A book must be an ice-axe to break the seas frozen inside our soul.

Franz Kafka

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2223 / 16
Cập nhật: 2015-11-22 03:59:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thương tặng người có số điện thoại 09xxx28023
Liên tục cả tuần Cà Mau mưa dầm dề. Đêm ấy mưa như trút nước, trời vần vũ. Không biết vì trời hay tin bão gần liên tục xuất hiện trên truyền hình, mà nhói như bị mưa xoi vào lòng. Một mình đón xem bản tin cuối ngày, ông nhắn tin cho tôi “Neu chu co he gi… thi tin nhan nay thay cho loi chao chau nhe!”.
Tôi lặng người, bất giác hãi hùng nghe như bão ở quanh đây. Nghe như một người thân thuộc vừa từ biệt mình.
Mà nào tôi đã biết tên ông. Trao đổi tin nhắn trên điện thoại, có bữa, ông xưng “chu Thanh”, tôi không rõ là Thanh, Thành, hay Thạnh? Nhà ông ở Quảng Nam, hay Đà Nẵng, nơi chút nữa đây tâm của cơn bão dữ sẽ đi qua? Tôi không nhớ, dù đã hỏi đôi lần. Chỉ biết ông hay nhắn những lời động viên nồng ấm, trìu mến vào lúc tôi gặp khó khăn. Chỉ nhớ ông là người làm thơ, vì những tin nhắn bằng thơ của ông thường rất dịu dàng.
Nhưng lần này, tin nhắn không phải thơ, lại không thăm hỏi ân cần, mà nghẹn ngào như một cái vẫy tay, như ai đó quay người, đi khuất. Tôi nhắn lại, và tuyệt vọng vì nghĩ, ông không thấy được nụ cười khích lệ (rắn câng) của mình, “Đừng nói vậy chú ơi. Sẽ ổn thôi mà. Miền Trung cố lên!”
Vùng đất đó, tôi đến chỉ một lần, nhưng thương lâu vì thấy trên cát trắng nóng rẫy mà cỏ vẫn mọc, nhọc nhằn. Thương vì ba tôi vẫn thường hay ước được về xứ Quảng tìm cội nguồn, gốc gác, tổ tiên, tìm lại cái nơi mà ngày xưa ông cố, ông sơ rớt nước mắt ngoái nhìn lần cuối, trước khi dắt díu bỏ xứ vào lập nghiệp ở cuối trời Nam. Thương vì người ở đó hiếu khách, thật thà, sâu sắc, những anh K, chị M, anh X, anh T… Vì một người phục vụ quầy bar ít nói, nhưng để nhớ đằm sâu khi thuần hậu bảo “con nhỏ (ma) dễ thương lắm, em ơi”. Và vì ông, người gởi cho tôi những dòng tin “Cố lên, cháu nhé… Sóng gió rồi sẽ qua…”.
Tôi không biết ông có gầy gò, dầu dãi như những người miền Trung lưu lạc đến xứ tôi, dầu dãi, gầy gò? Tôi không biết giọng nói của ông có ấm áp như lòng ông, như những dòng tin của ông? Bản tin cuối ngày qua lâu rồi, tôi ngồi nghĩ về một người xa mà gần, chưa gặp mặt mà như thân thuộc, và xót xa nghĩ, hẳn ông yêu quý tôi lắm nên gửi những dòng tin ấy, trước bão. Nhưng tôi đã làm gì để được đối xử tử tế như vậy, để được nhận những lời này “Chu da nho mot nguoi ban: Neu chu di chong bao ko ve thi gui tang chau tap tho chua gui in! Chau doc chac se vui.”
Không có thêm tin nhắn nào khi bão đến. Rồi bão đi. Mở ti vi xem bản tin sáng, ran ngực khi thấy khúc ruột miền Trung điêu tàn, xơ xác. Nhà ông ở đâu trong số những ngôi nhà đổ nát? Ông ở đâu trong những người nét mặt còn in đậm vẻ kinh hoàng, ngơ ngác, phờ phạc, đau khổ kia?
Đến trưa thì lại được tin ông, âm báo của điện thoại như reo lên, “Tot roi chau oi. Chu da tro ve nha binh yen…” Tôi nhẹ nhỏm cười một mình, ôi miền Trung…
Ở nơi bão vừa đi qua ấy, có người đang khóc cho nguời, cho mình, có những con đường đã tả tơi những hàng cây, những khu phố, những di tích tan hoang, những con tàu chìm trong nước… nhưng tôi vẫn thấy sức sống lung linh bởi còn người, nhiều người, những anh T, anh H, chị V…
Và còn ông. Tôi còn có thể đọc một bài thơ nào đó mà lòng không đau …
Còn Người... Còn Người... - Nguyễn Ngọc Tư Còn Người...