There is no way to happiness - happiness is the way.

There is no way to happiness - happiness is the way.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Thái Trí Hằng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Wasabee
Biên tập: Xuân Hồng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1740 / 30
Cập nhật: 2017-01-29 18:11:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
m như hạt cà phê, luôn sẵn sàng tan thành bột mịn
Anh yêu hỡi, hãy nghiền mịn em ra
Nước mắt tràn dâng của em, sẽ lắng thành những giọt nóng bỏng
Hoà tan nỗi nhớ anh, hoá chút vị ngọt ngào
Rót đầy một ly cà phê
Cùng anh trải qua, những đêm dài không ngủ
Đã đến Đài Trung, đây là quê hương của Thuyên.
Bây giờ Thuyên có ở Đài Trung không?
Có thể là do tâm lý, vai phải lại cảm thấy một cơn đau nhức.
Bởi vì tôi nghĩ tới Thuyên.
Từ sau khi bị thương, vai phải của tôi vẫn chưa hoàn toàn bình phục.
Chỉ cần viết lách lâu, hoặc cầm vật nặng, sẽ cảm thấy đau âm ỉ.
Còn nữa, nếu nghĩ tới Thuyên, sẽ cảm thấy có lỗi với tấm lưng run rẩy của Minh Thanh.
Vì thế vai phải cũng sẽ đau theo.
Những dòng chữ về hạt cà phê trên điếu thuốc thứ bảy, khiến tôi bỗng cảm thấy rất muốn uống một ly cà phê nóng.
Nhưng bây giờ đang ở trên tàu hoả, tìm đâu ra cà phê nóng bây giờ?
Mà đối với tôi, cái loại cà phê hoà tan 3 trong 1 chỉ cần ngâm nước sôi một phút là uống được luôn, chẳng có gì khác với các loại đồ uống thông thường khác.
Quen với Thuyên, là lúc tôi uống cà phê ác liệt nhất.
Đại khái là khoảng học kỳ hai của năm thứ hai khi học nghiên cứu sinh, giai đoạn chuẩn bị luận văn tốt nghiệp tất bật nhất.
Khi đó hễ bước vào phòng nghiên cứu, việc đầu tiên là xay cà phê, thêm nước, đun cà phê.
Ngày nào cũng phải uống ít nhất hai ly cà phê, không ngày nào không.
Những ngày không uống cà phê, cũng giống như đi giày mà không đi tất, cứ kỳ kỳ.
Thói quen uống cà phê này, kéo dài suốt ba năm.
Đến tận tháng Bảy năm ngoái, tới Đài Bắc làm việc, mới coi như cai hoàn toàn.
Đầu năm nay đọc được truyện Cà phê Ireland của Thái Đầu gấu, lại gợi lên mong muốn uống cà phê của tôi.
Viết email hỏi gã, gã trả lời gã uống được cà phê Ireland ở Đài Nam, chứ không phải ở Đài Bắc như trong truyện viết.
Gã cũng nhấn mạnh, chỉ cần là cà phê Ireland chính cống, thì uống ở đâu cũng như nhau.
Cà phê Ireland tôn sùng tự do, đương nhiên sẽ không bị giới hạn ở việc được thưởng thức ở quán nào.
Cuối thư gã còn tái bút thêm một đoạn, gã nói đối với gã, cà phê Ireland có ý nghĩa.
Nhưng với người khác, có lẽ đó chỉ là một loại cà phê mà thôi, chẳng có gì ghê gớm.
So với việc muốn uống loại cà phê Ireland thuộc về người khác, chẳng thà tìm cho mình trà sữa trân châu thuộc về chính mình, hoặc là Cocacola cũng được.
Cũng như cành tầm gửi mà Minh Thanh tặng tôi, nó có ý nghĩa rất lớn với tôi.
Nhưng trong mắt những người khác, có lẽ chỉ là một cành khô màu vàng mà thôi.
Minh Thanh nói rất đúng, cây tầm gửi rời khỏi cây chủ, cành cây khô héo sẽ dần chuyển thành màu vàng kim.
Tôi nghĩ, tôi khi vừa mới tới Đài Bắc, có lẽ chính là một cành tầm gửi khô héo.
Thứ người khác tìm kiếm là đồ uống, thứ tôi tìm, lại là một cây chủ mới.
Nhưng với một cành tầm gửi đã khô héo, cho dù tìm được ký chủ mới, cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Từ Đài Bắc tới Đài Trung, tôi đã ngồi tàu hoả suốt hai tiếng bốn mươi lăm phút.
Có lẽ không thể nói là “ngồi”, vì tôi toàn đứng hoặc ngồi xổm.
Rất mệt mỏi.
Có điều tôi không biết sự mệt mỏi này, là vì ngồi tàu?
Hay là vì ký ức?
Sự mệt mỏi này khiến tôi nhớ tới những ngày mới bắt đầu làm nghiên cứu sinh.
Sau khi thi đỗ vào viện nghiên cứu, thói quen sinh hoạt bắt đầu thay đổi.
Tôi, Bách Sâm, anh Tử Nghiêu và chị Tú Chi vẫn ở chỗ cũ, Tôn Anh và Minh Thanh dọn ra ngoài Thắng Cửu.
Tôn Anh thuê một căn hộ nhỏ gần chỗ làm.
Minh Thanh dọn vào ký túc Thắng Lục, đó là khu ký túc của nghiên cứu sinh, không có giờ giới nghiêm.
Tôn Anh đã chia tay cuộc đời học sinh, rất ít khi liên hệ với bọn tôi.
Ít như hàm răng bà lão tám mươi.
Nhưng sự liên hệ ít ỏi này cũng giống như những truyện ngắn mà Tôn Anh viết, tuy ngắn gọn, nhưng mạnh mẽ.
Sức mạnh ấy cơ hồ đã lay động cả cuộc đời tôi.
Tôi quen với Thuyên, là nhờ Tôn Anh.
Thực ra Tôn Anh là một cô gái rất tốt, đôi lúc hơi nghiêm túc, nhưng lại rất chính trực.
Tôi đã từng tưởng rằng giữa Tôn Anh và Bách Sâm sẽ có gì đó.
“Tớ và Tôn Anh, giống bà mẹ nghiêm khắc với thằng con ngỗ nghịch, không hợp đâu.” Bách Sâm nói.
“Nhưng tớ cảm thấy Tôn Anh rất được.”
“Cô ấy rất được, tiếc là đầu không được tròn.”
“Cậu nói gì thế?”
“Mình muốn tìm người tâm đầu ý hợp, đầu cô ấy không tròn, dĩ nhiên là không tâm đầu rồi.”
Tôi cảm thấy rất tò mò, từ thời đại học, Bách Sâm đã luôn được con gái ưa thích.
Nhưng lại chưa từng có bạn gái.
Bách Sâm là tuýp người hiểu rất rõ bản thân mình thích một người con gái như thế nào.
Nếu gặp được cô gái mình thích, cậu ấy nhất định sẽ không do dự.
Chẳng qua cái nếu như này, mãi chưa xảy ra.
Tôi thì khác, bởi vì tôi căn bản không biết mình thích người con gái như thế nào.
Cũng giống như ăn đồ ăn, tôi luôn không tài nào hình dung được hình dạng hay mùi vị của món ăn tôi thích.
Tôi chỉ có thể đợi món ăn được bê lên, ăn một miếng, mới biết với tôi, nó quá nhạt? Hay là quá mặn.
Trước khi quen Minh Thanh, Bách Sâm thường giới thiệu bạn gái cho tôi, hơn nữa đều là loại con gái hầm hố.
Thực ra cậu ta cũng không phải là cố tình giới thiệu, chỉ là lúc có cơ hội thì tiện thể lôi tôi theo.
“Bách Sâm, tha cho tớ đi. Mấy cô này tớ không dám động đến đâu.”
“Xem thôi mà, biết đâu cậu lại thích.”
“Thích cũng chẳng làm được gì. Hổ không xơi được thì chó cũng chẳng có phần.”
“Cậu nói gì?”
“Cậu là hổ còn gì, cậu còn chẳng chốt được, tìm tớ lại càng vô dụng.”
“Sâu Rau! Sao cậu có thể ví bản thân với chó được?”
Bách Sâm nạt tôi một tiếng rồi cười hềnh hệch:
“Nhưng cậu so sánh thế cũng tạm coi là sát đấy.”
Sau khi quen với Minh Thanh, Bách Sâm không giới thiệu bạn gái cho tôi nữa.
“Nếu cậu đã tìm thấy phượng hoàng, thì không cần đi săn chim rừng nữa.” Bách Sâm nói vậy.
“Thế à?”
“Ừ. Cô ấy là người con gái mà bất kể là cậu quen cô ấy vào lúc nào, cậu vẫn thấy đã là quá muộn.”
Sẽ thấy muộn ư? Tôi không rõ.
Tôi chỉ biết đối với tôi khi đó, sự tồn tại của Minh Thanh, là quan trọng.
Nếu không có Minh Thanh, tôi sẽ rất cô đơn? Hay sẽ rất không quen?
Tôi không dám tưởng tượng, cũng không có cơ hội để tưởng tượng.
Nếu như, tôi quen Thuyên trước, rồi mới quen Minh Thanh,
tôi cũng sẽ có cảm giác đó đối với Thuyên sao?
Có lẽ là sẽ khác.
Nhưng cuộc đời không giống như thí nghiệm trong phòng nghiên cứu, có thể thay đổi điều kiện thí nghiệm để cho ra những kết quả khác nhau.
Tôi chỉ có một cuộc đời, cho dù tôi hài lòng hay không, thứ tự vẫn là như vậy, không thể nào thay đổi.
Tôi và Bách Sâm cùng chọn một thầy hướng dẫn, vì Bách Sâm nói chúng tôi phải cùng chung hoạn nạn.
Cách học ở viện nghiên cứu không giống với thời đại học, thường phải nắm quyền chủ động.
Ngoài những học phần phải theo, phần lớn thời gian đều phải chuẩn bị đủ loại luận văn.
Bởi vì chủ đề luận văn khác nhau, nên những học phần mà tôi và Bách Sâm lựa chọn cũng khác nhau.
Nhưng bài tập thì nhiều như nhau, vào giờ ăn đêm, bọn tôi thường kể khổ cho nhau nghe.
Minh Thanh hình như cũng chẳng thoải mái, lúc nào cũng nghe thấy cô ấy than vãn mãi không học xong bài.
Tuy cô ấy vẫn thường đến chỗ chúng tôi, nhưng thời gian xem ti vi bị rút ngắn đi.
Điều không thay đổi là, tôi và Minh Thanh vẫn lên sân thượng tán gẫu.
Thân thủ trèo tường của Minh Thanh vẫn nhanh nhẹn như cũ.
Minh Thanh là kiểu người ngay cả lúc than thở vẫn luôn cười rạng rỡ.
Khi nói chuyện với Bách Sâm, áp lực sẽ từ từ tan biến theo quá trình kể lể.
Nhưng khi nói chuyện với Minh Thanh, sẽ cảm thấy áp lực, vốn không hề tồn tại.
“Cậu với Lâm Minh Thanh rốt cuộc là quan hệ gì?” Bách Sâm thường hỏi tôi.
“Có lẽ… là bạn thân chăng?”
“Cậu xác định cậu nói những lời này là không thẹn với lương tâm?”
“Tớ…”
“Cậu có thích cô ấy không?”
“Có thể coi là thích, nhưng mà…”
“Sâu Rau, cậu lúc nào cũng chần chừ không quyết.” Bách Sâm thở dài,
“Rốt cuộc cậu đang sợ gì chứ?”
Sợ? Có lẽ đúng thật là tôi sợ.
Ít nhất trước khi tìm được một từ thích hợp hơn, thì từ “sợ hãi” này là có thể chấp nhận được.
Rốt cuộc tôi sợ gì chứ?
Với tôi, Minh Thanh là Mặt Trời, cách một khoảng cách nhất định, thì ấm áp.
Nhưng nếu đến quá gần, tôi sợ sẽ bị bỏng.
Tôi rất muốn nghiền ngẫm kỹ lưỡng vấn đề này, dốc hết sức để tìm ra hướng giải quyết.
Nhưng kỳ thi kỹ sư sắp tới rồi, tôi phải bế quan hai tháng, chuẩn bị cho kỳ thi.
Sau khi thi xong kỳ thi kỹ sư, lại đau đầu vì tiến độ luận văn bị kéo dài do thời gian bế quan, cho nên cũng không nghĩ ngợi nhiều.
Trong thời gian này, Minh Thanh luôn dặn dò tôi phải chú ý sức khoẻ, không được quá lao lực.
“Quá Nhi, cố lên.” Sự khích lệ của Minh Thanh, từ trước đến nay chưa từng ngừng nghỉ.
Kết quả kỳ thi kỹ sư được công bố sau ba tháng rưỡi.
Tôi và Bách Sâm đều không đỗ, anh Tử Nghiêu không thi, cho nên không tồn tại vấn đề trượt hay không trượt.
Điều khiến tôi tức chết là, tôi chỉ thiếu có một điểm.
Khi tôi và Bách Sâm trao đổi bảng điểm cho nhau xem, phát hiện ra điểm quốc văn của tôi kém cậu ta 18 điểm.
Điểm quốc văn của tôi thậm chí còn kém hẳn 10 điểm so với điểm bình quân của tất cả thí sinh.
Mà môn quốc văn, chỉ thi viết luận.
Tôi lại rơi vào cơn ác mộng năm lớp bảy nhìn thấy cuốn vở tập làm văn chấp chới bay lượn trong không trung.
Hôm nhận được bảng điểm, tôi bỏ bữa tối, vác một quả bóng rổ tới sân bóng rổ trường Quang Phục.
Nếu thi cử cũng giống ném bóng rổ thì tốt rồi, hôm đó tôi đặc biệt xuất thần, gần như bách phát bách trúng.
Ném một lúc, cảm thấy hơi mệt, tôi bèn thẫn thờ ngồi xổm dưới rổ bóng.
Không khỏi nhớ lại những bài văn trước đây đã viết, bao gồm cả những ngày tháng làm khỉ sáu chân.
Nhưng thành tích viết văn của tôi, mặc dù chưa bao giờ tốt, nhưng cũng không đến nỗi quá tệ mà.
Sao điểm viết luận lần này lại tệ đến thế chứ?
Chẳng lẽ tôi lại dùng từ nào không nên dùng rồi sao?
Tôi tiếp tục thẫn thờ, chẳng nghĩ gì hết. Thẫn thờ bao lâu, tôi không rõ.
Bóng người trước mắt càng lúc càng thưa thớt, tiếng cười đùa trên sân bóng càng lúc càng nhỏ.
Cuối cùng cả sân bóng chỉ còn lại một mình tôi.
Bên tai thoáng nghe thấy tiếng xe đạp phanh gấp, rồi một bóng người màu xanh lá đi về phía tôi.
Cô ấy tới bên cạnh tôi, cũng ngồi xổm xuống.
“Mặc váy mà ngồi xổm thế này khó coi lắm, bạn có biết không?” Một lúc sau, tôi lên tiếng.
Dường như cảm thấy đã rất nhiều năm rồi không mở miệng, họng hơi khô rát. Tôi khẽ hắng giọng.
“Cuối cùng bạn cũng chịu nói chuyện rồi.”
“Bạn đừng ngồi nữa, xấu lắm.”
“Vậy sao? Mình thấy ngầu lắm mà.”
“Nếu bạn dạng chân ra nữa thì còn ngầu hơn.”
“Quá Nhi!”
“Bạn cũng đến chơi bóng rổ à?” Tôi đứng dậy, vỗ vào đùi.
“Bạn nói xem?” Minh Thanh cũng đứng dậy.
“Mình đoán là không phải. Vậy bạn đến làm gì?”
“Với một cô gái đêm hôm khuya khoắt đạp xe suốt hai tiếng đồng hồ tìm bạn khắp nơi…” Minh Thanh vuốt lại váy, xị mặt xuống: “Bạn lại nói năng như thế à?”
“A? Xin lỗi. Chắc bạn mệt lắm rồi.”
Tôi chỉ vào chiếc ghế phía ngoài sân bóng rổ: “Bọn mình ngồi một lát đi.”
“Tìm mình có chuyện gì không?” Đợi Minh Thanh ngồi xuống, tôi cất tiếng hỏi.
“Đương nhiên là lo cho bạn rồi. Chẳng lẽ tìm bạn để vay tiền chắc?”
“Lo? Mình có gì mà phải lo?”
“Một người không ăn tối chạy ra ngoài hơn bốn tiếng đồng hồ, muốn người ta không lo cũng khó.”
“Mình ra ngoài lâu như vậy rồi sao?”
“Ừ.”
“Xin lỗi.”
“Bạn đã nói rồi.”
“Thật sự xin lỗi.”
“Cũng thế cả thôi.”
“Thực sự vô cùng xin lỗi.”
“Không đủ thành ý.”
“Vũ trụ siêu cấp sấm sét vô địch xin lỗi.”
“Đủ rồi. Ngốc ạ.” Cuối cùng Minh Thanh cũng bật cười.
Chúng tôi ngồi kề vai nhau, gió đêm thổi tới, rất dễ chịu.
“Tâm trạng dễ chịu hơn chưa?”
“Cũng ổn.”
“Sao không ăn cơm? Rồi lại chẳng nói chẳng rằng mà chạy ra ngoài?”
“Bạn không biết à?”
“Mình chỉ biết bạn trượt…” Minh Thanh bỗng á lên một tiếng đầy cảnh giác, “Xin lỗi.”
“Không có gì.”
“Năm sau lại thi là được mà.”
“Năm sau cũng vẫn thi viết văn.”
“Viết văn? Viết văn thì có gì đáng lo?”
“Sinh viên khoa Trung văn các bạn đương nhiên không lo rồi, nhưng mình là sinh viên Học viện Công trình thô lỗ cục mịch đây.”
“Ai bảo bạn là thô lỗ cục mịch?”
“Chẳng ai bảo. Chỉ có mình tự nhiên nghĩ như thế thôi.”
“Quá Nhi.” Minh Thanh quay sang, ngồi dịch về phía tôi, hỏi nhỏ, “Sao thế?”
Tôi không biết phải kể thế nào, bèn kể luôn cho Minh Thanh nghe chuyện xảy ra hồi tôi học cấp hai.
Minh Thanh vừa nghe vừa cười.
“Buồn cười lắm à?”
“Ừ.”
“Chắc bạn cũng cảm thấy mình rất kỳ quặc.”
“Không. Mình cảm thấy cách nghĩ của bạn cực kỳ thú vị.”
“Thú vị á?”
“Như bạn là đặc biệt, chứ không phải kỳ quặc.”
“Thật không?”
Minh Thanh gật đầu.
“Ai bảo miêu tả thời gian một đi không trở lại thì không thể dùng “ném bánh bao thịt cho chó ăn” chứ?”
“Thế tại sao thầy giáo lại bảo là không được?”
“Cách thức sử dụng ngôn ngữ là do lâu ngày mà thành, thầy giáo đang tiến hành một cách giáo dục hết sức bình thường.”
Minh Thanh thở dài rồi nói tiếp:
“Nhưng nếu xét từ góc độ khả năng sáng tạo, thì mức độ tự do đối với ngôn ngữ và chữ viết thực ra có thể còn rộng lớn hơn. Hơn nữa với người như bạn, sự giáo dục bình thường là không đủ.”
“Mình quả nhiên là một người kỳ quặc.”
“Bạn không kỳ quặc, chỉ là cách tưởng tượng của bạn khác.”
“Cách tưởng tượng?”
Minh Thanh đứng dậy, cầm quả bóng rổ lên, chạy vào sân bóng rổ.
“Khi sáng tạo có thể giống như ngựa hoang trên thảo nguyên, muốn chạy thế nào thì chạy, kể cả nhảy cũng được.”
Minh Thanh đứng trên vạch ném phạt, đưa tay ném bóng, bóng bay thẳng vào rổ.
“Nhưng rất nhiều người lại cảm thấy ở đời này làm bất cứ chuyện gì cĩmg nên giống mấy con ngựa trên trường đua ngựa, chạy hùng hục xung quanh đường đua. Tuân theo đúng số vòng quy định, dốc sức chạm đích để giật giải.”
Minh Thanh ôm trái bóng rổ, vẫy tay với tôi. Tôi cũng bước vào sân bóng.
“Mình thật sự… không kỳ quặc sao?”
“Bạn là một con sơn dương đã nhú sừng, lẫn trong đám cừu không sừng như bọn mình, đương nhiên đặc biệt.” Minh Thanh đập bóng mấy phát, “Nhưng không cần phải vì không giống bọn mình, mà phải giấu sừng đi.”
“Ừ.”
“Quá Nhi, mỗi người đều có những điểm không giống với người khác. Bạn nên tôn trọng những điểm đặc sắc chỉ thuộc về riêng bạn, không nên sợ mình khác người. Huống chi cho dù bạn nhổ hẳn sừng đi, thì vẫn cứ là sơn dương.”
“Cảm ơn bạn.”
Động tác chuyền bóng của Minh Thanh bỗng dừng lại, “Sao lại cảm ơn?”
“Thật đó, cảm ơn bạn.” Tôi nhấn mạnh.
Minh Thanh cười.
Sau đó đập bóng lên, vùng chạy, ném bóng.
Bóng không vào.
“Bạn chạy quá nửa bước, hướng ném cũng không đúng. Hơn nữa…”
“Hơn nữa gì?”
“Bạn mặc váy, lúc tung bóng vào rổ váy sẽ bay lên, chân lộ ra, đối với cột rổ mà nói đây là một sự xúc phạm, cho nên bóng không vào.”
Minh Thanh căng thẳng kéo tà váy lại: “Sao bạn không nói sớm!”
“Mặc dù bạn xúc phạm cột bóng rổ, nhưng lại khích lệ ánh mắt mình. Đó là nỗi khổ tâm của bạn, mình không nên từ chối.”
Tôi gật đầu, “Cô Cô, bạn thật là vĩ đại. Mình bị bạn làm cho cảm động rồi.”
“Quá Nhi!”
Minh Thanh, cảm ơn bạn.
Bạn mãi mãi không hay biết, những lời bạn nói với mình trên sân bóng, sẽ khiến mình không còn sợ hãi vì mình khác người.
Mỗi lần nghe thấy người khác nói mình kỳ cục, mình luôn nhớ tới những lời này của bạn.
Tiện đó nhớ tới đường cong đôi chân bạn.
Mặc dù khi tôi ra đời làm việc, bởi vì trên đầu tôi có chiếc sừng sắc nhọn, nên đối nhân xử thế không được chu toàn, khiến tôi thường đắc tội với người khác.
Nhưng tôi là sơn dương, vốn nên có sừng.
Tôi chơi bóng rổ với Minh Thanh một lúc, rồi lại quay ra ngồi trên băng ghế ngoài sân.
Phương thức nói chuyện không còn giống với thời đại học, Minh Thanh đã không còn có giờ giới nghiêm, nên không cần phải liên tục xem đồng hồ nữa.
“Đợt này đang bận gì vậy?”
“Mình đang viết truyện.”
“Viết truyện với bạn chắc chắn là rất đơn giản.”
“Không. Ai cũng biết viết truyện, chỉ có sinh viên khoa Trung văn là không biết viết truyện.”
“Tại sao?”
“Bởi vì bọn mình biết làm thế nào để viết truyện, cho nên ngược lại lại không biết viết truyện.”
“Hả?”
Minh Thanh cười cười, ôm lấy trái bóng trong tay tôi.
“Cũng giống như trái bóng này. Khi chúng ta chơi bóng rổ, sẽ không dùng chân để đá. Còn phải nhớ không được chuyền bóng hai lần, lúc ném bóng vào rổ không được bước đi. Nhưng những thứ này đều không phải là bản chất của việc chơi bóng rổ, mà chỉ là quy tắc thi đấu bóng rổ thôi.”
Minh Thanh trả trái bóng lại cho tôi rồi nói tiếp:
“Quá Nhi. Nếu bạn chỉ là một đứa bé năm tuổi, bạn sẽ chơi bóng rổ thế nào?”
“Thích thế nào thì chơi thế ấy thôi.”
“Đúng thế. Bạn thậm chí còn có thể sẽ dùng chân đá bóng nữa. Nhưng ai nói bóng rổ lại không thể dùng chân đá chứ? Quy tắc là do con người đặt ra, đó là dành cho thi đấu, chứ không phải là dành cho bóng rổ. Nếu mục đích của việc chơi bóng rổ chỉ là để cho vui vẻ, chứ không phải để thi đấu, vậy cớ gì phải có quy tắc?”
Minh Thanh đặt quả bóng lên trên mặt đất, giơ chân đá, quả bóng từ từ lăn vào trong sân.
“Mình thường mong muốn sẽ mãi mãi là một đứa trẻ chân trần chạy giữa ruộng đồng, chạy nhảy chỉ là cách mà mình bộc lộ niềm vui, chứ không phải là mục đích. Tại sao chúng ta cứ phải đi giày thể thao, quỳ gối trên vạch xuất phát chờ tiếng súng hiệu, sau đó cắm đầu cắm cổ chạy về đích? Khi việc chạy biến thành thi đấu, chúng ta mới chú trọng tốc độ và tính đàn hồi, chú trọng tư thế và kỹ năng chạy, hòng đạt được thành tích cao trong thi đấu. Nhưng nếu chạy chỉ là ngôn ngữ cơ thể để bộc lộ niềm vui, vậy thì có gì cần phải chú trọng đâu?”
“Cô Cô, bạn say đấy à?”
“Đâu có.”
“Vậy tại sao tự dưng lại gảy đàn vào tai trâu thế?”
“Đừng nói linh tinh, bạn đâu phải là trâu. Mình chỉ là viết tiểu thuyết đến mức phát chán lên rồi.”
“Ừ.”
“Vốn muốn tới nói chuyện với bạn, nghe Lý Bách Sâm nói bạn đã bỏ nhà ra đi, mình mới đi tìm bạn khắp nơi.”
“Bạn nghe nó nói linh tinh làm gì. Mình đâu có bỏ nhà ra đi.”
“Thế bạn đã đỡ hơn nhiều chưa?”
“Ừ. Cảm ơn bạn.”
Mấy năm sau, khi tôi chạy trên thảo nguyên bao la của xã hội hoặc của lĩnh vực nghiên cứu của mình, thường nghe thấy có người khuyên tôi nên đi giày thể thao, thắt chặt dây giày, và chạy trong đường chạy.
Có người thậm chí còn nói tôi căn bản không biết cách chạy, tốc độ quá chậm, không có tư cách chạy.
Những lời của Minh Thanh sẽ kịp thời vang lên trong đầu:
“Chạy chỉ là ngôn ngữ cơ thể để bộc lộ niềm vui, không phải là thi đấu.”
“Muộn lắm rồi, về thôi.” Tôi nhìn đồng hồ, đã gần hai giờ sáng.
“Ừ. Bạn đói bụng chưa? Mình đến chỗ bạn nấu mì cho bạn ăn.”
“Mình vừa mới thi trượt mà bạn vẫn còn nhẫn tâm nấu mì cho mình ăn à?”
“Bạn nói gì!” Minh Thanh cốc đầu tôi.
“Tâm trạng trượt vỏ chuối rất là đau đớn, nhưng ăn mì bạn nấu là một chuyện rất phấn khích. Mình sợ tim mình không thể nào chịu nổi tâm tình cứ xoay như chong chóng như vậy.”
Tôi vò cái đầu vừa bị cốc đau điếng.
“Quá Nhi, bạn giở giọng nhanh lắm. Không đơn giản, bạn là cao thủ.”
“Bạn có thể nói to thêm tí nữa xem.”
“Quá-Nhi! Bạn-là-cao-thủ!” Minh Thanh hét to.
“Ê! Bây giờ muộn lắm rồi, đừng lên cơn.”
“Ha ha… đi thôi.”
“Viết tiểu thuyết xong phải đưa cho mình đọc đấy nhé.”
“Không thành vấn đề. Chắc chắn bạn sẽ là độc giả đầu tiên.”
Khi tôi và Minh Thanh trở về, Bách Sâm, anh Tử Nghiêu và chị Tú Chi đều đang ở phòng khách.
“Sâu Rau à, xưa nay hỏi có ai không trượt, hãy để lòng son lại đi thi.”
Vừa nhìn thấy tôi, anh Tử Nghiêu lập tức nói.
“Không biết nói chuyện thì đừng có mở mồm ra.” Chị Tú Chi mắng anh ấy, rồi hỏi khẽ tôi:
“Sâu Rau, ăn cơm chưa?”
Tôi lắc đầu.
“Trong tủ lạnh vẫn còn một ít thức ăn, để em đi mua thêm tí thịt, chúng ta nấu lẩu ăn nhé.” Bách Sâm đề nghị.
“Rất tốt. Minh Thanh, tối nay em đừng về ký túc nữa, ở lại phòng chị nhé.” Chị Tú Chi nói.
“Mình nhớ ra rồi!” Lúc gắp một miếng thịt sống định thả vào nồi lẩu, tôi bỗng hét toáng lên.
“Nhớ ra gì cơ?” Minh Thanh hỏi.
“Lúc thi Quốc văn, mình viết một câu: Các chính khách Đài Loan nên học theo miếng thịt trong nồi lẩu.”
“Thế nghĩa là sao?” Minh Thanh lại hỏi.
“Miếng thịt trong nồi lẩu không thể nhúng trong nồi quá lâu, nếu nhúng lâu quá, thịt sẽ bị cứng.”
“Thứ lỗi cho tiểu đệ kiến văn hạn hẹp, như thế thì có nghĩa là gì?” Đến lượt Bách Sâm lên tiếng hỏi.
“Nghĩa là thịt trong nồi lẩu không thể nhúng lâu quá.”
“Thứ lỗi cho tiểu muội tư chất trì độn, rốt cuộc là ý nghĩa gì?” Chị Tú Chi cũng lại hỏi.
“Nghĩa là thịt nhúng lẩu lâu quá ăn sẽ không ngon.”
Đôi đũa trong tay chị Tú Chi, rơi xuống lăn lông lốc.
Cả bàn lẩu lặng phắc như tờ. Một lúc sau, anh Tử Nghiêu mới nói:
“Sâu Rau, cậu đúng là quái dị.”
“Quá Nhi không phải là người quái dị, như bạn ấy gọi là đặc biệt.” Minh Thanh lên tiếng phản đối.
“Đặc biệt quái dị à?” Bách Sâm nói.
“Chỉ đặc biệt, không quái dị. Quá Nhi, bạn không đơn giản, bạn là cao thủ.”
“Bạn có thể nói to hơn một chút.”
“Quá-Nhi! Bạn-là-cao-thủ!” Minh Thanh lại nói lại, thật to.
Tôi và Minh Thanh cười sung sướng như chỗ không người.
“Bạn Lâm Minh Thanh, chúc mừng bạn. Bạn quen với Sâu Rau lâu như vậy, cuối cùng cũng điên rồi.”
Bách Sâm nâng ly lên.
“Đúng thế. Đáng để chúc mừng.” Anh Tử Nghiêu cũng nâng ly.
“Chị…” Minh Thanh quay sang cầu cứu chị Tú Chi.
“Ai dám nói em tôi bị điên?” Chị Tú Chi đặt đũa xuống, xoa nắm đấm.
“Ha ha… ha ha… ha ha… thịt không nên nhúng quá lâu, ăn mau cho mềm, ăn mau cho mềm.”
Bách Sâm cười khan.
Một tháng sau, tiểu thuyết của Minh Thanh cuối cùng cũng hoàn thành, chừng ba vạn chữ.
Tên rất đơn giản, là Nỗi nhớ.
“Chẳng phải đã nói viết xong sẽ để cho mình là độc giả đầu tiên sao?”
“Ái chà, viết không hay đâu, để mình sửa xong rồi cho bạn đọc.”
Nhưng Minh Thanh mãi vẫn không đưa Nỗi nhớ cho tôi đọc.
Nếu tôi nhớ ra chuyện này, tôi sẽ nhắc cô ấy, cô ấy luôn kiếm cớ thoái thác.
Có lần cô ấy đang đọc truyện trong phòng khách, tôi đi ngang qua, thò tay phải ra:
“Cho mình đọc được không?”
“Bạn cũng thích tiểu thuyết của Murakami Haruki à?”
“Mình không nói quyển này, mình nói quyển Nỗi nhớ bạn viết cơ.”
“Tiểu thuyết của Murakami Haruki thực sự rất hay.”
“Mình muốn đọc Nỗi nhớ.”
“Thế này đi. Mình có mấy cuốn truyện của Murakami Haruki, bạn cầm lấy đọc trước nhé.”
Minh Thanh lấy hai quyển truyện trong ba lô ra, dúi vào tay tôi, cả quyển sách đang cầm trên tay nữa.
“Bạn đọc xong hết đi, rồi mình đưa truyện của mình cho bạn đọc…”
Chưa nói dứt lời, cô ấy đã đeo ba lô lên, chuồn mất.
Cả đêm tôi không ngủ, đọc hết ba quyển tiểu thuyết đó. Bất giác, trời đã sáng.
Nằm trên giường, thao thức mãi không ngủ được, trong đầu như thể có rất nhiều câu chữ đang chạy ngược chạy xuôi.
Những chữ đó là những chữ tiếng Trung tôi vô cùng quen thuộc, nhưng lại cảm thấy xa lạ.
Bởi vì từ khi học nghiên cứu sinh tới nay, chữ nghĩa tôi tiếp xúc đa phần là tiếng Anh, và một lô một lốc những ký hiệu toán học.
Tôi ra khỏi giường, ngồi vào bàn, tiện tay lấy mấy tờ giấy, thử viết lại những dòng chữ trong đầu.
Vậy là tôi viết:
Tôi, hiện độc thân, có một chiếc xe máy second-hand, ba con chó, bốn tháng tiền nhà chưa trả, ngồi trước một chiếc bàn làm việc giống hình bầu dục. Chiếc đèn bàn hắt một luồng sáng mạnh màu vàng từ phía trên bên trái, tôi cảm thấy mình như thể tên giết người biến thái đang bị thẩm vấn suốt đêm. Trên bàn có ba cây bút, hai cây bị chó gặm, cây còn lại lại tắc mực. Còn có một bức thư, của biên tập nhà xuất bản Mai Nhân Hạnh gửi tới, trên đó viết nếu tôi còn không giao bản thảo, anh ta sẽ khiến tôi chết thảm như một chiếc bánh pudding rơi từ tầng 10 xuống. Tay trái tôi tì má, tay phải gãi cái lưng ngứa ngáy vì ba ngày không tắm, vắt óc xem làm thế nào để kể một câu chuyện. Tôi là kiểu người quái dị bất luận thế nào nếu không kể xong câu chuyện thì sẽ chẳng thể nào ngủ được.
Phải nói là câu chuyện này thực ra rất khó mở miệng, cho dù đã quyết tâm hé răng, thì lưỡi vẫn kháng cự đến cùng. Tới khi răng lưỡi đều đã thất thủ, dây thanh đới trong vòm họng vẫn chậm chạp chuyển động một cách hết sức không tình nguyện. Như lưỡi dao cạo râu điện sắp hết pin, phát ra tiếng rên bi ai trước khi lâm chung, và mưu tính kéo những cọng râu dưới cằm cùng chui vào chỗ chết, nhưng lại chỉ có thể tạo cảm giác nóng rực nơi cằm.
Đây chỉ là sự vật lộn trước khi bắt đầu kể chuyện mà thôi.
Nhưng khi tôi đang định bắt đầu kể câu chuyện này, ý tôi là hiện tại, tôi bèn không vật lộn nữa. Hoặc có lẽ tôi nên nói thế này: Không phải là tôi không vật lộn nữa, mà là cuối cùng tôi đã hiểu ra rằng vật lộn cũng vô ích, vì thế từ bỏ. Song dù tôi quyết định từ bỏ vật lộn, một phần nào đó trong nội tâm tôi, một nơi rất sâu rất sâu, sâu như đáy biển khơi, vẫn sẽ có những tiếng gầm gào phẫn nộ, như những tiếng gầm của một con sư tử chưa ăn cả một tuần.
Thôi được, tôi nên kể chuyện rồi.
Nhưng trải qua cuộc đấu tranh nội tâm vừa rồi, tôi khát, khát tới nỗi dù là thứ nước mà một con chó bị cảm đã liếm láp, thì tôi cũng vẫn uống. Vì thế tôi muốn uống nước trước, hoặc là, một chai bia. Tôi chỉ nghĩ ngợi trong một phần tư một phần ba giây, quyết định phải uống bia, bởi vì tôi cần chất cồn làm giảm nỗi đau khi kể chuyện. Tôi mở tủ lạnh, trong đó có một cái bắp cải, hai ly hồng trà sủi bọt còn một nửa, mấy hộp đồ hộp không biết là đã quá hạn chưa, nhưng không có bia.
Xuống lầu mua thôi. Nhưng trên người tôi không có tiền. Bây giờ là hai giờ bốn mươi sáu phút sáng, từ khi có một người phụ nữ bị giết hại khi đi rút tiền ở máy ATM đầu ngõ vào buổi tối 13 ngày trước, tôi không dám đi rút tiền lúc nửa đêm nữa. Tôi không muốn trở thành cái tít giật trên báo ngày mai: “Tiểu thuyết gia hết thời chết thảm dưới lưỡi dao trong bàn tay phải tàn khốc của tên côn đồ hung ác, con dao đó còn bị rỉ.” Nên kể chuyện, vì thế muốn uống bia, nhưng không có tiền lại không dám đi rút tiền. Tôi không khỏi gục đầu, hai tay ôm mặt, chìm đắm trong nỗi bi ai trĩu nặng.
Bi ai là, tôi thậm chí còn chưa bắt đầu kể chuyện.
Viết được khoảng tám trăm chữ, mí mắt nặng trĩu, tôi gục lên bàn ngủ.
Sau này Minh Thanh đọc được tờ giấy đó, nói tôi là “ba trang không bóng lừa.”
Ý là nói trước kia có một tú tài, viết thư nhờ người đi mua lừa, viết liền ba trang giấy, bên trong không có lấy một chữ “lừa” nào.
“Cô Cô, mình bắt chước Murakami Haruki có giống không?”
“Đây đâu phải là Murakami Haruki? Đây là đang bôi mèo thì có.”
Tuy nói vậy, nhưng Minh Thanh vẫn không nhịn được bật cười.
“Khi nào bạn viết tiểu thuyết một cách nghiêm túc, mình mới cho bạn xem Nỗi nhớ của mình.”
Lên năm thứ hai nghiên cứu sinh, phần lớn thời gian tôi và Bách Sâm đều ru rú trong phòng nghiên cứu của khoa.
Có lúc còn ngủ qua đêm trên ghế trong phòng nghiên cứu.
Bởi vì mải làm luận văn, cũng chẳng thèm dự kỳ thi kỹ sư, dù sao giáo viên chấm bài luận cũng không thích văn của tôi.
Tôi là sơn dương, không cần thiết phải viết một bài văn chỉ để lấy thành tích tốt.
Bọn tôi bắt đầu pha cà phê để thức đêm học hành. Sau khi quen uống cà phê cho tinh thần được phấn chấn, thì nghiện luôn.
Thời gian học nghiên cứu sinh năm thứ hai có lẽ là từ giữa năm 1996 đến giữa năm 1997.
Lúc này việc sinh viên lên mạng đã rất thịnh, tôi và Bách Sâm thỉnh thoảng cũng chơi BBS.
Để xả hết những khổ cực học hành, thỉnh thoảng tôi cũng viết văn trên mạng.
Khi Minh Thanh tới phòng nghiên cứu tìm tôi, cũng sẽ tranh thủ đọc những thứ tôi viết.
Trong khoa có bốn phòng nghiên cứu, mỗi phòng lại dùng vách gỗ ngăn thành mười ô riêng biệt, tôi và Bách Sâm ngồi cùng một phòng.
Nếu chán chường hay mỏi mệt, bọn tôi sẽ ra ngoài ban công tán phét.
Bao nhiêu năm nay, tôi vẫn luôn có thói quen tán gẫu với Bách Sâm.
Địa điểm và lý do tán gẫu có thể sẽ thay đổi, nhưng bản chất của việc tán gẫu thì không thay đổi.
Chúng tôi thường nhắc tới Minh Thanh, Bách Sâm luôn nói tôi phải tích cực chủ động, nhưng tôi luôn chùn bước.
Có lần khi chuẩn bị thi môn “Diễn biến lòng sông”, Bách Sâm bỗng hỏi tôi một câu:
“Nếu tình yêu giống như việc đi dọc theo con sông để nhặt đá, hơn nữa quy định chỉ có thể cúi xuống nhặt một lần, thì cậu sẽ thế nào?”
“Vậy thì phải xem là đi lên thượng du hay đi xuống hạ du, bởi vì đá trên thượng du to hơn.”
Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời.
“Vấn đề là, cậu vĩnh viễn sẽ không biết được cậu đang đi lên thượng du, hay đi xuống hạ du.”
“Như thế rất khó quyết định.”
“Sâu Rau, cậu chính là người như thế. Vì thế trên tay cậu ngay cả nửa cục đá cũng không có.”
“Tại sao?”
“Bởi vì cậu luôn cảm thấy hòn đá tiếp theo sẽ to hơn, theo lẽ tự nhiên sẽ không lãng phí cơ hội duy nhất. Nhưng khi cậu phát hiện những hòn đá tiếp theo càng lúc càng nhỏ, cậu lại không cam lòng. Cuối cùng…”
Bách Sâm ngừng lại một lúc, rồi nói tiếp:
“Cuối cùng cậu căn bản không chịu cúi xuống để nhặt đá.”
“Thế còn cậu?”
“Chỉ cần tớ thích, thì sẽ lập tức nhặt lấy. Nhỡ ra phía sau có hòn đá còn to hơn, thì tớ sẽ đổi.”
“Nhưng quy định chỉ được nhặt một lần thôi mà.”
“Sâu Rau, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa tớ và cậu.” Bách Sâm nhìn tôi, nói một cách chân thành:
“Cậu luôn bị bó buộc bởi rất nhiều quy tắc. Nhưng trong thế giới của tình yêu, căn bản không có quy tắc nào.”
“Hả?”
“Không nên bị trói buộc bởi quy tắc chỉ có thể nhặt đá một lần, như thế ngược lại sẽ mất đi cơ hội nhặt đá.”
Bách Sâm vỗ vai tôi:
“Sâu Rau, không nên tiếc gì việc cúi lưng, nhặt đá đi.”
Khi tôi quyết định khom người, chuẩn bị nhặt hòn đá Minh Thanh lên.
Thì hòn đá thuộc về Thuyên, lại đột nhiên xuất hiện trước mắt tôi.
Đó là khi mùa xuân năm 1997 vừa tới, Tôn Anh hẹn tôi đi ăn trưa.
Thì ra Tôn Anh cũng đọc được đoạn văn bôi mèo bắt chước Murakami Haruki của tôi, Minh Thanh đưa cho cô ấy đọc.
Cô ấy nói cô ấy có một người bạn đọc những thứ tôi viết trên mạng, thấy rất thú vị, muốn mời tôi viết báo.
“Tôn Anh, cậu ở lâu trong câu lạc bộ báo chí nên óc hài hước tiến bộ quá.” Tôi tưởng Tôn Anh đang nói đùa.
“Sâu Rau. Tôi nói, thật đấy.”
“Đừng đùa nữa. Tớ không được đâu. Huống chi…”
“Ra ngoài, ăn cơm. Đừng có, nhiều lời.”
Tôn Anh ngắt lời tôi, tôi đành phải đồng ý.
Chúng tôi hẹn nhau ở nhà hàng mà tôi và Minh Thanh đã đi ăn liên tiếp hai lần liền trong một ngày, rất trùng hợp.
Thời gian hẹn là 12 giờ 40, ở tầng hai. Nhưng khi tôi vội vàng tới đó, đã gần 1 giờ.
Tôi còn nhớ đêm hôm trước tôi mới thức đêm để viết nốt một bài báo cáo, vì thế mắt tôi hơi mơ hồ.
Lúc leo cầu thang suýt nữa bước hụt chân.
Theo những bậc cầu thang xoắn ốc, tôi lên tầng hai.
Vừa thở dốc, vừa tìm kiếm.
Tôi nhìn thấy lưng Tôn Anh, ở cái bàn thứ ba tính từ lối lên cầu thang.
Đối diện Tôn Anh là một cô gái, đang cúi đầu xuống.
Cô ấy lặng lẽ cắt bít-tết, không nghe thấy tiếng leng keng của dao nĩa chạm vào đĩa.
Mang theo tấm thân mệt mỏi, tôi dừng lại cách cô ấy hai bước chân.
Ánh mắt cô ấy rời khỏi bữa ăn, ngước lên một góc 30 độ về phía phải.
Tôi đứng thẳng, bắt gặp ánh mắt của cô ấy, cùng trao đổi thông tin “Anh đã đến tôi đã đến”.
Sau đó tôi sững người lại, tuy chỉ có hai giây.
Dường như tôi đã từng gặp cô ấy.
“Cuối cùng anh đã xuất hiện.”
“Đúng vậy. Cuối cùng tôi cũng đã gặp được em.”
“Hả?” Chúng tôi đồng thanh khẽ a lên một tiếng vì kinh ngạc.
Tuy tôi đến muộn, nhưng chưa quá 20 phút, lẽ ra không cần dùng từ “cuối cùng”.
Nhưng chúng tôi đều dùng từ “cuối cùng”.
Sau này, tôi thường hỏi Thuyên, tại sao em lại dùng từ “cuối cùng”?
“Em không biết. Đó là phản xạ trực tiếp, cũng giống như khi em sợ thì sẽ khóc vậy.”
Thuyên trả lời như vậy.
Vì thế tôi mãi không biết được nguyên nhân.
Tôi chỉ biết, cuối cùng tôi đã gặp được Thuyên.
Sau ba năm ba tháng quen Minh Thanh.
“Còn không, ngồi xuống.” Tôn Anh lên tiếng.
Như sực tỉnh mộng, tôi ngồi xuống. Thuyên ngồi đằng trước, bên phải tôi.
“Chào anh.” Thuyên đặt dao nĩa xuống, hai tay đặt trên đùi, nhìn tôi gật đầu.
“Chào cô.” Tôi cũng gật đầu.
“Đây là danh thiếp của tôi.” Em lấy một tấm danh thiếp từ trong ví ra, đưa cho tôi.
“Tên rất hay.”
“Cảm ơn.”
Thuyên họ Phương, Phương Thuyên thật sự nghe rất hay.
“Tên tôi rất phổ biến, tôi họ Thái, tên Sùng Nhân. Chữ Sùng trong từ “sùng cao ”, Nhân trong từ “nhân ái”.”
Tôi không có danh thiếp, mỗi lần tự giới thiệu với những người gặp mặt lần đầu, tôi luôn nói câu này.
“Tên chỉ là để xưng hô. Hoa hồng dù có thay tên đổi họ, thì vẫn cứ ngát hương thơm.”
Tôi giật mình, đây là lời thoại trong Romeo và Juliet.
“Nàng chỉ cần gọi ta là “tình yêu”, thì ta sẽ có cái tên mới. Ta vĩnh viễn không cần phải mang tên Romeo nữa.”
Nhớ lại lời thoại khi diễn Romeo trong câu lạc bộ kịch năm thứ nhất, tôi buột miệng.
Hình như Thuyên cũng giật mình.
“Anh diễn Romeo?” Thuyên hỏi.
Tôi gật đầu.
“Cô diễn Juliet?” Tôi hỏi.
Thuyên cũng gật đầu.
“Chúng ta gặp nhau lần đầu tiên sao?” Thuyên hỏi.
“Dường như là vậy.” Tôi không chắc lắm.
Tôn Anh đưa menu cho tôi, ý bảo tôi gọi đồ ăn.
Tôi lại chỉ uống cà phê, bởi vì tôi tưởng rằng tôi đã no.
“Anh ăn chưa?” Thuyên hỏi tôi.
“Tôi… tôi ăn rồi.” Lúc này tôi mới nhớ ra mình chưa ăn cơm, nhưng tôi ngại đổi lại.
“Không cần phải tiết kiệm cho tôi.” Thuyên nhìn tôi, như biết rằng tôi vẫn chưa ăn gì.
Tôi cười ngượng ngùng.
“Dạo này, thế nào?” Tôn Anh hỏi tôi.
“Nhờ phúc, của cô.”
“Đừng có, bắt chước, tôi nói.”
“Đã thành, phản xạ, thói quen.”
“Còn dám!”
“Xin lỗi.”
Tôn Anh đập lên đầu tôi một cái. Thuyên lén cười trộm.
Tôn Anh vẫn cứ y như xưa, thật không hiểu nổi với cách nói chuyện này thì cô ấy đi phỏng vấn kiểu gì?
“Anh cũng từng sinh hoạt trong câu lạc bộ kịch à?” Thuyên hỏi tôi.
“Cũng coi là đã từng.” Tôi không thể nói với Thuyên, tôi bị đuổi ra khỏi câu lạc bộ. “Còn cô?”
“Tôi là đội trưởng câu lạc bộ kịch.”
“Hả? Sao khác biệt dữ vậy?” Tôi nhớ tới Quýt sư tỷ.
“Há?”
“Không có gì. Chỉ là chợt nhớ tới một loại động vật thôi.”
“Vì tôi à?”
“Không. Là vì Quýt.”
“Ở đây đâu có quýt.”
“Nói cũng phải.”
Thuyên lại nhìn tôi, đầy nghi hoặc.
“Cuộc nói chuyện của chúng ta hơi kỳ quặc.” Tôi cười ngượng ngùng.
“Ừ.” Thuyên cũng cười.
“Có thể hỏi cô một chuyện không?”
“Đừng khách sáo. Mời hỏi.”
“Lời thoại của Juliet, có cần phải khan hơi rát tiếng không?”
“Không cần. Ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể vân vân, đều có thể thể hiện tâm trạng bi thương một cách thích hợp, không nhất thiết phải thông qua ngữ điệu. Hơn nữa có lúc sự đau thương thực sự, không thể nào dùng âm thanh để thể hiện ra được.”
“Hả?”
“Ví dụ như…”
Thuyên dịch ly sinh tố chân cao còn một nửa ra trước mặt.
Tay phải cầm chiếc thìa dài mảnh, đặt vào trong ly, khẽ khuấy năm vòng theo chiều kim đồng hồ, rồi ngừng lại.
Mắt chăm chú nhìn xoáy nước trong ly, cho tới khi trời yên biển lặng.
Sau đó thu tầm mắt lại, rồi lại khuấy hai vòng theo chiều kim đồng hồ, nâng ly lên, uống một ngụm.
“Tôi đang làm gì?”
“Cô đang nhớ tới một người nào đó.”
Thuyên gật đầu vẻ tán thưởng.
“Anh rất thông minh.”
“Cảm ơn.”
“Lại nhé?”
“Ừ.”
Thuyên đẩy cái ly chân cao ra xa chừng 10 cm, lấy cái thìa ra khỏi ly, đặt sang bên phải cạnh chân ly.
Ngón trỏ và ngón giữa tay phải đặt lên miệng ly, ba ngón tay còn lại chạm vào thân ly. Mắt đăm đăm nhìn cái thìa.
Nâng ly lên, ghé vào miệng, nhưng không uống. Dừng lại khoảng mười giây, rồi lại từ từ đặt cái ly xuống.
Khi cái ly sắp chạm vào mặt bàn, động tác đột ngột dừng lại.
Ánh mắt từ đầu tới cuối, đều nhìn chiếc thìa.
“Thế này thì sao?”
“Cô rất bi thương.”
Thuyên sững sờ.
Một lúc sau, Thuyên lại chầm chậm gật đầu.
“Chúng ta gặp nhau lần đầu tiên sao?” Thuyên lại hỏi.
“Hình như là vậy.” Tôi vẫn không chắc lắm.
Thuyên ngẫm nghĩ giây lát, khẽ thở dài.
“Lại một lần nữa nhé, được không?”
“Được.”
Thuyên lại đặt chiếc thìa vào trong ly, tay trái tì má, tay phải khuấy nước, tốc độ nhanh hơn vừa rồi.
Lấy thìa múc một viên đá, rồi lại thả viên đá xuống. Cầm thìa lên, đặt ngang miệng ly.
Mắt chăm chú nhìn vào chân ly, hơi nhíu mày, sau đó khẽ thở dài.
“Đáp án là gì?”
“Cái này khó quá, tôi không đoán được.”
“Như thế này tức là sinh tố ngon quá, nhưng sắp uống hết rồi. Rất muốn uống thêm một ly, nhưng tiếc là không đủ tiền.”
Nói xong, Thuyên le lưỡi, bật cười.
Tôi cũng cười.
“Đến lượt, tôi chơi.” Tôn Anh chợt nói.
Tôi liếc nhìn Tôn Anh, rất muốn ngăn cô ấy lại.
Tôn Anh lấy cái ly chân cao của cô ấy đặt ra trước mặt, tay phải cầm thìa lên, khuấy nhanh trong ly.
Thìa chạm vào ly thủy tinh, kêu leng keng.
Tay trái ôm bụng, cau mày, cũng bắt chước Thuyên thở dài.
“Thế nào?” Tôn Anh hỏi.
“Cô bị đau bụng, muốn đi vệ sinh. Nhưng trong nhà vệ sinh có người, đành phải sốt ruột ngồi đợi bên ngoài.”
“Vớ vẩn.” Tôn Anh mắng tôi.
“Gọi là, trầm tư!” Tôn Anh nói.
Khóe miệng trái của tôi khẽ giật giật, mắt nheo lại.
“Anh không cho là thế, nhưng không dám lên tiếng.” Thuyên chỉ vào tôi, cười nói.
“Sao cô biết?”
Tôi ngỡ ngàng nhìn Thuyên, Thuyên thoáng ngại ngùng, cúi đầu xuống.
Đợi Thuyên ngẩng đầu lên, tôi hỏi:
“Chúng ta gặp nhau lần đầu tiên sao?” Tới lượt tôi hỏi.
“Có lẽ là vậy.” Dường như Thuyên cũng không chắc chắn.
“Tôi phải, đi rồi.” Tôn Anh đứng dậy.
“Chó mẹ nhà bạn cô lại sinh ba con chó con nữa à?”
“Tôi vội, nộp bài!” Tôn Anh trừng mắt nhìn tôi.
Tôn Anh cầm ví lên, vẫy tay với tôi và Thuyên.
“Phương Thuyên, Sâu Rau, tạm biệt.”
Tôi quay người nhìn bóng Tôn Anh khuất sau cầu thang, sau đó quay người lại.
Khi bắt gặp ánh mắt Thuyên, tôi mỉm cười, giơ tay trái vò đầu.
Rồi hơi ngả người ra sau, dựa vào lưng ghế.
“Này?”
“Sao cơ?”
“Anh và Tôn Anh là bạn thân phải không?”
“Đúng thế.”
“Vậy sao sau khi cô ấy đi, trong lòng anh lại nghĩ “cuối cùng cô ấy cũng về” thế?”
“Hả? Sao cô lại biết?” Tôi hết hồn.
“Ngôn ngữ cơ thể của anh rất phong phú.”
“Thật vậy sao?”
Tay phải tôi vốn đang định vò đầu, nhưng giơ lên được một nửa, lại không dám giơ lên tiếp.
“Không sao đâu.” Thuyên cười cười, “Đây là cách anh bộc lộ tâm trạng.”
“Hả?”
“Có người quen dùng câu chữ để thể hiện tình cảm, có người quen dùng âm thanh…”
Thuyên chỉ vào cánh tay phải đang đờ ra trên không của tôi: “Còn anh quen dùng động tác.”
“Như thế có tốt không?”
“Như thế rất tốt. Bởi vì câu chữ và âm thanh đều sẽ lừa người khác, chỉ có ánh mắt và các động tác vô thức, mới không lừa dối.”
“Sao lại nói như vậy?”
“Lại muốn tôi lấy ví dụ hả?” Thuyên cười cười.
“Ừ.” Tôi cũng cười.
“Cho tôi mượn cốc của anh được không?”
“Dĩ nhiên là được.”
Cốc của tôi là cốc nước, nhưng tôi uống hết rồi.
Thuyên cầm chiếc cốc không, giả vờ uống một ngụm, rồi đặt xuống.
Miệng hơi há ra, tay phải quạt quạt khóe miệng.
“Ly nước ép này ngon quá, vừa ngọt vừa mát lạnh. Đúng là khiến người ta sảng khoái, ha ha…”
Tiếng cười của Thuyên rất nhạt, như động tác bơi lội của loài cá ngoài biển khơi.
“Hiểu chưa?”
“Ừ. Thực ra cô uống nước nóng, hơn nữa lưỡi còn bị bỏng. Nhưng cô lại nói là cô uống nước ép hoa quả, và cả tiếng cười vô cùng sảng khoái. Câu chữ và âm thanh đều sẽ lừa người ta, chỉ có động tác của tay phải và miệng thể hiện ý nghĩa thực sự. Tôi nói thế có đúng không?”
“Đúng vậy.”
Thuyên gật đầu. Sau đó lại nghiêng đầu, mỉm cười nhìn tôi chăm chú:
“Vậy anh còn không mau gọi món đi, anh đã đói meo rồi, phải không?”
“Hả? Tôi lại làm động tác gì à?”
Tôi đặt hai tay lên đùi, ngồi ngay ngắn, không dám làm thêm bất kỳ động tác nào.
“Ha ha, không phải là bây giờ tôi phát hiện ra.” Thuyên chỉ vào ly nước rỗng không của tôi:
“Khi mới vào đây, vừa ngồi xuống anh đã nhanh chóng uống cạn ly nước.”
“Có thể là tôi khát.”
“Không giống nhau.” Thuyên lắc đầu.
“Không giống chỗ nào?”
“Động tác uống nước khi khát nước rất… rất mãnh liệt. Xin lỗi, tôi không giỏi biểu đạt bằng ngôn ngữ.”
“Không sao. Tôi hiểu.”
Thuyên nở nụ cười ra chiều cảm kích:
“Nhưng động tác uống nước của anh từ tốn, giống như…”
“Giống như anh không biết anh đang uống nước vậy. Anh chỉ vô thức làm một động tác vào bữa mà thôi.”
Thuyên lại cười:
“Xin lỗi. Tôi rất khó miêu tả bằng lời.”
“Ừ. Cô tài thật.”
“Đâu có. Tôi rất ngốc nghếch, không giống anh, cực kỳ thông minh.”
“Thế sao?”
“Tốc độ tư duy ngôn ngữ của anh rất nhanh, thời gian phản ứng trước rất nhiều động tác cũng cực kỳ ngắn.”
“Hửm?”
“Giống như vừa rồi khi đoán động tác của Tôn Anh, thực ra anh đoán đúng rồi.”
“Thật sao? Vậy sao cô ấy lại mắng tôi?”
“Vừa rồi câu chữ và giọng nói của cô ấy là lừa gạt, rất nhiều động tác cũng là cố tình làm ra như thế.”
Thuyên hơi ngừng lại: “Chỉ có động tác xoa bụng của tay trái là thật.”
“Nếu tôi và cô cùng đoán đúng, tại sao cô nói tôi thông minh, còn cô thì ngốc?”
“Không giống nhau.”
“Xin cho ví dụ.”
“Anh quả nhiên thông minh, anh đã biết tôi sẽ lấy ví dụ.”
“Tôi chỉ xin cô cho ví dụ thôi, chứ không đoán được cô sẽ lấy ví dụ.”
“Anh biết mà.” Thuyên cười quả quyết.
Tôi cũng cười, không phủ nhận.
Thuyên chỉ vào lọ hoa trên bàn, lọ hoa nền trắng, có vân xanh với những đốm vàng.
Trong lọ cắm một bông hồng màu đỏ có năm cái lá xanh.
“Câu hỏi mà tôi nhận được là, “Bông hoa này màu gì?” Tôi trả lời là màu đỏ. Tuy tôi đáp đúng, nhưng việc này không liên quan tới việc tôi thông minh hay không.”
“Vậy còn tôi?”
“Anh thì khác. Câu hỏi mà anh tiếp nhận lại là “Thứ này màu gì?””
Thuyên cười cười:
“Anh lại cũng có thể trả lời là màu đỏ, vì thế anh rất thông minh.”
“Tôi không hiểu lắm.”
“Thông tin mà tôi tiếp nhận rất đơn giản, hoa có màu gì? Tôi nhìn thấy màu đỏ, nên trả lời là màu đỏ.”
Thuyên khẽ cầm bình hoa lên, chỉ lần lượt vào năm màu sắc trên đó.
“Nhưng thông tin mà anh tiếp nhận lại hết sức không hoàn chỉnh, trong năm màu trắng, xanh, vàng, xanh lá, đỏ, anh có thể phán đoán chính xác câu hỏi nằm ở đâu. Trong óc có thêm một quá trình “phán đoán”, lại còn đoán đúng, lẽ nào không thông minh?”
“Thế nên?”
“Tôi chỉ nói ra thứ tôi nhìn thấy, còn anh lại có thể thông qua tư duy để phán đoán.”
Thuyên gật đầu ra chiều kính phục:
“Đây là điểm khác nhau giữa chúng ta. Tôi ngốc, anh thông minh.”
“Sao cô cứ nói mình ngốc mãi thế? Tôi cảm thấy cô rất thông minh mà.”
Thuyên nhìn tôi, cúi đầu cười bẽn lẽn.
“Sao vậy?”
“Không. Chỉ là cảm thấy anh là một người tốt.”
“Hửm?”
“Tôi thật sự ngốc nghếch. Nếu tôi cũng tiếp nhận được thông tin như của anh, nhất định tôi sẽ chẳng biết phải làm gì?”
Thuyên khẽ thở dài.
“Sao lại thở dài? Người trẻ tuổi không nên thở dài.”
“Không.” Thuyên chăm chú ngắm bình hoa, chìm vào trầm tư, một lúc lâu sau mới nói:
“Ngôn ngữ và âm thanh của người hiện đại giống như chiếc lọ cắm hoa này, pha tạp rất nhiều màu sắc.
Tôi căn bản không tài nào phán đoán được màu sắc mà mỗi người thật lòng muốn bộc lộ là gì? Màu sắc rất rối loạn. Vì thế tôi rất khó thích ứng trong đám đông, tôi sẽ sợ hãi.”
“Vậy màu sắc của tôi có rối loạn không?”
“Ha ha.” Thuyên bật cười, “Màu sắc của anh rất đơn giản, rất dễ nhìn ra.”
“Vậy tôi là màu gì?” Tôi tò mò hỏi Thuyên.
Thuyên cười, không đáp.
“Hả?” Tôi lại hỏi.
“Tóm lại là màu sắc rất đơn thuần. Chỉ có điều…”
“Có điều làm sao?”
“Không.” Thuyên rút bông hoa trong lọ ra, ngắm nghía một hồi rồi cắm lại vào lọ.
“Tôi rất thích nói chuyện với anh.” Một lúc sau, Thuyên khẽ nói.
“Tôi cũng vậy.”
“Tôi không giỏi giao tiếp với người khác bằng ngôn ngữ, cũng thường nghe không hiểu những ý tứ trong lời người khác. Nhưng…”
“Nhưng sao?”
“Không. Những gì anh muốn bộc lộ, tôi đều nắm được rất rõ, không thấy rắc rối.”
“Tại sao?”
“Bởi vì thông tin mà anh truyền đạt rất rõ ràng. Nhưng ngôn ngữ và âm thanh lại là ngoại lệ.”
“Sau này tôi sẽ cố gắng dùng ngôn ngữ và âm thanh thể hiện ý tứ chính xác.”
“Ừ. Chúng ta phải giống như trẻ con ấy.”
“Hả?”
“Trẻ con thể hiện tình cảm hết sức thẳng thắn và không lừa gạt. Đói thì khóc, vui thì cười, giận thì sẽ túm mạnh đồ vật…”
Thuyên bỗng cười ranh mãnh, chỉ vào tôi nói:
“Anh đã từng nhìn thấy đứa trẻ nào đói bụng, lại bảo với mẹ là con đã ăn rồi chưa?”
“Mẹ, con sai rồi. Lần sau con không dám ạ.”
Lần đầu tiên, tôi và Thuyên cùng bật cười.
“Xin lỗi. Tôi thật ngốc, chỉ mải nói chuyện, anh vẫn chưa gọi món nữa.”
Thuyên vội vẫy gọi phục vụ, phục vụ cầm menu bước tới.
“Cô gọi giúp tôi là được rồi. Cô lợi hại như vậy, nhất định biết tôi muốn ăn gì.”
“Ha ha, tôi đâu phải là thánh, cũng chẳng phải là quái vật. Tôi giống anh, chỉ là người phàm thôi.”
Tôi ngắm cô ấy thật kỹ, cười nói:
“Sao tôi lại cảm thấy cô có một chút khí chất thần tiên nhỉ?”
“Tôi đâu có.” Thuyên đỏ mặt, cúi đầu.
Đầu tôi chợt lóe lên vài chữ, khi há miệng định nói, lại nuốt vào trong.
“Anh muốn nói gì?”
“Không có gì.”
“Anh đã hứa rồi, sẽ dùng ngôn ngữ để thể hiện ý tứ đích thực, không che giấu nữa.”
“Được. Tôi tặng cô câu này.”
“Mời nói.”
“Xin cô hãy rời khỏi trời mây, chào mừng đến với Trái Đất.”
“Đó là hai câu.” Thuyên cười cười.
“Tôi không giỏi toán, bị chê cười rồi.”
Thức ăn tôi gọi được đưa lên, tôi cúi đầu ăn, Thuyên lấy một cuốn sách ra đọc.
“Đúng rồi. Có một chuyện này cứ luôn quấy nhiễu tôi, không biết có thể xin ý kiến cô hay không?”
Ăn xong, tôi cất tiếng hỏi Thuyên.
“Được. Sao vậy?” Thuyên gấp sách lại.
“Xin hỏi… hôm nay sao chúng ta lại cùng nhau ăn cơm ở nơi này?”
“Ha ha… Xin lỗi. Chúng ta vẫn chưa nói tới chuyện chính.”
Thuyên cười rạng rỡ, đưa mu bàn tay phải lên che miệng, cười mãi không ngừng.
“Tôi đã đọc văn anh viết trên mạng, tôi rất thích. Vốn định mời anh viết bài…”
“Giờ gặp tôi rồi, liền không muốn nữa?”
“Không không….” Thuyên cuống quýt xua tay, “Xin lỗi. Tôi không biết cách nói.”
“Tôi đùa thôi, cô đừng để bụng.”
“Ừ. Nhưng sau khi gặp anh, tôi quả thật đã không còn ý định mời anh viết bài nữa.”
“Cô cũng đang nói đùa à?”
“Tôi không biết nói đùa. Tôi thật sự đã không còn muốn mời anh viết bài nữa.”
“Hả? Tại sao? Chê tôi à?”
“Xin lỗi.” Thuyên bỗng đứng bật dậy, “Tôi không biết nói chuyện, anh đừng giận.”
“Cô đừng căng thẳng, tại tôi không tốt. Tôi trêu cô thôi, người phải xin lỗi là tôi.”
Tôi cũng đứng dậy, mời cô ấy ngồi xuống.
“Anh đừng… như vậy. Tôi không hiểu lắm, sẽ sợ hãi.”
“Xin lỗi. Tại tôi không tốt.”
“Anh dọa tôi sợ đấy.” Cuối cùng Thuyên ngồi xuống.
“Xin lỗi.” Tôi cũng ngồi xuống.
Thuyên không đáp, chỉ đặt tay phải lên ngực trái, khẽ thở dốc.
Tôi đứng dậy, giơ tay phải lên, hạ xuống. Rồi giơ tay trái lên, hạ xuống.
Quay trái một góc 90 độ, xoay người lại. Quay phải một góc 90 độ, xoay người lại.
“Anh… đang làm gì thế?” Thuyên rất tò mò.
“Tôi đang làm động tác “xin lỗi”.”
“Gì cơ?”
”Bởi vì khi tôi dùng ngôn ngữ để thể hiện sự biết lỗi, cô không tin. Tôi đành phải dùng động tác.”
Thuyên lại đưa tay phải lên che miệng, bật cười.
“Tha thứ cho tôi được chưa?”
“Ừ.” Thuyên gật đầu.
“Tôi hay nói đùa, cô đừng sợ.”
“Nhưng tôi không phân biệt được.”
“Vậy thì tôi sẽ cố gắng bớt nói đùa đi, được chứ?”
“Ừ.”
“Nói đi. Tại sao đã không còn muốn mời tôi viết bài nữa?”
“Ừ. Bởi vì tôi cảm thấy chắc chắn là anh rất bận.”
“Sao cô biết?”
“Hai đầu lông mày của anh… rất chặt.”
“Rất chặt?”
“Ừ. Như thể đang chống cự lại điều gì vậy.”
“Chống cự?”
“Ừ. Như thể có người đặt một hòn đá rất nặng lên người anh, vì thế anh ra sức đẩy nó ra.”
“Vậy tôi đã đẩy ra được chưa?”
“Tôi không biết. Tôi chỉ biết, anh vẫn luôn gắng sức, đang gắng sức.”
“Ồ.”
“Tôi lại nói những điều kỳ quặc hả?”
“Không. Cô miêu tả rất tốt.”
“Cảm ơn. Mọi người thường không hiểu tôi đang nói gì.”
“Đó là vì họ ngốc, đừng để ý đến họ.”
“Anh lại cười nhạo tôi rồi. Tôi mới ngốc ấy.”
“Cô đâu có ngốc? Tôi thật sự rất bận, cô nói một cái là trúng phóc. Không đơn giản, cô là cao thủ.”
“Cao thủ?”
“Ý là rất thông minh.”
“Ừ.”
“Còn có lý do khác không?”
“Còn có tôi cảm thấy anh không thích hợp với việc viết báo. Anh không có khả năng viết, nhất định anh sẽ không viết được.”
“Ha ha… ha ha…” Tôi bắt đầu cười khan, Thuyên quả thật không biết cách nói chuyện.
“Anh cười gì thế? Tôi nói gì sai à?”
“Không. Cô nói rất đúng. Sau đó thì sao?”
“Không có sau đó. Anh không viết ra được, dĩ nhiên tôi sẽ không cần phải mời anh viết bài.”
“Ồ.”
Chúng tôi đều yên lặng, như hai chú cá đang bơi lội giữa biển khơi.
Bởi vì tôi thật sự không biết phải nói gì, thấy tôi không nói, Thuyên cũng không lên tiếng.
Thuyên là một cô gái đơn thuần, cách dùng từ rất thẳng thắn trong sáng.
Nhưng chính vì cách nói năng quá rõ ràng, về phương diện đối nhân xử thế, sẽ có tác dụng ngược.
Tôi rất muốn nói với em, không hiểu được nhân tình thế thái sẽ thiệt thòi.
Nhưng nếu cái gọi là nhân tình thế thái, chính là phải nói năng vòng vo tam quốc, giữ gìn thể diện.
Thì tôi thật sự không nên để Thuyên mất đi vẻ đơn thuần.
“Anh lại… lại giận rồi à?” Một lúc lâu sau, Thuyên dè dặt hỏi.
“Đâu có. Sao vậy?”
“Bỗng dưng anh không lên tiếng, rất kỳ lạ.”
“Ồ. Vậy thì được rồi. Có thể hỏi cô, tại sao tôi không hợp viết báo?”
“Bởi vì anh không biết viết?”
“Không biết?”
“Ừ. Giống như… giống như anh có thể đét đít tôi, nhưng anh không đánh. Lý luận giống nhau.”
“Sao cô biết tôi không muốn đét đít cô?”
“Bởi vì tôi rất ngoan.” Thuyên cười, hệt như một đứa trẻ.
“Ra là vậy. Ý cô là tôi có khả năng viết báo, nhưng tôi không muốn viết.”
“Đúng, chính là ý đó.” Thuyên rất vui, “Cho nên tôi đã nói anh rất thông minh mà.”
“Vậy, tại sao tôi lại không muốn viết?”
“Nếu anh muốn viết thì không còn là anh nữa rồi.” Thuyên như đang cố gắng nghĩ ngợi, rồi nói:
“Nếu anh viết báo giúp tôi, có thể tuần nào anh cũng phải viết một nghìn chữ.. Nhưng câu chữ của anh không phải được chế tạo ra, mà là tự nhiên sinh ra.”
“Chế tạo? Tự nhiên?”
“Ừ. Cũng giống như niềm vui. Nếu tôi hy vọng mỗi ngày anh cố định chế tạo ra mười loại niềm vui cho tôi, anh sẽ không làm được, bởi vì có thể cả ngày anh đều chìm đắm trong tâm trạng bi thương. Hơn nữa, niềm vui được chế tạo ra, cũng không còn là niềm vui nữa.”
“Ừ.”
“Câu chữ trong văn anh, không có mặt nạ. Không giống câu chữ khi anh nói, có mặt nạ.”
“Hả? Thật thế à?”
“Tôi lại nói sai rồi, xin lỗi.” Thuyên le lưỡi.
“Không sao. Tại sao tôi lại như thế?”
“Tôi chỉ biết câu chữ trong văn anh, là biểu đạt tình cảm một cách vô thức, là thật.”
Thuyên nhìn tôi, nói một cách ngại ngùng:
“Tôi có thể… có thể nói tiếp không?”
“Được chứ.”
“Ừm. Còn câu chữ trong lời anh nói, đã được đóng gói. Tôi chỉ có thể nhìn thấy giấy gói bên ngoài, không đoán được bên trong có thứ gì.” Thuyên khẽ khàng nói.
“Ừ. Cảm ơn cô. Tôi sẽ suy nghĩ kỹ lưỡng vấn đề này.”
“Anh không giận chứ?” Thuyên cúi đầu, nhưng mắt vẫn lén nhìn tôi.
“Không đâu. Thật đấy.”
“Ừ… Tôi nhìn thấy anh, thì sẽ muốn nói nhiều với anh như vậy. Bình thường gần như tôi chẳng nói gì.”
“Thật thế à?”
“Ừ. Bởi vì tôi nói chuyện thường khiến người ta giận.” Thuyên lại le lưỡi, cười nghịch ngợm.
“Sau này cô có thể thường xuyên nói chuyện với tôi.”
“Ừ. Nếu anh không giận, tôi sẽ thường nói.”
Chúng tôi lại im lặng một lúc. Sau đó tôi đứng dậy, định vào nhà vệ sinh.
“Anh… anh định đi à?” Dường như Thuyên rất hốt hoảng.
“Không. Chỉ vào nhà vệ sinh một lúc thôi.”
“Anh sẽ quay về nữa chứ?”
“Dĩ nhiên rồi. Miễn là không bị chết đuối trong bồn cầu.”
“Xin đừng… nói đùa với tôi như thế.”
“Ồ. Xin lỗi.” Tôi đành làm thêm vài động tác.
“Tôi (chỉ tay vào mũi) thật sự (hai tay giơ cao) sẽ (vỗ tay) quay lại (hai tay đưa thẳng).”
“Ha ha.” Thuyên cười, “Tôi sẽ đợi anh.”
Khi tôi từ phòng vệ sinh quay về, Thuyên nhìn tôi, mỉm cười.
Chúng tôi lại nói chuyện thêm một lúc.
Nói chuyện với Thuyên rất nhẹ nhõm, tôi có gì nói nấy, cô ấy nói gì tôi nghe nấy.
Không cần phải quá để ý đến việc chỉnh sửa câu chữ và ngữ điệu trong lời nói.
Tôi cũng để ý thấy, tất cả các động tác của Thuyên đều rất nhẹ nhàng, rất từ tốn.
Ngữ điệu cũng vậy.
Cũng tức là, cô ấy nói chuyện, không dùng dấu cảm thán.
Chỉ đơn thuần là các dấu phẩy, và chấm.
Cuối câu cũng không nói mấy từ kiểu “ờ”, “à”, “nhá”, “nhỉ”.
Những từ thường xuất hiện là “vậy”. Cùng lắm là “nhé”, nhưng giọng điệu nhất định không phải là dấu cảm thán.
Nếu Thuyên muốn thể hiện ý cảm thán, sẽ dùng ánh mắt, tay và động tác.
Vì ngữ điệu khi nói của Thuyên quá từ tốn, có lúc tốc độ nói sẽ trở nên rất chậm, hơn nữa giữa các câu cũng không liền mạch, luôn có một khoảng nghỉ.
Vì thế tôi thường không biết câu nói của em đã kết thúc hay chưa.
Vì thế tôi sẽ đợi.
Cho tới khi em nói: “Tôi chấm câu rồi.”
Tôi sẽ cười cười, sau đó mới bắt đầu nói tiếp.
Còn nữa, tôi để ý thấy, tay phải em thường đặt lên ngực trái, sau đó khẽ thở dốc.
Nhưng tôi không hỏi.
Thuyên cũng không nói.
Khi thấy những chiếc bàn trống trong nhà hàng bỗng nhiều dần lên, tôi nhìn đồng hồ.
“Đã 11 giờ rồi, cô đã phải về chưa?”
“Không cần đâu. Tôi ở một mình.”
“Cô ở đâu?”
“Nhà tôi ở Đài Trung. Nhưng bây giờ tôi sống một mình ở Cao Hùng.”
“Hả? Vậy thì phải đi tàu hỏa à, có muộn quá không?”
“Muộn à?”
“Vậy cô tới Cao Hùng rồi thì về nhà bằng gì?”
“Chắc chắn là không còn xe buýt, đành phải bắt taxi.”
“Đi thôi.” Tôi nhanh chóng đứng dậy.
“Muốn đi rồi à?”
“Dĩ nhiên rồi. Nếu muộn quá, cô con gái một thân một mình đi taxi rất nguy hiểm.”
“Không đâu.”
“Đi thôi nào.”
“Nhưng… tôi muốn nói chuyện thêm với anh.”
“Tôi ghi số điện thoại của tôi cho cô, về nhà rồi cô có thể gọi điện cho tôi.”
“Được.”
Ra đến ga, chuyến tàu Tự Cường lúc 11 giờ 24 vừa mới chuyển bánh.
Tôi đành giúp cô ấy mua vé chuyến tàu Doanh Quang lúc 11 giờ 58.
Ngoài ra, tôi cũng mua một vé tiễn, cùng cô ấy vào sân ga số 2 đợi tàu.
“Sao anh bỗng dưng lại có cảm giác ảo não và căng thẳng vậy?” Trên sân ga, Thuyên hỏi tôi.
“Cô nhận ra à?”
“Ừ. Giữa hai đầu lông mày của anh có sự ảo não, còn bàn tay nắm chặt vé tiễn, rất căng thẳng.”
“Ừ. Nếu đến sớm một chút thì không cần phải đợi thêm nửa tiếng nữa rồi.”
“Nhưng tôi rất vui. Chúng ta lại có thêm nửa tiếng ở bên nhau.”
Tôi đưa mắt nhìn Thuyên, rồi lấy ngón giữa tay phải đặt lên cuối lông mày bên phải, day lên day xuống.
“Anh không cần phải lo cho tôi. Tôi sẽ tự chăm sóc bản thân thật tốt.” Thuyên cười nói.
“Cô biết tôi lo cho cô à?”
“Ừ.” Thuyên chỉ vào lông mày bên phải của tôi.
“Vậy khi về đến nhà, nhớ gọi điện ngay cho tôi đó, biết chưa?”
“Ừ.”
“Có mệt không?”
“Không đâu.” Thuyên lại cười.
“Tôi có một câu hỏi muốn hỏi cô.”
“Ừ. Tôi biết anh định hỏi gì. Thực ra tôi cũng có cùng một câu hỏi.”
“Thật sao?”
“Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên. Có lẽ không sai đâu.”
“Cô đúng là cao thủ, quá lợi hại.”
“Anh… không phải là anh vẫn còn câu hỏi đó chứ?”
“Đúng là không giấu được cô.” Tôi cười cười.
“Anh muốn hỏi gì?”
“Rốt cuộc tôi màu gì?”
“Màu của anh rất thuần khiết, màu tím.”
Thuyên chăm chú nhìn tôi, thở dài:
“Chỉ tiếc là màu tím sẫm. Nhạt một chút thì tốt rồi.”
“Có thể cho tôi biết lý do không?”
“Thông thường mỗi người đều có từ hai màu sắc trở lên, nhưng anh chỉ có một.”
“Tại sao?”
“Mỗi người khi sinh ra đời chỉ có một loại màu sắc. Theo sự trưởng thành, không ngừng bị người khác tô lên những màu sắc khác, dĩ nhiên có lúc tự bản thân cũng cố tình nhuộm thành màu khác. Nhưng anh vô cùng đặc biệt, từ đầu chí cuối anh chỉ có một loại màu sắc. Chỉ có điều…”
Tôi đợi một lúc, đợi mãi không thấy dấu chấm câu.
Tôi đành hỏi: “Chỉ có điều sao cơ?”
“Chỉ có điều màu sắc của anh không ngừng thẫm lại. Khi anh ra đời, có lẽ là màu tím rất nhạt.”
“Màu tím thẫm đi nghĩa là sao?”
“Điều này anh rõ hơn tôi mà, chẳng phải sao?”
“Tôi vẫn muốn nghe cô nói.”
Thuyên thở dài:
“Đó là kết quả của việc anh không ngừng kìm nén. Vì thế màu sắc càng ngày càng đậm.”
“Cuối cùng sẽ thế nào?”
“Cuối cùng anh sẽ…”
Thuyên cắn môi, hít một hơi rất dài, rồi nói tiếp:
“Anh sẽ trở thành một màu tím rất đậm rất đậm, trông giống như màu đen, nhưng bản chất thì vẫn là màu tím.”
“Thế thì sẽ thế nào?”
“Tới khi đó… khi đó anh sẽ không còn phải kìm nén nữa. Bởi vì anh đã sụp đổ.”
Thuyên nhìn tôi, bỗng dưng một giọt nước mắt rơi ra, lăn rất nhanh trên gò má.
Có lẽ chỉ cần thời gian cho một cái chớp mắt, nước mắt đã rời khỏi khóe mắt, đậu lên môi.
“Xin lỗi. Tôi không hỏi nữa.”
“Không. Chỉ là đột nhiên tôi cảm thấy bi thương. Anh bây giờ… màu tím giữa hai đầu lông mày, rất đậm rất đậm.”
“Đừng lo. Tôi làm màu tím nhạt đi là được thôi.”
“Anh không làm được. Đó không phải là việc anh có thể làm được.” Thuyên lắc đầu.
“Vậy tôi phải làm thế nào?”
“Anh nên giống như tôi. Lúc vui thì cười, lúc buồn thì rơi nước mắt. Không cần phải kìm nén.”
“Tôi sẽ học.”
“Không cần phải học. Bởi vì đây là năng lực mà mỗi người đều có sẵn.”
“Vậy tại sao tôi lại khó thực hiện được?”
“Bởi vì anh vẫn luôn kìm nén.”
“Thật vậy sao?”
“Phải. Thực ra mỗi người ít nhiều đều kìm nén bản thân, nhưng sự kìm nén của anh… rất nghiêm trọng.
Năng lực kìm nén của mọi người bình thường không mạnh, vì thế tình cảm vẫn thường biểu lộ ra ngoài, điều này ngược lại lại là chuyện tốt.
Nhưng mà anh… Năng lực kìm nén của anh quá mạnh, mọi tình cảm đều bị đè nén lại.”
Thuyên lắc đầu, thở dài.
“Tuy khả năng kìm nén của anh rất mạnh, nhưng vẫn có giới hạn. Nhưng khả năng phản kháng lại sự áp chế của tình cảm, lại càng ngày càng mạnh lên, hơn nữa sẽ ngày càng có nhiều tình cảm tham gia vào phản kháng, một khi anh không kìm nén nổi, thì sẽ… thì sẽ…”
“Đừng nói chuyện này nữa, được không?”
Thuyên nhìn tôi, hơi tủi thân:
“Bây giờ anh lại tăng thêm sức kìm nén rồi đấy.”
Tôi cười cười, không nói gì.
“Có thể đề nghị anh hứa với tôi, sau này anh sẽ không còn kìm nén nữa, được không?”
“Tôi hứa với cô.”
“Tôi không tin.”
“Tôi (chỉ vào mũi) hứa (hai tay vỗ má) với cô (tay chỉ vào Thuyên).”
“Thật không?”
“Tôi (chỉ tay vào mũi) thật sự (hai tay giơ cao) hứa (hai tay vỗ má) với cô (chỉ tay vào Thuyên).”
“Tôi muốn anh nói hoàn chỉnh.”
“Tôi (chỉ tay vào mũi) sẽ không (nắm chặt hai tay) kìm nén…”
Nghĩ mãi, đành hỏi Thuyên:
“Kìm nén thì minh họa như thế nào?”
“Đồ ngốc. Làm gì có ai minh họa lung tung như thế.” Thuyên cười rồi.
“Vậy cô đã tin chưa?”
“Ừ.” Thuyên gật đầu.
Tàu hỏa vào ga.
Thuyên lên xe, bước vào trong toa, ngồi sát cửa sổ.
Yên vị xong, em vẫy tay với tôi, qua lớp kính cửa sổ.
Lúc này tất cả mọi âm thanh và từ ngữ trong lời nói đều không còn ý nghĩa, bởi vì chúng tôi không nghe thấy nhau.
Còi tàu rúc lên, con tàu chuyển bánh.
Trong giây phút tàu hỏa lăn bánh, Thuyên bỗng đứng bật dậy, áp lòng bàn tay phải lên ô cửa kính.
Miệng em hơi há ra, mắt nhìn thẳng vào tôi, lòng bàn tay trái xòe ra một nửa, khẽ vẫy năm lần.
Tôi đưa ngón trỏ tay phải ra, chỉ vào mắt phải. Rồi lại đưa ngón trỏ tay trái ra, chỉ vào mắt trái.
Sau đó ngón trỏ của hai bàn tay chạm vào nhau trước ngực.
Thuyên cười rạng rỡ.
Cho tới khi khuất khỏi tầm mắt tôi, Thuyên vẫn luôn cười.
Ý tứ biểu đạt của Thuyên rất đơn giản: “Chúng ta sẽ còn gặp lại không?”
Ý tứ biểu đạt của tôi càng đơn giản hơn: “Chắc chắn.”
Cây Tầm Gửi Cây Tầm Gửi - Thái Trí Hằng