An ordinary man can... surround himself with two thousand books... and thenceforward have at least one place in the world in which it is possible to be happy.

Augustine Birrell

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 713
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
oan biết tin dữ lúc anh đặt chân lên cầu tầu.
Ðứa cháu Hoan, con trai lớn của chị Châu đang xách những thùng hàng từ dưới thuyền lên kè, chợt bạn nó cất tiếng gọi:
- Ớ Hòa, ớ Hòa...
Hòa ngẩng lên. Một thiếu niên mặc quần soóc áo thun đang chạy tới, tóc bay ngược về phía sau. Cậu ta vừa chạy vừa tiếp tục gọi dốc thôi:
- Ớ Hòa, ớ Hòa... Mi nghe chuyện chi chưa?
Hòa đặt thùng hàng xuống kè, ngẩng lên:
- Mi mù răng không trộ? Tau vừa đặt chân lên đất liền tức thì.
- Cậu mi sắp mất vợ.
- Mi nói răng?
- Chồng mự Miên về... Cái người đã báo tử hồi trước đó.
- Cha thằng nào nói láo. Người chết gần chục năm răng đội mồ về được?
- Ừa, cha thằng nào chửi láo... Rồi mi sẽ trộ.
Cậu bạn nói xong quay lưng định chạy đi, nhưng Hòa đã túm gọn lưng áo, kéo lại:
- Thôi mà, tau xin lỗi... Mi với tau, hờn giận làm chi? Chuyện ra răng kể cho tau nghe.
- Ừa, bữa đó tau phóng Hon-đa lên xóm Núi, vào nhà mệ ngoại...
Hoan đứng dưới chân kè, hai chàng thiếu niên không ngờ anh đã nghe từ đầu tới cuối cuộc đối thoại của chúng. Lúc Hòa nhìn thấy anh đưa tay cấu bạn và hai đứa im bặt. Hoan thong thả leo lên kè, đoạn bảo đứa cháu:
- Cháu buộc thùng đồ lên xe cho chú.
Hòa ngoan ngoãn chạy đi lấy chiếc xe máy trong nhà gửi xe nơi bến cảng, cậu bạn cung cúc chạy theo. Cả hai đứa đều là cư dân xóm Núi trong những năm chiến tranh, sau ngày ngừng chiến mới trở về thành phố. Tuổi thơ của chúng đã trải qua ở nơi đó. Thành phố quê hương tan thành bãi gạch vụn chỉ là một kỉ niệm nhạt nhòa. Xóm Núi là cuộc đời thực. Dẫu góc đất hẻo lánh luôn rung động bởi bom trên đường Trường sơn dội lại, nhưng vẫn có những khu vườn um tùm râm mát. Ðó là những vườn địa đàng nhỏ bé thời thơ dại, nơi chúng có thể dính ve, bắt chim, đào dế, chơi những trò chơi dân dã, nơi chúng có thể lượm ổi chín, hái mãng cầu hay khế ngọt... Và vì thế mấy năm nay, tuy đã trở về sống cuộc sống mới nơi thành phố, thi thoảng lũ trẻ vẫn thường kiếm cớ quay lại xóm Núi chơi. Hoặc là, người ruột thịt còn ở lại miền sơn dã, hoặc chính những kỷ niệm trồng cấy ở mảnh đất ấy mời gọi chúng vào những thời khắc chúng rơi vào cơn trữ tình.
Cỡ mười phút sau, Hòa quay lại trong chiếc xe phân khối lớn. Không chờ anh lên tiếng nó lặng lẽ buộc các thùng đồ. Hoan bất giác đưa mắt liếc nhìn những thứ đồ gia dụng anh vừa sắm trong chuyến đi: Thùng các-tông vuông kia đựng chiếc máy xay hoa quả. Hoan rất thích uống trái cây xay với nước đá vào mùa Hè. Vườn nhà đầy cây ăn trái. Anh sẽ cho trồng thêm vài cây bơ, vài cây vú sữa để đủ thứ quả dùng. Vài năm nữa, khi người ta kéo điện dưới thành phố lên, không cần chạy máy điện riêng để tưới cây và làm việc trọng đại, lúc ấy anh sẽ đưa chiếc tủ lạnh từ thành phố lên và sắm thêm chiếc máy truyền hình. Cuộc sống của họ nơi xóm Núi sẽ hoàn toàn đủ tiện nghi như cuộc sống dân thành phố. Chiếc thùng gỗ kia đựng chiếc xe ba bánh cho con trai anh. Còn thùng đồ thứ ba, được buộc dây kĩ lưỡng và vẽ mũi tên chỉ đồ dễ vỡ đựng lô cốc chén, bát đĩa quý mà anh đã lùng sục khắp các cửa hàng ở Ðà Nẵng để mua về cho Miên. Miên thích bày đồ ăn trong những chiếc bát đĩa đẹp. Và niềm mê say có tính con trẻ ấy không có điểm dừng. Nhà anh có đủ thứ bát đĩa, từ loại thuần sứ trắng mộc tới loại vẽ hoa rực rỡ, từ đồ sứ Giang tây cổ viền chỉ vàng tới những chiếc bát cô tiên loe như hoa leo kèn, rồi những đĩa men xanh rạn lẫn những đĩa sứ Tầu thời mới giả cổ vẽ bầy tiên áo xống phất phơ múa lượn. Anh chiều theo mọi ý muốn của Miên, tựa hồ chị không chỉ là vợ mà còn là một đứa em gái hoặc con gái nhỏ của anh và những niềm say mê của chị khiến anh thích thú...
- Cậu ơi, chiếc túi này treo vào tay lái hỉ?
- Ờ, treo vào đó cho cậu.
Chiếc túi giả da nâu có đường hoa văn nhỏ kia đựng mấy mảnh lụa cho Miên may bộ đồ mới, thêm vào đó là xấp váy ngủ. Hoan đã phải mất hàng giờ đi theo đám đàn bà thành phố trong chợ Hàn, chờ họ trả giá rình xem họ chọn váy áo, tìm thứ nào tương xứng với cỡ người Miên, rồi mua theo. Vợ anh đẹp gấp trăm lần những người đàn bà trát đầy son phấn nơi thành phố. Tuy chẳng phải một gã đàn ông lọc lõi trong chuyện bướm ong, nhưng Hoan thừa đủ sự tinh ranh của kẻ từng trải nghiệm để đọc trên gương mặt những người đàn bà anh gặp bao nhiêu phần trăm nhan sắc thiên phú và bao nhiêu phần trăm sự đắp đổi của son phấn lụa là lẫn các đồ trang sức. Trong tình yêu của anh với Miên vừa có lòng sùng bái một vưu vật của trời đất vừa xen lẫn lòng kiêu hãnh của một kẻ hiểu biết và may mắn. Khi xếp những chiếc váy ngủ kia vào túi, anh đã sung sướng bao nhiêu khi mường tượng lúc bắt vợ thử lần lượt từng chiếc, trước gương. Và anh, kẻ đầu tiên, kẻ duy nhất chiêm ngưỡng và đánh giá...
Giờ đây... Mọi sự sẽ chấm dứt...
Không một lời nhắn nhe, không điềm báo triệu:
Tại sao trời nỡ đối xử với ta như vậy? Ta chưa hề làm hại ai, chưa từng lường gạt dối gian, chưa từng xâm phạm manh cơm miếng áo người khác? Ta cũng chưa từng quay lưng đi khi kẻ khác chìa tay. Ðã phải qua nhiều năm đau đớn, ta mới tìm thấy hạnh phúc của mình...
- Xong rồi, cậu nè.
Hòa đã buộc xong mọi thứ, kiểm tra các nút thắt, nổ máy sẵn cho anh. Hoan đứng lên, phủi bụi kè bám sau lưng quần:
- Cháu chạy bộ về nhà sao?
- Ðược thôi cậu, một khúc đường ngắn à...
- Nói với mẹ mấy bữa nữa cậu xuống.
- Dạ, cậu đi... cho may mắn...
Thằng bé ấp úng, mắt lảng nhìn nơi khác. Hoan nhảy lên xe:
Nó vẫn nói mấy lời khách sáo dù biết rõ ta đang chịu rủi ro... Cũng chẳng trách được thằng bé, liệu nó biết nói với ta điều gì? Thần may mắn bắt đầu ruồng bỏ ta. Nếu có thần, hẳn ông ấy là một kẻ bạc bẽo... Ta đã làm gì để đến nỗi chịu cảnh biệt ly này?
Chiếc xe phân khối lớn chạy êm ru nhưng vóc dáng kềnh càng hung dữ của nó khiến những người đi xe máy khác phải dạt sang lề đường. Hoan chạy qua những phố quen thuộc, trên lộ trình về xóm Núi. Lộ trình ấy, bắt buộc anh phải đi qua tiệm cà-phê kẻ hàng chữ đen: Kim Kim - cà-phê Bar lồng trong hộp kính thắp đèn đỏ. Lần nào từ thành phố lên xóm Núi hoặc từ xóm Núi quay về Hoan cũng phải nhìn thấy tấm biển xấu xí ấy, nó là biểu hiện của nỗi dơ dáy mọc trong quá khứ anh như cây xương rồng ma không chịu lụi tàn, ám ảnh và làm thương tổn tâm hồn anh một cách không mệt mỏi:
Khốn nạn thật, chẳng lẽ lại một lần nữa số phận đầy đọa ta? Chẳng lẽ trời không có mắt và thích gieo nỗi bất công xuống cõi trần? Nhưng có lẽ chẳng có Trời. Chỉ có người với người còn cái vòm xanh trên đầu chúng ta chỉ là điều hư ảo... Miên ơi, trên thế gian chỉ có em đối mặt với anh, có lẽ em mới chính là trời của anh, một ông trời bằng xương bằng thịt... Ðừng bỏ anh...
Hoan chợt nhận ra anh vừa bật tiếng rên, bánh xe bập lên một hòn đá nhỏ lạng sang cột mốc cây số rồi theo đà vọt tới, nghiêng trên ta-luy chỉ chút xíu là rơi xuống con hồ bên dưới. Hoan dừng xe. Mồ hôi anh vã đầy trán. Anh rút mù-xoa lau trán, lau cổ, lau hai hố mắt mồ hôi bốc mờ cả kính. Cái chết vừa chạm lướt da thịt anh. Làn nước hồ dưới kia gợn sóng lăn tăn như mỉm cười. Nụ cười tao nhã và xảo quyệt. Người đàn ông đăm đăm nhìn xuống mặt nước giờ lâu, dòng máu lạnh từ từ bò vào óc não:
Nguy quá, chỉ gang tấc là ta về chầu Diêm vương... Không, ta không được quyền chết. Con trai ta còn quá nhỏ. Ta không thể để nó sống kiếp mồ côi. Ta đã có một tuổi thơ mãn nguyện. Cha ta đã yêu dấu, đã nương dìu ta tận tình biết bao. Giờ tới lượt mình, ta không được quyền sao lãng...
Anh quay lại, lấy mũ bảo hiểm cột phía sau đội lên đầu. Vừa gài quai mũ vừa hình dung thấy gương mặt người cha, gương mặt hiền dịu với những nếp nhăn nhíu lại nơi đuôi mắt và hai bên tinh mũi mỗi bận ông cười, ánh mắt ngập tràn tình phụ tử lẫn tình bạn hữu ông thường nhìn anh, vào những buổi chiều hai cha con bơi ngoài bãi biển Ðông Hời, vào những sáng Chủ Nhật mưa rào ông chơi cờ với anh trên tấm phản gụ, vào những đêm đông ông đặt anh lên đùi và kể chuyện Tráng sĩ Yên ly tiết tháo, chuyện tình Ngu Cơ Hạng Võ hay chuyện Trưng Nữ Vương... Những kỉ niệm ngọt êm cùng lúc xô về, đan gài bao nhiêu ảnh hình, âm thanh, màu sắc, hương vị dâng trong anh niềm xa xót:
Ta phải sống để nuôi cu Hạnh thành người bởi tuổi thơ là nền tảng chắc chắn nhất để xây đắp con người thành cốt cách...
Cho dù không còn Miên, ta vẫn còn một mảnh đời thật sự, một mảnh hạnh phúc cầm nắm được trong tay...
Hoan kiểm tra lại nút gài mũ lần chót rồi lên xe. Một đoàn ô tô tải từ phía sau vọt lên cướp đường, thả bụi mù. Hoan nhìn làn bụi, nghĩ:
Không còn Miên... Nhưng cớ sao ta lại tin ngay điều rủi ro ấy? Cớ sao ta chấp nhận nó như sự đã rồi, như kẻ nhắm mắt nhảy xuống sông không dò mực nước. Cái tin đó vẫn chỉ là một tin đồn... Và nó còn ở phía trước...
Cần nhìn đến tận nơi, dù là nỗi bất hạnh. Anh là kẻ trưởng thành hơn Miên bảy tuổi, và bởi thế không được quyền hành động hồ đồ hay mù quáng. Anh nghĩ đi nghĩ lại tình thế của mình. Càng nghĩ niềm xác quyết về tình yêu càng khiến anh đau xót...
Hoan là dân thành phố Ðông Hời, thành phố biển mộng mơ với những ngôi nhà cổ, dài và hẹp như ống tre. Phía trước là cửa hiệu giống như mọi thứ cửa hiệu nơi phố xá. Nhưng phía sau cửa hiệu là các gian buồng chứa hàng, và sau nơi chứa hàng lẫn phòng ngủ là mảnh vườn có tường vây bọc. Dường như nhà nào cũng có một mảnh vườn đủ rộng dù hẹp. Tường bao vườn leo rậm rịt cây móng rồng lẫn hồng tường vi. Mùi hương của hai loài hoa quyện lấy nhau, tẩm ướp không gian vây bọc thành phố, hòa cùng gió mặn tạo thành một thứ hương bâng khuâng như trộn lẫn biệt ly và tao ngộ, tựa tâm hồn kẻ lữ hành dạn dày và mệt mỏi vừa muốn tiếp bước phiêu lưu vừa muốn quay về. Tên thành phố là tiếng gọi lẫn tiếng thở dài: Ðông Hời, ơi hời biển Ðông... Tên ấy có nỗi phiền muộn, nhớ nhung, có âm vang của chân trời cuộn sóng. Xưa kia, các thi sĩ qua đây, nhớ Hàn Mặc Tử đã đặt tên cho nó là Thành phố hoa hồng. Cái tên ấy dường như có lý. Mùi tường vi nồng dại thường dậy lên vào những sớm se lạnh hoặc sau các cơn mưa. Vườn nhà Hoan trồng cả tường vi lẫn hoa móng rồng như mọi nhà. Ngoài ra còn có hồng xiêm với mãng cầu, có hòn giả sơn mọc đầy rêu và trúc cảnh. Vào những ngày tế đất trời hoặc lễ xá tội vong nhân, người nhà đặt các mâm cỗ quanh hòn giả sơn, cắm hương vào các bát sứ cao chân, mẹ anh mặc áo dài quỳ trên chiếu xì xụp lễ. Cha anh, bao giờ cũng ngồi trên chiếc ghế mây đặt phía sau, khoanh tay ngắm đất trời. Ông là nhà giáo, đồng lương của ông không thể đặt lên đĩa cân so với xấp tiền vợ ông thu được từ cửa hàng, nhưng ông vẫn là vị chúa tể, kẻ quyền uy số một dưới mái nhà của họ. Hoan nhớ khúc nhạc đón bình minh trong suốt tuổi thơ của anh, ấy là giai điệu của chiếc đồng hồ treo tường Thụy Sĩ cổ. Sau khúc nhạc ấy, ông giáo pha cà-phê. Bà giáo cùng chị Nền xuống bếp lo bữa điểm tâm, còn hai đứa trẻ chuẩn bị tới trường. Ngày ấy, họ sống dưới một thứ quan niệm hà khắc của chủ nghĩa vô sản. Thói quen uống cà-phê sáng của ông giáo được coi là tàn dư của giai cấp tiểu tư sản, cho dù bữa điểm tâm của họ chỉ là bún chan nước xáo hoặc mì nấu với lá hành. Nhiều lần, Hoan nghe mẹ van xin cha:
- Anh hãy nhớ lại thời cải cách ruộng đất, rồi cải tạo tư sản... Thời đó chưa xa. Nhà nước có thể lặp lại những cuộc chà xát đó bất cứ lúc nào. Chúng ta may mắn vì có người che chở nên dù cửa hiệu bị kinh doanh hóa em vẫn còn được chân bán hàng để kiếm miếng cơm... Nhưng mắt thế gian vẫn không ngừng dòm ngó... Em xin anh thay đổi thói quen...
Và lần nào, cha anh cũng đáp lại một cách chậm rãi:
- Chúng ta là những người tử tế, bao đời sống thanh sạch. Không có gì khiến chúng ta khiếp sợ. Hoặc chúng ta chết, hoặc chúng ta sống như mình muốn... Tôi thích uống cà-phê, tôi sẽ cứ uống cà-phê, tôi không thay đổi thói quen để làm vừa lòng lũ quan lại thích uống nước vối hay tu nước lã...
Người đàn ông mảnh mai ấy thật gan lì. Lúc nào ông cũng tắm rửa sạch sẽ, xức nước hoa, áo quần chỉnh tề, tóc chải gọn và mái đầu ngẩng cao một cách đường bệ. Hình ảnh ấy quá lạc lõng giữa một xã hội sợ sệt bần hàn, giữa đám đông ăn mặc dơ dáy nhớp nhúa hoặc cố tình dơ dáy nhớp nhúa theo chủ thuyết vô sản hóa, giữa những gương mặt đói khát và nhớn nhác những mái đầu cắm sụp xuống tô phở mậu dịch không người lái tanh tưởi thìa xúc bị đục lỗ thủng như máng ăn của gia súc được đánh dấu... Hoan lờ mờ cảm thấy nghi thức tắm gội và cách ăn mặc sang trọng kia cha anh đã cố tình thực hiện một cách thái quá để biến chúng thành sự thách thức với xã hội đương thời. Nhưng thiên hạ phải làm lơ. Có lẽ ông là một nhà giáo giỏi và tận tụy với nghề. Hoặc vì mạng số của ông quá lớn khiến những kẻ khó chịu ấm ức với ông đành phải nén lòng. Trong gia đình họ, ông đã gieo cấy một lối sống khoan hòa nhưng nghiêm nhặt, sự tôn kính được coi như lễ nghi tôn giáo, đức bao dung được xem như phẩm chất cốt yếu, đạo làm người được truyền thụ trong từng ngụm nước uống, từng miếng cơm ăn. Suốt quãng thời gian yên bình ấy, mùi hoa móng rồng và hương tường vi dịu nhẹ tẩm ướp tâm hồn họ, lưu giữ họ trong một không gian thanh sạch riêng biệt, cuộc sống dối gian hèn hạ bên ngoài không thể xâm phạm tới... Tinh thần người cha ngự trị tuyệt đối nên phần đời dơ bẩn của thế gian bị đẩy khỏi cánh cửa gia đình. Cha Hoan yêu cầu vợ và đứa cháu họ không được phép kể những chuyện xấu xa tồi bại trước mặt chị em Hoan. Ðược đào luyện như thế, anh đã trở thành một chàng trai đúng như ông giáo Huy mong ước: thông minh, cần mẫn, tốt bụng, bao dung và đôi khi ngờ nghệch trước sự đời. Một thiên thần cao lớn vạm vỡ với những bắp thịt lực sĩ và đôi mắt trẻ thơ. Cha anh yêu anh, có phần hơn chị Châu, hài lòng với tạo tác của mình. Ông giáo mực thước và thơ ngây ấy không ngờ có ngày con trai ông rơi vào cạm bẫy của cái đời sống gian dối và ô trọc mà chính ông đã đánh đuổi một cách kiên trì và quyết liệt khỏi ngưỡng cửa gia đình...
Năm Hoan hai mươi hai, đẹp như tài tử điện ảnh, được gái cả thành phố ước nguyện. Mỗi bận anh tới sân bóng rổ, họ nhất loạt trở thành cổ động viên cuồng nhiệt với môn thể thao này. Dù họ đứng sát vạch vôi hay kín đáo nép vào một góc, dù reo hò lộ liễu hay thì thầm cấu chí mắt họ cũng bị hút về một hình ảnh duy nhất: chàng trai duy nhất của ông giáo Huy. Hoàng tử mang tất trắng, ấy là biệt danh gái thành phố gán cho Hoan mà chính anh không biết. Anh không để ý đến ai. Ðỗ đầu khóa khi tốt nghiệp trung học lẫn khóa thi vào đại học, anh nôn nóng đợi ngày rời thành phố ra thủ đô. Như con thuyền bập bềnh trên bến cảng chân trời vẫy gọi mời mọc, trái tim anh tràn ngập mộng mơ và trí tưởng tượng của anh bị thống trị bởi hình ảnh một con tàu chạy thẳng về hướng Bắc. Con tàu đó sẽ hú lên hồi còi tàu dài trên ga Thuận lý, dư âm của hồi còi còn kéo dài mãi, và cùng làn khói trắng bay về phía Nam thay lời giã biệt... Cha anh biết tâm trạng thắc thỏm của Hoan nên thường để cho anh tự tay bóc lịch hàng ngày. Một bận, ông mỉm cười bảo anh:
- Hóa ra con cũng không đến nỗi yếu mềm như ba tưởng... Có lẽ ba đã già và chính ba mềm yếu...
- Không, không... Con không đến nỗi yếu mềm. Nhưng con biết con sẽ buồn khi sống xa ba mẹ.
Ông giáo gật đầu:
- Chẳng con thuyền nào muốn neo mãi trong cảng... Nếu thế, nó sẽ mục nát một cách vô ích và làm uổng công Tạo hóa...
Rồi ông tự tay thu xếp hành lý cho Hoan. Những bộ quần áo mùa hè được xếp một chồng và bên kia là mớ quần áo rét. Góc va-li, ông xếp bộ dao cạo râu mới tinh vừa được một người bạn tặng cùng với tá khăn tay:
- Sẽ có lúc con cần tới những chiếc mù-xoa này... Hồi trẻ, ba có xem bộ phim Mỹ tựa đề "Cuốn Theo Chiều Gió"... Nhân vật nữ rất đẹp, rất tinh ranh... Nhưng không bao giờ cô ta đem theo mù-xoa trong túi nên mỗi bận khóc người tình lại phải rút khăn cho mượn... Nếu may mắn con gặp được một người đàn bà đẹp như vậy, những chiếc khăn này sẽ có ích...
Nói rồi, không ghìm được, ông đưa tay vuốt nhẹ mớ tóc trước trán Hoan. Anh đứng lặng như phỗng, muốn ôm cổ cha mà ngượng nghịu không dám. Anh đã quá lớn, cao hơn cha đến một cái đầu. Anh không thể kiễng chân ngửa mặt để ôm hôn cha anh như hồi anh năm tuổi... Còn cúi xuống, ôm ông như ôm một người yếu ớt cần chở che anh cũng không dám. Trong trái tim anh, người đàn ông mảnh mai ấy vẫn là vị thần khổng lồ... Và anh muốn mãi mãi, mãi mãi suốt cuộc đời anh, giữ gìn hình ảnh đó...
Những tấm khăn tay ông giáo Huy chuẩn bị đã không được sử dụng một cách hợp lý như ông mường tượng. Và con tàu chở chàng trai lên phương Bắc nấu sử sôi kinh chẳng bao giờ lăn bánh... Sau buổi chiều đáng ghi nhớ ấy một tuần, Hoan tới sân bóng rổ chơi như thường lệ. Lúc về, anh bỗng gặp mưa. Mưa rào tháng hạ cộng thêm gió biển giật khiến đất trời mù mịt nước xối. Mưa dày tới mức như chẳng còn là mưa mà là thác nước trút thẳng từ trên cao xuống đầu kẻ bộ hành. Chẳng ai đem theo áo mưa. Mọi người chạy táo tác đi khắp ngả. Hoan từ biệt đám bạn ở sân bóng men theo những mái hiên dọc phố về nhà. Toàn thân chàng trai ướt đẫm. Gần ngã tư đầu tiên, một người đàn bà nhô khỏi cửa, vẫy gọi:
- Hoan... Hoan... Cháu Hoan, lại đây.
- Này cháu Hoan. Hoan... oan...
Tiếng gọi lanh lảnh, át cả tiếng mưa lẫn tiếng gió thúc. Hoan vuốt nước ròng ròng trên mặt và nhận ra bà trưởng cửa hàng. Anh chạy tới. Bà vẫn đứng đó chờ anh, một tay không ngừng vẫy, tay kia che cây dù:
- Vào nhà... vào nhà mau đi cháu... Dầm mưa thế không khéo cảm lạnh thì nguy...
Hoan vừa tới nơi, bà lập tức kéo anh vào nhà, rồi đưa ngay anh tới căn phòng tắm:
- Tắm mau đi cháu, tắm mau không cảm lạnh... Trong đó đã sẵn nước nóng, xà-phòng...
Chàng trai còn đứng ngờ ngẩn. Anh chưa từng đến tắm nhờ nhà ai, dù lạ hay quen, huống chi bước vào phòng tắm của người đàn bà này... Bà Kim Lan, trưởng cửa hàng có cái tên rất sân khấu, đẩy Hoan vào phòng tắm:
- Sao cháu còn đứng đần ra thế? Tắm ngay kẻo cảm lạnh bây giờ.
Hoan không biết từ chối cách nào đành phải bước vào phòng tắm, khép cửa lại. Nhưng ngay lúc anh đang cởi bỏ bộ quần áo ướt, bà Kim Lan đã xông tới gõ cửa ầm ầm:
- Này Hoan, mở hé cánh cửa để bác đưa cho bộ quần áo khô.
Chàng trai thoáng sững sờ: ở nhà anh, chỉ ông giáo Huy mới có quyền thân mật sỗ sàng như vậy, vào những dịp anh bất cẩn vào phòng tắm rồi lên tiếng gọi cha. Ngay mẹ anh cũng không làm việc này từ khi anh mười sáu tuổi. Anh lúng túng nhưng cũng đành mở hé cửa để bà trưởng cửa hàng chuồi cánh tay vào:
- Cháu cảm ơn bác, bác chu đáo quá...
- Ôi chao, đừng khách sáo... Chẳng gì mẹ cháu với bác cũng cùng làm việc với nhau.
Giọng bà chả chớt, ngọt ngào. Thật ra, tuy họ biết nhau từ lâu nhưng gia đình anh không có thiện cảm với người đàn bà này. Khi cửa hiệu của gia đình anh bị quốc doanh hóa, bà Kim Lan được cử tới làm cửa hàng trưởng phụ trách mười hai nhân viên trong đó có mẹ anh. Bà là người ăn nói sắc sảo nhất đám các trưởng cửa hàng và chủ nhiệm hợp tác xã của thành phố, cũng là người biết cách ăn diện và cách sử dụng quyền thế hơn người. Chồng bà là phó chủ tịch thành phố, nhưng ông ta cũng là bạn nối khố với bí thư tỉnh ủy và ấy là điểm tựa vững chắc của bà ai ai cũng biết. Hồi nhỏ, chị em Hoan không có ý thức rõ rệt về vấn đề tài sản nên việc cửa hàng của ông bà nội để lại bỗng dưng biến thành của kẻ khác, một đám người khác ào ào tới chiếm lĩnh cũng không khiến họ mang nhiều hiềm khích. Nhưng ý thức về sự bị cai trị, và kẻ cai trị là hạng người lố bịch hèn hạ, hai đứa trẻ đều nhận biết rõ ràng. Thường ngày chúng thường nhìn thấy bà cửa hàng trưởng vênh bộ mặt lên sai bảo cắt đặt đám người dưới quyền, đặc biệt là với bà giáo. Tất thảy mọi hành vi của bà Kim Lan đều kèm theo ý thức thỏa mãn quyền hành. Hoan càng lớn càng hiểu rõ điều đó. Vì thế anh thường tránh mặt bà ta mỗi khi đi ngang qua. Gần đây, khi anh đã trở thành một thanh niên tráng kiện, giấc mơ của các cô gái thành phố, đôi ba lần bà Kim Lan nở nụ cười với anh, đôi ba lần bà toan bắt chuyện làm thân nhưng anh đã lẩn tránh trước khi bà đủ thời gian cất lời.
... Vậy mà cơn mưa rào đường đột đã dẫn anh bước qua ngưỡng cửa nhà bà, hơn thế nữa lại tắm trong phòng tắm của bà và mặc bộ áo quần do chính bà đưa tới...
Dẫu sao, anh cũng cảm thấy thoải mái sau khi được tắm nước nóng được mặc bộ quần áo khô và anh đành tặc lưỡi:
... Cũng chẳng có gì nghiêm trọng. Coi như đây là món nợ và ta sẽ tìm cách trả...
Hoan nghĩ vậy khi rời phòng tắm. Bà Kim Lan đã pha sẵn ấm trà:
- Cháu uống trà và ăn sô-cô-la cho ấm bụng. Ðồ của Liên Xô đấy. Ðoạn bóc thêm một gói kẹo, bà nói:
- Còn kẹo này của bạn thân bác trai vừa đi Tiệp Khắc về biếu. Cả thành phố chưa ai được nếm đâu...
Ðã quá lâu chàng trai không được hưởng mùi vị của những thứ đồ ăn xa xỉ đối với cái xã hội bần hàn anh sống. Thêm nữa, vị trà nóng thật dễ chịu sau cơn dầm mưa như thế. Anh uống hết chén trà này tới chén trà khác, nghe người đàn bà thao thao nói và thấy bà cũng không đến nỗi đáng ghét như anh vẫn tưởng. Bà bạo dạn, khéo chuyện, biết pha vào câu chuyện những mảnh tiếu lâm hoặc những lời bình chú nửa dân giả nửa học trò. Nhận xét sắc sảo của bà khiến những chuyện đầu Ngô mình Sở chắp vá vẫn mặn mà. Trong lúc nói, bà không ngừng tay rót nước và bóc kẹo mời anh. Cuộc chuyện trò của họ kéo dài tới sẩm tối, thành phố lên đèn và chồng bà trở về. Bà Kim Lan mời Hoan ở lại ăn cơm nhưng anh từ chối:
- Cháu chưa xin phép ba mẹ cháu. Xin bác để khi khác.
- Thôi được, một lời hứa là một món nợ... Thế là cháu nợ bác rồi nhé...
- Ba cháu cũng dạy như thế. Cháu xin cảm ơn bác.
Hoan định bụng vài hôm nữa sẽ tới trả bộ quần áo và ăn cơm tối với bà. Nhưng ngay chiều hôm sau khi anh từ sân bóng về, bà giáo đã đưa cho anh mảnh giấy:
Cháu Hoan thân mến,
Mới chuyện trò với cháu một lần nhưng bác đã mến cháu vô cùng. Bác xin phép ba mẹ cháu cho cháu dùng cơm với bác tối nay. Chẳng có gì linh đình chỉ là bữa cơm gia đình thân mật. Mong cháu không từ chối.
Chữ ký: Kim Lan nắn nót kèm theo. Hoan bắt đầu lo ngại. Cách cư xử, vẻ ào ạt thân tình như giông bão của bà không thích hợp với tâm hồn anh, với khuôn phép mực thước cuộc sống anh đã tu dưỡng từ thuở lọt lòng. Anh hỏi mẹ:
- Bà Kim Lan đã nói gì với ba mẹ?
- Chẳng nói gì ngoài những lời khen ngợi con.
- Sao ba mẹ nhận lời mời dễ dàng thế?
- Ba mẹ không nhận lời. Nhưng bà ấy nói rằng chính con đã hẹn tới nhà bà ăn cơm.
- Nhưng không phải tối nay. Con định vài hôm nữa kiếm món quà để cảm tạ bà ấy đã cho con tắm nhờ hôm gặp mưa và ăn cơm một thể.
Bà giáo thở dài:
- Mẹ chẳng có cách nào hơn là cầm thư của bà ấy.
Hoan đi tìm cha. Ông giáo ngồi đọc sách ngoài vườn nhưng dường như đoán trước thế nào anh cũng tới nên vừa nghe bước chân ông đã quay lại:
- Sao thế con trai?.. Khó xử lắm à?
Hoan im lặng. Cha anh nói tiếp:
- Trước khi hỏi ý kiến ba mẹ, bà ta khẳng định rằng chính con hứa tới thăm bà ấy, rằng con tắm táp thỏa thuê ở nhà bà ấy sau cơn chạy mưa và cuộc nói chuyện giữa hai người vô cùng tương đắc.
Thấy anh đứng đần mặt, ông an ủi:
- Thôi, đừng cả lo... Chẳng có gì nghiêm trọng. Họ săn đón con cũng là điều dễ hiểu... Theo cha, nhiều bà mẹ có con gái đến tuổi trưởng thành đều muốn săn đón như vậy. Nhưng chắc họ không thể táo gan và trơ tráo như bà trưởng cửa hàng.
Hoan ấp úng. Anh không thể cắt nghĩa cho cha mình hiểu rằng mối sợ hãi đang lởn vởn trong tâm trí anh. Anh không rõ nguồn cơn nhưng cảm thấy sự bất an như con rắn núp trong vòm lá rậm rạp, cặp mắt nham hiểm của nó dõi theo từng bước đi của anh trong khi anh hoàn toàn không nhìn thấy nó.
Ông giáo thấy anh ấp úng, liền nói tiếp:
- Thôi, con cứ đến nhà họ. Ðó chẳng phải thứ người mình ưa nhưng là hạng người mình không thể tránh mặt... Vả lại, kẻ sẽ quyết định mọi sự chính là con. Xưa nay, nam nhi hỏi vợ chứ chẳng phải nữ nhi cưới chồng. Dẫu thời đại tân tiến đến đâu, luật tắc ấy cũng khó thay đổi.
Ðoạn ông tủm tỉm nhìn anh pha trò:
- Xem ra con trai ba cũng đắt giá phải không?
Hoan cười theo ông. Anh đi tìm quần áo. Hoan định mặc chiếc áo ngắn tay nhưng ông giáo bảo anh đổi lấy chiếc sơ-mi trắng dài tay:
- Con hãy mặc nó với chiếc quần ka-ki xám. Ðến nhà hạng người ấy hãy mặc thứ trang phục nghiêm khắc, già hơn tuổi.
Ðoạn ông bảo anh thay đổi săng-đan bằng đôi giày da. Hoan hỏi:
- Con còn phải làm thủ tục nào nữa không ba?
- Thế là đủ. Cầm theo hộp bánh trên bàn, ba đã bảo mẹ con mua sẵn.
Chàng trai cầm hộp bánh có buộc sợi nơ hồng đi đến nhà bà trưởng cửa hàng. Bà đang bầy bàn ăn. Nhìn thấy Hoan, bà reo như đứa trẻ:
- Có thế chứ... Quý tử của ông giáo Huy rất biết giữ lời...
Căn nhà của bà sực mùi nước hoa. Chắc bà đã vẩy cả nước hoa lên tường vôi khiến không gian thơm quay quắt. Dường như không chỉ có tóc tai quần áo bà chủ và các bức tường mà đến rèm che, ghế nệm, khăn trải bàn đều bốc mùi thơm ấy. Mùi nước hoa Tàu rẻ tiền xộc thẳng vào khứu giác như các món xào nấu của dân Quảng Ðông Quảng Tây ngụ cư trong thành phố.
- Cháu ngồi đây chờ bác, chút xíu nữa là xong.
- Thưa bác, ba mẹ cháu biếu bác hộp bánh.
- Trời ơi, ăn vài bát cơm rau mà tặng hẳn hộp bánh thượng hạng này...
- Bác trai chưa về ạ?
- Không, không... Sáng nay ông ấy vừa lên máy bay ra Hà Nội họp. Trung ương triệu tập đột xuất cuộc họp các chủ tịch tỉnh, ông chủ tịch tỉnh đang điều trị vết mổ ruột thừa, ông chủ tịch thành phố đang nghỉ mát tại Liên Xô nên bác trai phải đi thay. Hôm nay chỉ có hai bác mình và em Liên thôi...
Dứt lời, bà cao giọng gọi:
- Kim Liên... Ra chào anh đi con...
Và có tiếng cô gái vọng từ bếp ra:
- Chút nữa đã, con đang dở tay món cá...
A, đúng như cha dự đoán, đây là con át chủ bài... Hẳn họ muốn chinh phục trái tim ta qua cái dạ dày...
Hoan nghĩ, nửa khoái trá nửa bực tức vì tấn trò đang diễn. Cái cô gái tên là Kim Liên kia anh đã nhìn thấy nhiều lần, khi cô ta còn nhỏ. Một đứa bé đanh đá quen nhõng nhẽo. Mỗi bận cô ta đến cửa hàng bà Kim Lan lại có dịp đóng vai một bà mẹ phẩm giá vừa biết chiều chuộng vừa biết dạy bảo cô tiểu thư cành vàng lá ngọc. Còn cô bé kia được dịp biểu diễn quyền uy của đứa con duy nhất biết rằng cha mẹ nó không dám từ chối bất cứ thứ gì nó yêu cầu. Mấy năm nay không thấy cô ta đến cửa hàng, nghe bà Kim Lan nói cô đã ra Hà Nội học ngoại ngữ để du học bên Ðức... Và đột ngột, giờ cô lại xuất hiện, trong vai cô gái nhu mì làm món cá đãi khách:
Chẳng biết loại con gái nhõng nhẽo như vậy nấu nướng có ngon không? Nhưng nhan sắc và đức hạnh của cô nàng thật đáng lo ngại...
Anh thầm nghĩ với một thoáng riễu cợt trong khi nhìn bà Kim Lan xăng xái đi lại, xăng xái khoe tất cả những thứ gì có thể khoe được trong căn nhà sang trọng của bà. Hoan thấy khó chịu vì vẻ lộ liễu của người đàn bà ấy. Ðối với anh chẳng cuộc phiêu lưu tình ái nào cuốn hút hơn cuộc phiêu lưu của con tàu ngược lên phương Bắc. Không gương mặt cô gái trẻ nào quyến rũ trái tim anh hơn những chân trời mộng tưởng, những chân trời tím chân trời xanh, những chân trời ở nơi hút tầm mắt và những chân trời phiêu diêu giữa cơn mơ rộn ràng của tuổi trẻ... Thêm nữa, mùi thơm của thứ nước hoa Tàu rẻ tiền trong nhà bà lại bốc lên gay gắt quá khiến anh muốn tắc thở:
- Dù là dân biển nhưng bác vẫn ngại làm các món cá vì tốn thời gian. Nhưng tối nay sẽ có món cá chim hấp nấm, canh chua cá cam với dứa và rau thơm, cá thu kho gừng. Thêm gà tần hạt sen trắng.
- Bác cầu kì quá. Có ba người cần chi bày vẽ...
- Bác đâu có cầu kì... Nhưng muốn hay không tối nay cháu cũng là thượng khách.
Bà cười. Mắt bà ướt long lanh và cặp môi dầy run run như sắp sửa co thắt lại. Hoan cúi mặt. Anh không quen nhìn những người đàn bà lứa tuổi mẹ anh lại có nụ cười như thế. Bà Kim Lan đặt đĩa hoa quả lên bàn, xoa hai tay:
- Xong cả rồi... Chờ bác rửa tay và em Liên thay quần áo. Bếp nóng quá mồ hôi ra ướt cả lưng.
Bà quay vào.
Hoan vớ cuốn họa báo trên kệ, lật xem. Dạ dày anh sôi sùng sục. Giờ ăn theo thường lệ đã qua từ lâu. Hơn nữa, chiều nay anh đã đánh tới năm séc bóng liền. Ở nhà anh giờ này mọi người đã ăn xong bữa cơm thường nhật. Không cao sang nhưng luôn có món ăn quen miệng và ưa thích. Bà giáo lẫn chị Nền, đứa cháu họ của bà, đều là những tay nấu ăn cự phách. Dù chỉ là món tôm rang hành tiêu hay món thịt kho nước dừa vào tay họ cũng thành những món ăn hấp dẫn khiến anh có thể đánh bay măm bát cơm đầy, thêm đĩa nộm hoa chuối, tô canh chua, món rau cải xào dầu hàu, bữa cơm của họ càng hấp dẫn. Và sau đó sẽ là bát chè tráng miệng mát như thạch:
Thật xui xẻo cho ta, thật đáng nguyền rủa cái cơn mưa chết tiệt chiều qua. Nếu không, giờ này ta đã có thể ngả lưng trên giường đọc sách...
Anh tự nguyền rủa mình, cảm thấy chất cường toan trong dạ dầy thấm đến từng thớ thịt khi hai mẹ con bà trưởng cửa hàng vẫn nhí nháu chuyện trò trong buồng tắm. Hoan ngước mắt nhìn đồng hồ treo tường, bốn mươi nhăm phút đã qua... Chắc chắn không phải họ thay quần áo mà họ cố tình đùa bỡn cái dạ dày khốn khổ của anh, hành hạ nó tới mức tất thảy mọi món ăn họ nấu đều biến thành nem công chả phượng...
Khốn kiếp thật... Không có thứ chủ nhà nào đãi khách kiểu này...
Chàng trai gò lưng xuống để chống lại cơn gào thét của bao tử. Mồ hôi anh vã chạy dọc sống lưng. Tay anh lật báo liên tục mà chẳng đọc nổi dòng nào. Và anh cứ ngồi trong cái tư thế kì quặc ấy cho đến khi mẹ con bà chủ xúng xính bước ra. Bà mẹ mặc bộ đồ lụa hồng còn cô con gái áo váy lòe xòe. Hoan không còn muốn nhìn vào mặt họ, anh phải cố gìm lại ý muốn xô mâm cơm xuống rồi bỏ về. Nhưng cuối cùng, chàng thiếu niên được giáo dục trong anh vẫn thắng. Anh vẫn buộc lòng phải nở nụ cười tươi khi bà hỏi:
- Khổ thân vị khách quý, cháu đói lắm phải không?
- Dạ... không... Cũng thường thôi ạ.
- Tối nay cháu bị xơi món Mầm Ðá... Cháu biết truyện Trạng Quỳnh đãi chúa Trịnh món Mầm đá hay không?
- Cháu biết.
- Kì lạ, dân Việt Nam mình thật thà chất phác thế mà đẻ ra cái ông trạng tinh ma quỷ quái kia... Này Hoan, cháu thích uống rượu gì? Bác có sâm-banh Nga lẫn rượu nếp quê nhà.
- Cảm ơn bác, cháu không biết uống rượu.
- Không được, không được, nam vô tửu như kỳ vô phong... Liên, đưa chiếc ly tròn kia cho mẹ...
Bà rót vào chiếc ly tròn thứ nước đỏ sẫm rồi giơ lên ngắm nghía dưới ánh đèn:
- Không ra sao cả... Rượu nếp than phải rót vào ly pha-lê Tiệp mới nổi sắc... Kim Liên, đổi cho mẹ mấy chiếc ly Tiệp ra đây.
Cô con gái lại xoay váy chạy vào, bà mẹ lại đổ rượu, thay ly, lại giơ lên ánh đèn ngắm nghía...
Hoan đói mờ cả mắt, và cơn tức giận còn khiến thần kinh anh căng thẳng hơn. Nhưng anh vẫn cố dặn mình:
Phải húp ít nước canh trước cho dịu cơn đói. Nếu không họ sẽ ép ta uống rượu và ta sẽ bị say...
Anh nhăm nhăm chờ bà chủ nhà khai mạc bữa cơm để chắt bát nước anh uống. Nhưng bà chủ nhà đã nâng ly rượu đỏ lên, nói gì đó anh chẳng còn nghe rõ, đoạn đặt ly rượu vào tay Hoan yêu cầu cụng ly với mẹ con bà trước khi ăn:
- Không người đàn ông nào lại đặt ly rượu đầy trước mặt trong bữa tiệc. Cháu phải cạn chén đầu tiên.
Hoan đặt chén rượu lên môi, dốc một lần đến đáy cốc rồi anh đặt chiếc ly kia xuống, anh tìm bát canh cá chắt sang bát ăn của mình. Một hơi nữa chàng trai húp cạn bát canh, không còn cảm nhận nổi mùi vị. Lúc đó, cơn đói mới bắt đầu dịu xuống. Nhưng cùng với bát nước canh, ly rượu đỏ của bà Lan thấm vào cái dạ dầy đói khát của anh khiến anh chếnh choáng. Hoan chưa từng uống rượu bao giờ. Ở nhà anh, thi thoảng được phép ăn rượu nếp nhưng là sau bữa cơm. Cha anh không cho anh uống rượu vì anh cũng giống hệt như ông, chỉ cần đụng môi tới chén rượu mặt đã đỏ như gấc. Lần đầu tiên Hoan bị đẩy vào cuộc phiêu lưu này. Anh không phân biệt được mùi vị các món ăn. Anh ăn như cái máy, lùa tất thảy những gì bà Kim Lan và cô con gái bỏ vào bát anh xuống dạ dày. Anh cũng không nhớ đã trả lời những câu hỏi của họ ra sao. Anh nhớ rằng đã nói khi họ nói, anh cất tiếng cười theo khi họ cười, toàn thân anh nhẹ bổng, tròng trành như con thuyền rỗng không neo trên hải cảng. Mỗi lần bà Kim Lan giơ cao lên chiếc ly đỏ sóng sánh, con thuyền anh tròng trành chao đảo dữ dội hơn. Dường như chất nước đỏ thắm kia khiến hải cảng bình yên nổi sóng. Hoan nhắm mắt lại, kệ cho các ngọn sóng đong đưa thân xác anh, và những tiếng ru xa vời từ khơi xa vọng lại xô đẩy anh vào một giấc ngủ đắm chìm mộng mị...
Ðến thời khắc nào đó, Hoan chợt thức giấc. Nhưng anh vẫn nhắm nghiền mắt vì một biển lam mênh mông trải dưới thân mình. Biển cuốn hút vời gọi anh trong cái yên lặng mơ đắm dịu dàng khôn tả, trong những luồng sáng kì dị tựa những lằn thủy tinh tím sẫm óng ánh lướt qua lướt lại. Ðại dương mênh mông phẳng lặng không sóng không thuyền không cánh buồm không mây phủ không cả lũ hải âu, loài chim biển đa tình... Anh như chiếc thuyền nhỏ dứt đứt dây neo, rời hải cảng lênh đênh giữa mênh mông, giữa màu lam mơ ảo, rượt theo những vệt sáng tựa những lằn thủy tinh tím đen long lanh ánh trai ngọc.
Hãy bơi ra xa, hãy đi qua cuộc phiêu lưu này trước khi lên tàu xa xứ Bắc... Lần đầu tiên ta thấy biển kì lạ nhường này...
Hoan đã bơi rất xa, thấy yên lặng khôn cùng bao phủ quanh mình. Thuyền anh nổi trên làn nước bao la vô định. Bất chợt màu lam biến mất. Mất cả những vệt tím óng ánh thủy tinh. Trên đầu anh là trời đêm không trăng không sao. Cực yên tĩnh. Tâm hồn anh cũng yên tĩnh. Anh đã nằm im lặng như thế rất lâu. Một thế kỷ trôi qua. Anh ngỡ trời sắp sáng, chân trời yên bình không giông bão sẽ rực rỡ dưới vầng dương, và lúc ấy, anh bơi về hải cảng.
Rồi anh nghe ba tiếng chuông thong thả rót xuống từ vòm trời đen thăm thẳm kia. Hoặc anh đang mơ hoặc tiếng chuông kia vòng từ những con tàu bị đắm dưới bùn sâu, vọng âm truyền qua các tầng nước nỗi tiếc thương chưa dứt:
Ðã có lần ta đọc về đời sống của những tên cướp biển. Vong hồn những kẻ bị sát hại đêm đêm trở về vây quanh khu đảo bọn cướp cùng vợ con trú ngụ, gào thét và nguyền rủa. Tiếng hú của các hồn ma khiến hoa trong vườn lũ cướp chưa kịp nở đã rụng hết cánh, lũ chó giữ nhà của chúng chỉ qua một đêm đã rụng hết lông rồi hóa điên cứ dựng đứng hai chân lên mà hú... Nhưng sao bỗng dưng ta nhớ lại câu chuyện ghê rợn này... Phải quên đi, quên đi...
Anh trở mình, nằm nghiêng.
Vùng biển lam lại hiện lên trong suốt, an bình. Tâm hồn anh trở lại thơ thới. Bất chợt vật gì đó lướt nhẹ trên da thịt anh. Hoan chưa kịp hiểu từ đâu và vì sao những cảm giác se sẽ kia cứ lặp đi lặp lại. Những dao động êm ái đó khiến anh sung sướng lạ kì chưa từng biết:
Phải rồi, người ta gọi cái đó là ve vuốt. Ve vuốt, ấy là cử chỉ của những cặp tình nhân, của Ðes-dê-mo-na với Ô-ten-lô, của Mas-lô-va với người yêu nàng... Vậy thì những vuốt ve đang mơn trớn thịt da ta, em từ đâu tới? Có lẽ những nàng Xi-ren vẫn còn tới thế kỷ hai mươi này?
Trong trí não anh băn khoăn tìm kiếm, da thịt anh đã cháy rực lên dưới những vuốt ve câm lặng vô danh. Những vùng cấm kỵ nơi sâu kín nhất của chàng trai đồng trinh được những ngón tay thần bí của nàng Xi-ren thức dậy. Ngay tức khắc, con mãnh thú trong thân thể cường tráng của anh chồm lên. Nó duỗi căng gân cốt như loài mèo thức dậy, và trong bóng tối huyền bí kia nó đáp lại những ve vuốt vô danh rất nhạy bén và mãnh liệt. Sau những ve vuốt khởi đầu ấy, nó nhảy xổ vào thao tác tình ái một cách bài bản, thành thực, hoàn thiện như bậc thầy xuất sắc của nghệ thuật làm tình...
Rồi Hoan tỉnh mộng. Không phải vì nàng Xi-ren xô con thuyền của anh về hải cảng mà vì tiếng gọi của bà chủ nhà:
- Hoan... Hoan... Tỉnh dậy đi cháu...
Hoan mở choàng mắt, thấy gương mặt ân cần của bà Kim Lan đang cúi xuống. Anh định ngồi dậy nhưng đã kịp nhận ra mình trần như nhộng chỉ có một mảnh khăn tắm trùm ngang bộ phận kín. Nằm cạnh anh là cô con gái bà chủ nhà. Cô mặc chiếc váy ngủ mỏng như mạng nhện, mặt vẫn trát đầy son phấn. Mồ hôi chảy ra trong cơn làm tình khiến son chảy phấn loang nhơm nhếch và trông cô như ả đào cải lương gặp mưa. Chiếc giường họ nằm là giường đôi, họ gối lên cặp gối trắng tinh thêu những con chim câu tung cánh. Cảnh tượng hoàn toàn là cảnh khuê phòng còn họ sắm vai cặp uyên ương ngày đầu trăng mật. Hoan đã đoán được bảy tám phần câu chuyện. Tim anh lạnh ngắt:
Ta đã bị lừa lên chiếc giường này đêm qua... Ta đã sập bẫy...
Bà trưởng cửa hàng nhắc lại:
- Hoan, dậy đi cháu... Ba mẹ cháu đang chờ ở phòng ngoài.
Chàng trai lặng đi. Ông bà giáo Huy đã bị triệu tới đây, buộc phải chứng kiến và lãnh nhận hậu quả này: Hai con người khả kính đó, anh chưa đền ơn trả nghĩa được ngày nào, đã du đẩy họ vào nỗi nhục nhã không thể gột rửa:
Cha ta sẽ nói sao? Ông sẽ nhìn ta với con mắt buồn nản. Và mẹ ta sẽ phải cúi đầu vì hổ thẹn trước mặt phố phường...
Anh nhìn sang bên cô con gái bà trưởng cửa hàng đang oằn oại trong cơn ngái ngủ, miệng há ra ngáp không buồn che đậy. Ðứa con gái tuổi mới mười lăm mà trông đã rạc dày. Hoan kinh tởm. Anh ngẩng cổ tìm quần áo của mình. Bà Kim Lan biết ý, nói:
- Quần áo của cháu bác đã mang vào phòng tắm. Cháu tắm rửa thay đồ trước em Liên. Rồi cả hai ra phòng khách nói chuyện. Dứt lời, bà quay đi.
Hoan quấn tấm khăn quanh hông, bước vào phòng tắm kề sát gian buồng của họ. Anh tắm nước lạnh, kì cọ đến trầy da mà chẳng hiểu làm như vậy để làm gì, đầu anh nóng như cỗ máy đã khởi động nhưng bộ phận truyền cơ bị hãm chốt nên chẳng nghĩ nổi một ý nghĩ nào rành mạch ngoài nỗi sợ hãi: Ba mẹ anh đang chờ ngoài phòng khách, anh sẽ ăn nói với họ ra sao? Nhất là cha anh, người suốt đời chưa hề nói năng sàm sỡ, chưa hề có một cữ chỉ bất nhã, chưa làm điều chi nhỏ nhặt tầm thường dù là chuyện đồng tiền phân bạc, chuyện rượu chè hay chuyện bướm ong...
Liệu cha ta sẽ xử sự ra sao trước họ hàng thân quyến và xóm giềng nơi phố xá? Ông sẽ tuyên bố từ bỏ ta trước bàn thờ tổ tiên rồi trục xuất ta khỏi gia đình hoặc sẽ lẳng lặng nhìn vào mặt ta cái nhìn lạnh lùng khinh bỉ...
Hoan thầm nghĩ và biết rằng trong trường hợp thứ hai anh buộc lòng sẽ phải rời bỏ gia đình, chính anh ra đi trước, bởi anh không thể sống trong sự khinh bỉ, cho dù đó là sự khinh bỉ của người đã tác tạo nên anh.
Có tiếng gõ cửa, sau đó là tiếng gọi của cô con gái:
- Anh ơi, anh tắm xong chưa?
Cái tiếng gọi đó khiến anh nổi cơn điên. Anh quát:
- Ai? Hỏi gì?
Sau đó xối nước ào ào như để khỏa lấp cơn giận dữ. Khi anh ngừng tay, tiếng nói kia lại cất lên và lần này giọng nói rắn đanh lại, đầy vẻ thách thức:
- Anh tắm mau lên mà ra phòng khách. Ba mẹ anh đang chờ anh ở đó. Ðể phòng tắm cho người khác nữa chứ... không ngủ ở trong ấy được đâu...
Hoan sững người:
A, con bé này ghê gớm thật. Chính nó đã tham gia sắp đặt tấn tuồng chứ không riêng gì mụ Kim Lan. Kinh khủng mới mười lăm tuổi mặt non choẹt mà đã biết lọc lừa. Vậy nàng Xi-ren đêm qua đã hiện hình thành con hồ ly thứ thiệt...
Chàng trai nghĩ và bắt đầu căm ghét cái người đàn bà mười lăm tuổi. Trong trí nhớ của anh lần lượt diễu qua những gương mặt khả ái, những cô bạn đồng học, các cô bé dưới lớp, đám bạn gái cùng phố...
Khốn nạn cho ta, đứa con gái xấu xí nhất trong đám bạn gái còn xinh xắn hơn con bé lăng loàn. Thêm nữa, tính tình nó cũng xảo trá, cũng trơ trẽn như người mẹ...
Hoan mặc quần, đẩy cửa phòng tắm bước ra. Cô Kim Liên lập tức bước vào, không ai chào ai. Bộ mặt vênh váo của cô ta đầy thách thức:
Muốn hay không anh cũng phải cưới tôi, anh có chạy đằng trời...
Anh đưa mắt liếc nhìn cái gương mặt choắt cheo, chiếc cằm nhỏ chẻ đôi, môi mỏng và hai hàng lông mày chạy xiên xẹo kẻ những đường chì quá đậm... ấy là gương mặt của định mệnh. Ấy là lưỡi gươm đã cắm sâu vào trái tim thù hận của anh. Gương mặt ấy đã ám ảnh anh suốt chín năm trường, ba ngàn hai trăm tám mươi lăm ngày, từ khoảnh khắc họ gặp nhau trên ngưỡng cửa phòng tắm, số phận đã kết trói họ trong một cuộc cộng sinh mà mỗi ngày thù hận kết thêm những gút dây cho đến nỗi ngay cả sau khi ly hôn, những gút mắt đó vẫn kêu gọi cuộc trả thù...
Tuổi trẻ của anh, ước mộng của anh đã bị tước đoạt một cách oan uổng do cuộc hôn nhân ấy, và vì thế, anh không thể thủ tiêu gã sát nhân thường trú ngụ trong anh... chỉ mãi sau ngày gặp Miên, tình yêu mới xóa mờ những mối thù hận cũ.
Hoan đã ngỡ có thể chia tay hoàn toàn với quá khứ đau buồn, với nỗi bất hạnh. Anh những tưởng hạnh phúc của anh sẽ mãi mãi bền chặt vì nó được xây cất trên nền móng của nghiệm sinh, của tình yêu thuần khiết và của những khổ đau anh đã trả. Vào lúc anh ngỡ không còn hiểm họa nào đe dọa con thuyền hạnh phúc của mình, bão giông ập tới... đường đột hơn cơn mưa rào mười sáu năm về trước. Mà anh, anh không còn là chàng trai hai mươi hai tuổi... anh thấy lòng nao núng:
Miên ơi, em nghĩ gì lúc này? Em tính sao đây? Em sẽ không bỏ anh mà đi chứ?
Một đoàn ô-tô nữa từ phía sau vọt lên, phà bụi mù mịt. Hoan chợt nhận ra anh vừa rên rỉ thành lời. Anh vội dừng xe lại, khạc miệng đờm đầy bụi, rút khăn mù-soa lau hai lỗ mũi đen sì rồi lại chụp mũ bảo hiểm lên đầu. Từ đây về Xóm Núi chỉ còn mươi cây số. Mười lăm phút nữa anh sẽ có mặt ở nhà. Vợ anh ở đó, con trai anh ở đó, cuộc sống thật sự của anh ở đó... và mọi chuyện sẽ tính sau.
Dẫu đã tự trấn an như vậy, nhưng khi về tới Xóm Núi, Hoan vẫn không nhìn thấy đám láng giềng đứng bên đường chào hỏi, cũng chẳng kịp đáp lễ những người đi ngược đường cho tử tế. Anh phóng thẳng xe qua cổng, vừa phóng xe vừa dùng chân đạp cho cánh cổng mở rộng hẳn rồi lao thẳng tới trước thềm.
Miên ngồi kia, con trai ta ngồi kia... tất cả vẫn đều nguyên vẹn...
Anh nghĩ vậy rồi cứ ngồi trên chiếc xe còn sình sịch nổ máy nhìn vào nhà. Miên đang chơi với con. Chị quay lại:
Gương mặt em đó, hồng hào như mọi ngày, đôi mắt em đó, đôi mắt của mọi ngày...
Anh tắt máy, bước xuống xe. Thong thả, cởi chiếc mũ bảo hiểm treo vào tay và bước lên bậc tam cấp. Vợ anh đứng sững nhìn anh, không cười như mọi ngày, cũng không hỏi anh một câu vu vơ như mọi bận.
- Sao anh đi lâu thế?
- Sao anh chẳng nhắn nhe gì?
- Sao anh không chờ tạnh mưa hãy về... ướt hết rồi còn đâu...
Ðại loại những câu hỏi chỉ để hỏi, tựu trung chúng chỉ nhằm che giấu nỗi vui mừng nhằm làm dịu nhớ nhung và khỏa lấp niềm mong chờ ân ái...
Miên không hỏi những câu vu vơ nữa, không lặp lại cái điệp khúc giản dị của hạnh phúc, không bước những bước hấp tấp lại đón anh để bộ quần áo lụa tạt về sau làm nổi khuôn lên cái thân hình óng ả mà anh quen thuộc và đắm say từng ly tấc. Vợ anh đặt lên bàn chiếc bát rồi buông xõng hai tay chăm chăm nhìn anh. Ðôi mắt đen của chị hút về anh run rẩy, đói khát, đau đớn. Ánh mắt ấy là con thú hoang uống lần cuối dòng suối trước khi bước vào sa mạc, là kẻ mót lượm vơ vét mảnh ruộng sau chót trước lúc sang đông, là kẻ tử thù thụ hưởng bữa cơm đặc ân trước giờ hành quyết...
Hoan tiến thêm mấy bước nữa về phía vợ. Chị cũng bước lại để ngả vào ngực anh. Họ ôm nhau. Và cùng khóc.
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng