Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 713
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
hóc đi, khóc đi một chút cho vơi lòng...
Giọng tiểu đội trưởng thầm thì và dịu dàng. Dịu dàng như xưa. Anh ấy là con trai Hà Nội. Suốt ngần ấy năm anh em chung sống chưa một lần quát nạt, chưa một bận sỗ sàng. Anh ấy có nụ cười tươi, da trắng đến nỗi những vết sẹo trứng cá và các mụn ruồi nổi lên rõ mồn một. Anh ấy nấu xôi nấu cơm khéo hơn cả đàn bà... Bôn nghe nước mắt chảy qua hai thái dương luồn dưới chân tóc ướt lạnh và nhồn nhột như giun bò. Dễ chịu quá:
- Tiểu đội trưởng ơi, em khóc nữa đây.
- Ờ, khóc thêm chút nữa cũng chẳng sao.
- Tiểu đội trưởng không mắng à?
- Không... Tôi biết nhiều người đàn ông cũng thích khóc như đàn bà.
- Thế anh đã khóc bao giờ chưa?
- Chưa.
- Tiểu đội trưởng nói khoác. Anh quên ngày em kiết lỵ sắp toi, tay đã giơ lên bắt chuồn chuồn hay sao? Lúc em sống lại y sĩ quân đoàn bảo anh khóc như mưa như gió...
- Bậy nào...
Tiểu đội trưởng quay đi. Anh ấy ngượng... Bôn thích chí. Anh muốn cười ầm lên dù nước mắt chưa khô. Nước mắt cuốn đi cơn sầu muộn. Anh lấy ống tay áo lau khô nước mắt và ngồi dậy. Cánh đồng hoa dập dờn nắng dập dờn bướm dập dờn những cánh chuồn kim. Con bọ rùa đỏ leo qua ngọn cỏ tới đậu trên đầu gối Bôn:
- Tiểu đội trưởng nhìn xem, con bọ đẹp không này?
- Ờ, đẹp thật.
- Hồi bé, tiểu đội trưởng có hay đào dế không?
- Không, ở thành phố khó kiếm nơi đào dế. Tôi chỉ đi dính ve sầu thôi... Hồi nhỏ tôi cũng thuộc loại lêu lổng, vào khóa học mới da đen nhẻn đen nhèm vì dãi nắng suốt vụ hè.
- Quê em có nhiều thứ ve lắm, nhiều loài dế nữa nhưng chẳng có thời gian mà chơi.
- Ờ, mỗi người mỗi cảnh... Nhưng sao cậu không nằm xuống cho đỡ mệt? Nằm xuống đi, cứ mặc tôi ngồi. Tôi nằm ngày này qua tháng kia, năm này qua năm khác mục ải xương rồi.
- Sao đã mục ải được? Nơi ấy đất khô...
- Ðất khô mấy rồi xương cốt cũng mục cùng với thời gian... Sau này cậu sẽ biết...
Anh đưa tay vỗ nhẹ lên vai Bôn:
- Nằm xuống đi.
Bôn đáp:
- Xin phép tiểu đội trưởng.
Anh lại nằm xuống cỏ. Những đốt xương sống giãn ra. Ðất dưới lưng vừa ấm vừa mềm, dễ chịu quá. Con bọ rùa vẫn đậu nơi đầu gối nhưng giờ đây trước mắt anh đong đưa chùm hoa màu lục. Ðẹp, trái tim anh hồi dần nhịp đập thanh thản. Nỗi đau đớn ở lại bên kia giải bờ.
- Tiểu đội trưởng ơi, anh nhớ em không?
- Không nhớ sao tôi về đây?
- Anh nhớ những ngày chúng ta cùng nhau trong rừng không?
- Nhớ.
- Anh nhớ lũ chim khiếp đảm bay theo mình không?
- Lũ chim nào nhỉ? Tôi không còn nhớ rõ?
- Lũ kền kền quái ác. Bốn con chim ăn xác cả đực lẫn cái lẽo đẽo theo tiểu đội trưởng suốt mấy ngày trời... Lũ khốn nạn ấy. Lũ đểu ấy, em nhớ lắm... Em không bao giờ quên chúng được.
Bôn nói. Và sau đó, anh bỗng thấy bầu trời nâng cao lên, cao lên không ngừng. Mọi hình ảnh đều tan loãng. Không còn bướm dập dờn, không còn chuồn kim đỏng đảnh, không còn mây trắng nghiêng nghiêng trôi, không còn màu lơ thắm trong nắng thu, không còn gì ngoài một khoảng hun hút màu xám tro không mây gió. Rồi khoảng không đó quay chầm chậm như chiếc chong chóng vĩ đại vô hình mà luồng gió của vũ trụ thẳm sâu làm chuyển động. Bôn chăm chú nhìn những vòng quay chậm rãi của chiếc chong chóng mờ ảo trên cao không kịp nhận ra chính những vòng quay đó đang hút anh vào lõi chuyển động. Ðến lúc nhận ra điều đó, anh thấy mình bị dính vào
chiếc chong chóng ma quái kia như một hạt bụi sắt dính vào thỏi nam châm không cách nào thoát nổi:
- Tiểu đội trưởng, nguy quá, cứu em với i i...
Bôn cất tiếng gọi nhưng anh không mở miệng ra nổi. Lưỡi anh đã dính chặt vào hàm. Cổ họng tắc nghẹn. Khói bom lẫn bụi đất từ đâu đã xộc đầy hai lá phổi, lấp các đường phế quản. Anh biết anh sẽ chết ngạt nếu không khạc được cục bụi quyện lẫn nước bọt và đờm đang nút kín cổ họng anh. Anh thu hết sức lực khạc liên tiếp năm sáu lần, hai mắt nổ hoa cà hoa cải mới đẩy được cục bụi đó ra. Ðồng thời, cơn choáng váng làm anh xây xẩm mặt mày, không còn nhìn thấy gì ngoài những bầy đom đóm đen đom đóm vàng bay lượn... Bôn vội vã nhắm mắt, lấy hai bàn tay úp lên... Khi anh hết cơn choáng váng, mở được hai bàn tay ra cái không gian vĩ đại màu xám tro đang quay tròn kia đã biến mất. Trước mặt anh là bầu trời tĩnh lặng màu tím đục với mặt trời đỏ tướp máu phía sau cao điểm 327 nát nhừ.
- Tiểu đội trưởng ơi... Tiểu đội trưởng...
Anh gọi. Ba trái lựu đạn nổ liền đáp lời anh. Một cột bụi phọt lên mé bên kia đồi. Ðất bị xáo trộn, băm nát đã nhuyễn như bột bánh khảo, chỉ cần một âm thanh một va đập nhỏ là phọt lên. Sau chuỗi lựu đạn, tiếng gọi lần thứ hai như bị bẻ gẫy thành khúc:
- Tiểu đội... Trưởng ơi... tiểu đội... trưởng ơi...
Không có tiếng lựu đạn trả lời chỉ những hồi âm vọng qua ngọn đồi ngập ngụa tử thi súng ống, vật đổ nát và khói đang ngún cháy. Những làn khói ngoằn ngoèo bốc lên, mặt trời đỏ máu nhuộm thành thứ màu pha trộn nửa như huyết đọng nửa là màu áo sư sãi. Tựa như những ngọn khói ngoằn ngoèo uốn lượn kia là lời cầu nguyện chậm rãi, là hơi thở của đất đau đớn đang chờ bài kinh xá tội, đang đợi tiếng mõ từ những ngôi chùa xa hút vọng về. Bôn gióng tai nghe. Anh hy vọng sẽ nhận ra tiếng rên hoặc tiếng gọi của tiểu đội trưởng cho dù chúng yếu ớt khẽ khàng đến mấy. Thuở nhỏ, người làng gọi anh là Bôn dơi vì tai anh thính như tai dơi. Nhưng trong không gian yên ắng chỉ có tiếng tích tắc của tiếng đồng hồ đeo tay vang lên. Chiếc đồng hồ của Lợi chua cho anh trước khi chết. Lợi cùng tiểu đội với anh, quê Ninh Bình. Hát giả giọng con gái giống như hệt. Nói cũng eo éo như con gái và ăn chua cũng như con gái kỳ ốm nghén. Thế nên, cả đại đội gọi là Lợi chua. Lợi chết vì chứng kiết lỵ mãn tính. Các loại thuốc quân y viện phát đều vô dụng. Sáu tháng trời, ngày nào Lợi cũng ra hố xí ngồi hàng giờ, lúc quay vào mặt nhợt như gái đẻ băng huyết:
-Này Bôn, cầm lấy mà dùng dưới cõi âm chẳng ai cần thứ này đâu...
Chiếc đồng hồ Thụy Sĩ cổ lỗ của Lợi chua vẫn còn, vẫn chạy dai dẳng dù bao nhiêu bận bị bom vùi bom nén. Bôn cúi xuống nhìn chiếc đồng hồ lẩm nhẩm:
- Lợi ơi sống khôn chết thiêng xin chỉ đường cho tôi tìm tiểu đội trưởng. Anh ấy đã cư xử tốt với tất cả chúng ta, chẳng riêng ai...
Chiếc kim giây quay bốn mươi, năm mươi, sáu mươi rồi chín mươi nấc. Sắp hai phút, chưa nghe tiếng động nhỏ nào. Mặt trời càng nở to hơn đỏ bầm tụt xuống phía bên kia cứ điểm, chỉ còn lại vành bán nguyệt với dải mây tím bên trên. Một trái lựu đạn nữa bất thần nổ, hất lên vài mảnh vải rách với vật gì đó tựa như khúc tay cụt. Sau đó, tất cả trở lại yên tĩnh. Cánh rừng sau lưng bắt đầu sẫm lại. Chỉ lát nữa thôi nó sẽ chìm vào bóng tối. Bôn tuyệt vọng: Nếu anh không tìm được tiểu đội trưởng, mười lăm phút hoặc nửa giờ nữa máy bay Mỹ sẽ tới dội xăng hủy các tử thi. Và lúc ấy sẽ chẳng thể tìm nổi dấu vết của con người...
- Tiểu đội trưởng ơi, tiểu đội trưởng... Anh gào. Nghe tiếng gào của chính mình run rẩy. Những làn khói ngoằn ngoèo run rẩy theo và vài con chim hớt hải từ cánh rừng sau lưng bay vọt lên:
- Tiểu đội trưởng ơi anh có nghe thấy không?
- Tiểu đội trưởng ơi, tiểu đội trưởng ơi, tiểu đội trưởng ơi...
- Anh ở đâu, ở đâu? Tiểu đội trưởng ơi i i...
Bôn gào, gào liên tục như hóa rồ, tiếng gào âm vang khắp khung trời khiến lũ chim đen hớt hải bay trong ánh hoàng hôn tàn lụi.
Mặt trời chỉ còn nhô lên cái vành mỏng như móng tay, bốn bên sương núi ùn lướt tới, trùm lên các tử thi, hòa cùng các đám khói:
- Tiểu đội trưởng ơi i i...
Lần cuối. Cuối cùng. Tiếng gào nghẹt nước mắt. Giống tiếng chào ly biệt hơn là tiếng gọi tìm đồng đội. Bôn nước bọt khan nuốt nước mắt mặn xốc lại thắt lưng, sờ chiếc bình-toong còn vài ngụm nước bên trong. Anh đưa mắt nhìn cứ điểm lần chót trước khi quay lưng mò vào rừng. Và đúng lúc ấy, tiếng tiểu đội trưởng vọng lại:
- Tôi... Tôi đây... Tôi ở đây...
Tiếng gọi rõ nhưng vô cùng yếu ớt, chỉ như sợi thanh âm luồn qua một khối đen tử thi lẫn những thanh gỗ rầm gãy nát, những khối vụn bê-tông chồng chất. Bôn quay lại, lần lượt kéo từng xác người sang bên, không phân biệt xác nào lạnh xác nào còn ấm, bới và đẩy những thanh rầm lẫn mớ gạch và mảnh bê-tông, kinh hồn vì những đợt bom đã tung bứng, xào xáo quỷ quyệt đến mức cả đống xác người lẫn đồ vật dồn tụ giữa hai bức tường xi-măng gãy nát. Tiểu đội trưởng chưa phải người cuối cùng, bên dưới anh còn hai tử thi nữa. Nhưng với sức nặng của ngần ấy xác lẫn rầm gỗ, anh còn sống cũng là sự thần tình. Bôn xốc ngược tiểu đội trưởng ra ngoài, tức khắc cõng chạy về cánh rừng giờ đã hoàn toàn đen thẫm. Hai tay tiểu đội trưởng quàng qua vai anh mỗi lúc mỗi lơi lỏng. Chiếc bi-đông quay ra phía sau, đập vào xương cụt đau nhói nhưng anh
không dám dừng lại xoay nó về vị trí cũ. Linh tính bảo anh rằng chỉ trong khoảnh khắc, máy bay sẽ tới và tất cả sẽ biến thành biển lửa... Tiểu đội trưởng to con hơn, nặng cân hơn Bôn nhiều, nhưng lúc ấy anh không biết nặng nhẹ, anh chạy phăng phăng vì trước mắt anh là cây cầu, bờ bên này là cái chết bên kia là sự sống... Rồi Bôn cũng chạy kịp. Anh tới được cửa rừng cũng là lúc bầy phi cơ ập đến, rú rít xé nát bầu trời, lửa đèn hiệu gắn nơi cánh và đuôi phi cơ nhấp nháy liên hồi như những con mắt đỏ. Lũ máy bay lượn thành vòng tròn, chu vi vòng tròn mỗi lúc mỗi hẹp.
Các thùng nhiên liệu cháy được thả xuống theo một tiết điệu đều đặn trên khắp khu đồi. Chừng vài phút sau, toán phi cơ nâng độ bay. Một loạt bom ném xuống và cứ điểm 327 tức khắc bùng lên biển lửa. Lửa cháy rần rật bốc cao lưng trời, soi rõ từng mảnh quần áo rách bị gió thổi bay vừa bay vừa bốc cháy, soi rõ cả mấy khóm cây
lẻ loi đang xèo xèo sôi nhựa. Bôn lau mồ hôi mặt mồ hôi gáy. Tiểu đội trưởng đang tựa mái đầu nặng trĩu trên vai anh. Anh ấy cũng đang mở mắt nhìn lửa cháy. Ðôi mắt hiền và mơ màng như đang buông lơi tia sáng để trôi vào khung trời khác:
- Lửa... lửa cháy... Rồi... tất cả sẽ thành tro... Anh lẩm bẩm.
Bôn hỏi:
- Tiểu đội trưởng bị thương ở đâu? Ðể em xem...
Anh lắc đầu:
- Thôi... Vô ích...
Bôn nói:
- Em hãy còn cuốn băng cá nhân... Cứ để em...
Tiểu đội trưởng lắc đầu lần nữa, hình như anh mỉm cười nhưng nụ cười thật gượng gùng và khó khăn trên cặp môi trắng nhợt:
- Ðừng mất công... Tôi không qua... được... Ðứt động mạch chủ rồi...
Bôn rống lên:
- Ðứt động mạch chủ? Sao không gọi y tá làm ga-rô?
Tiểu đội trưởng nhắm mắt không đáp. Bôn chợt hiểu anh vừa hỏi một câu xuẩn ngốc. Làm gì còn y tá trong lúc đó? Cả thảy có năm người, ba đã chết ngay lúc mở đầu trận đánh. Hai người còn lại đưa thương binh về hậu tuyến, chẳng rõ họ và đám thương binh có đi thoát hay đã bị bom dập nát rồi... Nhưng Bôn không cam lòng bó tay, anh rờ rẫm tìm vết thương trên người tiểu đội trưởng, hy vọng mong manh rằng còn nước còn tát. Tiểu đội trưởng bị mảnh bom chém ngang đùi trái. Máu thoát theo đường ấy, bết vào lớp vải khiến ống quần bên trái khô cứng như mo cau. Bôn kêu:
- Tiểu đội trưởng ơi, em rạch ống quần ra nhé?
Anh khẽ lắc:
- Ðừng.
Bôn nói:
- Dao em rơi mất rồi... Ðể em mò con dao của anh...
Nói rồi anh đưa tay lần quanh thắt lưng tiểu đội trưởng. Anh ấy cố đưa tay lên như muốn ngăn Bôn nhưng cánh tay rơi thõng xuống. Tiểu đội trưởng nhướn cặp mi vài lần rồi từ từ mở mắt ra:
- Tôi thấy trời màu đỏ, đỏ như hoa phượng hoa hồng... Ðẹp lắm...
Anh buông từng tiếng khó khăn, như lưỡi anh bị rút ngắn và đang cứng dần. Nhưng tiếng anh trong trẻo. Một làn ánh sáng phảng phất trên mặt anh, như rong rêu vô hình biếc trong ánh lửa từ cứ điểm 327 soi chiếu. Rồi anh mỉm cười:
- Thế... cũng xong một đời trai... cũng hay... ay...
Và mắt anh chợt lóe lên một tia sáng như muốn thu nhận lần chót đám cháy rực rỡ tàn bạo có tên 327, đám cháy khiếp đảm đã thiêu cháy bao nhiêu con người bao nhiêu cuộc đời của hai bên chiến tuyến. Không ai đếm nổi trong đụn lửa ngất trời kia có bao nhiêu tro bụi hài cốt hòa trộn bốc bay. Trong đám tro xương đó có bao nhiêu gã đàn ông những kẻ may mắn biết hương vị ái ân và còn lại bao nhiêu chàng trai khờ khạo như anh, chưa hề biết đến da thịt đàn bà dù đã đọc hàng trăm cuốn tiểu thuyết, xem hàng trăm cuốn phim, giảng giải và nói phét về chuyện ái tình cho đám lính quê như những gã Sở Khanh thứ thiệt...
... Ðời là cuộc chơi... Nhưng trò chơi không được quyền chọn lựa...
Ánh sáng lóe lên trong đôi mắt anh. Ý nghĩ như mây trôi. Rồi ý nghĩ qua mau chỉ còn lại vòm trời tưng bừng hoa đỏ. Xa hơn nữa là những tầng khí quyển màu lơ chan hòa ánh nắng. Nhưng tầng khí quyển màu lơ hút anh về phía chúng. Nắng không rải lên cõi đất mà quy tụ thành từng luồng sáng rực. Những luồng sáng đó giống những vòi rồng hút anh vào trong. Tâm hồn anh nhẹ nhàng bốc bay như cánh ong như cánh bướm như phấn hoa tản mạn và mờ ảo. Chúng bay lên cao càng lên cao những chùm sáng nhẹ nhàng mong manh kia càng hồi tụ, giống như những chùm khói chùm mây rực rỡ, chúng kết thành hình dạng con người một chàng trai khác lạ, vừa như anh nhưng vừa chẳng là anh, mà là phiên bản của Chúa Hài Ðồng.
Khi tâm hồn anh bay về khoảng xa xăm, thân xác anh nằm lại trên tay Bôn dần biến sắc. Gương mặt chẳng còn trong suốt như nặn bằng thạch cao mà ngả sang màu xanh xám. Cặp mi im lìm đông cứng. Hai cánh tay sõng sượt chẳng bám vào đâu.
- Tiểu đội trưởng ơi...
Bôn gọi giật giọng.
Gương mặt xanh xám của tiểu đội trưởng như gương mặt người bị trúng phong, hôn ám và bất động.
- Tiểu đội trưởng ơi...
Bôn gọi giật giọng lần thứ hai, vừa gọi vừa lắc vai anh dữ dội:
- Tiểu đội trưởng ơi, đừng bỏ em...
Hai cánh tay thõng thượt của tiểu đội trưởng quăng đập sau những cú lắc điên rồ của Bôn. Gương mặt anh đã hoàn toàn xa vắng. Không còn tiểu đội trưởng nữa. Anh ấy đã đi. Ði hẳn rồi. Anh ấy đã đi theo khung trời hoa hồng hoa phượng.
- Tiểu đội trưởng ơi i i...
Lần này không còn là tiếng gọi mà là tiếng than. Nước mắt Bôn lặng chảy. Giá như anh biết kêu, biết khóc, biết than hờ, biết hát những bài hát đưa vong mà đám người lớn tuổi thường vẫn hát, có lẽ lòng anh sẽ bớt đau. Nhưng anh không biết. Không thể. Và cơn đau quẫy lộn trong tim:
- Tiểu đội trưởng ơi anh nhớ ngày chúng mình gặp mặt? Lúc đó em mười bảy nhưng đã có vợ, còn anh hai mươi ba tuổi mà vẫn trai tân. Ðám lính mười tám mười chín trong tiểu đội đều đã lấy vợ cả. Nông thôn chúng em lấy vợ sớm để giữ giống trước khi ra trận. Chỉ dân thành phố các anh là khờ... Ngay buổi tối đầu tiên sau bữa liên hoan chúng em hò nhau vật anh ra giường để xem con giống của gã trai tân thành phố trắng đến đâu? Hai hôm sau lúc ở thao trường về anh đãi cả bọn một bữa xôi chè thả cửa...
Bôn lau nước mắt, xốc người chết tới gốc cây gần đó. Anh tựa lưng vào gốc cây cho đỡ mỏi. Cái bình-toong chạm đánh khấc một tiếng vào mẩu xương cụt khiến anh đau tê tái. Anh gỡ cánh tay tiểu đội trưởng để quài ra sau lưng, xoay chiếc bình-toong về vị trí cũ. Cánh tay anh ấy đã nguội.
Người thoát dương chân tay lạnh trước, sau đó đến bụng, ngực và đầu. Kẻ giàu tình trái tim nguội sau chót. Kẻ trí lự cái đầu sẽ giữ hơi ấm cuối cùng... Người đời thường nói vậy... Tiểu đội trưởng ơi, anh là người giàu tình nhất em được gặp trên đời. Như thế, tim anh còn ấm lâu nhất... Bôn luồn tay vào ngực trái tiểu đội trưởng. Hơi ấm truyền sang tay anh. Và nước mắt anh chưa kịp khô lại tiếp tục tràn xuống hai gò má...
Lửa trên cứ điểm 327 bắt đầu tàn. Không còn biển lửa cao ba thước mà chỉ còn một bãi mênh mông lô nhô những đống lửa nơi cao nơi thấp và giữa những đống lửa nhỏ tựa như các gò đụn đang bốc cháy là nền than láng phủ tàn tro, đôi khi gió lùa bốc bay từng đám như pháo hoa ai ném trong những đêm giao thừa thời an bình thịnh vượng. Bôn cúi xuống nhìn mặt tiểu đội trưởng nhưng ánh sáng hắt từ cứ điểm 327 hoàn toàn tắt, tất cả sẽ đen kịt. Không còn ai bên anh, ngoài cái xác anh đang bế trên tay. Ðêm nay là đêm đầu tiên, anh một mình không đồng đội. Từ ngày nhập ngũ cho đến trận đánh khốc hại này anh luôn luôn sống cùng bạn hữu chưa bao giờ lẻ loi.
Từ đây, anh bắt đầu nếm mùi đơn thương độc mã. Anh đưa mắt nhìn xung quanh thấy trời đêm mênh mông hơn, huyền bí hơn hết thảy những đêm anh đã qua, thê lương hơn hết thảy những cảnh chết chóc anh từng nếm trải. Bôn sợ. Anh không biết anh sợ gì? Thám báo, hổ sói, hay ma quỷ? Có lẽ là tất cả. Anh hãy còn súng còn đạn. Dao găm của anh đã rơi nhưng giờ đây anh có con dao găm của tiểu đội trưởng, mới và bén nhọn hơn nhiều. Anh có thể chống lại bọn thám báo nếu anh cẩn trọng, chịu ẩn mình trong bóng tối và các bụi rậm. Còn hổ báo, sau một trận đánh khốc liệt như trận đánh vừa rồi chắc chắn đến lợn lòi, gấu độc hay cọp già cũng phải chạy bạt đi vài ba cánh rừng và ít nhất qua vài tuần trăng mới quên được cơn khiếp hãi... Còn ma quỷ? Ðúng. Có lẽ anh sợ ma quỷ vì đó là những hình ảnh khiếp hãi, kinh hoàng đã được cấy vào óc não anh từ hồi thơ dại dù sau này lớn khôn, từng hương khói cho những vong hồn thân thiết là cha mẹ anh, anh đã hiểu thế giới bên kia chỉ là nơi cư ngụ những linh hồn sương khói và ngày nào đó anh cũng sẽ gặp lại cha mẹ anh tại cõi tối tăm ấy. Dẫu sao, người ta cũng khó tẩy rửa nỗi sợ. Thế giới của kẻ đã chết là chốn xa lạ hù dọa tất thảy các sinh linh, nơi đó ánh sáng không phát ra từ mặt trời mà từ ánh lân tinh lập lòe trên các vòm xương sọ, những lũ quỷ nhỏ lông lá luôm nhuôm bẩn thỉu đi thành dãy dài mỗi con cầm một chiếc đầu lâu cắm trên khúc xương đùi tựa hồ bọn người rước đuốc đêm hội.
Ðiều khác biệt là ánh sáng tỏa ra từ những chiếc đầu lâu dát lân tinh là thứ ánh sáng ghê rợn trong thứ ánh sáng đó mọi làn da đều có sắc xanh xám của kẻ bị rút huyết, mọi cặp mắt đều mất đi đồng tử, và mọi làn môi đều có màu máu khô. Thế giới của cõi âm là nơi quẩn quanh dồn tụ những oan khuất của kiếp người dương thế, những kẻ bị phụ bạc, dối lừa, những kẻ chịu đọa đầy oan uổng, những kẻ chưa được nhắp hớp rượu đầu của mùa rượu mới, những kẻ phạt mình ép xác lao tâm khổ tứ suốt một đời mà chưa tới đích, những trai thanh chết non nữ tú chết yểu... Và những vong linh bất mãn, những ông mãnh bà cô ấy thường thích hành hạ hãm hại bất cứ kẻ nào còn có cơ hội nếm trải giọt rượu đời... Ðúng... Anh sợ... Nỗi sợ ấy sống trường kỳ trong anh. Ðôi khi nó bị dìm lấp đi khi có đồng đội bên mình... Cũng là rừng nhưng rừng thật gần gũi những đêm xưa mắc võng, võng nọ nối đuôi võng kia, hàng này kề hàng khác, chỉ cần quơ tay là chạm tới người nằm cạnh, chỉ cần thò cổ khỏi võng là có thể châm thuốc, hàng trăm chiếc võng tạo nên một không gian ấm áp an bình và rừng là những tán lá che sương, che con mắt thần gắn trên phi cơ địch, một kiểu nhà tập thể bao dung và thân ái. Rừng đêm nay lạ lẫm, thâm u, ẩn chứa muôn con mắt rình mò, những gương mặt xa lạ xanh rờn rêu nhớt, những cánh chân cánh tay đã rời khỏi thân mình khua khoắng như lũ vòi bạch tuộc, những con rắn quăng mình trên cây và những tiếng tắc lưỡi của nó vang to như tiếng tớp mồi của loài tắc kè. Trong tiếng sột soạt của các vòm cây Bôn nghe thấy tiếng các bóng ma chuyển động, những bóng ma lạnh lùng dữ tợn ngắm nhìn anh, đo đếm xem anh xứng đáng với những hình phạt nào. Họ sẽ rút lưỡi anh hay treo ngược anh lên cành cây, buộc anh chịu một cái chết dai dẳng, thân xác anh bị các loài chim tới rỉa và sau cùng chỉ còn một nắm tóc phất phơ giữa đám lá cành... Mường tượng đến những cảnh ấy, toàn thân Bôn tê dại. Một ý nghĩa đột khởi vụt lên:
Nếu tất thảy mọi người chết đều hóa thành ma, ta đang ôm trong tay con ma thân thiết nhất. Kẻ đã bảo trợ ta trong cuộc đời dương thế đã dạy ta từ cách xỏ giầy đến cách xỉa răng, từ cách gấp chăn màn xếp ba-lô đến cách nấu các món ăn dã chiến, đã nhận lỗi thay ta trước mặt đại đội trưởng, đã dung thứ cho ta tội đánh mất công văn, đã bẻ cho ta mẫu lương khô cuối cùng... Kẻ ấy khi chết cũng sẽ phù trợ cho ta, và như thế chẳng còn chi đáng sợ.
Bôn ghì xiết tiểu đội trưởng. Anh có cảm giác như đó là tấm mộc che chắn, là bức thành chống đỡ lại những kẻ xâm lăng vô hình nhưng kinh dị. Anh hít liền mấy hơi thật sâu rồi hét:
- Dừng lại... Dừng lại... Nghe ta nói đây:
Tiểu đội trưởng bắn súng hai tay gần như nhau và có thể phóng dao găm trúng bóc những cự ly ngoài ba mươi thước... Chúng bay hãy dè chừng...
Rừng rung giật ầm ầm. Bôn nghe giọng đắc thắng của chính mình vang lên mồn một, va đập vào các vòm cây khiến các đốm lân tinh vụt tắt vụt nẩy như mắt sao, và anh quay đầu bốn phía nhìn rừng, thấy những gương mặt xanh nhớt tan dần như đám khói bốc trên miệng bình thử hóa chất, những đám cánh chân cánh tay treo lủng liểng trên cành cây tựa hồ lũ đao phủ điên rồ đã lượm vét từ các thùng phẫu của các quân y viện đem tới đây cũng rụng lả tả và tan mủn như tàn tro không còn dấu vết, những con mắt thù hận trong hố mắt rộng và sâu không lông mày lông mi nhìn anh từ bốn phía bỗng biến mất như phép tàng hình. Bôn thấy rừng an toàn yên tĩnh như những đêm mắc võng xưa, một mái lá che cho anh bớt lạnh:
- Chúng nó trốn sạch rồi, tiểu đội trưởng ơi... Bọn ma ấy sợ anh. Giờ em có thể ngủ yên...
Anh nói và vỗ lên cánh tay lạnh ngắt của người chết. Ðoạn, anh gài con dao của tiểu đội trưởng vào thắt lưng, đè cây súng dưới mông để phòng bọn thám báo tước mất và ngủ ngay tức khắc...
Sáng hôm sau, nắng xiên qua kẽ lá soi vào mắt Bôn khiến anh thức giấc. Anh nằm tênh hênh trên lớp lá rụng, khẩu súng dưới mông xác tiểu đội trưởng úp lên ngực trong tư thế từa tựa tư thế kẻ làm tình. Bôn luồn tay vào ngực áo người chết nhưng chợt hiểu rằng chẳng thể tìm được chút hơi ấm nào ở đó nên rút tay ra. Xác chết lạnh cứng. Hơi sương ẩm tấp lên lớp áo quần bốc mùi khét khói đạn, mùi máu khô tanh khẳn. Anh lật xác tiểu đội trưởng lên, thấy rõ từng nốt ruồi con từng vết sẹo trứng cá cả những nếp nhăn nhỏ trên gương mặt xanh tái. Có gì đó khác lạ trên gương mặt anh quen thuộc mọi ngày. Không chỉ vì màu da đã đổi khác mà còn vì vẻ xa vắng cách biệt. Bôn đưa tay rờ những nốt ruồi con nơi gò má, miết những nếp nhăn nhỏ nơi đuôi mắt người chết, những cử chỉ anh không thể làm khi tiểu đội trưởng còn sống vì chúng kỳ quặc, có vẻ như lối tỏ tình của gã lại cái hoặc lối nịnh nọt của lính với cấp trên.
Tiểu đội trưởng đã chết, giờ chỉ còn mình anh trong cánh rừng này, chẳng ai có thể rình mò hay chế riễu.
- Tiểu đội trưởng ơi, chẳng ai tốt với em hơn anh... Nhưng anh đã sang cõi khác, không thể cõng anh theo trên đường tìm đơn vị. Lát nữa, em sẽ phải vùi anh nơi góc rừng này, xin anh xá lỗi...
Bôn tiếp tục xoa gò má, hai thái dương và vòng xuống cằm người đã khuất:
- Nếu trời còn cho sống, bao giờ yên hàn em sẽ ra Hà Nội thăm quê anh, trả lại cuốn nhật ký của anh cho bà cô ruột, đặt tấm ảnh anh lên bàn thờ... Em sẽ đến những nơi anh rong chơi thời học trò: Văn Miếu, Hồ Tây, sông Hồng, sẽ bơi ra cù lao bẻ bắp nướng... Anh thấy viền môi tím ngắt của người chết khẽ đụng đậy như muốn kìm giữ nụ cười:
- Sao mà bi lụy vậy? Ai rồi cũng chết. Chúng ta lũ trai thời loạn phải chấp nhận một cuộc ra đi chóng vánh hơn cuộc ra đi của những người sống cuộc sống bình thường. Chẳng ai chọn được thời để sinh, cũng chẳng ai chọn được chốn đầu thai nên hãy vui vẻ chấp nhận mảnh đất Ðức Phật đã gieo quẻ xúc xắc cho kiếp sống của mình. Ðừng khóc... Tôi chẳng thích nhìn đàn ông khóc, và hơn nữa, khi họ là người lính...
Anh nghe rõ tiếng cười của tiểu đội trưởng. Bao giờ anh ấy cũng cười thật khẽ, gần như không bật thành tiếng, vừa dịu dàng vừa hài hước nhưng chính vẻ dịu dàng đó giờ đây cấu xé tim anh. Anh nghiến hai hàm răng để nước mắt ngừng chảy, đưa tay vuốt cặp mi cứng đờ rồi đặt tiểu đội trưởng xuống đất, mở ba lô. Trong ba lô của anh có cuốn nhật ký với bộ quần áo thu đông của tiểu đội trưởng. Trước lúc đánh cứ điểm 327, anh ấy đột nhiên gọi Bôn lại:
- Này, cậu là người cẩn thận nhất tiểu đội, hãy giữ giùm tôi cuốn nhật ký và bộ quần áo, tôi biết cậu sẽ chẳng bao giờ để mất...
Linh tính xui khiến hay quỷ thần đã mách bảo anh? Bôn chợt rùng mình khi nhớ lại ánh mắt tiểu đội trưởng lúc ấy. Ánh mắt mơ màng trống rỗng, như không phải mắt người mà là ánh sáng chiếu rọi từ một tâm hồn nhẹ bổng bay lơ lửng lơ trong cõi khôn cùng:
Phải, anh ấy đã rời xa chốn này từ phút đó, anh ấy đã bay tới cõi khôn cùng, nơi không còn đất đá rừng cây không súng đạn hầm hào không khẩu lệnh tác chiến phương án chính phương án dự phòng, không còn mồ hôi nước tiểu không còn máu...
Anh đặt bộ quần áo mới tinh lẫn cuốn sổ của tiểu đội trưởng sang một bên, thứ đến mớ quần áo của anh để rút tấm ni-lông trùm võng. Trải tấm tăng xuống nền rừng. Bôn đặt người chết lên, lục lọi tất cả túi áo túi quần lấy được một chiếc bút máy, một khăn tay bẩn một bao thuốc hút dở bỏ tất cả vào ba lô rồi xếp lại và buộc chặt. Xong xuôi, anh kéo chân tay tiểu đội trưởng cho thật thẳng, quấn xác anh ba lượt trong tấm tăng dài rộng, hài lòng vì mình đã giữ được tấm tăng tới lúc cần thiết này trong khi chính tiểu đội trưởng lẫn đám đồng đội đã đánh mất hoặc đổi lấy sắn khoai ăn trên đường qua các bản Vân Kiều. Khi đã gói xác chết cẩn thận, Bôn rút trong túi quần sau cuộn dây dù nhỏ buộc kĩ ba phần: đầu, ngang bụng và cổ chân tử thi. Rồi cầm dao găm gạt lớp lá mục bên trên anh bắt đầu đào hố. Ðất không quá rắn dao găm sắc ngọt, chừng non một giờ sau anh đã đào huyệt. Cũng là lúc nắng bắt đầu nung nóng rừng cây. Không có gió mà chỉ có những làn khí nóng hầm hập luồn qua lưng khiến mồ hôi nhơm nhớp ngứa như kiến đốt.
Ta cần chôn anh ấy thật nhanh. Trời nóng tử thi dễ ngả mùi...
Anh ôm xác chết đặt xuống hố, đứng nghiêm theo tư thế mặc niệm dưới chân huyệt:
Không có nhạc tiễn đưa anh. Cũng không hoa tưởng niệm. Lẽ ra em phải bắn băng đạn cuối cùng, nhưng e trên đường về đụng biệt kích. Xin anh xá cho...
Rồi anh quỳ xuống hì hục lấp đất. Chỉ mươi phút sau nấm mồ đã thành hình, cao hơn nền rừng chừng già một gang tay. Những chiếc lá úa tiếp tục rụng, rải màu đỏ chết chóc lẫn màu vàng ủ dột. Rừng này là rừng khộp, lá bằng bàn tay khi tàn nhuốm những màu sắc dữ dằn và buồn thảm, Bôn đứng ngây dại nhìn lá rụng:
Tiểu đội trưởng ơi lá rụng không ngừng... Rồi mai đây mùa mưa tới. Rồi mai đây những gốc cây già đổ xuống, rừng thay đổi dạng hình và chẳng còn ai tìm ra dấu vết của anh...
Rút dao ra, anh hối hả chém lên những gốc cây xung quanh. Gốc cây nào cũng khắc chữ X thật lớn, vừa bổ dao lia lịa anh vừa thấy tâm trí mịt mù như đám khói vì biết rằng chẳng bao giờ còn có thể quay lại nơi đây. Khi các gốc cây quanh mộ đều hằn lên hình chữ X, anh xốc ba-lô lùi lũi bỏ đi, e sợ nếu quay đầu lại sẽ nghe thấy tiếng gọi dưới mồ và không còn can đảm đi tiếp.
Ði như thế hơn hai giờ liền, cơn khát cấu xé khiến lưỡi Bôn như dính vào hàm trên. Chiếc bi-đông chỉ còn lại vài ngụm mà chẳng biết lúc nào mới gặp được khe nước hay nguồn suối. Ðã đặt tay lên bi-đông nhưng anh rụt lại, đưa lưỡi liếm mồ hôi đọng trên môi rồi tiếp tục đi. Chừng một giờ nữa, cổ họng anh bắt đầu sưng lên. Bôn đành tìm gốc cây ngồi nghỉ, cởi bi-đông uống vài ngụm nhỏ. Từng giọt nước thấm vào lưỡi, từng giọt nữa trôi qua cổ họng khiến da thịt sưng phỏng mát dịu đi. Nhưng khi cổ họng anh bớt đau, dạ dày anh liền hồi tỉnh và lên cơn phẫn nộ. Ðã hai ngày nó bị quên lãng. Thoạt tiên, nó lên tiếng than van nỉ non, rồi những than van mỗi lúc càng dồn dập hơn nhiều hờn oán hơn. Bôn siết chặt dây lưng. Dạ dày anh sôi lên ùng ục không kêu than mà nguyền rủa cấu xé anh bằng cách tự cấu xé nó trước. Hai ngày hai đêm qua anh mất hoàn toàn cảm giác đói, giờ đây toàn bộ giác quan anh quy tụ quanh cái dạ dày. Tai anh nghe nó réo gào, mắt anh nhìn thấy chất cường toan đang bào mòn thành vách, da thịt anh thấm dần những cơn buốt rát từ nó lan truyền sang... Bôn thít lại dây lưng lần nữa, ngả đầu vào gốc cây, nhắm mắt lại. Anh bắt đầu tìm kiếm một mùi thơm trong trí nhớ: một mẩu cháy, một miếng lương khô, sắn nướng trên than hoặc thịt nai quạt chả... ôi mùi thịt rừng quyến rũ ấy suốt mấy năm quân ngũ anh chỉ được nếm một lần mà hương vị còn nguyên vẹn đến giờ...
Những năm ấy, đơn vị anh đã hành quân qua bao nhiêu cánh rừng không ai nhớ nổi. Nhưng theo những vệt bom cày, các loài thú lánh bạt đi. Rừng thuở xưa nào hươu nào nai nào hổ nào gấu nào các loài chồn cáo các loài chim chóc đã biến mất... Chỉ những khu rừng lở lói xác xơ vì bom dội, trụi tóc vì chất đi-ô-xin. Các bờ suối mất vẻ mộng mơ vì mọi thứ rau ăn được bị lính tráng vặt trụi, bữa ăn tươi thường chỉ thịt đôộc nấu cháo, làm nộm hoa chuối hoặc rang mặn với mắm tôm khô đồng bằng gửi lên. Họa hoằn mới thấy bóng hươu nai. Trong cảnh tàn phá dữ dội chỉ có thứ hổ độc hay cọp thành tinh mới dám trụ lại kiếm mồi. Mồi của chúng giờ không chỉ là bầy thú sơn lâm mà cả những chú lính lơ ngơ hoặc các tốp giao liên xuất hành vào giờ Khốc Hại:
Một miếng, ước gì một miếng thịt nai từ trên trời rơi xuống. Một miếng bằng bàn tay hoặc bằng hai bao diêm thôi cũng được...
Nước miếng anh tứa đầy chân răng, và bao tử anh róc rách mơ có con suối nào đang chảy. Bôn nhắm mắt chặt hơn nữa, nuốt nước bọt. Khi anh làm như vậy, những ý nghĩ tới mau lẹ hơn.
Ngày ở làng bao lần ta vớ được bọng ong rừng. Sao những năm chiến tranh không còn may mắn đó? Ong cũng sợ đạn bom như các loài thú hoặc vì ta chưa có thời gian rảnh rỗi kiếm tìm? Có lẽ vậy. Dù bom dội, hoa vẫn nở, bướm vẫn bay đầy lèn đá và như thế, ong cũng vẫn xây tổ làm mật... Ta sẽ thử vận may xem sao? Giờ cần ngủ một giấc để lấy sức. Sau giấc ngủ, ta sẽ tìm cách lấy một giỏ ong...
Bôn thầm nghĩ, thọc tay vào túi kiểm tra xem chiếc bật lửa còn không. Chiếc bật lửa còn. Trời đã thương anh. Sau giấc ngủ anh sẽ lấy trong ba-lô chiếc may-ô cũ nhất xé làm nùi hun. Anh sẽ lựa chiều để chiếc áo cháy xong đàn ong bay đi hết. Anh sẽ trèo thật nhanh dỡ giỏ ong xuống để dè chừng lũ ong quay lại hoặc một con gấu tấn công. Anh đã mường tượng rành mạch cách đối phó với con thú tham lam kia, nếu nó ẩn núp sau một bụi rậm chờ khoảnh khắc thuận lợi chiếm đoạt chiến lợi phẩm của mình. Anh sẽ nổ súng thật mau lẹ, nhắm giữa hai con mắt hay chính tâm điểm trán tên kẻ cướp. Và sau đó, sẽ có thể là món thịt gấu nướng... Bởi lúc đói thế này, thịt gấu cũng sánh tày thịt nai...
Niềm hy vọng khiến cơn đói nguôi ngoai và anh thấy tự tin hơn. Trước lúc buông mình vào giấc ngủ hoàn toàn anh còn kịp nhẩm tính:
Mình đã đi được bao nhiêu cây số rồi nhỉ? Mười một, mười hai cây, không có lẽ chỉ mười cây chẵn. Theo hướng Ðông, nếu may mắn gặp đoạn rừng hẹp cũng còn sáu bảy chục cây nữa mới tới miền thưa lục... A, miền thưa lục... Ai dạy ta câu ấy nhỉ? Chính là tiểu đội trưởng, anh ấy đã nhặt danh từ này trong một câu thơ.
Bôn nghe âm vọng mơ hồ của câu thơ năm nào nghe đọc, rồi anh trượt từ thân cây xuống đám lá rụng và không hay biết gì nữa. Giấc ngủ kéo anh xuống một đường hầm không ánh sáng, một không gian đen thẳm hun hút không bờ không đáy, tựa hồ anh rơi xuống một cái giếng ma rơi mãi rơi mãi không biết bao giờ chạm vào mặt nước... Anh tỉnh dậy khi một cành khô rơi vào vai đau điếng. Cơn đau kéo anh từ cái giếng không đáy từ đường hầm vô tận kia về rừng khộp. Ðám lá quanh anh sực hơi nóng. Anh xoa vai, ngước nhìn vòm trời nhuộm ánh tà dương biết ý định tìm giỏ ong là bất khả. Chỉ nửa giờ nữa thôi trời tắt nắng và rừng rơi vào bóng đêm nhanh như trở bàn tay. Cơn đói đã qua, giấc ngủ đem lại cho anh sức lực nhưng anh vẫn khát. Anh lắc bi-đông xem có thể nhấp thêm một ngụm nữa chăng nhưng sau đó quyết định xoáy chặt nút bi-đông lại để trấn áp cơn thèm. Ðã có lần đơn vị anh hành quân qua một vùng khô cạn hơn ba tuần lễ, mọi người phải uống nước đái, khi gặp bãi phân voi tươi còn bốc khói ba cậu đã xô nhau áp bộ mặt nứt nẻ vào bãi phân để làn da được dịu đi... kỷ niệm ấy anh không quên được. Anh phải dành những giọt nước cuối cùng cho ngày mai, ngày mai và ngày mai... Phải cố bao nhiêu ngày mai nữa để ra khỏi cánh rừng này? Anh chưa biết... nhưng anh biết đích xác rằng anh phải gìn giữ một ngày mai. Vì thế, giờ đây anh phải ngủ tiếp giấc ngủ nữa, theo đúng phương cách của lính mùa chỉnh huấn chỉnh quân và đói thực phẩm: Lấy Ngủ bù Ăn.
Nắng cuối chiều nhạt. Bôn gối đầu lên ba-lô nhìn vòm lá chuyển màu. Ánh tím đỏ trên các phiến lá già đã ngả sang nâu và dưới các tàn lá thấp một thứ khói chàm mỏng như hơi sương luồn qua kẽ lá. Rừng rùng mình từng cơn tựa như nổi gió tựa như cất tiếng thở dài tựa như ớn lạnh sởn gai ốc và mỗi lần như vậy lá úa thi nhau lìa khỏi cành chao liệng như đám thuyền nhỏ trước khi đậu xuống. Những chiếc thuyền cỏn con màu đỏ tía màu vàng phai màu nâu ủ dột đẹp vẻ đẹp phù du khiến con ngươi thắc thỏm sợ hãi. Không gian bắt đầu nhuốm mùi hiểm nguy và nỗi kinh hoàng. Bôn ớn lạnh. Anh vội lấy tấm áo thu đông của tiểu đội trưởng mặc rồi mắc võng. Ðêm nay anh không thể ngủ dưới đất vì đất ẩn chứa một thế giới khác và từ thế giới ấy những hồn ma có thể tấn công anh. Mắc võng xong, Bôn mở khuy quần vừa đái vừa đi một vòng quanh võng để nước tiểu rắc một vành đai xú uế chống ma. Ðoạn, anh bỏ cả súng cả ba-lô lên võng rồi leo lên nằm. Trời bắt đầu tối, anh nhắm mắt lại:
Ngủ đi, ngủ thêm một giấc cho khỏe. Ngày mai ta phải đi một mạch hai mươi cây số không được nghỉ. Phải đi như thế hai hay ba ngày liền mới hy vọng gặp được người... Miễn là người của đằng mình... Không có gì ăn, cũng không đủ nước uống, phải lấy ngủ làm phương tiện duy nhất để phục hồi sức khỏe... Nào, ngủ đi...
Ý nghĩ đó thật rành mạch, quyết đoán, giống như mệnh lệnh khiến anh không còn nghĩ gì thêm. Anh chờ giấc ngủ tới. Nó không tới. Anh bắt đầu đếm từ số I đến 1000 rồi vòng trở lại, nhưng bất chợt một tiếng: Roạt vang lên kèm theo mùi hôi hắc. Bôn mở choàng mắt. Rừng đen kịt. Một con đại bàng đất vừa bay qua, để lại thứ mùi khó ngửi:
Tổ sư mày, đồ chết giẫm...
Anh thầm rủa con chim, nghe tim đập thình thịch. Chẳng bõ bèn gì con chim đêm mà tim anh đập nhịp mã hồi không sao ghìm nén. Bôn xấu hổ với chính mình:
Làm sao ta lại đổ đốn ra thế nhỉ? Ta đã qua bao nhiêu trận mạc, vác xác đồng đội ít nhất cũng bảy lần, chứng kiến cảnh chết chóc triền miên không nhớ rõ... Vậy mà giờ lại sợ tiếng chim đêm. Thật đúng là đồ con lừa... Hãy nhắm mắt ngủ đi...
Nhưng một chuỗi cười vang lên khành khạch ở góc rừng, phía dưới chân võng:
- Này anh lính, tôi đố anh ngủ được, cho dù anh đếm từ số một đến một triệu. Ðêm nay anh phải thức để tiếp chuyện tôi. Tôi chờ anh ở xó rừng này đã lâu.
Bôn tự bảo:
Vớ vẩn, mình chẳng quen ai ở vùng này. Toàn là chuyện tưởng tượng...
Anh nhắm mắt và bắt đầu đếm: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9... Tiếng cười khành khạch lại vang lên, lần này ngay ở đầu võng và âm thanh rợn như tiếng dao cạo trên tinh nứa:
- Mở mắt ra. Không ngủ được đâu. Anh không thể tự lừa anh lại càng không thể trốn được tôi. Mở mắt ra, tôi đang ở đây và đang nhìn vào mặt anh.
Bôn kéo hai vạt võng trùm kín mặt nhưng hai bàn tay anh bỗng lạnh toát cứng đơ đau điếng như bị hai bàn tay bằng thép nắm chặt và bóng ma cúi xuống thổi vào mặt anh làn hơi giá. Trước tiên hai gò má anh buốt lạnh, rồi hai mi mắt anh tê cứng máu không còn luân chuyển, anh không còn điều khiển nổi và chúng bỗng dưng đờ đẫn mở ra như miệng con sò nướng chín:
- Có thế chứ?
Bóng ma cao giọng:
- Hãy mở mắt nhìn xem chúng ta đã gặp nhau ở đâu?
Một gương mặt trong suốt, xanh như lá mạ đang lửng lơ trước mặt anh, vầng trán rộng và nụ cười đầy riễu cợt:
- Nhớ ra chưa? Chúng ta đã có duyên hội ngộ mà?
Bôn lẩm bẩm:
- Không... Không thể nhớ...
Bóng ma giơ một bàn tay lên: Bàn tay phải chỉ có bốn ngón hiện rành rành từng đốt xương như tấm phim chụp X quang.
- Hãy nhìn bàn tay phải của tôi: Nó chỉ còn bốn ngón thôi và ngón cụt chính là ngón trỏ.
Bôn gật đầu:
- Ðúng, bàn tay anh chỉ còn bốn ngón nhưng tôi chẳng nhớ đã gặp anh ở đâu.
Bóng ma nói:
- Hãy lục thêm một lần trí nhớ. Anh cũng như tôi còn rất trẻ. Óc minh mẫn như tờ giấy trắng dễ dàng ghi nhận nhiều điều.
Bôn bắt đầu bực:
- Thôi đừng đánh đố, tôi không nhớ được là không nhớ được.
Bóng ma cười:
- Cha cha... Sao mà vô tư vậy? Dễ quên lắm vậy? Anh nhớ ngọn đồi Sao Trắng chứ?
- Nhớ. Ðồi Sao Trắng tức cứ điểm phía Tây Nam Bình Quới. Ðơn vị tôi đã diệt gọn quân địch trong một đêm. Sau trận ấy được tuyên dương đơn vị anh hùng và được thịt ba con bò khao quân.
Bóng ma lại cất tiếng cười khanh khách, điệu cười ròn rã như trẻ thơ như đau đớn như cay đắng:
- Sao, bữa cỗ khao quân đó có ngon không?
Bôn đáp:
- Ngon. Mấy tay đầu bếp pha nước tương chấm bò thui ngon tuyệt.
- Trong mùi thịt bò có ngửi thấy mùi thịt chúng tôi không đấy?
Anh trai tôi, chỉ huy đồn Sao Trắng cùng đồng đội của anh ấy đều đã chết vì Rốc-két của các anh. Tôi là kẻ hưởng ân huệ sau cùng.
Tôi đã hứng một tràng tiểu liên của anh khi tôi đứng trong góc kẹt giữa hai bức tường nhà kho... Anh vẫn nhớ hai bức tường ấy chứ? Chúng quét vôi vàng nên máu và óc tôi vọt bắn ra in nhòe nhoẹt như bức tranh màu. Trên chóp nhà kho cắm cây chong chóng chỉ hướng gió và sau lưng nhà kho chất lổng chổng những hòm gỗ rỗng. Anh đã bị ngã ở đó. Và lúc ấy, đứng trong góc kẹt nếu tôi vẩy một phát súng ngắn thì anh sẽ chết ngon lành, anh sẽ chẳng còn cơ hội lia một băng tiểu liên vào tôi...
Giọng kể của bóng ma đều đều, vừa như vui vẻ vừa như buồn rầu và gương mặt xanh rờn trong suốt đó cao bổng lên, mắt nheo lại ngắm nhìn anh:
- Anh bạn, giờ đã nhớ ra rồi chứ?
Bôn không đáp. Trí nhớ anh như thung lũng lấp dưới bao nhiêu than tro, bụi đá, sỏi đất những trận bom những luồng đạn pháo những chiến trường dằng dặc liên miên tên cứ điểm này chồng lên tên cứ điểm kia, con đường nhỏ đổ vào con đường lớn, các đoàn quân đi từ đông sang tây từ Bắc vào Nam rồi lại từ Nam quay ngược ra Bắc, anh làm sao nhớ được? Chừng như bóng ma đoán ra điều ấy, liền cất tiếng sẽ sàng:
- Anh còn nhớ gã trai nhỏ thó mặc bộ quần áo lính Dù đứng giữa hai bức tường nhà kho cứ điểm Sao Trắng, cái gã đeo cặp kính cận và giơ chiếc áo sơ mi trắng lên đầu?
Trong tâm trí Bôn vụt lên tiếng kêu:
- Giờ tôi đã nhớ...
Hình ảnh gã trai đeo cặp kính cận bỗng trồi dậy qua bao nhiêu địa tầng trong trí nhớ... Phải, lúc đó anh đã trượt ngã khi nhảy qua đống hòm gỗ phía sau nhà kho, anh vượt qua gian nhà sập mái, một kho thực phẩm đang cháy và sau đó chợt nhìn thấy gã trai nọ đứng trong khúc kẹt giữa hai bức tường, gã giương lên đầu vật gì đó trăng trắng và cặp mắt kính long lanh hướng về phía anh. Lúc đó anh không nghĩ ngợi gì đã lia một băng tiểu liên và tiếp tục chạy về phía trước, tiếp tục truy quét đám tàn quân theo tiếng hô của đồng đội:
- Tôi chính là gã trai mang cặp kính cận nhưng giờ đây tôi không mang chúng nữa... Chúng chẳng còn cần thiết dưới cõi âm...
Bôn lặng thinh. Anh hiểu rằng đã đến lúc kẻ ra đi vòng trở lại. Cái oan hồn kia sắp tính sổ với anh... Lúc đó, tại sao anh không đếm xỉa tới tấm áo sơ-mi giơ lên thay cho ngọn cờ trắng? Anh không biết. Có lẽ anh quên kỉ luật nhà binh, thứ lý thuyết chỉ đọc qua một lần. Có lẽ vì diễn biến trận đánh quá nhanh, anh không ngờ mình có thể gặp hàng binh... Cũng có thể vì trong trận đánh trước, đại đội của anh đã bị diệt quá nửa nên những kẻ sống sót không còn khả năng gìn giữ kỉ luật chiến trường... Cũng có thể lúc đó óc anh mê mụ vì tiếng đạn rốc-két, tiếng trung liên, tiểu liên, tiếng gào thét và tiếng hô xung phong, vì lửa vì khói vì những xác người đổ xuống và tất thảy làm thành bản nhạc siêu thặng kinh dị của chiến trường, thứ âm nhạc ở ngoài tất thảy.
Không một giao hưởng, một tấu khúc nào đạt tới bởi nó khiến con người mê đắm trong cơn say thù hận, chém giết... Không, không...
Anh không biết và anh cũng chẳng cần bào chữa cho mình. Anh nói:
- Tôi nhớ ra rồi... Nhưng chiến tranh là chiến tranh. Lúc các anh giội bom nghiến nhừ từng đại đội chúng tôi rồi quay về Sàigòn uống bia lạnh và ôm gái các anh có ngửi trong mùi bia mùi máu chúng tôi chăng? Ðừng hỏi những câu ngớ ngẩn. Muốn làm gì nhau cứ làm...
Gương mặt xanh rờn kia lướt lại gần:
- Anh nói đúng. Chiến tranh là chiến tranh. Anh trai tôi, người chỉ huy đồn Sao Trắng cũng sẽ bắn tới người lính Việt cộng cuối cùng nếu anh có thể... Nhưng tôi là gã trốn lính, là thằng lao công đào binh lên Sao Trắng thăm thân nhân trước lúc trở về Sàigòn.
Bàn tay bốn ngón lại giơ lên trước mắt Bôn:
- Anh hãy xem: Tôi đã chặt ngón tay đó với lưỡi rìu của một ông già Ê-đê khi đơn vị tôi đóng quân ở Ðắc Lắc. Lúc đó tôi nhập ngũ được hai tháng sau khi đã chạy chọt đủ kiểu mà không thoát nạn quân dịch. Vì tội ấy tôi bị tù năm năm, sau đó là ba năm lao công đào binh...
Bôn cắt lời:
- Lúc ấy tôi làm sao biết được bàn tay bốn ngón của anh?
Bóng ma gật đầu:
- Phải, nhưng tôi đã giơ cao tấm áo sơ-mi trắng lên đầu và hẳn anh biết đó là dấu hiệu quy hàng?
- Tôi cũng đã được học qua nhưng lúc đó tôi quên béng... Giá hẳn là mảnh cờ trắng cho thật rõ ràng đã đi một nhẽ... Ðằng này lại là tấm áo. Tôi biết đâu mà suy ra?
Bóng ma xanh rượt kia nhếch miệng cười buồn, chẳng phải tiếng cười khanh khách đầy thách thức riễu cợt như lúc trước:
- Tôi thấy anh thực thà... Quê anh ở đâu?
- Quê tôi...
Bôn định nói quê anh miền sơn dã, một xóm giáp Trường Sơn hẻo lánh và thơ mộng... nhưng anh chưa kịp mở miệng một bóng ma khác từ phía sau bóng ma xanh rờn kia chồm tới:
- Câm mồm... Ðã đến lúc mày trả mạng...
Một bóng ma vậm vạp, hung dữ, cao hơn bóng ma xanh nhợt kia cả cái đầu:
- Thằng sát nhân, tới phút mày phải đền em tao mạng sống.
Bôn thấy nửa mặt anh tê điếng như vừa bị cú đấm hiểm độc hoặc bị tọng một báng súng. Anh muốn bật trả lại cú đấm, anh muốn quơ tay lấy khẩu súng nhưng hai cánh tay anh đã tê cứng như đóng thành băng. Anh không động cựa được. Lúc đó, bóng ma ẻo lả kia lướt tới gần:
- Thôi đi anh... Chẳng để làm gì?
Bóng ma hung dữ gầm lên:
- Em ngu lắm... Không ai cao thượng với kẻ thù nhất là thứ kẻ thù ti tiện như bọn Cộng Sản.
- Em xin anh... Anh ta còn quá trẻ. Và anh ta chẳng được học hành.
- Không lý luận. Tao là lính và tao hành động theo cách lính.
Phía sau bóng ma đó, một lũ ma xô tới:
- Ðúng, bẻ cổ thằng sát nhân ấy đi.
- Rút lưỡi nó ra.
- Cho nó một nhát lê vào giữa tim... Mà thằng lính quê đó chẳng có tim đâu. Trong ngực nó chỉ có một quả cật bò hay cật lợn...
Ðám ma lính xông tới, hò hét, khạc hơi lạnh của tử địa vào mặt anh, tất cả giữ nguyên vóc dạng hình hài, trang phục lính. Bôn như ngửi thấy mùi khét của mồ hôi lẫn mùi máu đọng trên những vết thương của họ, mùi dầu chải tóc, mùi áo quần, mùi kẹo cao-su họ thường nhai... thứ mùi quen của bọn thù địch. Lũ ma bên kia chiến tuyến còn ghê rợn hơn lũ ngạ quỷ anh thấy trong các ngôi chùa bởi chúng không phải những hình ảnh do các huyền sử ghi tạc mà là những kẻ thù thật sự, và khi anh đã quên, chúng còn nhớ...
Chỉ mình ta, đơn thương độc mã, nhưng ta có súng và dẫu đông chúng vẫn chỉ là những hồn ma... Chiến đấu!...
Ý nghĩ đó bật lên trong tâm hồn phẫn nộ của anh, khiến máu anh vọt từ tim ra, lùa luồng khí nóng đi khắp cơ thể, sưởi ấm đôi tay cóng giá. Anh co bóp mấy lần hai bàn tay rồi nắm chặt, chặt đến đau điếng và sau động tác đó, những ngón tay anh lấy lại cảm giác bình thường. Bôn hét to:
- Chiến đấu... Chiến đấu...
Rút cây súng dưới lưng, anh nổ ba phát liền. Rừng đêm rung vang rào rào trút lá. Anh nghe tiếng lá rơi, tiếng chân thú nhỏ chạy xào xạc, tiếng đập cánh của lũ chim đêm trên các vòm cây. Lũ ma biến mất, cả đám ma hung hăng lẫn con ma ẻo lả có gương mặt xanh rờn.
- Chiến đấu...
Anh thét lên lần nữa, say sưa vì thắng lợi, vì sự nhục mạ được tẩy rửa:
- Tao sẽ cho chúng mày biết trong ngực tao có trái tim hay không.
Pằng, pằng, pằng... Ba phát nữa tiếp theo. Rừng lại rung âm vang vọng và lá trút ào ào khắp bốn bên. Ngớt tiếng súng, Bôn giương mắt nhìn quanh thấy đêm im lặng, đen như nhung, an toàn như những đêm xưa:
- Có thế chứ...
Anh cao giọng nói, nghe tiếng vọng lại như tiếng nhạc của thần rừng. Yên tâm, anh nằm xuống, tay chặn lên khẩu súng và tay kia cuốn vạt võng lên che bụng:
Giờ ta có thể ngủ một giấc cho đến sáng, và sớm mai, ta sẽ tiến hai mươi cây số về phía đông...
Nhưng toàn thân anh nóng sực, thần kinh anh căng thẳng như những sợi dây đàn vặn căng hết cỡ trong cuộc giao tranh khiến anh không thể chợp mắt. Anh lắng nghe tiếng vỏ cây rạn vỡ, tiếng những con bọ bay rè rè, tiếng chuột rừng chạy trên đám lá khô, tiếng chim đêm gõ mõ... Và chợt nhận ra hai tai anh giỏng lên nghe ngóng mọi tiếng động rừng đêm vì trong thâm tâm anh sợ hãi tiếng cười khanh khách của con ma có gương mặt xanh rờn:
Tại sao ta lại bắn nó? Cái gã ẻo lả đó. Nó đã giơ cao tấm áo trắng trên đầu. Rõ ràng ta nhìn thấy hai cánh tay gã giơ lên, vạt áo trắng thõng xuống che một phần mái tóc. Hình như óc ta chẳng kịp suy nghĩ trong khi tay ta như cỗ máy tự động bóp cò... Khốn nạn thật...
Anh biết con ma ẻo lả đó đáng sợ nhất vì nó đã tước đi vũ khí của anh. Anh không thể căm thù nó. Anh không thể xả súng bắn sáu phát liền vào nó như vừa bắn lũ ma lính đểu cáng kia. Anh sờ khẩu súng, khấn trời mau sáng và nếu lũ ma còn hiện hình xin hãy là lũ ma lính đồn Sao Trắng, bọn thù địch anh có thể đối đầu không ăn năn khiếp hãi, có thể xả súng khạc đạn hoặc có thể đái vọt vào mặt chúng dòng nước tiểu để xua chúng đi theo cách cổ truyền...
Nhưng trời còn lâu mới sáng và chừng nửa giờ sau, khi thần kinh anh bớt căng thẳng, khi gân cốt anh bắt đầu chùng xuống, giấc ngủ mơ hồ lướt tới một bàn tay lạnh buốt lại đặt lên trán anh:
- Sao, anh không ngủ được à?
Bôn mở mắt, thấy gương mặt xanh và nụ cười buồn:
- Tôi không có ý định hành hạ anh. Nhưng tôi không hiểu nổi việc anh làm. Tôi không hiểu được cái chết của tôi và giờ đây tôi muốn chúng ta trò chuyện...
Bôn ngồi nhỏm dậy. Anh biết nếu còn tiếp tục nằm anh sẽ chết ngạt bởi làn ánh sáng xanh rợn toát ra từ gương mặt trẻ trung kia, nó có thể là làn khí độc thoát ra từ những con hồ chứa thủy ngân hoặc những lọ độc dược bọn phù thủy thường dùng để tiêu diệt đối thủ:
- Hình như anh còn kém tuổi tôi? Ở nông thôn, người ta đăng lính sớm...
Bôn nói:
- Tôi đã bảo anh rồi: Chiến tranh là chiến tranh, không ai tính được trong lúc đạn réo bên tai, đạn cày trước mặt. Tôi chẳng thù oán gì anh, nhưng trời xui đất khiến anh lạc vào đồn Sao Trắng và tôi phải xử với anh như với kẻ thù.
- Tôi hiểu.
Bóng ma đáp nhẹ nhàng, không nhìn vào mặt anh mà hướng ánh mắt về phía trước:
- Ngay từ đầu tôi đã nói: Tôi chờ anh nơi xó rừng này để trò chuyện, tôi không tính nợ máu như những kẻ ân oán chốn giang hồ. Hãy yên tâm, tôi chẳng làm gì phương hại đến anh.
Bôn đáp:
- Tôi chẳng sợ. Anh muốn làm gì cứ việc làm.
- Ồ, sao anh lại cáu? Ðêm còn dài và chúng ta có thể chuyện trò thả sức... Anh có vợ chưa?
- Rồi.
Bôn đáp trong khi tiếng rên rỉ bật lên trong trái tim anh:
- Ðêm còn dài nhưng tôi muốn ngủ, tôi không muốn đối mặt anh, chuyện trò với anh. Không ai muốn đối thoại kẻ mình đã sát hại... Nhưng bóng ma dường như không biết tới tâm trạng của anh, tiếp tục cuộc nói chuyện một cách khoan dung:
- Dân miền núi các anh lấy vợ sớm thật... Như thế, anh cưới vợ năm mười chín tuổi?
- Mười bảy.
- Trời đất, thế vợ anh bao nhiêu?
- Cô ấy bằng tuổi tôi.
- Chị ấy xinh không?
- Vợ tôi đẹp như tiên, chẳng xấu xí như tôi.
- Anh không xấu dù anh chẳng đẹp... Anh có cặp mày chữ nhất và đôi mắt u uẩn như mắt dân Chàm. Chị ấy có viết thư cho anh không?
- Năm đầu tôi nhận được hai lá... Từ đó đến nay không có nữa.
- Bên các anh phương tiện thư tín khó khăn.
- Phải, chúng tôi không có viện trợ Mỹ. Chúng tôi không đủ thịt hộp, lương khô, sữa hộp, thuốc lá và thuốc men như quân địch.
- Nhưng đạn dược thì hẳn là nhiều.
- Cũng có đôi khi không đủ... Ðôi khi chúng tôi phải rút quân sớm vì không chuẩn bị đủ cơ số đạn... Nhất là B40 và B41.
- Các anh được nhận đạn của cả Liên Xô và Trung Quốc, sao thiếu được.
- Nhận của ai cũng mặc mẹ họ... Tôi không muốn nói mãi chuyện ấy...
Bôn nổi khùng vì tim anh đau thót, dường như cuộc nói chuyện với hồn ma kia là cuộc thôi miên dẫn anh vào độc đạo, càng đi hơi thở càng suy yếu ngột ngạt, tâm hồn anh càng tả tơi tan mủn như mảnh giấy báo dầm mưa... Anh cần phải rút khỏi cuộc đối thoại này trước khi trở thành xác chết:
- Thôi thôi, anh đi đi...
Anh đột ngột thét lên:
- Tôi đéo nói chuyện với anh nữa... Cuốn xéo đi đi đi...
Bốn bên, rừng lặp lại tiếng anh. Và những tiếng vang nghe rùng rợn, nghe ma quái như không còn là tiếng của chính anh mà là tiếng vọng từ hang sâu vực thẳm nào đó. Anh chộp khẩu súng, lên đạn giương về phía bóng ma:
- Ði đi... Tôi chẳng thù oán gì anh nhưng tôi không thể đối mặt anh... Ði đi, nếu không tôi bắn...
Anh nghe có tiếng cười khe khẽ, gương mặt xanh rờn kia không xao động:
- Ðạn không bắn thủng được hồn ma. Chúng tôi sẽ giữ mãi hình hài của chúng tôi lúc chết. Hãy nhìn xem: lỗ thủng trên trán tôi vẫn còn.
Bóng ma xáp gần, giơ ngón tay chỉ vào vầng trán rộng và Bôn thấy trên vầng trán đó lỗ thủng đen tròn viên đạn anh để lại.
Bóng ma tiếp tục nói:
- Tôi không làm hại anh, nhưng anh chẳng thể trốn tránh tôi. Chúng ta không thể chối bỏ hành động của chính mình, bất cứ ai cũng vậy... Tại sao anh lại bắn tôi lúc đó? Tôi đã giữ mạng sống cho anh, tôi đang đợi anh tới để nộp cờ hàng. Tôi biết chúng ta cùng nòi giống và lẽ ra chúng ta không nên làm cuộc chiến tranh thảm sầu, nồi da nấu thịt...
Bôn không rời mắt được cái lỗ thủng đen và tròn trên vầng trán xanh xao kia. Có những viên đạn khác nữa ở vị trí cao hơn đã bửa tung cái đầu gã trai khiến máu lẫn óc vọt lên hai bức tường. Cảnh tái hiện khiến anh kinh hãi:
Phải... lúc ấy mắt gã long lanh. Ta nhớ đôi mắt đầy thiện ý. Và giá như ta bước tới, gã sẽ bỏ tấm áo trắng kia xuống và ngoan ngoãn bước đi. Ta có thể nhốt tạm gã vào gian phòng nào đó rồi sau trận đánh thả gã về thành phố...
Những ý nghĩ ấy cày trong óc não anh những rạch cày buốt xót. Gã trai ẻo lả đó đã chết vì tay anh. Và khi thu dọn chiến trường nào ai còn để tâm tới bàn tay phải có bốn ngón của gã? Nào ai biết gã là kẻ phản chiến và lẽ ra gã còn có cơ hội được sống dưới ánh mặt trời... Anh thấy anh sắp tắt thở, liền kêu rống lên:
- Tôi không biết, tôi không biết... Lúc ấy tôi chẳng nhớ gì, và...
Lưỡi anh tắc lại, hơi thở yếu xìu, có lẽ anh sắp hết hơi và chỉ vài giờ nữa anh sẽ chết nếu tiếp tục bị con ma kia tra khảo:
Trời ơi, giá tiểu đội trưởng ở đây, giá có anh ấy bên ta lúc này ta sẽ chẳng còn khốn khổ. Tiểu đội trưởng là dân Hà Nội, anh ấy sẽ đủ lý lẽ để thuyết phục con ma thành phố kia, và biết cách bảo vệ ta...
Anh hối hận vì đã không lường trước khúc nhôi này, không đem tiểu đội trưởng theo mà chôn anh ấy lại góc rừng sát cứ điểm 327:
Lẽ ra ta phải cõng anh ấy theo... Giờ đây ta côi cút và anh ấy cũng côi cút...
Bóng ma xanh rờn kia vẫn đứng trước đầu súng, chẳng mảy may run sợ. Bôn nói tiếp, nghe giọng anh lạc hẳn đi, gần như tiếng van vỉ:
- Anh đi đi... Ði đi...
Bóng ma cất tiếng thở dài. Hơi thở cuốn theo làn gió lạnh. Làn gió đầy âm khí lướt qua mặt qua vai Bôn khiến toàn thân anh sởn gai ốc và sống lưng như muốn sụn xuống. Bôn biết anh sắp chìm vào cơn tê bại lúc trước nên nghiến răng bấm cò súng. Một tràng đạn rung giật rừng đêm, xô lắc đám cành cây, lá úa thi nhau trút đổ. Tiếng súng lắng, anh giương mắt nhìn: Bóng ma kia vọt lên cao như trái bóng của trẻ nhỏ như đám lông chim bay liệng giữa không trung. Anh biết rằng khoảnh khắc nữa, khi mùi thuốc súng tan lắng hoàn toàn, rừng im lặng hoàn toàn, nó sẽ lại nhẹ nhàng đáp xuống như con bướm, trước mặt anh, đưa cặp mắt ma trống rỗng nhìn anh, tiếp tục cuộc hỏi cung từ tốn và kinh rợn. Anh quỳ gối, mở khuy quần, rút bộ phận sinh dục giờ trở thành vũ khí tùy thân, tia nước tiểu về phía trước. Nhưng anh chẳng có nước uống nên nước tiểu tia ra một chút rồi tắc lại. Bôn thót bụng hòng vắt kiệt chút nước tiểu còn sót trong bọng đái, dù là máu anh cũng muốn nó biến thành thứ nước khai nồng vào lúc này, nhưng mọi cố gắng của anh đều vô hiệu. Anh đành cài khuy quần, ngồi nhìn bóng ma lững lờ giữa không gian đen thẳm của rừng đêm, tay nắm chặt khẩu súng nhưng không dám bắn thêm một phát đạn nào vì còn phải để dành phòng hờ bọn thám báo... Rồi anh nghe tiếng cười của bóng ma từ trên cao vọng xuống. Rồi anh thấy hai ống đùi nó đong đưa, đong đưa, hai ống đùi không đầu gối không cẳng chân bàn chân... Chẳng loài ma nào có chân cả. Cặp đùi nhẹ bỗng đung đưa trong không gian đôi lúc như sắp lao vào mặt anh đôi lúc lại lảng xa xa, tiến về hướng khác... Mồ hôi anh toát ra, cơn căng thẳng khiến đầu óc anh lúc nóng sừng sực, lúc tê dại... Dần dần, anh thấy hai đầu gối không còn trụ vững, xương bánh chè long dần, rã rời lục cục như mấy mảnh gỗ trong ống quần, tay anh hạ dần khẩu súng xuống. Khi cây súng nằm gọn trong lòng võng, hai cánh tay anh cũng mất hết cảm giác cứng đờ, buốt lạnh. Anh ngã chúi mặt bụng úp lên cây súng. Phía trên lưng anh một bàn tay lướt dọc như muốn làm động tác xoa vuốt, bàn tay xương xẩu chỉ còn bốn ngón, ngón trỏ đã bị tiện cụt đi.
Sớm hôm sau, Bôn thức dậy trong tư thế kì cục ấy. Anh nằm úp mặt xuống võng, chổng mông lên trời hai gối quỳ dưới bụng và khẩu súng dưới gối. Ðầu gối anh thâm tím, quần áo tẩm sũng mồ hôi lẫn sương lạnh toát, tim đập đau nhói từng hồi. Bôn nhảy xuống, tháo vong, mở bi-đông tự cho phép mình uống hai ngụm nước để lấy sức đoạn vặn chặt nắp bi-đông đeo vào lưng. Anh khoác ba-lô quay lại nơi chôn tiểu đội trưởng. Anh đi một mạch, không quay đầu lại phía sau, không nghỉ. Sự thúc hối sống còn khiến chân anh bước vùn vụt như kẻ nhập đồng. Ðoạn đường hôm qua đi được không dài lại không có khúc rẽ nên hơn hai tiếng đồng hồ sau anh đã quay lại đúng góc rừng giáp cứ điểm 327. Bôn tìm đám lá cây khắc chữ X. Ở giữa chúng, mồ tiểu đội trưởng đã lút dưới tầng lá khộp. Bôn vẫn nhớ cự ly từ ngôi mộ đến các gốc cây xung quanh. Cào lớp lá chẳng bao lâu anh thấy nấm đất vuông hiện lên. Anh bỏ ba-lô sang bên, rút dao găm đào đất. Lưỡi dao gọt theo hình chữ nhật rồi dần đưa sâu vào bên trong. khi lưỡi dao vừa chạm tới lớp tăng liệm cũng là lúc trên đầu anh vang lên tiếng kền kền: Một, hai, ba rồi bốn con bay tới, lượn vòng trên các vòm cây, lúc chao bên phải, lúc chao bên trái, mắt chúng quăm quắm theo dõi lưỡi dao dưới tay anh. Bôn nhặt mấy cục đất to ném:
- Cút mẹ mày đi... Tổ sư lũ khốn...
Câu chửi vừa dứt anh bật ho một tràng dài. Ngắt cơn ho Bôn mới biết mùi tử thi đã bốc lên xộc thẳng vào họng anh khiến anh nghẹt thở. Lũ kền kền ngửi thấy mùi tử thi trước anh. Chúng là bạn đồng hành với cái chết, đất chiến trường nơi nào cũng có chúng dù núi cao hay bình nguyên, thung lũng hay cát cồn ven biển. Lần đầu Bôn thấy chúng khi anh cùng Tấn và Kha, hai cậu bạn Nghệ Tĩnh đi hái rau rừng. Qua núi Xiêng Mai bất chợt lũ chim ăn xác vọt bay qua đầu họ, vừa bay vừa buông tiếng kêu ken két như kim loại cọ vào nhau và cánh chúng quạt ra thứ gió nồng nặc mùi thịt người thối khẳm... Ba người lính đứng chết lặng một hồi vì sợ. Ðó là lần đầu họ bắt gặp sứ giả của Tử thần. Lát sau, bình tĩnh lại, họ quay về góc núi kín nơi lũ kền kền vừa bốc bay lên. Góc núi ấy khuất sau những tầng dây leo um tùm xanh ngợp kết thành bức bình phong khổng lồ treo lủng liểng những chùm hoa đỏ nhợt nhị đen, lá dày nổi gân thẩm trông như đúc bằng nhựa màu lục. Thứ lá ấy đụng phải da sẽ sưng rộp trong khoảnh khắc và sau đó vài ngày chúng làm thành thứ mủ vàng đục rất tanh. Họ đã nếm mùi nên phải thận trọng tìm lối đi vòng để tới được bãi mồi của lũ chim ăn xác. Càng tới gần, mùi tử thi bốc lên càng ngột ngạt. Trong không khí tẩm liễm thứ mùi ghê rợn ấy, những toán kền kền khác tiếp tục bay lên, không giống như lũ chim lúc trước vừa bay vừa cất tiếng kêu ầm ĩ mà là những con chim béo mụp, nặng nề, vỗ cánh chậm chạp. Vì quá béo, chúng không còn kêu được, chỉ thì thoảng phát ra một tiếng: Két cụt lủn. Mắt chúng cũng lờ đờ hơn những con kền kền đói. Chúng bay qua mặt tốp lính, từng con một, dửng dưng, không thèm trốn tránh, không sợ hãi, tiếng đập cánh nặng nề của chúng làm không gian trong xó núi thêm cô đặc mùi tử địa và nỗi kinh hoàng. Ba người tới tận nơi: Một góc đất rộng chừng vài trăm thước vuông rải rác xương và những mảnh áo quần bị xé rách, quần áo lính đeo trên các tử thi chưa kịp mục nhưng bị xé rách tươm vì nanh thú dữ và mỏ chim. Không con thú nào còn lại đó vì thịt đã thối khắm. Chỉ còn lại lũ kền kền. Vài con đại bàng đất nghiêng ngó cái đầu trụi bẩn thỉu xấu xí...
Không hố bom. Không vết mìn nổ... Vậy những người lính chết vì lý do gì? Những chiếc đầu lâu lẫn những chiếc ba-lô. Bôn đếm hơn ba chục đầu lâu: một trung đội. Họ chết vì lý do nào? Hai người bạn nhìn anh và tất cả những ánh mắt đều chung nỗi hoài nghi. Không ai trả lời ai. Không ai dám lên tiếng. Hơn ba chục chiếc đầu lâu bị tha đi tha lại, lăn lóc, biến dạng, mảnh tóc mảnh thịt dính lươm nhươm... Ðó là những đồng đội của họ, sống cuộc sống gần gụi với họ và có thể là ảnh tượng của chính họ trong một ngày mai rủi ro nguy khốn... Ba người không ai bảo ai câm lặng đi bẻ cành khô, kiếm lá khô quấn thành nùi lớn rồi ném lên đống xương chưa kịp rã hết thịt thối. Phải ngót bốn tiếng đồng hồ họ mới kiếm nổi số củi cành ước lượng tạm đủ cho cuộc hỏa thiêu. Họ cũng chẳng thể nấn ná lâu hơn vì mặt trời bắt đầu xuống núi. Kha châm mồi lửa ném vào đống củi cành. Lúc đó, Bôn và Tấn mới lên tiếng. Cả hai lẩm nhẩm khấn:
- Anh em sống khôn chết thiêng xin chứng giám cho chúng tôi. Chúng tôi không đào đâu ra xăng bột, cũng chẳng kiếm đủ củi khô để hỏa thiêu anh em thật sạch. Xin cầu trời khẩn phật cho vong hồn anh em được siêu thăng, sớm được đầu thai kiếp khác để hưởng cuộc sống an bình... Rồi ba người đứng cúi đầu mặc niệm đám đồng đội vô danh. Trong lúc lửa đã lan từ núm mồi sang các đám củi cành và các thân gỗ khô ải. Lửa bắt đầu bốc cao, Kha bảo:
- Về thôi.
Sau tiếng hô của Kha, cả ba người quay lưng chạy. Họ chạy như điên như rồ như ma quỷ hoặc thần dịch hạch đuổi sau lưng. Họ cắm đầu phóng qua các bụi gai, theo nhau trượt như con cù trên các dốc núi, nhảy qua các bờ vực mà lúc bình thường họ không dám liều mạng đưa chân... Rồi họ trở về đơn vị, không một ngọn rau trong tay, ảnh tượng của những người đồng đội xấu số vẫn bám chặt vào óc não, mùi tử thi bám trên da thịt quần áo, nỗi kinh hoàng ngấm vào từng lỗ chân lông. Cả ba ngã dụi giữa lán, thở muốn đứt hơi, chẳng kịp nói với bạn hữu lời nào và cứ thế òa lên khóc...
Kỷ niệm cũ quay về khiến Bôn sững sờ trong giây lát. Anh nhắm mắt rồi lại mở mắt mấy lượt liên tiếp như để xua đuổi hình ảnh góc núi Xiêng Mai, những tử thi lăn lóc phía sau tấm bình phong xanh lục khổng lồ treo những chùm hoa đỏ nhợt... Hồi lâu, khi đã thật sự trấn tĩnh, anh ngước nhìn lũ kền kền đậu trên cây đang hau háu chờ đợi... Cũng loài chim kinh tởm này, nhưng giờ đây không có Tấn, không có Kha chỉ mình anh đơn thương độc mã chống lại chúng:
Phải tấn công trước, lấy tấn công làm chiến lược...
Anh vơ một vốc cục đất to đứng lên vừa hét vừa liệng về phía lũ chim ăn xác:
- Cút... Cút mẹ mày đi... Cút cút... Cút cút cút...
Lũ kền kền kêu thét, vỗ cánh bay lên nhưng sau vài vòng lượn chúng lại theo nhau đáp xuống một cành cây chỉ cao hơn đầu anh vài sải tay.
Mặt trời đã lên cao, hơi nóng lan dần trong các tầng lá. Bôn quỳ xuống tiếp tục đào. Anh phải đi khỏi rừng này, tiến về phía Ðông, tiến về phía sự sống. Anh không được phép chần chừ. Mặc kệ mùi tử thi và lũ chim ăn xác. Mùi tử thi nào có thấm gì với nỗi cô đơn và sự khiếp hãi đêm qua anh phải chịu? Chỉ cần sự hiện diện của tiểu đội trưởng mọi bóng ma thù địch sẽ lùi xa và anh sẽ an toàn. Cả hai sẽ cùng tiến về phía Ðông. Tiểu đội trưởng, hồn ma chiến thắng sẽ đánh bại lũ ma đồn Sao Trắng sẽ xua đuổi hồn ma xanh xao ẻo lả, sẽ bảo trợ và đem lại nguồn sức mạnh cho anh. Và anh, kẻ yêu anh ấy với một tình yêu chung thủy sẽ mang anh ấy về với đồng bằng... Họ sẽ bên nhau, cho tới phút vinh quang ấy...
Mười lăm phút sau anh đã xốc được tử thi khỏi huyệt. Lũ kền kền bắt đầu nháo nhác kêu, theo nhau lượn vòng trên đầu anh. Hơi gió Tây lùa mạnh hơn bốc mùi tử thi và đưa âm vang tiếng kêu của lũ chim ăn xác, tiếng kêu hoan hỉ hội hè.
- Cút... Cút... Cút ú út...
Bôn hét. Nhưng tiếng hét của anh đã yếu, lọt thỏm giữa rừng già chẳng ảnh hưởng gì tới lũ chim đang khép chặt vòng bay, mắt sáng nhoáng nhăm nhăm nhìn con mồi, mỏ và móng dường như đang sẵn sàng nhay rỉa. Buột chặt một cành cây. Khi đã nắm trong tay thứ vũ khí mới anh vươn thẳng lưng nhìn lũ chim thù địch:
- Ðịt mẹ chúng mày. Tưởng cỗ dọn sẵn rồi hả? Cỗ đây, cỗ đây, cỗ đây, cỗ sẵn rồi đây...
Anh cất tiếng chửi tục rất to và cứ mỗi nhịp hô, anh lại quật cành cây khiến lũ kền kền phải vọt lên cao. Bôn dừng tay gài dao vào lưng, thở một lúc. Khi đã hoàn hơi anh tháo nút dù buộc nơi cổ tử thi, rút trong túi quần đoạn dây dù khác rồi mở đầu tấm tăng thắt hai góc thành hai nút tai lợn, buộc vào mỗi nút một đầu dây, hai đầu kia nối lại vừa vặn tròng qua vai. Như thế, anh có thể kéo xác chết đi một cách dễ dàng trong khi gương mặt vẫn để hở. Anh đã tính, cần để gương mặt tiểu đội trưởng ra ngoài cho gió tản bớt mùi thối và cho anh bớt lẻ loi. Gương mặt tiểu đội trưởng đen sạm, một màu đen âm u khiến anh không dám nhìn lâu. Không ngờ màu da đổi nhanh đến thế. Trong trí nhớ của anh chỉ duy nhất một gương mặt trắng trẻo tươi cười cặp môi duyên dáng và mấy nốt ruồi tụ như quần đảo nơi gò má.
Giá có chút phấn văn công và thỏi son là đủ làm anh ấy tươi đẹp như cũ... Ước gì ta có...
Bôn từng gặp mấy cô văn công quân khu vào một sớm tinh khôi khi các nàng xuống suối đánh răng rửa mặt. Nước da tái mét lẫn làn môi trắng nhợt của các nàng khiến anh sửng sốt. Ðêm qua dưới ánh đèn sân khấu các nàng lộng lẫy như tiên giáng thế và suốt đêm hình ảnh các nàng hiện lên trong giấc mơ của anh hòa trộn với hình ảnh Miên, người vợ nhan sắc ở quê nhà... Bôn đã biết phép màu nhiệm của hóa trang, giờ anh muốn thực thi phép màu ấy trên gương mặt tiểu đội trưởng... Nhưng rủi ro, trong tay anh chẳng có vật liệu gì. Nếu đây là vùng đất sét đỏ anh có thể dùng bột đất sét thay phấn. Giá đây là vùng hang động anh có thể kiếm vài thỏi nhũ nghiền thành bột trắng phủ lên mặt tử thi. Nhưng đây là rừng khộp chỉ lá rụng và lá rụng. Rừng khộp. Vô tích sự làm sao?
Anh suy tính một lúc trong khi đám kền kền bắt đầu cất cánh lượn, dường như nỗi sợ hãi đã qua và mùi hấp dẫn của con mồi kéo chúng về phía anh.
- Roạt...
Bôn cầm cành cây quất mạnh rồi quỳ xuống mở ba-lô. Anh vừa nhớ tới ống thuốc đánh răng dùng dở. Ống thuốc hiệu Côn-gác cô giao liên trạm 72 cho anh sau một ngày anh đưa cô đi hái rau rừng và giặt hộ cô chiếc võng lẫn tấm chăn dù... Phải, không phấn không son không bột đất sét đỏ không nhũ đá nhưng anh có thứ kem trắng tuyệt vời, thơm tuyệt vời, nó có thể trả lại một phần màu sắc cũ cho gương mặt người đã mất. Anh móc ống thuốc đánh răng lên, mở nắp và bắt đầu hóa trang cho gương mặt chết. Thoạt tiên, anh quét thuốc lên cặp môi thâm xịt của tử thi lấy ngón tay miết đều cho chất kem phủ kín, rồi tới hai má và vầng trán. Còn lại khoảng cằm với phần da cổ xám ngoét, anh ngẫm nghĩ vài giây rồi quyết định bóp thêm kem xoa thật mỏng. Sau chót, anh bôi thêm lần nữa chút kem dọc sống mũi và khoảng giữa hai tràng mày. Ống thuốc hết nhẵn:
Cóc cần, xuống bếp xin bọn cấp dưỡng nắm muối đánh răng càng chắc. Miễn là tìm được đường về...
Bôn đá vỏ hộp kem đánh răng đi, thắt ba-lô rồi quàng sợi dây dù qua vai, lẩm nhẩm:
- Tiểu đội trưởng ơi em đưa anh cùng đi tìm đơn vị... Sống khôn chết thiêng xin anh hãy chỉ đúng lối ra rừng...
Anh nhìn lần nữa gương mặt tử thi trắng bốp rồi quay lưng đi.
Xác chết trượt trên lớp lá khô khá dễ dàng, hoặc linh hồn thân yêu kia đã phù trợ cho anh thêm sức mạnh... Bôn đi một mạch không nghỉ, quên rằng anh chẳng có hột cơm nào trong bụng đã ba ngày ba đêm và mấy ngụm nước anh tự cho phép mình uống sớm nay đã từ lâu tiêu tán. Vừa đi, Bôn vừa liếm những giọt mồ hôi trên môi dường như những giọt nước mặn từ chính cơ thể anh tiết ra giờ đây là nước lấy từ hồ lô của Ðức Phật Như Lai có thể nuôi dưỡng anh ba ngàn ngày không cần ăn uống. Bôn cắm cúi đi cho tới lúc mặt trời sắp lặn, cảm thấy vật gì đó đang lôi tử thi lại. Quay đầu nhìn anh thấy hai con kền kền đậu trên khúc chân tử thi đang cố sức xé tấm tăng:
- Lũ đểu... Lũ khốn nạn này...
Anh buộc chửi. Lũ kền kền đã rượt theo anh suốt đường đi nhưng không dám xà xuống mà chuyền trên các ngọn cây. Thi thoảng anh vẫn canh chừng và vẫn đếm đủ bốn con như bọn yêu quái tháp tùng hay đúng hơn lũ mã tà canh ngục. Chỉ chừng hơn một giờ qua, vì mệt, anh không còn ngoái đầu lại nữa, chúng đã lặng lẽ đậu xuống tử thi, không sợ hãi chẳng kiêng dè cái con người đang sống cách chúng già một sải tay. Bôn dừng lại, bỏ sợi dây trên vai xuống. Hai con chim tinh khôn bay vọt lên ngọn cây, không kêu một tiếng mắt chúng gườm gườm nhìn thẳng vào mắt anh đầu chúng ngó nghiêng một cách trâng tráo:
A bây giờ chúng sẽ đánh lén sau lưng ta. Bắt đầu cuộc chiến tranh du kích... Sẽ thật khó khăn với lũ khốn nạn này...
Anh rút dao chặt một lô cành, lấy dây buộc thành nùi như kiểu dân chài kết chà cho cá trú. Ðoạn anh cột mớ cành cây lên tử thi. Lúc anh làm xong, trời cũng vừa tắt nắng. Gió dịu lại và đám lá úa quay chầm chậm trong ánh chạng vạng của rừng. Cơn khát bắt đầu thức dậy.
Phải ngủ ngay. Ngủ ngay tức khắc. Bi-đông chỉ còn vài ngụm nước cho ngày mai và ngày kia... Rồi còn có thể sau ngày kia nữa. Hôm nay ta đi chưa nổi hai chục cây số. Chắc chắn không thể lần ra nước trong miền rừng này. Ta phải ngủ. Ðêm nay, chẳng con ma nào dám quấy nhiễu ta. Ðêm nay sẽ là đêm phục sinh cho sức khỏe và lòng tin. Ngày mai đi tiếp...
Anh nghĩ, và tức khắc hai mi mắt anh nhíu lại:
Có mắc võng không nhỉ? Thôi, mắc võng làm gì. Ta ngủ cạnh tiểu đội trưởng. Ðể anh ấy nằm cuối gió. Chẳng còn gì đáng sợ đêm nay...
Anh bò qua đám cành cây ngụy trang trên tử thi để tìm chỗ nằm nơi đầu gió. Rồi buông súng và ba-lô xuống đám lá rụng, anh quài một cánh tay lên phía đầu tử thi và ngủ ngay tức khắc...
Hôm sau, không phải nắng xiên hay cành cây gẫy đánh thức Bôn mà là nhát mổ của lũ chim ăn xác khiến anh kêu thét. Ngồi bật dậy, anh thấy ngay cánh tay đang ròng ròng chảy máu:
Bỏ mẹ, nhiễm trùng mất... Nhiễm trùng...
Ý nghĩ đó vụt đến anh tỉnh ngủ tức khắc. Anh vội mở ba-lô lấy túi thuốc cá nhân, tìm lọ thuốc sát trùng bôi lên vết thương. Khi lỗ thịt bị đứt đã thấm đầy thuốc, anh lấy bông lau khô cả thuốc lẫn máu rồi tiếp tục bôi lượt thuốc khác lên. Vết thương bắt đầu đông máu. Anh bôi chút mỡ chống nhiễm trùng, áp miếng gạc lên rồi băng vết thương lại. Xong xuôi, Bôn gỡ mớ cành cây ngụy trang trên tử thi. Ðám cành vừa quăng xuống, ba con kền kền nối nhau bay lên vừa bay chúng vừa kêu quang quác như lũ quạ già. Trên gối xác chết tấm tăng đã bị xé rách. Vết xé dài non hai gang. Ðó là cửa chính cho lũ kền kền vào ăn tiệc. Chắc chắn chúng đã bắt đầu bữa cỗ bằng vết thương trên đùi trái. Lúc trời sáng, một trong bốn con chim định tấn công cái đầu tử thi nên đã mổ vào tay anh.
Khổ thân anh, chúng đã dứt bao nhiêu miếng thịt trên xác anh rồi? Em biết làm cách nào để chống lại chúng đây?
Bôn bắt đầu sợ. Lũ chim đã luồn dưới đám cành ngụy trang im lặng xé rách tấm tăng và ăn thịt người đồng đội của anh trong khi anh đang ngủ. Một kẻ đói khát và suy yếu ngủ cũng gần như một tử thi... Ðám cành cây kia chẳng thể chống lại chúng. Vậy anh biết tìm thứ vũ khí nào đây? Anh không thể hò hét vì tiếng hét của anh không còn làm chúng khiếp sợ. Anh chẳng còn đủ sức hét. Anh cũng không thể dùng cành lá xua đuổi vì trong khi kéo tử thi về phía đông anh không thể ngoái lại phía tây. Và dù có ngoái lại, anh cũng không còn đủ sức cầm cành cây. Anh đói. Tệ hơn nữa, anh khát. Cơn khát nguôi dịu trong giấc ngủ giờ bắt đầu cào cấu, mặt trời và gió càng nóng lên bao nhiêu, khát càng dữ bấy nhiêu. Bôn đặt tay lên bi-đông nước, trong lúc mắt không rời lũ kền kền. Cả bốn con cùng đậu một hướng trên cành cây và những cặp mắt thủy tinh của chúng nhìn anh chăm chú, thản nhiên, không mảy may hồ nghi, không mảy may chùn bước rằng đây là một cuộc đối đầu và kẻ thù của chúng là cái sinh vật đang đứng dưới đất kia, to xác nhưng thiểu não và gần như bất lực vì đói khát và đơn lẻ... Bôn rùng mình. Anh hiểu rằng giờ đây lũ chim ăn xác là kẻ thù của anh, kẻ thù chưa từng tưởng tượng ngay cả trong giấc mơ ngông cuồng nhất, nhưng chính vì thế chúng khủng khiếp. Anh không còn gì để chống lại chúng, để giữ gìn người đồng đội, ngoài chính bản thân anh:
Trước hết ta phải uống một chút. Một ngụm. Một ngụm thôi...
Ý nghĩ ấy đứt nửa chừng. Anh mở nắp bi-đông nhấp từng giọt, từng giọt để cảm nhận sự hồi sinh một cách chậm rãi:
Một ngụm rồi. Ta được quyền uống thêm ngụm nữa. Còn ngày mai. Còn ngày kia a a a...
Cái âm tiết cuối cùng của chữ ngày kia ngân dài trong anh như dòng suối chảy như nỗi hoài nghi như giấc mơ xa xôi chập chờn. Bôn đưa mắt nhìn xung quanh. Rừng và rừng. Cây và cây. Những đám lá rụng đã mục nằm dưới lớp lá khô bên trên, những chiếc lá mới rụng còn nguyên vẹn đầy đặn chưa bị sâu ăn kiến đục còn giữ đủ các đường gân nổi lẫn sắc màu rực rỡ... Trước và sau. Bên phải và bên trái. Sau thân cây này là thân cây kia. Sau hàng này là hàng khác. Bên vòm lá cao là vòm lá thấp. Rừng chập trùng vây bủa rừng chăng lưới quây thành rừng mê cung bát quái trận đồ không cho con người lối thoát. Bao năm đi lính, giờ anh mới thấy khiếp sợ rừng, dù anh vốn là dân miền sơn dã:
Tiểu đội trưởng ơi sống khôn chết thiêng xin anh chỉ lối đưa đường. Em chỉ còn ngụm nước cầm hơi, biết làm sao chống chọi lũ chim ăn xác?
Bôn khấn thầm. Anh không dám bật thành lời vì điều đó khiến anh tiêu hao năng lượng. Anh phải dè sẻn chút sức lực còn lại để theo đuổi hành trình. Ðoạn anh nhìn đám cành cây tính toán: Không thể dùng cành cây phủ xác chết nhưng có thể gỡ những cành cây còn tươi đan chiếc rọ, nói đúng hơn là dùng từng khúc dây dù cột chúng thành chiếc rọ chụp lên đầu tử thi để bảo vệ cặp mắt người đã chết. Mọi linh hồn khi tách rời thân xác bay lên nhờ ánh sáng chiếu rọi từ cặp mắt mà tìm được lối vào thiên đường hoặc cửa ngõ đầu thai. Một tử thi không đầu hoặc bị khoét mắt linh hồn sẽ lang thang vĩnh cửu trong cõi u tì và dễ rơi vào tay loài ma quỷ.
Không, anh không thể để lũ kền kền chạm tới đôi mắt tiểu đội trưởng cũng như không thể để chúng moi tim hay móc mắt chính anh. Bôn ngồi xuống, moi cuốn dây dù nhỏ trong túi quần. Tiểu đội trưởng và đồng đội vẫn gọi anh là Thằng Bôn hàng xén vì anh thường tích trữ các đồ lặt vặt. Cái cửa hàng xén của anh giờ thật hữu ích. Với cuốn dây dù nhỏ, anh cắt thành nhiều khúc gút các cành cây lại theo kiểu đan rổ hai lớp. Vì cành khộp cứng quèo nên hì hục hơn hai giờ đồng hồ liền Bôn mới đan xong một thứ méo mó, chẳng ra rọ cũng không ra rổ nhưng tựu trung có hai lớp cành cây chằng ngang chằng dọc khiến lũ kền kền không thể rúc đầu qua. Anh chụp thứ rọ cồng kềnh ấy lên đầu tử thi, kiếm mấy đoạn dây lớn và chắc hơn cột chiếc rọ với hai vai, luồn dây vài lần qua nách cho chắc chắn. Sau cùng, khi anh kéo thử xác chết thấy chiếc rọ lúc lắc dặt dẹo nhưng luôn luôn chụp cứng bên ngoài cái đầu giống thứ mũ có lưới sắt các kiếm sĩ thường đội trong cuộc tỉ thí. Hoàn toàn an tâm với sáng chế của mình, anh nhìn lũ kền kền thầm chửi:
Con mẹ chúng mày, giờ cứ việc bay theo...
Lũ chim ăn xác vẫn đứng thành đội ngũ trên cành khộp, nhìn anh bằng cái nhìn nửa như vô cảm nửa như đe dọa. Nắng đã soi ngang mày. Bôn tiếp tục cuộc hành trình về phía đông, phía hy vọng và sự sống. Chân anh sục vào đám lá khô như lưỡi cày sục vào rãnh cày. Có lẽ hai chân anh bắt đầu phù nề nên bước đi nặng hơn, chậm hơn, chệnh choạng:
Sao thế nhỉ? Sao mình đi như thằng say rượu?
Anh thầm hỏi. Nhưng không thể trả lời vì không còn sức nghĩ tiếp. Anh níu lấy sợi dây trên vai, cúi đầu nhắm hướng đông mà bước, bất luận lên dốc hay xuống dốc, nền rừng phẳng hay gồ ghề... Ðôi lúc, anh không bước mà buông thân lăn xuống bờ vực khiến cả đống lá khô lẫn tử thi cùng đổ ụp xuống theo. Bôn đi như thế cho tới lúc nắng soi sau gáy, chợt thấy mỗi bước chân như có sợi dây níu ngang như có bàn tay vô hình kéo lại. Anh quay đầu nhìn về phía sau: Lũ kền kền vẫn bám trên tử thi. Một con đứng trên lỗ vải bị xé rách đang rúc mỏ rỉa còn ba con kia đã chui hẳn vào trong tấm tăng khiến tấm vải phập phồng:
Vẫn lũ khốn nạn ấy. Nhưng chúng không đủ nặng để cản chân ta... Hay hồn ma xanh rờn bữa trước? Không, không, kể từ khi mang tiểu đội trưởng đi theo, ta ngủ mỗi giấc mười hai mười ba tiếng liền chẳng mộng mị cũng không bóng ma trêu chọc. Vậy vì lý do nào?
Bôn tự hỏi. Rồi bất chợt anh không nhìn lũ chim mà nhìn xuống bàn tay mình. Hai bàn tay đang run. Run không ngừng. Giống hệt chứng run tay của những người già sắp kề miệng lỗ:
Khốn nạn... Sao ta lại mắc bệnh run tay vào tuổi này? Ở quê nhà, chỉ những người ngoài tám mươi tám mươi nhăm mới mắc chứng đó...
Anh ngắm thêm lúc nữa thấy cả hai cánh tay cũng đã run theo và rồi hai đầu gối cũng run như để làm thành bản hòa tấu run rẩy. Anh chợt hiểu mình suy kiệt. Ðói. Khát. Căng. Anh ngồi xuống, nhìn hai gối lẫn hai cánh tay tiếp tục run bần bật không sao ghìm giữ được. Dường như chúng không còn thuộc về anh, chúng là những sinh vật độc lập tự hành động theo ý muốn của chúng. Anh muốn khóc. Nỗi buồn tràn phủ trái tim anh, như mây giông giăng kín bầu trời ngày bão lớn. Hình như hai giọt nước mắt vừa trào lên mi. Chắc là hai giọt lệ bé nhỏ bởi chúng không lăn xuống gò má, chỉ vừa nhấp ướt vành mi bỏng rát. Sau đó, mắt anh nhíp lại, không sao mở nổi. Mặt trời chiếu vào gáy anh làn hơi nóng như lửa phả ra từ miệng lò nung gạch nơi quê nhà. Anh hình dung làn khói trắng bay trên vòm trời những đêm thanh bình xa ngái những đêm trong suốt lưa thưa sao sáng bếp lửa nhà ai dậy lên mùi nếp rang ngào gừng mật và ông thợ cả trông lò gạch rút từ làn tre ra chiếc đùi dê nướng... Giấc ngủ ngày thứ tư đã bắt đầu với giấc mơ giữa nắng, giấc mơ yên lành và ngon ngọt, bầu trời lắc rắc sao, mùi ngào ngạt của nếp rang tẩm mật lẫn mùi thịt dê thui uống với thứ rượu nếp già... Có lẽ anh đã ngủ liền hai mươi bốn giờ hoặc lâu hơn nữa để khi anh thức dậy mặt trời đã đứng ngọ và không khí oi nồng của rừng khộp trộn lẫn mùi tử thi thành một khí quyển đặc sệt hãi hùng. Lũ kền kền không còn nhìn anh với con mắt thù hằn nữa. Những cặp mắt thủy tinh của chúng hướng về anh bình tĩnh, ung dung, kiên nhẫn. Cả bốn con cùng đứng trên tử thi xếp thành đội ngũ. Cả bốn con hoặc vừa rỉa lông, gãi mỏ hoặc nghển cổ nhìn anh. Và Bôn chợt hiểu rằng ánh mắt hiền hòa bình thản kia là ánh mắt bọn đao phủ chờ phút hành quyết kẻ tử tù, rằng giờ đây trước mắt chúng anh chẳng còn là đối thủ mà chỉ là con mồi dự trữ, cái khối thịt không nhúc nhích hơn một ngày đêm kia chắc chắn là một thây ma và sẽ tới lúc chuyển mùi. Một nỗi tức giận ghê gớm bùng lên tựa hồ dòng sinh lực còn ẩn chứa nơi sâu thẳm tâm hồn anh bất chợt vọt lên:
- Lũ khốn...
Anh bật tiếng chửi, lao cả thân mình về phía lũ chim.
- Roạt... oạt...
Cả bốn con chim cùng cất cánh bay nhưng chẳng hề vãi một tiếng kêu. Cử chỉ đột ngột của anh không làm cho chúng hoảng sợ mà chỉ khiến chúng kinh ngạc. Lũ chim lượn vài vòng rồi đáp xuống đậu trên mô đất nhỏ cách anh vài sải tay. Ở đó, chúng tiếp tục rỉa lông rỉa cánh như để trêu chọc anh tiếp tục nhìn anh với cái nhìn bình thản chăm chú đầy vẻ xác tín của những kẻ có chủ quyền.
- Con mẹ chúng mày...
Bôn cất tiếng chửi lần thứ hai nhưng lần này tiếng anh không cất nổi qua vòm họng bởi các âm thanh đã dính bết nơi cuống lưỡi. Cơn khát dai dẳng khiến các bộ phận trong miệng anh trở nên khô cứng. Họng anh nóng, đau rát khiến anh không thể tiếp tục há ra thêm một lần nữa. Anh bước loạng choạng về phía mô đất, vồ lũ chim. Lần này, anh ngã sấp mặt xuống mô đất còn lũ chim bay trở lại đậu trên tử thi:
Lũ khốn nạn... Con mẹ chúng mày...
Anh cất tiếng chửi lần thứ ba, lần này chỉ là tiếng chửi thầm trong óc não. Rồi anh tiếp tục vồ bắt lũ kền kền. Anh không hiểu vì sao anh làm như vậy nhưng nỗi căm giận không buông tha anh và anh nhất quyết phải vồ được chúng, phải bóp được chúng trong tay...
Nhưng anh cứ vồ trượt mãi. Rồi mặt anh đập vào mũi giầy xác chết. Anh không còn thấy đau nhưng thấy nhục, các giác quan anh gần như tê liệt nên cảm giác đau gần như mất hẳn, nhưng ý thức về sự nhục nhã vẫn còn. Như dòng lũ mỗi lúc mỗi đầy tràn, nỗi nhục dâng lên dìm đắm tâm hồn anh. Phải một lúc lâu anh mới lồm cồm bò dậy nổi, nhìn lũ chim ăn xác, những con vật bình thường chẳng ai đếm xỉa, loài chim bẩn thỉu nhờm tởm giờ đây bỗng trở thành kẻ thù hùng mạnh hơn anh, khống chế anh. Anh con người đói khát lẻ loi đã chiến bại. Cuộc chiến đấu tuyệt vọng của anh đã diễn ra trước những cặp thủy tinh ngạo nghễ nhạo báng của chúng:
... Không. Không. Không. Không. Không...
Tiếng thét vọt dậy trong tim anh. Nhưng ngay cả tiếng thét cũng chỉ còn khe khẽ, mơ hồ như tiếng rung của sợi đàn bầu vọng qua thung lũng. Anh cứ nằm úp mặt xuống đất hồi lâu như thế để thở, và lắng nghe nỗi uất hận nguôi dần:
Tấn ơi Kha ơi Quý ơi Thanh ơi Trấn ơi Tường ơi Phiến ơi Trù ơi... Các cậu ở đâu hãy mau đến với tôi... Tôi không muốn chết tôi không thể chết. Tôi phải đưa tiểu đội trưởng ra khỏi rừng...
Anh chống tay từ từ ngồi dậy, từ từ choàng sợi dây qua vai. Mọi cử chỉ thật chậm chạp. Hai tay anh không còn run lật bật như hôm qua nhưng chúng chệnh choạng và từng động tác phải dò dẫm nghe ngóng như cử động của một người già trong cơn bệnh trọng.
Tiểu đội trưởng ơi em cùng anh lại tiến về đồng bằng, về đồng bằng... Chúng ta phải thoát khỏi nơi đây. Em sẽ chôn anh gần đồng bằng và ngày nào đó khi đất nước yên...
Những ý nghĩ ấy nhẹ nhàng như làn khói mỏng bốc bay trong óc não anh. Lâng lâng ánh nắng đỉnh đèo, bình nguyên bình nguyên sáng láng những chân trời xanh rờn sóng biển... Anh kéo tử thi và đặt một bàn chân về phía trước, khi cảm thấy đất đã chạm vào gan bàn chân đó anh tiếp tục đưa bàn chân kia lên... Tiến bước. Sợi dây dù cọ riết vào hai vai anh, nhưng da đã tê anh chẳng còn thấy đau hay rát. Tiến bước. Tiến về phía đông. Tiến về đồng bằng.
Bôn không còn nhớ anh đã đi được bao lâu. Toàn bộ cảm thức và sinh lực trong con người anh chỉ còn để điều khiển hai cẳng chân đặt hai bàn chân lần lượt xuống mặt đất, để chúng trụ được dưới thân xác anh, để thân xác anh không rời tuột sợi dây kéo tử thi và toàn thể các bộ phận ấy còn di chuyển được về phía trước. Anh đã nhấp nốt giọt nước cuối cùng và quẳng chiếc bi-đông vào bụi cây ven lối. Giờ thì chẳng còn ước mong được gì thêm ngoài giấc ngủ. Anh tiến bước trong khi hai mắt anh dấp dính ngủ. Khi chân anh không đưa nổi về phía trước anh đổ kềnh xuống như thân chuối bị chặt và chìm vào giấc ngủ đen ngòm. Giấc ngủ không mộng mị như vực tối, hun hút như hang sâu. Sáng hôm sau những chiếc móng sắc của lũ kền kền quắp vào ngực anh làm anh tỉnh giấc. Anh vớ chiếc mũ cố quật vào chúng, nhưng cử chỉ của anh quá chậm và quá yếu nên lũ kền kền đã kịp bay sang đậu lên tử thi. Chiếc mũ lăn xuống: Anh chậm chạp bò tới nhặt mũ đội rồi chống hai tay vào gối đứng lên. Choàng sợi dây kéo tử thi qua vai anh tiếp tục đưa chân về phía trước: tiến về phía đông. Những chùm nắng sớm xuyên qua tán lá rọi thẳng vào hai mắt anh. Cảm giác ấm nóng khiến anh khoan khoái. Anh vừa bước vừa lim dim và trong khoảng khắc đó cây cầu vòng đa sắc của tuổi thơ hiện lên, cây cầu vòng sau những cơn mưa rào đầu hạ:
Giao ơi Thịnh ơi Tốn ơi Nguyên ơi Dư ơi Yêm ơi Minh ơi Quang ơi Tạo ơi, các cậu ở đâu bây giờ? Bao giờ chúng ta gặp được nhau. Bao giờ nhỉ?
Anh lại cất tiếng run rẩy sẽ sàng trong tâm tưởng và tiếng gọi ấy triệu hồi những sớm mai cỏ ướt đẫm sương những sớm mai long lanh rộn ràng chim hót lũ trai trẻ ôm nhau vật lộn đùa nghịch trên cỏ thằng bóp vai thằng đấm lưng thằng bóp dái nhau xem đứa nào có hai hột cà to nhất... Những thanh âm của ban mai xa ngái ngân nga trong anh, đu đưa bông lan chuông nơi góc từng một khoảnh rừng mơ mộng suối chảy lá reo chẳng phải thứ rừng khộp khô nẻ chết chóc chỉ tiếng kêu của lũ chim ăn xác. Bông lan chuông tím đung đưa, đung đưa mãi cho tới lúc anh không còn bước nổi và anh ngã gục mặt vùi trong đám lá mục thiếp đi. Ngày thứ bảy anh thức dậy đã non trưa, lũ kền kền đang moi ruột tiểu đội trưởng ra ngoài giằng xé. Lỗ thủng trên tấm tăng toang hoang. Lũ chim vừa xé các khúc ruột vừa ken két kêu dường như chúng không chỉ ăn cỗ mà còn biến bữa tiệc thành chốn vui chơi đùa cợt:
- Ðịt con mẹ chúng... mày...
Anh thầm cất tiếng chửi nhưng ngay tiếng chửi thầm cũng không bật ra nổi, chúng như những tàn tro tơi tả rơi xuống. Cơn uất hận tựa làn hơi độc không thoát ra được khiến Bôn tức thở, xây xẩm mặt mày. Anh lướt tới, dùng mũ quật lũ chim nhưng tay anh không còn giơ nổi nên anh đành buông thõng tay nhìn những con vật ghê tởm và nước mắt anh từ từ lăn ra. Lần này, có hai giọt lăn xuống gò má. Ðã mấy ngày anh không còn nước uống. Những giọt nước mắt ấy hẳn đã chắt ra từ chính máu anh: Anh đã thua. Anh đã thua. Anh đặt hai cánh tay lên đùi. Nước mắt anh đã cạn rồi. Và tại sao anh lại lãng phí chúng vì những con chim ghê tởm kia? Nếu tiểu đội trưởng còn sống, ắt hẳn anh ấy sẽ mỉm cười: Ðấy chẳng phải cách thức của đàn ông...
Một chiếc lá khộp đỏ ối bỗng rời cành quay lộn mấy vòng trước mắt Bôn rồi mới rơi xuống. Hẳn đó chính là vong hồn tiểu đội trưởng ra dấu hiệu để nhắc nhở anh. Anh phải tiếp tục đi.
Ta phải đi. Không thể thua cuộc... Không thể thua...
Bôn đeo ba-lô đội mũ rồi khoác sợi dây dù qua vai. Giờ đây nó là vật nặng nhất vì bi-đông nước lẫn khẩu súng anh đã ném bỏ. Anh dò dẫm đặt từng bước, từng bước, nhích tử thi theo. Và từng bước anh lần lượt điểm tên những chàng trai cùng đăng lính một lần, cùng tiểu đội, cùng trung đội, cùng đại đội:
... Ðỉnh ơi Nghĩa ơi Sinh ơi Khánh ơi Hạnh ơi Phát ơi Thước ơi Toàn ơi Tân ơi Doãn ơi Hưng ơi Sơn ơi Hùng ơi Chi ơi...
Những chiếc lá khộp màu nâu màu vàng chanh màu cam màu mận theo nhau rơi xuống trước mặt anh, sau lưng anh, rải rác lên tử thi đang bị lũ kền kền cấu xé. Dường như anh sắp ngã dường như anh sắp ngủ dường như sắp rơi xuống một dòng sông màu chì không cầu không thuyền không sóng nước phẳng lặng như gương rồi anh sẽ chìm dần chìm mãi mãi:
Mình chết mất... Chết trong cái rừng khộp chó đẻ này. Mẹ ơi Cha ơi Miên ơi...
Anh kinh ngạc khi thấy cả ba người anh yêu nhất trên đời đều đứng như ba bóng ma bên kia bờ con sông màu chì không cầu không thuyền không sóng. Họ chẳng trả lời anh, chẳng giơ tay vẫy, cũng chẳng biểu lộ một tín hiệu nhỏ nhoi nào để anh hiểu rằng họ đã nghe anh gọi. Họ đứng như ba cái bóng, dửng dưng, vô cảm với những cặp mắt rỗng.
Mẹ ơi, cha ơi, Miên ơi... Tôi chết mất...
Trong tâm hồn anh có những giọt lệ từ từ lăn chảy. Chúng giống những giọt sương trong thung lũng ban mai... Tại sao nước mắt giống như sương khi con người tự khóc thương mình? Anh không hiểu. Và nỗi băn khoăn ấy lơ lửng bay theo anh như những sợi bồ công anh trong lúc anh thu hết tàn lực nhích từng bước về phía trước.
Mặt trời càng lên cao, hơi thở anh càng chìm xuống. Vào lúc hai mí mắt anh sắp dính tịt lại anh chợt nhìn thấy một người lính lấp ló sau những đám lá khộp đang quay đảo. Một tiếng gọi giật róng vang tới:
- Anh em ơi, người đằng mình... Có người đằng mình...
Tiếp theo là tiếng lao xao rất quen thuộc của đoàn quân, tiếng chân bước trên lá khô, tiếng lách cách va đập, giọng nói hòa trộn...
Ai thế nhỉ? Ai giống như Na như Quốc như Ðường như Mai như Nha như Ðảng như Tuấn như Huân như Hạc như Thống? Anh em ơi, tôi đây, người đằng mình đây... Tiểu đội trưởng ơi, chúng ta thoát rồi. Chúng ta đã gặp đồng đội. Lũ kền kền không thể rỉa mắt anh được nữa. Linh hồn anh với đôi mắt sáng sẽ bay về phía thiên đàng nơi những sớm mai trong lành những sớm mai rộn ràng tiếng chim rì rào suối hát và lũ trai vô tư vui đùa trên cỏ...
Sau những ý nghĩ đó, anh chợt nhớ tới lũ kền kền, bầy chim thù nghịch đã hành hạ anh suốt cuộc hành trình:
... Ðịt con mẹ... chúng... mày nhé...
Lần này câu chửi đã vọt ra được, dù chỉ trong tâm tưởng. Sau câu chửi đó anh được giải thoát, người anh nhẹ hổng hân hoan và anh chẳng còn hay biết gì nữa...
Mười hai hôm sau Bôn tỉnh dậy trong y viện quân đoàn. Tiểu đoàn anh tám trăm tám mươi người chỉ còn lại một trăm lẻ bảy. Một đại đội thuộc tiểu đoàn khác đã bắt gặp anh vừa lúc anh ngã ngất đi, kéo theo một tử thi bị lũ kền kền rỉa chỉ còn sót hai vai và cái đầu. Họ đã chôn tiểu đội trưởng ngay tại bìa rừng khộp.
Ở đó, còn năm trăm thước nữa là xuống đồng bằng.
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng