A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Tác giả: Huỳnh Dị
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 759
Phí download: 22 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9345 / 190
Cập nhật: 2022-05-11 07:50:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Kỳ hạ công thành
hượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch, kế đó là thắng địch bằng ngoại giao, kế nữa là dùng binh thắng địch, hạ sách là công thành.
Phàm những thành trì có ý nghĩa chiến lược quan trọng đều có tường thành cao dày, hào sâu hộ thành, dễ thủ khó công, có thể lấy ít thắng nhiều. Vì thế, cho dù có tài dụng binh như thần, Tôn Tử cũng coi việc công thành là việc bất đắc dĩ, là hạ sách cuối cùng.
Khấu Trọng ngày thường vẫn hay nói mấy câu danh ngôn quân sự này, nhưng ngày hôm nay gã mới thể hội một cách toàn diện và sâu sắc. Trong trận chiến Cảnh Lăng, gã là người thủ thành, ở Lê Dương, gã trở thành người công thành.
Nếu như có thể lựa chọn, Khấu Trọng sẽ khuyên Đậu Kiến Đức chỉ vây, không đánh. Nhưng vấn đề là Lý Thế Tích đã chuẩn bị kỹ càng, lương thảo trong thành dự trữ sung túc, đủ cho cả thành dùng đến năm rưỡi. Nếu như địch nhân có viện quân tới cứu, nội ngoại giáp kích thì bọn gã sẽ từ chủ động biến thành bị động.
Sau khi nghiên cứu thảo luận kỹ càng, bọn Khấu Trọng quyết định chiến lược bao vây bốn phía, ngày đêm luân phiên tấn công không ngừng nghỉ nhằm phá tan đấu chí và thể lực địch nhân. Trong trận chiến dụ địch ra ngoài mà đánh, bọn gã đã diệt được hơn vạn quân địch, tước giảm rất nhiều thực lực của quân chính quy thủ thành. Lúc này, trong thành chỉ còn không quá hai vạn quân. Để phòng thủ một thành trì quy mô như thế, cần phải huy động toàn quân. Nói cách khác, Đậu quân có thể thay nhau nghỉ ngơi, nhưng quân Đường lại không có được phúc khí đó. Điều này càng làm tôn thêm tầm quan trọng của cuộc chiến dụ địch ngoài thành hôm trước.
Lần này, Đậu Kiến Đức quyết ý lấy bằng được Lê Dương nên viện quân không ngừng từ Thọ Xuân và Hứa Thành kéo đến, quân số lúc này đã lên tới trên mười lăm vạn, không ngừng gia tăng áp lực lên quân thủ thành.
Để công phá thành cao hào sâu của địch nhân thì không thể chỉ dựa vào bộ binh, kỵ binh và đao kiếm cung tên bình thường được. Vì thế, phải chuẩn bị thoả đáng mọi vật dụng quân sự nặng nề và tổ chức quân đội, đặc biệt luân phiên bất kể ngày đêm công kích mãnh liệt. Các mặt đều phải thực hiện nghiêm chỉnh như nhau.
Trước tiên là kiến tạo vọng đài có thể di động được, “Sào xa” và “Lâu xa”, có thể từ trên cao nhìn rõ tình hình bên trong thành hoặc bắn tên trợ công, sau khi biết rõ địch rồi sẽ đánh.
Bước đầu tiên của chiến dịch công thành chính là “vượt hào”. Chỉ khi có thể vượt qua hào sâu bảo vệ thành Lê Dương thì khí giới và quân cảm tử công thành mới có cơ hội tiếp cận tường thành, triển khai cuộc chiến công thành. Đậu Kiến Đức và Lưu Hắc Thát đều là người lão luyện trong việc công thành. Khi bắt đầu chiến sự là lập tức chặn đứng nguồn nước của hào bảo vệ, đúng theo phương châm “sớm chặn nguồn nước, sẽ sớm áp sát cửa thành”, chờ khi nước bớt đi liền vận chuyển đất đá, dồn cả xe chất đầy đá xuống nhằm san bằng hào sâu quanh thành.
Sau khi lấp hào xong thì đến cuộc chiến “tiếp cận thành”. Lúc này cần dùng tới “mộc lư”, là chiếc xe lớn bốn bánh, nóc dùng gỗ lớn lợp dốc nhọn như mái nhà, không sợ cung tên, cũng không sợ đá ném xuống. Toàn bộ được bọc da trâu đặc chế, không dễ bén lửa, bên dưới có thể chứa được gần trăm quân, có hiệu lực kỳ diệu trong việc yểm hộ công thành.
Thời khắc tiếp cận tường thành, cảm tử quân lại dùng các công cụ công thành như phi lâu, chàng xa, đăng thành xa, điếu điệp xa, hỏa xa, cao lâu, vân thê và cự mộc (cây gỗ lớn) dùng để phá cổng thành. Tất cả mọi thứ đều như lôi đình vạn quân, cái thì áp vào leo lên tường, cái thì phá tường, cái thì phá cổng. Quan trọng nhất là phải trèo lên được tường thành, ổn định trận cước rồi dần dần mở rộng điểm đột phá, tiêu hao ý chí và sức phòng ngự của địch nhân.
Khấu Trọng và Lưu Hắc Thát dừng ngựa trước trận tiền chỉ huy cuộc chiến công thành thảm khốc ác liệt đó. Đậu Kiến Đức thì ở trên đài chỉ huy vừa tạm thời dựng lên ở bên ngoài, dùng ánh lửa, tù và, trống trận để chỉ huy toàn cục việc tiến công, thoái thủ.
Công thành chiến ở Lê Dương khác với trận chiến Cảnh Lăng ở chỗ khi đó Đỗ Phục Uy chọn sách lược “mở một đường thoát”, lưu lại sinh lộ cho quân dân trong thành đào tẩu. Lần này, Đậu Kiến Đức trùng trùng vây khốn, tiêu diệt toàn bộ tướng sỹ trong thành, làm Lý Thế Tích và Lý Thần Thông không thể chạy về Vệ Huy, khôi phục quân đội.
Do nguồn vật tư có hạn nên dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, Đậu Kiến Đức cũng phải dùng cách cho chủ lực công thành ở Đông môn, ở ba cửa kia quy mô tấn công nhỏ hơn nhiều, chủ yếu là nhằm kiềm chế địch nhân, đề phòng bọn chúng đột vây đào tẩu.
Dưới ánh lửa sáng rực cả trong và ngoài thành, qua mấy ngày đêm liền bị công kích mãnh liệt không ngừng nghỉ, quân thủ thành Lê Dương đã lộ rõ nét mệt mỏi.
Khấu Trọng đã ba lần tự thân leo lên tường thành, chém hơn trăm tên địch, nhưng cuối cùng vẫn bị Lý Thần Thông, Lý Thế Tích và một đám cao thủ Đường quân đánh bật ra ngoài. Gã về trại nghỉ ngơi liền trong hai canh giờ, hiện tại tinh thần thể lực đều hồi phục hoàn toàn, lại mặc giáp lên ngựa đợi thời khắc thành bị phá.
Khấu Trọng vươn cao mình trên lưng Thiên Lý Mộng, Vô Danh ngạo nghễ đậu trên vai tả, hổ mục lấp loáng thần quang. Tâm thần gã lại bình tĩnh như trăng trong giếng, đảo mắt nhìn cuộc chiến tấn công- phòng thủ thảm liệt đến mức ta sống người chết trước mắt.
---oOo---
Ầm! Ầm!Ầm!
Lôi mộc chàng xa (xe có gắn cây gỗ lớn) từng đợt, từng đợt xung kích cổng thành, đại biểu cho sức kháng cự của quân Lê Dương đang từng chút bị tước giảm. Bên công thành từ từ tăng áp lực trầm trọng lên địch nhân.
Một số mộc lư, lâu xa bên ngoài thành bị địch nhân dùng tên lửa thiêu cháy. Một số đã thành tro, một số vẫn đang cháy rừng rực, khói đen cuồn cuộn bốc lên ngút trời.
Nhiều nơi trong thành cũng bắt đầu bốc lửa, khói bốc mù trời do hoả cầu đạn từ các máy bắn đá bắn vào trong gây ra, làm quân dân trong thành mệt mỏi chạy thục mạng.
Tên và đá từ bên ngoài và bên trong thành bắn như mưa, không ngừng gia tăng những vong hồn hy sinh trong cuộc chiến tranh vô tình này. Ở đây căn bản không có chỗ cho lòng nhân từ và thương hại.
Khấu Trọng càng ngày càng cảm thấy chiến tranh như chơi một ván cờ, cần phải có cái tâm lãnh khốc mới có thể chỉ vì mục đích cuối cùng mà chỉ huy quân mã bên mình tiến thoái.
Đậu quân giống như một đội quân điên khùng không hề quan tâm tới sinh tử bản thân, liên tục trèo lên đầu tường thành công kích. Thủ binh lại lợi dụng tường cao, liều chết chống cự, giết địch nhân đang trèo lên tường thành qua lỗ châu mai hoặc ở chân tường.
Quân hai bên đã xáp lá cà, cho thấy cuộc chiến công thành đã tới cao trào cuối cùng.
Đây là đợt công kích lần thứ ba của Đậu quân trong đêm nay. Hai lần đầu, quân Đậu Kiến Đức đều bị quân Đường thủ thành dội vôi bột, đồ dẫn lửa, dầu hôi, đá tảng, đánh tan ý định phá thành. Nhưng đến lần này, do vật tư chiến đấu bổ sung không kịp nên sức phòng thủ không được như trước, Đường quân không còn cách nào và cũng không rảnh để cản trở xe lôi mộc tiếp cận công phá Đông môn.
Trước mỗi lần tấn công, quân Đậu Kiến Đức đều chiêu hàng Lý Thế Tích, Lý Thần Thông, nhưng đều bị kiên quyết cự tuyệt.
Lưu Hắc Thát lắc đầu nói:
- Lý Thế Tích biến rồi!
Khấu Trọng ngửa mặt nhìn chỗ có soái kỳ của Lý Thế Tích, quả nhiên không nhìn thấy bóng dáng hắn và Lý Thần Thông đâu, bèn gật đầu đồng ý:
- Cẩn thận bọn chúng lợi dụng lúc cổng thành bị phá đột vây đào tẩu đó.
Lưu Hắc Thát quay lại nhìn một lượt hơn nghìn tinh kỵ đang nghiêm chỉnh đứng đợi đằng sau, cười lạnh nói:
- Làm sao lại dễ dàng thế được.
Tiếp đó, hắn lại phát lệnh điều hơn trăm thê xa, tràng xa và hai đội cung tiễn thủ cầm thuẫn lớn dàn trận hai bên đội kỵ binh, nhân số mỗi đội đến năm ngàn người. Trong tiếng trống trận dồn vang, đội hình từ từ tiến tới cửa Đông.
Ầm!
Cửa Đông thành kiên cố cuối cùng cũng không chịu được xung kích mạnh mẽ, đổ ập vào trong, làm dậy lên một làn khói bụi và gỗ vụn mù mịt.
Quân sỹ công thành sỹ khí đại chấn, hò hét vang trời át hẳn tiếng hò hét chém giết và tiếng binh khí giao kích.
Lưu Hắc Thát biến sắc thét lớn:
- Lùi lại mau.
Tiếng tù và nổi lên, đội lôi mộc xa phụ trách việc phá cổng thành vội vã lùi lại, nhưng đã chậm một bước.
Chỉ mình Khấu Trọng hiểu nguyên nhân tại sao Lưu Hắc Thát biến sắc, chính là nhờ vào việc đánh giá thời gian để phá được cổng thành. Không cần nói cũng biết đó là do địch nhân ngấm ngầm chuyển hết đá tảng và thiết xa vốn để tăng cường sức chịu đựng của cổng thành, khiến nó dễ dàng bị phá như vậy. Nên biết, theo như kế hoạch đã định thì khi cổng thành bị phá, toàn bộ lôi mộc xa sẽ lập tức lùi lại, lính công binh sẽ phụ trách dọn hết những chướng ngại vật sau cổng thành rồi mới để bộ binh ùa vào đánh giết. Cuối cùng, Lưu Hắc Thát và Khấu Trọng mới cùng đội kỵ binh xung kích. Không ngờ lúc này sự thật lại khác hẳn với dự kiến, làm quân Đậu Kiến Đức tuy chiếm hết ưu thế nhưng không biết tiến thoái thế nào.
Quả nhiên, trong thành tiếng hò reo vang lừng. Đại đội kỵ binh địch từ trong thành ùa ra, gặp người là giết, chia thành nhiều đội chạy tứ tán nhằm đột phá vòng vây. Bọn lính công binh phụ trách dọn dẹp chướng ngại vật bị đánh giết kêu khóc vang trời, chạy tán loạn, càng làm tăng cơ hội chạy thoát của kỵ đội đối phương. Chiến trường bên ngoài cửa Đông thành loạn thành một cục, không thể phân biệt địch, ta.
Lưu Hắc Thát lập tức quyết định, thét lớn:
- Các huynh đệ! Xông lên.
Hắn cùng Khấu Trọng dẫn đầu, bỏ mặc tới địch nhân đang điên cuồng tràn ra từ trong thành. Hai gã tập trung binh lực, hơn ngàn kỵ mã vó ngựa vang rền, chém giết đánh thẳng tới cửa Đông đã bị phá toang.
Khấu Trọng huýt gió một tiếng, lệnh cho bảo bối Vô Danh bay lên cao, còn gã triển khai thuật “nhân mã như nhất”, giục cương ái mã Thiên Lý Mộng phóng ào lên.
Đậu Kiến Đức ở phía sau bận rộn điều quân, ngăn cản địch nhân đột vây tẩu thoát.
Cùng lúc đó, hai đội bộ binh như hai đợt thuỷ triều tràn tới cửa Đông. Chiến sự vô cùng ác liệt.
Khấu Trọng một mình một ngựa đi đầu, Tỉnh Trung Nguyệt chém tả phạt hữu, phát xuất Loa Hoàn Kình đánh cho binh khí địch nhân bay tán loạn, dũng mãnh không ai địch nổi. Được Lưu Hắc Thát và các chiến sỹ tinh nhuệ phối hợp, gã đã bức địch nhân đang chạy ra phải quay ngược trở vào thành.
Không biết đã giết bao nhiêu người, hốt nhiên áp lực giảm hẳn. Thì ra gã đã thành công vượt qua môn đạo, tiến vào trong thành. Chỉ thấy trong thành tiếng kêu khóc vang trời, bốn phía lửa cháy bùng bùng, khói đen cuồn cuộn mù trời. Trong thành Lê Dương lúc này như biến thành địa ngục trần gian, quân lính và người già, phụ nữ, trẻ em bỏ chạy tán loạn. Không khí như đến ngày tận thế, khiến người ta cảm thấy vô cùng thê thảm, bất nhẫn không muốn nhìn.
Các trận đánh xáp lá cà vô cùng ác liệt diễn ra khắp trên tường thành và bên trong thành.
Kỵ binh hùng sư của Khấu Trọng và Lưu Hắc Thát tràn vào đường lớn Đông môn, vừa đánh giết quân thủ thành đang kiên cường chống trả không nhường một bước, vừa tiến sâu vào. Đằng sau là bộ binh của Đậu Kiến Đức như thuỷ triều ầm ầm tràn tới. Đường quân đại thế đã mất.
Cuộc chiến tranh đường phố tàn khốc toàn diện triển khai, thành tường cao dầy lúc này đã hoàn toàn mất tác dụng phòng ngự.
Đột nhiên, một đội gần ba trăm quân Đường đón đường đánh tới. Đi đầu chính là thân đệ của Lý Uyên, nguyên lão cao thủ số một số hai của Lý phiệt, Lý Thần Thông.
Khấu Trọng cười rộ hỏi:
- Tại sao không thấy Lý Thế Tích? Phải chăng hắn đã bị doạ khiếp bỏ chạy rồi?
Thiên Lý Mộng mang theo gã phóng vọt lên, Tỉnh Trung Nguyệt như thiểm điện chém ra.
Lý Thần Thông hai mắt đỏ ngầu, trường kiếm chém mạnh ra, quát lớn:
- Ta nếu chết cũng phải có Khấu Trọng ngươi lên đường cùng lúc.
Choang!
Đao kiếm giao kích, cả hai đồng thời kịch chấn.
Trong chớp mắt, quân lính hai bên cũng giao phong chiến đấu. Thủ hạ của Lý Thần Thông bị quân bên Khấu Trọng như thuỷ triều nghiền nát, không còn đội ngũ gì nữa.
Lý Thần Thông tự biết chết chắc, liền tận lực triển khai kiếm pháp, thần dũng vô cùng. Trong chớp mắt, lão đã công tới Khấu Trọng hơn mười chiêu. Kiếm nào kiếm nấy đều là chiêu số liều mạng muốn đồng quy ư tận. Với võ công Khấu Trọng mà cũng phải cật lực chống đỡ.
Tuy giữa nơi thiên quân vạn mã ầm ầm đồ sát nhưng tinh thần Khấu Trọng vẫn tĩnh như trăng trong giếng, trong lòng hiểu rõ Lý Thần Thông mấy ngày gần đây do cuộc chiến thủ thành vô cùng khốc liệt nên đã hao tổn công lực rất nhiều, như cây cung đã giương đến độ chót.
Đột nhiên, thân binh phía sau Lý Thần Thông người đổ ngựa ngã. Lưu Hắc Thát xuất hiện ngay sau lưng họ Lý, trường đao rít gió vù vù chém ngang lưng lão. Nếu Lý Thần Thông trúng đao, khẳng định sẽ người một nơi đầu một nẻo.
Khấu Trọng cũng vặn mạnh eo, gia tăng kình lực, chấn cho trường kiếm của Lý Thần Thông dạt ra, không thể hồi kiếm ra sau để đỡ đao của Lưu Hắc Thát. Lý Thần Thông cũng không hổ danh cao thủ, vội vã nằm phục xuống ôm cổ ngựa, miễn cưỡng tránh khỏi một đao tất sát của Lưu Hắc Thát.
Lưu Hắc Thát lạnh lùng quát lớn, đại đao xoay chuyển, dùng sống đao đánh mạnh vào đầu ngựa. Chiến mã hý lên thê thảm, bốn vó nhũn ra đổ vật xuống đất, Lý Thần Thông ngã lăn ra đường.
Ngay sát na thân hình lão mất thăng bằng ngã xuống đất, Khấu Trọng rời khỏi mình ngựa, Tỉnh Trung Nguyệt như thiểm điện điểm ra, đánh trúng vào yếu huyệt lão.
Lý Thần Thông trúng đao, thân hình chấn động kịch liệt. Khấu Trọng thuận tay túm lưng áo giáp lão lôi lên ngồi vững trên lưng ngựa. Gã thét lớn:
- Lý Thần Thông đã bị bắt sống. Đầu hàng thì sống, chống thì chết.
Tiếng thét của gã át hẳn tiếng hò hét chém giết, truyền khắp chiến trường khu Đông thành.
Lưu Hắc Thát đến bên Khấu Trọng, cũng thét lớn trợ uy:
- Người nào bỏ binh khí đầu hàng sẽ được tha chết.
Tiếng binh khí giao đấu giảm dần. Quân Đường trong thành thấy chủ tướng đã bị bắt, đấu chí hoàn toàn tiêu tan, thi nhau vứt khí giới đầu hàng.
Quân Đậu Kiến Đức không ngừng tràn vào thành, khống chế hoàn toàn Lê Dương.
Khấu Trọng giao Lý Thần Thông mặt đầy vẻ chán nản và khuất nhục, huyệt đạo bị kiềm chế cho quân lính Đậu Kiến Đức trói chặt lại. Trong lòng gã vô cùng cảm khái, nghĩ tới Lý Thần Thông ngày trước bát diện uy phong thế nào, hôm nay lại biến thành tù binh của gã.
Lưu Hắc Thát chỉ thị cho các tướng lĩnh chia nhau lĩnh quân tiến sâu vào trong thành, chiêu hàng tàn quân.
---oOo---
Khấu Trọng và Lưu Hắc Thát được một đội quân đông đảo hộ tống, từ từ giục ngựa tiến vào đường lớn Đông môn, chầm chậm hướng tới Đô đốc phủ nằm ở chính giữa thành. Nhiều đội kỵ binh, bộ binh từ hai bên vượt lên để mở đường cho bọn gã.
Lưu Hắc Thát hưng phấn nói:
- Lần này có thể đánh phá Lê Dương, toàn là do tiểu Trọng thi triển diệu kế xảo diệu, diệt chủ lực địch nhân, khoá chặt sỹ khí của bọn chúng. Nơi tiếp theo mà bọn ta muốn đánh lấy nhất không phải là Lạc Dương mà là vị trí chiến lược Đồng Quan của Lý gia. Đó không chỉ là thông đạo xuất nhập Quan Trung, là bình phong phía đông Trường An mà còn có thể khống chế Phong Lăng Độ của Hoàng Hà. Nếu chiếm được Đồng Quan thì những ngày Lý phiệt có thể sính cường sẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, xem Lý Uyên có thể uy phong đến lúc nào nữa.
Khấu Trọng than:
- Lưu đại ca không thấy lần này bọn ta chiến thắng nhưng cũng thiệt hại nặng nề sao?
Lưu Hắc Thát ngạc nhiên nói:
- Tiểu Trọng tại sao lại nghĩ đến việc đó? Từ xưa tới giờ, khi đánh thành thì thương vong là không thể tránh khỏi. Lê Dương là cứ điểm chiến lược quan trọng nhất của Lý Phiệt ở quan ngoại. Thành này bị hạ thì Vệ Huy khó mà giữ được. Lựa chọn duy nhất của Lý phiệt hiện giờ chỉ là đánh phá Lạc Dương. Bọn ta thì tiến có thể công, thoái có thể thủ.
Khấu Trọng đang định đáp lời thì một đội nhân mã chạy tới. Tiểu tướng chỉ huy báo cáo:
- Tàn quân địch nhân lùi hết về giữ Đô đốc phủ, quyết ý kháng cự.
Lưu Hắc Thát tức giận nói:
- Bọn ngu ngốc không biết tốt xấu. Bao vây chặt Đô đốc phủ cho ta, xem bọn chúng có thể thủ đến lúc nào.
Tiểu tướng lại nói:
- Cứ theo như hàng binh nói thì ấu nữ của Lý Uyên là Tú Ninh công chúa đang ở trong đó.
Khấu Trọng thất thanh:
- Cái gì?
Đại Đường Song Long Truyện Đại Đường Song Long Truyện - Huỳnh Dị Đại Đường Song Long Truyện