Bạn nhìn thấy sự việc và hỏi “Tại sao?”, nhưng tôi mơ tưởng đến sự việc và hỏi “Tại sao không?”.

George Bernard Shaw

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Lựu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nguyên Nguyễn
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9476 / 187
Cập nhật: 2014-12-26 23:40:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 -
iá như bà cứ tự bước lên bục không cần ai dắt! Giá như bà cứ nói những câu không cần ai xui bẩy! Giá như bà cứ làm việc gì bà tự thấy, cần phải làm và không làm việc gì thấy không cần phải làm. Tất cả những “giá như” ấy phải có cái “giá như bà đừng đẻ ra thằng con ấy”. Đã đẻ ra nó thì bà chả còn gì để thành riêng biệt, thành một con người hiện diện như mọi con người. Bà trở thành kẻ thất đức, giết hết tình yêu của mọi người dành cho bà là lẽ đương nhiên. Giống như hồi cải cách, khi con người bà đã bất chấp tất cả chỉ có mình đứng trên tất cả như “đội” thì sẽ làm được tất cả. Luật pháp và những chuẩn mực nghìn đời cũng có thể thay đổi mười lăm lần trong một ngày. Chỉ cần mình muốn. Con người đã muốn gì thì cái gì cũng có thể làm được trong nháy mắt. Cả làng thở dài ca thán: Sao lại thế. Mẹ chồng nói thế có khác gì con dâu tố bố chồng ngủ với nó ở đống cây ngô. Câu chuyện này bắt đầu từ lúc cái Huyền bảo:
- Con thèm vào. Bây giờ người ta “buông” cơ.
Nó vứt cái áo, vừa lúc mẹ nó quay lại. Cái áo rơi trúng mặt. Sẵn có mặc cảm bị cả nhà sỉ nhục, ngay cả đứa con chị đẻ ra mới nứt mắt ranh đã khinh chị. Chị tát con. Con bé ôm mặt chạy ra sân, chỗ bà đang quét lá tre. Bà vội vàng bỏ chổi ôm lấy cháu xuýt xoa trên cái má đỏ rựng của nó rồi dắt nó vào hè, người bà lạnh đi.
- Chị tưởng chị đẻ được nó ra là chị có quyền đánh đập, hành hạ nó làm sao cũng được hả?
- Cái đồ hư đốn, mất dạy ấy để làm gì?
- Là chị bảo ai đấy?
- Con bảo con Huyền.
- Con Huyền nó mất dạy ở cái điểm nào, mà chị đánh cháu tôi như đánh đòn thù thế này?
- Con đi mua áo về cho nó. Nó ném vào mặt con.
- Lúc nào cũng áo xống om sòm. Từ nay tôi yêu cầu chị không được mất đoàn kết ở gia đình tôi nữa nhá.
Đấy là chuyện xảy ra ngày 13 tháng 11.
Ngày 18 tháng 12 bà Đất “ngã gãy xương” (người ta đồn thế). Ngày hôm trước mưa rào. Sáng sau đất còn nhão nhoẹt. Bà gánh phân lên kho. Dốc cao, gánh nặng, bà đi xuống, trượt chân, ngã nhào đi tưởng đập mặt vào gốc tre. Bà kêu “ối ối” được vài tiếng, rồi đau quá nằm lịm đi. Chị Xuyến đang đập đất “phần trăm” ở phía ngoài bờ tre vội vàng cầm cả đập chạy vào đỡ bà dậy. Nhưng bà kêu lên thất thanh vì cái chân bà nó bị trẹo khớp xương không thể nào nhấc lên được. Ông Từ và anh Nạc chạy sang cùng Xuyến khiêng bà lên, lại phải đặt ngay xuống. Không biết xương gãy chỗ nào, đành phải đợi y sĩ trạm xá. Dân làng đổ đến như kiến bu đen phía ngoài bờ tre. Ông Từ và bố con anh Nạc phải hò hét, quát lác, chửi tục mới giữ khỏi “xéo nát” người bà. Anh y sĩ, ông Từ và cháu Huyền đi cùng bốn trai làng khiêng bà đến bệnh viện sơ tán của huyện ở Quán Tải giữa một tin đồn lan ra: “Mẹ ông Hiếu ngã vỡ đầu, máu me đầy người, gãy bao nhiêu xương chưa chắc đã cứu được”. Anh Hiếu đang họp tỉnh uỷ tức tốc trở về. Một ông lang chuyên “nắn” xương ở bệnh viện huyện xem xét xong “khục” một cái là xong. Hiếu về đến nơi mẹ đã cười nói tươi tỉnh và đi lại bình thường dù còn hơi “ngượng ngượng”. Bà nói thế nào Hiếu cũng không cho mẹ về. Gần tháng giời nằm viện tiêm thuốc và ăn uống như chế độ của bí thư chủ tịch huyện. Ngày nào bà cũng được ăn như ăn cỗ. Mà đời bà đã có mấy lần được ăn cỗ? Ai cũng khen bà béo trắng “có phấn” ra. Cái sướng, cái khổ ở đời như đèn cù, cái này hiện ra, cái khác chạy đi, chốc lát lại đổi chỗ cho nhau. Nhưng với bà, cái sướng chỉ nhoáng một cái rồi biến mất tăm còn những nỗi khổ thì cứ chạy quanh, nó như cái bánh xe lăn đi lăn lại đè nát cuộc đời bà. Gần một tháng trời nằm viện mà sau này chị Xuyến bảo là những ngày bà được đi bồi dưỡng “thợ đấu” đã nhanh chóng qua đi, để cả đời bà cứ giày vò, cắn xé tâm can vì mấy tiếng: “Vâng ạ” “Dạ... cũng... à vâng, có ạ...” ở toà án huyện.
Được bảy tháng, kể từ ngày báo tử hai con, bà bị ngã, ra viện được ba tháng, bà là nhân vật chính, “mẫu chốt” của sự tan nát gia đình. Anh con trai đi chiến trường, vợ anh tự vẫn chết, cả họ nhà cô ta đều bảo do bà gây ra cảnh chia lìa này.
Anh Hiếu ngồi bệt ở giữa sân. Anh có thói quen ngồi bệt xuống bất cứ chỗ nào khi anh đang nát óc tính toán một điều gì. Không phải chỉ là hôm nay, bao giờ anh cũng phải tính đường đi nước bước cho hàng 10 năm, 15 năm sau. Khi cần thì bỏ qua tất cả mọi người. Có khi lại phải cân nhắc từng cái cười to hay nhỏ, chỉ mủm mỉm hay phô cả hàm răng xởi lởi ra. Cả cái bắt tay, cả lúc ôm vào người thì hờ hững hay nồng nhiệt. Lúc nào “cương”, lúc nào “nhu” để có hiệu quả tốt hơn! Tính hết. Đã hàng chục đêm ngồi giữa sân ngửa mặt lên giời vẫn không thể tìm được giải pháp tối ưu. Vẫn không thể “diệt” được dư luận khi một ông tỉnh uỷ viên bỏ vợ. Anh thấy tiếc rẻ, tự trách mình ngu, bỏ mất cơ hội ngày sửa sai. Thực ra, cũng không thể lường trước được mối quan hệ rộng và có thể yêu được một người như Nho. Cũng không thể hình dung ra cô Xuyến bây giờ để xác định quyết tâm ngày ấy cho dứt khoát. Cái chuyện tố điêu cho bố chồng để mẹ chồng “căm thù”, anh vẫn còn “để dành” đấy. Bây giờ nó gần như mất tác dụng nếu không có mâu thuẫn mới nảy sinh. Đến khi tạo được mọi yếu tố hợp lí, lại thấy khó có thể “chui xuống đất” mà chạy trốn dư luận. Có những đêm đã phải tính toán lựa chọn giữa một nhà lãnh đạo chủ chốt với những con đàn bà. Nhưng khi mình bỏ vợ, và mất sạch rồi, liệu còn con nào nó vời đến.
Bác Văn Yến mở lối thoát cho anh ngay sáng hôm sau bác xuống huyện. Thường vụ tỉnh uỷ có dự kiến điều bí thư huyện uỷ phụ trách đoàn dân công hoả tuyến và tham gia bộ chỉ huy hỗn hợp mở nhánh đường Trường Sơn. Hiếu sẽ làm bí thư ở huyện này. Tự nhiên Hiếu thấy đầu mình như lấp loé một cái gì hé mở. Anh tha thiết trình bày với bác Văn Yến rằng anh còn trẻ cần được thử thách ở những nơi ác liệt nhất, rằng trước truyền thống người cha, chú Kiêm cũng coi như người cha thứ hai, và hai đứa em anh, anh không thể ngồi yên ở nơi chưa thật nước sôi lửa bỏng, làm một việc mà người ít sức khoẻ hơn, không có điều kiện ra mặt trận cũng có thể làm được.
- Cháu biết bác rất thương cháu. Bác cho cháu đi, nếu cháu đứng vững trở về, bác càng yên tâm về một đứa cháu không phụ lòng tin của bác, của các đồng chí trong thường vụ. Qua lửa đạn, cháu còn nguyên vẹn trở về sẽ dầy dạn, từng trải hơn, lại càng vững vàng hơn trong cương vị của mình.
Bác Văn Yến nắm chặt tay Hiếu. Ông vô cùng cảm động trước việc làm cao cả, nhận lấy phần nguy hiểm thay cho đồng chí của mình. Một người đã có chí như thế, nhất định nó sẽ làm nên.
Bằng cái ấn tượng ấy, hàng vài chục năm sau ông không thể có một thằng Hiếu, làm những việc tầm thường, chưa nói đến việc xấu. Ông hỏi:
- Đồng chí đi, còn khó khăn gì không?
- Cháu nói thật là, cháu không còn khó khăn gì cả. Chỉ khổ tâm nhất có chuyện mẹ cháu với cô vợ cháu.
- Nghe nói cô ta vẫn mâu thuẫn căng thẳng với bà lão hả?
- Vừa rồi lại xô xát thế nào, mẹ cháu ngã gãy xương phải nằm viện hàng tháng trời.
- Bao giờ?
- Hôm cháu đang họp tỉnh uỷ phải báo cáo bác để về.
- Nhớ rồi. Cô ta vẫn không thể thay đổi. Cái gì nó đã là bản chất, chỉ có đào lỗ mà chôn xuống mới hết. Thôi phải giải quyết đi.
- Toà án người ta có hồ sơ cả rồi. Nhưng cháu nói nó không... khách quan.
- Thôi được, đồng chí cứ để tôi bảo các cậu ấy. Làm sao phải yên ổn mà đi.
- Cháu cũng chỉ mong như thế.
Như thế, căn bản là xong. Cái dư luận đáng sợ nhất là khi nó đến tai người lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Người lãnh đạo đã biết trước cái “dư luận” ấy rồi thì “dư luận” chả là cái gì. Hơn nữa, khi đã có cái mác “đi B”, không ai có quyền được xúc phạm đến cái từ thiêng liêng ấy. Cho nên khi bí thư huyện uỷ cùng viện trưởng viện kiểm sát, chánh án toà án, hội trưởng phụ nữ quán triệt ý kiến của tỉnh uỷ tìm cách làm ổn định “hậu phương” để anh lên đường thì anh đã có thể yên tâm mà thoả thuê ở cái quán chỗ cây đa Phù Hoa. Chị Nho gạt mái tóc anh xoà trên mặt mình hỏi:
- Vào trong ấy có nhớ những lúc như thế này không anh?
- Làm sao mà quên được.
- Có nhiều không?
- Nếu biết được mình nhớ nhiều hay ít thì chả là nỗi nhớ nữa.
- Đúng rồi. Anh của em giỏi lắm. Thế em hỏi: anh nhớ em độ bao nhiêu lâu nữa?
- Mãi mãi.
- Có thật không anh?
- Đã bao giờ anh nói dối em điều gì?
Chị ôm ghì lấy anh rên lên:
- Trời ơi, em hạnh phúc quá. Lần này cho em hết nhé. Nếu có con ở nhà, em đỡ nhớ anh hơn.
-...
- Kìa. Sao anh không nói.
- Ừ...
- Thật nhé. Đừng để phí. Em khổ thân lắm. Từ ngày chúng mình “đề phòng”, em cứ như bị đánh lừa, cứ như miếng ăn đến miệng lại bị giật, người hẫng hẳn đi, chỉ muốn cào cắn, vò xé ngấu nghiến mọi thứ cho nát ra, tan biến vào mình, cho bõ công chờ đợi... giành giật đến phát điên, phát cuồng lên anh ạ. Anh, anh ơi, anh có hiểu không? Những lúc như thế em không dám nói ra nhưng nó ấm ức ở trong người. Anh có biết không anh? Từ nay đến ngày anh đi, “cho em” hết anh nhé.
Ở bên này bờ mương bà mẹ nghe hết lời cầu xin của con gái. Nghe cả tiếng cọt kẹt của chiếc chõng bày hàng. Ruột gan bà sôi lên. Vội vàng chạy bằng mười ngón chân về đầu bếp, bà ném cái đèn đang cầm ở tay vào chiếc cối đá giã bèo nghe “choang” một tiếng. Bà hốt hoảng kêu:
- Mẹ Nho ơi. Mẹ Nho đâu rồi? Châm cho mẹ cái đèn khác. Mảnh thông phong đâm vào chân mẹ bây giờ. Nhanh lên mẹ Nho ơi.
Cả hai người đều đủ bản lĩnh bỏ qua lời kêu cứu của bà mẹ loà lẫm để đi tới tận cùng, nhưng người con trai đã nhanh chóng rời khỏi chị bằng cử chỉ như là sợ hãi, như là bực dọc. Chị sửa sang quần áo rồi ép cặp môi vào má anh an ủi:
- Khổ thân anh. Hãy chịu khó ngồi đây chờ em nhé.
- Đừng để mẹ nghi. Lát nữa anh “đến thăm” cụ. Đêm nay chúng mình ngồi chơi với cụ cũng được.
- Tuyệt vời lắm.
Cô đi qua đoạn tre vòng về đầu kia bếp rồi ra sau nhà như chị từ ngoài cánh đồng mới về. Dù đã cố nén nỗi bực dọc, cô vẫn hận mẹ, kẻ vừa “phá hoại” cô.
- Mẹ vừa gọi con phải không?
- Ừ, mẹ đánh rơi đèn, sợ mảnh văng ra, xéo phải nó.
- Đêm hôm nay mẹ lọ mọ đi đâu để rơi với vỡ.
- Mẹ nấu cơm xong lâu rồi, định đi gọi con về ăn.
- Lúc nào ăn chả được. Mẹ biết con ở đâu mà gọi. Từ mai mẹ đói cứ ăn trước, không phải kêu gọi gì nữa.
Càng nghe nó mắng bà càng mừng. Cái sự nó đòi ở anh ta chưa xong nên nó cáu với bà. Thì được, mày cứ gắt gỏng, mắng nhiếc mẹ mày đi, nhưng đừng để thiên hạ người ta bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ mày. Từ bốn, năm năm nay bà đã biết cái “anh bạn” của chồng nó đến “thăm nó” dù lúc chập tối khi bà sờ soạng nấu cơm, hay nửa đêm gà gáy, vào giữa trưa hay sắp lặn mặt trời thì cũng chỉ ở ba nơi. Chiếc chiếu trải giữa nhà, cái ổ của hai mẹ con (sau này là cái giường một giải đệm của nó) hoặc trên chiếc chõng bán hàng. Bà đã biết thanh niên ở thành thị bây giờ ai cũng muốn như người Tây, người Tàu thì phải làm như thế nó mới ra Tây, ra Tàu. Bà không ngăn cấm. Mà có ngăn cũng không thể được. Bà chỉ nói xa xôi bóng gió để chị ấy cố tránh làm sao đừng để vỡ lở ra là tan nát mọi bề, mà con cái nó khổ sở suốt đời. Tưởng nó cũng biết điều ấy mà cố ghìm giữ lấy cái vỏ để mai kia thằng chồng nó trở về cũng đỡ xót xa. Nào ai biết đâu chính nó lại đòi anh kia phải cho nó đứa con! Thế thì đến mười cái đèn bà cũng phải đập ra, để chặn nó lại, bà tiếc gì. Bà sợ gì nó tức bực trách mắng bà. Bà không làm ầm lên thì thôi, nó lại còn ra vẻ. Khổ nỗi, nó lại là con gái bà. Bà lại phải giữ cả với ông ấy. Không có, ông ấy lại chì chiết “mẹ con nhà bà tốt đẹp thế đấy!”.
Nhưng “anh kia” lại rất cảm ơn bà. ít ra cũng là sự cảm ơn của đêm nay. Đêm nay bà đã gỡ cho anh ra khỏi sự níu giữ của con gái bà. Chị đang thèm khát một đứa con. Anh rất lo sợ lần cuối cùng này để lại một hậu quả, có đi đến đâu anh cũng không thể thoát khỏi cái giá phải trả, cái trách nhiệm phải đeo đẳng. Chỉ sau vài tháng đi lại với nhau, chị đã bất chấp mọi thứ, kể cả bom của giặc Mỹ nổ ngay đầu làng để được sống hết mình với anh, được công khai biểu lộ tình cảm với anh. Còn anh thì ngược lại. Có thể nói, chị đã đem lại cho anh những thoả mãn mà không bao giờ anh có được ở Xuyến. Chị là người “khai hoá” mọi dục vọng tiềm ẩn trong anh. Nhưng anh không thể nào đánh đổi một ông Hiếu vào hàng chánh phó chủ tịch, bí thư tỉnh để đổi lấy mối tình ở chị. Mới một chặng đầu trên con đường quá dài của anh, không ai có thể bắt anh dừng lại. Với lại, hình ảnh Lăng luôn luôn ám ảnh anh. Lúc đầu là những ước ao được hiểu biết, được tài hoa và có uy quyền hấp dẫn như Lăng, một con người không hề thấy thất bại, một con người khiến già trẻ trai gái đều sợ, đều mê mẩn thèm khát. Về sau, là kẻ tình địch. Không thể trả thù, thì phải lặng lẽ vượt lên để anh ta ở lại phía sau, biết đâu, một lúc nào đó anh ta lại chỉ là cấp dưới của mình! Tất nhiên chuyện thằng Lăng không phải là mục đích, nhưng nó có tác dụng thôi thúc anh cần phải “nín thở” để bứt khỏi sự phát triển thông thường, nhất là điều kiện thuận lợi hiện nay. Không tranh thủ tận dụng hết tình cảm quý mến của bác Văn Yến là đại ngu. Cho nên, không thể để bất cứ một cái gì rơi vỡ chỉ vì cái chuyện “thầm kín” này. Anh đã tìm mọi cách để chị phải nghe anh, không được để một cử chỉ lộ liễu nào cho người thứ ba biết đến mối quan hệ của hai người. Dẫu là như thế, anh vẫn cảm thấy nỗi hoảng sợ càng ngày càng tăng trước những đòi hỏi tình cảm không biết đến đâu là tận cùng của chị. Càng ngày anh càng thấy để yêu chị hay bất cứ một người đàn bà nào khác, không khó khăn, khổ sở và nhục nhã căng thẳng bằng tìm cách chạy ra khỏi một tình yêu tham lam vô độ và vô cùng mù quáng liều lĩnh của họ. Chị biết anh sẽ đi chiến trường nhưng không thể biết anh sẽ đi vào ngày mai. Ngày mai toà án sẽ xử anh và Xuyến li hôn, chị cũng không hề biết. Cũng may, chưa bao giờ chị tra hỏi anh chuyện đó. Nói đúng ra, có một vài lần chị hỏi như là một sự quan tâm rất thông thường ở bất cứ người nào cũng hỏi câu đó: “Chuyện của anh với bà ta thế nào rồi”. Hỏi xong chị cũng không cần nhớ anh có trả lời hay không. “Bà ta xách dép cho em cũng chả đáng”. Vậy thì việc gì phải quan tâm. Rồi chị sẽ phải sững sờ, choáng váng trước hai việc cùng xảy ra với anh ngày mai. Nhưng đêm nay vẫn coi như cuộc gặp gỡ thường lệ. Chị còn chờ đợi, còn hi vọng ở những đêm mai, ngày kia và sau này. Rồi sẽ phải tìm cách đưa nhau ra cánh đồng cho nó tự do. Ở nhà, mỗi lần dang dở như thế này, không thể chịu nổi. Anh bê xe đạp qua đoạn tre, dắt vào sân. Bà mẹ chưa kịp hỏi “ai”, anh đã chào bà và khoe sắp đi chiến trường, đến tạm biệt cụ.
- Thế ạ. Quý hoá quá. Khi nào thì bác đi.
- Dạ. Còn chờ lệnh. Nhưng chắc cũng không lâu nữa đâu ạ.
- Ừ. Nhanh nhanh mà vào để giặc nó khỏi hành hạ phá hoại bà con đồng bào.
Nhưng “không lâu nữa” là đến bao giờ? Đến bao giờ bà mới thoát được nỗi canh cánh lo sợ hơn cả giặc giã. Chỉ chớp mắt một cái là nó gây ra cái tai hoạ tày đình, chứ lâu la gì. Hay là phải khuyên bảo con Nho? Hay là bàn với ông ấy để đưa con nó ra ngoài này. Mà cần thì dẹp cái cửa hàng này đi. Hay là... Nói thẳng vào mặt anh ta. Hay là... Sự bực dọc, cuống quýt của bà làm Nho hiểu rằng mẹ đã biết chuyện. Nếu mẹ hỏi, sẽ bảo: “Có đấy”. Không thì thôi. Việc gì phải “lạy ông, tôi ở...”
o O o
Phiên toà mở tại chùa Thộp giữa cánh đồng làng Bái Trung. Chùa um tùm cách xa đường chính hàng cây số. Vào chùa chỉ có một con đường độc đạo gọi là đường Rặng Nhãn. Phải qua một cây cầu bắc qua mương mới sang đường “Rặng Nhãn”. Tất cả những cuộc họp quan trọng của tỉnh, huyện cần giữ bí mật với địch ở dưới đất, địch ở trên trời, đều đặt ở chùa Thộp. Phiên toà hôm nay cũng vào loại phải giữ bí mật. Phải cảnh giác với những thủ đoạn và âm mưu của địch làm giảm sút uy tín của cán bộ ta.
Chị Xuyến đến chùa Thộp từ sáng sớm với lòng đầy tự tin phần thắng thuộc về mình. Chị được những người họ hàng thân cận ở trong đảng uỷ nói đích xác là anh Hiếu sẽ lên làm bí thư huyện uỷ nay mai. Không thể bỏ được chị đâu. Lần này chị mà không đến toà, là họ xử. Vắng mặt ba lần không có lí do là họ có quyền xử.
Hôm nay chị kiên quyết không bỏ, đố toà dám cho bí thư huyện uỷ bỏ vợ! Chị lành thật, nhưng nếu cần mang con lên kêu gào trước cổng huyện uỷ, tỉnh uỷ hàng tháng, hàng năm chị cũng không quản ngại. Chị có thể lên tận trung ương chị kêu. Liệu có ai dám để một bí thư huyện uỷ như thế không? Chị kêu đến khi về nhà “đuổi gà” chưa chắc đã yên. Nghĩa là, nếu chạy lên trời chị túm chân kéo xuống, mà chui xuống đất thì chị túm tóc lôi lên. Có mà thoát đằng trời. Như là để củng cố lòng tin chắc thắng của chị, chị Biện con nhà cậu ruột của chị làm hội trưởng phụ nữ xã, hôm nay được mời giữ chân thẩm phán. Ngoài tình nghĩa gia đình Biện còn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của “chị em”. Chị cũng hỏi ý kiến Biện có nên đi hay không, Biện bảo:
- Tội gì lại không. Quyền lợi của mình được ăn được nói lại bỏ nó phí, mà mang tiếng chống lại chính sách, luật pháp của Nhà nước.
Lại hỏi:
- Cô có đứng về phía chị không?
- Thì còn đứng về phía nào! Sáng nay đi qua định gọi chị, gặp Huyền nó bảo chị đi từ sớm rồi.
- Cả đêm không ngủ được cô ạ. Cháu Huyền nó bảo là cụ tôi cũng không ngủ. Chị thấy mang nhau dơ mặt ra chỗ này nó xấu hổ lắm em ạ.
- Chị cứ phải bình tĩnh, có gì mà phải xấu với đẹp.
Hai chị em đang vui vẻ chuyện trò, bà Đất đến. Thấy Xuyến, bà lầm lầm đi ra phía đầu sân bên kia. Xuyến nói:
- Mẹ lại đằng này. Đã có ai đâu mà vào, mẹ!
- Tôi còn mẹ con gì với nhà chị nữa.
Xuyến thấy làm thương bà, nói với chị Biện:
- Khổ, mẹ chị cứ phải sưng sỉa lên như thế nhưng bụng dạ có gì đâu.
- Dù thế nào, chị với bà lão cũng phải đoàn kết lại. Phải biết thương bà ấy.
- Thì vưỡn.
Buổi sáng nay toà xử liền ba vụ li hôn. Chị phó chánh án huyện làm chánh án của cả ba phiên toà. Còn các thẩm phán thì thay đổi. Toà công bố thứ tự: Vụ anh Hiếu xin li hôn cùng chị Hoàng Thị Xuyến vào thứ ba. Tám rưỡi sáng toà mới bắt đầu nhưng giấy gọi đúng 7 giờ phải có mặt. Mọi người đều đến từ sáu giờ rưỡi hoặc sớm hơn. Toà bắt đầu xử vụ thứ nhất vẫn chưa thấy anh Hiếu đến. Chắc sợ bẽ mặt. Những cán bộ xung quanh huyện đến “xem” hay đi làm gì mà đông đến mấy chục. Họ bàn tán có vẻ không đồng tình việc anh Hiếu bỏ vợ. Phản đối cả việc ông ấy sẽ lên làm bí thư “Lơ mơ là mất hết như chơi”.
- “Chắc ông Hiếu không thể đổi chuyện này để lấy tay trắng đâu”. Chị Xuyến nghe thấy cả.
Vào cái giờ này, anh Hiếu đang tất tưởi đi khắp nơi. Chia tay mọi người. Sự “kèm cặp” sít sao của bà mẹ Nho làm cho tình cảm hai người cứ phải dang dở, vồi vội. Hiếu vẫn rất mừng có được cái cớ ấy. Mãi bốn giờ sáng anh mới chia tay chị Nho, đạp xe đến cơ quan huyện uỷ trong nỗi uất ức của người mẹ: “Nó quan trọng (đúng ra là quan hệ) với con mình cớ sao mình lại không thái độ nó (tỏ thái độ). Được rồi. Đêm nay mày mà còn đến đây “quan trọng” với con tao?”.
Chị chánh án hỏi:
- Chị Xuyến cho biết, anh Hiếu có biểu hiện gì của những quan hệ nam nữ bất chính?
- Dạ. Tôi chỉ nghe đồn, chưa bắt được quả tang.
- Toà căn cứ vào những chứng lí, chứ không căn cứ vào tin đồn: Chị nói lại.
- Dạ. Thế thì không.
- Chị ngồi xuống. Toà mời anh Lưu Minh Hiếu trả lời câu hỏi của toà.
Hiếu đứng dậy lễ phép khiến chị chánh án hơi cúi như đọc câu hỏi viết ở mặt bàn:
- Anh cho biết anh có nghi ngờ gì chị Xuyến có những quan hệ bất chính?
- Thưa toà có ạ. – Anh kể lại chuyện với anh Lăng mà không nói rõ thời gian và trong hoàn cảnh nào, chỉ biết sau đó tình cảm giữa hai người không còn.
- Anh Hiếu nói không đúng ạ.
- Chị Xuyến. Chị đã từng ngồi ghế chánh án xét xử tội phạm. Chị có biết những nguyên tắc của phiên toà không?
Xuyến thấy như tội lỗi của mình ngày trước đang được đào bới lên.
Chị đứng ngây ra.
Từ đây chị Biện thẩm phán điều hành chính. Chị nói:
- Anh Hiếu ngồi xuống... toà hỏi chị Xuyến cho biết chị có quan hệ với anh Lăng không?
- Dạ thưa toà...
- Chị chỉ cần nói: có hay không.
- Thưa toà... Có. Nhưng... – Chị gục xuống.
- Thôi mời chị ngồi xuống! Toà mời bà Bùi Thị Đất trả lời.
Bà Đất vừa đứng dậy vừa run run “Thưa toà”. Toà ngắt lời bà:
- Bà bình tĩnh. Toà hỏi đến đâu bà trả lời đến đấy. Bây giờ bà cho toà biết. Trong biên bản khám nghiệm của bệnh viện huyện ngày 18-12 vừa qua có ghi bà bị trẹo xương chân, chùn lưng sống và có ba vùng bị thâm tím ở đùi và mông, có đúng không?
- Thưa toà là đúng cả đấy ạ.
- Những vết tích kia là do bị ngã hay bị đánh.
- Dạ thưa toà do bị ngã.
- Bà vô ý ngã hay có ai xô đẩy.
- Dạ... Dạ... thưa toà... Hôm ấy tôi gánh phân đi xuống cái dốc trơn tự nhiên thấy nó...
Hình như có tiếng ho, tiếng hắng giọng hay tiếng hấm hứ của ai đấy mà tai bà ù lên, bà không thể nghe rõ. Lúc ấy bà giật mình biết mình nói chệch đi mất. Bà vội vàng chữa lại:
- Vâng vâng. Thưa toà. Nó... nó đẩy tôi. À vâng, nó nó là... chị Xuyến lấy tay đẩy tôi ngã lăn xuống chỗ gốc tre suýt nữa chết ạ.
Chị chánh án:
- Lúc ấy bà có bị ngất đi không?
- Dạ... bẩm thưa toà... cũng có ngất đấy ạ. À tôi bị bất tỉnh nhân sự đấy ạ.
Chị Biện hỏi:
- Bà cho biết nguyên nhân gì khiến chị Xuyến lại đẩy bà ngã.
- Thưa toà là... không có nguyên nhân – Bà liếc thấy anh Hiếu. Mặt anh nhăn lại, bà vội tiếp: À dạ thưa toà là có nguyên nhân chị Xuyến đẩy tôi đấy ạ.
Chị chánh án:
- Bà Đất cứ bình tĩnh trả lời toà. Việc chị Xuyến đẩy bà là do cãi chửi nhau hay vì một cái gì khác.
- Thưa toà là có đấy ạ. Có cái nguyên nhân chị Xuyến đánh con chị ấy chết lặng đi. Tôi thương cháu tôi, tôi mắng chị ấy thế là chị ấy chửi tôi rồi đẩy tôi ngã xuống chỗ bụi tre gãy...
- Thôi được rồi. Toà hỏi: Bà có nhớ hôm ấy là ngày bao nhiêu không?
- Dạ. Thưa toà tôi không nhớ ạ.
- Bà chú ý nghe toà đọc lời khai của chị Xuyến: ngày 13 tháng 11 năm 19... tôi và mẹ chồng tôi có to tiếng rồi sau đó hơn một tháng mẹ chồng tôi mới ngã do... bà thấy có đúng không.
- Dạ thưa toà đúng là như thế ạ.
Chị chánh án lại đưa tay ra hiệu cho chị Biện dừng để chị hỏi tiếp:
- Toà yêu cầu bà Đất bình tĩnh lại nói cho chính xác. Bà hãy nhớ lại chính xác rồi mới trả lời toà. Toà hỏi. Có phải ngày 18 tháng 12 năm 19... bà và chị Xuyến cãi nhau om sòm, chửi mắng lẫn nhau rồi sau đó chị Xuyến đẩy bà ngã lăn xuống bụi tre, có đúng không?
- Dạ thưa toà là đúng ạ. Tôi nhớ chính xác là chị Xuyến đánh con chị ấy, tức là cháu tôi. Tôi thấy thương cháu tôi, tôi mắng chị ấy. Thế là chị ấy đi... à vâng, đi ra ngõ vừa đạp vừa đẩy tôi lăn xuống bụi tre suýt nữa thì chết, à tôi bất tỉnh nhân sự...
- Này, mẹ nói lại đi nhá.
- Đề nghị chị Xuyến trật tự, toà chưa hỏi chị.
- Nhưng sao toà có thể để người ta vu oan giáng hoạ cho tôi như thế?
- Ừ, thử xem ai là người vu oan. Chị còn nhớ chị đã xỉa vào mặt chồng tôi nói những gì ở sân miếu Ông Cuội không? Ai vu cho chồng tôi ngủ với con dâu ở đống cây ngô?
- Ới mẹ ơi, là mẹ ơi. Thà mẹ giết con đi còn hơn mẹ ôi.
Chị Biện quát:
- Toà đề nghị chị Xuyến im lặng.
Chị hiểu tiếng quát như nhắc nhở chị đừng mất bình tĩnh làm hỏng việc nên chị im ngay.
Ngay cả buổi trưa nghỉ một giờ chờ toà nghị án chị vẫn yên trí không thể bằng những lời người ta xui mẹ chồng buộc tội cho chị mà toà có thể kết luận. Nhưng đến khi nghe bà chánh án đọc đến chữ “li hôn”, chị gào như cha chết. Cả bốn dân quân gác ở xung quanh chùa chạy lại chỗ chị. Những cán bộ xung quanh huyện, cả đàn ông đàn bà buổi sáng tưởng họ đi xem, bây giờ tất cả xúm lại, dỗ dành an ủi và giữ không cho chị xô lại túm anh Hiếu. Chiếc ô tô của bí thư huyện uỷ đưa anh đi “nhập trạm” đã đỗ dưới hàng cây phi lao, chỗ rẽ xuống bờ mương vào chùa. Anh Nạc và mấy dân quân xã chờ ở đấy để lai mẹ anh về. Hiếu bảo:
- Anh nói với các bác, mẹ em và cả cháu Huyền em có lệnh gấp đi chiến trường.
Anh lên xe, lấy bộ quần áo Tô Châu, mũ giải phóng, dép cao su và khẩu K59 từ ba lô “cóc” ra mang vào người. Mũ cát, bộ ka ki gụ, dép và 167 đồng gửi anh Nạc cầm về cho mẹ anh. Mọi người chưa hiểu đầu đuôi ra sao, chiếc ô tô đã vù đi, anh thò đầu ra ngoài cầm mũ quân giải phóng vẫy những người đứng sau đám bụi tung mù mịt nhìn theo anh, nhìn theo cái bóng nhập nhoè sau vài ba phút đã là cách trở, đã là vời vợi xa xôi, đã không biết đến ngày về, không thể biết có ngày gặp lại?
o O o
Anh Nạc mải miết đạp xe, không dám động đến sự im lặng của bà cô ruột cúi gằm mặt ngồi ở phía sau như kẻ ăn cắp bị bắt quả tang. Chuyện ông tỉnh uỷ viên bỏ vợ đã lan ra khắp cánh đồng hai bên đường đi về nhà. “Ngày trước con dâu tố bố chồng hiếp nó”. “Bây giờ mẹ chồng nói điều con dâu giết mình”. “Ngày trước ấm ức nhưng sợ đội không dám ho he. Bây giờ có quyền, có chức đem cả huyện, cả xã xúm vào đánh lừa chị ta để chị ta tưởng ra toà là không thể được. Thế là chị ta tong tớn đi từ nửa đêm”. “Ngày xưa tổng Cuội mở hội thi nói khoác. Khắp nơi nô nức sửa soạn hàng năm, lúc ra hội thi, kể cả người giật giải cũng chưa thấm tháp gì với bây giờ. Bây giờ mở mồm ra là người ta đã nói khoác hay hơn các anh giật giải trước đây rất nhiều. Xa xưa thì không biết, từ thời cải cách đến giờ phải nói người ta dạy cho các nơi nói khoác giỏi cực kì. Nói vo hay nhìn vào giấy cũng đều có bài bản. Càng về sau càng có bài bản cứ là đâu vào đấy, bảo thế nào là nên thế, không thể cãi được, hoặc cãi được cũng rục xương”. Nghe người ta bàn tán Nạc vừa sượng sùng, như là người ta sỉ nhục bóng gió mình, vừa thấy rờn rợn, như là từ ruột mình nói ra những điều ấy. Không biết từ đâu và sẽ đến đâu, từ nơi nào sinh ra và những nơi nào còn nói theo cái kiểu như làng mình. Ai mở mồm ra cũng bảo vì người này, vì người kia, vì cả làng, cả tổng mà thực ra chả vì ai. Không có con người, chỉ có mục đích của đội, sau này là của xã, của huyện. Con người chỉ vô cùng quan trọng hơn rất nhiều lần cái gậy, cái que, khẩu súng, quả lựu đạn và dây thừng, xích sắt để các ông ấy dùng đi tới đâu đó. Chẳng hạn như mấy năm trước đây Hiếu bắt anh làm tổng chỉ huy hàng nghìn người đi cấy lúa ở dưới cửa sông. Không biết đất mặn, đất chua ra sao, không biết hình dáng kích thước vùng đất ấy nó thế nào! Đã đến đây bao giờ mà biết. Học hành cũng không. Nghe lõm bõm được dăm mười buổi ở tỉnh, ở huyện, đi tham quan được vài ba lần những nơi tiên tiến đi đầu trong mọi phong trào, biết gì về chỗ đất mới mình sẽ làm chủ nó? Nghe nói đã có nơi chinh phục được chỗ ấy rồi. Thì mình cũng phải chinh phục. Không thua kém ai. Không có thất bại. Nhất định phải giành thắng lợi để chào mừng đại hội huyện đảng bộ. Thế là hàng nghìn con người do anh là tổng chỉ huy đi bắt giời, bắt biển phải lui bước. 17 người chết vì ăn nước lợ đi ỉa chảy hàng loạt. 3 người chết do ngâm mình dưới nước lâu bị cảm lạnh. Một người chết đói, năm người gãy chân, cụt tay do tai nạn lao động. Cả thảy 26 người chết và tàn tật. Hết hơn 10 vạn công. Nợ hàng trăm triệu tiền mua sắm dụng cụ, tiền thuê kĩ thuật, tiền giống và tiếp khách cộng với hàng chục khoản phụ phí khác. Kết quả là “Với sức mạnh vá trời, lấp biển nhân dân Ngoại Thượng đã làm nên một kì công chưa từng có trong lịch sử vùng này. Biến hàng trăm mẫu ruộng đất chua mặn thành ruộng cấy lúa, có khả năng thu hơn 300 tấn thóc trong vụ tới”. Và Hiếu trúng vào thường vụ huyện uỷ. Nhưng nhân dân thì không thu được một hạt thóc nào ở 100 mẫu ruộng chua mặn ấy. Sự việc này chỉ được “rút kinh nghiệm” trong vài lời nói của Hiếu chứ không có những cuộc rút kinh nghiệm thật. Ai nhắc đến nó, oán trách nó coi như kẻ xấu, có ý đồ không tốt, tiếp tay cho kẻ địch phá hoại đoàn kết của ta. Hoặc là “Nói ra nhằm mục đích gì? Giải quyết cái gì? Cái đã qua rồi để cho nó qua” (riêng có thành tích và công lao của các đồng chí chủ trì của xã thì không bao giờ được quên). Nạc là người sống chân thành hết mình nhưng hay chủng chẳng nói ngang và thích triết lí vặt rất vô tội vạ nên Hiếu dùng anh chuyên đi “chữa cháy”, “lấp lỗ hổng”. Không việc gì anh làm được đến một năm. Thành ra việc gì anh cũng làm mà không làm được việc gì ra đầu ra đũa. Có lúc anh đã càu nhàu bảo Hiếu: “Hiếu xem thế nào, cứ xách tôi như con cờ ấy khó làm lắm”. Hiếu bảo: “Để xem”, nhưng anh nghĩ bụng: Không phải là anh em, tôi thải ông lâu rồi. Có làm được việc gì nên hồn mà thắc mắc.
Con Huyền bỏ học ngong ngóng chờ bà và bố mẹ nó trở về. Bao nhiêu chuyện kín kín hở hở lọt vào tai nó. Nó cắn răng lại nén nỗi tủi thân và xấu hổ. Nhưng không thể nén mãi được. Nó hỏi bà. Bà không nói. Nó hỏi mẹ. Mẹ nó ôm nó, van lạy nó rồi kể cho nó nghe sự tình tội lỗi của mẹ. Nó lại thấy thương mẹ và rất sợ bố mẹ bỏ nhau. Sáng nay bà đi, nó gạt nước mắt lạy bà:
- Bà ơi, bà nói thế nào để người ta đừng cho bố cháu bỏ mẹ cháu bà nhé.
Bà quay đi gạt nước mắt không nói gì.
Mẹ nó đi qua đưa cho nó hai nắm cơm nếp bảo:
- Nắm to con đưa bà mang đi để đến trưa bố con ăn với bà, còn phần con.
Nước mắt nó giàn giụa, định không lấy phần của nó, nhưng lại sợ mẹ buồn, nó phải cầm. Mẹ mắng:
- Làm sao con phải khóc? Cứ đi học đi. Có đi đến cùng trời cuối đất cũng không ai ức hiếp được mẹ. Việc gì mà sợ.
Mẹ bảo nó đừng sợ, nó lại càng sợ. Từ lúc mẹ đi, rồi bà đi, nó tha thẩn ở đầu làng, nhìn về phía chùa Thộp. Mãi hai giờ chiều nó mới trông thấy bác Nạc lai bà về. Từ chỗ bụi tre, nó chạy lao ra giữa cánh đồng đón bà, đỡ bà ở trên xe xuống. Bác Nạc thì lầm bầm. Trông bà thì khổ sở, cúi gằm mặt xuống. Nó biết điều gì đã xảy ra. Nó dấn lên nắm lấy ghi đông xe của bác Nạc hỏi. Bác Nạc bảo “giải quyết rồi”. Nó hốt hoảng hỏi lại:
- “Giải quyết” là thế nào bác?
- Là “cắt” chứ còn thế nào. Bố mày đi “B” rồi. Quần áo tiền nong bố mày gửi, lát nữa về nhà bác đưa.
Con bé kêu ối một tiếng, nó chạy lại ôm lấy vai bà nó lắc lắc “bắt đền” bà. Nó làm như cái quyết định “đoàn tụ” nằm ở trong người bà nó, nó phải lắc thật mạnh để sự “đoàn tụ” từ bà nó phải bật ra, cho nó vồ lấy. Thật khốn khổ cho bà nó, nó càng lay, người bà nó càng như cái cây bị mất rễ cứ héo dần héo dần, lả xuống. Nó phải hốt hoảng dìu bà nó về. Bà nó nằm vật ra giường, không ăn uống gì. Cũng không nói năng gì.
Đến lúc vàng vàng mặt trời mẹ nó kêu gào khóc vật vã giữa hàng chục bàn tay đỡ lấy người dìu mẹ nó đi về làng. Không hiểu chị đã kêu từ đâu mà tiếng đã khản đặc. Có hàng trăm người lớn và trẻ em không biết từ làng nào lốc thốc chạy theo. Về đến đầu ngõ nhà mẹ chồng, chị cứ bám lấy gốc tre mà réo vào:
- Ới bà Đất ơi là bà Đất ôi. Bà vu oan giáng hoạ cho tôi, bà không sợ giời tru, đất triệt nốt cái giống nòi nhà bà hay sao bà Đất ơi ời...
- Ới bà Đất ơi, làm sao bà nỡ rẽ duyên để vợ lìa chồng, con lìa cha mẹ, tan nát.
- Ới Huyền ơi, con ơi, con bảo là bà con cũng lành hiền phúc hậu không biết điêu toa ăn gian nói dối. Nào con có biết đâu bà lại thù dai, suốt mười mấy năm để bây giờ hại mẹ. Con ôi...
Sau phiên toà, chị lên huyện, lăn ra trước cổng huyện uỷ gào thét. Công an mời chị đi. Ở đây không có anh Hiếu, không ai liên quan gì đến vợ chồng chị. Nếu chị cố tình phá rối trật tự buộc phải giam chị lại. Chị thách thức và đang giằng co với công an, thằng em trai của chị hầm hầm chạy đến lôi chị về. Nó quát mắng chị rằng: có lên tỉnh, lên trung ương cũng không còn hi vọng gì. Việc vợ chồng li hôn chỉ đến toà án tỉnh là hết. Tỉnh đã “chỉ đạo” cho anh Hiếu được bỏ vợ thì kêu ai, để làm gì? Chị lập tức theo nó về ngay. Thì ra lời khóc than kêu gào cũng phải tính toán cân nhắc sự đầy vơi to nhỏ để nó đạt tới cái gì đấy chứ chả ai than khóc vu vơ, chả ai lặn lội kêu gào nơi vắng vẻ không có người hưởng ứng. Ở chỗ cổng huyện uỷ không có ai được vào xem nên nó ít tác dụng. Đến khi về ngõ nhà mẹ chồng nó lại hấp dẫn bởi hàng mấy chục người đi theo và hàng trăm, hàng nghìn lượt người chạy đến xem, đến can ngăn và thì thào bàn tán chê trách bà Đất và thương hại chị, tự nhiên chị lại thấy “nhiệt tình” kêu than rỉa rói bà Đất hăng hái hẳn lên. Bao nhiêu cán bộ, dân quân càng khuyên bảo, càng kéo chị đi về nhà, chị càng chồm lại bám lấy gốc tre, kêu to hơn và chì chiết bà Đất cay độc khiến anh em ông Từ, ông Mỡ “đắng” mặt quá. Ông Mỡ phải đứng giữa sân nhà bà Đất quát:
- Cô Đất đâu rồi! Tội vạ gì mà không dám mở mồm ra. Đ. mẹ nó, ông tha nhét cứt vào mồm con tố điêu, ngủ lang với đội thì thôi lại còn già mồm. Đúng là vừa đánh đĩ vừa...
Ông sầm sầm vào nhà kéo bà Đất dậy lôi xình xịch ra sân rồi ra ngõ đứng vào sát mặt với chị Xuyến để ông mắng:
- Tại sao cô ngu thế? Cô câm mồm để con đĩ nó trát cứt vào mặt cả họ nhà này phỏng?
Xuyến:
- Cả họ nhà ông ức hiếp tôi.
Bà Đất:
- Ai ức hiếp chị. Chị bàn với đội Lăng cho con tôi đi học thuế nông nghiệp rồi ở nhà đêm nào anh đội cũng “xâu” chị cốt cán, chị còn nhớ không? Giá ngày ấy đội Lăng nó cho chị theo, chị đã tếch rồi chả phải đợi đến hôm nay để ai phải chia lìa đâu!
Cái việc chị Xuyến xin lỗi nhà anh Hiếu thì ai cũng biết nhưng không ai nhớ chi tiết cụ thể như ông Mỡ nói:
- Có đời thuở nhà ai, con dâu tố bố dượng chồng để bắn người ta rồi trần truồng ôm nhau ngay chỗ trường bắn ấy mà bảo nhau: “Bắn được thằng “hiếp” giả ấy để chúng mình “hiếp” nhau thật thế này cũng sướng em nhỉ”. Con đĩ lại nói: “Anh ơi, anh cứ ở lại đây “hiếp” thật em mãi đừng đi anh nhá”. Đ. mẹ con đĩ sao không kể lể cho mọi người nghe đi. Đẹp mặt lắm đấy hả? Thơm tho sạch sẽ, thuỷ chung với chồng con lắm đấy hả?
- Tôi đ. cần thơm tho sạch sẽ gì với nhà ông.
Thế là hết trò. Những người xem thấy sượng mặt phải đi ngay. Họ nghe mãi cũng nhạt, đứng mãi cũng mỏi. Đã không có trò xô xát túm tóc đấm đá nhau cho “xôm trò” hấp dẫn, lại nói bậy. Thời bây giờ người ta quen nghe người đàn ông có quyền chửi đàn bà bậy chứ không quen nghe những người đàn bà được phép nói bậy với đàn ông, nhất là hàng con cháu. Sự thất thố của chị đến nỗi ông Mỡ phải chết lặng đi. Anh em con cháu nhà ông vốn không hề chịu thua bất cứ họ hàng, bè cánh nhà ai, bây giờ lại sững người, không ngờ cô cháu dâu lại “tương” ra một câu đột ngột đến cỡ ấy. Vừa ngượng, vừa sợ ông Mỡ, người xem giãn dần, tản về hết. Hết người “cổ vũ” đã thấy trơ trẽn, lại chỉ còn ông Mỡ và những người con cháu nhà ông, thì còn cái cớ gì để chị kêu than, để chị tì ra chỗ gốc tre này. Không biết cách nào rút cho nó thuận, tiếng quát của thằng em giai đuổi chị như một cứu cánh để chị rút lui “trong danh dự”. Nhưng đi đường nó lại xỉ vả chị:
- Thấy đẹp mặt chưa? Tố điêu bố dượng, ngủ với giai, đánh mẹ chồng... Bình thường cũng không ai họ xử lại, huống hồ người ta đã có chỉ đạo. Nó lại đi B. Đến ông giời cũng không dám động đến người đi B. Định lăn ăn vạ cái bà lão lủi thủi như con chó thui ấy để lão Mỡ nó bêu riếu cho. Ngu ơi là ngu. Đã bảo...
Thế rồi đêm hôm ấy trong khi cả tổng Cuội đều ầm ĩ cái tin “con dâu hắt... vào mặt mẹ chồng” thì chị thắt cổ bằng cái dây thừng treo trên cành bàng ở miếu ông Cuội. Và sáng sớm sau thì cả tổng lại xớn xác hỏi nhau chuyện “Mẹ chồng giết con dâu” “Nếu không vì mẹ chồng đổ điêu cho con dâu đánh mình, không vì “anh Hiếu còn vợ thì không còn mẹ”, làm sao chồng nó bỏ được nó, làm sao nó phải chết oan chết uổng như thế. Thế là mụ Đất thành kẻ độc ác, gian ngoan. Thế là một lần nữa mụ lại gục mặt xuống nghiêng cái nón lá gồi che lấy mặt, tránh những cái nhìn khinh bỉ oán trách, những lời lẽ độc địa, thì thầm. Lại tách ra khỏi sự đùm bọc đầm ấm của dân làng. Gặp bà, ai cũng chào hỏi, cố làm ra vẻ tự nhiên để bà đỡ xấu hổ, nhưng trong lòng thì nguội lạnh, phải dè chừng và hồ nghi. Khổ thân anh Hiếu. Vợ mất. Bản thân phải ra trận không biết sống chết thế nào! Không ngờ con người như bà Đất lại lắm mưu mẹo!
Chuyện Làng Cuội Chuyện Làng Cuội - Lê Lựu Chuyện Làng Cuội