"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Mỹ Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2422 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 -
gười đàn ông nhìn vợ như con mắm khô nằm co quắp trên chiếc giường gỗ nhỏ, nỗi chán chường bỗng lên tới tận cổ. Căn nhà bừa bộn, ẩm ướt. Hắn nghĩ: Mình có còng lưng làm cũng chẳng đủ tiền rót vào cái bệnh tim của nó. Cái bệnh đáng nguyền rủa, không chỉ khiến người đàn bà gầy nhom, xanh mét, quanh năm báo đời, mà còn khiến sinh hoạt vợ chồng phải xa cách. Người đàn ông cúi nhìn cái thân thể đầy sinh lực của mình càng thêm oán trách vợ.
Hắn ta nhớ đến người đàn bà chung chạ với mình mấy tháng nay, thật là hấp dẫn, vợ vậy mới là vợ, còn vợ này, chỉ là thứ vợ báo đời mà thôi. Dứt khoát, phải dứt khoát để xây dựng tương lai. Hắn quyết định rồi, liền đứng dậy hùng hổ đến bấu mạnh vào bờ vai trơ xương của vợ mà nạt:
- Mày câm họng đi! Khóc cái gì, giờ nghe đây nè! Có ký đơn ly dị không?
Người đàn bà thảm thê nhìn chồng, nói trong nước mắt:
- Em ký, bởi biết không cũng chẳng giữ được anh, nhưng anh nghĩ lại đi, hai con nó có tội tình gì?
Hắn lạnh lùng:
- Dòng họ tao không có mầm bệnh hoạn, hai đứa đó là con mày, tao giết hết. Tao chỉ ra khỏi nhà này một mình thôi.
- Anh nỡ nào! Người đàn bà run rẩy với trái tim đau thắt, chị thở thoi thóp như cá mắc cạn rồi ngã vật ra giường, đôi tay quờ quạng.
Hắn không chút xót thương, hất tay vợ như ghê tởm. Hai chị em con Hoa nãy giờ đi học về nép ngoài cửa nghe hết mọi chuyện, thấy mẹ ngã ra như chết rồi, chúng chạy vào, oà khóc ôm lấy mẹ:
- Má ơi! Má ơi! Đừng bỏ tụi con.
Tiếng khóc trẻ thơ khiến người mẹ như có thuốc hồi sinh bừng tỉnh. Chị mở mắt, ôm chầm lấy hai con, nhìn sững chồng và rồi từ sâu thẳm của trái tim bệnh tật, chị biết rằng thế là hết. Người yêu ngọt ngào xưa kia, người chồng hôm nay đã chết, trước mắt chị là một kẻ tán tận lương tâm, không biết gì đến đạo nghĩa vợ chồng. Chị không khóc nữa, gạt nước mắt và điềm tĩnh nói:
- Thôi được! Anh đi đi, rồi sẽ có một ngày anh quay về.
Hắn đút tay vào túi quần cười khinh khỉnh:
- Tao thề với mày, nếu còn về đến cửa nhà này thì cho sắt nó đè tao chết.
Hắn nện dép xuống nền nhà thình thịch, rồi bỏ đi, không nhìn hai đứa con mà có lúc hắn đã từng nói, “Đây là kết tinh của tình yêu hai đứa mình”. Người vợ ngồi chết lặng nhìn theo. Hai đứa con ngơ ngác. Con chị buột miệng:
- Má! Ba bỏ mình rồi!
Chị nhìn con, ánh mắt ảm đạm, thê lương, rồi ôm chầm cả hai đứa nghẹn ngào:
- Phải! Ba bỏ má con mình rồi, nhưng hai con còn có má!
Chị run run qua hơi thở đứt đoạn:
- Má còn một hơi thở, cũng hết lòng lo cho các con.
Hắn về lại căn nhà ấy, vẫn với bộ đồ ngày xưa đã ra đi, có điều sờn rách hết. Hắn đứng trước chị, gương mặt hốc hác, nặng nề, không ngừng tiếng van lơn:
- Em tha thứ cho anh! Vì con hãy tha thứ cho anh!
Chị không nói lời nào. Cái dáng yếu đuối mong manh của chị giờ cao sừng sững trong mắt hắn. Hai đứa con núp sau lưng mẹ, lén nhìn cha lom lom. Hắn nhói lòng, một phút lỡ lầm giờ đây hối tiếc. Sau bao năm khổ cực hai đứa con đã lớn lên, đang tuổi dậy thì, chúng vẫn được cơm no áo ấm. Còn hắn thì mất tất cả, tiền tài, gái đẹp, mất luôn lương tâm con người. Trời ơi! Tại sao hắn ngu muội vậy? Cái bẫy tình tiền trắng trợn đến kẻ đui mù cũng thấy, mà còn đút đầu vào.
Hắn khóc, nước mắt chảy ròng ròng trên đôi gò má hóp sâu. Chị đứng sững. Con Hoa đưa bàn tay ẩm ướt kéo tay má:
- Má! Ổng khóc kìa.
Chính cái bàn tay ẩm ướt của con Hoa khiến chị bừng tỉnh. Phải tha thứ thôi, bởi qua bao năm chị đã mỏi mòn, chị biết mình sẽ không đi trọn con đường làm mẹ và hai đứa con sẽ bơ vơ. Hơn nữa… tim chị đau thắt… con Hoa, đứa con nhỏ của chị cũng bị bệnh tim vì di truyền của mẹ. Nó cần người cha đùm bọc chở che khi chị không còn. Chị cúi đầu, như ngày nào ôm hai con vào lòng, nước mắt chị thánh thót rơi trên đôi mái tóc xanh chưa hề biết cay đắng cuộc đời.
- Hai con chào ba đi, từ nay ba về với má con mình.
Người đàn bà từ đầu xóm chạy hớt hải vào:
- Má con Hoa đâu rồi! Mau lên đây, thằng Hai bị sắt đè chở dzô nhà thương rồi.
Chị ngã xuống như cây khô gặp bão. Vậy mà trong tiếng khóc con Loan, con Hoa và chẳng rõ nghị lực nào, chị đứng lên, tất tả đi thăm chồng.
Lối xóm lắc đầu than dùm:
- Cơ khổ! Thằng chồng mê gái, bội bạc vợ con, bỏ đi đến hết tiền mới về. Tưởng đâu buôn sắt lo cho vợ con những ngày còn lại, té ra chân bước vô nhà chưa ấm đã báo đời rồi.
Đúng với hai chữ báo đời, bởi nửa năm nuôi chồng nằm nhà thương, chị đã bán đến thứ cuối cùng còn lại và rồi căn nhà cũng cầm cố cho người. Hơn nửa năm người chồng không hy vọng giảm bệnh mà ngày một tàn tạ và chị cũng mỏi mòn, sức tàn, lực kiệt. Cho đến đêm mưa ấy, người chồng tỉnh táo lại, nhìn thấy đứa con gái đầu lòng gục ngủ ở chân giường. Con bé đang tuổi ăn tuổi ngủ mà giờ hốc hác, mét xanh. Người cha tội lỗi nghe lương tâm hành hạ, nhức buốt nhưng biết đã muộn rồi.
- Loan ơi! Má đâu con?
Hắn kêu ba bốn bận con Loan mới mở mắt:
- Hôm nay má bán ế, chắc về khuya.
Hơi thở hắn gấp rút, nặng nề:
- Ba muốn gặp má, nhanh lên con.
Con Loan ngẩn người, nhưng nó cũng đi gọi má. Chị vứt gánh cháo đậu trên đường, tất tả đưa hai con vào nhà thương, vừa kịp nghe lời chồng trối trăn, hối hận:
- Ngày đó anh bỏ đi… có thề… nếu quay về… sẽ bị sắt đè… chết… Lời thề… linh… ứng, anh… chết… đáng… lắm… chỉ tội… cho… em… và con… Mưa gió kêu gào khắp bầu trời, mưa gió tơi bời trong lòng chị… Trái tim mòn mỏi thổn thức gào gọi trời xanh vô tình. Chị có còn nước mắt để khóc nữa đâu. Hơi thở người chồng cạn dần… ông ta cố sức nói lời cầu xin:
- Hãy nói tha thứ đi em… Loan! Hoa! Nói tha thứ… cho… ba… đi… Người vợ nhức buốt tâm can. Chị ôm ngực, chỉ còn đủ sức nắm tay chồng lắc lắc, gật đầu. Con Loan nước mắt ngắn, dài kêu than:
- Ba ơi! Đừng nói nữa, con không giận ba… đâu.
Mỗi mình con Hoa, đôi bàn tay nhớt mồ hôi nắm chặt tay mẹ, mắt nó không thấy cha, chỉ thấy mẹ xanh dờn, lả đi. Nó hét lên:
- Không! Không! Tôi căm thù ông, tôi căm thù!
Trong tiếng hét lồng lộng của nó, người cha ra đi mà không nhắm được mắt. Và, mẹ nó đã bất tỉnh bên xác chồng. Bà đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại hai đứa con côi cút.
Xác của hai vợ chồng được dân trong xóm nghèo chôn cất. Người người đều hứa chăm sóc cả hai chị em con Loan, Hoa, nhưng lúc đó con Loan đã gần hết tuổi mười lăm.
Tuổi mười lăm con nhà nghèo vừa trổ mã nhanh vừa biết tự ái. Nó không muốn ngửa tay xin tiền lối xóm sống qua ngày, nó muốn nuôi em bằng sức tuổi mười lăm của mình. Trời lại không có mắt, nó đi buôn bán gì cũng lỗ lã, ế ẩm, rồi cuối cùng cái ngày ấy đã đến.
Con Loan đi như lết trong con hẻm nhỏ dài hun hút về nhà. Nó vẫn bận bộ đồ cũ kỹ nhưng lại thoảng mùi nước hoa rẻ tiền. Con Hoa ngồi ở bậu cửa đợi chị đem tiền và thức ăn về như mọi hôm, nó lõ mắt nhìn chị. Dường như chị nó bệnh? Nó sợ, mắt tái mét khiến con Loan phải gượng cười trấn an:
- Chị không sao, em ra xóm mua bánh mì ăn, khỏi nấu cơm.
Con Hoa mừng quá, từ hồi má chết tới giờ nó chẳng khi nào được ăn bánh mì. Nó cầm tiền, bon bon chạy đi, không thấy nước mắt chị nó tuôn rơi tầm tã. Hỡi ơi! Tuổi mười lăm vì miếng cơm cầu sống, và để nuôi em - giữ lời hứa với em - nó đã bán đi tiết trinh của một đời con gái. Nó không còn đường nào khác để chọn lựa. Con Hoa biết chuyện sau đó ít lâu. Lúc đầu nó chưa biết làm đĩ là cái gì, tại sao người ta phải dè bỉu chị nó, chị nó tốt nhất đời kia mà. Bữa nay chị nó đẹp ra nữa, nó yêu chị lắm. Tại sao người ta không còn thương tụi nó nữa chớ? Nó chạy về hỏi chị nhưng chị nó “đi làm” nhiều khi tới nửa đêm mới về. Nó ngồi đợi rồi ngủ gục trước cửa. Con Loan về hốt hoảng lay em:
- Hoa! Sao vậy, sao ngủ tại đây?
- Chị ơi! Chị làm điếm à? Làm điếm là sao mà xóm mình ai cũng ghét chị?
Con Loan đứng lặng người. Nó mới “đi làm” tám tháng, chưa dày dạn phong trần để chai đá lì lợm. Nó khóc. Con Hoa chưa tới tuổi mười ba nhưng tính tình dữ dằn. Nó trợn mắt:
- Sao chị khóc? Phải làm điếm là xấu lắm không? Nhưng có xấu cũng đâu bằng ổng? (Là ba nó) Nó không căn vặn chị nó nữa, nhưng đi hỏi chị Tám lối xóm làm điếm là như thế nào, để rồi đi lang thang ngoài đường cho tới khi đói lả và gục xuống bên lề ngôi chợ nhỏ. Nó nghĩ thương chị đến muốn chết phứt cho rồi.
Con Loan hôm nay không vẽ mặt xanh đỏ, cũng không xức nước hoa thơm lừng mà sao trông cũng đẹp quá. Đến con Hoa nhìn chị mà cứ ngẩn tò te.
- Có gì vui dữ vậy?
Loan ôm em đến ngồi bên bậu cửa, vừa mân mê bàn tay ẩm ướt của em vừa thổ lộ:
- Chị không làm nghề đó nữa!
Hơn tháng nay con Hoa đã cam chịu điều hiển nhiên ấy. Nó ngước nhìn chị:
- Rồi mình làm gì?
Mắt Loan long lanh thoáng ướt trong nỗi mừng tủi, lẫn lộn:
- Có người thương chị lắm, nói cưới chị, cùng nhau làm ăn, cực khổ có nhau.
Con Hoa lặng người. Chị nói chuyện có chồng mà nghe như sét đánh ngang tai. Nó ghê sợ tiếng vợ chồng. Hình ảnh người cha tàn bạo vẫn chưa phai trong đầu óc non nớt của nó. Và với tuổi mười ba, nó cho rằng, đàn ông ai cũng như ba nó: Hung dữ, bội bạc. Nó hỏi chị trong khi lồng ngực nó nặng như đá đè:
- Còn em?
- Em về ở với chị!
Không đời nào! Nó thầm kêu lên nhưng không thốt ra lời, chỉ gượng đôi mắt không còn ngây thơ nhìn chị. Thế rồi nó trở thành con ăn cắp vào một ngày không xa lắm với ngày chị nó lấy chồng, dù người anh rể chẳng tỏ thái độ khó chịu khi phải nuôi một cô em vợ có đôi mắt nhìn anh như kẻ thù, lại thêm chứng bệnh tim.
Những công viên trong thành phố là nhà của Hoa gấu, chợ búa đông đảo là đất nó làm ăn. Mỗi lần nhập nha xuôi lọt, nó có thể nằm ườn ra đôi ngày không cần động chân động tay cũng sống phè phởn, hoặc nghĩ ra bao thứ chuyện quái gỡ trong đầu. Trong đó chuyện làm nó đau khổ nhất vẫn là chị Loan bây giờ không còn riêng của nó. Ngày, đêm ở bất cứ nơi đâu, ngoài đường, trong nhà, chị nó trong ý nghĩ và cả thể xác đều thuộc về gã anh rể hết. Người che chở duy nhất sót lại trong đời nó cũng bị thằng đàn ông ấy cướp mất rồi. Nó căm thù, nó không còn là bé Hoa ít nói, rụt rè. Mới đôi tháng vào đời nó đã chai lì như đá. Nó chửi mọi thứ từ tục tĩu, biết lường gạt bất cứ ai bằng gương mặt rất dễ thương ở tuổi mười ba của nó, cộng với tính tình lười nhác do bệnh hoạn. Và rồi trong chiến dịch tảo thanh trẻ bụi đời thành phố, nó bị bắt đưa về đây, lúc ấy là cuối tháng chín năm 1990.
oOo Căn phòng nữ rất êm vắng, tất cả đều ngủ. Khá lâu sau, bỗng từ giường số hai một bóng người chui mùng bước ra tựa cửa. Hoa! Nó không ngủ, với Hoa khoảnh khắc buồn không nhiều lắm, nhưng đêm nay nó thấy buồn, cái buồn của đứa con gái mới lớn vì hoàn cảnh phải lỡ bước, đến không còn dám mơ ước đến tương lai.
Thức dậy trong lòng nó đêm nay là gương mặt người chị làm điếm nuôi nó, xa xôi đâu đó là gương mặt người cha tàn nhẫn và người mẹ bệnh hoạn với đức hiền thục, hy sinh cho chồng con đến trọn đời.
Hoa chợt thấy má mình âm ấm, nó khóc từ lúc nào không biết. Khóc vì thương mẹ, nhớ chị. Khóc cả vì sự hư hỏng của nó không gì bù đắp được. Có cả trăm ngàn lần nó tự hỏi tại sao mà vẫn không thể trả lời được. Tại sao nó không được làm đứa con gái lao động lương thiện bình thường? Tại sao người anh rể hiền lành, với nó lại là rào cản của tình cảm chị em? Tại sao nó bỏ nhà đi ăn cắp trong khi nó không muốn? Tất cả với nó như là định mệnh và những khi buồn nó chỉ oán trách một người thôi: Ba nó!
Nó đứng lên âm thầm gạt nước mắt, chân rón rén bước nhẹ ra ngồi dưới cột cờ. Hơn hai năm rồi nó ở đây, cột cờ trường Tương Lai là người bạn. Cây cột cờ đã nghe nó kể niềm mơ ước về mai sau. Nó không dám mơ làm một người cao đạo, cũng không nghĩ ngày rời trường sẽ về sống với chị. Nó muốn trở về khu phố nhỏ ngày xưa, nơi đó có một thời lối xóm nuôi nó ăn, may quần áo cho nó mặc. Nó sẽ có nghề gì đó làm ra tiền để tự nuôi thân, để đáp đền ơn nghĩa những người không máu mủ ruột rà nhưng hết dạ thương yêu nó.
Bàn tay Hoa lại đẫm mồ hôi, nó đưa lên nhìn mãi, dưới ánh trăng, mồ hôi ở bàn tay lấp lánh. Hoa sực nhớ, nó có bàn tay đẫm mồ hôi giống mẹ. Bàn tay của những người bị bệnh tim. Hoa thở ra nặng nhọc, cứ mỗi lần nó cố sửa đổi con người khi nghĩ tới tương lai, thì bàn tay làm cho nó nản và tính lười biếng của nó tăng lên. Có phải rồi nó sẽ chết như mẹ nó? Nước mắt Hoa lại ứa ra, mảnh trăng trên nền trời đêm bỗng nhạt nhoà. Đúng lúc đóm chênh chếch trên thang lầu phòng ba cũng lập loè đốm lửa thuốc lá trên môi ai.
Hoa nín khóc, nín cả hơi thở như sợ có cô thầy nào trực thấy được cảnh đêm nay. Độ đang đứng ở cầu thang hút thuốc nhìn xuống nó. Cái bực, cái thương cuồn cuộn trong lòng Hoa, nó muốn con người kia, điếu thuốc kia biến mất cho rồi. Hoa đứng lên, mắt nó dáo dác rồi ù chạy vào phòng nhưng vẫn thoáng thấy Độ ngập ngừng bước xuống, rồi dừng lại. Cái nết chua ngoa của Hoa nổi lên, nó lầm bầm khi đã lăn vào giường “Hứ! Hút thuốc nữa chứ, làm như ngon lắm”. Nó giận thằng bạn, giận đến mức tay lại tháo mồ hôi và giật nẩy mình khi Châu, con bạn cùng giường bỗng thì thầm:
- Đứa nào hẹn mày hả?
Trời thần đất địa, nó có mấy lá gan chớ? Nó đùng đùng nổi giận:
- Tụi con trai là cái quái gì? Toàn là quỷ yêu.
- Vậy hồi chiều thằng nào gởi thư cho mày?
- Bộ nó tỏ tình là tao yêu sao? Tao xé rồi. Tao nói thiệt cho mày biết nghe, tao không yêu đâu, tao sợ tụi con trai lắm, toàn là tụi lừa lọc.
Con Châu cười khúc khích trong mền, nó nghĩ bụng, con nhỏ này kỳ cục thật. Nó hay bất cứ đứa con gái nào ở đây có thua kém gì tụi con trai cái chuyện giang hồ, hư đốn chớ!
- Độ thì sao? Nó ngon lành, mày thấy đó, tụi con gái đàng hoàng tới nó hoài.
Hoa đã trùm mền kín đầu, cương quyết:
- Kệ cha nó, tao không thích nữa, tao sẽ như con Huệ, ghét đàn ông.
Con Hoa cương quyết ngủ, nhưng lạ làm sao, hình bóng thằng Độ cứ chập chờn. Cái dáng cao cao, gương mặt đẹp thật hiền. Độ ở trường nổi tiếng là thằng con trai lịch sự, rất được nhiều người thương mến. Hồi đó, con Hoa cũng thương thằng Độ lắm, nhưng từ ngày tụi nó rủ nhau trốn khỏi trường, thì sự việc dường như thay đổi. Cớ sự cũng chỉ vì bàn tay quái quỷ của nó. Nó không muốn làm việc, bởi làm một tí thì tay lại đẫm mồ hôi và mệt muốn ngất đi được. Nhưng làm sao nó có thể nói ai nghe về sự việc đó. Chính nỗi niềm không nói được đã khiến nó trở thành đứa con gái hung dữ, điêu ngoa. Những giây phút hiền dịu thật hiếm hoi trong con người nó. Nếu nó có lúc cảm động, tự hào khi thằng Độ treo mùng cho nó ngủ, thì chỉ vì một nỗi vu vơ chán chường nào đó, nó có thể nổi điên chửi suốt cả ngày. Mà chửi ai? Chửi mỗi mình thằng Độ. Bao nhiêu lời tiếng cộc cằn, thô bỉ, cộng với sự kiêu căng của đứa con gái đi hoang có chút nhan sắc biến nó thành như vậy. Điều đó khiến thằng Độ lùi bước, khép kín lại mối cảm tình vừa chớm hé.
Rồi tụi nó bị bắt vào lại trường, bầu trời tự do bên ngoài không còn nữa, người ta có lý do chính đáng bảo rằng chúng không ngoan. Thằng Độ bị quản thúc ở phòng trên lầu không được xuống đất, trừ khi ăn, hoặc tiểu tiện. Nó và con Huệ ở phòng dưới lầu. Khoảng cách giữa tụi nó càng dài thêm.
Cô Nguyệt phụ trách biết rõ chuyện tình cảm này và tỏ ra ngạc nhiên khi hai đứa trở thành hai tinh cầu xa cách. Nhưng liệu cô có biết chăng? Từ đó nó không dám nghĩ tới chuyện tình yêu. Chỉ vì… chỉ vì… nó đã không có ngày mai… Chỉ vì… rồi nó sẽ chết như mẹ nó thì mơ ước làm chi chuyện ra đời, thì cần gì phải làm lại con người mình cho tốt.
Cái suy nghĩ cuối cùng đã khiến con Hoa quên đi những thương cảm vừa tái hiện trong lòng. Nó ngủ với sự trống rỗng của đứa con gái đã từng quen cát bụi, hè đường, không tương lai… Đông “bác học” không kể nữa, nó ngồi im lặng như đợi chờ một cái gì đó… Một lúc lâu, tiếng Độ như nghẹn lại:
- Tại sao mày biết!
- Tao mới biết!
- Để làm gì?
- Không hại gì nó đâu, dù sao nó cũng là mối tình đầu của mày… Im lặng… - Đông!
- Hử!
- Thật sự mày là ai?
Tiếng cười khảy của thằng Đông ngắn ngùn, khô khốc:
- Tao biết mày sẽ phải hỏi, như hàng trăm đứa trong ngôi trường này muốn tao khẳng định. Được! Tao sẽ nói với mày khi đi.
Đó cũng là một câu nói cuối cùng của thằng Đông trong đêm ấy.
Cả trường được thầy Dũng cho đi Long Hải chơi, chỉ có vài đứa, trong đó có Đông “bác học” ở lại với các cô, thầy trực. Bảy giờ sáng nó thay Ánh đen ra cho bồ câu ăn, bầy bồ câu đả dạn với người cho ăn, nên lững thững lại gặp. Đông “bác học” xoè nắm thóc trong tay cho gần con bồ câu trắng độc nhất trong chuồng. Con bồ câu ngước đôi mắt tròn xoe long lanh nhìn Đông, rồi đi lại từ tốn mổ từng hạt ở tay Đông không có vẻ gì sợ sệt.
Thằng Đông ngồi bất động, không tin ở mắt mình. Nó sợ con bồ câu bay đi đến nỗi thở nhè nhẹ. Bàn tay nó xoè mãi, con bồ câu thong thả mổ thóc và bước dần lên cả bàn tay. Đôi mắt một mí sắc lẻm của Đông “bác học” chưa bao giờ mở to như vậy. Một niềm vui không tên làm choáng ngợp cả tâm hồn nó. Nó có thêm một tình bạn không cần lời nói, chỉ cần kiên nhẫn, tình bạn ấy sẽ gần gũi hơn và không biết phản bội, lọc lừa. Mắt thằng Đông bỗng cay xè, nó đưa tay kia sờ lên ngực, vết thương đã lành nổi lên mảng thịt hồng, vết tích tình bạn của nó với một con người.
Với vẻ bình thản, ung dung bỗng nét mặt thằng Đông biến đổi kỳ lạ, gương mặt khá điển trai dù có cái chữ thập khủng khiếp to đùng trên má chợt nhăn lên nỗi thù hận tột cùng. Đôi mắt chỉ còn lằn chỉ nhỏ, kéo đuôi dài ra màng tang, vết thẹo mờ nhạt giờ rúm ró lại thành đỏ thẫm như cây thánh giá. Nó đang là hiện thân của tội ác. Qua gương mặt và thân hình nó run lên như gặp rét.
Con bồ câu hoảng sợ, đập cánh lao vút lên nóc nhà để lại nhúm thóc trơ vơ trên tay thằng Đông. Nó bừng tỉnh buông tay cho thóc rơi lả tả, rồi đưa tay lên gạt mồ hôi. Thật ra không có giọt mồ hôi nào, ngoài vầng trán lạnh ngắt. Nó thở phì đứng lên với tiếng nói thầm thì trong thâm tâm. “Đừng, đừng nghĩ tới nữa, nơi đây là chốn ẩn thân, nghỉ ngơi, nơi đây đừng nhớ tới hận thù, bởi bọn trẻ trong trường không đáng chịu những gì mày đem lại”.
Thằng Đông tới hồ nước, nó múc một ca đem đến và leo lên đổ vào máng nước ở chuồng bồ câu. Có tiếng gọi khiến nó nhìn xuống. Người bảo vệ đang vẫy nó.
- Có người muốn thăm em, giấy tờ đầy đủ.
Đông leo xuống, anh ta nắm tay nó:
- Anh chưa cho vào, vì anh Dũng có dặn, em muốn sao?
Nó nheo mắt vẻ suy nghĩ:
- Người đó ra sao?
- Già rồi, bị tật ở chân, đi một mình, có đưa cái nầy, nói đem vào cho em.
Anh đặt vào tay thằng Đông miếng đồng hình tam giác, có khắc hình chim câu. Miếng đồng có sợi dây chỉ màu đỏ xỏ ngang đã cũ vì mồ hôi. Thằng Đông nhìn sững, nó cố điềm tĩnh mà giọng vẫn run run:
- Người quen, để em ra.
Nó đi những bước đều đặn nhưng nặng, người bảo vệ đi bên cạnh thỉnh thoảng liếc nhìn nó. Trời ơi! Nó bao nhiêu tuổi mà nét mặt bỗng già cỗi thế kia?
Thằng Đông bước vào phòng tiếp khách, anh bảo vệ bước theo, nó ngó anh lắc đầu ra dấu như có ý bảo không sao.
Người đợi nó, đúng y anh bảo vệ tả, trạc ngoài bốn mươi, bận đồ bộ đội cũ nhưng thẳng nếp, không quân hàm, áo bỏ ra ngoài, gương mặt khắc khổ trầm tư. Ông ta thấy nó, đứng bật dậy, bước chân khập khiễng lao tới:
- Bồ Câu!
Nó ôm chầm lấy ông ta, rồi trong tích tắc lùi lại:
- Gọi là Đông, chú Út!
Ông ta sững sờ, đau đớn lộ cả ra giọng nói:
- Không, mãi mãi con là thằng Bồ Câu của chú. Bồ Câu! Con có sao không? Chú đâu dè ông ấy tàn nhẫn thế, nỡ nào… Thằng Đông cười khẩy, nói rít qua kẽ răng từng chữ:
- Nợ nầy ổng phải trả, và người đàn bà ấy cũng phải trả.
Người đàn ông kinh hoàng đảo mắt nhìn quanh thì thào:
- Bồ Câu! Đừng thế con, trời ơi! Không nên thế.
Nó trợn mắt nhìn ông, đôi mắt một mí ngầu những tia máu:
- Máu của thằng Đông phải được đền trả, đôi chân tật nguyền của chú phải được đền trả, chú đừng can ngăn vô ích. Giờ chú nói đi, chú tìm cháu có việc gì?
Người đàn ông lộ vẻ đau khổ ra ánh mắt, ngẩn người nhìn nó. Tay ông run run, môi mếu xệch cố nén dòng nước mắt:
- Bồ Câu!
- Chú đã biết tính cháu không nói hai lời, nếu không có việc gì, chú về đi, mụ ta biết chú còn sống sẽ không để chú yên đâu.
Người đàn ông ngần ngừ, một lúc ông lấy từ ống tay áo ra mảnh giấy đưa cho thằng Đông:
- Con coi kỹ rồi xé đi, phải cẩn thận, chú sẽ cố hết sức ngăn chặn. Đúng ngày giờ con cho người liên lạc, tụi nó sẽ đưa con đi an toàn.
Người đàn ông khập khiễng bước chân đi, thằng Đông cúi mặt không nhìn theo. Ông ta dừng lại ở cửa:
- Bồ Câu! Con nhớ không? Ngày xưa chú kể con nghe chuyện loài chim phải xa rừng cũ chỉ vì chiến tranh đốt cháy cả khu rừng, đến nỗi không còn một mầm xanh? Rồi một ngày nó nhớ rừng xưa trở lại tìm thấy có chồi non nẩy mầm trên khu rừng chết, nó không bay nữa, ngày ngày trên chồi non duy nhất ấy, sáng chiều nó hát chào gọi bạn. Đàn chim nghe tiếng gọi quen thuộc, bèn kéo nhau về. Cả khu rừng chết bỗng nảy vô số mầm xanh sống lại. Bồ Câu….
Thằng Đông hét lên cắt ngang câu người đàn ông muốn nói:
- Khu rừng cháy nẩy lại mầm xanh, còn trái tim hẳn đã khô cạn dòng máu người. Tôi thà làm chim xa rừng, chết gục ở miền đất hứa trong mơ, còn hơn sống trong khu rừng cũ, xanh lại cây cành nhờ máu và mồ hôi kẻ khác.
Thằng Đông vụt chạy. Người đàn ông nhìn theo, trên gương mặt khắc khổ, nước mắt nhạt nhoà. Ông gục đầu vào cánh tay thì thầm, nghẹn ngào:
- Bồ Câu ơi!
Mãi đến trưa nó mới mở mảnh giấy xem. Tay nó run run theo từng chữ trên giấy và rồi nó xé vụn nuốt tất vào bụng, xong úp mặt vào gối nằm bất động.
Cùng lúc ấy tại văn phòng, người giáo viên trực, nhận trại viên mới tên là Mai Hồng Long. Hồ sơ công an giao qua, hắn phạm tội móc túi lần đầu, mười sáu tuổi. Hắn là thằng ốm nhách, có đôi mắt cá chết và gương mặt không để lại ấn tượng gì cho bất cứ ai, dù người ta nhìn hắn hàng trăm lần.
Buổi chiều đoàn xe chở đám trẻ đi Long Hải về. Khi thằng Đông vừa ăn cơm xong ngồi trong bệnh xá nhìn ra, nó thấy tụi bạn xúm quanh một thằng khoảng mười ba tuổi có dáng đi loạng quạng, tay nắm ngực áo, kéo cả bọn đi vào bệnh xá, thầy Dũng đi sau cùng, gương mặt thầy lộ rõ nét buồn.
Thằng Đông đứng lên cất tiếng chào thầy. Dũng phẩy tay rồi ra hiệu cho thằng kia.
- Xuân nằm đây không được chạy nhảy, còn các em ra ngoài.
Cả đám cùng thầy Dũng ra hết, chỉ còn mỗi một thằng nhỏ chút như hột mít, có gương mặt ngáo không chịu được ở lại với thằng Xuân. Nước mắt còn bệt lên đôi má bầu bĩnh, nó nắm tay thằng Xuân giọng Bắc đặc sệt:
- Anh có đau không?
Thằng kia ra dáng thiểu não:
- Đau lắm!
Thằng nhỏ nghệch mặt một lúc:
- Để em gọi anh Phục Tề Thiên làm Tề Thiên anh xem nhé!
Thằng Xuân muốn tống khứ tên nhóc con đi. Nó nói:
- Mày đi tắm đi, đừng ở dơ như thằng Tựu, tắm xong rủ Tề Thiên qua chơi.
Thằng nhỏ ngoan ngoãn chạy đi. Xuân thở phào nằm dài trên giường, với nét mặt đau đớn mà mắt vẫn liếc chừng Đông “bác học”. Y như rằng, thằng Đông lên tiếng:
- Mày làm sao vậy? Thằng nhỏ đó tên gì.
Thằng Xuân trả lời trong khi vén cho Đông “bác học” xem cái bụng nó bị băng kín.
- Em đã biết đi là có chuyện mà! Còn thằng đó tên Hoà.
- Kể nghe coi!
Đông ngồi ở giường đối diện, tựa lưng vào tường, giọng thằng Xuân ồ ồ như rô -bi-nê mở khoá:
- Biết mai được đi Long Hải, tụi nhóc phòng một chẳng chịu đi ngủ, dù lên nằm trong mùng đàng hoàng. Chúng nó đố nhau thức chờ sáng, bằng cách tưởng tượng ra đủ cảnh thiên đường trong ngày mai, khiến thằng Xuân trưởng phòng phải quát.
- Tụi bay có ngừng chí chóe được không? Ngày mai coi chừng rã giò đi tìm mấy thằng thừa cơ hội trốn trường.
Tỵ A trưởng A1(cái thằng bé cả con người, lẫn bộ óc) chỏ miệng:
- Tại sao? Phòng mình toàn tụi nhóc, cóc có đứa nào trốn, có là tụi mới vô phòng của phòng bốn thôi.
Cao A trưởng A 2, biệt danh “còn ở dơ” lồm cồm bò dậy:
- Phòng cao không nói tiếp, bởi kế giường nó Hoà “Bắc” đang hỏi Phục Tề Thiên bằng giọng ngây thơ như nai rừng:
- Sao trốn hở anh Phục, ở đây sướng thế còn gì?
Tề Thiên trả lời giọng ngán ngẩm:
- Sướng với mày thôi, tụi nó toàn dân chôm chỉa lớn, dzô đây tất cả đều có kỷ luật làm sao chịu nổi.
- Chôm chỉa là gì hở anh Phục?
Bây giờ cả phòng một chẳng có đứa nào vờ ngủ nữa, chúng cười sằng sặc từ các giường. Thằng Xuân nén cười, quát vẻ nghiêm trang:
- Có nín cười hay không? Thầy cô đến là lúa đời. Cái gì mà cười chớ, nó chưa từng chôm chỉa thì biết sao được.
Bọn trẻ nín khe trước oai của trưởng phòng. Trong lúc ấy Phục Tề Thiên dạy Hoà “Bắc” mớ ngôn ngữ đầu tiên.
- Thằng “Hà Nội” mầy nhớ nghe, chôm chỉa là lấy đồ người khác, như xe đạp người ta, nó lấy đi bán gọi là chôm xe đạp. Còn tiền trong túi người ta bay qua túi nó gọi là chỉa tiền.
Bây giờ Hoà hiểu rồi, nó nín khe một chặp rồi thì thào hỏi:
- Phòng mình có ai biết chôm chỉa không anh Phục?
- Thiếu mẹ gì, có điều toàn tí nhóc mới tập tò học đã bị hốt vô rồi, đáng mặt đại ca chỉ mỗi thằng Xuân.
- Anh trưởng phòng hà!
- Ừ! Bây giờ nó ngon lành rồi, hồi đó chôm xe có tiếng, ba nó bắt được đem vô đây.
- Ba ảnh không thương ảnh sao?
- Ai biết mậy! Có lần nó nói ba nó hồi xưa làm tài xế ngon lành, má nó đi dạy học. Hồi má sinh ra em bé mới mấy tháng, đi thăm người bạn, chẳng hiểu sao té lầu chết, năm đó nó tám tuổi. Hai năm sau em nó chết luôn, nó vừa tròn mười tuổi. Ba nó có vợ khác, bà mẹ ghẻ cứ đâm thọt cho ba nó đánh nó hoài, nó về ở với bà nội cũng bị bắt lên lại, rồi bị đánh. Nó khùng nên bỏ nhà đi bụi đời, nhập băng mở khoá xe đạp. Nó có hiếu với bà nội lắm mày, hôm trước nó được về thăm nhà, cũng không ở với ba nó. Nó nói với tao, chừng nào được thả về, nó chỉ ở với bà nội thôi.
- Bà nội ảnh ở xa không? Còn đi làm ra tiền không?
- Bả ở bên rạp ciné Văn Hoa trên Sài Gòn, già rồi nhưng có mấy chú nó nuôi. Mấy chú cũng thương nó, nghe nó nói ở trường học được nghề điện, mấy ổng mừng lắm, cứ khuyên nó ráng học, mai sau làm người đàng hoàng.
Mắt thằng Phục díp lại, tai nó mang máng nghe hỏi:
- Mai sau mình thành người đàng hoàng được không?
Thằng Phục thiếp đi vẫn ráng nói:
- Sao không! Có điều đói no chưa biết mày có thấy không? Ở ngoài đời khối người ngon lành mà vẫn không có việc làm.
Bọn phòng một và cả thằng Phục không thức tới sáng. Chúng ngáy pho pho.
Thằng Xuân đứng nhìn đám con gái ti toe chụp đủ kiểu hình, với loại quần áo mà nó chưa thấy bao giờ. Tự dưng nó nhe răng cười một mình cũng được đó chớ. Nó lững thững đi ra bờ biển, nhìn một lượt đám nhóc phòng một đang đùa giỡn dưới nước. Bằng tư thế phóng bơi đẹp mắt, nó mất hút giữa dòng nước xanh, khi trồi lên đã đứng giữa đám đội viên của mình.
Hoàng, Long, Tỵ, Cao với Phục đều hỏi:
- Mày đi đâu giờ mới ra?
Xuân nhe răng cười:
- Tụi con gái chụp hình trên chùa Long Hải đẹp lắm mày.
Phục Tề Thiên đế ngay:
- Mầy để mắt tới tụi con gái làm gì?
Thằng Xuân lặn một hơi rồi trồi lên:
- Tụi nó cũng dân phòng một, tao sợ có thằng nào dở trò nên đứng canh chừng. Một chặp thấy tụi phòng ba, bốn đến chụp hình chung, tao mới yên tâm ra đây. Ê! Vừa tắm vừa coi chừng tụi nhóc nghe.
Năm thằng vừa tắm, vừa nô giỡn nhưng không quên lập vành đai an toàn cho tụi nhóm phòng mình. Thằng Xuân sau hai hơi lặn sâu xuống đáy, trồi lên chợt nghe mang máng tiếng ai kêu, nó nhìn ra khơi và thấy một bàn tay đưa lên chới với. Nó quát to với sự bình tĩnh thật bất ngờ:
- Coi chừng tụi nhỏ, gọi cấp cứu!
Nó rẽ nước phóng đi. Trên bờ, dưới nước, tiếng la dậy trời và không mỗi thằng Xuân, vô số thằng, cả các thầy cô giáo biết bơi đều rẽ nước lao ra ngoài sâu. Thằng Xuân ra trước nhất. Khi thằng chết hụt được thằng Xuân dìu lên bờ tất cả đều hú vía, lúc ấy thằng Xuân mới nghe bụng mình đau như xé, nó nhìn xuống… Máu tuôn ướt đẫm cả khuôn ngực nó. Nó choáng váng, muốn xỉu. Có nhiều tiếng la:
- Thằng Xuân bị hào cắt nát bụng rồi.
Cả vùng biển Long Hải lúc ấy chưa có bác sĩ cấp cứu. Thằng Xuân được mấy thầy dìu đi bộ gần cả cây số vào nhà một bác sĩ tư, nó chịu cả chục mũi khâu ở ba vết thương nặng nhất, mà chỉ rên khe khẽ.
Điều nó căm tức nhất là cái thằng nó liều mạng cứu từ ngoài sâu, đã cùng sáu thằng mới bị đưa vào trường trốn mất tiêu ngay sau buổi ăn trưa. Thầy Dũng mặt buồn lặng trên chuyến xa về, khiến thằng Xuân giận đến phát sốt. Nó nghiến ngầm thằng trốn:
- Được ơi là Được! Đừng để tao gặp mày… -...
Đông “bác học” nghe kể xong ngó nghiêm thằng Xuân:
- Mày được lắm, bà nội khoẻ không?
Xuân mất vẻ láu táu, nó gật đầu nhưng không nói gì.
- Hoà “Bắc” ngó bộ thương mầy.
Xuân nhăn mặt vì cơn đau rát chợt tới, nó nói lúng túng:
- Thằng đó ngộ lắm, lý lịch rất mắc cười. Nó thấy em bị thương cứ khóc hoài nhưng người nó thương nhất là thằng Phục Tề Thiên.
Giọng Xuân đầy chất bi khịch bất ngờ:
- Đời thằng Phục cũng thảm lắm, chút nữa hai đứa dzô anh biểu tụi nó kể cho nghe.
Quả nhiên tụi nó đi ăn cơm về đã ập vào khu bệnh xá. Hoà “Bác” đi với một thằng nhỏ, gầy, người lòng khòng, mặt lém lỉnh, têu tếu, tay bưng thau cơm. Thấy thằng Xuân, nó làm mặt khỉ ngay sau khi chìa cái thau cơm ra. Đông nằm, mắt nhắm nhưng thấy không sót điệu bộ nào của nó, hắn suýt phì cười, nếu không nghe thằng Độ gọi:
- Đông!
Hắn mở mắt uể oải hỏi:
- Mày đi Long Hải vui không?
Độ gật đầu, ra hiệu Đông theo nó ra ngoài. Hai đứa ngồi trên băng đá trước bệnh xá:
- Mày ở nhà thấy gì không?
- Thấy gì?
- Có thằng mới vô ở phòng mình, nó tên Mai Hồng Long, mặt dễ sợ lắm. Lưng nó xăm hình con rồng đỏ ngậm lưỡi dao nhỏ.
Độ nói mắt nhìn trừng vào Đông “bác học”. Hắn không thấy thằng bạn tỏ phản ứng gì ngoài hai tay xoắn vào nhau:
- Mà sao?
Thằng Độ hết chịu nổi:
- Mày còn dấu, mảnh giấy đó tao thấy rồi.
Mắt Đông “bác học” nheo lại, nó hừ mũi:
- Tao đã nói mày đừng dính vô, sao ngu vậy? Bắt đầu từ giờ tao cấm mày làm mặt thân thiện với tao.
Đông “bác học” đứng lên rít răng:
- Xéo! Lên lầu, nói Tài lùn tao cảnh cáo, nếu rỉ tai về sự quen biết giữa tao với mày thì chờ chết đi.
Độ há hốc hốt hoảng:
- Tài lùn? Mày nói gì vậy?
Thằng Đông đã đi vào, cái mặt nó tỉnh bơ trở lại. Khi thấy Phục Tề Thiên đang làm trò nhào lộn. Nó cười khanh khách, chĩa ngón tay cái lên trời ra vẻ tán thưởng:
- Ê! Tôn Ngộ Không, tối qua chơi.
Thằng Phục đã có thông tin về Đông “bác học”, nó dạ rất ngoan. Đông không buồn chú ý cử chỉ đó, đến nằm dài ở giường và ngoắc Hoà “Bắc”:
- Nhóc! Mày nói tiếng Bắc đi, tao thèm nghe quá!
Hoà mặt đỏ bừng, e thẹn nép vào Phục Tề Thiên lí nhí:
- Em biết nói gì đâu?
- Nói chuyện mày đó.
Hoà “Bắc” ngước nhìn Phục Tề Thiên vẻ tin cậy:
- Anh Phục biết hết, ảnh kể hay lắm, còn em… em… Hoà “Bắc” ù té chạy. Thằng Phục làm mặt khỉ:
- Nó mắc cỡ, cái thằng! Đợi tối em qua kể anh nghe…
Chim Xa Rừng Chim Xa Rừng - Mỹ Hạnh