If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 713
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hoảng tám giờ tối dì Huyên sang. Bà nói dáo dác từ giữa sân:
- Sao hai người ngồi im như bụt mọc thế? Chẳng cơm nước gì à?
Nói rồi bà bước lên bậc tam cấp. Bôn hỏi:
- Dì đi đâu lâu thế?
Bà nói:
- Tôi phải đưa thằng bé đi chơi. Nó quen chơi rong, ngồi nhà không yên.
Nói rồi bà mở cửa gian buồng bên trái, đối diện với phòng ngủ của Miên, nơi bà thường ngủ trưa với cu Hạnh. Vừa đẩy cánh cửa bà vừa lẩm bẩm:
- Quái lạ, không biết cây đèn để đâu?
Lục sục trong đó một lát bà lại quay ra, tay cầm cây đèn pin:
Phải thắp đèn lên. Cả sân lẫn bếp tối mò. Chút nữa tôi trượt chân ở cổng.
Nói đoạn bà bấm cây đèn pin, xuống bếp. Ánh đèn pin quét qua quét lại loang loáng trên khoảng sân rải rác lá úa. Vườn nhà rộng, đủ loại cây, lá rụng quanh năm. Vài phút sau, hai ngọn đèn được bật sáng. Dì Huyên đặt một ngọn trên bờ tường hoa, và ngọn kia treo nơi cửa bếp. Xong xuôi, bà gọi:
- Này Miên, muốn sao cũng phải nấu cơm, đừng bỏ bữa.
Miên lên tiếng:
- Dạ.
Bà nói tiếp:
- Cu Hạnh ngủ rồi... Hay đêm nay để nó ngủ lại với dì?
Không, không được.
Miên bật đứng dậy tức khắc:
- Ðể cháu sang đón nó.
Dì Huyên nói:
- Không cần... Giờ cháu hãy rửa mặt cho tỉnh, nấu cơm đãi anh Bôn. Chẳng gì, cũng là người đi xa mới về... Khi nào cơm nước xong, dì sẽ cõng thằng bé sang. Tôi cầm cây đèn pin đây rồi. Không sợ ngã.
Bà nói thong thả, khô và gọn như lấy dùi gõ từng nhịp xuống mõ. Nói xong bà quay lưng đi. Ánh đèn ve vẩy theo tay bà ra lối ngõ. Miên đứng dậy, rút chiếc khăn mặt phơi trên sợi dây căng trước hiên, đi ra bể nước. Chị múc vào chiếc thau đồng, vục mặt vào thau nước lạnh vừa rửa mặt vừa tiếp tục khóc. Hơi thở chị làm sủi từng tràng bong bóng trong chậu nước. Người đàn bà vục mặt vào thau nước lạnh hồi lâu chờ cơn khóc nguôi mới lau khô mặt quay lên nhà. Tới trước Bôn, chị hỏi:
- Anh muốn ăn cơm hay ăn cháo?
Giọng chị khô lạnh và bình thản như mười bốn năm qua chỉ là giấc mộng trôi vèo, như chị vẫn thường hỏi anh như vậy vào lúc chiều buông:
- Anh muốn ăn cơm hay đi đường mệt, cần phải ăn cháo?
Bôn ấp úng. Dường như không hiểu Miên nói gì. Dường như cái câu nói thường nhật kia anh đã chờ đợi mười bốn năm qua xẹt tới như tia sét ngang tai khiến anh choáng váng:
- Anh muốn... muốn...
Anh lắp bắp, ngẩng nhìn chị:
Tùy... tùy Miên, ăn chi cũng được...
Nếu Miên nhìn vào mắt anh lúc ấy, chị sẽ thấy bao nhiêu âu yếm dâng đầy. Sẽ thấy trong ánh mắt anh không chỉ tình yêu mà còn sự tòng phục không chỉ lời van nài mà còn sự quỵ lụy không chỉ cơn khát thèm mà còn sự hoảng loạn của nỗi cô đơn trường niên tất thảy những thứ tình cảm pha trộn đó, chị sẽ nhận ra ánh lửa của mùa hè mười bốn năm trước đang tỏa rọi. Thời gian không làm ngọn lửa ấy tàn phai mà thổi bùng lên đám cháy rực rỡ của một trời phượng đỏ.
Nhưng Miên không nhìn anh. Không mảy may dừng ánh mắt lại trên gương mặt trên thân hình thậm chí cả khoảng không gian bao bọc anh. Chị chờ Bôn buông vài tiếng, liền quay đi rất nhanh. Chị xuống bếp lấy gạo vo gạo soàn soạt nơi bể nước. Chị nổi lửa đặt nồi cơm. Nồi cơm cạn, chị gạt than đoạn đi tới chuồng gà. Mở cửa chuồng, thò tay khoắng một nhát tóm gọn bất cứ con vật xấu số nào lọt tầm tay. Gài chốt cửa chuồng gà, trói chân con gà bằng một đoạn dây gai, một chân chặn cả chân lẫn cánh con vật khốn khổ, một tay nắm cổ nó, tay kia vặt lông, và sau đó cắt tiết. Con gà chỉ dãy được hai giây là chết hẳn. Miên lấy phích nước sôi lớn đổ ra chậu làm lông gà. Khi gà làm xong, chị vớt vài củ măng ngâm trong vại ra thái. Tay đưa dao đều đặn, ngọt xớt không sai một ly. Những miếng măng mỏng tăm tắp rơi xuống rổ. Thái xong, chị hất măng vào chiếc xoong nhôm, đổ nước đặt lên bếp luộc. Lửa lại bùng lên, bọt của sôi xèo xèo, ánh lửa phản chiếu trong đôi mắt thủy tinh của chị. Cặp mắt đông cứng, giá buốt. Chúng nhìn vào cõi nào đó bên ngoài thế giới chị đang tồn tại.
Trên nhà, Bôn ngồi im nhìn vợ. Mọi cử chỉ của chị khiến anh sợ hãi. Tất thảy đều chính xác, dứt khoát, thành thục... Nhưng tất thảy là cử chỉ của cái xác không hồn. Miên vừa đổ nồi măng xuống chiếc rổ tre. Làn hơi bốc lên vây phủ gương mặt chị. Khi hơi nước tan đi, Bôn lại thấy những bắp thịt đông cứng nơi cằm, trên hai gò má Miên. Gương mặt chị như đẽo bằng đá, không mảy may rung động:
Miên, em đã hoàn toàn quên tôi, em đã quên khoảnh khắc em trở thành cô dâu và tôi trở thành chú rể. Với tôi, nó thiêng liêng biết bao. Tôi đã ghi nó trong trí não tôi suốt mười bốn năm dài. Còn em, chắc em không muốn nhớ... Lẽ nào em đã quên cái đêm đầu tiên... Ðêm ấy, những con bướm trắng lao xuống cây đèn đặt trong góc căn phòng, và sáng hôm sau chính em lấy chổi vun xác chúng lại...
Bôn thấy sợ hãi, thấy chônh chênh. Làm sao anh dám hôn lên cặp môi mím chặt kia, hôn lên gương mặt đông cứng như nước đá. Anh rót một chén trà, uống cạn, chất nước nóng làm hồi lại các mạch máu tê cứng trong tim anh, đem cho anh chút can đảm...
Có thể Miên đã quên và cũng có thể Miên chưa quên nhưng không muốn quay lại nhìn quá khứ... Mười bốn năm đâu phải quãng thời gian ngắn ngủi... Miên đã chung sống với một người đàn ông khác và họ đã có đứa con trai. Ðàn bà vốn sợ đổi thay. Họ không muốn xáo trộn cuộc sống... Ta phải chờ đợi... Phải học cách chờ đợi. Thời gian sẽ làm tình yêu cũ sống lại... Phải biết chờ. Rồi những mầm cỏ tranh sẽ nảy mầm khi mùa Xuân tới, qua mọi lớp than tro... Tiểu đội trưởng bảo ta nhiều lần: "Chiến tranh, thằng nào lì đòn thằng ấy thắng. Cuộc đời cũng như trận mạc, thằng nào lì đòn thằng ấy thắng".
Ý nghĩ sau chót khiến anh trở lại bình tĩnh. Anh rót thêm chén trà nữa và lại uống cạn. Ngoài sân, tiếng nước xối ào ào. Miên rửa mớ măng luộc trước khi nấu. Anh thấy chị xóc rổ măng vài lần cho ráo nước rồi mang vào bếp. Lần này, ánh lửa rọi thẳng vào mặt người đàn bà khiến anh nghẹt thở. Niềm lạc quan anh vừa lấy được bỗng tan biến. Gương mặt thạch cao của Miên đã gợi cho anh hình ảnh một bãi mìn: Bãi đất trống trơn, cồn ụ lô nhô, bờ cỏ vụn xen những hàng dây thép gai nghiêng ngả và những hố bom cỏ chưa kịp phủ dầy... Bãi mìn. Vùng đất hoang. Anh có thể nào cư trú?
Không, không, không... ta không được để những ý nghĩ u ám tấn công. Có thể đó là di chứng của những cơn trầm uất năm xưa, khi ta sống giữa rừng hoang, cũng có thể là di chứng bệnh gan và sốt rét. Khi máu cạn, tim sẽ lạnh theo và tâm hồn trở nên tăm tối. Ta trở về quê hương, vượt qua bao năm tháng chết chóc đói và bệnh... Ta phải tìm lại hạnh phúc đã mất, ta phải tìm nó với bất cứ giá nào...
Bôn nhớ lại những lần làm lễ xuất quân. Ðám lính cũng như các sĩ quan đều giơ tay tuyên thệ dưới cờ: Quyết thắng. Tiếng hô của họ âm vang rừng già, không còn là tiếng người nữa mà giống lời sấm truyền của một vị thần linh hiển...
Hồi ức về các buổi lễ xuất quân khiến Bôn nao nức. Anh thề với chính mình, tựa hồ làm một cái lễ xuất quân đơn lẻ cho riêng anh, chính anh: Anh thề tìm lại những gì đã mất.
Ngoài ngõ có tiếng chân bước. Rồi dì Huyên nói vọng ở đầu sân:
- Nào, cơm nước xong chưa, tôi cõng thằng bé sang đây.
Miên đáp vọng dưới bếp lên:
- Con đang giở tay chặt gà, dì đặt cháu vào giường cho nó ngủ.
Bà già cõng thằng bé trên lưng, cẩn trọng quét ánh đèn pin lên từng bậc tam cấp trước khi bước. Ðứa bé vẫn ngủ ngon lành đầu ngoẹo trên vai bà hai tay buông thõng. Ánh nến soi làn da trắng nõn như mỡ đông, như vỏ trứng gà.
Nó có màu da của Miên, cũng có thể màu da cha nó, cái người đã là chồng Miên hơn bảy năm nay. Kẻ may mắn ấy hẳn có làn da trắng, chẳng giống như da mình...
Bất giác Bôn giơ cánh tay lên soi dưới nến. Da anh vốn đen. Thời anh trẻ, nó là màu đen ròn ánh hồng máu huyết và sinh lực. Năm tháng qua đói khát và những cơn sốt rét đã hút vơi máu trong huyết mạch, pha vào làn da anh sắc chì ảm đạm khiến nó xỉn đi, như mảnh vải thâm cũ ải.
Dì Huyên đã cõng đứa bé vào buồng. Nó ú ớ vài tiếng:
- Mẹ... Mẹ... Miên... iên...
Rồi lặng im. Hẳn nó đã ngủ lại. Khoảnh khắc sau, dì Huyên bước ra. Bà hỏi:
- Sao anh còn ngồi đấy? Không đi tắm cho sạch bụi đường?
- Cháu chờ Miên?
- Chờ đợi làm gì cho rách chuyện? Người nào việc nấy chứ? À mà tôi quên mất, phải đun cho anh nồi nước lá tẩy trần. Ðó là phép các cụ đã dạy...
Nói đoạn bà tong tả đi xuống bếp:
- Còn gì để tôi làm nốt, đun cho anh Bôn nồi nước lá.
- Chỉ còn việc dọn mâm thôi.
- Ðược, đưa đĩa thịt cho tôi. Thái lá chanh rồi hả, rắc lên đây. Ðể tôi lấy đĩa muối tiêu đã...
Bóng hai người đàn bà đi đi lại lại trong khuôn cửa bếp. Bếp ở đây còn cao hơn những nóc nhà bình thường. Chắc hẳn đồ vật trong đó sang trọng như những phòng ăn và bếp nấu ở các thành phố anh từng thấy.
Bà già lại cất tiếng hỏi:
- Hai người ăn cơm ở đây chứ?
- Không.
Tiếng Miên đáp tức thì:
- Ăn trên nhà khách. Dì cứ để đấy lát nữa con bưng lên.
- Thôi được.
Dì Huyên đáp và trở lại nhà trên. Bà thay những ngọn nến sắp tàn, đoạn ngồi xuống ghế, đối diện với Bôn:
- Anh cứ uống trà mãi mà không thấy cồn ruột hay sao? Thôi, để bụng ăn cơm.
Bôn đang đưa chén trà lên môi vội ngừng tay hạ xuống. Quả thật, anh đã liên tục uống trà từ sáng tới giờ như cái máy. Bối rối trước những lời lẽ thân tình của bà, anh lúng búng hỏi:
- Dì vẫn mạnh khỏe chứ ạ?
- Khỏe, tôi vẫn khỏe...
Bà đáp. Bôn chợt nhớ từ lúc bước vào ngôi nhà này tới giờ anh đã lặp lại lời hỏi thăm lạt lẽo đó bốn lần. Thực ra, giữa những gương mặt ít ỏi sót lại trong trí nhớ của anh, không có bà, mặc dù bà là đại diện nhà gái duy nhất trong lễ cưới của họ. Bà là người gần gũi duy nhất với Miên ở xóm Núi. Theo quan niệm thông thường, gia đình Bôn tuy nghèo nhưng vẫn là dân gốc sở tại. Miên là người ngụ cư, sau khi bố mẹ chết dì Huyên đã đón mấy chị em cô tới đây. Một lát bối rối, Bôn chợt nhớ dì Huyên vốn có nghề nuôi tằm, anh hỏi:
- Dì vẫn nuôi tằm ạ?
- Phải, khắp vùng này chỉ còn bà Xuyến thôn Hạ và tôi nuôi tằm kéo tơ. Chẳng bán được cho ai, chúng tôi đem tơ xuống huyện thuê người dệt. Ðược tấm nào chúng tôi may áo quần tấm nấy, thế cũng sung sướng hơn người.
Ðúng như bà nói, bà mặc bộ quần áo thuần tơ nhiên vàng óng, chẳng giống chút nào những sơn dân lam lũ quanh năm mặc quần áo đen ở nơi đây.
Bà già này đài các thật. Dường như số bà luôn may mắn. Khi ta ăn hỏi Miên, bà đã tỏ ra lạnh nhạt vì gia cảnh của ta bần hàn. Giờ đây, so với bà hẳn ta còn bần hàn hơn nữa... Nhưng cần phải lấy lòng mụ già này, ấy là người có ảnh hưởng rất lớn với Miên.
Dì Huyên đưa mắt nhìn Bôn, cái nhìn bình thản nhưng không che đậy vẻ dò xét:
- Ngày nay đông người quá không tiện hỏi. Vậy anh đã được lệnh phục viên?
- Ðúng ạ
- Sao hồi trước gửi giấy báo tử? Vẫn cùng một bàn giấy làm ra hay sao?
- Dạ. Cũng vẫn quân đoàn nơi đơn vị cháu trực thuộc. Hồi trước, cháu bị lạc, kẹt mất hơn sáu năm trên đất Lào. Sau giải phóng mới tìm cách liên lạc với đơn vị cũ...
- Tôi hiểu. Xưa các cụ kể có ông quan đi xứ, lạc vào đảo khỉ lấy khỉ làm vợ, đẻ được hai mặt con mới có thuyền ghé ngang đón về quê... Vậy anh làm đến chức nào trước khi xuất ngũ?
- Dạ... cháu kém tiến bộ, chỉ mới tới hàm thượng sĩ thôi.
Ngập ngừng một chút anh nói thêm:
- Cháu bị thiệt hơn sáu năm kẹt ở xứ người... Rồi lại mất hơn một năm đơn vị điều tra mới xác minh được lý lịch...
- A... a...
Bà già cất tiếng kêu bâng quơ, không hỏi gì thêm nữa. Cũng vừa lúc Miên bưng mâm cơm lên:
- Anh ăn cơm hay chờ tắm?
- Tùy Miên... Tôi thế nào... cũng được...
Dì Huyên bảo:
- Hãy bỏ mâm cơm ở đó. Tắm sạch bụi đường ăn cơm mới ngon.
Miên lặng lẽ quay ra không ngó vào mặt Bôn. Anh cúi gằm mặt xuống nhận biết rõ rệt nỗi nhục xuyên qua lưỡi dao nhọn qua tim mình. Nhưng anh cắn răng, nuốt nước bọt. Thân thể nồng ấm của người đàn bà đang chuyển động. Chị càng rời xa anh, mùi hương nhục cảm càng theo gió bay lại, đậm đặc hơn, rạo rực hơn. Như chị là một loài công, loài trĩ lạ kì. Những con con công, con trĩ truyền hơi hám dục tình lên sắc lông rực rỡ. Còn chị, chị truyền dòng điện mê hồn vào không gian vây quanh, biến nó thành một từ trường nhiễm đầy mùi da thịt của chị, hơi thở của chị, cả mùi chua thoang thoảng của mồ hôi đọng sau gáy và trong hai kẽ nách. Miên đã xuống hết bậc tam cấp, ra sân, nhưng những luồng sóng nhục cảm đầy nữ tính trộn mùi thơm của nhành hương nhu gài nơi búi tóc chị làm không gian đặc sánh ngây ngất:
... Cô ấy không thèm ngó vào mặt ta, dù một lần... Cô ấy đã trở thành người xa lạ, hoàn toàn xa lạ...
Người chồng đau đớn thú nhận, nhưng ngay khoảnh khắc ấy anh cũng hiểu rằng giờ đây anh còn đam mê, thèm muốn và ngưỡng vọng Miên hơn trăm lần cô gái mảnh mai anh đã cưới mười bốn năm về trước:
Em không thèm nhìn tôi một lần. Sao em ác thế? Chẳng lẽ tôi đã thay hình đổi dạng tới mức em không còn nhận ra chút bóng dáng nào của người đã từng là chồng em? Không, dù năm tháng đã qua nhưng tôi vẫn nguyên thân xác cũ, nguyên vẹn chân tay, không vết thương mặt, không bị lửa na pan đốt da cũng không xém thuốc đạn - thứ vết thương bắt con người mang suốt đời những mảnh da sần sùi, lỗ chỗ hạt đen... Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội, còn nguyên dạ dày lẫn gan, lách, chỉ một vết thương phần mềm giờ sẹo đã mờ. Nước da tôi có xấu đi nhưng đâu đến nỗi thành quỷ khiến em phải sợ hãi? Vậy vì lý do nào em ngoảnh mặt đi?.
Người chồng cất tiếng hỏi, rồi anh tự đáp lời:
Cô ấy đã quên ta, trái tim cô ấy đã chứa đầy hình ảnh người đàn ông khác. Còn ta, ta vẫn mang cô ấy đi theo suốt gần ấy năm ròng... Ngu muội. Bất công...
Những lời giải đáp cất lên rất sẽ sàng, yếu ớt, và Bôn làm như không nghe thấy. Ðối với anh đó là khung cảnh ghê rợn anh không dám mở to mắt nhìn, là chiếc rương lớn giam giữ nguy hiểm và tai họa anh không dám mở...
Miên vào bếp. Chị bưng một xoong lớn đặt lên bếp. Hẳn đó là nồi nước lá tẩy trần của anh. Nồi đó ước phải nặng hơn trái đạn B40. Cánh tay người đàn bà trắng ngần nhưng rất khỏe. Lúc này Bôn mới nhận ra Miên cao lớn, đẫy đà hơn ngày họ cưới nhau nhiều. Cặp mông tròn đầy, nây nẩy theo bước đi khiến lớp lụa quần sóng sánh. Ðôi vú qua thì sinh nở căng đầy dưới tấm áo màu lam. Khoảng da cổ hở ra trắng nõn nà, trắng hơn hết thảy những người đàn bà từng gặp trong các thành phố phương Nam: Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Phan Rang, Phan Thiết... Người đàn bà dưới chân giải Trường Sơn, nơi gió Lào táp lửa se xém cỏ cây lẫn da thịt, vậy mà Miên trắng lạ lùng. Nhất là khi ánh lửa rọi vào tấm áo lam, cát lụa bắt sáng hắt vào khoảng da cổ Miên thứ màu sắc ngon lành khiến họng anh tắc lại:... Em đẹp hơn xưa nhiều. Em đã sống qua bao nhiêu giờ phút trong tay người đàn ông đó? Ðã bao nhiêu lần anh ta hôn lên cần cổ trắng ngần kia? Một, hai, ba, bốn, năm trăm hay tới cả nghìn lần? Hơn bảy năm, hơn hai ngàn năm trăm ngày đêm. Mỗi đêm họ hôn nhau bao nhiêu lần và trong khoảng thời gian ấy họ đã làm tình bao nhiêu lượt?
Bôn lại nuốt nước bọt. Cơn ghen làm anh xây xẩm mặt mày. Anh tưởng tượng cảnh ái ân giữa Miên với người ấy. Sau đó tự sỉ nhục mình. Rồi sự tò mò đau đớn kia lại cắm ngập móng vuốt của nó vào tim anh. Và anh nhổ những chiếc móng sắc nhọn đó ra, ròng ròng máu chảy:
Sao ta ghen tuông nhỏ nhen nhục nhã? Ta đã từng chung chạ với những người đàn bà xa lạ dọc đường chiến tranh. Ta cũng đã sống cuộc sống chồng vợ với người đàn bà ở bản Kheo trên đất Lào ngót sáu năm trời... Ta không có quyền ghen với Miên... Miên không có lỗi và ta cũng không có lỗi.
Nhưng sau những dàn xếp với bản thân, trái tim anh vẫn bật lên lời than van, ấm ức:
Nhưng em, người vợ của tôi, sao em nỡ nhạt tình đến thế? Không lẽ em đã đánh mất hoàn toàn trí nhớ, không lẽ em đã quên cái đêm đầu tiên của chúng ta... Quên ngọn đèn và lũ thiêu thân vờn quanh ánh lửa?
Tâm hồn anh rên rỉ, bởi với anh, đó là đêm thiêng liêng nhất đời người. Cái đêm lấp đầy anh, đêm ám ảnh anh suốt quãng thời gian xa cách...
Ðêm ấy trăng hạ tuần lên muộn. Hầu như không có trăng. Tối mù. Ðám cưới tan, ai xách đèn về nhà nấy. Ông chủ hôn hô hào lũ thiếu niên thu dọn những tấm bạt che, những bình hoa giấy, đoạn dẫn họ về trụ sở thôn ăn cháo. Buổi sớm phường săn ngả được con nai đem cho ông một đùi. Ông có ý dành đãi bọn trai làng đã phụ giúp đám cưới của Bôn và Miên. Khi ông kéo lũ trai đi rồi, người chị ruột của Bôn cũng gọi lũ con vào buồng ngủ. Chị ta tắt đèn. Căn nhà chợt tối om. Lúc đó, Bôn đang ôm chặt Miên, mê mẩn:
- Miên, Miên ơi, Miên ơi...
Anh tiếp tục gọi dù Miên không đáp lời, thân thể cô cứng ngắc và hai tay bấu chặt vào tay anh cũng cứng ngắc. Bôn phải gọi lượt thứ ba, và trùm tấm thân nóng rãy của anh lên cô Miên mới bật kêu:
- Ðừng... Ðừng. Em sợ.
Anh dừng lại:
- Em sợ gì?
- Em sợ... Em không quen ngủ trong bóng tối... Em sợ ma...
- Nhưng em đã là vợ anh... Em không ngủ với dì Huyên mà ngủ với anh. Chẳng có gì đáng sợ...
- Không... Không thể được. Dì Huyên vẫn quen để đèn đêm... Em sợ bóng tối.
Bôn ngẫm nghĩ một giây:
- Thôi được.
Anh mò mẫm tụt xuống giường, mò mẫm quơ đôi dép rồi tìm cây đèn châm. Khi anh quẹt lửa, tiếng người chị từ buồng bên vọng sang:
- Thắp đèn làm chi cho tốn dầu?
- Mặc tôi.
- Ðồ dở hơi, đêm động phòng còn khêu lửa...
Bôn không đáp, anh đặt cây đèn vào góc khuất, lại lấy cuốn vở che thêm. Như thế, ánh sáng không thể rọi thẳng vào chiếc giường hợp hôn của họ.
- Nào, đã hết sợ chưa?
Anh thì thào.
- Ðược rồi.
Miên đáp và thở một hơi dài nhẹ nhõm.
Bôn cúi xuống mở chiếc nút đầu tiên nơi cổ Miên. Lúc ấy, cô đang ngoảnh mặt nhìn ngọn đèn nói:
Ở đây nhiều bướm đêm hơn nhà em... Xem kìa, lũ bướm đã xoay kín bóng đèn...
Nhưng Bôn không nghe hết lời Miên nói, anh đã mở hết hàng cúc áo, anh lột tấm vải vô tích sự ấy đi, và anh quên hết mọi thứ trên đời...
Ðêm ấy, ngọn lửa đèn thiêu chết bao nhiêu con bướm trắng dại khờ, Bôn không rõ. Anh đã làm tình thâu đêm tới lúc trời rạng sáng. Khi nhìn rõ vòm lá soan đung đưa trên vòm trời, trắng đục, anh bước xuống tắt đèn, rồi sau đó hai người mê mệt ngủ...
Nếu không có chiến tranh và chúng ta lại tiếp tục cuộc sống lứa đôi. Tôi và em, vẫn mặn nồng như xưa, hơn xưa... Bây giờ, cần phải có thời gian để khôi phục lại...
Ngày ấy, tình yêu tuổi mười bảy và sức lực của gã trai làm tình mà không đếm nổi lượt làm tình... Dĩ vãng ngắn ngủi xa xôi. Quá xa xôi. Thời đó những cuộc kết hôn của lính trẻ trước ngày ra trận thường vội vã và họ cũng vội vã tận hưởng ái tình với vòng quay của những con thiêu thân quanh lửa... Bôn biết vậy. Nhưng dẫu sao những đêm si cuồng ngắn ngủi đó đã in dấu quá sâu đậm trong tâm hồn anh, chối bỏ tất cả những gì làm thương tổn chúng. Anh đã mang những đêm say đắm ấy suốt bao năm ròng. Anh tin chúng tồn tại mãi mãi... Mãi mãi...
... Ngày xưa, có một vị tướng già đã trải gần hết cuộc đời ngoài trận mạc. Khi đất nước thanh bình, nhà vua hỏi ông muốn phong tước hầu hay muốn đất đai. Vị tướng già từ chối tước hầu. Vị vua thắc mắc: Vì sao khanh đổi bổng lộc chốn đỉnh chung lấy thân phận một viên chúa đất? Ông liền đáp: Thần cần đất bởi đất nuôi người. Thần muốn có ba chục đứa con. Ðất bệ hạ ban sẽ được cắt thành ba mươi mảnh, dựng ba mươi ngôi nhà. Sau này, ba mươi đứa con thần sẽ theo gương cha chúng mà làm. Hai trăm năm sau dòng họ của thần sẽ cai quản cả xứ... Vua cười ngất và bảo: Nay râu khanh đã dài tới rốn mà còn ước đẻ ba mươi đứa con trai... Khanh có phép thần nào vậy? Vị tướng nghiêm trang đáp: Lũ con thần bị nhốt trong bụng cha chúng suốt mấy chục năm qua đang nôn nóng chờ đợi, giờ chỉ cần chọn ngày lành tháng tốt cho chúng qua cửa... Quả nhiên, vị tướng già đã sinh đủ ba mươi đứa con trai mới chịu nhắm mắt giã biệt cõi đời... Câu chuyện này tiểu đội trưởng thường kể... Miên ơi. Tôi không phải là tướng, tôi chỉ là một thượng sĩ quèn nhưng vẫn đủ sức cho em ba bốn đứa con trai... Chỉ cần em quay mặt lại...
Miên vẫn đứng trước nồi lá tẩy trần. Nước bắt đầu sôi, hơi phun phì phì nơi mép xoong. Mùi hương nhu, lá sả, cỏ thơm tỏa ngát lừng.
Dì Huyên lên tiếng:
- Kìa, anh chuẩn bị mà đi tắm.
Bôn giật mình. Trong lúc anh đắm chìm vào cơn suy tưởng, bà già vẫn ngồi nhâm nhi uống nước trà và hẳn không ngừng quan sát anh. Không chờ anh đáp, bà nói tiếp:
- Nước thơm rồi, anh đi mà tắm... Tôi về ngủ đây.
- Cháu chào dì.
Bà vung vẩy cây đèn pin, xuống sân. Từ dưới bếp, Miên vùng chạy ra:
- Dì, dì ơi... Dì ngủ lại với cháu...
- Thôi, để dì về...
Và rất nhanh, bóng bà chìm trong đêm tối.
Bôn thầm hớn hở: Giờ chỉ còn Miên với anh trong ngôi nhà này và như thế, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Mùi thơm hăng ngái của nồi nước lá làm không gian như nóng sực lên, tựa mùi tóc đàn bà trộn lẫn mùi giường chiếu gối chăn, mùi những đêm xuân và những cánh hoa ngọc lan héo dần trong túi áo...
Nước được rồi. Anh đi tắm.
Miên đã bưng nồi nước vào phòng tắm. Chị đặt thêm cây đèn rồi lên nhà trên vào buồng. Bôn nghe tiếng then cài cửa buồng và con chốt vang lên khô khốc. Một cảm giác nửa hẫng hụt nửa buồn tủi len vào tâm hồn anh. Nhưng anh cúi xuống chiếc ba-lô dưới chân, rút ra bộ quần áo thu đông còn khá mới, cùng chiếc quần đùi phin trắng vừa mua trên sân ga Nha Trang, rồi đi xuống phòng tắm.
Cây đèn rọi sáng căn phòng rộng chừng sáu thước vuông, quét vôi trắng.
Rộng gần bằng gian buồng của ta ngày xưa, nhưng cao hơn và có trần...
Bôn nghĩ. Anh ngửa mặt nhìn trần nhà phẳng lì quét vôi trắng lốp, không vết ố nhỏ hoặc màng nhện chăng. Sạch và sang trọng quá. Trước đây khi cưới Miên, anh đã đón chị về gian buồng tồi tàn của mình. Cha mẹ anh để lại ba gian nhà gạch xây mộc, tường không trát vữa, trên lợp lá gồi. Một tấm liếp tre dán giấy báo cũ ngăn đôi giang sơn. Ngày cưới Miên, đám trai làng dán đầy những chữ Hỉ bằng giấy đỏ và những đôi chim câu lên tấm liếp ấy.
So với gian buồng cũ phòng tắm của em sang trọng hơn nhiều. Em đã sống một cuộc sống khác xưa. Cuộc sống ấy tôi biết không bao giờ chạm tới?
Ý nghĩ đó khiến Bôn bủn rủn chân tay... Gian buồng cũ, cái thiên đường nhỏ bé của riêng anh chỉ rộng hơn phòng tắm này chút ít, kê vừa chiếc giường đôi với chiếc kệ gỗ trên đó chất chồng những thúng đựng bắp đựng lạc, đựng ớt khô. Góc buồng là chum gạo. Trên nắp chum, đặt chiếc giỏ mây của Miên, nơi cất giữ tư trang của người đàn bà trẻ. Bôn vẫn thường lục lọi chiếc giỏ mây đó, xem những tấm mù soa thêu, sổ tay Miên chép bài hát và dán ảnh. Có một lọn tóc của Sương, em gái Miên. Con quay gỗ của An, em trai út. Mấy chiếc cặp tóc và vài sợi len đỏ... Căn buồng nghèo nàn, tường gồ ghề gạch vữa ấy từng là thế giới thần tiên của anh. Vào thời khắc yêu đương, vệt nắng lọt qua khe cửa hay ánh trăng rọi từ lỗ thủng mái gianh đều là ánh sáng thiên đường... Giờ đây, trong căn phòng tắm sạch sẽ thơm tho này, anh hồi nhớ cảnh cũ, nhớ những hình cắt lòe loẹt dán trên lớp giấy báo ố vàng, nhớ cái màn cuốn như vó tôm trên chiếc giường gỗ mộc, trên đó bụi, mủn lá rụng, màng nhện xác thiêu thân cũng những con cuốn chiếu đọng đầy....
Liệu ta có đủ can đảm đưa Miên về sống lại trong gian buồng cũ hay chăng?
Anh nghĩ. Và không còn dám nghĩ tiếp. Óc não anh quay đảo. Một cơn gió đẩy cánh cửa gỗ khiến anh hoảng hồn. Anh vội quay lại gài chốt cửa. Cánh cửa gỗ gụ đánh véc-ni bóng nhẫy khiến phòng tắm này mang dầy nét thôn dã. Nếu ở thành phố, hẳn người ta đã dùng cửa nhôm hoặc nhựa sáng màu. Nhưng đây là miền thôn dã, và dân giàu có ưa dùng đồ gỗ. Phần còn lại, hoàn toàn giống các phòng tắm sang trọng trong khu nhà ban chỉ huy quân đoàn ở: Thay vì sợi dây sát tường để vắt quần áo là hai hàng giá móc bằng thép không rỉ. Thay vì chum nước đặt góc buồng là một vòi nước lớn bằng đồng gắn hẳn vào tường, ăn thông ra bể chứa nước lớn phía sau. Một thau men mới tinh và chiếc khăn mặt còn nguyên nước hồ chưa giặt. Trên bức tường đối diện với nơi gắn vòi nước, treo tấm gương hình bầu dục, phía dưới gắn một hộp gỗ dài đựng bàn chải, thuốc đánh răng và vài bánh xà-phòng thơm. Bôn treo quần áo lên móc, chợt nhìn thấy một chiếc quần đùi. Tim anh thót nảy lên:
Chắc chắn đây là quần của người ấy...
Miên vô tình không thu cất. Nghe nói anh ta xuống thuyền đã vài hôm, đưa tiêu vào Ðà Nẵng bán. Chiếc quần đùi bằng hàng len màu xám viền sọc đỏ. Nó hút lấy mắt Bôn. Bởi anh đã trót treo chiếc quần đùi vải phim của mình bên cạnh. Sự khác biệt giữa hai đồ vật tố cáo một cuộc so đo không ngang sức, một tỉ thí bất ngờ không định trước mà trong cuộc tỉ thí ấy thắng bại đã được ấn định từ khi các đấu thủ chưa kịp ra đòn.
Bôn đứng lặng, trân trân nhìn chiếc quần đùi của tình địch như con bệnh tâm thần rồi khoảng khắc sau, không nén được lòng anh giơ tay kéo nó xuống. Lớp vải dệt mềm mại chạm vào da anh những đường chỉ may khéo léo đập vào mắt anh. Bôn thọc hai bàn tay vào hai ống quần, giằng rộng ra xem kích cỡ người mặc. Anh biết hai bắp đùi người đàn ông này rất lớn. Bộ mông anh ta ít nhất cũng to gấp ba lần bộ mông teo tóp rúm ró của anh. Và cùng với bộ mông và cặp đùi ấy anh hình dung đến bộ phận truyền giống của đối thủ:
Khốn nạn, khốn nạn thật... Tại sao mình lại làm cái trò khốn nạn này cơ chứ?
Anh chửi rủa mình. Nhưng óc não anh lại hiện về khung cảnh những phiên chợ xưa, khi anh còn bé tẻo teo. Trong các phiên chợ ấy, người ta mua trâu bò, heo giống, chó mèo giống... Khách thò tay nắn bóp hạ bộ con vật, xem hai hạt tinh hoàn của nó cân hay lệch, mềm hay rắn, nây tròn hay méo lép... Rồi họ xoạc gang tay đo chiều dài dương vật...
Khốn nạn, khốn nạn, khốn nạn, cớ sao mình lại nhớ đến những cảnh chết tiệt ấy?
Bôn đau đớn nghĩ rằng chính anh vừa so đo, nắm bóp kiểm soát mình như khách mua kiểm soát một con vật làm giống: Thôi đi thôi ngay cái trò đê tiện ấy đi.
Nhưng anh không thôi ngay được. Treo chiếc quần đùi của người đàn ông vắng mặt lên móc, anh vẫn phải đưa mắt liếc qua chiếc quần đùi phin trắng của mình. Nó là thứ đồ rẻ tiền người ta vẫn bày bán trên các vỉa hè bụi bặm, dưới chân khách bộ hành. Nó được cắt bằng những nhát kéo xiên xẹo vụng về, thứ vải phin qua một mùa là rách, những đường chỉ láo liên mũi dài tới hai ly. Thôi đi, thôi đi, thôi đi...
Bôn quát lên như để trấn áp một con vật đau đớn tủi hổ hèn nhát nào đó vừa trỗi dậy trong lòng, hòng kéo anh xuống vực thẳm của thất bại. Anh mở vung nồi nước lá. Làn hơi xông thẳng vào mặt anh bỏng rát. Nhưng cảm giác đó lại khiến anh tỉnh táo và làm vơi nhẹ tâm hồn. Anh giơ cao hai cánh tay, nhắm mắt để hơi nước trùm phủ toàn thân, luồn qua hai nách, mùi thơm của hương nhu lá sả cúc tần xoa dịu trái tim đau đớn của anh thấm đẫm thịt da anh tẩy rửa đi mọi đắng cay mệt nhọc....
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng