If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 376 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
háng Mười trời Quảng Ngãi bắt đầu đổ mưa. Những cơn mưa nhiệt đới kéo dài lê thê từ ngày này qua ngày nọ. Hạt mưa to, đậm, gió thổi tạt vào chân nghe đến rát da, và trên chiếc nón lá tiếng mưa rít từng hồi nghe kêu lộp độp. Có những buổi chiều, nhìn trên cánh đồng thấy bóng người cuộn tròn trong chiếc áo tơi như những con kênh kênh, và hơi gió bắt đầu mang theo cái lạnh, vậy là mùa mưa đang đến.
Mưa miền Trung rất dai và kéo dài qua nhiều ngày. Mưa đổ trên những triền núi, trên những con suối và chảy vào sông, ruộng đồng. Mà núi miền Trung thì trùng trùng điệp điệp, còn ruộng đồng và sông thì nhỏ hẹp. Cho nên vào mùa mưa miền Trung thường bị ngập lụt. Nhiều làng mạc nằm giữa sông và cánh đồng, mà trời thì thường bày cơn lụt mỗi năm, nên dường như năm nào người dân cũng điêu đứng vì cơn mưa. Và năm đó, năm 1964, mùa mưa đã đưa làng mạc ở Quảng Ngãi nằm trong biển nước.
Vào đầu tháng Mười Một năm 1964, những cơn mưa dường như không ngớt. Ngày lại ngày, mưa gió bão bùng, nước trên nguồng tuông đổ vào sông Vệ, và những cánh đồng hai bên bờ sông ngập đầy nước từ những con suối đổ vào. Làm mực nước dâng cao và tràn vào làng mạc. Thế là nước sông và nước đồng hoà lẫn nhau gây nên lụt lội.
Sông Vệ hằng ngày nhỏ hẹp nhưng năm đó nước lụt tràng ngập hai bên bờ cát làm cho con sông trông rộng mênh mông. Bầu trời u ám, gió mạnh, và mưa to làm cho nước trên sông dân cao, chảy ào ạt mang theo đủ thứ như gà, vịt, heo, chó, mèo, v.v. và nhiều nhất là những cành cây khô trên rừng. Những cành cây nhỏ có, to có, cong queo trôi theo giòng nước cùng với rác rến, và xác cầm thú trên sông. Nhìn trên giòng sông người ta thấy bao nhiêu của cải và ngay cả dấu vết những tấm vách, và mái nhà của người dân trên thượng nguồng trôi dạt trong con nước đục ngầu. Và trong tiếng mưa người ta nghe cả tiếng heo kêu en éc cuống đi trong giòng nước. Rồi những người dân sống hai bên bờ sông lại thập thò bên con nước lũ, cố vớt những cành cây khô, những con gà, vịt trôi theo giòng nước mang về.
Người ta thấy buồn và khổ cho những căn nhà nằm ven sông và cạnh cánh đồng. Cứ vào mùa lũ lụt lại có những căn nhà bị con nước cuốn đi. Và năm nay căn nhà bà A nằm cheo leo bên bờ rào vi, nơi đầu làng bên cánh đồng, đã trôi bềnh bồng theo con nước! Bà A là bà hóa, chồng bà, ai biết đã đi đâu? Bà chỉ có mỗi một người con trai duy nhất, tên Thà. Vậy mà anh Thà đã vào quân đội để lại bà A một mình ở nhà. Những năm sau này có lẽ buồn nhớ con và cảnh đời trơ trụi đã làm bà A trở nên quẩn trí. Bà thường đi ra đi vô và nói một mình như bà điên. Nhưng qua mùa mưa này, rồi bà A sẽ ở đâu?
Mưa và lũ lụt cũng đồng nghĩa với nỗi buồn muốn chết của những người lớn, nhưng đối với con nít thì khác. Nước ngập càng cao, con nít càng thích thú!
Mưa gió vừa tạnh thì hai đứa bé, một trai, một gái nháy mắt nhau làm hiệu lòn ra ngõ sau nhà để đi ra bãi cát sau làng. Trên tay hai đứa bé cầm hai cái đụt, và lúp xúp bước đi trong con nước.
- Anh chắc có nhiều dế hông? Đứa em gái - Dưa, hỏi anh nó.
- Chắc mà. Năm ngoái anh theo cha ra bãi bắt nhiều dế lắm.
- Em bắt nó cắn em hong?
- Một chút thôi.
- Ý, em sợ lắm! Thôi anh đi một mình đi.
Dưa dùng dằng đứng lại bên đường.
- Như con kiến cắn thôi, nhưng mà vui lắm. Em có đi không?
- Anh nhớ đó nghen, nó mà cắn đau là em về méc mẹ đó.
Miền Trung đất khô ráo. Dọc theo hai bên bờ sông thường có đất phù sa bồi đắp nên trong đất có pha nhiều cát. Và đất cát rất tốt cho công việc trồng dâu tằm. Cũng vì vậy mà khúc bãi cát nằm sau thôn Đồng Xuân, (xã Nghĩa Thành, quận Nghĩa Hành) người ta trồng hàng hàng lớp lớp những đám dâu tằm. Đặc biệt len lỏi trong những luống dâu tằm có rất nhiều dế cơm đào hang sống trong đất cát. Dế cơm lớn hơn dế quạ (loại dế mà ở thành thị những đứa bé thường mua về nuôi để đá) một chút và có màu nâu nâu. Ở quê miền Trung người ta thường bắt nhiều dế cơm về rút ruột, ngắt cánh, ngắt đầu, rữa sạch. Rồi bắt chảo dầu lên. Dế rữa sạch ướp chút hành, tiêu, tỏi, ớt, đem bỏ vào chảo dầu thật nóng. Tiếng xèo xèo của dế trong chảo làm người đứng bên cạnh thèm, phải chảy nước miếng. Lấy chiếc đủa trộn lên vài ba lần và đảo cái chảo cho đều, khi thấy những con dế đổi thành màu đen đen vàng vàng, là chín. Mang dế ra và rót một ly rượu đế thật đầy thì bao nhiêu cảm giác lạnh lẽo của mùa Đông cũng thành mây khói. Thế người ta mới nói dân mình thấy con gì cục cựa là bắt ăn hết! Nhưng hãy thử đi, khi nào có dịp về miền Trung vào mùa mưa, theo những người nông dân hay những đứa trẻ trong làng đi bắt dế cơm về chiên ăn một lần rồi sẽ thấy nó ngon hết biết! Những ngày khô ráo những đứa trẻ thường đào bên cạnh gốc dâu tằm bắt dế xỏ thành xâu mang về. Nhưng vào những ngày lụt lội, nước ngập đến gần nữa thân cây dâu tằm làm cho những hang dế ngập nước. Vì bị ngột nên dế phải rời hang bò đeo lên thân cây dâu tằm. Và những đứa trẻ chỉ cần ra bãi dâu trong ngày nước lụt thì tha hồ bắt dế!
Dưa xách cái đụt lủi đủi đi theo anh. Qua khỏi nhà một lối hai anh em rẽ vào con đường duy nhất dẫn ra bãi. Con đường chạy song song với bờ mương nước. Nhưng hôm nay chỗ nào cũng là mương nước! Hai anh em nó bước lủm bủm giữa hai hàng tre phủ rợp để ra bãi cát. Đi trên con đường làng không quá một cây số là hai anh em đến bờ rào vi. Bắt đầu từ đây con đường trở nên trũng xuống cho nên nước trên đường sâu dần. Và chỗ sâu nhất nước ngập trên rún của đứa em.
- Nước sâu quá, làm sao em đi?
- Em nắm tay anh dắt đi.
- Mà nước cũng gần tới ngực anh rồi. Em sợ.
- Sao nhác quá vậy, anh nói không sao đâu mà, đưa tay đây.
- Anh la em hoài.
- Không thì đeo lên cổ anh cỏng qua.
- Anh lại đây đi.
- Nề. Ôm cổ cho cứng đó.
- Được rồi, đưa cái đụt của anh em cầm cho.
Con nước lớn vẫn chảy xoi qua từng cành cây bên bờ rào. Và hai bóng người nhỏ bé với hai cái đụt đã qua khỏi khu nước sâu. Đến bãi dâu tằm nước ngập lai láng, hai anh em nó lội vào. Mặt mày hớn hở, hai bóng người tay chụp lên chụp xuống liên hồi trên những cành dâu tằm, bắt những con dế cơm bỏ vào đụt. Lần đầu tiên Dưa theo anh đi bắt dế, đứa bé thấy ngồ ngộ, nó nhìn những con dế lạnh run người bám vào cành dâu. Những con dế đã lạnh và mệt mỏi nên cũng không buồn nhảy đi khi bàn tay đứa bé đưa ra nâng niu nó. Nó ngoan ngoãn đậu vào lòng bàn tay và ngỡ rằng nó đang được cứu vớt!
- Sao nó không cắn em anh ơi!
- Sao em nhiều chuyện quá vậy. Không sợ nó cắn đau nữa sao?
- À, để em bắt nó bỏ vào đụt nha.
Trong chốc lác hai cái đụt đã chứa đầy dế. Hai anh em nó rời bãi dâu trở về nhà. Nó dẫn em lội qua những đám dâu trở ra con đường nhỏ vào làng. Khi đến khu đất trũng, nó nắm lấy tay đứa em dắt qua. Nhưng bây giờ con nước đã dâng lên cao hơn lúc trước, mực nước cao đến ngực của đứa em. Nó rùn chân lại và đứng phân vân tìm cách lội qua.
- Nước sâu quá, làm sao đây anh?
- Để anh coi.
Dưa nắm chặt cái đụt dế, đua mắt nhìn anh.
Đứa anh mân theo bờ rào, và nói:
- Em nắm hai cái đụt và đeo lên lưng anh cỏng qua như hồi sáng vậy đó.
Dưa không nói một lời, lặng lẽ đến ôm vào cổ anh nó. Rồi anh nó lần mò cỏng em qua khỏi khu nước sâu. Bước chân thập thỏm rà trên từng tất đất. Bất chợt bàn chân đứa anh sụp vào lỗ bún, nước ngập đến đầu! Nó lật đật ngoi ngóp lội ra vũng nước. Khi ra khỏi lổ bún thì Dưa đã lọt khỏi cổ đứa anh và đứng nhảy chồm chôm trong giòng nước. Nó vội nắm lấy tay đứa em lôi ra khỏi con nước, và kéo lên chỗ cạn.
- Em có sao không?
- Có sao đâu, em có sao đâu.
- Vậy mà làm anh sợ gần chết. Hứ, lì dữ hén. Hai cái đụt đâu?
- Kia kià, trôi kia kià. Dưa chỉ tay về hai cái đụt đang trôi trong giòng nuớc.
- Trời! Tiêu rồi. Mấy con dế chui ra bò lên bờ rào hết rồi.
- Kệ nó, em không muốn thấy chúng nó bị thiêu trong ngọn lửa đâu!
- Mùa lụt năm tới anh không dẫn em theo nữa.
Hai bóng người nho nhỏ nắm tay nhau đi về trên con đường ngập đầy nước. Một hồi, đứa anh quay lại nhìn, thì hai cái đụt đã trôi thật xa, và những con dế, đang nằm sưởi ấm trên cành cây.
Con Dế Mùa Lụt Con Dế Mùa Lụt - Sưu Tầm