Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự.

Dr Porsche

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 674 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
âu chuyện mà tôi sắp kể cho các bạn nghe sau đây xảy ra lâu lắm rồi các bạn ạ! Xảy ra vào những năm đầu tiên tôi làm quen với các phương trình hoá học. Bao nhiêu năm qua đi tôi vẫn không quên được phương trình ngày hôm đó. Dù bây giờ tôi đã viết không biết bao nhiêu phương trình phức tạp, nhưng cái phương trình đơn giản ngày nào vẫn in sâu trong tiềm thức của tôi, và cứ mỗi khi có dịp, nó lại làm sống dậy kí ức tôi, khiến tôi ngỡ như vừa mới hôm qua.
Quê hương tôi vẫn mặn mòi muối biển, cánh đồng làng tôi vẫn có độ phèn cao. Cái phương trình phản ứng cho ra sản phẩm muối và nước ngày nào làm sao phai nhạt trong tôi.
Sáng hôm ấy, tôi đến trường nhưng trong đầu chẳng có một chữ gì của bài học tuần qua, vì suốt đêm qua tôi phải thức để dỗ dành em bé Thuý. Con bé bình thường dễ thương là thế nhưng mỗi khi đau ốm lại khó chịu vô cùng. Nó khóc rả rích từ chập tối đến khoảng hai giờ mới chịu ngủ yên. Tôi ngã lưng xuống giường cho đỡ mệt một chút rồi sẽ học bài. Giấc ngủ đến tự bao giờ tôi cũng không hay, nếu không có tiếng dép cồm cộp của ba từ nhà ngoài, tôi cũng không biết mình sẽ ngủ đến bao giờ nữa! Choàng dậy, tôi hoảng hốt vì đã quá năm giờ sáng. Trời ơi, tôi còn bao nhiêu công việc! Tôi hối hả thu dọn nhà cửa, nhóm bếp khuấy bột cho bé Thuý mà lòng dạ rối bời. Tiếng ba êm đềm phía sau tôi:
-Con để đó cho ba, chuẩn bị đi học đi, con!
Tôi quay lại nhìn ba. Suốt đêm chắc ba cũng đâu ngủ được, mặc dù tôi dành phần dỗ em bé Thuý. Từ ngày mẹ tôi bệnh nặng qua đời, ba dành cả tình thương cho hai chị em tôi. Tôi muốn nói với ba: “Ba ơi, con có thuộc bài đau mà đi học… ba ơi!”. Chưa kịp thôùt ra lời tôi đã vội vàng im bặt. Ba sẽ buồn biết bao nhiêu khi nhge tôi nói câu nói ấy.
Tôi lên bàn, mở cuốn tập hoá để ra trước mắt. Bài học hôm nay chỉ toàn phương trình phản ứng. Tôi cố tập trung vào học, nhưng… không kịp nữa rồi! Chiếc kim đồng hồ quái ác cứ như lợi dụng lúc này để chạy nhanh hơn. Làm sao bây giờ? Một ý nghĩ chợt đến với tôi, và… không hề suy xét, tôi vội vã ghi vào lòng bàn tay mình những phương trình hoá học.
Tiếng chuông vào lớp vừa vang lên cũng là lúc tôi đến trước cổng trường. Mới sáng sớm mà mồ hôi tôi vã ra ước đẫm cả áo.
Vào lớp, tôi chưa kịp xua tan cơn mệt mỏi, đã nghe cô gọi lên đọc bài. Cố giữ vẻ bình tĩnh, tôi cầm phấn đến bên bảng đen. Những phương trình hoá học dần dần hiện ra trên bảng, thẳng đều tăm tắp. Phương trình cuối cùng sắp hoàn thành bỗng… cô đến bên tôi, bàn tay cô nắm lấy tay tôi… Tôi run run xoè bàn tay tội lỗi. Những ký hiệu hoá học chi chít trong tay tôi, bằng chứng hùng hồn nhất để tôi lãnh con số không to tướng, nhận cái tội gian dối thầy cô. Trong một giây tôi nghĩ, cô sẽ dưa bàn tay tôi cho cả lớp cùng nhìn. Tôi đấy một con bé lười biếng, gian dối… Ôi, tôi hình dung những ánh mắt khinh miệt của bạn bè. Và bất chợt tôi nhớ đến ba… Ba ơi, con gái của ba đã không giữ đúng lời ba dạy. Tôi nghĩ đến mẹ, người mẹ suốt đời tần tảo vì chị em tôi, người mà tôi yêu quý nhất. Mẹ ơi, mẹ có hiểu cho con không hở mẹ? Con đã làm cho mẹ buồn rồi… Bao nhiêu ý nghĩ dường như chợt dến trong cùng một lúc. Tôi cắn môi, cúi nhìn xuống đất để tránh ánh mắt cô. Thật bất ngờ, cô khe khẽ buông cánh tay tôi và trở lại bàn. Còn tôi, dù bất ngờ trước hành động của cô, tôi vẫn nghĩ rằng không bao giờ cô tha lỗi cho tôi. Tại sao cô không cảnh cáo tôi ngay lúc này? Chắc cô chờ tôi viết xong tất cả. Tôi nghĩ thế và cứ cúi nhìn xuống đất lặng im, viên phấn trong tay tôi nát vụn, từng hạt bụi bé xíu lả tả rơi... Tôi cảm thấy mắt mình cay cay, đau xốn...
-Em viết tiếp phương trình đi, sản phẩm tạo thành là muối và nước.
Tôi nặng nhọc viết nốt kí hiệu H2O lên bảng. Tôi đến bên cô, run run đưa tay nhận tập, vẫn bàn tay chứa đầy tội lỗi. Tôi không dám nhìn cô, nhưng tôi biết ánh mắt cô đang chú ý nhìn tôi. Tôi trở về chỗ ngồi, Phượng Linh nói khẽ:
-Sướng nhé, điểm mười rồi!
Mặt tôi nóng bừng lên, như muống boong cả lớp da bên ngoài.
-Tuần sau Hà lại lên đọc bài nhé, hôm nay cô không ghi điểm!
Cả lớp ngạc nhiên khi nghe cô nói. Tiếng bàn tán nho nhỏ khiến cả lớp ồn ào hẳn lên.
-Sao kỳ thế? Hà viết đúng cả mà!
Linh nhìn tôi ái ngại. Các bạn ai cũng ngạc nhên trước lời tuyên bố của cô. Thì đấy, hàng loạt phương trình vẫn còn trên bảng không sai một li, nhưng các bạn ơi, các bạn đừng ái ngại cho Hà nhé, các bạn xa lánh Hà đi, Hà không còn là Hà nữa rồi! Tôi muốn nói lên, muốn chạy lên trước lớp cho các bạn thấy rõ nguyên nhân, nhưng tôi vẫn ngồi im cố dằn tiếng khóc.
Lớp học vẫn còn ồn, cô khẽ nhắc chúng tôi giữ trật tự. Và, như chẳng có gì xảy ra, cô bắt đầu dạy bài mới.
Giờ học trôi qua, tôi chưa một lần dám nhìn thẳng vào mắt cô. Tôi cúi xuống nhìn mặt bàn, vô cùng xấu hổ! Tiếng chuông báo giờ vang lên, cô bước ra khỏi lớp. Các bạn vây quanh tôi, nhao nhao phản đối hành động của cô. Bây giờ, chỉ duy nhất một mình tôi hiểu vì sao cô không ghi điểm cho tôi. Còn các bạn, các bạn đang nghĩ gì về cô? Tôi không đủ can đảm nói ra sự thật. Tôi xấu xa quá, hèn đớn quá các bạn ơi! Các bạn đang trách cô, nhưng các bạn có biết đâu chính tôi mới là kẻ ngàn lần đáng trách!
Buổi học chấm dứt, tôi nấn ná ở lại cố tình về sau các bạn. Sân trường chỉ còn lác đác một vài học sinh, tôi thẩn thờ bước đi chầm chậm. Những cánh lim chơi vơi giữa khoảng không rồi vô tình bám lên tóc tôi, vàng lấp lánh. Mọi bữa, thế nào tôi cũng đón bắt những cánh lim chưa kịp rơi xuống đất để ép vào trang sách, thế nào tôi cũng tung tăng chạy theo con chuồn chuồn đang bay vờn trước mắt. Bây giờ, tôi không còn lòng nào để hái hoa, bắt bướm. Tôi muốn tìm gặp cô, xin cô tha lỗi.
Cô từ phòng giáo viên đi ra, tà áo dài vấn vương trong gió. Nhìn thấy cô, tôi như đứng chôn chân một chỗ. Không, nhất định cô không thể nào tha thứ cho tôi đâu. Nếu đến xin lỗi cô, chắc chắn cô sẽ ném cho tôi cái nhìn khinh miệt, nhưng sao cô lại im lặng thế? Sao cô không tuyên án tôi trước lớp? Cô đi xa rồi, tôi vẫn đứng im bất động. Nắng trưa làm rực rỡ hơn thảm lim vàng trải dưới chân tôi. Một tiếng chim trên cành làm khoảng không như vỡ ra, cái cảm giác buồn man mác len nhẹ trong tôi.
o O o
Một ngày… hai ngày… trôi qua, tôi sống trong tâm trạng hồi hộp, lo âu ray rứt… Tôi chờ đợi ngày thứ sáu, chờ đợi giờ sinh hoạt lớp để nghe cô kết tội, thời gian đối với tôi bây giờ lại chậm chạp vô cùng. Nhưng rồi hôm nay, cái ngày tôi chờ đợi đã đến với tôi. Tôi chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để lên trước lớp nhận lỗi. Lại một bất ngờ nữa đến với tôi, trong suốt giờ sinh hoạt cô vẫn không nói gì đến chuyện xảy ra hôm ấy. Tôi sợ sự im lặng của cô. Tôi cầu mong cô nói ra, dù cho sau những lời cô nói, các bạn nhìn tôi bằng ánh mắt khác, lạ lẫm hơn, nhưng tôi vẫn cầu mong cô nói. Gần một tuần nay, tôi đã phải sống khổ sở với sự cắn rứt của lương tâm, với sự giày vò của lòng hối hận. Cô ơi, cô đã giữ tròn danh dự của em trong khi tự em đánh mất. Cô chịu nhận những lời trách của học sinh để trước mắt các bạn em vẫn là em. Cô cao thượng quá, cô đáng kính biết bao! Vậy mà… vậy mà em lại dối trá cô, em … em khổ lắm, cô ơi!
Suốt ngày thứ sáu, tôi không có lấy một giờ phút thanh thản tâm hồn. Chiều tối, một quyết định mới đến với tôi. Tôi xin phép ba, dẫn bé Thúy đến nhà cô.
Cô sống một mình trong căn nhà nhỏ cuối làng tôi. Tôi nghe nói nhà cô ở tận thành phố, sau khi ra trường cô tình nguyện về đây, một vùng đất Gò Công phèn chua nước mặn. Cô nhiều lần kể cho chúng tôi nghe về cô, về những năm tháng học trò tươi đẹp. Cô nói rằng, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường cô đã ước mơ trở thành cô giáo. Ngày ấy, cô yêu môn sử lắm. Cô mơ ước mai đây trở thành giáo viên, cô sẽ kể cho các em nghe về những anh hùng dân tộc, những con người đã hy sinh cho thế hệ ngày nay. Cô sẽ kể cho các em nghe về vị anh hùng Trương Định. Cô hy vọng tất cả đàn em của cô đều hình dung được xứ sở Gò Công như cô từng nghĩ đến. Ngày ấy, nào cô có biết Gò Công! Cô chỉ biết ở đó có một khu rừng nước mặn mà ngày xưa Trương Định đã hy sinh. Ở đó, người cha muôn vàn kính yêu của cô đã vĩnh viễn nằm xuống trước ngày Sài Gòn giải phóng. Ở đó, có dòng sông Vàm Cỏ Tây mênh mông, có dòng Tiền Giang hiền hoà trôi chảy, ở đó có tiếng sóng biển rì rầm hát ru triền miên… Biết bao khát khao cô hướng về nơi đó.
Giã từ trường Cao đẳng Sư phạm, cô không là giáo viên dạy sử như mơ ước thưở học trò mà trở thành một giáo viên lý hoá. Cô tình nguyện về đây, về vùng đất có độ mặn, độ chua tương đối cao này. Cô kể cho chúng tôi biết rằng, có rất nhiều lần cô vào rừng Gia Thuận, cô muốn chính mình đứng ở nơi đó để hình dung tư thế hy sinh của ba cô ngày nào. Có lần, cô cho chúng tôi đọc cảthư cô viết gởi về cho mẹ, bây giờ tôi vẫn như còn nhớ:
“ Mẹ kính yêu!
Hôm nay con đã đến với ba, đến với các em thơ ngoan hiền, dễ thương dễ mến. Con đã kể cho các em nghe về ba, mẹ ạ!…”
… Chiều nay tôi đến nhà cô. Vừa bước chân vào cửa tôi đã nghe tiếng cô vui vẻ:
-Hà đến phải không? Vào đây đi em, có cả Thuý nữa à? Nào, Thuý lại hát cho cô nghe xem nào!
Tôi luống cuống chào cô và vụng về ngồi xuống ghế. Con bé Thuý sà vào lòng cô nũng nịu. Cô hỏi tôi:
-Ba em vẫn khoẻ phải không Hà? Mấy hôm nay trời trở gió cô lo cho sức khoẻ của ba em lắm. Cô định dến thăm bác, nhưng em xem công việc cứ lu bu thế này.
Cô ngừng một chút rồi nói, giọng xót xa:
-Chiến tranh đi qua đã nhiều năm rồi, nhưng dấu vết của nó vẫn còn đọng lại. Vết thương của ba em nhói đau mỗi lúc trời trở gió như nhắc nhở em, nhắc nhở cô, nhắc nhở tất cả chúng ta phải sống xứng đáng với lớp cha ôngđi trước.
Cô vụt im bặt. tôi biết là cô đang nghĩ tới ba cô. Không dằn lòng được nữa, tôi bật khóc nức nở:
-Cô, cô ơi! Em có lỗi với cô!
Cô đến bên tôi, bàn tay cô nhẹ vuốt tóc tôi, một cảm giác êm đềm dâng kín trong tôi. Tiếng cô thật nhẹ:
-Hà, cô tin rằng em sẽ nói câu đó! Cô chờ đợi em nói ra câu đó. Cô rất vui khi thấy em nhận biết lỗi của mình. Em đừng khóc nữa, ở tuổi em mắc phải sai lầm cũng là chuyện thường tình, điều cốt yếu là từ sai lầm đó em phải biết vươn mình lên và đừng bao giờ dẫm phải nó lần thứ hai. Mấy hôm nay cô im lặng là cô muốn để tự em kiểm thảo lại mình, tự em nhận thấy lỗi lầm, có như thế, cô tin rằng không bao giờ em mắc phải lần thứ hai.
Tôi ngẩng lên nhìn cô, từ một tuần nay đây là lần đầu tiên tôi dám nhìn vào mắt cô. Con bé Thúy ngoan ngoãn ngồi trong lòng cô, hai bàn tay nhỏ xíu xinh xinh của nó cứ mân mê cánh hoa trên vạt áo cô. Cô vẫn tiếp tục nói với tôi, giọng cô trở nên sôi nổi:
-Hà ạ, mỗi một con người chúng ta cần phải tự rèn luyện mình. Phải biết sống có ý nghĩa. Có như thế, những người như ba em, như ba cô mới không thấy nuối tiếc sự hy sinh của mình. Và chúng ta có thể tự hào rằng mình không phụ lòng ba, không phụ lòng thế hệ đi trước, phải không em?
Tôi nghe như uống lấy từng lời của cô. Ngoài kia, vầng trăng mười sáu lên cao rắc vàng lóng lánh. Ánh trăng bàng bạc xuyên qua kẽ lá, nhảy múa rung rinh trên khắp các cành cây. Gió nhẹ thổi, đêm yên tĩnh quá. tôi nghe trong lòng mình dạt dào sóng vỗ. Tôi nghĩ đến ba, đến vết thương đã hành hạ ba suốt mấy năm nay. Tôi nghĩ đến mẹ, tôi nghĩ đến ba của cô, tôi như thấy trước mắt mình tư thế hy sinh anh dũng của người. Ba cô đã vĩnh viễn nằm lại quê tôi, để hôm nay chúng tôi vui bước tới trường. Cuộc sống vẫn còn lắm khó khăn, nhưng chúng tôi không còn phải chịu cái nhục mất nước. Chúng tôi có trường lớp, có thầy cô tận tình dìu dắt…
Biển cả ơi! Hãy tung muôn ngàn cánh sóng giữa lòng tôi! Cô ơi, không bao giờ em lại làm như thế nữa đâu! …
Gió vẫn thổi, ánh trăng vẫn sáng mênh mông. tôi thấy tâm hồn mình thanh thản lạ.
Chuyện Khó Quên Chuyện Khó Quên - Sưu Tầm