Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 33
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1526 / 32
Cập nhật: 2022-12-22 17:48:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30 -
ôi ngây người ra. Trên tường, anh nhà giầu Antinov đang đưa mắt tống tình một cách ngu xuẩn với cô Anna xinh đẹp, nhưng tôi tưởng như cái bộ điệu ấy đang chế giễu tôi. Gian buồng lạnh ngắt, thậm chí có thể nói là băng giá. Hoa đi vắng tôi mới cảm thấy mẹ con cô là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Vắng mẹ con cô, căn buồng mất đi sự ấm cúng. Tôi phải làm gì bây giờ? Ôi chao, tại sao cô lại là con người như thế! Tôi suy nghĩ miên man rồi ủê oải đứng lên châm đèn, mở nắp chảo. Quả nhiên bát cơm độn đang để trên vỉ, bốc hơi nghi ngút. Tôi vội vã ăn xong cơm, mở sách ra. Lúc này, tiếng be be kêu từ dãy chuồng vẳng lại, có lẽ đàng ấy đang thịt dê.
Khi tôi đọc đến trang 900, chỗ Marx dẫn câu của Galas "Số phận cay đắng khiến người La Mã lang thang" thì cánh cửa bị đẩy tung như bão giật. Ngọn đèn lay động, bước vào là một người đàn ông vạm vỡ.
Người ấy chính là Hỉ.
Tôi giật mình, bật dậy theo bản năng, chuẩn bị tư thế đánh trả, mắt nhìn Hỉ không chớp.
- Tôi biết cô Hoa đã đến chỗ chuồng dê. Nghĩ rằng chú ở nhà, tôi đến tìm chú – Hỉ cũng như đội trưởng Tạ không có khái niệm "nhà ở", ngủ ở đâu thì đấy là nhà – Chú Lân này, tôi tìm chú có việc. Việc này chỉ có thể nói với chú.
Giọng nói cực kỳ ôn tồn của Hỉ làm tôi bình tĩnh lại. Thái độ của anh ta không hề có ý thù địch. Đã lâu Hỉ không đến nhà Hoa, và cũng như tôi lần đầu tiên đến đây, anh ta nhìn khắp căn buồng. Dưới ánh đèn tù mù, tôi nhận ra trong mắt anh đầy vẻ chán chường.
- Vậy anh ngồi xuống đây – tôi chỉ vào giường, như là chủ nhà vậy.
- Đến nhà tôi đi. Tôi không khoá cửa, nhà lại có đồ đạc – anh không giải thích, cũng không nói câu "chú đừng sợ", y như chúng tôi vẫn là bè bạn, và chính vì cái phong cách đàn ông ấy khiến tôi tin tưởng ở anh.
- Vâng – Tôi gấp sách lại – Ta đi thôi!
Sau lần đánh nhau với tôi, Hỉ ra tỉnh lỵ ít hôm, qua tết mới trở lại. Về đội, anh ta vẫn chăm chỉ đánh xe, nét mặt rầu rầu, không hé răng câu nào. Trên đường gặp Hoa và tôi, Hỉ không buồn ngẩng đầu lên, làm như không hề quen biết. Còn tôi thì trái lại, cảm thấy mình có lỗi với anh, có thể đó là tâm lý phổ biến của những người "chiến thắng" trên tình trường. Khi nào có mặt Hoa, tôi ngượng không nhắc đến Hỉ. nhưng Hoa thỉnh thoảng vẫn nhắc đến anh, với giọng bình thường, thậm chí hơi cay nghiệt là đàng khác. Hôm nay anh không tìm Hoa, mà lại chỉ gặp mình tôi là để nói chuyện gì nhỉ? Qua mái đầu cúi gằm và những bước chân nặng nề, tôi đoán chắc là một chuyện quan trọng. Tôi đi theo sau với tâm trạng căng thẳng và tò mò.
Tuyết vẫn lặng lẽ rơi. Đêm đen kịt. Cái rét kinh khủng làm quay cuồng những bông tuyết trắng, khiến mắt như nổ đom đóm. Chúng tôi dò dẫm về đến chuồng ngựa.
- Vào đi! – anh đẩy cái cửa nhỏ kề bên chuồng. Chúng tôi lần lượt bước vào. Căn buồng rất thấp và nhỏ, khoảng sáu, bảy mét vuông. Giữa buồng có một cái cột treo chiếc đèn bão rất sáng.
Chúng tôi phủi tuyết trên mũ và quần áo. Anh tháo đôi giày dính đầy tuyết, trèo lên giường, ngồi xếp bằng tròn.
- Lên đi! Lên đi! – anh mời tôi, với tay lấy ấm trà bằng sắt tây đang sôi sùng sục trên bếp lò, rót ra hai chén. Rõ ràng là bình trà đã được anh chuẩn bị sẵn.
- Uống thử đi. Mẹ kiếp, trà chính cống đấy, tôi đã cho đường đỏ vào rồi.
Tôi cũng leo lên giường, ngồi đối diện với anh. Trên giường kê chiếc bàn trà cũ kỹ nhưng được lau chùi bóng lộn. dưới đất không thấy có đồ đạc gì, chỉ cất đầy những rọ dây cương, roi ngựa, dây da, nhưng thu vén rất gọn gàng sạch sẽ.
Anh không nói gì, mày chau lại, dẩu môi húp sùm sụp, như chăm chú vào việc thưởng thức hương vị của trà. Tôi cũng bưng chén lên nhấp một ngụm. Quả nhiên trà rất ngọt. Căn buồng nhất thời im ắng, chỉ nghe thấy tiếng ngựa gõ móng ở gian bên. Hỉ uống hết nửa chén mới đặt xuống, có vẻ rất xúc động nhưng vẫn cố tự kiềm chế. Anh lau miệng bằng mu bàn tay, mắt nhìn vào một xó rồi bỗng buông một câu:
- Chú Lân, tôi sắp đi đây!
- Đi, anh đi đâu? – Anh từng coi tôi là bạn tri kỷ khiến tôi đâm ra lo lắng cho số phận anh – Vì sao anh bỏ đi?
- Mẹ kiếp, cái nơi kiết xác này không ở được! – Anh ngán ngẩm khoát tay một cái – Tôi có kỹ thuật, có sức khoẻ, làm đâu không kiếm nổi một tháng ba chục bạc? nói thật với chú, tôi vốn không định ở đây lâu, chỉ vì sau đó tôi lại quen..cô Hoa…rồi lại…
Anh ngừng bặt. Nhắc đến Hoa, tôi c ũng không tiện nói gì thêm. Tôi đỏ mặt nhìn anh. Gian bên, mấy con ngựa lại gõ móng cồm cộp. Hai bàn tay chống gối, khuỷu tay khuỳnh ra hai bên như cánh chim ưng, anh nhìn mãi vào một điểm không chớp mắt. Một con người ngang tàng, thô lỗ bỗng trở nên trang nghiêm và thâm trầm đến thế, khiến tôi nhìn thấy mà nao nao. Rồi một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu: trả lại Hoa cho anh ấy, họ rất đẹp đôi! Nhưng thoắt cái tôi nhận ra rằng, đàng sau cái vẻ "nhường nhịn" giả tạo của tôi, là một tâm địa bỉ ổi, một sự phản bội đối với tình cảm của Hoa. Thế là tôi ngồi im.
Yên lặng hồi lâu, hình như nỗi đau đã giảm bớt, anh quay lại bảo tôi:
- Tôi có một tải đậu vàng, khoảng hơn năm chục cân, để lại cho chú và cô Hoa. Cái bàn trà này cũng là của tôi, sáng mai chú đến lấy về. Tải đậu tôi vẫn giấu ở chỗ cũ, sau đống cỏ khô, chính là cái chỗ chú đã trông thấy. Đừng đem về vào ban ngày, đêm đến hãy lấy, cẩn thận đừng để ai trông thấy, chú hiểu không?
- Chuyện này..Tôi không biết có nên nhận không.
Tôi hiểu lòng tốt của anh, tính hào phóng của anh, lòng độ lượng rất đàn ông của anh, nhưng chính vì vậy mà tôi thấy xấu hổ vô cùng. Tôi rất không muốn chịu ơn người khác.
- Chú yên tâm, không phải của ăn cắp đâu – Anh hiểu tâm sự của tôi, nói – Tôi biết, những người đọc sách như các chú không ăn của lấy cắp. Chú không biết nên tôi nói thực: khi mới đến đây, tôi có trồng một vạt đậu ở bãi đất hoang phía tây. Chậc, đất hoang ở đây thì nhiều lắm. Sang thu, tôi thu hoạch khoảng ba bốn tạ. Chuyện này thì ông Tạ cũng biết, nhưng ông ta không báo cho nông trường bộ. Chậc, ông Tạ cũng là người tốt, vì vậy tôi phục ông.
Những người như anh vẫn coi tôi là con người cao thượng: không ăn của lấy cắp. Chỉ có tôi mới hiểu là mình không phải như con người như họ đã nghĩ. Tôi nhớ lại chuyện đánh lừa ông lão nông dân để lấy củ cải, chuyện lấy bột quả cỏ ở nhà ăn tập thể, chuyện ăn chực ở nhà Hoa…Tôi đi lừa đảo, đi ăn chực một cách tự nguyện. Còn anh thì đi khai hoang bằng sức lực của mình. Khác nhau biết mấy! Tôi và anh, ai là người cao thượng? Tôi nhíu mày suy nghĩ.
- Anh đem đi theo có tốt hơn không? – tôi suy tính hộ anh với tấm lòng chân thật.
- Không đem đi. Tôi ở đâu cũng không đói. Không như cô chú, một phụ nữ một học trò – Anh chỉ vào góc giường – Chú xem, tôi còn một bọc to chăn đệm!
Lúc này tôi mới nhận ra là chúng tôi đang ngồi trên chiếu, dưới đầu giường còn có một bọc hành lý to tướng đã chằng buộc chặt chẽ vào chiếc hòm gỗ, hai đầu có quai thứ quai đeo mà người dân Tây Bắc thường dùng, chỉ cần khom lưng là cõng đi.
- Thế nào? – tôi ngạc nhiên hỏi – Anh định đi ngay bây giờ à?
- Lúc này không đi thì đi vào lúc nào? – Anh cười khẩy – Chú tưởng tôi có thể ban ngày ban mặt mà bỏ đi được ư? Nói để chú rõ là hoàn cảnh tôi không giống như nhiều người lao động cải tạo khác. Như với các chú chẳng hạn. Các chú thì có liên quan đến hộ khẩu, lương thực, muốn đi thì phải làm xong thủ tục mới được đi. Còn tôi thì, mẹ kiếp, là thằng lưu manh, lại có đôi chút bản lĩnh, cái nơi nghèo xác nghèo xơ này tìm đâu ra? Chúng muốn giữ tôi lại nai lưng ra làm cho chúng. Nếu tôi ra đi đàng hoàng, không khéo sẽ bị chúng trói lại. năm ngoái…bây giờ thì phải kể là năm kia, rất nhiều người bỏ đi đều bị ăn thừng…
- Vậy anh đi đâu?
- Đi đâu à? Trung Quốc rộng lớn lắm! Tôi bôn ba đã nhiều nơi, nói để chú rõ – Anh vỗ hai cái vào ngực – Thằng Hỉ này có kỹ thuật, có sức khoẻ, nơi nào cũng hoan nghênh. Giờ tôi hẵng đến nhà bà cô dưới chân núi. Ăn tết xong, leo sang bên kia là Nội Mông. Ở đó cũng có nông trường, ngày công cao hơn. Điều này chú đừng nói với ai.
Tôi gật đầu.
- Anh yên tâm, tôi sẽ không nói với bất kỳ ai. Có điều, anh cứ thế này thì có phải là cái kế lâu dài không. Tôi nghe đội trưởng Tạ nói là trước đây anh đã đi nhiều nơi..
Anh đột nhiên cúi đầu xuống, cặp mắt âu sầu và đờ đẫn nhìn cái bàn trà không chớp, tỏ ý không muốn nghe tôi nói gì thêm. Tôi hiểu, con người ngang tàng như anh, một khi tự mình đã quyết, thì không ai có thể can ngăn được.
Ấm trà sôi lục bục. Đàn ngựa ở gian bên thở dài buồn bã. Chúng tôi không nói gì nữa, không khí trầm hẳn xuống. Anh lại nâng chén húp sùm sụp cho đến hết, rồi khà một tiếng như khi uống rượu, đầu gật gù, mắt chớp chớp, dùng bàn tay to bè vuốt mặt. Tiếp đó, tiếng hát não nùng, dồn nén thoát ra từ lồng ngực anh:
Cam Túc, Lương Châu đất ăn chơi
Vì sao anh mất mặt với đời?
Mất mặt vì sao, anh đã biết
Cục cưng cố ý hại anh thôi!
Hát xong, anh vỗ mạnh vào bắp vế đánh "đét" một cái, thở dài:
- Hừ, bọn con gái chỉ yêu cánh trẻ!
Tôi hiểu từ "mặt" trong bài hát có nghĩa là "sĩ diện", "danh dự", nói rộng ra, là lòng tự trọng của người đàn ông. Vẻ mặt và tiếng hát của anh mang sắc thái bi kịch, bất lực trước số phận, khiến tim tôi thắt lại. Anh vốn có thể ở lại đây, sinh cơ lập nghiệp, lấy vợ đẻ con, vậy mà giờ đây lại lênh đênh phiêu bạt! Mà lần phiêu bạt này lại liên quan đến tôi rất nhiều, tôi trở thành nhân tố phá hoại cuộc sống của anh. Tôi đau xót cúi gục xuống như bị roi quất trúng mặt.
Trầm ngâm một lúc lâu, anh lại thở dài, khoát tay một cái như đuổi muỗi, như muốn xua tan nỗi đau. Rồi từ cơn say anh tỉnh lại rất nhanh, tinh thần có vẻ phấn chấn, anh cầm bình trà rót tiếp đầy hai chén, xê dịch chỗ ngồi một chút, hỏi tôi:
- Chú Lân này, chú đọc sách gì thế? Tôi trông nó giống quyển kinh. Nói để chú biết là tôi đã mấy lần đứng sau cửa sổ buồng cô ấy nhìn vào, đều thấy chú đang xem sách. Thú thật với chú, hồi nhỏ tôi đã đọc kinh.
Hoa chưa bao giờ hỏi tôi vấn đề mà anh quan tâm này. Tôi rất vui vì đây là dịp để chúng tôi thanh thản với nhau. Tôi nói về quyển Tư bản, giải thích cho anh hiểu đây không phải là "kinh", mà là sách của Marx. Anh lại hỏi tôi, sách ấy dùng làm gì? Tôi bảo, đọc xong, có thể hiểu được quy luật phát triển xã hội. chúng ta không thể chống lại quy luật, nhưng hiểu nó, ta có thể giảm nhẹ, thậm chí hoà hoãn sự đau khổ tất yếu phải trải qua, giống như biết rằng sau xuân là hạ, sau hạ là thu, sau thu là đông. Chúng ta dựa vào quy luật để quyết định nên làm gì. Tôi nói: sự phát triển của xã hội giống như các mùa, có thể biết trước, nó có tính tất yếu của nó.
- Tính…tất…yếu.. – anh nhắc lại bằng tiếng địa phương, nét suy tư thoáng hiện trong đôi mắt lim dim – tính..tất..yếu, tôi hiểu rồi! chúng tôi cũng có cách nói này, gọi là "Đớctilơ" – nghĩa là "phán xét của Chúa". Vạn vật trên đời này đều do Chúa định đoạt.
- Ô, không phải thế đâu! – tôi định giải thích.
- Giống nhau, giống nhau – anh xua tay, và bằng một giọng áp đặt không cho cãi lại, anh nói tiếp – Có sự "Đớctilơ", nghĩa là sự định đoạt của Chúa, đó chính là "tính tất yếu" như chú nói. Lại còn "ixtian", tôi không biết gọi nó bằng gì. Thí dụ, tôi vốn là Mala, học thành tài thì lên Amen. Nhưng tôi không chịu học, chạy rông khắp nơi, đó chính là sự "ixtian" của tôi. nếu tôi làm việc xấu, thành kẻ xấu xa, bị trừng phạt, thì chuyện ấy không liên quan đến "Đớctilơ", mà là tôi tự "ixtian". Nếu không như vậy, sự trừng phạt của Chúa đối với tôi là vô lý. Tôi không thể đổ lỗi lên đầu Chúa, không thể nói là Chúa bảo tôi làm vậy. "Đớctilơ" là sự quyết định của Chúa, "ixtian" là sự quyết định của bản thân….
Những lời giải thích của anh, tuy không rõ ràng, nhưng không hiểu vì sao, tôi bỗng như bị giáng một đòn vào tư tưởng, khiến tôi rất ngạc nhiên. "Vừng ơi, mở cửa!" câu thần chú vốn không có ý nghĩa, lại mở toang được cánh cửa bằng đá nặng nề. Triết học duy tâm và triết học duy vật sử dụng những khái niệm khác nhau đối với một sự vật nhưng vẫn có thể khơi thông bởi những nhân tố chung. Tôi hiểu cái từ "ixtian" của anh, nhà triết học duy vật gọi là "sự lựa chọn của một con người". vậy thì tôi tuy xuất thân từ một giai cấp mà định mệnh phải diệt vong, cái giai cấp mà "đớctilơ" bắt phải diệt vong, nhưng trong đó còn có "ixtian" của tôi, còn có chỗ để tôi tự lựa chọn. Đồng thời những lời của anh đã gợi cho tôi hiểu một vấn đề mà tôi lúng túng suốt trong thời gian gần đây: chủ nghĩa Marx đã chỉ rõ quy luật phát triển tự nhiên của xã hội, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tính khoa học và chân lý của nó. Nhưng một mặt khác, vì sao chúng ta đói rách đến nỗi này? Thì ra ở đây có sự "ixtian". Nếu con người mắc sai lầm, bị vấp ngã vì hành động không đúng với quy luật khách quan, thì điều đó liên quan gì đến chủ nghĩa Marx? Sai lầm, va vấp nhất thời của con người không hề làm giảm tính đúng đắn của chủ nghĩa Marx…
Tôi chìm đắm trong luồng suy tư của tôi. Anh thì vẫn nói một cách hào hứng, nhưng toàn là những thuật ngữ tôn giáo thời anh là Mala, có lẽ để xua đuổi mối u uất trong lòng, những ưu phiền của cuộc đời gió bụi, anh muốn ngao du Thiên quốc của anh một chuyến. Anh càng nói càng hăng, những lời lẽ thì ngày càng hoang đường khó hiểu.
Từ khu chuồng trại vẳng đến tiếng kêu the thảm của bầy dê. Không hiểu đã thịt được mấy con. Chuồng ngựa không xa chuồng dê là mấy, tiếng be be lại càng nhức nhối. nghe tiếng dê kêu, không hiểu anh bỗng nhớ ra điều gì, cái đầu lại cúi gục xuống, không còn hứng thú chuyện trò gì nữa. Anh ngồi im.
Ngọn đèn bão nhảy lên hai cái rồi mờ hẳn đi. "Mẹ kiếp, dầu sắp cạn rồi!" Anh chửi cái đèn, rồi đứng dậy vặn bấc cao lên một tí. Một làn khói đen chạy vòng tròn trong chiếc bóng đèn trong suốt, vẽ lên đó những đường vân đen kịt. Anh nghiêng người định vặn nhỏ lại, nhưng chợt nhớ đã sắp ra đi nên rụt tay về, ngồi lại trước mặt tôi.
- Chú Lân này, chú lấy cô Hoa đi! – Anh bỗng nói một câu chẳng ăn nhập vào đâu.
- A, tôi… - tôi không ngờ anh đề cập đến chuyện ấy, người ngẩn ra.
- Hoa tốt đấy. "Quán ăn Mỹ" chỉ là cái tên do thiên hạ bịa ra mà thôi. Tôi biết, cô ấy đàng hoàng lắm, lại dũng cảm nữa. Thật đấy, chú xây dựng với cô ấy đi. Chú lấy cô ấy là có phúc đấy.
- Tôi… - tôi ấp úng – Tôi chưa thể nghĩ đến chuyện ấy vào lúc này.
- Sao lại chưa nghĩ? – anh giận dữ đập tay vào đầu gối, trừng mắt lên – Đừng có so đo nữa. Chú cho rằng cô ấy không xứng với dân có chữ như chú chứ gì? Thú thật, có lần tôi đứng sau cửa sổ, xem trộm cô ấy tắm. Chà chà, cặp vú này, eo lưng này..chà chà..
Anh có những ngôn ngữ và cử chỉ mà tôi không ngờ tới. Tôi bật cười. Có điều, tôi thấy ở anh sự chân thành, trung thực và thật tình chăm lo cho tôi. Đồng thời lúc này tôi mới hiểu vì sao có lần Hoa nói đến anh rồi chợt ngừng bặt. Chắc là cô đã biết hành vi ấy của anh. Về sau, dù anh đối xử rất tốt, chăm lo từng li từng tí, nhưng cô vẫn gọi anh là "đồ chẳng ra gì", nguyên nhân là ở đấy chăng?
- Thế nào? – cuối cùng anh hỏi tôi – Chú còn suy nghĩ gì nữa? Thời buổi này không mở khoa thi lấy tú tài, chú thì bụng đầy sách, người ta không dùng thì chú vẫn là vô dụng. Cô ấy may vá cơm nước đều giỏi, việc đồng áng cũng cừ. Lấy chú, còn sợ thiệt thòi cho cô ấy.
Dê lại kêu. Anh bảo đã đến lúc ra đi, tợp một hơi hết chén trà, nhấc bình trà ra khỏi bếp lò, bảo tôi giúp anh đeo bọc hành lý.
- Đeo nổi không? – tôi e ngại hỏi.
- Nổi. Mười lăm cây số đến chân núi, loáng cái là xong.
Anh lật cái bọc nặng chịch, không chào từ biệt tôi, cũng không bắt tay, chỉ dặn tôi nhớ tắt đèn, khoá cửa, thêm cỏ cho lũ ngựa. rồi anh nghiêng người, chân trái ra trước, chân phải theo sau, lách qua cái cửa hẹp, lẩn vào màn đêm gió tuyết mênh mông.
Ra khỏi chuồng ngựa, trước mắt tôi là một thế giới tuyết, dày đặc bay bay.
Hoa vẫn ở chỗ chuồng dê. Tôi về "nhà" đi ngủ.
..vừa chui vào trong mền chưa kịp ngủ, tôi đã nghe tiếng đội trưởng Tạ gọi:
- Trương Vĩnh Lân! Chú Lân, chú Lân…
Tiếng gọi dồn dập khiến lòng tôi nặng trĩu, lập tức nghĩ ngay đến chuyện của Hỉ. Tôi không thưa, giả vờ ngủ say, suy tính xem nên trả lời những câu căn vặn của lãnh đạo như thế nào? Đội trưởng Tạ vẫn ra sức gọi:
- Chú Lân, chú Lân!
Lão kế toán dùng cùi chỏ hích tôi:
- Chú Lân, gọi chú đấy!
Tôi uể oải ngồi dậy, lấy giọng ngái ngủ hỏi:
- Việc gì đấy, bác?
- Đến văn phòng hội họp mau lên!
Tôi nghĩ, chưa hẳn là đã phát hiện ra chuyện Hỉ bỏ đi. không lẽ nhanh như thế. "Họp", có lẽ thảo luận việc chia thịt, có thể mấy anh công nhân độc thân chúng tôi được chia một phần. Tôi vội vã mặc quần áo, chạy đến văn phòng đội.
Các tổ trưởng đều đã có mặt. Trên tay người nào cũng có điếu thuốc lá tự vấn lấy, khói thuốc mù mịt. Trên bàn có một sọt lá thuốc. Khi nào họp, đội cho các tổ trưởng hút thuốc không mất tiền. "Phiền bác, cho tôi xin mẩu giấy". Tôi cũng len vào cuốn một điếu, châm lửa, im lặng ngồi hút như những người khác.
Lát sau đội trưởng Tạ, tay xách bao bột mì bước vào, thở phì phò, ngồi đánh phịch trước bàn giấy. Trên bàn để chiếc đèn bão, soi rõ tay bác đầy máu. Tôi sợ quá, điếu thuốc suýt rơi ra khỏi miệng, nghĩ đến những tình tiết miêu tả trong Vụ Án Phônmox. Tôi nghĩ đến Hỉ, nghĩ đến Hoa, sợ đến đờ người ra.
May quá, đội trưởng Tạ chỉ nói là cái thằng Hỉ chết tiệt ấy đã bỏ đi rồi. Ông già chăm sóc gia súc chính là ông xà ích "đồ chó chết" phát hiện ra chuyện này. Ông ta đến chuồng ngựa, thấy cửa nhà Hỉ khóa ngoài lẽ ra tôi không nên khoá cửa lại), soi đèn bão qua cửa kính thấy "trên giường trống trơn như nước lũ tràn qua". Ông ta liền đến chuồng dê báo cáo đội trưởng Tạ. Đội trưởng nói là phải đi tìm "cái thằng chết tiệt ấy về", sắp gieo trồng vụ xuân rồi, không có người gieo hạt sao được? Cái thằng chết tiệt ấy sao không đợi đến sau vụ xuân hãy đi! Bác phân công các tổ trưởng chúng tôi chia nhau đi đuổi bắt, điều quân như một ông tướng: những ai đi hướng bắc, những ai đi hướng Nam, những ai đi Trấn Nam Bảo, những ai đi đường hướng đông. Bác nói tôi mặt mỏng manh thì đi theo đường lớn phía đông, đến ga xe lửa cách đây mười lăm cây số để chặn Hỉ lại. Bác dặn kỹ, ga đó có lò sưởi, tôi đốt lò, bác đi thu xếp công việc chỗ chuồng dê một lát, rồi đến sau.
Tôi bây giờ mới nghĩ ra, máu ở tay đội trưởng là máu dê. Có một con đường bác không chú ý. Đó là con đường mòn của đàn dê dưới chân núi. Tôi nhẹ cả người. Đặc biệt là bác mở bao tải, phát cho mỗi người hai cái mô mô cứng như đá: anh em chịu khó một tí, bánh này coi như bữa ăn phụ! Nghe bác nói vậy, tôi càng phấn khởi.
Tan họp, các tổ trưởng ra khỏi văn phòng. "Chậc, tuyết to thế này đuổi theo làm gì? Về nhà ngủ thôi!" họ rỉ tai nhau, rồi quả nhiên ai về nhà nấy ngủ.
Tuyết rơi càng nhiều. đông tây nam bắc một màu xám trắng, nhiều đến nỗi không mở được mắt. Thời tiết khỉ gió này mà không lạc đường mới lạ! Tôi lo cho anh Hỉ. tại sao anh lại chọn đúng cái đêm như thế này để ra đi! Nhưng nghĩ lại, anh thông minh chính là ở chỗ đó. Các tổ trưởng chẳng đã bỏ về nhà đó sao.
Tôi đi theo con đường cái lớn. May mà hai bên đường có trồng liễu. Đi giữa hai hàng liễu sẽ không bị lạc. Tôi kéo sụp cái mũ La Tống xuống, lập tức mũi và hai má tôi cảm thấy hơi ấm của Hoa. Tôi lại nhớ lời đề nghị của Hỉ lúc sắp đi, tuy trong lòng còn mâu thuẫn, nhưng vẫn cảm nhận được tình bạn vô tư của anh. Tôi nhận ra rằng, lương thiện, thông cảm, thương mến…những tình cảm tốt đẹp của con người không đến nỗi bị đói khát và roi vọt đuổi sạch như trước đây tôi từng nghĩ. Trái lại, chính trong hoàn cảnh như thế, tình cảm đó càng chói lọi. Ôi, số phận đã kéo tôi ra khỏi tháp ngà, chẳng lẽ đối với tôi không có ích chút nào hay sao? Chính trong giờ phút này, trong hoàn cảnh này, tôi đang hưởng một mối tình sâu sắc nhất, khó gặp nhất trong cuộc đời đó sao?
Tôi liền cảm thấy mình là người rất hạnh phúc. Lúc này không rõ là mấy giờ, có lẽ đã nửa đêm. Tôi chỉ nghe tiếng tuyết rơi mềm mại và tiếng thở phì phò của tôi. Đêm tuyết trong trắng đến nỗi tưởng như linh hồn con người đã lìa khỏi thể xác. Phía trước nổi lên giữa hai hàng liễu là chiếc cầu nhỏ khum khum cái dáng nhẫn nhục đã quen chở nặng. Tôi bỗng nhớ cách đây hơn hai tháng – hơn sáu mươi ngày, Hỉ đánh xe chở toán người đi lập nghiệp chúng tôi qua đây. Khi đó, tôi còn chạy khắp đồng, đào bới củ cải, còn anh thì ngồi trên xe lẫm liệt oai phong, hát bài dân ca tình tứ đến say lòng người. Chắc là trong đầu anh, hình ảnh của Hoa cứ chập chờn, anh chỉ muốn về sớm để gặp cô. Vậy mà chỉ trong phút chốc đã thay đổi biết mấy! Giờ đây, anh đang là kẻ thất tình, một tên đào ngũ. Còn tôi, một tên tình địch đã giành phần thắng, lại mặt dạn mày dầy đóng vai kẻ săn đuổi anh. Tôi tưởng tượng ra Hỉ cõng bọc hành lý nặng trong đêm tuyết mênh mông, lê từng bước đến chân núi. Cảm giác sung sướng liền tan biến, vì rằng tôi thấy rõ ràng hạnh phúc của tôi được xây dựng trên sự đau khổ của anh. Tôi liền nhớ lại câu bình luận của anh về bài "Trăng mờ nhạn bay cao, Thuyền Vu đêm vượt rào. Toan sai khinh kỵ đuổi. Tuyết rơi đầy cung đao", mới hiểu cái kỳ diệu của Lô Luân, bức tranh của ông miêu tả đằng sau cái khí phách anh hùng của tướng quân nhà Đường, nổi lên sắc thái bi tráng của Thuyền Vu. Chả trách qua bài thơ Hỉ đã nêu một cách nhìn khác với mọi người! Một ngàn năm sau, khi chúng ta đã xây dựng được một đại gia đình các dân tộc, chẳng lẽ chúng ta vẫn không cho phép anh ta nghĩ như vậy? Đúng như vậy, nhìn bề ngoài, anh là kẻ ngang ngược, thô bạo, dã man, nhưng tấm lòng của anh sao mà trong trắng, đa tình! Anh là người anh em thiểu số đầy tính cách bi tráng!
Tôi được người lao động chất phác ấy đồng tình, coi như bè bạn, được chăm sóc từng ly từng tí. Họ thường cho tôi là con người tốt, cao thượng. Còn tôi thì cho họ những gì? Chẳng cho gì cả, ngoài sự đau khổ?
Tôi đứng lặng một lúc trên chiếc cầu nhỏ, cúi nhìn những bông tuyết trắng rơi vào bóng đêm dưới chân cầu. Sự hối hận sâu sắc – cố nhiên la vì mình mà người ta bất hạnh, mà nạn nhân vẫn tha thứ cho mình, lại cố làm ơn cho đến phút chót. Vậy thì, đâu chỉ là hối hận, mà là nỗi đau xé ruột. Ôi anh Hỉ, người bạn thân yêu của tôi! Tôi làm thế nào để trả ơn anh?
Cây Hợp Hoan Cây Hợp Hoan - Trương Hiền Lượng Cây Hợp Hoan