Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 96
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
iền Nam hai mùa mưa nắng rõ rệt, nên nó không có cái cảnh thốt nhiên những cây cỏ ủ rũ của mùa Đông hóa thành xanh tươi để báo hiệu cho một mùa Xuân. Đời tự do đã khó phân biệt như thế, nói chi những kẻ ngồi đếm lịch trong bóng tối lao tù Cộng sản. Thế nên, nếu như không có những chiến dịch thi công mừng Tết dân tộc do bọn cai tù phát động, thì đếm cả đời, lũ tù cũng chẳng thể tìm ra tờ lịch nào là tờ báo hiệu cho một ngày nguyên đán.
Công tác thi công của tổ A.3 là phá sạch những nền nhà sau cùng nơi khu hành chánh tài chánh của BTL/SĐ25 trước kia. Suốt ngày trầm mình dưới nắng, bọn Vĩnh phải lấy sức người với tất cả những vật dụng tự chế để phá nền nhà. Lâu lâu lại có một tiếng nổ vang lên quanh quất; lại có những bóng người hớt hải xô dạt, rồi khênh nhau chạy về trại tìm cách cấp cứu. Những tiếng nổ như thế hay xảy ra ở những ụ đất phòng thủ của căn cứ. Họ đã cuốc nhằm những đầu đạn M.79 hoặc đạp nhằm mìn cóc, mìn râu trong lúc làm khổ dịch khai quang...
Với nhiệm vụ khai quật các nền nhà, tuy có cực khổ nhưng an toàn hơn. Dầu sao công việc này đã có thể thoải mái hơn nữa nếu như mỗi ngày Vĩnh và các bạn không phải nghe thấy những tiếng gào phát ra từ một cái tủ sắt lớn đựng bạc trước kia. Cái tủ sắt giờ đây nằm trơ vơ trên một nền nhà xi măng giữa trời giữa đất. Nó chỉ có vài lỗ thủng thông hơi được đục vội vã chung quanh. Tỷ và Non bị nhốt ngồi trong đó. Tiếng gào la khàn khàn và tắc nghẹn của họ chẳng phải để kêu ca oan uổng, chẳng phải để đầu hàng cái cực hình họ đang chịu; mà tiếng gào la của họ chỉ là những tiếng phát ra từ một nhu cầu sinh lý tận cùng nhất.
- Nước! Cho tôi nước!
- Trời ơi! Cho tôi nước!
- Nước! Cho tôi một giọt thôi. Trời ơi!
Tiếng gào la đứt ruột ấy làm cho Vĩnh bao lần chết lặng. Lao động bên ngoài dưới trời nắng Tây Ninh, cứ mỗi năm phút người ta lại phải uống nước một lần để không héo người dưới cái nắng. Nhốt trong một cái hộp sắt chật chội thế kia người ta còn khát tới đâu!? Có lần Vĩnh đánh bạo xin phép tên vệ binh ngồi canh tù trong một bóng mát gần đấy.
- Báo cáo anh tôi cho hai anh trong đó gáo nước được không?
Tên vệ binh nhăn mặt cáu kỉnh.
- Muốn vào đó luôn thì cứ việc!
Vĩnh không nói gì thêm. Anh đã có ý định riêng. Khi tên vệ binh bước sang kiểm soát một khu vực khác, Vĩnh nhìn sô nước của bán tổ để dành uống và ngẫm nghĩ. Cái hộp sắt kín bưng chỉ có vài lỗ thông hơi không cách gì tiếp nước cho hai người bị nhốt trong đó được! Sau cùng Vĩnh quyết định hỏi qua ý kiến của tổ trưởng Tứ. Tứ nhìn Vĩnh với vẻ khó chịu như người thình lình bị dồn vào một chân tường. Tuy nhiên Tứ không nói gì. Anh ta chỉ thoáng nhìn trời nhìn đất rồi cúi xuống khuân tiếp những tảng xi măng lớn vứt vào một đống. Vĩnh đã quyết định. Anh xách sô nước lên, quan sát chung quanh một vòng rồi tiến sát tủ sắt gần chỗ mấy lỗ thông hơi. Vĩnh hắt nguyên sô nước vào những cái lỗ thông hơi ấy. Bên trong chỉ có những tiếng lục đục mà không nghe thấy nói một lời nào. Vĩnh thầm nghĩ: Có lẽ hai đứa đang lên thiên đàng. Chúng có thể đã quên hết ngôn ngữ của trần gian này rồi!
Vĩnh xách cái sô không để lại chỗ cũ. Anh quay lại với công việc, vừa làm vừa nghĩ. Hai thằng bị nhốt như thế, mỗi ngày chỉ được phát tiêu chuẩn nửa lít nước uống làm sao chịu thấu!? Thế rồi Vĩnh không khỏi không uất ức nhớ lại ngày xưa... Bị ngộ độc bởi đòn tuyên truyền của Cộng sản, cả thế giới Tự do bỗng dưng trở mặt với đồng minh vì toàn những lý do không xứng đáng, và một trong những lý do không xứng đáng nhất là vụ chuồng cọp! Giả dụ như một số bọn trí thức, văn nghệ sỹ, bọn báo chí, bọn phản chiến bất lương đui mù chúng nó lên án này kia kia nọ còn có lý do khả thứ; ngay cả phái đoàn dân biểu Mỹ mà Vĩnh còn nhớ cầm đầu là dân biểu Paul Mc. Closkey, sang điều tra tình hình Đông Dương vào đầu tháng 3/75, và trước khi về nước đã họp báo ở Tân Sơn Nhất kêu gọi tổng thống Thiệu đình chỉ việc bắt giữ và tra tấn tù nhân chính trị nếu muốn VNCH còn được hưởng viện trợ Mỹ... Ngày nay tất cả những người ấy đang ở đâu nhỉ? Họ có biết rằng tỷ như xưa kia có chuồng cọp chăng nữa, thì những chuồng cọp ấy so với lối giam giữ ngày nay của CSVN chỉ đáng hàng em út xa lắc xa lơ? Thật là bất công, Vĩnh nghĩ, nếu Trời không tạo một dịp nào đó để nhúng những kẻ ngu muội ấy vào lửa Cộng sản một lần cho họ được sáng mắt ra!
- Trời ơi! Sô nước mới đây sao hết nhẵn rồi?
Tiếng la hốt hoảng của tổ phó Khoa chợt cất lên sau lưng Vĩnh. Vĩnh lầm lì.
- Đổ hết vào cái két sắt kia rồi.
Tổ phó Khoa cau mày.
- Cha ẩu vừa thôi cha. Lãnh búa cả đám.
- Lãnh tao chịu.
Biết Vĩnh nóng tính, Khoa im lặng. Hắn chỉ khẽ cằn nhằn lúc quay đi.
- Tối nay họp tổ tôi sẽ đưa vụ này ra mổ xẻ.
Vĩnh nổi cáu phát cười gằn.
- Thôi mổ xẻ làm đéo gì! Tao xin khắc phục khuyết điểm tại chỗ được không? Lần sau, kể cả mày có phải chui vào cái hộp này, tao xin hạ quyết tâm một giọt nước đái tao cũng không cho.
Khoa thấy Vĩnh thật sự muốn khà khịa, hắn im luôn và bỏ đi một nước.
Với riêng Vĩnh, mùa Xuân đầu trong tù đến với một tâm trạng và quang cảnh như thế. Tuy nhiên trước Tết hai tuần, cả trại, thú thật trong đó có cả Vĩnh, lòng bỗng nở rộ một đóa hoa Hy Vọng rực rỡ lạ thường. Đợt đầu tiên được thả!
Cả trại L4T3 được thả 14 người. Khối 2 có tỷ số cao nhất trại 6 trên 14 và tổ A.3 chiếm kỷ lục trong khối 2 với tỷ số thả 2 trên 6: Văn, cựu hải quân trung úy có bố thoát ly từ lúc hắn mới lọt lòng mẹ. Nguyên, thiếu úy giảng viên Trường Sinh Ngữ Quân Đội, có chú mang quân hàm đại tá hiện làm việc trong văn phòng An Ninh Nội Chính của Cao Đăng Chiếm. Thằng Ba Tô của tổ 7 cũng được thả trong dịp này nhờ một nguyên nhân không ai biết rõ ngoài hai điểm để có thể dự đoán: Một, từ đầu đến giờ nó đã hành nghề chó săn một cách xuất sắc khác thường; hai, căn cứ theo bản tự khai từng đọc trước khối của nó thì cả ba đời nội ngoại nhà nó đều là dân bần cố trung kiên với Cách mạng từ thủa Cách mạng còn... đỏ hỏn!
Với số người được thả không lấy gì làm khích lệ cho lắm, nhưng quả thực đã làm cho bao nhiêu người tối mặt tối mày. Hy vọng sống lại thật nhanh bằng một lập luận giản dị: Như thế là cánh cổng trại cải tạo đã hé mở. Nếu chưa thể mở toang một lượt thì cũng sẽ được mở rộng từ từ. Nay anh mai tôi...
Nhân vụ thả, bọn cai tù lại có dịp lôi tù lên lớp để tha hồ khoe khoang về đường lối khoan hồng trước sau như một của nhà nước Cộng sản. Và để cho không khí trại càng thêm phần hồ hởi phấn khởi, bọn cai tù chấm dứt đợt thi công sớm hơn hai ngày với bản báo cáo tất niên đọc trước trại có nội dung rất vượt chỉ tiêu, vượt đến nỗi bọn tù ngồi bên dưới đâm ngượng với thành quả lao động tự biết... rất khiêm tốn của chính mình. Nào là trong quý 4, khối 1 đã cải tạo được 30 mẫu đất đá ong biến thành nơi canh tác tốt. Khối 2 đã giải phóng được 20 tấn đạn đủ loại khỏi các hầm chứa trong nội vi trại và đã khai quật hơn 100 nền nhà Mỹ...
Nghe tên thủ phó Môn đọc bản báo cáo trước tập thể, có đại diện trung đoàn chủ tọa, mà bọn tù hết hồn. Ở đâu không biết chứ người khối 2 làm sao mà không rõ chuyện khối 2! Đạn đâu mà lắm thế? Rồi nền nhà Mỹ nữa! Tính rộng lắm cũng chỉ có chừng 30 cái nền nhà Mỹ trong phạm vi trách nhiệm của L4T3. Ba mưoi cái mà tay không phá trong mấy tháng đã đủ thấy ông thấy bà, một trăm cái phá sao cho hết, mà có hết đi nữa thì lấy nền nhà đâu ra mà phá!?
Thời còn thơ ấu ở Liên Khu Tư Vĩnh đã được nghe và đã sớm hiểu ý nghĩa của ba chữ Bờ-Cờ-Lờ, chữ tắt của động từ báo cáo láo trong giới Vẹm thời bấy giờ. Hai mươi mấy năm qua Vĩnh không ngờ bệnh Bờ-Cờ-Lờ trong hàng ngũ Cộng sản vẫn không đỡ tí nào. Trầm kha hơn là đàng khác!
Nhưng chúng muốn báo cáo với thượng cấp của chúng thế nào thì cũng kệ cha chúng, điều hân hoan chính là lũ tù được biết, qua sự thông báo trang trọng của chính tên thủ trưởng trại, theo đó vào dịp Tết tới đây, Cách mạng rất quan tâm và sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các cải tạo viên vui chơi đủ 3 ngày Tết truyền thống của dân tộc. Tiếp theo lời thông báo ấy, tay hậu cần trại đã đọc một danh sách các món ăn mà tù sẽ được hưởng trong dịp Tết như thịt lợn, nếp, bánh kẹo và có thể có cả tí... "máu nhân dân" nữa.
Tuy nhiên Tết chưa đến, những món béo bở nằm trong bản dự trù cấp phát của hậu cần trại dĩ nhiên chưa được thực hiện; nhưng điều trước mắt mà tù phải thực hiện ngay là đêm văn nghệ cho toàn trại. Các khối phải tổ chức những trò chơi hoặc những cuộc thi đấu như múa lân, kéo dây, cờ tướng, bóng chuyền v...v... để tạo không khí vui chơi thoải mái trong ba ngày Tết. Các ban văn nghệ thể thao được thành lập tại các khối tức thì. Trưởng ban của khối 2 là Huỳnh Công Cẩn, trung úy ANQĐ từng là tùy viên của ông số 2 ngành này. Trong ban của Cẩn có Đính phụ trách vũ, Vĩnh tiếp tay Nguyễn Đình Thuần lo chế một cái contre-basse dã chiến và một bộ trống. Đàn Guitar và Mando khung sẽ cho mượn.
Sau khi các ban văn nghệ khối phối hợp với nhau, một vài nhân vật được bầu ra để nắm giữ những chức vụ chính điều hành chung một ban văn nghệ trại. Đặng Thế Tiến của khối 4 làm phối trí viên. Nguyễn Văn Hóa của khối 3 với nghề cũ là ca trưởng một ca đoàn Công giáo lớn tại Sài Gòn phụ trách ban hợp xướng. Lê Văn Tần của khối 1 tốt nghiệp trường Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn phụ trách dựng và đạo diễn kịch. Nguyễn Thành Đính của khối 2 phụ trách vũ. Trần Văn Chung của khối 3 phụ trách ảo thuật. Họa sỹ Hiếu Đệ của khối "cũ" (sau đó được bổ sung thêm tù và lập thành khối 5) có Đặng Ngọc Sinh của khối 2 trợ lực phụ trách trang trí sân khấu cũng như các vật dụng hóa trang... Riêng ban nhạc hầu hết là người của khối 2 phụ trách. Vĩnh contre-basse, Nguyễn Văn Lộc cùng tổ 3 với Vĩnh và Đặng Thế Tiến chơi Guitar, Kiều Công Long của khối 4 chơi Mando và "Ông Đạo Dừa" Nguyễn Lâm của khối 2 thủ giàn trống.
Trong khi ở các khối các anh em khác thuộc các ban lân, ban thể thao, ban ẩm thực... đang lo xúc tiến công tác của họ thì trên hội trường ban văn nghệ cũng tập dợt ráo riết. Trên sân khấu, đạo diễn Lê Văn Tần suốt ngày la hét um sùm y chang một đạo diễn thứ thiệt để điều khiển anh em trong ban kịch. Ở một góc khác của hội trường nhạc trưởng Nguyễn Văn Hóa đang vã mồ hôi tập cho một ban hợp xướng 50 người, toàn thứ ca sỹ bất đắc dĩ trốn lao động chân tay nhập vào ban hò hát. Ai làm sao mặc, Vĩnh cứ ôm cây đại hồ cầm do chính tay anh làm bằng một can xăng thủng với ít sợi dây điện thoại gẩy từng tưng theo lệnh của nhạc trưởng Hóa. Cạnh Vĩnh là Tiến. Lâu không được đánh đàn, có cái guitar trong tay, hắn chẳng đệm theo nhu cầu ban nhạc mà xoay vào một góc ngồi búng classique cho đỡ nghiền.
Bài hát hiện đang được Hóa tập cho mọi người hợp xướng là bài Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Chính tên chính trị viên đưa bài này cho Hóa. Hóa có vẻ thích bài hát này vì một phần nhạc cũng khá hay, phần khác ngôn ngữ vẫn rất ướt át lãng mạn và không có tí nào chửi bới bọn "ngụy" trong đó cả. Hóa tập thật kỹ bài hát này cho ban hợp xướng.
Trước Tết 5 ngày thì đợt tổng dợt có sự kiểm tra của đại diện ban quản giáo được thực hiện. Tên quản giáo già khó đăm đăm của khối 4 xuống trụ trì buổi tổng dợt. Hắn lượn một vòng xem ban vũ biểu diễn, khen chê vài tiếng qua loa rồi lướt qua ban kịch. Sau cùng hắn dừng chân trước ban hợp xướng. Nhạc trưởng Hóa đợi đến lúc tên quản giáo đến gần mới ra hiệu cho tiếng contre-basse đi vài nốt dẫn nhập. Tên quản giáo già vừa nghe thấy mấy tiếng đàn trầm bỗng thốt lên kinh ngạc.
- A! Các anh chế được cả đàn công-tờ-rờ-bạt-xờ cơ à?
Cả bọn nghe nhằm một chữ tiếng Tây của ông quan quản giáo không hẹn đều phát phì cười.
Hóa là đầu đàn, thấy mọi người đều bật cười trước một câu nói của tên quản giáo làm anh cũng thấy ái ngại. Anh vội quay lại nhìn hắn và nói nhỏ nhẹ.
- Vâng, thưa anh cái công-tờ-rờ-bạt-xờ...
Sự lập lại chữ tiếng Tây theo giọng điệu của... Cách mạng của Hóa khiến cả ban hợp xướng cùng phá lên cười, một thứ tiếng cười không cách gì cầm giữ lại được. Riêng tên quản giáo ngẩn ngơ không hiểu bọn tù cười cái gì. Hắn trố mắt hỏi mọi người.
- Chứ tôi nói sai à? Cái đàn ấy không phát ra âm công-tờ-rờ-bạt-xơ là cái gì đấy?
Thấy cười nữa có thể nguy hiểm, ai cũng ráng nuốt tiếng cười đánh ực một cái xuống bụng. Hóa giơ tay gãi trán, nói liếm lấp.
- Báo cáo anh âm đàn ấy đúng là âm đàn công-tờ-rờ-bạt-xờ, nhưng hình dạng thì không phải thế...
Tên quản giáo ra điều hiểu biết. Hắn nói.
- Thì tôi nói âm chứ có nói hình thức đâu! Hình thức thì các anh làm sao làm được. Ngay nhà hát lớn ngoài thủ đô Hà Lội ta cũng mới có một cái. Ngẫm nghĩ tí chút, hắn tiếp. Thôi các anh tập đi không mất thì giờ. Tôi tham quan tí còn đi các ban khác...
Nói rồi tên quản giáo bước xéo ra đứng gần chỗ cửa và nhìn ban hợp xướng khởi sự tổng dợt. Nhạc trưởng Hóa nhìn anh em một thoáng. Ngón tay anh vẩy nhè nhẹ cho tiếng đại hồ cầm nổi lên để bắt trớn cho tiếng Mando trong trẻo của Kiều Công Long nhập cuộc. Khi trống, đàn, sáo đã đi hết phần Intro; nhạc trưởng Hóa chợt vung tay như chộp một con ruồi bên trái, hai mươi giọng hát bên cánh tả đồng lượt cất lên.
Rồi dập dìu mùa Xuân theo én về, Mùa bình thường, mùa vui nay đã về, Mùa Xuân mơ ước ấy, nay đã về đây...
Vừa hát được ba câu cả ban hợp xướng bỗng im bặt. Ai cũng thấy tên quản giáo nhảy nhổm như bị kim châm vào đít. Hóa thấy anh em ngưng ngang xương và đều ngó về phía tên quản giáo, anh linh tính thấy điềm không lành vội quay mặt lại. Tên quản giáo già bước nhanh đến gần Hóa, trợn mắt méo mồm mắng.
- Im hết đi, hát cái bài nhảm nhí gì vậy?
Hóa hơi nhăn mặt nhưng vẫn cố giữ giọng phân trần.
- Báo cáo anh... Tên quản giáo khoa tay chận Hóa lại.
- Tôi bảo im! Ai? Ai trong các anh là kẻ soạn ra bài hát này? Hắn hùng hổ lên lớp. Một bài hát hoàn toàn phản động và đầy ngụy tính từ nội dung đến hình thức.
Nhạc trưởng Hóa ngỡ ngàng như từ trời rơi xuống.
- Dạ thưa...
- Anh chưa được nói. Tên quản giáo nghiêm giọng. Tôi sẽ phân tích tính phản động của bài ca này trước, sau đó kẻ sáng tác nó sẽ phải trả lời trước ban quản giáo trại. Tôi nhắc lại, đây là một bài hát cực kỳ phản động. Thứ nhất nhạc Cách mạng không được phép ủy mị như thế. Rõ ràng đây là một bài nhạc vàng, đã dùng thể điệu Van-xờ, một thể điệu mà bọn nhạc sỹ phản động ưa dùng để diễn tả cái tâm tình ủy mị thấp kém, làm suy giảm tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Thể điệu Van-xờ...
Tất cả những người đang hiện diện ở hội trường đều nửa khóc nửa cười với lời lẽ của tên quản giáo. Hóa mím môi lấy can đảm
- Thưa anh...
Tuy nhiên tên quản giáo nhất định không cho Hóa nói. Hắn cướp giọng.
- Anh ngoan cố tôi cùm anh ngay. Tôi chưa nói hết. Dứt khoát tôi cấm các anh học tiếp bài Van-xờ này. Nó là một bài cực kỳ phản động. Mùa Xuân thế này mà dám nói là mùa Xuân bình thường à? Một mùa Xuân đại thắng, mùa Xuân đầu tiên độc lập, tự do và thống nhất, mùa Xuân tốn bao xương máu của các chiến sỹ Cách mạng mới quy được đất nước về một mối... mà dám bảo là mùa Xuân bình thường à? Bố láo bố lếu! Bài này ở đâu ra? Ai cho phép các anh học hát bài này?
Nhạc trưởng Hóa thấy không phải chuyện chơi rồi, thế nên anh vội vàng trình bày.
- Báo cáo anh bài này anh chính trị viên Thảo đã thuận cho tập. Vả lại nó là bài hát của Cách mạng...
Tên quản giáo già chỉ mặt Hóa. - Bố láo. Đừng nói bố láo!
Hóa vội vàng móc túi quần sau chìa ra một mảnh của tờ báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhầu nát, có đăng bài Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao cho tên quản giáo xem. Tên quản giáo cầm lấy mảnh báo mần mò như người ta nặn nút bài cào. Một lúc sau hắn nhét tờ báo vào túi áo, nhăn mặt và lẩm bẩm. Lạ nhỉ! Lạ nhỉ! Sao báo lại cho đăng một bài hát có nội dung phản động dường này!?
Nghĩ ngợi một thoáng, hắn tằng hắng nói với Hóa. Thôi được, tạm thời các anh học bài khác. Tôi sẽ trình đồng chí chính trị viên nghiên cứu lại bài hát này.
Tên quản giáo nói đoạn bước thẳng ra cửa trước sự ngơ ngác của mọi người. Ra tới cửa, hắn bỗng dừng chân và quay lại dặn Hóa một câu cuối. Học bài nào thì học, nhưng cấm ngặt không được học và trình diễn những bài có thể điệu Van-xờ đấy nhé!
Vĩnh ngao ngán ngó về phía sân khấu. Đạo diễn Tần đang nhảy như con choi choi và la hét luôn miệng. Cắt! cắt! ĐM. chỗ đó mày phải té xuống. Mày phải cố gắng kéo mép phải lên gần lỗ tai, càng gần càng tốt để tạo nét mặt cực kỳ đau đớn. Bị bắn vào bụng mà chỉ nhếch mép như cười tình coi thế đếch nào được! Thằng Hoàn nữa! Tao bảo mày mấy lần rồi. Khi tiếng súng nổ mày phải hốt hoảng chạy từ cánh gà bên trái vào phía bàn thờ tuốt trong kia để tạo chiều sâu sân khấu. Cứ chập chờn phía ngoài thế kia như cứt nổi trên ao trông chán lắm...
Trong lúc ban hợp xướng tập lại với bài Hò Kéo Pháo thì tên chính trị viên Thảo xuất hiện nơi cửa hội trường. Hắn đảo mắt một vòng rồi bước lại phía Hóa đứng. Đợi cho câu hát cuối cùng chấm dứt bài hát đang dợt, hắn lên tiếng.
- Này anh Hóa!
Hóa quay lại.
- Ồ anh... tôi đang muốn gặp...
Tên chính trị viên khoa tay.
- Tôi quán triệt vấn đề rồi. Cứ yên tâm tập dợt như thường. Tôi sẽ ở đây đích thân kiểm tra. Hóa muốn chơi tên quản giáo khối 4 một cái. Anh nhỏ nhẹ nói với tên Thảo.
- Báo cáo anh ban nãy theo sự lên lớp của anh quản giáo khối 4, anh em đều ái ngại và không muốn tập tiếp bài Mùa Xuân Đầu Tiên nữa... Tên chính trị viên lại xua hai tay như đuổi ruồi.
- Tôi đã bảo rồi. Tôi trách nhiệm và cho các anh học trình diễn bài ấy. Cái nhà anh quản giáo Thìn ấy thì biết cái gì! Anh ấy học chưa qua lớp 3 ấy mà...
Hóa thấy tên chính trị viên còn coi đồng bọn của nó chẳng ra gì nên anh không nói thêm nữa. Anh quay lại điều khiển anh em hát bài Mùa Xuân Đầu Tiên để cho tên chính trị viên duyệt. Tên Thảo đứng coi một lúc và gật gù ra chiều chịu lắm. Hắn đi tới đi lui, góp ý cho hết toán này sang nhóm nọ. Hắn đứng lại bên cạnh họa sỹ Hiếu Đệ, ngó anh đang vẽ rồng vẽ phượng trên một miếng giấy bao xi măng lớn bên hông sân khấu.
- Vẽ khéo đấy nhỉ! Tên chính trị viên lên tiếng khen vu vơ.
-.....
- Anh học vẽ lâu chưa?
Hiếu Đệ trả lời.
- Báo cáo anh cũng gần 30 năm rồi.
- Thế thì vững tay nghề lắm... Mà xưa anh làm gì?
- Dạ tôi dạy ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.
- Thế sao lại đi cải tạo?
Hiếu Đệ vừa cạo ít bột từ một viên gạch chỉ ra làm màu, vừa khẽ đáp.
- Dạ tôi là thiếu úy biệt phái.
Tên Thảo giơ cao hai tay.
- À, ra thế! Chắc anh là sỹ quan chiến tranh chính trị?
Nghe hỏi Hiếu Đệ giãy nảy như đỉa phải vôi.
- Thưa không. Tôi không dính dáng gì tới ngành chiến tranh chính trị cả!
Trước khi tiến tới ngồi trên một cái ghế kê trước sân khấu để xem tù dợt kịch, tên chính trị viên an ủi Hiếu Đệ.
- Tội anh thế cũng nhẹ. Cố gắng phục vụ tập thể tốt để được Cách mạng xét cho về còn đem tài ra phục vụ nhân dân.
Hiếu Đệ vừa vẽ vừa ậm ừ cho qua chuyện.
Phía bên này ban nhạc đã dợt xong, bọn Vĩnh xách điếu cày lại ngồi bên cánh trái sân khấu xem ban kịch tổng dợt.
Vở kịch được Tần dựng có nội dung không xuất sắc lắm. Một công nhân dân miền Nam thoát ly theo lời Bác gọi, sau trở vào Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước, anh không hề được biết chuyện gì xảy ra cho mẹ và vợ ở quê nhà thuộc một vùng ngoại ô Sài Gòn. Khi miền Nam đã được giải phóng, anh vinh quy bái tổ với đôi dép râu, với cái nón tai bèo và mươi ký gạo ăn đường đeo nặng trên vai. Lúc anh bước về tới sân nhà thì trời đã tối. Khẽ đẩy cánh liếp, anh nhìn vào và chết sững vì xúc động. Người vợ vẫn ở vậy chờ anh. Vợ chồng gặp nhau hàn huyên một lúc, mãi sau anh mới chợt nhớ ra quanh anh còn thiếu một người thân yêu nữa. Anh chợt lên tiếng hỏi. Mẹ đâu? Người vợ lúc này mới òa lên khóc. Chị kể rằng trong hơn hai mươi năm anh bỏ nhà ra đi chiến đấu, gia đình đã gặp bao nhiêu biến cố. Nào là Mỹ ngụy càn quét, đã hiếp chị đến... 999 lần, lại còn xả súng bắn chết mẹ già vân vân và vân vân. Kể lể xong chị tiến tới bàn thờ mẹ chồng, đốt vài cây nhang cắm trên cái lư nhỏ. Đến lúc này anh giải phóng mới nhận ra bàn thờ mẹ. Theo đúng truyền thống Cách mạng anh không khóc lóc như những kẻ bình thường. Anh chỉ giơ cao quả đấm, lập lại một câu nói quen thuộc mà Đảng đã dạy: Ta sẽ biến những đau thương này thành hành động cụ thể...
Màn từ từ buông. Một giọng hát từ phía sau sân khấu vang lên bài Đạp Trên Xác Thù để chấm dứt vở kịch.
Xem xong vở kịch. Tiến cười đưa ra một phê phán nhỏ.
- Thằng Tần chơi vợ Cách mạng ghê quá. Chỉ sống để chờ... ngụy đến hiếp thì còn gì là thân thể người ta!
Đính cũng cười, nói chen vào.
- Trâu hiếp chứ ai hiếp!
Hóa đặt cái điếu cày xuống đất, mắt nhìn lên sân khấu.
- Ngày xưa Kiều chỉ "mười lăm năm ấy biết bao vi trùng", ngày nay vợ anh Cách mạng bị hiếp đến hơn 20 năm. Kinh quá!
Cả đám đang tán láo bỗng im hết vì tên Thảo đã bước lên sân khấu. Hắn ra lệnh cho các "tài tử ca sỹ" phải ngồi tụ lại với nhau nơi hàng ghế giữa hội trường. Hắn cất giọng.
- Buổi tổng dợt hôm nay coi như tạm đủ. Quan trọng nhất là vở kịch thì tôi đã được kiểm tra. Qua quan sát có vài nhận xét với các anh thế này. Xét chung chung, mọi bộ môn đều nổi lên cái mặt tự biên tự diễn rất đáng biểu dương. Múa, hát, kịch nói, trang trí vân vân và vân vân đều có nhiều ưu điểm cả. Riêng vở kịch...
Nói tới đây tên Thảo ngó quanh như tìm kiếm ai. Hắn hỏi vu vơ. Anh nào dựng và đạo diễn nhỉ? Tôi quên mất tên rồi!
Bên dưới Tần vội đứng lên.
- Dạ tôi, Tần.
Tên chính trị viên chỉ xuống Tần.
- À, anh Tần. Tôi biết, tôi biết về anh. Nhân đây tôi cũng có lời biểu dương anh. Tuy nhiên trong vở kịch xét trên quan điểm Cách mạng còn nhiều khuyết điểm lắm đấy. Với riêng tôi, tôi thông cảm những khuyết điểm ấy. Dẫu sao với một thời gian dài sống dưới chế độ Mỹ ngụy, chúng đã đào tạo và xử dụng anh vào công tác viết kịch bôi nhọ Cách mạng, thì một sớm một chiều không thể nào tẩy sạch ngay được những khuyết điểm trong nghề dựng và đạo diễn kịch của anh, phải thế không? Vả lại, tên Thảo tằng hắng. Tôi cũng biết hầu hết những kịch sỹ như anh đều được ngụy nó cưng chiều như trứng mỏng, được đem về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị phục vụ với nhiều đặc quyền đặc lợi. Nói tới đây hắn hơi cao giọng hơn. Mà tôi bảo thật đấy nhé, những anh chiến tranh chính trị nếu không là CIA thì cũng là CIB cả đấy!
Bên dưới mọi người đều liếc nhanh sang Tần một cái. Mặt anh chàng đang nghệt ra như gái ngồi phải cọc. Bên trên sân khấu tên Thảo vẫn tiếp tục. Nói thì nói thế thôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là giáo dục các anh, uốn nắn những sai trái nếu các anh vấp phải trong học tập cải tạo, đặc biệt trong khâu văn nghệ tự biên tự diễn này, một khâu còn hoàn toàn mới lạ với các anh xét trên cơ bản văn nghệ Cách mạng, phải thế không? Thế thì nhân đây, tôi cũng nêu ra vài khuyết điểm cụ thể nhất để các anh rút kinh nghiệm cho những lần tự biên tự diễn khác sau này. Hắn liếc nhanh đồng hồ tay, tiếp. Thì giờ sáng nay không có nhiều nên tôi chỉ nhặt ra vài khuyết điểm điển hình trong vở kịch thôi. Khuyết điểm thứ nhất thuộc về khuyết điểm ý thức. Tại sao khi anh giải phóng vừa đẩy cánh liếp để bước vào nhà, đạo diễn lại cho vài tiếng chó sủa vang lên đây đó? Xét hời hợt qua hiện tượng thì việc này không thấy gì nghiêm trọng cả, nhưng nếu ta nâng cao quan điểm sẽ thấy ngay tính chất phản động trong cảnh này. Người Cách mạng đâu phải lũ thổ phỉ mà bị chó sủa ran như vậy? Khuyết điểm thứ hai thuộc về hình thức, thuộc về kỹ thuật. Đấy các anh xem! Nói đoạn tên Thảo hơi quay người chỉ lên cái bàn thờ trên phông trong cùng của sân khấu.
Bàn thờ là một bức tranh vẽ nổi gồm một cụ bà người miền Nam có khăn ca-rô quàng cổ, có lư hương ở giữa và hai bên có hai chân nến đàng hoàng. Tên chính trị viên chỉ bàn thờ xong quay lại đám tù, tiếp. Các anh cứ nhìn kỹ bức ảnh mà xem, người mù cũng nhận ra được đó là ảnh của thằng Diệm. Tôi không rõ người vẽ cố tình hay vì tài nghệ chưa tới, đã vẽ một cụ già thành hình thằng Diệm đem lên bàn thờ công khai trên sân khấu!?
Dưới này Hiếu Đệ ngồi cạnh Vĩnh mặt mày xanh xám. Anh quay sang hỏi khẽ Vĩnh.
- Trời đất ơi! Ông nhìn kỹ giùm tôi xem bức ảnh tôi vẽ có giống Ngô Đình Diệm tí nào không?
Vĩnh cười.
- Sao ông dễ tin thế? Chúng nó đâu có muốn cái chuyện đem bàn thờ bàn thánh lên sân khấu bao giờ. Duy vật chứ đâu duy tâm!
- Không chịu thì bảo đẹp bỏ. Sao chụp mũ tui nghe ghê quá vậy?
Đính ngồi sau nghe thấy, chen vào.
- Công khai ra lệnh dẹp bỏ khác nào tự thú mình là đồ không cha không mẹ không thánh không thần. Cách hay nhất là tặng cho ông Hiếu Đệ một cái mũ to tướng, tập thể ai cũng rét và tự động hạ bàn thờ xuống có phải hay không?
Hiếu Đệ như hiểu ra, anh không than thở gì thêm nhưng nét mặt vẫn tái xanh tuồng như cái mũ mà thằng chính trị viên vừa âu yếm đội cho nặng quá đến độ anh chịu không thấu! Mãi một lúc sau Hiếu Đệ mới thì thầm.
- Tôi vẽ hơn 20 năm, dạy vẽ hơn 10 năm; đây là lần đầu tiên tôi không còn tin tưởng ở cặp mắt của tôi nữa. Chắc tôi phải giải nghệ mất!
Vĩnh cười khẽ.
- Ấy, đừng cho chúng nó ghi thêm một điểm son chứ, quan bác!
Trên sân khấu tên chính trị viên còn phen lê đôi ba điều nho nhỏ nữa trước khi hắn cho mọi người giải tán về ăn cơm trưa. Vĩnh kéo một hơi thuốc lào rồi đứng lên khoác vai Đính trở về khối.
Buổi trưa sau khi nhận phần ăn đã được chia chác bởi người trực tổ, Vĩnh chan vội tí nước muối vào ca cơm và xách ra đầu hè vừa ngồi nhìn nắng vừa ăn. Đầu anh lộn xộn nhiều hình ảnh... Một đoạn nhạc mới vừa trôi qua đầu, một đoạn nhạc Xuân thật đẹp; nhưng bỗng nhiên đoạn nhạc tắt nghẽn lúc anh vừa vội vàng bỏ ca cơm xuống lôi mảnh giấy và cây bút chì trong túi ra. Hình ảnh Tỷ và Non gào thét trong cơn khát lại đầy ắp trong trí nhớ Vĩnh...
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu