A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Lựu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nguyên Nguyễn
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9476 / 187
Cập nhật: 2014-12-26 23:40:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 -
huyện tình thứ tư
Mới 27 tuổi, làm bí thư đảng uỷ khoá đầu tiên vào đầu những năm 60 đã là ghê. Nhưng Hiếu bảo cuộc đời phấn đấu của anh giống như đám kiến cánh trong thân cây tre cộc ở đầu ngõ. Đám kiến chui từ ống tre ra đều hốt hoảng chen nhau nhao lên rồi mới vòng xuống. Từng đàn, dài như một sợi dây luồn qua đám tay gai xuống gốc đi tha mồi. Có con tha được hạt mày ngô, tí vỏ khoai lang, hạt tấm, có con chỉ quẹt đầu vào đống phân trâu, phân bò cho nó dính vào râu, vào mõm mang về góp phần xây lên cái tổ đen kịt ở chỗ ngã ba giữa thân và cành tre, trông như cái sọ đầu lâu. Hiếu cũng “nhao lên” rồi kiên nhẫn cặm cụi đi tha mồi như con kiến, có hơn gì. Từ trưởng ban thuế nông nghiệp, sang làm địa chính rồi trưởng ban giao thông, phó ban vận động hợp tác xã nông nghiệp, trưởng ban thương nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã thôn Thượng, uỷ viên uỷ ban rồi phó chủ tịch, rồi chủ tịch và trúng đảng uỷ (được phân công làm bí thư) khoá đầu tiên khi chuyển từ chi bộ xã thành đảng uỷ. Không phải chỉ bằng năng lực, tận tuỵ, xốc vác chín chắn và có nhiều sáng kiến. Anh còn là người khiêm nhường, kín đáo, tình nghĩa trước sau và nghiêm chỉnh dứt khoát, biết kính trên, nhường dưới. Nghĩa là, một con người toàn diện như anh rất khó kiếm. Anh là một cán bộ công nông đích thực, có rất nhiều khả năng và đức độ của xã, của huyện và cả của tỉnh vào những năm sau này. Bác Văn Yến đã nhiều lần bảo thế. Sau khi kết thúc thời kì phụ trách công tác sửa sai của huyện bác bảo mẹ:
- Những gì không làm tròn bổn phận đối với anh Kiêm, tôi sẽ phải có trách nhiệm với thằng Hiếu. Anh Kiêm không hề yêu cầu gì ở tôi. Nhưng tôi biết anh ấy rất hi vọng ở thằng Hiếu. Thằng bé ngoan và có năng lực công tác. Lo được cho nó để nó thay anh Kiêm lo cho chị và các em nó sau này là trách nhiệm của tôi, chị đừng ngại!
Từ ngày ấy bác Văn Yến đã “nhìn ra” thằng Hiếu, niềm tin cậy của bạn mình, có đầy đủ bản lĩnh và tư thế làm cán bộ chủ chốt sau này. Bác rất không bằng lòng với việc làm của các anh Cu Từ, Cu Mỡ. Hai anh là cán bộ lâu năm, từng vào sống ra chết, lại là bậc cha chú lớn tuổi mà bồng bột. Ai lại cùng với thống Bứt hò hét con cháu đi nhét cứt vào mồm cốt cán tố điêu. Làm thế để làm gì, trong lúc sửa sai rất cần sự ổn định để đoàn kết toàn dân. Thằng Hiếu trẻ, nhưng nó xử lí bình tĩnh êm thấm đâu vào đấy.
Trong lúc cả làng sôi sục chạy đuổi “nhét cứt vào mồm con Xuyến”, làm con bé xanh xám mặt mũi, cắt không còn hột máu, thằng Hiếu đứng ra chặn mọi người và ôm lấy vợ bảo:
- Em cứ bình tĩnh, đừng sợ.
- Người ta giết em chết mất anh ơi.
- Bà con đây ai cũng thương anh, không ai nỡ giết em.
- Em chết thì thôi. Chỉ tội con còn bé. Mà anh “gà trống nuôi con”.
Anh vuốt tóc vợ khiến những bà con đi “diệt” cốt cán phải vội vàng quay mặt đi. Còn Xuyến, trước bàn tay che đỡ dịu dàng và vững chãi của chồng, cô muốn ghì xiết lấy anh kêu lên “Anh ơi, em biết ơn anh, em yêu anh biết chừng nào. Anh có hiểu được lòng em lúc này không?”.
Về đến nhà, anh bảo vợ:
- Mọi việc anh sẽ thu xếp với làng xóm. Chỉ có một điều.
Anh ngập ngừng. Vợ anh hỏi:
- Có nguy hiểm lắm không anh?
- Em phải xin lỗi mẹ. Làm sao để mẹ hiểu, em cũng bị người ta bắt buộc. Tình thế lúc ấy không thể không làm được. Đến bản thân các anh đội không tìm đủ năm phần trăm là địa chủ cũng chết nữa là mình.
- Liệu mẹ có tha tội cho em không anh?
- Thì anh phải xin mẹ cho em. Mẹ thương anh thế nào anh biết rồi.
Cô ôm lấy chồng. Nước mắt cô ướt đẫm mặt anh:
- Nếu được thế thì bảo em liếm xuống đất mà lễ sống mẹ với các em, em cũng làm. Mẹ anh là mẹ em, đi đâu mà thiệt hả anh.
Nhưng chiều hôm sau cô van lạy thế nào, mẹ cũng quay mặt đi. Hai thằng em Mai, Sau ngồi ở bậu cửa, chống tay lên cằm, mắt đứa nào cũng gườm gườm... Im lặng. Bỗng anh Hiếu hỏi:
- Mẹ còn nhớ cái chiều tối trước khi bắn bố con (từ khi sửa sai anh không gọi bằng chú nữa). Con đi học ở tỉnh về trông thấy mẹ bê cả rổ khoai đứng nhìn con ở chỗ bờ giếng?
- Sao tôi lại quên. Tôi đứng chờ anh. Anh sợ liên quan đến con mụ phản động, anh phải tránh mặt.
- Hôm ấy mẹ có giết con, con cũng không thể nào làm gì để mẹ hiểu con được. Con đã ra đầm Cuội tự vẫn mà không xong.
- Anh là cốt cán ai động đến lông chân anh mà phải đi tự vẫn!
- Không phải chuyện đấu tố. Chuyện khác.
Sau một giây nặng nề, căng thẳng, anh nói dịu dàng:
- Chuyện này có lẽ Xuyến kể cho mẹ nghe thì hơn.
Xuyến mừng rỡ:
- Chuyện gì hở anh?
- Chuyện chập tối hôm ấy em và anh đội Lăng đóng cửa lại. Em quằn quại kêu: Ôi đội ơi, em sướng quá, đội cho em chút nữa đi. Nữa đi anh ơi. Chuyện ấy đấy!
Hai mắt cô trợn ngược lên như điện giật.
- Anh nói gì thế? Anh định giết tôi hãy để tôi ra khỏi nhà này đã.
- Cô ngồi im đấy.
Giọng anh vẫn nhỏ nhưng nghe rờn rợn, khiến cô phải sững lại. Anh tiếp:
- Chưa hết đâu. Ngay đêm hôm sau. Bắn oan bố tôi xong, bác Văn Yến triệu tập đội và cốt cán ở lại phổ biến quyết định đình bản án tử hình của bố tôi, lúc về cô và thằng Lăng đi đến ngã ba đầm Cuội cô đã làm gì với nó còn nhớ không? Chính cô kéo tay thằng Lăng đi vào bờ đầm giúi đầu nó xuống bảo: “Anh cho em đi”. Thằng Lăng bế cô đặt nằm trên cỏ bảo: “Từ nay ta “chuyển bước” ra bờ đầm. Thằng chồng em nó về rồi. Đội “cắm rễ” cốt cán phải rút vào bí mật”.
- Ối giời ơi. Anh định đuổi tôi đi thì anh cứ bảo, không phải vu oan giá hoạ như thế. Ối giời ơi là giời.
- Tôi bảo cô im. Nếu đi được, cô đã đi rồi. Đêm ấy cô hỏi thằng Lăng: “Anh cho em đi với anh. Anh ơi, em không thể xa anh được nữa đâu”. Thằng Lăng nó ngồi nhổm dậy nghiến răng lại bảo cô: “Anh cấm em từ nay còn nói lại với anh câu này nữa. Người ta xây dựng cốt cán là để hoạt động ở đây. Không phải xây dựng để cho cô thoát li, có hiểu không?”. Lúc ấy cô khóc như cha chết. Không biết cô đã nhận ra điều này chưa. Một thằng đàn ông chưa vợ đã tằng tịu với bao nhiêu đứa con gái khác (bác Văn Yến biết chuyện của nó đấy) không bao giờ nó lại rước con mụ nạ dòng về làm vợ. Nhất là nó đang sợ cái câu: “Em bắt rễ đội. Đội xâu em” đang ầm lên ở vùng này.
Cô vợ ôm lấy mặt kêu lên hô hô, cứ đập mặt xuống lại ngẩng lên như người lễ. Anh biết tiếng khóc của đàn bà khi xô xát bao giờ cũng nhằm cái đích ăn vạ giành thắng lợi. Nhưng anh vẫn thản thiên nói:
- Chuyện này tôi nói cốt để mẹ hiểu cái ngày hôm ấy con mẹ cũng chả sung sướng gì. Thế thôi. Chuyện vợ chồng với nhau để lúc khác. Bây giờ tôi để cô nói chuyện với mẹ.
- Anh giết tôi đi. Giết đi. Tôi còn nói gì nữa.
Cái con đàn bà nó ngu là thế. Định lấp liếm bằng tiếng khóc và tiếng kêu cứ như gào lên nào ngờ càng lu loa càng nông nổi, hớ hênh. Cái chuyện dan díu bao giờ cũng hấp dẫn. Tiếng kêu khóc của cô đã lôi kéo hàng trăm người lặng lẽ ngồi ngoài ngõ lắng nghe sự thú nhận của cô. “Tôi ngủ với thằng Lăng đấy. Anh giết tôi đi. Cứ giết đi”. Đến lúc này thì anh Hiếu lại có thể đến bên vỗ vào vai vợ:
- Em buồn cười nhỉ. Chuyện riêng của vợ chồng mình để lúc khuya khoắt đóng cửa mà bảo nhau sao lại làm ầm lên lúc này.
Thế là, nếu anh đội Lăng ở đây mà đánh giá tổng kết thì chỉ một sự việc vừa xảy ra Hiếu đã giành được bốn thắng lợi lớn.
Một là: Bà mẹ muốn ôm chầm lấy con trai để xoa dịu nỗi đau đớn âm ỉ nhục nhã hơn cả đau đớn, khổ sở của bà.
Hai là: Hôm trước anh là cốt cán, cùng đội ngũ với giai cấp bần cố, hôm nay anh là người của nỗi oan trái cùng cảnh ngộ với những người bị giam giữ cùm, trói.
Ba là: Trước nhân dân và bác Văn Yến, người bí thư tỉnh uỷ của những năm sau, anh là một con người đầy bản lĩnh, biết kìm nén và chịu đựng, biết vì cái chung mà nén nỗi đau riêng, gương mẫu đi đầu trong sửa sai.
Bốn là: Anh đã làm được phần nào của những gì anh nghiến răng lại trong đêm cùng anh đội Quyền và anh Thó tắm ở đầm Cuội: “Phải sống”.
Và sau này anh còn tiếp tục làm cho vợ anh “sướng vui” thì dân làng vẫn phải kêu lên: “Anh ấy chịu đựng thế là quá lắm rồi”.
Mấy ngày sau, Hiếu lên huyện, bác Văn Yến nắm chặt tay anh khen: “Cháu làm công tác ổn định tư tưởng tuyệt vời lắm. Đúng là những nỗi khổ gặp nhau thành niềm an ủi lớn. Cháu bác được lắm”.
Anh cũng đến mẹ vợ, kể lại mọi “sự tình”. Bà mẹ vợ vừa xấu hổ vừa rưng rưng cảm động trước sự rộng lòng tha thứ của con rể.
Phải mất mười sáu ngày vừa vật vã đau đớn, vừa uất giận và hổ thẹn “nghe ngóng” trước sự dỗ dành lạnh lùng và kiên quyết “cùng nhau” của chồng, Xuyến mới lại trở lại “ái ân”. Đêm ấy đã xoá đi những mặc cảm ngăn cách ở chị. Chị yêu anh một tình yêu kính sợ và sự nồng cháy kìm nén trong nỗi rụt rè.
Cái đó hoàn toàn không phải do chị “hối cải” sau sự phản bội của mình. Nếu chỉ có thế, cái sức mạnh “gái một con” ở một “hoa khôi” của xã chị sẵn sàng chia tay anh. Vả lại, chị biết rằng anh không thể nào làm trái ý bác Văn Yến: “Không ai được vì những chuyện cá nhân, riêng tư làm phá vỡ khối đoàn kết chung trong lúc này”. Chị yêu anh, một tình yêu sợ hãi, nó ở chỗ khác, chỗ quy luật riêng rất tuyệt vời của đàn bà. Ấy là khi những thằng đàn ông đam mê cuồng nhiệt yêu thương thành thật hết lòng, chăm lo, chiều chuộng hết lòng và hết lòng sợ hãi sự cãi cọ ồn ã thì các bà, các chị sẵn sàng cưỡi lên cổ nó, ngồi lên đầu nó, dày xéo cái thân phận lầm than của nó không biết đến đâu là tận cùng kể cả hôm qua các bà, các chị bị bắt quả tang ngủ với giai, hôm nay các bà, các chị vẫn điềm nhiên giành lại quyền bà chủ. Kể cả thằng đàn ông đó là ông tướng, các chị, các bà cũng không nề hà gì mà không làm “tướng” của các vị tướng để toàn quyền trị vì vừa nghiệt ngã, vừa êm ái, rộn ràng. Còn khi những thằng đàn ông biết yêu một tình yêu mẹo mực gian dối, biết phỉnh nịnh tinh vi và mơn trớn dịu dàng, biết giả vờ đau khổ và sâu sắc một cách rẻ tiền, biết lạnh lùng và nghiêm nghị mà không khô khan cứng nhắc thì y như một cơn nghiện đã chạm tới mà không thoả mãn cái bản chất khao khát khám phá mong muốn chiếm đoạt sự lạ, khiến các bà các chị cứ thấy hao háo thiếu hụt, lúc nào cũng phải cố lên, dấn tới, chới với, chới với trong nỗi uất giận khinh bỉ mà thèm thuồng cháy bỏng để giành lấy sức mạnh từ cái bản chất yếu đuối của mình. Cái tâm trạng hốt hoảng sợ mất, sợ rơi, sợ vỡ, sợ vào tay kẻ khác khiến cho chị cứ như một con chó sẵn sàng cắn lại chủ nhưng lại phải cum cúp biểu lộ lòng trung thành để thoả mãn cái bản chất khao khát: Phải chiếm đoạt lấy lòng tin của chủ.
o O o
Bây giờ đã vào giữa tháng 10. Cái nắng nao nao và những làn gió hanh se lạnh vẫn như là mùa thu còn bỏ quên, như là giữ cho mùa đông nỗi nhớ bâng khuâng của những buổi chiều vàng ươm, tiếng cười vỡ ra trên mặt đầm Cuội. Mùa đông mới chỉ bắt đầu ở những đôi má đỏ dậy lên của các cô gái trong tổ đổi công và những làn sương trắng mỏng manh phủ trên những cánh đồng cày vỡ đầu tiên của làng Cuội.
Sau những tháng sửa sai, những mắc mớ được gỡ ra, bà con chòm xóm lại đoàn kết thương yêu nhau trong các tổ đội sản xuất được hình thành, trong tiếng cười, tiếng hát rộn ràng. Đêm đêm không ai rình mò, không còn ngờ vực, làng xóm yên vui giữa thanh bình êm ả. Có được bước biến chuyển ổn định nhanh chóng như ngày hôm nay không ai không nghĩ đến sáng kiến của Hiếu. Bác Văn Yến về tỉnh mang theo nỗi băn khoăn làm sao phải có sự thông cảm thực sự giữa cán bộ cũ và mới? Hiếu lên tận tỉnh trình bày với bác ý định tổ chức lễ truy điệu ông Kiêm. Nghe xong bác khen:
- Tốt lắm. Vừa tình nghĩa với oan hồn người đã khuất, vừa tập hợp được cán bộ cả cũ, cả mới. Nhưng cháu phải bảo đảm không được nhân đấy mà khóc lóc kể lể, bêu riếu nhau. Tuyệt đối không được ăn uống, rượu chè.
- Cháu xin hứa với bác. Sau lễ truy điệu này linh hồn bố cháu sẽ được thanh thản hơn.
Anh cũng xin bác viết mấy chữ cho bí thư, chủ tịch xã nói việc này của tỉnh và huyện quyết định để họ khỏi hiểu lầm anh. Anh đưa cho lãnh đạo xã và truyền đạt tinh thần nội dung của “bác Văn Yến”. Hai người đều là cốt cán, chỉ mong có dịp được làm lành với cán bộ cũ nên họ mừng lắm. Hiếu lại truyền đạt “ý kiến bác Văn Yến” với bác Từ, bác Mỡ. Rồi anh nói:
- Các bác phải làm sao cái chết của bố cháu không bị tủi nhục. Bác cháu mình lại có dịp bắt chúng nó phải phục dịch. Cũng là dịp để mình “nắn gân” xem thái độ của chúng ra sao rồi ta sẽ liệu “nói chuyện” với chúng nó sau. Mà bác Văn Yến cũng sẽ thu xếp để về dự đấy.
Được phó bí thư tỉnh uỷ về dự truy điệu em rể! Được bắt bọn cốt cán phải hầu hạ! Được toàn chi bộ, uỷ ban, các ngành giới cúi đầu nhận tội (nó cúi xuống mặc niệm em mình là nhận tội, chứ lại không). Toàn những điều trúng ý các bác. Hay!
Cuộc họp toàn thể cán bộ, đảng viên cũ, mới của toàn xã bàn việc tổ chức lễ truy điệu đồng chí bí thư chị bộ Nguyễn Văn Kiêm có mặt trăm phần trăm. Đồng chí Bùi Như Từ phó ban sửa sai được bầu làm trưởng ban tang lễ. Bí thư chi bộ và chủ tịch xã cũng là phó ban sửa sai được bầu làm phó ban. Chi uỷ đang họp, ở ngoài cánh đồng đã biết những chuyện mà nhiều đảng viên không thể biết: “Anh Hiếu không có chân ở ban bệ nào đâu nhưng mọi việc bàn bạc với tỉnh, với huyện, với ông cũ ông mới ở xã là anh ấy làm tất. Kì này anh Hiếu đứng ra làm ma “khô” cho chú dượng là cả tỉnh, cả huyện biết, chả phải vừa!”.
Chương trình của ban tổ chức: Lễ truy điệu tiến hành trong một đêm và nửa ngày. Cụ thể là: đêm hôm trước các đoàn thể, chính quyền, đảng viên và nhân dân đến thăm hỏi, chuyện trò, ngày hôm sau chín giờ sáng ra mộ làm lễ. Bí thư chi bộ đọc điếu văn và mặc niệm. Xong, giải tán. Ông trưởng ban có một chương trình khác, chương trình của một mình ông. Ông bảo thống Bứt giúp Nạc gọi phường kèn, phường trống, phường bát âm đến “phục vụ” trước quy định của ban tổ chức một đêm, một ngày. Đầu tiên là thống Bứt làm lễ phục hồn. Khổ thân chú ấy. Nằm dưới đất gần ba tháng, mồ mả được đắp điếm cẩn thận rồi vẫn chưa phải là chết, vẫn chưa được nhập vào cõi âm. Tưởng đã lìa cõi trần gian, dương thế về nơi thiên thu an nhàn, thong dong cõi Niết Bàn, nào ngờ vẫn hồn xiêu, phách lạc. Không còn là người dương, lại chưa ra người âm, vẫn bơ vơ như ma tà đạo tặc giữa đám chúng sinh không nơi trú ngụ. Phục hồn xong mới là người chết. Chôn dưới đất ba tháng trời mới được làm người chết, mới được phát tang. Khăn xô trắng loá lên, đầy nhà, đầy sân, đầy cả vườn chuối tiêu ra tận đầu ngõ, chỗ cây tre cộc dâng tổ kiến cánh đen kịt lên tận đầu. Tiếng khóc nhoa nhoa giữa tiếng kèn, tiếng trống tế thôi thúc trang nghiêm. Hàng tiếng đồng hồ kèn trống tế “suông” vừa dừng, phường bát âm “thay ca” lại cất lên cái âm thanh “kì kèo mắc mớ” nghe cứ ỉ eo, dầm dề. Rồi lại kèn thờ. Rồi cả kèn con cháu, họ hàng có đến hàng trăm người tranh nhau nhờ các ông phường kèn khóc hộ. Các ông rất tận tình nhưng không lấy tiền “thướng” vì hôm nay là nhiệm vụ tổ đổi công của các ông đi phục vụ. Đêm hôm trước “vui quá”. Đêm hôm sau các sư được lệnh đến tụng kinh. Cả xã chỉ còn lại nửa ngôi chùa bị phá nham nhở để đựng các đức phật lăn lóc như khoai sọ để trong kho và một ông sư già vừa đi học tập cải tạo vì tội cúng lễ về. Vừa thấm nhuần chính sách “bài trừ mê tín dị đoan” xong lại được lệnh xã đi cầu siêu cho vong hồn bí thư chi bộ. Vừa cấm tuyệt đối không được hành nghề, lại được lệnh phải đi tụng kinh, thành ra cả tiếng mõ, tiếng đọc kinh cứ thấp thỏm, thảng thốt. Tiếng mõ thì to tiếng tụng kinh lại nhỏ, cứ như sắp chìm hẳn đi. Mắt nhìn vào sách, tay gõ mõ và chắp lên cung kính trước ngực, miệng đọc mà ruột thì cứ thậm thột như ở đằng sau đang có người rình, đang có thừng và súng. Sắp có. Này này sắp có tiếng quát: “Ngồi im không được động đậy” “Mày có biết tên Thích Ca là trùm phản động đầu sỏ vừa bị bà con nông dân ở quê nhà nó tử hình nó không? Mày lại muốn xuống cầu cạnh nó hả?”.
Nỗi hoảng sợ với lần bị bắt cách đây vài tháng vẫn ám ảnh nhà sư ngay cả khi đã được “lệnh” của chủ tịch xã là “phải cúng thật nhiệt tình vào”. Các vãi không chỉ ở làng Cuội mà cả hàng tổng đã lần lượt kéo đến chen chúc quanh sư như là sự đùm bọc, như là sự che chở đỡ cho giọng đọc của sư to lên và tiếng mõ hơi nhỏ lại làm nền cho những lời kinh cung kính được vang lên rành rọt.
Bày ra trò tụng kinh niệm phật Hiếu muốn nó tạo ra sự trang trọng linh thiêng của các bà già khắp nơi. Qua mồm các bà ấy, đám ma to lên rất nhiều. Nhưng anh lại sợ nó dính đến chuyện mê tín, bác Văn Yến mà biết? Bác Cu Từ bảo: “Mày kệ tao để xem có đứa nào dám cản tao”. Biết việc làm cốt để xác định quyền lực của bác mình, khó ai có thể ngăn được, nếu không có lệnh của bác Văn Yến. Anh yêu cầu bí thư và chủ tịch:
- Đề nghị các anh cho dừng việc tụng kinh lại. Chương trình làm gì có chuyện này.
Bí thư:
- Thôi, cũng sắp xong rồi. Lát nữa nổi trống tế. Các cơ quan đoàn thể đến viếng là dẹp.
Chủ tịch:
- Đụng vào việc của Cu Từ có mà mục mả. Ai chả biết tụng kinh cho nó đủ lễ bộ, lo gì anh. Mê tín hay không là ở mình. Mai mình ra lệnh cho sư gác mõ lên là xong.
Bằng cách nghĩ cụ thể ấy, Hiếu biết họ sẽ chịu trách nhiệm trình bày nếu bác Văn Yến hỏi đến. Anh yên tâm mà “đau đớn”, “xót thương” và mệt mỏi vì bắt tay, vì gật đầu khi khách “chia sẻ”... Bao nhiêu khách xa, bạn gần, anh đều phải tiếp. Còn mẹ chỉ quay mặt vào phục ở chân bàn thờ: “Thôi con tiếp người ta. Mẹ biết đường nào”.
Suốt hai ngày, hai đêm hàng mấy trăm người chạy ngược chạy xuôi, tất bật, tíu tít. Bất cứ lúc nào ông Từ cần cái gì, từ thay cái ngọn cây chuối ở đôi độc bình, bàn thờ rước vong phải chằng thừng đỏ, phải đi chục cây số mượn đúng cỗ đòn đám ma ngày xưa, mới đặt minh tinh nhà táng lên được. Tất cả đều có hàng chục người xô đến nhận việc. Cái gì cũng “có ngay”, cái gì cũng hoàn hảo đúng ý ông muốn. Đám ma không có người, không có ảnh vẫn cứ khóc lóc tang thương, vẫn sụt sùi rầu rĩ, vẫn cứ xớn xác hoảng hốt. Vợ chồng Hiếu và hai anh em Mai – Sau đều mặc áo sô. Ba đứa con trai đội mũ rơm, chống gậy vông còn bà Đất và Xuyến mũ mấn bồ đài. Tất cả đều thắt đai ngang người bằng dây chuối. Những người ruột thịt này như là nước mắt khô, chỉ khóc được từng lúc tự nó rào ra, từ mỗi người gợi nhớ đến một hình ảnh, cử chỉ gì đấy mà tự nhiên nước mắt rào ứa ra, không ai khóc thành tiếng. Tiếng khóc và kể lể “nguồn cơn”, lời lẽ thì bi ai thống thiết mà người nghe lại cứ thấy vui. Những tiếng khóc “thường trực” là của những người đội khăn trắng. Không biết họ hàng đâu ra mà lắm thế. Phải mấy trăm cái khăn trắng. Mấy trăm người ấy, kể cả đảng viên và quần chúng, kể cả cán bộ và nhân dân, cả cốt cán, khổ chủ và người từng bị giam cầm đấu tố. Họ vất vả sấp ngửa ngược xuôi hò hét, quát mắng nhau ỏm tỏi. Ấy là những cái cớ để từ đấy họ bắt chuyện với nhau, sai bảo nhau, cùng nhau “túc trực” hai bốn tiếng trên hai bốn để chẻ củi, đun nước, pha chè, bê điếu, têm trầu, tước đóm... Bao nhiêu người vất vả chỉ cốt hỏi ông Từ, anh Hiếu rằng vôi, rằng chè, rằng nước sôi và ấm tích, cán cờ và vàng hương, điếu văn và vòng hoa... ngành giới nào đi trước và ai ở nhà đón tiếp cấp trên... Ai cũng có việc để phải hỏi, phải bàn để ngầm nói “Tôi đây mà. Tôi đang vất vả đấy. Lúc nào tôi cũng hết tình, hết nghĩa với nhà anh, nhà bác đấy”.
Sáng hôm sau, lúc 9 giờ, xe con của bác Văn Yến, có bí thư huyện uỷ đi cùng làm cho lễ truy điệu giải oan cho bí thư chi bộ xã Ngoại Thượng nay là Đại Thắng trở thành một biểu tượng đẹp đẽ điển hình trong toàn tỉnh về thắng lợi sửa sai. Nhìn sự chan hoà thân ái của tất cả cán bộ cũ mới xã Ngoại Thượng có mặt ở đây, phó bí thư tỉnh uỷ hỏi bí thư huyện:
- Anh biết ai là trung tâm đoàn kết ở xã này?
- Báo cáo anh, bà con ở đây ai cũng phải công nhận cậu Hiếu là người có bản lĩnh rất vững vàng. Có khả năng tập hợp quần chúng, có nhiều sáng kiến và tổ chức rất khá.
- Thằng này còn nhiều triển vọng đi xa. Anh chú ý bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho nó.
Khuôn mặt đau khổ vẫn gục xuống đầu chiếc gậy vông và mảnh khăn sô che kín mặt, không nghe thấy câu gì trong những lời trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo cấp trên, chỉ một thoáng ngẩng lên, hai tay chắp lại tạ lễ, anh đã hiểu cái kết quả ngày hôm nay nó đến mức nào. Để rồi từ đám ma “khô” này 34 năm sau anh lại làm đám ma “ướt” của người mẹ trôi sông với sự đầy đủ gấp hàng trăm lần. Chỉ có điều, cái kết cục nó lại hoàn toàn ngược lại với sự sắp đặt của anh, mà kẻ phá hoại anh, chính con Huyền, lúc này là đứa con gái chưa đầy bốn tuổi đang núp vào người lay lay cánh tay anh hỏi: “Bố ơi, có ai chết mà làm ma đem chôn hả bố”.
o O o
Bà cũng giống như mọi người, ai cũng ước ao thèm khát được khen. Được một lời khen của người khác đã thích, huống hồ lại được cả huyện khen. Ngoài cái nhẽ ấy ra bà còn nỗi thèm được làm người như người khác. Hơn 40 tuổi đầu đã bao giờ được làm người! Khắc khoải mong được làm người, được như chúng bạn đã thăm thẳm xa xôi, huống hồ lại được giấy huyện khen.
Dân làng Cuội bảo: không biết có phải vì được giấy khen hay được đi họp “gỡ” cho bao nhiêu năm không được họp mà bà không vắng mặt trong bất cứ một buổi họp nào. Làm việc gì bà cũng gương mẫu đi đầu. Việc đi họp, đúng là bà thích thật. Còn “gương mẫu” thì bà nghe lời con giai bà. “Mẹ phải gương mẫu hơn mọi người đấy nhá”.
- Thế gương mẫu nó là thế nào?
- Là việc gì cũng phải làm. Xung phong nhận trước người khác, làm tốt hơn người khác.
- Ừ, có chỗ nào gương mẫu anh cứ bảo mẹ.
- Phải làm thế nào để không ai kêu mẹ anh Hiếu không gương mẫu đấy.
Thế là bà gương mẫu. Bà biết, con bà muốn bảo được người khác thì mẹ nó phải làm gương, làm mẫu cái đã. Với lại, hai thằng Mai, Sau nó đã thiệt thòi không có bố, bà phải thay ông ấy để sau này không có chút tơ vương nào cản bước nó đi theo bằng anh, bằng em. Bà gương mẫu xung phong đầu tiên vào tổ đổi công rồi hợp tác xã. Người ta bầu thủ kho, không ai nhận làm, bà lại xung phong. Ngày ấy thủ kho chưa “to hơn thủ trưởng” và cũng chưa biết đường ăn cắp. Với lại, kho hợp tác mới có cứt mèo, cứt chó, chuột chết, rác rưởi và mạng nhện. Hãy nói đến kho và việc bầu thủ kho hợp tác xã Cuội Thượng (trong văn bản bỏ chữ Cuội nhưng toàn dân vẫn quen mồm gọi như trước đây). Kho là cái hậu cung miếu ông Cuội. Miếu ông Cuội làm lại theo lệnh của tổng Lỡi vẫn “chân lùn, mái võng” đúng như ngày xưa. Thực ra chỉ xây lại tường xung quanh và cưa bớt chân cột còn mọi thứ vẫn là “của nó”. Mái ngói và rui mè trước khi Tây càn đến các cụ phụ lão đã dỡ mái, giấu ra đầm Cuội. Chỉ còn lại những cột lim to hai vòng tay ôm và tường bao quanh. Khi đến, Tây bắt phu phá tường lấy gạch gánh đi xây đồn, còn lại cột tua tủa trên nền cũ. Tây đã phá, vì sao tổng Lỡi lại cho xây lại? Có người bảo nó muốn ghi nhớ lại cái nơi nó làm chủ trò hội thi nói khoác năm cuối cùng! Có người lại bảo nó còn có âm mưu thâm hiểm gì nữa không biết được! Tốt nhất là phá. Bọn địa chủ xã này nghèo lõ đít, chả có quái gì chia quả thực cho bà con bần cố. Đến bước hai. Cải cách, đội cho dỡ cả mái, phá tường, cưa cột, bậy đá kê để chia quả thực. Hậu cung được giữ lại để chứa các tượng, ngai, gươm đao. Khi các hợp tác xã hình thành, Hiếu, bí thư đảng uỷ, cho tất cả các chỗ còn lại của đình chùa, miếu mạo biến thành kho. Những tượng gỗ, tượng sành sứ sơn son thiếp vàng, những gươm giáo, long đao, bát bửu, long, cờ được “giải tán” làm quản vồ, cán xẻng, chuôi dao, trẻ con bẻ tay ngai và đầu tượng chơi. Vải được xé làm khăn quàng cổ, làm tay nải, giẻ lau và dùng ở những chỗ có thể dùng được. Theo cách nói của anh Quyền thì: “Đấy, kho nó là như thế”. Còn việc bầu thủ kho, cũng lại phải dài dòng như vốn nó đã xảy ra. Ở các tổ chức mới mẻ đầy sức hấp dẫn này làm cho bao nhiêu người lăm le hồi hộp được giới thiệu làm chánh, phó chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ, đội trưởng, thư kí. Nên không ai từ chối khi được trên dự kiến. Trên đã dự kiến rồi, bầu nhanh lắm. Đến thủ kho, nó vô cùng quan trọng. Vì đây là sự sống còn của cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa hai con đường tập thể và tư hữu. Tập thể là hợp tác xã với tính ưu việt, tuyệt đối của nó nhất định phải thắng tư hữu. Gì chứ, cái khoản máy cày chạy phành phạch suốt đêm, điện đóm sáng trưng là cái chắc. Lại có máy bay chuồn chuồn đi bỏ phân. Cứ bấm máy là nó tòi ra, việc gì mình phải mó tay vào. Nghe đâu có cả máy và cơm. Người già yếu có máy đấm lưng, xoa bóp. Lúc ấy cứ gọi là của cải nhiều như nước sông. Vậy nên kho là quan trọng bậc nhất. Hợp tác xã không có kho như người mẹ nuôi con không có bầu sữa. Có kho là phải có thủ kho, tức là người làm thủ lĩnh của cái kho ấy.
Hai đêm học tập đả thông tầm quan trọng đến như thế rồi, bầu ai, người ấy cũng đành đạch giãy như đỉa phải vôi. Bằng cách gì đó họ cũng không chịu nhận. Bà con nông dân nhà ta vốn “ăn chắc”. Họ chỉ tự hỏi: “Thủ kho quan trọng thế, sao lại không được ở trong ban quản trị? Anh thủ kho chẳng qua là anh giữ nhà chứ gì. Giữ kho như giữ nhà, chỉ có loại... Nghe nó tẹp nhẹp, xâu xấu thế nào. Chỉ được giữ, không có quyền hành gì. Lại vất vả. Lại hao hụt, thất thoát! Chả ai dại”.
Bà Đất xung phong. Dân làng hoan hô rầm rầm. Bà Đất làm là nhất. Ai cũng nghĩ thế, nhưng không ai nỡ giới thiệu bà làm cái việc cực nhọc ấy.
Ba mẹ con bà Đất phải quét tước dọn dẹp cọ rửa cật lực suốt ba ngày mới xong được cái hậu cung. Hợp tác cho đóng bộ cánh cửa và giao cho bà cái khoá Trung Quốc, hai chìa. Bà được trang bị hai cái nong vựa, hai lá cót và tám chiếc chão đánh đai. Nhưng đến vụ thu hoạch bà lại dựng nong, cuộn cót cuốn thừng mang về gác trên bếp. Ngô đỗ thu xong giao cho mọi nhà mang về tự phơi, tự đập. Đến khi nộp thuế, bán “nghĩa vụ” theo tỉ lệ mà gánh đi. Cứ gọi là răm rắp. Thành ra kho bà Đất không đựng ngô đỗ mà lại đổ phân chuồng và ủ phân xanh để bón cho vụ sau. Ba mẹ con bà cứ tiếc mãi công dọn “kho” lại để làm chuồng phân. Bà thành thủ kho phân. Cũng chẳng có làm sao. Cốt nhất ai cũng nộp đầy đủ, cân kẹo đàng hoàng, ngô đỗ hợp tác sai quả, chắc hạt, bà con ăn nên làm ra, đời sống dư dật là anh Hiếu nhà bà nó cũng nở mày nở mặt. Con làm bí thư đảng uỷ, mẹ cứ là gương mẫu xung phong. Xung phong tiến quân vào khoa học kĩ thuật, xây hố xí hai ngăn đầu tiên. Xung phong nộp ngô đỗ đạt tiêu chuẩn loại nhất. Xung phong đầu tiên lăn xuống ao lấy bùn làm phân. Xung phong... như thế mà khi thằng Mai học xong lớp 10 lại phải ở nhà. Nó là thằng có chí, học giỏi, đỗ đạt cao. Nhưng “Dù sao, con em những người bị cách mạng xử lí cũng không được đi học đại học và đi làm bất cứ việc gì ngoài việc làm ruộng ở nông thôn”. Những năm sửa sai anh Hiếu là con bà, gọi chú Kiêm bằng bố. Bây giờ thành phần của anh ấy và tất cả mọi mối quan hệ giống như khi đã được tách thành phần trong cải cách. Anh gọi chú Kiêm bằng ông ấy. Duy có bà, anh vẫn gọi bằng mẹ. Anh không hề nói gì chuyện khó khăn của thằng Mai với bà. Anh là người quyết định cuối cùng số phận những người đi học, đi thoát li nhưng lúc mẹ hốt hoảng hỏi “vì sao” anh chỉ ậm ừ bảo:
- Chắc là do sức khoẻ hoặc có chuyện gì đấy, mẹ để tôi hỏi lại xem.
Anh ấy lại bận nhiều việc, không thấy nói lại với bà. Chắc là chưa hỏi được. Bà nghĩ thế. Nhưng chính con Huyền lại ôm lấy cổ bà lúc bà đang ngồi cạnh đống phân ở cửa miếu.
- Bà có buồn không hở bà?
Cháu bà (nói trộm vía cháu) nó tinh khôn như người lớn. Biết hết mọi chuyện lúc nào nói chuyện với cháu, bà cũng nói như với bạn bè, hoặc cố làm ra thế.
- Đang lúc làm ăn tiến tới, sao lại buồn?
- Cháu nói chuyện chú Mai cơ. Bà chưa biết đâu. Cháu biết rồi đấy. Chú Mai không được đi học. Giấy gọi “đại học” gửi về rồi nhưng bố cháu phải theo chỉ thị của huyện, không cho chú ấy đi.
Bà cũng có linh cảm thấy điều ấy khi anh Hiếu có vẻ tránh bà. Về nhà, bà thấy hai mắt thằng Mai đỏ hoe. Bà bảo:
- Mẹ độ này cũng yếu lắm rồi. Con ở nhà đỡ đần mẹ. Kèm cặp cho em nó học. Một vài năm nữa có đi đâu hãy đi.
Thằng Mai nổi cáu:
- Mạt kiếp cũng chả được đi đâu. Ai người ta tin mình mà đi với ở.
Mấy tháng sau người ta tuyển thanh niên xung phong đi làm đường. Bà phải tức tốc nói như van lạy Hiếu cho em đi. Tưởng khó khăn thế nào. Hoá ra lại đi cùng con giai lão Bạt và ba đứa học hết lớp bảy ở đội thuỷ lợi của hợp tác. Thằng Mai cũng cứ đi. Hơn hai năm sau, tức là cuối năm 1965 nó gửi thư về khoe đã được chuyển sang bộ đội và chuẩn bị “vào sâu” trong “B”. Bà mừng rỡ, gặp ai cũng khoe “Cháu nó được đi vào “B” rồi”. Anh Hiếu cũng phấn khởi. Ở cuộc họp nào nói về chiến thắng của quân dân miền Nam anh cũng bảo:
- Thằng em tôi hiện nay là chiến sĩ Quân giải phóng. Nghe nói đơn vị nó vừa được tuyên dương đơn vị anh hùng, đánh rất giỏi.
Thôi, thế là mừng, thằng Mai là chiến sĩ giải phóng, đánh nhau ở trong “B” không biết sống chết thế nào nhưng thằng em nó ở nhà, có “đi đâu” đã có thằng anh nó “đỡ” cho. Gia đình đi “B” người ta cũng ưu tiên.
Nhưng khi thằng em chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 10 thì thằng anh là kẻ phản bội Tổ quốc. Nó là tên chiêu hồi. Đài của địch nói là nó đã kêu gọi chiến hữu cùng tiểu đội, trung đội quay súng trở về với “chính nghĩa Quốc gia”.
Bà Đất không hề hay biết gì chuyện đó. Cán bộ trên huyện, trên tỉnh nghe đài, người ta lan truyền cho nhau đến tận những bà đi làm cỏ ở đồng Cuội cũng biết, cũng thì thầm. Tự nhiên bà lại thấy ai cũng lang lảng, tránh đi, mỗi khi trông thấy bà. Bất đắc dĩ có phải gặp mặt nhau hoặc vì công việc gì đấy thì cũng hỏi han cho có lệ, bàn bạc qua quýt, không thấy ai vồ vập, cười nói bả lả hoặc xẻ lấy miếng vỏ, quệt tí vôi như mọi khi. Bà lại thấy hoảng sợ. Trong mọi nỗi đau đớn, bà hoảng sợ nhất, đau đớn nhất là khi bị tách ra khỏi mọi người. Kể cả người thân lẫn người sơ đều không muốn “dính” đến bà, không cho bà nhập vào niềm vui, nỗi buồn, những đói no, sướng khổ của họ. Thật khốn khổ cho cái kiếp của bà. Sao bà lại sinh ra vào cái thời buổi lạ lùng. Thoắt cái cả làng, cả tổng xô lại ai cũng như xé ruột xé gan cho bà. Thoắt cái lại quay phắt mặt đi, nhất loạt lạnh lùng, nhất loạt xa lánh. Ai cũng phải đề phòng như bà là kẻ “nguy hiểm chết người”. Có chuyện gì thế hở trời đất? Chắc không phải do chuyện công tác của bà. Ai cũng bảo bà là cán bộ thủ kho phân mẫu mực. Ai đến cân bà cũng khiêng, xúc, vun quét quét tước hộ. Bà giữ gìn bảo vệ phân của công không hề rơi vãi một li. Vậy thì có chuyện gì đây. Bà cũng lên tìm hỏi mấy anh trong ban quản trị vẫn quý mến, tin cẩn bà. Không ai dám hé răng nói lại với bà cái chuyện liên quan đến bọn Mỹ – Nguỵ đang là tin mật không được phổ biến. Nhưng chính cái Huyền lại chạy vào ôm lấy bà khóc:
- Bà ơi, cháu thương bà lắm. Bà có biết chuyện chú Mai không?
- Làm sao, làm sao hở cháu ơi. Chú Mai...
- Chú ấy đi theo địch rồi. Lại cả lên đài của nó rủ quân giải phóng của mình về hàng nữa.
Thế là mọi chuyện dân làng đối với bà hai ngày nay bà biết cả rồi. Đêm hôm đó, đợi thật khuya bà mới dám đi tìm anh Hiếu. Anh buồn bã bảo bà:
- Thì đúng thế còn gì nữa. Người ta phổ biến, tôi ngồi, mặt dày như cái mặt mo ở trên huyện ấy.
- Giời ơi, sao anh không bảo mẹ một câu.
- Bảo để làm gì?
Biết anh ấy đang phải nén nỗi giận dỗi lại, bà gục mặt xuống như một kẻ tội phạm trước mặt con. Lại đau đớn. Lại tủi hổ. Nhưng bà không dám khóc. Không dám hé răng kêu than khóc lóc. Một lúc sau anh Hiếu lầm lầm đứng dậy đi dọn dẹp chỗ ngủ. Bà lủi thủi ra về. Con Huyền từ trong giường chạy vọt ra. Mặc cho bố nó quát, bà can, nó cứ vào ngủ với bà đêm nay. Đến giữa đường hai chân bà như không còn đủ sức bước. Bà ngồi sụp xuống. Đêm tối che giấu cho khuôn mặt hổ thẹn và tiếng khóc thầm vụng của bà. Con Huyền quay mặt vào bụi tre đứng lặng im chờ bà khóc. Rồi tự nhiên nước mắt nó cũng chảy ra. Nó lặng lẽ lấy vạt áo lau, không để cho bà biết, sợ bà lại khóc nhiều hơn. Nhưng khi bà nó kêu: “Ới Mai ơi, con có biết những lúc như thế này của mẹ không, con ơi...” Nó quay lại bảo bà nó:
- Bà còn gọi chú ấy làm gì. Nếu chú ấy thương đến bà chú ấy đã không làm thế.
Nghe cháu nói, bà quặn ruột lại. Nỗi đau của bà như là tăng lên gấp bội nhưng trước cháu bà như là bé bỏng, không dám khóc nữa. Hai bà cháu về đến nhà, thằng Sau đang đi tìm mẹ bên nhà bác Từ. Bác vẫn thức, biết em gái đã về nhà, ông cho thằng Sau về gọi mẹ sang. Nghe tin đồn cả mấy ngày, chập tối nay ông mới chính thức nghe thằng Hiếu nói. Ông thấy giận em gái. Nó không xui con nó làm cái việc khốn nạn ấy, nhưng ông vẫn tím mặt lại khi nhìn thấy em. Có lẽ vì nó đã đẻ ra thằng ấy. Mà sao nó lại phải cuống quýt cho thằng con đi “xung phong”. Để bây giờ ông cũng mang tiếng là bác nó. Em gái chào, ông không trả lời, cũng không bảo ngồi. Phải lâu lắm mới nén được cơn giận, ông hỏi như quan toà.
- Tại sao ngày ấy cô phải đùng đùng cho nó đi?
- Em chỉ nghĩ bao nhiêu bạn bè nó được đi đây đi đó. Để cháu ở nhà tủi thân nó. Thôi thì không được bộ đội cháu nó được là thanh niên xung phong.
- Dễ thường chỉ một mình cô lo cho con cô hả?
Ông dừng lại như để bà Đất phải tự hiểu là các bác có bao giờ bỏ rơi mẹ con nhà cô. “Một giọt máu đào”...
- Chính hiểu được tấm lòng của các anh nên không bao giờ em dám làm điều gì trái ý các bác. Phải im lặng thật lâu, ông Từ mới lại nói ra cái điều hệ trọng mà không bao giờ ông đem bàn bạc với đàn bà. Dù việc của cô, nhưng cô là đàn bà tôi cũng không bàn. Ông lại hỏi:
- Cô có biết ngày ấy tôi đã định như thế nào không?
Tất nhiên là em gái không biết. Ông hỏi cốt để cho em phải hiểu được cái dự định sâu xa của ông, chứ không phải để cho em trả lời. Ông tiếp:
- Tôi bàn với thằng Hiếu rồi. Nó bận không đi được thì tôi đi. Tôi xuống tỉnh gặp bác Văn Yến xin bác ấy nói xuống huyện mình để thay đổi cái lí lịch cho bọn trẻ khỏi tội chúng nó.
- Em cứ nghĩ sửa sai cho nhà em, cả tỉnh cả huyện về làm lễ truy điệu rồi.
- Đúng là đàn bà các cô chỉ nghĩ nông nổi, vặt vãnh. Người ta sửa sai là hạ thành phần, giả nhà cho cô, dù nó chỉ còn cái khung. Cô không là giai cấp bóc lột, chồng cô không là phản động, được khôi phục đảng tịch. Nhưng ai sửa sai cho chú ấy sống lại. Không sống lại được, tức là vẫn ấm ức với cái án tử hình chứ gì? Gia đình cô là gia đình cách mạng. Nhưng các con cô sau này ai dám bảo nó không còn uất ức với cái chết của bố nó. Cho nên nó vừa xuất thân của một gia đình cách mạng nhưng nó lại là phần tử có thù oán với cách mạng, buộc người ta phải phòng xa, không được để nó đi đâu, không diệt từ mầm mống của nó, sau này nó phá ra, có giời mà giữ. Bây giờ cô đã thấy nhỡn tiền thằng con cô chưa?
- Em nghĩ là cháu nó dát quá. Bằng cái sào xông rồi, tối tăm đi học tổ, học nhóm vẫn phải thằng em đưa đi. Nó không phải vì oán giận gì mà theo địch đâu.
- Có nghĩ là người ta đổ oan cho con nhà cô. Cái gì nó cũng có nguồn gốc sâu xa cả.
- Em chỉ nói, cháu nó có thể lầm lạc nhưng không phải vì nó oán thù cách mạng. Bác nói vậy sao con nhà Bạt có giấy tư về xã nó là dũng sĩ?
- Cái đó cũng chưa chắc. Huyện các anh ấy bảo uỷ ban xã cứ giữ đấy để người ta còn điều tra lại xem sao đã.
- Thế thì bác cũng nhờ trên huyện người ta điều tra lại chuyện thằng cháu hộ em.
Đúng là chuyện đàn bà. Ông nghĩ bụng rồi lừ lừ đứng dậy, lừ lừ quay đi, để lại sự xót xa âm thầm của cô em gái nỗi đau ngỡ ngàng trên khuôn mặt non nới của thằng cháu 17 tuổi. Những dòng nước mắt mặn chát và tiếng khóc của nó cố ghìm lại. Cho đến tận sáng, lúc mẹ và cháu gái đã luộc xong khoai giục nó dậy ăn rồi đi học, nó buông một câu gọn lỏn như chém ngang niềm hi vọng cuối cùng của mẹ nó.
- Con bỏ.
Chuyện Làng Cuội Chuyện Làng Cuội - Lê Lựu Chuyện Làng Cuội