Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Nhi Nho
Số chương: 300
Phí download: 15 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 18606 / 850
Cập nhật: 2019-03-13 18:04:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần XV : Chương - 20
ừ cái buổi tối đầu tiên sau khi Piotr ra về, Natasa với nụ cười tinh nghịch vui vẻ nói với công tước tiểu thư Maria rằng Piotr trông hệt như người vừa mới tắm xong. Với chiếc áo đuôi én, với bộ tóc cắt ngắn từ giờ phút ấy có một cái gì thầm kín mà chính nàng cũng không biết, không sao cưỡng nổi, đã bừng tỉnh trong lòng Natasa.
Tất cả vẻ mặt dáng đi, khoé nhìn, giọng nói - Tất cả đều bỗng nhiên thay đổi trong người nàng. Những điều mà chính nàng cũng không ngờ tới, - Sức sống, những niềm hy vọng hạnh phúc - Đã trỗi dậy và đòi được thoả mãn. Từ tối hôm đầu, Natasa dường như đã quên tất cả những việc đã xảy ra đến với nàng. Từ buổi ấy, nàng không lần nào than phiền về cảnh ngộ của mình, không nói lấy một lời về d vãng và không còn sợ xây đắp những dự định vui vẻ cho tương lai. Nàng ít nói đến Piotr, nhưng khi tiểu thư Maria nhắc đến chàng, một ánh sáng đã tắt ngấm từ lâu bỗng dưng lại bừng sáng lên trong mắt nàng, và môi nàng mỉm cười một nụ cười kỳ lạ.
Sự thay đổi của Natasa thoạt tiên làm cho công tước tiểu thư Maria ngạc nhiên, nhưng khi nàng đã hiểu được ý nghĩa của sự thay đổi ấy, nó lại làm cho nàng phiền lòng. "Lẽ nào cô ấy yêu anh mình ít đến nỗi có thể quên chóng như vậy?" - Nữ công tước Maria tự nhủ mỗi khi ngẫm nghĩ về sự thay đổi đã diễn ra trong Natasa.
Nhưng khi ở bên cạnh Natasa thì tiểu thư không giận và không trách nàng. Cái sức sống mới bừng tỉnh dậy và đang khống chế Natasa rõ ràng là mãnh liệt, bất ngờ và không sao cưỡng nổi đối với chính bản thân Natasa, đến nỗi những khi có Natasa bên cạnh, tiểu thư Maria cảm thấy mình không có quyền trách móc nàng dù chỉ trong thâm tân cũng vậy.
Natasa buông mình theo tình cảm mới một cách trọn vẹn và chân thành đến nỗi nàng cũng không cố che dấu rằng bây giờ nỗi buồn đã nhường chỗ cho niềm vui.
Đêm hôm ấy, khi công tước tiểu thư Maria về phòng sau cuộc nói chuyện với Piotr, Natasa đón nàng trên ngưỡng cửa.
- Anh ấy nói rồi à? Đúng không? Anh ấy nói rồi à? - Natasa hỏi lại. Và một sắc thái vừa vui mừng vừa tội nghiệp, như van lơn bạn tha thứ cho nỗi vui mừng của mình, ngưng lại trên gương mặt Natasa.
- Em định đứng nghe lỏm ở ngoài cửa, nhưng em biết rằng chị sẽ nói lại với em.
Công tước tiểu thư Maria rất hiểu và rất cảm động trước đôi mắt của Natasa đang nhìn nàng, nàng rất thương xót khi thấy bạn xúc động như vậy, nhưng thoạt tiên những lời nói của Natasa vẫn làm cho công tước tiểu thư Maria chạnh lòng. Nàng nhớ đến công tước Andrey đến tình yêu của chàng.
"Nhưng biết làm thế nào được! Natasa không thể có cách nào khác". - Tiểu thư Maria thầm nghĩ, và với vẻ mặt buồn rầu và hơi nghiêm nghị, nàng thuật lại cho Natasa nghe tất cả Natasa điều mà Piotr đã nói với nàng. Nghe nói chàng sắp đi Petersburg, Natasa sửng sốt:
- Đi Petersburg? - nàng nhắc lại, tựa hồ như không hiểu. Nhưng nhìn vào vẻ mặt buồn rầu của tiểu thư Maria nàng đoán ra nguyên do khiến cho bạn buồn và bỗng khóc oà lên.
- Maria, - nàng nói, - chị hãy cho em biết nên thế nào, em sợ em xấu xa. Maria bảo gì, em cũng sẽ làm theo, bảo với em.
- Natasa yêu anh ấy chứ.
- Vâng, - Natasa thì thầm.
- Thế tại sao Natasa lại khóc. Mình mừng cho Natasa - công tước tiểu thư Maria nói, chỉ những giọt nước mắt ấy thôi cũng đã đủ cho nàng hoàn toàn tha thứ cho nỗi vui mừng của Natasa.
Sẽ còn lâu, sau này kia, Maria, chị thử nghĩ mà xem sướng biết chừng nào khi em sẽ là vợ anh ấy, còn chị thì lấy anh Nikolai.
- Natasa, mình đã xin Natasa đừng nói đến việc ấy. Chúng mình hãy nói đến Natasa thôi.
Hai người im lặng một lát.
- Nhưng tại sao lại phải đi Petersburg? - Natasa bỗng thốt lên, rồi tự mình vội vã, trả lời - Không, không, cần phải thế… Đúng không, Maria? Cần phải như thế…
Phần XVI -Chương -1 –
Bảy năm đã trôi qua kể từ những biến cố năm 1812 Đại dương lịch sử của châu Âu, sau cơn sóng gió ba đào, đã trở lại yên tĩnh. Nó có vẻ như đã lặng, nhưng những sức mạnh huyền bí thúc đẩy nhân loại (huyền bí bởi vì chúng ta không biết những quy luật quy định sự vận động của nó) vẫn tiếp tục tác động.
Tuy mặt biển lịch sử có vẻ im lìm, nhưng sự vận động của nhân loại vẫn tiếp tục không ngừng chẳng khác gì sự vận động của thời gian. Những nhóm người khác nhau tập hợp rồi lại phân tán, những nguyên nhân làm cho các quốc gia hình thành và tan rã, làm cho các dân tộc thiên di, vẫn đang dần dần được chuẩn bị.
Đại dương lịch sử không chuyển động thành từng đợt sóng xô từ bờ này sang bờ kia như trước: nó đang sôi sục ở tận dưới đáy sâu.
Các nhân vật lịch sử không bị sóng cuốn đi từ bờ này sang bờ kia như trước, bây giờ hình như họ quay tròn ở một chỗ. Các nhân vật lịch sử, trước kia, phản ánh ở cương vị tướng soái cuộc vận động của quần chúng bằng những mệnh lệnh chiến đấu, xung trận thì nay lại phản ánh sự vận động sôi sục này bằng những âm mưu chính trị và ngoại giao; bằng những đạo luật, những hiệp ước.
Các sử gia gọi hoạt động này của các nhân vật lịch sử là hành vi phản động.
Trong khi miêu tả hoạt động của các nhân vật lịch sử này, mà họ cho là nguyên nhân của cái gọi là hành vi phản động, các sử gia đã nghiêm khắc lên án họ. Tất cả các nhân vật nổi tiếng trong thời đại ấy kể từ Alekxandr và Napoléon cho đến De Stael, các ông Fotyux, Selling, Ficher, Satobrien v.v, đều bị họ phê phán nghiêm khắc và bị kết án hay được thanh minh tuỳ ở chỗ họ góp sức vào phe tiến bộ hay phe phản động.
Theo miêu tả của họ, trong thời kỳ ấy ở Nga cũng diễn ra những hành vi phản động mà người chủ mưu là Alekxandr mà chính họ đã miêu tả như là người thủ xướng những công cuộc có xu hướng tự do trong thời kỳ đầu của triều đại và là người đã cứu nước Nga.
Trong các sách vở của người Nga hiện nay, từ cậu học sinh trung học đến nhà sử học thông thái không ai không công kích Alekxandr về những hành động sai lầm của ông trong giai đoạn này.
"Đáng lý ông ta phải hành động thế này, thế nọ. Trong trường hợp này ông làm đúng, trong trường hợp kia ông làm sai " Ông đã xử sự rất tài tình trong thời gian đầu trị vì và năm 1812 nhưng ông đã hành động kém cỏi khi ban hành hiến pháp cho nước Ba Lan, thành lập Liên minh thần thánh, giao quyền cho Arakseyev, khuyến khích Golixyn và chủ nghĩa thần bí, và sau đó lại khuyến khích Siskoy và Fotyux. Ông ta làm sai khi giải tán trung đoàn Xemenovxki(1).
Phải mất hàng chục tờ giấy mới có thể kể hết những điều mà các sử gia đã trách cứ ông, căn cứ trên những hiểu biết của họ về hạnh phúc của nhân loại.
Những lời trách cứ kia có ý nghĩa gì?
Ngay cả những hành động của Alekxandr được các sử gia khen ngợi, chẳng hạn: những công việc có xu hướng tự do trong thời kỳ đầu triều đại, cuộc đấu tranh chống Napoléon, thái độ kiên quyết năm 1812 và cuộc viễn chinh năm 1813, chẳng qua cũng đều xuất phát từ những cội nguồn làm thành cái cá tính của Alekxandr huyết thống, giáo dục, sinh hoạt, và đồng thời cũng là những nguyên nhân làm nảy sinh những hành động mà các nhà sử học phê phán như thành lập Liên minh thần thánh, phục hồi nước Ba Lan, mưu mô phản động trong những năm hai mươi.
Vậy thì những lời trách cứ ấy thực chất là thế nào? Đó là: một nhân vật lịch sử như Alekxandr I, người đứng ở bậc thang cao nhất của quyền lực mà con người có thể đạt tới, có thể nói là đứng ở cái tiêu điểm sáng loà tập trung tất cả những luồng ánh sáng lịch sử, con người chịu ảnh hưởng mạnh nhất thế giới của những âm mưu, những sự dối trá, những lời nịnh hót, những ảo tưởng về mình, những điều vốn gắn bó khăng khít với quyền lực, con người mà phút nào cũng cảm thấy mình chịu trách nhiệm về tất cả những điều gì xảy ra ở châu Âu, lại không phải là một con người tưởng tượng ra mà là một con người có thật, sống như tất cả mọi người với những tập quán riêng, những dục vọng, những chí hướng vươn tới chân, thiện, mỹ, - con người ấy cách đây năm mươi năm không phải là không có đạo đức (các sử gia không chê trách ông về mặt này) nhưng ông ta không quan niệm hạnh phúc của nhân loại như một vị giáo sư ngày nay, tức là một người từ lúc còn trẻ đã nghiên cứu khoa học, tức là đọc sách, đọc những bài giảng và ghi những điều đã học trong sách và những bài giảng ấy vào một quyển vở.
Nhưng dù cứ cho Alekxandr cách đây năm mươi năm đã quan niệm sai về vấn đề hạnh phúc của các dân tộc thì như vậy vô hình chung cũng giả thiết rằng quan niệm về vấn đề này của nhà sử học hiện đang phê phán Alekxandr, ít lâu nữa cũng sẽ thành ra sai lầm.
Giả thiết này lại càng dĩ nhiên và tất yếu bởi vì nếu ta theo dõi sự phát triển của lịch sử, ta sẽ thấy rằng cứ mỗi năm, với mỗi tác giả mới, cái quan niệm về hạnh phúc của nhân loại lại thay đổi, như vậy là cái trước kia được xem là tốt thì mười năm sau sẽ là xấu và ngược lại. Không những thế, còn có thể thấy trong lịch sử nhiều quan điểm hoàn toàn đối lập cùng tồn tại một lúc về vấn đề cái gì là tốt cái gì là xấu có người cho việc Alekxandr ban hành hiến pháp cho nước Ba Lan và thành lập Liên minh thần thánh là một công lao, có người lại cho đó là một lỗi lầm.
Còn về hoạt động của Alekxandr và Napoléon thì không thể nào nói là có ích hay có hại, bởi vì chúng ta không thể nói nó có ích cho cái gì và có hại cho cái gì. Nếu hoạt động này không làm cho một người nào đấy vừa lòng, thì đó chẳng qua là nó không phù hợp với quan niệm của người đó về vấn đề thế nào là tốt. Dù tôi có quan niệm điều tốt đây là năm 1812 ngôi nhà của cha tôi ở Moskva vẫn được nguyên vẹn, hay là vinh quang của quân đội Nga, hay là sự phát triển của trường đại học Petersburg hay của các trường đại học khác hay là nền tự do của Ba Lan, hay là sự cường thịnh của nước Nga, hay là thế quân bình của châu Âu, hay là một hình thức khai hoá nào đó ở châu Âu mệnh danh là sự tiến bộ, thì tôi cũng cứ phải thừa nhận rằng hoạt động của bất kỳ nhân vật hch sử ngoài những mục đích này còn có những mục đích khác khái quát hơn và tôi không hiểu nổi.
Nhưng ta hãy thử giả thiết rằng cái gọi là khoa học có thể điều hoà mọi mẫu thuẫn và có một tiêu chuẩn cố định để đánh giá cái tốt và cái xấu đối với những nhân vật và những biến cố lịch sử.
Ta hãy giả thiết rằng Alekxandr lẽ ra có thể tiến hành mọi việc một cách khác. Ta hãy giả thiết rằng theo chỉ thị của những người trách cử ông, những người tự do biết được mục đích cuối cùng của sự vận động nhân loại, của tự do, blnh đẳng và tiến bộ (hình như không có cái gì mới hơn nữa) mà những người hiện nay trách cứ ông đã cấp cho ông. Ta hãy giả thiết rằng cái cương lĩnh ấy có thể thực hiện được, đã vạch xong và Alekxandr đã hành động theo cương lĩnh ấy. Nếu vậy, hoạt động của tất cả những người phản đối xu hướng đường thời của chính phủ (hoạt động mà các nhà sở gia cho là tốt và có ích) sẽ ra sao? Hoạt động ấy sẽ không có, sự sống sẽ không có, sẽ chẳng có gì hết.
Cho rằng sự sống của con người có thể tuân theo sự chỉ huy của lý trí tức là phủ nhận khả năng tồn tại của sự sống.
Chú thích:
(1) Một đơn vị cận vệ. Sau cuộc chiến tranh 1812, có một phong trào mạnh mẽ chống lại chế độ hà khắc trong quân đội. Trung đoàn Xemenovxki khởi nghĩa vào tháng 10 năm 1820 bị trấn áp dữ dội và bị giải tán
Chiến Tranh Và Hòa Bình Chiến Tranh Và Hòa Bình - Lev Tolstoy Chiến Tranh Và Hòa Bình