Medicine for the soul.

Inscription over the door of the Library at Thebes

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Oanh2
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1044 / 7
Cập nhật: 2015-10-19 14:40:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ùa đông. Mùa đông ở đây có tiếng gió núi, tiếng thông reo, cả tiếng sóng cuồn cuộn nơi cửa sông rộng lớn đổ ra biển Đông ì ầm suốt đêm ngày.
Buổi tối ấy, mẹ và chị tôi đang bận việc làm cơm. Tôi đang làm bài. Thày tôi mới ở sở về đang ngồi bên cạnh hỏa lò than đỏ rực sưởi tay và sắp nướng sò huyết uống rượu thì chợt lão Bồng bước vào báo tin có một ông khách lạ đến nhà. Thày đứng ngay dậy, cầm cây đèn dầu hoả ra cửa. Chưa bước xuống thềm, thày đã nghe thấy một giọng khàn khàn reo lên:
- Tôi, Hai Huấn đây! Lâu lắm mới lại được gặp bác. Ôi chào, rét quá. Đồng chua, nước mặn, rét chết người.
Cây đèn dầu ở tay thày giơ cao hơn để soi rõ mặt ông khách vừa reo đó. Thày mừng rỡ nắm lấy tay khách.
- Chú Hai! Thực là một sự ngạc nhiên tốt đẹp! Mời chú vào - đoạn thày sai hai chị em tôi - Cái Châu đâu rồi, con ra xách va ly vào hầu chú. Còn thằng Ngọc, đỡ ô cho chú, nghe!
Tôi nhảy tót xuống đất chạy ra chào, đỡ lấy cái ô đen. Tay tôi chạm vào hai bàn tay lạnh buốt của chú, ngay đến chiếc ô cũng lạnh ngắt. Chị Châu ì ạch lôi cái valy da cũ kỹ vào nhà. Mẹ khép nép đứng sang bên cánh cửa, cúi chào chú Hai. Chú nhìn chúng tôi vui vẻ nói:
- Thực là hạnh phúc, các cháu lớn cả rồi - Chú xoa đầu tôi - Nhất là thằng Ngọc, nó lớn như thổi. Chú đoán cháu mười hai, có đúng không nào?
Tôi chưa kịp đáp, thày đã đỡ lời:
- Đúng tuổi cháu. Thế còn…
Nhưng thày vội ngừng lời. Bàn tay chú ở trên đầu tôi buông thõng. Chú để rơi mình xuống ghế, mặt không vui nữa. Thày bối rối ngượng nghịu. May, mẹ vừa kịp pha xong trà. Thày rót mời chú.
- Chú xơi trà cho ấm bụng, rồi ta uống rượu. Hơn mười năm nay anh em mình mới lại được gặp nhau, thực không gì cho tôi vui sướng bằng. Chú phải ở chơi đây với chúng tôi ít ra là vài tháng.
Chú Hai lại tươi cười:
- Vài tháng ít quá. Phải một năm. Tôi tự do như con chim, ở đâu cũng là nhà. Tôi một thân một mình, bác cho tôi tìm cái thú đoàn viên trong gia đình bác… Vâng, giờ tôi một thân một mình, hai bác ạ. Không có gia đình, như cái cây không rễ, rất buồn.
Giọng chú trầm xuống như một tiếng chuông tắt hết hồi. Mẹ nhìn chú bằng đôi mắt ái ngại, thương xót. Thày nắm lấy hai bàn tay chú mà an ủi.
- Thì đây là gia đình chung của anh em mình chứ sao. Chú đừng nghĩ ngợi gì nữa. Thôi, ta uống rượu.
Chị Châu bưng mâm ra. Trong bữa cơm, tôi quên cả ăn vì mải ngắm chú, người khách đến gia đình tôi tình cờ như một cơn gió.
Chú Hai uống ít rượu cũng như thày tôi vậy. Chú bảo chú ghét rượu, chỉ ao ước được trẻ và khỏe luôn để đi chơi đó đây. Mỗi lần nhắp một tí rượu là chú nheo nheo đôi mắt sâu, khiến những nếp da trên khuôn mặt sạm đen dãi dầu thêm nhăn nheo. Bàn tay xương xẩu của chú luôn luôn đưa chiếc mùi xoa trắng lên lau bộ râu mép mọc như cái dấu mũ. Chú nới khuy cổ sơ mi, lộ rõ cục tròn tròn ở cái cổ bé ngẳng, mỗi lần nuốt đồ ăn lại co lên hạ xuống. Chú mặc bộ tây dạ đen cũ, vá hai ba chỗ. Nhưng tôi biết ngay chú cẩn thận sạch sẽ, vì chú có ý giữ cho khỏi một giọt rượu rớt vào. Cổ và tay áo sơ mi rất sạch, cho đến cả đôi giầy tây đen đã mòn gần hết gót mà một lúc sau chú đã bảo chị Châu kiếm đưa chú miếng giẻ để chú lau cho bóng. Chú gầy khẳng khiu, lại gù lưng nữa, lúc đi đi lại lại quanh nhà nom chú như một cái liềm gặt lúa.
Đang xỉa răng, chú nắm cánh tay tôi kéo lại.
- Ồ! bắp thịt cháu tôi rắn chắc. Hẳn nghịch lắm.
Rồi chú ẵm tôi đặt lên đầu gối.
- Đừng sợ chú nhé. Tuy chú xấu xí, dữ tợn thế này, nhưng rất yêu trẻ con.
Thú thực rằng, từ nãy tôi chưa có chút cảm tình gì với ông khách mà mặt mũi thân hình như con cú vọ đó. Sự giữ gìn quần áo, mà chỉ là bộ tây may bằng thứ dạ cà tèng đã vá víu nhiều chỗ, khiến tôi dẫu bé nhưng cũng ranh mãnh nghĩ rằng đó là một người keo kiệt, khó tính khó nết. Thì vẫn vậy! Trẻ con vốn giống lũ chó mèo và bọn đày tớ trong nhà, chỉ quen xét người bằng cái mẽ bề ngoài. Thế mà bây giờ chú âu yếm tôi như âu yếm một con mèo, và nhấc tôi lên đùi như cầm một cái lông chim. Chú gầy lẳng khẳng thế mà khỏe gớm!
Chú vuốt đầu tôi, nói nho nhỏ như nói với ai:
- Tóc đen óng như lụa… Ta rất thích vuốt tóc trẻ… Như thế để nhớ lại ngày nào… Ta có… À, ta có biết một đứa trẻ tóc đen óng như tóc cháu - bỗng chú vỗ mạnh vai tôi - Cháu có biết nó không nhỉ? - giọng chú run run - Không, cháu chưa thấy nó lần nào. Trước kia ta vẫn ẵm đứa trẻ ấy lên đùi như thế này… Ta kể chuyện cổ tích cho nó nghe… Ồ, thằng bé hay cười quá, chuyện gì cũng làm cho nó cười như nắc nẻ. Đến tận bây giờ, trong tai ta lúc nào cũng còn văng vẳng cái tiếng cười giòn giã, trong trẻo của nó. Úi chao, thế mà… tội nghiệp.
Chú nhìn đăm đăm vào những hòn than hồng đang vạc dần trong chiếc hỏa lò đặt dưới chân để sưởi ấm. Một phút lặng lẽ. Tiếng sóng ì ầm và tiếng thông reo rì rào đằng xa vẳng lại. Một giọt nước nóng hôi hổi rơi xuống bàn tay tôi. "Chú Hai khóc. Tại làm sao thế?". Tôi nghĩ vậy, và chỉ một mình tôi biết. Vừa lúc ấy thày ở trên gác xuống, tay cầm cây đèn:
- Thôi, mời chú lên gác nghỉ. Chú đi đường xa hẳn mệt. Tôi đã bảo dọn chú một buồng.
Chú Hai ngẩng lên cười, cảm ơn sự săn sóc của thày mẹ tôi, rồi lên gác. Tiếng giầy chú bước nặng nề trên những bậc thang cũ mọt, kêu cót két.
Chú Hai Huấn Chú Hai Huấn - Ngọc Giao