Not all of us have to possess earthshaking talent. Just common sense and love will do.

Myrtle Auvil

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 713
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
Ðám trai làng tụ tập ở sân nhà Bôn từ rạng sáng. Toàn những gã trai to con, lực lưỡng được chọn trong xã. Ấy là đội thanh niên tình nguyện của xã đoàn chuyên lo giúp các gia đình liệt sĩ thương binh vào kỳ gặt hái hoặc những lúc có công việc lớn. Bôn chẳng là thương binh, nhưng do gia cảnh anh quá neo đơn bần hàn nên đảng ủy quyết định điều họ đến giúp anh sửa lại gian nhà trước khi đón Miên về chung sống. Lũ trai đã tự lo liệu bữa sáng ở nhà họ, tới đây chỉ đòi uống nước chè ngon trước khi bắt tay vào việc. May mắn cho Bôn, chiều qua cụ Phiều đem cho gói chè Thái nguyên hảo hạng:
- Tôi biết anh không thể kiếm được loại chè này. Cầm lấy sáng mai đãi thợ.
Quả tình Bôn không thể kiếm được thứ chè xứ Bắc ngon tuyệt này, nó vốn là của hiếm đối với sân sơn cước miền Trung những người trồng cà-phê nhưng chỉ quen uống chè tươi hoặc nước vối. Trà pha xong, hương bay thơm ngát, nước vàng màu hổ phách, đám trai vừa xì xoạp vừa tán như pháo nổ:
- Không biết chú Bôn làm đến chức gì, nhưng hôm nay chú được phong lên cấp soái. Dưới quyền chú có hai mươi lăm tốt hỉn, xin cứ việc phân công.
- Ðề nghị bí thư chi đoàn hạ chức chú xuống chức anh. Anh Bôn mới ngoài ba mươi, gọi chú tức là đẩy anh ấy gần tới hàng bô lão.
- Ðúng đấy... Sửa nhà xong đón chị Miên về còn sản xuất tí nhau. Gọi là chú làm anh ấy xúi quẩy.
- Xin lỗi các cậu, đừng nói hàng chú, hàng bác, ngay đến hàng ông nội ông ngoại vẫn cứ cho ra lò được tốt... Tháng trước cụ Phiều chẳng sinh quý tử ở tuổi sáu mươi chín hay sao? Người ta gọi như thế là: Lão bạng sinh châu đấy...
- Nói ngon thật, ai bì được với cụ Phiều? Nương vườn nhà cụ ấy bát ngát, đàn dê lúc nào cũng tám chín chục con, tháng vài lần cụ ấy chọn con khỏe nhất chọc tiết hứng vào hũ rượu uống còn dái với hai hột cà đem hấp thuốc nam, thuốc bắc, thơm điếc mũi hàng xóm.
- Cậu ngớ ngẩn thật, thuốc nam thuốc bắc là hai thứ khác nhau bài bản khác nhau, làm sao dùng ẩu xị như thế được?
Bôn vừa pha trà, vừa lắng nghe bọn trẻ bàn tán. Những điều họ nói hoàn toàn xa lạ, chúng đánh thức nỗi tò mò trong anh. Ðời người có quá nhiều điều cần phải biết. Anh đã tách xa cuộc sống bình thường quá lâu để hội nhập vào một cuộc sống khác, trong cuộc sống ấy anh phải thuộc lòng cách sử dụng vũ khí, cách tránh các loại bom mìn, các tư thế đâm kẻ địch trong lúc giáp lá cà, cách tự băng bó vết thương, cách dò tìm dấu vết địch, cách phân biệt chất đất để đào hào hoặc chôn mìn bẫy... Giờ, anh chợt nhận ra rằng có một loại kiến thức khác: kiến thức về cách nấu tinh hoàn lẫn dái dê với thuốc nam hoặc thuốc bắc để có thể sinh một đứa con vào tuổi bảy mươi:
Biết đâu chẳng có lúc ta cần đến những bài thuốc ấy? Một vùng đất chưa hề trồng trọt, cần khai phá.
Nỗi lo ngại tràn đến, nhưng Bôn cao giọng trấn an mình:
Ðừng sợ. Ta còn trẻ. Nếu kiên trì ta sẽ học được tất cả những gì muốn học. Trước kia ta vốn là niềm hy vọng của các thầy, các cô giáo trong trường. Giờ, ta có Miên. Một tuần nữa cô ấy sẽ về đây, ta sẽ có một mái ấm như mọi người. Ta sẽ khai phá những miền đất trắng...
Lũ trai uống xong nhất loạt đứng lên:
- Nào tướng quân, hãy biết tận dụng thời giờ. Chúng cháu chỉ giúp chú được ba buổi sáng thôi. Sau đó, sẽ phải sang thôn khác...
Lũ trai bắt tay vào việc rồi, Bôn ra vườn hì hục dãy cỏ. Anh dự định trồng luống hương nhu trước hết. Buổi tối ở nhà Hoan, anh ngửi mùi nước gội đầu của Miên thơm lừng. Thứ nước ấy đun bằng cây hương nhu già, hoa hương nhu, lá bưởi và vỏ bưởi khô. Vườn nhà anh hẹp, không có bưởi nên anh phải cấp tốc trồng hương nhu cho chị có lá gội đầu. Anh không thể xây cho chị ngôi nhà lộng lẫy, sáng trưng đèn nến như người đàn ông kia nhưng anh có thể lấy tình yêu và sự tận tụy bù đắp lại:
Tôi sẽ làm tất cả vì em. Miễn là em ở bên tôi, chúng ta còn trẻ và chúng ta sẽ cùng nhau xây đắp cuộc sống mới.
Cuốc được hai giờ đồng hồ, Bôn thấm mệt, đành ngồi nghỉ. Mấy cô gái trong đội thanh niên tình nguyện đang vo gạo, vỗ rá bồm bộp chuẩn bị nấu ăn trưa. Chính quyền xã kêu gọi những gia đình khá giả trợ giúp anh lương thực lẫn thực phẩm đủ cho mấy chục người ăn trong ba ngày. Cụ Phiều cho ba chục cân gạo với nửa con dê, bà Hơn cho hai chục cân gạo, mười cân nếp, bà Giá cho hai luống cải trong vườn. Anh chỉ bỏ tiền mua mắm muối và vài cân mỡ lợn cho họ nấu nướng. Xoong nồi bát đĩa mượn láng giềng. Gia đình Tá không có chút đồ dùng nào khả dĩ nhìn vừa mắt. Bôn nhục. Nhưng anh không biết làm cách nào. Chiều qua, anh bảo Tá:
- Mai họ sửa nhà cho tôi, cũng là sửa luôn cho mẹ con chị. Hãy lo việc bếp núc với mấy cô trong đội.
Tá lắc đầu:
- Tôi mắc nợ người ta. Mấy mẹ con tôi phải làm khấu nợ.
Bôn biết không ai có thể thuyết phục chị anh, người đàn bà hoang dã, kẻ làm bung xung cho tất thảy những câu chuyện tục tĩu của đám đàn ông trong vùng. Tá sống như cây cỏ, chẳng cần biết đến lời đàm tiếu. Trời phú cho chị một đời sống tình dục dồi dào như muông thú, bất chấp tuổi tác, thời gian, và sự khốn cùng. Năm mười lăm tuổi, Tá đi củi, bắt gặp một gã sơn tràng quê tận tỉnh Thanh xứ ngoài. Chị dẫn anh ta về. Lúc đó, cha mẹ đã chết Bôn chúi đầu vào việc học và việc kiếm tiền mua giấy bút. Anh cũng chẳng thể can ngăn hoặc khuyên bảo chị ruột của mình. Họ ngăn đôi căn nhà, Tá lấy hai gian, để cho anh một gian phía trong. Lúc đó, Bôn đã nghĩ:
Ta chẳng cần chút gia sản còm này. Ta phải tìm mọi cách thi đỗ đại học và về thành phố...
Cuộc sống vợ chồng của Tá bắt đầu ngay sau đó, chẳng cheo cưới. Chính quyền xã đành quay mặt đi trước cảnh tảo hôn. Nhưng dân xóm Núi tò mò đổ tới nhà họ xem mặt anh thợ sơn tràng tỉnh Thanh như xem vật lạ. Anh chàng hai mươi lăm tuổi, to như gấu ngựa hai vai nổi u đen bóng, ngực đầy lông gáy cũng đầy lông. Mình anh có thể chấp ba tay sơn tràng khác kéo cưa từ sáng đến tối. Bữa, anh ăn hết mười hai bát cơm vật với mắm cá dầm ớt chẳng cần thịt cần rau. Các ông bà già trong xóm thì thoảng gọi Bôn tới:
- Coi chừng con chị mi, lấy thằng nớ khéo ba bốn năm là chui vào hòm ngủ.
- Này, cha chết con trai là trụ cột gia đình. Phải bảo con chị mi liệu lấy thân. Tốt trống ắt phải tốt mái... Coi chừng...
Tá còn thấp bé hơn Bôn, người bằng chét tay. Dân làng sợ chị chết yểu vì gã sơn tràng lưng hùm dáng gấu... Vậy mà chính người đàn bà loắt choắt ấy đã quật chết gã khổng lồ. Sau hai năm chung sống, da anh ta nhợt hẳn đi, lưng và vai không còn nổi cuồn cuộn những bắp thịt cứng như sắt nguội. Lớp lông trước ngực và sau gáy rụng thưa hẳn. Ðầu năm thứ ba họ có đứa con trai. Tá đẹp nõn da mỡ màng, mắt long lanh. Anh chồng càng xuống mã nhanh. Anh không còn dám thách đấu với các thợ sơn tràng khác. Thậm chí cưa gỗ với một người bằng tuổi, anh cũng phải ngồi năm bảy lần uống nước, đấm lưng. Hễ ai bóng gió trêu:
- Gái một con, mòn con mắt, tốn đàn ông lắm...
Anh chỉ lắc đầu quầy quậy.
Mùa Hạ năm thứ tư, họ có thêm đứa con gái. Anh sơn tràng tỉnh Thanh không còn cầm nổi cưa lớn chuyển sang học đóng tủ đóng giường, đóng hộc chứa lúa, trạm bát và các thứ đồ lặt vặt khác. Cuối năm ấy anh mắc chứng ho khan. Gã đàn ông lực lưỡng như thần núi trước kia bỗng gày lép, cao lêu nghêu, chiều chiều ôm ngực húng hắng ho mắt lúc nào cũng long lanh như đang sốt. Mùa Hạ năm sau, anh chết. Tá không lo nổi vài mâm cơm đãi những người tới làm ma cho chồng. Lúc đó đang chiến tranh, người ta liệm gã đàn ông xấu số bằng một tấm dù hoa bên ngoài quấn chiếu.
Tá gầy rộc. Chị ta phải lo ba miệng ăn. Tá phàm ăn không kém chồng. Thoạt tiên, chị ta bán mấy chiếc tủ đứng, tủ chè rồi đến giường hộp. Thời chiến, mọi thứ đều rẻ mạt. Người có tiền mua quăng vào một xó coi như đánh bạc với trời. Khi chẳng còn thứ gì để bán Tá bòn tiền xuống biển mua cá mắm mang sang bên kia núi bán cho người Vân kiều hoặc dân Lào. Hai đứa con nhếch nhác đói khát bỏ lại cho bà lão Ðọt, chị gọi là già, người ruột thịt duy nhất trên cõi đời. Mỗi chuyến đi của Tá kéo dài hàng tháng. Càng ngày chúng càng kéo dài hơn. Dân làng thấy Tá béo đẹp trở lại. Qua ba năm chịu tang chồng Tá lồng như ngựa vía tìm đàn ông. Gặp bất cứ người nào góa bụa hoặc gia cảnh bất hòa Tá đều xáp tới. Nhưng đàn ông khắp vùng kháo nhau về ma lực tình dục của Tá, cho rằng hễ dính với chị ta sớm muộn cũng chui vào mả nên họ tránh chị như tránh bệnh dịch hạch. Sau rốt, nhờ trời thương Tá cũng lấy được tấm chồng. Lần này là một lão già hơn chị hai mươi tuổi, vốn dân biển, vì mắc tội loạn luân nên phải bỏ quê hương phiêu bạt tới xóm Núi, xin chính quyền cho dựng lều vỡ đất trồng tiêu. Lão tuy già nhưng dai sức, lại có dấn vốn. Tá lấy lão, cuộc hôn thú mãn nguyện. Duy hai đứa con người chồng trước là bất bình. Lúc đó đứa con trai mười ba tuổi và đứa con gái mười hai. Một lần, ông bố dượng vác củi đánh thằng bé. Nó hắt cả nồi cám sôi vào lưng lão già và bỏ đi. May mắn lão ta tránh kịp chỉ bị tuột một bên bắp chân. Nửa tháng sau đứa bé quay lại rủ em gái trốn theo. Từ đó tới nay chẳng ai thấy bóng dáng của chúng. Người ta đồn chừng chúng đã dắt díu nhau ra tỉnh Thanh, nương nhờ gốc rễ người cha. Tá không đi tìm con, cũng chẳng đau buồn nhiều. Chị đã kịp thời chửa và đẻ cho lão chồng sau một đứa con trai. Khi đứa bé đầy tháng bỗng xuất hiện một gã Vân kiều thấp bé đen thui. Gã đóng khố, đeo gùi, nói thứ tiếng Kinh ngọng nghịu. Gặp Tá gã ôm chặt lấy chị, khóc rống lên. Họ nói với nhau bằng thứ tiếng líu lường không ai hiểu. Hẳn gã là người tình của Tá trong thời gian chịu tang, và hẳn Tá đã thề non hẹn biển khiến gã trèo đèo lội suối tìm kiếm khốn khổ như vậy. Bấy giờ dân làng mới hiểu những chuyến buôn cá dài ngày của người đàn bà hoang dại. Vào lúc Tá đang phân bua với gã Vân kiều, lão chồng già trở về. Lão đứng hồi lâu chờ cho gã đàn ông đen đủi khóc lóc rồi lừ lừ tiến thẳng đến, giáng cho kẻ địch tình một cú đấm hiểm ác, đoạn nắm cổ gã như nắn cổ con gà, quẳng ra ngoài cổng.
Tá ăn ở với lão thêm được hai đứa con nữa. Lão chết. Giờ chị nuôi ba đứa con nhỏ, một gái hai trai, chẳng đứa nào được học hành, sống như loài chồn cáo...
Cha mẹ đã để lại gánh nặng cho con, một mối nhục không cách nào lẩn tránh. Sao lại sinh ra một kẻ đồi bại dơ dáy đến như thế trên đời?
Bôn thầm oán những kẻ đã sinh ra anh. Nhưng anh biết điều đó vô nghĩa. Họ chỉ là những bóng ma yếu ớt, những hạt bụi trong cõi trần cũng sẽ là những hạt bụi dưới cõi âm. Họ bất lực. Anh cũng bất lực. Hôm nay trai làng đến sửa nhà cho Bôn, nghĩa là sửa luôn cho Tá. Nếu là một người đàn bà khác dù ngu đần vụng dại đến đâu, họ cũng sẽ ở nhà thu vén nấu nướng...
... Thật nhục nhã khi chung máu huyết với một người như thế. Nhưng chẳng ai thay đổi được lịch sử bản thân và dòng tộc. Dẫu sao Tá cũng vẫn là người ruột thịt của ta. Chúng ta san sẻ một huyết thống, lớn lên dưới một mái nhà, và từng có chung ngày êm ấm...
Quả là khi cha mẹ anh còn sống. họ đã cùng hưởng những giây phút êm đềm. Anh nhớ tới những buổi tối vui vầy, hai đứa trẻ ngồi ăm bắp rang ngào mật, Bôn trong lòng mẹ và Tá trên đùi ông bố. Chảo bắp rang ngào mật còn nóng, bốc hơi thơm lừng. Mẹ Bôn bốc từng nắm bỏng bỏ vào tay anh, và mỗi bận cúi xuống bà lại ngửi hít mái tóc hoặc hôn lên má đứa con trai yêu dấu:
... Ôi cu con của mẹ, cục vàng của mẹ. Mai sau lớn lên con sẽ xây nhà cao cửa rộng cho cha mẹ, sẽ tu tạo mồ mả tổ tiên, con sẽ làm dòng họ Vũ chúng ta mở mặt mở mày...
Ðiệp khúc ấy mẹ anh đã nhắc hàng trăm lần trong khi cha anh ngồi nhìn anh ngây ngất...
- Chú Bôn, lại đây đã...
Tiếng gọi giật giọng của một chàng trai vang đến. Bôn giật mình vùng đứng dậy bước vào sân:
- Chú Bôn, chú muốn ngăn bằng vách nứa hay xây gạch? Nếu xây tường gạch, chúng cháu sẽ đan tấm liếp để cắt mái.
- Các cậu đã tính số gạch chưa?
- Ðã tính. Vừa đủ. Vừa đủ bức tường, nếu xây con kiến. Còn chú chỉ ngăn bằng vách nứa số gạch đó đủ bó thêm hai thước sân. Chú hãy suy tính trong năm phút, anh em cháu nghỉ tay uống nước rồi làm. Mấy gã trai ngồi nghễu nghện trên mái hút thuốc. Họ xách ấm nước lẫn chiếc ca nhôm theo. Bôn đưa mắt nhìn mảnh sân lở lói dưới chân anh. Trông nó thật tang thương với những lỗ gạch bị nạy mọc lổ đổ rau dền dại và cỏ ba chạc, gạch đã ngả màu thâm, các mạch vữa trát rã rời thành cát.
Không ai có thể phơi phóng trên mảnh sân này. Dù trồng tiêu hay cà-phê ta cũng cần một khoảng sân phẳng phiu, sạch sẽ...
Bôn nghĩ. Nhưng rồi anh đưa mắt nhìn mái tranh mới lợp. Ba gian nhà thông thống kia, nếu chỉ ngăn bằng vách liếp dán giấy báo như xưa, liệu anh có thể sống được cuộc sống chồng vợ với Miên? Tá chưa già, lại vốn là kẻ dâm đãng. Ðứa con trai của Tá sáu tuổi, đứa con gái lên năm, chúng đã có cái nhìn tò mò quỷ quái. Ngày cưới Miên, chỉ thắp cây đèn dầu cũng gây xích mích. Giờ đây, cuộc sống chung sẽ càng khó khăn hơn. Anh hình dung cảnh Miên sẽ đặt chân lên mảnh sân bẩn thỉu này, bước qua khuôn cửa vào gian buồng tăm tối của anh với những bức tường mộc cũ ám đầy bụi và khói...
... Khốn nạn thay cảnh bần cùng...
Một tiếng chửi và lời than cùng lúc bật lên trong anh. Từ năm mười một tuổi, lệch vai gánh củi gánh than kiếm tiền mua sách bút anh đã mơ tưởng về thành phố và cùng với ánh đèn thành phố, cuộc sống của anh sẽ bừng sáng thoát khỏi cảnh bần hàn. Nhưng lúc này, anh vẫn phải đương đầu với nó. Số tiền xuất ngũ anh mua gạch, vôi vữa xây xin ủy ban. Họ vừa sửa sang trụ sở, còn thừa chút vật liệu tuy không tốt nhưng cũng chưa đến nỗi bỏ đi. Ngoài số gạch, anh chỉ còn đủ tiền mua một tấm chăn mới, tấm chăn đỏ màu hoa phượng vĩ, in hình những bông thược dược lớn bằng miệng bát ăn cơm. Anh sẽ dùng tấm chăn ấy vào mùa thu này, tin những bông thược dược chói lọi kia sẽ giúp anh vãn hồi hạnh phúc...
Bôn cất tiếng:
- Các cậu cứ xây tường chắn cho tôi... Còn khoảng sân tôi sẽ tự lo sau...
Lũ trai cười sằng sặc:
- Hoan hô, chúng cháu biết thế nào chú cũng phải đi đến quyết định ấy... Ðiều kiện tiên quyết là phải có sân chơi đẹp mới sút nổi bóng vào khung thành... Xem ra chú còn sáng suốt lắm. Kết luận là chúng cháu sẽ sử dụng số gạch này xây tường ngăn, phía trên chắn liếp. Như vậy tổ ấm của chú sẽ kín từ chân tường lên đến tận mái tranh...
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng