If love is a game, it has to be the hardest game in the world. After all, how can anyone win a game where there are no rules?

CODY MEYERS

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Lân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Lê Anh Vũ
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3843 / 55
Cập nhật: 2018-08-18 10:53:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ảnh sân đất nhỏ hẹp chạy dài trước ba gian nhà tranh lụp xụp. Bề ngang không đầy hai thước; bề dài chỉ đến tám bước chân là quá. Vậy mà Cả Chuẩn cũng cố bày biện cho nó ra vẻ một cái vườn cảnh. Giàn thiên lý, chính giữa, thấp lè tè, cành lá xum xuê che chiếc bể cạn thả cá vàng và bốn chậu lan đặt trên đôn sứ cũ kỹ, sứt mẻ: hai chậu bạch ngọc và hai chậu nhất điểm. Trong bể, kê một hòn non bộ sần sùi gân guốc; cỏ tóc tiên mọc um tùm giữ một vẻ hoang vu bí mật đối với bọn người sành bé nhỏ, đặt theo điển tích. Nào chùa, tháp, cầu, quán chênh vênh hiểm trở; nào ngư, tiều, canh, độc; nào cầm, kỳ, thi, tửu; nào Bá Nha ngộ Tử Kỳ; nào Sào Phủ tẩy nhĩ... Tất cả ngụ một vẻ an nhàn thư thái, gác đường danh lợi ra ngoài như thời Nghiêu Thuấn. Che tất cả hòn non bộ là một cái tán si. Gốc si xù xì, thân uốn éo theo một kiểu nhất định.
Mỗi lần có khách lạ, ông Cả không quên giảng giải kỹ lưỡng về chiếc bể này:
- Có người trả năm chục bạc rồi, tôi không bán đấy nhé. Những người sành này tôi gửi mua tận chợ Đồng Xuân ngoài Hà Nội, toàn sứ tàu cả; lại còn cây si này nữa. Ông thử để ý ngắm kỹ mà xem: kiểu long cuốn thủy đấy!... Này nhé, cái gốc là cái đầu vục xuống uống nước này. Hai vấu này là hai con mắt này. Cái thân uốn éo như hình con rồng cuộn khúc này. Cái tán ở trên xòe là cái đuôi này. Còn cây nhỏ dưới gốc là cây tử này. Chơi cây phải có mẫu, có tử mới không sái ông ạ.
Cả Chuẩn khoe khoang hòn non bộ cũng như ông vẫn thường khoe hai cây cau lợn cọ trồng hai bên vại sói trắng. Mấy khóm lan, hai chậu bạch trà hay bất cứ một thứ gì trong sân cảnh đều mang một lịch sử cầu kỳ, khó khăn.
Khi người ta là một nhà nho - mặc dầu không hay chữ - nhất lại là nhà nho kiết nữa, thì càng sính chơi cái thú thanh tao này. Cả Chuẩn cũng vậy. Ông chơi cây cảnh chẳng qua để đôi lúc rượu say, tức đời đem câu "danh lợi bất như nhàn" hay "bần thanh còn hơn phú trọc" ra mà an ủi mình và để lên mặt khinh đời, nghĩa là khinh mấy bác giàu có trong làng, mà ông cha là những hạng người keo bẩn, thô tục, không bao giờ hiểu biết được cái thú nhàn nhã như ông. Ông thường dè bỉu:
- Hứ! Sống ở trên đời mà bo bo đồng tiền, chẳng biết ăn chơi là cái gì, chết thì cũng hai tay buông xuôi, dễ mang được của đi chắc!
Rồi ông cất giọng sang sảng ngâm:
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp,
Trong thú yên hà mặc tỉnh say.
Chính ra, Cả Chuẩn cũng không tha thiết gì với cái vườn cảnh cho lắm. Sở dĩ có nó, chẳng qua vì ông rỗi rãi quá và cũng vì những lẽ trên kia. Thật tâm, ông chỉ thích gà chọi thôi.
Trong cái vườn cảnh bề bộn, nhỏ hẹp ấy, ông cố chen thêm vào một chuồng gà và hai chiếc bu thửa, cao lớn lênh khênh coi rất chướng mắt.
Cả Chuẩn mê thích gà chọi lắm. Suốt ngày chỉ lăn lóc với gà. Ngay từ tờ mờ sáng, chưa dậy được, nằm trên giường, ông đã để ý nghe xem hôm nay con Chuối gáy mấy tiếng, con Bạch Nhạn gáy mấy tiếng. Có được mạnh mẽ không? Ông mê đến nỗi chẳng thiết làm ăn gì cả. Chỉ khổ bà Cả và cô Tưởng. Hai mẹ con đầu tắt mặt tối, ngược xuôi, tần tảo lấy tiền về nuôi gia đình. Thằng cu Trạm lớn rồi vẫn không được đi học. Phải ở nhà hầu hạ bố, nói là hầu hạ gà mới đúng. Lúc nào nó cũng la cà ở ngoài bờ ruộng bắt nhái, hoặc cào cào, châu chấu đem về cho gà ăn. Thằng bé đày nắng đen sạm hẳn đi.
Ông Cả để cu Trạm sống theo vết cũ của mình. Cũng như phần đông trai làng: lớn lên lấy vợ, rồi nhờ vợ sống một cuộc đời ỷ lại vô lo vô lự. Nếu nhờ trời khấm khá có đồng ra đồng vào một chút, ra hương chính, cai đám; hơn nữa, lý, phó tổng chưa biết chừng. Thế là danh phận chán rồi.
Hiện giờ, trong nhà có hai con gà đá được. Cả Chuẩn vẫn chưa vừa ý con nào. Cái Chuối chân vàng "chịu buộc bắt tảng" 1. Dầu hay, mau đòn, nhưng phải cái đá nhẹ. Cái Bạch Nhạn "Cần lập trụ" 2 đòn nặng, gan lì, thì lại chậm chạp; mặt bành xe, dại đần lắm.
Cho nên Cả Chuẩn vẫn để ý tìm tòi một tông gà hay nuôi cho bõ công vần vỗ. Ông thường phàn nàn:
- Nuôi được con gà đi đám, công phu lắm, chứ có phải dễ đâu. Hạng táp nham thì vô thiên lủng ra đấy. Nhưng không bõ.
Một bận, ông sang Tư Méo bên Bính Hạ chơi. Gớm! Ông cứ mê lên về gà của hắn. Ông thuật lại với anh em bằng một giọng vô cùng thèm muốn:
- Chết! Chết! Chơi như người ta mới là chơi, chứ như mình ấy à! Một tay lão ta nuôi hai mươi nhăm con gà, ở trong một cái trại bát ngát. Mà con nào cũng như công như phượng ấy!
Cả Chuẩn còn sang bên Tư Méo bốn năm bận nữa. Ông mày mò muốn mua một con gà mái. Cho rằng: "Chó giống cha, gà giống mẹ". Gà mẹ có hay, gà con mới đá được. Tư Méo có cái Mái Ô sô mặt tông siếc, ông mê thích quá: "Chân tay mặt mỏ ấy, nó đá như vũ như bão chứ chẳng không".
Nhưng khẩn khoản thế nào, Tư Méo vẫn không bán, mà hỏi mượn về "đúc" một lứa, hắn cũng không cho. Càng thế, Cả Chuẩn càng mê mẩn con mái xồm. Ông nhất quyết phải chiếm cho kỳ được mới yên lòng, nhưng vẫn băn khoăn chưa tìm ra cách nào.
Một buổi tối, người hàng xóm ông mất gà. Mụ xắn váy quá đầu gối, dạo khắp ngõ trong, ngõ ngoài, quai xanh vành mỏ ra sa sả rủa đứa nào đã chấp chiếm con gà mái của mụ.
Nghe vậy, Cả Chuẩn bỗng nảy ra một ý kiến. Ông mỉm cười gật gù khoan khoái, lấy làm đắc sách lắm. Sáng hôm sau, mặc dầu trời lạnh, ông đã lọ mọ xuống xóm dưới vào nhà Cả Cúi chơi. Đôi bên thì thầm bàn tán với nhau có vẻ bí mật lắm. Lúc ra về, ông còn cặn kẽ dặn đi dặn lại:
- Thế nào anh cũng cố lưu tâm giúp tôi nhé!... Nhớ con gà đen và xồm mặt ấy. Tôi không để anh thiệt đâu.
Cả Cúi gật đầu:
- Được! Được! Con nhớ kỹ rồi, ông cứ yên tâm.
Thỉnh thoảng, Cả Cúi lại lên nhà Cả Chuẩn chơi. Có lần hắn còn ở lại uống rượu nữa. Ông cũng chẳng nề hà tai tiếng chơi bời với quân câu gà với làng nước nữa.
Nửa tháng sau. Một đêm tối trời. Cả Chuẩn đã đi nằm từ lâu. Ông đang mơ mơ màng màng đến con gà mái của Tư Méo. Chợt có tiếng Cả Cúi gõ cửa rất gấp, giọng nhỏ và có vẻ sợ sệt:
- Ông Cả ơi! Ông Cả! Ông Cả ơi! Ông Cả!
Đoán chắc thế nào cũng có kết quả tốt đẹp, Cả Chuẩn sướng rơn lên. Ông vùng trở dậy, hấp tấp không kịp thắp đèn, bước thấp bước cao ra mở cửa. Ông hổn hển hỏi bóng người trước mặt:
- Cúi đấy à? Thế nào?
Hắn lách người qua cửa ngõ hé mở, thì thào:
- Được rồi.
Ông Cả vội vã đi thắp đèn, rồi ngồi ngẩn người ra ngắm con gà nghiêng nghé trong ánh sáng vàng kệch, tần ngần chẳng nói chẳng rằng. Cả Cúi sốt ruột cất giọng lè nhè đói thuốc nhắc:
- Ông cho con xin... con về chẳng khuya.
Ông Cả giật mình tỉnh mộng:
- À, nhỉ!
Rồi cứ cầm cả gà trên tay đi vào buồng, nâng đầu vợ gọi:
- Này! Này! Đưa mượn tạm năm đồng.
Bà Cả oặn oại, ậm ờ, giọng khê nồng nặc:
- Bây giờ còn lấy tiền làm gì?
Ông phát bẳn:
- Có việc chứ còn làm gì nữa? Hỏi lẩn thẩn mãi!
Bà Cả đành phải đấu dịu. Bao giờ ông gắt, bà cũng phải đấu dịu như thế:
- Ở cái bao trong bồ hàng ấy. Lấy đúng năm đồng thôi nhé.
Trả tiền Cả Cúi, đưa hắn ra về rồi, ông Cả vẫn còn ngồi mê man ngắm gà đến mãi khuya.
Đêm ấy, Cả Chuẩn trằn trọc không sao ngủ được. Ông cứ nghĩ luẩn quẩn về con gà mới mua, và tưởng tượng đến bao nhiêu chiến công rực rỡ của đàn con nó sau này, mãi gần sáng, mới chợp đi được một lúc. Trong giấc mơ, ông chập chờn thấy toàn những gà là gà.
Hôm sau, ông đi khắp mặt làng chơi trong làng khoe mình mới mua được con gà mái ô đẹp lắm, của anh bán cúi gánh qua. Và nhân thể ông đặt luôn nó là cái Mái Củi Tạ.
Con Củi Tạ đá nặng đòn lắm. Ai xem cũng phải thán phục nó có đôi quản đẹp. Cả Chuẩn đã cho thử tài đến năm sáu bận. Không con nào chịu nổi nó đến ba hồ. Lần nào cũng chỉ hai hồ, hai hồ rưỡi đảo về là nó đánh con địch một đòn cứ biệng siệng như người say. Cho đến hết hồ thứ ba là phải chạy. Duy có con Mái Xám của phó Tiệm trên phố phủ, gan liền mới chịu được năm hồ, thì hôm sau ngã gục xuống chuồng lợn chết.
Con Mã Mái Con Mã Mái - Kim Lân Con Mã Mái