I divide all readers into two classes; those who read to remember and those who read to forget.

William Lyon Phelps

 
 
 
 
 
Tác giả: Martine Murray
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 8
Cập nhật: 2017-06-11 10:56:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 35
ẳn là tôi ngủ rất say, vì khi tôi thức thì má và Barnaby đã thức rồi. Cơn mưa đã ngớt và tôi nghe tiếng họ trò chuyện trong bếp. Tôi ngửi thấy mùi thuốc lá và cà phê. Qua tiếng nói rì rào trầm trầm của hai người, tôi biết họ đã trò chuyện khá lâu rồi và tôi đã bị cho ra rìa. Tôi dụi mắt cho có vẻ như mình cũng đã thức, xong tôi nhảy xuống giường đi vào bếp. Tôi dừng lại ở cửa và lắng nghe. Có một thứ âm thanh bị kềm nén lại trong hai giọng nói.
Barnaby đang nói, ‘Má à, má phải nói với nó. Nó nên được biết sự thật. Nó đủ lớn khôn để biết chuyện rồi.’
‘Đúng vậy, chắc là con nói đúng. Nó hỏi hoài à. Má thì cứ lảng đi, con biết đó. Nhưng không phải hôm nay đâu nhỉ? Không thể nói ngay trước buổi diễn. Nó hoang mang về chuyện đó lắm rồi. Nó nghĩ vậy là nhiều rồi. Và con cũng ở đây rồi mà.’
‘Dạ, không phải hôm nay. Má nè, má có muốn con nói với nó không?’
‘Không, không. Con đã phải tìm hiểu câu chuyện ở nơi khác là đủ tệ rồi. Tự má sẽ nói với nó.’
‘Nó sẽ ổn thôi má à. Nó đâu còn nhỏ nhít gì nữa.’
‘Đúng vậy.’
Im lặng một lúc. Tôi nghe tiếng cái ghế kêu lên như có ai đó đứng dậy.
‘Con muốn thêm một ly cà phê nữa không?’ Qua âm điệu giọng nói nhẹ hều của má, tôi biết là bà không có ý muốn tiếp tục cái đề tài nghiêm trọng cũ nữa. Nhưng vừa khi tôi nghĩ mọi chuyện nghiêm trọng đã hết thì lại có một lời trần tình nho nhỏ.
‘Barn cưng nè, má cảm thấy má đã làm một vài lỗi với con và Cedy. Má muốn giải thích. Con thấy đó, khi ba con qua đời, má quá sợ về sự an toàn. Do đó má làm nhiều giờ bởi vì má muốn một ngày nào đó sẽ mua nhà riêng cho gia đình mình. Má nghĩ đó là điều tốt nhất mà má có thể mang lại cho các con. Căn nhà riêng của các con. Đó là cái mà ba má đã muốn có. Nhưng thời gian gần đây, má thấy rằng có lẽ nó không phải là thứ mà các con cần nhiều bằng thời gian; thời gian của má.’
Lại im lặng một lúc. Rồi Barnaby nói, ‘Dạ, có lẽ vậy.’ Tôi nghĩ là anh bối rối. Rồi hai người lại im lặng một lúc nữa. Có tiếng thở dài và má ậm ừ rồi bắt đầu lục lọi tìm kiếm gì đó, chắc là cái hộp quẹt. Rồi lại im lặng. Những khoảng lặng đó làm tôi bức bối khó chịu và thậm chí thấy mình giống như hổng có mặt ở đó.
Má hỏi, ‘Nè, con có nghĩ là má nên gọi Cedy dậy không? Nó có một buổi tập lúc mười hai giờ ba mươi.’
‘Con sẽ đánh thức nó.’ Barnaby nói, rồi tôi nghe tiếng anh đứng dậy và đá cái chân bàn một cái cho nó khớp vào đúng chỗ. Tôi bước vào bếp, giả vờ dụi mắt ngái ngủ, lần này để làm như tôi vừa thức dậy.
Má nói, ‘Nhìn kìa, ai mới dậy vậy ta. Vừa kịp để ăn chút điểm tâm trước giờ diễn tập. Con ăn bánh mì nướng không?’
‘Dạ ăn. Má và anh dậy hồi nào vậy?’ Tôi giả bộ còn lừ đừ ngái ngủ. Tôi phóng qua thùng đựng bánh mì và thả hai miếng vào lò nướng. Má đặt một cái đĩa lên bàn để bắt tôi phải dùng.
Barnaby hỏi, ‘Mới một lúc thôi. Có cảm thấy ngon lành như nhà vô địch không hả Cedy?’
‘Không.’
‘Đồ lười.’
‘Má với anh nói chuyện gì vậy? Em có bỏ sót nhiều chuyện không?’ Tôi hỏi, cố tỏ vẻ bình thản.
‘Ồ, chỉ là cuộc tường thuật hoàn toàn nguyên vẹn, không gia giảm, không kiểm duyệt, không cắt bỏ về chuyến nghỉ tự phát, tự đề xướng, và kéo dài của anh.’ Barnaby ngã người đong đưa trên ghế, hai tay đỡ sau đầu và cười khúc khích. Cánh tay anh to hơn trước đây.
‘Anh bỏ quên cái khoản không thể kể lại.’ Tôi nói, hào hứng phết bơ lên miếng bánh mì.
Má nói, ‘Barn à, con làm gãy cái ghế bây giờ.’
‘Vậy là em lỡ mất chương về con thiên nga đen rồi phải không?’ Tôi nói, gỡ những vụn vỏ ra khỏi miếng bánh mì.
‘A, giờ thì chuyện đó kể lại dễ òm.’ Barnaby nói, và tôi gần như thấy được tâm trí anh trôi xa ra khỏi căn bếp rồi quay trở lại đúng lúc. Nó làm cho đôi mắt anh dịu lại và nụ cười chầm chậm mơ màng, tôi đảo mắt lên xuống, rồi quăng miếng khăn giấy Wettex vào người anh, chuyện này làm anh bật cười.
Tôi hỏi dồn, ‘Sao anh không cho má và em biết là anh đã ở đâu?’
‘Sao hai đứa không ăn vụn bánh mì?’ Má hỏi, thoáng cau mày trong lúc trải mấy tờ báo cuối tuần lên khắp bàn, rồi khắp phòng.
‘À, má nè, vụn bánh mì là dành cho Rita và Door. Chúng thích hơn.’
Barnaby đáp, trút mớ vụn bánh mì vào thùng. ‘Ê Cedar, em nên ăn một quả trứng, để có chất đạm, nó sẽ làm em thấy khỏe vào tối nay.’
‘Không muốn ăn trứng. Em phải đi bây giờ đây.’
‘Anh đưa em đến đó nhé?’
‘Đồng ý.’
o O o
Chúng tôi đi lên con phố, Barnaby hỏi thăm về gia đình Lebbos, về Ricci, về Caramella, về cả gia đình Barton nữa.
‘Harold Barton sao rồi, Harold có thứ đồ chơi mới gì vậy?’
‘Hắn có cái Play Station[29] đời mới nhất.’ Tôi đáp, và Barnaby bật cười. Anh chỉ ngôi nhà đẹp của hai cậu trai và nói, ‘Và cái bọn đỏm dáng kia vẫn nghĩ rằng chúng ta là những kẻ man rợ, kém văn minh à?’
[29] Play Station: đồ chơi video game của hãng Sony.
‘Ừ.’ Tôi hãnh diện đáp, bởi vì cho dù má không thích điều đó, thì tôi cũng không quan tâm đến việc họ có nghĩ chúng tôi hoang dã như mấy con chồn hay không. Dù sao đi nữa, Robert vẫn giúp tôi chữa trị cái sườn gãy, cho nên ông không phải là xấu, mà đơn giản chỉ là một tay hợm hĩnh.
Chúng tôi đi dọc theo con lạch Merri Creek. Nó nồng mùi bùn và cũ kỹ, dưới nước chảy lền màu nâu sữa vì cơn mưa. Mấy con vịt nâu đẻ dọc theo bờ, cho dù chúng muốn hay không thì cũng phải chịu đẻ kiểu vậy, và chúng tôi thấy một gói thức ăn vặt hiệu Twistie xoay mòng mòng giữa dòng nước cuốn. Tôi nói, nếu tôi là một gói Twistie, thì đó chính là cái cách mà tôi thích để kết liễu đời mình: nhảy múa một cách say đắm và lặng lẽ trong một con lạch rộn ràng niềm vui. Barnaby nói rằng nếu anh là một gói Twistie, anh sẽ thích bị nhét vào túi của nhà thơ Walt Whitman hay nhạc sĩ Bob Dylan, và anh sẽ du hành quanh nước Mỹ, nhìn ngắm và lắng nghe. Tôi nói, ‘Nhưng nhà thơ Walt Whitman chết rồi!’ Thì anh đáp, ‘Thì gói Twistie cũng tiêu vậy.’ Stinky sủa mấy con vịt, nhưng chúng cứ tiếp tục làm các công việc của vịt, chủ yếu là lặn hụp trong dòng nước và hi vọng có con cá nào trôi ngang vừa tầm mỏ của chúng.
Tôi hỏi, ‘Chúng sẽ kết thúc cuộc đời ở đâu đây?’
Barnaby đáp, ‘Ở một xứ vịt khác.’
Chúng tôi thấy Lão Thỏ ở ngoài xa, nhưng anh em tôi không bắt chuyện với lão. Chúng tôi bận trò chuyện với nhau. Chúng tôi đến ngồi dưới cây cầu gù gù và tôi kể với Barnaby về giả thuyết Pat và Gary của tôi, rồi chúng tôi tính ra rằng Barnaby đã đi xa nhà mười sáu tháng, số thời gian nhiều hơn một năm. Chủ yếu anh ở miền Tây Úc, ở đó anh làm nhiều nghề kỳ quặc khác nhau, chỉ để sống cho qua ngày, chứ không vì lý do nào khác, tuy nhiên có lần anh làm việc cho một tay làm phim tài liệu đang làm một cuốn phim về loài rùa sống trên cạn, và anh thích công việc đó lắm. Chúng tôi tiếp tục đi.
Tôi hỏi, ‘Nè, vì sao anh lại tới miền Tây Úc vậy?’
Anh dừng lại, cau mày và ngó xuống đất, cho dù trên mặt đất chẳng có gì cả ngoài những đường kẽ mà bạn nên giẫm lên nếu bạn muốn những điều tốt đẹp xảy đến với mình.
‘À, anh đoán là bởi vì đó là nơi có những điều mà anh muốn tìm hiểu.’
‘Những điều gì?’
‘Về ba của tụi mình. Em của ổng sống ở đó.’
‘Em hông biết là ba có một người em nữa kìa.’
‘Không, có một vài chuyện mà em không biết.’
A ha, tôi nghĩ, đây rồi nè. Cái đề tài nghiêm trọng lúc ăn sáng. Tôi có muốn biết không? Barnaby có vẻ đau buồn. Tôi cảm thấy hơi lo lắng và hoang mang. Tôi phải biết mới được.
‘Những chuyện gì nào?’ Tôi đặt tay lên bụng mình.
‘Vầy nè, má rất muốn giải thích mọi chuyện với em sau này, sau buổi diễn, nhưng vì bây giờ sẵn dịp, anh có thể kể với em bây giờ luôn nếu em muốn.’
Tôi dừng bước và đứng yên rất nghiêm. Tôi hạ thấp giọng, gần như giọng người lớn.
‘Barnaby nè, em biết nhiều chuyện. Em biết chuyện tấm ván trượt. Em biết anh không hề chôm nó. Mà Harold giấu nó trong lỗ cống. Và em biết ba là người cánh tả.’
‘Làm sao em biết hết những chuyện đó?’ Barnaby mỉm cười làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi kể với anh làm sao mà tôi biết được, anh cười quá xá. Rồi hai anh em ngồi xuống bãi cỏ và anh kể với tôi những chuyện anh tìm hiểu được từ ông chú mới của chúng tôi sống ở miền Tây Úc.
Barnaby nói rằng có nhiều điều mà má chưa bao giờ kể với anh em tôi, bởi vì những rắc rối giữa má và ba. Ví dụ chuyện này, ba không phải là một nhạc sĩ như tôi đã nghĩ, không phải theo nghĩa nghiêm túc đó, mà ông chỉ ca hát lăng nhăng cho vui thôi. Điều mà ông thật sự thiết tha là cứu cây cối với cứu rừng, nhưng chuyện đó lại gây ra vô số rắc rối giữa hai vợ chồng vì ông thường vắng nhà. Ông lúc nào cũng bận đi tổ chức phản kháng và cố ngăn cản việc đốn hạ cây rừng, làm việc cho tổ chức Xã hội Bảo vệ Hoang dã. Má đặt niềm tin vào những việc ba làm, nhưng bà cũng cảm thấy bị ông xem nhẹ, bởi vì có vẻ như ông quan tâm cho những cánh rừng nhiều hơn là cho gia đình riêng của mình. Nhiều khi ông bỏ đi mất nhiều tuần lễ, tham gia những cuộc biểu tình ở Otways. Nếu rủi ông có bị cột chặt vào một cái cây thì bà mất liên lạc với ông luôn. Khi tôi chào đời thì ông vắng nhà, trong những ngọn núi hay có một cuộc họp với chính phủ hay làm gì đó. Bà ngoại phải đưa má đến bịnh viện, và hàng xóm phải chăm sóc cho Barnaby bởi chúng tôi không có khả năng tài chính để thuê vú em trong suốt ba mươi bảy giờ để tôi ra đời suôn sẻ. Má sanh tôi một mình.
Vì thế, ba là một người tốt về mặt này, đúng vậy, về một mặt rất quan trọng và chính đáng, theo như lời của Barnaby; ba tự vẽ mình trong một bức tranh có tầm vóc đáng nể và hào hùng, cho tới nỗi không còn chút sơn nào sót lại để thực hiện những chi tiết nhỏ. Thí dụ như chuyện cái gia đình nhỏ cần ông. Do đó, nó là một bức tranh sang trọng mà lại thiếu chiều sâu. Barnaby nói rằng ba chỉ có một công việc mà nó lại đòi hỏi nhiều hơn những công việc thông thường, bởi vì điều ông đang làm là khẩn cấp lắm. Nhưng má luôn luôn cảm thấy mình chỉ là thứ hai, kém phần quan trọng. Do đó họ cãi cọ nhau rất nhiều, cho dù họ yêu nhau lắm, và ông cũng thương hai chúng tôi nữa. Thương những khi nào ông rảnh.
Và rồi, khi tôi mới chỉ chừng một tuổi, tôi bò ra khỏi sân thượng của nhà ai đó và té xuống vườn. Má vội vàng đưa tôi vào bịnh viện, vì má nghĩ chắc tôi bị tổn thương não. (Cám ơn Chúa, Barnaby không biết rõ chuyện đó khi chúng tôi còn bé.) Má bị quẫn trí (tất nhiên là vậy rồi), và trong lúc tôi đang được xét nghiệm thì bà gọi điện cho ba, lúc đó ông đang ở Otways, nói ông phải về nhà ngay vì má cần ông. Quả là khủng hoảng. Một mình má không thể đương đầu được với chuyện đó. Rồi ba về liền, nhưng ông quá mệt vì thức suốt đêm, và đường về nhà lại là đường núi quanh co. Đó là chuyện ba qua đời, không phải vì một cơn đau tim đột quỵ mà là do một vụ tai nạn. Không ai biết chính xác chuyện gì xảy ra, nhưng xe của ba trượt khỏi vệ đường. Má đau khổ vô bờ, không chỉ vì buồn đau thôi, mà là do mặc cảm có lỗi, bởi vì má cảm thấy rằng lẽ ra mình không nên đòi ba về ngay. Nhưng bà đã quá mệt vì cứ phải luôn tự mình xoay xở mọi việc.
Chúng tôi ngồi yên lặng trên bãi cỏ bên con lạch. Cái ý nghĩ sáng suốt đầu tiên đến với tâm trí tôi là tôi sắp bị trễ. Nhưng tôi không nhúc nhích nổi. Tôi có cảm giác như thể những bộ phận trong người tôi đang được sắp xếp lại chầm chậm, như thể những cấu trúc trong đầu tôi, tất cả cái cơ cấu mà tôi đang để những suy nghĩ và cảm xúc của mình tựa vào, đang được sắp xếp lại. Đó là một cảm giác nặng nề và trì độn, như một ngôi nhà phải cảm nhận ra sao khi một trong những bức tường của nó bị phá nát và một bức tường khác được xây lên thế chỗ. Giữa tiếng búa nện chan chát và tiếng đập phá, tôi chỉ có được một ý nghĩ cứng cỏi rõ ràng thôi, ý nghĩ rằng tôi sắp bị trễ, bởi vì mọi chuyện khác đều vô cùng hỗn độn. Tâm trí tôi như một đám bụi vần vũ trên một đống tường vữa đổ nát.
Vậy ba tôi vừa tốt vừa xấu. Tôi đoán là việc này tùy theo ai là người nhìn vào và nhìn từ góc độ nào. Với lại, ai ai cũng có một góc riêng của mình để nhìn từ đó, và không ai có những góc hoàn hảo để người đời nhìn vào, có lẽ ngoại trừ Chúa Jesus, mẹ Teresa, nhưng tôi cá là ngay cả các đấng này cũng từng làm một hai điều khả nghi trong đời họ. Dù sao đi nữa, tôi không muốn lo lắng về các góc nhìn của ba bởi vì ông không hiện diện ở đây. Má thì hiện diện và bà phải làm việc cực nhọc để chăm lo cho chúng tôi. Chẳng lạ gì khi bà thường quá mệt và cáu kỉnh, và vậy đó, tôi thích bà cứ quanh quẩn, gần gũi bên mình. Tôi muốn vậy lắm. Và với ý nghĩ đó, tôi thấy thương cảm vô cùng, nước mắt đang trào lên ở khóe mắt mình.
‘Tại sao má không cho mình biết mọi chuyện? Tại sao má lại nói là ba bị đau tim chứ?’ tôi lấy tay chùi mắt.
Barnaby thẫn thờ ngó ra con lạch, tay không dưng nhổ cỏ vô cớ.
‘Bởi vì lúc đó thì đơn giản hơn nhiều. Anh chỉ mới năm tuổi thôi, còn em chỉ là một đứa sơ sinh. Má nghĩ chuyện quá phức tạp để nói cho anh hiểu được, hoặc là chuyện đó quá đau lòng để nói ra. Vả lại, má muốn xa khỏi nó đi. Đó là khi mình dọn vào sống với bà ngoại, và má làm lại cuộc đời. Má muốn tiếp tục cuộc sống mới. Má vẫn định cho hai đứa mình biết khi mình đủ khôn lớn, nhưng chưa có dịp, cho tới giờ luôn, bởi vì tự anh tìm hiểu được.’
‘Em đâu có giận má. Em giận ba kìa.’
‘Ừ, anh biết chứ, nhưng em nên nhớ là khi đó ba trẻ lắm. Ổng chỉ mới hai mươi lăm tuổi thôi, chỉ lớn hơn anh bây giờ có sáu tuổi. Mà ba giúp cứu được vô số cánh rừng già. Chuyện đó thật quan trọng, đáng hãnh diện lắm chứ. Nếu ba ở nhà hoài thì đâu có làm được điều đó. Và khi ở nhà thì ba cũng giỏi lắm chứ. Anh còn nhớ mà. Ba hát cho mình nghe nè. Ba thiệt là vui.’
‘Em sắp trễ rồi.’
‘Anh biết. Em có sao không?’
‘Em không sao mà.’ Tôi có sao không à? Tôi đứng vững và mặt đất vẫn y nguyên như thường. Thấy vậy tôi mừng. Nhưng tôi có một cảm xúc giận dữ bên trong. Như thể tâm trí tôi tự cuộn mình vào một hòn đá to chênh vênh và tìm nơi để phóng mình tới. Nhưng nhắm tới cái gì đây? Tới cái khúc ngoặt đường núi mà ba tôi trượt xe chăng, tới ba tôi khi ông trở về nhà vì tôi chăng, hay tới tôi vì đã gây ra cơn khủng hoảng? hay tới cuộc đời vì nó không là một con đường thẳng không mô gò, mà luôn luôn ném bạn một khúc ngoặt mà bạn không thể bọc cua theo?
Và vì tôi không ném cơn giận ấy đi đâu được, nó vỡ vụn ra một ít và vơi dần đi, đầu tôi gục xuống, tôi thấy đôi chân mình trong đôi giày bẩn đứng trên con đường. Tôi nhón trên các ngón chân rồi giậm lại trên gót chân, rồi lại nhón, rồi lại giậm... cứ thế một lúc lâu. Tôi đang quyết định... Tôi không biết mình đang quyết định điều gì. Tôi chỉ có cái cảm giác rằng tôi có thể chọn điều này hay điều kia, tùy ở mình.
Tôi nghĩ, ít ra thì giờ cũng đã rõ ràng. Như thể một phần tăm tối nào đó trong tôi đã trở nên trong sáng, như một cánh cửa sổ mở toang. Tôi có thể nhìn qua nó một cách đúng đắn, và biết được mọi chuyện thế nào, bề ngoài của chúng và cảm giác về chúng như thế nào. Tôi không nhất thiết phải thích cái cảnh tượng đó, (ừm, tôi sẽ không bao giờ chọn cái cảnh tượng đó,) nhưng ít ra nó là một cái gì đó sẽ không đi mất, hay thay đổi, hay chết đi. Và Barnaby trở về, và như thường lệ má đang đọc tờ Sartuday Extra ở nhà, và Kite và Ruben và Caramella và Oscar đều đang chờ tôi, và chúng tôi vẫn là những Diễn viên Nhào lộn, bất kể cái điều mà cha tôi đã làm hay không làm trong những năm trước.
Như người ta hay nói trong phim, buổi diễn phải tiếp tục!
Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley - Martine Murray Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley