Giá trị thật của một người không phải ở chỗ cách anh ta xử sự lúc đang thoải mái và hưởng thụ, mà là ở chỗ lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và thử thách.

Martin Luther King Jr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 98
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 32
in thăm nuôi đợt đầu vào tháng Mười lan truyền khắp các trại. Cùng với tin thăm nuôi ấy, trại 1 chuyển công tác. Những phần đất mà trại 1 phụ trách lên luống giờ đây đã biến thành một cánh đồng trồng toàn khoai mì dài hút chân trời. Hàng ngày, những đội phụ trách cắm mì vẫn liên tục nhận từng chuyến Molotova đổ xuống sân những thân cây mì già. Anh em ngồi chặt thành từng khúc, cứ ba đốt một. Những khúc mì này sẽ được chuyển sang cho các đội phụ trách cắm mì.
Bọn Vĩnh ngồi tính quẩn với nhau. Với số mì một ngày kia thu hoạch được nuôi tù hai năm không hết! Và nếu năm nào An Dưỡng cũng chơi một vụ khoai mì như thế, đời bọn cải tạo coi như Amen.
Dù sao mì đã cắm, khoai đã trồng và công tác mới đã đến; bọn Vĩnh dù muốn dù không lại phải lao vào "Mặt trận cải tạo doanh trại mới", hoặc đểu cáng hơn "Các anh làm các anh hưởng" nói theo ngôn ngữ của bọn cai tù.
Công tác hiện tại của B2 là kéo cột đèn. B2 cũng như nhiều B khác, kéo cột đèn dưới sự điều động của hai quản giáo mới. Quản giáo chính mang cấp bậc trung úy, dân miền Nam tập kết tên Hồng. Quản giáo phụ mang cấp bậc thiếu úy, loại răng đen mã tấu nhưng tính tình cũng tương đối hiền hòa hơn bọn răng đen mã tấu trước đây.
Tay Hồng có thân nhân ngoài Biên Hòa. Hắn có lẽ là người duy nhất làm chủ cả một cái Suzuki. Hồng chiều nào cũng lái xe gắn máy Suzuki ra Biên Hòa khi giờ lao động hết trước những đôi mắt thèm thuồng của bọn quản giáo và vệ binh cùng trại. Khuya lắm hắn mới trở về trại. Người ta đồn rằng Hồng khoái nhậu nhẹt. Nếu lời đồn ấy đúng thì Vĩnh cũng không lấy làm lạ. Sống trong thế giới Cộng sản Việt Nam, chỉ cần quan sát một chút, người ta sẽ rất dễ dàng nhận ra một điều: Dù cũng là Cộng sản, cũng chịu chung một giáo điều do Hà Nội chỉ đạo và giáo dục; bản chất của một thằng Cộng sản miền Nam vẫn khác xa bản chất của một thằng Cộng sản miền Bắc. Nói một cách khác, chúng vẫn không thể thoát khỏi ảnh hưởng của đất lề quê thói, của địa dư, của mức sống... là những cái có tham dự tích cực trong việc cấu thành bản chất của con người. Đặc tính của người miền Bắc thế nào? Phổi bò nhưng thích... lòe! Anh miền Trung tấm ngẩm tầm ngầm đấm chết voi. Còn anh miền Nam? Có lẽ khó tìm được chữ nào chính cho bằng chữ... phè văn nghệ!
Thế nên, ta sẽ không ngạc nhiên thấy rằng thằng Cộng sản miền Bắc chúng cũng mê rượu như ai, cũng uống rượu như ai; nhưng khi uống xong rồi, nó xúc miệng thật sạch, hà cho hết hơi rượu rồi ra đứng trước quần chúng giảng đạo đức Cách mạng và hiên ngang khẳng định rằng: Ai uống rượu là uống máu nhân dân! Còn thằng Cộng sản miền Nam thì ngược hẳn lại. Hắn sẵn sàng giảng đạo đức Cách mạng ở bất cứ đâu, kể cả trên bàn nhậu và trong ổ điếm.
Hai quản giáo của đội 5, Hồng thuộc loại sẵn sàng giảng đạo đức Cách mạng trên bàn nhậu vì hắn gốc miền Nam. Còn tay kia, dù gốc miền Bắc nhưng hắn không gian ngoa lắm. Có thể hắn đã thấm mệt chăng? Không thể cả quyết được, dù đã có lần Vĩnh và bạn bè từng nghe hắn tâm sự: Các anh ráng cải tạo tốt mà về với vợ con. Tôi thua các anh là chẳng có vợ cũng như chẳng có con!
Một tay tù khẽ nói.
- Anh lấy vợ mấy hồi.
Hắn thở dài.
- Tôi chán không muốn lấy vợ nữa.
- Sao vậy?
- Tôi có vợ rồi, nói thế mới đúng. Nhưng nó đã bỏ tôi và tôi quyết không bao giờ lấy vợ nữa.
Cuối cùng hắn kể câu chuyện của đời hắn.
Trong một trận B.52 trải thảm Dakto, đơn vị của hắn dù may mắn không rơi vào trung tâm địa bàn trải thảm, nhưng chiếc đuôi của cái thảm ác ôn ấy cũng khiến cả đơn vị hắn tan nát quá nửa. Hai ngày hai đêm chạy trối chết về hậu cứ vùng tam biên, từ quan tới quân chỉ còn một mảnh quần đùi trên người. Sau đó, chả hiểu bọn Tâm Lý Chiến ngụy chúng tìm được ở đâu ra, chúng đem tất cả giấy tờ lý lịch của hắn và của nhiều tay khác nữa lên cái đài Mẹ Việt Nam hay Mẹ Mìn gì đó, phát ra Bắc tất cả tên tuổi của những cán binh Cộng sản tử trận trong giờ Sinh Bắc Tử Nam! Thế có hại nhau không chứ!?
Khi giải phóng xong được về phép, hắn mới biết vợ hắn đã lấy chồng khác từ hơn 6 năm qua chỉ vì mụ ta không thể có can đảm ngồi chờ mãi một người chồng... đã chết!
Đội 5 đi kéo cột đèn dưới sự điều động của hai quản giáo có những cá tính và tâm tình như vậy.
Trong khi vừa bắt tay vào công tác thì một biến cố nhỏ xảy ra. Huỳnh Công Cẩn bay chức nhà phó B2 biên chế sang đội khác cùng với ba tay nữa. Chuyện thực tế không có gì, chỉ vì đội 5 có quản giáo dễ tính với tiếng đồn lan rộng cả trại, các quản giáo của đội khác chú ý và có ý trù ẻo cái đội mà theo chúng "rất chậm tiến" này. Sự trù ẻo theo dõi đội 5, từ B1 đến B5 không ai cẩn thận lưu ý, nên đã có nhiều tay bị vồ nhốt connex toàn những chuyện không đáng. Riêng Huỳnh Công Cẩn bị vồ vì một chuyện tương đối nặng, nếu xét trên lập luận của Việt Cộng.
Cẩn vốn giỏi nhu đạo. Tùy viên của ông số 2 An Ninh Quân Đội dĩ nhiên đâu có xoàng chuyện võ nghệ. Một đêm trăng thanh vắng khó ngủ, chả hiểu ngứa nghề ra sao, Cẩn rủ hai ba thằng bạn đồng điệu ra phía sau một đống củi cao ngất phía bếp đội để... múa võ tiêu sầu. Kẻ thiếu lâm, người nhu đạo, kẻ quyền Hồng Mao, người cước Đại Hàn. Bốn tay quyền cước vù vù qua lại mà không ngờ rằng họ đang có những khán giả rình xem một cách say sưa. Bọn khán giả ấy là mấy thằng quản giáo của các đội khác, trong đó có thằng quản giáo Dương, mặt rỗ chằng rỗ chịt và ác có lông bụng của đội 6. Thẳng quản giáo này dù trùng tên và trùng bệnh rỗ với Vũ Duy Dương, nhưng thân hình thì xanh mét của một kẻ đã phải uống Ký ninh nhiều năm. Dương quản giáo người gốc Bạc Liêu, tuy cũng miền Nam như Hồng quản giáo nhưng hắn ta thù "ngụy" khủng khiếp lắm. Theo như anh em bên đội 6 điều tra cho biết, Dương trước đây mất vợ vào tay một anh trung sỹ Địa Phương Quân ở Bạc Liêu lúc hắn vào bưng theo Việt cộng. Khi về thành, biết mình mất vợ vào tay "ngụy", mối thù hằn của hắn có cớ để dâng lên gấp mười lần mối thù hằn chính trị. Đầu tiên hắn ra tay bên đội C của hắn, chẳng hạn vụ Lê Văn Quy, trung úy không quân bên nhà C3. Quy đi lao động, chui vào một giàn bầu đứng đái. Quản giáo Dương đi qua trông thấy và lôi Quy ra chửi rủa.
- Anh có hai tội, anh có biết không?
Dĩ nhiên Quy chỉ có thể kêu ca.
- Thưa anh tôi chỉ đi tiểu.
Quản giáo Dương trợn mắt méo mồm.
- Anh đừng ngoan cố. Nhân danh Cách mạng tôi cùm anh vì hai tội.Thứ nhất, thấy quản giáo đi tới, anh lôi c... ra đái. Hành động hỗn xược ấy không thể tha thứ. Thứ hai, một gốc bầu đang xanh tươi thế này, anh đái vào gốc, dây bầu sống sao nổi với cái nước đái nồng nặc ấy? Điều ấy chứng tỏ anh có ý đồ phá hoại sản xuất.
Quản giáo Dương tính nói thêm thì bỗng dưng hắn há hốc miệng, mắt trợn trắng như nhìn thấy quỷ xuất hiện giữa ban ngày. Hắn vừa đọc ra một hàng chữ viết trên một quả bầu lủng lẳng trước mặt: Đả đảo Hồ Chí Minh! Hắn vừa ngạc nhiên vừa giận sùi bọt mép. Hắn rống lên. Ý thiên địa ơi! Mày phản động đến thế kia à?
Tội nghiệp cho Lê Văn Quy, tình ngay mà lý gian! chỉ vì chui vào một gốc bầu xả cho nhẹ bụng, đã bị nâng cao quan điểm khinh Cách mạng, phá hoại sản xuất, lại lãnh luôn cái trách nhiệm vì một câu văn không mấy tử tế viết trên một quả bầu mà chẳng rõ tác giả là ai. Quy nằm connex hai tháng trời chỉ vì một vụ đứng đái.
Thế nhưng những vụ như thế trong đội 6 không đủ thỏa mãn quản giáo Dương. Nói theo kiểu Cộng sản, quản giáo Dương đang nỗ lực "vói cái vòi" sang đội khác để quấy nhiễu các đấng quan quyền của chế độ cũ! Huỳnh Công Cẩn và vài anh bạn nữa lãnh búa kỳ này.
Trong lúc bốn tay đang say sưa múa võ thì một tiếng thét chợt vang lên, tiếp theo là tiếng súng lên đạn.
- Bốn thằng gian nhân hiệp đảng kia đứng yên, giơ tay lên đầu!
Bốn võ sư nghe thấy tiếng lên đạn, đành giơ tay lên đầu cho xong chuyện.
Quản giáo Dương đã xuất hiện. Hắn hùng hổ, chỉ Cẩn hỏi lớn. Thằng kia, mày tên gì, đội nào?
Cẩn trả lời.
- Tôi tên Cẩn, đội 5 nhà B2.
Quản giáo Dương chỉ tiếp ba tay còn lại.
- Ba thằng kia đội nào?
Sau khi biết rõ toàn dân đội 5, Dương nổi giận hầm hầm. Hắn vẩy vẩy khẩu K.54 về phía Cẩn. Mày đứng cách tao 5 thước, hai tay vẫn để trên đầu. Quay sang ba người kia, hắn ra lệnh tiếp. Còn ba thằng kia đứng cách tao ba bước, ngồi xuống đất và hai tay vẫn để trên đầu!
Trong các dãy nhà của đội 5 đã nghe thấy tiếng lên đạn và tiếng quát tháo, có kẻ lẻn bước vào những vùng bóng tối bên hiên nhà rình xem. Rõ ràng quản giáo Dương dù có súng trên tay nhưng có vẻ rất sợ hãi và thủ thế đối với 4 tên "ngụy" mà theo hắn, chúng có khả năng tung mình đá hắn dập mặt nếu không bắt đứng cách xa hắn một khoảng cách cần thiết!
Đêm hôm ấy, không may cho Cẩn và ba anh bạn khác, quản giáo Hồng đi nhậu chưa về. Còn quản giáo Kình - tay quản giáo mất vợ vì đài Mẹ Việt Nam - lại quá hiền không can thiệp được gì. Cuối cùng cả bốn thằng tù của đội 5 bị lũ quản giáo của đội 6 giam hết vào connex! Sau này quản giáo Hồng biết chuyện nổi giận đùng đùng, và bọn tù nghe đồn Hồng suýt quại mấy thằng quản giáo của đội 6 để trừng trị cái tội dẫm chân nhau. Nhưng vì áp lực của ban chỉ huy trại, bọn Cẩn vẫn bị tống vào connex và biên chế sang đội khác với lý do: Tụ tập học võ với ý đồ phản động đen tối!
Có lẽ vì uất ức với cái chuyển cỏn con ấy, Hồng bất mãn ra mặt với ban chỉ huy trại. Bọn tù, đặc biệt B2, đâu thiếu những tay có đòn tâm lý chiến đầy mình; thế nên khi đi kéo cột đèn, nhiều tay khích tướng Hồng, Hồng càng điên tiết và tự động cho B2 bớt chỉ tiêu.
Từ cổng trại An Dưỡng dẫn vào bên trong trại là một con đường nhựa dài khoảng trên 2 cây số. Con đường này chạy dọc theo phi trường Biên Hòa nhưng cách vùng phi trường một cánh rừng và đầm lầy đầy mìn bẫy, rắn rít và những cây cỏ mọc hỗn loạn dầy đặc. Trên con đường nhựa ấy, bọn tù của đội 5 mỗi ngày phải đào xới và hạ nhiều chục cây cột đèn chạy dọc hai bên đường, đồng thời kéo vào những vị trí quy định nằm sâu trong trại.
Việc ha cột đèn tuy có nguy hiểm nhưng dù sao không quá cực nhọc. Dĩ nhiên tất cả đều dùng cuốc xẻng để vật ngã những cây cột đèn nặng nề do Mỹ thiết lập trước đây. Đầu tiên đào chung quanh chân cột đèn sâu tới đáy cột. Khi cột lung lay, đào tiếp bên hông đáy cột một độ vát chừng 60 độ. Khi cho cột đèn đổ xuống là cả một sự gay go. Một sợi dây buộc từ ngọn cột do mười người ghì một bên, bên đối diện chêm dần những khúc gỗ từ dài đến ngắn cho đến lúc cây cột nằm dài an toàn trên lề đường. Khi cột đèn hạ xuống, toán kéo cột đèn nhào đến làm việc. Nếu là cột đèn gỗ ngâm dầu thì 12 người một cây. Nếu là cột đèn đúc loại tròn có lỗ thì phải 18 người mới có thể kéo nổi một cây.
Trời trưa nắng, 18 người luồn những sợi dây thừng qua các lỗ trên thân cột đèn, hai bên cột mỗi bên 9 người lấy hết sức lực kéo lê cây cột đèn đi. Nặng lắm, nặng lè lưỡi! Và khi cây cột đèn đã có trớn, phải cố mà kéo thẳng một hơi về đến nơi quy định cách đó cũng trên một cây số. Nếu tự dưng có vài tay quá mệt buông lỏng tay kéo, những người còn lại không đủ lực kéo cây cột đèn chạy tới nữa, cây cột sẽ nằm chình ình trên đường nhựa. Đây là một điều rất tai hại vì cây cột quá nặng, sẽ lún xuống đường trải nhựa dưới trời nắng. Muốn cho cây cột nhúc nhích để có đà kéo trở lại, 18 thằng tù không hòng gì làm nổi. Và như thế, lại phải nhờ đến sự tiếp tay của ít nhất 10 người khác nữa mới có thể kéo cây cột đèn nặng nề khỏi chỗ lún, và tạo một cái trớn mới cho việc di chuyển cây cột đèn trên đường.
Mặc dù hai quản giáo đội dễ dãi tí chút, nhưng quản giáo không đi theo những toán kéo cột đèn. Chúng chỉ đứng chỉ huy những toán hạ cột. Đi theo các toán kéo là những thằng vệ binh oắt con nhưng mất dạy vô kể. Vì một cớ gì đấy, cây cột đèn lại nằm chình ình trên đường khiến thằng vệ binh phải đứng một chỗ dưới trời nắng, hoặc phải tìm cách tuyển mộ vài tay lao động gần đó chạy đến tiếp sức, thì thế nào bọn tù kéo cột đèn cũng bị chửi bới đến mức.
Tổ 1, tổ 2 của nhà B2 đa số yếu sức và bệnh hoạn. Và như thế có nghĩa là bị chửi dài dài.
Dẫu sao công tác cực khổ và bị chửi không làm giảm đi sự thích thú của bọn tù, vì công tác này đã đem bọn tù ngày mỗi xa hơn cổng trại, nơi đây, tù được nhìn thấy con người, được nhìn thấy nhà cửa, được nhìn thấy tí quang cảnh của thế giới bên ngoài.
Một hôm quản giáo Hồng động lòng trắc ẩn cho lũ tù "ngụy" quá cực khổ, lên tiếng hỏi.
- Các anh có thèm rượu không?
Lũ tù hơi ngẩn ngơ nhưng rồi cũng có một tay cười cười trả lời.
- Thèm quá anh!
- Vậy có anh nào đem theo tiền không?
Vài ba tay mừng rỡ đáp.
- Có, có thưa anh.
Quản giáo Hồng cười cười, nhưng nụ cười quả thật không có nét nham hiểm như nhiều tên quản giáo khác. Hắn nói.
- Đấy, các anh thấy không. Ban chỉ huy trại luôn luôn đánh giá các anh chậm tiến bộ là phải quá. Nội quy đã cấm ngặt không cho đem tiền theo khi đi lao động, phòng những kẻ xấu có phương tiện âm mưu trốn trại. Anh nào cũng hạ quyết tâm học tập tốt, lao động tốt, cải tạo tốt, chấp hành nội quy tốt. Hỏi ra thì chả tốt tí nào. Nửa đùa nửa thật lên lớp một lúc, quản giáo Hồng trở lại giọng thân mật. Tôi bảo thật các anh. Ai không biết chứ cá nhân tôi, tôi thừa biết chẳng cách gì cải tạo các anh được. Ngay bà con tôi sống ngoài Biên Hòa cũng vậy. Cách mạng giải phóng đã năm rưỡi trời, ấy thế mà vẫn phát ngôn linh tinh rất là phản động. Tôi nhắc nhở mãi cũng đâm chán, giờ ra chơi ngoài ấy mạnh ai nấy nói, tôi không thèm lưu tâm nữa. Nhưng riêng với các anh, vì tôi có trách nhiệm với Đảng cải tạo các anh, tôi khuyên các anh một điều, đừng làm gì sai trái để bị tập thể phát hiện và lên án là đủ. Còn trong đầu các anh muốn nghĩ gì thì nghĩ. Nhưng hãy nhớ trong đầu thôi, đừng bao giờ biến những ý nghĩ phản động trong đầu thành hành động cụ thể trong xã hội này. Không lợi lộc gì mà chỉ mang đại họa chẳng những cho mình mà còn cho cả họ hàng nhà mình nữa. Nói xong quản giáo Hồng ngó trời ngó đất, rồi ngó về một chỗ mà đám tù kéo cột đèn mấy ngày nay ai cũng thèm thuồng...
Cách chỗ đứng không bao xa là một quán cóc bên đường. Mấy ngày nay kéo cột đèn, bọn Vĩnh đã chú ý rất nhiều đến cái quán ấy. Kẻ thì bàn rằng cái quán ấy dứt khoát là của vợ con một thằng bộ đội nào đó. Kẻ thì cho rằng có thể là của dân địa phương. Dù sao cái quán cóc trông thê thảm không thể tưởng tượng được. Nó là tổng hợp của mọi nghèo nàn trong xã hội này. Vá víu, rách rưới, dơ bẩn... Nếu không có những cây chanh, cây na, cây bưởi um tùm vây phủ chung quanh, cái quán ấy khó mà đứng vững được trước một cơn gió lớn. Sườn là những cây tre khô khẳng khiu, bên trên lợp vài miếng ván ép mục nát vì mưa nắng. Bên trong để một cái bàn bẩn thỉu sứt sẹo và đôi ba cái ghế đẩu cao thấp không đều. Trên một cái bàn thứ hai nhỏ hơn, đặt trước quán cóc, để vài cái lọ bên trong vàng ạch mấy quả cóc quả me. Một lít rượu đế đứng bơ vơ bên cạnh mấy cái chung đã sứt mẻ lởm chởm. Cũng có ngày bọn Vĩnh nhìn thấy trên mặt bàn ấy một hai ổ bánh mì khô queo, vài ba cái bánh ú mà ruồi bu như rải đậu đen... Nhưng thế nào thì những thứ ấy vẫn là những thứ có hấp lực kinh khủng với bọn tù đói hiện nay. Nhất là bên trong quán, ngồi ngay thềm trước có một cụ bà tuổi độ 60 vừa vuốt nan đan giỏ, vừa thỉnh thoảng nhìn ra bọn Vĩnh với hai ánh mắt thật khó cắt nghĩa... Nó nửa trách móc nửa mến thương.
Quản giáo Hồng chợt nhìn vào đám tù. Hình như hắn đếm. Hiện tại chỉ có hai toán. Một toán đào gốc cột đèn của nhà B4 và toán kéo cột đèn của nhà B2 trong đó có Vĩnh đang đợi cây cột đèn sau cùng cho lần kéo cuối cùng của một ngày. Tất cả chừng hai mươi người. Quản giáo Hồng nhìn đồng hồ. Giờ này có thể cũng đã gần năm giờ chiều, nắng đã bớt gắt. Bọn tù đã có anh liều lĩnh kiếm một gốc cây ngồi phe phẩy vạt áo cho mát mặt. Quản giáo Hồng bỗng lên tiếng trở lại.
- Sao, bây giờ cho nghỉ lao động vào thăm cái quán kia một lúc có kêu ca gì không?
Bọn tù sướng như lên thiên đàng, chỉ gật gù và không ai nói được lời nào. Quản giáo Hồng nói tiếp. Ai có tiền thì cho các bạn chia chác với, miễn sao đừng náo động và êm đẹp. Về nhà rồi tính toán lại với nhau. Nhất trí chứ? Để các anh thoải mái, tôi ghé lại các đồng chí vệ binh ngoài kia tí. Cũng dặn các anh, hai mươi người chỉ nhấp chơi một lít thôi đấy nhé. Các anh mà say sưa, tôi là người đầu tiên cùm các anh đấy.
Nói rồi quản giáo Hồng bỏ đi. Bọn Vĩnh lầm lũi kéo vào quán. Bà cụ mấy hôm nay chỉ ngồi nhìn bọn tù kéo cột đèn qua lại, bỗng ngạc nhiên thấy cả đám kéo vào.
Đám tù chưa biết ngỏ lời ra sao, bà cụ đã đon đả với giọng Bắc rành rẽ.
- Anh quản giáo cho mấy cháu vào xin nước uống phải không?
Hóa mau miệng.
- Dạ kính chào bác, tụi cháu được phép vào mua tí gì uống.
Hóa vừa dứt lời thì bà cụ đã quay phắt vào bên trong gọi lớn.
- Bố thằng cu ơi!
Bây giờ Vĩnh mới được dịp quan sát sâu bên trong khu vườn. Bên trong ấy còn có một căn nhà xây đàng hoàng, tuy nhiên vôi đã tróc lở và một phần mái tôn đã bị tháo gỡ khiến căn nhà trông như một căn nhà bỏ hoang. Tiếng gọi của bà cụ đã kéo được một người đàn ông trong căn nhà đó ra. Anh ta tuổi chừng 35, chột một mắt và hình như có thương tật một bên chân. Anh khập khễnh bước ra khỏi căn nhà và e dè cất tiếng chào đám Vĩnh.
- Các anh ngồi chơi. Các anh cần nước uống hả?
Vì chưa nắm vững tình hình, bọn Vĩnh cũng phải thủ từng lời nói. Lỡ ra, họ đều là thân nhân của một thằng quản giáo trong trại, nói hoảng nói tiều có mà vỡ mặt! Thế nên đám Vĩnh cũng chỉ nhỏ nhẹ.
- Chúng tôi lao động bên ngoài, quản giáo cho phép vào mua tí... rượu uống tại chỗ.
Bà cụ nghe thấy lộ rõ nét ngạc nhiên.
- Cho mấy cháu mua rượu à? Cho uống rượu à?
Một tay trong bọn lên tiếng.
- Dạ anh quản giáo này tương đối dễ tính. Anh ấy cho mua uống chút đỉnh...
Bà cụ không đợi ai nói gì thêm, bà vơ ngay chai rượu trên chiếc bàn, đưa đại cho một người.
- Đây, mời... mời các cháu. Các cháu cứ uống đi. Để tôi bảo con tôi nó lấy ra thêm vài lít nữa.
Nói rồi bà cụ quầy quả đi vào nhà trong, miệng lẩm bẩm. Lạ nhỉ, lạ nhỉ? Lần đầu tiên...
Bọn Vĩnh thực sự đâu phải ai cũng thèm rượu. Thèm là thèm quả cóc quả ổi, thèm ổ bánh mì và mấy đòn bánh tét. Tuy nhiên có rượu nhấp chơi tí đỉnh cũng không nên từ chối. Vĩnh là một trong những người đầu tiên cầm chai rượu rót ra một chung và uống cái ực. Trời nóng, lâu không uống, chơi một chung muốn khạc ra lửa!
Vừa lúc ấy bà cụ đi ra, trên tay cầm thêm một chai đế và mấy con khô mực sống. Một người vội nói.
- Thôi cụ ơi, tụi cháu không uống rượu đâu. Chút xíu cho đỡ nhớ thôi. Cụ có cái gì ăn được bán cho chúng cháu một ít thì quý hóa lắm. Bánh tét chẳng hạn...
Bà cụ ngó nhanh ra phía ngoài đường, đoạn trả lời.
- Mấy cháu đừng ngại. Đã vào tới đây thì đừng nghi kỵ cái gì. Bác dân Hố Nai mà. Anh con của bác đây trước cũng là trung sỹ sư đoàn 5. Nó bị thương giải ngũ từ hồi 70. Nói đoạn bà cụ quay sang anh con trai bị chột một mắt còn đứng xớ rớ gần đấy. Này Tịnh, con chạy vào nhà xem còn bao nhiêu bánh mì bánh ú lấy hết ra đây. Mấy bịch bánh men lấy ra luôn. Lấy ra cho mấy anh đây ăn một bữa.
Một thoáng sau bọn Vĩnh được chén một chầu bánh ú. Rượu chẳng mấy người uống. Bà cụ lại chạy vào nhà trong, một lúc trở ra than thở nho nhỏ một điều gì đó với anh con trai. Anh con trai chỉ đáp khẽ.
- Giờ này lội ra tới ngoài đó cũng mất cả nửa tiếng. Về nửa tiếng nữa làm sao kịp.
Một người trong đám đoán biết ý bà cụ vội ngăn lại.
- Thôi bác ơi! Bác cho chúng cháu ăn thế này là quá rồi. Bác đừng bận tâm gì nữa...
Bà cụ vội ngắt lời. Bà chìa ra một gói lớn bọc giấy dầu trên tay, nói như phân trần.
- Nghìn năm một thủa họ mới cho các cháu vào đây. Quả thực tôi còn nhà ngoài Biên Hòa nữa. Cũng còn khấm khá. Cái nhà và khu vườn này chỉ là một phần. Phải vào đây ở vá ở víu cho có hộ không nhà nước tịch thu mất. Tính sai em nó ra Biên Hòa...
Một người khác lại lên tiếng can ngăn.
- Thôi bác, tụi cháu được bác cho ăn thế này là quý lắm rồi. Bác cho bất cứ thứ gì đem vào trại chúng cháu cũng không dám nhận đâu. Nội quy đâu cho phép. Có gì phiền phức ghê lắm! Bà cụ nghe đến chữ nội quy cũng có vẻ hơi sợ. Tuy nhiên, bà vẫn dúi cái gói giấy dầu lớn tướng vào tay một người.
- Hôm nay mời các cháu, nói trước không tính một đồng nào. Còn cái bịch này là bịch đường thẻ và trà. Vào trong ấy nhớ chia nhau mà dùng.
Anh chàng cải tạo ôm bịch trà đường trong tay với đầy nét băn khoăn. Cuối cùng anh nói như phân trần với tất cả mọi người.
- Bác cho thế này thật quý vô cùng, nhưng thú thật một mình tôi không cách gì đem cái này vào lọt trong trại được. Bị bắt giữ ngay cổng là cái chắc. Bà cụ tình ngay cũng không biết giải quyết ra sao. Mà đám tù cũng không tiện nêu ý kiến. Cuối cùng anh con trai nhỏ nhẹ lên tiếng.
- Tôi đề nghị các anh chia ra từng phần nhỏ. Mỗi người cầm một ít chắc chắn êm xuôi.
Câu đề nghị như mở cờ cho bọn tù. Thế là rất nhanh và rất lịch sự, bọn tù chia đều mỗi người một nắm trà và dăm cục đường thẻ.
Bà cụ trông vui vẻ vô cùng. Anh con trai đã rút vào nhà trong ngồi đan giỏ. Bà cụ ngó trời ngó đất rồi nói nho nhỏ.
- Các cháu chắc khổ lắm!? Nói đoạn bà cụ sắp xếp lại mấy chai rượu trên bàn, nói như an ủi. Mấy ông lớn bậy quá, làm cả nước khổ! Một anh tù cảm khái, đáp.
- Thôi bác ạ, nếu nói bậy thì chính cháu cũng bậy, cũng có lỗi với dân chúng và đất nước rất nhiều...
Câu nói bỗng bị bỏ lửng khi mọi người nhác thấy quản giáo Hồng đã xuất hiện phía ngoài đường. Cả bọn đứng lên. Vài người cám ơn bà cụ. Riêng Hóa từ lúc nãy đã quyên góp được gần hai chục bạc, anh bước lại lễ phép đưa cho bà cụ số tiền. Bà cụ giẫy nẩy không nhận. Bà nói.
- Không, bác đã bảo rồi. Đây là lần đầu tiên từ ngày trại này biến thành trại cải tạo, các anh cải tạo được ghé vào đây ăn uống. Tiếc là bác chẳng có gì đãi. Bác không nhận tiền của các cháu đâu.
Hóa cố nhét vào túi bà cụ nhưng bà cụ không lấy. Vừa lúc ấy quản giáo Hồng bước vào. Hắn hỏi khơi khơi.
- Sao, má đã cho các anh uống nước rồi chứ? Cám ơn rồi về!
Bà cụ bước tới nói vài câu xã giao với tên quản giáo.
Ít phút sau cả đám đã bước ra đường xếp hàng. Những tay vệ binh áp tải tù cũng vừa tới. Đoàn tù lại cuốc xẻng hăng hái trở về trại. Trong lòng ai cũng thấy vui. Quản giáo Hồng cứ tủm tỉm cười và ngó vào mặt từng người. Có lẽ hắn muốn hỏi một câu gì đó, nhưng ngại tụi vệ binh nên không nói gì. Vĩnh đoán được niềm vui trong lòng hắn. Hắn đã làm được một việc dồn nén từ lâu trong lòng, phát xuất từ bản chất lè phè và ương ngạnh của một người gốc miền Nam - đã dám làm những điều mình thích mà không ai dám làm.
Trên đường về, đám Vĩnh thấy toán mắc dây điện của Lê Văn Tần vẫn làm việc trên những cột điện mới trồng. Đây đó những đội hình xếp hàng hai cũng đang mệt mỏi lê gót về phía các trại tù. Đi qua một dãy nhà thuộc ban chỉ huy trại ba, mọi người nhìn thấy một toán vệ binh đang đánh bóng chuyền trên một vuông sân. Lúa gạo miền Nam gần hai năm qua đã biến những xác chết biết đi thành những thân xác vạm vỡ. Dù sao không ai muốn nhìn lâu hơn, vì trên những thân xác ấy là những biểu lộ sự sỉ nhục lớn lao với đám tù: Mỗi thằng đều mặc một cái quần đùi may bằng cờ quốc gia, cờ vàng ba sọc đỏ; một ngọn cờ đã lồng lộng giữa trời tự do, giữa trái tim mọi người yêu tự đo, và đã được tô thắm bằng bao máu xương của bao thế hệ trai trẻ!
Chẳng ai buồn nói với ai. Đi qua một vài dãy nhà khác của bọn bộ đội, Vĩnh và các bạn thoáng nghe một vài câu vọng cổ quen thuộc vang ra từ một chiếc radio của bọn vệ binh. Rõ ràng là giọng Lệ Thủy. Dù yêu nhạc, nhưng xưa kia Vĩnh không thích cải lương. Bây giờ thì khác. Gần hai năm bặt tiếng người của thế giới bên ngoài, tự dưng được nghe lại một câu vọng cổ, lại được hát bằng giọng của một cô đào nổi tiếng Sài Gòn năm xưa, lòng ai cũng nghẹn ngào thổn thức. Vĩnh chạnh nghĩ tới Trúc, chồng Lệ Thủy từng sống với anh ở Trảng Lớn trước đây... Chả hiểu giờ này nó ở đâu? Anh nhớ đến mấy quả ô mai Trúc cho anh khi anh đau lê lết vì bệnh sạn thận...
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu