The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Fortunate Pilgrim
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4846 / 158
Cập nhật: 2015-09-20 13:29:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
gôi nhà thuê có bốn tầng. Mỗi tầng là một căn hộ. Các cửa sổ mở ra phía trước là hướng tây, đại lộ Số Mười, mở ra sân sau là hướng đông nên rất thông thoáng. Căn hộ nhà Angeluzzi Corbos ở lầu bốn, nên sử dụng được luôn cả hành lang phía sau làm nhà kho: tủ đá, bàn viết, hộp cà chua, thùng đựng mì chất cả đống. Mặc dù căn hộ có sáu phòng nhưng nhà đông người nên vẫn chật. Phòng ngủ của Octavia mở cửa thông với phòng khách. Hai thằng Vincent và Sal ngủ trên cái giường xếp trong phòng khách này. Ban ngày, cái giường của hai đứa được dựng sát tường và phủ lên một tấm vải cho gọn. Ba mẹ chiếm căn phòng đầu dãy, kế bên là phòng của Larry rồi tới phòng ăn với một cái bàn lớn, vừa để cả nhà ăn uống, vừa là nơi sinh hoạt chuyện trò. Góc bên phải là căn bếp. Theo tiêu chuẩn của xóm giềng thì căn hộ của Lucia Santa là biểu hiện của sự hoang phí.
Octavia đặt em bé vào giọng mẹ rồi về phòng riêng thay áo. Khi trở ra, ba đứa em trai đang ngủ say trên cái giường trải rộng giữa phòng. Cô vào bếp rửa mặt. Bà mẹ đang ngồi nhâm nhi cốc rượu vang, chờ đợi. Octavia biết mẹ cô ráng thức để "làm ra ngô ra khoai" chuyện hồi chiều. Rồi sau đó hai mẹ con thì thầm bàn chuyện tương lai của gia đình: một ngôi nhà ở khu Long Island, lo sao cho thằng bé sáng dạ nhất nhà học tới đại học…
Lucia Santa mở đầu theo kiểu hoà giải, bằng tiếng quê nhà:
- Này, thằng con nhà hàng bánh để ý đến con đó. Mà sao nó cho kem, con lại cứ câm như hến vậy…
Chợt bà dừng lại nghe ngóng, hỏi:
- Con đặt em Lena vào giữa giường rồi hả? Coi chừng nó lăn, té thì khổ đó.
Octavia bực mình. Không phải vì chuyện mẹ cô thừa biết cô chẳng ưa gì mấy thanh niên quanh xóm nhưng vẫn cứ chọc ghẹo cô. Mà chính vì cái tên của đứa em gái út mới làm cô bực. Chính cô suy nghĩ mãi mới kiếm được cái tên Aileen cho con bé, một cái tên Mỹ hẳn hoi. Nhưng mấy ông bà Ý líu cả lưỡi vẫn không phát âm cho đúng được. Vậy là họ rút tên con bé lại thành Lena. Bà mẹ cũng cố gắng làm vui lòng cô con gái nhưng ngặt nỗi là sửa giọng muốn trẹo cả quai hàm, méo cả miệng mà vẫn không nói nổi. Bực quá, Lucia Santa nổi khùng:
- Cũng chẳng cần lấy tên Mỹ.
Vậy là mọi người cứ gọi con bé là Lena, trừ mấy thằng anh nó, vì các cậu này lỡ dại gọi theo mấy bà Ý già, Octavia cho ăn cái tát tai ngay.
Lúc này hai mẹ con luôn ghìm nhau. Octavia lấy ra hộp đồ làm móng, ngồi thư thả gọt giũa móng tay, xài giọng Mỹ rất ngọt:
- Mấy thằng đàn ông nhà quê xóm này thì xin lỗi, tôi xáp không nổi. Chúng chỉ muốn có một con đàn bà để chúng hành hạ như chó vậy. Con không muốn đời con giống mẹ, chồng con gì thấy hết ham.
Cô bắt đầu sơn móng tay. Cô làm ngay lúc này, để chọc tức mẹ. Bà mẹ cố giữ bình tĩnh nhưng ngực cứ như nghẹt thở. Mỗi khi tức giận hai mẹ con rằng giống nhau, mắt sáng quắc, mặt cau có giận dữ:
- À, té ra ở Mỹ con gái ăn nói với mẹ như vậy. Hay quá! Mày làm cô giáo được rồi đấy. Thứ con như mày, thà không có còn hơn.
Rồi bà nghiêng sát mặt con gái xổ cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Mỹ:
- Mi, mi dispiace! Tao không cần!
Cô con gái biết chắc chỉ nói hỗn thêm một câu, bà mẹ sẽ bộp tai ngay.
Nhưng cái chuyện ăn bộp tai cô đâu có ngán, có điều cô ân hận vì đã coi thường cuộc đời bà. Cô biết mẹ cô, người đứng mũi chịu sào trong gia đình, phải dựa nhiều vào cô. Bà khoe với người ngoài về cô. Octavia mỉm cười làm lành.
- Con đâu có định nói gì đến mẹ. Con chỉ muốn nói là phải có được một thằng chồng đàng hoàng, chớ không phải chỉ được riêng vụ ấy.
Bà mẹ ngó đứa con gái Mỹ hoá từ đầu đến chân tức lộn cả ruột:
- Gớm, tội nghiệp con gái tôi nhỉ.
Rồi chợt nhớ ra một điều, bước vội vào phòng ngủ, lúc trở ra, đưa một tờ năm đô la và quyển sổ tiết kiệm cho Octavia:
- Này, bỏ ngay vào áo, kẻo ba cô, em cô thấy. Sáng mai đi gởi rồi hãy đi làm.
Octavia nhẹ nhàng, nhưng cay nghiệt nói:
- Không có chuyện ông ấy là ba tôi nghen.
Không phải vì mấy câu nói, mà vì sự ngấm ngầm căm ghét nhau giữa hai mẹ con, Lucia Santa ứa nước mắt. Vì chỉ hai người còn có thể nhớ đến người chồng quá cố của bà, chỉ hai người thật sự chia sẻ đoạn đời đó, đã cùng nhau chịu đựng bao gian khổ. Người chồng trước để lại ba đứa con, nhưng chỉ có đứa con gái lớn này còn giữ kỷ niệm về ông. Khổ hơn nữa là Octavia rất yêu cha nó, cái chết của ông ảnh hưởng đến nó quá nặng nề. Bà mẹ biết hết, bà cũng biết cuộc hôn nhân thứ hai của bà đã làm thương tổn tình cảm của con gái đối với bà.
Bà nói như thì thầm:
- Con còn trẻ, làm sao con hiểu hết chuyện đời. Ông ấy không đáng cha mày à. Ông Frank lấy mẹ lúc ấy, mẹ goá bụa, tứ cố vô thân, một nách ba con còn nhỏ dại. Ông ấy nuôi bốn mẹ con mình, bảo vệ nhà mình. Lúc đó ngoài bà Zia Louchee, có đứa nào léo hánh tới cửa nhà mình, con nhớ không? Vì con là con, mẹ không muốn kể ra làm gì, cha con chẳng tốt lành như con nghĩ đâu.
Mắt bà mẹ đã ráo hoảnh và bà lại mang bộ mặt cay đắng, sầu thảm khi nhớ lại quá khứ, cái vẻ đau khổ luôn làm Octavia khó chịu.
Hai mẹ con đã nhiều lần cãi nhau về chuyện này, lần nào cũng gay go, cứ như chuyện mới xảy ra. Octavia còn quá trẻ, hăng hái đến tàn nhẫn:
- Ông ấy giúp được cái gì chứ? Mẹ bắt thằng Vincent mới tí tuổi đầu vào làm lò bánh mấy tháng hè, mẹ không tội nghiệp nó à? Trong khi ông chồng tốt lành của mẹ làm chuyện gác cửa cũng không xong. Tại sao ông ta không kiếm việc mà làm chứ? Ba con làm việc cật lực đến nỗi chết trong lúc đang làm đó.
Cô ngừng lại, vì sắp bật khóc. Rồi cô nói nhẹ nhàng hơn như để thuyết phục mẹ:
- Ông ấy khôn quá, thông minh quá nên mới mất việc bên đường sắt đấy. Ông xếp bảo là đứng lóng ngóng cả ngày mới xách được thùng nước, vậy là ông chồng của mẹ vác thùng đi luôn, không trở lại nữa. Ông ta hãnh diện vì chuyện ấy lắm, tưởng vậy là bảnh. Vậy mà mẹ có nói tiếng nào đâu. Tiếng một tiếng hai cũng không. Gặp tay con, con tống ra đường, khoá cửa lại. Đừng hòng ở lại hú hí.
Bà mẹ hết chịu nổi lối bóng gió của con ranh:
- Biết thì nói, không biết thì câm cái miệng của mày lại. Cái ngữ của mày thì ngu tới già, con ơi.
Bà ực hết cốc rượu, bảo:
- Tôi đi ngủ đây. Để cửa cho em trai cô và chồng tôi về.
- Mẹ không phải lo cho cậu quý tử Lorenzo nhà mình.
Bà mẹ gớm ghiếc nhìn màu đỏ choét cô con gái đang sơn lên móng tay rồi về phòng ngủ. Nhưng ngoái lại hỏi:
- Thằng Lorenzo làm trò gì mà hết ca đêm rồi vẫn chưa về ngủ. Giờ này ngoài đường chỉ còn cái lũ đứng đường Ái Nhĩ Lan thôi. Tạ ơn Chúa, thằng nhãi chỉ vớ vẩn với tụi con gái Ý đàng hoàng.
Bà mỉm cười, có vẻ hãnh diện. Octavia chọt thêm một câu:
- Nó lại rúc vào nhà Le Cinglata. Ông chồng xộ khám nữa rồi.
Bà mẹ hiểu ngay. Vợ chồng Le Cinglata nấu rượu và bán lẻ tại nhà. Nhà này phạm luật cấm rượu, vì nấu rượu lậu. Mới tuần trước mụ vợ biếu bà một bình, vì thằng Larry vận chuyển hộ một xe nho. Mụ Le Cinglata là một trong ba cô gái cùng làm đám cưới uỷ nhiệm một lượt với bà ở Ý, từ mấy chục năm trước.
Trước khi ngủ, bà vào phòng khách, đắp chăn cho ba thằng con trai. Bà lại cửa sổ nhìn xuống con đường tối thui, thấy ông chồng vẫn lững thững đi lên đi xuống. Bà gọi nhỏ:
- Frank, đừng thức khuya quá.
Lão chẳng thèm nhìn bà hay nhìn trời, cứ cắm cúi đi tới đi lui.
Bà miễn cưỡng vào giường ngủ, vì bà cho rằng, còn thức, bà còn có thể kiểm soát được những hành động của chồng và thằng con lớn. Bà bực bội vì không làm cho họ về nhà ngủ. Quơ tay tìm đứa con gái nhỏ đã nằm an toàn sát tường, bà gọi vọng ra:
- Octavia, đi ngủ thôi, mai còn đi làm chớ.
Thật ra, bà không thể ngủ, khi vẫn còn người trong nhà chưa đi ngủ. Octavia lì lì đi qua buồng không nói gì.
Trong đêm hè oi bức, giữa tiếng thở đều đều của các con đang ngủ say, Lucia Santa hồi tưởng lại đời bà. Lấy người chồng sau, bà đã làm cho con gái buồn khổ. Bà biết con kết tội mình đã không tỏ vẻ đau khổ của một người vợ đang thời tang chế. Không thể nào cách nghĩa để đứa con gái còn trong trắng hiểu hết chuyện vợ chồng. Làm sao nó hiểu rằng cha nó, người đàn ông chung chăn chung gối, người đàn ông sẽ cùng mình sống trọn cuộc đời lại là người mình chẳng hề yêu thương.
Ông ta là một ông chủ gia đình thiển cận, thiếu trách nhiệm, an phận chui rúc trong căn nhà mướn ẩm thấp, bẩn thỉu, gần nơi làm việc, không hề có chút tham vọng đổi đời cho gia đình. Đã bao lần bà khóc đến khô nước mắt. Ông ta chỉ đưa cho bà đủ chi dùng, còn lại, thay vì dành dụm, ông ta rượu chè, cờ bạc. Chưa hề cho bà một xu chi tiêu riêng. Ông cho rằng một cô gái nghèo khổ không có đến một cái áo cưới, sang miền đất mới này, làm vợ ông là quá đủ rồi. Chỉ chuyện này thôi đủ cho bà phải phục vụ ông suốt đời.
Tình cảm của bà đối với chồng cũng giống hàng triệu người đàn bà khi lấy chồng mà không hề biết trước anh ta ra sao. Khi biết người đàn ông kiểm soát tiền bạc trong nhà, nắm hết uy quyền để quyết định tương lai con cái mà lại không đủ sức, bà sắp tranh đấu để giành lại phần nào quyền đó thì ông ta chết vì tai nạn.
Nhưng bà đã khóc, khóc thật nhiều. Vừa đau đớn vừa khiếp sợ. Không phải đớn đau cái chuyện xa lìa. Đó là những ting kêu ai oán vì mất chốn dựa dẫm nơi đất khách quê người. Tiếng khóc hãi hùng vì mất miếng cơm manh áo cho con. Vì lo sợ cho cái bào thai còn trong bụng. Chồng chết là phải vò đầu bứt tóc, kêu gào thảm thiết, lúc nào cũng lù xù đồ tang cho bàn dân thiên hạ nhìn thấy. Như vậy mới được mọi người yêu quý.
Cái chết của chồng bà phi lý đến tức cười. Trong khi chiếc tàu đang bốc dỡ hàng thì chiếc cầu phao hất tung năm người và nhiều tấn chuối xuống lòng sông. Cả người và chuối đều bị vùi chôn dưới bùn.
"Ông ấy chết lại cho mình nhiều tiền hơn lúc sống". Sau bấy nhiêu năm, bây giờ trong đêm thanh vắng, bà tự cười nhạo mình ngày ấy sao lại có ý nghĩ như vậy về chồng. Nhưng vì toà án đã thưởng cho mỗi đứa trẻ một ngàn đô la, kể cả thằng Vincent lúc đó còn trong bụng mẹ. Số tiền phải ký gởi, vì đây là nước Mỹ, rất thận trọng, khôn ngoan. Cha mẹ không có quyền quản lý tiền bạc của con cái. Riêng bà nhận được ba ngàn đô la. Trừ mụ Zia Louchee và Octavia, cả khu phố không ai hay biết.
Nỗi đau chồng chất chưa kịp nguôi ngoai, Lucia Santa còn phải hứng chịu nỗi khổ tâm là mẹ của quỷ. Tổ cha ai đã bày ra câu chuyện mê tín bậy bạ này. Mấy bà hàng xóm cứ râm ran. Một đứa trẻ cha chết trước khi nó ra đời là con của ma, của quỷ. Tận bây giờ nhớ lại bà vẫn khóc, khóc cho con người bà ngày ấy, cho đứa trẻ trong bụng. Con gái bà không biết và không bao giờ hiểu nổi.
Nhưng điều đáng trách nhất là chỉ một năm sau khi chồng chết, sáu tháng sau khi sinh, Lucia Santa - người đàn bà có ba mặt con - lần đầu trong đời mới biết thế nào là tình yêu cuồng nhiệt với một người đàn ông. Đó chính là người chồng thứ hai của bà. Yêu thật sự. Không phải tình yêu lý tưởng của mấy cô gái mới lớn hay của mấy nhà tu hành, cũng không phải tình cảm của những người hùng trong tiểu thuyết. Không, đó là cái từ để gọi thịt da nóng hổi cuốn lấy nhau. Ôi thật điên khùng, rồ dại đối với người đàn bà đã có bầy con. Tạ ơn Chúa, bây giờ bà đã qua khỏi cái thời ấy rồi.
Ngày đó Frank Corbo ba mươi lăm tuổi, chưa có miếng vợ nào, người mảnh khảnh, mạnh mẽ, mắt xanh. Ở tuổi đó chưa vợ nên mọi người gọi anh là kỳ cục, lại thêm tật lầm lì ít nói, vênh vênh kiểu ta đây, lối kiêu hãnh tức cười của một kẻ thua thiệt đủ thứ trong đời. Nhưng bạn bè lối xóm lại thấy anh chàng này xứng đáng chăm lo nổi cho người đàn bà goá và ba đứa con côi. Anh ta làm việc ca sáng trong Sở Đường Sắt, buổi chiều hoàn toàn rảnh rỗi, tha hồ mà lui tới làm quen. Trai tân, gái goá, chẳng sợ điều ong tiếng ve gì. Mấy mẹ hàng xóm thì khỏi nói, ai cũng sốt sắng.
Frank Corbo hồi nào tới giờ chỉ biết đến cách giải quyết vội vàng, chớp nhoáng với mấy ả nhà thổ. Khi đeo đuổi, ve vãn người đàn bà ba con, hắn e dè như đối với một thiếu nữ còn son trẻ. Chiều chiều hắn ghé thăm, khi chị ta đã bắc ghế ra trước nhà vừa cho bé ngủ, vừa ngó chừng mấy đứa lớn đang chạy chơi trong phố. Thỉnh thoảng, hắn cũng ở lại ăn bữa tối, ra về trước lúc tụi trẻ đi ngủ. Rồi một hôm hắn ngỏ lời xin cưới.
Chị ta nghiêm nghị như đối với một người em trai, hỏi:
- Anh không ngại ngùng hỏi lấy tôi, khi con tôi còn nằm nôi sao?
Mắt hắn tối sầm lại. Rồi hắn tuôn ra một tràng, hắn yêu thương lũ trẻ cũng như yêu thương chị. Dù chị không chịu lấy hắn, hắn vẫn sẽ cho chị tiền để nuôi con. Thật vậy, hắn kiếm được bộn tiền và vẫn mua kem và đồ chơi cho mấy đứa con chị. Đôi khi hắn còn đưa tiền để chị may sắm cho lũ nhỏ. Lúc đầu, chị từ chối. Hắn phát cáu, bao "Sao thế? Cô không thèm làm bạn với tôi à? Cô nghĩ tôi giống như những thằng đàn ông khác sao? Tiền bạc là gì nào.." hắn định xé số tiền đang cầm trong tay. Hắn làm chị ứa nước mắt và nhận tiền của hắn. Phải nói là hắn không đòi hỏi chị điều gì. Mà chính chị là người sốt ruột đợi chờ.
Một ngày mùa xuân, Frank Corbo được mời tới dự bữa tiệc nhỏ của gia đình theo tập tục từ quê hương Ý. Hắn ôm tới bình rượu nho và hộp bánh kem. Sơ mi, cà vạt, áo vét đàng hoàng. Hắn tỏ ra ngượng ngùng, nhút nhát hơn cả mấy đứa con chị.
Bữa ăn có mì Ý trộn sốt cà chua, thịt viên tròn xoe xào tỏi và rau cần tươi, sà lách trộn dầu giấm, lại thêm cả hạt hồ đào để nhắm rượu nữa.
Xong bữa, trẻ con kéo nhau xuống đường chơi. Lẽ ra chị giữ các con lại để tránh tai tiếng, nhưng chị cứ im re, chẳng nói gì.
Vậy là trong buổi chiều vàng, ánh nắng còn trải dài trên con đường sắt, với đứa bé mồ côi cha được che chắn khỏi tội lỗi bằng mấy cái gối, hai người gắn số phận vào với nhau trên cái ghế trường kỷ trong phòng khách. Lucia Santa chỉ thoáng bối rối vì những giọng cười nói của các con từ dưới phố vọng lên. Cửa ra vào đã khóa kỹ rồi mà.
Dĩ nhiên đôi với Lucia Santa chỉ là đi thêm bước nữa. Nhưng phải nói lần này Lucia Santa mới thâu hiểu hết chữ tình. Hương vị tình yêu nhưng ngọt ngào, rạo rực làm sao! Hơi hướm con đực kích thích, đánh thức cảm giác trong người đàn bà bấy lâu đè nén, như tiếng chuông hoan lạc rung vang. Cho đến tận bây giờ, kỷ niệm đó vẫn còn tươi rói, mới nguyên cảm giác gần gũi lần đầu. Và trong lần yêu đương đó, chị là người chủ động.
Người đàn ông khắc khổ, cứng rắn đến như vậy để chống trả với đời, đã nức nở trên ngực chị. Và trong buổi chiều nắng đang tắt dần đi, chị đã chiều chuộng và săn sóc hắn. Chưa bao giờ chị lo cho người chồng trước đến vậy.
Mọi rắc rối chỉ phát sinh sau khi đứa con đầu lòng của hắn ra đời. tình yêu hắn dành cho thằng Gino trở thành ung nhọt, giết chết tình yêu hắn dành cho mấy đứa con riêng của vợ, hắn trở thành ích kỷ xấu tính.
Trong năm đầu ăn ở với nhau, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu, hắn đã kể về tuổi thơ khốn khổ của hắn. Ở tại quê nhà, con một nông dân nghèo, cày cuốc trên mảnh đất thuê, hắn luôn bị cái đói cái rét hành hạ. nhưng có một chuyện không thể nào hắn quên được. cha mẹ hắn bắt hắn đi đôi giày cũ khâu nhỏ lại. bàn chân hắn bị biến dạng khủng khiếp, xương như gãy vụn, gù lên thành cục bướu quái dị. Hắn đưa bàn chân cho vợ xem, như muốn nói "Anh chẳng giấu em điêu gì, em không cần lấy một người có đôi chân như vậy". Chị đã cười. Nhưng sau đó thì không còn cười nổi khi khám phá ra hắn vẫn luôn mua những đôi giày da sân giá tới hai mười lăm đô la. Đúng là hành động của một gã điên thật sự.
Cha mẹ hắn là những con người ít thấy trên đất Ý. Say sưa bí tỉ, hoàn toàn phụ thuộc vào lao động của hắn trên ruộng đồng. khi hắn yêu một cô gái trong làng, cha mẹ cấm hắn cưới. Hắn chạy vào ở trong rừng một tuần lễ. Lúc người ta tìm được, hắn gần như một con thú hoang. Hắn bị khủng hoảng và phải đưa vào viện tâm thần. Mấy tháng sau được ra viện, hắn từ chối trở về nhà. Hắn di tản sang Mỹ. Rồi trong cái thành phố đông đúc nhất thế giới này, hắn sống một cuộc đời tuyệt đối cô đơn.
Hắn tự lo cho bản thân, chẳng hề đau ốm. Trong cuộc đời cô quạnh nai lưng làm việc, hắn cảm thấy rất an toàn. Chừng nào hắn không có mối ràng buộc tình cảm với con người, thì hắn vẫn an toàn, giống như một vật bất động, sẽ được yên ổn với những chuỷên động chung quanh. Nhưng mối tình này đã đem hắn trở lại với đời thường, với những hiểm nguy. Mối tình này đã làm hắn kiệt sức.
Sau mười hai năm chung sống, tự nhiên người chồng trở chứng bí ẩn với vợ như từ trước tới nay đối với mọi người.
Có tiếng chân bước vào nhà, đi xuống bếp. Rồi tiếng chân lại trở ra, bước xuống những bậc thang. Chẳng biết vì lý do gì, chồng bà lại trở ra đường.
Đêm đêm bà mong chồng vào giường ngủ, con trai có mặt ở nhà. Bà muốn mọi người đều yên nghỉ trong cái lâu đài thuê này, lúc đó bà mới yên tâm đi vào quên lãng.
Bà thở dài, chẳng trông cậy vào ai được nữa. Ngày mai bà phải đả cho ông chồng một trận, bắt ông trở lại công việc gác cổng. Rồi bà còn phải giải quyết bao công việc: trừng trị con mẹ Le Cinglata, sắm quần áo cho lũ trẻ, nấu xà phòng giặt. Bà lắng nghe nhịp thở của các con. Bé Lena nằm cùng giường, ba thằng con trai ngủ ngay phòng kế bên, con Octavia mở cửa phòng nó cho thoáng. Bà thở ra nhẹ nhõm, rồi lơ mơ ngủ.
Mặc mỗi cái xi líp, Octavia nằm ngay đơ trên cái giường chật hẹp. Căn phòng quá nhỏ, chẳng đủ chỗ kê thêm được cái gì, ngoài cái bàn nhỏ tí xíu và một cái ghế.
Cô còn quá trẻ và trời lại nóng quá nên chưa ngủ ngay được. Cô lơ mơ tưởng nhớ về người cha ruột.
Càng thương nhớ ông bao nhiêu, cô càng giận ông bấy nhiêu. Sao ông lại chết, để cô bơ vơ không còn ai để thương yêu? Ngày ấy, hàng ngày cô chờ đón cha, hôn lên mặt ông đầy râu và bụi bậm, sợi râu đen cứng ngắc làm trầy cả môi cô. Cô khệ nệ vác thùng đựng đồ ăn trưa trống rỗng của ông lên từng bậc thang. Rồi lăng xăng xếp thìa, nĩa ngay ngắn trên bàn ăn trước mặt ông. Cái ly nhỏ được cô lau bóng như kim cương. Cứ quẩn quanh cho đến khi mẹ đuổi ra khỏi bàn để dọn món ăn lên, trong khi Larry ngồi im thin thít.
Sau bấy nhiêu năm, đến bây giờ, mỗi lần trằn trọc, trong tâm cô lại bật lên tiếng kêu "Ba ơi, tại sao ba bất cẩn vậy?" cứ nhắc đến cái chết của ông, mẹ cô lại oang oang "Ông ấy bất cẩn cả với gia đình, mạng sống và tiền bạc. Ông ấy tắc trách với tất cả mọi thứ".
Vì cha cô chết nên mới có thằng cha mắt xanh lè kia trong gia đình. Từ khi còn nhỏ, cô đã không thể ưa người chồng thứ hai của mẹ, người cha ghẻ của chị em cô. Mỗi khi hắn cho quà, cô bế Larry núp sau lưng mẹ, đầy nghi ngờ. Mỗi lần hắn tỏ ra âu yếm, cô rúm người lại né tránh. Hắn có vẻ thích thằng Larry cho đến khi con trai hắn ra đời. Còn thằng Vincent, không hiểu sao hắn ghét cay ghét đắng thằng bé.
Nhưng cô không hề trách mẹ đã bước đi bước nữa, cũng không hề thù ghét bà đã đem về bao nỗi muộn phiền. Cô biết tại sao mẹ lại lấy thằng cha xấu xa này. Cô biết quá rõ mà.
Đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất trong đời Lucia Santa. Hầu hết sự buồn phiền sau cái chết của chồng, đều do lỗi của bạn bè, họ hàng, lối xóm.
Họ xúm vào khuyên bà giao thằng bé mới sinh, thằng Vincent, cho Filomena, một người có họ, giàu sang, sống ở New Jersey. Gởi thời gian ngắn thôi, chừng nào khoẻ mạnh lại đón về "Hai vợ chồng nhà đó mới vui vẻ, có đạo đức, mà Filomena lại là họ hàng gần gũi của chị. Chẳng tin bà ta thì còn tin ai. Thằng bé sẽ được bảo đảm cuộc sống. Rồi ông chồng giàu sụ của Filomena thế nào cũng vui lòng làm cha đỡ đầu, lo tương lai cho thằng bé con chị". Rồi người khác còn xót xa hơn "Lucia Santa ơi, ai cũng lo cho chị. Chị xanh xao, ốm yếu quá. Chưa lại sức vì sinh đẻ. Đang đau khổ tang chồng, lại còn bị mấy thằng cha luật sư quay như chong chóng trong vụ giải quyết tiền bạc. Chị cần nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Phải nghĩ đến con cái chứ. Lăn đùng ra chết, có khổ cho chúng không. Rồi chúng cũng đến chết dần chết mòn thôi, nếu không cũng phải vào trại mồ côi. Làm sao gởi chúng về cho ông bà bên Ý được".
Họ còn viện ra đủ mọi lý do khác nữa. Họ còn quả quyết trong vòng một tháng hay một tuần thôi, mỗi chủ nhật, Filomena và ông chồng lái ô tô về tận đây đón mẹ con chị đi thăm thằng bé. Chị sẽ là thượng khách của họ, hai đứa con lớn có dịp đi đổi gió miền quê.
Làm sao chị từ chối được, vì ngay cả mụ Zia Louchee cũng gật đầu hưởng ứng.
Chỉ có con bé Octavia là ấm ức khóc, chống đối quyết liệt "Người ta không trả em bé về đâu".
Mọi người hô hố cười. Lucia Santa vuốt ve âu yếm Octavia, mỉm cười bảo "Chỉ trừ khi mẹ chết, em Vincenzo mới không về lại nhà".
Sau này, người mẹ cũng không hiểu tại sao lúc đó lại đồng ý để cho thằng bé đi. Thật ra cũng có khủng hoảng vì chồng chết, đau yếu vì sinh con, nhưng trong thâm tâm không bao giờ bà tha thứ cho mình về chuyện này. Đó là một hành động nhục nhã. Bà tự khinh mình tới nỗi về sau khi cần quyết định một chuyện khó khăn, bà lại nhớ tới chuyện nỡ giao máu thịt mình cho người khác, để tránh hành động ngu ngốc như vậy nữa.
Một buổi trưa, khi Octavia đi học về, bà dì xa lạ Filomena đã bắt em nó đi rồi.
Octavia gào khóc thảm thiết. Lucia Santa tát tới tấp, làm hai bên má nó hằn dấu những ngón tay "Nào, mày muốn khóc, tao cho mày khóc".
Octavia ghét mẹ. Mẹ nó vui mừng vì rũ bỏ được em bé. Mẹ nó tàn ác hơn cả một mụ dì ghẻ.
Nhưng rồi một chuyện xảy ra làm nó lại tin cẩn, thương yêu mẹ. Ngày đó Octavia còn bé, một phần nó chứng kiến, một phần vì nghe kể đi kể lại nhiều lần, nên cô tưởng biết hết từ đầu đến cuối.
Sau khi Vincenzo đi một tuần, chủ nhật chẳng thấy có ô tô nào đến đón Lucia Santa. Chỉ có một cú điện thoại nhắn gởi qua cửa hàng bánh kẹo, tuần sau Filomena mới tới được. Để chứng tỏ lòng thành, mụ ta sẽ gởi biếu năm đô la bằng ngân phiếu.
Lucia Santa rầu rĩ suốt ngày chủ nhật. Chị chạy xuống những bà hàng xóm đấy nhà. Họ khuyên ch. Phải bình tĩnh, đừng nghĩ quẩn.
Sáng thứ hai chị bảo con gái đi mời mụ Zia Louchee tới ngay. Octavia sợ trễ học. Mẹ nó quát ầm lên "Đi kêu bà Zia Louchee ngay. Hôm nay mày không phải đến cái trường quý hoá ấy, được không?"
Mụ Zia Louchee khăn trùm đầu, áo len dài tới gối, lò dò đi tới. Lucia mời cà phê rồi bảo:
- Em phải đi thăm thằng bé, nhờ chị trông hộ thằng Lorenzo và con bé. Hôm qua Filomena không đến, chị thấy em có nên đi không?
Nhiều năm sau, Lucia Santa cả quyết là nếu hôm đó Zia Louchee không thúc giục thì bà đã không đi và bà đã mang nợ câu trả lời chân thật của mụ tới tận bây giờ.
- Tôi lầm mới khuyên chị cho thằng bé đi, chị ạ. Thiên hạ chúng nó chõ mỏ đang nói tôi chẳng ra gì kia kìa.
Lucia năn nỉ mụ nói thử xem đứa nào xấu miệng nói nhảm những gì. Mụ bảo để ý làm gì chuyện ngồi lê, cứ lo việc mình đi đã. Nhưng phải nhớ lời hứa gởi trả năm đô la cho họ. Nghèo thì nghèo chứ ai cần đến của bố thí như thế. Cứ đi cho yên tâm.
Trong buổi sáng mùa đông xám xì đó, người mẹ xuống phà tại đường Số Bốn Mươi Hai. Đấy là lần đầu tiên từ khi xa quê hương, chị mới đi bằng đường thuỷ. Với tấm giấy ghi địa chỉ, chị chìa ra hỏi đường. Qua một khúc bằng tàu điện, đi bộ thêm nhiều con đường, một người đàn bà tốt bụng nắm tay chị dẫn tới ngay trước cửa nhà của Filomena.
Ngôi nhà sao mà xinh đẹp vậy, lại có mái nhọn, trông cứ như đồ chơi của trẻ con. Hàng rào cổng sắt sơn xanh, trắng sạch bong. Lucia Santa đâm ra rụt rè, e ngại. Giàu có thế này chẳng lẽ họ đi lừa con người nghèo khổ như chị. Họ thất hứa chủ nhật vừa rồi chắc vì lý do nào đó. Chị rụt rè gõ cửa. Chị đi vào cổng. Qua cánh cửa có lưới ngăn muỗi, chị gõ lên cánh cửa nhà.
Hoàn toàn yên lặng như ngôi nhà hoang. Nghe tiếng con chị khóc oa oa. Chị ráng kiên nhẫn đợi. Tiếng thằng bé gào lên đầy sợ hãi. Chị đẩy cửa bước vào, đi dọc hành lang, chạy lên cầu thang, cứ theo tiếng khóc mà đi tới.
Căn phòng thật đẹp, toàn màu xanh, màn cửa xanh, cái nôi xanh, một con ngựa đồ chơi trắng trên cái bàn cũng màu xanh. Con chị đang nằm trên vũng nước đái dầm. Không ai thay tã cho nó. Không ai dỗ cho nó khỏi khóc.
Chị ôm con lên, tã lót thằng bé ướt sũng. Thấy khuôn mặt hồng hào, mái tóc đen của nó, lòng chị tràn ngập một nỗi vui mừng khôn tả. Chị biết rằng chỉ có cái chết mới có thể làm đứa con này xa chị. Chị nhìn quanh rồi mở ngăn tủ lấy quần áo thay cho con. Giữa lúc ấy Filomena chạy ào vào phòng.
Vậy là vở diễn bắt đầu. Lucia Santa kết tội mụ kia tàn nhẫn, để đứa trẻ sơ sinh nằm trơ trọi một mình. Filomena cãi lại, mụ mới chạy ra cửa hàng, giúp chồng mở cửa, chừng mười lăm, không, chỉ mười phút là cùng. Chính Lucia Santa cũng có khi phải bỏ con một mình để làm cái gì chứ. Cảnh nhà nghèo làm sao ôm con cả ngày được.
Người mẹ trẻ vừa tức giận vừa đau khổ, chẳng thiết nghe phải trái gì nữa:
- Không, đơn giản là vì nó không phải máu mủ của chị nên chị mới có thể bỏ mặc nó một mình, muốn đi đâu thì đi. Tôi đem con tôi về.
Filomena nổi xung thiên lên:
- Vậy là sao? Tôi ăn nói làm sao với mọi người? Tôi không nuôi nổi một đứa trẻ à? Còn tiền bạc mua sắm đủ thứ như vầy, đâu phải tiền đi xin là có được. Hơn nữa, hai ta đều không nói ra nhưng hiểu nhau quá rõ mà.
- Cái gì? Chị định nói gì?
Vậy là không ai nhịn ai được nữa. Hàng xóm chạy sang, khuyên Filomena cứ từ từ, Người mẹ goá bụa kia sẽ nhận ra những khó khăn, kiếm ăn cho ba đứa con chẳng dễ dàng gì, chị ta sẽ giao thằng bé lại cho Filomena thôi. Nói huỵch toẹt ra lọt được vô cái nhà này là phước đức rồi. Có thể là vậy. Nhưng Lucia Santa đang tức cành hông. Dứt khoát phải bắt con về.
Filomena đổi giọng ngọt ngào phân trần: xem này, nào quần áo mới, căn phòng xinh đẹp như vầy. Thằng bé là đứa trẻ duy nhất trong nhà, muốn gì chẳng được. Rồi mai kia còn lên đại học, trở thành luật sư bác sĩ là cái chắc, biết đâu còn là giáo sư đại học kìa. Chị ấy làm sao thế nhỉ? Tiền bạc ăn còn chẳng đủ, lấy gì nuôi con?
Lucia Santa đờ người, kinh tởm. Mụ tưởng chị đã xiêu lòng, bảo:
- Đấy, chị biết tại sao tôi sẽ gởi tiền cho chị mỗi tuần rồi chứ?
Bà mẹ trẻ vươn cổ như một con rắn, nhổ vào mặt mụ một bãi nước bọt rồi khư khư bồng con ra khỏi nhà. Filomena lồng lộn đuổi theo chửi rủa ỏm tỏi.
Khi kể đến đọan đó, mọi người cười rầm rầm. Nhưng Octavia nhớ rất rõ cái phần không được kể lại: mẹ cô bồng con về, lên cơn sốt vì cảm lạnh. Áo choàng của bà ủ cho thằng bé đang ngủ. Da bà thâm tím vì giận dữ và tuyệt vọng, toàn thân run bần bật.
Mụ Zia Louchee rối rít giục Octavia rót cà phê nóng cho mẹ. Thằng bé Vincent khóc rú lên. Người mẹ vừa hối hận vừa giận dữ, ấn thằng bé vào tay Zia Louchee. Cực chẳng đã bà ta phải ư ử ru, thằng bé vẫn cứ khóc.
Lucia gục mất vào hai tay nơi bàn bếp, ca cẩm:
- Thấy chưa? Con bé đã bảo mà mình không tin. Từ giờ sắp đi nên nghe lời trẻ con lã hơn. Đám già mình sao mà ngu ngốc thế.
Zia Louchee lại giục Lucia uống cà phê. Nhưng mặt chị tái ngắt, hai tay dụi mắt để khỏi bật khóc. Mụ Zia Louchee hoảng quá, quay qua mắng yêu thằng bé đang ngằn ngặt khóc:
- Nào, cháu bà cứ khóc đi, khóc cho nhẹ lòng đi nào. Khóc đi, khóc lớn lên nào.
Thằng bé bỗng nín bặt, múm mím cái miệng không răng cười với mụ. Được thể mụ vừa nhẹ nhàng đong đưa vừa mắng mỏ, giọng đớt đát:
- Nín rồi à? Khóc chán rồi phải không?
Mụ rầu rầu ngân nga như hát:
- Tội nghiệp quá đi, chưa ra đời mà đã mồ côi cha.
Lucia bật khóc, vừa khóc vừa cào mặt. Máu và năm mắt nhoè nhoẹt đầy hai má. Lucia Santa đưa hai tay hướng lên trần, giọng đầy uất ức:
- Tôi nguyền rủa Trời!
Lúc chứng kiến cảnh đó, Octavia thấy yêu mẹ quá. Nhưng bây giờ nhớ lại chuyện xảy ra sau đó, Octavia vẫn còn xấu hổ, Lucia Santa chẳng còn nghĩ gì tới phẩm giá. Vừa kêu la, vừa chửi tục tĩu vừa chạy xuống những tầng dưới, đập cửa rầm rầm từng nhà mà chửi. Hàng xóm vội vàng đóng cửa rầm rầm.
Chị gào lên bằng tiếng mẹ đẻ:
- Bạn bè gì chúng mày. Đồ đĩ. Đồ giết trẻ con không gớm tay…
Chị cho hàng xóm láng giềng ăn toàn "của ngon, vật lạ", những từ gớm ghiếc mà chính chị cũng chưa từng biết.
Zia Louchee vội vã trao thằng bé cho Octavia, nắm tóc Luca kéo xềnh xệch lên cầu thang, đẩy người mẹ như điên loạn về phòng.
Khi đủ bình tĩnh lại, uống chút cà phê, Lucia Santa vuốt ve Octavia hỏi:
- Con còn nhỏ mà biết được dã tâm của họ.
Octavia khuyên mẹ đừng lấy chồng nữa, nó nhắc chuyện cũ:
- Mẹ nhớ con đã đoán đúng chuyện bà Filomena định bắt luôn em bé không?
Lucia cười ha hả, bảo:
- Đừng sợ, Mẹ là mẹ các con. Trừ khi mẹ chết, không ai làm hại các con được.
Octavia mơ màng ngủ, hình ảnh cuối cùng thấp thoáng: mẹ cô bồng Vincent từ nhà Filomena về, giận dữ, đắc thắng, xấu hổ vì đã đồng ý cho đứa con đi.
Larry mang họ cha ruột là Angeluzzi. Bà mẹ thì gọi nó là Lorenzo. Larry tự coi nó như một người đàn ông trưởng thành, dù chỉ mới tuổi mười bảy. Công bằng mà nói, nó lớn thật, vai rất rộng, những cơ bắp tay căng phồng dù không cao lắm.
Bỏ học từ năm mười ba tuổi, nó đánh xe ngựa cho cơ sở giặt miền Tây. Nó rất có trách nhiệm trong công việc: thu tiền, chăm sóc ngựa, tận tuỵ phục vụ khách hàng. Nó vác những bao đồ giặt nặng nề leo phăng phăng suốt bốn tầng lầu, chẳng biết mệt là gì. Ai cũng tưởng, ít nhất thì nó cũng đã mười sáu tuổi. Mấy mụ chồng đi làm ăn xa, khoái nó lắm.
Nó biết sự đời trong một lần đi giao hàng. Nó cũng chẳng thấy gì quan trọng. Hơn nữa, mấy mụ này đâu còn trẻ trung gì mà phải lo nghĩ.
Sau đó Larry nhận việc ở Sở Đường Sắt. Larry rất khoái chí khi cưỡi ngựa dẫn đường cho đoàn tàu qua thành phố vừa oai phong vừa lương cao, công việc thoải mái. Mà quan trọng là còn hy vọng có thể tiến xa hơn. Làm lái tàu hay bẻ ghi cũng sướng, toàn là nghề nghiệp tuyệt vời để kiếm sống. Nó là thằng nuôi tham vọng, khoái trở thành một ông chủ lắm.
Larry là một đứa đào hoa có hạng, răng trắng nõn, mặt mạnh mẽ, rắn rỏi, tóc đen bóng. Lúc nào cũng thân mật, hồn nhiên nên mọi người đều có cảm tình với nó.
Larry còn là đứa con trai có hiếu, lĩnh lương là về đưa ngay cho mẹ. Thật tình, anh chàng cũng giữ lại chút đỉnh cho mình. Vì dù sao nó đã mười bảy tuổi, một thanh niên trên đất Mỹ, chứ có phải đang ở Ý đâu.
Nó không phải đứa thích chơi trội, nhưng rất khoái việc cưỡi con ngựa đen, vung vẩy cây đèn, vó ngựa gõ lốc cốc dọc đại lộ Số Mười, trong khi đoàn tàu chậm chạp sau lưng. Sướng nhất là khi cho ngựa nghênh ngang qua gầm cầu để lũ nhóc trong khu phố nhà nó há hốc mồm chờ đợi những cụm khói trắng tỏa ra từ đầu máy. Thỉnh thoảng, nó cho ngựa dừng lại sát lề đường, tụi nhỏ xúm lại năn nỉ xin cưỡi nhờ một tí, nhất là mấy đứa con gái. Còn thằng Gino, em nó, đứng xa xa, chân trước chân sau, nghiêng nghiêng đầu, cứ như một tay sành điệu đang chiêm ngưỡng một bức tranh. Tuy không hề nói ra nhưng mắt nó sáng rực, nhìn anh cưỡi ngựa, phục sát đất.
Larry còn ít tuổi, nhưng rất có trách nhiệm, làm việc siêng năng. Ngặt là Larry có tật trai gái lăng nhăng. Thật ra cũng vì tụi con gái dễ dụ quá. Nhiều bà mẹ kéo con gái đến gặp bà Lucia Santa mà hét toáng lên, thằng mãnh đưa con gái người ta đi khuya lơ, khuya lắc, con nào cũng được nó hứa hẹn cưới xin. Nhưng mấy vụ ầm ĩ đó lại làm nó nổi tiếng, trở thành chàng Romeo của khu phố. Mọi người nể nang, coi nó như chàng trai Ý trăm phần trăm, vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ người nghèo khi gặp chuyện khó khăn: mượn xe dọn nhà giúp người này, đưa người kia tới bệnh viện thăm một bà cô già đau ốm. Nhưng điều quan trọng nhất là nó thật tình sốt sắng với những công việc trong đời sống cộng đồng: đám cưới, đám ma, lễ rửa tội, lễ Thêm sức, thức đêm cầu nguyện cho người quá cố trước đêm đưa đám…, tất cả những việc mà thanh niên Mỹ đâu thèm ngó tới. Các bà già ca tụng nó hết lời, đến nỗi vợ chồng nhà Guargios còn nhờ nó làm bố đỡ đầu cho đứa con trai, một vinh dự chưa anh chàng nào ở tuổi nó được hưởng. Nhưng Lucia Santa không cho phép, bà bảo nó còn trẻ, sao lãnh trách nhiệm như vậy được, vinh dự ấy chỉ tổ làm cho nó sớm kiêu ngạo mà thôi.
Larry thấy thằng Gino vừa chạy vừa la hét "Đốt thành rồi!" trong khi người lớn đã lục tục vào nhà. Nó cho ngựa phi nhanh để nghe tiếng gió vù vù và tiếng vó ngựa lốc cốc trên đường lát đá. Người giữ chuồng đã ngủ, Larry tự cho ngựa vào chuồng. Bây giờ nó hoàn toàn tự do.
Larry đến thẳng nhà mụ Le Cinglata gần đó. Mụ bán rượu lẻ ngay trong nhà bếp, không bao giờ có quá năm, sáu khách, toàn dân lao động Ý độc thân gay vợ con còn ở lại quê nhà.
Lão chồng mụ đang nằm trong tù vì cái án ba mươi ngày tội buôn bán rượu lậu. Chẳng có ai đá động tới chuyện này, mụ vợ lại rên lên "Trời ạ, tụi cớm đóng đinh thánh giá ông nhà tôi đấy". Mụ là người có đạo mà.
Lúc Larry vào, trong bếp chỉ có ba người khách. Một gã dân Sicily đen nhẻm đen nhèm, biết chồng mụ chủ đang nằm bóc lịch trong nhà giam, nắm lấy váy mụ tán tỉnh bằng mấy câu hát Ý, cái lối ve gái của mấy thằng tục tĩu, thô lỗ. Larry ngồi xuống cùng bàn. Nó rất khoái tán nhảm bằng tiếng Ý với những người lớn tuổi hơn. Nó mỉm cười đáp lời chào của bà chủ và sẵn sàng đối đầu với gã Sicily.
Gã nhướng đôi mày chổi xể, oang oang gọi:
- Bà chủ, ở đây tiếp cả trẻ con à? Liệu tôi có phải đối ẩm với mấy thằng còn bú bầu không đây?
Để êm chuyện, mụ chủ bưng lại chai nước ngọt trước mặt Larry. Lão láu cá nói tiếng Anh ngọng nghịu:
- Hà há, xin lỗi nhé. Nó là con hay cháu của bà chủ thế? Chồng vắng nhà, có con cháu bảo vệ hả? Ô là lá, xin lỗi nhé.
Mụ chủ tốt nái, phốp pháp, chẳng phải tay vừa, đốp ngay:
- Đủ rồi. Câm đi, nếu không, xéo đến chỗ khác mà uống. Tôi mà kể cái vụ này cho nhà tôi là ông lãnh đủ.
Lão đổi giọng, tiếng Ý rất nghiêm túc:
- Ơn trời không ai mét chồng chị những hành động của chị. Sao không chọn một thằng đàn ông, mà lại vờn thằng con nít vậy?
Không chút ngượng ngùng, mụ nói thẳng thừng:
- Lrenzo, nắm đầu thảy thằng này xuống cầu thang.
Ai cũng biết ý mụ là lão nên đi khỏi đây. Larry cười cười, định nói mấy câu dàn hoà đôi bên. Nhưng lão cảm thấy mất danh dự, đứng phắt dậy, nói thứ tiếng Anh ba rọi:
- Thằng cứt Mỹ này, mày dám quăng cha xuống cầu thang không? Tao đập chết cha chúng mày.
Cái mặt bè bè của lão căng ra vì tức. Larry hốt hoảng như một đứa trẻ con sắp phải đánh lại ba nó vậy. Nhưng mặt lão cứ lừ lừ sát nó. Larry tung một quả đấm ngay mặt lão. Lão lăn đùng xuống sàn. Chợt Larry không còn thấy sợ, nó chỉ cảm thấy tội nghiệp lão và ân hận vì đã làm nhục một con người.
Vì thật ra lão có định đánh nó đâu. Lão chỉ hùng hộ hầm lè như một con gấu hù doạ trẻ con. Larry dìu lão ngồi lên ghế, rót một cốc rượu cho lão, lẩm bẩm nói mấy lời hoà giải. Lão gạt phắt ly rượu, hầm hầm ra khỏi nhà.
Càng về khuya, khách nhậu kẻ ra, người vào. Mấy người rút ra bộ bài cáu bẩn cùng chơi với nhau.
Larry ngồi nơi góc phòng, cho dịu bớt chuyện vừa qua. Rồi nó cảm thấy trong lòng nó có sự đổi thay. Nó hãnh diện. Mọi người không còn dám xem thường, coi nó như một thằng nhóc. Mà họ phải nể nó như một gã đàn ông đáng sợ. Giống như ngôi sao điện ảnh Ken Maynard, nó đã không đánh một kẻ đã gục ngã trên sàn, như một người hùng trong phim cao bồi vậy. Đang lơ mơ với niềm sung sướng đó, thì mụ chủ õng ẹo quanh nó, ve vãn nó bằng tiếng Ý ngọt sớt, làm máu nó sôi lên, rạo rực phừng phừng.
Mụ xin lỗi khách, vào lấy thêm rượu. Ra khỏi bếp, mụ qua một dãy phòng, tới tận phòng cuối cùng. Larry lò dò theo sau. Nếu mụ phản đối, nó sẽ bảo đi theo để vác mấy bình rượu. Nhưng khi mụ nghe nó khoá cánh cửa sau lưng, mụ vẫn thản nhiên lom khom trước mấy bình rượu sát chân tường. Larry tiến lại, tốc váy mụ lên. Mụ quay lại, rúc rích cười, nói "Quỷ sứ!". Rồi mụ nằm ngửa trên giường, khuy áo bật tung, khoe ra đôi vú to đùng. Chiếc quần lót ném sang một bên. Larry hăng hái. Mọi việc diễn ra nhanh chóng. Larry bật ngửa ra giường, châm thuốc hút. Mụ cài lại sống áo, nghiêm trang ôm mấy chai rượu ra cho khách.
Nhìn hai bàn tay nhớp nháp, mới "vuốt ve" nó của mụ đang cầm ly, rót rượu cho khách, Larry ớn quá. Vì vậy, khi mụ đem cho nó ly chocolate, nó không dám uống.
Larry bước ra cửa, mụ theo bén gót thì thầm:
- Ở lại đây đêm nay đi.
- Bà già chửi chết.
Nó toét miệng cười. Nó đóng vai thằng con ngoan mỗi khi đánh bài chuồn.
Nó đâu có về nhà. Nó đến chuồng ngựa, trải tấm chăn phủ ngựa lên ổ rơm làm giường, dùng yên ngựa làm gối. Mấy con ngựa lục đục suốt trong chuồng chẳng ngăn nổi nó mộng mơ vớ vẩn.
Cũng như những chàng trai khác ở độ tuổi nó, đêm nào Larry cũng thả trí mơ về tương lai. Nó biết rõ định mệnh an bài cho nó một tương lai thành đạt, huy hoàng. Quanh nó, so với những thằng cùng trang lứa, nó là đứa mạnh mẽ nhất, bảnh bao nhất, thành công nhất với tụi con gái. Kể cả những mụ sồn sồn cũng quy hàng nó. Đêm nay nó lại vừa cho một lão già đo ván. Nó mới mười bảy tuổi. Cuộc đời còn dài và nó quyết không để kẻ nào qua mặt.
Nó sẽ có quyền lực, làm cho gia đình giàu lên. Nó mơ đến một đứa con gái Mỹ nhà giàu, với hàng dãy ô tô, nhà cửa rộng lớn. Đứa con gái nhà giàu đó sẽ là vợ nó và thương yêu gia đình nó. Ngày mai, trước khi đi làm, Larry sẽ cưỡi ngựa dạo một vòng công viên.
Larry nhắm mắt. Nó tưởng tượng ngày nào đó khoác tay một em con nhà giàu, đi qua khu phố, thiên hạ tha hồ chiêm ngưỡng, phục lăn. Con vợ nó quý trọng từ mẹ, tới chị em, bạn bè nó. Vì đó toàn là những con người tuyệt vời và là một phần đời của nó. Tâm hồn Larry rất hồn nhiên, nó sẵn sàng ngủ trong chuồng ngựa hôi hám, giống như tay cao bồi ngủ trên đồng cỏ, tươi tỉnh vì những màn chinh phục từ đàn ông đến đàn bà của nó. Larry hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp. Nó ngủ thật ngon lành.
Trong khi nhà Angeluzzi- Corbo, chỉ lũ nhóc như Vincent, Sal, Gino ôm nhau ngủ trên một cái giường, mới mơ những giấc mơ thật sự.
Đất Khách Quê Người Đất Khách Quê Người - Mario Puzo Đất Khách Quê Người