Being deeply loved by someone gives you strength, while loving someone deeply gives you courage.

Lao Tzu

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 800 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ười hai lần tôi mơ thấy nàng bay vào bầu trời. Mười hai lần sau giấc ngủ tôi nhẩm lại bài thơ nàng gửi tặng tôi trong mơ:
"Em tìm về cố hương
Những đám mây kết võng đón em
Mẹ sẽ thôi buồn con mười hai bến nước
Dòng sông ơi, xin chạy ngược
Ta muốn cùng anh qua bờ bên kia..."
Tôi đem câu chuyện này kể với ông giáo kiêm nhà chiêm tinh giảng đường và nhờ ông giải mộng. Bóp trán suy nghĩ một lúc, ông phán:
- Hỏng rồi con ơi!
- Sao thầy? - Tôi sửng sốt.
- Thành công chỉ đến với con khi có cô gái này bên cạnh. Con thì không thích vướng bận vào đàn bà. Mục đích tham vọng của con ta biết con không bao giờ chia sẻ với ai.
Lời ông giáo tôi nghe cũng vui vui. Rồi tôi quên bẵng ông cũng như quên giấc mơ mười hai lần trùng lặp.
Buổi chiều hôm đó tôi đến gặp nàng. Lòng tôi trĩu nặng. Nàng ngồi bên băng một mình, thấy tôi, nàng nói một cách thờ ơ:
- Cuốn băng nhạc cổ điển mà anh thích Vân cho đứa bạn mượn rồi. Thôi Quang nghe cái này nhé. Vân tin rằng quang không chán.
Tôi gật đầu đồng ý. Nàng bấm máy cátxét. Sau khúc dạo đầu, một giọng nói ấm áp phát ra. Cảm giác bình an tràn ngập khắp căn phòng từ cuốn băng đã cũ và hỏng khá nhiều chỗ. Nội dung không nghe được rõ lắm. Tuy vậy sức truyền cảm lạ lùng ở giọng người phát ngôn có khả năng lay động lòng tôi.
Hình như Vân cũng chìm trong một trạng thái tương tự.
Khoảng khắc ấy cũng qua đi, cuốn băng bị xoá quá nhiều. Tôi không hiểu nhìn Vân dò hỏi, nàng giải thích tôi rõ đấy là bài thuyết pháp của một nhà sư. Tôi hơi ngỡ ngàng. Vân không nói gì thêm, tôi chào nàng ra về.
Bóng tối loang dài các phố. Một nỗi buồn nao dạ ập đến cấu xé tâm hồn tôi. Lặng lẽ tiễn tôi qua quãng đường dài. Vân nghĩ gì tôi không rõ. Chỉ đôi mắt trắc ẩn của nàng cứ làm tôi day dứt.
Cuộc chia ly đã được báo trước. Tôi ra đi, mang tâm trạng của thằng sinh viên không bao giờ tốt nghiệp. Tôi buồn, không phải vì bạn bè cười tôi quá cuồng vọng, mà bởi ở chính thái độ dửng dưng của nàng.
Bữa tiệc liên hoan mất quá nhiều nước mắt. Vân không đến. Tôi không biết tâm trạng nàng thế nào? Tuy luôn bên nhau nhưng nàng mãi mãi là một người xa lạ.
Hoà nói với tôi:
- Vân gửi thư chia tay bọn mình. Nàng đi đâu không rõ. Ðồ đạc vẫn còn để nguyên lại.
Rồi Hoà bâng quơ:
Vân như sống sau một lớp sương mù.
Thật ra tôi biết Vân lên thành phố cố quên mình là đứa bé nghèo có gia đình cũng như không. Vân gồng mình sống với mọi người. Ðó là điều ai cũng biết. Vân cũng hiểu. Riêng mọi bi kịch nàng đã trải thì không ai thấu đáo. Tôi gặp Vân nàng đã trải thì không ai thấu đáo. Tôi gặp Vân quá muộn. Tôi ra đi vào cái lúc Vân cần sự chở che của một người bạn khác phái. Vân đang sống trong khó khăn, thiếu thốn mối đồng cảm. Ðiều làm tôi đau lòng là Vân hiểu tôi. Những khát vọng nghiên cứu, sáng tạo, mong muốn dấn thân, thử nghiệm sống, trạng thái bão hoà cảm xúc giữa tháng ngày đơn điệu. Vân đọc thấu nỗi lòng tôi, Vân thương tôi vì tôi cô độc quá. Còn tôi lại không muốn dắt díu Vân đi suốt cuộc đời.
Hà Nội mùa xuân vẫn còn giữ trong lòng cái lạnh cắt da cắt thịt. Gần hai mươi năm, mọi vật mờ nét dần. Khuôn mặt nàng cũng nhoà nhạt trong tôi. Giờ đây tôi đang tồn tại giữa Hà Nội như lời khẳng định của Vân. Mặc dù trước kia tôi cho một mình đi không bao giờ trở lại.
Gần hai mươi năm, tơi tả trên gai góc cuộc đời. Bạn bè còn đó với những đổi thay. Gánh nặng gia đình hai vai, tôi không còn hơi sức mà đàn đúm với chúng nó như xưa.
Cô bé ấy xuất hiện như để gợi lại một nỗi buồn riêng.
Sau khi bị buộc thôi dạy, nhà trường chuyển tôi làm chân bảo vệ, suốt ngày ngồi chơi xơi nước ở phòng thường trực. Thấy tôi vô tích sự, Thuỷ nhí nhảnh:
"Người đã ngồi ở đó
Trong căn nhà thật buồn
Ðốt trên đầu điếu thuốc
Những tháng ngày buồn nôn...."
Không cần chú ý đến niềm u uẩn trên mặt tôi, cô bé cứ liếng thoắng:
- Chú Quang ơi! Cháu đi mua rượu cho chú nghen. Vừa nói Thuỷ vừa cầm cái vỏ chai và lục ngăn kéo lấy mấy trăm tiền lẻ rồi chạy vù ra quán.
Bao giờ trở về cô bé cũng rót sẵn rượu vào ly cho tôi và hồn nhiên:
"Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly uống cạn tình sầu...".
Chẳng cần biết tôi có khó chịu hay không cô bé cứ mặc nhiên tung tẩy.
Ngoài giờ lên lớp cô bé cứ chạy loăng quăng ở phòng thường trực suốt ngày. Nhiều khi tôi có cảm giác đã gặp Thuỷ đi mua rượu. Cô bé một lần nói với tôi:
- Buổi tối đã buồn mà chú lại ngồi uống rượu một mình cháu thấy thảm thảm làm sao ấy!
Biết nói thế nào với cô bé. Tôi phải vỗ giấc ngủ bằng rượu. Có thức cũng chẳng biết làm gì.
Mấy thằng bạn làm ăn ngày càng thành đạt. Chiều chiều chúng phóng xe hơi về tụ tập chỗ tôi bàn công chuyện, hẹn hò bồ bịch. Ðứa nào cũng quý Thuỷ như tôi.
Một lần Hoà hỏi Thuỷ:
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
Cô bé lắc đầu.
- Thế bố mẹ cháu làm gì?- Hoà quan tâm.
- Không biết - Thuỷ đáp - Cháu sinh ra từ nước và sẽ trở về với nước.
Tôi giật mình.
"Em sinh ra từ mây và sẽ trở về với mây!"
Hai mươi năm trước Vân đã nói với tôi như vậy. Ngày ấy nàng hai mươi tuổi. Nàng biến khỏi đời tôi dần dần như đã đến. Từng mảnh hai mươi năm trước cứ đồng hiện, nhập nhoà....
"Vân thích nghề sư phạm chứ?" - Tôi hỏi.
Nàng không trả lời thẳng:
- "Anh thích ngành kiến trúc?".
- "Tất nhiên!" - Tôi cười.
- "Em chỉ muốn trở thành nhà văn. Khai thác mọi khía cạnh trong cuộc sống mà viết" - Giọng Vân xa vắng.
Nụ cười của tôi tắt ngấm khi nét mặt đăm chiêu vắt ngang vầng trán của nàng.
Tôi không hiểu sao nàng chơi thân với đám bạn tôi đến thế! Là người sống bằng những linh cảm, nàng khó hiểu với cánh sinh viên sư phạm. Thế nhưng đêm đêm nàng lại nhập bọn với chúng tôi, lang thang mọi nẻo đường, xó xỉnh phố phường.
Vân ví cả nhóm là lũ đười ươi. Chuỗi ngày sinh viên: Hôm qua mông lung; hiện tại vô sự, trống rỗng; tương lai mơ hồ. Cả bọn co cụm lại phá phách, sống không khác người mộng du bao nhiêu. Hễ chúng tôi hát thì Vân cũng hát, các ca khúc không đầu không cuối. Rồi Vân múa may, tung chưởng, đọc thơ, đá bóng loạn xà ngầu như một thằng con trai. Vân đánh đấm, xô đẩy với Hoà, Anh... đám thanh niên không chút ngượng ngùng. Khi tách riêng với tôi, nàng lại nói đến cát bụi, kiếp sống phù du, bèo bọt, cảnh tù túng, nỗi tuyệt vọng về bản thân và niềm vui nếu được chết.
Hoà phản đối ầm ĩ tình yêu của tôi dành cho Vân. Theo Hoà, Vân quá ngổ ngáo, không chút nữ tính. Với tôi thì Vân quá đỗi dịu dàng.
Ðến một ngày Hoà nhìn Vân buồn buồn. Tôi hỏi. Nó kể cho tôi nghe điều nó đọc được trên bàn viết của Vân.
Một nàng Vân khác hiện ra trước mắt Hoà. Thì ra Vân tham gia các cuộc chơi để thử thách mình, để củng cố đức tin về bạn bè. Ðể biết mình có thể sống theo một số ý muốn người khác mà không đánh mất mình. Cũng chỉ trong những đêm lang thang, Vân mới quan sát phố phường kỹ lưỡng. Mới nhận ra được rõ ràng bên cạnh những biệt thự lộng lẫy nguy nga là các dãy nhà, lều vá víu, ọp ẹp. Dân cửu vạn làm thuê và đám bụi đời, du đãng lăn lóc khắp vỉa hè. Vân cũng hiểu hơn những trăn trở cùng nỗi đau khuất lấp của bạn bè. Tự Vân cũng phát hiện con người trái của minh: Vừa đức hạnh, vừa nổi loạn, vừa tỉnh táo, vừa cuồng điên, vừa tự tin vừa bi quan vừa vị tha vừa bất cần vừa từng trải vừa ngây thơ....
Hoà cho Vân có lý khi viết: "Khó nghèo câu thúc mọi cuộc vui....". "Ðã đến lúc ta phải rời cuộc chơi vô bổ...".
Vân trở về với đúng con người nàng: Khép kín, thờ ơ, tách biệt với xung quanh. Nhóm tôi tan vỡ dần sao đó. Hoà, Anh bỏ đi chạy "sô" kiếm tiền. Tôi lao vào học, đầu óc đầy những ước mơ và hoài bão không tưởng. Nàng tiên đoán được sự thất cơ của tôi, nàng nhận ra những khoảng trống bất trắc trên lộ trình mà tôi đang dấn thân đơn độc. Không muốn tôi ra đi nhưng nàng không níu giữ. Nàng thừa hiểu tôi sẵn sàng từ khước tình yêu để đuổi theo hư danh? Hay nàng biết chúng tôi thuộc về hai thế giới khác nhau, khó mà song hành trong đường đời?
Mấy năm du học, tôi nắm vững lý thuyết kiến thức những vila trên mây, thành phố trên mặt biển. Về nước, tôi vỡ lẽ ra rằng kiến thức của mình có khả năng áp dụng trong nền kiến trúc Việt Nam vào những năm ba nghìn. Chạy chọt mãi tôi cũng được nhận vào làm giảng viên ở trường kỹ thuật nọ. Một thời gian tôi bị sa thải mà chính tôi cũng không rõ lý do. Tôi rất buồn phiền. Nhất là khi nghe vợ và con cái cứ cằn nhằn tôi là "ông thờ chữ". Một phần vì thói quen đọc sách đến thành nghiện của mình.
Thuỷ nói:
- Không hiểu sao nhìn thấy chú, cháu cứ nghĩ đến các nhân vật của Samuel Betkett(1)
Hễ thấy tôi ngồi ưu tư là cô bé tinh nghịch:
- Chú Quang ơi! "Trong khi chờ Go Dot"(2), chú hãy.... - Bao giờ cũng có một việc ngộ nghĩnh nào đó mà cô bé nghĩ ra.
Hoà bảo tôi:
- Mình hiểu vì sao ông quý cái Thuỷ, nó giống Vân.
Thì ra vậy, lúc nào tôi cũng ngờ ngợ mình gặp Thuỷ ở đâu.
Nghe Hoà nói, tôi nhận ra Thuỷ là phiên bản cuộc đời Vân.
- Thuỷ quá vô tư, làm sao giống Vân được?
- Ngược lại về hai mươi năm, ông sẽ không cho như vậy - Hoà đáp.
Tôi nhớ gã đàn ông - bố của Hoàng Hoa cùng phòng Thuỷ. Hắn vẫn thường đến thăm con gái. Gương mặt đĩ thoã của hắn rất đáng ghét, khi thấy mấy cô nữ sinh đáng tuổi con mình gã cứ nhìn hau háu.
Thuỷ thường pha cà phê giúp chúng tôi. Có lần Hoà khen Thuỷ - Hoàng Hoa kể:
- Bố cháu bảo chị Thuỷ là thiên thần. Thiên thần bị đoạ đầy.
Nhiều lần đến mười một giờ đêm, có chuông báo nghỉ, mọi người về phòng cả, Thuỷ vẫn ngồi nán lại dù chẳng có việc gì.
Tôi giục Thuỷ đi ngủ kẻo không tốt cho sức khoẻ, Thuỷ rùng mình:
- Cháu sợ phải đối diện với bóng mình, sợ bốn bức tường, sợ chiếu chăn nhàu nát lắm....
Tôi chú ý đến Thuỷ nhiều hơn và thấy Thuỷ quá lạc lõng trong khu nhà này. Không ý thức mình là một người đã trưởng thành, cần phải hoà nhập, quan hệ mật thiết với mọi người; hay Thuỷ lại cho rằng không có mình thì thiên hạ vẫn thế, chẳng có gì thay đổi?
Thuỷ làm sao sống được giữa đô thị phồn hoa? Cô bé quá đơn bạc. Cảm giác buồn nôn trước cuộc sống lại nằm sau trong vô thức của Thuỷ. Tuy không bao giờ nói ra điều đó nhưng tôi biết Thuỷ tởm lợm trước các bữa tiệc thừa mứa mà đám bạn tôi thường say sưa bù khú. Thuỷ từ chối thẳng thừng những lời mời mọc đánh chén của chúng tôi.
Anh hỏi Thuỷ:
- Cháu chê à! Sao không lần nào cháu ăn dù bọn chú tha thiết mời?
- Cháu không thích - Thuỷ đáp.
- Thế cháu thích ăn gì? Làm sao cháu sống nổi - Tôi hỏi tiếp.
- Cháu quang hợp mà sống - Thuỷ cười phá lên.
- Cháu cứ thế này chú đâm xót xa lo lắng dùm. Bọn chú, nếu không có những cuộc nhậu nhẹt vui say cùng bạn bè chắc tự sát vì chán lâu rồi. - Tôi bộc bạch với Thuỷ.
- Cháu cũng đã một lần tự sát nhưng chết không dễ đâu chú ơi - Thuỷ cứ nói chơi chơi nhưng tôi biết cô bé không đùa.
Tôi gieo mình xuống ghế như nghe thấy lời Vân:
"Em đã một lần tự trầm trong ý thức dị đoan rằng nước sẽ cuốn hình hài mình ra biển. Rồi sóng sẽ mang sang một xứ sở không có bến bờ. Em nghĩ chết là để giải thoát, linh hồn sẽ được về miền cực lạc.
Thuỷ thở ra với tôi:
- ấy là khi gia đình cháu bị phá sản. Ba cháu đi tù, các anh chị bỏ nhà đi hoang, má cháu mang bệnh. Cháu tuyệt vọng và mong kết thúc mọi khổ đau. Cháu được cứu sống như là định mệnh quyết định mình chưa được kết thúc cuộc đời lúc đó. Vì sao như thế cháu cũng chịu, không thể hiểu.
Trong ngôi trường thật buồn, bao ngày đã trôi qua chầm chậm. Ngày nào cũng na ná như nhau. Một thời gian sau tôi chán, nên chuyển sang làm áp phe, buôn bán với bọn Hoà - Anh.
Nhiều đêm vui chơi về muộn, tôi thấy Thuỷ lang thang trên đường với cánh nam sinh, tôi lo âu về cô bé một điều rất vô lý. Tôi thầm so sánh bản lĩnh Thuỷ và Vân. Tôi mệt mỏi lắc đầu.
Một chiều nọ có việc ở trường, nhân tiện tôi ghé thăm Thuỷ. Tôi ngạc nhiên khi những người cùng phòng với Thuỷ cho tôi biết Thuỷ đã bỏ học đi đâu không ai rõ. Có người bảo Thuỷ chuyển trường, có người bảo Thuỷ theo chồng, có người nói Thuỷ đi tu.... Tôi thất vọng quay về. Chợt tôi se lòng khi nghĩ đến Vân.
Hai mươi năm trước Vân cũng thế. Tôi chia tay Vân và nàng hẫng hụt. Tôi được gì đâu ngoài chuỗi ngày sống vay mượn, lay lắt. Lúc nào cũng khắc khoải đợi chờ. Cứ đón nhận những điều mình không muốn một cách phi lý đến lố bịch. Còn số phận Vân nổi chìm đâu đó ngoài miền hiểu biết của tôi.
Notes:
1. Samuel Betkett (1906-1989) tác giả kịch phi lý Pháp.
2. Tên một vở kịch của Samuel Betkett.
Chuyện Đời Tôi Chuyện Đời Tôi - Sưu Tầm