Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: George Sand
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2155 / 27
Cập nhật: 2015-09-16 22:07:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
hi sir Ralph đi săn trở về và đến gần Indiana, thăm mạch cho nàng như thường lệ thì raymon chăm chú quan sát họ, nhận thấy vẻ ngạc nhiên và vui thích khó nhận thấy trên nét mặt hiền hòa của Ralph. Rồi, do một ý nghĩ bí mật nào không rõ, luồng mắt hai người gặp nhau, cặp mắt sáng màu của Ralph như mắt cú dán vào đôi mắt đen của Raymon, khiến anh ta bất giác cúi gằm mặt xuống. Suốt ngày hôm đó, thái độ của huân tước đối với Indiana, bề ngoài như thản nhiên, nhưng vẫn lộ ra một vẻ chăm chú, một cái gì mà người ta có thể gọi là sự quan tâm hay chăm sóc, nếu như gương mặt có khả năng phản ánh một tình cảm nhất định. Nhưng Raymon hoài công cố tìm đọc ý nghĩ của Ralph xem anh chàng có sợ hãi hay hy vọng gì không. Vẻ ngoài của Ralph không biểu lộ ý tứ gì.
Bỗng nhiên, đứng cách vài bước sau ghế của bà Delmare, Raymon nghe thấy Ralph khe khẽ nói với nàng:
- Này cô em, ngày mai cưỡi ngựa một chút thì tốt đấy.
- Nhưng anh biết là hiện thời em không có ngựa mà - nàng trả lời.
- Chúng tôi sẽ tìm cho em một con. Em có muốn đi săn với chúng tôi không?
Bà Delmare tìm cớ này cớ nọ để thoái thác. Raymon hiểu là nàng muốn ở lại với anh hơn, nhưng anh ta dường như cũng nhận thấy rằng người anh họ nài ép nàng một cách lạ lùng, để nàng đừng ở lại. Raymon lập tức rời khỏi nhóm người đang chuyện trò với anh ta, tới chỗ nàng và ra sức vào hùa với sir Ralph. Anh ta bực với Ralph, ành chàng cứ như một bà già ráo riết canh giữ Indiana, và Raymond quyết làm cho việc coi giữ của anh chàng này thành một khổ hình.
- Nếu bà thuận đi săn - anh ta nói với Indiana - bà sẽ làm cho tôi mạnh dạn theo gương bà. Tôi chẳng thiết đi săn lắm, nhưng để có được cái hạnh phúc làm giám mã cho bà...
- Nếu vậy thì tôi sẽ đi - Indiana trả lời bộp chập.
Nàng trao đổi một cái nhìn tinh ranh với Raymon; nhưng dù là cái nhìn rất nhanh, Ralph chộp được ngay, và suốt buổi tối, Raymon không thể nhìn nàng hay nói với nàng một lời mà tránh được tai mắt của Ralph. Một cám giác thù ghét và ghen tuông dậy lên trong tâm hồn anh ta. Người anh họ, người bạn của gia đình này có quyền gì tự coi mình là người dạy dỗ người phụ nữ mà chàng ta yêu? Raymon thề rằng sir Ralph rồi sẽ phải hối hận về điều đó và tìm cơ hội chọc tức Ralp mà không làm hại đến bà Delmare, nhưng đấy là việc không thể làm được. Sir Ralph tiếp khách với thái độ lịch sự và trang trọng lạnh lùng, không để ai có cớ gì châm chọc hay dị nghị.
o O o
Hôm sau, trước khi có hiệu báo thức, Raymon thấy chủ nhà vào buồng mình với dáng vẻ trịnh trọng. Phong thái của ông ta có cái gì căng thẳng hơn thường lệ. Raymon cảm thấy tim đập mạnh vì nóng lòng chờ mong một sự thách thức. Nhưng đấy chỉ là chuyện con ngựa cưỡi mà Raymon đã đem đến Bellerive và đã ngõ ý muốn bán. Trong năm phút, việc mua bán xong xuôi, sir Ralph không hề kỳ kèo gì về giá cả và rút trong túi ra một bọc tiền vàng mà anh đếm ngay trên lò sưởi với vẻ lạnh lùng rất kỳ lạ, không buồn để ý đến lời phản đối của Raymon về sự kỹ tính đến như thế. Rồi khi đi ra, Ralph quay lại nói với Raymon:
- Thưa ông, con ngựa từ hôm nay là của tôi.
Raymon có cảm giác rằng đấy là Ralph cố ý làm cho anh ta không đi săn được, vì thế anh ta tuyên bố khá khô khan rằng anh ta không dự định chạy bộ đi săn.
- Thưa ông - Ralph đáp, giọng hơi kiểu cách - tôi biết quá rõ luật lệ của lòng mến khách...
Và anh đi ra.
Khi xuống dưới hàng cột mặt nhà, Raymon thấy bà Delmare cưỡi ngựa, hai chân buông về một bên, vui vẻ đùa với con Ophelia đang cắn xé chiếc mui xoa bằng vải phin lanh của nàng. Má nàng đã lại ửng hồng, mắt long lanh ánh tinh nhanh đã mất từ lâu. Nàng lại trở nên xinh đẹp; những búp tóc đen xổ ra dưới chiếc mũ nhỏ, mũ và tóc như thể làm cho nàng càng kiều mị hơn, chiếc áo dạ cài cúc từ trên xuống dưới càng tôn thêm thân hình mảnh mai và mềm mại của nàng. Theo tôi, cái có sức cám dỗ nhất ở phụ nữ Creole là những đường nét cực kỳ thanh nhã của họ và dáng hình cân đối khiến họ giữ được rất lâu vẻ đáng yêu của tuổi thơ. Indiana tươi cười và nghịch ngợm, lúc này nom như mới mười bốn tuổi.
Raymon sửng sốt vì vẻ duyên dáng của nàng, cảm thấy hân hoan đắc thắng và nói với nàng những lời ca ngợi ít nhạt nhẽo nhất mà anh ta có thể tìm ra được về nhan sắc của nàng.
- Ông lo ngại về sức khỏe của tôi - nàng nói rất khẽ - chẳng lẽ ông thấy tôi muốn sống sao?
Anh ta chỉ có thể đáp lại nàng bằng cái nhìn hạnh phúc và biết ơn.
Sir Ralph tự tay đidắt con ngựa của cô em họ đến. Raymon nhận ra con ngựa anh ta vừa bán.
- Ô hay - bà Delmare nói với giọng ngạc nhiên, hôm trước nàng đã thấy người ta thử con ngựa trong sân lâu đài - Ông de Ramière có nhã ý cho tôi mượn con ngựa của ông ư?
- Hôm qua chẳng phải cô đã mê thích dáng đẹp và tính dễ bảo của con vật này sao? - Sir Ralph nói với nàng - Từ hôm nay nó là của cô. Cô em thân mến, tôi rất phiền lòng đã không thể tặng cô sớm hơn.
- Anh trở nên thích pha trò, ông anh của tôi ạ - bà Delmare nói - Tôi chẳng hiểu gì về trò bông đùa đó. Tôi phải cám ơn ai đây, ông de Ramière đã có lòng cho tôi mượn con ngựa của ông, hay cảm ơn anh đã hỏi mượn ông ấy?
- Phải cám ơn ông anh họ của mình - ông Delmare nói - anh ấy đã mua con ngựa này tặng mình đấy.
Thật thế không, Ralph tốt bụng của tôi? - bà Delmare vừa nói vừa vuốt ve con vật to đẹp với vẻ vui sướng của cô bé lần đầu tiên được nhận món đồ trang sức.
- Thì ta đã thỏa thuận với nhau rằng tôi sẽ tặng cô con ngựa để đền đáp lại tấm bọc ghế mà cô thêu cho tôi mà. Lên ngựa đi, đừng sợ gì cả. Tôi đã xem xét kỹ tính nết nó rồi, sáng nay tôi còn cưỡi thử nữa kìa.
Indiana bá lấy cổ Ralph, rồi nhảy lên con ngựa của Raymon, mạnh dạn điều khiển nó vờn nhảy.
Tất cả cảnh trong gia đình đó diễn ra trong góc sân, dưới mắt Raymon. Anh ta bực tức ghê gớm khi thấy tình thân thương giản dị và tin cậy của hai người này diễn ra trước mắt anh ta, mà anh ta thì yêu say đắm và chưa có lấy một ngày trọn vẹn chỉ riêng mình anh ta với Indiana.
- Tôi sung sướng biết bao! - nàng nói với anh ta, gọi anh ta đến khi họ vào con đường giữa hai hàng cây - Hình như anh Ralph tốt bụng đã đoán ra món quà có thể là quý giá nhất đối với tôi. Còn ông Raymon ạ, chẳng lẽ ông không vui sướng thấy con ngựa ông vẫn cưỡi bây giờ là của tôi? Ồ, nó sẽ là vật tôi yêu thích trìu mến đặc biệt! tên nó là gì nhỉ? Tôi không muốn nó mất cái tên đã được ông đặt cho.
- Ở đây nếu có người nào hạnh phúc - Raymon đáp - thì đó là người anh họ của em, người đã tặng em món quà và được em ôm hôn vui vẻ như thế.
- Có thật là tình bạn của chúng tôi và những cái hôn kiểu ấy làm ông ghen chăng? - nàng vừa cười vừa nói.
- Có lẽ tôi ghe đấy, Indiana ạ; tôi không biết. Nhưng khi ông anh họ trẻ trung hồng hào đặt môi ông ta lên môi em, khi ông ta ôm lấy em để đặt lên lưng con ngựa mà ông ta tặng em và tôi bán cho em, thì thú thật là tôi đau khổ. Không, Indiana ạ, tôi không hạnh phúc vì thấy em là chủ con ngựa mà tôi ưa thích. Tôi hiểu rõ người ta hạnh phúc vì tặng quà cho em; nhưng giữ vai trò người bán hàng cung cấp cho kẻ khác phương tiện để thích thú thì đấy là cách hạ nhục mà sir Ralph đã sắp đặt một cách tinh vi. Nếu tôi không cho rằng anh ta nảy ra ý nghĩ ấy không phải là có chủ tâm thì hẳn là tôi sẽ tìm cách trả thù.
- Chết nỗi! Sự ghen tuông đó không xứng với ông! Làm sao sự thân mật thường tình của chúng tôi có thể khiến ông ghen tị được, đối với tôi ông phải là người ở ngoài đời sống thông thường và tạo cho tôi một thế giới thần tiên lạ kỳ, chỉ riêng ông có thể làm như thế! Tôi thấy hài lòng về ông rồi đấy, ông Raymon ạ. Tôi thấy lòng tự ái của ông bị tổn thương nên ông hằn học với ông anh họ tội nghiệp của tôi. Tôi có cảm tưởng rằng ông coi những tình cảm đầm ấm biểu hiện công khai của tôi đối với anh ấy đáng giá hơn mối tình chuyên nhất mà tôi thầm lén dành cho một người khác.
- Xin lỗi! Xin lỗi! Indiana, tôi lầm. Tôi không xứng với em, một thiên thần hiền dịu và tốt bụng. Nhưng thú thật, tôi đau khổ ghê gớm về những quyền mà ông ta cho là đã giành được cho mình.
- Giành được! Cho anh ấy! Ông Raymon, ông không biết chúng tôi mang trong lòng niềm biết ơn thiêng liêng như thế nào đối với anh ấy ư? Ông không biết rằng mẹ anh ấy là chị của mẹ tôi, chúng tôi cùng sinh ra tại một vùng thung lũng, thời niên thiếu anh ấy đã che chở cho những năm thơ dại của tôi, anh ấy đã từng là chỗ dựa duy nhất của tôi, người thầy duy nhất của tôi, người bạn đồng hành duy nhất của tôi trên đảo Bourbon, anh ấy đã theo tôi đi khắp nơi. Anh ấy đã rời bỏ quê hương mà tôi rời bỏ để đến ở nơi tôi đang ở. Tóm lại đấy là người duy nhất yêu tôi và chăm lo đến cuộc đời tôi.
- Thật là trời trừng phạt! Tất cả những điều em nói làm nhiễm độc thêm vết thương của tôi, Indiana! Vậy là anh chàng người Anh ấy yêu em lắm phải không? Em có biết tôi yêu em đến chừng nào không?
- A, đừng so sánh. Nếu một tình yêu cùng loại làm cho các anh trở nên kình địch với nhau thì tôi phải thiên về tình cảm nào lâu năm hơn. Nhưng đừng lo gì hết, Raymon ạ, tôi không bao giờ đòi hỏi anh yêu tôi như kiểu tình yêu của Ralph.
- Hãy nói rõ cho tôi về con người đó, tôi van em đấy. Ai mà có thể thâm nhập vào sau cái mặt nạ bằng đá của anh ta?
- Tôi lại phái chính mình khen ngợi ông anh họ của tôi sao? - nàng mỉm cười - Thú thật là tôi rất không muốn miêu tả anh ấy. Người như anh ấy, tôi e rằng ông chẳng ưa gì lắm. Ông hãy tha thứ giúp tôi một chút. Để xem ông hình dung anh ấy thế nào?
- Mặt anh ta, xin lỗi nếu tôi làm em phật lòng, cho thấy anh ta là một con người hoàn toàn vô tích sự. Tuy nhiên lời lẽ của anh ta thể hiện lương tri và học vấn, khi anh ta chịu mở miệng nói. Nhưng anh ta luận bàn một cách khó nhọc, lạnh lùng đến nỗi kiến thức của anh chẳng có lợi cho ai, còn cách nói của anh ta làm người nghe phát ớn và mệt mỏi. Lại nữa, trong ý nghĩ của anh ta có cái gì nhàm chán và nặng nề đến nỗi cách diễn đạt trong sáng và rành mạch cũng không gỡ lại được. Tôi cho rằng đấy là một tinh thần nhiễm đầy những ý tưởng mà người ta đã nhồi cho, và đầu óc anh ta đã quá vô tình và quá tầm thường để có thể biến chúng thành ý tưởng riêng của mình. Chính người như thế lại được xã hội coi là một đầu óc nghiêm chỉnh. Vẻ trang nghiêm tạo nên ba phần tư giá trị của anh ta, sự lãnh đạm bổ sung nốt phần còn lại.
- Bức chân dung ông vẽ ra có một phần thật nhưng cũng có phần thành kiến - indiana đáp - Ông phán quyết quá mạnh bạo về những hồ nghi mà tôi không dám quyết, dù tôi biết anh ấy từ lúc tôi ra đời. Quả thật hiếu sót lớn của anh ấy là thường nhìn mọi việc bằng con mắt của người khác, nhưng tôi không phải ở trí tuệ của anh ấy, mà ở sự giáo dục. Ông cho rằng nếu không được giáo dục thì anh ấy hoàn toàn là con số không. Tôi cho rằng không có sự giáo dục thì anh ấy lại khá hơn. Tôi phải nói cho ông biết một hoàn cảnh đặc biệt trong đời anh ấy, để ông hiểu rõ hơn tính cách của anh ấy. Rủi một điều là anh ấy có một người anh trai àm cha mẹ công nhiên tỏ ra yêu mến hơn anh ấy, người anh của Ralph có tất cả các tư chất lỗi lạc mà anh ấy không có. Người anh học hành một cách dễ dàng, có khiếu về tất cả các loại nghệ thuật, trí tuệ sắc sảo, mặt người anh đường nét không đều đặn như mặt Ralph, giàu sức biểu hiện hơn. Anh ta dịu dàng, ân cần, năng nổ, tóm lại là đáng yêu. Ralph thì trái lại, vụng về, ưu sầu, ít cởi mở. Ralph ưa cô độc, học hâm hiểu, không tìm cách phô trương những kiến thức ít ỏi của mình. Cha mẹ thấy anh ấy thua kém người anh như vậy, nên xử tệ với anh ấy. Thậm chí còn lăng nhục anh ấy. Vì thế, mặc dù còn thơ bé, anh ấy đã trở nên ủ rũ và hay mơ mộng, tính rụt rè không sao khắc phục được làm tê liệt mọi khả năng của anh ấy. Người ta đã làm cho anh ấy ghét chính bản thân mình. Anh ấy mất lòng tin vào cuộc đời, và từ năm mười lăm tuổi, anh ấy đã đâm ra chán đời, ốm yếu về thể lực dưới bầu trời sương mù của nước Anh, ốm yếu về tinh thần dưới bầu trời đầy sức sống của đảo Bourbon. Anh ấy thường kể với tôi là có lần anh ấy đã rời khỏi nhà, quyết ý gieo mình xuống biển. Nhưng, lúc đó ngồi trên bãi cát sỏi, tập trung mọi ý nghĩ để thực hiện ý định ấy, anh ấy nhìn thấy tôi trên tay người vú nuôi da đen đang đi về phía anh ấy, hồi đó tôi năm tuổi. Tôi xinh đẹp như anh ấy nói, và đối với người anh họ lầm lì của tôi, tôi có vẻ yêu mến anh đặc biệt, chưa từng ai tỏ ra như thế. Quả thật là anh sắn sóc chiều chuộng tôi rất mực, ở nhà cha mẹ, tôi không quen được săn sóc chiều chuộng như thế. Cả hai chúng tôi đều bất hạnh, chúng tôi đã hiểu nhau. Anh dạy tôi tiếng mẹ đẻ của anh, tôi cũng bập bẹ dạy anh tiếng mẹ đẻ của tôi. Sự pha trộn chất Tây Ban Nha có chất Ăng-lê ấy có lẽ là đặc điểm tính cách của anh ấy. Khi tôi ôm lấy cổ anh, tôi thấy anh khóc, và chẳng hiểu tại sao tôi cũng khóc. Khi đó anh ôm ghì tôi vào ngực và ngay lúc đó, anh đã thề sẽ sống bên tôi, đứa trẻ bị bỏ rơi, nếu không phải là bị ghét bỏ, mà tình bạn của anh sẽ tốt cho nó và cuộc đời anh sẽ có lợi cho nó. Như vậy tôi là sợi dây gắn bó đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời buồn rầu của anh. Từ ngày đó, chúng tôi hầu như không xa rời nhau nữa. Chúng tôi sống những ngày tự do và thánh thiện trong chốn núi non cô tịch. Nhưng có lẽ những chuyện ấy về thời thơ ấu của chúng tôi khiến ông chán ngán và ông thích cho ngựa phi nước đại, gia nhập cuộc săn hơn.
- Em điên rồi!... - Raymon vừa nói vừa nắm lấy dây cương ngựa bà Delmare đang cưỡi.
- Thế thì tôi kể tiếp - nàng nói - Edmon Brown, người anh của Ralph, chết năm hai mươi tuổi; mẹ anh chết vì đau buồn, bố anh không sao khuây khỏa được. Ralph muốn làm dịu bớt nỗi đau của ông, nhưng thái độ lạnh lùng của ông đáp lại những cố gắng đầu tiên của Ralph càng làm cho anh vốn nhút nhát lại càng nhút nhát thêm. Ralph lẳng lặng ngồi hàng giờ bên ông già sầu não, không dám nói với ông lấy một lời dịu dàng, chỉ sợ những lời an ủi của mình không đúng lúc và vô ích. Cha anh kết tội anh không có tình cảm, cái chết của Admon làm cho Ralph tội nghiệp càng bất hạnh và ít được chú ý hơn bao giờ hết. Tôi là nguồn an ủi duy nhất của anh.
- Tôi không thể thương anh ta được, dù em có nói thế nào đi nữa - Raymon ngắt lời - Nhưng trong đời anh ta và đời em có một cái gì mà tôi không thể giải thích được: ấy là tại sao anh ta không lấy em làm vợ?
- Tôi sẽ cho ông biết một lý do rất xác đáng - nàng nói tiếp - Khi tôi đến tuổi lấy chồng, Ralph hơn tôi mười tuổi (đấy là sự chênh lệch về tuổi rất lớn với khí hậu vùng chúng tôi, nơi mà cô bé sớm trở thành phụ nữ), thì Ralph đã có vợ.
- Sir Ralph góa vợ rồi ư? Tôi chưa bao giờ nghe nói về vợ ông ta.
- Đừng bao giờ nói với anh ấy về chuyện đó. Chị ấy trẻ, đẹp và giàu; nhưng chị ấy yêu Esmond; chị đã hẹn ước với anh ấy; thế rồi vì lợi ích và những điều tế nhị của gia đình mà chị phải lấy Ralph, chị ấy không hề che giấu sự oán ghét của mình. Anh ấy đành phải cùng chị ấy sang Anh. Sau khi vợ chết, anh trở về đảo Bourbon thì tôi đã lấy ông Delmare và sang châu Âu. Ralph thử sống một mình, nhưng sự cô đơn lại càng làm anh khổ sở hơn. Mặc dù không bao giờ anh nói về vợ anh, tôi có đủ căn cứ để tin rằng trong đời sống vợ chồng, anh còn bất hạnh hơn là sống trong nhà cha mẹ, và những kỷ niệm đau đớn thường trở lại càng làm trầm trọng thêm sự u sấu tự nhiên của anh. Anh lại đâm ra chán đời. Thế là anh bán những đồn điền cà phê và sang Pháp ở. Cái cách anh ấy giới thiệu mình với chồng tôi thật là độc đáo, nó có thể làm tôi buồn cười, nếu như tình cảm quyến luyến của Ralph đáng trọng không làm tôi xúc động:
"Thưa ông - anh nói với chồng tôi - tôi yêu vợ ông; chính tôi đã giáo dục cô ấy; tôi coi cô ấy như em gái tôi, hơn nữa, như con gái tôi. Đấy là người họ hàng duy nhất còn lại của tôi và tình cảm quyến luyến duy nhất của tôi. Ông xét xem có thể được không nếu tôi đến ở hẳn với vợ chồng ông và chúng ty cùng sống chung với nhau? Nghe nói ông có phần hay ghen, nhưng cũng rất trọng danh dự và trung thực. Tôi sẽ cam đoan với ông rằng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ yêu cô ấy như yêu một phụ nữ, như vậy ông có thể yên tâm coi tôi thật sự như anh vợ của ông. Có phải thế không, thưa ông"?
Ông Delmare, vốn rất tự hào về tính trung thực quân nhân nổi tiếng của mình, tiếp nhận lời tuyên bố thẳng thắn đó với thái độ tin cậy có phần tỏ ra lộ liễu. Tuy nhiên, ông đã cần nhiều tháng chú ý xem xét để lòng tin cậy ấy có quả đúng như là ông đã bày tỏ. Bây giờ lòng tin cậy ấy không gì lay chuyển được, cũng như tấm lòng thủy chung và ôn hòa của Ralph.
- Indiana - raymon nói - vậy em còn tin chắc rằng sir Ralph không tự dối mình chút nào khi cam đoan rằng anh ta chưa từng yêu em bao giờ không?
- Năm tôi mười hai tuổi thì Ralph rời đảo Bourbon để theo vợ sang Anh. Khi anh ấy trở lại thì tôi đã mười sáu tuổi và đã lấy chồng, anh ấy tỏ ra vui mừng hơn là buồn rầu. Bây giờ Ralph già hẳn rồi.
- Ở tuổi hai mươi chín.
- Xin đừng cười. Nom mặt anh ấy còn trẻ, nhưng trái tim anh ấy đã mòn mỏi vì đau khổ nhiều, và Ralph không còn yêu ai nữa, để khỏi phải đau khổ thêm nữa.
- Ngay cả yêu em?
- Ngay cả tôi. Tình bạn của anh ấy chẳng qua là một thói quen, đấy là một tình bạn hào hiệp khi anh ấy che chở vào giáo dục tôi thuở còn thơ ấu, hồi đó tôi yêu anh ấy như anh ấy yêu tôi bây giờ. Bây giờ tôi tận tình trả lại món nợ trước kia, và tôi cố tìm mọi cách tô điểm cho đời anh ấy, để anh ấy đỡ buồn tẻ. Nhưng, lúc còn bé, tôi yêu anh ấy bằng bản năng hơn là bằng trái tim. Anh ấy cần tôi vì tôi hầu như là người duy nhất yêu anh ấy, bởi vì hiện nay ông Delmare cũng mến anh, nên anh yêu ông ấy cũng gần như yêu tôi. Ngày xưa, anh ấy hết sức can đảm che chở cho tôi trước sự chuyên chế của cha tôi, thì bây giờ đấy là sự che chở điềm đạm và khôn khéo giúp tôi tránh được ách chuyên chế của chồng tôi. Anh ấy không tự trách mình nhìn thấy tôi đau khổ, miễn là tôi ở bên anh ấy; anh ấy không tự hỏi tôi có bất hạnh không, anh ấy chỉ cần nhìn thấy tôi vẫn sống. Anh ấy không muốn bênh vực tôi để tôi đỡ đau buồn mà lại đâm ra bất hòa với chồng tôi, vì như vậy sẽ làm cho anh ấy mất thanh thản. Vì cứ nghe người ta nói đi nói lại mãi là trái tim anh khô khan, anh đâm ra tin như thế, thế là do thiếu tin ở mình, anh để cho nó ngủ luôn đi. Tình mến thương của người khác có thể làm cho con người như thế phát triển, nhưng không có được tình mến thương đó, anh héo hắt đi. Bây giờ, anh coi hạnh phúc là sự thư thái, lạc thú là được sống dễ chịu. Anh không lo lắng gì và cũng không để ý gì đến những lo lắng của người khác. Phải nói rằng Ralph là người ích kỷ.
- Vậy thì càng tốt - Raymon nói - Tôi không còn e sợ anh ta nữa. Và nếu em muốn, tôi còn yêu anh ta nữa kìa.
- Phải đấy, hãy yêu anh ấy, ông Raymon ạ - nàng trả lời - Anh ấy sẽ cảm thấy ngay điều đó. Còn về phần chúng ta, chẳng bao giờ chúng ta bận tâm xem vì sao người ta yêu chúng ta, điều cần nhất là yêu như thế nào. Hạnh phúc thay cho người được yêu, bất kể vì lý do gì.
- Điều em vừa nói, Indiana ạ - Raymon nói, đồng thời quàng tay ôm lấy tấm lưng mềm mại và mảnh dẻ - là lời than thở của một trái tim cô đơn và buồn khổ. Nhưng với tôi, tôi muốn em biết tại sao tôi yêu và yêu như thế nào, nhất là tại sao.
- Để đem lại hạnh phúc cho em phải không? - nàng nói, nhìn anh ta bằng cặp mắt buồn rầu và say mê.
- Để đem lại cho em sự sống - Raymon nói và chạm môi vào làn tóc bay lất phất của Indiana.
Hồi kèn hiệu ở gần đấy nhắc họ phải ý tứ. Không biết có phải là sir Ralph đã nhìn thấy họ hay không.
Chỉ Còn Lại Tình Yêu Chỉ Còn Lại Tình Yêu - George Sand Chỉ Còn Lại Tình Yêu