You carry Mother Earth within you. She is not outside of you. Mother Earth is not just your environment. In that insight of inter-being, it is possible to have real communication with the Earth, which is the highest form of prayer.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 713
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
gười ta vẫn bảo đàn bà xứ chài lưới dâm bởi họ ăn nhiều cá hơn cơm. Những mụ dân chài to vật vã, đen không kém đàn ông, tay chân nần nẫn như đẽo bằng gỗ tứ thiết, lấy chồng từ thuở mười lăm đến năm chẵn ba mươi ít nhất cũng có mười đứa con cả trai lẫn gái.
Rồi họ lại tiếp tục đẻ, thế là bà nội bà ngoại đến nhà hộ sinh cùng một lần với con dâu hoặc con gái và cảnh: em bú chị, cháu bú bà thường xảy như cơm bữa. Cảnh ấy đặc biệt phổ biến ở làng Bảo, cái làng ven sông Lệ Nhật, nửa làng đánh rớ lấy cá sông, nửa kia đi biển đánh cá nước mặn. Dường như không có người nghèo ở đây.
Khốn cùng nhất là lão Gộc, không vợ không con, cũng dựng được gian nhà gạch ngói mới xen ngói cũ. Buổi chiều, loa phóng thanh xã bắt oang oang đã đành, ra-đi-ô của mọi nhà không chịu thua cũng mở đinh tai nhức óc. Dân ăn cá, thần kinh vững sấm nổ bên tai vẫn ngủ say như đá cuội. Bên kia sông Lệ Nhật là thành phố nên đời sống đô thị đặt chân vào từng nhà dù nhà nào nhà nấy bốc mùi tanh kinh niên của hải sản. Trai gái làng những chiều rỗi rãi rủ nhau ra câu lạc bộ xã tập hát hoặc nhảy disco, đầu chải bóng, nước hoa xịt tắc mũi. Các cô cũng đi giày cao gót như ai bước lên sân khấu cầm micro đong đưa qua lại, hất tóc lên kiểu Thanh Lan để gương mặt mơ màng hoặc hạ thấp đôi mi kiểu Lệ Thu để dáng điệu thấm đẫm vẻ nhu mì thục nữ. Rồi lát nữa rời câu lạc bộ, các cô sẽ tụt giày cao gót cắp vào nách. Và các chàng cũng sẽ tụt giày xách theo các cô vì đi trên cát vẫn tiện lợi hơn. Trong lúc ánh đèn câu lạc bộ vẫn quét sáng một vùng, đám thiếu niên choai choai vừa tiếp quản sân khấu đang ra sức vật lộn với nghệ thuật ca hát, đàn anh của chúng đã tụ hợp tại một câu lạc bộ mê ly hơn nơi bãi biển, dưới các gốc phi lao hoặc trong các ngôi lều chứa lưới. Mùi biển đêm không chỉ còn là mùi nước mùi gió mùi rong rêu sóng tấp vô bờ mùi lũ cá óc-nóc trương phềnh trên cát mùi gỗ thuyền hong nắng đang nhả dần vị nắng khét đợi chờ mùi vỏ chanh đám người ăn sò huyết ném lại... mà còn một thứ mùi khác lạ hòa trộn với tất thảy những mùi quen thuộc trên khiến không khí đặc thành chất keo vô hình, và khi hít thở thứ không khí ấy, con người bị nhiễm cơn đói dục tình, ấy là mùi toát ra từ những cặp tình nhân đang quần thảo trong các kho chứa lưới, trên các cồn cát vắng và trong bóng tối rừng dương. Sóng vỗ không mệt mỏi không ngưng nghỉ như kẻ gác đêm trung thành để tiếng ào ạt ồn ĩ khỏa lấp tiếng thì thầm tiếng kêu rên của các cặp trai gái nhưng mùi biển không lấn áp được mùi các cuộc ái ân và vì thế không gian thấm đẫm nhục cảm đầu độc những kẻ đói khát ái tình không may lạc chân vào đó...
Khốn nạn, khốn nạn thật... Sao bỗng dưng ta đưa chân tới đây? Ma đưa lối quỷ dẫn đường, lẽ ra ta đã phải quay về khi phóng xe đến ngả rẽ...
Hoan tự nguyền rủa, nhưng chân anh vẫn tiếp tục bước trên bờ cát, và tai anh tiếp tục lắng nghe trong tiếng sóng ầm ĩ, tiếng rên rỉ của các cặp tình nhân, nhịp thở hào hển của những động tác làm tình mà anh quá thuộc. Những tiếng động ấy làm tái hiện rõ rệt hơn cảnh ái ân cũ, thân xác người đàn bà yêu dấu, hơi thở mùi tóc mùi mồ hôi những cử chỉ nhỏ nhặt và những dấu hiệu âm thầm chỉ riêng hai người nhận biết... Tất thảy, tất thảy... cho đến từng chi tiết nhỏ nhất cuộc sống gối chăn say đắm của anh...
Tại sao ta lại đến đây. Thật rồ dại, ngu xuẩn... Ta đúng là đồ quỷ tha ma bắt...
Nhưng chân anh vẫn bước, và mắt anh không ngừng săn lục những cặp trai gái, tai anh vẫn lọc tiếng sóng biển để đón nhận những tiếng động nhỏ nhặt phát ra từ những thân xác hừng hực lửa dục và thấm đẫm mồ hôi. Không khí đặc sánh nhục cảm vây bọc anh thúc vào tim anh như thúc ngựa, đốt lửa thân xác anh, dồn nén hơi thở của anh khiến chúng trở thành một cơn giông tích tụ đầy hai lá phổi mà không tìm được lối thoát...
- Lối này...
- Chờ em tí đã...
Một cặp tình nhân và từ rừng dương bước ra, sóng vai đi trước anh chừng mươi bước. Mùi mồ hôi trộn cùng mùi dầu chải tóc Hương Sen theo gió xộc vào mũi Hoan. Trước đây chị Châu buôn loại dầu rẻ tiền này nên anh biết. Người con gái bỗng vươn cánh tay quàng cổ tình nhân. Cô ta cao hơn anh chàng nửa cái đầu, đôi cẳng chân lêu nghêu, còn gã bạn tình to bè, lưng gấu, vai u bước khuệnh khoạng đầy tự ti và mãn nguyện.
- Về chưa?
Anh chàng lưng gấu hỏi.
- Chơi tí nữa đã.
Cô gái chân cò trả lời, vừa nói vừa lắc lắc mái tóc xõa ngang lưng.
- Em không sợ mẹ mắng à?
- Không?
- Ra Bãi Ðá chớ?
- Ờ, ra Bãi Ðá.
- Ở đó mát thiệt là mát. Chờ tối trăng ta mần lần nữa rồi về.
Cô gái im lặng ưng thuận. Và anh chàng lưng gấu phởn chí hát ư ử trong họng.
Hoan đi chậm lại, dép sục đầy cát. Anh nhìn hai kẻ sung sướng đi phía trước, thèm muốn điên cuồng:
Ước gì em ở đây, Miên ơi, ước gì em bước từ ngôi lều chứa lưới kia đi ra. Chúng ta sẽ lên thuyền, chúng ta sẽ bỏ lại sau lưng tất thảy, chúng ta sẽ sống cùng nhau trên hoang đảo, như những tiền nhân...
Vì sao không thể sống cuộc sống của những con người thời ăn lông ở lỗ? Họ tự do bởi không bị trói buộc bởi các định kiến, và chắc chắn họ cũng say đắm không kém cặp trai gái đang ôm lưng nhau đi trước mặt anh. Hoan đưa mắt nhìn dãy thuyền chênh vênh trên bãi cát. Liệu con thuyền nào trong số ấy có thể đưa anh cùng người đàn bà yêu dấu vượt biển ra đi? Anh nhớ những câu chuyện cổ tích, và anh nhớ chàng Robinson... Phải, anh có thể trở thành một Robinson hạnh phúc nhất địa cầu, với người anh yêu dấu...
- Coong coong... Coong.
Một cái vỏ hộp sữa bị Hoan đá bật tung lăn lông lốc. Tiếng động hiến cặp tình nhân kia quay lại. Và tiếng động cũng cắt đứt cơn mộng tưởng của Hoan. Anh thấy gã trai lưng gấu khuỳnh tay nhìn mình, vội đưa mắt nhìn theo chiếc vỏ hộp sữa. Nó đã lọt qua cặp đùi cò lêu nghêu của cô gái kia. Hoan nói:
- Xin lỗi, tôi không để ý...
Chừng như gã trai kia đã nhận ra anh là người đứng tuổi, và chẳng hề có ý định trêu ghẹo bạn tình nên lặng lẽ quay lưng đi. Cô nàng cười hi hí:
- Ðứa mô tu hết sữa mà quăng ra bãi?
Câu hỏi làm đà, vô địa chỉ. Gã trai vòng cánh tay vâm vạp qua hông tình nhân và họ tiếp tục đi.
Hoan đứng lại.
Ta đi đâu bây giờ? Không lẽ ta theo họ ra Bãi Ðá để xem trộm cảnh làm tình? Ta đã biến thành kẻ tâm thần từ lúc nào vậy?
Anh ngồi xuống bãi cát, xây mặt ra biển và thấy muối mặn trong gió chà xát tâm hồn
Hơn mười năm trước, sau đám cưới tai tiếng với cô Kim Liên, Hoan sang làng Bảo sống. Anh có người bạn cùng lớp, một gã trai lưng beo vai gấu từa tựa như gã trai vừa bước từ rừng dương ra nhưng cao lớn hơn. Họ cùng học với nhau suốt sáu năm trung học. Vì làng Bảo chỉ có trường tiểu học nên đến cấp trung học, học sinh phải qua sông sang thành phố. Suốt sáu năm họ ngồi cạnh nhau và bao giờ cũng là hàng ghế cuối vì cả hai cao to nhất khóa. Bạn anh không mơ ước một con tàu ngược lên phương Bắc. Cậu ta là con trưởng trong một gia đình chài lưới giàu. Người cha có tài đi biển. Thuyền nghề của ông trở về luôn đầy ắp tôm to cá lớn. Người mẹ chỉ ở nhà đẻ và ôm con. Tiền họ phải bỏ vào chum chôn trongcát. Bạn anh nối nghiệp cha nhưng anh ta không muốn đi biển bằng con thuyền cổ lỗ mà mua sắm tàu lớn ra khơi xa. Ấy là lý do duy nhất khiến chàng ta đeo đuổi mười năm đèn sách dù rằng suốt những năm ấy, anh ta bị những môn học ngớ ngẩn và vô dụng hành hạ đến nẫu nà: Nào văn nào sử nào địa nào chính trị nào thực vật... Sau rốt, chàng cũng đã lọt qua kì thi tốt nghiệp nắm mảnh bằng trở về làng. Ðám cưới Hoan, anh chàng xách theo hơn mười cân vừa tôm hùm vừa tôm bạc má. Vào chính lúc Hoan đứng lên kể cho khách khứa biết chuyện anh bị lừa vào chiếc giường của cô Kim Liên và buộc phải làm đám cưới, anh chàng dân chài đứng dậy trước tiên:
- Trên đời này đức tính cao cả nhất là sự trung thực... Bạn Hoan của tôi là người số một trung thực trên dải đất Việt Nam này. Xin tất cả tràng vỗ tay tán thưởng...
Nói xong, anh ta tự vỗ tay bồm bộp trước tiên và hét đám trai tráng:
- Nào, các bạn trẻ, vỗ tay lên... Chúng ta còn trẻ, chúng ta hãy sống như bạn Hoan, chỉ nói điều mình nghĩ và sống như mình muốn.
Bọn trai thoạt đầu ngớ ra, sau khi hiểu nhất loạt rồ lên vỗ tay, gõ đũa gõ bát, đánh trống, đập phèng phèng... Ðám cưới náo loạn.
Họ hàng nhà gái kéo nhau ra về. Họ hàng nhà trai kháo chuyện, người nọ hỏi người kia ồn ỉ. Rồi một ai đó hét lên trong đám đông:
- Xin mời thực khách nâng đũa nâng bát...
Thế là cuộc tấn công bắt đầu, và việc giải quyết những mâm cỗ tú ụ đã tháo gỡ tình thế gay cấn của tâm lý. Mọi chuyện tốt đẹp ấy đều khởi xướng từ gã dân chài tốt bụng.
Sau đám cưới cô dâu vẫn mang áo quần về nhà ông bà giáo Huy theo chiến lược: (Bám thắt lưng địch mà đánh) của bà mẹ. Chú rể xách mấy bộ quần áo sang làng Bảo. Ở đó, bạn anh cất cho anh một chiếc lều, dạy cho anh cách cất rớ. Lều sát mé sông Lệ Nhật, đêm lẫn ngày rười rượi gió. Thường Hoan ngủ ngay trong lều, chỉ ngày động trời hoặc mưa lớn mới vào nhà bạn. Bữa bữa, đứa em gái chín tuổi của anh ta đem cơm ra lều cho Hoan, ngó nghiêng đám cá anh kiếm được. Hôm nào, anh may mắn vớ được mớ cá kha khá nó mới đem về.
Nếu không, nó chọn những con còn sống thả xuống sông còn những con đã thôi ngáp bỏ vào bể mắm chượp của mấy nhà quanh đó. Cất rớ là thú tiêu khiển duy nhất của Hoan ngoài những giờ anh đọc sách.
Tuần một lần chị Nền đem tiền đem gạo sang cho gia đình người bạn, và như thế, họ nuôi anh như nuôi một gã học trò thi trượt đợi khóa thi sau. Hoan hài lòng với cuộc sống ấy, dù bạn anh đi biển liên miên và mỗi lần về anh chàng cũng chỉ đảo qua lều tán chuyện mươi phút rồi lại bổ nhào đi tìm cô tình nhân. Căn lều cất rớ là chốn tuyệt đẹp để mộng mơ. Gió. Mây bên trên và bóng mây dưới nước. Mặt trời. Sóng. Chim bay. Anh chẳng lo sinh kế nhọc nhằn, cũng chẳng phải nhìn những bộ mặt không ưa thích. Dân làng Bảo hiếu khách. Họ dễ mê gã trai đẹp như tài tử xi-nê có nụ cười dịu dàng và cặp mắt nhìn ai cũng như ve vuốt. Các cô gái thích chòng ghẹo Hoan. Họ ném lên lều đủ thứ: Từ quả ổi chín, vài múi bưởi, cái bánh ngọt đến những con nhái, con cóc. Ðôi lần, khi anh ngồi đọc sách họ rón rén đi tới bỏ vào lưng anh một con tôm hoặc con cá sống. Hoan lẳng lặng cởi áo, rũ con vật đầy gai xóc kia ra, phơi tấm thân vạm vỡ trắng phôm phốp. Anh vốn dễ tính, chịu được sự cợt nhả của mọi người. Anh cũng biết gái làng Bảo mê anh, nhưng không muốn dây dưa với bất cứ ai. Anh vừa nếm quả đắng và đang yêu tự do với tình yêu trọn vẹn. Ðôi khi, tiếng còi tàu từ sân ga Thuận Lý vọng sang, nhắc nhớ một mộng ước đã tan. Và anh lại ngồi nhỏm lên, nhìn những đám mây trắng rải rác nơi chân trời phương Bắc, hồi tưởng những ngày tươi thắm và lời vẫy gọi của tương lai, một tương lai không rõ hình dạng nhưng anh đã đặt biết bao tình yêu và niềm tin phút chốc bỗng tan thành làn khói. Chiếc va-ly sắp áo quần lẫn những vật tùy thân vẫn nằm nguyên trong góc phòng riêng của anh, còn anh nằm trong chòi cất rớ gối đầu lên tay đêm này qua đêm khác. Ngày ngày anh nhìn dòng sông trôi, con sông nhỏ nhoi kia chẳng đáng gì với cõi đất rộng dài mà mãi mãi phân cách cuộc đời hôm nay với những ước mơ năm trước...
Có lẽ nào sự rủi ro ấy chỉ là trò xảo trá của mẹ con bà Kim Lan để hợp thức hóa cái thai trong bụng một cô gái hưng phấn tình dục quá sớm hay còn là tội lỗi của anh, gã trai tìm nàng Xi-ren trong cơn mê muội để thực thi cuộc làm tình đã từ lâu ngấm ngầm thèm muốn?
... Phải, chính anh cũng có lỗi, chính cái thân thể cường tráng quá đỗi của anh đã góp phần xô đẩy anh vào tấn kịch rủi ro này. Vốn trung thực, Hoan lại tự xỉ vả mình mỗi lần ngắm tấm thân vạm vỡ của anh và biết nỗi mong mỏi một nàng Xi-ren khác đang lớn lên trong cái thân xác hừng hực sinh lực mà anh phải gánh vác. Khí trời, gió biển hoặc thứ cá tươi anh ăn ngày ngày đã khiến những cơn đói khát dục tình lồng lộn như ngựa dại? Hoan không thể trả lời. Chàng trai vật vã trong chòi, tự giải thoát bằng lối giải thoát cổ xưa của những gã đàn ông hoặc xấu xí dị hình, hoặc nghèo khó đến nỗi không thể nào lấy vợ...
Một đêm tối trời, cây thang leo lên chòi rung rẩy. Hoan ngỡ cậu bạn đi biển bất chợt quay về nên cất tiếng hỏi:
- Sao bảo ba hôm nữa mới về?
Không có tiếng trả lời. Nhưng cây thang tiếp tục rung và tiếng chân người leo lên từng nấc thang rõ hơn. Hoan thấy lạ, mỗi bận lên chòi cậu bạn thường gọi oang oang từ dưới chân thang. Linh tính xui anh ngồi nhỏm dậy. Khi anh vừa chống khuỷu tay lên ván lát chòi, một người đàn bà đã đổ ập vào:
- Ai đấy?
- Tôi đây... Tôi là Gái...
- Chị là...
- Tôi vẫn qua đây buổi sớm... Tôi ở xóm Hà...
- A... a...
Hoan đoán ra rồi. Hẳn người đàn bà này ở trong đám đàn bà sớm sớm vẫn quang gánh qua đây xuống bến đò dưới mua cá rồi qua sông sang thành phố bán. Dân làng Bảo thường gọi họ là đám dân xóm Hà, bằng thứ giọng nửa thương hại, nửa khinh miệt. Xóm Hà cách làng Bảo chừng dăm cây số, không có nghề chài lưới, ruộng pha cát vừa ít vừa xấu nên họ lấy nghề buôn bán vặt: buôn đầu chợ bán cuối chợ làm nghề chính. Một số đàn ông cũng theo nghề sơn tràng hoặc buôn gỗ thượng nguồn nhưng dường như chẳng ai khấm khá nổi. Hoan nghe nói cả xóm Hà không có một mái nhà gạch. Nhà giàu nhất cũng chỉ lát được mảnh sân xi măng.
Ðám con gái xóm Hà vì thế dường như nhút nhát hơn gái làng Bảo. Họ cũng thích chọc ghẹo anh, nhưng không dám dạn dĩ cợt nhã như gái làng chài. Thường họ đi qua chòi cất rớ, đưa mắt thầm lén liếc nhìn anh, ném một câu đùa bâng quơ, bóng gió...
Nhưng chị ta là ai trong số đó?
Hoan thầm hỏi và tức khắc anh lục soát trí nhớ: Một cô béo thường mặc áo hoa đỏ. Mấy cô khác thanh mảnh hơn cô nào cô nấy buộc quai lụa to tướng dưới nón... Còn lại là dăm bảy người đàn bà chuyên mặc quần áo sẫm màu... Chắc hẳn chị ta ở trong số đó. Tất cả bọn họ đều có dáng lam lũ, tất bật. Tất cả đều đội nón sùm sụp che ngang mặt và vì thế đứng trên chòi anh thấy họ như đám nấm di động.
Liệu chị ta có phải người mặc bộ đồ màu cỏ úa, gương mặt lấm tấm tàn nhang?
Hoan tự hỏi vì thốt nhiên anh mường tượng ra cái gương mặt đó.
Ngượng ngùng anh lên tiếng:
- Chị có phải là...
Người đàn bà thì thào:
- Anh đừng nói to.
Chị năn nỉ và khẽ đặt tay lên ngực anh. Những sợi tóc trên trán chị thõng xuống, cọ vào mặt Hoan. Hơi thở của chị gần như xộc thẳng vào mũi anh vì chòi quá hẹp mà anh lại ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, hai khuỷu tay chống xuống.
- Anh đừng sợ.
Người đàn bà lại thì thào. Sau vài giây hổn hển chị nói tiếp:
- Tôi là gái góa, có con rồi... Tôi không muốn làm hại anh, cũng chẳng dám phiền hà... Tôi biết anh lâu nay...
- Tôi...
Hoan đáp, nhưng chẳng biết nói gì. Anh định chống tay ngồi hẳn lên nhưng không dám, muốn nằm xuống cũng không được và sau rốt anh đành giữ nguyên tư thế cũ. Hơi thở của người đàn bà vẫn xộc thẳng vào mũi anh, nóng như than. Gió thổi những sợi tóc chị cọ vào mặt anh vừa ngứa vừa nhột mà anh không dám gãi. Nhưng trạng thái ấy kéo dài không lâu vì chị đã rút chân khỏi nấc thang để chui hẳn vào chòi:
- Tôi không làm phiền hà gì anh cả... Xin hãy tin tôi. Tôi có gia thất nhưng chồng tôi chết lũ năm trước. Anh ấy theo chúng bạn đi buôn gỗ... Tôi làm ăn cơ cực chẳng được thong thả như người bên phố, nhưng chỉ hơn anh hai tuổi... Chị nói một mạch, không ngừng, không vấp váp. Dường như những lời lẽ ấy đã được nghiền ngẫm từ lâu, đã nung nấu từ lâu trong trái tim dập nát của chị khiến anh mủi lòng. Rồi anh ngửi thấy mùi mồ hôi của một người đàn bà lam lũ. Chắc hẳn chị đã phải quay về xóm Hà để nấu ăn và tắm rửa cho lũ con, sau buổi chợ. Rồi tắm táp cho mình trước lúc đến đây. Anh chưa từng đến xóm Hà nhưng anh mường tượng đoạn đường năm cây số từ nhà chị đến chòi cất rớ của mình, trong bóng tối, ven những bờ cát mấp mô và sụt lở.
- Tôi... Tôi biết anh từ lâu... Tôi cũng biết chuyện đời anh dân làng Bảo kể... Xin hãy tin tôi...
Những lời nói cuối là những mảnh ngôn từ được chắp vá một cách khó nhọc. Rồi đột ngột chị úp mặt vào ngực anh, bàn tay thô nhám của chị rờ rẫm lên da thịt anh:
- Có nháp không? Tôi có làm đau anh không?
Chị hỏi và không đợi anh trả lời chị lật bàn tay lên, không dùng những ngón tay mà dùng lưng bàn tay để ve vuốt. Anh vừa ngượng vừa thương hại, lúng búng đáp:
- Không... không sao cả... Ðừng ngại.
Người đàn bà thì thầm:
- Anh tốt quá... anh tốt với tôi quá...
Rồi như cảm thấy những lời lẽ vụng về thô mộc đó không biểu lộ được sự hàm ơn chị cúi xuống hôn ngực Hoan. Bắt đầu từ lúc ấy anh chẳng còn biết gì đến gì ngoài những cảm xúc xác thực và mạnh mẽ chị khêu dậy nơi thân xác anh. Cặp môi dạn dĩ đói khát của chị đưa anh vào cõi khoái lạc chưa từng nếm trải. Anh cảm nhận một cách minh bạch rằng anh hoàn toàn tỉnh táo, sáng suốt, không giọt men trong dạ dày, không một ý nghĩa hoặc liên tưởng nào làm hưng phấn dục tình trước khi người đàn bà xóm Hà đến, vậy mà chị đã dẫn anh leo lên từng nấc thang một, từng nấc liên tục không ngưng nghỉ trên cây cầu thang bất định đưa con người tới tột cùng sung sướng.
- Hãy yên. Hãy lặng yên...
Chị bảo Hoan, trong khoảnh khắc ngưng lặng giữa hai cơn hành lạch và rút từ đâu đó chiếc khăn tay lau mồ hôi trên trán, trên lưng anh.
- Ðể mặc tôi... mặc tôi...
Chị thì thầm vào một lúc khác, họ chuyển tư thế. Tay chị nhẹ nhàng và kiên nhẫn, khi cởi từng chiếc khuy trên chiếc quần soóc anh mặc, khi đỡ tấm lưng anh vì anh ở vào một vị trí chông chênh, cử chỉ nào cũng nương nhẹ cũng đầy cẩn trọng, cũng đầy tinh thần khích lệ và bao dung như trong cuộc làm tình này chính chị mới là đàn ông thứ thiệt, kẻ hùng mạnh rèn tập, dẫn dắt và chịu trách nhiệm trước bạn tình...
Hoan không biết họ đã qua bao nhiêu thời gian để tới lúc tàn cuộc. Ngất ngây vì mãn nguyện anh nằm đờ dại, không biết chuyện gì xảy chung quanh. Chỉ khi người đàn bà đã sửa sang xong quần áo ra về, bước chân chị làm cây cầu thang rung chuyển anh mới bừng tỉnh. Hối hả, anh vươn tay nắm vạt áo chị:
- Chị... Chị còn tới đây nữa chứ...
Và chị đáp khẽ như thì thầm:
- Dạ... Tôi sẽ tới.
Cây cầu thang rún rẩy dưới chân chị. Sau tiếng kẹt cuối cùng nó lặng im. Hoan chồm dậy, ló đầu khỏi chòi nhìn theo. Ðêm không trăng. Người đàn bà đã chìm vào bóng tối.
Nhất định sớm mai ta sẽ nhận ra người đàn bà này trong đám dân buôn cá xóm Hà... Mai ta phải dậy sớm...
Nhưng cuộc làm tình sung mãn đã kéo anh vào giấc ngủ dài. Hôm sau, lúc Hoan mở mắt kim đồng hồ đeo tay chỉ chín giờ mười hai phút. Mặt trời chói chang trên sông. Mọi người làm việc từ lâu chiếc rớ của anh vẫn khua càng phơi nắng. Trên sàn, đứa em gái đã đặt bình trà mới và gói xôi đậu xanh. Xôi đã nguội, bình trà chỉ còn âm ấm. Con đường dọc sông lên xóm Hà vắng ngơ ngắt, nắng dội xuống cát chang chang. Hoan biết người đàn bà ấy đã qua đây và muốn gặp mặt chị anh phải chờ lúc chiều tà. Nhưng buổi chiều, anh không thấy chị. Anh đã nhìn kĩ từng gương mặt đám đàn bà xóm Hà nhưng chẳng gương mặt nào khiến anh tìm được chút dính líu tới người đàn bà đêm qua. Linh tính anh mách bảo rằng sẽ chẳng bao giờ chị còn qua đây nữa. Sáng hôm sau Hoan dậy thật sớm, xuốngchòi, đón ngang đám đàn bà xóm Hà, để không ai có thể lọt ngoài tầm mắt của anh. Và lần này, anh đoan chắc rằng điều linh tính mách bảo anh là sự thật. Người đàn bà đến với anh ban đêm đã lánh mặt anh dưới ánh ngày. Như thế, chị sẽ phải đi vòng lên bến đò trên, mua thêm mười cây số. Bến đò ấy có tên Quán hàu, xưa người ta thường bán hàu tươi và cháo hàu cho khách qua sông.
Chị ấy là ai? Người thầy của ta trên trường tình ái?
Ðêm thứ năm chị trở lại. Vào lúc anh vừa thiu thiu ngủ vừa khắc khoải chờ. Nhịp rung của cây cầu thang đánh thức anh tức khắc.
Anh nhổm dậy, chìa tay cho chị nắm. Người đàn bà vừa vào chòi, anh đã cất tiếng hỏi dồn:
- Sao chị lại đi vòng lối Quán Hàu... Tôi chờ chị suốt bốn ngày không thấy?
Người đàn bà im lặng:
Hoan bảo:
- Sao chị tự làm khổ mình như vậy? Tôi không muốn vì tôi mà người khác phải cực lòng?
- Không... không... chẳng cực nhọc gì. Tôi đi qua Quán Hàu buôn thêm ít hàng khác.
Chị đáp hối hả đoạn mò mẫm mở chiếc túi nhỏ đem theo lấy mấy tấm bánh lá dúi vào tay anh:
- Bánh tôi làm... Ðể mai mà ăn sáng...
Kiểu như chị cho trẻ con quà để xí xóa một lời nói dối. Mấy tấm bánh lá còn nóng sực. Ðó tấm tình của chị dành cho anh sau những lo toan của việc mưu sinh. Anh muốn nói với chị rằng anh không còn là trẻ nhỏ và cuộc sống của anh còn phong lưu hơn chị rằng cuộc làm tình không vụ lợi của chị đã là quà tặng đáng giá với anh, rằng từ nay về sau chị đừng nhọc lòng lo lắng cho anh như vậy... Nhưng anh chẳng phải kẻ bẻm mép cũng chẳng là người hoạt khẩu, mọi ý nghĩ đều mắc cứng nơi cuống lưỡi và sau rốt anh đành lắp bắp:
- Cảm ơn... Cảm ơn...
- Ðừng cảm ơn... Ðừng cảm ơn tôi...
Chị thì thào đoạn nắm tay anh đặt lên ngực mình. Anh thấy tim chị đập thình thịch như nhịp con tàu hơi nước cổ lỗ vẫn qua ga Thuận Lý, khuôn ngực chị phập phồng, một khuôn ngực bị thời gian và sinh nở tàn phá. Tim anh bỗng tràn đầy thương xót:
- Cảm ơn... Cảm ơn...
Anh lặp lại như một gã ngớ ngẩn, ghì xiết chị. Người đàn bà vô danh đó đưa lưng bàn tay để ve vuốt anh bởi e sợ những ngón tay chai sạn, bị gai cá đâm xóc của chị làm đau làn da chàng thư sinh trẻ. Và lần nữa chị dẫn anh tới miền cực lạc...
Ðã qua hơn mười năm, hình ảnh người đàn bà xóm Hà bỗng trồi lên ngọn sóng thời gian, thúc hối anh quay quắt. Suốt một tuần anh nhớ cây chòi cất rớ ven sông, nhớ ánh mặt trời chói chang đám cá nhảy lao xao nơi đáy rớ, nhớ sóng, nhớ gió, nhớ cây cầu thang rung rinh, nhớ tiếng sàn ván cót két dưới lưng trong các cuộc làm tình. Thoạt đầu, chỉ những đêm tối trăng hẳn. Sau rồi, cả những đêm trăng khuyết. Nhưng không đêm nào anh nhìn rõ mặt chị. Anh không biết chị mặc quần áo màu gì, da chị thẫm hay sáng, ngay cả những nốt tàn nhang trên hai gò má chị anh cứ đinh ninh là sự thật, vào một lần anh hỏi, chị cười bảo:
- Ðâu có? Tôi đâu có tàn nhang...
Và anh đâm ngờ vực trí nhớ của mình: Có lẽ anh nhầm thật. Chỉ những người trắng mịn mới có tàn nhang, gái làng Bảo, xóm Hà chắc khó có màu da trắng. Sau rốt, anh tin rằng chị có cặp mắt buồn. Nhưng liệu người đàn bà góa bụa nào có được đôi mắt vui tươi? Có thể chính cặp mắt buồn của chị cũng do anh tưởng tượng. Cuối cùng, chỉ có một sự thật không thể chối cãi, lúc nào chị cũng đội nón sùm sụp như tất cả đám dân buôn bán tần tảo của xóm Hà.
Ðể bù lại, trí nhớ anh ghi thật rõ rành mùi mồ hôi, đôi bàn tay thô tháp mà chị thường cố giấu giếm để khỏi làm đau rát da thịt anh, những lời thì thầm nhỏ nhẹ mà dứt khoát tựa hồ những mệnh lệnh đưa ra giữa cuộc làm tình, trong căn chòi nhỏ bé bốn bề bóng
đêm vây bọc, anh là chú học trò ngoan ngoãn và chị là người thầy, kẻ dẫn dắt anh không mệt mỏi trong cuộc hành trình tới miền hoan lạc...
Gái, tên chị ấy là Gái... Sao hồi ấy ta không hỏi chị ấy họ gì. Và sao ta không lên xóm Hà một lần xem chị ấy sống ra sao... Ta đã ơ hờ quá đổi với một người đàn bà mà bao đêm thân xác họ và thân xác ta hòa nhập trong một đam mê, hơi thở họ gần kề như khí trời ta hít thở... Dù sao chăng nữa, chị ấy cũng là một mảnh đời của ta, một ân nhân chưa trả nghĩa...
Nhiều ngày, ý nghĩ ấy day dứt anh.
Rồi đột ngột ba giờ chiều nay anh đùng đùng phóng xe sang làng Bảo. Giờ ấy, làng vắng. Dân chài lênh đênh trên biển, dân làm nước mắm đang ở các xưởng chượp, xưởng nấu, dân buôn còn ngồi ngoài chợ chưa về, chỉ còn lại đám đàn bà nội trợ và trẻ nhỏ. Các chòi rớ ven sông thưa thớt hơn xưa. Người ta bảo mấy năm rày cá sông ít hẳn so với thời trước cuộc chiến. Hoan đứng trên bãi cát, ngắm nơi từng cất chòi rớ của anh nay nằm rã rượi hai con thuyền mục. Mặt trời sáng chói và sóng vẫn lao xao nô rỡn như xưa, như ngàn xưa, như mười năm trước. Con đường lên xóm Hà vắng lặng cát trắng phản chiếu ánh trời. Tít xa hàng phi lao nghiêng một đường lượn xanh thẫm, một nét buồn mảnh mai giữa không gian tưng bừng gió nắng:
Như xưa và chẳng như xưa, cảnh vật cũng như ta, như xưa và chẳng như xưa... Gã trai trẻ đã chết và người đàn ông côi cút đang hồi nhớ nhịp rung chuyển của cây cầu thang năm cũ. Vẫn nỗi khốn khổ ấy nhưng con người đã khác và hạnh phúc cũng chẳng còn hương vị ngày xưa... Sao bỗng dưng ta buồn phiền như gã thi sĩ thất tình. Thi sĩ chẳng phải thân phận của ta và ta chẳng thèm muốn thân phận của đám người vừa yếu hèn vừa khoác lác... Nhưng ta nhớ người đàn bà ấy, kẻ vô danh, không gương mặt... Có lẽ ta phải lên xóm Hà, ít nhất cũng một lần nhìn mặt người đàn bà từng đem lại hạnh phúc cho ta...
Ðường lên xóm Hà thuần cát, xe máy có thể chạy với tốc độ nhỏ, không quá hai mươi lăm cây số giờ. Ðồng hồ chỉ bốn giờ kém mươi lăm phút, Hoan ước tính anh dư thừa thời gian tìm kiếm. Một làng nhỏ mang tên xóm Hà chắc không quá đông dân. Nhưng đúng lúc anh nổ máy, một người đàn bà trẻ chạy xồng xộc tới:
- Anh Hoan... Trời ơi anh Hoan... Răng tới đây mà chẳng vào nhà? Mọi người nhắc tới anh luôn... Vào nhà đã...
Một tay cô xách chai dầu nấu ăn, tay kia níu chặt lấy anh. Cô bé chín tuổi ngày xưa đã trở thành người đàn bà, hai má đỏ rực. Hoan nhìn cô, cười tủm tỉm:
- Lớn quá, xinh đẹp ra nhiều quá... Anh không nhận ra nổi...
Cô cười sung sướng:
- Bữa trước anh sang chơi em lại đưa cháu về bên nội... Tiếc quá... Bọn em cưới nhau trong thời chiến nên chẳng biết anh đâu mà tìm. Bữa nào rảnh anh sang đây, chúng em xin làm riêng một mâm đãi bác.
- Không được. Một mâm cỗ thường và một mâm cỗ phạt.
- Dạ. Ba mâm cho đủ: Một mâm theo lệ thường. Một mâm cỗ phạt. Mâm thứ ba để bác nhận cháu. Chồng em là trưởng tộc, em đẻ cho anh ấy một thằng cu, bác cứ đến cả nhà phải xúm lại hầu.
Giọng cô đầy vẻ đắc ý. Hoan đưa mắt nhìn lần nữa người đàn bà trẻ mặt rám đỏ cổ tròn nần nẫn ngực núng nính nhảy dưới lớp áo lụa để tìm đứa bé gái gầy gò ngày xưa anh yêu mến, đứa bé quanh năm mặc quần đùi như con trai, tóc buộc ngỏng đuôi gà trống bằng sợi thun đỏ. Thấy Hoan nhìn mình, cô hỏi:
- Em khác xưa nhiều lắm hả?
Anh gật đầu:
- Nếu em không gọi trước, anh không thể nào nhận ra... Ngày anh tới đây, em như con chim chích... Nặng không đầy mười tám cân...
Cô bật cười khanh khách:
- Hơn mười năm rồi còn gì? Giờ em nặng hơn sáu mươi cân...
Họ đã tới cổng và cô giúp Hoan lôi chiếc xe nặng trịch qua mấy bậc thềm xếp đá. Anh ở lại đó hơn một tiếng đồng hồ, chuyện trò với bà mẹ, cô em bạn. Lúc hơn năm giờ Hoan mới lên đường. Trời vẫn nắng rỡ, giải cát ven sông trắng ngời như dát bạc. Chừng hai chục phút sau anh tới nơi. Cái làng anh tưởng tượng còn trù phú hơn xóm Hà anh đặt chân tới. Vài chục nóc nhà lá nằm giữa vùng ruộng hẹp, lúa đang xanh. Con mương nhỏ chạy hình cánh cung vây nửa làng, trên đó những đàn vịt đang ngụp lặn. Ðất mặn nên cây vườn còi cọc chỉ những rặng điền thanh là xanh tốt. Ðường làng
đen xỉn màu bùn pha cát. Ngay đầu làng nơi anh thoạt đến, một quán bán nước nghèo như đã tồn tại từ vài thế kỷ trước. Mái nhà lá mục ải nặng trĩu dây bìm hoa tím trùm từ nóc xuống chân rào. Một chiếc chõng tre cũ kỹ bốn chân chỉ còn hai, hai chân gẫy được thay bằng hai chồng gạch, trên chõng bày vài nải chuối chín, mấy tấm bánh gai và một đùm bánh lá, thứ bánh làm bằng bột gạo đỏ rắc vừng người đàn bà mười năm trước đã đem cho anh. Hoan hỏi bà lão bán hàng:
- Bà có nhận trông xe không ạ?
- Có. Nhưng chú phải khóa vào.
- Lúc nào bà đóng cửa hàng ạ?
- Cửa hàng nhà tôi lúc nào cũng mở... Mà cần chi phải đóng?
Hoan chợt nhận ra ngôi quán nhỏ được dọn dưới tấm liếp cửa. Tấm liếp đó đêm ngày đều được chống lên bởi hai cây cọc tre, trừ lúc gió bão. Bà lão có lý. Nhà bà không có cửa vì thế quán của bà cũng chẳng cần phải đóng. Anh nói:
- Lúc ra cháu xin gửi tiền bà.
Bà đáp, chẳng ra mặn cũng không ra nhạt:
- Ờ.
Ði được vài bước, Hoan quay lại:
- Bà biết ai là Gái trong làng này không?
- Gái à? Làng này có bốn đứa tên Gái, anh muốn hỏi Gái nào?
Thấy điệu bộ lúng túng của anh, bà nói tiếp:
- Gái già nhất đủ cháu nội cháu ngoại ở cách nhà tôi hai ngõ. Gái thứ hai mười sáu tuổi chưa chồng ở xóm Vịt. Cái Gái nữa đi thanh niên xung phong về ngót nghét ba mươi cũng chưa chồng cũng ở xóm Vịt. Còn cái Gái thứ tư có năm con ở xóm Mưng, thẳng vườn mía mưng trông ra...
Bà giơ cây quạt chỉ đường cho anh. Nghe bà lão kể, anh làm phép loại trừ và nhận biết người đàn bà anh muốn tìm chính là Gái xóm Mưng. Có lẽ chị đã tái hôn và có thêm ba đứa con nữa với người chồng thứ hai...
Xóm Hà thưa thớt, nhà nọ nhìn thông thống sang nhà kia, hàng rào thấp rau muống. Không có cây ăn quả. Theo lời bà lão bán hàng anh cứ thẳng vườn mía mưng đi. Ngót trăm thước, anh đã tới trường làng, một mảnh đất nện đen thui trước mấy gian nhà lá không cửa vách không tường được ngăn bằng vài tấm liếp tre, ghế bàn xiêu vẹo. Chỉ mấy tấm bảng đen là ngay ngắn và chúng là thứ duy nhất để nhận biết đây là nơi trẻ con tới học. Trường vắng ngắt, vài đứa nhóc đang chơi bi trên sân. Hoan hỏi chúng:
- Các cháu có biết nhà bà Gái ở đâu không?
Sáu đứa bé đều ngẩng nhìn anh, đứa nào đứa nấy mũi rải loang luếch. Thấy chúng im lặng, Hoan nhắc lại:
- Các cháu làm ơn chỉ giùm cho bác nhà bà Gái... Gái có năm con ấy.
Nghe anh nói rõ ràng, năm đứa quay lại nhìn thằng bé nhất có gương mặt tròn và cái mũi tẹt dí:
- Tủn kìa... khách hỏi nhà mày đó...
Thằng bé Tủn ngó chòng chọc vào mặt anh, cái trán vừa dô vừa ngắn nhăn lại, hai bàn tay vẫn chống xuống đất hệt như con chó nhỏ.
Hoan bật cười:
- Cháu phải con của mẹ Gái không?
- Phải.
- Ðưa chú về nhà.
Tay thằng bé vẫn chống trước cái lỗ bi, dường như luyến tiếc. Nó gặng hỏi:
- Ông hỏi chi mạ tui?
Hoan cao giọng:
- Ðưa chú về nhà rồi lại ra chơi tiếp, mau.
Cái giọng mệnh lệnh của anh lần này có hiệu lực. Thằng bé nhấc hai bàn tay khỏi mặt đất chùi vào đít quần, đoạn bỏ hòn bi vào túi áo đứng lên:
- Thì đi...
Hoan theo đứa trẻ qua ba ngõ nữa, tới chiếc cổng thấp uốn bằng tre, cánh cổng cũng đan bằng cành tre, thứ tre ngà chỉ to hơn ngón chân cái. Ngõ nhỏ dẫn thẳng vào mảnh sân xi măng, trên đó anh thấy tấm lưng của một bà lão đang cắm cúi băm bèo. Phía xa
hơn, ở góc sân bên kia một người đàn ông mù đeo cặp kính đen ngồi tẻ từng hạt ngô xuống chiếc sàng kê bên dưới.
- Ðó, nhà tui đó.
Thằng bé bảo anh rồi quay lưng định chạy đi. Hoan túm áo nó lại:
- Mẹ cháu đâu?
- Ðó...
Nó cau có đáp, vùng vằng quẫy khỏi tay anh:
- Mạ tui băm bèo đó... Răng ông không trộ?
Nói đoạn nó tuột khỏi tay anh vùng chạy lại phía sân trường. Hoan đứng sững. Anh nhìn bà lão thái bèo trên sân. Tấm lưng mỏng dẹt, còng xuống dưới lớp vải đen bạc thếch... Làm sao người đàn bà hừng hực dục tình năm xưa lại có thể trở thành bà lão lưng gù đang ngồi băm bèo trước mắt anh chừng dăm thước? Dù mười năm, thời gian cũng không thể biến đổi con người như vậy nếu không phải bùa phép của yêu tinh hoặc pháp thuật loài ma quỷ... Người đàn bà vẫn cắm cúi thái bèo. Hết mớ bèo, bà ta vươn tay kéo rổ bèo khác trên sân, cách già một tầm với. Cử chỉ đó khiến chiếc khăn buộc trên đầu tụt xuống. Hoan nhìn thấy búi tóc nhỏ gài cây trâm sừng. Tim anh buốt lạnh:
Phải, đó chính là người ấy... Chính người đàn bà đã cùng ta... Bây giờ ta phải tin vào pháp thuật của thời gian... Không còn lý do ngờ vực...
Người đàn bà năm xưa qua đêm với anh trên chòi rớ thường kết tóc thành đuôi sam rồi cuốn thành búi. Tóc chị không dài quá lưng nhưng khá dầy và cái đuôi sam của chị đôi lần xổ tung trong cuộc tình:
- Chết thật, cây trâm của tôi... cây trâm rơi đâu mất?
Hoan vẫn mò mẫm giúp chị tìm cây trâm sừng trên những tấm ván lát sàn và vì thế anh không quên được nó. Một cây trâm thô kệch, đầu tiện hình quả cầu, chắc dùng đã lâu đời nên nhẵn bóng. Sau này, anh tìm mua rất nhiều kẹp tóc lẫn trâm cài tóc cho Miên, chưa lần nào bắt gặp một cây trâm gài kiểu "ăn lấy chắc mặc lấy bền" như thế. Phải nói là nó gần lớn bằng chiếc que xiên thịt nướng. Bây giờ, anh nhìn thấy nó trên búi tóc của bà già, cái búi tóc nhỏ xíu lốm đốm muối tiêu càng thảm hại hơn dưới cây trâm cài quá cỡ. Anh vẫn nhớ mùi tóc người đàn bà trên chòi rớ đôi lần anh đưa tay nắn búi tóc chị, nó lớn bằng trái bưởi non. Bàn tay chị thô tháp nhưng hai cánh tay chắc lẳn, và cặp đùi rắn như thép. Cặp đùi của một người đàn bà lam lũ, mỗi ngày đi bộ không dưới bốn chục cây.
Thân thể chị cũng là thân thể kẻ phải làm quen với cường độ và trường độ của thứ lao động nặng, vào trường tình nó chuyển động như cỗ máy không mệt mỏi... Con người ấy, nàng tiên dục tình câm lặng ấy đã trở thành bà lão với búi tóc hoa râm?
Không chỉ trái tim anh buốt lạnh mà thịt da anh cũng buốt lạnh.
Anh nhìn lần nữa búi tóc sau gáy bà già. Nó vẫn được kết sam cẩn thận trước khi búi. Và cây trâm gài cùng một kiểu như xưa.
Một cơn gió chạy ngang khiến anh rùng mình. Anh quay lưng sải bước về phía trường làng. Lũ nhỏ vẫn chơi bi, nhưng chỉ còn lại ba đứa. Ba đứa kia chắc đã về nhà. Anh gọi Tủn:
- Ra đây chú có việc nhờ...
Nó miễn cưỡng đứng lên. Nhưng hai đứa kia chắc đã chán cuộc chơi nên nhân đó cũng đứng dậy:
- Thôi... đéo chơi nữa. Ðói bụng rồi.
- Tao về đây Tũn.
Tũn bảo:
- Mày còn nợ ông đấy nhé.
Ðứa kia gật đầu:
- Nhớ rồi... Mai...
Khi hai đứa bạn đi xa rồi, thằng Tũn quay lại hỏi anh:
- Ông nhờ gì tui?
Hoan rút trong túi xấp tiền bảo:
- Hồi trước mẹ cháu buôn cá trên chợ, chú lỡ vay món tiền. Rồi Mỹ đến thả bom chú đi sơ tán chưa kịp trả. Giờ cháu đưa món tiền này cho mẹ.
Nó vặn:
- Răng hồi nãy ông không đưa cho mạ tui?
Hoan đáp:
- Chú muốn đưa từ nãy nhưng e mẹ cháu không chịu nhận.
Thằng bé đưa tay quẹt mũi rồi nói:
- Thôi được, đưa đây.
Nó giật phắt món tiền trên tay anh rồi quay lưng đi khiến anh sửng sốt. Hoan sợ nó sẽ đem số tiền ấy đi ăn quà mà chẳng hiểu giá trị của những tờ giấy nó cầm trên tay là bao nhiêu. Ở những làng nghèo như xóm Hà, thường những đứa bé mười bốn mười lăm cũng chưa tiêu đến bạc đồng vì bố mẹ chúng bòn cả vườn rau mới được vài hào lẻ. Anh đi theo thằng bé. Nhưng nó không tìm hàng quà mà cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về nhà, gọi mẹ:
- Bớ mạ, bớ... mạ... bớ mạ ạ...
Người mẹ vẫn băm bèo, lên tiếng hỏi:
- Chi vậy?
Anh nhận ra tiếng người đàn bà ngày xưa dù âm điệu thay đổi chút ít.
- Cầm tiền nè.
Thằng bé dúi nắm tiền vào tay mẹ. Người đàn bà hoảng hốt kêu:
- Mi lấy đâu ra? Mi lấy thứ này ở nhà ai?
- Tui lấy đâu ra?
Nó vặc lại mẹ rồi giơ tay chỉ:
- Tui đánh bi ngoài sân trường kia kìa, có ông khách tới hỏi thăm thăm mạ, bảo ông ấy nợ mạ món tiền nay đem trả.
- Ông khách nào, người ra răng?
Hoan nghe người đàn bà hỏi thảng thốt, giọng run lên, hiểu rằng chị đã đoán ra anh:
- Người ra răng, ông ta ra răng?
- Ông ta trắng bóc à... Cao to như Tây...
Hoan thấy người đàn bà ném cây dao xuống đống bèo, vụt đứng lên. Anh quay lưng bỏ chạy. Vài giây sau tới ngã tư, anh rẽ vào lối khuất, nhảy qua mấy dòng lạch nhỏ chảy lững lờ thứ nước màu đen, băng qua mấy mảnh vườn thưa hàng rào chỉ cao ngang gối. Cứ cắm đầu chạy thục mạng như vậy hồi sau anh cũng về được vườn mía mưng
mà bà lão bán hàng đã chỉ. Khi đó, anh mới tin chắc đã xa hẳn ngôi nhà của người đàn bà. Anh dừng lại thở, để nhịp tim đập thình thịch nguôi dần:
Cớ sao ta lại chạy như thằng ăn cắp? Một hành vi kì cục ta chưa có bao giờ. Lỡ ai trông thấy và lỡ họ nghi ta làm điều ám muội, bao nhiêu phiền hà sẽ xảy ra?
Trở lại quán nước anh trả tiền bà lão rồi phóng xe đi ngay. Ðường vắng, gió ù ù thổi nhưng anh vẫn phóng xe như điên:...
Thật hú vía... May không ai nhìn thấy...
Anh mường tượng cảnh vừa xảy ra: Một gã đàn ông cao lớn, đường bệ, ăn mặc chỉnh tề bỗng co chân chạy như gã ăn cắp gà, cuống cuồng nhảy qua các hàng rào, các lạch nước, rúc vào các lối ngang ngõ tắt, với dáng điệu của kẻ tội phạm bị săn đuổi, với vẻ mặt thất thần của kẻ bị ma chài... Vì sao bỗng dưng anh sợ hãi đến như vậy? Chính anh cũng không hiểu. Anh định bụng tìm chị, một lần nhìn rõ mặt chị, nói vài lời tri ân... và phút cuối anh đã bỏ chạy như kẻ ăn trộm gà...
Trở lại làng Bảo, Hoan gửi xe ở một quán nước rồi ra bờ sông.
Hoàng hôn đã tắt. Bãi cát tối vì đêm không trăng. Anh đi quanh lên các nấc thang tiếng cọt kẹt của những tấm ván dưới sức nặng và tiếng chị thầm thì:
- Có... nháp không? Tôi có làm anh đau không?
Nước mắt Hoan ứa ra:
- Không, không, không... Ta không thể gặp người đàn bà hôm nay để giữ nguyên vẹn người đàn bà mười năm trước, người đàn bà không tuổi, không tên và không rõ mặt...
Rồi cảm thấy không thể ngồi lại trên bờ sông, nơi hồi ức nghiền nát tâm can, anh đứng dậy lấy xe quay về thành phố. Nhưng khi phóng tới ngả rẽ xuống bến đò, anh chợt thấy quầng sáng phía bên kia thành phố sao ghẻ lạnh, sao hững hờ và dường như bên kia dòng Lệ Nhật không phải là mảnh đất anh từng sinh trưởng mà là một lục địa hoang vu chưa có dấu chân người. Lúc ấy, tiếng loa phóng thanh từ câu lạc bộ làng Bảo bắt đầu cất lên. Tiếng hát vụng dại, tiếng cười nói lao xao của đám trai gái làng chài thu hút anh.
Anh như kẻ bị bỏ bùa mê, quay xe theo vùng ánh sáng... Ðứng trong đám đông dưới sân khấu, anh vừa nghe hát vừa nhìn những cô gái, những gã trai tươi rói niềm sung sướng, nhớ tiếc tuổi thơ, nhớ tiếc thời mộng mơ, nhớ tiếc người đàn bà đã mất. Những nhớ tiếc hòa trộn nhau lan chảy như dòng suối mùa đông, trong suốt như pha lê, buốt lạnh. Hoan cảm thấy anh không còn tự chủ được. Anh chẳng biết anh là ai. Khi đám gái trai thả micro rời sân khấu, rút giầy dép cắp vào nách để đi ra bãi biển, anh chợt thấy bơ vơ:
Ta chưa bao giờ ra bãi biển, dù đã ở đây mấy năm ròng... Hà cớ chi hôm nay không thử đưa chân tới đó?
Anh nghĩ thế, và anh lùi lũi đi theo họ ra đây...
Giờ anh ngồi nhìn biển, khép chặt cặp đùi để trấn áp cơn đói dục tình. Nhưng cơn đói không nguôi dịu. Biển vẫn vỗ sóng và gió vẫn đưa lời thì thầm, điệu cười rúc rích, hơi thở hào hển hoặc tiếng kêu hoan lạc của những cặp tình nhân. Bất giác, anh quay đầu nhìn lên ngôi lều chứa lưới cách anh vài chục bước chân:
Miên ơi, em ở đâu vậy? Em hãy bước ra khỏi bóng tối...
Trái tim anh thốt lên, trong khi mắt anh đăm đăm nhìn cái khung đen sẫm trước lều. Anh chờ người đàn bà của anh từ trong đó bước ra, bộ quần áo màu lục sẫm, da thịt trắng ngần của chị làm biển đêm ngời rạng... Thời gian trôi đi, hai mí mắt anh tê mỏi. Anh đưa lòng bàn day đôi mi mắt và hiểu rằng ước mộng ấy hão huyền:
Em đã là vợ kẻ khác, em đã thuộc về người khác...
Hai bàn tay anh vặn chặt lấy nhau. Cảm giác đau ấy rất thực. Thực như sự xác định quyền sở hữu của người đàn ông khác với vợ anh.
Anh kiệt sức. Trái tim anh bị rút rỗng chỉ còn là thứ vỏ, tựa vỏ trái bầu khô trong khi bộ phận sinh dục mỗi lúc mỗi cương cứng hung hãn cuồng bạo thúc hối. Hoan nhắm mắt, gục đầu xuống gối khao khát một giọng đàn bà xa lạ, một giọng nói anh chưa nghe thấy bao giờ. Giọng nói ấy sẽ vang lên từ phía sau lưng anh, cùng lúc một bàn tay nặng trịch của người chài lưới sẽ đặt lên vai anh:
Tôi là gái góa. Tôi không muốn làm phiền anh, tôi không yêu cầu gì nơi anh cả... Tôi ưng anh đã từ lâu...
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng