Tài năng thường bộc lộ trong những hoàn cảnh khó khăn và ngủ yên trong hoàn cảnh thuận lợi.

Horace

 
 
 
 
 
Tác giả: Khương Hồng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1194 / 2
Cập nhật: 2015-12-15 07:56:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ình trạng tài chánh trong nhà ngày càng bi đát hơn. Sự thiếu hụt là nguyên nhân gây ra các vụ lộn xộn thường xuyên. Sự xung đột về tiền bạc của mụ Năm và lão Sáu không còn giấu giếm mà xảy ra một cách công khai trước mặt bọn trẻ. Nhu cầu đòi hỏi của họ càng lúc thêm cấp bách và gia tăng. Các trận đấu khẩu như thế khiến bọn trẻ xem nhà như địa ngục, lúc nào cũng muốn trốn thoát để được hít thở một bầu không khí thoải mái hơn. Chỉ tội cho Liên suốt ngày phải sống trong sự căng thẳng thần kinh. Việc này làm con bé trở nên biếng nhác, giật mình vì những tiếng động vu vơ. Mỗi lần hai chị em mụ Năm có mặt tại nhà cùng một lúc là nó hồi hộp chờ đợi một cuộc cãi vã diễn ra. Mái nhà như một gánh nặng đè trên đôi vai gầy gò, nhỏ bé của nó.
Túng tiền đánh bạc mụ Năm đâm ra liều. Mụ tìm đủ mọi phương kế để có tiền hầu chui mình vào các sòng bạc. Có bao nhiêu tiền mụ đều đem cúng vào các ổ chứa bài. Thua nhiều nhưng được tiền chẳng bao nhiêu. Vì thế bao nhiêu tiền bọn trẻ mang về cũng không đủ cung ứng.
Một hôm xóm trở nên khác lạ. Qua một đêm nhà chị Bảy gánh nước mất đi vài chiếc soong treo bên vách. Liên tiếp mấy lần sau các nhà khác gần đó lần lượt mất quần áo, gà vịt, giày dép… Lúc đầu không ai để ý nhưng về sau hiện tượng này xảy ra liên tiếp khiến mọi người đâm nghi ngờ. Và người bị nghi nhiều nhất không ai khác hơn mụ Năm.
Vẻ mặt gian xảo và thành tích không tốt của mụ trong quá khứ đã làm dân trong xóm liên tưởng đến mụ sau mỗi vụ tộm. Tuy không nói thẳng ra nhưng qua lời ăn tiếng nói đủ biết dân chúng không tin tưởng mụ lương thiện.
Ngoài vòi nước công cộng, nơi tụ họp của các bà nội trợ trong xóm, họ bàn tán nhiều về vụ trộm. Nơi đây tập trung đủ mọi thành phần. Họ sẵn sàng khai thác mọi chuyện của người ta. Từ những vụ nhỏ nhặt đến những vụ động trời. Phần lớn câu chuyện đem ra nói ở đây đều có tính cách bêu xấu người nào đó. Và hôm nay người bị họ vạch ra chính là mụ Năm, người bị xem như thủ phạm các vụ mất cắp lặt vặt mấy ngày nay.
Tuy nhiều chi tiết họ đưa ra có vẻ chủ quan và sai sự thật, nhưng tất cả các bà đều quan tâm tới. Họ cốt sao câu chuyện thêm hấp dẫn người nghe. Mỗi người góp một câu, và số đông các bà đem thùng ra đây đã khiến câu chuyện trở nên dài vô tận.
Chị Bảy gánh nước là người biết nhiều chuyện nhất xóm vì chị gánh nước thuê cho nhiều nhà trong hẻm. Chị vui miệng đem kể chuyện ngoài “phông-tên” cho gia chủ nghe. Mỗi ngày chị đi cả chục căn nhà. Do đó vô tình chị trở thành một máy phát thanh đem rải rác tin tức tới tận hang cùng ngõ hẻm.
Chị Bảy là nạn nhân đầu tiên của hàng loạt vụ mất trộm về sau này. Chị căm tức kẻ gian đã cuỗm mất mấy chiếc soong mà theo lời chị còn mới. Chị bảo:
- Các bà xem có tức không chứ. Mấy cái soong của tôi còn mới tinh, chưa xài được tới ba lần đã bị tụi nó lấy mất. Tui tức muốn hộc máu vậy.
- Ai biểu chị treo ngoài hè làm chi. Lấy mỡ nhử mèo hỏi sao mèo không tha.
- Làm sao ngờ được.
Cô Năm chen vào:
- Phải đó. Ai mà ngờ. Xóm này hồi đó tới giờ đâu có xảy ra chuyện kỳ cục vậy nè. Hai con gà mái tui nuôi mơn mởn vậy, định làm đám giỗ ông nội sấp nhỏ. Chưa tới ngày đã tiêu mất. Tụi nào ăn hai con gà tui trời không tru thì đất cũng diệt nó. Quân gì dã man quá.
Có tiếng người thêm vô:
- Ôi! Hơi đâu chị trù nó. Bọn đó thánh vật nó cũng không chết nữa huống chi mấy lời chị rủa.
- Tui nghi vụ này mụ Năm chứ không ai vô đây.
- Ờ, phải đó. Con mẻ trông khả nghi lắm.
- Mụ Năm lấy cắp. Tui dám chắc vậy.
Mọi người đổ dồn mắt nhìn về bà Tám bán cháo, người vừa thốt ra câu cuối cùng và quyết liệt đó. Phải có bằng cớ bà ta mới dám quả quyết. Ai cũng nôn nóng muốn biết.
- Sao chị dám chắc vậy chị Tám?
Thấy mình trở nên quan trọng, bà Tám chậm rãi nói:
- Đêm hôm cô Năm mất gà, tui ngồi trong nhà xắt thịt thấy rõ ràng như ban ngày.
Mọi người hỏi dồn:
- Chị thấy nó vô nhà cô Năm mở chuồng bắt?
- Không. Nếu thấy vậy tui đã la mã tà còng đầu nó rồi.
Ai nấy đều chưng hửng:
- Vậy chứ chị thấy rõ ràng là thấy gì?
- Thấy nó lượn qua lượn lại trước nhà cô Năm nhiều lần. Lúc sau buồn ngủ quá tui quên theo dõi.
Cô Năm tiếc rẻ:
- Trời! Phải chi bữa đó chị rình thêm chút nữa tui đâu mất cặp gà.
Bà Tám cười:
- Ối! Ai mà biết nó ăn trộm.
Câu chuyện tưởng đâu chỉ quanh quẩn mấy người đàn bà đó biết, dè đâu trước mồm mép của chị Bảy chốc sau cả xóm đều hay.
Ngồi ngoài quán rượu lão Sáu nghe được. Lão tức tốc về báo tin cho mụ Năm. Và không đầy mười phút, khí nóng bốc lên, mụ Năm tất tả chạy ra vòi nước công cộng kêu réo om cả lên. Mụ dậm chân nói trống không:
- Con nào dại mồm dại miệng nói bà ăn cắp đâu? Có gan đứng ra cho bà xem mày ngang mũi dọc ra làm sao mà lộng quá.
Mấy người đàn bà ngồi đó không ai thèm trả lời vì ngại và cũng vì thấy mụ ấy hung hăng quá. Đôi co với mụ không có lợi. Trước sự im lặng mụ Năm làm tới, gào thét tưởng chừng như bị ai xiết họng:
- Bà như thế này mà đi ăn cắp của chúng mày hả? Con nào to gan dám quả quyết bà rình nhà con Năm thử nói lại coi?
Mụ còn nói nhiều nữa đại ý cũng để minh oan cho mình. Nhưng càng nói mụ càng để lộ cho mọi người sơ hở của mình và khiến sự nghi ngờ càng gia tăng. Cuối cùng hình như mọi người không còn nghi ngờ nữa mà đoan chắc trăm phần trăm thủ phạm không ai khác hơn mụ.
° ° °
Hải giật mình thức giấc vì những tiếng động lạ. Bên ngoài trời tối đen, có lẽ khoảng ba giờ sáng. Bốn đứa trẻ bạn nó ngủ ngon lành. Gương mặt trẻ con trông càng ngây thơ trong giấc ngủ. Những nét vô tư này làm gì chúng có được vào ban ngày, lúc chúng phải đổ mồ hôi để có tiền mang về và luôn sợ thiếu hụt đến bị đòn.
Qua ánh đèn dầu mờ nhạt Hải nhận ra mụ Năm đang bày các món đồ lạ trên bàn. Những món này chưa bao giờ có mặt trong nhà và phần lớn Hải trông thấy chúng bên nhà xóm giềng. Đồ vật trộm cắp này đang được mụ nhẩm giá để đem bàn cho hàng lạc son.
Mụ Năm quay lại nhìn Hải đang ngơ ngác. Mụ lẹ tay gom tất cả vào một chiếc xách tay và cột lại cẩn thận. Mụ bảo nó:
- Mầy thức dậy từ bao giờ?
- Dạ mới vừa thức.
Mụ Năm thoáng nghi ngờ lời nói vừa rồi nên hỏi gằn:
- Chắc mầy trông thấy mụ Hàn đến đây?
Hải không hiểu mụ Năm muốn nói gì, hỏi:
- Mụ Hàn nào? Con đâu biết.
Thấy vẻ ngạc nhiên một cách thành thật của nó mụ Năm an lòng. Lúc nãy mụ Hàn có đến đây mua một số đồ trộm. Chính tiếng xì xào của hai người khiến Hải thức giấc. Khi nó mở mắt ra thì mụ ta đã ra đi từ lúc nào.
Mụ Năm phải giữ kín sự liên lạc với mụ Hàn vì mụ ta là người độc nhất chịu tiêu thụ mớ hàng phi pháp. Nếu nội vụ đổ bể cả hai sẽ phải vào tù. Mụ Năm không muốn điều này chút nào cả. Do đó mụ đe doạ nó:
- Nè! Nãy giờ có nghe thấy gì thì im mồm nhé. Bép xép cho mọi người hay ốm đòn con ạ.
Hải rụt rè nói:
- Con xin giữ kín.
- Ờ phải đó. Mày khôn lắm, hiểu ý tao.
Với giọng đạo đức mụ nói với nó:
- Dầu tao có ra sao đi nữa tụi bây cũng không được xem thường. Vì tao là người có công thay mặt cha mẹ bay, nuôi bay tới lớn. Tao vẫn là mẹ chúng bay. Tiền kiếm được không nuôi chúng bay thì nuôi ai? Nghe và hiểu chớ?
- Dạ con hiểu.
- Tốt, giờ tao phải đi lấy tiền. Ở nhà tới giờ đánh thức tụi nó đi làm.
- Dạ.
Còn lại một mình trong căn nhà tối tăm, Hải không tài nào chợp mắt được sau câu chuyện vừa rồi. Sự dằn vặt trong lòng khiến nó xốn xang.
Hải mơ tới gia đình ngày xưa của mình. Nó nhớ những hôm trời mưa, ngồi trong nhà rúc đầu vào lòng mẹ nghe những hạt mưa vỗ trên mái nhà rì rào. Thời gian qua mau quá. Mới đó mà đã hơn hai năm trời. Hai năm mang nặng nhọc nhằn khổ sở đối với nó. Giờ này có lẽ xương thịt cha mẹ đã rã tan trong lòng đất, rã tan như mái ấm gia đình ngày nào phút chốc tan tành.
Hải nhớ rõ những câu cha nó khuyên răn:
- Hải cố học nghe con. Cha mẹ nhờ đó cũng nở mặt với họ hàng, xóm giềng.
Hải nũng nịu:
- Lúc đó con sẽ mang cha mẹ về ở chung với con như bây giờ.
Mẹ Hải mắng yêu:
- Thôi đi cậu. Biết đâu lúc đó cậu chẳng bỏ mặc cha mẹ sống một mình thui thủi.
Hải nẩy người lên:
- Không đâu. Con sẽ mang ơn cha mẹ mãi.
Nó nhớ thật nhiều đến những hôm mang về trình cha mẹ tấm bảng danh dự ở trường. Hôm đó Hải nhận thấy cha mẹ vui vẻ và trong bữa cơm ăn nhiều hơn mọi ngày.
Nhưng định mệnh khắt khe đâu tha một ai. Cha mẹ đột ngột ra đi. Thế là mộng ước của cha mẹ, của con cho một ngày sau rực rỡ vỡ tan như mây khói. Ngày mai tươi sáng đó sẽ không bao giờ đến với Hải và nó không còn gì nữa, hết cả rồi. Hết cả tổ ấm, hết cả niềm vui, hết cả ước mơ nhỏ nhoi của nó…
Nếu tố cáo má Năm, Hải sẽ được tự do cùng Liên sống với gia đình anh Minh… Hải sẽ tìm lại không khí ấm cúng của cha mẹ, anh em. Thứ không khí tươi mát của gia đình đoàn tụ. Hải sẽ được đi học lại để tiếp tục nỗi mơ ước ngày nào dở dang. Liên không còn bị đòn vọt suốt ngày. Ôi! Biết bao hạnh phúc.
Nhưng nếu vắng má năm ai sẽ thay thế nuôi lũ trẻ? Lão Sáu dĩ nhiên không thể làm. Bạn bè sẽ lang thang không nơi trú ẩn.
Bây giờ Hải mới nhận ra rằng mình vô tình phản bội bạn bè trong trí tưởng. Nó gạt bỏ ý nghĩ tố cáo mụ Năm về tội trộm cắp. Bạn bè còn đó nó phải ở lại. Không thể vì quyền lợi riêng mình mà nó ích kỷ bỏ rơi bạn.
Suốt đời Hải chôn chặt nơi nhà xe cũ nát này. Định mệnh và số phận như thế.
Đám Bèo Trôi Đám Bèo Trôi - Khương Hồng Đám Bèo Trôi