỏ mách lại cho tôi:
- Hưng nói mi thi cử không lo, đi lo chuyện tầm phào.
Tôi nổi tức:
- Rứa mà gọi là chuyện tầm phào à?
Thanh Xuân chế dầu vào lửa:
- Hưng nói Hưng sợ mi mang tiếng, Hưng sợ mi...
Tôi gạt phăng:
- Thôi dẹp Hưng của tụi bây sang một bên!
Minh Ngọc la lên:
- Tại sao lại của tụi tau? Hưng của lòng mi mới đúng chứ.
Thanh Xuân cười khúc khích:
- Nì, tau nói cho mi nghe, anh chàng Hưng đang nổi máu Hoạn Thư đó, coi chừng anh họa sĩ của mi bị ăn axít, dạo nầy tau thấy Hưng hay lẩn quẩn nơi phòng thí nghiệm đó.
- Tau đâu có chi.
- Thiệt không, để khi mô tau phải rình mới được.
Tôi cùng bà ngọai ra bến xe về Truồi, đồ đạc lỉnh kỉnh, chất đầy một chiếc xích lô. Vào khoảng trưa, xe đến chân cầu, tôi và bà ngọai gánh gồng đồ đạc đi vào xóm. Trời bên ngoài nắng nhưng con đường tôi đi râm mát bóng tre, đường khá xa men theo bờ những ruộng lúa xanh rờn, thỉnh thoảng một vài người đi ngược chiều nhận ra bà ngoại, chào hỏi ân cần. Ngang con dốc nhỏ dẫn vào nhà ngoại tôi, một người đàn bà đã có tuổi nhưng còn đẹp chạy lại, đỡ hai túi xách trên tay ngoại:
- Răng mạ về trễ quá vậy, con đợi mạ từ sáng đến chừ, tưởng xe có chuyện chi.
Bà ngoại giở chiếc nón ra, quạt quạt:
- Chờ con Ti đi học về mạ mới đi với nó.
Người đàn bà quay sang nhìn tôi vui vẻ:
- Con Ti đây nì, chà, lớn quá hè, gặp ngoài đường chắc dì không nhận ra.
- Thưa dì, dạo ni dì ốm hơn trước nhiều đó.
- Ừ, dì mới đau một trận tưởng chết.
Chúng tôi đã vào đến nhà.
Đó là một ngôi nhà gạch ba gian, nằm giữa vườn cây ăn trái, chung quanh được bao bọc bởi một hàng rào dâm bụp, hoa nở đỏ rực một vùng. Người đàn bà cất đồ đạc dùm bà ngoại xong đến ngồi âu yếm bên tôi. Đó là dì Nhung, em kế mẹ tôi, lấy chồng tận ngoài Quảng Trị lâu lâu mới về thăm nhà, dễ chừng đã ba năm qua tôi không được gặp dì.
Dì vuốt tóc tôi:
- Răng? Ba me có khỏe không? Con học tới mô rồi?
- Dạ con học lớp mười hai, năm ni thi hết cấp.
- Rứa là bằng lớp với con Na, con còn nhớ con Na không?
- Dạ nhớ, sao dì không đem Na lên nhà con chơi?
- Lu bu công chuyện lắm con ơi, nhà làm ruộng nên quanh năm suốt tháng có ai rảnh mô.
Bà ngoại ra nằm võng, đong đưa kẽo kẹt:
- Con Ti đi rửa mặt đi rồi ra ngoài vườn chơi.
Tôi theo dì Nhưng ra vườn:
- Ông ngoại mô rồi dì?
- À, ông đi ăn kỵ ở cầu Hai, chiều ni mới về đó.
Tôi đi qua vườn bưởi, những cánh hoa trắng phau phau tỏa hương thơm nhè nhẹ, tôi thở làn không khí trong lành vào buồng phổi, tôi mở rộng tâm hồn đón chào cảnh sắc thiên nhiên. Tôi quanh quẩn trong vườn, khu vườn thật rộng trồng nhiều loại cây ăn trái, đi đến cuối vườn thì không còn trông thấy ngôi nhà của ngoại đâu nữa.
Tôi thơ thẩn đi dọc theo hàng rào dâm bụp rồi cúi xuống quan sát đám cỏ trên lối đi. Ở đây hoa dại thật nhiều, đủ màu sắc, nhưng đẹp nhất là me đất hoa tím, những nụ nhỏ xinh xinh chen chúc giữa đám lá hình trái tim sao mà đáng yêu thế, giá Khanh được nhìn thấy hình ảnh nầy, chắc là anh thích lắm.
Một trái dừa rụng từ đằng xa làm tôi giật mình nhìn lại, hình như có ai đang chặt dừa. Tôi chưa kịp chạy tới đã nghe tiếng ông ngoại kêu:
- Ti ơi, Ti ơi.
Tôi mang giúp ông ngoại hai quả dừa, ông một tay xách hai trái, tay kia cầm cây rựa:
- Vô nhà ông chặt dừa cho mà uống, lâu quá không thấy tụi bây xuống, ông nhớ lắm.
- Me con định về thăm ông hoài nhưng mắc bán hàng, bỏ thì tiếc, vì nghỉ bán cũng phải đóng thuế ông ơi.
- Thôi, thăm chi mà thăm, có mệ bây lên thăm được rồi, lo buôn bán nuôi con.
Mâm cơm đã sẵn trên bàn, ông ngoại nói:
- Bà với hai dì cháu nó ăn đi, tôi ăn rồi, cúng sớm, ăn sớm, về sớm.
Dì Nhưng vừa sới cơm vừa nói:
- Có canh cua ngon lắm, ba ăn một chén cho vui.
Ông ngoại đến ngồi nơi võng:
- Để đó chiều ba ăn, ba no rồi.
Ông vừa đưa võng, vừa nhìn tôi âu yếm:
- Con Ti lâu lắm mới thấy dì Nhung con phải không, con gái lấy chồng xa, thiệt, quên làng quên xóm hết.
Rồi ông thở dài, nói với bà ngoại:
- Nói rứa chứ hai đứa con trai mình chừ cũng biết khi mô mới thấy mặt lại.
Ông Ngoại lại nhắc đến cậu Lụa và cậu Là của tôi.
Tôi nghịêp cho ông. Số là ông bà ngoại tôi có bốn người con, me là Gấm, rồi đến dì Nhung, cậu Lụa và cậu Là cách dì Nhung tôi đến mười tuổi nên chưa có vợ con gì cả. Cách đây ba năm, hai cậu theo bạn bè lấy cắp ông bà tôi mấy lượng vàng rồi vượt biên, nghe nói hai cậu đã đến Úc Châu nhưng làm ăn vất vả lắm, có gửi cho ông bà tôi một lá thư rồi từ đó bặt vô âm tín luôn. Thời gian qua, ông ngoại cũng có nguôi ngoai đôi chút nhưng thỉnh thoảng nhắc đến hai cậu, ông vẫn xót xa lòng.
Tôi an ủi ông:
- Thôi ông đừng buồn nữa, mai mốt hai cậu làm Việt kiều hồi hương, tha hồ cho cả nhà mừng.
Ông ngoại tỏ ý không bằng lòng, ông dằn giọng:
- Việt kiều chi tụi nó, ở nhà không lo học hành, chơi bời lêu lỏng quen rồi, qua đó không chết đói là may, tiền mô mà về, thứ đồ con bất hiếu.
Bà ngoại đến bên ông, để tay trên vai:
- Thôi, ông vô buồng nghỉ cho khỏe, chuỵên đã qua rồi, giận làm chi.
Nghe lời bà, ông đứng dậy, trước khi bước vào trong ông bảo dì Nhung:
- Có mấy trái dừa ba hái, chặt cho con Ti uống đi.
- Được rồi, ba để đó cho con.
Ngủ trưa dậy tôi lấy mấy cuốn vở đem theo ra vườn học bài. Mới xa Huế có một buổi mà sao đã thấy buồn và thương nhớ mông lung. Không biết giờ nầy chị Quí đang làm gì, cả ông nội nữa, hồi sáng thấy ông sửa soạn vô phủ không biết giờ đã về chưa, ba me thì chiều nay đi ăn đám cưới con bác Căn, chắc là vui lắm, chị Điệp con bác Văn thật đẹp, tôi thích nhất là mái tóc của chị, dài quá thắt lưng luôn, thấy mà ham. Còn cu Nô nữa, hôm qua xin tiền me học lớp bồi dưỡng thi hết cấp hai, không biết nó đã đăng ký được chưa, nghe nói lớp đông lắm vì ông thầy là một giáo sư toán nổi tiếng trước giải phóng. Tôi lại nghĩ đến lớp học, đến Minh Ngọc, Thanh Xuân và đến cả Hồng Châu, con nhỏ nhận điểm một toán một cách oanh liệt không ngờ. Tôi cũng nghĩ đến Hưng, không biết anh chàng còn giận tôi không, kể cũng tội, mấy ngày nay tôi không nói với Hưng một câu. Chỉ tại tôi tự ái hão thôi, chứ Hưng luôn đối với tôi rất tốt, hiện giờ anh đang lo lắng cho tôi, việc tôi bỏ học nhóm đã làm anh cuống lên. Nhưng làm sao được, tôi phải giúp Khanh chứ, bây giờ trong tim tôi hình bóng Khanh trở nên rực rỡ nhất, anh là hơi thở của em đó Khanh, Khanh ơi, tôi gọi thầm tên anh, tôi đã... yêu rồi sao? Tôi giật mình chạy trốn ý nghĩ ấy...
Tôi ngước mắt nhìn đám mây trắng lửng lơ, Khanh đang ở bên tôi, anh đưa cây cọ lên xuống trên bức tranh, thỉnh thoảng anh nhắc tôi:
- Hương ơi, nhìn vào anh nè, sao em lơ đãng vậy?
- Em mỏi lưng quá.
Khanh hạ cây bút xuống:
- Được rồi, bữa nay mình nghỉ sớm nghe.
- Sao vậy anh, mới có bốn giờ.
Khanh xếp đồ dùng lại rồi nhìn tôi:
- Chiều nay em có rảnh không?
- Thì em đang rảnh đây nì.
- Bây giờ đến tối chứ?
- Dạ.
- Để anh xin phép hai bác cho em đi chơi với anh nghen.
- Ba me em chưa về.
- Vậy thì anh đợi.
Khanh ngồi trên phiến đá cạnh bờ nước, nhìn sang bên kia sông:
- Nơi đây thật là đẹp, bên kia cũng rất hay, toàn một màu xanh ngút mắt, xóm nào vậy em?
Tôi đến đứng bên Khanh:
- Đó là thôn Vỹ Dạ.
Khanh reo lên một tiếng mừng rỡ:
- A, đúng là "vườn ai mướt quá xanh như ngọc", em có biết bài thơ nầy không Hương?
- Dạ em biết, đó là bài "Đây thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mặc Tử.
Khanh mơ màng:
- Ước gì anh được thực hiện một bức tranh bên đó, mà người mẫu cũng phải là em, em có quen ai ở đó không, có vào được vườn của người ta để vẽ không?
Nhìn gương mặt rạng rỡ của Khanh, tôi muốn làm tất cả cho anh dù khó khăn đến đâu:
- Em có vài đứa bạn học ở đó, để em gắng thử xem.
Ba đi làm về, me thì chưa nhưng ba cũng cho phép tôi đi chơi với Khanh, miễn là phải về sớm. Tôi ngồi bên Khanh trên chiếc xe LaDaLat anh mượn của người bạn, xe qua cầu Gia Hội, qua phố, qua cầu Tràng Tiền và ghé vào một nhà hàng. Tôi ngập ngừng bước theo Khanh, anh kéo ghế cho tôi, rồi anh ngồi xuống bên cạnh tôi, khoảng bàn trải khăn trắng trước mặt rộng thênh thang. Khanh nói nhỏ bên tai:
- Hôm nay là sinh nhật thứ hai mươi tám của anh, anh không muốn mời ai cả. Vậy em vui lòng cùng anh dự một buổi tiệc nho nhỏ nghen.
Tôi ngước nhìn Khanh, lúng túng:
- Ơ, sao anh không nói trước để em mua quà tặng anh.
Khanh âu yếm:
- Những bức tranh có em là món quà tặng vô giá đối với anh rồi.
Anh đưa tấm thực đơn cho tôi:
- Em chọn thức ăn đi.
Tôi lắc đầu:
- Em không biết, anh lựa đi.
Đẩy qua đẩy lại một hồi Khanh đành phải chìu ý tôi. Hai đứa ra khỏi nhà hàng thì đã hơn tám giờ. Khanh nói:
- Mình đi dạo một lát.
Chúng tôi thả bộ theo đường Lê Lợi, bóng cây mờ nhạt ngả dài theo lối đi. Chiếc cầu mới bắc qua sông Hương rực rỡ ánh đèn cao áp, Khanh lại rủ:
- Chúng ta lên cầu chơi đi.
Khanh đưa tôi ra đến giữa cầu thì dừng lại, chỉ xuống dòng nước:
- Em nhìn xem, ngọn đèn in bóng trên dòng nước, nhưng chỉ trong một giây, lại là một hình ảnh khác rồi. Dòng sông không bao giờ in hình hai lần một chiếc cầu, một bến sông. Nước thì chảy mãi mà bến sông và cây cầu cứ đứng hoài một chỗ, chờ đợi ai vậy?
Tôi vịn tay vào thành cầu mát lạnh:
- Anh Khanh, anh có chuyện gì buồn vậy?
Khanh như sực tỉnh:
- Ấy chết, anh xin lỗi em.
Tôi vẫn nằn nì:
- Anh có chuyện buồn rồi, kể cho em nghe đi.
Khanh vẫn trầm ngâm, anh thở dài:
- Kể cũng có, nhưng lâu rồi Hương ạ, người ta đã bỏ anh mà đi.
Không tự chủ, tôi đặt bàn tay tôi lên tay Khanh:
- Anh nên quên đi rồi mọi việc sẽ tốt đẹp thôi.
Khanh siết mạnh tay tôi:
- Cám ơn em. Thôi chúng ta về nhé.
Suốt đêm thao thức không ngủ được, buổi sáng đến trường gương mặt tôi bơ phờ đến thảm hại. Hưng lo ngại nhìn tôi:
- Hương có đau không?
- Không can chi mô, tại Hương mất ngủ thôi.
Hồng Châu từ đâu chạy lại:
- Chắc là bị ma ám chướng hành chứ chi, ham coi video cho lắm.
Chẳng buồn cãi, tôi nhéo vào vai nó:
- Đừng có suy bụng ta ra bụng người.
Sáng nay lớp tôi phụ trách kéo cờ, các học sinh sắp thành hai dãy trước cột cờ, áo quần tề chỉnh, nét mặt nghiêm trang. Thầy Giang phụ trách trật tự đứng trước micro điều khiển buổi l. Không khí đang yên lặng, bỗng có tiếng thầm thì sau lưng tôi, mỗi lúc một lớn, rồi một tiếng cười rú lên bị chận nghẹt lại bởi bàn tay của ai đó, âm thanh ằng ặc... ư ứ... kéo theo một chuỗi cười òa vỡ khiến thầy Giang giận đến run người, thầy nói vào micro như thét:
- Tất cả vào lớp, riêng lớp 12A1 nầy, tôi phạt hai giờ đứng dưới nắng.
Hình phạt như vậy cũng đáng, các thầy cô trở về văn phòng, không một ai thèm thương hại chúng tôi. Bóng lá trong sân trường không đủ sức che nắng, trời chuyển mùa oi bức ghê người, một vài bạn lót guốc ngồi xuống cát, cầm tập vở quạt xành xạch. Thầy Giang từ văn phòng chạy lại:
- Đứng lên, đứng lê, ai cho phép mấy trò ngồi? Cười cho đã bây giờ gánh hậu quả như vậy là đúng quá, còn muốn gì nữa.
Thầy đi rồi mọi việc lại như cũ. Tôi đến ngồi xuống gốc cây, đầu nhức như búa bổ, loáng thoáng trước mặt những tà áo trắng chao nghiêng, Thanh Xuân đứng bên Minh Ngọc tươi cười hớn hở, hàm răng chúng nó cứ lớn dần lên... dần lên, cả một bầu trời đen đổ ụp vào mặt, trước khi ngất xỉu, tôi còn nghe tiếng kêu thảng thốt của Hồng Châu:
- Quỳnh Hương! Quỳnh Hương!
Tôi tỉnh dậy trên chiếc giường nhỏ trong phòng y tế của trường. Hưng đang ở bên cạnh tôi:
- Hương đã đỡ chưa? Nằm nghỉ một lát Hưng kêu xích lô đưa Hương về nghe.
Thanh Xuân từ ngoài chạy vào:
- Hên quá, nhờ mi xỉu nên thầy Giang đã tha cho lớp mình khỏi hình phạt khổ sai.
Minh Ngọc bưng ly nước chanh vào, nâng tôi dậy:
- Uống cho khỏe, Hương.
Tôi về nhà, nằm trong phòng suốt cả buổi chiều, chị Quí nấu một nồi nước xông, đem vào:
- Gắng xông cho kỹ, một lát là khỏe liền.
Ba đi làm về, chưa kịp thay đồ đã vào phòng sờ vào trán tôi, mặt ba thoáng vui:
- Mát rồi đây, hồi trưa nóng quá, ba lo ba ngồi làm việc không yên.
Nhìn gương mặt khắc khổ đầy nếp nhăn của ba, tôi thấy thương ba quá. Ba làm ở sở bưu điện, trước ngồi văn phòng nhưng sau nầy vì tinh giảm biên chế nên số nhân viên còn lại phải kiêm nhiều công việc một lúc. Tháng nầy thư đến quá nhiều, anh đưa thư bệnh, ba phải đảm nhiệm phần việc của anh ta. Mới dang nắng mấy ngày mà da ba đen thui. Tôi cầm tay ba:
- Ba ơi, ba đừng đi đưa thư nữa, cực lắm.
Ba cười hiền lành:
- Cực nhưng bù vào đó ba sẽ kiếm được tiền khá hơn, con đừng lo.
Ba vuốt tóc tôi:
- Quan trọng nhất là con phải gắng học, gắng thi đậu vào đại học, đừng có buông xuôi như chị Quí của con.
Ba mở túi xách lấy ra một mớ thuốc tây để trên bàn:
- Thuốc bổ óc, ba mua cho con để học thi đây. Thôi con nghỉ nghe.
Nằm mãi cũng chán, tôi ngồi dậy đi ra phòng khác. Nhà ngoài vắng vẻ cu Nô đang ngồi nơi bàn vẽ vẽ xóa xóa.
Tôi lại gần:
- Em vẽ cái chi rứa?
Cu Nô với vẻ trịnh trọng:
- Em vẽ tranh để dự thi "Tranh thiếu nhi".
- Ủa, bức tranh "Con tàu vũ trụ" anh Khanh vẽ dùm đâu rồi?
Cu Nô buông viết xuống, nét mặt ngẩn ngơ:
- Tiếc quá chị Ti ơi, lạc đề tài rồi, kỳ nầy phải vẽ tranh với chủ đề "Đất nước, quê hương".
Tôi gật gù:
- Như rứa càng tốt, em khỏi phải đạo tranh của người khác, phải tự lực cánh sinh mới được.
Cu Nô cười to:
- Chị Ti mừng hụt rồi, bức tranh ni cũng của anh Khanh vẽ cho em chứ bộ.
Tôi tò mò nhìn vào, cu Nô giải thích:
- Chị có nhận ra đây là chỗ mô không? Ngoài bến nhà mình đó, đẹp không, nước sông giống như thật, cả mây nữa, cuồn cuộn chả khác chi đám bông gòn.
Tôi chỉ vào một chỗ lờ mờ, không ra hình thù gì cả:
- Cái chi đây?
Cu Nô nhìn tôi, ngập ngừng một lát:
- Chỗ ni em đang tẩy, chưa xong.
- Mà cái chi đây?
Cu Nô để một ngón tay lên mịêng:
- Bí mật, đố chị bật mí được.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc:
- Bụi cỏ tranh?
- Trật.
- Đám bèo Nhật bổn?
- Sai luôn. Cho chị nói một tiếng nữa.
- Cây mai tứ quí?
- Càng sai, nhà mình đâu có trồng mai tứ quí.
- Rứa thì cái chi?
Cu Nô cầm cục tẩy chà chà xát xát:
- Chị đó chị Ti.
- Em nói chi chị không hiểu?
- Em nói chị, nghĩa là chỗ em đang xóa là hình chị đang tựa vào thân cây, bữa trước anh Khanh tới nhìn ra bến thấy chị, anh bảo em đưa tờ giấy, anh ngồi đây anh vẽ say sưa, em xin hoài anh mới cho đó.
Tôi nghe vui vui trong lòng, nhưng nhìn cu Nô đang "xóa sổ" mình ra khỏi bức tranh, tôi thấy tức ngang hông:
- Nhưng sau em lại tẩy chị đi?
Cu Nô làm mặt vẻ thành thạo:
- Ai cho vẽ người vào tranh dự thi? Em sẽ thay chị bằng một bụi cây, nếu vẽ cây không giống em sẽ vẽ một hòn đá, hòn đá là dễ vẽ nhất.
Tôi nổi giận:
- Em dám gửi tranh của anh Khanh đi dự thi hả? Em dám ăn cắp tranh hả?
- Em đâu có ăn cắp, tranh anh Khanh cho em chứ bộ.
- Nhưng anh ấy không biết chuyện nầy.
Cu Nô trân tráo:
- Anh ấy biết cũng huề tiền, mai mốt được giải thế nào em cũng bao chị một chầu kem.
- Cầu trời cho tranh của em bị loại.
- Chị đừng có trù ẻo... - Cu Nô la lên.
Me đi bán về, đặt mấy chiếc giỏ lên bàn:
- Làm cái gì mà ồn ào vậy?
Cu Nô chạy tới ôm chầm lấy mẹ, hát to:
- "A má về má cho con gì..."
Đầu Bến Mây Đưa Đầu Bến Mây Đưa - Thuỳ An