I know every book of mine by its smell, and I have but to put my nose between the pages to be reminded of all sorts of things.

George Robert Gissing

 
 
 
 
 
Tác giả: Mỹ Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2280 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 -
iếng lục lạc không reo khi cô gái đến trước anh. Một thoáng ngỡ ngàng thấy thiếu vắng, Hành nhìn xuống đôi chân thon hồng, anh buột miệng:
- Cô bán chiếc lục lạc rồi sao?
Cô gái có chút sửng sốt:
- Anh nói cái gì vậy?
Hành lúng túng:
- Tôi không thấy cái lục lạc.
Mặt cô gái xịu buồn:
- Ba tôi đem đi Quảng Châu rồi.
Cái con người ít nói hôm nay rất lắm lời:
- Để làm gì?
Châu Hà bực bội, chẳng rõ vì sao? Có phải vì anh chàng tò mò, hay vì vắng chiếc vòng lục lạc thân yêu gắn liền với cô từ quãng đời thơ dại nên lòng cô không được vui? Cô dấm dẳng:
- Mắc gì anh hỏi? Vô duyên!
Cô ngoe nguẩy bỏ đi. Đến lượt Dương Hành sửng sốt. Người ta có thể mắng anh tượng đất, trách anh ít lời, chưa ai mắng anh vô duyên. Anh đứng ngẩn ra ở hàng ba văn phòng trường Tương Lai. Dũng đi ra, lại gần:
- Anh Hành! Có gì không?
Dũng hỏi hai lần Hành mới nghe thấy, anh vội lắc đầu:
- Không! Không có gì!
Trong thời gian không ngắn, không dài, Dũng đã phần nào hiểu được người thanh niên Trung Hoa này. Anh vỗ vai Hành thân mật:
- Vậy anh lên làm đồ chơi cho đám trẻ. Chúng đang vui.
Hành sực nhớ quay đi vội vã:
- Chết thật! Anh Tài nói tôi đi mua giấy gương làm lồng đèn để các phòng thi đua.
Dũng xua tay:
- Khỏi đi, Châu Hà mới mua về, ta đem lên cho họ đi.
Dũng quay vào trong phòng rồi đi ra, tay xách theo xấp giấy gương đủ màu. Cả 2 lên chiếc cầu thang gập gềnh vào phòng 4. Tất cả đang ở đó, trừ mấy đứa quá nhỏ không được làm gì. Ngày quốc tế thiếu nhi năm nay, trường Tương Lai dù còn quá nhiều thiếu thốn, vẫn vui nhộn, nhờ nhóm Tài và Châu Hà. Hành gom tiền làm đồ chơi, ăn lễ. Đám trẻ ở trường, trừ mấy đứa con gái chăm chú làm, còn lại cứ lo chơi, chọc phá rồi cười như nắc nẻ.
Châu Hà ngồi một góc, cô dán chiếc đầu lân, ba bốn đứa trẻ vây quanh. Hình như cô làm hoài con mắt không được, đổ quạu đứng lên vung cái đầu lân qua một bên. Hành lại gần hỏi trống:
- Sao vậy?
Thân đái dầm liếc Châu Hà:
- Hổng biết, chỉ làm không được, cứ đổ quạu hoài.
Hành lẳng lặng ngồi xuống:
- Để anh.
Bằng đôi tay khéo léo của mình, Hành dán hai con mắt rất đẹp, rồi bỏ hai bóng đèn đôi vào, phần còn lại, anh dạy cho tụi nhỏ cách dán. Đám trẻ náo nức làm, Hành đứng lên nhìn quanh. Châu Hà biến mất. Hành cau mày. Cô gái hôm nay rất khác lạ. Anh đi ra, nhìn thấy cô gái ngồi bó gối ở gốc một cây sứ, gục mặt xuống.
- Châu Hà! Cô làm sao vậy? - Hành lại gần hỏi.
- Không có gì!
Hành ngần ngừ một chút:
- Lễ quốc tế thiếu nhi năm nay là do cô muốn tổ chức lớn, cô lo hết và đám trẻ rất vui.
Châu Hà dấm dẳng:
- Dĩ nhiên rồi!
- Cô từng nói dù đói, thấy đám trẻ cười cũng là vui mà.
Châu Hà đứng lên dậm cẳng, hai tay bịt tai, miệng hét:
- Anh để tôi yên được không? Tôi vui hay buồn mắc mớ gì tới anh với đám trẻ chứ?
Hành sững sờ ngó cô gái. Cô ghét anh? Sự quan tâm của anh với cô là điều bực mình? Cô chưa từng hung dữ, cáu gắt như vậy.
Hôm nay, buổi nói chuyện đầu tiên, anh đã hai lần bị cô mắng. Hành quay đi.
Châu Hà sực hiểu mình quá đáng, cô níu Hành lại:
- Ba tôi lấy cái lục lạc rồi, tôi buồn quá!
Mắt cô rơm rớm, Hành chợt hiểu, cô gái còn rất ngây thơ dễ gắn bó với những đồ vật yêu thích. Ba cô lấy cái lục lạc, cô cảm thấy như thiếu người bạn bên mình.
Cảm giác khó chịu ở Hành tan biến, anh an ủi cô gái, nếu không buổi lễ sẽ mất vui khi cô buồn như vậy.
Cô gái ngượng ngùng chống chế:
- Nhưng ba hôm nữa mới là 1 tháng 6 mà.
Và cô như bay đi, đến với đám trẻ của mình.
Chiều xuống bọn trẻ đưa họ ra đến cổng trường của mình.
Thế giao xe cho Hành:
- Anh chở tôi.
Hành lắc đầu, mắt hương về Châu Hà đang đứng giữa đám con gái trường Tương Lai. Cô lắng nghe một cô bé nói gì, mắt cứ mở tròn ra.
- Tôi muốn tiễn Châu Hà, cô ấy đang buồn.
Lực nháy mắt với Tài:
- Anh Hai, anh Hành cảm rồi.
Hành chỉ cười. Ba chiếc xe phóng đi. Bọn trẻ vào trường. Châu Hà chợt thấy Hành còn đứng:
- Ủa! Sao anh không về?
Hành nói một điều khác:
- Hôm nào cô cũng chạy bộ về sao?
Chân cô gái đã đều đặn dậm xuống đất theo tư thế một vận động viên ở điểm xuất phát:
- Đúng vậy! Tôi không thích đi xe máy.
Dương Hành chân đều bước theo cô gái, Châu Hà không tỏ vẻ ngạc nhiên. Họ đi qua khỏi bến xe lam, đến ngã năm, thẳng con đường trước mặt. Chân đều bước Hành chuyện trò:
- Cô có thể kể cho tôi nghe chuyện cái lục lạc của cô không?
Châu Hà đứng lại châu mày. Cô có một chút suy nghĩ rồi chân chậm bước đi.
Hai người trẻ tuổi sánh vai nhau trên con đường về nhà.
- Mẹ tôi nói, ba tôi thích con gái. Hồi sinh ra tôi ba tôi thích hơn, vì trừ vài tiếng khóc khi chào đời, lúc nào tôi cũng cười. Rồi có một đêm, bỗng dưng tôi khóc hoài không nín, ba tôi làm đủ trò, cho gì tôi cũng không nín, ông sực nhớ đến chiếc vòng lục lạc có tiếng reo vui tai, bèn lấy đưa cho tôi. Tôi nín liền và từ đó không khóc nữa, ba tôi bèn cho luôn cái vòng.
20 năm, cái vòng của tôi... - Mặt cô gái xịu buồn - Hồi còn nhỏ, tôi đi học, cái vòng khiến toàn trường chú ý đến tôi. Lên trung học, tôi khổ sở hơn vì bạn bè chọc mãi, nói tôi là con chó Nhật đeo vòng lục lạc, nhưng tôi không thể rời cái vòng, nó như một phần thân thể tôi vậy. Ngày tôi vào trường đại học, có cả ngàn đôi mắt nhìn sững vào tôi, nhưng tôi đã quen rồi, không thấy ngượng ngùng gì nữa. Ở nhà, mỗi người một cách, khi gọi tôi là cô bé Lục Lạc. Mẹ tôi gọi tôi cô bé Lục Lạc khi muốn nghiêm huấn tôi điều gì. Ba tôi chỉ gọi bé Lục Lạc khi ông buồn và muốn được vui. Anh Hai tôi thì lại khác, chỉ gọi bé Lục Lạc khi năn nỉ điều gì hoặc muốn chứng tỏ mình là anh Hai.
Chỉ một tiếng gọi, cô bé đã phân tích cặn kẽ được tâm lý từng người, cô bé có thừa thông minh, cũng như mọi cái đẹp từ tâm hồn đến thể xác của người phụ nữ, có điều còn ngây thơ, nhưng có thật cô bé còn ngây thơ, hay đó là kết quả của đứa con gái được trời cho quá nhiều hạnh phúc? Hành nghĩ ngợi và chỉ giật mình dừng lại khi nghe tiếng người chào Châu Hà.
Cô gái dừng lại ở xe bánh mì. Những người đứng xung quanh cô đủ cả, già trẻ, gái trai, con nít.
- Chị Hà có bạn mới hả? - Thằng nhỏ còn bưng trên tay mâm bánh bò vội hỏi.
Cô gái nghiêng mặt nhìn Hành, một thoáng nghịch ngợm trở về trên đôi mắt:
- Không! Ông này là người nước ngoài, ở Trung Quốc mới qua, đang hỏi đường nhờ đưa đến làng SOS.
Con bé ngồi bên rổ bánh tiêu hỏi rất thực tế:
- Ổng ở bên Tàu mới qua, có biết ăn bánh tiêu không chị Hà?
- Em hỏi ổng thử! - Cô gái nghịch ngợm.
Hành nghe vui vui. Dường như cô rất thân thiết với đám người này. Thì ra với cô, địa vị xã hội, tiền bạc không hề làm ngăn cách tình người. Anh cười thật hiền:
- Có! Bé quên bánh tiêu là sản phẩm người Tàu à?
Không chỉ con bé bánh tiêu ngạc nhiên mà tất cả đều trố mắt. Cô gái bán tiệm chạp phô lên tiếng:
- Ủa! Châu Hà, em nói ổng ở bên tàu mới qua à?
- Ổng ở bên tàu mà làm báo tiếng Việt, nên học tiếng Việt lâu rồi.
Ông già sửa xe đạp cười móm mém:
- Sao cháu biết? Ổng hỏi thăm đường thôi mà!
Tất cả cười khúc khích, Châu Hà dậm cẳng dẩu môi:
- Bác Hai chọc con hén? Nghỉ chơi bác luôn.
Con bé bánh tiêu lật đật nín cười:
- Chị Hà! Em không chọc, còn bánh tiêu nè chị Hà!
Cô gái bĩu môi ngó chỗ khác, Hành nói:
- Để anh mua cho, tất cả là bao nhiêu?
Con bé bánh tiêu nhanh nhẩu đếm, gói, tính tiền:
- Còn 12 cái, 1 cái 300, vị chi 3600. Em lấy 3 ngàn rưỡi.
Hành lấp ra một xấp tiền đếm 4 ngàn nhưng không cầm gói bánh.
Cô bé bánh tiêu khoái chí thật sự. Ông Tàu thứ thiệt này muốn làm bạn với mình, còn sợ mình không đồng ý. Nhưng làm bạn phải có nguyên nhân. Con bé đưa mắt nhìn Châu Hà, cô cười chúm chím tay thì ra dấu cho thằng bé bán bánh bò. Những đứa trẻ lăn thân ra đường kiếm sống rất lanh trí. Thằng bé đi đến gần Hành, còn con bé gật đầu:
- Nhưng anh có xấu hổ nếu ở một nơi nào có lịch sự, em gọi anh xưng mình là bạn bè không?
Hành cảm động lắc đầu:
- Không! Anh nói em là bạn anh, người tốt. À! Em tên gì?
- Dạ tên Liên! - Con bé chớp mắt ra vẻ cảm động.
- Liên nè! Bánh tiêu này coi như để ra mắt bạn bè, em mời các anh chị, cô chú cùng ăn dùm anh.
Mọi người ồ lên vui vẻ, Liên lon ton đi đưa bánh tiêu từng người. Bây giờ thằng nhỏ bán bánh bò lên tiếng:
- Còn em thì sao? - Nó nháy mắt lia lịa đầy vẻ nghịch ngợm.
- Anh cũng mua luôn. Mà em tên gì?
Vừa nói Hành vừa cho tay vào túi lấy tiền.
- Em tên Cầu! Cầu là cầu khẩn à! - Nó nói liên tu cái mồm. - Hồi đó má em chưa có con, cứ đi cầu khần hoài, đẻ được em rồi thì sòn sòn năm một, giờ một bầy. Cầu khẩn gì! Em con cầu mà cực quá trời.
Nó ngừng nói, vì nó thấy Hành ngơ ngẩn ra, dáng vẻ bối rối, rờ quanh cái túi quần, rồi lại nhìn quanh dưới đất. Châu Hà nhai bánh tiêu nhóc nhách trong khi mặt Hành càng lúc càng lúng túng ngượng ngùng. Thằng Cầu hỏi:
- Anh làm sao vậy?
- A! Anh.... Anh...
Sực nhớ ra điều gì, Hành mừng rỡ cho tay vào túi sau, miệng nói:
- Anh hết tiền Việt rồi, có tờ 1 đô la...
Hành khựng lại, lần này mặt anh tái đi thực sự. Cái bóp cũng không cánh mà bay như xấp tiền lúc này. Anh buột miệng:
- Chết rồi! Giấy tờ, hộ chiếu làm sao?
Bé Liên chớp lia cặp mắt, nhìn chỗ khác. Thằng Cầu ra dáng quan tâm:
- Anh mất cái gì hả?
Mặt Hành buồn hiu:
- Giấy tờ với tiền mất hết rồi, anh không có tiền mua bánh bò của em đâu.
Bây giờ thì tất cả nổ ra trận cười muốn bò lăn cả ra. Ngay cả cô gá bán tiệm chạp phô đang cố làm duyên với Hành cũng cười gập người. Mặt Hành ngơ ngác như người từ cung trăng rơi xuống. Cứ nhìn quanh và rồi anh cũng hiểu:
- Châu Hà!
Cô gái ngưng cười, xoè tay, xếp tiền ban nãy ở túi áo Hành đang ở trên tay cô.
- Sợ cô luôn!
Thằng Cầu nhe răng cười xòa tay, cái bóp giấy tờ của Hành ở trên tay nó. Hành trố mắt, nó tỉnh khô:
- Hồi xưa em móc túi xịn nhất ngã 5 Chuồng chó, nhất là móc mấy tay "Việt kiều" và mũi lõ. Giờ em "cải tà quy chánh", trả anh nè!
Người đàn bà đẩy xe bánh mì chen lời:
- Nhờ Châu Hà đa! Cho thằng Cầu một bài học nhớ đời, rồi dạy nó lương thiện, không đến nỗi chết đói đâu.
Châu Hà nhăn mũi, bỏ tiền vào túi áo Hành:
- Để tỏ tình bạn bè, Cầu nó dạy anh bài học đầu tiên, nhớ nha! Tiền bạc giấy tờ phải cẩn thận, bọn bất lương ở đây khá nhiều.
Cô đến bên thằng Cầu, lấy túi ni lông bỏ bánh bò vô, nói với chị bán bánh mì:
- Chị Thảo! Cho em gởi cái này đến con bác Sáu xích lô, nói mai em đến thăm bác, sẽ mua thuốc thêm. Cứ yên chí nằm dưỡng bệnh há!
Thằng Cầu tỏ ra hào hiệp:
- Em không lấy tiền bánh bò đâu!
Hành lật đật nhét 5 ngàn vào túi nó:
- Không được! Ban nãy anh mua rồi, mình là bạn bè mà.
Châu Hà ra dấu thằng Cầu cứ nhận rồi nói:
- Tạm biệt!
Tất cả đều đáp lời:
- Tạm biệt!
Cô gái đưa tay chào, chân đã bước lên con đường nhựa. Hành nhận những cái bắt tay, những lời chào rồi chạy theo Châu Hà. Suốt quãng đường hai người không nói câu nào. Hành thỉnh thoảng liếc Châu Hà, cô rất hồn nhiên, chân chạy, miệng huýt sáo theo nhịp bước. Lòng Hành xôn xao, cô quá đáng yêu trong mắt anh, nhưng dường như cô không biết đến điều ấy.
Châu Hà dừng lại trước căn nhà cổng kín cao tường, có hoa lồng đèn lung linh theo gió. Cô ung dung nói lời từ biệt:
- Cảm ơn nghe! Hẹn gặp lại!
Hành ngẩn ngơ, nghĩa là cô không muốn anh vào nhà. Anh lúng túng định bắt tay từ biệt, thì tiếng xe nổ giòn giã dừng ngay trước hai người. Một chàng trai với chiếc môtô 250 phân khối. Anh ta giở bỏ mũ bảo hộ, Châu Hà reo lên:
- Chào hiệp sĩ!
- Chào Châu Hà! - Chàng trai cười phô hàm răng trắng bóng, dựng xe, nhảy xuống, gật đầu chào Hành rồi nói tiếp:
- Gọi anh Quyền đi, chữ hiệp sĩ khiến da mặt anh đổi màu.
Cô gái cười khúc khích:
- Nhưng rất tiếc hôm nay không thể tiếp hai người. Châu Hà phải cùng mẹ với anh Hai đi cho quà con mấy công nhân nghèo ở xưởng.
Quyền nhảy lên xe:
- Ô kê! Thầy về, hẹn lần khác.
Cô gái cười khúc khích:
- Chưa làm lễ bái sư, không được xưng thầy. Giờ cho nhờ tí hiệp sĩ!
- Gì cô bé?
- Đưa dùm anh chàng vận động viên ngoại quốc bất đắc dĩ về nhà dùm.
- Đồng ý!
Cô gái đưa tay chào rồi biến mất sau cánh cửa. Quyền nhìn Hành:
- Tôi thấy anh quen lắm!
Hành gật đầu:
- Anh là em của Tài phải không? Ta đã gặp nhau một lần.
Quyền nhớ ra, chìa tay bắt tay Hành vui vẻ:
- Thì ra quen biết hết. Giờ anh về đâu?
- Tôi về cư xá sinh viên, làm phiền anh.
- Không sao! Bạn bè mà.
Chiếc xe nổ giòn, đưa hai chàng trai đến nơi cần đến.
oOo
Ra khỏi nhà người công nhân đông con nhỏ vừa bị tai nạn lao động, bà Hương nhìn đồng hồ. Đã 20g30, bà hỏi con trai:
- Giờ đến nhà nào con?
- Ông Thường bảo vệ, bà vợ đang nằm viện, có hai đứa con nhỏ một gái, một trai.
Châu Hà nghịch ngợm:
- Và cô con gái lớn đẹp, hiền thục như Kiều Nguyệt Nga.
Khánh Hòa lườm em gái:
- Bé Lục Lạc, 1 tháng 6 là lễ Quốc tế thiếu nhi.
Cô gái cười khì:
- Là em tỏ ra quan tâm đến vấn đề lưu truyền nòi giống nhà họ Lý.
Khánh Hòa làm thinh, anh chưa lúc nào đấu võ mồm mà thắng em gái. Bà Hương âu yếm nhìn hai con rầy yêu:
- Hai đứa thật là, thôi đi kẻo muộn.
oOo
Đó là căn nhà xây tường lợp tôn nằm gần cuối con đường Quang Trung. Nó thật nhỏ bé với năm con người cùng sống ở đó. Chung quanh nhà là những thửa rau muống, vồng khoai với hàng rào kẽm gai có hoa dâm bụt và cây chè Tàu.
Hai anh em tắt xe máy ngoài ngõ, dắt vào nhà.
Dáng cô gái nhỏ nhắn hiện ra trước cửa che khuất ánh đèn hắt ra. Cô gái đã biết khách là ai, chào hỏi dịu dàng:
- Chào bà chủ! Chào cậu, chào cô Châu Hà!
Cô đưa khách vào nhà, ông Thường lăng xăng gọi con rót nước. Khi cô gái trở ra với khay trà sứ Hải Dương. Cô đã thay chiếc áo vá vai bằng chiếc áo mới hơn màu hoa cà. Khánh Hòa thoáng một giây nhìn sững. Châu Hà khều anh thì thào:
- Công, dung, ngôn, hạnh nhất trường tụi em, ôkê?
Khánh Hòa nhăn nhó, suỵt khẽ.
Bà Hương ân cần chuyện trò với người bảo vệ xí nghiệp mình, hai tay ôm đứa nhỏ con ông vào lòng. Sau khi khen ngợi thành tích học tập của hai trẻ, bà đưa một phong bì:
- Cái này quà mừng các cháu nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Hãy hứa học tốt hơn nữa trong niên học tới, bác sẽ có quà nhiều hơn.
Hai đứa ngoan ngoãn dạ. Ông Thường vui vẻ khoe:
- Nhờ con chị nó đa bà chủ, kèm riết đâu ra đó.
Bà Hương tươi cười nhìn cô gái:
- Cháu học tới đâu rồi?
- Thưa bà, cháu học năm thứ tư kinh tế thương mại, cùng trường với cô Hà.
Châu Hà tiếp:
- Là nữ sinh viên xuất sắc cả học vấn lẫn đức, tài đó mẹ.
Cô gái nghiêng đầu tránh bao nhiêu đôi mắt nhìn mình:
- Cô Hà quá khen, tôi không dám nhận.
Đôi mắt đẹp sắc sảo của bà Hương liếc nhanh con trai. Nó cũng đang nhìn lén cô gái, bà ướm lời:
- Chừng nào ra trường về làm việc với bác nhé!
Cô gái nín thinh đưa mắt nhìn cha, ông Thường đỡ lời:
- Thưa bà! Được bà thương còn gì quý hơn.
Châu Hà cười khì nắm tay cô gái, liếc anh cố ý:
- Chị Hiền sướng nhé! Chưa ra trường đã có nhiệm sở rồi. Nhưng chị đừng nghĩ mình trúng số, người trúng số là mẹ với anh Hai cơ.
Khánh Hòa đỏ mặt gắt:
- Châu hà!
Cô gái cười giòn, nắm tay Hiền kéo chạy ra sân.
Bên trong Khánh Hòa ngượng ngùng cứ nhìn mãi xuống chân.
Lạ thật! từ nào tới giờ, anh chưa từng bối rối trước ai hay trong hoàn cảnh nào, mà bây giờ...
Cô Gái Đeo Lục Lạc Cô Gái Đeo Lục Lạc - Mỹ Hạnh