A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2055 / 10
Cập nhật: 2016-04-30 18:00:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hật may, cả bọn vừa tấp vô quán thì trời đổ mưa. Quán chè bà Năm giờ này đông nghẹt khách, phần đông là các cô mười mấy, hai mươi.
Tuyết và bốn đứa bạn vừa ngồi xuống ghế đã thấy bà Năm đích thân tới, miệng cười toe toét:
- Chà! Mấy đứa sao lâu quá không ghé bà?
Nhỏ Hạnh trơ tráo nói:
- Ai biểu bà Năm để anh Thịnh đi lấy vợ chi, làm tụi cháu thất tình, chẳng buồn thèm chè nữa.
Thịnh là cháu ngoại của bà Năm, một dạo thất nghiệp anh ra quán phụ bà bê ly, dọn bàn. Bọn Tuyết vẫn hay chọc ghẹo anh, chỉ tại vì anh nhút nhát lại thường hay đỏ mặt. Vậy mà gần đây có tin anh đã đi hỏi vợ.
Bà Năm cười hề hề nói:
- Tụi mày chỉ tổ chọc cháu bà thôi. Thằng Thịnh khù khờ, sức mấy tụi bây thèm.
- Vậy mà anh Thịnh đi cưới vợ, có đứa buồn đó bà.
Nhỏ Quỳnh nói rồi nhìn Tuyết cười hích hích. Tuyết đấm vai nó:
- Mày đừng gắp lửa bỏ tay người. Ai buồn còn phải xét lại đấy.
Bà Năm lắc đầu chịu thua mấy đứa nhỏ. Bà hỏi:
- Mấy đứa ăn gì?
Nhỏ Hạnh nhanh nhảu:
- Như mọi khi đi, bà Năm.
- Chè bà ba, mỗi đứa hai ly, đúng không?
- Thêm một đãi trái cây thập cẩm, bà nhé.
Rồi nó háy mắt nói:
- Hôm nay con Tuyết khao, bọn mình cứ ăn xả láng.
Nếu lúc khác Tuyết đã phản đối, nhưng hôm nay nhỏ đang có chuyện nhờ vả nên tỏ ra hào phóng:
- Được, được... Tụi mày cứ ăn bằng no thì thôi.
Mấy nhỏ nghe tin mừng quá, nhốn nháo tranh nhau hỏi:
- Bộ mày mới trúng mánh hả Tuyết?
- Hay mày mới đập ống heo?
- Hay mày mới có bồ nên mừng quá khao bọn tao một bữa?
Nhỏ mới nói tên Thủy, nó ngồi ngay cạnh Tuyết, lập tức nhận một cú véo khiến nó la oai oái. Tuyết hầm hừ:
- Cho đáng đời! Con gái gì mà ăn nói... ăn nói trần trụi.
Là Tuyết học câu đó của Phong. Nghĩ đến anh, nó lại chạnh lòng, rồi nó nói:
- Tao chẳng trúng mánh, cũng không đập ống heo. Tao gọi bọn mày ra đây là có chuyện muốn nhờ.
Cả bọn nhìn vẻ nghiêm trang của Tuyết lấy làm ngạc nhiên. Vừa lúc bà Năm bê chè ra, mấy đứa tạm thời ngừng khẩu, lo chiến đấu với hai ly chè và đĩa trái cây tổ bố, loáng cái là hết sạch.
Nhỏ Hạnh vừa chùi mép vừa nói:
- Mai mốt đi ăn chè với mấy thằng con trai, mà tao thấy đứa nào ăn nửa ly bỏ nửa ly thì tao đập chết.
Cả bọn cười rúc rích. Bấy giờ Tuyết xoa tay, nghiêm nghị nói:
- Giờ tao có chuyện muốn nhờ tụi mày đây.
Nhỏ Quỳnh lừng khừng nói:
- Mày trả tiền trước đi rồi nói.
Tuyết nhìn nó ngờ ngợ:
- Mày lại nghĩ ra trò xấu xa gì đây?
Nhỏ Quỳnh tỉnh bơ:
- Ai mà biết mày nhờ chuyện gì. Ngộ nhỡ bọn tao không giúp được, mày đổi ý bắt tụi tao hùn tiền lại trả thì sao?
Nhỏ Quỳnh đúng là láu cá. Tuy nhiên nó chỉ đùa vậy thôi. Nó nhe răng cười hề hề chẳng có vẻ gì là con gái nết nhà thùy mị.
Tuyết lừ mắt nhìn nó:
- Mày có chịu nghiêm túc nghe tao nói không hả, đồ quỷ?
- Mày không chịu nói làm sao tụi tao nghe?
- Mày không im cái miệng ba hoa làm sao tao nói được.
Cả bọn lại cười ré lên làm mấy gả con trai ngồi gần vươn cổ nhìn sang. Nhỏ Hạnh đã đổi tính tò mò, bèn giục:
- Thôi, đừng đùa nữa. Tuyết nói đi, chuyện gì mà trông mày nghiêm trọng thế?
- Chuyện của anh Hai tao.
Cả bọn ngơ ngác:
- Anh Hai mày thì có liên quan gì đến bọn tao?
- Như thế này, anh Hai tao lớn tuổi mà chưa có bạn gái, tao muốn giới thiệu cho ảnh một người.
Nhỏ Thủy hỏi ngay:
- Anh Hai mày có đẹp trai hôn?
Tuyết giận quá mắng nó:
- Mày là đồ... đồ mê mả!
Nhỏ Quỳnh ngơ ngác:
- Mê mả là gì?
- Thì là mê sắc đẹp đó, đồ ngu.
Nhỏ Hạnh cốc cho Quỳnh một cái rồi nhe răng cười với Tuyết:
- Mày đúng là đứa con gái tốt, anh Hai mày thật có phước. Mà anh Hai mày có khó tánh không vậy?
- Ảnh dễ ợt.
- Vậy anh Hai mày làm nghề gì?
- Anh Hai tao làm họa sĩ.
- Ái chà! Chắc là trông ảnh "bụi" lắm đây. Tao thấy mấy ông họa sĩ, râu ria chẳng buồn cạo. Anh Hai mày có vậy không?
- Nhưng mày hỏi chi kỹ vậy?
- Ờ thì...
- Mày đứng nói là làm mai anh Hai tao cho mày đấy nhé.
Nhỏ Hạnh trơ tráo:
- Thì làm mai cho tao cũng được chứ có sao đâu.
Bấy giờ Tuyết mới bật ngửa ra, nó la lên:
- Trời ơi! Con nhỏ này... mày định hại đời anh Hai tao hay sao vậy?
Nhỏ Hạnh cự:
- Làm gì mà hại đời anh mày? Ê, đừng khi dễ bạn bè nghe!
- Ý tao không phải vậy. Tại vì anh tao đến ba mươi tuổi lận. Anh tao mà va vào bọn quỷ ranh tụi mày thì có nước điên cả đầu.
Nhỏ Quỳnh tròn xoe mắt kêu:
- Ơ! Thế mày gọi bọn tao ra làm gì?
- Ý tao là muốn nhờ tụi mày về kiểm tra danh sách gia đình, xem có bà cô, bà dì, chị bà con hay là chị của anh rể, em của chị dâu gì gì đó... giới thiệu cho anh tao một người.
Bấy giờ cả bọn mới vỡ lẽ, bèn xúm vào lục lọi danh sách người thân. Đứa nào cũng đưa ra vài ứng cử viên. Nhỏ Tuyết cẩn thận điều tra tên tuổi, nghề nghiệp, vóc dáng, tính tình của từng người. Nó làm như nó là con trai đang đi chọn vợ không bằng. Cuối cùng nhỏ cũng chọn được vài người đưa vào danh sách, nhưng nhỏ cũng chưa yên tâm, bèn hẹn đám bạn hôm sau đến tận nhà quan sát đối phương, rồi mới chịu giao ông anh quý hóa ra.
Tuyết hí hửng chạy vào phòng anh để thông báo tin tốt lành, bỗng nó đứng sững lại trợn mắt hỏi:
- Anh Hai làm gì vậy?
Phong đang xếp những chiếc áo cuối cùng vào valy, nói mà không ngẩn lên:
- Anh lên nhà dì Ba.
Dì ba là em ruột của mẹ. Dì ở Đà Lạt, chuyên cho thuê nhà cho khách du lịch. Hè nào, Tuyết cũng về Đà Lạt thăm dì. Anh em cô thích nhất là căn nhà gỗ hai phòng nằm giữa rừng thông, bên cạnh một hồ nước mênh mông.
Tuyết phản đối:
- Nhưng anh vừa mới đi về mà.
- Anh muốn lên đó tìm cảm hứng sáng tác.
- Anh nói dối!
Tuyết la lên, giọng phẫn uất. Nó càng giận khi thấy anh Hai chẳng buồn phản ứng.
- Anh đang chạy trốn. Anh làm như vậy là hèn nhát lắm có biết không?
Chợt có giọng nhỏ nhẹ của bà Nguyệt, mà xuất hiện với một tấm áo len trên tay, bà nói:
- Thôi con à, cứ để anh con nó đi cho khuây khỏa!
- Nhưng con đã lỡ hứa với tụi bạn con.
Nói tới đây, Tuyết ngừng ngang. Bà Nguyệt thắc mắc:
- Con hứa với bạn con chuyện gì?
- Con không thèm nói đâu.
Rồi Tuyết giậm chân tức giận bỏ đi. Bà Nguyệt bước hẳn vào phòng, đặt chiếc áo vào tay Phong, dịu dàng nói:
- Trên ấy lạnh lắm, con mang theo áo này mà mặc.
Tự dưng Phong thấy mủi lòng muốn khóc. Anh biết mình đi xa sẽ làm cho mẹ lo và nhớ nhiều lắm. Cả nhà anh sẽ nhớ anh, bởi vì anh là một phần trong cuộc sống của họ.
Phong cầm tay mẹ, giọng anh nghẹn đi:
- Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ.
Bà Nguyệt mỉm cười, vuốt nhẹ cánh tay con:
- Mẹ biết mà, con cứ đi đi. Nhưng nhớ phải thường xuyên liên lạc với gia đình, kẻo ba con lo.
Phong hứa với mẹ, anh đứng lặng nhìn theo dáng đi liêu xiêu của bà. Bà đã rất thương Quyên và hy vọng cô sẽ sớm cho bà một đứa cháu. Vậy mà...
Phong thở dài, xếp chiếc áo vào valy rồi gài khóa lại. Sáng mai anh sẽ đi, tuy chẳng phải là chuyến đi xa xôi gì cho lắm nhưng với Phong, lần ra đi này như một sự chấm dứt, là dấu hiệu đứt đoạn của một cuộc tình.
Phong đưa mắt nhìn chiếc máy điện thoại, trong lòng cứ bâng khuâng tự hỏi có nên gọi hay không? Trước đây hầu như ngày nào anh và Quyên cũng gọi điện cho nhau. Anh thích nghe giọng nói của Quyên và cô cũng vậy.
Anh cứ suy nghĩ mãi về Quyên, về Vi. Anh tự hỏi trẻ trung như vậy, xinh đẹp và thông minh như vậy, sao họ phải chọn cho mình con đường đầy gai góc đó? Lẽ nào không còn có sự chọn lựa khác hay sao?
Anh buông một tiếng thở dài. Thôi thì... hãy quên đi.
Dì ba có hai đứa con gái, dượng Ba muốn kiếm thêm cậu con trai nhưng dì nhất quyết không chịu. Dì có lý của dì, ngộ lỡ lại sinh ra "thị mẹt" thì sao.
Thôi thì con nào cũng là con.
"Ý vợ là ý trời mà". Dượng Ba tâm sự với Phong như vậy làm anh không nhịn được cười. Dượng Ba là người yêu hoa, vườn nhà ông có tất cả những loại hoa mà khí hậu Đà Lạt có thể trồng được. Ai mà lạc bước vô vườn hoa nhà dượng rồi thì lưu luyến mãi không muốn đi ra.
Dượng chơi hoa và cũng kinh nghiệm hoa. Giờ dượng sở hữu năm căn nhà trọ cao cấp, nằm rải rác trong các khu rừng thông thơ mộng của Đà Lạt. Lúc Phong tới, vừa may cả một căn nhà khách vừa trả, dượng dành nó cho Phong.
- Cháu sẽ trả tiền thuê nhà cho dượng như những người khách khác.
- Này! - Dượng Ba không hài lòng - Cháu có phải là cháu của dượng không đấy?
- Nhưng lần này cháu sẽ ở lâu.
- Cháu có thể ở đến bất cứ lúc nào, và không nói về chuyện tiền nong.
Dì ba thêm:
- Còn nếu cháu nói thêm một lời nào nữa thì ông ấy sẽ giận đấy. Dì cũng vậy.
- Con cũng giận anh Phong luôn.
Bạch Cúc- đứa con gái lớn của dì dượng nói rồi trợn mắt nhìn Phong ra vẻ đe dọa. Dượng Ba yêu hoa nên cũng đặt tên cho các con mình theo tên các loài hoa. Đứa lớn là Bạch Cúc, năm nay mười sáu tuổi. Cô em gái mười bốn tuổi tên là Tường Vi.
Dì ba vì vậy mà hỏi đùa:
- Thế nếu ông có thằng con trai, ông đặt tên là Bạch lan hay Hồng Phượng?
Dượng Ba cười dễ dãi:
- Chắc là tại ý trời. Tôi yêu hoa, mà hoa thì chẳng bao giờ liên quan đến đàn ông.
Bạch Cúc cãi liền:
- Có chứ ba. Đàn ông thì có nghĩa vụ mang hoa tặng cho phụ nữ.
Nó nói rồi khoái chí cười hì hì. Phong nhìn nó hỏi:
- Thế có thằng nhóc nào tặng hoa cho em chưa?
- Hàng khối! - Nhỏ vênh váo nói - Nhưng em từ chối phắt.
- Tại sao thế?
- Em nói với mấy nhóc rằng:
chừng nào bọn hắn tặng cho em một vườn hoa giống như vườn của ba em, thì lúc ấy hãy tơ tưởng.
Tường Vi trề môi dài sọc:
- Hứ! Chị Hai tơ tưởng thì có.
Bạch Cúc trợn mắt:
- Vi nói vậy là có ý gì?
- Em nói không đúng sao? Vườn hoa của ba là số một, không có người đàn ông nào tài giỏi hơn ba của mình mà có thể tặng chị một vườn hoa vĩ đại như của ba.
- Ba dĩ nhiên là số một rồi, nhưng chị sẽ tìm người số hai, có kém hơn ba một chút cũng không sao.
Tự dưng Phong thấy buồn quá. Ở đây Phong không bị bỏ rơi, nhưng anh lại cảm thấy mình lạc lõng. Họ là người thân của anh, rất thương anh, nhưng làm sao sánh bằng tình thương của Tuyết, của mẹ và ba.
Sáng hôm sau, Bạch Cúc đánh xe đưa Phong đến nhà mới. Không phải xe hơi đâu, mà là một cỗ xe ngựa. Cúc điều khiển con tuấn mã mới thật là tài tình.
Chiếc xe ngựa đi qua những đồi thông dọc theo những con suối chảy róc rách, nước trong nhìn thấy tận đáy. Nắng vàng xuyên qua kẽ lá đậu lên vai, lấp lánh trên tóc.
Nhà của Phong là ngôi nhà sàn bằng gỗ thông, mái ốp theo phong cách Thái.
Quanh nhà có hàng rào gỗ sơn xanh, cổng trồng hoa thiên lý.
Trước nhà, đúng theo phong cách của dượng Ba, trồng rất nhiều hoa và cả một thảm cỏ xanh cắt tỉa rất khéo. Trước hiên nhà treo hai chiếc phong linh đón gió khua leng keng.
Bên mái hiên có bộ bàn ghế gỗ lim đen bóng, sờ tay vào mát lạnh. Nhưng quý nhất, đẹp nhất là khoảng hai mươi giò hoa phong lan núp mình dưới những tấm lưới che nắng.
Bạch Cúc mở cửa rồi trao chìa khóa cho Phong:
- Nó là của anh.
Phòng khách bày trí đơn giản nhưng cực kỳ thẩm mỹ. Sàn nhà bằng gỗ thông trải thảm. Một bộ xa lông gỗ đặt cạnh lò sưởi. Một tủ rượu, bên trong có những chiếc ly pha lê đế cao. Trên vách treo những tấm mành trúc vẽ tranh sơn thủy.
Bạch Cúc kéo rèm cửa cho ánh sáng lọt vào, nói:
- Buổi tối lạnh, anh có thể đốt lò sưởi. Củi để ở nhà kho cạnh bếp.
Rồi cô nháy mắt nhìn Phong, hỏi:
- Anh tự nấu nướng hay muốn thuê một người giúp việc?
Phong xua tay:
- Không, anh thích ở một mình.
- Em đưa anh đi xem phòng ngủ.
Cúc mở một cánh cửa rồi vén rèm cửa sổ, ánh sáng lập tức lùa vào. Nhỏ chỉ cho Phong thấy khung cảnh bên ngoài rồi giới thiệu:
- Phòng này nhìn ra đồi thông, còn một phòng nữa nhìn ra hồ nước.
- Anh muốn xem phòng kia.
Quả thật, từ cửa sổ căn phòng ấy, có thể nhìn thấy một hồ nước mênh mông cách nhà không đầy năm mươi mét. Một hồ gợn sóng li ti, thỉnh thoảng gió tràn qua làm chao đảo những chiếc lá thông vàng.
Bạch Cúc chỉ tay, hỏi:
- Anh có thấy chiếc xuồng kia không?
Phong nhìn thấy con đường mòn dẫn ra bến nước, bên cạnh neo một chiếc thuyền con có hai mái chèo. Anh nói:
- Anh ở phòng này.
- Nghe đồn hồ nước này có ma đấy, anh sợ không?
Phong khẽ cốc đầu cô bé:
- Không.
- Thật mà. - Cúc ra vẻ oan ức - Dĩ nhiên em chỉ nói thật... với anh thôi.
- Anh không tin.
Cúc khẽ nhún vai:
- Tùy anh thôi. Nhưng hồ nước này từng có một cô sơn nữ trầm mình, ba em kể vậy đó.
Nhìn vẻ mặt nghiêm túc của nhỏ, Phong chợt tò mò:
- Nhưng vì sao cô ấy phải tự tử?
- Ba em nói cô gái đó là người dân tộc Mường. Cô yêu anh con trai con già làng, kết quả là cô mang thai, mà người dân tộc thì không chấp nhận con gái chửa hoang. Cô gái tội nghiệp bị dân làng khinh bỉ, đuổi ra khỏi làng, cuối cùng đến đây trầm mình tự vẫn.
Cúc kể bằng giọng thản nhiên, nhưng Phong chợt rùng mình. Không phải anh sợ, nhưng hồ nước mới thoáng chốc đã mờ đục khói sương, đến nỗi không còn nhìn thấy những chiếc lá thông vàng nữa.
Cúc nói:
- Ở đây như vậy đó, thời tiết thay đổi thất thường lắm.
Phong hỏi:
- Thế hồ này gọi là gì?
- Em không biết. Nó chẳng có tên thì phải. Xứ này hồ nhiều quá, đến nỗi người ta không đặt tên xuể.
Phong trở ra xe ngựa dọn đồ đạc vào nhà. Câu chuyện về cô sơn nữ không hiểu sao cứ quanh quẩn trong đầu anh, và chợt anh có ý nghĩ phải đặt cho hồ này một cái tên. Để anh nghĩ xem đã.
Bạch Cúc nói trước khi về:
- Một tuần có người đến đây chăm sóc vườn tược. Ngày chủ nhật nghỉ học, em sẽ rủ Tường Vi vào thăm anh. Thức ăn, anh nhớ bỏ vào tủ lạnh kẻo hỏng.
Anh thiếu thứ gì thì nhắn người dọn nhà, ông ta sẽ nói lại với ba em.
Cúc đã ngồi trên xe ngựa, nheo mắt cười với Phong:
- Nhưng em đoán anh ở đây không quá hai tuần.
Phong vẫy tay:
- Tạm biệt! Cám ơn em nhiều lắm.
Cúc giật dây cương, con ngựa hí khẽ rồi cất những bước chân thuần thục.
Phong chợt nhớ ra một chuyện liền gọi với theo:
- Cúc ơi! Nhà gần nhất cách đây bao xa?
- Hơn một cây số.
Vậy là hàng xóm của Phong, người ở gần nhất cho dù Phong có cất tiếng gọi cũng không nghe được. Theo lời dượng Ba nói thì những ngôi nhà hẻo lánh thế này, chẳng ai thuê ở một mình bao giờ. Thường thì cả gia đình người ta tới đây nghỉ hè, nghỉ cuối tuần, hoặc chí ít cũng là đôi vợ chồng hưởng tuần trăng mật.
Nhưng Phong, anh chỉ có một mình.
Buổi tối, trời lạnh cắt da. Phong định đốt lò sưởi nhưng rồi lại thôi. Anh lấy chiếc áo len của mẹ đan cho mặc vào, tuy nó không thời trang lắm những rất ấm.
Trong phòng ngủ, Phong nhìn ra ngoài nhưng chẳng thấy gì ngoài một màn khói sương mờ đục, gần như không nhìn thấy hồ nước nữa. Bấy giờ nỗi buồn lại xâm chiếm Phong. Anh nghĩ tới Quyên, tới những gì đã xảy ra trong cuộc tình hai năm của họ. Và anh tự hỏi:
Giờ này Quyên sống thế nào? Quyên có đau xót như anh, trăn trở như anh hay cô đang cuốn vào những nhạc điệu cuồng nhiệt của vũ trường và những ly rượu sóng sánh ướt môi?
Lần đầu tiên anh phát hiện Quyên uống rượu, anh đã tỏ ý không hài lòng.
Quyên thì ngọt giọng như mía:
- Anh ơi! Khách họ mời làm sao mà em không uống được.
Phong nghiêm nghị:
- Anh muốn em bỏ nghề đi.
Mặt Quyên chợt tối sầm lại và cô im lặng. Phong hỏi gì Quyên cũng không nói, cho đến khi nước mắt rơi ra, cô nghèn nghẹn:
- Anh xem thường nghề của em, đúng không?
Phong lặng người không đáp được, bởi vì đó là sự thật. Sẽ không có người đàn ông nào muốn bạn gái của mình đêm đêm kiếm tiền trong vòng tay đàn ông, dù đó chỉ là khiêu vũ.
- Nhưng em không trách anh. - Quyên nói. - Em chỉ mong anh là người đàn ông rộng lượng và có cái nhìn khác với thiên hạ.
Rồi Quyên nói một câu làm Phong thấm thía:
- Anh Phong! Không có nghề nào xấu, xấu hay không là do ở con người.
Phong còn nhớ hồi nhỏ, ba thường dạy Phong như vậy. Ba nói con người dù là giáo sư, tiến sĩ hay anh thợ hồ, bốc vác đều bình đẳng như nhau. Người ta không phân biệt tốt xấu bằng nghề nghiệp mà bằng nhân cách.
Nhân cách của Quyên, Phong đã nhìn thấy. Từ đó anh không bao giờ thấy Quyên say rượu nữa. Cô không bỏ hẳn ly rượu, nhưng mỗi khi khách mời, cô chỉ nhấp nháp tí chút rồi từ chối. Phong không thích điều gì, Quyên lập tức bỏ ngay. Anh ghét cô trông điềm đạm quá, môi tô quá dày, mắt kẻ xanh lè, chân mày thì sắc lẻm. Từ đó, Phong không thấy cô trang điểm nữa. Vì nghề nghiệp cô không thể bỏ hẳn, nhưng cô không bao giờ xuất hiện trước mặt Phong với phấn son lòe loẹt.
Phong thích nước hoa, lập tức cả thế giới của Quyên tràn ngập hương hoa.
Quyên là người có khiếu thẩm mỹ, cô luôn biết cách chọn trang phục phù hợp mà không quá lố lăng.
Phong chợt giật mình khi nhận ra dù có cách xa Quyên hàng mấy trăm cây số, nhưng đầu óc anh vẫn bị cuốn hút vào thế giới của Quyên và những kỷ niệm của hai người.
Phong tự nhủ:
- Mình không thể như thế này được. Mình phải quên Quyên đi, hãy xem như quen cô ấy là một sai lầm của mình. Lý Nhàn Quyên không thể hiện diện trong cuộc đời của mình, bởi vì cô ấy ở một thế giới khác. Thế giới của cô ấy là đèn màu, là nhạc vũ trường, là men rượu và khói thuốc... những thứ đó không thể hiện diện trong gia đình mình.
Và Phong nhắm mắt, cố gạt Quyên khỏi tâm trí.
Nửa đêm, Phong giật mình tỉnh giấc, mơ hồ cảm thấy có những tiếng động lạ ngoài cửa sổ. Anh tưởng mình ngủ mê, thử lắng tai nghe ngóng, chỉ có tiếng gió lùa qua khe cửa.
Trời lạnh quá! Mặc dù Phong mặc áo ấm và đắp một tấm chăn dày, nhưng vẫn cảm thấy chiếc lưỡi lạnh lẽo của ông già mùa đông liếm vào da thịt.
Cạch... cạch...
Phong giật mình tung chăn ngồi dậy. Rõ ràng là có tiếng động, những âm thanh rất khó phân biệt. Phong vén rèm cửa nhìn ra ngoài, nhưng chỉ thấy một không gian mờ đục khói sương.
Anh định mở đèn nhưng chợt nghĩ đến một điều làm anh lạnh toát sống lưng.
Đó là câu nói của Bạch Cúc:
"Nghe đồn hồ này có ma. Anh sợ không?".
Phong rùng mình. Anh không tin chuyện ma quỷ, nhưng câu chuyện cô sơn nữ trầm mình của Bạch Cúc có cái gì đó vừa thật vừa mơ hồ. Nó giống như những câu chuyện huyền hoặc trong bao truyện "Truyền thuyết liêu trai".
Một cơn gió mạnh thổi qua làm rung rinh những đồi thông già. Gió đập vào cửa sổ phành phạch, và... chợt Phong nghe như có tiếng nước khua, dường như là tiếng chèo khua nước.
Phong để hết tâm trí lắng nghe, gần như là nín thở. Nhưng những tiếng động thật khó mà phân biệt. Anh muốn mở cửa sổ để nghe rõ hơn nhưng lại ngần ngại.
Phong không biết mình sợ điều gì nhưng rõ là anh không tự tin lắm. Anh ước gì lúc này có một cây đèn bấm, có nó anh sẽ tự tin hơn.
Rồi Phong nghĩ không thể có chuyện ma quỷ trên thế gian này. Cô sơn nữ kia, nếu câu chuyện của Bạch Cúc là có thật thì trải qua thời gian dài, linh hồn của cô hẳn đã đầu thai kiếp khác.
Yên tâm với ý nghĩ đó, Phong dần dần thiếp đi.
Nhưng Phong ngủ không ngon giấc. Trong giấc ngủ của anh chập chờn một hình bóng mơ hồ mà sáng ra khi tỉnh dậy, mặc dù có gợi lại trí nhớ, nhưng anh không tài nào nghĩ ra mình đã thấy gì trong mơ.
Buổi sáng, việc đầu tiên của Phong là đi ra hồ. Những ngọn cỏ còn ướt đẫm sương đêm, mặt hồ mờ đục trong đám hơi nước dần dần đen. Phong không biết mình đang tìm kiếm điều gì. Một dấu vết chăng?
Cầu tàu bằng gỗ, những tấm ván thông dày ghép lại rất vững chắc. Phong nhìn thấy chiếc thuyền con cột vào một trụ gỗ, trên thuyền lác đác những chiếc lá thông vàng có lẽ vừa rụng đêm qua.
Không một dấu vết nào chứng minh đêm qua ở đây có người. Mặt gỗ cầu tàu ướt đẫm sương nhưng không hề có dấu chân người hay bất cứ loài thú vật nào.
Phong phóng mắt nhìn ra mặt hồ, trong màn hơi nước mờ đục thấp thoáng màu xanh của những đám tảo nước ngọt. Bên kia hồ là một khoảng xám xịt của rừng thông.
Phong nãy ý định muốn đi dạo một vòng quanh hồ, nhân tiện tìm xem có chỗ nào lý tưởng để đặt giá vẽ. Anh vừa quay lưng đi, chợt có một cái gì đó đánh động tâm thức làm anh giật mình điếng cả người.
Phong nhìn trừng trừng vào một trong hai mái chèo đặt trên xuồng. Mái chèo bằng gỗ, một trong hai chiếc ướt đẫm những giọt sương, chiếc còn lại cũng ướt nước nhưng lại không giống như thế.
Rõ ràng có sự khác biệt trong hai chiếc mái chèo. Một chiếc in những giọt sương li ti trong suốt, còn chiếc kia như vừa nhúng dưới nước lên.
Tim Phong đập thình thịch khi nhận ra những tiếng động anh nghe đêm qua không phải là cảm giác mơ hồ mà là sự thật. Có người ở đây... là người đó đã chèo chiếc thuyền con này.
Người nào lại chèo thuyền ra hồ trong đêm giá lạnh? Chắc chắn không phải một cuộc dạo chơi thơ mộng bằng thuyền rồi. Cũng chẳng ai buồn đi câu cá trong đêm rét mướt như thế. Vả chăng, như Bạch Cúc nói... người ở đầy gần nhất cũng cách cả cây số.
Hay... đó là hồn ma cô sơn nữ?
Phong rùng mình nổi cả gai ốc. Anh nghĩ đến một người con gái bị dân làng ruồng rẫy, mang theo mối tình tuyệt vọng cùng với cái bào thai trong bụng trầm mình dưới làn nước lạnh buốt. Cái chết đó hẳn phải tức tưởi và đau đớn lắm.
Hay... linh hồn uất hận của cô sơn nữ đã không nỡ lìa xa chốn nhân gian trần tục này, nơi còn có người đã cho cô tình yêu, cho cô những giây phút thăng hoa tuyệt vời và cũng đã cướp đi của cô cuộc sống quý báu?
Nghĩ tới đây, Phong tự cười mình đã để trí tưởng tượng đi quá xa. Vậy thì ai đã chèo thuyền đêm qua?
Phong lắc đầu, cho rằng nếu mình cứ quanh quẩn với câu hỏi khó có lời giải đáp đó thì thật lãng phí thời gian. Anh quyết định rời bến nước đi dạo một vòng quanh hồ.
Cái hồ không lớn lắm nhưng cũng làm Phong mất hơn hai giờ để đi vòng quanh. Tuy nhiên chuyến đi của anh không vô ích. Anh phát hiện ra thiên nhiên ở đây còn đẹp hơn cả những gì anh đọc trong sách, và thậm chí vượt ngoài sức tưởng tượng của anh.
Lúc Phong về gần giới nhà thì mặt trời đã xua tan sương, lá trên cây đã khô và mặt cỏ cũng không còn đẫm nước.
Từ xa, Phong nhìn thấy khói bốc lên từ một trong hai ống khói ở nhà anh.
Cái ống khói nhỏ đó là của nhà bếp, cái còn lại lớn hơn chắc là ống khói lò sưởi.
Phong đoán như vậy.
Vậy là có người đang nấu bếp. Lúc đi Phong đã khóa cửa nhà cẩn thận. Ý nghĩ đó làm cho Phong giật mình. Không lẽ là cô Tấm bước ra từ quả thị? Mà trong nhà Phong thì chẳng có quả thị nào.
Rồi Phong nghe tiếng ngựa hí. Một con ngựa lông xám cao lớn đang giương mắt nhìn Phong, nó khịt khịt mũi tỏ vẻ đã nhận ra mùi lạ.
Trong nhà có tiếng đàn ông:
- Phong về đó hả cháu?
- Dạ, vâng ạ.
Vậy là dượng Ba đến, có lẽ ông muốn xem Phong sống thế nào. Phong đẩy cửa rào bước vào. Dượng Ba mặc quần bò, áo thun, chân mang giày, bước ra với một tách cà phê bốc khói thơm lừng.
- Chào cháu! Ở đây thế nào?
- Thiên nhiên tuyệt vời, dượng ạ.
- Quá tuyệt vời đúng không? - Rồi ông nheo mắt nhìn Phong hỏi - Một tách cà phê chứ?
- Thế dượng đã ăn gì chưa?
- Dì cháu chẳng bao giờ để dượng ra khỏi nhà buổi sáng mà không có gì vào bụng.
- Hèn gì trông dượng ngày càng khỏe mạnh.
- Phụ nữ quả là tuyệt vời. Lúc ta còn nhỏ thì có mẹ, lớn lên cưới vợ được vợ chăm sóc. Đàn ông chúng ta thật may mắn. Mà này, sao cháu không cưới vợ đi.
- Để cháu kiếm cái gì cho vào bụng đã, sau đó cháu và dượng sẽ nói thêm về những người phụ nữ tuyệt vời.
Phong vào bếp mở tủ lấy bánh mì cho vào lò nướng, anh khui một lon patê, thái một quả dưa leo cho vào đĩa. Tất cả những thứ này là dì ba đã lo cho anh.
Không đầy năm phút sau, Phong đã có một phần ăn sáng ngon lành gồm có bánh mì nóng với patê và một tách cà phê hảo hạng.
Hai dượng cháu ngồi lên mái hiên, cạnh những giò phong lan. Phong nói tiếp cậu chuyện về những người phụ nữ:
- Dượng thì nhất rồi, dì ba trên cả tuyệt vời.
- Chỉ tội cái không sinh cho dượng thằng cu.
- Nhưng đâu phải lỗi tại dì.
Dượng Ba cười lớn rồi nói:
- Mẹ cháu cũng rất tuyệt vời!
- Thì dượng và ba cháu may mắn quá còn gì.
- Còn cháu, chừng nào lấy vợ đây?
- Cháu chưa biết. Để tìm một người phụ nữ tuyệt vời thì không thể định trước thời gian, đúng không dượng?
- Nếu cháu lấy mẹ cháu làm tiêu chuẩn thì em rằng... hơi khó đấy.
- Cháu đâu có thế.
- Vậy người phụ nữ của cháu phải như thế nào?
- Là người cháu yêu.
- Cháu trả lời thế cũng như không.
Phong im lặng, và anh nghĩ đến Quyên. Anh đã yêu cô nhưng cuối cùng cô không phải là người phụ nữ của anh. Rồi anh tự nhủ:
"Mình lên đây là để quên Quyên, mình không được nghĩ đến cô ấy nữa".
Vì muốn đẩy Quyên khỏi tâm trí, Phong đổi đề tài:
- Dượng à! Hồi đêm này có người lấy thuyền nhà mình chèo ra hồ.
Dượng Ba nhướng mắt nhìn Phong:
- Cháu thấy à?
- Cháu không thấy, đêm qua sương mù nhiều quá.
Rồi Phong kể chi tiết những gì anh đã phát hiện cho dượng nghe. Ông nhíu mày vẻ bất an:
- Thật không thể tin được.
- Dượng nói thế là sao?
- À! Ý dượng là... quanh đây rất ít người, làm gì có ai đó nửa đêm chèo thuyền ra hồ, mà họ tìm gì mới được cơ chứ. Hay là...
Phong chợt cảm thấy hồi hộp, chẳng lẽ dượng Ba cũng nghĩ đến hồn ma cô sơn nữ? Nhưng rồi dượng nói khác với ý Phong nghĩ:
- Có lẽ là người đi săn.
- Nhưng họ ra hồ làm gì?
- Dượng không biết. Nhưng cháu đừng lo, rõ ràng họ không có ý xấu gì.
Phong khống chế:
- Cháu có lo gì đâu.
Phong muốn hỏi dượng về chuyện cô sơn nữ nhưng sợ dượng sẽ cười cho là mình mê tín, nhát gan. Nhưng có cái gì đó thúc giục trong Phong, khêu gợi trí tò mò của anh, buộc anh phải mở miệng:
- Thưa dượng, chuyện về cô gái Mường tự vẫn dưới hồ, có thật không dượng?
- Ai nói cháu nghe chuyện ấy?
- Bạch Cúc ạ.
Dượng Ba càu nhàu:
- Con bé này thật là...
- Sao hả dượng?
- Dượng đã bảo nó không được nói chuyện này với khách thuê nhà.
- Nhưng cháu có phải là khách đâu.
- Cháu không nghe vẫn tốt hơn.
- Nhưng cháu muốn nghe.
- Nghe rồi cháu sẽ sợ.
- Cháu không sợ.
Dượng Ba im lặng nhìn Phong.
- Vậy là chuyện đó có thật hả dượng?
- Dượng cũng không biết nữa.
- Thế là thế nào, cháu không hiểu?
- Dượng nghe ba dượng kể lại, còn ba của dượng thì nghe ông nội kể.
- Có nghĩa là chuyện xảy ra lâu lắm rồi?
- Không ai biết chính xác thời gian câu chuyện đó.
Bấy giờ Phong đã bị cuốn vào câu chuyện truyền thuyết ấy. Anh giục dượng Ba kể lại, và ông kể:
- Theo lời ba của dượng thì cô gái người Mường ấy mười sáu tuổi, rất xinh đẹp. Anh con trai con già làng cũng chỉ ở tuổi đó. Hai cô cậu lén lút với nhau nhưng vì họ còn quá trẻ, lại thiếu kiến thức nên cô gái có mang mà không biết.
Đến chừng bụng to ra, bị người làng phát hiện thì chàng trai sợ quá bỏ trốn vào rừng.
Tục lệ của dân làng rất nghiêm khắc. Con gái chữa hoang thì bị đuổi ra khỏi làng. Cô gái tội nghiệp đã lang thang trong rừng tìm người yêu, cho đến khi tuyệt vọng và kiệt sức, cô đã quyết định đi tìm cái chết, mang theo cả đứa con còn trong bụng. Người ta đồn rằng, dân làng vớt xác cô lên, cái xác không thối rửa. Có lẽ đó chỉ là chuyện thêu dệt. Có người còn nói đêm đêm vẫn thấy một cô gái mặc áo trắng xõa tóc lướt trên mặt hồ. Người ta còn nghe cả giọng hát văng vẳng của cô ta nữa. Lại có người nói nghe cả tiếng con nít khóc.
Dượng Ba nốc ngụm cà phê cuối cùng tỏ ý câu chuyện đã hết. Phong bỗng nghĩ nếu mà nửa đêm anh bỗng thấy bóng cô sơn nữ lướt mình trên hồ nước, văng vẳng tiếng hát gọi người yêu thì không biết bấy giờ anh làm thế nào.
Dượng Ba như đọc được ý nghĩ của Phong, dượng nói:
- Hồi lúc xây nhà này, ban đêm dượng vẫn ở đây mà có nghe tiếng gì đâu.
Bao năm nay cũng chẳng hề nghe khách thuê nhà phàn nàn gì. Mà làm gì có chuyện ma quỷ ở thế giới hiện đại này cơ chứ.
Phong chợt nghĩ, nếu hồn cô sơn nữ quanh quẩn đâu đây nghe được câu nói ấy thì sao? Thật lòng... cũng như dượng, anh không tin. Nhưng... anh lại không dám bình luận gì.
Dượng Ba nói thêm:
- Ở đây cháu cần một cây đèn bấm để dượng cho người mang vào. Mà cháu đã tìm thấy cảnh đẹp nào để sáng tác chưa?
- Cháu vẫn đang tìm.
Dượng Ba ở lại trò chuyện với Phong một lúc nữa rồi ra về.
Chút Tình Cho Anh Chút Tình Cho Anh - Lê Duy Phương Thảo Chút Tình Cho Anh