Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.

Robert S. Hillyer

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8792 / 176
Cập nhật: 2014-12-04 16:01:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương VII -
ôi được giấy gọi đi học trường Nguyễn ái Quốc khoá 1961..
Không biết khoá này khối văn nghệ được mấy người, hôm khai giảng chỉ thấy mình tôi. Khoá sau, có Trọng Hứa đương làm chánh văn phòng. Chẳng rõ được chọn hay Trọng Hứa xin đi, hay Trọng Hứa đi “thế mạng” cho ai. Dự lớp dài hạn trường trung cao cấp của Đảng là một vinh dự và nhiệm vụ. Người muốn cũng không được. Nhưng cũng có người trách nhiệm cao tự coi như đương nhiên chỉ ngồi bàn bạc và cử người khác đi học. Có những người như Nguyễn Tuân, không thấy giấy gọi đi học bao giờ mà không biết được mời thì ông có đi không, chẳng thể đoán được. Năm 1950 ở Thái Nguyên, Nam Cao và tôi đổi công tác từ báo Cứu Quốc về hội Văn Nghệ. Trước khi về cơ quan mới, chúng tôi được đi học trường Nguyễn ái Quốc - bấy giờ khoá học lâu nhất cũng chỉ ba tháng.
Nhưng rồi chỉ có Nam Cao được đi. Tôi cứ tiếc mãi.
ý nghĩ đi học của tôi cũng giản dị. Có dịp sắp xếp lại mọi cái biết lõm bõm chẳng đâu ra đâu. Từ khi mới cầm bút tôi đã phú cho Dế Mèn, Dế Trũi cái tư tưởng thế giới đại đồng không tưởng của tôi. Chẳng là bấy giờ đương tuổi mới lớn trong thời kỳ Mặt trận Bình dân 1938, chúng tôi hăng hái liên miên tranh luận đệ tam, đệ tứ. Cho đến ngày nay tôi cũng chẳng hiểu gì hơn. Cũng chịu khó đọc bản dịch Chống Đuyrinh, và nhiều cái khác, có ghi cẩn thận những câu, những ý cảm thấy hay. Nhưng mà từ đấy vận vào thực tế, vào sáng tạo thế nào. Tôi đi cải cách ruộng đất thì cứ kế hoạch bốn bước mà làm, khi được chỉ ra như thế là sai, lại sang đội đi sửa sai. Tự mình cả đời làm theo, thấy ra, nhận thức, phân tích đều lờ mờ sai đúng đúng sai mù mịt. Tôi thật sự thèm được trình độ hệ thống hoá về lý luận và vận dụng được sự liên hệ và sáng tạo.
Sau vụ Nhân Văn mà tôi có sai sót, tôi đã đề nghị cho đi học trường dạy viết văn Gorky ở Matxcơva. Nguyễn Khải được chấm đi, còn tôi thì xin đi. Tôi nghĩ chỉ bỏ ra ít năm ăn chắc một ngoại ngữ lại đưa hiểu biết và nhận thức của mình tới được một bước mới. Nhưng rồi dự định ấy trên không chấp nhận. Lý do: người sáng tác thì nắm thực tế đời sống đất nước là cần hơn.
Năm sau, Nguyễn Minh Tấn ở viện Văn học được đi học viện Gorky. Tôi thắc mắc thì nghe giải thích: anh ấy làm nghiên cứu, cần đi. Nguyễn Minh Tấn công tác ban tuyên huấn, về khối văn nghệ làm chính trị viên trường Mỹ thuật sau lớp chỉnh huấn văn nghệ sĩ. Cũng như Đặng Đình Hưng về đoàn Văn Công Trung ương.
Tôi cũng dự chỉnh huấn theo phương pháp Hoa Nam cùng Đặng Đình Hưng, Nguyễn Minh Tấn, tôi được biết trước kia Nguyễn Minh Tấn ở tỉnh đội dân quân Vĩnh Yên. Tôi làm nghề chữ nghĩa hẳn hoi, sao tôi không đi học. Nghĩ thế thôi, thói quen thấy mọi cái trên cắt nghĩa đều rồi là phải cả, tôi im. ý nghĩ đi học của tôi cứ vừa trẻ thơ vừa đứng đắn.
Tôi sửa soạn cái bàn chải răng, quyển sổ tay mới và sách, như sắp đi đợt công tác dài ngày.
Trường Nguyễn ái Quốc bây giờ vẫn hai tầng dáng dấp ngày ấy. Có thể liệt váo một khu di tích lịch sử văn hoá: cơ quan đào tạo và bổ túc cản bộ chính trị qui mô nhất nước sau hoâ bình lập lại. Nhà hai ba tầng, kiến trúc nửa lưu luyến hội trường trong rừng, nửa đại lầu Trung Quốc. Đến bây giờ mà xung quanh vẫn vắng không mấy bóng cây lâu đời. Mới biết các cụ ta xưa nền nếp xây cất đình đền, miếu mạo khi đặt viên gạch móng đã nghĩ ngay hạ thổ trồng cây: những cây đa, cây đề, cây chôi mấy trăm năm trường thọ với toà nhà cho đời sau, như cây mọc trong cổ tích. Kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp - người sáng tạo hầu hết các hội trường tre nửa trong rừng thời kháng chiến ở Thái Nguyên, ở Tuyên Quang. Hoàng Như Tiếp nói thế tôi mới biết. Những năm các kiến trúc sư ở với chúng tôi chỉ thấy những bản vẽ nhà tranh nông thôn kiểu nhà ánh Sáng trong cặp các anh Nguyễn Cao Luyện, Võ Đức Diên, Tạ Mỹ Duật... Anh Hoàng Như Tiếp thì làm quản trị lo liệu nơi ăn chốn ở cho các gia đình tản cư, quanh năm đạp xe từ Phú Thọ sang Bắc Giang, vào Thanh Hoá.
Tôi gặp Hoàng Như Tiếp ở ô Chợ Dừa, Tiếp hỏi:
- Cậu đi đâu sớm thế? Tôi đáp: - Đi học - Học trường Đảng a? Tôi gật đầu. Hoàng Như Tiếp níu tôi lại, khoe:
- Tớ kiến trúc trường ấy đấy. Qui mô nhất Hà Nội. Được không?
Tôi nói:
- Tự dưng trên mái hội trường choang xuống một hòn gạch chỉ. May nó rơi ở mép tường, không vào đầu ai. Điều tra thì ra những hòn gạch thợ xây bỏ quên trên đầu tường. Việc người vôi vữa chẳng bận đến nhà kiến trúc.
Câu nói đùa không phải lúc. Hoàng Như Tiếp đẩy vai tôi một cái. Tôi chưa tha:
- Nhà vệ sinh, nhà tắm nước thấm tường mốc rêu rồi vỡ từng mảng. Các ống trong tường lắp chốt gỗ, nó mục ra.
Hoàng Như Tiếp quát:
- Cậu này dốt bỏ mẹ, lẫn lộn kiến trúc với xây dựng. Tớ không phải thằng thợ nề, biết chưa?
Chúng tôi học môn triết cho đén hết tháng giêng. Ba tháng mùa đông ngôi trong cửa sổ họp tổ và đọc tài liệu. Xa kia, những ngôi nhà năm tầng nhô lên như đánh đai quanh ngoài khoanh tre. Cánh đồng làng tôi đương thành phường phố, dàn giáo và bụi đỏ lầm lên cao ngất. Những ý nghĩ và mắt tôi nhìn lẫn lộn thấy cả những cái không còn nữa. Con đường đất trong cầu Điều ra, sáng sớm người quảy cẳng ngô chỉ trông thấy hai bàn chân đất lướt trên đám lá và hoa bánh khúc vàng long lanh ướt sương. Những gánh cẳng ngô đã phơi nỏ ở trong làng Noi đưa ra bán cho các nhà nghề giấy trên Yên Thái, làng Thọ tra bồi can giấy.
Những việc seo can, cái tàu seo, cái bồi, cây ép uốn, cái cối giã bìa, đãi bìa mà trong sách và tài liệu tôi đương nghiên cứu gọi là lao động giản đơn, công cụ và lao động thời kỳ này, thời kỳ này, những cung cách làm ăn cổ sư nghìn năm ấy phải chết đi thì công nghiệp mới lột xác được thành công cụ mới lao động phức tạp và tinh vi, những cái cũ tôi vẫn thấy trong tưởng tượng mà công cụ mới đã hiện ra đâu. Vẫn cây đa bên sân đình làng Nghè, mùa hạ từng đàn yểng bay đến rỉa quả đa chín vàng. Cây đề cổ thụ gốc to mấy người ôm đứng cạnh cầu chợ Bưởi, lá nõn đỏ hây một góc trời. Có bà hàng bánh đa ướt dưới cống Cót lên, thuở bé tôi theo u đi chợ được ăn bánh với hai miếng đậu rán phồng. Cảnh ấy không còn nhưng cây đề thì vẫn ngày trước, cổ thụ cứ trơ trơ đấy.
Chẳng còn đâu yên tĩnh nữa nhưng mọi cái cứ biến đổi và không biến đổi. Nếu là nơi xa lạ nào chắc tôi không thể nghĩ vẩn vơ quanh quẩn. Ngồi đây, tôi nhắm mắt cũng vẫn nhìn được những cái không còn. Bên kia, Kẻ Cáo, Kẻ Đàn, bên này sông Tô Lịch, trước mặt mép nước hồ Tây. Đường cổng đồng gốc gạo, hai bờ tre xóm Giếng và làng Dâu vào cầu Điều. Cái cầu, cái quán cho người qua đường, người làm dưới đồng sâu lên nghỉ trưa. Kìa, lại hiện về thời sự của thành phố bị chiếm. Một boong ke xi măng cốt sắt, nửa chìm nửa nổi cao như gò, lỗ châu mai bốn mắt dõi ra dưới hàng cây sồi lẻo khoẻo, vành đai lô cốt phòng thủ Hà Nội của tướng Đờ Tasinhi.
Trong tôi vẫn nguyên cái tò mò hồn nhiên như thuở bé buổi sáng cắp sách lên trường đình Yên Thái mà thật ra thì tôi đương mờ ảo trong khu vườn và nhà trường Nguyễn ái Quốc trước kia chỗ này là xưởng làm pháo của chủ hãng pháo điện quang Phú Mỹ. Đã có lần tôi vào đây xin việc làm, nhưng không có việc bàn giấy, đây nhà kho và xưởng pháo giáp ranh các xứ đồng Nghĩa Đô và Cổ Nhuế. Đường trong Noi ra, người quảy đồ may thuê trong thành đem trả, đi một dãy dài lên bến tàu điện Cầu Giấy. Cái đêm 9 tháng ba 1945 Nhật đảo chính Pháp, các làng xung quanh cánh đồng kéo vào hôi của kho giấy hợp tác vạc làng Hồ và nhà pháo Phú Mỹ. Kho thuốc nổ, làng tôi có thằng Cửu và thằng con cậu ba Phát phải bỏng khiêng được về nhà, nằm kêu khóc mấy đêm thì chết. Ngày ấy tôi mà xin được việc vào làm nhà pháo, không khéo tôi cũng toi mạng rồi.
Tôi trông ra cửa sổ bây giờ. Không dứt được ám ảnh những Trăng thề còn đó..., những Dám xa xôi mặt... phảng phất trên đầu lúa rì rào. Lại vừa năm nào, tôi đi với Nguyễn Tuân, Kim Lân và anh Ba Hĩ trong làng ra mùa tháng mười đi bắt chuột, xách những rọ, thuổng, mồi rơm, lồng sắt và hai con chó đen. Chúng tôi vào hun tổ chuột tận gò đất đồng Lỗ Vàng, buột mất con “ti ù” to bằng bắp chân thoát vào bờ rào nhà trường này. Thước phim những ngày qua cứ chồng chất, chồng chất.
Học viên các tỉnh ô tô đưa về trường suốt tuần - học viên bộ, thứ trưởng ở Hà Nội có xe đưa đón. Chế độ xe qui định ngặt, cơ quan chúng tôi chẳng ra bộ, thứ bộ, chỉ có thủ trưởng Nguyễn Tuân và thường vụ Nguyễn Huy Tưởng được phát chiếc xe đạp công gắn số biển xanh, nhất hội rồi.
Mỗi lần về thành phố tôi đi đường Cầu Giấy - ô Chợ Dừa, hai bên đường này xưa kia tường thành đất, Tây bạt thấp xuống làm đương, tử mặt đất lên mép đường vẫn cao bằng con sào, một quãng lại thấy tun hút giứa luỹ tre một lối, trổ xuống vào các làng trại ở trong xa. Thỉnh thoảng mới thấp thoáng một quán nước chè tươi, cái lều chữa xe đạp. Bây giờ nhà và người đã mọc ra ở túi bụi, quang cảnh xưa ấy đã vào cổ tích rồi.
Quãng đường trống gió rét căm căm qua cái bia đá nơi quan ba Phờrăngxi Gacnhiê 1874 chết trận cạnh toà nhà thờ họ đạo vắng hoe. Ngày trước, mộ lão ấy dưới cánh đồng - chắc chỗ lão ngã xuống, không biết đã được đưa lên ven đường thời nào. Và tên lão thì Tây đã đem gắn biển oách nhất vào cái phố vòng hồ Gươm, bây giờ là phố Đinh Tiên Hoàng.
Rồi qua chỗ quan hai Ban Ny cũng chết trong trận ấy ở cửa đền Voi Phục. Người Pháp cũng đặt cho một tên phố, lại cắm cái cọc xi măng trước cổng đền Voi Phục, xây một cái bảng to đề là “Chùa Ban Ny". Có lẽ chẳng ai để ý cái ngang ngược, cái dốt ấy, chỉ có tôi tò mò.
Cái mộ giả quan tư Hăng ri Rivie bị giết 1884 ở trận Cầu Giấy. Ngôi mộ sắt thép nguy nga giờ chỉ còn một tảng đá to bằng con trâu kềnh. Bà hàng nước bày chõng hàng lên mặt đá lởm nhởm. Tôi ghé uống bát nước chè tươi, hỏi bà hàng: “ ở đây xa chùa Trầm, chùa Thầy mà ai khiêng hòn đá to thế này về làm gì". Bà hàng nói: “Thấy bảo ngày trước nó là cái nắp mả Tây ấy mà”. Thật thì chỗ này xưa là phố nhà trò phủ Hoài, khách chơi ngồi trong tiếng hát, tiếng đàn trông ra “mả ông Năm” dưới bóng cây bàng, thấy cái mũi ông bằng đồng sáng nhoáng nhọn hoắt đâm lên trong bờ rào sắt.
Khoá học của tôi theo chương trình hai năm lần lượt có các môn và các hoạt động đã được thông báo:
Một- Triết học Mác. Duy vật biện chứng.
Hai- Duy vật lịch sử.
Ba- Chính trị kinh tế học.
Bốn- Sự tất yếu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đối với những nước kém phát triển nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Năm- Các vấn đề kinh tế và cụ thể.
Sáu- Đi thâm nhập thực tế ở một hợp tác xã đã cải tiến quản lý (hoặc nhà máy) để kiểm tra, đối chiếu các môn đã nghiên cứu.
Bảy- Lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam.
Tám- Thu hoạch và tổng kết.
Duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và các môn chính trị kinh tế học, kinh tế cụ thể có hai thày Liên Xô và thày ta phụ giảng ngoại khóa. Khóa này, khóa học cuối cùng có chuyên gia giảng viên Liên Xô. Chỉ những đầu bài nghe đã vừa hấp dẫn vừa ngại. Lại thấy bảo đến mục thu hoạch tổng kết câu hỏi và trả lời đều phải viết ra giấy. Cũng chẳng lo vì không phải thi lên lớp, không làm được bài chắc chỉ ngượng ti chút, ôi thôi có người cô ta và không thể đoán trước được cái câu học tài thi phận. Cái năm xưa thi vào trường Bưởi, tôi nộp giấy trắng thì biết trước phải trượt rồi, nhưng những đi thi lấy bằng Sơ học, bằng Cao đẳng tôi làm bài, viết cóc nhảy cho kịp giờ, và rồi vào vấn đáp, một bà đầm hỏi, tôi đứng đực ra không trả lời được. Thế mà đến hôm xem bảng cũng thấy đỗ.
Nhiều bài ngoại khóa, tôi nhớ hơn vì thày ta nói dễ hiểu. Những báo cáo điển hình minh họa bài học của anh hùng nông nghiệp Đỗ Tiến Hảo, của một công nhân kể khổ... Viện trưởng viện triết Hoàng Minh Chính, nhà kinh tế học Minh Chi thuyết về khoanh vùng kinh tế. Nhanh thật, các anh ấy đã có chuyên môn thành các nhà triết, nhà kinh tế lúc nào. Hoàng Minh Chính giơ tay, cất giọng hùng biện. Mặt anh nghiêm nghiêm, lừ lừ kiểu thủ lĩnh bẩm sinh. Từ lâu tôi đã phục Hoàng Minh Chính tổ chức trận tập kích sân bay Gia Lâm đêm đầu toàn quốc kháng chiến, mà tôi nghe hơi đã viết một tin viết lên trang nhất báo Cứu Quốc là quân ta xung phong chất rơm hỏa thiêu 25 máy bay địch ở sân bay Gia Lâm. Dáng vẻ Hoàng Minh Chính tự tin một cách hồn nhiên. Chứ không thấy dơ như mấy ông tỉnh ủy bắt chước anh Ba mặc áo lụa bà ba ống tay rộng, phe phẩy cái quạt giấy. Minh Chi tôi quen từ trước kia cùng cánh phật tử với bác sĩ Thuyết, bè bạn đồn vì anh phải lòng con gái bác sĩ Lê Đình Thám mà thành phật tử. Dường như Minh Chi là người lúc nào cũng có vẻ vui, đọc khỏe và viết đủ các sách chính trị, kinh tế, lịch sử phổ thông, sơ giải từ thời mồ ma nhà xuất bản Minh Đức 1946. Tóc Đinh Văn Vinh bạc sớm quá. Bây giờ anh giảng về kinh tế khoanh vùng, đúng sở trường hiểu biết mênh mông của anh chưa. ít lâu sau có người bảo tôi là anh này “xét lại". Anh mới mượn tôi một tiểu thuyết Moravia, Cô gái Rô ma.
Chẳng hiểu thế nào. Rồi lại thấy anh dịch kinh Lăng Nghiêm. Đã lâu Minh Chi chuyển vùng vào miền Nam.
Không biết anh có ở chùa với cụ Minh Châu không, nhưng anh viết báo Giác Ngộ, ký cư sĩ Minh Chi.
Tôi chẳng nhớ tên ông thày Nga nào, mà nhớ tên anh Đậu Ngọc Xuân, người dịch các bài triết và kinh tế cực khó đối với tôi. Thày triết Xéptôlin khóa trước giảng chức năng mỹ học là tiêu chuẩn hàng đầu của văn nghệ rồi mới đến chức năng giáo dục vân... vân...
Đến thày dạy tôi thì lại bảo chức năng giáo dục mới là số một. Nguyễn Văn Bổng tha cái chức năng mỹ học vào khu giải phóng trong chiến trường B, thế là bị tai nạn. Tôi thì chức năng giáo dục, chính qui quá, nhưng tôi cũng chẳng phát huy được hơn câu giảng.
Khó lắm, tưởng là đến nghe giảng về kinh tế cụ thể rồi về nhà máy liên hệ, kiểm tra sẽ vỡ ra, nhưng càng ù ù cạc cạc vịt nghe sấm.
Mà chỉ nhớ, chỉ hãi những vớ vẩn. Có anh kể: Khóa trước có một thày Nga già dạy kinh tế cụ thể vừa lên bục hội trường đã dọa: “Tôi ghét những người ngồi nghe mà nhổ râu. Ai nhổ râu thì hoặc là người ấy hoặc là tôi ra khỏi đây ngay”. Thày lớp tôi không nói thế. Nhưng tôi nhỡ sờ lên cằm, lại rụt tay lại.
Tôi nhìn quanh xem có thấy ông Hoàng Trung Thông nào đương vặt râu không. Hoàng Trung Thông hay nghiêng mặt phồng má nhổ râu. Tôi quá hoang tưởng, Hoàng Trung Thông không học khóa này.
Thế thì những cái được của tôi cũng vẫn lại chỉ là chắp vá, khâu rúm, khâu đụp. Tôi chịu khó cóp nhặt nhưng biết đến bao giờ mới được cỗ máy. Vừa học vừa nhớ lăng nhăng, làm thế nào cho có trí thức. Có lẽ chẳng bao giờ. Tôi vẫn chỉ là tôi vậy, vậy thôi.
Thế nhưng tôi đã tỉ mỉ, cẩn thận sửa soạn hai loại sổ. Không bắt chước và cũng chẳng biết thành nếp bởi đâu, từ bao giờ tôi vẫn làm tương tự thế mỗi chuyến đi. Một sổ chép bài giảng, với những ý kiến trao đổi ở tổ. Một sổ những ý nghĩ liên hệ đến cái nghề cầm bút. Bài giảng được phát, tôi đóng thành bộ. Hết khóa học, tôi cho Nguyễn Bá Chính bạn tôi giảng viên Đại học Kinh tế Tài Chính. Chính đỗ tú tài thời Pháp, người mực thước như sinh ra để làm thày giáo, chắc chắn những tài liệu và sổ tay ghi chép của tôi Chính dùng có ích hơn tôi. Anh đã đến nhà tôi ôm cả cái cặp giấy về.
Trước nay, tôi hay ghi thoắng cho tôi đọc. Nhưng lần này, sổ ghi tôi viết nắn nót không trốn nét. Chỉ vì ở bàn trên tôi có một chị ở cấp ủy địa phương lên học, chị ghi không kịp thày giảng, phải mượn sổ tôi để chép. Chị đã trả ơn, biếu tôi chai dấm làm bằng chuối chín và chị dạy tôi cách làm dấm chuối. Quí lắm, các cửa hàng nước chấm nhà mậu không mấy khi bán dấm. Nếu có chỉ bán ngữ một góc lít, không chua mà nhạt như nước lã. Đằng này, có cốt nước sôi tinh khiết, cắt quả chuối chín bỏ vào, nút kỹ để một tuần lấy ra ăn, cũng chua mà lành. Có người bảo tôi ngày trước chị ấy bán rau ở chợ tỉnh, thạo rau cỏ, mắm muối. Chị mặc áo vét ka ki đeo túi tài liệu, nào ai đoán được ai.
Tôi nhớ những dớ dẩn. Tôi không có vốn học cơ bản. Tôi đi học cũng chẳng hơn chẳng khác chị bao nhiêu, chị không biết đấy thôi. Cũng như không rõ mấy trăm học viên tuổi tác lổn nhổn, có các cụ thâm niên Thanh niên Cách mệnh Đồng chí hội, có người học Tây, học Nho, có người đến tháng tám 1945 mới tập ngoáy chữ ký. Nghe giảng thế nào, làm bài kiểm tra ra sao.
Chẳng ai hỏi ai, mà rồi hình như cũng xong xuôi cả.
Cái hôm kiểm tra tổng kết tôi nhận một mớ câu hỏi: triết học, kinh tế cụ thể, lịch sử Đảng... Bấn cả lên.
Nhưng tôi không còn là trẻ con nộp giấy trắng như cái năm thi trượt vào trường Bưỏi. Tôi cũng không hiền lânh chép bài như chị bạn dạy tói làm dấm chuối. Thế mà rồi tôi cũng viết được kín vài trang giấy.
Nghe nói khóa trước, nhà sử học Minh Tranh giám đốc nhà xuất bản Sự Thật đã không làm bài kiểm tra. Không phải Minh Tranh không làm nổi. Mà anh không bằng lòng cái cách thi cử hỏi đáp kiểu trường tiểu học vừa trẻ con lại vừa hình thức không đi đôi với điều kiện. và trình độ mọi mặt khác nhau của những người đi học đầu đã bạc, đương bạc. Không biết những cán bộ mấy chục năm vùi đầu mọi công tác, khi phụ trách chung, khi dân vận rồi nông nghiệp, thương nghiệp, thuế vụ... mà anh ấy xưa kia cũng như từ khi cách mạng, chưa bước chân vào một lớp văn hóa, chính trị nào bao giờ làm thế nào. Có hôm ngồi chuyện tếu, chúng tôi điểm mặt những ông này bà này, ở Trung ương ở các tỉnh thì thấy nhiều người khéo trốn học lắm.
Trốn đến tài, công tác lên đến bí thư tỉnh, phó ban trưởng ban, công tác to thì càng lắm lý do thoái thác vì đột xuất, đột xuất, tiếc quá không được đi học đợt này, nhưng mà bận, đợt sau lại đột xuất. Cho đến tận ngày về hưu mà vẫn đàng hoàng cao cấp không lòi đuôi. Ghê không.
Tôi gặp chăng hay chớ, không táo tợn như Nguyễn Công Hoan ngày xưa đã nhờ bạn vào thi vấn đáp hộ bây giờ thì nhờ viết hộ. Tôi cũng không dám cứng cựa như Minh Tranh. Hết khóa học trở về, Minh Tranh cũng rời bỏ mọi công tác đương làm, hình như để ngồi chơi xơi nước. Nhà Minh Tranh ở khu phố tôi. Tôi lại làm trưởng ban đại biểu khối, mỗi năm ngày Tết chúng tôi đến chúc năm mới nhiều nhà bà con. ít khi tôi được gặp anh ở nhà trong dịp ấy. Nhưng thường thấy anh tha thẩn quanh hồ Thiền Cuông. Già đi nhiều, anh vốn nhỏ ngưòi, bây giờ càng lủi thủi mình hạc xác ve. Lớp tôi, về tuổi tác, thì tuổi ai phần nhiều cũng đã cứng. Có những vị trong ngoài bảy mươi, các bà Nguyễn Thị Thập, ông Lò Văn Hặc, ông Kha Vạng Cân, ông Lê Văn Hiến... Đi học, ban tổ chức thông báo tiêu chuẩn, chế độ học viên. Cơ quan đảng của ngành đề nghị rồi nhà trường triệu tập. Các cơ quan là cơ sở đưa người đi học. Người thì được đi trau dồi kiến thức, chuẩn bị lên cấp. Người đến trường vài ba tháng lại phải về, vì công tác khẩn ở chiến trường B, ở nước ngoài. Có người lão quá, đi học là một ưu đãi tinh thần rồi về hưu. Nhiều nơi cơ quan hục hặc nhau làm mẹo đảy đi học, tạm hòa hoãn. Có cán bộ chẳng sắp việc nào cho êm, thì hãy gửi đi học cái đã. Bao nhiêu đoạn trường, mỗi người đến đây mỗi tâm sự, mỗi nỗi, làm sao mà tò mò cho thấu.
Ông Canh sáu mươi lăm tuổi. Người cao lớn nhưng béo bệu, không khỏe. Ông làm thanh tra hay nội chính, không biết. Học hết khóa thì về hưu, ông kể thế. Không cùng tổ, nhưng ông hay trò chuyện với tôi. Ông Canh quê Thái Bình. Ông hoạt động từ năm mười lăm tuổi. Ông bị bắt, bị giam Hỏa lò rồi phải phát vãng lên Bắc Mê. Ông bị giam ở Hà Giang không biết bao nhiêu năm. Nó bỏ quên ông ở chỗ ma thiêng nước độc, nếu không có năm 1945, chắc ông đã bỏ xác ở đấy. Ông đọc cho tôi nghe những bài thơ ông làm trong tù. Ông Canh nói những bài thơ ca cách mạng của ông đem đóng lại được mười một tập giấy. Có thể, vì ông làm thơ, thấy tôi nghề văn thì ông làm quen.
ông Canh nói:
- Xong đây thì tôi về nghỉ.
- Trông anh khỏe, minh mẫn lắm.
- Tôi tổ chức cơ quan đoàn kết và công tác đâu ra đấy. Tôi về hưu không phải vì chuyện đấu đá. Hoàn cảnh tôi khó lắm. Cả thời trẻ ngồi tù, lấy vợ muộn quá. Bốn thằng con trai, mà nhóc đầu mới mười một.
- Thế chị ở nhà...
- Nội trợ, làm linh tinh. ở tổ đan len, hết việc thì tổ hợp tác lại gọi đi đẩy xe than cho cơm nồi nước sôi...
- Vậy cũng gay.
- Gay lắm. Tôi ở nhà còn đi chợ, vào bếp, hò hét lũ trẻ, chúng nó đánh nhau cả ngày. Chứ cứ đi biền biệt, không xong.
Tôi thở dài, thương ông Canh, lại nói:
- Thế thì gay thật.
ông Canh chỉ ăn bữa trưa ở bếp nhà trường, chiều tan lớp ông Canh cắm cúi đạp xe về. Nhà ông ở gần chợ Hôm. Có họp tối ông Canh cũng không ngủ lại.
Cả những tối có phim Liên Xô, phim Trung Quốc hay có văn công vào, ông Canh coi như không biết.
ông Canh bảo tôi:
Tôi về kể chuyện, mấy thằng con tôi bảo anh viết quyển “Dế mèn” hay lắm, phải không?
- Vâng.
Nó bảo tôi hỏi mượn hay là xin anh một quyển.
Anh có làm thơ không?
Tôi đã thấy đầy đủ hơn cái cớ ông Canh làm quen với tôi. Một hôm ông Canb trả lại tôi quyển Dế mèn phiêu lưu ký. Ông Canh nói:
- Tôi chẳng thấy hay ở chỗ quái nào. Trẻ con bây giờ trình độ không ra sao.
Tôi đành cười ngơ ngẩn: “ừ, trẻ con ấy mà. Tôi viết cho trẻ con, anh đọc làm gì.
- “Trẻ con thì đọc sách cũng phải có mục đích. Anh viết quyển sách này có mục đích thế nào?”. Tôi đưa đẩy qua loa rồi sang chuyện khác. Chúng tôi vẫn trò chuyện bình thường, cũng chăng lần nào ông nói lại cái chuyện viết sách có mục đích, trẻ con bây giờ chẳng hiểu gì. Việc nhà ông rối canh hẹ, còn hơi sức đâu mà nhở con dế, con cào cào... Người ta sợ, người ta xấu hổ “được” nghỉ hưu, còn chạy chọt và giả mạo giấy má để chậm về, ông Canh thì không.
Ông mong chóng học xong. Có khi ông nghỉ cả tuần không có lý do. Đến lớp thì ông kể bà ấy nhức đầu, ông phải ở nhà đẩy xe than, Tết sắp đến, tổ hợp tác thêm việc nấu bánh chưng.
Một hôm, ở phòng thường trực nhắn tôi ra có người gặp. Tôi trông thấy một người mặc bộ đại cán màu xi măng đã phai nhợt nhạt, ngồi đợi tôi trong phòng khách. Tôi đã nhận ra Mùi Cá. Tôi chơi với vài bạn làm an ninh. Có người tôi quen biết từ hồi vụ Nhân Văn. Có khi tình cờ. Không phải tôi quen thuộc vì các anh nhờ làm tai mắt, tôi cũng không có thói quen rỉ tai khoe khéo tôi là cá, cá chuyến, cá việc, cá vụ. Có lần, Trọng Hứa hỏi: “Người ta bảo ông làm cá, phải không? Tôi nói: “Công an nhân dân thì ai cũng làm cá được”. Những người đã nghi thì chẳng biết nói xuế xoá thế có đủ tin hay không, nhưng chơi với cá tôi cũng học được miếng võ còm. Là vào quán cà phê Phúc Châu trên Hàng Giày thường chọn góc ngồi có thể nhìn bao quát. Muốn quan sát được nhiều thì cách ghi nhớ của nghề văn cũng đòi thế.
Không nhớ Nguyễn Tuân hay Nguyễn Minh Lang giới thiệu tôi quen Hùng Cá, rồi với Lý Béo khách sạn Thắng Lợi, lại dây mơ rễ má quàng đến Khải cà phê. Còn Kim Sơn thì Nguyễn Sáng đã bạn từ trước, Kim Sơn hay rủ đến nhà đánh chén. Kim Sơn công tử Sài Gòn đã cùng Hoàng Đạo lặn vào hoạt động Sài Gòn
- Hà Nội mà chiến công kết thúc lúc nửa đêm đánh đắm tàu chiến Amiô Đanhvin ngoài khơi Sầm Sơn. Năm trước, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng về sự tích anh hùng trên, tôi đọc biết Kim Sơn con nhà giàu khi ấy mới lấy vợ mà bỏ Sài Gòn đi làm công tác quyết tử, tôi thật bồi hồi... Tôi có nhờ Hùng Cá mua củi, bấy giờ củi đun và mữ nhà mậu đều bán phiếu, nhưng Hùng Cá cũng chưa mua hộ được củi lần nào. Chỉ thỉnh thoảng đi chè chén thì có. Hùng Cá hay đưa sách Pháp cho Nguyễn Tuân mượn. Người ta thì thào Hùng Cá theo dõi Nguyễn. Tôi nghĩ cũng cứ đồn to chuyện ra thôi.
Mà Nguyên Tuân nói có lý: tao không đi họp việc quan trọng, tao không biết bí mật quốc gia thế nào, chỉ thỉnh thoảng nói đổng chơi, cá theo tao làm gì cho tốn cơm. Hùng hoạt động nội thành thời Hà Nội bị chiếm. Các khácb sạn lớn, khách sạn Mê Tô Pôn là nơi đi về, ăn ở an toàn của Hùng. Bây giờ Hùng thường đưa chúng tôi đến khách sạn ấy, mà anh em nhà bếp, nhà bàn.. đều là cơ sở cũ, chúng tôi đánh chén giá nội bộ không có giá nào. Lưu Thiệu Lý chúng tôi quen gọi là Lý Béo quản lý Thống Nhất rồi lên Thắng Lợi. Cứ đàn đúm cả chủ lẫn khách thật thuận tình cho bộ mặt văn nhân tài tử mà những cái túi thì lép xẹp còm cõi của chúng tôi. Cũng còn hơn bao nhiêu lâu nay đi qua Mê tô pôn Sôphitel chẳng buồn ném vào cái đuôi mắt, mày con dây mơ rễ má gì trong ấy nữa mà nhìn!
Chỉ còn cà phê Khải. Cái hàng cà phê trong hẻm chợ Hôm, bây giờ đã thành cao lâu đặc sản bít tết 202 phố Huế của tỷ phú Khải. Đôi khi, Hùng Cá và tôi đến lấy một bàn khuất, ngồi nhấm nháp lại những mơ màng đã qua. Hùng Cá đương được lo liệu viết lịch sử ngành ở thành phố. Những lần xưa đến đây, còn có Nguyễn Sáng, Nguyễn Tuân, nhưng rồi cũng chán không tới nữa. Bởi vì nhà hàng này độc đáo có cái bít tết, mà hai ông này thì chỉ trệu trạo món cua nhồi “phá xí”. Răng đau, răng rụng cả rồi.
Khải vốn là một thày giáo hồ lơ ở ngoại ô Thanh Nhàn. Rồi lái xe, có xe hàng chạy và cũng có làm đôi ba vụ việc cho an ninh thành phố bị chiếm 1954 rồi lái xe sứ quán Pháp. Nhưng cái ham muốn của lão này lúc nào cũng đinh ninh, cả những khi khốn khó chìm nổi vật lộn với tem phiếu và nhà mậu, Khải vẫn đuổi theo cái mộng và thực của mình. Cũng chẳng khác kỳ vọng sáng tạo của người cầm bút. Có điều Khải toại nguyện, tác phẩm nghệ thuật hoài bão lớn của anh đã xây dựng thành công.
Cà phê pha lấy cho khách. Phở thì Khải nấu nước dùng và đứng chan từng bát đến bây giờ Khải đã có nhà hàng bốn tầng lầu, mà mỗi sáng Khải vẫn len chợ Đồng Xuân, tự tay mua lấy bó hành hoa, mớ cần tây và chọn từng súc thịt bò quẳng ra xích lô rồi lẽo đẽo đạp xe theo về. Không phải thân làm tội đời, mà cái đam mê của con người ta thì không cắt nghĩa được.
Cũng như hồi phở Khải đông khách nức tiếng phở bò, nhưng Khải không đụng một miếng. Anh hàng phở hay thèm rau muống, đằng này môi sáng xong hàng Khải lên phở Hải con lão Chi làm bát phở cánh gà.
Khải cực khó tính và nền nếp với người làm. Một dạo, mụ vợ lẽ chủ rạp Mê Linh cũ cũng làm bưng bê ở đây. Trên tạp chí ảnh Châu á ở Singapo có hình ông chủ 202 đứng với cô nhà bàn này, tôi những tưởng anh ta chộp được. Nhưng rồi có ngườiViệt kiều “khách biên đình sang chơi” đến đây, đã bê mụ ấy về Mỹ.
Thỉnh thoảng mụ vẫn về và đến chơi. Số phận và may rủi biết thế nào là cùng nhỉ?
Có việc đến công an hay công an gặp thì chẳng mấy khi chuyện vui, nhất là anh công an Mùi này.
Mùi không chơi bời, Mùi không phải kiểu những ông cá chìm cá nổi, cá ươn, cá nửa mùa bè bạn tiêu dao của tôi. Tôi biết Mùi vì công việc. Mùi chất phác. Chuyện với Mùi, tôi đùa: “Cậu làm công tác tbuế. đi bắt rượu lậu hợp hơn và chắc là thành công hơn ở ngành văn hóa". Mùi lành, chỉ cười, không biết giận, lại thật thà hỏi tại sao anh lại nghĩ thế. Tôi bảo tôi quen một anh khu Năm bộ đội phục viên lấy vợ làng Giá. Anh làm cán bộ thuế huyện, trông nom thu thuế chợ Sấu, chợ Giá. Vợ con, nhà cửa, vườn cây, ao cá tươm tất lắm.
Chúng tôi chạy máy bay Mỹ, trại sáng tác thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng mở ở làng Giá. Người xa cứ tưởng Sấu, Giá một làng, nhưng là hai làng ở gần nhau. Chỉ rượu bên Sấu cô tiếng ngon, nhưng đương cấm rượu. Anh cán bộ thuế đi bắt rượu bên Sấu, thỉnh thoảng đem một hai bi đông rượu về, đi cửa sau vào bán cho tôi. Tôi thấy anh ấy làm việc phải sức mà ung dung và tôi quen anh vì thế - tôi bảo Mùi. Mùi cười, lúng túng nói: “Tôi không biết uống rượu, anh ạ”
Mùi ít chữ, được cái chịu khó, không lên điệu vừa khoe vừa giấu dốt, như một số cán bộ tôi hay gặp luôn.
Bấy giờ tuyển công an không lấy người thành phố, mà đưa người quê Vĩnh Phúc vào và ở Thanh Hóa ra, có anh chưa trông thấy, chưa ngồi vào cái ghế sa lông bao giờ. Nhiều khi họ tỏ hăng hái nhất lại do một mưu mẹo khác. Cái dạo Kim Lân mấp mé phải lên thớt vì tập truyện ngắn Con chó xấu xí, Mùi hỏi tôi: - Anh có quen nhà văn Kim Lân không?
- Có.
- Hàng xóm tố cáo anh ấy nuôi con chó đặt tên là con chó xấu xi, cứ chửi cả ngày, như chửi người, thế thì chửi ai. Nhiều vấn đề lắm.
Tôi bảo:
- Không phải. Ông ấy viết một cái truyện ngắn tên là Con Chó Xấu Xí.
- Truyện ngắn chứ không phải người à?
- ừ
- Anh có truyện ngắn ấy không?
Cái người hàng xóm đi bô báo Kim Lân nuôi chó, chửi chó thì không phải bây giờ Mùi nói tôi mới biết.
Mà tôi biết cán bộ ấy trong nhiều cuộc họp đã phân tích và lên án dữ dội Con chó xấu xí. Anh là em sinh viên Nhung - người mà báo chí hôm đảo chính Nhật ca tụng Nhung đã cùng quân Nhật đánh thành Hà Nội, bị hy sinh. Em Đại Việt mà bây giờ là cán bộ ta phải gĩư bùa hộ mệnh thì chưa biết chính anh ta sẽ làm cho Con chó xấu xí đánh chết được thằng viết ra nó.
Chẳng thiếu những kẻ lý lịch phức tạp, dối trá công tác lôi thôi đứt đoạn đã lên gân đấu người khác hết cỡ hồi xảy ra việc Nhân Văn. Cũng là vậy thôi. Mùi còn ít tuổi. Tôi thương Mùi vì thật thà. Mùi cũng quen vợ tôi và biết tất cả các con tôi. Mùi đã hỏi tôi những cái mà chắc Mùi không dám hỏi ai. Phố xá đương nhộn lên chơi phong lan, cá vàng. Con cá vàng thì biết rồi, vì con Mùi hay mua cá vàng ở chợ về chơi. Nhưng phong lan thì chưa biết là cái gì. Mùi hỏi. Tôi không thạo chơi phong lan, nhưng ít ra tôi cũng cắt nghĩa cho Mùi về phong lan, lan gió, lan đất được. Một hôm, Mùi giơ cho tôi nhìn cái đầu mục một tờ báo Sài Gòn in to dòng chữ Phần văn luận trên đầu trang. Mùi băn khoăn: “Cái thằng Phần Văn Luận nghe quen quen, anh có biết nó không". Tôi nói: “Nó là tên mục, tên bài văn luận, xã luận, không phải tên người đâu”. Mùi lặng lẽ ghi vào sổ tay. Không biết thì hỏi, có người tin cậy để Mùi hỏi, Mùi lễ phép, tự nhiên. Thỉnh thoảng Mùi còn nhờ tôi nói về văn học nước ta, văn học thế giới, Mùi lại mở sồ tay và chăm chú nghe.
Mùi hay đóng bộ ka ki đại cán 1954 vàng xẫm may ở Thái Nguyên về tiếp quản Hà Nội, màu đã nhạt trắng. Việc gì cũng chỉ ngồi đến gần mười giờ, Mùi xem đồng hồ rồi đi. ở cửa hàng bia hơi phố Hàng Khay ra, tôi thấy Mùi đứng sắp hàng trưóc cái xe tải rau muống, rau dền, rau bí đương rỡ xuống hè phố Bà Triệu. Vợ Mùi làm nhà máy hoa quả, chắc là giờ đi làm của Mùi cao su hơn, có thể đỡ đần vợ được.
Mùi cười cười bắt tay tôi. Thấy công an cười, thế chắc chuyện vui thôi.
- Tôi đến xin hỏi anh một việc.
- Việc gì thế?
- Anh có quyển sách Bác sĩ Givago...
- ừ, nhưng không phải của tôi, mà cơ quan bảo giữ hộ.
- Vâng, cơ quan bảo anh giữ.
Tiểu thuyết đốc tờ Givago của Patecnăc dịch ra tiếng Pháp của nhà xuất bản Galima hay nhà Laphông, tôi không nhớ. Patenăc đã bị gạch tên hội viên hội nhà văn Nga và hội nhà văn Liên Xô. Patecnăc được giải Nôben văn học, nhưng không được ra nước ngoài dự lễ nhận thưởng. Lại ra tuyên bố báo chí “không thèm đi nhận". Những cái rắc rối ở bên Liên Xô, dẫu chưa tỏ tường ất giáp thế nào, nhưng cứ coi thế là có cái phải canh chừng ở đây. Cơ quan tôi được nhận một quyển tiểu thuyết Đốc tờ Givagô do trên phân phối.
Tự dưng lĩnh một quả bom, phải cất giấu sao cái của nợ này đây. Để ở thư viện không tiện, mà cái thư viện con con, không có tiêu chuẩn tiền mua sách, đâu biếu quyển nào thì có, cộng với một số quyển đem trên rừng Việt Bắc về đã cũ nát. Đôi khi, sứ quán Pháp cũng tặng sách, ôtô đưa đến cả ôm. Nhưng họ tinh ý, chỉ biếu các tuyển tập cổ điển Vônte, Coocnây... Không có sách mới, bây giờ bày của lạ này ra thì chắc thu hút tò mò ngay. Không để ở thư viện, mà cũng không thể cất ở đấy. Nhỡ mất thì khốn. Không biết ai đã có sáng kiến dưa cho tôi đem về giữ ở nhà.
Quyển Đốc tờ Givago li ti chữ dày năm sáu trăm trang, tôi cũng rọc vài tờ rồi bỏ trên giá sách. Vừa dài lại đọc khó, phải tra từ điển luôn.
Anh Mùi kể cho tôi biết:
- Hiện ở Hà Nội có một quyển Bác sĩ Đivago đương truyền tay nhiều người ở đâu ra, bọn phản động đưa lén lút trong Nam ra hay ở vali ủy ban Quốc Tế, tôi đi tìm...
Bây giờ hỏi tôi, chắc có ý nghi ngờ. Tôi nói:
- Tôi giữ quyển ấy đấy, nhưng tôi không cho ai mượn.
- Anh cho tôi mượn nhé.
Rõ ràng cách nói không tin và muốn kiểm tra. Tôi về nhà, hôm sau đưa quyển tiểu thuyết Đốc tờ Divagô cho Mùi. Quyển sách đã lâu để trên giá, bụi bậm cóc cáy mép sách như ám khói. Giấy búp phăng, không xén, tôỉ mới rọc mấy tờ đầu. Tôi gật gù khoái ngầm cái nghi kỵ của Mùi, nhưng cũng cẩn thận mở cho Mùi biết và cắt nghĩa thế nào là quyển sách chưa rọc và sách rọc giấy lờm xờm, lại qui hơn sách xén nhẵn.
Mùi nói:
- Cho tôi mượn quyển này vài hôm, anh nhé.
Mùi không biết tiếng Pháp, mà phải báo cáo, cho nên anh cẩn thận kỹ lưỡng hỏi tôi, chứ anh biết làm thế nào. Mấy hôm sau, Mùi đem sách đến trả tôi. Mùi nhìn quanh, trong phòng khách chỉ có hai chúng tôi, Mùi thì thào:
- ở Hà Nội chỉ có hai nơi được cỏ quyển sách này.
Cái quyển Bác sĩ Divago đương nhiều người truyền tay ấy là quyển sách ở thư viện trường Nguyễn ái Quốc này đấy, anh ạ.
Thế mới quái. Nhưng trước nhất chúng tôi bị nghi ngờ đã - không thể trường Đảng cẩn mật vững chãi lại để lọt sách xấu ra được. Mùi đưa trả tôi quyển sách chưa rọc. Mùi đã cho tôi biết rõ vậy, mà tôi nhìn mặt Mùi dường như ngờ ngợ chưa hẳn Mùi tin tôi. Có thể lắm. Hay chỉ là cảm tưởng thành kiến và hoang tưởng của tôi. Cũng như, ông cán bộ lập trường cứng cáp đương sửa soạn bài bản đánh truyện ngắn Con chó xấu xí mà tôi lại mách ông ấy là em thằng sinh viên phản động thân Nhật thì ai tin được tôi bởi không thể cái người vững vàng thế lại có liên quan xấu thế, thiếu lô dích tợn.
Mấy năm sau, có những dịp qua Matxcơva, các bạn chỉ cho tôi thấy cụ Patecnăc đến câu lạc bộ Hội Nhà Văn. Cụ già nhỏ nhắn, gầy gùa, đội mũ phớt, bước nhanh nhẹn. Cụ uống bia và vào phòng chơi bi a. Về khuya, các người đều chơi bi a ăn tiền. Nhớ đến chuyện vu vơ chúng tôi bị liên lụy vì tiểu thuyết của cụ, lại nghĩ cười, cười buồn. Suýt nữa chẳng phải đầu phải tai, chuyện ở xa thế, cụ không bao giờ có thể tưởng ra được.
Chiều Chiều Chiều Chiều - Tô Hoài Chiều Chiều