Love is always within. When you try to dramatize your love, you lose the depth of the love.

Charan Singh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 713
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
hững người bạn buôn thường cư xử với nhau theo kiểu lập lờ. Dường như trong thứ nghề lấy lời lãi làm mục đích khó tồn tại một tình cảm thực sự. Ðiều này Hoan biết từ lâu. Nhưng cũng có lần, Căng đã khiến anh cảm động. Một sáng, hai người rủ nhau tới tiệm vằn thắn của ông già Quảng Ðông, hiệu nổi tiếng nhất thành phố vì thứ nước dùng trong vắt ngọt mùi xương bò ninh lẫn hải sản. Gia vị nêm tuyệt khéo, còn mì sợi nấu chín vừa độ đến mức sau khi đã ăn vằn thắn ở cửa hàng của ông tất thảy các thứ vằn thắn khác chỉ được coi như thứ ăn đỡ lòng hoặc dành cho khách vãng lai và những kẻ phàm phu tục tử. Hoan gọi hai tô vằn thắn lớn với đĩa quẩy. Anh thích ăn quẩy ròn kèm vằn thắn, phở hoặc những món đồ ăn nhiều nước khác. Một tô hỉu tíu mà thiếu vài chiếc quẩy làm bằng bộ nhẹ chiên ròn thơm là món ăn chưa hoàn thiện.
Người hầu bàn bưng khay vằn thắn ra, Căng hỏi:
- Anh đãi tôi hay tôi đãi anh đây?
- Tôi.
- Anh hào phóng quá... Tiêu như anh lẽ ra phải bại sản nhưng trời phù... Lão trời già đểu thật, lần nào đi ngang qua chùa tôi cũng thắp hương cầu khấn năm bảy lượt. Quanh năm tôi xoay như đèn cù vậy mà cũng chẳng phất lên được.
Hoan bật cười:
- Bởi vì Trời Phật có mắt... anh vừa khấn xong hôm sau chưa thấy lộc đã quay cổ chửi thì Trời Phật thánh thần nào dung thứ...
Căng cũng bật cười theo:
- Tại tính tôi sốt ruột, chẳng kiên nhẫn được như người khác... Ở nhà anh có cúng không?
- Nhà chúng tôi cúng tổ tiên, đúng theo luật lệ của người Việt cổ. Nhưng cũng có bàn thờ Phật đặt trên gác thượng. Hai bà chị tôi chăm lo việc ấy.
Người hầu bàn đặt tiếp trước mặt họ đĩa quẩy. Hai người lặng lẽ ăn không nói gì thêm nữa. Rồi sau khi no nê, mãn nguyện họ châm thuốc lá.
Căng bảo:
- Làm chầu cà-phê chứ? Lần này tôi đãi anh.
Hoan đáp:
- Chẳng cần. Tôi bao luôn chầu này.
Anh trả tiền rồi hai người vượt qua lòng đường sang quán cà-phê ở dãy phố bên kia. Lúc họ bước vào, một người khách vén màn đi ra chút nữa va đầu vào Hoan. Anh nhận ra gã bán thuốc lá lẻ, chủ lầu xanh quen thuộc của họ. Gã cũng nhận ra anh, những múi thịt chen chúc hai bên cánh mũi nhúc nhích nhưng cặp mắt gấu lạnh như băng. Không ai chào ai. Căng chun môi huýt sáo, điệu sai lạc nghe như chọc vào lỗ tai, nhưng anh ta đang phởn chí không thể ngừng lại cơn phấn khởi bất thần.
- Hai cà-phê đen nóng.
Căng gọi rồi ngả người tựa lưng vào ghế, bắt chéo đôi chân đong đưa vừa nhìn ra đường. Hoan chợt đưa mắt tò mò nhìn người đối diện, anh không hiểu Căng đang nghĩ gì. Trên gương mặt cứng đuỗn như tạc bằng gỗ đẽo đôi mắt ráo hoảnh đang cắm vào một con mồi nào đấy trong không gian, cặp môi mím lại chi chít vết rạn như môi người già, chiếc mũi dài có đường rãnh chạy hằn chia đôi chóp. Không nén được, Hoan lên tiếng:
- Anh nghĩ gì vậy?
Căng quay lại, cặp mày nhướng lên đầy vẻ ngạc nhiên:
- Thế anh nghĩ gì? Những thằng lái buôn như chúng ta đây chỉ nghĩ chuyện buôn bán lời lãi chứ còn chuyện gì khác?
Hoan thở dài:
- Anh nói đúng... Nhưng lúc này tôi đang nghĩ đến một chuyện chẳng liên quan gì tới việc làm ăn.
Lại đến lượt Căng tò mò. Quay hẳn người lại phía Hoan, anh ta hếch mặt hong hóng nhìn:
- Chuyện gì ghê gớm vậy?
Hoan nói:
- Từ lúc gặp tay chủ nhà chứa, tôi nhớ lại đêm chúng ta chạy trốn chui qua gầm cầu thang hàng xóm, rồi núp trong kho cá mắm chuột chạy lạo xạo qua chân... Thú thực, tôi vẫn còn sợ...
Căng cười ngất:
- Có thế mà anh phải nghĩ sao? Ðúng là công tử thứ thiệt... Nhưng tôi phải uống cà-phê đã, sau khi ăn một bát vằn thắn tú ụ nếu không có cà-phê tôi sẽ ngủ gục...
Nói xong anh ta cúi xuống uống cà-phê chem chép như mấy bà già húp chè. Hoan cũng nhấc tách cà-phê lên môi nhưng nỗi băn khoăn vẫn bám vào óc não anh.
Cách đây non một tuần, Căng rủ anh đi làm cái việc mà anh ta vẫn gọi là: Ðại tiện trong chuồng xí công cộng. Họ đã chia sẻ cái nhu cầu thường trực này từ lâu trong căn buồng bẩn thỉu nơi ngoại ô, bao giờ anh cũng ở phía bên phải và Căng bên trái, giữa họ là tấm màn đỏ ngăn cách. Bao giờ Căng cũng là người dẫn đường, chỉ huy mọi hành động còn anh là kẻ chi tiền. Ðêm hôm đó, họ vừa nhập cuộc bỗng chuông rung rổn rảng nơi cầu thang. Cô điếm đang nằm dưới Hoan vùng dậy tức khắc và dù nhỏ bé cô ta cũng đẩy anh ngã chổng vó trên giường:
- Cá... cá...
Cô kêu. Ngay lúc đó bên kia bức màn, Căng lên tiếng:
- Mặc quần áo thật nhanh. Chúng ta chỉ có ba phút. Chậm một ly là hỏng chuyện.
Hoan lớ quớ. Cô điếm thấy vậy phải giúp anh tìm quần áo trong cái đống lộn xộn dưới chân giường:
- Áo anh đây, mặc vào trước... Này, quần lót. Mau lên...
Cô vừa đưa từng thứ cho Hoan vừa mặc quần áo cho mình nhanh như máy. Lúc Hoan gài xong nút áo, Căng chạy sang:
- Theo tôi.
Từ lúc ấy Hoan chỉ biết việc duy nhất là bám theo sau lưng anh ta. Họ tụt xuống cây cầu thang gập ghềnh ẻo lả mà mỗi bậc thang đều vặn vẹo nghiến trèo trẹo dưới bước chân anh. Ðã thế, ánh sáng từ ngọn đèn trên gác hắt xuống quá mờ khiến mấy lần anh suýt ngã. Khi họ tụt xuống bậc thang cuối cùng, Căng giơ tay ngoắc:
- Rẽ lối này.
Lập tức anh ta biến sau bức tường bên trái. Hoan lao theo. Họ vượt qua mảnh sân hẹp, chui qua cây cầu thang nhà bên cạnh, một cây cầu thang còn tối tăm hơn cây cầu thang nhà chứa, màng nhện bụi bặm tướp vào mặt họ, gián bay vù vù trong bóng tối lao vào trán họ. Hai người chạy qua nhiều ngóc ngách ngoằn ngoèo tới một căn nhà nhỏ cửa sơn hắc ín. Căng mò mẫm tìm chốt mở rồi một tay kéo cánh cửa, tay kia ấn Hoan vào trong. Căn buồng tối om không nhìn thấy vật gì nhưng ngay tức khắc mùi cá mắm lưu cữu thối khẳm đập vào mũi Hoan và anh biết mình đang ở nơi đâu. Căng gài xong chốt cửa, lần mò tới bên anh:
- Ðừng sợ. Rồi sẽ quen thôi.
Hoan không đáp. Tim anh vẫn đập mạnh. Anh thấy mình chông chênh như đi qua sợi dây căng trên vực thẳm. Anh không hiểu vì sao mình bỗng dưng hành động như một thằng ăn trộm, một kẻ buôn hàng lậu hay một gã sát nhân bị truy nã. Sợ hãi, đã đành. Nhưng phía sau sự sợ hãi ấy còn có một sự sợ hãi khác mãnh liệt hơn:
Trời đất ơi, nếu cha ta còn sống và phải chứng kiến hành vi này ông sẽ nói sao? Có lẽ chẳng bao giờ ông tưởng tượng được đứa con trai duy nhất của ông lại rơi vào cảnh huống nhơ nhuốc ấy...
Chuột chạy roàn roạt trên các bao cá chất quanh nhảy phóc qua vai họ, chui vọt giữa hai bắp đùi họ. Mùi cá mắm nồng nặc đến chóng mặt. Hoan như thấy hơi thở chính anh bắt đầu nhiễm thứ mùi ghê tởm đó. Chừng như đoán được ý nghĩ của anh, Căng ghé tai anh thì thầm:
- Chịu khó một tí... Chừng nửa giờ nữa thôi, mọi sự đâu vào đấy.
Nói xong anh ta mò mẫm ra cửa, áp tai nghe ngóng. Hoan vẫn đứng nguyên chỗ cũ, mắt nhắm nghiền chịu đựng nỗi thống khổ không thể dãi bầy với ai. Cha anh đã chết, nhưng vong hồn ông còn vương vấn trên cõi đời. Rất có thể vong hồn đó lẽo đẽo theo anh, lẽo đẽo chứng kiến những khoảng khắc nhục nhã này và sẽ phải cất tiếng thở dài chua xót...
- Ngon... Ngon thật...
Căng há miệng thật to thở một hơi dài, điệu bộ thưởng thức một tách cà-phê có gì thái quá và lố bịch. Hoan yên lặng. Anh vẫn tiếp tục hút thuốc:
Có lẽ Căng không có một người cha như cha ta, anh ta tự do làm mọi chuyện mà chẳng cần ăn năn. Và có lẽ anh ta sung sướng vì không mặc cảm. Bước từ dưới bùn lên, giờ đây anh ta khá giàu so với bà con cô bác, đủ sức cưu mang đùm bọc họ. Và như thế, toàn bộ ý nghĩa đời sống lẫn đạo đức của Căng đã được định vị chu toàn. Anh ta không cần suy nghĩ lại...
Hoan nghĩ vậy. Nhưng anh vẫn không tin con người lại thiếu hụt cảm giác hổ thẹn hay ăn năn. Anh lên tiếng:
- Này anh. Tôi có một câu hỏi.
- Gì cơ?
- Buổi tối hôm nọ, khi chúng ta đứng trong căn buồng chứa mắm cá, anh có cảm tưởng gì?
- Chẳng có cảm tưởng gì hết. Tôi nghe ngóng tình hình để thoát ra. Ăn cá mắm thì được nhưng rúc vào đó ngửi chắc không ai muốn.
- Anh đã chạy trốn công an như thế nhiều lần?
- Nhiều. Kho mắm ấy là chỗ trú an toàn nhất. Bọn cá chẳng đoán ra.
- Chẳng lẽ anh không thấy rằng chúng ta chui lủi như quân trộm cắp hay lũ sát nhân hay sao?
- Tôi không ăn cắp cũng chẳng giết người. Tôi chạy vì nhà nước không cho phép chơi điếm. Mà cái con củ của tôi không cần phép tắc cứ đúng kỳ đúng hạn nó ngỏng lên kêu oai oái. Vì thế tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều.
- Nhưng nếu họ bắt được chúng ta, và họ tống giam chúng ta cùng với lũ lưu manh trộm cắp? Liệu anh có lường đến chuyện đó chăng?
- Nếu cứ lường tất mọi sự thì rút cuộc sẽ chẳng dám làm điều gì. Trong đời tôi, tôi chỉ bỏ sức tính toán, đo lường việc làm ăn thôi.
Nói rồi Căng châm điếu thuốc khác và quay lại nhìn mặt Hoan với cái nhìn chăm chú:
- Vậy ra anh cũng khổ... Trước đây tôi cứ ngỡ người làm ăn nhẹ vía lại được trời phù như anh hẳn chỉ biết sung sướng... Hóa ra không phải vậy. Ði chơi điếm mà nghĩ ngợi nhiều đến thế thì khổ thật...
Trong ánh mắt Căng có cả ngạc nhiên lẫn niềm thương xót. Lần đầu, Hoan thấy đôi mắt Căng giống mắt con người mà không phải là tia phản chiếu đơn thuần của những mưu toan, của cỗ máy kiếm tiền, và điều đó khiến anh cảm động. Nhưng cơn xúc động của anh chẳng kéo dài được lâu, vì chỉ nửa phút sau, Căng đã ném mẫu thuốc còn lại vào chiếc gạt tàn:
- Thôi tôi đi... Anh trả nốt chầu cà-phê nhé... Ông chủ lớn nhất sáu tỉnh miền Trung...
Căng chạo chợt cười. Lúc đó, mắt anh ta lại loáng lên thứ ánh sáng lạnh như thép, cặp đồng tử lác xệch và gương mặt anh ta hồi nguyên một khối thịt trơ trẽn vô cảm.
Hoan nhìn tấm lưng gã đàn ông khuất sau tấm mành trúc, nhìn khói bốc lên từ mẫu thuốc lá còn sót trong bình gạt tàn, tất thảy dấu vết của một con người, kẻ từng đứng sát bên anh trong căn buồng chứa cá mắm, từng đưa tay cho anh trong bóng tối những ngõ ngách những góc sân những lối đi ngoắt ngoéo nơi khu nhà ngoại ô, bỗng dưng anh lạnh lùng hoang hoải. Những sợi khói bốc lên từ bình gạt tàn kia chỉ là những sợi khói thuốc thôi. Và cái kẻ nhìn anh trong nửa giây bằng cái nhìn cảm thông ấm áp của con người chỉ là một đồng minh bất đắc dĩ, chỉ cần anh hở mánh là gã sẽ xô anh xuống vực, chỉ cần thần rủi ro sờ tới gáy anh là gã sẽ tức khắc cướp những đồng tiền trong túi anh bỏ vào túi gã... Xưa nay, anh vẫn biết vậy nhưng vẫn chẳng muốn tin như vậy. Sáng nay đây anh mới hiểu anh thật sự chơ vơ côi cút nhường nào. Anh sống trong một thế giới anh không tin cậy, giống con rái cá tinh khôn lúc lủi, luồn lách trong các bụi rậm một cách thành thục nhưng vẫn tơ tưởng đến làn nước. Anh, gã lái buôn dung chứa một trái tim học trò lẫn ước mộng của thi sĩ chưa thành.
Mảnh đất này chẳng phải của ta. Ở đây, ta chỉ là con mồi hoặc cừu địch của những kẻ khác. Ngoại trừ chị Châu và chị Nền, ta chẳng có ai thân thuộc. Và chẳng thể đặt lòng tin vào ai, dù có nhẫn nại kiếm tìm và thử thách tới trăm lần...
Anh tiếp tục hút thuốc và nhả khói, phun từng luồng lên cao thả chúng thành những vòng tròn liên tục hay khép nhỏ khuôn miệng để khói thuốc cuộn thành vòng vèo như vân gỗ. Anh nhìn đám khói, cố tìm trong đó một hình dạng một đường nét một thứ phác đồ có thể gợi mở phần tối tăm của đời sống, có thể anh đi qua cái hành lang bưng bít tối tăm giữa con người với con người. Từ khi trở lại thành phố, bắt tay vào việc chấn hưng cửa hàng và mở các mối làm ăn lớn, đã vài lần Hoan kết bạn với đám người cùng nghề. Lần nào anh cũng vướng bẫy. Nếu không phải cuộc mua tranh bán cướp, cuộc tỉ thí quyết liệt bằng mọi thủ đoạn để anh phải chìm xuống, hoặc sự hãm hại có mưu mô tỉ mỉ thì cũng là chuyện móc máy gièm pha, đơn điều đặt chuyện... Nhưng lần nào Hoan cũng thoát hiểm vào phút chót nhờ may mắn bất chợt hoặc sự xui khiến của linh tính. Anh đoan chắc là người thắng phanh cỗ xe của anh cho nó khỏi lao xuống vực, rọi ánh sáng vào trái tim mê mụ hay đầu óc nông nỗi của anh, tính cho anh những nước cờ siêu việt khiến anh có thể chuyển bại thành thắng và buộc các cừu địch phải ngã đòn... người đó, chẳng ai khác ngoài cái linh hồn mảnh dẻ và kiêu hãnh của người cha đã khuất. Hoan biết người đàn ông dịu dàng cương cường đó vẫn luôn theo anh, hằng che chở anh trên mọi đường mọi ngã và cái bóng dáng mảnh dẻ uy nghiêm của ông vẫm trùm lên cuộc sống của anh. Dường như vong linh ông giáo không ngừng xót thương đứa con trai duy nhất nên không thể đi về miền cực lạc. Ðối với ông, gã đàn ông nặng tám mươi cân kia vẫn chỉ là một thằng bé ngây thơ, tồ tệch, một tiểu thiên thần trong trắng luôn có nguy cơ bị người đời xô vào bẫy mỗi khi nó đặt chân lên đường. Mọi bài học cay đắng đều được lưu giữ trong Hoan, tạo cho anh một bản năng thứ hai, một trí thông minh thuần túy dựa vào linh tính, một khả năng toan tính và quyết đoán nhẹ bổng như cánh hạc, mau lẹ và dễ dàng như tất thảy đều được ghi sẵn trong một thứ cẩm nang của quỷ thần trao tặng. Cái bản năng thứ hai đó hướng dẫn anh trong công việc cũng như giao tiếp, anh trở thành kẻ bất khả xâm phạm trong giới kinh doanh, mọi mũi tên từ đám người cạnh tranh cho đến lũ quan trường trong ngành tài chính nhằm đến anh đều trượt ra ngoài. Về hình thức, anh giống như một cậu ấm to xác với dáng vóc khổng lồ, quần áo sạch sẽ tinh tươm. Ðôi khi anh có vẻ như gã phong tình với cặp mắt dịu dàng, tia nhìn êm mượt như nhung. Nhưng mỗi cử chỉ nhẹ nhàng đều ẩn chứa sự khôn ngoan dè dặt, mỗi tiếng cười khẽ khàng hoặc một câu nói nhã nhặn có thể dẫn đến những quyết định dứt khoát và bạo liệt đến những đối thủ có sỏi đầu phải toát mồ hôi. Tuy nhiên, vào khoảnh khắc anh ném ra một đòn trí mạng với những kẻ cạnh tranh, thi hành một thủ đoạn làm ăn khiến từng đám chủ buôn khác rụng như sung chín trái tim lại cất tiếng rên đau đớn:
Chẳng lẽ con người buộc phải sát hại nhau theo kiểu đó hay sao? Chẳng lẽ cuộc đời buồn tẻ thế sao?
Chính anh, anh cũng tự ngờ vực mình. Một kẻ ngụy quân tử hay một con thú lạc chuồng? Anh sống và ứng xử như một thương gia lọc lõi trong khi tâm hồn anh run rẩy, hồ nghi. Anh thèm muốn một vùng trời khác bên ngoài vùng trời anh hít thở. Phải chăng đó là căn bệnh mãn tính của chàng trai năm xưa? Cuộc hành trình lỡ dở vẫn còn nguyên và mỗi bận tiếng còi tàu hú trên sân ga tâm hồn khắc khoải lại nhói đau luyến tiếc? Hoặc tâm tính anh là khiếm khuyết khó tránh khỏi của đứa con cưng lớn lên trong đời sống an bình, nơi tình yêu tạo nên thứ sương mù bí ẩn vĩnh hằng khiến ánh nắng gay gắt của cuộc đời thực tại không xuyên thấu? Hoan không hiểu rõ. Nhưng anh biết cậu học trò trong anh luôn tìm cơ hội để thử lại nghiệm số phương trình. Và việc đó xảy ra lần cuối cùng với cô gái điếm gày có đôi mắt tô vẽ...
Một vài lần, Căng bảo anh:
- Cuộc chơi nào cũng có luật. Tiền chi trả món lót dạ trên giường không được quá ba tờ bạc lẻ, anh chớ nên quên.
Nhưng món tiền Hoan cho cô điếm lần đầu và những lần sau đều lớn gấp mười lần mức quy định. Anh luôn có tâm lý mắc nợ người đàn bà yếu ớt rạc rài đó, và khi trả cô ta một món tiền lớn, nỗi băn khoăn của anh nguôi dịu đi. Ðiều đó thành lệ. Cô điếm không còn sững sờ như lần đầu và lần hồi cô tìm cách nài nỉ anh thêm. Hoan thoáng nghi ngại nhưng không dám thú nhận với Căng. Một buổi tối vui thú bình thường nơi ngõ hẹp, hai người đợi gã bán thuốc lá. Họ uống nước trà trước mẹt hàng của người đàn bà có cái tên mĩ miều Thu Cúc. Chị ta vẫn trùm tấm khăn hoa sặc sỡ và ngồi nhìn cây đèn dầu muội ám. Lần ấy, gã bán hàng chẳng bắt họ chờ lâu. Chưa uống cạn chén trà, cây đèn dầu đã trượt đi trượt lại ba lần trên mặt tủ thuốc lá.
- Ði thôi.
Căng bảo. Cả hai đứng lên. Người đàn bà chợt cất tiếng cười khàn:
- Làm gì vội thế?
Chị ta ném cái nhìn sắc lẻm về phía họ rồi tiếp tục buông lời:
- Con lừa nào bước vội cũng sa hố... Có muốn nhai mực nướng hay không?
Ðó là lần đầu chị cất tiếng mời họ. Căng chưng hửng nhìn chị ta rồi đưa mắt nhìn Hoan. Anh cũng chẳng biết gì hơn gã nên đứng im. Lát sau, Căng bối rối nhếch môi cười:
- Hôm nay cóc mở miệng, ngày mai trời ắt bão.
Ðoạn Căng đưa cho chị ta tờ bạc lẻ:
- Tụi tôi đi đây.
Người đàn bà không nói gì thêm cũng không thu dọn đồ lề bưng theo họ như thường lệ, lúc Căng và Hoan tới quầy bán thuốc lá vẫn thấy chị ta ngồi im như tượng sau mẹt hàng. Ðốm lửa tí xíu của cây đèn dầu khiến phố xá càng thêm tăm tối.
Gã đàn ông mặt bự nói với họ:
- Hôm nay sớm hơn thường lệ... Cá đổi giờ thay ca...
Căng hỏi:
- Vẫn chỗ đó?
Gã gật đầu:
- Phải. Chưa tới kì chạy rong. Các ông đi đi. Thuộc đường rồi chứ?
Căng gật.
- Thuộc rồi.
Hoan đi theo Căng, không còn quá khổ sở vì những lối đi tối mò ngoắt ngoéo như buổi ban đầu. Lạc thú đã dạy anh khôn ngoan và dày dạn, buộc anh làm quen với thứ ánh sáng mới, với những mùi vị mới. Giờ đây, Căng không còn phải đưa tay cho anh khi leo lên cây cầu thang oặt oẹo dưới ánh điện mờ đục như ánh đèn thắp nơi nhà mồ. Anh cũng không còn quá hồi hộp hay ghê sợ. Căn buồng bẩn thỉu lẫn tấm màn đỏ dơ dáy không còn khiến anh ghê tởm cũng như những tiếng động dục tình dội từ bên kia bức màn sang cũng không còn khiến anh hổ thẹn như buổi đầu. Hoan thấy anh quen với hoàn cảnh hiện tại và điều đó nhiều lần khiến anh kinh hoảng. Ðêm ấy họ thỏa thuận với gã chủ lầu xanh Ði tàu suốt. Cuộc phóng xả dục tình thứ nhất diễn ra khoảng chín giờ. Sau đó, Căng lên tiếng:
- Làm một ly chứ? Tôi cất sẵn ở đây chai Nhất dạ Lục giao với mấy túi bò khô.
Hoan bảo:
- Tùy anh.
Căng nói:
- Mặc quần áo vào đi. Tôi sẽ sang bên anh.
Năm phút sau Căng xách chai rượu với mấy gói bò khô nướng sẵn, thứ đồ nhậu dễ kiếm nhất cho đám đệ tử lưu linh. Hoan và Căng ngồi ngay trên giường uống rượu còn cô điếm cuộn tròn trong tấm chăn mỏng lùi vào góc giường trùm kín không rõ ngủ hay thức. Hai người vừa uống rượu vừa tán gẫu khoảng hơn một giờ đồng hồ rồi Căng hỏi:
- Anh muốn ngủ chút không?
- Không.
- Cũng phải. Mai ta có thời gian ngủ bù... Giờ đã hơn mười giờ rưỡi. Nhà thờ sắp điểm chuông.
Anh ta thu dọn mấy gói đồ ăn dở vào túi đoạn xách chai rượu đứng lên:
- Này...
Hoan ngẩng lên:
- Gì cơ?
Căng hỏi:
- Anh có hay nghe chuông nhà thờ không?
- Có.
Hoan đáp.
Căng im lặng vài giây rồi buông tiếng thở dài:
- Tôi chẳng phải dân theo Chúa... Vậy mà cứ mỗi lần nghe chuông nhà thờ tôi lại nhớ mẹ tôi... Nhất là tiếng chuông lúc nửa đêm.
Nói xong, anh ta sang buồng bên.
Hoan chưa bao giờ nghe Căng nói loại chuyện này nên vô cùng ngạc nhiên. Nhưng nỗi băn khoăn qua đi rất nhanh và nhu cầu thỏa mãn dục tình cuốn anh sang cõi khác. Anh lay cô điếm dậy để vào cuộc mới. Trái với vẻ mau mắn tòng phục mọi ngày, cô ậm ừ rất lâu, vừa như ngái ngủ vừa như khiêu khích trêu chọc anh, cùng một lần cô vừa không chịu thỏa mãn dục tình cho anh vừa kích thích để nó bùng cháy lên. Toàn thân Hoan căng thẳng bức xúc nóng rẫy. Anh gần như phát điên lên nhưng cố trấn áp vì không muốn có hành vi sỗ sàng với người đàn bà nhỏ bé, gầy gò trọng lượng chỉ bằng phân nửa cơ thể anh. Trạng thái ấy kéo dài tới lúc chuông thành phố đổ hồi. Cô điếm chợt giữ hai bàn tay anh lại, dõng cổ lên nghe chuông. Lần đầu cô có cử chỉ lạ lùng ấy. Phải chăng cô đã nghe Căng kể về tiếng chuông kí ức và câu chuyện buồn nào đó vừa được khơi dậy cùng các kỉ niệm đã vùi lấp dưới tro bụi thời gian, phía sau chân trời trầm luân của cõi giang hồ? Hoan thầm ức đoán vào lúc người đàn bà gân cái cổ xanh nhớt nổi đầy gân lên nghe hồi chuông đổ, cặp mắt giấy tô vẽ bất động. Khi hồi chuông ngớt, cô vươn tấm lưng với động tác mềm dẻo của loài rắn, choàng đôi cánh tay qua cổ Hoan vít đầu anh xuống và bằng những thao tác thành thục cô dẫn anh vào cuộc làm tình, tựa như hồi chuông kia là hiệu lệnh bí ẩn khiến cô biết cơn ham muốn của khách chơi đã lên tột đỉnh và đó là giây phút màu nhiệm để cô thực thi nghề nghiệp một cách hoàn hảo...
Vài khoảnh khắc sau, khi Hoan không còn biết đến bất cứ việc gì ngoài những xung lực dục tình cánh cửa buồng chợt bật tung đập một tiếng rầm vào tường. Tiếng động dội vào tai Hoan nhưng anh đang quay trong vòng quay khoái lạc như một con chuột bạch trong lồng thí nghiệm không thể ngừng bước nhảy trong bánh xe vì đã mất đà. Ðôi tay cô điếm siết chặt hơn như trói anh lại và Hoan chẳng còn biết tiếng đập cửa rầm rầm kia báo hiệu điều gì. Vài giây sau một luồng sáng chói gắt rọi thẳng vào cô điếm khiến cô ả phải nhắm nghiền cặp mắt. Lúc đó, có tiếng quát:
- Tất cả nằm im.
Cô điếm vụt kêu lên một tiếng khẽ:
- Úi trời...
Giọng đàn ông lạnh lùng lặp lại:
- Tất cả nằm im. Ðộng đậy là tôi bắn.
Hoan đoán kẻ lạ mặt đang đứng cuối chân giường, tay cầm súng, tay kia níu cây cọc gỗ mắc màn. Anh hé mắt. Ánh điện kéo bóng gã đổ trùm xuống giường, nơi cô điếm lẫn anh ở trong tư thế lõa lồ:
- Nằm yên. Ai bỏ chạy tôi bắn tức khắc...
Kẻ lạ mặt nhắc lại lần nữa. Lần này, Hoan nhận ra một chút gượng gạo, một chút thiếu thành thực trong cái giọng oang oang kia. Anh biết mình rơi vào bẫy nhưng chẳng mảy may sợ hãi. Ðiều duy nhất anh cảm nhận là bộ phận sinh dục của anh đã thay đổi khỏi trạng thái hưng phấn rất nhanh, nguội lạnh rất nhanh, rời bỏ thân thể người đàn bà và nỗi kinh ngạc khiến anh gần như đờ dại:
Lần đầu tiên ta vượt qua cơn căng thẳng mà không cần giải thoát. Cả đầu óc lẫn thân xác đều nguội lạnh trống rỗng. Cơ thể con người có thể thay đổi đường đột một cách lạ lùng...
Kẻ tống tiền lên tiếng lần nữa:
- Tất cả giữ nguyên vị trí... Ai nhúc nhích hoặc bỏ chạy tôi nổ súng...
Lần này, Hoan đã hiểu kẻ tống tiền là ai. Trong thời gian làm nghề buôn, anh đã chạm trán lũ giang hồ, bọn du thủ du thực lẫn đám đâm thuê chém mướn, thứ người anh có thể điều khiển bất cứ lúc nào một cách dễ dàng. Anh thuộc điệu bộ và ngôn ngữ của chúng. Chúng không thể ra một cái lệnh văn vẻ như vậy:
"Giữ nguyên vị trí..." Anh muốn bật cười nhưng đã kịp ghìm lại. Một cảm giác lạnh lùng khinh bỉ tràn ngập. Anh tự ngạc nhiên, tự kính phục mình vì sự bình tĩnh anh đang có. Sự bình tĩnh kèm theo lòng tự tin và ngạo mạn xứng đáng. Còn chút tò mò khiến anh đưa mắt nhìn gương mặt người đàn bà nằm bên dưới. Mắt cô ta cũng hé mở. Trong đôi mắt tô vẽ ấy lóe lên chút lằn trắng, một nửa đồng tử nhờ nhờ không ra đen không ra nâu. Chẳng mảy may sợ hãi.
Một màn kịch. Và người đàn bà này là kẻ a tòng... Ta mang trong ví bao nhiêu tiền nhỉ? Rất nhiều, rất nhiều... A, không. Trước khi đi ta đã giao cho chị Châu ba phần tư số tiền để nhận hàng. Ðêm nay tàu Ðà Nẵng chở hàng tới. May mắn làm sao...
Hoan nhớ lại phút anh bước khỏi cửa. Chị Châu đang gội đầu tóc ướt rũ rượi chạy theo gọi nhắc anh rằng đêm nay người ta mang hàng tới giao. Anh đã cười, xin lỗi, móc ví đưa cho chị:
Phải, chị ta đã lấy tiền, đã sắp xếp lại giấy tờ rồi đưa trả ví cho ta... Như thế, con khỉ Phi Châu này cùng ổ nhện nơi lầu xanh cũng chẳng may mắn cho lắm...
Ý nghĩ ấy khiến anh có đôi chút vui thú. Giờ, anh có thể quan sát kẻ đứng sau lưng mình nhờ những cử chỉ của y. Thứ quần áo y mặc là đồ dân sự nhưng con người y vẫn toát ra thứ mùi của những kẻ quanh năm suốt tháng mặc sắc phục. Hẳn y cũng đã lột quân hiệu quân hàm. Anh đoan chắc y thuộc loại trai quê mới qua trường đào tạo cảnh sát, được bổ nhiệm một thời gian đủ nếm mùi tiện nghi của cuộc sống thị thành, hẳn y là một trong số những kẻ vẫn lượn lờ trên đường phố dán mắt vào mọi thứ hàng hóa bày trong tủ kính với sự thèm thuồng không che đậy, giấc mơ tột đỉnh của họ là kiếm được một chiếc xe máy, mồi chài được một cô gái trong phố, thực hiện cuộc hôn phối thay đổi hộ tịch để sáng sáng được quyền ăn tô phở hoặc đĩa xôi trước lúc đến nhiệm sở thay vì gậm một bát khoai ngô rồi rong trâu ra ruộng cày như cha ông hàng trăm năm trước.
Không hiểu vì sao, anh bỗng thấy một nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi trong tim. Anh cất giọng ôn tồn:
- Tất cả tiền tôi cất trong ví. Chiếc ví đó ở túi quần dưới chân giường. Hãy lấy hết và đi cho nhanh kẻo đồng sự của anh bắt gặp thì hỏng chuyện.
Con khỉ Phi Châu đứng im, không một tiếng ho he. Hẳn y bối rối. Hoặc y sợ hãi. Giọng bình thản của anh, cuộc chơi ngửa bài quá dễ khiến y nghi ngờ. Hoan thấy đứng im lặng quá lâu, lại bảo:
- Tôi hiểu anh cần gì... Ðừng mất thời gian vô ích. Moi lấy tiền rồi đi đi. Nhớ để lại nguyên vẹn giấy tờ và những tấm ảnh của tôi.
Con khỉ Phi Châu bật một tiếng hừm trong họng. Ðoạn y dí nòng súng vào lưng Hoan:
- Nằm im. Nếu quay đầu là tôi bắn.
Hoan nói:
- Ðược thôi. Nhanh tay lên.
Người đàn bà ngọ nguậy bên dưới. Cô ta ngứa một bên đùi nên thò tay xuống gãi. Con khỉ Phi Châu đưa khẩu súng lên cao, tay kia quơ quắng mớ quần áo dưới chân giường. Hoan nghe tiếng y ném từng chiếc quần áo vào góc giường bên trong, tiếng y rút chiếc ví da của anh khỏi túi quần, tiếng sột soạt của giấy tờ khi y lọc lựa giữa các xấp bạc...
Bao nhiêu nhỉ? Lúc nhận tiền hình như chị Châu đã xếp mớ bạc lẻ trong ngăn ví nhỏ... Còn những tờ bạc lớn chị nhét vào ngăn ví lớn có những tấm ảnh của cha...
Hoan suy tính nhưng không nhớ nổi món tiền một cách chính xác. Tuy nhiên, anh biết chị Châu lấy đi ít nhất cũng ba phần tư số tiền để trả cho bạn hàng. Con khỉ Phi Châu đã lấy hết món tiền trong ví. Y nói:
- Anh nằm im. Mười lăm phút nữa mới được dậy.
Và y biến khỏi căn buồng.
- Mười lăm phút thì lâu quá.
Hoan nói vọng theo y đoạn ngồi dậy mặc quần áo trong lúc cô điếm kéo tấm chăn lên đến tận cằm:
- Khiếp, em sợ dựng cả lông tay lông chân. Thế mà anh cứ dửng dưng như không... Ðàn ông các anh ghê gớm thật...
Hoan nhìn gương mặt vêu vao, làn môi mỏng nhem nhếch son của người đàn bà, chán ngán đến tận đỉnh óc. Anh lẳng lặng quay lưng.
Xuống thang, anh theo những ngóc ngách đã quen thuộc trở về nhà. Hôm sau, Căng tìm anh từ sớm. Họ cùng đi ăn và uống trà. Có một hiệu trà nổi tiếng gọi là Hồng Hoa, chuyên bán thứ trà xanh sủi bọt uống lẫn mật ong đang được giới làm ăn có máu mặt trong thành phố ưa thích. Hoan muốn thưởng thức thú ẩm thực của người Tàu, một dân tộc sinh ra để buôn bán, có đủ tài năng và mọi phẩm chất cần thiết cho nghề nghiệp ấy. Quán trà Hồng Hoa chật hẹp như đa phần nhà cửa, hàng quán của người Tàu. Chỉ chừng hai chục mét vuông mà có tới mười bàn trà kê thành hai hàng dọc, khách uống ngồi trên những chiếc ghế đẩu mặt tròn lưng người nọ áp sát lưng người kia, mồ hôi thoát ra từ lưng người này có thể thấm sang lưng áo người khác. Một sự thân ái không được phép chối từ. Chiếc quạt lớn trên trần nhà xoay vù vù trong lúc các bình trà sôi sùng sục bên dưới. Uống trà Hồng Hoa tựa như xông nồi hơi khi bị cảm cúm, vừa uống vừa lắng nghe cơ thể nóng lên rừng rực nghe mồ hôi thoát ra khắp lỗ chân lông. Quán ầm ầm như chợ. Người nọ chưa uống xong kẻ kia đã chầu chực đứng chờ. Ðám bồi trà chạy từ đầu phòng tới cuối phòng, điệu nghệ như diễn viên xiếc, trên tay họ là những khay nhôm nhỏ đặt lò than hoa đang cháy lẫn bình chế nước, chỉ cần lỡ tay là cả lò than đỏ rực kia có thể đổ xuống vai người xuống cổ bất cứ ai trong đám khách chen chúc đặc căn phòng.
Hoan và Căng phải chờ mười lăm phút mới có bàn trống. Khi họ đã yên vị rồi, Căng lên tiếng hỏi: - Anh thấy dân Tàu có thiện nghệ không?
Hoan gật đầu:
- Có.
Căng nói:
- Thành phố này có tới năm quán trà. Quán nào cũng thênh thang phòng ốc, đủ cảnh trang trí, nhạc tân nhạc cổ vậy mà vẫn vắng tanh. Riêng quán lão Tàu già này từ sáng tới khuya không lúc nào ngớt khách. Ai cũng bảo lão ta có bùa. Thứ bùa đó tựa như bùa yêu. Ðặt chúng ở nơi nào, nơi đó thành nam châm hút nhân gian như hút mạt sắt.
- Tôi không mấy tin chuyện bùa bả trong việc làm ăm.
- Vậy anh tin họ được trời phù?
- Họ có thực tài. Trước hết vì họ có kinh nghiệm. Dân tộc Trung Hoa biết buôn bán từ thời thượng cổ. Họ biết đóng thuyền vượt biển, biết giá trị của đồng tiền trong lúc người Việt chúng ta còn suy tôn sự nghèo nàn thanh khiết và khinh bỉ những kẻ kiếm lời bằng con đường mậu dịch chứ không phải nhờ mùa màng hoặc bổng lộc quan chức. Sự lựa chọn từ đầu đã sai. Và người Việt phải trả giá cho sự sai lầm ấy.
- Vì biết rõ sai lầm của đám đông nên anh đã chọn nghề kinh doanh Hèn nào anh thành đạt đến thế.
- Tôi vào nghề này do tình cờ. Trước đây tôi sống một cuộc sống ung dung bằng nghề khác.
- Nghề gì vậy?
Căng dướn đôi mày nhìn anh, buông câu hỏi với vẻ cợt nhạo xen lẫn nghi ngờ. Nhưng bồi trà đã đặt trước mặt họ lò than hoa, bình trà với hai cái chiếc chén. Hoan lặng lẽ cầm bình trà, rót thứ trà sôi sục xuống chiếc chén sành miệng rộng đặt trên chiếc đĩa sành lớn, sù sì da cóc. Trà rót tới đâu, thứ bọt xốp màu vàng rêu nổi bồng lên tới đó, như đám bọt xà-phòng phủ kín miệng chén và tràn xuống chiếc đĩa bên dưới. Hương trà quyện lẫn mùi than hoa cháy đỏ tạo thành thứ mùi hỗn hợp vừa thanh tao vừa nồng nhiệt, vừa thoáng chút núi đồi xa vắng vừa là mùi phố phường chen chúc nơi đám đông vật lộn cạnh tranh giành giật một mảnh mồi. Hoan bưng chén trà lên nhấp. Anh hiểu vì sao thứ trà Hồng Hoa thu hết đám thị dân có máu mặt trong thành phố. Người đô thị khát sống, khát tiền, khát mọi thứ họ chưa có. Họ chẳng thể tách rời mảnh đất chật hẹp họ cư ngụ, bởi họ bị gông cùm vào khoảnh không gian ấy để vật lộn sinh tồn và bán linh hồn cho những ham hố. Dù là ngôi nhà bốn tầng hay gian buồng mười mét vuông thuê tháng hoặc tấm phản đơn đặt vừa đủ cái lưng cũng là khoảnh không gian máu thịt bất khả phân ly. Họ phải gắn chặt với không gian đó để thấy mình được tồn tại và đang tồn tại. Nhưng trong khoảnh khôn gian quen thuộc ấy, đôi khi họ mơ những giấc mơ đúng ngọ, họ hồi nhớ những kỉ niệm đã tan mủn lúc nửa đêm, tâm hồn họ bay lượn như loài chim câu nuôi bay lượn trước khi chui vào cửa chuồng. Người đô thị không chịu được khoảng rộng và những chân trời xa xôi. Họ thích uống trà Hồng Hoa vì mùi vị nó gợi nên thứ mùi vị của cuộc sống chen lấn, xô đẩy nơi phố phường, chút hương thơm nồng ấm của nó cho phép họ bay lượn vài vòng như loài chim câu nuôi chuồng vừa bay vừa liếc mắt nhìn ô cửa quen thuộc bên dưới... Một cảm giác an toàn, thật sự an toàn. Sự an toàn là điều con người mưu cầu trước hết...
Hoan uống thêm vài ngụm trà nữa, lắng nghe những cuộc chuyện trò ầm ĩ bốn bên. Một tấm lưng nóng rực, mập thù lù vừa huých vào lưng anh. Chừng phút sau, đùi người đàn bà nào đó lại cọ vào mé sườn bên trái, một cái đùi đã nhão nhoẹt nhưng xem ra còn đầy ham hố và cuộc va chạm giống như cuộc tìm thỏa mãn cố tình... Ðó, đời sống đô thị. Ðó, trà Hồng Hoa, thứ trà của những kẻ xích chặt cuộc đời với các quầy hàng, nơi các đồng tiền được đếm lúc ra lúc vào, những con số đổ rào rào như những quân mạt chược đổ trên mặt bàn sòng bài. Cái đời xốn anh đang sống và đang xa cách...
- Anh làm sao thế... Uống tiếp đi không nguội hết bây giờ?
Căng lên tiếng. Nhưng Hoan không nghe thấy. Anh ta lặp lại lần nữa rồi lấy tay gõ xuống mặt bàn:
- Uống đi đã, kẻo trà nguội mất...
Hoan giật mình ngẩng lên nhìn Căng. Chén trà của anh sắp nguội mà trà Hồng Hoa phải uống nóng, thật nóng cho tháo mồ hôi. Cái thể thức đó đã được Căng thực thi nghiêm chỉnh. Sơ-mi anh ta ướt đẫm, dán vào thịt. Hẳn anh ta đã uống nỗ lực ba bốn chén liền. Chẳng cứ thân thể mà ngay cổ và trán Căng cũng đang nhễ nhại mồ hôi. Anh ta thở từng hơi dài, hổn hển khoan khoái:
- Nhẹ cả người, sướng thật.
Hoan hỏi:
- Anh uống nữa không?
Căng ậm ừ:
- Thôi... thôi...
Nhưng rồi anh ta chuyển ý:
- Ðược, gọi cho tôi bình nữa.
Nói xong, anh ta nhếch môi cười:
- Không thấm tháp gì với mớ tiền bị cuỗm đêm qua.
Hoan vẫy bồi gọi thêm bình trà rồi hỏi:
- Lúc đó anh ở đâu?
- Tôi chuồn ngay tức khắc, sau khi thằng chủ quán mở cửa.
- Anh nói chính gã bán thuốc lá mở cửa sao?
- Vậy anh nghĩ ai có thể làm việc ấy?
- Tôi cũng biết đây là cuộc giăng bẫy nhưng tôi nghĩ chí ít gã cũng phải tránh mặt đi.
- Gã mở cửa rồi lỉnh xuống cầu thang... Mai đây nếu anh hỏi gã sẽ đáp rằng gã buộc phải làm điều đó dưới nòng súng.
- Còn thằng cá kia?
- Ðương nhiên đó là kẻ quen thuộc, kẻ vẫn chia chác món lộc thường xuyên với gã mặt lợn kia... Nhưng tôi cứ nghĩ mãi, chẳng hiểu sao chúng đặt ra trò này... Theo cách tính của những kẻ làm ăn mối lợi lâu dài và thường nhật thường được coi trọng hơn món tiền trấn lột...
Nói xong, Căng nhìn thẳng vào mặt Hoan dò xét. Tức khắc Hoan nhớ lại lời anh ta đã dặn anh về món lót dạ trên giường và hiểu cội rễ tấm kịch đêm qua là sự hào phóng của anh với ả giang hồ có đôi mắt chó giấy. Ý nghĩ ấy không lọt qua mắt Căng. Cũng như anh, Căng có tài đoán định trong giây lát và cặp môi nhàu nhĩ nứt nẻ như môi người già của anh ta nhoành ra trong nụ cười mai mỉa:
- Chẳng ai chùi đít bằng đồng tiền vàng cả... Chùi thế, rách lỗ đít cũng đáng thôi.
Rồi anh ta lắc đầu nói tiếp:
- Thật không sao hiểu nổi... Một người khôn ngoan bậc nhất như anh. Một gã óc có sỏi thép bên trong chứ không phải đá cuội nhặt dọc đường... Hay anh bị ma ám?
Hoan không đáp. Anh né vai để cậu bồi đặt xuống lò than hoa mới lẫn bình trà mới. Như lặp lại một thể thức tế lễ anh giơ cao bình rót trà, đợi tầng bọt dâng lên. Chẳng hiểu sao, trong lớp bọt màu vàng rêu đó anh chợt nhìn thấy nương vườn trang trại của anh trên Xóm Núi thấy những con đường viền cỏ, những rặng rào đọng đầy sương, những vòm cây ngả nghiêng trong chiều gió. Anh thấy người đàn bà anh yêu. Anh thấy dâng lên làn sương mù quen thuộc vẫn dâng đầy các thung lũng miền đất cũ. Anh nhớ hơi ẩm lạnh những buổi chiều mời mọc gối chăn... Hoan bưng chén trà, nhìn mãi đám bọt nước, đợi từng hạt bọt tan dần, lúc lâu sau mới đưa lên môi nhấp. Căng vẫn uống sùng sục, vừa uống vừa đưa mắt nhìn anh. Căng chưa tìm được đáp số cho bài toán. Bứt rứt, băn khoăn vì không hiểu sao một kẻ buôn bán sừng sỏ nhất xứ lại có thể hành động ngu xuẩn như vậy? Nhưng Căng không hỏi gì thêm, biết Hoan đang để tâm nơi khác. Họ uống cạn bình trà thứ hai đã tám rưỡi sáng. Cuộc ẩm thực ban mai tiêu phí hơn hai tiếng đồng hồ. Căng thở dài sượt một tiếng:
- Tôi mất việc sáng nay vì lỡ sa vào thú hưởng lạc với anh.
Nhưng vừa nói xong, anh ta lại chép miệng tự an ủi:
- Nhưng thôi, thây kệ... Ðôi lúc cũng phải tự cho mình sướng một chút. Chẳng mấy chốc cũng hết đời...
Hoan nghĩ:
Anh ta đếm từng ly thời gian, cũng như đo từng phân bạc dành dụm trong két... Nhưng biết đâu anh ta chẳng sung sướng hơn mình?
Một đứa bé bán bánh rán rong lách vào tận chỗ họ ngồi mời. Căng lựa vài chiếc bánh tròn đa lên, lắc lắc cục nhân đậu xanh ngào đường và dừa nạo bên trong:
- Lần đầu tiên ăn thứ bánh rán này tôi đã bội thực. Khi tôi còn nhỏ mỗi lần mẹ tôi đi chợ cả năm anh em quanh quẩn trước ngõ đợi quà. Thứ quà ngon nhất bà mua cho chúng tôi là gói kẹo bi xanh đỏ và tấm bánh đa vừng. Chúng tôi chia nhau tấm bánh, đứa nào đứa hau háu nhìn xem phần mình to hay nhỏ và lỡ hạt nào rơi xuống đất thì phải cúi tìm bằng được bỏ vào mồm. Lúc tôi lớn lên kiếm được tiền giấc mơ thứ nhất là được ăn một bữa chán chê bánh rán... Chính bữa đó, tôi bội thực.
Anh ta cười, nước mắt chảy ra. Vệt hằn trên chóp mũi như sâu hơn lên và có màu đỏ của các tia máu. Tiếng cười của Căng khiến Hoan mủi lòng nhưng anh lặng im uống trà. Chờ Căng ăn xong chiếc bánh thứ ba, anh hỏi:
- Phải ăn bao nhiêu chiếc bánh rán mới bị bội thực?
- Ba mươi hai cái cả thảy. Sau đó tôi uống nước như trâu, chẳng ngờ đường còn làm người ta khát nước hơn muối. Tôi chẳng ăn gì nữa trong ngày hôm ấy. Ngày hôm sau cũng chỉ uống trà. Sáng ngày thứ ba mới ăn trở lại bát cháo đậu xanh...
Nói tới đó, Căng ngừng lời chiêu nốt chén nước trà và chỉ mấy chiếc bánh trên đĩa:
- Sao anh không ăn?
- Tôi no.
- Dạ dày anh chẳng nhỏ hơn bao tử của tôi. Nhưng với một công tử gốc rễ như anh thứ quà tầm thường đó chẳng xứng...
Căng lại cất tiếng cười và lần này giọng cười chứa đầy ghen tuông độc địa. Hoan định nói cho Căng hiểu rằng anh cũng đã từng qua những thời kì thiếu thốn, tuy chẳng đến nỗi bần hàn như anh ta nhưng cũng là một cuộc sống đạm bạc trong xã hội phân phối từ lạng thịt cho tới cân gạo. Tuy nhiên, những thiếu thốn vật chất không để lại những ấn tượng lâu dài và sâu sắc trong anh. Nhưng Hoan biết có nói cũng vô ích. Căng là loại người không nghe ai không tin ai và bị cùm trói trong những nghiệm sinh của chính gã. Gã không tin trên đời có kẻ ít ham tiền hơn ít coi trọng tiện nghi ít sùng phục đời sống thị dân hơn chính bản thân mình:
Tại sao càng ngày ta càng dấn sâu vào mối quan hệ này? Căng chẳng bao giờ có thể trở thành bạn của ta theo ý nghĩa thông thường của từ đó...
Hoan thầm nghĩ khi nhìn Căng rút trong túi áo một tờ báo, xé lấy một mảnh nhầu rồi đưa lên lau miệng. Anh nhớ lần nào đó đến nhà Căng thấy anh ta bầy trên tủ bát đĩa một xấp hai ba chục chiếc khăn tay còn nguyên nếp hồ. Anh hỏi Căng ý định buôn thêm mặt hàng này chăng, Căng trả lời rằng anh ta vốn không có thói quen dùng mù-soa nhưng anh ta sẽ tập dần cũng như trước đây anh đã tập thắt cà-vạt. Căng đã thuộc bài tập thứ nhất nhưng bài tập thứ hai chưa thành. Cứ xem điệu bộ anh ta vò tờ báo lau mồm chắc hẳn dăm bảy năm nữa chồng mù-soa trong tủ cũng sẽ còn nguyên:
Nhưng tại sao mối quan hệ giữa ta với Căng càng ngày càng dày đặc? Không thể nói là khăng khít nhưng rõ ràng số lần lui tới đã tăng theo cấp số nhân. Và ta biết rõ anh ta là ai. Vừa sợ vừa ghen, vừa thân thiện vừa thù ghét, đó là toàn bộ màu sắc tình cảm của Căng đối với ta. Bao trùm lên hết thảy là sự thèm muốn. Anh ta rượt đuổi thành công như sói đói đuổi mồi, càng đuổi càng mất tăm, càng đuổi càng hụt sức...
Căng không biết những ý nghĩ của Hoan. Lau xong miệng, anh ta ngẩng lên hỏi:
- Ðêm qua anh mất bao nhiêu?
- Tôi không rõ con số đích xác.
- Anh không biết trong ví anh có bao nhiêu tiền? Vậy mà anh lại là người sống bằng nghề buôn bán? Anh nói thật hay bỡn vậy?
- Tôi không có ý định nói bỡn. Chẳng qua trước khi đi với anh tôi đã đưa ví cho chị tôi lấy tiền trả tiền hàng. Tôi chẳng rõ chị ấy đã để lại bao nhiêu... Nhưng có lẽ món tiền ấy cũng mua được năm hay sáu cây vàng, nếu anh muốn lấy vàng làm đơn vị tính...
- Năm hoặc sáu cây vàng?
Căng chồm qua mặt bàn, hỏi lại Hoan, giọng anh ta lạc đi một cách đột ngột và đôi tròng mắt lác xệch. Gương mặt Căng hiện lên vẻ căng thẳng thường chỉ có khi anh ta tìm cách bắt mối hàng hoặc rủ rê anh vào một cuộc buôn chung mà Hoan biết rõ Căng chỉ góp một phần năm vốn nhưng bao giờ cũng đòi hưởng món lời trước tiên và gạt mọi khả năng rủi ro sang phần anh. Hoan đã nhiều lần chấp nhận kiểu làm ăn đó với tâm lý kẻ bề trên, kiểu một võ sĩ siêu thặng chấp nhận cuộc tỉ thí vô điều kiện cùng một lần với ba võ sĩ hạng gà. Chính anh cũng không hiểu được mình. Phải chăng vì Căng đã dẫn anh tới chốn lầu xanh, giải quyết thứ nhu cầu sinh vật đang hành hạ anh vào đúng khoảnh khắc anh vô cùng khốn khổ và nhờ giọng lưỡi trơ trẽn của Căng mà anh đã vượt qua được những mặc cảm một cách dễ dàng? Có thể... Nhưng còn một lý do quan trọng hơn, anh thích tiếp cận với một kẻ hoàn toàn trái ngược mình, thứ cảm giác hệt như đứa bé sợ ma nhưng lại thích nghe chuyện ma. Có lẽ, nhờ đối mặt với những thực thể xa lạ, những bản tính trái ngược nên ta có cơ may nhìn lại mình, dò tìm những vùng tối ẩn nấp trong tâm hồn mà khi sống với những người có cùng phẩm chất ta không thể nhận biết.
- Sao, anh không nhầm đấy chứ? Năm hay sáu cây vàng?
Căng hỏi lại lần thứ hai, cao giọng hơn và đường gân nơi thái dương anh ta phập phồng. Hoan bảo:
- Tôi không nhầm đâu. Tôi biết chị tôi lấy chừng ba phần tư số tiền trong ví.
Mặt Căng bỗng tái xanh và anh ta cất tiếng, gần như nghẹn ngào.
- Anh có biết em gái tôi đã phải bán mình với giá bao nhiêu không?
Hoan không biết nói sao. Anh thấy vẻ đau khổ hiện trên gương mặt méo xẹo của người bạn buôn và anh cúi xuống. Căng kéo tay khỏi mặt bàn, ngồi xuống ghế. Anh ta đưa mắt nhìn vào khoảng trống, nơi khói thuốc và khói trà hòa quyện nhau, và đám bồi lượn đi lượn lại như lũ dơi ngày. Và rồi hạ giọng thì thầm, anh ta vừa như nói với Hoan vừa như nói với chính mình:
- Nó là đứa con gái xinh xắn, còn trinh, mới mười sáu tuổi... Tôi nhớ cả ngày sinh của nó lẫn ngày nó phải làm cái việc nhơ nhuốc đó để lấy tiền mua thuốc cho cha tôi. Nó nhận được nửa chỉ vàng. Và kẻ mua dâm là một gã lái trâu, già ngang tuổi cha tôi, chuyên nghề mua trâu bò vùng sơn dã xuống huyện bán...
Hoan không biết nói gì. Anh tiếp tục châm thuốc lá, đợi cơn phẫn uất của Căng dịu đi. Anh biết những cơn phẫn uất kiểu ấy đã biến thành một phần con người Căng từ rất lâu, một phần da thịt, xương máu. Nó chỉ có thể được che giấu hoặc phơi bầy, chẳng bao giờ mất. Căng lại cầm bình rót trà. Kể xong câu chuyện mặt anh ta tím ngắt. Anh ta uống liền hai chén trà. Rồi đặt chén xuống bàn, anh ta cười:
- Tôi đưa anh đi chơi.
Hoan ngơ ngác hỏi lại:
- Chơi đâu vào lúc này?
Căng vẫn giữ nguyên nụ cười, gương mặt đã mất đi vẻ căng thẳng trở lại vô cảm như thường nhật:
- Chơi điếm ngày... Hôm nay ta đổi món. Coi như bù lại chầu lỡ dở đêm qua. Anh khỏe chứ?
- Bình thường... Nhưng tôi không muốn.
- Anh đừng ngại. Chúng ta đi đường vòng và sẽ chẳng người quen nào nhìn thấy đâu.
- Tôi không tiếc anh, nhưng ban ngày ban mặt...
- Anh xấu hổ à? Chúng ta không còn ở tuổi mười lăm.
- Nhưng...
- Tôi xin anh. Tôi xin anh đấy. Ðây là lần đầu tiên tôi xin anh. Những lần trước anh cần. Lần này tôi cần. Thuận tình đi vì như thế là lẽ công bằng.
Anh ta nói, giọng nghiêm nghị, cái nhìn khẩn thiết. Hoan chẳng còn cách nào hơn là im lặng chấp thuận. Anh gọi bồi trả tiền trà và họ rời quán Hồng Hoa lúc xấp xỉ mười giờ. Tới vỉa hè, Căng gọi hai chiếc xích lô. Căng ngả giá với phu xe như một mụ già keo kiệt rồi bảo Hoan lên chiếc xe sau, còn anh ta ngồi xe trước dẫn đường. Trời đã sang thu nhưng còn nắng, người phu xe giương mui xe lên che khiến Hoan có cảm tưởng như anh là bệnh nhân rời viện hoặc sản phụ sau khi sinh nở. Hoan thấy xấu hổ nhưng không dám yêu cầu hạ mui xe xuống vì nhìn phía trước Căng cũng đã giương mui xe lên xe, chiếc mui xe ấy lại may bằng vải hoa sặc sỡ khiến nó giống như xe quảng cáo cho gánh cải lương phố huyện. Anh đành ngồi yên trong xe, cầu Trời khấn Phật đừng gặp ai quen dọc đường. Không bao lâu họ tới khu ngoại ô. Hoan nhận được cùng một kiểu kiến trúc vá lắp phản thẩm mỹ, những ngõ nhỏ chỉ vừa đủ lách vừa hai bánh xe xích-lô, những góc sân chất đầy đồ phế thải và các đống rác chưa hót... Họ dừng lại trước một quán cà-phê nhỏ:
- Tới nơi rồi, anh vào trước đi.
Căng bảo anh rồi lấy tiền trả hai người phu xe. Hoan rảo bước gần như chạy vào quán. Anh ngồi xuống ghế, cất tiếng hỏi theo thói quen khi đặt chân tới quán lạ:
- Ở đây có những đồ uống gì?
- Ở đây có những thứ mà nơi khác có...
Giọng đáp chỏng lỏn tức thì của chủ quán khiến anh sửng sốt.
Anh ngẩng đầu nhìn vào phía quầy hàng và nhận ra người đàn bà có gương mặt tàn úa ngồi sau mẹt hàng đêm đêm. Chị ta vẫn trùm chiếc khăn hoa trên đầu dù trời không lạnh. Dưới ánh sáng ban ngày những nếp nhăn chi chít in trên gò má màu vàng chanh.
- A... a...
Hoan bất giác bật tiếng kêu. Người đàn bà nghiêng đầu cười:
- Có gì là lạ?
Giọng chị ta khàn khàn. Trong buổi mai nắng rỡ, thanh âm đó gợi một nỗi buồn chẳng thể gọi tên. Hoan không dám nhìn thẳng mặt chị ta, e những nếp nhăn bệnh hoạn khiến chị tủi hổ. Anh đành đưa mắt nhìn vẩn vơ khắp căn phòng. Quán nhỏ và lộn xộn. Tường không trát phẳng treo những tấm tranh đầy bụi một khóm hoa nhựa ám khói đen sì, vài dãy chai nước ngọt bày trong tủ kính và chiếc cát-sét cũ hát điệu hát cũ:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Ðể một mai vươn hình hài thức dậy...
Giọng nữ ca sĩ méo đi vì cuốn băng tồi vì máy hỏng hoặc vì những bài hát cũng giống mùa hoa phải tàn úa theo thời gian. Câu hát cũ xiêu vẹo như bước chân đám hành khất trên con lộ vắng và đôi mắt người đàn bà có gương mặt đầy vết nhám nhìn anh tựa như cặp mắt thủy tinh của một pho tượng què cụt trong ngôi miếu hoang đổ nát ven đường.
- Nào, uống gì? Chị ta cất tiếng hỏi.
- Cho tôi ly nước chanh. Hoan đáp.
- Khẩu vị đàn bà. Chị ta bình luận.
Hoan không trả lời. Chị ta quay lưng vào trong quầy pha nước. Chiếc thìa khua lanh canh, lanh canh. Lúc đó, Căng bước vào:
- Anh uống gì nữa vậy?
- Nước chanh.
- Chẳng cần phải uống cho ỏng bụng. Chúng ta ngồi đây vài phút nữa thôi.
Nói đoạn, anh quay về phía người đàn bà nói:
- Dẫn chúng tôi đi, Thu Cúc.
Gương mặt tàn úa quay ra:
- Ði ngày?
- Phải.
- Chưa đủ mùi hay sao?
- Chưa đủ.
Căng đáp và sau một thoáng ngẫm nghĩ hỏi tiếp:
- Chỗ quen thuộc sao đêm qua không báo động?
- Tôi đã nói rồi, óc đặc thì chết.
Người đàn bà đáp đoạn bưng ly nước chanh đặt trước mặt Hoan.
Căng nhìn chị ta hồi lâu rồi cất tiếng à...:
- Nhớ rồi, nhớ rồi... Nhưng lúc đó tôi chẳng lường được...
Người đàn bà cười, cặp môi thưỡi ra:
- Phải học lấy chữ lường...
Ðoạn chị ta thong thả bước trong gian phòng, vẻ như một cô đào trước màn trình diễn, vừa đi vừa cất tiếng ngâm nga:
Thế gian ai học được chữ lường.
Dẫu rằng dày dạn chín mười phương.
Vẫn còn một lối chưa thông tỏ...
Căng ngắt lời:
- Thôi, chọc ghẹo thế đủ rồi. Gọi lão gù sang trông hàng rồi đưa chúng tôi đi.
Người đàn bà không tỏ ra phật ý cũng chẳng tỏ ra ưng thuận, chị ta lẳng lặng rời khỏi gian hàng qua đường sang dãy phố bên kia. Ở đó, chị ta tiếp tục đong đưa đôi vai gầy và tấm thân cứng ngẳng trong một ngõ hẹp có rất nhiều tấm tôn chìa ra như những mái hiên. Căng trầm ngâm nhìn theo và nói:
- Ðêm qua cô ả cất tiếng mời chúng ta ăn mực. Ðó là cách báo hiệu hiểm nguy mà tôi quên khuấy mất... Lỗi tại tôi, óc tôi lú quá rồi...
Hoan hỏi:
- Ăn mực là dấu hiệu rủi ro? Lần đầu tôi nghe chuyện ấy.
Căng khoác tay phác một cử chỉ bất bình:
- Lạ thật, chuyện vặt ấy sao anh không biết? Người ta thường vẫn nói: Ðen như mực. Ðối với khách chơi hoa, nói như vậy có nghĩa là bể ống khói hoặc bị lũ ma cô hành hung. Tôi biết điều này nhưng vì chưa từng bị trầy da sớt thịt nên vô tình quên mất... Quả tình, Thu Cúc rất tốt với chúng ta...
- Thu Cúc? Tôi trông người đàn bà này chẳng có vẻ Thu Cúc lẫn Ðông Cúc... Vì sao chị ta có cái tên điệu đàng như vậy?
- Anh nhầm. Chị ta vốn là con nhà tử tế và cái tên ấy là do cha mẹ đặt cho. Ðáng lẽ chị ta phải là bà chủ, còn hai con đàn bà vẫn ngủ với chúng ta chỉ đáng làm đầy tớ... Nhưng cuộc thế xoay vần... Một người luôn may mắn như anh chắc không hiểu được cái chữ oan nghiệt đó...
Hoan lặng thinh. Căng có lý. Thực ra cuộc sống của anh không thăng trầm như nhiều kẻ khác. Anh chưa từng ra tù vào tội, chưa từng bị đói khát, hành hạ, sỉ nhục, chưa từng lết trong rãnh bùn của cuộc mưu sinh... Căng nói tiếp:
-Thu Cúc vốn không đẹp nhưng ở tuổi xuân chị ta sang trọng và duyên dáng. Biết gảy đàn, biết hát, biết đánh bóng và chơi bài. Nếu trời thương hẳn người đàn bà ấy chẳng phải kéo dài kiếp sống nơi đây... nhưng có mấy người được trời thương? Dù Chúa hay Phật tình thương cũng chỉ đủ phát cho con số lẻ, còn đa phần chúng sinh ở ngoài rìa ơn mưa móc.
Nói tới đó, Căng ngoảnh đầu ra cửa:
- Thu Cúc đã quay lại với lão gù, chúng ta đi thôi.
Hoan đứng lên. Câu chuyện khiến anh tò mò. Anh chăm chú nhìn người đàn bà đang tiến đến trước mặt mình dò tìm một lịch sử bí ẩn phía sau hình dạng tầm thường ấy. Chị ta cúi đầu khi bước sang đường. Tấm khăn phủ in những hình kỉ hà xen những bông hoa lớn với gam màu quyến rũ. Cổ đeo sợi dây mảnh bằng bạc. Tất cả có vậy thôi. Một cách trang điểm giản đơn, độc đáo. Ngoài ra, anh chẳng thấy gì khác biệt. Quần áo chị ta mặc là thứ quần áo bình thường của những người đàn bà cỡ tuổi bốn mươi. Ði sau chị ta là một lão già thấp đen có bướu lưng. Một người gù đúng nghĩa. Gù dị tật như Quasimodo trong cuốn Thằng Gù ở nhà thờ Ðức Bà của Hugo, nhưng với gương mặt choắt, chòm râu dê và cặp mắt ti hí kiểu Mông Cổ. Lão gù bước những bước ngắn nhanh thoăn thoắt, và luôn luôn giữ đúng cự ly cách người đàn bà chừng hai bước chân.
Căng đứng đón họ ngay trước cửa:
- Anh trông hàng nhé, chúng tôi đi ngay đây.
Lão gù gật đầu:
- Ðược, Thu Cúc sẽ đưa các anh đi... mọi sự ổn cả thôi.
Lão bước vào gian hàng. Căng kéo Hoan đi theo người đàn bà. Họ đi xuôi dãy phố chừng hai trăm thước đoạn rẽ vào một ngõ nhỏ còn hẹp và lởm chởm hơn cái ngõ nhỏ nơi người đàn bà đi gọi lão gù. Một thứ ngõ được tạo dựng bởi những căn nhà lắp ráp từ đủ thứ vật liệu: mảnh tôn, ván gỗ, giấy lợp, bìa các-tông, săm lốp xe ô-tô cũ. Căn ngõ đó dài đặc với rất nhiều ngả rẽ khiến Hoan lo ngại. Anh chắc nếu bị bỏ rơi ở nơi đây anh sẽ chẳng tìm được lối ra và sẽ làm mồi cho một băng cướp ngày hoặc một bọn chém mướn nào đó...
Mình thật dại dột... chẳng lý do nào khiến ta phải dấn thân vào chốn này.
Căng đi trước, chừng như đoán được ý nghĩ của anh nên quay lại:
- Ðừng sợ, tôi biết cả lối vào lẫn lối ra...
Ðoạn anh nhe răng cười và nói thêm:
- Có thể tôi rành khu này hơn cả lũ trộm cắp. Cứ yên tâm.
Họ đi như thế chừng nửa giờ và sau rốt, anh nhìn thấy cây cầu thang quen thuộc, cây cầu thang ghép bởi những tấm gỗ chưa bào thường rên rỉ oằn oại dưới những bước chân nặng trĩu của anh.
Người đàn bà dừng lại trước chân cầu thang:
- Tôi về được chứ?
Căng gật:
- Cũng được...
Nhưng chị ta vừa đi được vài bước, Căng gọi giật lại:
- Thu Cúc, hôm nay xuống đòn ân oán giang hồ, có muốn xem thì ở lại.
Chị ta gật:
- Ra thế... ờ, thì xem.
Nói xong chị vòng ra phía cầu thang chui vào căn buồng bên dưới. Họ nghe tiếng kẹt cửa, tiếng dép lê trong phòng. Căng kéo tay Hoan lên cầu thang:
- Nào, theo tôi.
Lần đầu Hoan nhìn quang cảnh căn nhà chứa dưới ánh sáng ban ngày và sự xấu xí bẩn thỉu khiếp hãi của nó làm anh rùng mình. Căng đang nghĩ chuyện gì đó, im lặng. Khi tới trước cánh cửa buồng anh ta mới chợt như sực tỉnh cơn trầm tư và giơ tay gõ:
- Ai đấy?
Có tiếng hỏi vọng ra. Căng không trả lời nhưng dang tay đập mạnh khiến cánh cửa rung ầm ầm.
- Chờ tôi chút xíu...
Lại có tiếng người đàn bà cũ vọng ra. Có tiếng guốc lê vội vàng và sau đó, cửa mở. Người xuất hiện trong đó là cô gái điếm thường qua đêm với Căng. Cao lớn, gương mặt lầm lì, mắt xếch, tóc đen và rậm, trông cô ta lực lưỡng hơn đồng nghiệp nhiều. Chẳng mảy may tức giận, cô ta giương mắt nhìn Căng:
- Hôm nay anh rảnh sao?
Căng gật:
- Rảnh... không rảnh cũng bỏ việc. Con Hồng có trong kia không đấy?
Cô ta gật đầu:
- Có. Chị ấy đang ngủ.
Căng bảo:
- Ðược rồi. Trở lại giường của em đi, lát nữa sẽ có việc.
Người đàn bà đáp:
- Em chờ.
Giọng nhẹ nhàng êm dịu trái ngược hoàn toàn với thân hình vạm vỡ. Hoan hỏi Căng:
- Tại sao lại là Hồng? Cô ta vẫn nói với tôi tên cô ta là Thanh Huệ?
- Nay nó là Thanh Huệ, ngày mai nó là Bích Hồng ngày kia nó là Kim Chi ngày kìa nó là Ngọc Diệp... làm sao anh biết được tên thật của một con điếm? Nhưng thôi, quên cái chuyện tầm phào ấy đi, vào đây với tôi.
Anh ta hất tấm màn kéo Hoan vào gian buồng bên phải, gian buồng của người đàn bà có đôi mắt chó giấy, cái lưỡi ma quỷ có tên Thanh Huệ, thứ hoa thanh khiết nhất trong các loài hoa... nàng Thanh Huệ của anh đang ngủ, gương mặt lau phấn son bợt như mặt kẻ hậu sản thiếu ăn, miệng há hốc để lộ những chiếc răng thưa thớt. Mấy lọn tóc xõa trên mặt gối thứ gối trắng ngả màu loang lổ vết nước dãi không giặt sạch. Tấm vải trải giường nhàu nát lâu ngày chưa thay và mấy tấm khăn bông cuộn như nùi giẻ lau dưới chân giường...
Mình đã từng nhiều lần nằm trên chiếc giường kia, với người đàn bà xấu xí dơ dáy kia, da thịt mình trong da thịt cô ta và hơn thế nữa...
Hoan rùng mình. Nỗi hổ thẹn nhục nhã trào lên khiến mặt lẫn gáy anh nóng bỏng. Nhưng Căng không để cho anh có thời gian tra vấn lương tâm. Cúi xuống giường, anh ta nắm cổ cô điếm dựng dậy:
- Mở mắt ra... mở mắt ra, con đĩ.
Người đàn bà oằn oài dưới bàn tay Căng, miệng làu nhàu:
- Ai thế? Ai thế? Làm gì mà ngậu lên thế?
Nói xong cô ta lại đổ kềnh xuống giường vì không cưỡng lại được cơn buồn ngủ.
- Mở mắt ra.
Căng quát to:
- Mở mắt ra. Mày ngủ thật hay ngủ vờ? Dù thật hay vờ tao cũng sẽ lôi mày dậy.
Nói đoạn, anh dang tay tát vào mặt cô ta năm sáu cái liền. Tát phải rồi tát trái, mặt người đàn bà lật như tấm bánh rán đảo trong chảo mỡ. Hoan sững sờ. Anh không dè Căng cư xử như vậy. Lần đầu đưa Hoan tới đây anh ta đã mơn trớn cô điếm thật khéo léo nhẹ nhàng:
"Này em, giao bạn vàng của anh cho em đấy nhé... hãy trổ tài chiều anh ấy hết ga hết số, bọn anh không để em thiệt đâu..."
Căng nói vậy đoạn vuốt lưng cô ta với cử chỉ âu yếm của tình nhân.
- Bốp, bốp...
Hai cái tát cuối cùng, như dấu chấm cho câu gọn gàng chuẩn mực về ngữ pháp. Mặt người đàn bà đỏ dừ, vì quá đau vì quá đột ngột cô ta không thể cất tiếng kêu cũng không tìm được cách chống đỡ, cô ta buông mình như tàu cải héo dưới bàn tay Căng. Khi anh ta dừng lại, cô ta mới mở được mắt ra. Ðưa tay ôm mặt, người đàn bà rên rỉ:
- Ôi trời, đau quá mẹ ơi...
- A, mày cũng biết kêu mẹ cơ à? Mày cũng biết đau à? Vậy khi mày gài bẫy cho bọn cá trấn tiền của người ta khác có biết người ta cũng đau xót như mày hoặc còn hơn mày không?
Gương mặt người đàn bà bắt đầu hiện lên những nốt lằn tay, các vạch đỏ nổi gờ chồng chéo nhau trên cặp má không lưỡng quyền. Chiếc cằm cô ta như mũi tàu thủy, nhọn hoắt lì lợm dưới đôi tai chuột đeo hạt trai giả. Hoan nhìn rõ những sợi gân máu phập phồng trên cổ cô ta. Anh muốn bảo Căng dừng tấn trò tại đây và đi về nhưng anh biết điều đó là bất khả. Anh đành đứng nhìn màn kịch tiếp tục diễn ra trên cái sân khấu thảm thê anh vừa đóng vai kẻ chứng kiến vừa dễ bị ngờ là kẻ chủ mưu một cách oan uổng. Cảm giác đó khiến anh bứt rứt.
Căng vẫn nắm chặt gáy người đàn bà, ghé sát vào mặt cô ta tra vấn:
- Mày được bao nhiêu phần trăm, thằng chủ mày bao nhiêu phần trăm trong sáu cây vàng? Nói ra không tao đập cho nát mặt. Thằng chủ mày không dám bênh vực còn thằng cá kia xong việc cắp đít cao chạy xa bay rồi... giờ đây nó đã diện sắc phục đeo lon đeo hàm trở lại làm người chiến sĩ bảo vệ an ninh người cảnh sát của nhân dân... mày có gào lên giữa bốn bức tường này cũng vô ích.
Cô điếm im như thóc. Hoan biết Căng có lý. Cô ta không dám và không thể kêu cứu. Tất cả những kẻ sống cuộc sống giang hồ đều phải chịu đúng luật chơi. Họ cướp bóc kẻ khác trong bóng tối và bị kẻ khác cướp bóc hoặc truy sát cũng trong bóng tối. Họ có thể thắng bại, sống hay chết nhưng không thể kêu cứu. Thế giới đen hệt đời sống của thú hoang. Không có tín hiệu S.O.S. Nhung nhúc người và hoang vu hơn sa mạc. Ở đó, tình thương là thứ thừa. Vậy mà anh cảm thấy thương hại người đàn bà đã gạt anh vào tròng, đã lạm dụng lòng tốt của anh một cách giảo quyệt và tàn nhẫn. Cô ta đang vặn vẹo toàn thân dưới những ngón tay sắt của Căng, cố sức gỡ nắm tóc đang bị kéo giật về phía sau và càng lúc càng xoắn lại:
- Trả lời tao, bọn chó thí cho mày bao nhiêu?
- Ối chao, ối chao ơi...
Cô ta tiếp tục rên rỉ, coi đó là phương sách duy nhất có thể cứu gỡ trong tình cảnh này. Sự im lặng thú nhận. Nhưng Hoan không thấy căm giận kẻ tội đồ:
Rõ ràng cô ta gài bẫy hại ta. Nhưng đó là sự mưu sinh của kẻ cùng đường. Hoàn toàn chẳng giống trò lừa gạt của mẹ con bà Kim Lan ngày trước...
Anh nhớ màu rượu vang trong những chiếc ly thủy tinh Bô-hêm, hai mẹ con bà trưởng cửa hàng xúng xính váy áo và cái kí ức khiến anh động tâm trước người đàn bà rạc rài khốn khổ đang bị hành hạ trước mắt mình.
Không, ta chẳng có chút uất hận nào trong sự rủi ro này... ta có mất một số tiền, nhưng chẳng ai xúc phạm danh dự, làm tổn thương tâm hồn ta. Cái đó, mới chính là thứ cần bảo trọng. Ta không thể đứng ở đây, chứng kiến màn kịch tồi tệ này...
Anh cất tiếng:
- Này Căng, tôi có việc.
- Không.
Anh ta nói gần như quát:
- Anh không cần bố thí lòng nhân đạo với loại chó cái này. Cách đây nửa năm, nó cũng đã lừa một khách chơi cho bọn ma cô trấn. Ðể tôi ra đòn cho nó biết luật lệ.
Hoan nhắc lại:
- Tôi có việc. Tôi phải về.
Căng cười nhạt:
- Anh không thể về theo lối quen vì sẽ chạm trán nhiều người. Giờ đang lúc nửa trưa và gần hết dân thành phố biết mặt anh. Còn lối vòng qua hẻm ngoài Thu Cúc với tôi chẳng ai đưa anh đi nổi... liệu anh có dám mò mẫm trở về một mình chăng?
Hoan im lặng. Anh biết anh không thể. Anh là kẻ có máu mặt trong thành phố, chắc chắn những ổ lưu manh trộm cắp lẫn những gã tài tử đói ăn đều muốn chờ cơ hội tốt để ra tay. Là một ông chủ lớn nhiều khi cũng phiền phức...
Thấy Hoan không nói gì thêm, Căng hạ giọng tiếp:
- Thôi được, lát nữa chúng ta sẽ về... tôi kết thúc trò chơi thật nhanh cho anh được giải thoát.
Dứt lời, anh ta cất tiếng gọi:
- Thu Cúc, Thu Cúc...
- Tôi đây.
Có tiếng đáp tức khắc và người đàn bà trùm tấm khăn hoa bước vào.
- A... a... a... a...
Một tiếng thét xé lên, âm thanh chói sắc như lưỡi lam rạch đôi màng nhĩ và Hoan thấy cô điếm đang quằn quại dưới bàn tay Căng vụt chồm về phía trước. Bằng bước nhảy của loài hổ vồ mồi cô phóc tới chụp cả hai bàn tay lên gương mặt kẻ mới đến. Những móng tay sắc nhọn cào roạt một tràng khiến Thu Cúc hét lên. Chị ta lùi lại một bước để tránh đối thủ và trong động tác ấy, chiếc khăn trùm đầu bị giật tung phơi cái sọ trơ trụi không sợi tóc:
- U ú ú...
Thu Cúc rú lên. Chị ta ngớ ra trong một giây vì hổ thẹn và sau khi biết chắc chắn cái đầu trọc lóc của mình đã bị phơi trước mặt kẻ khác cơn hoảng hốt đó biến thành thù hận điên cuồng. Mặt chị ta ngả trắng như vôi, những vết nám rắc như đám đậu đen trên gò má, cặp mắt lạnh lẽo và u sầu thường nhật bỗng long sòng sọc như mắt loài cọp dữ:
- Con đĩ Hồng...
Người đàn bà thong thả buông từng lời, và Hoan nhìn thấy mắt chị ta dâng lên dòng lũ thù hận đã tích tụ qua bao nhiêu năm tháng.
- Con đĩ Hồng, giờ mày sẽ biết tay tao...
Chị ta tiếp tục nói rất khẽ, thong thả tách từng âm tiết. Cặp môi tô son khẽ nhếch lên cười. Những vết cào rớm máu chạy rần rần như đám giun bò trên gương mặt. Bất chợt, từ bức tường giáp tấm màn che, người đàn bà nhảy một bước phóc lên giường. Chị ta chồm lên tấm thân đối thủ, dằn cô ta xuống, bóp cổ cô ta với hai bàn tay xương xẩu như tay đàn ông, những ngón tay dài móng vuông và vàng khè:
Ðó là những bàn tay của người đã từng chơi bóng...
Hoan thoáng nghĩ khi chứng kiến tấn kịch. Căng há hốc mồm, anh không ngờ cô điếm Hồng rẫy được khỏi những ngón tay cứng như sắt nguội của mình và rạch lên mặt Thu Cúc những móng vuốt dữ dằn như thế. Trong tay anh, còn lại nắm tóc xơ xác. Hai người đàn bà lao vào cuộc xâu xé. Hai kẻ khốn cùng. Không chồng không sinh nở. Một người đầu trọc lóc người kia để lại những nắm tóc xác xơ trong tay kẻ hành hung... Căng, sau khi qua cơn thảng thốt bắt đầu tức giận. Anh ta thả nắm tóc trong tay xuống sàn:
- A, con khốn nạn... mày dám làm như thế trước mắt bố mày đây...
Nghiến răng lại, Căng giật đầu cô điếm Hồng ra phía sau. Tức khắc, Thu Cúc nắm tay thụi xuống mặt cô ta.
- Thôi, thôi đi...
Hoan cất tiếng quát. Anh không ngờ mình có khả năng quát to như vậy:
- Dừng tay lại... tôi không muốn xảy án mạng ở đây. Hai người không dừng tay lại tôi sẽ gọi cảnh sát, rồi muốn ra sao thì ra.
Chưa bao giờ anh nói to như thế trong đời. Anh, con trai ông giáo Huy, được dạy từ nhỏ rằng chỉ những kẻ lố bịch mới làm ầm ì trước mặt người thứ ba. Vậy mà tiếng quát của anh có hiệu lực tức thì. Căng bảo Thu Cúc:
- Thôi, buông nó ra.
Thu Cúc giáng nốt quả đấm cuối cùng xuống gương mặt nhòe nhoẹt máu của cô điếm. Máu vẫn tiếp tục chảy từ cánh môi rách và bên lỗ mũi dập nát. Thu Cúc nhặt mảnh khăn dưới đất trùm lên đầu. Chị ta quay mặt vào tường chẳng nhìn ai. Rồi ra đi. Chị biến rất nhanh sau tấm màn. Không nghe thấy cả tiếng chân trên cầu thang. Căng bảo Hoan:
- Về thôi.
Ðoạn anh ta quay lại cô điếm nằm rũ rượi như cái xác vô hồn:
- Hãy nhớ kĩ lần này đồ chó cái... trấn lột của thiên hạ cũng không quá dễ đâu.
Chùi tay vào đùi, anh ta nói vọng sang ngăn buồng bên kia:
- Anh về đây, bữa khác gặp.
Tiếng người đàn bà đáp lại:
- Dạ, em chờ...
Hai người đi xuống, tiếng chân họ nện trên cầu thang nghe rõ mồn một. Khu này, vọng động của phố phường mơ hồ tan trong không gian hiu quạnh. Cư dân túa các ngả, đoàn quân nô dịch của phố phường, những người bới rác và móc cống, những kẻ mua lông gà lông vịt giấy vụn đồng nát bàn là bếp điện hỏng cốc chai vỡ và một trăm lẻ một thứ đồ táp nham phế thải của cuộc sống nơi đô thành. Ban ngày, chỉ còn lại những người già không làm nổi việc gì, những kẻ tàn tật hoặc những người ngớ ngẩn điên khùng. Những kẻ khốn khổ đó chui rúc trong bóng tối hoặc ngồi lật lưng phơi nắng trước cửa. Mấy bà già da mốc thếch như da trăn rờ rẫm vãi từng hạt cơm quanh bu gà. Hoan biết buổi tối con cháu họ sẽ đem bu gà đó ra chợ. Ðoạn khu chợ chỉ họp lúc nhọ mặt người, bán vội vàng qua quýt cho những kẻ ít tiền, những gã móc túi hoặc đám thi sĩ nổi hứng bất kì lúc hoàng hôn... khu ngoại ô buồn thảm phơi dưới mắt Hoan. Ðã bao lần anh qua đây nhưng hôm nay là lần đầu tiên anh nhìn nó dưới ánh mặt trời. Bỗng dưng anh buồn. Chân tay anh trở nên đờ đẫn. Những ý nghĩ lướt qua óc anh u ám như những đám mây đen chầm chậm lướt qua khung trời mùa đông.
Anh nhận ra mình đã đến trước quán cà-phê Thu Cúc với lão gù. Lão đang đứng trước cửa, đưa cặp mắt ti hí nhìn anh. Căng đã ngồi hút thuốc phì phèo. Không thấy Thu Cúc. Lão gù hỏi:
- Hai anh dùng gì?
- Cho ấm trà sen đi... a mà thôi, sáng nay tụi tôi vừa uống trà Hồng Hoa rồi. Cho hai tách cà-phê nóng, thứ hảo hạng, pha cà-phê đểu tôi hắt ra đường...
Căng đáp, giọng nửa bỡn cợt nửa đe dọa. Hoan hỏi:
- Quán này có mấy thứ cà-phê?
Căng đáp:
- Ít nhất cũng năm loại, phải không anh gù?
Lão gù xác nhận:
- Chính xác. Năm loại.
Căng đắc ý kể:
- Trước hết là loại cà-phê rửa bát loãng ngoét bán đại trà cho mọi loại phu phen thợ thuyền, xích lô, ba-gác, thợ làm đường và lũ trẻ con nhà nghèo học đòi tập toạng. Loại thứ hai đã có ít mùi cà-phê gọi là cà-phê áo ngắn, khá hơn chút đỉnh, bán cho học sinh trung học và dân buôn đầu đường xó chợ, những người gánh hoa quả rong. Loại thứ ba là loại cà-phê trung bình ở tất cả quán trong thành phố, người nào uống cũng được, nước đã sánh hơn đậm hơn được gọi là cà-phê sinh viên. Loại thứ tư chính hiệu Buôn Mê Thuột ngon thơm đặc sánh pha phin lẻ, nước sôi ngâm tách, giá đắt gấp đôi thứ cà-phê sinh viên là cà-phê công tử, dành cho đám con nhà giàu hoặc những sinh viên được gia đình chu cấp biệt lệ. Loại thứ năm là tuyệt đỉnh, tôi đang gọi đãi anh, cũng là cà-phê Buôn Mê Thuột, nhưng đòi hỏi kỹ thuật rang sấy cầu kỳ, bao nhiêu lượng mỡ gà, bao nhiêu bơ, bao nhiêu muối rang trong thời gian bao lâu, ngọn lửa thế nào và được ủ ra sao trước khi xay... tất thảy đều là bí quyết. Hơn nữa, khi pha, phải pha đúng kiểu Pháp thuộc địa, kiểu đó chỉ có những tay bếp Tây ngày xưa nắm được rồi truyền lại đến bây giờ... Căng nói say sưa, sùi bọt mép, như cậu học sinh thuộc bài từ lâu đợi mãi mới có dịp lên bảng đọc thuộc lòng. Hoan phì cười:
- Anh giỏi thật. Tôi là dân gốc ở đây mà chẳng rành.
Căng cười ngất ngư:
- Trời cho mỗi người mỗi lộc. Tôi chẳng buôn may bán đắt như anh nhưng trời cho tôi một trí nhớ thần kỳ tất thảy những gì từ năm tôi ba tuổi tới nay tôi nhớ như buổi chiều hôm qua.
Lão gù bưng ra hai tách cà-phê nghi ngút khói. Mùi thơm tỏa ngào ngạt khắp gian phòng. Hoan nói:
- Thơm thật... lần đầu tôi ngửi thấy mùi thơm đặc biệt thế này. Thật không ngờ...
Căng cả cười nói tiếp:
- Không ngờ cái quán ghẻ lở nơi ngoại ô lại có thứ đồ uống xịn thế phải không? Nào, mời...
Anh ta bưng tách cà-phê lên hít ngửi một hồi rồi hỏi chủ quán:
- Lúc nãy Thu Cúc có rẽ vào đây không?
Lão lắc đầu:
- Không, cô ấy đã về thẳng nhà.
- Con đĩ Hồng nhảy bổ vào chị ấy, tôi không kịp đỡ.
- Con rắn độc mặt lưỡi cày ấy nham hiểm lắm.
- Nó cào Thu Cúc xước mặt.
- Rồi tôi sẽ bắt nó trả nợ ba lần.
- Anh tìm thuốc cho Thu Cúc.
- Khỏi lo. Tôi có thứ mỡ chuyên bôi sẹo và thứ rượu thuốc dành cho đám võ sư.
- Nhưng chúng tôi cũng đập nó nát mặt.
- Chưa đủ.
- Tôi định hiếp cho nó bại xương hông nhưng anh bạn đây đòi về.
- Cứ để nó đấy. Khắc có người lo.
- Anh không sợ thằng mặt dầy bán thuốc lá à?
- Thằng đó nhiều nợ với tôi... Vả chăng nó đã kiếm được mấy con bò lạc mới sắp thải con đĩ Hồng.
- Anh đã thấy mấy con bò lạc đó chưa?
- Rồi.
- Có con nào khá không?
- Cũng tạm... Toàn dân xứ biển trốn làng ra đây, chẳng ngon mắt nhưng khỏe như trâu đực. Thứ ấy đến bò nhảy cũng không chết.
- Còn non không?
- Non. Lớn nhất mười chín, nhỏ nhất mười lăm.
- Có đứa nào còn trinh không?
- Ðừng mơ. Gái xứ biển dâm vô độ. Chúng toáy hoáy từ thuở dậy thì.
- Thôi cũng được, chọn cho chúng tôi hai con khá nhất.
- Ðược.
- Anh cứ bảo thằng béo chính tôi yêu cầu.
- Ðược.
- Hiện chúng đang bị nhốt ở chuồng nào?
- Cách đây hai mươi cây số. Lão đang tập nghề cho chúng... Anh có thích mò xuống đó chơi non hay không?
- Cũng hay. Bọn gái chưa thành thục cũng có cái thú riêng. Hôm nào đi được báo cho tôi.
- Yên trí, tôi sẽ báo cho anh thật sớm.
Căng nhấp ngụm cà-phê thứ nhất, khà một tiếng. Hoan đã uống gần cạn tách cà-phê. Cà-phê ngon thật. Hoan không ngờ trong cái quán bẩn thỉu tồi tàn này có thể kiếm được thứ cà-phê ngon đến thế. Cách sao rang tẩm xay có bí quyết nào đó khiến vị cà-phê thơm ngậy, cùng một lúc mùi mỡ gà mùi bơ mùi muối mùi than lửa hòa quyện thành thứ mùi siêu việt khôn tả. Giá chi anh học được bí quyết này để về rang xay cà-phê uống sáng sáng nơi Xóm Núi? Ý nghĩ ấy vừa chợt đến đã khiến anh giật mình sững sờ: Xóm Núi còn đó nhưng mái ấm của anh đâu còn? Chỉ có ông già Lư chăm sóc vườn tược và ngày ngày Miên đưa cu Hạnh về chơi. Vợ anh trở lại nhà như vị khách thường nhật, còn anh, anh là vị khách hàng tuần. Ngày Chủ Nhật anh quay lại gặp đứa con trai khi Miên vắng mặt.
- Thế nào, anh có thể liệt cà-phê quán này là hạng nhất thành phố không?
Căng cất tiếng đột ngột hỏi. Và anh, giật thót mình gật đầu:
- Nhất, nhất... nhưng vì sao không trưng bảng quảng cáo hoặc đề giá từng loại cho khách hàng?
Căng cười sằng sặc:
- Vì chủ nghĩa xã hội không chấp nhận một tách cà-phê này đắt gấp năm lần hay mười lần một tách cà-phê khác... Xã hội của chúng ta là xã hội của sự công bằng.
Ðặt tách cà-phê xuống, anh ta mím môi lạ, nụ cười tự dưng biến mất trên gương mặt vô cảm, gương mặt đã quá quen thuộc với anh. Hoan dè dặt nói:
- Ờ, tôi nghĩ nhà nước có lý của họ.
Căng nhìn anh:
- Anh nghĩ thế thật hay vờ? Anh có tin rằng trên đời này có sự công bằng hay không? Tôi chưa từng nghĩ tới điều ấy kể từ khi tôi biết mặt chữ. Sự công bằng, tự tay tôi thiết lập trong chừng mực tôi có thể... Ðó, anh vừa nhận ra sự công bằng tôi tạo dựng trước mắt anh. Con em gái tôi nõn nường xinh đẹp như vậy phải bán trinh cho gã lái trâu lấy nửa chỉ vàng, trong khi một con điếm già tã tượi mỗi lần nằm ngửa lại được anh cho mấy tờ bạc lớn, không những thế còn lừa anh cho bọn cá và thằng chủ lầu xanh trấn lột... Ðiều đó có gì giống với sự công bằng anh nghĩ không? Không... Vậy tôi phải tự tay thiết lập sự công bằng trên cái mặt dày của nó... Còn nữa, một người như Thu Cúc, vợ anh bạn gù đây có đáng sinh ra để làm cái nghề đốn mạt này không? Không. Nhưng chị ấy đã bị số phận xô đẩy và phải lăn lưng xuống bùn. Thu Cúc đã học đại học luật năm cuối. Quê chị ấy ở Nha Trang. Chị ấy lưu lạc tới đây sau ngày giải phóng, chẳng phải thứ dân thất học như tôi...
Trán Căng nhăn lại trong khi anh ta nói, gương mặt anh ta xanh xám, vệt gân đen nổi giữa sơn căn. Hoan không khỏi kinh ngạc: Một gã thất học trồi từ bùn đen lên, thán phục và thương cảm một người đàn bà xuất thân từ tầng lớp trên bị sóng đời vùi dập trong khi thẳng tay đánh đập tàn nhẫn một người đàn bà khác cũng bùn lầy dơ dáy như gốc rễ của gã, như bản thân gã... Và động cơ trước hết là sự chênh lệch giữa hai món tiền bán mình, cái duyên cớ thúc đẩy lòng căm uất và cho phép gã thiết lập sự công bằng như gã muốn? Thật sự, anh không hiểu nổi cái lô-gích đời sống này. Cái cuộc sống anh đang phải chấp nhận dù anh ước muốn được xa cách mãi mãi. Cái cuộc sống anh đang đối diện từng ngày từng giờ mà không ngừng ao ước cuộc bỏ trốn. Cái cuộc sống hòa trộn gương mặt vô cảm của gã lái buôn Căng với đôi mắt chó giấy tô vẽ của cô điếm
Hồng, cái đầu trơ trụi không sợi tóc của nàng Thu Cúc với màu son đỏ chói trên làn môi dầu dãi, những bàn tiệc và chiếc thau nhôm chứa nước tiểu trong gian nhà chứa, chốn đại tiện công cộng được thỏa thuận cho giới đàn ông... Ðó, chính là gương mặt thật cái cuộc sống anh phải chấp nhận, thô lậu xa xỉ khốn cùng. Chỉ tới hôm nay, anh mới thấu suốt. Giống một ngày thu trong veo chợt ta nhìn rõ những vẩn mây lơ lửng tít khung trời.
Hoan đưa tách cà-phê lên môi uống cạn những giọt cuối cùng. Những giọt cà-phê đặc sánh thơm nức khiến anh nhớ những nương cà-phê chín đỏ, nhớ không khí mùa thu hoạch trên Xóm Núi, đám thợ hái cà-phê đi lại trò chuyện giữa các rặng cây, trời thênh thang, gió thổi, chim hót, tiếng sáo của lũ trẻ chăn dê từ các sườn dốc vọng về... Anh nhớ. Hồi nhớ không sót một mảy may cuộc sống anh từng sống. Anh thấy Miên đi giữa những nương vườn, tay này chị xách chiếc giỏ tre đựng thẩu chè đậu xanh đãi thợ và tay kia xách ấm trà tươi lớn, chị cười nụ cười mê hồn gương mặt ửng hồng với những giọt mồ hôi lấm tấm trên môi, cặp mắt đen láy nhìn anh qua đám lá cành, chờ đợi, e ấp như thời thiếu nữ chưa qua... Bây giờ, anh đã biết rằng anh chẳng bao giờ có cuộc sống thật sự nơi đây, trong thành phố này, nơi chẳng ai xót thương ai và tất cả bán mình cho đồng tiền trong túi. Ở đây, dù thành công hơn nữa, xây mười một ngôi nhà lầu anh cũng không sung sướng. Chỉ có một người có thể đem lại sinh khí cho cái thực thể mang tên hạnh phúc, người đó là Miên. Chính chị mới là cột trụ của cuộc đời anh, kẻ khai tạo niềm vui và nguồn vui sống. Chính chị là người bảo trợ cho anh. Xét cho cùng, người đàn ông như anh là kẻ yếu. Anh chẳng phải gã đàn ông có gương mặt vô cảm ngồi trước mặt anh kia. Gã, kẻ hùng. Gã yêu tiền, sung sướng vì tiền. Thế là đủ. Anh, con vật yếu đuối cần tình yêu. Chỉ một người có thể mang lại cho anh điều đó. Người ấy là kẻ mạnh. Người ấy đã bỏ anh ra đi vào một sớm sương mù, với bị cỏ Thạch trinh hương. Cuộc ra đi giống cuộc ra đi của kẻ tử thù. Nhưng chị đã quyết. Và chị bỏ anh côi cút sau lưng. Và cuộc đời xô đẩy anh đến bến bờ rác rưởi này... Sớm ấy sương mù... Tại sao lại có một buổi sớm sương mù như thế sau những ngày hạnh phúc? Tại sao vô vàn những hạt sương trên lá cành vườn tược rớt xuống mặt anh?
- Anh làm sao thế?
Căng cất tiếng hỏi đột ngột và nhìn chòng chọc vào mặt anh.
Hoan vội vã chớp mắt:
- Có con muỗi vừa bay vào mắt tôi...
Anh ta im lặng, đầy vẻ hồ nghi nhưng không gặng thêm. Rồi lát sau anh ta hỏi:
- Về chứ?
Hoan gật đầu:
- Về.
Căng rút ví:
- Tôi trả chầu cà-phê này.
Hoan gạt đi:
- Ðể tôi.
Nhưng anh ta lắc đầu quầy quậy:
- Không. Riêng lần này tôi trả. Tôi đang sướng. Những lần khác anh trả là hợp lý. Anh giàu gấp trăm lần tôi và nhờ tôi anh hiểu thêm được chuyện đời.
Nói rồi Căng quay lại bảo chủ quán:
- Nhớ món hàng tôi dặn... Hai con bò xứ biển, chọn loại thịt chắc nhưng đừng đen quá... Ngon lành đến mấy mà da đen xì cũng hết thú chơi...
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng