Meditation can help us embrace our worries, our fear, our anger; and that is very healing. We let our own natural capacity of healing do the work.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1728 / 25
Cập nhật: 2016-06-09 04:38:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ồi ấy, còn mài đũng quần ở ghế nhà trường tiểu học, mỗi khi tan lớp thay vì đi tắt bến đò để qua xóm Dầu về nhà, tôi theo chúng bạn ngược đường cầu Quây, men xuống nhà Lồng chợ mới Mỹ Tho, xem ông lão mù dẫn chó xin ăn.
Chúng tôi đến đây thì chợ đã thưa thớt rồi. Các hàng rau cải, cây trái, quà bánh ở khoảng đất trống trước chợ phần lớn hạ lều, dọn dẹp sạch sẽ. Riêng các thớt thịt, các quán tạp hóa cùng các sạp vải ở trong nhà Lồng vẫn còn bày bán tới chiều.
Ông lão mù thường chọn giờ tan chợ để đến xin ăn các quán và các thớt thịt cho thong thả hơn. Dẫn đường cho ông là một con chó khá lớn, mõm dài, hàm bạnh, răng lởm chởm nhọn trông mà phát khiếp. Hai tai khá to, cụp xuống như hai cây quạt xếp treo hai bên. Mắt nó tròn xoe, sáng ngời. Da lông màu trắng có vá nâu đậm, và lốm đốm màu nâu nhạt các bạn của tôi gọi là chó Vá bông lau. Đuôi dài lông không xòe như của chó bẹc-giê, hơi uốn cong về phía trái và đó là điều giúp cho người ta nhận biết nó mang trong người dòng máu của chó Việt Nam. Cổ được mang vòng dây da gắn bảng nhôm nhỏ ghi tên chủ nó là người ăn xin mù lòa. Ngay dưới cổ nó, ông lão treo một cái giỏ với bốn mối dây được cột túm lại như là chiếc gióng. Để phòng thủ cho con vật, ông đã căng dưới cổ nó một cây mây to bằng ngón chân cái, mỗi đầu cột vào dây cổ bằng da và nơi hai ngọn cây mây cắm hai cây đinh mài nhọn. Như thế, phía trước không lũ chó nào dám xáp lại gần vì hai bên hông có hai mũi nhọn di động theo sự xoay trở của con vật ấy. Phía sau, đã có ông lão thủ cây gậy dài. Ông cột chéo một sợi dây choàng qua ngực và vai nó thòng phía sau để nắm thật chặt như cầm cương ngựa. Cứ thế, con chó dẫn ông lão mù la cà từ khu phố này sang khu phố khác, đi từ chợ Mới bờ kinh Bảo Định đến vùng chợ Cũ kinh Lấp, đi từ xóm đình Điều Hòa cho đến Xóm Củi.
Không hiểu ông lão đã khéo tập luyện thế nào hay do bản năng đặc biệt mà nó khôn ngoan đáo để. Sự khôn ngoan ấy làm cho nhiều người kinh ngạc. Nhà nào, hôm nay đã đến xin rồi, ngày mai nó không dắt dẫn ông lão tới nữa. Thớt thịt nào đã “độ” rồi, hôm sau nó sang thớt khác. Có người đã thử sự thông minh ấy bằng cách ngày sau gọi nó lại cho, nó vẫn không nhận, nếu ngày hôm trước đã nhận của người ấy rồi. Một điều lạ lùng là dù ép nó bao nhiêu, nó cũng chối từ. Sự chối từ ấy thường được biểu lộ một cách tế nhị: con chó né mình tránh khỏi món quà, hoặc ngoay ngoảy đầu, không cho chủ thớt bỏ vào trong giỏ món quà mà nó tự xem như không được quyền tham lam nhận lãnh quá nhiều.
Ban ngày, khi đã xin được đầy đủ thức ăn, con chó dẫn ông lão mù về đình Điều Hòa, nằm nghỉ ngơi sau nhà khói. Ông lão sờ soạng lấy các thức ăn để riêng một bên, rồi chia cơm làm hai phần. Ông đặt đồ ăn lên một phần cơm, rồi đẩy về phía con chó và âu yếm bảo: “Này, ăn đi con”. Ông ngồi yên lặng, chờ nghe con chó ăn rồi mới bắt đầu ăn. Con chó thường nhai chậm rãi, ngước mắt trông chừng người chủ chứ không gục đầu vào mải mê ăn như một số loại chó khác.
Thấy sự khôn ngoan kỳ lạ của nó, những người thí chủ không nỡ cho những đồ ăn thừa thãi. Tấm lòng của nó với chủ chừng như cũng đã chuyển động lòng người. Thiên hạ cảm thấy thương hại ông lão già nua mù lòa, không ai nuôi dưỡng, chỉ sống cô đơn với mỗi con chó mà ông luôn gọi là “con” nên những thức ăn gồm những thịt thà người ta chia sớt cũng được rút bỏ hết xương, thái sẵn cho ông lão dùng được dễ dàng hơn.
Mỗi lần dẫn chó xin ăn như vậy, ông lão thường nhắc nhở nó:
- Thôi, liệu vừa phải là về đi con. Đủ ăn thì thôi, đừng có tham lam.
Người ta cũng đã tự hỏi với chiếc giỏ treo dưới cổ, làm sao con vật biết thế nào là vừa phải. Có lẽ con chó dò biết theo cái sức nặng của các phần ăn, khi giỏ còn nhẹ là được coi như chưa đủ, cần dẫn người chủ mù lòa xin thêm một vài nơi khác. Có khi chủ một nhà nào đem cho món ăn, nhận thấy trùng hợp, liền trở vào bếp để đổi món khác. Lòng thương của họ đối với con chó và người mù lòa đã khiến cho sự bố thí trở thành tế nhị và kiểu cách hơn. Con chó, trong trường hợp ấy, vẫn cứ ngoan ngoãn đứng đợi.
Cứ thế, ông lão và con chó được nuôi dưỡng đầy đủ. Một điều đặc biệt, có thể coi như khác thường là không bao giờ ông ấy ngửa tay nhận tiền bố thí. Luôn luôn, hai bàn tay ông không rời sợi dây và chiếc gậy dài.
Buổi chiều, con chó dắt ông trở về xóm Cá ngủ trong tòa miếu cổ nhìn ra bờ sông Cửu Long. Có khi nó dẫn ông về ngủ ở trại cưa ngang nơi chợ Cá. Cả thành phố Mỹ Tho, từ bến Giồng Nhỏ, hãng Xáng đi xuống Vĩnh Kim, Rạch Gầm, từ ngã Chợ Gạo qua lối Xóm Củi, Xóm Dầu, ai ai cũng quen thuộc ông lão mù ăn xin và con chó ấy. Trên đường cầu thực của nó, chưa hề có con chó nào dám xáp lại gần gây sự hay khiêu khích sủa. Những nhà có nuôi chó dữ, khi thấy bóng ông lão mù thấp thoáng, đã vội đuổi chúng vào nhà.
Sau một thời gian quen thuộc, thỉnh thoảng ông lão nằm nghỉ ở nhà để con chó đi xin ăn một mình. Cứ mỗi lần vắng ông lão, các người đem thức ăn cho đều thắc mắc như hỏi nó: “Bộ ông cụ đau gì sao?”. Bọn trẻ chúng tôi thường đi theo nhìn ông lão và con chó ấy mà không biết chán. Chúng tôi tự hỏi: “Ông lão mù lòa làm sao dạy được con chó? Sao một con vật có thể khôn ngoan quá vậy?”. Nơi nào đi qua một lượt là nó nhớ không lầm nhà. Làm sao nó biết đếm từng căn nhà, phân biệt được các số nhà? Nó cũng không hề tiểu tiện dọc đường để làm dấu vết như các chó khác. Có thể ông lão đã tập luyện nó trước khi mù chăng? Nếu vậy thì nay ông đã già rồi, làm sao con chó có thể còn sống để dắt ông lão đi xin? Ông lão là người thế nào, đến nỗi ngày nay không còn một ai nuôi dưỡng? Trước khi đến đây ăn xin, ông sống nơi đâu? Và làm thế nào ông di chuyển sang những thành phố khác?
Chúng tôi cũng thường hỏi nhau như vậy, và những thắc mắc như thế, bọn trẻ chúng tôi không đứa nào giải đáp được. Chúng tôi lò dò đi theo ông lão tìm biết chỗ ăn chỗ ngủ của ông, ngoài ra không còn có thể biết gì hơn nữa. Ông lão cũng rất ít lời. Trông ông hiền từ, hòa nhã, những câu trả lời của ông đối với mọi người thường rất vắn tắt. Những lúc đi xin, ông chỉ bảo với con vật: “Thôi chào ông chủ (hay là bà chủ) rồi đi nghe con”, hoặc: “Liệu vừa phải là về, con”. Thông thường, ông chỉ cúi chào lúc đến, cám ơn lúc đi, và nhiều câu hỏi chỉ được ông ngẩng đầu lên mà không nói gì. Người ta cho rằng ông đã lãng tai hay là điếc nặng.
Ông lão đã ít lời mà cũng không thường tiếp xúc với ai. Những lần ông mệt chỉ mỗi một mình con chó đi xin thức ăn mang về. Đến khi gió bấc thổi già mang luồng hơi lạnh mạn Bắc tràn xuống, các cây ngô đồng trụi lá bắt đầu đâm bông đỏ sẫm như máu thì ông lão mù nằm luôn ở tòa miếu cổ không đi đâu nữa. Ban đầu thấy con chó đi một mình, nhiều người cũng có thắc mắc hỏi thăm và gửi thuốc men cho nó mang về. Nhưng sau lâu ngày người ta cũng quên dần đi, và con chó cứ tuần tự theo các lối cũ đi hết xóm này rảo sang xóm khác, đi từ nhà nọ bước sang nhà kia, lần lượt xin ăn đem về nuôi chủ. Nhiều lúc đến một ngôi nhà nào đó, chủ nhà bận việc đằng sau và đóng cửa trước, con chó chồm lên cào cửa mấy cái rồi lại đứng yên chờ đợi.
Từ khi ông lão không đi theo nữa, hình như nó đỡ vướng víu hơn nhiều nên nó đi, về sớm hơn thường lệ. Tôi còn nhớ rõ dáng điệu của nó mỗi khi nhận các món ăn: nó đứng trên hai chân sau, còn hai chân trước chắp lại xá lia, xá lịa. Khi nhận các thức ăn rồi nó cũng nhớ xá mấy lượt mới sang nhà khác. Những cái xá đó thay lời cám ơn cho ông lão mù khi ông vắng mặt trên các đường phố, vì vậy ai nấy cũng đều hài lòng, thầm thương ông lão, quý mến con chó nhiều hơn.
Con chó đã đi một mình như vậy trong một thời gian khá lâu. Mãi về sau này, khi nhiều biến cố xảy đến khiến chúng tôi hồi tưởng lại sự việc đã qua, chúng tôi mới nhận biết rằng trong thời khoảng đó người chủ con chó đã bận việc ở nơi khác và nhờ con vật thay thế cho mình duy trì một sự có mặt giữa chốn phố phường.
Chúng tôi theo dõi con chó được một thời gian, rồi thấy không còn có gì mới lạ và hấp dẫn hơn, lại cũng bận rộn về việc bãi trường vào dịp nghỉ Tết nên không quan tâm đến nó và ông lão mù như trước.
Vả lại, tình hình thời cuộc bây giờ đã bị xáo trộn bởi nhiều sự kiện lớn lao. Cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái thất bại vào năm 1930 và những biến động tiếp theo tràn về đến cả nông thôn chúng tôi. Lúa chín vàng ối ở trên cánh đồng, không còn ai gặt. Yêu sách của những thợ gặt giăng lên khắp đường: thợ gặt yêu cầu chủ điền tính công chín giạ ăn một, thay vì tính mười ba giạ. Thời ấy mỗi giạ lúa khô thật tốt bán giá cao nhất là hai mươi xu. Lần hồi, dân chúng đồng lòng chống xâu và yêu sách nhà cầm quyền giảm món thuế thân từ hai đồng bạc xuống một đồng hai. Nhà cầm quyền Pháp đánh hơi bàn tay sách động của các lực lượng Cách mạng nên tìm mọi cách đàn áp, cản ngăn. Rồi học sinh trường trung học Mỹ Tho bãi khóa. Giáo sư - thời trước người dạy từ cấp trung học trở lên được gọi như thế - dạy môn hội họa bị bắt lúc đi vào lớp. Ở trường tiểu học con trai đang giữa buổi học lính kín kéo ập vào lớp thầy Phương. Nhưng trước đó chừng vài phút thầy đã nhìn ra cửa sổ rồi quay vào bảo học trò:
- Các em hãy ngồi yên lặng. Ông Đốc gọi thầy lên ngay văn phòng có việc.
Rồi thầy ung dung bước ra, vòng quanh sân nhà ông Đốc và lẻn đi mất. Làng lính bấy giờ bù đầu vào việc đối phó. Ngay trong làng tôi, mỗi chiều tiếng mõ vang rền gom dân kiểm soát. Thế mà sáng nào cũng thấy truyền đơn và cờ búa liềm xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Có khi trên đường dây “cáp” vô tuyến viễn thông phất phới những ngọn cờ lớn không làm thế nào mà gỡ xuống được.
Lũ học trò nhỏ chúng tôi được lệnh hễ gặp truyền đơn là phải lượm hết, báo cho cò bót tới lập biên bản thâu nhận chứ không được đem truyền cho người khác. Ở nơi nhà trường, mấy ông thầy giáo không còn bàn bạc những chuyện làm ăn, nghề nghiệp, thuyên chuyển, mà thường trao đổi tin tức đọc thấy trên tờ Đông Pháp - vụ xử tử 13 người yêu nước ở Yên Bái, vụ ném bom làng Cổ Am làm bật bia thờ Trạng Trình, phát giác được mấy câu sấm tiên đoán thời cuộc... Nhà chức trách thì cuống cuồng lo ngăn ngừa hội kín Nguyễn An Ninh, một mặt theo dõi đạo Cao Đài đang hoạt động mạnh vì sợ các đảng Cách mạng lợi dụng những buổi cầu cơ của tôn giáo ấy. Tiếp đó, cuộc đình công lớn của hãng Xáng được nổ ra, thợ thuyền xung đột kịch liệt với lính mã tà. Phía thợ dùng đến
cả những bù lon, đinh sắt và chai át-xít. Học sinh ở trường trung học cũng nổi lên đòi thả những học sinh và những giáo sư bị bắt. Cuộc tranh đấu này đã bị cò lính kéo đến đàn áp nhưng được những anh em thợ ủng hộ, ném đá tấn công khiến bọn tay sai thực dân kéo chạy có cờ sau khi bắn dọa chỉ thiên vài phát.
Kể từ ngày đó, những cuộc khám xét, lùa dân, bắt đi lũ lượt diễn ra ngay giữa ban ngày. Các trường trung học, trường máy đã bị đóng cửa. Riêng bọn chúng tôi mỗi ngày đến trường tiểu học, không được học hành gì hết. Đợi cho chúng tôi vào lớp, ngày nào cũng vậy ông Đốc được lệnh từ lũ cầm quyền buộc phải kể lể công ơn nước Pháp cho chúng tôi nghe, bắt học thuộc lòng những câu tương tự: “Nous avons deux patries: la France et l’Annam” (Chúng tôi có hai Tổ quốc: nước Pháp và nước An Nam), được phát nhiều bài vọng cổ chống đối phong trào Cách mạng.
Mỗi đứa chúng tôi được lãnh hàng ôm tranh màu bôi nhọ phong trào yêu nước, bắt phải đem về dán vách, dán những gốc cây. Số đặc biệt của tạp chí Đông Pháp do tên Ba Bút làm chủ, nói về vụ xử 13 chiến sĩ Yên Bái được đem phát không cho các thầy giáo với cái tựa đề lồ lộ như sau: “Treize têtes de pirates dans un panier de son” (Mười ba đầu tên cướp trong một giỏ cám). Mỗi đứa chúng tôi còn được phát cho một tập ghi rõ công ơn Mẫu Quốc là nước Đại Pháp.
Cố nhiên những tài liệu tranh ảnh và sách vở loại đó đều được phát không và chẳng bắt buộc phải học nhưng các thầy giáo ở trường chúng tôi có vị dặn bảo học trò phải xem cho nhớ nằm lòng mấy cái tựa lớn, tựa nhỏ, đề phòng khi đoàn thanh tra khám trường đến hỏi thì đáp cho rành. Ông Đốc ở trường chúng tôi còn đi xa hơn trong việc hưởng ứng chính quyền thực dân về việc ngăn chận tình hình ở tại trường sở. Ông đã ra lệnh cấm nói tiếng Việt trong trường. Khi ra cổng trường, về nhà, thì được tha hồ nói tiếng mẹ đẻ. Khi bước vô cổng, mỗi đứa học trò phải nói tiếng Pháp và đứa trẻ nào mở miệng nói bằng tiếng Việt phải nộp phạt liền hai xu. Tưỏng nên ghi rằng lít gạo thời ấy giá một xu rưỡi.
Tuy nhiên chúng tôi có cái may mắn là được học với ông thầy giàu lòng yêu nước. Khi nhận được quyển tạp chí Đông Pháp, thầy tôi chỉ đặt trên bàn lấy lệ rồi giảng dạy cho chúng tôi biết rõ về vụ bạo động Yên Bái và các phong trào Cách mạng khác nữa. Thầy bảo chúng tôi:
- Hoàn cảnh không cho phép thầy được nói dài dòng. Những đầu kẻ cướp nói đến trong tạp chí này là đầu của những chiến sĩ yêu nước. Thầy khuyên các em lớn lên nên tìm thêm sách mà đọc và phải suy nghĩ nhiều hơn mới nhận ra được sự thực. Ở những thời kỳ đen tôi thế này, phần nhiều sách vở chỉ nói toàn là những điều xằng bậy, đảo điên.
Trong số các thầy ở đây, có lẽ thầy tôi được coi là bạo hơn hết. Vì ngoài tấm lòng yêu nước nhiệt thành thầy còn là một tín đồ có tiếng ngoan đạo, được vị cha xứ quý mến và ông Đốc trường nể kiêng. Lối dạy của thầy giáo tôi cũng luôn luôn hướng chúng tôi đến những tình tự mới mẻ, cao cả. Đối với khá nhiều những bậc danh nhân, văn hào thời trước, những vị thường hay vịnh cảnh ngợi tình, thầy vẫn tỏ lòng kính trọng nhưng chẳng mấy chút quan tâm. Thầy chú trọng nhất là các nhân vật mới mẻ xuất hiện đương thời, chẳng hạn thầy thường kể chuyện cho chúng tôi nghe về nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cùng những sự việc mà ông đã làm rồi phê phán với thái độ ngưỡng mộ, tôn kính đặc biệt. Mỗi lần kể chuyện như vậy, thầy thường đứng gần cửa sổ trông ra ngoài đường, về phía sân trong thầy lựa những anh lớn nhất trong lớp cắt đặt trông chừng cầu thang, đề phòng ông Đốc cho người lên bất thình lình. Tôi tin chắc rằng, thời ấy, trong đám học trò chúng tôi chưa có những bọn làm nghề mật báo hay điểm chỉ viên.
Suốt hai năm liền như vậy, nhà nước thực dân bãi bỏ các cuộc thi cử. Thầy tôi bảo rằng: “Các em chẳng mong học tập được gì ở trong lớp đâu”. Và thầy chỉ cách chúng tôi về nhà tự lực học riêng, tra cứu thêm các sách vở. Thú thật, chúng tôi đã trải qua cơn mê sảng bàng hoàng, đầu óc như bị quay cuồng trước bao biến cố dồn dập, và lẽ dĩ nhiên không một đứa nào trong bọn chúng tôi còn nhớ đến ông lão mù ăn xin và con chó ấy.
Suốt thời gian thành phố có những cuộc biểu tình xung đột giữa thợ và lính, giữa học sinh và mã tà, con chó không đi ăn xin về phía chợ Mới, mà chỉ quanh quẩn bên phía chợ Cũ. Tôi còn nhớ rõ, thời đó lần lượt có nhiều ông thầy người Nghệ đi bán thuốc cao, sâm, quế vào ghé nhà tôi để xin nước uống, rồi tìm thăm ông Tòng Am dạy chữ Nho ở trong làng. Lần lượt nhiều người xách những tay nải chuyên bán hàng vải cũng đến bán rong từng nhà. Đặc biệt là những thanh niên trong xóm cứ chờ tối đến là tập họp lại tổ chức những cuộc đánh ma ngay đầu cầu Vỹ hoặc bên nghĩa địa của chùa Bửu Long phía sau kho Dầu. Họ đồn đãi rằng ma quái ở những nơi ấy xuất hiện quá nhiều cần phải lập trận tấn công để tiêu diệt chúng. Ở tuổi nhỏ của chúng tôi, nghe chuyện tập họp đánh ma thật là kích thích lạ lùng. Mỗi đêm cứ thấy từng tốp thanh niên xúm xít, hầm hì kéo đi thấp thoáng ở trong bóng tối, tôi thật náo nức những muốn hòa theo nhưng vì quá nhỏ nên không được ai chấp nhận. Mỗi lần thí võ với ma như thế thanh niên trong xóm đều có mang theo roi dâu tằm ăn và nhiều chó mực trợ chiến. Phần đông dân chúng đều tin như vậy hay cũng ra vẻ là tin như vậy. Nhưng nhà cầm quyền thực dân nhất định không tin như thế.
Bỗng đến một hôm, ông lão mù lòa ăn xin xuất hiện cùng với con chó trên một đường vắng ở ngoài phạm vi Châu Thành. Giữa lúc ông đang lần mò đi dạt về hướng bờ sông thì một số lính mã tà xuất hiện. Bọn chúng phóng tới, buộc ông lão mù đứng lại và đòi đưa ông về bót. Nhưng vừa lúc ấy ông lão đã thả chiếc dây cầm dắt con vật và nhanh như cắt, con chó nhảy chồm lên cắn vào cổ một tên mã tà. Đồng thời ông lão mù lòa bấy giờ không còn là người mù nữa và cũng không còn là kẻ già lão sờ soạng để tìm lối đi, nhảy đến tấn công quyết liệt những tên mã tà vây hãm chung quanh. Bọn chúng quá đông và nếu trì hoãn thì chúng sẽ tiếp viện đến mỗi lúc nhiều hơn nên người ăn xin tháo chạy về phía bờ sông. Lúc ấy con chó cũng vừa xông xáo cắn xé kẻ thù vừa chạy theo chủ. Một tên mã tà xuất hiện đột ngột ở một góc đường đuổi theo kịp người ăn xin và y cũng là một tay võ nghệ nên giở quyền cước quần thảo với con người kia ở bên bờ nước. Con chó cố tìm lối thoát khỏi đám vây quanh, phóng đến nhảy lên đằng sau gáy gã ngoạm lấy. Gã phải quay mình đối phó thì ngay lúc ấy người ăn xin kia đã lao xuống sông. Bọn lính mã tà đuổi kịp chĩa súng bắn theo, nhưng những viên đạn chìm sâu đáy nước, còn người ăn xin đã lặn biệt tăm.
Tức giận vì để con mồi trốn thoát, bọn lính mã tà trút hết căm hận lên đầu con chó. Một tên rút súng bắn vào con vật ba phát. Con vật nhào xuống, nằm giãy giụa trên vũng máu. Kịp vào lúc ấy, Quản Là - một tên bợm nhậu nổi tiếng trong vùng - đi ngang qua đấy, thấy vậy thương lượng với bọn mã tà đem xác con chó về nhà làm thịt, với giá đánh đổi là ba bịch thuốc.
Qua ngày hôm sau, viên quan Ba coi tiểu đoàn Lê Dương, viên Chánh tham biện, viên Quận Châu Thành cùng với viên Cò sen đầm dẫn lính vào trong khu rừng ở trước nhà tôi tập trận. Cuộc tập trận này chỉ là danh nghĩa bên ngoài, nhưng thật bên trong là cuộc lùng xét. Họ đã quan sát khu rừng, quan sát kho Dầu để lục soát nữa, nhưng không tìm ra một dấu vết gì. Kho Dầu này được thiết lập ở xa thành phố là nơi dự trữ an toàn. Chỉ những khi nào dầu được chứa đầy mới tổ chức cuộc canh phòng nghiêm nhặt để ngừa trộm cắp. Một khi chở hết dầu rồi, kho được bỏ trống thì các nhân viên canh gác lại được rút về. Người ta chỉ giao công việc chăm nom quét tước hàng ngày cho một thím xẩm ở nơi cổng vào gần lộ. Còn phía mé sông có cầu tàu lên, hoàn toàn bỏ trống.
Sau này tôi được nhiều người biết chuyện cho hay đã có một cuộc hội họp quan trọng tổ chức kín đáo ở tại nơi này. Những ông thầy Nghệ đi bán thuốc cao, những kẻ mang tay nải vải bán rong từng nhà đều thuộc thành phần những người dự hội kéo về nơi đó. Anh tôi, một vị giáo làng biết rõ thời cuộc bấy giờ, đã tiết lộ rằng: khi cuộc bạo động Yên Bái bị đàn áp trong biển máu, bọn Pháp liền mở những cuộc ruồng bắt những đảng bộ Việt Nam Quốc Dân đảng trong Nam rất là gắt gao. Trong khi phá vỡ cơ sở đảng này, đồng thời thực dân cũng làm động đến những hội kín khác của các lực lượng Cách mạng. Nếu không có cuộc dấy lên khắp nơi cầm chân, phân tán lực lượng khủng bố của nhà cầm quyền, thì những bộ phận đầu não của các phong trào Cách mạng bấy giờ khó lọt khỏi lưới bao vây. Trong lúc bọn Pháp bố phòng nghiêm mật, muốn khuấy động được phong trào rộng rãi cần phải liên lạc thật gấp và đi trót lọt vòng lưới bao vây của nhà cầm quyền. Ông lão mù lòa ăn xin là người đã đóng vai trò liên lạc rất khẩn cấp đó, và con chó kia cũng đã làm tròn nhiệm vụ trao các thư từ, mật hiệu, triệu tập phiên họp cao cấp trong khu rừng cấm ở tại kho Dầu, cách Châu Thành không quá ba cây số theo đường chim bay. Để bảo vệ cho cuộc họp, những lớp dân chúng có cảm tình với Cách mạng ngụy trang đánh võ với ma. Ông lão ăn xin có dịp rảo khắp thành phố, quen thuộc từng nhà, một khi đã gài được mật hiệu rồi thì nằm yên ở một nơi để mình con chó trao nhận mật thư trong những chuyến đi đội lốt xin ăn, hoàn toàn ngoài sự tưởng tượng của nhà cầm quyền thực dân, mà đến bao nhiêu tầng lớp dân chúng bên ngoài cũng không biết được.
Mãi khi phát giác được cuộc họp mật quan trọng nói trên, các lực lương cầm quyền địa phương đã vội mở cuộc hành quân gọi là tập trận để lùng bắt. Nhưng đã quá trễ. Nhà đương cuộc Pháp điên đầu không hiểu làm sao mà phe Cách mạng tổ chức được một cuộc họp cao cấp ở trong vòng lưới sát nách thành phố, và lại phân tán một cách an toàn như thế.
Viên Chánh tham biện, viên Cò sen đầm, cả viên quan Ba cai quản cơ lính Lê Dương và lính pháo thủ đều bị thuyên chuyển. Bọn họ ra đi, vì không chu toàn nhiệm vụ mà nhà cầm quyền thực dân giao phó. Cả đến người liên lạc kia có lẽ quay lại Châu Thành lần chót ghi nhận tình hình cũng đã vượt thoát. Món chiến lợi phẩm duy nhất của họ chỉ là con chó bị bắn trọng thương và được ghi nhận ở trên biên bản là đã chết rồi.
Nhưng trên thực tế, con chó chưa chết.
Con Chó Hào Hùng Con Chó Hào Hùng - Vũ Hạnh Con Chó Hào Hùng