Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: David Zierler
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1188 / 26
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Cỗ Máy Tối Tân Và Người Lính Du Kích
uyết định tiến hành chiến dịch diệt cỏ ở Việt Nam tháng 11 năm 1961 là một phần quan trọng trong chiến lược lớn của tổng thống John F.Kennedy nhằm ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản và giảm sự tầm ảnh hưởng toàn cầu của Liên Xô. Ba năm trước khi Lyndon B. Johnson “chọn phương án chiến tranh” đối với miền Bắc Việt Nam, tiến hành đánh bom liên tục và đưa đến Việt Nam lực lượng đánh bộ đông đảo của Mỹ, Kennedy đã đưa ra một loạt các kế hoạch đàn áp để tiêu diệt quân của Mặt trận dân tộc giải phóng, hay còn gọi là Việt Cộng. Đây là một tổ chức cách mạng cộng sản, liên kết với chính phủ tại Hà Nội, có lực lượng du kích kiểm soát hầu hết các khu vực nông thôn miền Nam Việt Nam. Đến mùa thu năm 1961, Mặt trận dân tộc giải phóng dường như đã sẵn sàng để lật đổ chính quyền thân Mỹ ở Sài Gòn, đứng đầu là tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau những thất bại quân sự và ngoại giao ở những nơi khác, đặc biệt là Cuba và Berlin, Kennedy và các cố vấn đối ngoại của mình đề xuất tiến hành các hoạt động quân sự với công nghệ tiên tiến để giải quyết xung đột tại Việt Nam. Kennedy coi đây là biểu tượng Mỹ thể hiện sự quyết tâm đối đầu với sự bành trướng của cộng sản. Thuốc diệt cỏ phát minh bởi Ezra Kraus trong suốt thế chiến thứ II trở thành vũ khí quan trọng bậc nhất trong chiến lược đàn áp, với mục đích phát hiện và triệt nguồn lương thực của quân du kích ở nông thôn miền Nam Việt Nam.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Kennedy đã tìm cách thay đổi các phương pháp đàn áp, nếu không nói là cả mục tiêu mà người tiền nhiệm Dwight D.Eisenhower theo đuổi. Kennedy nhấn mạnh sự cần thiết của các phương pháp mới, với mục đích dò xét khả năng Mátxcơva sẽ thúc đẩy và hỗ trợ các phong trào cộng sản cách mạng ngoài châu Âu. Được tung ra theo lệnh của tổng thống vào ngày 25 tháng 5 năm 1961, chiến lược lớn mang tên “Đáp trả linh hoạt” kêu gọi tăng cường và đa dạng hóa khả năng tấn công của quân đội Mỹ, nhằm đánh bại các mầm mống cộng sản trên toàn cầu: “Tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ quốc phòng thực hiện tái cơ cấu và hiện đại hóa tổ chức quân đội, tăng sức mạnh hỏa lực phi hạt nhân, cải thiện tính cơ động chiến thuật trong mọi hoàn cảnh, đảm bảo sự linh hoạt khi ứng phó với các mối nguy trực tiếp hay gián tiếp, và tạo điều kiện tăng cường hợp tác với các đồng minh chính, cũng như bổ sung các sư đoàn có trang bị máy móc hiện đại tới châu Âu, và cung cấp thêm không quân tại chiến trường Thái Bình Dương và châu Âu”.
Kennedy và các cố vấn chính sách đối ngoại của mình đã xây dựng chiến lược “Đáp trả linh loạt” với đối lại với chính sách “Tầm nhìn mới” của người tiền nhiệm Eisenhower. Theo như nhà sử học John Lewis Gaddis quan sát, “Tầm nhìn mới” tìm cách “ngăn chặn cộng sản hiệu quả nhất bằng chi phí thấp nhất có thể”, do đó chủ yếu dựa vào chiến lược răn đe bằng sức mạnh hạt nhân, thay vì dùng lực lượng quân đội hùng hậu. Theo nghiên cứu gần đây của Richard H. Immerman và Robert R. Bowie thì Tầm Nhìn Mới của Eisenhower có nhiều mục đích hơn là chỉ răn đe hạt nhân - đây thực chất là một “chiến lược nền tảng của quốc gia” mà ngài tổng thống cùng các cố vấn tìm cách đánh giá và hành động trước theo những mối đe dọa thực tế lẫn tiềm tàng từ Liên Xô. Tuy vậy để tạo khác biệt với chính sách của Eisenhower, Kennedy tập trung chủ yếu vào cải cách những chính sách hạt nhân của người tiền nhiệm. Ý tưởng đằng sau chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt là: thời đại mới cần có những chiến lược đề phòng mới. Ví dụ, trong diễn văn nhậm chức của mình, Kennedy đã tuyên bố, “ngọn đuốc đã được truyền tới tay một thế hệ người Mỹ mới”, nhấn mạnh rằng đã tới lúc Mỹ cần có sự thay đổi trong chiến lược chiến tranh lạnh.
Cho dù tuyên bố về “cách biệt về sức mạnh tên lửa” (“Missile gap”, là thuật ngữ được Mỹ sử dụng, nói về sự chênh lệch giữa số lượng và sức mạnh của vũ khí tại Liên Xô và các kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh - chú thích của dịch giả) đã giúp Kennedy có một “tấm vé” an toàn vào Nhà Trắng năm 1960; vị tổng thống mới chỉ trích chính sách an ninh quốc gia của Eisehnhower chủ yếu vì bởi nó không thể làm giảm các mối đe dọa trong một thế giới đang thay đổi từng ngày. Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, Kennedy ít xoáy vào những gì chiếc lược Tầm Nhìn Mới đã làm được trong quá khứ, bởi nó quá rõ ràng. Chính sách đối ngoại của Eisenhower tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong việc đạt cùng những mục tiêu mà Kennedy đặt ra cho vấn đề an ninh Mỹ trong tương lai. Vào cuối nhiệm kỳ của mình, Eisenhower và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles (mất năm 1959) hoàn toàn có thể kiêu hãnh vì kết thúc được chiến tranh Hàn Quốc, đảm bảo sự ổn định lâu dài ở Tây Âu, làm chậm sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở các nước thứ ba, và quan trọng nhất là, tránh chiến tranh hạt nhân bất chấp mối đe dọa từ sự “báo thù lớn”. Hoặc cũng có thể chính sự đe dọa ấy là nguyên nhân khiến Eisenhower muốn tránh chiến tranh hạt nhân. Hơn nữa, Kennedy đã đánh giá thấp một thực tế khó khăn mà Eisenhower vấp phải, đó là Eisenhower đã tự buộc mình và quá phụ thuộc vào hàng loạt sách lược chống cộng sản quá xa rời “kế hoạch bên miệng hố chiến tranh hạt nhân”.
Nhà lý luận quân sự, người đã đặt ra thuật ngữ “Đáp Trả Linh Hoạt”, và là người tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược này tại Việt Nam là Maxwell D. Taylor, Tham mưu trưởng của quân đội Mỹ từ năm 1955 tới 1959. Taylor cho rằng sự ổn định tạm thời của hệ thống quốc tế những năm 1950 không phải là kết cục tốt đẹp mà những chính sách của Eisenhower mang lại; ông cho rằng nước Mỹ vào khoảng năm 1960 là một dân tộc bên bờ vực thảm họa bởi những chính sách kia đã bỏ qua hay thậm chí làm cho những mối đe dọa an ninh xuất hiện sớm hơn. Khác với Kennedy, Taylor không cần phải cân nhắc khi đưa ra các phát ngôn chính trị về những vấn đề đó. Chính vì vậy, ngay sau khi nghỉ hưu, Taylor bắt đầu công kích chiến lược Tầm Nhìn Mới. Nhờ những ý kiến giá trị đó mà chẳng bao lâu Taylor đã trở lại vai trò quan trọng là cố vấn quân sự đặc biệt của Kennedy trong Nhà Trắng.
Taylor đã xuất bản cuốn sách với tựa đề Tiếng trompet - ngập ngừng năm 1959 để vạch trần “những sai lầm to lớn” trong chiến lược chiến tranh lạnh của Eisenhower. Ông cho rằng chiến lược đó đã dựa trên nền tảng cơ bản sai lầm khi cho rằng“từ nay trở đi việc sử dụng hay chỉ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân có mức tàn phá lớn cũng đủ để đảm bảo an ninh của Mỹ và đồng minh”. Đối với Taylor, vấn đề tựu trung lại là lòng tin: giả sử chính quyền Eisenhower trông cậy nhiều đến vậy vào vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh quốc phòng cho Mỹ và đồng minh, thế thì khi nào các nhà lãnh đạo phải sử dụng đến chiến tranh hạt nhân? Tình trạng được ăn cả ngã về không mà chính sách ngoại giao hạt nhân đưa lại, theo quan điểm của Taylor: “Chỉ có hai lựa chọn, hoặc bắt đầu chiến tranh hạt nhân hoặc thỏa hiệp và rút lui”. Có hai diễn tiến khiến Taylor tin rằng các nhà cầm quyền ở Mỹ rồi sẽ chọn phương án thứ hai. Thứ nhất, đe dọa hạt nhân không thể ngăn được chiến tranh du kích hay nổi loạn ở nhiều nơi khác nhau như Mỹ Latinh hay Đông Á. Taylor cho rằng những xung đột địa phương, thậm chí cả những xung đột đe dọa làm nghiêng cán cân quyền lực về phía Khối Cộng Sản, cũng không phải là quá lớn đến nỗi Mỹ phải mạo hiểm sử dụng chính sách đối đầu hạt nhân. Thứ hai, theo quan điểm của Taylor, Liên Xô không chỉ nhận ra được sự bất lực trong chính sách đe dọa hạt nhân của Mỹ mà còn bắt kịp, thậm chí vượt qua Mỹ về trình độ công nghệ hạt nhân và những vũ khí quân sự thông thường khác. Taylor đã mô tả rất rõ về hậu quả mà những điều này có thể mang lại:
“Nhiều năm nay người ta đã tiên đoán rằng trong giai đoạn nào đó khi hai bên áp dụng chính sách răn đe lẫn nhau, Xô Viết sẽ bắt đầu gia tăng mức độ khiêu khích. Năm 1959, chúng ta đã ở trong tình trạng đó và thực tế đã chứng minh phỏng đoán trên là đúng. Các phong trào cộng sản ở Đài Loan, Trung Đông, Berlin và Lào là những ví dụ về việc các nước này gia tăng sử dụng sức mạnh quân sự để đáp trả trong thời kỳ chiến tranh lạnh hay chiến tranh giới hạn. Khi Xô Viết chắc chắn hơn về ưu thế vũ khí chiến tranh thông thường của mình, đặc biệt là tên lửa liên lục địa, và một khi cảm thấy sự rụt rè từ phía Mỹ, thì có thể đối phương sẽ lợi dụng điểm yếu đó và ngày càng gia tăng sức ép để buộc ta quy phục. Đối phương và cả đồng minh của ta không tin rằng chúng ta sẽ sử dụng các hoạt động trả đũa ồ ạt nếu không phải vì sự sống còn của đất nước. Thế thì ta phải làm gì khi vấp phải những sự khiêu khích của quân Cộng Sản trong tương lai?”.
Theo các nhà lý luận khác nhận xét, chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt cũng rất phù hợp áp dụng cho hoạt động quân sự ở phạm vi rộng hơn, mở rộng sự răn đe hạt nhân của Mỹ với một thế hệ vũ khí hóa sinh học mới. Thiếu Tướng Marshall Stubbs, một quan chức của Quân đoàn hóa chất thuộc quân đội Mỹ đã phát biểu:
“Vì ngại xảy ra chiến tranh hạt nhân nên Xô Viết sẽ không sử dụng vũ khí nguyên tử nếu những phương tiện khác cũng giúp họ đạt được mục đích. Nếu điều này là đúng, chúng ta giờ đang chính trong giai đoạn phát triển những vũ khí khác, những vũ khí không có sức mạnh hủy diệt toàn bộ. Vì chúng ta cũng phải chịu áp lực như họ, thậm chí là nhiều hơn, vì ta quan tâm hơn đến việc bảo vệ người dân lẫn các nước đồng minh. Nếu Cộng sản đạt được ưu thế với những thứ vũ khí sinh hóa học mới này mà chúng ta không thể đuổi kịp hoặc tự vệ được, thì sức mạnh hạt nhân của ta sẽ chỉ là lý thuyết suông mà thôi”.
Cách chính quyền Kennedy diễn dịch những phát biểu và hành động của Xô Viết đã chứng minh cả hai điều trong phân tích của Maxwell Taylor đều đúng. Vào mùng 6 tháng Một năm 1961, hai tuần trước lễ nhậm chức của Kennedy, thủ tướng Xô Viết Nikita Khrushchev tuyên bố: “Chiến tranh giải phóng sẽ còn tồn tại đến khi nào chủ nghĩa đế quốc còn, chủ nghĩa thực dân còn. Đây là những cuộc chiến tranh cách mạng. Những cuộc chiến này không chỉ chính đáng mà còn tất yếu, vì thực dân không tự nguyện dâng cho ta độc lập”.
Tuyên bố hậu thuẫn có vẻ chắc chắn của Khrushchev đối với các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cũng như việc Mátxcơva ngày càng lớn giọng trước cuộc khủng hoảng ngày càng lớn hơn tại Berlin trở thành mối quan tâm chủ yếu trong chính sách ngoại giao của Kennedy.
Một bản ghi nhớ về vấn đề an ninh quốc gia cho thấy chính quyền mới đánh giá thông báo của Khrushchev rất nghiêm trọng: “Khối Cộng sản đã tuyên bố về dự định thay đổi Thế Giới Tự Do (Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Thế Giới Tự Do chỉ các quốc gia không nằm trong tầm ảnh hưởng hoặc là đồng minh của Xô Viết hay Trung Quốc - chú thích của biên tập) bằng một loạt các động thái lật đổ hay chiến tranh “giải phóng”. Nếu thành công, họ sẽ làm giảm sức mạnh lẫn ý chí phản kháng của Thế Giới Tự Do. Mỹ và đồng minh vì vậy cần ngăn cản, hoặc nếu cần thiết, sẵn sàng ứng chiến trước bất kỳ sự gây hấn nào dù xảy ra ở bất kỳ đâu, dưới bất kỳ hình thức nào.
Mấu chốt của chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt là sự đa dạng hóa. Nếu như Tầm Nhìn Mới phụ thuộc quá nhiều vào hình thức chiến tranh tối hậu, và nếu như kẻ thù của Mỹ yên tâm rằng một loạt các “hành động khiêu khích” cũng không thể dẫn tới đối đầu hạt nhân, thì nhiệm vụ căn bản trong những năm 1960 là phát triển các hình thức mới thích ứng với mọi tình huống chiến tranh có thể xảy ra. Bằng cách tập trung vào các chiến lược cường độ thấp để đối phó với quân du kích, kế hoạch Đáp Trả Linh Hoạt giúp Mỹ khéo léo tránh được cái bẫy hạt nhân, mà theo lý thuyết, là đã làm giảm đi sức mạnh mà vũ khí hạt nhân hứa hẹn. Theo như nhà sử học William Duiker quan sát, chiến lược mới đã tìm cách “giúp Mỹ tăng cường các thế lực đồng minh để chống thù trong giặc ngoài mà không lo ngại về một sự leo thang dẫn tới đối đầu hạt nhân giữa các cường quốc”.
Nguồn lực Nhà Trắng đổ ra để để củng cố quốc phòng khá lớn: mùa hè năm 1961, ngân sách đệ trình quốc hội của chính quyền Kennedy yêu cầu tăng chi phí quân sự phi hạt nhân lên năm tỉ Đô la và thêm 250 000 lính tại ngũ với lý do đụng độ Mỹ-Xô có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bầu không khí khủng hoảng, hay cái mà nhà sử học George Herring gọi là “tâm lý bị vây hãm”, trùm lên các nhà cầm quyền ở đầu nhiệm kỳ của Kennedy đã đặt ra hai câu hỏi do những ai vẫn băn khoăn về việc làm thế nào mà kế hoạch quân sự hóa khoa trương của vị tổng thống mới sẽ thành sự thật: Quân đội Mỹ sẽ thêm những cải tiến nào về kế hoạch dự phòng khẩn cấp của mình? Quân đội Mỹ sẽ thử nghiệm các phần của kế hoạch Đáp Trả Linh Hoạt với kẻ thù nào và Mátxcơva sẽ đáp trả ra sao? Tình hình ngày càng tồi tệ ở miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra đáp án cho cả hai câu hỏi.
Việc Kennedy có thẩm quyền cá nhân ra lệnh tiến hành chiến tranh diệt cỏ chống lại quân của Mặt trận dân tộc giải phóng là một biểu hiện ưu việt của chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt, vì những nhà chiến lược khi soạn thảo dự kiến chiến lược này dùng để ngăn chặn ảnh hưởng của Xô Viết trên phạm vi toàn cầu. Chiếc lược phải được thử nghiệm vì ba lý do. Thứ nhất, nếu không có các cuộc diễn tập thử nghiệm, chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt sẽ chỉ là lý thuyết. Vào giữa năm 1961, miền Nam Việt Nam là nơi duy nhất thích hợp cho việc kiểm chứng tính hiệu quả của chiến lược mới. Thứ hai, các quan chức cầm quyền nhận thấy nguy cơ miền Nam Việt Nam sẽ rơi vào quỹ đạo Cộng sản, và chỉ điều đó thôi là đủ để Mỹ có lý do áp dụng Đáp Trả Linh Hoạt trên diện rộng trong thời gian dài. Thứ ba, hoàn cảnh chính trị và địa lý của miền Nam Việt Nam khiến nơi đây trở thành một “phòng thí nghiệm” lý tưởng để thử nghiệm các học thuyết đàn áp nổi dậy xây dựng bởi ngài tổng thống và em trai mình, Tổng tư pháp Robert F.Kennedy.
Theo như nhà sử học Lawrence Freedman quan sát, “Kennedy muốn”đáp trả linh hoạt” không phải ở mức độ chiến tranh hạt nhân hay chiến tranh thông thường, mà ở mức đàn áp các phong trào nổi dậy”. Năm 1963, các nhà lý luận và cố vấn quân sự gần gũi với Kennedy đã lập ra một thư viện đúng nghĩa gồm các sách báo thuộc thể loại “đàn áp nổi dậy”, một thể loại xuất hiện chủ yếu nhằm đối kháng với các tác phẩm của các nhà cách mạng cộng sản như Mao Trạch Đông hay Che Guevara. Những cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Kennedy đã nghiên cứu kỹ những bài viết này bởi họ tin rằng để có được các phương pháp đàn áp hiệu quả, cần có được sự hiểu biết sâu sắc về tư tưởng cách mạng cộng sản.
Mặc dù cơ sở của toàn bộ chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt đặt trên giả thuyết chiến lược rằng Mỹ phải đối đầu với các phong trào cách mạng cộng sản ở bất cứ nơi nào phong trào bùng nổ, nhưng tình hình quốc tế xem ra không thuận lợi như viễn cảnh Kennedy vẽ ra lúc đầu. Ở Cu Ba, khi giới cầm quyền lần đầu định thực hiện những kế hoạch công phu và bí mật hòng lật đổ chế độ Fidel Castro, thì chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt thực sự là một thảm họa: cuộc tấn công chiếm đóng Vịnh Con Lợn vào tháng 4 năm 1961 thất bại đã xóa bỏ hoàn toàn cơ hội cho nhóm người Cu Ba chống đối thân Mỹ nắm được quyền kiểm soát Havana; nỗ lực mưu sát Castro của Cơ quan Tình Báo Mỹ (CIA) cũng không hiệu quả; quyết định can thiệp vào Cu Ba của Mỹ cùng với quyết định đặt đầu đạn hạt nhân tại đất nước này của Khrushchev đã dẫn tới Khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng Mười năm 1962. Trớ trêu thay, cuộc khủng hoảng này chính là con bài cuối cùng mà Kennedy không muốn ngửa ra khi chọn con đường tập trung đầu tư vào vũ khí và các chiến lược phi hạt nhân.
Trong khi đó, cuộc đối đầu tại Berlin - nơi mà đặc điểm đàn áp cách mạng của chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt về cơ bản là không áp dụng được - có chiều hướng xấu đi khi Khrushchev ra lệnh xây dựng bức tường Berlin ngay sau cuộc đối đầu với Kennedy tại cuộc họp thượng đỉnh tại Vienna vào tháng 6 năm 1961. Sau hội nghị thượng đỉnh và trước Bức Tường Berlin, một thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) đã khéo léo tóm tắt lập luận tất yếu của một chính phủ đang gặp khó tứ bề: “Sau Lào, và sắp tới là Berlin, chúng ta không thể nào không dốc toàn lực để quét sạch miền Nam Việt Nam”.
Lý do thứ hai gắn với tình hình chính trị đặc thù ở Việt Nam và sự liên quan của nó tới cao trào quá trình bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Bài diễn văn của Khrushchev vào đầu tháng 1 năm 1961 đã được chính phủ mới coi là một lời thề dốc toàn lực hỗ trợ Quân Giải Phóng. Ngoại trưởng Mỹ William Bundy mô tả quan điểm chung của những “người chủ mới” ở Nhà Trắng: “Những điều đang diễn ra ở Việt Nam dường như là điển hình rõ ràng nhất đại diện cho điều mà hồi tháng Một Khrushchev đã gọi là “chiến tranh giải phóng dân tộc”. Vị tổng thống mới vốn đã dựng cho mình tiếng tăm là một trong những hậu thuẫn vững chắc nhất ở Washington đối với sự độc lập của miền Nam Việt Nam; nên dù cho ý định thực sự của Khrushchev là gì thì bài phát biểu của ông và sự liên quan rõ ràng với tình hình Việt Nam cũng khiến Việt Nam trở thành nơi Mỹ “vạch đường chiến tuyến” với Mátxcơva.
Khi còn là thượng nghị sĩ bang Massachusetts, những tuyên bố mạnh miệng nhất của Kennedy đối với chính sách đối ngoại là về tầm quan trọng tột bậc của việc đảm bảo sự ổn định lâu dài ở miền Nam Việt Nam: Năm 1954, Kennedy ủng hộ Ngô Đình Diệm lên chức tổng thống miền Nam Việt Nam; hai năm sau, Kennedy ra mặt chỉ trích Nghị định thư Geneva 1954 đã chia cắt Việt Nam từ vĩ tuyến 17, chính thức kết thúc những nỗ lực thất bại của Pháp nhằm tái lập chế độ thực dân tại Việt Nam. Hiệp định tạo cơ sở để tiến tới thống nhất hai miền Nam Bắc dưới một chính phủ được bầu chọn một cách dân chủ (có khả năng là chính phủ Cộng Sản). Nhận thấy rằng miền Nam Việt Nam chẳng khác gì một sản phẩm chính trị do Mỹ tạo ra - và luôn có nguy cơ rơi vào phạm vi kiểm soát của Cộng Sản - tháng 6 năm 1956, Kennedy đã phát biểu hùng hồn thể hiện sự quyết tâm bảo vệ chính phủ tại Sài Gòn nếu được bầu: “Nếu chúng ta không phải cha mẹ của nước Việt Nam nhỏ bé này thì ít ra cũng là người đỡ đầu… Đây là con của chúng ta”.
Vào mùa hè năm 1961, Kennedy quyết định phải tăng cường đáng kể những hoạt động quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Áp lực từ Bộ tổng tham mưu liên quân Mỹ (JCS) và những báo cáo với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng từ Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đã khiến ngài tổng thống thấy cần có những hành động trực tiếp. Tuy trong vài tháng đầu nhậm chức, tình hình ở Việt Nam vẫn kém ưu tiên hơn nhiều so với vấn đề ở Lào, nhưng, Kennedy lo sợ hiệu ứng “Đô mi nô” sẽ xảy ra khắp Đông Nam Á nếu quân của Mặt trận dân tộc giải phóng đạt được mục tiêu họ đặt ra là “lật đổ chế độ thực dân ngụy trang của Đế quốc Mỹ và sự cai trị độc tài của Ngô Đình Diệm”. Một cuộc họp của Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ vào tháng 5 năm 1961 đã vạch ra chính sách cai trị miền Nam Việt Nam, kêu gọi Mỹ “ngăn chặn sự thống trị của Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam, tạo ra một xã hội có thể phát triển và ngày càng dân chủ hóa; để khởi động và triển khai nhanh một loạt chính sách quân sự, chính trị, kinh tế và tâm lý hỗ trợ lẫn nhau cùng với vỏ bọc phù hợp để đạt được mục tiêu này”.
Kế hoạch này được triển khai trực tiếp tại miền Nam Việt Nam, đồng thời những người lập chiến lược cũng nhằm gây tiếng vang chính trị, cho cả thế giới thấy được dấu hiệu quyết tâm chống Cộng của Mỹ. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Walt W. Rostow, nguyên là nhà kinh tế học tại học viện công nghệ Massachusetts (MIT) và là một trong những người hăng hái nhất ủng hộ cam kết của Mỹ tại Việt Nam, từ trước đó hai tháng đã khuyên ngài tổng thống rằng Cộng sản trên toàn thế giới sẽ nhìn vào cái gương Việt Nam mà nhụt chí; “Chúng ta sẽ chứng minh rằng những chiến thuật chiến tranh du kích của Cộng sản hoàn toàn có thể bị đánh bại”.
Những quyết định dẫn đến thông cáo của Kennedy vào tháng 5 năm 1961 hình thành từ nhiều tuần trước lễ nhậm chức của ngài tổng thống. Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đã hoàn thành bản báo cáo chi tiết về tình hình đàn áp cách mạng vào mùng 4 tháng 1 năm 1961, sẵn sàng cho Kennedy đọc vào cuối tháng đó. Bản báo cáo miêu tả quan điểm của các quan chức quân sự và ngoại giao đóng tại Sài Gòn, ủy ban soạn thảo báo cáo được chủ trì bởi Joseph Mendenhall, một thành viên Bộ Ngoại giao Mỹ. Bản báo cáo mô tả tình hình ở mức độ nghiêm trọng: Chính phủ Sài Gòn có thể sẽ sụp đổ chỉ trong vài tháng nếu Tổng thống Diệm không có những hành động phối hợp tức thời để đàn áp Mặt trận dân tộc giải phóng. Nhìn chung, đại sứ quán cho rằng sự sống còn của chính phủ Sài Gòn là trách nhiệm của một mình ông Diệm: với sự hỗ trợ đầy đủ từ phía Mỹ, chính phủ của ông ta phải có trách nhiệm dập tắt sự nổi dậy của Cộng Sản. Thông điệp cơ bản từ phía họ là Mỹ nên triển khai những hoạt động đàn áp lập tức, hoặc chuẩn bị lật đổ chính quyền thân Mỹ tại Sài Gòn.
Vào thời gian chuyển tiếp ban đầu đó, đại sứ quán Mỹ có khá ít ảnh hưởng đến chính sách về Việt Nam của Kennedy. Ngài tổng thống quan tâm hơn tới những đánh giá của Chuẩn tướng Edward G. Lansdale sau khi ông ta tới thăm Việt Nam vào đầu tháng Một năm 1961 và tiếp sau đó là cuộc trò chuyện với Kennedy trong suốt thời gian họp của Ủy ban An ninh Quốc gia vào cuối tháng đó. Tại cuộc họp, Lansdale đã nhấn mạnh tình hình nghiêm trọng tại miền Nam Việt Nam. Nhiều người đã nghe danh ông ta từ trước. Những năm trước, ông ta nổi tiếng là người “không theo quy tắc”trong quân sự, và được nhiều quan chức thuộc chính phủ Kennedy ngưỡng mộ, bao gồm cả Rostow, người đã nhận xét rằng Lansdale “biết nhiều về chiến tranh du kích ở châu Á hơn bất cứ người Mỹ nào”.
Lansdale ưa nói về những hoạt động bí mật chống quân nổi dậy ở Phillipines sau thế chiến thứ II; đến cuối những năm 50, ông có thời gian dài lưu lại miền Nam Việt Nam, có mối quan hệ khăng khít với ông Diệm và đứng ra hậu thuẫn cho ông này ở Washington. Những đóng góp chủ yếu của Lansdale trong chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam gồm ba phần: (1) ông ta tin rằng các quan chức đại sứ quán đã không nhận ra rằng Diệm là người lãnh đạo duy nhất có thể duy trì miền Nam Việt Nam là khu vực sạch bóng Cộng Sản; (2) Ông ta cũng chỉ trích quan điểm quân sự của nhiều người cho rằng mối đe dọa lớn nhất với chính quyền Sài Gòn là miền Bắc Việt Nam; Nghĩa là phải để tấn công Mặt trận dân tộc giải phóng bằng những kỹ thuật đàn áp mới thay vì chỉ lập kế hoạch dự phòng dựa trên giả thuyết là miền Bắc Việt Nam có thể tấn công. (3) Ông ta cũng cho rằng các chiến thuật tấn công quân sự sẽ chỉ thành công nếu phối hợp thực hiện với nhiều chương trình phát triển và hỗ trợ dành cho người nông dân miền Nam Việt Nam.
Việc Lansdale nhấn mạnh vào các hoạt động đàn áp như một hành động táo bạo đã hấp dẫn Kennedy về lợi ích kép của việc “xây dựng đất nước”, và cùng lúc tạo nên cái phông thực tế để có thể áp dụng chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt. Sau bài báo cáo với tổng thống tại cuộc họp của NSC, Lanscale đảm bảo vai trò làm cầu nối giữa chính quyền và Đoàn cố vấn và trợ giúp quân sự Mỹ (MAAG), dưới sự lãnh đạo của Đại Tướng Paul D. Harkins.
Vào thời kỳ bắt đầu đưa ra một chính sách chính trị - quân sự tại miền Nam Việt Nam, vấn đề gây tranh cãi giữa phe tin tưởng vào một chiến thắng nhanh chóng và phe bi quan dự báo cảnh “sa lầy” còn nằm ở cấp độ chiến thuật chứ không phải chiến lược. Trong số các thành viên NSC và các quan chức quân sự, hầu như không ai nghi ngờ giá trị chiến lược của Đông Nam Á với vai trò là mặt trận chủ chốt trong cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu. Vấn đề là làm thế nào để hoàn thành được nhiệm vụ đó. Liệu ông Diệm - người mà các quan chức Mỹ nhận định là tham ô và độc ác- có phải là nhà lãnh đạo duy nhất mà Mỹ nên đặt cược danh tiếng của mình vào như Lansdale đã khăng khăng khẳng định hay không? Hơn nữa, làm sao Mỹ có thể tiến hành chiến tranh đàn áp tại một nơi có địa hình bất lợi còn kẻ thù thì khó phát hiện? Phó tổng thống Lyndon B. Johnson, trở lại vào tháng 5 năm 1961 sau một chuyến tới miền Nam Việt Nam, nơi ông đã gặp Diệm, tỏ ra ít lạc quan hơn về viễn cảnh thắng lợi so với nhiều đồng nghiệp của mình, đặc biệt là những người luôn ca tụng giá trị của các hoạt động đàn áp. “Trước khi chúng ta có bất cứ hành động nào”, Johnson cảnh báo, “nên biết rằng chắc chắn ta sẽ sa vào việc đuổi bắt dân quân và du kích trên các đồng ruộng và khu rừng ở Đông Nam Á trong khi kẻ thù chính của ta là Trung Quốc và Xô Viết thì đừng ngoài xung đột và tiết kiệm được sức lực”. Nhận xét này cho thấy được sự chênh lệch rành rành giữa điều Johnson thật sự băn khoăn và cái ông phô bày ra trước công chúng: bài phát biểu nổi tiếng của ông trong chuyến viễn du Sài Gòn vào tháng 5 năm 1961 ca ngợi ông Diệm là “Winston Churchill của châu Á” rõ ràng chỉ là màn kịch chính trị.
Việc có thể “sa lầy” trong địa hình rừng ở miền Nam Việt Nam, cùng với viễn cảnh phải chiến đấu với những kẻ thù giấu mặt đã trở thành mối quan tâm chính và là mục tiêu của các nhà nghiên cứu sách lược đàn áp; đây cũng là điều khiến các tướng lĩnh quân sự phản đối việc can thiệp vào Việt Nam. Maxwell Taylor đã miêu tả chiến thuật du kích của quân Mặt trận dân tộc giải phóng: “Họ tấn công đội quân chính phủ trơ trọi, sau đó biến mất vào trong rừng”. Theo như nhà khoa học chính trị Samuel P. Huntington ghi chép lúc đó, nhờ rừng xanh che chở mà quân nổi dậy biến điểm yếu thành điểm mạnh: “Chiến tranh du kích là một hình thức chiến tranh mà bên yếu hơn về mặt chiến lược sẽ tấn công chiến thuật với hình thức, thời gian, địa điểm do họ chọn”.
Trên cái nền rừng xanh đó, một đại tá cũng miêu tả về quân du kích như người chiến binh “bí mật và bền bỉ trong hành động, di chuyển như một con hổ trong đêm với sự khôn ngoan của một con cáo khi tấn công… Một người du kích, với chiến thuật đánh rồi rút, gieo rắc sự khiếp sợ và kỹ thuật ám sát không cần theo bài bản quân sự”. Đại Tướng Curtis LeMay, người ủng hộ việc Không quân Mỹ tiến hành các hoạt động thăm dò trên không để tiêu diệt Quân giải phóng đã nói “Một điểm rất đặc trưng của quân du kích là khả năng thoát khỏi các hoạt động theo dõi tình báo chính quy””. Tổng tham mưu liên quân Mỹ Lionel McGarr cho rằng rừng là trở ngại lớn nhất cho an ninh của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam: “Quân Cộng Sản đã chọn được một trận địa tốt. Khu vực rừng và bìa rừng rộng lớn với cây cối chen chúc là điều kiện hoàn hảo cho việc đột nhập. Có thể ưu thế lớn nhất của chiến thuật này là bóng cây. Về mặt chiến thuật, điều này tạo ra sự khác biệt tức thì giữa quân du kích và quân đội bất lực vì vốn chỉ được huấn luyện để phát hiện kẻ thù trong hoàn cảnh chiến tranh thông thường (hình 3).
H3
Củ cà rốt “kiến thiết quốc gia” song song với hoạt động đàn áp mà Kennedy đã nhắc đến trong bài phát biểu ngày 11 tháng 5- cũng là mục tiêu chiến thắng “con tim và khối óc” Việt Nam mà mà tổng thống Lyndon B. Johnson đề ra năm 1965 - không thể tiến hành nếu thiếu nỗ lực phối hợp nhằm đương đầu và tiêu diệt Quân giải phóng ở những vùng xa tại miền Nam Việt nam. Theo như David G. Marr, một sĩ quan tình báo thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, người sau này trở thành một sử gia có tiếng tăm về Việt Nam thế kỷ XX, hồi tưởng lại: “Ngay từ đầu, chiên dịch đàn áp ở Việt Nam đã đặt nặng quân sự hơn chính trị, buộc thi hành “nền an ninh bằng bạo lực” thay vì quan tâm tới các vấn đề nhạy cảm như sự chuyển dịch xã hội hay những lề thói tâm lý cũ. Nói tóm lại, đó là hành động đàn áp cách mạng trắng trợn chứ không phải là giải phóng, mặc dù rất ít người Mỹ trong cuộc sẵn lòng thừa nhận điều này vào thời gian đó”.
Quan điểm chú trọng dùng bạo lực để duy trì trật tự hơn là các hoạt động hữu ích mang tính hỗ trợ khác của chiến dịch là nguyên nhân khiến chính quyền Mỹ tại Việt Nam quyết định tiến hành các hoạt động rải thuốc diệt cỏ ngay từ lúc đầu triển khai kế hoạch dự phòng. Vào ngày 12 tháng Tư năm 1961, Walt Rostow gửi Kennedy một bản thư báo vạch ra 9 hoạt động mà Mỹ cần thực hiện ở miền Nam Việt Nam. Đề xuất thứ năm kêu gọi ngài tổng thống gửi một đội nghiên cứu quân sự tới Việt Nam để hợp tác với Lionel McGarr tìm ra các “kĩ thuật và phương tiện” đa dạng nhằm chống lại quân giải phóng. Rostow không nói cụ thể các “kĩ thuật và phương tiện” đó là gì. Vào ngày 26 tháng 4, thứ trưởng Bộ quốc phòng Roswell L. Gilpatric, trình tổng thống Kennedy một “chương trình hành động” ở miền Nam Việt Nam, trong đó dẫn lại yêu cầu của Rostow về việc lập thêm một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở miền Nam Việt Nam nhằm tìm ra các kỹ thuật đàn áp mới. Bản thư báo đã đề cập tới tình hình thiếu các kỹ thuật dò tìm trên không để xác định sự di chuyển quân du kích. Hai tuần sau, phó tổng thống Johnson được sự đồng ý từ Diệm về việc thành lập trung tâm nghiên cứu. Với sự đồng ý của Diệm, Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu cao cấp (ARPA) của Lầu Năm Góc đã lập ra Trung tâm phát triển và thử nghiệm tác chiến (CDTC) của Mỹ và chính quyền miền Nam, ngay sau đó được điều hành bởi Trung Tướng McGarr của Bộ tham mưu liên quân Mỹ.
Edward Lansdale, người đưa ra chỉ thị từ Lầu Năm Góc, đã xác định mục tiêu của Trung tâm phát triển và thử nghiệm tác chiến là “lập tức tìm ra, phát triển và/ hoặc thử nghiệm và cải tiến các loại vũ khí và máy móc hạng nặng mới và tiên tiến để sử dụng tại chiến trường Đông Dương”. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của trung tâm là phải tìm ra loại hợp chất diệt cỏ thích hợp nhất để phá hủy các cánh rừng và cánh đồng nơi quân du kích ẩn náu. Giai đoạn thử nghiệm, với tên gọi là Dự án Agile, được chỉ huy bởi James W. Brown, phó trưởng Sư đoàn Cây trồng ở Fort Detrik, nơi ông ta từng tham gia các thí nghiệm thuốc diệt cỏ quân sự. Trung tâm này nhận được chuyến hàng thuốc diệt cỏ và dụng cụ phun xịt đầu tiên vào ngày 10 tháng Bảy năm 1961. Brown đã thử nghiệm với Dinoxol, một hợp chất diệt cỏ có chứa chất 2,4-D và 2,4,5-T (những hóa chất mà sau này tạo thành Chất độc da cam) trên khoai mì, khoai lang, lúa và cả các thảm rừng. Ấn tượng với những kết quả thu được ban đầu, Brown cho rằng những hóa chất diệt cỏ sẽ có khả năng trở thành nhân tố chủ lực trong chiến lược đánh bại Quân giải phóng. Ông ta viết, “không ai coi trọng thức ăn và tầm nhìn hơn những người mất chúng”.
Hoạt động khai quang ban đầu được coi là dự án “nên làm” nằm trong chiến lược của Bộ tham mưu Mỹ tại Việt Nam, có nghĩa là Mỹ chỉ định trang bị và huấn luyện Không quân miền Nam Việt Nam (KQMNVN) về chiến tranh diệt cỏ. Vào ngày 10 tháng Tám, chỉ một tháng sau chuyến hàng vận chuyển thuốc diệt cỏ đầu tiên, KQMNVN đã tiến thành rải thuốc lần đầu tiên lên cây cối bên đường bằng những chiếc máy bay trực thăng H-34 của Mỹ. Ngày 24 tháng 8, KQMNVN thực hiện chuyến rải thuốc đầu tiên bằng phi cơ C-47 gắn vòi phun nhằm vào các khu rừng mà Tổng thống Diệm đích thân chỉ định, vì ông Diệm đánh giá rất cao giá trị chiến lược lẫn chiến thuật của chiến tranh diệt cỏ. Cả hai loại máy bay này đều được Hải quân và Không quân Mỹ sử dụng rộng rãi trong nhiều năm qua, chủ yếu phục vụ mục đích diệt côn trùng trong và xung quanh khu vực căn cứ quân sự. Tại một cuộc họp vào ngày 29 tháng Chín với đại sứ Mỹ là Fredick Nolting và Tướng McGarr, ông Diệm đề nghị tiến hành hoạt động diệt cỏ trên quy mô lớn ở khắp khu vực Tây Nguyên để phá hỏng vụ thu hoạch hè thu của du kích. Cuộc họp kết thúc mà không có một cam kết chính thức nào từ phía Mỹ về việc hỗ trợ phá hủy mùa màng trên quy mô rộng như vậy - có thể bởi vì các tướng lĩnh quân sự lẫn giới cần quyền đều lo rằng một chương trình như vậy sẽ gây ra dư luận xấu và là miếng mồi có lợi cho hoạt động tuyên truyền của Cộng sản.
Trước sự sững sờ của chính quyền Kennedy, nguy cơ sụy đổ của chính phủ Ngô Đình Diệm dường như càng lớn hơn khi Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Vào tháng Chín năm 1961, quân giải phóng chiếm được tỉnh Phước Thành, một tỉnh lỵ cách Sài Gòn chưa đầy 90 km. Mặc dù số lần xuất kích của KQMNVN đã tăng lên từng ngày sau các cuộc thử nghiệm đầu tiên vào đầu tháng 8, diện tích bị phun thuốc vẫn chưa đủ để các thiết bị do thám lần ra được tung tích của quân du kích. Trợ lý Nhà Trắng, Arthur Schlesinger Jr. đã trình lên Kennedy một bức thư từ phóng viên Theodore H. White đang tác nghiệp tại Việt Nam. White miêu tả một tình thế vô cùng khó khăn: “Quân du kích giờ đang kiểm soát hầu hết khu vực đồng bằng Nam Bộ - nhiều tới nỗi tôi không thể tìm ra người Mỹ nào có thể đánh xe đưa tôi ra khỏi Sài Gòn vào ban ngày mà không cần sự hộ tống của binh lính”.
Tổng thống Kennedy đã tỏ ra kiềm chế khi bác bỏ đề nghị từ phía Hội đồng tham mưu liên quân và Hội đồng an ninh quốc gia về việc tung lực lượng chiến đấu vào miền Nam, thay vào đó ông gửi Maxwell Taylor và Walt Rostow tới Việt Nam để lấy thêm thông tin về tình hình thực địa. Họ bắt đầu chuyến đi vào ngày 17 tháng 10, một trong nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành là đánh giá tiến triển hoạt động diệt cỏ. James Brown báo cáo rằng máy bay ở căn cứ không quân (AFB) Langley có thể được trang bị thêm thiết bị phun để hỗ trợ lực lượng KQMNVN. Bản báo cáo từ Rostow và Taylor xác nhận tình hình không có gì sáng sủa, kêu gọi hành động nhanh và và tán thành việc tăng cường toàn diện sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, bao gồm cả các binh đoàn có thể tham gia chiến đấu.
Kennedy không làm theo mọi đề xuất nêu trong bản báo cáo (đặc biệt là việc bổ sung quân), một phần vì nhiều quan chức cầm quyền, bao gồm Thứ trưởng Chester Bowles và trợ lý Ngoại trưởng W. Averell Harriman, phản đối kịch liệt việc đưa quân đội Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh. Tuy vậy, ngài tổng thống vẫn nhận ra mối đe dọa của “hiệu ứng Đô mi nô” tại Đông Nam Á, do đó đồng ý thực hiện lời kêu gọi chính yếu của Rostow và Taylor về “một hành động mạnh mẽ”, đó là, phải giữ lấy miền Nam Việt Nam, bởi đây “không chỉ là một mảnh đất, mà còn tượng trưng cho ý chí và khả năng của Mỹ trong việc dập tắt cuộc tấn công của Cộng Sản tại khu vực này”. Thay vì tăng thêm lực lượng binh lính, Kennedy quyết định tăng cường hoạt động của Mỹ, đồng nghĩa với việc mở rộng hoạt động đàn áp, bao gồm cả chiến tranh diệt cỏ.
Các hoạt động của Washington đã đi trước cả báo cáo của Rostow và Taylor. Mặc dù khả năng gửi binh lính tới miền Nam Việt Nam vẫn là một câu hỏi mở trong suốt thời gian từ tháng Chín tới tháng Mười, nhưng mọi động thái khác đều báo hiệu sự mở rộng đáng kể Dự án Agile. Vào ngày 23 tháng Chín, một bản ghi nhớ do Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc phòng kết hợp soạn thảo, đã vạch ra một số biện pháp cấp thời để hỗ trợ chính phủ Diệm. Kế hoạch bao gồm một loạt các hành động đàn áp mà, nếu thành công, sẽ thay thế được cả một đạo quân lớn. Dựa vào kết quả thử nghiệm của Trung tâm phát triển và thử nghiệm tác chiến, bức thư đề ra bốn mục tiêu cơ bản của chiến tranh diệt cỏ:
• Làm rụng lá toàn bộ rừng biên giới Campuchia- Lào - Bắc Việt Nam để ngăn quân tiếp viện của Việt Cộng ẩn náu.
• Phát quang một phần của khu vực châu thổ sông Mê Kông, còn được gọi là “khu D”, nơi Việt Cộng có rất nhiều căn cứ.
• Phá hủy nhiều bãi sắn hoang vốn là nguồn lương thực của Việt Cộng
• Tàn phá những rừng đước, cũng là nơi trú ẩn của Việt Cộng.
Kế hoạch đề nghị các hoạt động này hoàn thành trong 120 ngày. Tiến độ ấy bị kéo giãn bởi chi phí và quy mô dự kiến: toàn bộ diện tích rừng và đất hoa màu trong phạm vi cần phun thuốc lên tới hơn 48,200 km², tương đương với một nửa diện tích miền Nam Việt Nam, với chi phí là 55.9 triệu Đô la. Mặc dù những đề xuất của CDTC sớm được thay thế bằng một chương trình phun thuốc tương tự như ở quy mô nhỏ hơn (chỉ mất 1/10 chi phí ban đầu) của các quan chức tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đề ra, bảo báo cáo này thực sự vẫn là một bước ngoặt đối với chiến dịch diệt cỏ ở miền Nam.
Trước hết, trung tâm phát triển và thử nghiệm tác chiến đã thành công trong việc vận động “Mỹ hóa” chiến tranh diệt cỏ, sau được gọi là Chiến dịch Farm Gate (chẳng bao lâu sau đổi thành Chiến dịch Ranch Hand) tiến hành dưới sự chỉ huy của Trung tâm Chiến tranh đặc biệt bằng không quân có trụ sở đặt tại căn cứ không quân Eglin, Florida. Vào tháng Mười năm 1961, chưa có bản kế hoạch nào xác định chiến tranh diệt cỏ sẽ dập tắt các phong trào nổi dậy của quân du kích ở đâu và bằng cách nào; việc Không quân Mỹ trực tiếp tham chiến sẽ giúp bít kín lỗ hổng này. Thứ hai, bản báo cáo ngày 23 tháng Chín đã đưa ra ý kiến rằng chiến tranh diệt cỏ nên hướng tới mục đích lớn nhất là: ngăn chặn việc bí mật đưa người và thiết bị qua biên giới quốc tế; khai quang các khu vực có rừng bao phủ có khả năng che giấu quân du kích; phá hủy mùa màng bị tình nghi nằm dưới sự kiểm soát của quân giải phóng. Bộ tổng tham mưu liên quân Mỹ (JCS) với chủ tịch là Tướng Lyman L.Lemnitzer đã bày tỏ mối quan ngại lớn về điểm cuối cùng này. Vào ngày mùng 3 tháng 11, JCS gửi một bản thư báo tới Bộ trưởng bộ Quốc phòng Robert S. McNamara, thể hiện sự đồng tình với kế hoạch bắt đầu Chiến dịch Farm Gate nhưng đề nghị xem xét kỹ lưỡng phương thức tàn phá cây trồng:
“Bộ tổng tham mưu liên quân Mỹ cho rằng trong quá trình tiến hành các hoạt động khai quang ở các bãi khoai mì hoang hay những khu vực trồng cây lương thực khác, không quân cần lưu ý và đảm bảo rằng Mỹ không phải chịu các trách nhiệm về việc tiến hành chiến tranh hóa sinh học. Hậu quả quốc tế của việc đó đối với Mỹ có thể rất nghiêm trọng. Các chiến dịch cần được bọc lót bằng một chiến dịch tuyên truyền trước công chúng như lực lượng Đặc nhiệm Việt Nam tại Sài Gòn đã đề ra”.
Bản báo cáo cho rằng việc tàn phá cây cối có thể sẽ bị dư luận thế giới lên án kịch liệt vì tiềm tàng nguy cơ chiến tranh sinh hóa. Đây là một vấn đề chính trị hơn là pháp lý; bởi Mỹ không phải là một thành viên trực thuộc chính thức hay cam kết tuân theo bất cứ điều luật quốc tế nào ngăn cấm tàn phá mùa màng trong chiến tranh, bao gồm cả Nghị định thư Geneva 1925. Tuy vậy, trong cuộc chiến “con tim và khối óc”, khi mà hoạt động tuyên truyền là một công cụ mạnh như bất cứ vũ khí quân sự nào, thì việc phá hủy mùa màng thực sự là một hành động nhạy cảm. Các hoạt động tố cáo tội ác của chiến dịch này do các cơ quan truyền thông cộng sản tại Mátxcơva, Bắc Kinh và Hà Nội từ năm 1962 sau này chứng minh những lo lắng của Lemnitzer và đồng sự là hoàn toàn đúng. Quyết định tiến hành bất chấp những trở ngại đó đã chứng tỏ niềm tin mà các cố vấn của Kennedy đã đặt vào chương trình diệt cỏ này. Ngài tổng thống sẽ không bao giờ cho phép Cộng sản giành lợi thế tuyên truyền dễ dàng như vậy nếu ông ta không tin chất diệt cỏ giúp duy trì được sự ổn định lâu dài tại miền Nam Việt Nam.
Vấn đề được giải quyết khi William P.Bundy, quyền trợ lý bộ trưởng Bộ quốc phòng cho mảng an ninh thế giới, gửi một bức thư tới Robert McNamara, thông báo rằng ông Diệm vẫn chấp thuận coi hoạt động tàn phá mùa màng là chương trình do Mỹ hỗ trợ miền Nam Việt Nam thực hiện. Vì ông Diệm rõ ràng tỏ ra rất quan tâm đến chiến dịch diệt cỏ, nên các quan chức Mỹ tại Washington và Sài Gòn kết luận rằng việc phân quyền kiểm soát chiến dịch này là vô cùng khôn ngoan - dù việc phân quyền ấy có hữu danh vô thực tới đâu đi nữa. Trong khi đó, vào ngày 14 tháng 11, Bộ trưởng McNamara yêu cầu Đô Đốc Harry G. Felt, Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại Thái Bình Dương chỉ huy chiến dịch diệt cỏ của Mỹ. Cùng lúc đó, đội cơ khí tại căn cứ không quân Pope tại Bắc Caronila đã gắn xong bộ phận phun thuốc vào những chiếc phi cơ vận tải C-123, sẵn sàng xuất kích tới miền Nam Việt Nam.
Mảnh ghép còn thiếu để giải câu đố trước khi chiến dịch diệt cỏ của quân đội Mỹ trên quy mô lớn thực sự bắt đầu là sự chấp thuận trực tiếp của Tổng thống Kennedy. Quá trình ra quyết định trong vài tháng đó nghiêng dần về việc tăng cường quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam nói chung, và chiến tranh diệt cỏ sẽ dành sẵn đó để như một phần thường trực trong kế hoạch Đáp Trả Linh Hoạt. Tuy nhiên quyết định của Kennedy không phải đã chốt hạ. Kennedy đã nhận được những bức thư tay đề xuất tiến hành hoạt động diệt cỏ từ các cố vấn chủ chốt về chính sách đối ngoại, gồm Ngoại trưởng Dean Rusk và Bộ trưởng Bộ quốc phòng McNamara, dù cả hai đều nhìn nhận ra rằng chiến tranh diệt cỏ sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Rusk quả quyết rằng đây là một chiến dịch hợp pháp; trong một bức thư báo gửi Kennedy vào ngày 24 tháng 11 năm 1961, ông ta cho rằng “việc sử dụng chất khai quang không vi phạm bất cứ điều luật quốc tế nào liên quan tới chiến tranh hóa học, và là một chiến thuật chính đáng trong chiến tranh”. Rusk viện dẫn việc Anh Quốc đã sử dụng một lượng thuốc diệt cỏ giới hạn trong những năm 1950 để chống nổi dậy ở Malaya, Ngài Robert Thompson đã đàn áp được cuộc nổi dậy, và đây được coi là một tiền lệ hợp pháp. Tuy vậy, Rusk vẫn cho rằng chỉ mỗi tiền lệ ấy không thể ngăn chặn được sự phản đối của dư luận quốc tế. Vị ngoại trưởng đã không hề đề cập tới Nghị định thư Geneva 1925, trong đó quy định rằng các loại thuốc diệt trừ thực vật vẫn bị coi là bất hợp pháp đối với luật Mỹ cũng như các điều luật quốc tế khác. Về vấn đề này, phân tích của Rusk khá phù hợp với những quan điểm pháp lý thời đó.
Bộ trưởng McNamara cũng bày tỏ sự quan ngại về phản ứng quốc tế đối với mọi hình thức của chiến tranh diệt cỏ, chứ không chỉ đối với việc tàn phá mùa màng như JCS đã nêu. Để đảm bảo điều này không xảy ra, McNamara yêu cầu Tổng thống Diệm tuyên bố với toàn dân rằng thuốc diệt cỏ không gây hại cho người và động vật. Lời đề nghị này là tài liệu duy nhất mà người ta tìm thấy được trước khi tổng thống ra quyết định phê chuẩn, khi đó một quan chức trong chính phủ Kennedy đã thừa nhận (bằng cách bác bỏ) việc Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng những loại hóa chất mà tác hại của nó tới sức khỏe con người vẫn chưa rõ ràng.
Tổng thống Kennedy giao cho Thứ trưởng Bộ quốc phòng Roswell Gilpatric trình bày về những khó khăn và ưu điểm của chiến tranh diệt cỏ. Gilpatric cho rằng việc khai quang những con đường vận tải là vô cùng quan trọng trong việc ngăn các cuộc phục kích của Quân giải phóng; rằng nếu ngài tổng thống chỉ muốn sử dụng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam cho một nhiệm vụ duy nhất, thì điều quan trọng nhất là làm sao đảm bảo đường vận tải của binh lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cũng như trang thiết bị được an toàn. Ông ta thông báo với Kennedy rằng Đài phát thanh Hà Nội đã lên án hoạt động phá hoại mùa màng là cuộc tấn công bằng khí độc từ miền Nam Việt Nam. Ông ta cũng nhấn mạnh rằng việc ngài tổng thống phê chuẩn việc tiến hành chiến tranh diệt cỏ có thể là một động thái vô ích nếu lực lượng tại miền Nam Việt Nam không có đủ những sự hỗ trợ cần thiết để giám sát và truy kích quân giải phóng ở những khu vực đã khai quang.
Ngài tổng thống đã lồng ghép lời khuyên này vào bản thư báo do McGeorge Bundy soạn thảo, ông này là trợ lý đặc biệt cho các vấn đề an ninh quốc gia. Thư tán thành những đề xuất mà Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng kết hợp soạn thảo, quyết định thực hiện chiến lược chiến tranh diệt cỏ ở miền Nam Việt Nam, chiến lược này phải chịu hàng loạt điều tiếng trong nước và quốc tế mãi cho tới khi kết thúc vào năm 1971 (hình 4). Quyết định triển khai hoạt động diệt cỏ do Mỹ lãnh đạo của Kennedy là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm “Mỹ hóa” chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Một tuần trước đó, Kennedy đã chính thức thông báo “tăng cường hợp tác mạnh mẽ” giữa lực lượng Mỹ và miền Nam Việt Nam nhằm đánh bại quân giải phóng, bao gồm cả việc triển khai binh lính Mỹ chiến đấu theo lệnh của phía Mỹ.
H4
Trong tình huống như vậy, nếu Kennedy tiến hành chiến dịch diệt cỏ mà không tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại miền Nam Việt Nam hoặc ngược lại thì thật vô nghĩa.
Giống như nhiều câu hỏi “nếu… thì sao” châm ngòi nhiều tranh cãi về hậu quả lâu dài của những chính sách Kennedy thực hiện ở Việt Nam trong dài hạn, cũng cần xét xem mức độ tàn phá khủng khiếp mà chiến dịch Ranch Hand để lại suốt 10 năm sau đó có mối liên hệ thế nào với quá trình ra quyết định của ngài tổng thống vào mùa thu năm 1961. Lời lẽ trong bản phê chuẩn của Kennedy vào ngày 30 tháng Mười Một cho thấy ngài tổng thống không ký duyệt chương trình với quy mô không giới hạn như CDTC đã đề nghị. Những điều khoản trong bản phê chuẩn hoàn toàn phù hợp với những nỗ lực tổng thể của ông Kennedy nhằm tránh đẩy chiến tranh leo thang thành mâu thuẫn ngoài tầm kiểm soát.
Mối liên hệ song hành này vẫn tiếp tục khi chiến tranh thực sự leo thang: lúc cuộc xung đột chung lan rộng hơn cũng là khi hoạt động diệt cỏ lên tới đỉnh điểm; toàn bộ lượng thuốc diệt cỏ được rải ở miền Nam Việt Nam đã tăng từ khoảng 1 triệu lít năm 1964 lên tới 20 triệu lít năm 1966. Vì lý do này, những hệ quả hủy diệt sau này do chiến dịch Ranch Hand gây ra cũng không thể hoàn toàn quy lỗi trực tiếp cho Kennedy, vì rõ ràng ông đã cố tìm cách ghìm cương chiến dịch này.
Tuy vậy, chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam vẫn được duy trì suốt cuộc chiến tranh Việt Nam như một hoạt động đàn áp ở miền Nam, theo đúng thiết kế ban đầu của Kennedy; dù sau đó nó được tổng thống Lyndon B. Johnson mở rộng tới mức nào đi nữa thì cơ sở hậu cần cũng như quá trình thu mua và vận chuyển thuốc diệt cỏ từ các nhà máy hóa chất ở Mỹ tới miền Nam Việt Nam vẫn được đảm bảo trong suốt nhiệm kỳ của Johnson. Giả sử có thể tách hoạt động quân sự cụ thể ra khỏi cuộc chiến tổng thể để phân tích, ta cần xem xét những gì người kế nhiệm Kennedy đã thừa hưởng và những gì họ phát triển thêm.
Khi chiến lược Đáp Trả Linh Hoạt được quân đội Mỹ thực hiện tại miền Nam Việt Nam, Kennedy không thể tránh được trách nhiệm cuối cùng trong việc triển khai máy móc và binh lính để chống lại quân giải phóng cộng sản. Thậm chí nếu Kennedy không muốn hay không thể hình dung ra sự tàn phá khủng khiếp mà chiến dịch Ranch Hand gây ra và cuối những năm 1960, thì cũng chỉ duy nhất ông có quyền phê chuẩn thực hiện hay chấm dứt chiến dịch. Viễn cảnh kiểm soát và bình định được khu vực nông thôn miền Nam Việt Nam nhờ các chất 2,4-D và 2,4,5-T cũng như hiệu quả trừ cỏ dại ở quê nhà quá hấp dẫn đối với tổng thống. Quyết định chọn chiến tranh diệt cỏ của Kennedy dựa trên hiểu biết về xu hướng phát triển của cuộc chiến tranh lạnh và những phương tiện cần thiết sẵn có để chiến thắng. Nếu không có những toan tính và quan điểm lạ thường về việc đàn áp của Kennedy, chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một cuộc chiến tranh không có Chất độc da cam tại Việt Nam.
Con Đường Da Cam Con Đường Da Cam - David Zierler Con Đường Da Cam