One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1728 / 25
Cập nhật: 2016-06-09 04:38:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
uổi chiều hôm đó, người nhà chú Chưởng đem dĩa cơm trộn thức ăn đặt dưới chân giường. Con Quít ngẩng đầu, quay nhìn rồi lại lặng lẽ cúi xuống, đặt mõm lên hai chân trước thở dài. Nó không ngửi đến thức ăn mặc dầu chú Chưởng cũng đã lưu ý cho những món ngon để mà chiêu đãi khách mới. Đêm đến, sau khi đóng kín cửa trước, chú Chưởng mở xích cho nó thong thả ra ngoài. Chú sợ cột mãi một chỗ lâu quá, nó sẽ làm bẩn trong phòng. Nhưng chú quá lo, con Quít là một con vật sạch sẽ, không bao giờ làm bậy bạ trong nhà. Suốt đêm hình như con vật hết đi lang thang quanh sân lại ngồi lặng lẽ ở dưới mái hiên hướng về chốn cũ. Đôi lần thức giấc, mở cửa nhìn ra chú vẫn thấy nó lặng lẽ ngồi yên hay đi thất thểu chung quanh vòng rào. Có lẽ trọn một đêm dài con Quít đã không nhắm mắt phút nào. Vào sáng hôm sau, chú Chưởng cầm miếng thịt lớn đem đến trước nó để nó nhìn thấy rồi chú lè lưỡi liếm trước và trao cho nó.
- Quít, ăn li, tao không có thuốc mày lâu.
Con chó tỏ vẻ ngần ngừ rồi hơi cúi đầu tới trước, ngoạm vào miếng thịt một cách nhỏ nhẹ. Nó ăn chậm chạp từ tốn, có lẽ là vì tuân lệnh hơn vì thèm khát. Thấy nó chịu ăn, chú Chưởng mừng lắm. Đợi nó xong bữa chú lại vỗ vào đầu nó nhẹ nhàng, rồi dắt ra ngoài thớt thịt dặn dò:
- Này Quít, tao giao cho mày nằm dưới thớt thịt lể canh chừng mèo. Có người lên mua thì nhớ sủa lên, nghe chưa?
Nó nằm yên dưới thớt thịt, đưa mắt nhìn từng người qua kẻ lại. Mỗi khi thoáng thấy bóng dáng con mèo từ xa, nó vọt nhanh như mũi tên, phóng đuổi. Con mèo vội vàng nhảy lên nóc nhà, trốn biệt. Con Quít lại quay về nằm chỗ cũ. Thấy người nào dừng lại trước thớt thịt, nó sủa lên một tiếng ngắn vừa đủ báo hiệu cho người nhà biết, vừa đủ cảnh báo khách hàng rằng có một sự kiểm soát trực tiếp tại chỗ về “quyền sở hữu” của thớt thịt này.
Dần dà được sự ăn uống no đủ và sự chăm sóc vỗ về, con Quít làm nhiệm vụ mới một cách ngoan ngoãn và quen dần đi với khung cảnh mới. Bây giờ một cuộc sống khác đã làm đổi thay người nó. Về với chú Chưởng nó không còn được chạy nhảy thỏa thích ngoài đồng, đuổi chim, bắt chuột, không còn lặn ngụp tự do giữa dòng theo những chuyến săn ngoài sông, không còn làm những trò vui để tiếp nhận lấy trận cười hỉ hả của người chung quanh vào những buổi tối. Nhưng nó cũng khỏi lê lết trên con đường dài mệt nhọc, nhiều khi đói lòng hứng chịu nắng trưa, nó cũng thoát khỏi những cảnh đêm dài dằng dặc chập chờn thức ngủ canh từng tiếng động ngoài xa, và dù gió lạnh mưa bay cũng phải theo chủ tuần canh chung quanh đồn bót. Bây giờ nó được ăn uống béo bổ, lại nằm một nơi, chỉ phải di chuyển từ nhà ra đến thớt thịt gần đấy rồi từ thớt thịt lại quay về nhà. Vì vậy con Quít no tròn mập ú, bước đi núc na, núc ních. Thỉnh thoảng nó mới được dịp đi xa một chút, đó là mỗi lần chú Chưởng rảo tìm mua heo trong xóm nó được dịp tốt đi theo rong chơi cho đỡ tù túng phần nào. Về sau chú Hai, em của chú Chưởng đến ở chung nhà với anh, bán hủ tiếu ở đâu phố và nó được gọi chạy theo. Chuyến về, chú dẹp thùng nước rửa chén, kêu nó vào nằm trong đó, và chú gánh nó lại nhà. Kể ra chú Hai cũng mến nó lắm. Cũng như chú Chưởng, hai anh em của nhà này đối với con Quít thật là tử tế. Tuy vậy, sự tử tế ấy biểu lộ phần nhiều ở trên đời sống vật chất thừa mứa nhưng rất thiếu sót về phần tình cảm. Ở đây, người ta ít vuốt ve nó, ít mơn trớn nó. Người ta cũng không dạy bảo gì hết. Nó cũng không phải làm các trò cũ như là ngày xưa, nhặt banh, mò trứng, bắt cò v.v... những trò chơi làm cho nó linh hoạt và tươi tỉnh hơn. Đã vậy thấy nó quá sức khôn ngoan trong việc giữ gìn nhà cửa chú Chưởng, nhiều người làm công lại không ưa nó, có người thường lén đập đánh con Quít để đuổi nó đi. Một số những người láng giềng cũng ghét con Quít. Họ ghét đến nỗi nhiều khi muốn giết chết nó. Con Quít chừng như cũng biết nỗi ác cảm ấy ở chung quanh mình nên nó đâm ra dè dặt, nghi kỵ đối với mọi người. Bây giờ chỉ còn chú Hai thỉnh thoảng vẫn tưng tiu nó. Nhưng chú mới ở bên Tàu chạy loạn sang đây, nói tiếng lơ lớ khó hiểu. Chú chưa vợ con và trong nỗi cô đơn đó, giữa một khung cảnh còn xa lạ người chú dành cảm tình của mình cho con chó Quít. Mỗi lần muốn cho nó ăn, chú đút vào tận mồm nó. Muốn nó nằm đâu, chú ẵm đặt nó nằm xuống, vì vậy con chó chỉ biết quấn quýt theo sát chú Hai.
Tôi làm quen với con Quít từ khi nhà nước bắt các tiệm buôn phải giữ sổ sách. Thấy tôi lanh lợi, đọc thông chữ nghĩa và làm được các con toán rõ ràng, chú Chưởng vào nói với cha mẹ tôi cho tôi ra cửa tiệm chú làm việc, sau khi đã ở trường về. Công việc của tôi là làm sổ sách, ghi các giá hàng như một thư ký, và cũng như con chó Quít, tôi được nuôi cơm và không ăn lương. Kể ra trong thời buổi đó, được một công việc như thế là quý lắm rồi. Mới học lớp nhì trường làng mà đã giữ chân thư ký trong một tiệm buôn vào cỡ tiệm buôn chú Chưởng, còn gì vẻ vang hơn nữa? Cha mẹ tôi còn sợ tôi ở không sẽ sinh lêu lổng vì giờ rảnh rỗi tôi thường lang thang ngoài đồng, lặn ngụp ngoài sông, ít khi có mặt ở nhà. Đi làm là cách biến đổi con người cho đứng đắn hơn. Tình trạng khủng hoảng kinh tế thời ấy vẫn còn kéo dài, và dù chỉ ăn cơm không cũng đỡ phần nào cho gia đình tôi.
Những lúc làm xong công việc tôi cũng cảm thấy trống rỗng, cô độc. Ngoảnh đi ngoảnh lại, không ai có thể hầu bạn hay là trò chuyện với mình. Mỗi người đều bận công việc của họ và tôi nhận thấy những kẻ phải làm lụng nhiều đều rất tiết kiệm lời nói. Ba hoa, tán dóc, nói chuyện cà kê dê ngỗng là thói quen của một lớp ăn không ngồi rồi. Hơn nữa, trong nhà chú Chưởng cũng không có ai vào trạc lứa tôi để mà tâm sự. Người lớn chỉ có la mắng hay là đùa cợt lũ trẻ chứ không chịu xem trẻ nhỏ như những người bạn tâm tình. Điều đó gây nên lắm nỗi thiệt thòi - thiệt thòi cho lũ trẻ con và cả cho người lớn nữa. Chỉ có anh Múi, con riêng thím Chưởng là lớn hơn tôi vài tuổi có thể nói chuyện ít nhiều. Nhưng anh thuộc về loại trẻ phiêu lưu, ưa sự phá phách hơn là trò chuyện. Ngôn ngữ của anh là sự hiếu động ở trên tay chân và nếu cần phải sử dụng đến miệng là để chửi thề tục tĩu. Cái miệng của anh chỉ còn bận tâm về hai công việc quan trọng là ăn và chửi. Anh cũng không ưa gì tôi, bởi lẽ tuy tôi nhỏ tuổi nhưng có trình độ học vấn hơn anh. Đáng lẽ công việc biên chép, làm sổ sách này là phần việc của anh Múi. Anh làm được thế sẽ là một cách đóng góp thiết thực cho phần cơm áo mà anh thụ hưởng trong nhà, vừa là cơ hội để mà ngày sau kế tục thừa hưởng gia tài chú Chưởng. Nhưng anh không có khả năng để làm như thế, dù khả năng ấy chỉ là chịu khó ngồi yên một chỗ và làm ít phép cộng trừ nhân chia.
Nhiều hôm, không có việc làm, tôi thực hết sức buồn rầu. Tôi bắt đầu cảm nhận được loài người là giống động vật rất ưa tâm sự, cho dù thuộc lứa tuổi nào. Chú Chưởng cố nhiên là không thể nào trò chuyện với tôi. Chú là người lớn, vừa là ông chủ, hai điều kiện ấy đã ngăn cản chú cảm thông với lũ trẻ nhỏ. Thím Chưởng, tất nhiên phải được sắp xếp vào loại với chủ. Chỉ mỗi chú Hai thì lại chưa nghe rành được tiếng Việt và sự bất đồng ngôn ngữ là hàng rào cản ngăn hết sức quan trọng giữa những con người.
Như thế chỉ còn lại mỗi con Quít là tôi có thể thân thiện. Ngược lại, về phía con Quít nó cũng không còn ai khác ngoài tôi. Hai kẻ cô đơn gặp nhau tất nhiên rất dễ trở thành một đôi tri kỷ. Những lúc xong việc tôi thường đùa với con Quít, bắt nó làm trò, dắt nó đi quanh trong vườn, trong sân, thơ thẩn ngoài chợ. Ngay cả trong khi làm việc, khi phải cong cả lưỡi lại liếm lấy môi trên, gò mình nắn nót từng chữ ở trên trang sổ thì con Quít vẫn chui rúc giữa ống chân tôi, nhai gặm ống chân nhỏ bé của tôi một cách nhẹ nhàng hoặc lôi kéo chiếc quần tôi như một dọa dẫm đùa cợt. Tôi nhận thấy chó cũng cần tình cảm như người. Nó cũng cần sự nâng niu, ve vuốt, cần những lời nói ngọt ngào. Tôi đáp ứng lại nhu cầu sâu xa của nó và dĩ nhiên nó quyến luyến tôi hơn ai hết trong ngôi nhà này. Từ con vật ấy, tôi đã bắt đầu cảm thấy rất sớm được rằng, ngay cả giống vật, không chỉ cho ăn uống no nê mà gọi rằng đủ. Hơn các nhu cầu vật chất, loài vật cũng có nhu cầu tình cảm. Và nhu cầu ấy không phải là không bức xúc, không phải là không quan trọng. Như thế, đối với loài người là loài động vật duy nhất được xem như có ý thức, vì có cuộc sống cộng đồng, vấn đề tình cảm tất nhiên là một nhu cầu còn thiết tha hơn, còn bức xúc hơn.
Thành thật mà nói, tôi không có ý dụ dỗ con Quít về ở với gia đình tôi. Nó là con chó nhà chủ, dầu mình ưa thích bao nhiêu, lòng nào quyến rũ cho đành, vả lại, dễ gì mang nó về được nhà mà không gây những phiền lòng đối với gia đình chú Chưởng. Đó là chưa nói đến một vấn đề khá quan trọng khác là việc nuôi dưỡng, vì lo cơm gạo cho tôi đã là một việc khó khăn. Con chó, dù là con chó khôn ngoan, vẫn còn là vật trang sức của những gia đình dư dả. Nhưng từ khi tôi vào làm thư ký cho tiệm chú Chưởng, hai vợ chồng chú rất yêu quý tôi. Một phần là vì tôi làm sổ sách phân minh rành rẽ, tôi là một thư ký tốt, không tốn kém nhiều, tôi lại ngoan ngoãn không biết phá phách, chỉ biết có việc đùa giỡn với chó mà thôi. Phần khác, vợ chồng chú thím hiếm hoi, chỉ có mỗi đứa con riêng lại theo bài bạc điếm đàng, thỉnh thoảng về ăn cắp tiền, gây gổ với người chòm xóm nên vợ chồng chú rất là phiền lòng. Có lẽ chú thím nhìn thấy nơi tôi một đứa con nuôi lý tưởng. Một hôm, thím bảo mẹ tôi:
- Này chị Ba ơi, coi cái thằng Bảo con trai gì mà nhát hơn con gái. Mỗi lần nó thấy giết heo là nó nhắm mắt chạy trốn. Anh chị để nó lên ở luôn tại nhà vợ chồng tôi đi. Chúng tôi nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn.
Chú Chưởng cũng đã hết lòng khuyên dụ và mẹ tôi hỏi ý kiến của tôi nhưng tôi nhất định không chịu. Tôi không ưa cái không khí hàng thịt lúc nào cũng thấy máu me, cũng nghe tanh hôi, không khí tiệm buôn lúc nào cũng bận rộn, tháng ngày chỉ lo mỗi việc lời lỗ, làm như ở trên đời này chỉ có mỗi sự đổi chác và những mưu mô thủ lợi là quan trọng nhất. Còn một việc nữa là tôi đã quen ăn uống thanh đạm trong một gia đình đồng ruộng, nay phải ăn theo lối Tàu, món nào cũng mỡ, ngây quá, tôi nuốt không trôi. Tôi vốn sợ thịt, nhất là thịt mỡ. Những ngày tháng sống ở nhà chú Chưởng càng làm cho tôi sợ thịt nhiều hơn. Biết tôi như thế, chú Chưởng thôi không dỗ dành tôi nữa.
Tuy tôi không làm con nuôi, nhưng cũng như là người nhà, tới lui nhà chú rất là thong thả. Lần hồi, công việc tôi làm vừa lòng chú thím, nên chẳng những tôi đã được trả công, còn được áo quần đầy đủ.
Con Quít càng ngày càng là bạn thân của tôi. Tôi thường dẫn nó đi chơi, đi tắm, rượt bắt, làm trò và hẳn là nó thích thú còn hơn khi sống với thầy Đội. Ở với thầy Đội còn có nhiệm vụ canh cánh bên lòng, với tôi chỉ có đùa giỡn mà thôi, ở với thầy Đội là ở với người chủ nhà nghiêm khắc, với tôi là một người bạn đồng trang đồng lứa. Nhất định là tôi không biết ra lệnh, không biết nạt nộ, không hề sử dụng gậy gộc, cũng không mang thứ giày đinh. Tình cảm của con Quít, nếu quả nó có tình cảm, thì hẳn được thỏa mãn nhiều.
Nhưng trong cuộc đời không có cái gì mà không biến đổi. Tất cả sự vật đều phải đổi thay. Tình hình khủng hoảng kinh tế thời ấy mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn, thấm dần tới chốn thôn quê hẻo lánh. Lúa sụt giá xuống còn 18 xu một giạ, vải bô còn 6, 7 xu một thước. Làm những công việc nặng nhọc như vác gạch xếp vào lò, mỗi ngày chỉ lãnh được từ 12 đến 16 xu là cùng. Những việc lặt vặt như vét mương, làm cỏ mía, ăn một bữa cơm còn lãnh 4 xu. Trong tình trạng ấy, dù chú Chưởng bán một tô cháo lòng thật rẻ với giá 3 xu cũng chỉ những người khá giả mới dám ngồi vào hàng quán. Những món tạp hóa lại còn ế ẩm. Thím Chưởng đành trả môn bài, chỉ còn cạo heo mà sống cầm chừng.
Tất nhiên, tôi không còn làm thư ký và cũng không tiện ở mãi trong nhà chú thím để nô đùa với con Quít như ngày trước nữa. Tôi quay về nhà, trở lại nếp sinh hoạt cũ, đôi khi cũng cảm thấy nhớ chỗ ngồi biên chép ở nơi cửa tiệm, nhớ con chó Quít quanh quẩn bên mình. Thỉnh thoảng, có dịp má tôi sai đến mua chút ít thịt, tôi mới ghé lại tiệm của chú Chưởng, mới ve vuốt lại con Quít và nó tỏ ra hết sức mừng rỡ được gặp lại tôi. Nhưng những tình cảm không quan trọng ấy đành phải nhường bước cho những sinh hoạt thiết thực hơn nhiều. Việc học, việc nhà, dần dần đã làm tôi phải quên đi người bạn bé nhỏ tinh khôn, và tôi quả thật không ngờ con Quít tìm đến nhà tôi một buổi đẹp trời nào đó.
Ngày đẹp trời ấy là một sáng sớm tinh sương, vào mồng một Tết. Tôi vừa mở cửa định bước ra sân xem cây mai hai lớp cánh trổ thêm được bao nhiêu nụ thì con chó Quít từ đâu ập vào, mình mẩy đầy bùn, mặt mũi ngơ ngác như muốn cầu cứu. Tôi cúi mình rờ ngực nó, thấy nó còn run, tim đập thình thịch. Tôi đã hiểu được nguyên do sự sợ hãi này. Con Quít sợ pháo.
Xóm tôi nghèo nhất, không nhà nào có dư tiền mua pháo, cũng không ai có công thừa tán thuốc vấn pháo mà đốt vui xuân. Vì vậy, chỗ của tôi ở là một xóm thôn vô cùng yên tĩnh.
Tôi bèn dẫn nó đi tắm, lấy vải lau khô, trải manh chiếu cho nó nằm, đoạn lo phụ với má tôi dọn một mâm cỗ đơn sơ để cúng ông bà. Con Quít liếm lông sạch sẽ, nằm nghỉ một chốc rồi nhảy lên nằm ở một góc ván. Tôi biết nó không quen nằm dưới đất, nên tìm cái thúng lót giẻ vào trong đặt kề bên nó. Rồi tôi búng tay làm hiệu, chỉ vào cái thùng. Con Quít vâng lời, bước vào, nằm gọn ở trong lòng thúng, ghếch mõm ra ngoài.
Đến lúc cúng xong, tôi dọn cỗ xuống bộ ván, bày thịt cá ra đấy mà nó vẫn chẳng nhúc nhích, chừng như nó đã tập quen tinh thần kỷ luật trong việc ăn uống. Tôi bưng vài món đặc biệt sang biếu bác Ba bên cạnh, quay về thì cả gia đình đã quây quần bên mâm cơm. Tôi bèn lấy một tô riêng xúc cơm, chan canh, để các thức ăn lên trên, đặt ngoài góc ván và gọi con Quít. Nó vâng lời ngay, bước ra khỏi thúng và hình như nó hết sức đói lòng nên ăn một loáng là đã hết sạch.
Con Quít đã đến ăn Tết với tôi năm đó. Gia đình tôi nghèo hơn tiệm chú Chưởng nhưng chắc nó cảm thấy ấm cúng hơn vì được che chở, được trìu mến hơn. Tôi định qua mấy ngày Tết, không còn tiếng pháo sẽ ẵm con Quít đem đến trả cho chủ nó. Trong khi chờ đợi ngày sẽ cho nó hồi hương, một buổi sáng nọ tôi bèn đến gặp chú thím hỏi cho biết rõ sự việc con Quít tìm xuống nhà tôi. Thím Chưởng cho hay sự tình đã khiến con vật bỏ nhà ra đi: anh Múi, con trai của thím đã tinh nghịch cột một dây pháo dài vào vòng cổ nó, châm lửa đốt vào, đúng trưa 28 Tết. Con Quít kêu la, lăn lộn rồi phóng như điên ra đường. Nó chạy trở về con đường thầy Đội hay dắt nó đi lúc trước và thím nhất định là nó đi lạc mất rồi. Sau này mới biết là con Quít chạy một mạch về đồn Gò Cát, hy vọng gặp sự chở che của người chủ cũ. Nhưng mới bước vào vòng đồn bên ngoài nó lại gặp một toán lính đốt pháo khiến nó tháo chạy ngược lại. Đến đâu nó cũng nghe tiếng đì đùng, đì đẹt nên men theo rừng dừa nước ven sông tìm đường lẩn trốn. Trong bao nhiêu năm sống cạnh thầy Đội, con Quít vẫn chưa dạn với tiếng súng. Nhất là tiếng pháo dồn dập xoắn lấy quanh mình vào trưa ngày 28 Tết đã gây cho nó ấn tượng hết sức kinh hoàng. Rồi cứ đi trong sình lầy, lẫn trong đám lá, nó đã đánh hơi lần mò tìm đến nhà tôi. Qua cơn hốt hoảng như thế mà con Quít vẫn biết hướng để chạy, biết hơi để tìm, đủ nói lên sự khôn ngoan của nó.
Đến hạ niêu, tiếng pháo thật sự dứt hẳn, tôi ẵm con Quít đến giao lại cho chú Chưởng. Tình cảm chú thím với nó vẫn còn đậm đà như xưa. Chú thím hết sức dỗ dành và an ủi nó, nhưng vừa thấy bóng anh Múi, nó đã vụt chạy ra đường. Vợ chồng chú thím rầy la anh Múi, nhưng sự trách mắng như thế chỉ làm cho anh càng oán giận thêm con chó mà thôi. Tôi phải chạy ra ẵm con Quít vào. Thím Chưởng lấy dây xích lại. Khi tôi ra về nó vẫn nhìn theo lom lom. Hễ gặp anh Múi đến gần là nó cúi mặt cố ý lẩn tránh.
Chỉ vài ngày sau, con Quít lại chạy bổ đến nhà tôi, run rẩy cầu cứu. Đằng sau, anh Múi đang rượt đuổi theo. Anh bảo cho tôi biết rằng vợ chồng chú Chưởng thấy nó ăn uống trở lại tưởng nó không còn sợ hãi gì nữa nên đã mở xích. Không ngờ vừa thả ra là nó vội phóng đi. Anh Múi bèn lôi nó về, đánh nó một trận, và lần thứ nhất anh cảnh cáo nó bằng cách chặt mất một bên chót tai. Được mấy ngày sau, vết thương đã lành, nó lại được mở dây xích, nhưng cũng như trước vừa được tự do là nó phóng chạy xuống ngay nhà tôi. Anh Múi đến tìm bắt lại và lần này nữa anh chặt luôn chót tai kia. Con Quít lồng lộn, bứt dây, nhất định không chịu ở lại đây nữa. Nó đã kháng cự quyết liệt đến nỗi một người mạnh như anh Múi mà không cách nào trói buộc được nó. Khi nó thoát chạy, anh cầm quả cân hai ký ném theo. Tất cả biện pháp đối xử thô bạo như thế đã khiến con Quít nhất định rời bỏ ngôi nhà chú Chưởng và đến mong được tá túc ở gia đình tôi. Má tôi, nghĩ thương hại nó, nhưng sợ mất lòng vợ chồng chú Chưởng nên đã lên chợ nói với chú thím xin cho nó được ở lại nhà tôi. Má tôi nói thêm:
- Con Quít ở đây có ngày anh Múi lỡ tay sẽ đập nó chết, càng thêm mang tội mà thôi.
Đối với chú Chưởng, dù sao con Quít cũng là kỷ niệm của thầy đội Sáu. Một thứ kỷ niệm khôn ngoan, hữu ích như thế mà không giữ được cho người bạn mình, nghĩ cũng có lỗi.
Chú cần răn dạy anh Múi, la anh một trận kịch liệt. Chú nói:
- Nếu ai cột pháo vào mình của mày mà lốt, mày có liên không? Mày là một thằng lộc ác.
Chú Chưởng biết không cách nào giữ nó lại được, nên đành nhận lời, để chúng tôi nuôi. Nhưng bị la rầy, anh Múi càng căm thù hơn. Một hôm, anh rình rập nó và bắt gặp nó theo sau má tôi lên tiệm mua thịt, anh xông vào nắm chân nó ném mạnh vào một gốc vông khá lớn bên đường. Con chó chết giấc, tôi phải mang về cứu cho tỉnh lại.
Từ khi về ở luôn với tôi nó không bao giờ đặt chân trở lại nhà chú Chưởng nữa. Đôi khi thấy nó, chú đem thịt quay, cháo lòng dỗ dành, nó cũng không ăn. Thấy vậy, chú Chưởng phát cáu, bảo nó:
- Mày giận thằng Múi, chớ mày phản tao luôn à?
Cố nhiên, con Quít không biết trả lời. Nhưng coi dáng vẻ của nó thì mối thiện cảm ngày qua với gia đình chú đã bị những sự đối xử thô bạo của người con trai thím Chưởng làm cho tan tành.
Sau khi tôi cứu sống nó, nó đã biến thành con Quít của gia đình tôi. Đúng ra, nhà tôi có hai con Quít. Đứa em gái tôi cũng tên là Quít. Ấy thế mà con vật ấy không hề lầm lẫn bao giờ. Chưa khi nào má tôi gọi em tôi mà nó lầm tưởng gọi mình. Rõ ràng nó biết phân biệt giọng nói. Khi cần sai nó đuổi gà, rượt mèo, bà bảo: “Xuỵt, con mèo kìa Quít”, hoặc: “Đuổi gà coi Quít”, là nó biết ngay bà gọi nó rồi. Còn với em tôi, giọng của má tôi nhẹ hơn, câu cũng dài hơn. Chẳng hạn, bà nói: “Con Quít sửa soạn để đi học chưa? Coi chừng trễ giờ rồi đó.” hoặc gọi: “Quít? Thay áo đi chợ với má”.
Nếu có việc gì cần kíp gọi nó, má tôi thường gọi dồn dập: “Quít, Quít”. Mỗi lần phải ngăn cấm nó điều gì, má tôi thường tằng hắng trước rồi mới gọi tên: “Con Quít có trở vô không?” là nó tiu nghỉu quay lại không dám cãi lệnh bao giờ. Nó giống như một trẻ ngoan dễ dạy. Mỗi lần đi đâu muốn dẫn nó theo, tôi phải xin phép má tôi. Nó chực ngoài cửa, nghe má tôi ừ là nó mừng rỡ tíu tít, vọt chạy trước xa một đỗi rồi vòng trở lại như một người lính dò đường. Có lúc, tôi không có ý định dẫn nó đi theo, nhưng vừa ra ngõ kịp trông thấy tôi nó phóng đuổi theo thì nghe tiếng má tôi gọi: “Quít, trở lại” lập tức nó quay về ngay và nằm trong thúng ở bên cạnh bàn. Má tôi liền giải thích rõ lý do cấm đoán vừa rồi, như bà nói chuyện với người nào vậy: “Thằng Bảo đi xa, đến tối mới về, mày theo sao nổi? Chừng nào cho phép, mày mới được đi nghe không?”
Con Quít đỡ tay, đỡ chân chúng tôi rất nhiều. Từ ngày nó đến tá túc, khu vườn nhà tôi không hề có bóng con gà nào ở hàng xóm dám bén mảng đến. Cũng không có con mèo nào dám héo lánh đến ăn vụng. Không một con vịt nhà ai dám đến rúc rỉa dưới ao. Mỗi lần đem lúa đi phơi, tôi dẫn nó theo, giao trọn mấy đệm lúa dài cho nó canh chừng. Rồi tôi vót nan, đan giỏ hay đi hái ổi, đánh trổng cùng với lũ trẻ trong xóm, mãi cho đến khi tắt nắng, gom lúa xúc về mà không gà vịt đến ăn mất một hột nào.
Tới bữa, nếu má tôi còn bận việc đằng xóm chưa thể về kịp, tôi dọn sẵn cơm rồi kêu con Quít lên giữ để làm việc khác. Nó thật xứng đáng với lòng tin cậy của tôi.
Phải nói về sự ăn uống, con Quít đã được giáo dục theo một phong cách vững vàng. Bất cứ người lạ cho món ăn nào, nó cũng không bao giờ ăn. Ngay cả những khi đói khát, nó cũng tự biết giữ mình như thế. Chính khi cho ăn mà không đúng cách, nó cũng không thèm. Có lần tôi trộn bắp nấu với dừa, cho thêm muối mè và đường xà ngầu như cháo, đưa tận mõm nó mời mọc, nhưng nó quay đầu ra sau né tránh không ăn. Tôi bèn ăn trước vài miếng rồi đút cho nó, nhưng cũng vô ích, nó vẫn quay đi. Tôi bèn lấy gói bắp khác rắc dừa lên mặt, rắc mè và đường lên trên, đưa lại thì nó ăn hết.
Có lúc nhặt được một chiếc mo cau mới rụng, tôi bèn ép nó kéo cộ nhưng nó giẫy nẩy cự tuyệt. Tôi bèn cột vào cổ nó, nhưng nó lồng lộn rồi chạy vuột ra tới tận đầu làng đón má tôi đi chợ về. Khi bà trở về, nó lại lót tót theo sau. Mỗi lần gặp nó như vậy, má tôi đoán biết đã có sự gì bất thường xảy ra ở nhà. Và bà rầy bọn chúng tôi: “Lũ bây giở cái trò gì bắt ép con Quít đó hả?”. Nghe má tôi rầy bọn tôi, con Quít đưa mắt lấm lét nhìn anh em tôi. Nhưng chúng tôi không giận nó như anh Hai Múi, mà thường vào trường hợp ấy tôi làm lành với nó trước.
Học xong tiểu học, má tôi gởi tôi lên tỉnh tiếp tục theo ban trung học. Rời khỏi gia đình, đồng quê, bạn bè chòm xóm là một nỗi buồn lớn lao đối với một đứa bé con như tôi. Nhưng trong nỗi buồn khổ ấy, sống xa con Quít là nặng nề nhất. Dù sao, không ai vì sự quyến luyến con chó mà lại chối bỏ học hành. Tôi đã ra đi, chỉ vào dịp hè mới trở về chơi với nó. Vào một mùa đông sau đó, con Quít cảm lạnh và ho khúc khắc. Thời ấy chưa có những thuốc bào chế dành cho gia súc, dù biết nó đã có lần bị đánh, bị ném mạnh vào gốc vông nên phải mang bệnh, nhưng chúng tôi không biết làm cách nào cứu nó. Tôi chỉ còn biết cho nó ăn uống nhiều hơn để lấy sức mà chống bệnh. Nó lại còn có thói quen mỗi ngày tắm hai ba lượt, mùa hè cũng như mùa đông, cho nên bệnh phổi của nó lại càng trở nặng.
Còn mấy hôm nữa thì tôi chuẩn bị tựu trường. Con Quít ho khạc ra máu. Nó lết lại sát gần tôi, sau hồi ho ngất máu trào từ trong cổ họng và từ lỗ mũi. Sợ nó nghẹt thở, tôi thổi mạnh vào hai lỗ mũi nó. Nó có một vài cử động yếu ớt, cố lết lại gần tôi hơn, mắt nó từ từ khép lại. Tôi nghĩ là nó đã chết, nhưng sờ vào ngực thấy còn thoi thóp. Tôi ẵm nó bỏ vào thúng, ủ kín nó lại, và nó nằm yên như thế trong mấy ngày liền. Đến ngày tôi phải lên đường, con Quít vẫn chưa tỉnh lại. Tôi luồn bàn tay sờ vào người nó, thấy mình mẩy nó nóng ran, hơi thở nặng nhọc. Con Quít vẫn còn mê man không hay biết gì. Tôi nói với nó vài lời ngọt ngào, vỗ nhẹ lên mình của nó, ủ lớp vải lại cho nó thêm ấm rồi tôi chào mẹ, nựng em, lên tỉnh tiếp tục sự học. Tôi đinh ninh rằng thế nào con Quít cũng chết vài ngày sau đó. Nhưng sau khi tôi rời nhà được chừng vài hôm, một người bạn thân của gia đình tôi tìm đến hỏi thăm tin tức cha tôi. Thời ấy, cha tôi có chân trong một phong trào Cách mạng, ông phải bôn ba hoạt động đây đó nên không mấy khi ở nhà. Suốt cả quãng đời thơ ấu của tôi cũng không mấy khi tôi được gần gũi với ông và sự chăm sóc nuôi dưỡng chúng tôi đều nhờ vào mỗi người mẹ.
Người khách đến nhà chúng tôi là ông Hai Thìn. Ông đến ở lại nhà tôi một buổi, ăn trưa tại đây và nghe mẹ tôi than thở về con chó Quít lâm vào tình trạng ốm đau không có cách gì cứu thoát. Câu chuyện về con chó ấy đã làm ông Hai động lòng. Chính ông, trong bấy lâu nay, giữa bao nhiêu điều lo lắng việc nhà việc nước, ông còn băn khoăn tìm người bạn đời cho con chó Vá tàn tật của ông. Được con Quít này, còn gì quý bằng. Dù nó đã là con nuôi của thầy đội Sáu, điều này quả thật ban đầu ông Hai không mấy cảm tình, nhưng cuộc đời nó chứng tỏ nó không nhiễm gì quá đỗi sâu xa về phần thầy Đội. Kể ra trong sự ăn uống nó còn một đôi kiểu cách, nhưng đã chịu được gia đình của tôi là nó có thể thích hợp với mọi gia đình nghèo khổ. Điều kiện sinh sống ở nhà ông Hai khả quan hơn chúng tôi nhiều. Con Quít chừng như cũng hơi nhu nhược, có vẻ phục tùng một cách thái quá, nhưng nghĩ cho cùng khó lòng đòi hỏi con chó như thế có những biểu hiện ý thức cao hơn. Ông Hai đề nghị với gia đình tôi cho ông được mang con Quít về nhà chữa trị. Vốn biết ông là người tốt và hy vọng nó sẽ được ông Hai cứu sống hơn là ở với chúng tôi đã khiến mẹ tôi vui vẻ chấp thuận mà không khỏi có ít nhiều bùi ngùi. Con Quít được che đậy kỹ và đem xuống chiếc xuồng nhỏ để ông Hai Thìn mang về. Tôi không có mặt ở trong buổi tiễn đưa ấy. Nhưng từ nơi xa, nhận được tin tức mẹ tôi gởi đến, tôi cũng tưởng tượng ít nhiều về buổi chia tay giữa con chó Quít và gia đình tôi.
Con Chó Hào Hùng Con Chó Hào Hùng - Vũ Hạnh Con Chó Hào Hùng